Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Thơ Đường







THƠ CHỮ HÁN TRUNG QUỐC


VƯƠNG TÍCH

Sinh năm 585 mất 644, tự Võ Công, người Long Môn nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Từng làm quan một thời gian rồi về nhà ở ẩn, vui thú điền viên. Tác phẩm: "Vương Võ Công tập".


1. Sau khi say

Nguyễn Tịch ít khi tỉnh.
Đào Tiềm lắm lúc say.
Trăm năm như nháy mắt,
Vui, cứ hát suốt ngày.


2. Qua quán rượu

Chẳng cần suy lợi hại,
Cứ uống tràn cung mây.
Tại sao ta phải tỉnh
Khi mọi người đều say?


3. Ngắm cảnh đồng quê

Chiều ngắm cảnh bờ đông,
Buồn vẩn vơ trong lòng.
Sắc thu nhuộm cây lá.
Trên núi vệt nắng hồng.
Ngựa săn chở muông thú,
Nghé bước theo mục đồng.
Nhìn nhau toàn thấy lạ,
Nhớ Di Tề, hát ngông.



LẠC TÂN VƯƠNG

Sinh năm 626 mất 684, người Nghĩa Ô, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, giỏi thơ văn từ nhỏ, giữ nhiều chức quan, thiên về võ. Cuối đời có sách chép ông thua trận bị giết, có nguồn nói ông từ quan đi tu. Được xếp là "Sơ Đường tứ kiệt", cùng với Vương Bột, Dương Quýnh và Lư Chiếu Lân.


4. Tiễn đưa bên sông Dịch

Thái tử Đan tức giận,
Tóc dựng ngược nơi này.
Người xưa không còn nữa,
Nước lạnh đến ngày nay.


5. Trong tù, vịnh ve sầu

Chiều thu, ve ngân nga.
Người trong lao nhớ nhà.
Hai cánh ve đen nặng.
Mái tóc bạc ông già.
Sương dày, khó bay bổng.
Gió mạnh không vang xa.
Ai biết mình vô tội?
Ai hiểu rõ lòng ta?



THƯƠNG QUAN NGHỊ

Năm sinh không rõ, mất năm 664, tự Du Thiều người Thiểm Châu nay thuộc tỉnh Hà Nam; đỗ tiến sĩ, từng giữ nhiều chức quan, sau thất sủng, bị bắt giam và chết trong ngục.


6. Buổi sáng sớm đi trên bờ sông Lạc

Ngựa băng qua bãi cát.
Nước cuộn chảy dưới sông.
Chim bay, trăng gác núi.
Có tiếng ve ngoài đồng.



VƯƠNG BỘT


Sinh năm 650, mất 676, tự Tử An, người Hàng Châu nay thuộc tỉnh Sơn Tây, cháu họ của Vương Tích. Ông được tôn vinh là một trong "Sơ Đường tứ kiệt", tài cao mà danh phận thấp.


7. Tháng chín ở đất Thục

Nhớ quê, trùng cửu phút chia ly.
Chiếu lạ đất người tiễn khách đi.
Nam Trung đất dữ, người đã chán,
Chim nhạn phương nam đến làm gì?


8. Muốn về nhà

Sóng Trường Giang buồn bã.
Nao nức, muốn về nhà.
Huống chi chiều nay gió,
Lá rừng rụng xa xa.


9. Gác Đằng Vương

Trên đầm lờ lững vẫn mây bay.
Vật đổi sao dời, ngày lại ngày.
Con vua trong gác giờ đâu nhỉ?
Trường Giang vẫn thế chảy xưa nay.

10. Tiễn quan thiếu phủ họ Đỗ
đi nhậm chức ở Thục Xuyên

Nhậm chức ở Tam Tần,
Ngong ngóng miền Ngũ Tân.
Tôi ông cùng cảnh ngộ,
Nên bịn rịn đưa chân.
Bốn bề nhiều tri kỷ,
Xa mà cũng như gần.
Chốc nữa đừng như trẻ,
Khóc ướt đầm vạt khăn.


11. Dự tiệc ở đình Thánh Tuyền

Vén áo ngồi ghế đá.
Cúi đầu nhìn xuống khe.
Hương lan quyện mùi rượu.
Thông reo hòa nhạc quê.
Gió thổi, rung tán lá.
Hoa thơm rụng bốn bề.
Càng về chiều càng đẹp
Cảnh hoàng hôn sơn khê.



LƯ CHIẾU LÂN

Sinh năm 641, mất 690 tự Thăng Chi, người U Châu, nay gần Bắc Kinh, suốt đời gặp điều rủi, mắc bệnh phong, thọt chân, một tay bị liệt, trẫm mình chết ở sông Dĩnh. Được xem là một trong bốn tứ kiệt thời Sơ Đường. Tác phẩm: "Văn tập" (20 quyển).


12. Sen trong ao Khúc

Ao Khúc, sen thơm ngát,
Kín đặc lá hình tròn.
Sợ gió thu đến sớm,
Sen héo, không ai buồn.



DƯƠNG QUÝNH

Sinh năm 650, mất 692, người Hoa Dương, nay thuộc Thiềm Tây, nổi tiếng giỏi thơ văn từ nhỏ, thích làm thơ ngũ ngôn. Tác phẩm: "Doanh Xuyên tập".


13. Đêm, tiễn Triệu Tùng

Ngọc Liêu Thành họ Triệu
Được truyền tụng bao đời.
Tiễn anh về quê cũ,
Mặt sông trăng sáng ngời.



TỐNG CHI VẤN

Năm sinh không rõ, mất 710, tự Diện Thanh, nơi sinh còn tranh cãi. Ông là người có tướng mạo oai nghiêm, giỏi hùng biện và thơ ngũ ngôn; làm nhiều chức quan. Tác phẩm có 10 quyển.


14. Tiễn đưa Đỗ Thẩm Ngôn

Ốm, nằm quên mọi chuyện.
Thương bác đi một mình.
Dẫu không ra bến tiễn,
Vẫn biết bến có tình.


15. Tiễn đạo sĩ Tư Mã đi chơi Thiên Thai

                                                                             
Tiễn người, đàn sáo rộn trên lầu.
Tiễn xong, mây tản, mây nhiều màu.
Đông Bách, người đi không trở lại.
Người ở Bồng Lai luôn nhớ nhau.


16. Thơ đề ở nhà trạm phía bắc núi Đại Dữu

Chim xuống nam trú rét,
Nắng ấm lại quay về.
Còn ta thì đi mãi.
Bao giờ trở lại quê?
Nước phẳng lặng, triều rút.
Trời tối, sương đầy khe.
Nhìn về phía quê cũ,
Tưởng nhìn thấy vườn lê.


17. Nhà trên núi Lục Hồn

Bỏ việc đời, về đây.
Chống gậy, xem dân cày,
Ngắm hoa bên suối nước.
Tìm hái thuốc suốt ngày.
Gặp người làng chào hỏi.
Chim khoe mình trên cây.
Đi, đi mãi, thật thích.
Tự thẹn với đời này.


18. Gặp người đẹp ở cầu Quế Dương

Lất phất mưa rơi, ướt bụi đường.
Hàng liễu buông mành, xuân Quế Dương.
Bất chợt gặp xe người đẹp đến.
Yên vàng, ngựa trắng, mặt như gương.
Ăn mặc kiểu Tần, xe giống Triệu.
Mấy đứa con hầu thật dễ thương.
Vốn chẳng giong thuyền tìm lạc thú,
Mà chợt thấy lòng buồn vấn vương.


Làm trên đường theo vua đi chơi

Lộng lẫy cảnh sông núi,
Thật tuyệt chuyến đi chơi.
Mây sớm như rèm cuốn.
Ánh lửa lẫn sao trời.
Cờ xí ngập hang động.
Tiếng xe lăn muôn nơi.
Đáng làm thơ ghi lại,
Chỉ tiếc không dủ lời.



ĐỖ THẨM NGÔN

Sinh năm 646, mất 708, tự Tất Giản, người Tô Tịch, nay là tỉnh Hồ Bắc, là tổ phụ của Đỗ Phủ.


19. Qua sông Tương

Ngày trôi chầm chậm, nước trôi nhanh.
Xuân đến, thêm buồn họa chiến tranh.
Không giống sông Tương lên phía bắc.
Xuống nam chạy nạn, xót dân lành.


20. Họa bài thơ “Đi chơi xem cảnh xuân sớm”
của thừa tướng họ Lục ở Tấn Lăng

Làm quan xa, đất người,
Ngại đổi thay tiết trời.
Ráng mây bừng mặt biển.
Liễu bên sông tốt tươi.
Đám tần xanh phớt nắng.
Chim oanh hót khắp nơi.
Chợt nghe bài hát cũ,
Nhớ nhà, nước mắt rơi.


21. Hầu tiệc vua ở điện Bồng Lai, vâng lệnh mà viết

Núi Nam Sơn trước điện,
Sao Bắc Đẩu bên thành.
Mây ngũ sắc ngoài cửa.
Điện ngọc cây bao quanh.
Đỉnh Trung Sơn ráng đỏ.
Núi xa biếc màu xanh.
Nhờ Đức Vua gieo đức
Đất nước được yên lành.


22. Đêm thu, dự tiệc nhà ông
Trịnh Minh Phủ, huyện Lâm Tân

Được ông mời uống rượu
Lúc không biết đi đâu.
Uống say cho cả tháng,
Thấy đời thật bể dâu.
Chuông đêm xuyên tĩnh lặng.
Sương rơi những hạt châu.
Nhâm nhi chút thừa hứng,
Tưởng còn ở bên nhau.


23. Họa bài “Ngắm trăng
nghĩ ngợi” của bác Năm Khang

Đêm thu, trăng rất sáng,
Mà người ngắm buồn thênh.
Hôm nào còn mỏng dính,
Nay đã tròn một vành.
Gió đưa, bóng trăng lạnh
Soi giọt sương long lanh.
Đứng nhìn, buông vạt áo,
Muốn đi, đi không đành.


24. Ngày hè, ghé nhà sách trên núi của bác Bảy Trịnh

Hỏi đường đến thăm bác,
Vì thích uống với nhau.
Dưới thủy đình sen nở.
Đường núi cỏ xanh màu.
Nắng sau mưa còn ướt.
Sấm bỗng nổ trên đầu.
Chuông Lạc Dương vọng tới.
Xe ngựa còn chờ lâu.


Tiễn Thôi Dung ra trận

Vua sai ông, đại tướng,
Cùng đoàn quân lên đường.
Trại lính kề cung điện,
Khí thế rung Lạc Dương.
Cờ bay trong gió sớm.
Trống vọng tới biên cương.
Thu tới, miền Cổ Bắc
Hết giặc, lại bình thường.



THẢM THUYÊN KỲ

Sinh năm 656, mất 714, tự Vân Khanh, người Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hà Nam; đỗ tiến sĩ năm 675, từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Thơ ông nổi tiếng mượt mà, trau chuốt.


25. Núi Mang Sơn

Dưới núi Bắc Mang mộ rất nhiều,
Đối diện Lạc Dương, mỗi buổi chiều
Trong thành rộn tiếng chuông và hát.
Núi này chỉ có tiếng thông reo.


26. Ý xưa

Nàng Lư đeo cỏ uất kim cương.
Én biển từng đôi đậu trên rường.
Tháng chín, tiếng chày khua lá rụng.
Mười năm đi lính, nhớ Liêu Dương.
Bạch Lang phía bắc, tin chồng vắng.
Đan Phượng miền nam, trống nửa giường.
Chênh chếch màn the trăng chiếu dọi.
Một mình sầu muộn, nhớ người thương.

27. Đêm ngủ trọ ở núi Thất Bàn

Rong chơi khắp thiên hạ,
Dừng tạm núi Thất Bàn.
Ngân Hà thấp trước ngõ.
Trăng núi kề lan can.
Chim kêu, đêm tĩnh lặng.
Cây xanh tốt bạt ngàn.
Khách buồn nghe gà gáy
Từ thành Bao râm ran.


28. Nhớ chồng

Chồng trấn thú ngoài ải,
Nghe nói tận Hoàng Long.
Chốt mãi trong trại Hán.
Vợ một mình một phòng.
Chồng và vợ đều muốn
Được gặp nhau thỏa lòng.
Giá có ai tự nguyện
Trấn ải giúp hộ chồng.



LƯU ĐÌNH KỲ

Chưa rõ tiểu sử tác giả.

29. Đài Đồng Tước bên bến sông Chương

Vua Ngụy xây lăng ở bến này.
Đồng Tước điêu tàn xác cỏ cây.
Người nay nhìn thấy, buồn vô hạn,
Huống nữa người xưa hát ở đây.



TRẦN TỬ NGANG

Sinh năm 656, mất 689, tên chữ Bá Ngọc, người Tần Châu, Xạ Hồng, nay thuộc Tứ Xuyên, xuất thân hào phú, từng làm Hữu thập di, sau bỏ quan về làng, bị tên quan địa phương vu khống bỏ ngục, phẫn uất mà chết. Tác phẩm: "Trần Tử Ngang thi tập".


30. Trên đường đi U châu

Chẳng thấy người đi trước.
Không thấy người đi sau.
Ngắm đất trời vô tận,
Sao cầm lòng không đau?


31. Tặng quan thị lang Kiều Trí Chi

Trong triều, quan khéo nịnh.
Công mỏng tướng ải ngoài.
Vất vả, bác có biết
Mình bạc đầu vì ai?


32. Đêm xuân, từ biệt bạn

Chén vàng nơi yến tiệc,
Nến bạc cháy trên lầu.
Biệt ly, đường uốn lượn.
Trong tiệc, nhạc lệ sầu.
Trăng vướng trên chùm lá,
Gần sáng sao đổi màu.
Tới Lạc Dương xa thế,
Bao giờ mới gặp nhau?

33. Chiều ghé thuyền ở huyện Nhạc Dương

Quê cũ mịt mờ không thấy đâu.
Chiều tối một mình, đi đã lâu.
Con đường dẫn tới thành biên giới.
Bốn phía âm u, xạm một màu.
Đồng quê hoang vắng, sương che phủ.
Cây cối mờ mờ trong núi sâu.
Đã buồn, lòng lại buồn thêm nữa,
Khi nghe vượn hót thật u sầu.


Tiễn quan trí tác Thôi Dung đi đánh miền Đông

Trời thu buồn heo hắt.
Sương trắng, ngựa chồn chân.
Quân ra đi dẹp loan.
Bác lên đường vì dân.
Gió biên giới thổi mạnh.
Biển miền Nam lạnh dần.
Lư Long đừng để mất,
Ghi danh lầu Kỳ Lân.


Ngày xuân lên quán Đạo Cửu Hoa

Bạch Ngọc -  đài xưa cũ.
Đàn Khâu - cõi tiên bồng.
Khói sương che lầu gác.
Mây nắng nhòa trên sông.
Trên cây cao hạc múa.
Dưới bãi vắt cầu vồng.
Những muốn lên thiên giới
Chơi cùng Xích Tùng ông 1).

1. Tên một vị tiên, đồng thời là thần mưa của người Trung Quốc xưa.


Nhớ thành Bạch Đế xưa
         (trích)

Sông Thương, trời xẫm tối,
Cảnh buồn, trời đầy mây.
Thành nước Ba hoang phế.
Cung Hán cỏ phủ dày.
Núi ghi công vua Vũ,
Đất nhà Chu còn đây.
Đường sông dài vô tận,
Khách nghĩ ngợi suốt ngày.



VI THỪA KHÁNH

Sinh không rõ vào năm nào, mất 707, người Vũ Lăng, tỉnh Hà Nam ngày nay. Tác phẩm có "Văn tập" gồm 16 quyển.


34. Từ biệt em để đi về phía nam 1)

Khách buồn li biệt đứng bên sông.
Trường Giang hờ hững cứ xuôi dòng.
Như thể cùng người chia mối hận,
Hoa rơi xuống đất, lặng như không...

(1) Tøc lµ tíi LÜnh Nam, lóc t¸c gi¶ bÞ biÕm chøc vµ ®µy tíi ®ã.



TIẾT TẮC

Sinh năm 649, mất 713, tự Tư Thông, người Bồ Châu, nay thuộc tỉnh Sơn Tây; đỗ tiến sĩ, làm quan đến Lễ bộ lang trung, rồi Lễ bộ thượng thư, cuối cùng bị bắt giam và xử tử.


35. Sáng mùa thu, soi gương

Khách xa sợ cảnh lá vàng rơi.
Đêm nghe mưa gió thổi tơi bời.
Sáng dậy soi gương, nhìn mái tóc,
Thấy rõ gian nan của kiếp người.



HẠ TRI CHƯƠNG

Sinh năm 668, mất 744, tên chữ là Quý Chân, người Cối Kê, nay thuộc huyện Thiếu Hưng, tỉnh Chiết Giang, từng giữ chức thị lang bộ Công. Cuối đời tự xưng là Tứ Linh Cuồng Khách, từ quan về làng ở ẩn. Tác phẩm có Hạ Bì Giám Tập.


44. Viết lúc về thăm quê
Bài một

Xa quê từ nhỏ, già quay lại,
Giọng vẫn như xưa, tóc đổi màu.
Trẻ nhìn không biết người quê cũ,
Còn hỏi: Cần gì, bác đi đâu?


45. Viết lúc về thăm quê
Bài hai

Xa quê như thế đã lâu ngày.
Sự đời điên loạn bấy lâu nay.
Chỉ nước Kính Hồ là vẫn vậy.
Cơn gió không làm sóng đổi thay.


46. Thơ đề ở quán riêng họ Viên

Chủ nhà và khách dẫu không quen,
Cùng ngồi trò chuyện, ngắm trăng lên.
Đừng thấy ta buồn mà gọi rượu.
Trong túi ta đây cũng có tiền!



LÝ LONG CƠ

Tức Đường Huyền Tông, hiệu Minh Hoàng, cháu vua Cao Tông, con thứ ba của vua Duệ Tông, văn võ kiêm toàn. Ngày sinh không rõ, chỉ biết mất năm 763.

47.  Đi qua đất Lỗ, tế Khổng Tử mà thương xót cho ông

Vì cớ gì Phu Tử
Phải sương nắng dãi dầu?
Cung vẫn cung nước Lỗ,
Làng vẫn làng họ Trâu.
Hận đạo không hành được.
Thương mình lắm buồn đau.
Nay dâng lễ trước miếu,
Tưởng trong mơ gặp nhau.


Tránh loạn vào đất Thục, lúc trở về đến cửa Kiếm Các

Núi Kiếm Các cao ngất.
Xe chở vua du hành.
Ngũ Đinh - đường đất đỏ.
Sừng sững vách núi xanh.
Mây trời vướng chân ngựa.
Cờ xí bay xung quanh.
Giờ là lúc ban đức,
Khắc bia đá ghi danh.



VƯƠNG LOAN

Nhà thơ nổi tiếng hào hoa, chưa rõ năm sinh, năm mất, người Lạc Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ông đỗ tiến sĩ đời Đường Tiên Thiên, từng làm Lạc Dương úy.


36. Dừng thuyền dưới chân núi Bắc Cố

Đã ra khỏi vùng núi.
Thuyền tới chỗ nước xanh.
Sông rộng, thủy triều lớn,
Lại gặp gió đồng hành.
Rạng sáng, mặt trời mọc.
Sông vào xuân, long lanh.
Thư làng không tới được.
Nhạn về Lạc Dương thành.



TRƯƠNG HÚC

Năm sinh năm mất không rõ, sống vào khoảng những năm trước sau 711, người Giang Tô, Tô Châu, làm Thường hiệu úy, hay rượu, tự xưng là Trương Điên, cùng Lý Bạch và Bùi Uẩn múa kiếm, làm thơ, gọi là "Tam tuyệt".


37. Suối hoa đào

Cầu treo thấp thoáng giữa sương hồng.
Hỏi thuyền đánh cá đậu ven sông:
Suốt ngày hoa rụng trôi theo suối,
Động đá bên nào, có biết không?



LƯU TÍCH HƯ

Chưa rõ năm sinh, năm mất, tự Toàn Ất, người Tân Ngô, rất có đức hạnh. Ông đỗ khoa hoành khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713 - 742), làm quan đến Sùng Văn quán hiệu thư lang, thường giao du với Vương Xương Linh, Mạnh Hạo Nhiên. Thơ ông  ý cao xa, lời lẽ cầu kỳ, tình cảm sâu sắc.


38. Vô đề

Đường lẫn trong mây trắng.
Quanh co dòng suối xuân.
Chốc chốc cánh hoa rụng,
Trôi theo nước trong ngần.
Cửa đều hướng ra núi.
Liễu che kín phòng văn.
Ngày nào cũng có nắng.
Nắng dính cả áo quần.



TRƯƠNG CỬU LINH

Không rõ năm sinh, năm mất, tên chữ là Tử Thọ, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức tể tướng đời Khai Nguyên, bị bọn Lý Lâm Phủ gièm pha, bỏ về nhà ở ẩn.


39. Từ ngày chàng xa em

Từ ngày chàng xa em,
Chưa chạm vào khung dệt.
Nhớ chàng như trăng khuyết
Đang hao gầy đêm đêm.


40. Trông trăng, nhớ người ở xa

Trăng nhô trên biển rộng vô bờ,
Soi sáng mọi miền, thật nên thơ.
Cảnh trăng đẹp thế mà xa xứ.
Nhớ bạn suốt đêm ngồi thẫn thờ.
Anh đèn lụi tắt, thương trăng sáng.
Vạt khăn sương ướt tự bao giờ.
Không vốc được trăng đem tặng bạn,
Thôi đành vào ngủ, gặp trong mơ.


Xúc cảm mà thành
Bài một

Đôi chim nhỏ làm tổ
Trên cây cao trước sân,
Những chắc gì thoát khỏi
Đôi mắt phường đi săn.
Mặc đẹp lo người ghét.
Ngồi cao sợ thánh thần.
Ta du hành sông nước,
Lo ai hại đến thân?


41. Xúc cảm mà thành
Bài hai

Mùa thu hoa quế đỏ.
Mùa xuân lan lá xanh.
Sự sống muôn màu ấy
Đã là sự tốt lành.
Người ở ẩn trong núi
Khoan khoái nhìn xung quanh.
Tự cỏ cây đã đẹp,
Cần chi người vin cành.

42. Xúc cảm mà thành
          Bài ba

Thanh cao, không lo nghĩ,
Ẩn sĩ nằm ở nhà.
Ấy là nhờ chim chóc,
Sông núi và cỏ hoa.
Ý nghĩ này giản dị,
Muốn, không thể nói ra.
Suy cho cùng, chim, cá
Đâu hiểu được lòng ta.


43. Từ Hồ Khẩu nhìn thác nước ở núi Lư

Từ trên cao đổ xuống,
Đến giữa, ngả màu hồng.
Rơi lên cây chằng chịt,
Tung bụi trắng lên không.
Ào ào như mưa lớn.
Nắng dọi, thành cầu vồng.
Núi thiêng lắm vẻ đẹp.
Trời và nước mênh mông.


Xúc cảm mà thành
Bài ba

Thu, hoa quế nở đẹp.
Xuân, lá lan tươi xanh.
Cái lẽ tự nhiên ấy
Đã là điều tốt lành.
Trong rừng già ẩn sĩ
Thư thái ngủ ngon lành.
Tự cỏ cây đã đẹp,
Chẳng cần người vinh danh.



VƯƠNG HÀN


Bài hát Lương Châu

Bát rượu bồ đào ngon, định uống,
Nhưng phải lên đường, thắng ngựa xe.
Giá được uống say, nằm trên cát -
Xưa nay chinh chiến mấy ai về!



TỔ VỊNH

Năm sinh không rõ, mất năm 761, người Lạc Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam, lúc trẻ kết bạn với Vương Duy, đỗ tiến sĩ năm 724, làm quan tới chức Giá bộ viên ngoại lang. Ông gọt lời, dùng ý rất công phu.

48. Nhìn tuyết chưa tan trên núi Chung Nam

Tuyết đọng trên sườn núi
Những mảng trắng long lanh.
Sau mưa rừng hửng sáng,
Khí chiều lạnh khắp thành.


49. Nhà ở ẩn của họ Tô

Nhà ở ẩn trong núi,
Vào rồi chẳng muốn ra.
Núi Chung Nam phía trước.
Sông Phong Thủy xa xa.
Chưa tối mà đã tối,
Tre trúc mọc lòa xòa.
Quạnh hiu nơi cõi tục,
Ngồi im nghe chim ca.


50. Ở Giang Nam, nhớ nhà mà viết

Núi Sở dài tít tắp.
Nhớ nhà, lâu không về.
Biển lặng, mưa đã dứt.
Sông reo, đêm lê thê.
Gươm gửi sao Nam Đẩu.
Thư gửi cơn gió hè.
Khuông Đàm có quít ngọt.
Không gửi được về quê.



THƯỜNG KIẾN

Không rõ năm sinh, năm mất và quê quán, chỉ biết đỗ tiến sĩ trong niên hiệu Khai Nguyên (712 - 741), làm quan đến chức úy huyện Vu Dĩ.


51. Đưa tiễn Vũ Văn Lục

Liễu xanh, hoa đó, suối rì rào.
Gió thổi, rừng cây lá xạc xào.
Giang Bắc hôm nay buồn não ruột,
Mai xuống Giang Nam buồn thế nào?


52. Nhà thiền sau chùa Phá Sơn

Sáng sớm, vãn chùa cổ.
Mặt trời nhô lên cao.
Đường quanh co xuyên núi,
Nhà thiền tường cây bao.
Chim vui vì nắng ấm,
Người thẫn thờ nhìn ao.
Ngoài tiếng chuông, tiếng khánh,
Tịnh không có tiếng nào.


53. Ở lại nhà Vương Xương Linh

Suối trong , sâu thăm thẳm.
Những đám mây cô đơn.
Rừng thông trăng lấp ló
Soi sáng núi chập chờn.
Nhà tranh đầy hoa lá.
Viện thuốc phủ rêu trơn.
Tôi cũng lánh đời tục
Đến ở núi Tây Sơn.



TRƯƠNG DUYỆT

Sinh năm 661, mất 730, người Lạc Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Đỗ đầu khoa Hiền lương phương chính năm 689 rồi ra làm quan, giữ nhiều chức khác nhau. Tác phẩm có Văn Tập, 30 quyển.


54. Đi trên đường đất Thục, hẹn về sau

Khách xa nhà khấp khởi
Đã định ngày lên đường.
Tiếc gió thu không đợi,
Đến trước thành Lạc Dương.


55. Tiễn Lương Lục

Thu đến Ba Lăng, ngắm Động Đình.
Hồ rộng, núi cao đứng một mình.
Buồn tiếc cõi tiên không đến được,
Thả lòng theo sóng gợn lung linh.


56. Ơn vua cho làm ở thư viện Lệ Chính,
lại ban tiệc, vâng mệnh mà làm bài thơ này

Tây Viên - rừng bút mực.
Đông Bích - kho sách đầy.
Ngâm Thi, rõ việc nước.
Đọc Dịch, hiểu điều hay.
Được vua giao trọng trách,
Lại còn cho uống say.
Ngày xuân, nhân cảm hứng,
Bày tỏ tấm lòng này.


57. Năm mới ở U Châu

Năm ngoái Kinh Nam mai như tuyết.
Năm nay Kế Bắc tuyết như mai.
Vui bởi xuân qua rồi lại đến.
Buồn cho thế cuộc đổi thay hoài.
Biên ải lính canh luôn miệng hát.
Thành đô đèn sáng suốt đêm dài.
Ngoảnh phía Tràng An nâng chén rượu,
Chúc vua vạn tuế, đội ơn ngài.


58. Đêm uống rượu ở U Châu

Gió mang mưa đêm tới.
Rừng lạnh, trời đầy mây.
Đúng lúc ấy có tiệc,
Giúp quên buồn chiều nay.
Trên ải nghe kèn thổi.
Trong quân múa kiếm say.
Không làm tướng biên giới,
Sao biết ơn vua dày?


Chùa ở núi Ung Hồ

Chợt muốn được thiền giữa núi xanh.
Chim rừng líu ríu bốn xung quanh.
Đài Phật khác xa nơi thế tục.
Nhà sư tĩnh mịch giữa mây lành.
Núi Đông sừng sững giăng nghìn lớp.
Hồ Nam dưới nắng, sáng long lanh.
Sào Do chắc chắn không đem đổi
Áo tơi, nón lá lấy trâm anh.



LÝ KIỀU

Sinh năm 644, mất 713, tự Cự Sơn, người Tân Hoàng, Triệu Châu, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Ông đỗ tiến sĩ đời Đường Cao Tông, làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.


59. Gió

Thổi rụng ba mùa lá.
Làm nở hai tháng hoa.
Xô rạp rừng trúc rậm.
Cuộn sóng thành phong ba.


Dự tiệc ở Đông Trang của công chúa Trường Ninh

Lầu riêng nơi cung cấm.
Mây tía bên xe vàng.
Dự tiệc toàn quan lớn.
Sáo thổi điệu Phụng Hoàng.
Núi Nam cây rậm rạp.
Bến Bắc khói mơ màng.
Ơn vua, được dự tiệc,
Dừng xe ngắm cảnh quang.



HÀN HÙNG

Nhà thơ nổi tiếng thời Trung Đường, năm sinh, năm mất chưa rõ, người Nam Dương, nay thuộc tỉnh Hà Nam, đỗ tiến sĩ khoảng năm Thiên Bảo, làm quan đến chức Trung thư xá nhân. Ông là một trong mười người tài thời Đại Lịch.


60. Tết Hàn thực

Hàn thực, trong thành đâu cũng hoa.
Vườn vua gió thổi, liễu lòa xòa.
Ban đêm sáng rực đèn cung Hán.
Ngũ Lăng, 1) khói nhẹ vướng quanh nhà.

1. Khu nhà giàu và quan lại.


Tết Hàn Thực
          Bản dịch hai

Xuân đến, khắp thành ngập sắc hoa.
Vườn vua gió thổi, liễu la đà.
Đêm đến, trong cung truyền thắp nến.
Khói thơm lan tỏa tới muôn nhà.



MẠNH HẠO NHIÊN

Sinh năm 689, mất 740, tự Hạo Nhiên, người Tương Duy, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc; một trong những nhà thơ lớn đời Đường; thơ thiên về trữ tình, hiện còn 260 bài, đa số là thơ ngũ ngôn.


61. Đêm ngủ bên sông Kiến Đức

Thuyền cập bến buồn, khói bay.
Đồng rộng, trời sà sát cây.
Khách buồn, buồn thêm, trời tối.
Trăng gần người, ngang tầm tay


62. Tìm chủ nhân đầm Cúc Hoa, không gặp

Đến được đầm hoa Cúc
Ngày đã ngả xế tà.
Chủ nhân còn trong núi.
Chỉ thấy mấy chú gà.


63. Buổi sáng mùa xuân

Ngủ say, quên cả dậy,
Sáng, chim hót khắp đồng.
Đêm qua mưa gió vậy,
Hoa rụng có nhiều không?


64. Đến thăm Viên Thập Nhị, không gặp

Đến Lạc Dương tìm bác,
Bác đã xuôi Giang Tây.
Ở đó mai nở sớm,
Có đẹp bằng ở đây?


65. Tiễn Chu Đại vào Tần

Tiễn người đi Ngũ Lăng,
Không ngại ngần, trao tặng
Bảo kiếm giá nghìn vàng
Cùng tấm lòng ngay thẳng.


66. Tiễn Đỗ Thập Tứ đi Giang Nam

Kinh, Ngô làng mạc nước mênh mông,
Lênh đênh chi nữa giữa dòng sông?
Liệu tìm được bến cho thuyền đậu?
Vời vợi trời xa, thật não lòng.


67. Đến hồ Động Đình

Tháng tám, hồ phẳng lặng.
Nước và trời trong veo.
Thành Nhạc Dương sóng vỗ.
Vân Mộng phủ mây chiều.
Thẹn với đời thịnh trị.
Qua bến không thuyền chèo.
Đành xem người câu cá,
Mong họ câu được nhiều.


68. Cuối năm, về núi Chung Nam

Thôi không hầu cổng Bắc, 1)
Về núi Nam trông nhà,
Bất tài, vua ghét bỏ,
Lắm bệnh, bạn bè xa.
Nắng xuân xua năm cũ.
Tóc bạc giục cái già.
Nghĩ nhiều, không ngủ được.
Bên song, ngắm trăng tà.

1. Ý nói không theo đường quan nghiệp.


69. Uống rượu ở nhà trên núi của đạo sĩ họ Mai

Tiếc xuân, nằm trên núi,
Vén màn ngắm cỏ cây.
Chợt chim xanh bay tới
Mời đến dự tiệc này.
Lò vàng mới nhóm lửa.
Đào tiên hoa nở đầy.
Ví như ta còn trẻ,
Tiếc gì không uống say!


70. Thơ để lại khi từ biệt Vương Duy

Sống nhàn yên thật sướng.
Cứ đi về nhởn nha.
Thích ngao du, ngắm cảnh,
Ngại thiếu bạn, cách xa.
Bọn nhà giàu ích kỷ.
Tri âm khó tìm ra.
Tính tôi thích yên tĩnh.
Xin đóng cửa nằm nhà.


71. Nỗi nhớ đầu mùa rét

Chim nhạn bay trú rét.
Gió lạnh thổi suốt ngày.
Bến sông Tương quê cũ
Cách Sở mấy trời mây.
Nhớ nhà, khô nước mắt.
Bơ vơ cánh buồm gầy.
Đường về quê muốn hỏi,
Chỉ thấy biển mù bay.


72. Ghé thăm nhà bạn cũ

Nông thôn lắm gà, gạo.
Bạn mời đến thăm nhà.
Cây xanh bao quanh xóm,
Núi biếc đứng xa xa.
Mở cửa là thấy ruộng.
Toàn nói chuyện nông gia.
Hẹn đến ngày trùng cửu
Cùng ngắm cúc ra hoa.


73. Từ đất Tần, gửi cho Viễn Thượng Nhân

Muốn ở ẩn trên núi
Với luống cúc tự trồng.
Không mơ danh cõi Bắc,
Chỉ nhớ thầy rừng Đông.
Hết tiền vì củi đắt.
Chí mòn bởi nằm không.
Đêm, những hôm gió mát,
Ve kêu nghe não lòng.


74. Thơ đề phòng tu thiền của Nghĩa Công

Bác Nghĩa tu thiền Phật.
Nhà giữa rừng thông cao.
Trước cửa - trái núi đẹp.
Sau nhà - suối và ao.
Sân ướt in nắng nhạt
Sau một trận mưa rào.
Nhìn bông sen chợt hiểu
Lòng bác sạch thế nào.


75. Ở lại nhà thầy học trên núi,
chờ Đinh Đại, không thấy đến

Mặt trời chiều gác núi.
Hang sâu tối mịt mờ.
Trăng đục hơi đêm mát.
Suối cười như trẻ thơ.
Tiều phu về gần hết.
Chim trong tổ đang mơ.
Đêm nay bạn hẹn đến,
Tôi ôm đàn ngồi chờ.


76. Trong thuyền, ngắm cảnh buổi sáng sớm

Ngồi uống nước, ngắm cảnh.
Núi và sông trải dài.
Ghe thuyền đua nhau vượt.
Gió vù vù bên tai.
Ta muốn đi đâu nhỉ?
Thăm cầu đá Thiên Thai.
Nhìn mây vàng, ráng đỏ,
Ngỡ là chốn Bồng Lai.


77. Đêm, qua sông Tương

Đã đi, mong đến sớm.
Giữa đêm vượt sông Tương.
Ai hái sen đang hát.
Hương đỗ đẫm hơi sương.
Thuyền ghé chỗ có lửa.
Ngư ông ngủ vệ đường.
Gặp nhau, ai cũng hỏi:
Ở nơi nào Sầm Dương?


78. Cùng các con lên núi Nghiễm

Đời như sông, bồi lở,
Dần dần thành thế này.
Núi còn có cái đẹp,
Nên ta mới đến đây.
Nước rút, trơ Bãi Cá.
Trời mưa, ngập Đầm Mây.
Bia bác Dương 1) còn đó.
Xem xong, lệ ứa đầy.

1). Tức Dương Hỗ, người đời Tấn, trấn thủ Tương Dương. Ông có công lớn, được nhân dân yêu mến và dựng bia trên núi Nghiễm. Về sau nhiều người đã khóc khi xem bia này, nên Đỗ Dự, người kế nhiệm ông, gọi là Trụy Lệ Bi (Bia rơi lệ).


79. Ngủ lại trên sông Đồng Lư,
gửi cho bạn bè cũ ở Quảng Lăng

Núi thẳm, vượn kêu sầu.
Suối lạnh dưới bãi lau.
Hai bờ gió thổi mạnh.
Trăng soi bóng thuyền câu.
Kiến Đức, không quê quán.
Duy Dương, nhớ bạn bầu. 1)
Xin được đem chút lệ
Gửi về Hải Tây Đầu. 2)

1. Kiến Đức, tên huyện, nay cũng là huyện Kiến Đức, không phải quê của Mạnh Hạo Nhiên. Duy Dương, tên một vùng đất  xưa là Dương Châu, sau đổi thành Quảng Lăng, nay thuộc tỉnh Giang Tô.
2. Ý nói Quảng Lăng, vì ở phía tây sông Đông Lư.


80. Khúc hát đêm về Lộc Môn

Thong thả chuông rung, báo hết ngày.
Khách đò nôn nóng muốn sang ngay.
Ta lên thuyền nhỏ về Tô Lĩnh, 1)
Người men bãi cát tới làng tây.
Kia, xưa hang đá Bàng Công ở, 2)
Mờ ảo trăng vàng chiếu tán cây.
Hang rộng, đường quang, nay vắng vẻ,
Chỉ ít khách nhàn đi tới đây.

1. Tên ngọn núi cách Tương Dương 30 km về phía đông nam. Trước đây Tập Úc lập đền thờ thần tiên trên núi, tạc hình hai con hươu đá, vì vậy từ đó núi này được gọi Lục Môn.
2. Tức Bàng Thống, còn gọi Bàng Đức Công, hiệu Phụng Sồ, thời  Tam Quốc ở ẩn tại dây, sau theo Khổng Minh ra phò Lưu Bị.


81. Nỗi nhớ đêm giao thừa

Chuông điểm canh năm, sắp rạng ngày.
Liên tiếp bốn mùa cứ đổi thay.
Lò cổ hương trầm đang lụi tắt.
Trong trướng đèn tàn, khói nhạt bay.
Đã thấy hơi xuân xuyên gối lụa.
Cái lạnh tan trong chén rượu đầy.
Nhớ nhau, ngủ muộn mà trong mộng
Thật buồn, không gặp được đêm nay.


82. Ngày hè ở Nam Đình, nhớ Tân Đại

Từ phía đông trăng chiếu.
Núi sang sáng phía tây.
Buổi chiều hôm xõa tóc,
Ra hiên nằm xoãi tay.
Gió mang hương sen tới.
Sương rơi lên lá cây.
Muốn lấy đàn Minh gẩy.
Ai nghe mà biết hay?
Tự nhiên nhớ bạn cũ.
Rồi mơ mộng đêm nay.


83. Mùa thu, lên chơi núi Lan, gửi Trương Ngũ
         (Lược dịch)

Có một người ở ẩn
Trên núi Bắc đầy mây.
Lên núi nhìn bốn phía.
Thả hồn theo chim bay.
Chiều đến, lòng man mác.
Thu gây hứng như say.
Thỉnh thoảng về xóm nhỏ,
Men doi cát bãi lầy.
Sao đón ngày Trùng Cửu,
Không mang rượu lên đây?


84. Đi Tây Sơn tìm Tân Ngạc
(Lược dịch)

Thuyền tiện đường, dừng lại
Tìm bạn cũ nơi này.
Đầm đá trong, thấy đáy.
Bờ cát dài trồng cây.
Trong nhà lá, đọc sách.
Ngoài bãi, câu suốt ngày.
Chuyện trò, quên trời tối.
Nhàn nhã, gió hây hây.
Nhan Hồi 1) uống nước lã
Mà thấy vui, giỏi thay!

1. Học trò yêu của Khổng Tử, thông minh, ham học, sống nghèo mà luôn vui vẻ.


Tình xuân

Lầu xanh, nắng sớm xuyên rèm ngọc.
Phấn hồng trang điểm trước gương soi.
Ái ân đã thỏa, còn tiêng tiếc.
Thơ thẩn trong vườn, đi sóng đôi.
Lúc đi, quần quét hoa mai rụng.
Vạt áo đầm sương cỏ lúc ngồi.
Còn bảo: hôm sau đừng thế nữa,
Chỉ mời đàn sáo đến chơi thôi.



THÔI HIỆU

Không rõ năm sinh, mất năm 754, người Biện Châu, nay thuộc huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam, đậu tiến sĩ năm 725, làm đến chức quan Tư huân viên ngoại lang, tính tình phóng túng, thích rượu chè. Bài Hoàng Hạc Lâu đã đưa ông lên đỉnh cao thơ Đường. Cả Lý Bạch cũng phải chịu là hay.


85. Khúc Trường Can
          Bài một

Nhà thiếp ở Hoành Dương.
Nhà chàng nơi nào vậy?
Dừng thuyền, ướm hỏi nhau.
Thiếp e cùng quê đấy.


Khúc Trường Can
          Bài hai

Nhà tôi cạnh Cửu Giang.
Sinh, lớn lên ở đó.
Chúng ta cùng một làng,
Không biết nhau từ nhỏ.


86. Vào khe Nhược Da

Thuyền nhẹ đi thật nhanh.
Đã đến vùng cây xanh.
Mây sát chân, rất thấp.
Núi soi nước lung linh.
Suối làm tiếng người nhỏ.
Hang nhại lại tiếng mình.
Cái gì cũng tuyệt đẹp -
Gác chèo, nhìn xung quanh.


87. Lầu Hoàng Hạc

Người xưa cưỡi hạc bay đâu mất,
Giờ lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc quí bay đi không trở lại.
Mây trắng nghìn năm vẫn thế này.
Hán Dương sông tạnh, cây xanh tốt.
Anh Vũ cồn hoang, cỏ mọc dày.
Chiều buông, quê cũ nơi nào nhỉ?
Khói buồn trên sóng, khiến buồn lây.


Đi qua Hoa Âm

Núi xanh soi bóng xuống Hàm Kinh.
Ba ngọn vươn cao thật hữu tình.
Trên đỉnh Tiêu Chương mưa mới tạnh.
Mây nhẹ tan dần trước Cửu Linh 1).
Mạn Bắc Ải Tần sông núi hiểm.
Phía Tây Hán Trĩ đất thanh bình.
Nhắc ai đeo đuổi đường danh lợi:
Nên về chốn ấy luyện trường sinh.

1). Đến thờ Hán Vũ Đế.



CHU THỤC TRINH

Năm mất, năm sinh không rõ, người Tiền Đường, nay ở tỉnh Chiết Giang, nữ thi sĩ đời Tống, vợ một thương nhân. Tác phẩm: "Đoạn Trường tập", "Đoạn Trường từ".


88. Hoa rụng

Đang lúc mùa sen nở trước nhà
Bỗng trời mưa gió, chẳng buông tha.
Chúa xuân vốn được coi là chủ,
Sao để mưa làm rụng cánh hoa.


89. Tức cảnh

Xế chiều, cửa sổ rợp tre xanh.
Có đôi chim nhỏ lượn xung quanh,
Bay đến bụi hoa rồi khóm liễu.
Người nhàn, ngày chẳng chịu qua nhanh.



VƯƠNG XƯƠNG LINH

 Sinh năm 698, mất 757, người Giang Ninh, nay là Giang Tô; nhà thơ lớn đời Đường, hiện lưu được 180 bài.


90. Khúc hát mùa thu ở cung Trường Tín

Ngô đồng soi giếng, lá rung rung.
Muốn cuốn rèm châu, những ngại ngùng.
Sắc tàn, gối ngọc, lư hương lạnh.
Đêm nằm nghe tiếng lậu Nam Cung.


91. Ở bến sông Hoài, tiễn Quách Tư Thương

Màu xanh sóng gợn hắt lên rèm.
Trên ngựa người ngồi nấn ná thêm.
Ngày mai chỉ có trăng theo bạn.
Nước Triều dâng mãi suốt ngày đêm.


92. Bài hát hái sen
Bài một

Hai má đỏ hồng tựa búp sen.
Màu lá, màu quần như dính liền.
Mải hái, chỉ khi nghe tiếng hát,
Giật mình mới biết có người bên.


93. Bài hát hái sen
Bài hai

Cung nữ nước Tần, gái Việt, Ngô
Đang hái hoa sen, nghịch dưới hồ.
Lúc đến đầu sông hoa đón họ.
Trăng tiễn họ về, núi nhấp nhô.


94. Tiễn bạn ở Lư Khê

Nho nhỏ con thuyền bến Vũ Lăng
Đưa người lên bắc, nước băng băng.
Khi đến Kinh Môn hay Tam Giáp,
Đừng buồn vì vượn hót, vì trăng.


95. Trả lời thái thú Vũ Lăng

Mang gươm đi nghìn dặm,
Xin được đáp lại rằng,
Từng làm khách Đại Lượng, 1)
Không quên nghĩa Tín Lăng! 2)

1. Tên đất, kinh đô nước Ngụy thời Lương Huệ vương, nay thuộc tỉnh Hà Nam.
2. Công tử nước Ngụy thời Chiến Quốc, nổi tiếng giàu có, khiêm nhường và đạo đức.


96. Tiễn Quách Tư Thương

Sông Hoài xanh trước cửa.
Mời bác tạm dừng ngựa.
Bác đi, trăng đi theo.
Triều xuân còn dâng nữa.


97. Tiễn Tâm Tiệm ở lầu Phù Dung

Thuyền đến đất Ngô, đêm gió lạnh.
Tiễn người đi Sở, sáng trời mưa.
Bạn ở Lạc Dương mà có hỏi,
Xin nhắc: Lòng này chẳng khác xưa .


98. Nỗi oán phòng khuê

Phòng khuê vốn chẳng biết ưu sầu.
Ngày xuân trang điểm, bước lên lầu.
Chợt thấy bên đường hàng liễu biếc,
Tự giận, xui chồng kiếm tước hầu.


99. Tiễn bạn

Mùi hương hoa quất lẫn hơi men.
Gió xui mưa nhẹ tạt khoang thuyền.
Đến núi Tương Sơn, thương cảnh bạn,
Đêm buồn nghe vượn hót không yên.


100. Nỗi oán mùa xuân ở Tây Cung

Tây Cung đêm vắng, thoảng hương hoa.
Giận lòng, không hé liếp nhìn ra.
Điện Chiêu Dương ngập trong vườn tối.
Ôm nghiêng đàn nguyệt, ngắm trăng tà.


101. Nỗi oán mùa thu ở Tây Cung

Gió từ Thủy Điện thoảng mùi hương.
Hoa sen dẫu đẹp, vẫn khiêm nhường.
Ngang tay lấy quạt che tình hận.
Ngoài lầu trăng sáng đợi quân vương.


102. Tiễn Hồ Đại

Kinh Môn không thể chia tay được.
Tiền Phương càng khó lúc vào thu.
Chắc phải lên lầu bên bến nước
Nhìn theo bóng bạn giữa sương mù

103. Ở Trường Dụng

Chiều ngắm cảnh Trường Dụng,
Thấy người câu cá chơi.
Hỏi: Ông lão đầu bạc
Câu thế đã mấy đời?


104. Nỗi buồn biên ải
Bài một

Bên thành, chòi lửa cao trăm thước.
Một mình, gió biển lộng, hoàng hôn.
Sáo Khương thổi khúc “Trăng quan ải”.
Nỗi nhớ phòng khuê, buồn, thật buồn.


105. Nỗi buồn biên ải
   Bài hai

Bâng khuâng lại hát, gẩy tỳ bà.
Lại vẫn cái buồn biên ải xa.
Vì buồn, đàn hát không thôi được.
Trời đêm nhàn nhạt ánh trăng tà.


106. Khúc xuân cung

Đêm qua gió thổi, nở hoa đào.
Vị Ương 1) điện ngọc, bóng trăng cao.
Con hát, vua yêu, vừa chớm lạnh
Đã được ban ngay áo cẩm bào.

1.      Cung vua Hán Vũ Đế.


Khúc hát cung xuân

Gió xuân giục nở khóm hoa đào.
Trước viện Vĩ Ương trăng đã cao.
Ca nữ Bình Dương vua ái mộ,
Trời rét, ban cho tấm áo bào.


107. Bài hát dưới cửa ải

Qua sông, ngựa uống nước.
Gió thổi buốt như dao.
Mặt trời chưa tắt hẳn,
Còn nhìn thấy Lâm Thao.
Trận Trường Thành ngày trước
Nổi tiếng khí quân cao.
Nhưng nay trong đất cỏ
Xương trắng còn nhiều sao.


108. Bài hát trên cửa ải

Ve kêu trong rừng vắng.
Tiêu Quan ngập ánh trăng.
Ra ải rồi vào ải.
Rừng lau đã úa vàng.
Làm lính thú U Tĩnh,
Có nỗi khổ nào bằng.
Không như con quan lớn
Cưỡi ngựa tốt, kiêu căng.


109. Lầu Vạn Tuế

Lầu cao Vạn Tuế sát bên sông.
Đã qua nào biết mấy thu đông.
Vui thấy núi non còn đứng vững.
Buồn xem hờ hững nước xuôi dòng.
Vượn sóc chưa từng ra khỏi núi.
Cò vạc vẫn mò bãi nước nông.
Ai leo lên núi nhìn mây khói?
Chiều tối bâng khuâng, nặng nỗi lòng.


Đi chơi một mình
          (Trích)

         Thảnh thơi sống trên núi.
Hứng, đi chơi một mình.
Đến Bá Lăng, Nam Giản
Câu mấy con cá ranh.
Ngoái đầu nhìn mây trắng,
Nhớ khách chốn rừng xanh.
Theo tự nhiên mà sống,
Không ràng buộc công danh.


Cùng em họ ngắm trăng ở Nam Trại,
        nhớ Thôi Thiếu Phủ ở huyện Sơn Âm

         Nằm khểnh ở Nam Trại,
Trăng mọc sau bức màn.
Trăng, như cây, đẫm nước.
Sao treo ngoài lan can.
Bao lần tròn rồi khuyết,
Soi chiếu cả nhân gian.
Người đẹp xưa đâu nhỉ,
Đêm thơ ấy luận bàn?
Nghìn dặm xa, muốn gửi
Theo gió chút hương lan.



GIẢ CHÍ

Sinh năm 718, mất năm 772, người Lạc Dương (Hà Nam), thi đỗ Minh Kinh năm đầu Thiên Bảo Đường Huyền Tông, giữ chức Hiệu thư lang, năm 756 làm Thứ sử Nhữ Châu. Tác phẩm: trong "Toàn Đường thi" có một quyển của ông.


438. Đêm ở Ba Lăng, chia tay viên ngoại họ Vương

Lúc liễu ra bông, rời Lạc Dương.
Khi hoa mai nở - đến Tam Tương.
Tình đời trôi nổi như mây gió.
Ly biệt cái buồn vẫn vấn vương.


439. Ý xuân

Cỏ xanh, liễu biếc, sắc hoa hồng.
Hương thơm, chim hót, trời xanh trong.
Cái buồn không chịu bay theo gió,
Nên giữa xuân vui cứ não lòng.


440. Tiễn thị lang họ Lý đi Thường Châu

Gió mùa, tuyết lạnh, trời đầy mây.
Đường xa Ngô, Sở lúc chia tay.
Để mai có cái cho ta nhớ,
Tôi bác bây giờ uống thật say.
                     

441. Mới đến Ba Lăng, cùng Lý Thập Nhị Bạch
rong thuyền chơi trên hồ Động Đình

Lá phong trên bến rụng như hoa.
Hồ thu nước gợn ánh dương tà.
Thuyền nhẹ, người vui đi, đi mãi.
Mượn ánh trăng vàng thăm Tương Nga.


Chầu sớm ở cung Đại Minh

Đường đến cung vua đẹp, lại dài.
Đầu xuân, thành ngập nắng ban mai.
Liễu cung Thanh Tỏa buông như tóc.
Oanh điện Kiến Chương cứ hót hoài.
Tiếng gươm lanh lảnh khua thềm ngọc.
Hương thơm lò ngự thấm cân đai.
Phụng Trì tắm gội ơn mưa móc.
Vui mừng sáng sáng đứng bên ngai.



CAO THÍCH

Sinh năm 702, mất 765 người Thương Châu nay là tỉnh Hà Bắc, làm quan tới chức Tiết độ sứ, phục vụ trong quân đội khá lâu, nổi tiếng về thơ biên ải.


110. Viết trong đêm giao thừa

Một mình, quán trọ, lạnh, canh ba.
Đêm nay nghìn dặm cách quê nhà.
Trằn trọc, bâng quơ buồn, có thể
Vì mai năm mới, tuổi thêm già.


Muốn tặng áo lụa

Muốn tặng chàng áo lụa.
Chỉ e sống ở đời
Chàng muốn làm kẻ sĩ,
Thích áo vải như người.


111. Tiễn biệt Đổng Đại

Mây vàng mười dặm với mây xanh,
Én về, gió thổi, tuyết long lanh.
Đừng buồn sắp tới không bè bạn.
Thiên hạ người nào chẳng biết anh?


112. Ở nông thôn, ngắm cảnh mùa xuân

Xuân chờ ngay trước cửa.
Đầy hoa tươi, cỏ non.
Tiếc là không tri kỷ.
Lịch Sinh 1) cũng chẳng còn.

(1) LÞch Sinh lµ nh©n vËt næi tiÕng ®êi TÇn, thÝch uèng r­îu vµ lóc nµo còng say, cã c«ng ®i sø thuyÕt phôc vua TÒ lµ §iÒn Quang vÒ hµng vua H¸n. ¤ng sinh ë Cao D­¬ng, lµ ®Þa danh Cao ThÝch nãi ®Õn trong bµi th¬ nµy.


113. Thơ làm khi đi trên đường Đông Bình

Trăng sáng, đêm man mác..
Thuyền khách trôi lững lờ.
Cảnh thu xưa trên núi,
Một mình nằm, mộng mơ.
Nay lại thu, tàn úa,
Nhìn mà buồn vẩn vơ.


114. Sau cơn say, tặng Trương Húc

Hiểu được nhau rất hiếm.
Riêng ông thì khác người.
Hứng, viết chữ như thánh.
Say, nói không giữ lời.
Nay sống nhàn, tóc bạc.
Ngắm mây xanh trên trời.
Đầu giường để sẵn rượu,
Tỉnh lại, uống say chơi.


115. Tiễn quan thị ngự họ Trịnh bị đầy ra đất Bân

Bị đầy, bác đừng oán.
Tôi từng đến đất Bân.
Ngày ở đấy chim ít.
Đêm vượn hót râm ran.
Đông - toàn mây với núi.
Nam - khí độc, gió ngàn.
Bác sẽ được ân sủng.
Thôi, chúc bác bình an!


116. Đang đêm, từ biệt tử sĩ họ Vi

Rượu trong, quán sạch, ngọn đèn mờ.
Nhạn về, chuông điểm, ánh trăng mơ.
Nhìn tưởng chim kêu vì gọi bạn,
Nào biết đang xuân, gió tiễn đưa.
Hai phía Hoàng Hà toàn cát trắng.
Bến đò Bạch Mã liễu giăng tơ.
Tạm ra đất khách, xin đừng oán,
Đến đâu bác cũng có người chờ.


117. Tiễn Lý Thẩm, trước làm quan ở huyện Vệ

Thoăn thoắt oanh vàng, liễu thướt tha.
Buồn buồn gió tiễn khách đi xa.
Thương bác long đong đường vạn dặm.
Nhớ tình bè bạn những năm qua.
Mây tan sông Vấn, buồm đơn chiếc.
Đường núi Lương Sơn, ngựa nhẩn nha.
Đất này lành lắm, mời bác mãi,
Bác không chịu ở, buồn cho ta.


Tiễn Lý Thiếu Phủ bị đày ra Giáp Trung
và Vương Thiếu Phủ bị đày ra Trường Sa

Tiễn đưa hai bác buổi hôm nay,
Dừng chân gạn hỏi chốn lưu đày.
Hành Dương, chim nhạn mang thư tới.
Vu Giáp, vượn kêu, lệ ứa đầy.
Thanh Phong, sông rộng, buồm no gió.
Bạch Đế, thành hoang xơ xác cây.
Đời đang còn thịnh, ân chưa hết,
Dùng dằng chi nữa, tạm chia tay


Quán Ngọc Đài

Đến Bình Đài vãn cảnh.
Đằng Vương xây miếu này.
Chữ Lỗ Cung trên đá.
Tiêu Sử sống trong mây.
Đất rộng nhìn tít tắp.
Cung điện đứng khít dày.
Nghe nói tiên cưỡi hạc
Nhiêu lần bay đến đây.


Ngày Bảy tháng Giêng, nhớ Thập Di Đỗ Nhị
(trích)

Thư này gửi bác, hỏi thăm nhau.
Thương bác xa quê, luống ngậm sầu.
Cành liễu xanh tươi không nỡ ngắm.
Mai vàng cũng chỉ gợi buồn đau.
Bác ở miền Nam, xa chính sự,
Chắc lòng ngang ngổn mối lo âu.
Năm này còn nhớ mà thăm hỏi,
Năm tới ngày này biết ở đâu?


Ngày Trùng Dương

Tóc bạc, nhìn đời những xót xa.
Buồn dạo quanh vườn chưa nở hoa.
Làm quan ba bận, đời vơi nửa.
Năm mẫu đồng hoang, nay ở nhà.
Từ buổi mũ đen không đội nữa,
Nhiều thằng áo trắng quấy rầy ta.
Vò đầu ngồi lặng trong đơn độc,
Quạ chiều nhao nhác cạnh cây đa.



VÔ DANH THỊ

Thơ vặt

Gió xuân, Hàn Thực 1), cỏ xanh xanh.
Lúa đang bén rễ, liễu buông cành.
Có nhà mà chẳng về nhà được.
Chim cuốc kêu hoài suốt năm canh.

1. Ngày Tết ăn đồ nguội.




KHÂU VI

Không rõ năm sinh, năm mất, người Gia Hưng, nay thuộc tỉnh Chiết Giang, làm quan đến chức Thái tử hữu thứ tử; bạn thân của Vương Duy và Lưu Trường Khanh, thọ 96 tuổi, thích viết thơ ngũ ngôn.


118. Hoa lê ở Tả Dịch

Hoa lê trắng hơn tuyết.
Hương thấm vạt áo mềm.
Gió xuân không đừng được,
Thổi hoa đến tận thềm.


119. Lên thành Nhuận Châu

Thành bên sông, chiều tối.
Khách lên lầu, nhìn ra.
Nửa cầu vồng, mưa tạnh.
Bãi cát nước tràn qua.
Cây thấp vương khói mỏng.
Chim theo buồm bay xa.
Quê mình phương nào nhỉ?
Tìm Quảng Lăng, lệ nhòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét