NGÔ QUYỀN
(898 - 944)
Người anh hùng dân tộc,
Tiền Ngô vương, Ngô Quyền,
Trong lòng người dân Việt
Là một vị vua hiền.
Bằng chiến thắng lịch sử
Trong trận Bạch Đằng giang,
Ông đặt dấu chấm hết
Nghìn năm ách ngoại bang.
Từ đấy nền độc lập
Và tự chủ nước nhà
Được khẳng định thêm nữa
Trong hơn nghìn năm qua.
Ông con một hào trưởng
Thế lực lớn, công dày
Ở châu Đường Lâm cũ,
Nay thuộc huyện Hà Tây.
Mới lọt lòng, thầy tướng
Thấy ba chấm sau lưng,
Liền sụp lạy mà phán
Sau danh tiếng lẫy lừng.
Nước Việt ta ngày ấy
Gọi là Tĩnh Hải Quân,
Do nhà Đường cai trị,
Dân khổ sở muôn phần.
Mà triều chính lúc đó
Cũng rối ren nhiều bề.
Nhà Đường đang suy sụp,
Quan lại thì nhiêu khê.
Hào trưởng Dương Đình Nghệ
Thắng Nam Hán, dần dần
Trở thành Tiết độ sứ,
Cả vùng Tĩnh Hải Quân.
Họ Dương lắm kẻ mạnh,
Họ Ngô nhiều người hiền,
Liên kết, gả con gái
Cho chàng trai Ngô Quyền.
Rồi Ngô Quyền được cử
Cai trị đất Ái Châu,
Một vùng đất rộng lớn,
Đông dân và khá giàu.
Năm Chín Trăm Ba Bảy,
Kiều Công Tiễn đê hèn
Sát hại Dương Đình Nghệ
Rồi thâu tóm toàn quyền.
Bị nhiều người phản đối,
Tiết độ sứ họ Kiều
Sang cầu quân Nam Hán.
Lợi ít, nhục thì nhiều.
Ngô Quyền đem binh lính
Từ Châu Ái đánh ra,
Giết chết Kiều Công Tiễn,
Nhanh chóng rửa thù nhà.
Rồi ông lo chuẩn bị,
Quân và dân một lòng,
Đợi quân Hán xâm lược,
Đóng cọc các dòng sông.
Năm Chín Trăm Ba Tám,
Ở cửa sông Bạch Đằng
Thuyền của quân Nam Hán
Sa bẫy cọc đang giăng.
Phần bị cọc đâm thủng,
Phần bị thuyền Ngô Quyền
Đánh đắm hơn một nửa.
Rồi sông nước lại yên.
Tướng giặc Lưu Hoằng Tháo
Bỏ mạng nơi chiến trường.
Từ đó giặc phương Bắc
Bỏ mộng chiếm Nam phương.
Ngô Quyền xưng vương đế,
Đóng đô ở Cổ Loa,
Lập nên triều đại mới,
Làm vẻ vang nước nhà.
Trong những năm sau đó
Ông làm rất nhiều điều
Để chấn hưng kinh tế,
Được mọi người thương yêu.
Bốn sáu tuổi, ông mất,
Trị vì được sáu năm,
Rồi nhà Ngô sụp đổ
Năm Chín Trăm Sáu Lăm.
ĐINH BỘ LĨNH
(924 - 979)
Năm Chín Trăm Ba Tám
Ngô Quyền lên ngai vàng,
Chấm dứt mười thế kỷ
Đô hộ của ngoại bang.
Ông nhanh chóng bỏ chức
Tiết Độ Sứ Bắc Phương,
Thiết lập bộ máy mới
Từ dưới lên trung ương.
Một số quan, tướng giỏi
Được điều giữ các châu.
Hoan Châu - Đinh Công Trứ.
Kiều Công Hãn - Phong Châu.
Tiếc là Năm Bốn Bốn,
Ông lâm bệnh, từ trần.
Con cả, Ngô Xương Ngập,
Con thứ, Ngô Xương Văn
Còn trẻ người non dạ,
Bị Tam Kha, họ Dương,
Tiếm quyền, lên ngôi báu,
Tự xưng là Bình Vương.
Bất bình trước việc ấy,
Các phe phái dần dần
Lập nên nhiều cát cứ,
Thành mười hai sứ quân.
Được tướng lĩnh ủng hộ,
Năm Chín Trăm Năm Mươi
Ngô Xương Văn lật đổ
Dương Tam Kha, và rồi
Cho người rước anh cả
Về làm vua với mình.
Nhưng anh em lục đục,
Không yên lòng dân tình.
Mười lăm năm sau đó,
Ngô Xương Văn qua đời.
Các thế lực cát cứ
Vẫn hoành hành nhiều nơi.
Triều đình thì lục đục.
Chỉ khốn khổ người dân.
Đất nước bị chia cắt,
Loạn mười hai sứ quân.
*
Trong bối cảnh như thế,
Xuất hiện một nhân tài.
Một nhân vật cứu thế.
Con người ấy là ai?
Đó là Đinh Bộ Lĩnh,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng,
Người đầu tiên xưng đế
Trong lịch sử Nam Bang.
Sau nghìn năm Bắc thuộc,
Dẹp mười hai sứ quân,
Lập nước Đại Cồ Việt,
Lo vỗ về muôn dân.
Ông là người khẳng định
Chủ quyền nước Nam ta,
Mở đầu các triều đại
Phong kiến của nước nhà.
Ông chấn hưng kinh tế
Bằng cách cho đúc tiền,
Đồng Thái Bình Hưng Bảo,
Loại tiền đồng đầu tiên.
Bảy mươi triều sau đó
Theo ông đúc tiền đồng,
Giúp kinh tế phát triển,
Hàng hóa được lưu thông.
*
Ông người làng Đại Hữu
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Bố là Đinh Công Trứ,
Suốt đời theo nghiệp binh.
Không may bố mất sớm,
Ông theo mẹ về quê,
Phải nương nhờ ông chú,
Cũng vất vả đủ bề.
Ngày nhỏ Đinh Bộ Lĩnh
Cùng lũ trẻ chăn trâu
Thường chơi trò chiến trận,
Phất cao cờ hoa lau.
Về sau, lũ trẻ ấy
Một số thành bạn hiền,
Theo ông dựng cơ nghiệp
Như Nguyễn Bặc, Đinh Điền.
Dẫu nhà nghèo, còn nhỏ,
Ông thường xưng là vua,
Bắt lũ trẻ phục dịch
Trong các trò chơi đùa.
Nghe người ta kể lại,
Một lần, để “khao quân”,
Ông giết bò của chú,
Rồi cả bọn cùng ăn.
“Bò đâu?” ông chú hỏi.
Ông bèn chỉ chiếc đuôi
Cắm xuống bùn, và nói:
“Bò chui xuống đất rồi!”
*
Sau khi Ngô Quyền mất,
Đất nước suy yếu dần,
Rồi loạn, như đã nói,
Loạn mười hai sứ quân.
Tức là loạn cát cứ,
Mỗi người chiếm một phương.
Lại mất mùa, đói kém,
Người dân khổ trăm đường.
Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh
Tự dấy quân, chiêu binh,
Sau nhập với Trần Lãm
Cát cứ ở Thái Bình.
Khi tướng Trần Lãm chết,
Ông được tôn lên thay,
Lại chiêu binh thêm nữa,
Thế lực lớn từng ngày.
Từ Hoa Lư hiểm trở,
Ông xuất quân, lên đường,
Rồi đánh đâu thắng đó,
Tự xưng Vạn Thắng Vương.
Cuối cùng, ông lần lượt
Dẹp hết các sứ quân,
Thống nhất cả đất nước,
Hợp ý trời, lòng dân.
Ông lên ngôi Hoàng Đế,
Năm Mậu Thìn, tháng Tư,
Tức Chín Trăm Sáu Tám,
Lập đô ở Hoa Lư.
Quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Thiết lập các chế triều,
Ban sắc các hàm phẩm,
Chỉnh lý rất nhiều điều.
*
Hoàng Đế Đinh Bộ Lĩnh
Mười hai năm trên ngôi,
Chỉ thọ năm lăm tuổi
Vì chết thảm, than ôi.
Số là do yêu quí
Con út là Hạng Lang,
Lúc ấy mới bốn tuổi,
Ngài cho kế ngai vàng.
Trong khi đó, Đinh Liễn
Là con trưởng của Ngài,
Người lập nhiều công trạng,
Lại bị gạt ra ngoài.
Vậy là xẩy ra họa,
Cái họa của bao người
Khi bỏ trưởng lập thứ,
Thêm bài học cho đời.
Đinh Liễn, lúc tức giận,
Xuống tay giết Hạng Lang,
Còn vua thì bị giết
Bởi tên quan hạng xoàng.
Tên hắn là Đỗ Thích,
Do một đêm nằm mơ
Thấy sao rơi vào miệng,
Nghĩ mình sẽ làm vua,
Hắn giết Đinh Bộ Lĩnh,
Đinh Liễn Nam Việt vương.
Một âm mưu quen thuộc,
Nhơ bẩn và tầm thường.
Tuy nhiên, hai người chết
Có thể có bàn tay
Của một số người khác.
Mà thôi, chuyện sau này.
Nhân tiện, xin được kể
Một truyền thuyết thế này.
Cũng về Đinh Bộ Lĩnh,
Được lưu truyền lâu nay.
8
Ngày xưa, ở làng nọ
Có một người đàn bà
Tên gọi là Đàm Thị,
Sống bằng nghề nông gia.
Một hôm ra suối tắm,
Khi cởi hết áo quần,
Thấy có con rái cá
Đang lừng lững đến gần,
Bà sợ quá, ngất xỉu,
Khi tỉnh lại, thấy mình
Nằm cạnh con rái cá,
Người trần truồng, thất kinh,
Bà vội mặc quần áo,
Cuống quít chạy về nhà,
Giấu chồng, không dám kể
Câu chuyện vừa xẩy ra.
Hơn chín tháng sau đó,
Theo lẽ rất bình thường,
Bà sinh một đứa bé
Khôi ngô và dễ thương.
Mấy năm sau, chồng chết,
Bà thấy con trai mình,
Tên là Đinh Bộ Lĩnh,
Khỏe mạnh và thông minh.
Đặc biệt về bơi lội,
Cậu có thể hàng giờ
Lặn sâu, không cần thở,
Mãi không chịu lên bờ.
Còn con rái cá nọ,
Dẫu trốn sâu trong hang,
Có người bắt, làm thịt,
Đem chia cho cả làng.
Đàm Thị không ăn thịt,
Chỉ lấy một ít xương,
Đem phơi khô, hong bếp
Rồi giấu dưới gậm giường.
Một ông thầy địa lý,
Người Tàu, từ Nam Kinh,
Đến đây tìm long mạch
Để táng cốt cha mình.
Khi đến dòng suối nọ,
Thấy có ánh hào quang
Chiếu lên sao Thiên Mã,
Ông ta liền vội vàng
Cho tiền Đinh Bộ Lĩnh,
Bảo lặn xuống xem sao.
Lặn ở chỗ sâu nhất,
Nơi nước réo ào ào.
Chàng lặn xuống, chợt thấy
Con ngựa đá khổng lồ.
Nó nhìn chàng giận giữ,
Chiếc miệng há rất to.
Chàng sợ quá, quay lại
Nói với ông người Tàu.
Ông đưa một bó cỏ,
Bảo đem xuống thật mau.
Sau khi nghe chàng nói
Ngựa ăn cỏ, ông này
Liền kêu lên sung sướng:
“Long mạch chính là đây!
Ai táng cốt bố mẹ
Vào nơi này khác thường,
Nhờ long mạch, nhất định
Sẽ được phát đế vương!”
Rồi lão đưa hài cốt
Của cha lão cho chàng,
Bảo mang cho ngựa đá,
Hứa thưởng một đồng vàng.
Chàng lặn xuống lần nữa,
Nhét xương bố lão này
Vào một ngách đá hẻm
Mà lão chẳng hề hay.
Hôm ấy về gặp mẹ,
Kể chuyện này lạ kỳ.
Chàng hỏi hài cốt bố,
Bà im, chẳng nói gì.
Rồi bà đưa cái gói
Xương rái cá ngày nào,
Bảo đấy là xương bố,
Đem cho ngựa xem sao.
Đinh Bộ Lĩnh lập tức
Làm theo lời mẹ chàng,
Và rồi, nhờ long mạch,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng.
Lại nói thầy địa lý,
Nghe tin chàng xưng vương,
Biết rằng mình bị lỡm,
Liền khăn gói lên đường.
Lão đến Đại Cồ Việt,
Xin được vào gặp vua,
Bảo tình xưa, bạn cũ.
Lão được gặp, và thưa:
“Dạ, muôn tâu hoàng thượng,
Cũng nhờ bởi phúc trời
Mà Ngài dựng nên nghiệp,
Thu phục được muôn người.
Nhưng thiết nghĩ ngựa đá
Cần thêm thanh gươm này
Để giúp Ngài trị nước
Và hưng thịnh từ nay.”
Nói đoạn, lão cung kính
Dâng chiếc gươm sáng ngời,
Hai lưỡi đều rất sắc.
Bản tính vốn tin người,
Vua nhận gươm, sai lính
Lặn xuống suối, và rồi
Đeo nó lên cổ ngựa,
Không biết rằng, than ôi,
Ngài đã mắc mưu lão,
Rơi vào thế hiểm nghèo:
Gươm cứa đứt cổ ngựa,
Long mạch cũng đứt theo.
Vậy là vua sơ ý
Giết quí nhân của mình.
Cũng nhanh chóng chấm dứt
Triều đại của nhà Đinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét