Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 60

 

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

(1830 - 1871)

 

Ông là người theo Đạo.

Quê Nghệ An, Xã Đoài.

Bố học nhiều, biết rộng,

Một thầy thuốc có tài.

 

Ông học bố từ bé.

Vốn thông minh hơn người,

Nên rất giỏi chữ Hán.

Từng vang bóng một thời.

 

Là vì theo Công Giáo,

Ông không được đi thi.

Người đời gọi Trạng Tộ,

Dẫu không bằng cấp gì.

 

Năm ông hăm bảy tuổi,

Giám mục Gauthier

Mời vào tòa giám mục

Trong nhà thờ gần quê.

 

Ông dạy Cha chữ Hán.

Cha dạy ông tiếng Tây.

Chẳng bao lâu sau đó

Thông thạo thứ tiếng này.

 

Ngoài tiếng, Cha còn dạy

Cả văn minh, thơ ca.

Cả kiến thức khoa học,

Xa lạ với nước ta.

 

Năm Một Tám Năm Tám,

Giám mục Gauthier

Đưa ông sang Pháp học.

Ba năm sau mới về.

 

Trong thời gian ở Pháp,

Ông có đến Roma,

Cùng giám mục yết kiến

Đức Giáo Hoàng cao xa.

 

Về nước, đúng vào lúc

Pháp xâm chiếm Nam Kỳ.

Ông thành người thông dịch,

Dẫu không thích thú gì.

 

Vì vậy, xin giám mục

Cho phép được về quê.

Giúp dân chúng canh tác

Và đào Kênh Nhà Lê.

 

Sau đó ông thiết kế

Và chỉ đạo việc xây

Một công trình kiến trúc

Tồn tại đến này nay.

 

Đó là tòa Tu Viện

Của Dòng Thánh Phao-lồ.

Số Bốn Tôn Đức Thắng,

Quận Bến Nghé bây giờ.

 

Suốt đời ông tâm nguyện

Phụng sự nước và dân.

Thông qua những đề nghị

Về chấn hưng, canh tân.

 

Gần sáu chục văn bản

Ông gửi lên triều đình.

Khẩn cấp và thiết thực.

Chí nghĩa và chí tình.

 

Tiếc là triều Nhà Nguyễn

Đã không nghe lời ông,

Để đất nước lạc hậu.

Ngẫm mà thấy dau lòng.

 

Năm Một Tám Bảy Một,

Ông lặng lẽ qua đời.

Thọ chỉ bốn mốt tuổi.

Uổng phí một cuộc đời.

 

 

PHAN CHU TRINH

(1872 - 1926)

 

Là chí sĩ yêu nước,

Học rộng, tầm nhìn xa,

Suốt đời ông trăn trở

Với vận mệnh nước nhà.

 

Ông học hỏi cái mới

Từ Phương Tây văn minh.

Học Nhật Bản mở của

Để đổi mới chính mình.

 

Ông tìm đường cứu nước.

Hình như đã tìm ra.

Tiếc, không ai thực hiện.

Ừ tiếc cho nước nhà.

 

*

Vào năm hăm tám tuổi

Ông thi đỗ cử nhân.

Năm sau, đỗ phó bảng

Tiếng vang nức xa gần.

 

Sau đó, triều Nhà Nguyễn

Cho ông một chức quan,

Là Thừa Biện, Bộ Lễ.

Chức quan nhỏ và nhàn.

 

Hai năm sau, chán nản,

Ông từ quan về quê.

Đọc sách và suy ngẫm

Và kết giao bạn bè.

 

Ông vào Nam, ra Bắc,

Gặp gỡ rất nhiều người.

Cùng lý tưởng, chí hướng,

Để cứu mình, giúp đời.

 

Năm Một Chín Không Sáu

Ông trốn sang Quảng Châu

Gặp được người bạn lớn

Là Cụ Phan Bội Châu.

 

Rồi hai Cụ sau đó

Sang Nhật Bản, ở đây

Họ nghiên cứu, học hỏi

Cải cách của nước này.

 

Năm Một Chín Không Tám

Ông tham gia phong trào

Chống sưu thuế, bị bắt

Và tống vào nhà lao.

 

Năm Một Chín Một Một,

Ông được tha, một phần

Nhờ Hội Nhân Quyền Pháp

Và phản ứng của dân.

 

Ông lên tàu sang Pháp,

Vất vả một chuyến đi.

Viết Đông Dương Chính Trị

Và Dân Biến Trung Kỳ.

 

Ông lên án mạnh mẽ

Chuyện sưu thuế nhiễu nhương

Và chính sách cai trị

Của Pháp ở Đông Dương.

 

Cùng bốn nhân sĩ khác,

Năm Một Chín Hai Mươi,

Ông thành lập tại Pháp

Nhóm Ngũ Long, năm người.

 

Ba năm sau, về nước

Chí sĩ Phan Chu Trinh

Được đồng bào quốc nội

Chào đón rất nhiệt tình.

 

Ông viết thư, khẩn thiết

Gửi Toàn Quyền, yêu cầu

Hủy bản án quá nặng

Cho Cụ Phan Bội Châu.

 

Tháng Mười Một năm ấy,

Liên tiếp trong mấy ngày

Ông đăng đàn diễn thuyết

Về Luân Lý Đông Tây.

 

Về Chủ Nghĩa Quân Trị

Và Dân Chủ Cộng Hòa

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nức lòng người gần xa.

 

Tháng Ba, năm Hai Sáu,

Ông lâm bệnh, từ trần.

Để lại niềm thương tiếc

Sâu sắc trong lòng dân.

 

*

Ông là nhà cách mạng

Nhưng chủ trương ôn hòa.

Tạm thời chưa lật Pháp

Để độc lập quốc gia.

 

Mà phải, KHAI DÂN TRÍ.

Bỏ phong kiến hủ Nho.

Mở trường dạy Quốc Ngữ,

Dân chủ và tự do.

 

Rồi đến CHẤN DÂN KHÍ.

Để tự lực, tự thân.

Qua văn minh, văn hóa,

Giác ngộ cho người dân.

 

Tiếp nữa, về kinh tế,

Đó là HẬU DÂN SINH.

Khai hoang rồi lập hội,

Lo sản xuất, mưu sinh.

 

Đó là những chính sách

Ít nhiều giống Duy Tân

Ở xứ sở Nhật Bản.

Khả thi và thực cần.

 

Ông phản đối bạo động.

Chống xu hướng cải lương.

Quan trọng là Dân Trí,

Dân Khí và Tự Cường.

 

Nhờ Duy Tân, nước Nhật

Mới được như ngày nay.

Những chủ trương của Cụ,

Dẫu đúng đắn, tiếc thay,

 

Không trở thành hiện thực,

Làm ta, kẻ hậu sinh,

Chỉ biết tiếc, có lỗi

Trước Cụ Phan Chu Trinh.

 

 

PHAN BỘI CHÂU

(1867 - 1940)

 

Phan Bội Châu ngày bé

Gọi là Phan Văn San,

Cha là Phan Văn Phố.

Mẹ là Nguyễn Thị Nhàn.

 

Ông là người Xứ Nghệ.

Làng Đan Nhiễm, Nam Hòa,

Huyện Nam Đàn, nổi tiếng

Đất của nhiều Nho gia.

 

Khi mới lên sáu tuổi,

Sáng dạ và thông minh.

Trong ba ngày đọc thuộc

Hết cuốn Tam Tự Kinh.

 

Bảy tuổi, ông đọc hiểu,

Thậm chí thuộc nhiều chương,

Luận Ngữ của Khổng Tử.

Quả đúng là phi thường.

 

Mười ba tuổi, thi huyện,

Ông đỗ đầu, đỗ ngay.

Mười bảy tuổi đã viết

Hịch Thu Bắc Bình Tây.

 

Ông viết và dán nó

Lên cổng làng, gốc si

Để ủng hộ khởi nghĩa

Chống Pháp ở Bắc Kỳ.

 

Mười chín tuổi, thành lập,

Cùng bạn Trần Văn Lương,

Đội nghĩa quân chống Pháp,

Gọi là Đội Cần Vương.

 

Đến lúc ông thi Hội,

Thì phạm tội “tày trời”,

Là “hoài hiệp văn tự”,

Tức giấu bài trong người.

 

Vì thế ông bị phạt

“Chung thân bất ứng thi”.

Tức suốt đời bị cấm

Không được vào trường thi.

 

Năm Một Tám Chín Sáu

Ông bỏ vào Phú Xuân,

Nay là thành phố Huế,

Để dạy học kiếm ăn.

 

Nghe tiếng ông học giỏi,

Các quan lớn tức thì

Tâu, xin vua Thành Thái

Tha ông tội cấm thi.

 

Ngay mùa thi năm ấy

Ông thi đậu Giải Nguyên.

Bài xuất sắc, vượt trội.

Tiếng tăm càng lưu truyền.

 

Trong năm năm sau đó

Ông ngược xuôi khắp nơi

Tìm người cùng chí hướng

Và tìm được nhiều người.

 

Đó là Huỳnh Thúc kháng,

Nguyễn Hàm, Nguyễn Thượng Hiền,

Lê Huân, Ngô Đức Kế,

Phan Chu Trinh, Nguyễn Quyền...

 

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để,

Thuộc dòng dõi đế vương,

Được ông chọn lãnh đạo

Phong Trào mới, Cần Vương.

 

Năm Một Chín Không Bốn,

Sau trì hoãn nhiều lần,

Cùng hai mươi người khác,

Ông lập Hội Duy Tân.

 

Rồi cùng Tăng Bạt Hổ,

Ông đi Nhật, đi Tàu

Xin hỗ trợ tài chính

Cho Hội, buổi ban đầu.

 

Ở Tàu, ông đã gặp

Lãnh tụ Lương Khải Siêu.

Ông này tiếp trọng thị

Và gợi ý nhiều điều.

 

Trong đó có cả việc

Dùng văn hóa, thơ văn

Để thức tỉnh ý thức

Và nghĩa vụ người dân.

 

Ông nghe theo, đã viết

Cuốn Huyết Lệ Tân Thư,

Việt Nam Vong Quốc Sử

Và cuốn Ngục Trung Thư...

 

Những cuốn sách khích lệ

Nhiều thanh niên nước ta.

Đúng lúc Nhật đại thắng

Trong chiến tranh với Nga.

 

Nhiều người trẻ yêu nước

Nghe theo lời của ông

Sang nước Nhật học hỏi,

Mỗi ngày một thêm đông.

 

Phong trào ấy được gọi

Là Đông Du - thanh niên

Học để về chống Pháp,

Đưa đất nước tiến lên.

 

Ngày Ba Mươi tháng Sáu

Năm Một Chín Hai Lăm

Ông bị Pháp bắt cóc,

Di lý về Việt Nam.

 

Tòa đại hình tuyên phạt

Án khổ sai chung thân.

Nhưng trước sự phản đối

Mạnh mẽ của nhân dân,

 

Cuối cùng án được dổi

Thành quản thúc tại gia.

Thi hành án ở Huế

Cho đến lúc về già.

 

Từ Một Chín Hai Sáu

Đến Một Chín Bốn Mươi

Ông sống ở Bến Ngự,

Rồi lặng lẽ qua đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét