LÊ THÁNH TÔNG
(1442 - 1497)
Lê Thánh Tông hoàng đế,
Tên thật Lê Tư Thành,
Một nhà văn hóa lớn,
Một ông vua anh minh.
Ngài đã đưa dân tộc
Lên một kỷ nguyên vàng
Của thời đại phong kiến,
Một trang sử vẻ vang.
Ngài tiến hành cải cách
Nhiều lĩnh vực, nhiều ngành,
Còn mở mang bờ cõi,
Chiếm kinh đô Chiêm Thành.
Mẹ Ngài suýt bị hại
Vì chỉ là tiệp dư,
Nếu không có Nguyễn Trãi
Và Thị Lộ nhân từ.
Hai mẹ con được họ
Đưa đến chùa Huy Văn,
Nay Đống Đa, Hà Nội,
Lánh nạn, sống thanh bần.
Ngẫu nhiên do phe cánh,
Mà Ngài được lên ngôi,
Niên hiệu là Quang Thuận,
Năm Một Bốn Sáu mươi.
Ngài liền cho xét lại
Vụ án Lệ Chi Viên.
Minh oan cho Thị Lộ,
Phục danh người đức hiền.
Ngài lại cho lập miếu
Thờ Nguyễn Trãi ân nhân.
Con cái Trần Nguyên Hãn
Và các vị công thần
Trước từng theo Lê Lợi,
Bị kẻ xấu giết oan,
Giờ được cấp ruộng đất
Và mời ra làm quan.
Những ai trước đổi họ
Thành họ Lê, bây giờ
Có thể dùng họ cũ
Mà không bị nghi ngờ.
Ngài cũng sắp xếp lại
Các chức quan trong triều.
Ai đến sáu lăm tuổi
Đều thôi chức, về hưu.
Lệ cha truyền con nối
Các chức tước xưa nay
Cũng bị Ngài hủy bỏ.
Nhiều người ghét việc này.
Quan phải là người giỏi.
Mở thi chọn nhân tài.
Giỏi mới làm được việc -
Đó là lệnh của Ngài.
Vua đặc biệt chú trọng
Làm ruộng và chăn tằm,
Bắt khai hoang, thêm vụ,
Để có ăn quanh năm.
Ngài còn ra chỉ dụ
Tổ chức lễ hạ điền,
Tức xuống ruộng cày cấy.
Quan phải làm đầu tiên.
Ở mỗi đạo, tức tỉnh,
Vua lập nhà Tế Sinh
Nuôi người già đơn độc,
Cấp thuốc lúc bệnh tình.
Ở nơi nào có dịch,
Quan phải đến tận nơi
Bốc thuốc và châm cứu
Cho từng nhà, từng người.
Thời ấy dân mộ Phật,
Thường có lệ quyên tiền
Xây thêm chùa, vua nói
Đó là điều không nên.
Rằng mộ Phật là tốt,
Nhưng nên mộ trong lòng,
Để tiền làm việc khác,
Nhất là những việc công.
Ngài còn cấm người sống
Khi tổ chức ma chay
Không bày trò đàn sáo
Và ăn uống suốt ngày.
Ngài nói, đã nhận lễ
Thì phải cho rước dâu,
Không bắt người ta đợi
Đến ba bốn năm sau.
Để cư xử đúng mực,
Ngài đặt hăm bốn điều,
Các quan phải giảng giải,
Làm trước để dân theo.
Ngài bắt mười hai đạo
Vẽ bản đồ đạo nhà,
Có ghi rõ sông núi,
Thành bản đồ quốc gia.
Ngài đích thân xuống chiếu
Yêu cầu Ngô Sĩ Liên
Viết Đại Việt Sử Ký
Mười lăm quyển, nhiều thiên.
Năm quyển thời Bắc Thuộc.
Mười quyển từ Ngô Quyền
Đến vua Lê Thái Tổ,
Viết theo dạng biên niên.
Vua rất trọng giáo dục,
Khuyến khích học Ngũ Kinh,
Thường đứng làm chủ khảo
Trong các kỳ thi Đình.
Ngài lập lệ danh xướng,
Đọc tên các ông Nghè.
Ai đậu thì ở lại,
Ai trượt phải ra về.
Các ông Nghè, Tiến sĩ
Được Ngài mời vào cung,
Ban áo mũ, dự tiệc,
Thật vinh dự vô cùng.
Rồi vinh qui, mũ lọng,
Họ trở về quê nhà,
Cảm ơn thầy dạy dỗ,
Bái tổ tiên, mẹ cha.
Lê Thánh Tông cổ xúy
Việc thi cử, học hành.
Rất nhiều người đỗ đạt
Rồi thành công, thành danh.
Ông là người khởi xướng
Việc dựng bia ghi tên
Các tiến sĩ Văn Miếu,
Để khích lệ người hiền.
Vua cho xây thư viện
Ở khu Thái Học đường,
Ngay phía sau Văn Miếu,
Vốn xưa là ngôi trường.
Ngài còn xây ký túc
Cho người xa tới đây.
Việc ăn ở và học
Ở ngay trong khu này.
Lê Thánh Tông hoàng đế
Còn là một nhà thơ.
Hơn thế, nhà thơ lớn,
Được yêu đến bây giờ.
Thơ Ngài đẹp, ý nhị,
Uyên thâm mà trữ tình,
Như bức tranh thủy mặc,
Ý và lời lung linh.
Cùng hăm bảy vị khác,
Ngài lập Hội Tao Đàn
Gồm nhị thập bát tú,
Câu lạc bộ thơ quan.
Vua tôi thường xướng họa.
Quan có Thân Nhân Trung,
Đỗ Nhuận và Thái Thuận...
Thật tao nhã vô cùng.
Rất ham mê văn học,
Nhưng không quên việc binh,
Vua nhắc phải luyện võ
Ngay cả trong thời bình.
Ngài mở hội thi võ,
Cứ ba năm một lần.
Ai trượt bị giáng chức,
Ai đỗ được thăng quan.
Nhờ thế mà tướng sĩ
Rất ham mê tập tành,
Vừa khỏe, vừa đắc dụng
Khi đất nước chiến tranh.
Gây sự với Đại Việt,
Năm Một Bốn Bảy Không,
Cùng mười vạn quân thủy,
Vua Chiêm Thành tấn công.
Hắn còn lén sai sứ
Sang cầu cứu nhà Minh.
Cùng hai mươi vạn lính,
Ngài quyết đánh Chiêm Thành.
Tháng Ba năm Bảy Mốt
Ngài chiếm được Đồ Bàn.
Kinh đô Chiêm thất thủ,
Lính chết hàng chục ngàn.
Ngài nhập vào Đại Việt
Cả miền Bắc nước Chiêm,
Mãi đến tận vùng đất
Nay là tỉnh Phú Yên.
Năm Một Bốn Bảy Chín,
Lại có loạn Ai Lao.
Ngài sai Lê Thọ Vực
Năm hướng đánh sang Lào.
Quân Đại Việt đại thắng.
Ai Lao và Chiêm Thành
Đều chấp nhận cống nạp.
Đất nước được hòa bình.
Một đóng góp quan trọng
Của vua Lê Thánh Tông
Là Bộ luật Hồng Đức,
Biên soạn rất dày công.
So với các luật trước,
Luật này tốt hơn nhiều,
Gồm mười ba chương lớn
Và hơn bảy trăm điều.
Nền tảng của bộ luật
Là tư tưởng Đạo Nho,
Luôn lấy dân làm gốc
Để xây dựng cơ đồ.
Một, giữ nghiêm phép nước.
Hai, chống giặc ngoại xâm.
Ba, chấn hưng nông nghiệp.
Bốn, lo công, thương, lâm.
Năm, bài trừ tham nhũng.
Sáu, bảo vệ thuần phong.
Bảy, bênh vực phụ nữ.
Tám, xét xử khoan hồng.
Ngài nói: “Luật bình đẳng
Với tất cả mọi người,
Với dân chúng cả nước,
Cả ta và các ngươi”.
Có lần Ngài cách chức
Một đô đốc, quan to,
Chỉ vì con người ấy
Có hành vi côn đồ.
Năm Một Bốn Chín Bảy
Lê Thánh Tông qua đời,
Hưởng thọ năm lăm tuổi,
Sự nghiệp vẫn sáng ngời.
Là anh hùng dân tộc,
Là một vị anh quân,
Một nhà chiến lược lớn
Với tâm hồn thi nhân,
Vua chấn hưng văn hóa,
Mở mang đất nước mình.
Trong nhị thập bát tú,
Là vì sao lung linh.
THƠ LÊ THÁNH TÔNG, trích
1
Đạo trung thần
Đức của người phò tá
Là giữ đạo trung thần.
Cái điều cao đẹp ấy
Xa lạ với tiểu nhân.
2
Thảnh thơi
Du Lượng thôi chức lớn,
Chỉ lên lầu ngồi chơi.
Khi không màng danh vọng,
Tự nhiên lòng thảnh thơi.
3
Đình Ngư Phủ
Khuất Nguyên bị đuổi, lòng day dứt,
Mang nặng buồn lo vận nước nhà.
Bài thơ ngư phủ chưa ngâm trọn,
Đã tự gieo mình xuống Mịch La.
4
Vịnh Mi Ổ
Lòng tham của kẻ ác
Khiến mọi người ngỡ ngàng.
Lửa cháy, thiêu gian tặc
Mà không soi thấy vàng 1).
1). Mi Ổ, kho vàng của Đổng Trác thời Tam quốc. Với chức ngang Tể tướng, cậy thế chuyên quyền, Đổng Trác vơ vét nhiều vàng bạc châu báu giấu ở Mi Ổ. Sau hắn bị Lã Bố giết chết, thây phơi ngoài chợ. Lính canh cắm đuốc vào xác Đổng Trác, lửu cháy sáng rực suốt đêm.
5
Thơ đề bức vẽ chân dung đại học sĩ Vũ Vĩnh Trinh 1)
Hơn sáu chục năm sách với đèn.
Kim Đường 2) nhàn nhã giống như tiên.
Tầm sư học đạo, tôn Nho Giáo.
Nhà rộng, ung dung luận thánh hiền.
1). Vũ Vĩnh Trinh tự Hựu Chi, người huyện Vụ Bản, Nam Định. Không rõ năm sinh, năm mất. Ông đậu khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu (1422), làm chức Giáo Thụ. Đời Lê Thánh Tông làm Hàn lâm Học viện sĩ và Bí thư Giám học sĩ.
2). Kim Mã, Ngọc Đường: các cung điện đời Hán. Ở đây chỉ cung điện nói chung.
6
Bài thơ mừng lúa tốt
Một màu xanh biếc trải mênh mông.
Nuôi dân phải nhớ trọng nghề nông.
"Năm nay lúa tốt hơn năm ngoái!"
Mấy lão nông phu đứng ngắm đồng.
7
Dừng chân ở núi Cổ Quý
Gió thổi, cờ bay giữa nắng tà.
Lá đỏ còn hơn hoa tháng Ba.
Đời người nhìn lại, không như trước.
Vui buồn trăm mối, rối lòng ta.
8
Đi tuần phía đông, dừng lại ở Đồng Cảng
Vùng biển, gạo như ngọc.
Cá rẻ như cho không.
Thấp thoáng chim về tổ.
Hoàng hôn, mặt trời hồng.
9
Đậu thuyền dưới chân chùa Quang Khánh
Ngoài vườn chim hót, gió hây hây.
Trời xế, mặt đường phủ bóng cây.
Sẵn rượu làm sao không cạn chén -
Ai sống ở đời thoát cái say?
10
Qua bến Phù Tang
Trên bến Phù Tang mưa lắt lay.
Tiết xuân, trời đất ấm từng ngày.
Chỉ thương những kẻ ham danh lợi,
Quên đời trôi thoáng tựa làn mây.
11
Qua đền Hưng Đạo vương
Lá đỏ trên cây khẽ xạc xào.
Trời đầy mây trắng, nắng xôn xao.
Tượng đá, chùa đây, người chẳng thấy,
Chỉ thấy bên ngoài rặng núi cao.
12
Dừng lại ở Xương Giang
Nắng chiều, nửa núi xạm dần đen.
Hai bờ như có khói bay lên.
Sách xưa đọc mãi mà không hết,
Dù đã mười năm đọc trước đèn.
13
Bến cảng Vân Đồn
Nắng chiều óng ả, bến bình yên.
Con thuyền lướt nhẹ, nước đang lên.
Gái trai bên biển cười vui vẻ,
Át cả gió reo trước mũi thuyền.
14
Bãi Đông Ngạc
Thơ làm xong, đi ngủ.
Trăng nhú nơi chân trời.
Hoa rụng bao tình ý,
Khẽ chạm vào áo người.
15
Đêm cắm thuyền ở bãi Trung Giang
Không gió, không sương, đêm tĩnh yên.
Ngồi đợi bình minh trước mũi thuyền.
Sắp sáng, hé nhìn qua cửa sổ,
Dòng sông phẳng lặng, nước triều lên.
16
Về sự học đích thực
Cái chính là sao lòng phải ngay.
Không khoe uyên bác, tứ thơ hay.
Trước lo học giỏi vì dân nước.
Sau phải noi gương các bâc thầy.
Sự nghiệp Doãn, Chu, lo đời thịnh.
Văn chương Khổng, Mạnh, luyện đêm ngày.
Vua trọng sĩ nho, nho sĩ thịnh,
Giúp vua xây dựng nước Nam này.
17
Thơ đề ở động Bạch Nha 1)
Năm Quang Thuận thứ 8 (1467)
Lô xô núi biếc giữa nắng tà.
Tiết trời dìu dịu, lá xen hoa.
Mây che cửa động, ngôi chùa cổ.
Xuân về, gió lặng, tiếng chim ca.
Từ thuở hỗn mang trời đã tạo,
Quỉ thần đẽo gọt mãi mà ra.
Chắc Nữ Oa thương, không động đến,
Để ghi công đức của triều ta.
1) Tên một ngôi động ở dãy núi Thần Phù, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
18
Thơ đề trên núi Dục Thúy
Năm Quang Thuận thứ 8 (1464)
Dục Thúy nằm kề ba khúc sông.
Đỉnh cao lạnh lẽo vút lên không.
Leo lên theo gió, bên chùa cổ,
Bia đá xế chiều mới đọc xong.
Xuống hang, cứ tưởng trời không rộng.
Lên cao mới biết đất mênh mông.
Núi sông vẫn thế, không thay đổi.
Như mơ, ngoái lại, thấy anh hùng.
19
Lên núi Long Đọi đề sau tấm bia
Bảo tháp Sùng Thiện Diêu Linh
Núi cao, chùa cổ đứng chơi vơi.
Đường dốc, leo hoài mới tới nơi.
Giặc Minh phá hết, còn bia đá.
Vua Lý ghi bao chuyện lạ đời.
Đường ít vết chân, rêu phủ kín.
Núi nhiều mưa ẩm, cảnh xinh tươi.
Lên cao, tầm mắt nhìn, vô tận
Cây cỏ xanh xanh đến cuối trời.
20
Thơ khắc ở cột chùa Tu Mộng
Chùa cổ nghiêng xiêu đã nửa phần.
Sư dắt thăm chùa, nhẹ bước chân.
Chân sư dễ vượt vòng đai giác.
Ta bước đường đời thật khó khăn.
Ngũ viên mạnh mẽ mà không sắc.
Lục độ sáng ngời vẫn có nhân.
Thấy khách cúi đầu như giác ngộ,
Sư thôi không giảng, lặng im dần.
21
Thơ đề ở chùa Sài Sơn
Đứng bên vách núi, xốn xang lòng.
Theo mây, chân nhẹ bước lên không.
Hoa nở lặng im bên cửa động,
Chào người, chim hót dưới rừng thông.
Tay ngắt vì sao trời thứ nhất.
Ba nghìn thế giới cõi mênh mông,
Quét rêu, nguệch ngoạc thơ lên đá,
Ngọn bút làm rung cả núi sông.
22
Thơ đề núi Chiếu Bạch
Nước trời hòa nhập, sóng mông mênh.
Núi già soi bóng xuống sông xanh.
Cổ thụ như xưa, nhô phía trước.
Hoa nở đua nhau điểm trắng cành.
Ý thơ lai láng, ngâm nga mãi.
Tâm hồn thanh bạch, dạo loanh quanh.
Đang xuân, trong động nhiều hoang thú.
Bao đời phong cảnh đẹp như tranh.
23
Thơ đề động Hồ Công
Quỷ thần đẽo gọt mới làm ra
Thành hang đá rộng, giống ngôi nhà.
Công danh thế tục đều như mộng.
Trong quả bầu tiên sống nhởn nha .
Như tự cõi trời rơi ngọc trắng,
Hoa Dương rồng hóa giống châu sa.
Những muốn cưỡi mây lên đỉnh núi
Để nhìn đất nước giữa bao la.
24
Thơ đề động Long Quang
Dừng chân ngắm cảnh núi xanh tươi.
Leo lên càng thấy rộng đất trời.
Như thể bất ngờ lên Ngọc Kiểm,
Tưởng mình đang lạc chốn Thiên Thai.
Mây vương đầy đất không ai quét.
Hang động vươn cao lấp mặt trời.
Cảnh đẹp, đẹp từ rừng đến suối,
Thỉnh thoảng như mời vua đến chơi.
25
Đi trên sông
Bến sông tiếng trống giục vang xa.
Thuyền rồng lướt sóng chạy ngang qua.
Bát ngát ruộng nương xanh nghìn khoảnh.
Lác đác kề sông mấy nóc nhà.
Như thể sắp mưa, trời rất thấp,
Dẫu phía biển Đông nắng chói lòa.
Buổi sớm, núi xanh như trịnh trọng
Tiễn vua qua cửa biển Hà Hoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét