Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Truyện mi-ni




Truyện Mi-ni Hay
NỮ THẦN HY LẠP

Không hề biết mình có khuôn mặt với những đường nét tuyệt đẹp như một nữ thần, nàng ngồi bán bún riêu trong khu chợ ẩm ướt và bẩn thỉu.


Chiếc mũi thon, dài và thẳng. Đôi mắt sâu đen, không chút trang điểm. Mái tóc xoăn tự nhiên bó sát chiếc đầu thon nhỏ. Phía dưới là chiếc cổ dài với những sợi tóc mềm ươn ướt vì mồ hôi. Dưới nữa thì bị chiếc áo phin màu gụ che kín, nhưng dễ dàng thấy rõ hai bờ vai xuôi.

Hắn sững sờ nhận ra vẻ đẹp cổ điển ấy khi ngồi ăn phở ở quán bên cạnh. “Một nữ thần Hy Lạp”, hắn nghĩ, rồi lục lọi trong đầu xem nàng giống ai. Nữ thần Artemite? Diana? Hay thậm chí Hera? Hắn không thể nói cụ thể là ai, nhưng nghĩ nàng có lẽ giống Helen hơn cả, dù Helen chỉ là một người đàn bà trần tục và là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến thành T’roa nổi tiếng. “Không quan trọng, hắn nghĩ. Nàng là một nữ thần. Một nữ thần bằng xương bằng thịt, thậm chí có thể chạm tay vào được”. Hắn chợt rùng mình với ý nghĩ thô tục đó.

Từ hôm ấy sáng nào hắn cũng đến ăn bún riêu ở quán nàng, dù đó là món xưa nay hắn không thích. Chỉ thỉnh thoảng hắn mới dám ý tứ liếc nhìn nữ thần của mình, vì hắn là người có học và tử tế.

Sau một tháng thì hắn bắt chuyện và được nàng đáp lại bằng những câu ngắn gọn nhưng dường như vô cảm giống vẻ mặt tư lự của nàng.

Một hôm, tức là thêm một tháng sau đó, nhân khi vắng khách, nàng chợt hỏi:

“Anh nhìn em?”

“Vâng”, hắn thật thà đáp.

“Anh thích em lắm à?”

Hắn đớ người, hồi lâu không biết nói gì. Rồi với sự can đảm đến táo tợn mà chính hắn cũng không ngờ tới, hắn nói.

“Vâng. Rất thích... Anh muốn em... Em có thể đến nhà anh một lần được không? Anh độc thân. Anh sẽ cho em tiền”.

Hắn chờ đợi sẽ bị nàng mắng hay thậm chí cho một cái tát vào mặt.

Nhưng không. Một lúc sau nàng đáp, tự nhiên, giản dị, với vẻ mặt tư lự và thánh thiện vốn có của một nữ thần.

“Em sẽ đến. Con đang ốm và em cần tiền. Nhưng chỉ một lần thôi nhé”.

Rồi cũng với vẻ giản dị và thản nhiên như vậy, nàng nhét vào túi mảnh giấy nhỏ ghi số điện thoại và số nhà của hắn.

*
Gần ba mươi năm đã trôi qua.

Nữ thần Hy Lạp ngừng bán bún riêu cách đây năm năm do phải ở nhà trông cháu. Có già đi chút ít, nhưng nàng vẫn là nữ thần, chí ít trong con mắt hắn.

Còn hắn đã là người nổi tiếng, và vẫn tử tế như xưa. Sau hôm ấy hắn vẫn đều đặn ăn bún riêu của nàng mỗi buổi sáng, cho đến tận ngày cuối cùng nàng nghỉ. Chỉ để được nhìn thấy nàng. Hai lần hắn gợi ý nàng về nhà mình, nhưng nàng lắc đầu.

“Thần Sấm nhà em hay ghen lắm. Vả lại, chỉ một lần, nói rồi”.

“Thần Sấm, tức là thần Zớt, chúa tể của tất cả các thần trên đỉnh Olimpia”, hắn nén thở dài, nhìn nàng chăm chú nhưng không nói gì, và cũng không bao giờ gợi ý thêm. Nàng đối xử với hắn không khác mấy mọi người, ngoại trừ một chút thông cảm trong lời nói và ánh mắt.
Lạ là hắn vẫn độc thân. Có người hỏi vì sao, hắn chỉ cười cho qua chuyện, nhưng trong đầu thì nghĩ: “Được ngủ với một nữ thần, dẫu chỉ một lần, cũng đủ lắm rồi”.


CHIẾN TRANH

Ba mươi năm trôi qua kể từ ngày chiến tranh kết thúc.
      Một sáng nọ ông cụ ngủ dậy, bảo vợ.:
      - Tôi đi bà nhé?
      Bà cụ, cũng già và ốm yếu như chồng, lúc ấy đang hý húi đun nước dưới bếp, đáp:
      - Ừ thì ông đi, một khi không thể không đừng được. Đi mà đưa nó về.
      Nó là con trai duy nhất của họ, chết trong trận nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Quảng Trị.
      Khi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ cho chồng, gồm chiếc ba lô cũ từ thời chống Pháp, nắm cơm và ít tiền, bà cụ nói thêm:
      - Ông đi, xong việc rồi ta nghỉ.
      - Ừ.
      Ông cụ đáp, bước ra khỏi nhà, thong thả đi về phía hướng ga Mỹ Lý rồi từ đó lên tàu chợ đến Quảng Trị để bốc mộ con mang về quê an táng, một việc muốn đã lâu nay mới làm được.
     Tôi là cháu gọi cụ bằng bác, lúc ấy đang về quê nghỉ phép. Tôi xin được đi cùng nhưng cụ không chịu.
      Mười ngày sau, cụ quay về. Tôi gặp cụ ở ga Mỹ Lý vì đang có việc phải vào Vinh. Chiếc ba lô cũ trên vai bây giờ căng phồng. Anh con trai duy nhất của cụ đang ở trong đó.
      Buổi chiều. Trời có vẻ sắp mưa. Tôi đứng lặng, nhìn theo bác tôi lầm lũi bước đi về làng. Mái đầu bạc, thân hình gầy gò, cái lưng còng giờ còng thêm vì anh con to lớn hai mươi tuổi trên vai.
      Và tôi nghĩ về chiến tranh cùng những điều khủng khiếp của nó. Và rằng cả tôi, nay là một ông già tóc bạc ngoài sáu mươi, do số phận dun dủi, có thể cũng hy sinh trong cuộc chiến tranh ấy, và cũng được bố tôi cõng trên lưng như thế đi suốt chiều dài đất nước, suốt cả cuộc đời đau khổ của mình.
      Một tháng sau khi chôn cất anh con vào nghĩa trang dòng họ, cả hai bác tôi qua đời. Không ốm đau và gần như cùng một lúc.
      “Ông đi, xong việc rồi ta nghỉ”.


MẶT NẠ

Nhà đông người, nhưng không ồn ĩ, vì người ta đang tập trung trước giờ hấp hối của một trong những người thân của họ. Hơn thế, người hấp hối lại danh giá, nổi bất nhất và là niềm tự hào xưa nay của cả dòng họ. Một ông quan. Quan xưa đã ghê gớm, quan cách mạng bây giờ còn ghê gớm hơn.
Với nét mặt đau buồn hoặc cố gượng đau buồn, người ta khe khẽ trao đổi với nhau đôi câu thường thấy trong những trường hợp thế này. Những lời hỏi thăm, an ủi chiếu lệ. Những cái chép miệng, thậm chí cả những giọt nước mắt. Bà vợ và cô con gái đã lớn của người hấp hối luôn đi lại trong căn phòng chật cứng, mời nước, mời thuốc và thi thoảng nói đôi lời, cũng rất chiếu lệ.
Người hấp hối nằm ở phòng bên, trên chiếc giường rộng trải vải trắng toát. Trong phòng không có ai vì bác sĩ yêu cầu để ông được yên tính dẫu chỉ một chốc.
Đó là một người đàn ông da ngăm đen, khá gầy nếu xét qua đôi tay và chân trần lộ ra dưới lớp vải. Nhưng bù lại, ông có khuôn mặt đầy đặn, hồng hào, có thể nói rất ưa nhìn, dẫu ít nhiều xa lạ. Nhìn nó, người ta chẳng biết nó đang khen hay chê mình, đang cười, dửng dưng hay thậm chí đang khóc. Thành ra, khuôn mặt đầy đặn có vẻ cởi mở ấy rốt cục vẫn kín mít và vô cảm. Ông còn trẻ, chưa đến sáu mươi nhưng đã là một cán bộ cấp cao, rất cao, và chắc chắn sẽ còn lên cao nữa nếu không bị căn bệnh ung thư quái ác này cản đường. Có thể khuôn mặt mở mà kín đáo, thân thiện mà vô cảm ấy của ông có góp phần mình trên con đường thăng tiến.
Ở phòng ngoài, bà mẹ bảo cô con gái:
“Con vào với bố đi. Đừng để bố một mình như thế”.
Cô gái, một sinh viên năm cuối trường Ngoại Giao, lẳng lặng làm theo lời mẹ. Vừa mở cửa, cô chợt nghe có tiếng gì đấy rơi, kêu đánh keng trên sàn nhà đá cẩm thạch. Trên giường, người hấp hối nằm đầu ngoẹo sang một bên. Cái vật rơi ấy chắc từ người ông. Cô vội chạy lại và thấy bố đã chết. Đúng lúc định kêu lên gọi mẹ thì cô phát hiện thấy một điều rất khác thường. Đó là khuôn mặt bố cô. Nó không còn hồng hào, dễ mến và đầy đặn như vốn có. Thay vào đó là một khuôn mặt xa lạ, xấu, gian hiểm, gầy và đen xạm như đôi chân và tay. Cô ngạc nhiên không tin vào mắt mình, đến mức không biết phải làm gì. Bất chợt cô nhìn xuống sàn nhà và thấy cái gì đấy mỏng, bằng kim loại. Mặt nạ! Chiếc mặt nạ bố cô vẫn đeo suốt đời mình. Có lẽ giờ chết không cần nữa, nó mới rơi xuống. Cô cúi nhặt, cầm nó trên tay, không phải không thoáng lo sợ.
Lưỡng lự một chốc, cô sửa đầu bố nằm thẳng rồi vội vàng đặt chiếc mặt nạ lên mặt ông. Khuôn mặt ông lại ửng hồng, cởi mở và đôn hậu. Nó nhìn cô với vẻ hài lòng.
Trong tiếng khóc thút thít, tiếng chia buồn và tiếng những bước chân cuống quít, người ta liệm người chết vào quan tài. Tiếp đến là dòng người xếp hàng để nói lời vĩnh biệt, bày tỏ lòng thương xót và kính trọng với chiếc mặt nạ nằm sau ô kính nhỏ.


CHUYỆN LÀNG VÀ NGƯỜI LÀNG

Hồi cải cách ruộng đất năm 1956 tôi còn nhỏ, nhưng cũng đủ lớn để chứng kiến khá nhiều chuyện xẩy ra trong làng. Mãi đến giờ tôi vẫn không sao quên nổi cái không khí điên khùng, kỳ cục những ngày ấy. Cả làng như trong cơn lên đồng tập thể. Đêm nào cũng họp hành, đấu tố. Hàng xóm đấu hàng xóm, thằng ở đấu ông chủ, có cả trường hợp anh em đấu nhau hay thậm chí con cái đấu cha mẹ. Toàn những mày tao chi tớ, nhổ nước bọt, chỉ tay dí mặt trông mà khiếp. Ban ngày thì cả làng kéo nhau đi xem xử bắn bọn “gián điệp” và “cường hào gian ác”. Làng mình không hoặc chưa có thì xem ở làng khác.
Nổi bật nhất là lễ rước “quả thực”, tức là lễ rước khắp làng những của cải, đồ đạc tịch thu của địa chủ trước khi chia cho dân làng. Vui lắm, thích lắm. Nhưng địa chủ thì ít, lại chủ yếu thuộc diện qui chụp theo chỉ tiêu trên giao xuống, nên chẳng có nhiều “quả thực” để chia. Thế mà ai cũng hỉ hả ra mặt. Không đâu người ta cho mình cái này cái nọ, hỏi làm sao không vui? Nhà tôi thuộc diện bần cố nông nên cũng được một cái chum và nửa con trâu, chung với ông bác. Bố mẹ tôi cũng hỉ hả lắm, dù tôi biết hai cụ chưa bao giờ phải đi ở hay làm thuê cuốc mướn cho tên địa chủ nào. Qua vụ này, tôi đâm ra ghét mấy ông bà nông dân tham lam, tráo trở.
Chỉ đạo toàn bộ cuộc lên đồng tập thể kéo dài cả tháng ấy là hai ông Đội, một từ Vinh, một từ tận trung ương về. Ông trung ương là người làng, có tên Hoạt, nghe nói ông tự xung phong, chứ cỡ ông không ai xuống cấp xã. Ông này trạc ba mươi lăm, bốn mươi tuổi, người vạm vỡ, ít nói và có thói quen chốc chốc lại ngúc ngắc đầu như đang cố xua một con ruồi vô hình.
Để nêu gương cách mạng, ông chọn ở nhà lão Thọt theo phương châm ba cùng, là cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, mặc dù ông chỉ về ngủ vào lúc đêm khuya, trên cái giường duy nhất trong nhà. Lão Thọt thì ngủ trong ổ rơm dưới bếp, thường có tôi ngủ cùng vì lão có cả một kho truyện ma để kể. Bù lại, ban ngày tôi nhổ tóc bạc và bắt rận cho lão. Không hiểu sao người ta gọi Thọt khi lão đi đứng bình thường như mọi người. Lão còn khỏe mạnh dù đã hơn sáu mươi, trước từng đi lính sang Dijon bên Pháp. Nhưng lão mù, mà cũng mới đây thôi, sau một lần đau mắt và được ông thầy lang làng bên chữa bằng cách đắp hai con nhái đã nướng chín lên mắt.
Mấy ngày sau khi Đội về, đêm nằm lão bảo tôi:
“Chúng nó bắt đầu ăn thịt nhau đấy, mày ạ?”
“Sao phải ăn thịt nhau?” tôi hỏi.
“Rồi mày xem. Bọn này chẳng hay ho gì đâu”.
“Bọn nào ạ?”
“Bọn Đội. Bọn chó chết. Nhất là thằng Lan”.
Lan là tên anh Đội thứ hai. Hắn còn trẻ nhưng rất hống hách, chuyên xúi người ta đấu nhau, và là thằng đầu têu đánh dã man những người bị qui oan. Đã thế hắn còn tham ăn và háu gái. Người ta thấy hắn bắt gà vịt và sờ mông, bóp vú đàn bà giữa ban ngày ban mặt mà chẳng ai dám nói gì. So với hắn, ông Hoạt còn tử tế hơn nhiều, mặ dù vì ông khối người phải khốn khổ.
Một tối nọ cô Bích, cháu đằng ngoại của lão Thọt, tấm tức chạy đến bảo lão cô bị hắn đè ra hiếp, dọa nếu không chịu, cả nhà cô sẽ bị qui địa chủ, tức là bị xử bắn. Lão Thọt nghe không nói một lời nào. Đêm ấy tôi nghe lão nghiến răng kèn kẹt mãi. Tối hôm sau, lúc ấy đã khuya, lão chui vào ổ rơm, ôm chặt tôi rồi thì thầm:
“Tao giết hắn rồi!”
“Giết ai?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Thằng chó chết ấy chứ còn ai nữa. Chém một phát đứt ngang cuống họng. Ngoài đíếm canh”.
“Nhưng bác mù…”
“Mù ít thôi. Tao giả vờ đấy. Cấm mà bép xép với ai nhé! Tao giết!”
Khỏi phải nói cả làng bị một phen điêu đứng thế nào. Người ta khám từng nhà, tra khảo từng người. Có hẳn một đoàn công an từ huyện về mà cuối cùng vẫn không tìm ra thủ phạm giết thằng Lan. Tất nhiên không ai nghi ngờ lão Thọt, vì lão mù.
Dần dần mọi chuyện cũng lắng xuống. Tiếp đến là sửa sai và làng lại đi vào nếp cũ. Ông Hoạt quay ra Hà Nội với công việc xưa nay của mình trong ngành an ninh. Ông thăng quan tiến chức nhanh chóng và chẳng bao lâu trở thành người danh giá nhất làng, đặc biệt khi ông về thăm quê bằng ô tô con, chiếc đài bé xíu đeo bên hông. Ở thủ đô, lần nào gặp mặt đồng hương xã nhân năm mới ông cũng có mặt, và đương nhiên ngồi ở chỗ nổi bật nhất, được trọng vọng nhất. Tôi cũng mấy lần bắt tay, nói chuyện với ông, kiểu xã giao thôi, do chênh lệch tuổi tác và nghề nghiệp. Tôi tặng ông một vài cuốn sách tôi viết, và ngạc nhiên khi biết ông đọc chúng, thậm chí đọc kỹ. Thỉnh thoảng ông còn gọi điện nhận xét. Hình như ông thích tôi, không biết vì sao, nhưng tôi có cảm giác như thế. Một lần vui miệng, ông nói ông đã cứu tôi khỏi bị công an bắt.
“Ngày mới về nước, cậu viết mấy bài thơ ủy mị, kêu khổ. Chúng nó đưa vào sổ đen, định bắt nhưng tớ đỡ cho, bảo người cùng làng và thằng ấy tốt nên mới thôi”.
Tôi cảm ơn ông và chẳng biết nói gì thêm. Tôi có biết mình bị theo dõi, nhưng bị bắt và đi tù như một số văn nghệ sỹ lúc ấy thì quả thật không ngờ tới. Mà rồi tôi chỉ mới tập tạnh vào nghề chứ đâu đã thành danh như bây giờ.
Một hôm, cách đây khoảng ba năm, ông gọi điện cho tôi và nói, giọng quan trọng:
“Cậu đến ngay nhà tớ, có việc muốn nhờ!”
Đến nơi, tôi ngạc nhiên thấy ông đang đứng chờ trước cổng nhà, mặc bộ quân phục đại lễ, huân huy chương đầy ngực. Ông vội chui vào xe và nói như ra lệnh:
“Lên Chèm! Khoan hẵng hỏi. Tớ sẽ chỉ đường.” Ông vẫn chưa quên cái giọng nói chuyện với cấp dưới khi ở cơ quan, dù đã về hưu hai chục năm nay.
Tôi lặng lẽ làm theo, tò mò muốn biết chuyện gì đang xẩy ra.
Cuối cùng, ông bảo tôi dừng xe bên sông Hồng, cách đền Ông Trọng không xa. Lúc ấy đã sáu giờ và mặt trời đang tắt dần ở phía Tây. Tôi theo ông đi xuống mép sông, vẫn hoàn toàn chưa biết ông định làm gì. Ở tuổi tám mươi, trông ông còn khỏe và cao lớn. Cái đầu vẫn thỉnh thoảng lắc lắc như xưa. Thế mà nghe nói như ông đang bệnh nặng.
Chỗ sông này nước xuáy, ăn lõm vào bờ khá sâu. Ông đứng lên tảng đá lớn sát bờ, ra hiệu tôi lại gần và nói, cũng bằng cái giọng ra lệnh lúc nãy:
“Hãy nhìn cho kỹ những gì tớ sắp làm…”
“Bác định làm gì?” tôi hỏi, không dấu nổi sự ngạc nhiên và sợ ông nhảy xuống sông tự tử.
“Cậu sẽ biết ngay đây. Tớ chỉ cần cậu như một người làm chứng”.
Rồi ông thong thả cởi từng chiếc huân, huy chương trên bộ quần áo đại lễ màu trắng, vứt mạnh xuống dòng nước chảy xiết. Khoảng dăm chiếc. Tôi không biết đó là huân, huy chương gì.
“Xong. Ta về! Coi như cậu trả ơn tớ không cho công an bắt ngày nào.”
“Vì sao bác làm thế?” tôi hỏi khi đã ngồi trên ô tô.
“Vì tớ sắp chết”. Biết tôi đang ngạc nhiên, ông nói tiếp: “Mà trước khi chết ai cũng muốn lòng mình thanh thản”.
“Vâng, nhưng chuyện này liên quan gì đến mấy chiếc huân chương?”
“Tại chỗ nước xuáy kia, sau khi cướp chính quyền năm bốn lăm, tớ đã giết một lãnh tụ đảng Việt Quốc. Bắt cóc giữa đường, cho vào bao tải rồi ném úm xuống đó. Ban đêm, tất nhiên, và cùng hai đồng chí khác của Nha cảnh sát cách mạng”.
Tôi ngồi im.
 “Và người ta tặng huân chương cho tớ về việc ấy”, ông hạ giọng, vẻ chua chát.
Im lặng một lúc, tôi nói, cốt để an ủi ông:
“Cái thời nó thế thì phải thế. Vả lại, đấy là nhiệm vụ cách mạng giao.”
“Đành vậy, nhưng dẫu sao… Nếu là tớ, cậu có thể chết thảnh thơi được không?”
“Không”.
Khi xe về gần đến nhà, tôi hỏi:
“Sao bác không bảo con cháu làm cái việc bác nhờ tôi hôm nay?”
“Cái bọn hời hợt, hãnh tiến ấy, nhờ để chúng phá à? Chúng chỉ có một niềm tự hào duy nhất là con cháu cán bộ cách mạng lão thành”.
Rồi ông vội vã đi vào nhà, quên cả chào từ biệt tôi.


NHỮNG NGÔI SAO SÁNG

Ngày nhỏ đọc truyện Tam Quốc, tôi thấy mỗi lần có vị tướng tài hay ông quân sư giỏi nào đấy chết là một ngôi sao lớn lóe lên rồi vụt tắt, để lại vệt sáng lớn trên bầu trời. “Ngôi sao to bằng chiếc đấu” -  người ta viết như vậy. Nghĩa là những vị tài giỏi ấy không chỉ được người mà cả trời đất yêu quí.
Cũng ngày nhỏ, một lần tôi được bọn bạn có bố mẹ theo đạo dẫn đi xem lễ Giáng Sinh ở nhà thờ làng trên. Chúng dẫn tôi đến một góc vườn nhà thờ được trang trí bằng đèn nhiều màu. Trong chiếc nôi giữa đám cỏ khô là một đứa bé bằng gỗ quét sơn hồng - Chúa Jesus. Chúng bảo tôi Chúa được sinh trong máng cỏ chuồng ngựa, và đúng lúc Ngài ra đời, một ngôi sao lớn xuất hiện trên bầu trời, theo đó ba nhà thông thái phương Đông tìm đến tặng quà cho mẹ con Ngài. Cạnh máng cỏ lúc ấy có chiếc đèn lồng năm cánh dán giấy bóng màu xanh, tượng trưng cho ngôi sao. Tôi hỏi vì sao khi Chúa sinh lại xuất hiện ngôi sao? Chúng bảo đó là bằng chứng Ngài được yêu mến và mong đợi.
Vậy là rõ: Những ai được người khác yêu mến khi sinh hoặc chết đều được trời đánh dấu bằng những ngôi sao sáng. Tôi đã nghĩ và tin như vậy.
Tôi có một người ông rất khác thường, nhiều người cho là gàn dở, nhưng tôi thì rất yêu. Ông cao lớn, trực tính, ăn to nói lớn và rất tốt bụng. Ngày bé tôi nghịch thường bị bố đánh, và ông luôn che chở cho tôi. Ông hay đưa tôi đi chơi xa, kể đủ thứ chuyện thú vị ông biết hay tự phịa ra. Đêm tôi chui vào ổ rơm ngủ với ông nhiều hơn ngủ ở nhà. Cuối năm 1959 ông tôi mất. Khỏi nói tôi buồn và thương nhớ ông thế nào. Đêm hôm ấy tôi ra đồng Rục, đứng trên gò đất cao nhìn như dán khắp bầu trời xem có ngôi sao nào lóe sáng không. Cuối cùng tôi đã nhìn thấy nó, vào lúc gần sáng. Một ngôi sao đổi ngôi rất sáng ở phía chân trời. Vậy là ông tôi là người tốt, được yêu mến và khi chết đã biến thành sao. Không bằng ngôi sao lớn như chiếc đấu của Khổng Minh, nhưng là một ngôi sao đẹp.
Ba mươi năm sau tôi lấy vợ và sinh con đầu lòng, con gái. Hôm ấy bầu trời đen kịt vì đang có mưa, nhưng khi ngước nhìn lên, tôi nghĩ tôi đã nhìn thấy sau lớp mây dày đặc một ngôi sao lấp lánh, đẹp như ngôi sao báo hiệu sự ra đời của Chúa.
Lại ba mươi năm nữa trôi qua, cách đây hai tháng, tôi có cháu ngoại. Hôm ấy vợ chồng tôi ở Vũng Tàu. Tôi đưa vợ tôi lên tầng cao nhất của tòa nhà hai mươi hai tầng nơi con tôi sống. Cao trên đầu chúng tôi là cả một trời sao tuyệt đẹp. Ngôi nào cũng xanh, nhấp nháy và trẻ trung đến lạ kỳ. Hơn thế, cũng hôm ấy, giờ phút ấy, người ta đang bắn pháo hoa ở Đà Nẵng, có thể một phần để chào mừng sự ra đời của cháu tôi.
“Cả trời sao đẹp thế này là để chào đón cháu mình ra đời đấy”, tôi bảo vợ.
Vợ tôi không hiểu, nhưng có vẻ xúc động bởi lời nói bóng bẩy, lãng mạn ấy. Bà đứng lặng. Trong đôi mắt ngước nhìn lên lấp lánh hai giọt nước mắt. Hai ngôi sao.
      Còn tôi, tôi nóng lòng chờ cháu chóng lớn để kể cho nó nghe về ngôi sao của cụ nó, mẹ nó và cả của nó. Tôi thầm hứa với cháu rằng tôi sẽ cố sống tốt, thật tốt, để một ngày nào đó, có lẽ cũng không còn xa, khi tôi chết, nó, mẹ nó, bà nó và nhiều người khác sẽ thấy một ngôi sao, có thể không lớn lắm, nhưng xanh, đẹp, lóe sáng trên bầu trời như ngôi sao của ông tôi ngày xưa.
      Cũng có nghĩa rằng tôi, một người tốt, khi chết, sẽ được hóa thành sao.


LÀNG VÔ THẦN

Sau bốn mươi lăm năm xa xứ, ông trở về thăm làng lần đầu. Nghe nói ông là Việt kiều Mỹ rất giàu và đang có ý định làm từ thiện lớn nên người ta rất quan tâm và chào đón thái quá, đôi khi khiến ông thấy bất tiện.
Ngay trong buổi tiếp đầu tiên do trưởng thôn tổ chức, có cả bí thư chi bộ và đại diện thanh niên, phụ nữ, ông bí thư đảng nói không úp mở:
“Trước làng ta có Chùa Mít. Chắc bác còn nhớ? Chiến tranh phá mất rồi. Mà đền chùa là cái mặt văn hóa của làng. Giờ có điều kiện xây lại thì tốt quá.”
Ông còn nhớ không ư? Vì nó mà ông phải xa làng chừng ấy năm. Số là thời ấy, tức giữa những năm sáu mươi, ông là bí thư xã đoàn. Một hôm, người ta đi họp trên huyện về, giao cho thanh niên phá Chùa Mít. “Làng đã lên hợp tác xã, ruộng đất và tư liệu sản xuất trở thành của chung. Nay đến lượt xây dựng văn hóa mới. Nhà nước vô sản. Làng phải là làng vô thần. Không thể để cái chùa mê tín dị đoan ấy đứng mãi thế được!” “Nhưng đó là chỗ lễ bái, tín ngưỡng của dân làng?” ông rụt rè lên tiếng. “Vả lại, có để cũng chẳng hại gì”. “Không được. Đồng chí nói thế là chưa quán triệt tinh thần của trên. Người cộng sản vô thần, nên không thờ bất kỳ ai ngoài các lãnh tụ của mình!”
Một tuần sau ông lên đường vào Nam, dù không thuộc diện nhập ngũ vì là cán bộ cốt cán và là con một trong gia đình. Trước đó mấy ngày người ta bắt đầu đập phá Chùa Mít, có cả lễ ra quân và cờ trống rầm rộ. Ở mặt trận Tây Nam năm 1972 ông bị quân Sài Gòn bắt nhưng trốn được qua Cămpuchia, rồi Thái Lan và năm 76 thì được sang Mỹ định cư. Trước khi có thư từ Mỹ về, mọi người trong làng nghĩ ông đã chết, nhưng do không xác định được cụ thể, người ta không coi ông là liệt sĩ, giờ thì đương nhiên là một tên đào ngũ phản bội. Còn nay đổi mới, trong con mắt của mọi người, ông là Việt Kiều yêu nước.
Bố mẹ chết từ lâu, bà con thân thích hầu như chẳng còn ai nên ông ở trong nhà nghỉ mới xây của xã bên, rất gần làng. Ở đấy cậu nhân viên nháy mắt bảo ông có cần gì nữa không. Mấy ngày sau ông còn nghe nói làng có dịch vụ tươi mát, đến mùa gặt mới phải thanh toán. Bằng thóc.
Làng ông bây giờ quả nhiều cái mới. No đủ hơn. Nhiều nhà ngói, thậm chí có vài nhà hai ba tầng, bắt chước kiểu biệt thự Pháp nhưng quét vôi màu lòe loẹt. Đường làng và các ngõ ngách đều đổ xi măng. Đình làng xưa cổ kính giờ được thay bằng Nhà Văn Hóa mái bằng lợp fibrô xi măng. Trên nền Chùa Mít đầu làng cỏ mọc um tùm, lổn nhổn những phiến đá lớn người ta không bê đi được. Có cả một khối đá tròn, phần sót lại của bức tượng Phật, nay làm nơi ngồi tình tự của đám thanh niên mới lớn. Dân làng bây giờ cũng khác lắm. Khác cả cách ăn mặc, đi đứng và ăn nói. Có vẻ như hiện đại hơn, tốt hơn, thế mà HOCJ LAMF NGWOông vẫn thấy trơ trơ thế nào, cứ như thiếu một cái gì đó.
Ở thêm mấy ngày nữa, ông hiểu cái đó là gì. Khuôn mặt của làng. Thì ngay từ đầu người ta chẳng bảo ông: “Đền chùa là cái mặt văn hóa của làng” đó sao? Chính xác hơn là thiếu hồn. Các tấm áp phích to và những câu khẩu hiệu chính trị viết cũng như nói không lấp nổi sự trống vắng tâm linh mà bây giờ đã không còn chỗ thể hiện. Trước kia ngày rằm, ngày đầu tháng người ta vào chùa thắp hương, sắm lễ. Giờ chỗ lui tới là quán rượu của mụ Bốn, người kiêm cả nghề ghi số đề cho mấy đại gia ngoài phố huyện.
Ông đi một vòng quanh làng với tâm trạng buồn buồn khó tả, rồi mỏi chân, ngồi xuống tảng đá, phần còn lại của Đức Phật trên nền Chùa Mít.
Mặt trời sắp lặn. Một chiếc Công Nông đang lại gần, kêu tành tạch từng tràng như tiếng súng đại liên. Kế đến là chiếc xe tải loại lớn chạy về phía xã trên. Mấy bà đi làm về, chiếc gánh tòng teng trên vai. Trai làng phóng xe máy vù vù.
Vậy là cái chủ trương xây làng vô sản đã không thành. Nhưng làng vô thần thì thành. Không chỉ không thờ Phật, giờ người ta cũng chẳng thờ các lãnh tụ cộng sản, không cần biết ai, sợ ai ngoài cái dạ dày của mình. Thêm một cái “vô” nữa là vô danh. Trước xã ông có bảy làng với bảy cái tên dung dị dễ thương từ xa xưa, sau khi thành lập hợp tác xã, chúng được thay bằng các con số đội sản xuất. Làng ông được gọi là Đội Bảy. Hợp tác xã giải tán cả chục năm nay mà cái tên khô khốc, vô hồn ấy vẫn còn đến ngày nay.
Ông ngồi lặng người hồi lâu như thế giữa nền Chùa Mit ở làng Đội Bảy của ông. Giờ người ta xin ông tiền dựng lại nó, tức là để phục lại phần nào thần linh và “mê tín dị đoan”, cái người ta một thời dứt khoát phá bỏ và đẩy ông ra nơi súng đạn. Nhưng liệu có chùa rồi, những cái ấy có trở lại không, khi tư tưởng vô thần và những người nghĩ ra chúng vẫn còn?
Trời tối lúc nào không biết. Có ai đó đang lại gần. Ông giáo Hoàn. Ông đang dắt con nghé con từ Đồng Chùa về. Ông giáo trạc tuổi ông, về hưu đã lâu và trước cùng học trường làng. Hôm mới về hai người đã gặp nhau và nói chuyện một lúc. Ông này thời cải cách có bố bị treo cổ oan.
“Vẫn chưa quyết định nên giúp làng xây lại chùa không à?” ông giáo hỏi như đoán được ý nghĩ ông.
 “Theo ông thì thế nào?”
“Thì kệ nó. Ai phá, người ấy phải xây lại”.
“Nhưng họ biết lấy đâu ra tiền?”
“Đó là việc của họ. Rồi có ngày người ta sẽ bắt họ chịu trách nhiệm về chuyện này. Không người thì thần linh, mà cũng chẳng lâu nữa đâu. Một lũ ngu dốt và độc ác!”
Ông giáo về hưu nói một cách giận dữ. Rồi ông hạ giọng nói thêm:
“Nếu bác định giúp làng thì làm ơn sửa lại trường cấp một. Bảy tám chục đứa trẻ bị nhét vào môt phòng tranh tre và dột nát như bác thấy. Chứ không thì cái làng này chẳng mấy chốc mà thành vô học.”
Hai hôm sau ông lên đường về Mỹ, để lại phía sau khu ngôi làng của ông - vô danh, vô thần và gần như vô học. Có thể cả vô đạo đức và văn hóa nữa, dẫu hai đầu làng có hai tấm biến rất to “Làng văn hóa mới”, và nhà nào trong làng cũng có tờ giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa”.
“Thì ra cái ‘văn hóa mới’ là tập hợp tất cả các cái ‘vô’ ấy lại,” ông nghĩ và khẽ rùng mình.


CHÓ CỨ SỦA, VÀ TRĂNG SAO CỨ SÁNG

Lại nói chuyện những ngày Cải cách Ruộng Đất kinh khủng ấy.
      Một hôm, ăn tối xong, tôi thấy ông tôi đến bảo đi ngay có việc. Giọng ông bỗng nhiên khản đặc, phải cố lắm mới nghe được.
“Đi đâu ông?” tôi hỏi.
“Ra Đồng Chùa cho mát”.
“Nhưng hôm nay không nóng!”
      “Sẽ nóng đấy. Rồi chốc nữa cháu biết”.
Điều này thì tôi biết, là ý ông tôi nói tối nay người ta tổ chức đấu tố Lão Hội. Suốt ngày hôm nay loa rao khắp xóm. Lão Hội là em Lão Cương, bảy mươi tuổi, một người thuộc diện ‘địa chủ kháng chiến’ vì có con trai đang làm to trong quân đội cách mạng, nghe đâu đến chức tá hay thậm chí được phong anh hùng. Lão Cương thì người ta để yên, nhưng em lão thì bị đấu tố, chuẩn bị qui lên thành địa chủ, dù lão chỉ là anh nông phu cày sâu cuốc bẫm, khác chăng do biết lo toan nên không đói. Suốt cả tuần người ta rậm rịch chuẩn bị việc này. Cán bộ Đội bỏ nhiều giờ dạy người đấu kỹ càng từng lời nói, cử chỉ và cách khóc, cách nhảy chồm chồm trước mặt lão. Nếu buổi đấu tố diễn ra suôn sẻ, mà chắc chắn là suôn sẻ, tên lão sẽ được đưa vào danh sách địa chủ của làng để gửi lên huyện, coi như hoàn thành chỉ tiêu trên giao.
Hai ông cháu tôi ra đến Đồng Chùa thì trăng vừa lên. Trăng non và mờ mờ như ngái ngủ. Phía dưới một chút là Kênh Nhà Lê, nơi ban đêm thường có người làng xuống mò tôm cá, và dẫu ít hơn trước nhưng thỉnh thoảng vẫn có thuyền đi qua, chở cam quýt từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa và chở lúa gạo, hải sản lúc quay vào.
Ồng tôi nằm xuống một gò đất cao rồi khoan khoái thở dài, nói:
“Sướng!”
Rồi ông cởi hết cúc áo, phanh bụng, bảo tôi:
“Cháu cũng nằm xuống đi”.
Cao trên đầu chúng tôi là cả một trời sao thật đẹp. Những chấm nhỏ li ti lấp lánh thức suốt năm canh, yên bình, lặng lẽ dọi ánh sáng huyền diệu của mình xuống thế giới trần gian của những con người, cũng bé nhỏ, li ti nhưng chẳng bình yên chút nào. Từ phía Kênh có tiếng hát đều đều, mỏi mệt của mấy anh chị nhà thuyền vọng lại. Kể cũng lạ rằng giữa những ngày sôi sục, điên loạn này mà vẫn có người hát được, dẫu những tiếng hát buồn.
Phía làng, chó bắt đầu sủa rộ. Nghĩa là người của Đội đang đi từng nhà giục dân làng ra sân đình tham gia hoặc xem đấu tố. Háo hức nhất là bọn trẻ con, dù không biết chuyện gì đang xẩy ra. Ngoài tiếng chó còn có cả tiếng trống và tiếng chiếc mõ làng bằng gỗ hình con cá, treo ở điếm canh đầu làng.
Cuối cùng mớ âm thanh ấy hỗn độn, chói tai ấy cũng lắng xuống, và tôi biết cuộc đấu tố đã bắt đầu. Những tiếng kể khổ ngoa ngắt, tiếng chửi rủa, vu cáo, tiếng những cái tát vào mặt người bị đấu, tiếng cán bộ đứng bên gà lời khi người đấu quên, và tất nhiên cả tiếng kèn kẹt nghiến răng chịu đựng của khổ chủ không thể bay xa đến Đồng Chùa nơi chúng tôi đang nằm. Trước đó tôi đã mấy lần chứng kiến những cảnh như thế.
Tôi quay sang bảo ông:
“Ông ơi, cháu sợ.”
“Ông biết. Vì thế ông mới đưa cháu ra đây. Trẻ con không nên biết những trò ấy!”
Rồi ông chỉ tay lên trời, nói:
“Cháu nhìn kìa, cả một trời sao thật đẹp. Kệ những chuyện xẩy ra trong làng. Cháu ngắm chúng đi, đẹp không? Mà bao đời nay đã thế và vẫn mãi mãi như thế.”
Tôi nghe lời ông, lơ đãng nhìn lên bầu trời đầy sao. Vâng, chúng đẹp thật, nhưng vẫn là những ngôi sao bình thường tôi thấy nhiều lần và không mấy quan tâm. Nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu được cái triết lý giản dị mà ông tôi muốn cho cháu biết, rằng cái xấu, cái ác luôn tồn tại, nhưng chỉ nhất thời, còn cái tốt, cái đẹp thì trường tồn mãi mãi. Hoặc có thế nói một cách nôm na: Chó cứ sủa, và trăng sao cứ sáng!
“Hôm kia, thằng Lan bảo ông phải đấu tố lão Hội, nhưng ông không chịu.” ông tôi chợt nói, giọng mơ màng.
Lan là tên anh cán bộ Đội cải cách được cử về phụ trách làng tôi.
“Tố gì ạ?”
“Hắn bảo tố lão bóc lột, đánh đập ông, đại loại như thế”.
“Nhưng có đúng như vậy không?”
“Bậy. Lão hiền như cục đất. Còn nhiều lần giúp nhà ta khi thiếu đói đấy”.
“Thế sao người ta phải đấu tố bác Hội?”
“Thì bảo chúng điên mà lị. Nên ông phải ăn uống mấy thứ linh tinh cho cổ họng khản đặc thế này, bảo bị ốm không làm cách mạng được. May chúng tin mà tha cho, không khéo bị qui địa chủ thì khốn”.
Một tuần sau lão Hội bị xử bắn, vì ngoài tội địa chủ cường hào gian ác, lão còn một tội khác nghiêm trọng hơn là tội làm gián điệp cho đế quốc. Số là khi khám nhà, người ta phát hiện thấy dưới mái hiên một cuốn sách chữ Tây, cuốn Từ Điển Tiếng Pháp, do ông em sĩ quan cách mạng để lại. Đó là bằng chứng không thể chối cãi được.

*
Suốt nhiều năm, thậm chí cả bây giờ, tôi vẫn chưa hết băn khuăn sao người ta có thể nghĩ ra hay du nhập những trò bất nhân, ngu xuẩn đến thế. Những trò ấy phần lớn bắt nguồn từ nước Trung Hoa cộng sản, và được các đồng chí Việt Nam làm theo, tự nguyện hoặc do ép buộc.
Nhưng rốt cục, ông tôi đã đúng. Vào đêm đấu tố và cả đêm lão Hội bị xử bắn trăng và sao vẫn sáng. Những đêm sau đó cũng vậy, khi có chủ trương sửa sai từ Trung Ương gửi về. Trăng và sao vẫn sáng, vẫn đẹp cả những thời điểm về sau, khi con người và đất nước đau thương này của chúng ta phải chứng kiến nhiều điều oan trái khác.
Tháng Chín năm 1967, đi xe lửa từ Hà Nội sang Matscơva học tập, chúng tôi bị kẹt lại nhiều lần ở Trung Quốc do hai phái kình địch đánh nhau. Tôi nhớ ở Vũ Hán, lúc ấy ban đêm, nhìn qua ô cửa sổ bé nhỏ, tôi thấy cảnh các Hồng Vệ Binh bắt bớ, đánh đập người dân của họ. Bên ngoài là ánh đêm bàng bạc, và tôi biết cao trên đầu, những vì sao vẫn không ngừng nhấp nháy, dọi những tia sáng lung linh, huyền diệu của mình xuống trái đất nhỏ bé và đầy đau khổ này.
Tóm lại, chó cứ sủa và trăng sao cứ sáng!

TÌNH MUỘN

Một ngày sau khi chiến dịch Điện Biên kết thúc, họ hẹn sẽ gặp nhau và tổ chức lễ cưới ở Hà Nội.
“Gia đình anh sang Pháp hết rồi. Có thể giờ không còn nhà, nhưng em cứ đến Hồ Gươm, chỗ Nhà hàng Phú Gia ấy. Em nhớ chưa: Hồ Gươm, Nhà hàng Phú Gia? Thế nào em cũng gặp anh ở đó”.
Chàng trai nói với người yêu như thế khi theo đồng đội tiến về phía đồng bằng. Anh là chiến sĩ Vệ Quốc quân, người Hà Nội gốc. Cô là giao liên trung đoàn, người Thái, nổi tiếng dũng cảm và xinh đẹp. Họ yêu nhau đã mấy tháng, yêu công khai, thậm chí còn được ông già trung đoàn trưởng khó tính đồng ý. Khi chia tay, cô đưa cho anh tấm khăn thêu màu đỏ, cô giữ một cái tương tự. Đôi khăn thêu là vật không thể thiếu trong lễ cưới dân tộc cô.
Năm mươi năm trôi qua, họ vẫn chưa gặp nhau. Một lần tắm suối, cô bị nước lũ về đột ngột cuốn mất, không tìm thấy xác.
Từ ấy đến nay, đất nước thêm mấy cuộc chiến tranh. Nhân dân thêm mấy lần lầm than, đói khổ. Cả khu phố cổ Hà Nội cũng thay đổi nhiều, gần như khác hẳn. Nhưng Hồ gươm thì vẫn còn. Con phố có Nhà hàng Phú Gia vẫn còn, dẫu bản thân nhà hàng ấy bị phá bỏ từ lâu. Đối diện với nó, phía bên kia đường, gần hồ vẫn còn chiếc ghế sắt cũ kỹ sót lại từ thời Pháp.
Cũng suốt mấy chục năm nay có một người luôn ngồi trên chiếc ghế ấy. Buổi sáng từ tám đến mười một giờ, chiều từ hai đến sáu giờ. Mọi người biết thế và luôn nhường nó cho ông.
Đó là một ông cụ đầu tóc bạc phơ, dáng người gầy gầy. Lúc nào ông cũng ngồi yên, trân trân nhìn ra mặt hồ. Chiếc ba-toong khảm xà cừ một bên, bên kia là chiếc mũ phớt sờn cũ ông đội quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Hôm nay trời chớm lạnh. Có vẻ như thời tiết sắp thay đổi vì một bên vai, nơi có viên đạn chưa lấy ra, bắt đầu đau âm ỉ. Đã gần sáu giờ. Hồ Gươm vẫn thế, như hôm qua và nhiều ngày trước đó. Lãng mạn, thanh bình và buồn buồn. Suốt đời ông chỉ sống với nó và những kỷ niệm xa xưa của mình.
Đúng giờ, khi ông định đứng dậy đi về nhà thì có một người bước lại rồi nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, sát bên ông.
“Vàng à?” ông quay sang, cầm lấy bàn tay người ấy.
 Đó là một cô gái trẻ, rất trẻ, ăn mặc theo kiểu miền núi.
“Vâng, em đây”.
“Em bắt anh chờ lâu quá”.
“Em không thể đến sớm hơn được. - cô nói, giọng nghẹn ngào - Nhưng bây giờ em
đang ở bên anh, và chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau nữa.”
“Ừ, đúng thế. Không bao giờ xa nhau nữa, - ông đáp. - Còn bây giờ để anh đưa em đi một vòng quanh Hà Nội. Quê chồng mà”.
Ông lẩy bẩy chống gậy đứng dậy. Cô Vàng rút ra từ ngực một tấm khăn thêu. Ông cũng móc túi trong áo vét một chiếc tương tự.
“Lát nữa ta vào nhà thờ làm lễ cưới. Nhà thờ Lớn, ngay gần đây thôi”, ông nói.
“Vâng. Và em sẽ nhập đạo theo anh”, cô Vàng nhỏ nhẹ đáp rồi đưa hai tay vuốt ve khuôn mặt nhăn nheo của người yêu. “Em yêu anh lắm lắm! Không yêu như thế, em không thể về đây với anh được đâu”.
“Anh cũng rất yêu em, - ông nói. - Năm mươi năm qua ngày nào anh cũng ra chờ em ở đây”.
Suốt đêm ấy đôi uyên ương không ngủ. Họ khoác tay nhau đi giữa phố phường Hà Nội. Chàng, một ông già tám mươi, lưng hơi gù với vết thương bên vai đang nhức nhối, hào hứng giơ ba - toong chỉ cho người yêu xem các danh lam thắng cảnh thủ đô. Còn nàng, hai mươi tuổi và rất tươi trẻ, thì háo hức như đứa con nít, mở to mắt uống từng lời của chàng. Nàng nắm chặt tay người yêu, vừa để có cảm giác gần gũi, cũng vừa đỡ để chàng không ngã. Ở quán kem bên hồ, nàng ăn một lúc ba chiếc. Và cười. Chàng không ăn vì sợ cảm, chỉ nhìn nàng. Và cũng cười. Cả hai tràn trề hạnh phúc.
Sáng hôm sau, người trông coi Nhà Thờ Lớn Hà Nội ngạc nhiên khi thấy có người chết ở trong phòng nguyện của nhà thờ, dù tất cả các cửa vẫn đóng.
Đó là một ông già gầy yếu, tóc bạc. Ông chết trong tư thế đang quỳ trước Chúa, mặt rạng ngời hạnh phúc. Cạnh ông, phía phải, có một lớp tro mỏng màu xám như tro người ta đốt vàng mã. Lạ nữa, cái tư thế ông chết và hiện trường xung quanh cho thấy ở đây vừa diễn ra một nghi lễ trang trọng, Có vẻ như hôn lễ, vì trên một ngón tay phải của ông có chiếc nhẫn cưới kim cương còn mới.
PS.
Thời gian gần đây ở Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều lời đồn về một cặp uyên ương không cân xứng, một rất già và một rất trẻ. Cặp này đêm khuya thường khoác tay nhau dạo quanh các quanh phố, đặc biệt những hôm trời lạnh và mưa phùn lất phất. Như mọi lời đồn khác, có thế điều ấy đúng, có thể không. Không quan trọng. Vả lại, thủ đô chúng ta có thêm một thiên tình muộn đẹp và lãng mạn như thế thì càng tốt chứ sao? Nếu ngẫu nhiên gặp họ, các bạn có thể yên tâm rằng họ chính là hai nhân vật trong câu chuyện này, một câu chuyện tôi cam đoan có thật vì tôi biết ông già ấy, thỉnh thoảng còn ngồi trò chuyện với cụ bên Hồ Gươm. Tôi cũng có mặt hôm chôn cất cụ ở nghĩa trang Giáo xứ N.V. Hơn thế, cũng hôm ấy tôi nhìn thấy một người lạ mà không hiểu sao không ai chú ý. Đó là cô Vàng. Khác với mọi người, cô không có vẻ mặt đau buồn mà ngược lại. Cô lặng lẽ đứng một bên, sốt ruột chờ người ta hoàn tất các thủ tục an táng cần phải có đối với một con chiên ngoan đạo.
Và tôi hiểu: Cô đến đón người yêu của mình để, như họ đã ước hẹn, “từ nay không bao giờ xa nhau nữa”.

NHÂN QUẢ

Lão sống một mình trong túp lều ngay sát Cầu Sắt. Suốt đời lão chỉ làm một nghề là mài dao kéo cho cả vùng Nho Lâm rộng lớn này, và cũng nổi tiếng cả vùng nhờ cái nghề ấy. Chắc phải có một bí quyết hay đồ nghề đặc biệt nào đó nên các con dao lão mài sắc ngọt một cách khác thường. Vả lại, lão kỹ tính và làm cẩn thận lắm. Chiếc dao nhỏ lão mài miết cả tiếng đồng hồ, bao giờ xong cũng lấy một sợi tóc đặt lên lưỡi dao, thổi một cái đứt đôi mới giao cho khách.
Vợ lão chết từ lâu. Cậu con trai duy nhất lấy vợ, ở rể ở huyện trên, nghe nói “chuột sa chĩnh gạo” nhưng không bao giờ thăm hỏi hay giúp đỡ gì bố. Trước còn khỏe, lão quảy chiếc gánh toòng teng đi khắp vùng. Mấy năm gần đây vì già, vì cả đôi chân phù thũng, lão chỉ quanh quẩn trong làng hoặc ngồi ở nhà, ai cần thì mang dao kéo tới. Bây giờ đồ Trung Quốc nhiều và rẻ nên thậm chí cả ở nông thôn, người ta cũng ít mài, mà mua cái mới. Thành ra việc không nhiều, tức là cái ăn cũng không nhiều. Có hôm lão phải ôm bụng đói đi ngủ. Đáng ra ở tuổi lão, tức là tám mươi trở lên, theo chế độ gần đây của nhà nước, lão phải được trợ cấp mấy chục nghìn đồng một tháng, nhưng do lão không có giấy khai sinh nên đành chịu. Thỉnh thoảng dân làng thương tình, người cho cân gạo, kẻ mấy quả trứng, hay mang những chiếc dao còn sắc đến nhờ lão mài. Có người còn cất công tìm gặp con trai lão. Anh ta hứa sẽ về đưa bố lên ở với mình nhưng mãi chẳng thấy tăm hơi đâu.
Một hôm tôi đến nhà lão và ngồi với lão cả buổi chiều.
Lão nằm thu lu trên chiếc giường tre ọp ẹp, trùm kín đầu chiếc chăn chiên sờn cũ, dù trời không lạnh. Biết tôi đến, lão ngồi dậy ngay.
“Ông giáo quí hóa quá, lúc nào cũng cho quà”, lão nói khi tôi bày ra bàn mấy bắp ngô luộc, xị rượu và ít đồ nhắm.
“Tôi đến nhờ bác mài cho con dao”, tôi cười đáp.
“Tôi biết”, lão cũng cười, miệng méo xệch, một dòng nước đục rỉ ra từ khóe miệng, trông thật tội.
 “Dạo này bác có vẻ yếu hơn trước”.
“Ừ ừ. Tại đôi chân khốn khổ này. Cả ho nữa.”
Lão cùng tôi làm vài ly nhỏ rồi bắt tay vào mài con dao của tôi, vốn còn rất sắc. Thế mà gần ba mươi phút sau lão mới chịu dừng tay, sau khi vừa mài vừa dấp dấp chất gì đó lên lưỡi dao, chốc chốc dừng lại làm hớp rượu.
“Ông giáo xem này!” lão bảo tôi rồi nhổ sợi tóc bạc trên đầu, đặt lên lưỡi dao. Sợi tóc đứt đôi.
“Sắc quá!” tôi thốt lên.
“Cũng thường thôi,” lão nói, không phải không pha chút tự hào. “Tôi có một con còn sắc hơn nhiều”.
Nói rồi, lão lấy dưới gầm giường ra một con dao được bọc trong lớp giấy xi-măng bẩn. Nó dài, mỏng như một thanh kiếm Nhật, đầu nhọn và sáng loáng.
“Tôi lấy từ xác một tên lính Nhật hồi năm bốn tư đấy. Nó bị du kích giết ở Phủ Diễn. Đúng là cái bọn lùn ấy làm cái gì cũng tốt.” Lão nói rồi bất chợt thở dài: “Có điều chẳng biết dùng nó làm gì.”
Lão lấy tờ giấy quét lên lưỡi dao nhiều lần, quét đến đâu, các vụn giấy rơi đến đấy. Tôi nhìn mà thấy sờ sợ. Lát sau tôi chuyển đề tài:
“Bác đau ốm thế này, sao anh con không về nhỉ?” Lão im không nói gì. “Mà rồi chính quyền mãi không làm cho bác cái trợ cấp người già. Bác tám mươi tuổi rồi mà”.
“Đúng thế. Tôi sinh ngày mồng Một tháng Năm năm 30, khi bố tôi bị Pháp bắn chết vì tham gia đình công ở Bến Thủy, Vinh.” Tợp thêm chén rượu, lão nói tiếp, mắt rơm rớm: “Nhân quả đấy bác ạ. Cả chuyện thằng con bất hiếu cũng nhân quả nốt!”
Tôi nhìn lão vẻ không hiểu.
“Suốt đời tôi mài dao cho đời. Mà dao thì không chỉ cắt thái mà còn đâm chém. Tức là tôi tham gia vào tội ác. Giờ thì tôi phải chịu cảnh này.”
“Bác nghĩ quẩn rồi. Nghề của bác vô hại, nếu không muốn nói có ích cho đời”, tôi an ủi lão.
“Không. Đêm đêm chúng vẫn đến đấy. Cái bọn trâu bò, lợn gà bị giết ấy mà. Cả người nữa. Thời kháng chiến, thời cải cách ruộng đất tôi mài dao kiếm cho du kích. Bây giờ bọn Việt gian, địa chủ cường hào đến bắt đền tôi, nhiều lắm. Đêm nào cũng đến. Chúng bảo chúng bị oan. Tội tôi đáng chết. Nhân nào quả ấy thôi, ông giáo ạ”.

*
Cách một ngày, tôi lại đến, thấy lão chết, nằm trên giường, cuống họng bị cắt, tay phải lão còn giữ chặt chiếc kiếm Nhật sáng loáng.


AI?

        Vào năm ấy, ở mặt trận ấy, hai nghìn người lính trẻ được lệnh xuống đồng bằng tham chiến. Sau một đêm, chỉ ba mươi người sống sót trở về!
Nhiều năm qua tôi luôn bị ám ảnh bởi con số khủng khiếp này trong một câu khô khan và thuần túy mang tính thông tin. Chính xác đó là câu thơ trong bài “Ai? Tôi!” của nhà thơ Chế Lan Viên khi ông viết về chiến dịch Mậu Thân. Tác giả nêu câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?” Và chính ông tự trả lời mình: “Tôi! Tôi/ người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong”.
Một tâm hồn nhạy cảm! Một nhân cách lớn! (Anh Chế Lan Viên ơi, em đây, Thái Bá Tân đây. Cảm ơn anh đã nói hộ lòng em. Em còn giữ tập thơ anh tặng ngày nào.)
Đằng sau những con số này là những con số khác còn khủng khiếp hơn: Một triệu người lính cách mạng và hai triệu dân thường Việt Nam đã hy sinh trong cái ta thường gọi là “cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Như nhà thơ, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi của ông: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó? Không phải tôi, tất nhiên, vì tôi là người bình thường và chỉ nhờ ngẫu nhiên mới không bị gộp vào con số đó. Tôi không ra lệnh, không đưa ra các quyết sách lớn về đại cục. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi hoàn toàn vô tội. Không, tôi vẫn phải chịu một phần trách nhiệm vì đơn giản tôi là một công dân và đã để đất nước mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một công dân tốt còn biết đau về cái chết của đồng bào.
Câu hỏi tiếp: Liêu có đáng phải hy sinh ghê gớm như thế để “giải phóng dân tộc” không, mà rồi, giải phóng khỏi ai? Khỏi những đồng bào Việt Nam khác ở bên kia chiến tuyến?
Một câu hỏi nữa: Ba mươi người sống sót trong số 2000 người ấy bây giờ thế nào, và họ nghĩ gì về sự trận đánh ấy của họ mà đài báo ta lúc ấy gọi là “thắng lợi, nhưng ta phải chịu một số thương vong nhất định”?
Khá vất vả, cuối cùng tôi cũng tìm được một người, ngay trong huyện Diễn Châu quê tôi. Điều này lần nữa làm tôi giật mình: Sao lúc nào, ở đâu có đánh nhau ác liệt nhất và nhiều người chết nhất cũng có mặt những người lính nông dân Nghệ Tĩnh của tôi? Có thể chỉ ngẫu nhiên, nhưng vẫn giật mình.
Đó là một lão nông trạc tuổi tôi, trên sáu mươi chút ít, nhưng trông hom hem với một chân thọt và một tay hơi khuỳnh khuỳnh.
“Chuyện từ đời tám hoánh nào, hơi đâu mà nhớ đến. Mà cũng chẳng còn lúc nào rỗi để nhớ”. Ông nói khi tôi gợi chuyện. “Con cháu một bầy, toàn ăn hại. Lại thêm trận lụt vừa rồi ngập hết lúa như bác thấy.”
“Bác có cảm giác thế nào khi sống sót trở về rừng?”
“May! Còn thế nào nữa. May thoát chết như bác nói. Nhờ giả vờ chết mà sống đấy.”
“Sau đó thì sao?”
“Thì đánh nhau tiếp. Trong số ba mươi người sống sót lần ấy, nghe nói chỉ năm người trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Trong đó có tôi. Cũng nhờ may rủi thôi”.
Tôi lặng người, chẳng biết nói gì thêm.      
“Sự hy sinh của các bác thật to lớn.” Tôi lên tiếng khi thấy im lặng mãi bất tiện. “Các bác là những người anh hùng, dũng cảm, dám xã thân vì nước...”
“Anh hùng, dũng cảm cái đếch gì. Người ta bảo đi lính thì đi. Bảo xung phong thì xung phong. Không xung phong, không dũng cảm mà được à? Không bị địch bắn chết thì cũng bị đồng đội đằng sau bắn vào lưng!”
Mấy thằng nhỏ thấy có khách, xúm lại hóng hớt. Ông chúng quát:
“Chúng mày biến! Mai kia thằng Tàu nó đánh, sẽ đến lượt chúng mày! Không thoát được đâu!”
Cuộc gặp này để lại trong tôi một ấn tượng nặng nề.
Tôi cũng may. May chưa bao giờ viết thơ cổ vũ người khác ra trận. May không phải là một trong ba mươi người sống sót ấy, chính xác hơn, năm người. Nếu không tôi sẽ đau khổ lắm. Chả là đời trót cho tôi cái chữ nên hay suy luận và mặc cảm. May nữa là tôi không bao giờ phải bắn vào lưng đồng đội nếu họ không xung phong, và ngược lại. May! Và tôi cảm ơn số phận điều ấy.
Nhưng tôi cũng có con cháu, và như ông ấy nói, mai kia thằng Tàu đánh mình, sẽ đến lượt chúng. Nghĩ mà sợ. Sợ và buồn. Vì lão nông kia, tôi và con cháu của tôi không có sự lựa chọn nào khác. Vì chúng tôi, vì tất cả chúng ta, đơn giản chỉ là những con tốt vô danh trên bàn cờ của các nhà lãnh đạo đất nước.
Cầu mong cho họ biết thương dân và có những quyết định sáng suốt.


        TIÊN SƯ THẰNG CHIẾN TRANH

Một cô thanh niên xung phong bị phát hiện đang lén lút làm cái việc “tự sướng” bên con suối nhỏ sâu trong rừng.
Suốt ba đêm liền, từ sau bữa ăn tối cho đến gần sáng, cô bị đồng chí của mình, toàn nữ, kiểm điểm gay gắt và không ngớt lời sỉ vả. “Ghê tởm, thật ghê tởm!”  “Một biểu hiện suy đồi đạo đức!” Một hành động bêu xấu hình ảnh người chiến sĩ cách mạng, đi ngược với lý tưởng và lối sống cách mạng tốt đẹp!” “Xử bắn con đĩ tư sản thối nát ấy đi!”. Vân vân.
Sang ngày thứ tư, không chờ đồng đội xử bắn, “con đĩ tư sản thối nát” ấy đã treo cổ tự tử trên cành cây bị bom chặt đứt một nữa.
Chủ trì và cũng lớn tiếng sỉ vả nhất trong ba đêm đấu tố ấy là cô Duyên. Đơn giản vì cô là đội trưởng đội thanh niên xung phong ấy. Duyên là người làng tôi, thậm chí suýt thành chị dâu, nếu anh trai con ông bác tôi không hy sinh ở Quảng Trị năm 68. Tự cô kể tôi nghe chuyện này khi hết chiến tranh trở về nhà.
“Tội nghiệp nó! Người ta bảo thì bọn chị phải làm thế chứ thương lắm!” cô nói, rơm rớm nước mắt. “Khối đứa như nó. Chị biết”.
Ngập ngừng một lúc, chị nói thêm:
“Cả bầy con gái thui thủi một mình trong rừng không một mống đàn ông suốt mấy năm trời! Đơn vị chị thì không, nhưng nghe nói ở Đrao, Tây Nguyên, có mấy chục đứa phát cuồng, lúc ôm nhau cười mãi không thôi, lúc xé hết quần áo kéo nhau chạy tồng ngồng giữa rừng như những con điên.
Mắt chị lại rưng rưng.
Về làng được bốn năm, do lỡ thì, và cũng do chẳng còn đàn ông nào nữa mà lấy, chị Duyên xuống tóc đi tu, ở ngay Chùa Mít bên sông Bùng. Vợ chồng bác tôi thương lắm, nhưng chẳng can ngăn. Trong thâm tâm hai cụ vẫn coi chị là con dâu. Có người nói chị bị ai đó trên tỉnh lừa tình. Chuyện này thì tôi không rõ, mà cũng chẳng quan trọng. Tôi chỉ thấy ngỡ ngàng, thậm chí đau nhói trong ngực khi hình dung chị dâu hụt của tôi, - một người xinh đẹp, yêu đời, từng nhiều năm làm đội trưởng đội văn nghệ xã, - lại tự nguyện giam mình trong ngôi chùa hiu quạnh, đổ nát, với bộ quần áo màu nâu nhà Phật. Mấy ngày sau tôi đến tìm chị, định hỏi cho ra chuyện, nhưng tôi đã không vào chùa khi đứng từ xa nhìn thấy chị đang thẫn thờ đưa chổi quét đi quét lại cái sân vốn đã sạch.
Lặng lẽ ra về, tôi cố lý giải mà không lý giải nỗi cái gì đã biến một cô gái tươi vui, hồn nhiên, tràn trề hạnh phúc và xứng đáng được hưởng hạnh phúc thành một người yếm thế, bất hạnh như vậy.
Chiến tranh? Phải chăng đây là cái giá của chiến tranh?
Bẵng đi nhiều năm, tôi lại vào chùa Mít.
Nó vẫn thế. Hai cây nhãn trước chùa vẫn thế, và vẫn thế, chúng không chịu cho quả.
Đang vắng người, tôi vào thẳng phòng riêng sư trụ trì, sư thầy Đàm Duyên. Sư thầy chứ không phải sư cô như ngày nào.
“Chào chị Duyên,” tôi lên tiếng, không hiểu sao còn cố tình nói to.
“Mô phật. Xin xưng hô với kẻ tu hành này theo đúng cách của nhà phật. Chào chú.”
Đứng chắp tay trước mặt tôi, đầu hơi cúi, là một bà già nhỏ bé, khô đét và không còn tí dấu vết nào của cô Duyên ngày xưa cũng như sư cô Đàm Duyên sau đó tôi gặp. Nét mặt bà không chỉ vô cảm mà bất động như được nặn bằng sáp. Cái đầu trọc bóng loáng cũng có lớp sáp nhờn nhợt ấy.
Bất giác, tôi chợt nghĩ: “Nếu không trọc, không biết tóc chị sẽ bạc đến đâu?”
“Chị khỏe chứ?”     
“Mô phật.”
“Người ta nói nay mai chùa Mít bị đập bỏ để xây đường lớn lên Đô Lương và sang Lào?”
“Mô phật,” và chị khẽ cúi đầu.
“Thế chị và mọi người đi đâu?”
Sư thầy Đàm Duyên không đáp. Chất sáp trên mặt và cái đầu trọc của bà càng trở nên rõ nét hơn. Hình như bà đang khóc, dù đôi mắt sâu vô hồn vẫn ráo hoảnh.
Lát sau tôi bỏ về, vô cớ hậm hực với ngôi chùa tội nghiệp sắp bị phá bỏ, với hai cây nhãn xum xuê mà không chịu cho quả. Với cả chính tôi vì mãi vẫn lấn cấn tìm lời giải thích cho số phận chị dâu mình và những người như chị.
Chiến tranh! Ừ, chiến tranh! Tiên sư thằng chiến tranh!
Tôi thấy có cái gì nghèn nghẹn trong cuống họng, muốn văng tục chửi ai đó, đập phá cái gì đó mà không được. Chửi cái thằng gây ra chiến tranh chẳng hạn. Tiên sư thằng gây ra chiến tranh!
Đừng nói với tôi về chiến tranh bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa. Tôi đã đủ khôn lớn và thời gian để hiểu rằng cuộc chiến tranh ấy, dẫu bảo vệ tổ quốc và chính nghĩa như người ta nói, dẫu anh trai họ và người em ruột của tôi đã chết vì nó, không còn thiêng liêng và chính nghĩa nữa, một khi nó gây nên cái chết của nhiều triệu người dân Việt cả hai phía cùng hàng chục triệu cuộc chia ly đau đớn. Mà rồi, những gì ta đang có hôm nay có xứng đáng với sự hy sinh ghê gớm ấy không? Cũng vì nó mà hàng chục vạn cô gái thanh niên xung phong để mất tuổi xuân ở Trường Sơn, và nếu có sống sót trở về cũng không còn cơ may lấy chồng, phải ở vậy suốt đời hoặc biến thành một hình sáp vô hồn như chị Duyên của tôi trong chùa Mít.
“Ừ, mà nếu không cạo đầu, mái tóc chị sẽ bạc đến đâu nhỉ?”

          NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL TOÁN HỌC

Hồi học đại học ở Liên Xô, tôi chơi thân với một cậu khá kỳ quặc. Chơi vì cùng đồng hương Nghệ An và cả vì sự kỳ quặc ấy. Từ nhỏ toi vốn không ưa những gì bình thường, nhàm chán.
Hắn là sinh viên một trường danh tiếng ở Matscơva, thông minh và học giỏi. Giỏi với nghĩa xuất sắc thật sự chứ không phải loại khá hơn bình thường. Ngay năm thứ hai, hắn đã có hai bài báo được đăng trên một tạp chí chuyên ngành quốc tế về sinh học, là môn hắn được gửi sang đây để học. Tuy nhiên, đam mê thực sự của hắn, đam mê suốt đời, lại là toán. Thành ra thành tích sinh học của hắn chỉ dừng lại ở hai bài báo ấy và cái bằng phó tiến sĩ hắn nhận được không mấy khó khăn khi về nước.
Hắn mày mò tự học toán và chắc cũng đạt được điều gì đó, nhưng là người ngoại đạo nên tôi không thể đánh giá.
Một hôm đến chơi, hắn bảo tôi với vẻ rất tự tin:
“Tớ sẽ đoạt giả Nobel Toán học!”
“Nobel không có giải dành cho môn toán,” tôi đáp.
“Tớ biết. Rồi người ta sẽ lập cái giải ấy cho tớ.” Hắn nói, cũng rất tự tin. “Toán là môn khoa học mẹ của tất cả các môn khác. Chỉ tại lão Nobel nhỏ nhen không lập giải này vì vợ lão có bồ là một nhà toán học mà thôi.”
Lần sau gặp, hắn lại nói:
“Cậu dịch thơ được đấy. Phải thừa nhận nhiều bài rất hay. Sao cậu không phấn đấu đoạt giải Nobel về dịch thuật?”
“Xưa nay chưa ai đoạt cái giải ấy. Mà nó cũng chẳng có”.
“Thì người ta sẽ lập nó cho cậu, nếu cậu dịch thực sự hay”.
“Tớ là người bình thường, dịch dọt cho vui chứ Nobel nỗi gì! Khéo người ta cười cho thối mũi,” tôi đáp, rất chân thành.
Thế mà hắn xửng cồ, cái thằng kỳ quặc ấy. Hắn quát vào mặt tôi:
“Cậu tầm thường chứ không phải bình thường. Sống mà không mơ ước, không hoài bão thì sống làm đếch gì! Dịch dọt làm đếch gì!”
“Nhưng tớ phải biết sức mình...” tôi yếu ớt chống đỡ.
“Làm sao biết được sức mình khi chưa thử thách? Nói chuyện với cậu chán bỏ mẹ!”
Rồi hắn lại ngồi vào bàn làm việc, hý húi với môn toán của mình, ra ý đuổi tôi về, chỉ vì tội không muốn nhận giải Nobel dịch thuật.
Về nước, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Sự kỳ cục, cực đoan của hắn không giảm mà còn tăng, và nhiều lần tôi vẫn bị hắn mắng té tát như trước. Công bằng mà nói thì tôi bị hắn mắng oan. Tôi chỉ bình thường chứ không tầm thường. Như anh nông dân lo cày sâu cuốc bẫm để thu hoạch thật nhiều thóc, tôi cố dịch thật nhiều, cặm cụi ngày đêm viết lách, gọt dũa từng câu, từng ý đến mức hài lòng mới thôi. Tôi không thi vị hóa mà cũng chẳng coi thường cái nghề mình đã chọn, không mảy may mơ ước các giải thưởng này nọ, trong nước chứ chưa nói đến giải Nobel. Nghĩa là tôi cũng tử tế, dám sống chết với nghề, và cũng có hoài bão đấy chứ!
Hắn được phân về làm việc ở một viện nghiên cứu sinh học, đúng chuyên môn đã học. Hắn giỏi đến mức được người ta phân một mình một căn hộ ở khu tập thể Kim Liên, là điều hiếm xảy ra thời đó. Hơn thế, hắn được quyền cả tháng không đến viện ngày nào. Độ sáu tháng một lần hắn ôm một tập dày các nghiên cứu của hắn nộp lãnh đạo viện. Mọi người, kể cả chuyên gia đầu ngành đọc không hiểu gì, nhưng chẳng dám bác, đành gửi sang Liên Xô nhờ thẩm định hộ. Tôi cũng nhiều lần phải khốn khổ ngồi nghe hắn thuyết trình hàng giờ các công trình nghiên cứu cao siêu mà tôi hoàn toàn mù tịt ấy.
Như trước, đam mê của hắn vẫn là toán, và hắn vẫn không ngừng say mê nghiên cứu để đoạt cái giải Nobel hắn mơ ước.
Một hôm, đang đi trên đường, tôi bị ai đó gọi to chặn lại. Thì ra là hắn. Đã mấy năm chúng tôi không gặp nhau, nhưng quả tình tôi không ngờ hắn thay đổi đến thế. Trước mặt tôi là một ông già nhếch nhác, ăn mặc luộm thuộm và cáu bẩn.
“Cậu đãi tớ một chầu bia đi!” Hắn nói với vẻ hống hách như ra lệnh. “Lâu lắm chưa được ăn bữa nào ra hồn.”
Chúng tôi vào một quán bia gần đó. Thú thật tôi không thể cầm lòng khi nhìn hắn ăn một cách ngấu nghiến các món dọn ra và liên tục tu hết cốc bia này đến cốc khác. Chỉ những người phải nhịn đói lâu ngày mới có kiểu ăn như vậy.
Ăn uống no nê, hắn bắt đầu hăng hái nói một thôi một hồi những việc hắn đã và đang làm. Vất vả lắm tôi mới lái được câu chuyện sang hướng tôi muốn, tức là chuyện gì đã xẩy ra với hắn những năm vừa rồi. Thì ra hắn bị đuổi việc vì, theo lời hắn, “tớ đếch thèm bận tâm mấy cái chuyện sinh học vớ vẩn ấy nữa. Để dành thời gian cho toán.” Rồi hắn quay lại với đề tài hắn yêu thích, thao thao bất tuyêt, đôi mắt đỏ ngầu và tinh sáng một cách khác thường. Thỉnh thoảng bọt mép sùi ra hai bên khóe miệng. Dẫu chua xót, tôi vẫn phải tự bảo mình rằng hắn đã phát điên, chí ít thì tâm thần nặng. Kiểu “phát rồ vì ngộ chữ” như dân gian vẫn nói.
Sau đó tôi đều đặn đến thăm hắn tại căn hộ nhỏ ở Kim Liên. Quả thật tôi không biết hắn sống thế nào và ăn uống những gì. Lần nào đến, tôi cũng thấy hắn đang cắm cúi làm việc bên chiếc bàn sờn cũ. Thường thì hắn vừa ăn những gì tôi mang tới, vừa mắng tôi cái tội không chịu phấn đấu để lấy cái giải Nobel về dịch thuật. Hắn xem việc tôi đến thăm hắn là chuyện đương nhiên, và chưa một lần cảm ơn tôi. Dần dần tôi học được cách kiên nhẫn ngồi nghe hắn nói về các công trình của hắn mà tôi hoàn toàn không hiểu. Tôi thực sự thương xót, ái ngại cho hắn, một người sống có niềm tin và sự đam mê mãnh liệt. Không loại trừ khả năng chính nhờ niềm tin và sự đam mê ấy, hắn mới có thể tiếp tục sống và làm việc hết năm này đến năm khác trong điều kiện cùng cực như vậy.
Tuy nhiên, cái phải đến cuối cùng đã đến. Hắn chết cách đây mười năm trong căn phòng đơn độc, giữa một đống lớn giấy tờ bề bộn và chắc với cái dạ dày trống rỗng. Do không có ai thân thích ở Hà Nội, ông hàng xóm gọi điện cho tôi khi phát hiện hắn chết.
Ông nói:
“Tội nghiệp bác ấy.”
“Vâng. Tiếc ông ấy không sống được đến ngày nhận giải Nobel”.
Tôi đáp, trong thâm tâm thực sự coi hắn đã nhận được cái giải cao quí ấy. Từ ấy đến nay tôi luôn nhớ đến hắn như một người đoạt giải Nobel toán học.
Sau cái chết của hắn, tôi hay ngẫm nghĩ về bản thân, và vẫn chưa dứt khoát xếp mình vào hạng người nào - bình thường hay tầm thường như hắn nói.


ĐỎ

Tôi đến chơi nhà thì được biết Bé Lan sắp lấy chồng.

          Bé Lan là con gái một anh bạn từ thời đại học. Trong mắt tôi, nó vẫn luôn là một cô bé, dẫu đã mười chín tuổi và đang học năm thứ hai đại học Ngân Hàng.

“Định thôi học à?” Tôi hỏi khi ngồi xuống bàn, nhâm nhi chén nước ông bạn vừa rót.

Trên bàn có bông hoa đỏ bằng vải lụa. Nhiều lần tôi thấy Bé Lan cài bông hoa ấy trên mái tóc. Nó rất thích màu đỏ, đến mức người nhà gọi nó là Đỏ, và dường như nó hài lòng với cái tên ấy.

“Không. Nó bảo lấy chồng vẫn tiếp tục học”. Ông bố thở dài đáp. “Chúng tôi can mãi không được. Mà tính nó thì bác biết…”

“Tính nó” ở đây không đơn thuần là tính cách, mà là chuyện nghiêm trọng hơn nhiều. Nó mắc bệnh tâm thần, mà có vẻ nặng, nhất là mươi năm trước. Gần đây có vẻ ổn hơn. Năm lớp tám nó từng nhảy vào đống lửa khi cùng bạn cắm trại trên Tam Đảo. May được lôi ra kịp. Lúc nào bị kích thích, do vui quá hặc buồn quá, nó thường lên cơn.

“Vợ chồng chúng tôi lo lắm. Tự nhiên một hôm nó dẫn người yêu về nhà. Thằng bé không đến nỗi. Có vẻ chúng rất hạnh phúc, đặc biệt Cái Đỏ. Nó như người khác hẳn. Vui vẻ, hoạt bát. Cứ như cả người nó đang tỏa sáng, nhất là đôi mắt. Và đó là điều làm chúng tôi lo lắng. Rõ ràng nó đang bị hưng phấn, kích thích… Mà với cái bệnh này thì thế là nguy hiểm? Ngăn cản nó cũng chẳng được, vì làm thế có thể còn nguy hiểm hơn. Theo bác thì nên thế nào?”

Tôi chưa kịp nói gì thì nó từ trong nhà bước ra.

Bé Lan, đã là một thiếu nữ. Gọi người lớn cũng được, vì tình yêu đã làm nó thay đổi. Nó đẹp, đẹp từ dáng người đến khuôn mặt và mái tóc uốn xoăn tôi mới thấy lần đầu. Và tất nhiên vẫn mặc toàn đồ đỏ. Bộ váy áo màu đỏ mặc trong nhà làm đôi má nó ửng hồng. Còn đôi mắt thì, như anh bạn tôi đã nói - long lanh và rực sáng, đến mức tôi không dám nhìn lâu vào nó. Đôi mắt khao khát tình yêu, hạnh phúc và đầy hy vọng.

Chào hỏi xong, nó cúi xuống bàn lấy bông hoa lụa màu đỏ cài lên đầu. Cái cách nó cài hoa cũng đẹp, cảm động và đầy nữ tính.

“Hôm nay bác quên không mang cuốn sách nào cho cháu”, tôi nói, vì trước đấy lần nào đến chơi cũng làm vậy”.

Nó không đáp, chỉ cười. Một nụ cười rạng rỡ, làm tôi thấy sờ sợ. “Rõ ràng nó đang bị hưng phấn, kích thích… Mà với cái bệnh này thì thế là nguy hiểm?”, tôi chợt nhớ lời ông bạn nói lúc nãy.

*
Một tháng sau tôi được mời dự cưới nó. Bản thân dám cưới không có gì đáng nói, ngoài việc cô dâu mặc bộ váy không phải màu trắng mà toàn đỏ. Đỏ rực. Cả chiếc khăn voan cũng đỏ.  Trong bộ váy khác thường ấy nó như một ngọn lửa dang cháy. Thật lộng lẫy, và cũng đáng sợ.

Khi đến bàn tôi nâng cốc cảm ơn, nó lí nhí điều gì đó và mỉm cười. Tôi giật mình, có cảm giác như nụ cười hạnh phúc ấy của nó cũng có màu đỏ, và lại vẩn vơ nghĩ về căn bệnh quái ác, về sự hưng phấn, nguy hiểm…

*
Khoảng mười tháng sau, vào lúc ba giờ sáng, tôi được ông bạn gọi điện báo tin, rằng con ông, Bé Lan, còn được gọi là Đỏ, đã chết. Tự nó châm lửa đốt nhà và chết cùng đứa con trai mới sinh. Đêm ấy anh chồng về quê thăm bố mẹ, không có nhà.

Tôi lặng người không biết nói gì. Trong đôi mắt nhắm là một ngọn lửa khổng lồ rực sáng. Ngọn lửa tay bế một đứa trẻ.

Hạnh phúc đã giết nó.


NHÂN QUẢ

Lão sống một mình trong túp lều ngay sát Cầu Sắt. Suốt đời lão chỉ làm một nghề là mài dao kéo cho cả vùng Nho Lâm rộng lớn này, và cũng nổi tiếng cả vùng nhờ cái nghề ấy. Chắc phải có một bí quyết hay đồ nghề đặc biệt nào đó nên các con dao lão mài sắc ngọt một cách khác thường. Vả lại, lão kỹ tính và làm cẩn thận lắm. Chiếc dao nhỏ lão mài miết cả tiếng đồng hồ, bao giờ xong cũng lấy một sợi tóc đặt lên lưỡi dao, thổi một cái đứt đôi mới giao cho khách.
Vợ lão chết từ lâu. Cậu con trai duy nhất lấy vợ, ở rể ở huyện trên, nghe nói “chuột sa chĩnh gạo” nhưng không bao giờ thăm hỏi hay giúp đỡ gì bố. Trước còn khỏe, lão quảy chiếc gánh toòng teng đi khắp vùng. Mấy năm gần đây vì già, vì cả đôi chân phù thũng, lão chỉ quanh quẩn trong làng hoặc ngồi ở nhà, ai cần thì mang dao kéo tới. Bây giờ đồ Trung Quốc nhiều và rẻ nên thậm chí cả ở nông thôn, người ta cũng ít mài, mà mua cái mới. Thành ra việc không nhiều, tức là cái ăn cũng không nhiều. Có hôm lão phải ôm bụng đói đi ngủ. Đáng ra ở tuổi lão, tức là tám mươi trở lên, theo chế độ gần đây của nhà nước, lão phải được trợ cấp mấy chục nghìn đồng một tháng, nhưng do lão không có giấy khai sinh nên đành chịu. Thỉnh thoảng dân làng thương tình, người cho cân gạo, kẻ mấy quả trứng, hay mang những chiếc dao còn sắc đến nhờ lão mài. Có người còn cất công tìm gặp con trai lão. Anh ta hứa sẽ về đưa bố lên ở với mình nhưng mãi chẳng thấy tăm hơi đâu.
Một hôm tôi đến nhà lão và ngồi với lão cả buổi chiều.
Lão nằm thu lu trên chiếc giường tre ọp ẹp, trùm kín đầu chiếc chăn chiên sờn cũ, dù trời không lạnh. Biết tôi đến, lão ngồi dậy ngay.
“Ông giáo quí hóa quá, lúc nào cũng cho quà”, lão nói khi tôi bày ra bàn mấy bắp ngô luộc, xị rượu và ít đồ nhắm.
“Tôi đến nhờ bác mài cho con dao”, tôi cười đáp.
“Tôi biết”, lão cũng cười, miệng méo xệch, một dòng nước đục rỉ ra từ khóe miệng, trông thật tội.
 “Dạo này bác có vẻ yếu hơn trước”.
“Ừ ừ. Tại đôi chân khốn khổ này. Cả ho nữa.”
Lão cùng tôi làm vài ly nhỏ rồi bắt tay vào mài con dao của tôi, vốn còn rất sắc. Thế mà gần ba mươi phút sau lão mới chịu dừng tay, sau khi vừa mài vừa dấp dấp chất gì đó lên lưỡi dao, chốc chốc dừng lại làm hớp rượu.
“Ông giáo xem này!” lão bảo tôi rồi nhổ sợi tóc bạc trên đầu, đặt lên lưỡi dao. Sợi tóc đứt đôi.
“Sắc quá!” tôi thốt lên.
“Cũng thường thôi,” lão nói, không phải không pha chút tự hào. “Tôi có một con còn sắc hơn nhiều”.
Nói rồi, lão lấy dưới gầm giường ra một con dao được bọc trong lớp giấy xi-măng bẩn. Nó dài, mỏng như một thanh kiếm Nhật, đầu nhọn và sáng loáng.
“Tôi lấy từ xác một tên lính Nhật hồi năm bốn tư đấy. Nó bị du kích giết ở Phủ Diễn. Đúng là cái bọn lùn ấy làm cái gì cũng tốt.” Lão nói rồi bất chợt thở dài: “Có điều chẳng biết dùng nó làm gì.”
Lão lấy tờ giấy quét lên lưỡi dao nhiều lần, quét đến đâu, các vụn giấy rơi đến đấy. Tôi nhìn mà thấy sờ sợ. Lát sau tôi chuyển đề tài:
“Bác đau ốm thế này, sao anh con không về nhỉ?” Lão im không nói gì. “Mà rồi chính quyền mãi không làm cho bác cái trợ cấp người già. Bác tám mươi tuổi rồi mà”.
“Đúng thế. Tôi sinh ngày mồng Một tháng Năm năm 30, khi bố tôi bị Pháp bắn chết vì tham gia đình công ở Bến Thủy, Vinh.” Tợp thêm chén rượu, lão nói tiếp, mắt rơm rớm: “Nhân quả đấy bác ạ. Cả chuyện thằng con bất hiếu cũng nhân quả nốt!”
Tôi nhìn lão vẻ không hiểu.
“Suốt đời tôi mài dao cho đời. Mà dao thì không chỉ cắt thái mà còn đâm chém. Tức là tôi tham gia vào tội ác. Giờ thì tôi phải chịu cảnh này.”
“Bác nghĩ quẩn rồi. Nghề của bác vô hại, nếu không muốn nói có ích cho đời”, tôi an ủi lão.
“Không. Đêm đêm chúng vẫn đến đấy. Cái bọn trâu bò, lợn gà bị giết ấy mà. Cả người nữa. Thời kháng chiến, thời cải cách ruộng đất tôi mài dao kiếm cho du kích. Bây giờ bọn Việt gian, địa chủ cường hào đến bắt đền tôi, nhiều lắm. Đêm nào cũng đến. Chúng bảo chúng bị oan. Tội tôi đáng chết. Nhân nào quả ấy thôi, ông giáo ạ”.

*
Cách một ngày, tôi lại đến, thấy lão chết, nằm trên giường, cuống họng bị cắt, tay phải lão còn giữ chặt chiếc kiếm Nhật sáng loáng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét