NGUYỄN AN
(Mất 1453)
Không phải ai cũng biết
Một người Việt chúng ta
Xây Cố Cung hoa lệ
Cho vua chúa Trung Hoa.
Hơn thế, người Việt ấy
Vốn là một hoạn quan,
Sử sách ít nhắc đến.
Người đó là Nguyễn An.
Là kiến trúc sư trưởng
Xây khu Tử Cấm Thành,
Một nhà đại trị thủy,
Thế mà chẳng lưu danh.
Tiếc, các nhà sử học
Mới biết ông gần đây.
Hình như sử Trung Quốc
Cố tình quên chuyện này.
Nguyễn An là thợ giỏi,
Quê ở vùng Hà Đông,
Một làng nghề nào đó,
Làng mộc hoặc làng đồng.
Khi mới mười sáu tuổi,
Ông đã theo người thân
Vào xây hoặc tu sửa
Các cung vua nhà Trần.
Năm Một Bốn Không Bảy,
Khi diệt xong nhà Hồ,
Quân Minh mang về nước
Nhiều trai Việt khôi ngô.
Sau đó họ bị thiến
Để trở thành hoạn quan.
Trong số những người ấy
Có chàng trai Nguyễn An.
Thấy ông giỏi tính toán,
Có biệt tài xây nhà,
Lại liêm khiết hiếm thấy,
Nên vua nước Trung Hoa,
Lúc ấy là Thành Tổ,
Đặc biệt rất tin dùng.
Vua giao ông phụ trách
Việc xây khu Cố Cung.
Nguyễn An, còn rất trẻ,
Mới ba mươi tuổi đời,
Được toàn quyền sai khiến
Khoảng mười tám vạn người.
Kể từ khâu thiết kế,
Lo vật liệu, thi công,
Đến hoàn thiện mỹ thuật,
Việc gì cũng do ông.
Phải là người nhân cách
Và tài năng cực kỳ
Mới làm nổi điều ấy,
Tránh được lời thị phi.
Một công trình tốn kém
Suốt hàng chục năm ròng,
Khó khăn và vất vả,
Cuối cùng cũng làm xong.
Nguyễn An được vua thưởng
Năm mươi lạng vàng nguyên,
Thêm một trăm lạng bạc
Và một vạn quan tiền.
Chưa kể tám tấn thóc
Và bài vị, sắc phong.
Tất cả để ghi nhận
Công và tài của ông.
*
Có một con sông lớn
Tên là sông Hoàng Hà,
Thường xuyên gây lũ lụt.
Ngẫm mà lòng xót xa.
Vua nhà Minh lần nữa
Phải nhờ ông ra tay,
Đem tài năng xuất chúng
Trị thủy con sông này.
Đích thân ông gia cố
Các công trình thủy nông.
Phu phen hàng chục vạn
Răm rắp nghe lời ông.
Sau đó ông lại “trị”
Con sông dữ Tắc Dương,
Sông Trạch Chư, Trương Thụ,
Nơi ông chết dọc đường.
Nguyễn An là gương sáng
Về làm việc hết mình,
Về tài năng, đức độ,
Liêm khiết và công minh.
Trên đường đến xây dựng
Đê đập ở Sơn Đông,
Ông chết, có trăn trối
Đừng xây lăng cho ông,
Mà dùng số tiền ấy
Cho dân chúng trong vùng,
Người không may gặp lụt,
Rơi vào cảnh khốn cùng.
*
Nhân tiện xin nhắc đến
Những người như Nguyễn An,
Các chàng trai Đại Việt
Bị biến thành hoạn quan.
Phạm Hoằng, một thợ giỏi,
Vua Anh Tông nhà Minh
Sai xây Vĩnh An Tự
Tây Nam thành Bắc Kinh.
Đó là một chùa lớn,
Vua hài lòng, gọi ông
Là “Bồng Lai Cát Sĩ”,
Cho khắc tên ghi công.
Thêm một người khác nữa,
Có tên là Vương Cần.
Ông tài giỏi đến mức,
Nghe kể lại, một lần
Người ta bỗng phát hiện,
Rằng ông là hoạn quan
Mà vẫn còn “cái ấy”,
Tội chém, không phải bàn.
Thế mà vua tha chết,
Cho ra sống ngoài đời.
Còn tặng mấy cung nữ,
Rồi có con - mười người.
Tuy nhiên, người giỏi nhất
Lại là Hồ Nguyên Trừng,
Một thiên tài quân sự,
Danh tiếng rất lẫy lừng.
Ông này, như ta biết,
Là con Hồ Quí Ly,
Bị bắt sang Trung Quốc,
Có số phận li kỳ.
Lịch sử Tàu ghi lại
Rất chính xác, rằng ông,
Lần đầu trên thế giới
Chế tạo súng thần công.
Nhờ loại vũ khí đó
Mà nhà Minh nhiều lần
Đánh bại quân phương Bắc,
Xem ông như vị thần.
Về sau, ông, người Việt,
Làm Thượng thư bộ Công
Của thiên triều Đại Hán.
Kể cũng đáng hả lòng.
LÊ LỢI
(1385 - 1433)
Năm Một Bốn Không Sáu,
Lấy cớ giúp vua Trần,
Quân nhà Minh xâm lược
Đem hai mươi vạn quân,
Dân phu hàng chục vạn,
Do Trương Phụ cầm đầu,
Hùng hổ đánh Đại Việt.
Đánh nhanh và tiến sâu.
Nhà Hồ thế lực yếu,
Lại không có tướng tài,
Nên liên tiếp thất bại,
Bị giặc đuổi dài dài.
Đầu Một Bốn Không Bảy,
Mất Thăng Long, vua Hồ
Rút quân về quyết định
Cố thủ thành Tây Đô.
Vào tháng Tư năm ấy,
Thế và lực đã suy,
Quân Minh kéo vào đánh,
Lần nữa, Hồ Quí Ly
Rút chạy vào Hà Tĩnh.
Và chỉ hai tháng sau
Ông bị giặc Minh bắt
Rồi đưa về nước Tàu.
Nhà Minh ngay lập tức
Xóa quốc hiệu nước ta,
Đổi thành quận Giao Chỉ,
Một phần nước Trung Hoa.
Chúng đặt nhiều thuế mới
Tăng lao dịch, lao công.
Nhân dân sống khổ cực
Luôn oán trách trong lòng.
Giặc nhà Minh phương Bắc
Diệt xong Hồ Quý Ly,
Quyết xóa văn minh Việt,
Không để lại chút gì.
Chúng đốt hết sách vở,
Hoặc chở về Yên Kinh.
Hoạn đàn ông Đại Việt,
Làm điêu đứng dân tình.
Chúng bắt, đưa về nước
Những người giỏi, người tài.
Tịch thu các thư tịch,
Các bia đá, tượng đài.
Lòng muôn dân ta thán,
Đâu cũng thấy bất bình.
Đúng lúc ấy xuất hiện
Vị anh hùng cứu tinh.
Người ấy là Lê Lợi,
Một chúa trại Lam Sơn.
Ông dấy binh khởi nghĩa,
Rửa mối nhục căm hờn.
Năm Một Bốn Một Sáu,
Cùng mười tám hiền tài,
Ông thề quyết đánh giặc
Trong hội thề Lũng Nhai.
Nhiều anh hùng, hào kiệt
Giúp ông dựng cơ đồ:
Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn,
Đinh Lễ, Lê Đa Bồ...
Năm Một Bốn Một Tám,
Ông phong vương cho mình,
Hịch kêu gọi dân chúng
Chống lại ách nhà Minh.
Nghĩa quân ông lãnh đạo
Tạm thất bại ban đầu,
Nhưng giành nhiều thắng lợi
Trong giai đoạn về sau.
Năm Một Bốn Hai Bảy
Cuộc kháng chiến thành công,
Khôi phục nền độc lập,
Vua và dân nức lòng.
Trong năm năm trị nước,
Ông làm được nhiều điều:
Lấy đất người giàu có
Đem chia cho người nghèo.
Soạn lại luật hình sự
Theo mô hình nhà Đường.
Lo chấn hưng văn hóa
Bằng cách xây thêm trường.
Các cơ cấu hành chính
Và bộ máy công quyền
Cũng được điều chỉnh lại
Theo hướng trọng người hiền.
Là anh hùng dân tộc,
Nhà quân sự đại tài,
Cuối đời, vua Lê Lợi
Cũng có nhiều điểm sai.
Ông thay ngôi thái tử,
Quá tin lời người thân,
Mà đang tâm bức hại
Cả những bậc trung thần.
Nguyễn Trãi bị tù tội,
Trần Nguyên Hãn quyên sinh.
Đó không phải là việc
Của đấng vua anh minh.
Năm năm trên ngôi báu,
Năm Một Bốn Ba Ba,
Hưởng thọ bốn tám tuổi,
Vua Lê Lợi băng hà.
TRUYỀN THUYẾT VỀ LÊ LỢI
Xung quanh vua Lê Lợi
Và cuộc khởi nghĩa này
Có khá nhiều truyền thuyết
Được lưu truyền xưa nay.
Truyện kể rằng Lê Lợi,
Khi chưa dựng sơn hà,
Có bạn tên là Thận,
Như anh em một nhà.
Thận làm nghề chài lưới,
Một hôm đi ra sông,
Thấy đáy nước phát sáng,
Rất nghi hoặc trong lòng.
Ông quăng lưới bắt cá,
Mãi không thấy cá đâu,
Chỉ vớt được thanh sắt
Dài một thước, xỉn màu.
Định vứt đi, nhưng tiếc,
Ông đem nó về nhà,
Vứt vào trong góc tối,
Đêm phát sáng chói lòa.
Một hôm Lê Lợi đến,
Thấy lạ, hỏi sự tình.
Rồi xin thanh sắt ấy
Đem nó về nhà mình.
Ông cho người rửa sạch,
Đánh bóng lớp gỉ đen,
Thấy trên đó chữ “Lợi”
Và hai chữ “Thuận Thiên”.
Hôm sau, bước ra cửa,
Thấy vỏ gươm bằng vàng,
Ông sụp lạy xuống đất
Rất cung kính, mà rằng:
“Nếu đây là gươm báu
Trời ban cho Lợi này,
Thì hãy làm phép lạ,
Cho nhập làm một ngay!”
Ông giơ thanh sắt nhỏ
Trước mặt mình, bất ngờ
Thanh sắt thành gươm sáng
Cho vào vỏ rất vừa.
Đêm hôm ấy bất chợt
Mưa gió to rất lâu.
Sáng dậy, vợ Lê Lợi
Khi đi ra vườn rau
Thấy bốn vết chân lớn,
Rất rộng và rất dài
Bà gọi chồng, muốn hỏi
Dấu chân này của ai.
Rồi hai người lại thấy
Chiếc ấn ngọc đắt tiền,
Trên mặt có chữ “Lợi”
Và hai chữ “Thuận Thiên”.
Về sau, lên ngôi báu,
Vua dùng hai chữ này
Làm niên hiệu Đại Việt.
“Thuận ý trời” là đây.
Lê Lợi liền vội vã
Đem nó giấu trong nhà,
Mừng được trời giao ấn,
Lo đại sự quốc gia.
*
Theo truyền thuyết, Lê Lợi
Luôn mang gươm theo mình,
Dùng nó chém đầu địch,
Đánh đuổi giặc nhà Minh.
Khi công thành danh toại,
Vua Lê Lợi một lần
Đi thuyền rồng du ngoạn
Trên mặt hồ Thủy Quân.
Bỗng Rùa Vàng xuất hiện,
Đòi gươm báu, và hồ
Đổi tên thành Hoàn Kiếm,
Ngay trong lòng thủ đô.
*
Truyền thuyết cũng kể lại,
Lê Lợi thời kỳ đầu,
Một lần bị giặc đuổi,
Phải chạy vào rừng sâu.
Ở đấy ông bất chợt
Thấy có một xác người,
Một cô gái, trên cỏ,
Khuôn mặt vẫn còn tươi.
Ông dùng gươm đào huyệt,
Đắp cho nàng nấm mồ,
Khấn, mong nàng phù hộ
Giúp ông dựng cơ đồ.
Khi quân Minh đuổi đến,
Ông trốn vào hốc cây.
Bầy chó cứ sục sạo
Rất lâu bên cây này.
Giặc sinh nghi, dùng kiếm
Đâm xuyên cây, trúng người.
Lê Lợi phải lấy áo
Lau kiếm sạch máu tươi.
Rồi chúng lấy lửa đốt.
Và từ thân cây già
Bất chợt một con cáo
Lông màu trắng chạy ra.
Bầy chó ùa theo đuổi.
Giặc bỏ đi vội vàng.
Lê Lợi may thoát chết,
Sụp lạy trước mộ nàng.
Nàng đã hóa thành cáo,
Chạy trước mặt đám đông,
Để thu hút bầy chó
Và giải cứu cho ông.
Về sau ông lập miếu
Thờ nàng như thờ thần,
Còn truy tặng danh hiệu
Là Hồ Ly Phu Nhân.
Nơi Lê Lợi thoát chết
Bây giờ là cánh đồng,
Có tên là Đồng Chó
Bên cạnh một dòng sông.
Ngày nay con sông ấy
Được gọi là sông Chu,
Nằm không xa Bái Thượng,
Nơi thường nhiều sương mù.
*
Khi hay tin Lê Lợi
Đang chiêu quân đánh Tàu,
Trần Nguyên Hãn cải dạng
Thành một anh bán dầu
Vào Đông Đô tìm cách
Gặp Nguyễn Trãi tiên sinh,
Người đang bị giam lõng,
Kiểm soát bởi quân Minh.
Rồi sau khi bàn luận,
Hai người trốn khỏi thành,
Lặn lội tìm minh chúa
Trong núi rừng xứ Thanh.
Được Nguyễn Trãi hiến kế
Với kế hoạch “Bình Ngô”,
Lê Lợi mời hai vị
Chung tay dựng cơ đồ.
Nguyễn Trãi sai lấy mật
Viết lên nhiều lá cây
Mọc bên sông gần đấy
Tám chữ nho thế này:
Lê Lợi là hoàng đế
Chữ “Lê Lợi vi quân”,
Bầy tôi là Nguyễn Trãi,
Chữ “Nguyễn Trãi vi thần”.
Tất nhiên kiến thấy mật
Liền bu đến rất đông.
Chúng ăn, đục xuyên lá,
Lá rơi xuống dòng sông.
Những chiếc lá có chữ
Nước cuốn đi khắp nơi,
Dân chúng nhặt lên đọc,
Nghĩ đó là ý trời.
Nhờ những chiếc lá ấy,
Người tìm đến đông dần,
Cùng tham gia khởi nghĩa,
Vì “Lê Lợi vi quân”.
*
Lại nữa, một lần nọ,
Giặc đuổi gấp phía sau,
Lê Lợi thấy hai cụ
Đang tát nước ruộng sâu,
Liền nhảy ào xuống ruộng,
Cởi áo, để ngực trần,
Giả làm người mò cá
Như con nhà nông dân.
Giặc kéo đến liền hỏi:
Thấy ai chạy qua không?
Hai cụ đáp: Không biết.
Chúng tôi mải làm đồng.
Thấy Lê Lợi có vẻ
Muốn nghe chuyện, bà già
Quát: Mày lo mò cá
Rồi còn sớm về nhà.
Giặc nghe thế, tưởng thật,
Liền bỏ đi, hai người
Mời về nhà nghỉ tạm,
Lúc ấy đã tối trời.
Trước bữa cơm giản dị,
Hai cụ lạy rồi thưa:
“Chúng tôi, lúc nguy khốn,
Có thất lễ với vua...”
Lê Lợi lạy rất thấp,
Cảm ơn hai cụ già.
Lúc thành vương, quay lại,
Vất vả tìm đến nhà
Thì hai cụ đã chết.
Để ghi nhớ ân sâu,
Ông cho lập miếu cúng,
Còn thụy phong tước hầu.
THƠ LÊ LỢI
1
Thân chinh đi dẹp giặc ở châu Thái Nguyên
Chỉnh quân, không ngại vượt đường xa.
Mong dân sơn cước sống yên hòa.
Vẫn thế xưa nay phường phản nghịch
Đất trời trừng trị, quyết không tha.
Ân phúc cho ai trung, trọng nghĩa.
Tấm thân khó giữ, kẻ gian tà.
Tín trung với nước, lòng không đổi,
Tên tuổi lưu danh với nước nhà.
2
Thân chinh đánh dẹp Diệu Cát Hãn 1) ở châu Phục Lễ
Giặc kia đừng hòng thoát.
Dân mong vua bao ngày.
Thời nào cũng có phản
Sơn cước yên từ nay.
Núi sông liền một dải.
Nay ta viết thơ này
Cho khắc lên núi đá,
Trấn giữ cả miền Tây.
1). Diêu Cát Hãn người dân tộc Thái vùng Thập Châu, nay thuộc Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, một số thủ lĩnh bộ tộc chưa quy hàng, trong đó có Diêu Cát Hãn.
3
Đánh dẹp Diệu Cát Hãn, trở về qua đường đê Long Thủy
Sá gì đường hiểm, sá gì công.
Già cả nhưng ta chẳng nản lòng.
Dũng khí xua tan mây, gió độc.
Lòng sáng tràn đầy cả núi sông.
Cần kế lâu dài lo xã tắc.
Liệu phương chuẩn bị giữ biên phòng.
Nghe đồn thác dữ ba trăm ngọn,
Nay thấy trôi xuôi nước một dòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét