Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Châm ngôn

PHÉP DƯỠNG SINH

Phép dưỡng sinh tốt nhất
Là thuận theo tự nhiên.
Sống ung dung tự tại
Là phép sống dưỡng thiền.

Đời buồn nhiều, vui ít.
Sống thêm được một ngày,
Coi như một ngày lãi.
Vậy thì sống thế này.

*
Giận, không giận quá mức.
Giận nhiều tổn thương gan.
Sao không kìm bớt giận
Để tâm thức bình an?

Vui, không vui thái quá.
Đời phù du, vô thường.
Hôm nay trời nắng đẹp,
Mai gió lạnh, mù sương.

Giàu, không cần giàu lắm.
Giàu dễ Tham Sân Si.
Hạnh phúc là biết sống
Thanh thản và vô vi.

Danh, không nên hám hố.
Danh mỏng như khói mây,
Đưa ta vào cõi ảo
Rồi thất vọng có ngày.

Lợi, không quá hám lợi.
Khi đáng được hưởng mười,
Nhận sáu bảy là đủ.
Còn chừa lại cho đời .

Ăn, không ăn no quá.
Lại càng không quá ngon.
Người biết sống đạm bạc
Mới chính là người khôn.

Ở, không ở quá rộng.
Thứ nhất đỡ tốn tiền.
Thứ hai đỡ cô quạnh.
Nhà lớn, lớn sự phiền.

Đi, không đi nhanh quá.
Đời không phải cuộc thi.
Sớm muộn rồi cũng đến.
Vậy đi nhanh làm gì?

Làm, cứ làm túc tắc.
Vừa làm vừa nghỉ ngơi.
Có cố cũng không thể
Làm hết việc trong đời.

Nhàn, không được nhàn quá.
Chỉ cần đủ sống nhàn.
Nhàn cư vi bất thiện.
Điều ấy khỏi phải bàn,

*
Thế đấy, cách tốt nhất
Là thuận theo tự nhiên.
Sống ung dung tự tại
Là phép sống dưỡng thiền.


LẠI CHUYỆN NHÂN QUẢ

1
Nếu chuyên tâm, kiên nhẫn,
Sớm muộn việc cũng thành.
Đạo Trời luôn nâng đỡ
Người cần cù, hiền lành.

*
Tô Tần thời Chiến Quốc
Là thuyết khách, mười lần
Quỳ đến sưng đầu gối
Để thuyết phục vua Tần

Thực thi chính sách lớn
Có tên là Liên Hoành.
Ích nhà và lợi nước.
Thật tiếc, việc không thành.

Đói ăn và tiều tụy,
Bị bạn bè lánh xa,
Giày cỏ, ông chống gậy
Rời nước Tần về nhà.

Vợ không ngừng khung cửi
Để dậy đón tiếp chồng.
Chị dâu và cha mẹ
Không nấu cơm mời ông.

Tuy vậy, không nản chí.
Dẫu mệt và đói mềm,
Ông vào phòng đọc sách,
Ngồi ngẫm nghĩ suốt đêm

Tìm kế bình thiên hạ.
Sợ ngủ quên vô tình,
Ông lấy mũi dao nhọn
Tự chích vào đùi mình.

Ở nhà chưa đầy tháng,
Lần nữa ông lên đường
Làm thuyết khách sáu nước,
Không quản ngại dặm trường.

Nhờ sự kiên nhẫn ấy,
Cuối cùng ông thành công.
Thành tướng quốc sáu nước.
Nổi tiếng khắp Tây Đông.

2
Người hành thiện có thể
Thay đổi được Mệnh mình.
Giúp người, người giúp lại.
Cho tình được nhận tình.

*
Thời Xuân Thu Chiến Quốc,
Triệu Thuẫn ở Ế Tang
Thấy một người gầy yếu,
Sắp chết đói, vội vàng

Lấy đồ ăn trong túi
Cho anh ta một phần.
Người này ăn một nửa,
Còn lại gói vào khăn.

Hỏi thì anh ta đáp:
Chừa phần cho mẹ già.
Triệu Thuẫn nghe, cảm động
Cho thêm đem về nhà.

Sau, một lần giao chiến,
Ông bị giặc bao vây.
Vua Linh Công nước Tấn
Đích thân đánh trận này.

Đang trong cơn nguy khốn,
Một tướng của Linh Công
Xông lên bắt Triệu Thuẫn
Đưa vào một rừng thông.

Rồi xuống ngựa, vái lạy
Bảo ông nhanh trốn đi.
“Đa tạ, nhưng xin hỏi,
Ngài là ai, tên gì?”

“Tôi là người ngày trước
Suýt chết đói, may mà
Được ông thương, cứu sống.
Còn cứu cả mẹ già”.

3
Người làm ăn tử tế,
Giữ chữ tín làm đầu
Thì kinh doanh phát đạt,
Không muốn giàu cũng giàu.

*
Ở Đông Kinh, Đời Tống,
Có ông lão bán trà,
Buôn bán rất phát đạt.
Nhộn nhịp khách vào ra.

Một hôm có người nọ,
Loại quân tử cao sang,
Đến uống trà cùng bạn,
Rồi về, quên túi vàng.

Mãi mấy năm sau đó
Ông trở lại quán trà,
Nhân tiện kể chuyện ấy.
Chủ quán nói: “Thế à?

Tôi giữ túi vàng ấy.
Nếu đúng là của ông,
Xin phép được hoàn lại,
Không dám thiếu một đồng”.

Nói đoạn, lão đưa khách
Đi lên theo cầu thang.
Rồi mở cuốn sổ nhỏ
Ghi rõ rằng túi vàng

Ai đó quên ngày ấy.
Chính xác bao nhiêu đồng.
Chiếc túi được bọc kỹ
Cả ngoài và cả trong.

Còn nhiều đồ vật khác
Khách quên, để ở đây.
Được ông lão chủ quán
Cẩn thận ghi tháng ngày.

Ông khách giàu mừng rỡ,
Xin chia đôi túi vàng,
Biếu ông lão một nửa.
Ông từ chối nhẹ nhàng:

“Của bác, bác cầm lấy.
Mong bác đến uống trà.
Nếu tôi muốn lấy nó,
Tôi đã chẳng nói ra”.


PHÉP TRỊ NƯỚC

Trong Luận Ngữ có truyện,
Trò Tử Cống, một lần
Hỏi thầy là Khổng Tử
Phép trị nước, an dân.

Khổng Tử đáp: “Thứ nhất,
Dân no đủ mọi điều.
Hai, có quân đội mạnh.
Ba, được dân tin yêu”.

“Dạ thưa, bất đắc dĩ,
Một trong ba điều này,
Nếu buộc phải bỏ một.
Thì bỏ điều nào đây?”

“Bỏ điều quân đội mạnh”.
“Cần bỏ nữa thì sao?
Thưa thầy, cực chẳng đã,
Nên bỏ tiếp phần nào?”

“Bỏ phần dân no đủ.
Thà thiếu mặc, đói ăn.
Phép trị nước không thể
Thiếu lòng tin của dân”.

*
Tể tướng Tề, Quản Trọng,
Luận về chuyện quốc gia,
Nói Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ
Là rường cột nước nhà.

Giữ được bốn phép ấy,
Nước yên ổn dài lâu.
Trị quốc, bình thiên hạ.
Thu phục các chư hầu.

Cũng nghe theo Quản Trọng,
Vua Tề chịu chê cười,
Không bội ước nước Lỗ,
Dẫu mất đất, mất người.

Do biết giữ chữ Tín,
Nước Tề nhiều năm sau
Được láng giềng kính trọng,
Trở thành nước mạnh giàu.

*
Phép trị nước là thế.
Là được dân tin yêu.
Là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.
Tưởng nhiều mà không nhiều.


BÀI HỌC TÔ ĐÔNG PHA

Ngoài núi còn có núi.
Sự học là vô biên.
Học cả đời chưa đủ
Để chạm tới chữ Thiền.

*
Đại thần nhà Bắc Tống,
Học sĩ Tô Đông Pha
Không chỉ hiểu biết rộng,
Mà còn giỏi thơ ca.

Ngày bé ông được mẹ
Bắt đọc sách suốt ngày.
Thành thông kim bác cổ,
Cả Đông và cả Tây.

Tự mãn, một ngày nọ,
Tuổi còn trẻ, bốc đồng,
Ông viết hai câu đối
Treo trước cửa nhà ông.

“Thức biến thiên hạ tự,
Độc tận nhân gian thư”.
Biết hết chữ thiên hạ,
Đọc hết nhân gian thư.

Có một ông già nọ
Đi ngang thấy, cả cười:
“Thưa công tử, ngài nói
Đã đọc hết sách trời,

Vậy giúp lão đọc hộ
Và chỉ giáo đôi điều
Cuốn sách này rất cổ,
Có từ thời Tần Triều”.

Nói đoạn, ông mở túi
Lấy ra cuốn sách dày
Chi chít những con chữ
Như phượng múa rồng bay.

Tô Đông Pha kinh ngạc,
Đọc, nhiều chỗ không thông,
Phải cúi hỏi ông lão.
Lòng tự thẹn với lòng.

Rồi ông vội sụp lạy,
Tôn ông lão làm thầy.
Nhưng ông lão từ chối.
Cười, rồi bỏ đi ngay.

*
Xấu hổ, ông lặng lẽ
Thay câu đối trước nhà
Bằng một câu đối khác.
Ký tên Tô Đông Pha -

“Ngoài núi còn có núi.
Sự học là vô biên”.
Học cả đời chưa đủ
Để chạm tới chữ Thiền.


TỰ NHIÊN THÀNH THƠ

Càng đơn giản ta sống,
Càng thư thái trong đầu.
Ngu mới khoe tiền bạc
Cả khi mình rất giàu.

Phương Tây đang có mốt
Giàu sống như người nghèo.
Hạnh phúc trong tối giản.
Ta, người Việt, nên theo.

Là vì ta có mốt
Nghèo sống như người giàu.
Thực ra cái mốt ấy
Là một sự ngu lâu.

*
Lo mưu sinh, nghèo đói,
Phải bươn chải ngoài đường.
Về già ta được phép
Sáng oằn oèo trên giường.

*
Thơ văn phải chân thực.
Viết vớ vẩn, huyên thuyên,
Hoặc viết đạo đức giả...
Đọc cái là biết liền.

*
Ta có thể sống tốt,
Thiếu xe sang, vi-la.
Các tiện nghi hiện đại,
Thậm chí thiếu đàn bà.

Nhưng không thể sống tốt
Thiếu niềm vui tự mình.
Tức là sống đạm bạc,
Có nghĩa và có tình.

*
Mọi phiền não cuộc sống
Gói gọn trong Bốn Không -
Không buông bỏ, không thấu.
Không quên và không thông.

*
Im lặng trước cái ác,
Nghịch cảnh và bất công
Chính là sự phản bội
Với đất nước, cộng đồng.


NGHỆ THUẬT NÓI

Nói là một nghệ thuật,
Mà nghệ thuật đỉnh cao.
Nghệ thuật sự khôn khéo,
Nói gì và lúc nào.

Như nước đổ xuống đất,
Một khi đã buông lời
Thì không thể lấy lại,
Dẫu ân hận suốt đời.

Các cụ xưa đã dạy,
Nói không mất tiền mua.
Vậy lựa lời mà nói.
Đã nói thì không đùa.

Không nói lời chán nản,
Các chuyện vặt đời thường.
Việc mình chỉ mình biết.
Nói cũng chẳng ai thương.

Không nói khi tức giận.
Tức giận thường vô minh.
Những lời nói giận dỗi
Chỉ hại người, hại mình.

Không nói lời cay nghiệt
Làm người nghe phải đau.
Làm tổn thương người khác
Không hay ho gì đâu.

Không nói lời vớ vẩn,
Biến mình thành thằng hề.
Biết thì nói, không biết
Thì tựa cột mà nghe.

Không nói lời khoe mẽ.
Mình là ai, người ta
Từ lâu đã thừa biết,
Có điều không nói ra.

Không nói lời xúc xiểm
Chẳng liên quan đến mình.
Chọc bồ ngô, bị thóc
Chỉ tổ người ta khinh.

Không văng tục, chửi bậy.
Đặc biệt nơi đông người.
Tục tĩu là hạ đẳng,
Bẩn thỉu và dở hơi.

Tuyệt đối không nói dối.
Tuyệt đối không được thề.
Chỉ trong các hội kín
Thì người ta mới thề.

Điều riêng tư, tế nhị,
Tốt hơn đừng nói ra.
Trừ khi bất đắc dĩ
Phải nói với người nhà...

*
Nói là một nghệ thuật,
Mà nghệ thuật đỉnh cao.
Nghệ thuật sự khôn khéo,
Nói gì và lúc nào.


CHÍN CÁI NGU THƯỜNG GẶP

Chín cái ngu thường gặp
Trong cuộc sống hàng ngày.
Mời các bác tham khảo.
Đại khái nó thế này.

Một, cho bọn cờ bạc,
Tham lam và biếng lười,
Vay tiền, hy vọng chúng
Sẽ làm lại cuộc đời.

Không gì ngu hơn thế.
Là vì vay được tiền,
Chúng lại vẫn cờ bạc.
Còn trả nợ thì quên.

Hai, khi cần gì đó,
Mua của người quen thân
Hoặc nhờ họ giúp đỡ
Cũng là việc ngu đần.

Là vì, thường vẫn vậy,
Quen thì lèn cho đau.
Tưởng rẻ mà hóa đắt.
Ấm ức mãi trong đầu.

Ba, là ngu hùn vốn
Làm ăn với bạn bè,
Những người chỉ giỏi nhậu,
Bốc phét cũng rất ghê.

Rồi dăm bữa nửa tháng
Sẽ mỗi người một nơi.
Tiền mất, bạn cũng mất,
Phải sân hận cả đời.

Bốn, tìm cách dạy dỗ
Kẻ ngu ngốc, u mê.
Ngu hoàn ngu, và chúng
Biến thầy thành thằng hề.

Đừng quên một sự thật,
Rằng đã ngu là ngu.
Không bao giờ sửa được.
Tức suốt đời vẫn ngu.

Năm, là ngu bán đất
Để gửi tiền ngân hàng.
Quên, tiền chỉ là giấy.
Còn đất chính là vàng.

Bán ba nghìn mét đất.
Gửi tiết kiệm mười năm.
Đem cả gốc lẫn lãi,
Mua chưa nổi ba trăm.

Sáu, cũng ngu tương tự -
Nhờ người khác đứng tên
Mua nhà hay mua đất.
Tin tưởng vì thân quen.

Thân quen nên mới chết.
Vì thân quen, xưa nay
Mới có sự lừa đảo.
Ngu mới quên điều này.

Bảy, lấy chống, lấy vợ
Mà không có tình yêu.
Tự mình chuốc đau khổ,
Rồi mỗi người một niêu.

Nhiều người ngu, sợ ế
Mà lấy đại cho xong.
Ngu nữa, không chịu học
Cách làm vợ, làm chồng.

Tám, sống kiểu ba phải.
Tức đẽo cày giữa đường.
Người không có chính kiến
Là những người đáng thương.

Cứ ù ù các cạc,
Không biết nổi đúng sai.
Và rồi chết, ngơ ngac,
Không biết mình là ai.

Chín, đây mới ngu nhất.
Là cho bạn vay tiền.
Khi vay thì năn nỉ.
Vay được là quên liền.

Xin mách một bài học
Rất quý giá thế này:
Có tiền, cho thì được.
Tuyệt đối không cho vay.

*
Đại khái là như vậy,
Các kiểu ngu con người.
Nhiều lắm, muốn kể hết,
Có mà kể suốt đời.

PS
Tiếc, ngu là thuộc tính
Của mỗi một chúng ta.
Tôi cũng ngu, đôi lúc,
Theo kiểu của người già.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét