Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 7

 

LÊ ĐẠI HÀNH

(941 - 1005)

 

Năm Chín Trăm Bảy Chín,

Có sự kiện đau lòng -

Đinh Tiên Hoàng bị giết.

Cả Đinh Liễn, con ông.

 

Một tướng giỏi lúc ấy

Là Lê Hoàn, lên ngôi.

Lập nên triều đại mới,

Tồn tại được nhiều đời.

 

Dẫu sao cũng ghi nhận,

Lê Hoàn, Lê Đại Hành

Là ông vua kiệt xuất

Được sử sách lưu danh.

 

Thông minh và dũng cảm,

Ông chấn hưng nước nhà,

Bình Chiêm và phá Tống,

Nâng vị thế quốc gia,

 

Là vị tướng kiệt xuất,

Công tâm khi dùng người,

Khôn ngoan trong giao tế,

Để tiếng tốt cho đời.

 

Theo sử sách ghi lại,

Ông xuất thân nghèo hèn.

Cha ông là Lê Mịch,

Mẹ là Đặng Thị Sen.

 

Trường Châu là bản quán,

Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.

Cũng có người nói khác

Về quê gốc, nơi sinh.

 

Cha mẹ qua đời sớm,

Được chú nuôi, và ông

Lớn lên, theo Đinh Liễn,

Lập được nhiều chiến công.

 

Ông giúp Đinh Bộ Lĩnh

Dẹp loạn sứ, yên dân,

Được phong Đại Nguyên Soái,

Chức Thập Đạo Tướng Quân.

 

Lúc ấy ông còn trẻ,

Mới hăm bảy tuổi đời,

Nhưng có tài thao lược,

Biết thu dụng lòng người.

 

Đinh Tiên Hoàng bị giết,

Triều đình đang bất an,

Ông trở thành nhiếp chính

Cho ấu chúa Đinh Toàn.

 

Các đại thần nổi loạn,

Phía Nam họa Chiêm Thành,

Phía Bắc có giặc Tống,

Để mất nước sao đành?      

 

Nên tướng Phạm Cự Lạng,

Thái hậu Dương Vân Nga

Tôn ông lên ngôi báu

Để cứu nguy nước nhà.

 

Ông lên ngôi Hoàng Đế,

Xưng là Lê Đại Hành,

Đặt niên hiệu Thiên Phúc,

Hoa Lư là kinh thành.

 

Ông khuyến khích nông nghiệp,

Là vị vua đầu tiên

Hàng năm cho mở lễ

Gọi là lễ Tịch Điền.

 

Ông cho dân đào đắp

Rất nhiều kênh và sông

Để lấy nước tưới ruộng

Và tiện bề lưu thông.

 

*

Đầu năm Tám Chín Một

Quân Tống đánh Đại Cồ,

Chia hai đường thủy bộ,

Thanh thế đang rất to.

 

Đường bộ qua xứ Lạng,

Đường thủy theo Bạch Đằng,

Nơi quân ta đóng cọc

Thành thế trận đang giăng.

 

Ở bến sông Tây Kết,

Chúng thất bại ê chề,

Nhiều dũng tướng bị giết,

Quân bộ đành rút về.

 

Công đầu của đại thắng

Thuộc về Lê Đại Hành,

Một nhà quân sự lớn,

Còn lưu mãi sử xanh.

 

Vua đích thân ra trận,

Nhờ thao lược của ông

Mà xác quân Tống chết

Ngập núi và đầy sông.

 

*

Chỉ một năm sau đó

Vua cử Ngô Tử Canh

Và Từ Mục đi sứ

Sang đất nước Chiêm Thành.

 

Họ bị Chiêm giữ lại.

Vua tức giận, ngày đêm

Sai chuẩn bị thuyền chiến,

Tự mình đi bình Chiêm.

 

Trong một thời gian ngắn

Lê Đại Hành thắng to,

Chém vua Chiêm tại trận,

Thành quách đốt thành tro.

 

Tù binh nhiều vô kể,

Có cả sư, nữ tỳ,

Vàng bạc thu ức vạn,

Không thiếu một thứ gì.

 

Hăm sáu năm trị quốc,

Vua sáu lần dấy binh

Đánh quân Chiêm quấy phá,

Giữ biên giới yên bình.

 

*

Vua Lê Đại Hành chết,

Để lại một giang sơn

Hùng cường và thống nhất,

Nhưng thật tiếc, các con

 

Lại tranh nhau ngôi báu,

Lại huynh đệ tương tàn,

Khiến bỏ bê chính trị

Và dân chúng lầm than.

 

Rồi đời Lê chấm dứt

Bằng ông vua xấu xa

Là Ngọa Triều Long Đĩnh,

Gian ác và dâm tà.

 

 

THÁI HẬU DƯƠNG VÂN NGA

(952 - 1000)

 

Ngày xưa có cô bé

Mắc cái tật lạ kỳ,

Là đêm thường hay khóc,

Không hiểu lý do gì.

 

Một hôm có đạo sĩ

Đi ngang qua tình cờ,

Thấy thế liền dừng lại

Rồi đọc mấy câu thơ:

 

“Nào nín đi, cháu bé.

Việc gì phải khóc hoài.

Mai kia còn gánh vác

Đôi sơn hà trên vai.”

 

Đứa bé nghe, im bặt.

Từ ngày ấy, lạ ghê,

Ngủ yên không cần dỗ,

Và cũng thôi khóc nhè.

 

Sau này bé gái ấy

Rất nổi tiếng, vì bà

Là vợ hai vua lớn -

Thái Hậu Dương Vân Nga.

 

Bà sinh ở vùng đất

Nay thuộc tỉnh Ninh Bình,

Bố là Dương Thế Hiển,

Thuộc dòng dõi hiển vinh.

 

Dương là họ của bố.

Còn Vân Nga là gì?

Tên hai làng ghép lại:

Vân Long và Nga My.

 

Bà nổi tiếng xinh đẹp,

Loại tài sắc vẹn toàn,

Đến mức nhiều giai thoại

Loan truyền trong dân gian.

 

Bà là hoàng thái hậu

Hai triều vua khác nhau,

Vợ của Đinh Bộ Lĩnh

Và Lê Hoàn về sau.

 

Đinh Toàn, vị vua cuối

Của triều đại nhà Đinh,

Là con trai thái hậu

Với Tiên Hoàng, chồng mình.

 

Còn khi bà là vợ

Của vua Lê Đại Hành,

Bà sinh cô công chúa

Là Lê Thị Phất Ngân.

 

Sau nàng thành hoàng hậu

Vị vua Lý đầu tiên,

Tức vua Lý Thái Tổ,

Nổi tiếng một vua hiền.

 

Hơn thế, nàng là mẹ

Của vua Lý Thánh Tông,

Một ông vua nhân đức

Từng lập nhiều chiến công.

 

Ông lập nước Đại Việt,

Lấy ba châu Chiêm Thành,

Phá Tống, xây Văn Miếu

Chấn hưng việc học hành.

 

Khi Đinh Tiên Hoàng chết,

Thái hậu Dương Vân Nga

Biết đặt lợi ích Nước

Cao hơn lợi ích Nhà.

 

Vua Đinh Toàn còn nhỏ,

Mà thù trong giặc ngoài.

Bà gạt qua nghi kỵ,

Bắt con mình nhường ngai,

 

Để một vị tướng giỏi,

Mà sau là chồng bà,

Bình Chiêm và phá Tống,

Chấn hưng lại nước nhà.

 

Làm xong sứ mệnh lớn,

Cuối đời bà tu hành

Ở chùa Am Tiên Động

Phía đông Hoa Lư thành.   

 

Nghe người ta kể lại,

Bà và Lê Đại Hành

Ngày trẻ có duyên thắm,

Tiếc trời không cho thành.

 

Nên đôi uyên ương ấy

Phải chờ mãi về sau,

Khi công thành danh toại,

Mới lần nữa gặp nhau.       

 

Âu cũng là trời định,

Nhưng cuối cùng hai người

Đã đi vào lịch sử

Như tấm gương cho đời.

 

Ở Ninh Bình thành phố

Hiện có hai con đường

Chạy song song thật đẹp,

Mang tên đôi uyên ương.    

 

 

THIỀN SƯ VẠN HẠNH

(935 - 1025)

 

Ngài là Thiền Sư lớn,

Đức độ và thông minh.

Tục danh Nguyễn Văn Hạnh,

Quê Cổ Pháp, Bắc Ninh.

 

Được xem là cố vấn

Giúp vua Lê Đại Hành.

Thầy của Lý Công Uẩn,

Không chỉ đường học hành,

 

Mà Ngài còn góp sức

Đưa học trò lên ngai,

Giúp dựng triều đại mới

Vẻ vang và lâu dài.

 

Hơn thế, nhờ uyên bác,

Biết trông rộng, nhìn xa

Ngài tiên đoán nhiều việc

Giúp phát triển nước nhà.

 

Từ nhỏ, Ngài mẫn tiệp,

Tinh thông Lão và Nho.

Lại nghiên cứu Kinh Phật,

Tường tận hàng trăm pho.

 

Năm tròn hăm mốt tuổi,

Ngài xuống tóc xuất gia

Cùng bạn là Định Tuệ,

Tu ở chùa gần nhà.

 

Đó là chùa Lục Tổ

Của Thiền Sư Thiền Ông.

Ngài được thầy dẫn dắt,

Kiến thức càng tinh thông.

 

Sau khi Thiền Ông chết,

Ngài chuyên sâu phép thiền

Tổng Trì Tam Ma Điện,

Trở thành nhà sấm truyền.

 

Sau nhiều năm tu luyện,

Ngài đắc đạo, có tài

Biết cả chuyện quá khứ

Và chuyện trong tương lai.

 

Bấy giờ ở Cổ Pháp

Có người tên Đỗ Ngân

Nảy sinh lòng ghen ghét,

Muốn giết Ngài nhiều lần.

 

Ngài biết trước, gửi đến

Một bài kệ bốn câu,

Trách hắn sao có thể

Vô cớ, thù giết nhau?

 

Hắn đọc xong, cả sợ.

Biết gặp người đức tài,

Liền lập tức từ bó

Ý định ám hại Ngài.

 

Những lời Ngài phán dạy

Chưa bao giờ thấy sai.

Vua Lê Đại Hành biết

Và rất tôn kính Ngài.

 

Một lần, giặc nhà Tống,

Năm Chín Trăm Tám Mươi,

Muốn chiếm Đại Cồ Việt,

Huy động hàng vạn người.

 

Tướng giặc, Hầu Nhân Bảo,

Mang quân sang nước ta,

Chiếm núi Cương Giáp Lĩnh.

Nên đánh hay nên hòa?

 

Vua hỏi sư Vạn Hạnh

Phải làm thế nào đây?

Ngài đáp giặc tự rút

Trong ba đến năm ngày.

 

Quả nhiên đúng như thế.

Do rối ren nội tình,

Quân Tống chưa bị đánh,

Đã rút về nước mình.

 

Lần khác, sứ giả Việt

Bị Chiêm Thành bắt giam.

Vua đang còn do dự

Việc dấy binh đánh Nam.

 

Ngài khuyên nên chinh phạt

Vì đã có lý do.

Vua nghe theo, lần ấy

Quân vua Lê thắng to.

 

Thấy nhà Lê thối nát

Đang tan rã từng ngày,

Ngài lặng lẽ chuẩn bị

Đưa nhà Lý lên thay.

 

Ngài tác động dư luận

Bằng những lời sấm truyền.

Dân chúng nghe, tin tưởng

Một triều mới sắp lên.

 

Trong đó có chuyện kể

Ở Cổ Pháp bỗng nhiên

Xuất hiện con chó trắng

Với hai chữ màu đen.

 

Đó là chữ “Thiên Tử”.

Ngay ở chính giữa lưng.

Ngài giảng: Là điềm tốt,

Một tín hiệu đáng mừng.

 

Và rằng vào năm Tuất

Có vua mới ra đời.

Một vị vua “Thiên Tử”

Được phái xuống cứu người.

 

Lý Công Uẩn lúc ấy

Đang làm quan nhà Lê,

Được Ngài cho gọi đến

Rồi lấy lời vỗ về:

 

“Có nhiều lời sấm lạ

Được truyền tụng gần đấy,

Báo hiệu nhà Lê mất,

Nhà Lý sẽ lên thay.

 

Họ Lý không ít kẻ

Vừa đức lại vừa tài.

Nhưng suy đi ngẫm lại,

Ta thấy không có ai

 

Quy nạp đủ điều kiện

Để lên ngai bằng con.

Vậy cố mà đảm nhận

Trách nhiệm với nước non.

 

Con đang có quyền lực,

Làm Thân Vệ trong triều.

Hơn thế, được dân chúng

Tin tưởng và thương yêu.

 

Ta đã bảy mươi tuổi,

Lo không sống đến ngày

Thấy đất nước thịnh trị.

Đã đến lúc ra tay”.

 

Lên ngôi, Lý Công Uẩn

Phong Ngài làm Quốc Sư

Ban tặng nhiều bổng lộc,

Nhưng Ngài đều khước từ.

 

Ngài xin được tiếp tục

Ở chùa Cổ Pháp Châu.

Chỉ khi nước có sự,

Mới vâng mệnh vào chầu.

 

Năm Thuận Thiên Mười Sáu,

Tức Một Hai Không Năm,

Khi công hạnh viên mãn,

Tháng Năm, đúng ngày Rằm,

 

Ngài cho gọi đệ tử

Dặn dò và bảo ban.

Đọc xong một bài kệ,

Rồi tịch, nhập Niết Bàn.

 

Vua mới, Lý Thái Tổ,

Cùng các quan trong triều

Đến viếng, đưa xá lợi

Về thờ ở Chùa Tiêu.

 

Ngài là tấm gương sáng

Của một người xuất gia

Vẫn day dứt trách nhiệm

Với vận mệnh nước nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét