Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 22

 

 

HỒ QUÍ LY

(1336 - 1407)

 

Như mọi triều đại khác,

Theo một dạng chu kỳ,

Các vua Trần về cuối,

Hết thời thịnh, đến suy.

 

Phần lớn hèn, bạc nhược,

Khác với đầu đời Trần,

Vua suốt ngày yến tiệc,

Không còn lo cho dân.

 

Giữa thế kỷ Mười Bốn

Những chín lần vỡ đê,

Mười năm có nạn đói,

Dân cơ cực đủ bề.

 

Một loạt cuộc khởi nghĩa

Đã nổi dậy khắp nơi,

Được nông dân hưởng ứng,

Hàng nghìn, hàng vạn người.

 

Như khởi nghĩa Ngô Bệ

Ở Yên Phụ, Hải Dương.

Nguyễn Kỵ ở Thanh Hóa,

Nguyễn Bổ ở Bắc Giang.

 

Phạm Sư Ôn, Hà Nội,

Nguyễn Nhữ Cái, Sơn Tây,

Làm nhà Trần đã yếu,

Lại càng thêm lung lay.

 

*

Cuối thế kỷ mười bốn

Các vương triều nhà Trần

Đã trở nên ruỗng mục,

Thối nát, mất lòng dân.

 

Có Khu Mật Đại Sứ

Tên là Hồ Quí Ly,

Nắm hết mọi quyền lực,

Chẳng coi vua ra gì.

 

Cái phải đến đã đến,

Năm Một Nghìn Bốn Trăm,

Ông phế Trần Thiếu Đế,

Rồi lên ngôi âm thầm.

 

Như vua Lý Nam Đế,

Tổ tiên ông một thời

Người Triết Giang, Trung Quốc,

Sang ta đã nhiều đời.

 

Hồ Quí Ly quê gốc

Ở Quỳnh Lưu, Nghệ An,

Sau chuyển ra Thanh Hóa,

Rồi vào triều làm quan.

 

Ông có hai cô ruột

Là hoàng hậu, ân nhân.

Sau hai con của họ

Cũng trở thành vua Trần.

 

Khi lên ngôi, tên nước

Ông đổi thành Đại Ngu,

Dời đô vào Thanh Hóa,

Huyện Vĩnh Lộc bây giờ.    

 

Sau một năm tại vị,

Ông nhường lại ngai vàng

Cho con trai trị quốc

Để làm Thái thượng hàng.

 

Theo các tài liệu sử,

Ông là người nhẫn tâm,

Để lo trừ hậu họa,

Chỉ trong vòng một năm,

 

Tổng cộng ông đã giết

Ba trăm bảy mươi người,

Chủ yếu người hoàng tộc.

Một tội ác để đời.

 

Dẫu mưu mô, ác độc,

Nhưng vua Hồ Quí Ly

Có rất nhiều cải cách

Mà sử sách còn ghi.

 

Những cải cách tiến bộ,

Tầm nhìn rộng và xa,

Nếu đem thực hiện hết

Sẽ chấn hưng nước nhà.

 

Về lĩnh vực hành chính,

Ông đặt nhiều chức quan

Để giám sát các lộ,    

Phòng ngừa những việc gian.

 

Ông thêm chức Liêm phóng

Ở châu, lộ xa gần,

Để báo triều đình biết

Thực tình của người dân.

 

Về lĩnh vực kinh tế,

Ông cải cách hạn điền.

Giới hạn số ruộng đất

Của tầng lớp có quyền.       

 

Trừ vương hầu, gia tộc,

Ông qui định mỗi nhà

Có không quá mười mẫu,

Cả ruộng gần, ruộng xa.

 

Về số lượng người ở,

Cũng không được quá nhiều.

Tùy gia sản, thứ bậc

Mà được nuôi bao nhiêu.

 

Ông phát hành tiền giấy,

Nhằm đẩy mạnh công thương,

Thay đổi chế độ thuế,

Quy định cách đo lường.

 

Rồi mở thêm trường học,

Bắt sĩ tử đi thi

Phải thi môn toán pháp,

Mới được lên kinh kỳ.

 

Ông đặc biệt coi trọng

Chữ Nôm của nước nhà,

Sai dịch ra chữ ấy

Các sách cổ Trung Hoa.

 

Lại còn mở kho thóc

Giá rẻ cho người nghèo.

Chăm lo việc thủy lợi,

Đào sông, đắp đê điều.

 

Ông đặt sở Quản Tế,

Sở y tế bây giờ,

Rồi cất quan coi sóc

Không chểnh mảng, thờ ơ.

 

“Quản Tế Thư” được lập,

Kiểu bệnh viện tế bần,

Chữa bệnh bằng châm cứu

Và thuốc Nam cho dân.

 

Là tài năng kiệt xuất,

Với nghị lực phi thường,

Ông đeo đuổi cải cách,

Tiếc đứt gánh giữa đường.

 

Hồ Quí Ly biết trước

Dã tâm của nhà Minh,

Nên chuyên tâm chấn chỉnh

Việc công và việc binh.

 

Ông cải cách quân đội,

Xây thành, lo quốc phòng,

Lập hộ tịch bắt lính,

Đóng cọc các cửa sông.      

 

Ông là người tài giỏi,

Nhưng chỉ là quan văn,

Rất tiếc đã thất bại,

Vì không được lòng dân.

 

Năm Một Bốn Không Sáu,

Lấy cớ giúp nhà Trần,

Nhà Minh sang xâm lược,

Điều hai mươi vạn quân.

 

Tướng giặc là Trương Phụ,

Chia nhiều mũi tấn công.

Thế yếu, quân Việt rút

Sang phía Nam sông Hồng.

 

Thành Thăng Long thất thủ

Trong vòng mấy tháng sau.

Vua rút về Thanh Hóa

Định tính kế dài lâu.

 

Bị quân địch truy đuổi,

Ông chạy vào Kỳ La,

Bây giờ thuộc Hà Tĩnh,

Rồi cha con ông ta

 

Bị quân Minh bắt sống

Đưa về nộp Bắc Kinh,

Dọc đường bị sát hại.

Không rõ lắm sự tình.

 

Cũng có tài liệu nói

Chúng đưa về Quảng Tây,

Bắt lao dịch ở đấy

Rồi chết mòn sau này.

 

Vậy là triều Hồ mất,

Chỉ tồn tại bảy năm

Nhưng cũng kịp làm được

Một số việc cần làm.

 

Nước Đại Việt lần nữa

Rơi vào ách ngoại bang,

Phải chờ đến Lê Lợi

Mới độc lập huy hoàng.

 

 

NGUYỄN SƯ MẠNH

(1458 - 1540)

 

Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh

Đời vua Lê Thánh Tông

Làm Thượng Thư bộ Lễ,

Uyên bác và chí công.

 

Giữa thế kỷ mười sáu

Ông đi sứ nhà Minh,

Khiến thiên triều nể phục,

Vẻ vang cho nước mình.

 

Có rất nhiều giai thoại

Liên quan chuyến đi này.

Nhưng được nhắc nhiều nhất

Là giai thoại dưới đây.

 

Trong buổi lễ long trọng

Khi yết kiến vua Minh,

Chiếc áo ông đang mặc,

Cố tình hoặc vô tình,

 

Đã quên không cài cúc,

Lộ cái bụng nần nần.

Vua Minh thấy, tức giận,

Khép vào tội khi quân.

 

Nguyễn Sư Mạnh quỳ đáp:

Bẩm, đi sứ đường xa,

Mà bụng thần đầy chữ

Của thánh hiền Trung Hoa,

 

Nên sợ chữ mốc ẩm,

Thần phanh áo ra phơi.

Xin bệ hạ đại xá.

Vua Minh nghe, liền cười

 

Rồi tò mò muốn thử

Bụng chữ” ấy thế nào.

Bèn bảo Nguyễn Sư Mạnh:

“Thư Lâu ta, tiếc sao,

 

Mất cuốn Thiên Vi Chính

Của Khổng Tử Nho Gia.

Ngươi khoe ngươi nhiều chữ,

Vậy chép lại cho ta.

 

Chép lại theo trí nhớ

Toàn bộ cuốn sách này.

Nếu không, sẽ xử trảm.

Thời hạn - ba mươi ngày”.

 

Sứ Nam Nguyễn Sư Mạnh

Đã vui vẻ nhận lời.

Hai lăm ngày sau đó

Ông ra ngoài dạo chơi.

 

Vua Minh thấy, sốt ruột,

Lén cho người nhắc ông.

Ông đáp: “Vài ngày nữa,

Yên tâm, tôi chép xong”.

 

Đúng ngày thứ hăm chín

Ông trình lên vua Minh

Cuốn sách Thiên Vi Chính,

Viết theo trí nhớ mình.

 

Vua Minh xem phục lắm,

Nhưng muốn bắt bẻ ông:

“Ngươi viết thừa dấu chấm

Trên một chữ, chữ Công”.

 

Sứ Nam cúi đầu đáp:

“Nếu quả thần viết thừa,

Thì bản gốc thượng quốc

Chắc chắn cũng viết thừa”.

 

Vua sai đem bản gốc

So sánh thấy chữ Công

Quả thừa một dấu chấm

Như bản chép của ông.

 

Vua rất đỗi thán phục,

Thưởng vàng bạc, lụa là

Rồi xuống chiếu phong tặng

Làm “Thượng Thư Trung Hoa”.

 

Sau đó Nguyễn Sư Mạnh,

Chức Lưỡng Quốc Thượng Thư,

Vua Lê gả công chúa,

Phong Vinh Lộc Đại Phu.

 

Ông sống rất thanh bạch,

Nổi tiếng hay thương người.

Chết, thọ tám hai tuổi,

Để tiếng tốt cho đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét