Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 6

 

 

MAI THÚC LOAN

(Sinh cuối TK thứ Bảy)

 

Năm Sáu Trăm Mười Tám

Thiết lập đời Nhà Đường,

Một triều đại phong kiến

Phát triển và hùng cường.

 

“An Nam Đô Hộ Phủ”

Là tên gọi nước ta

Từ Sáu Trăm Bảy Chín,

Do nhà Đường đặt ra.

 

Trung tâm Đô Hộ Phủ

Được gọi là Tống Bình,

Nay Thủ Đô Hà Nội,

Xinh đẹp và văn minh.

 

Nhà Đường cho xây dựng

Nhiều tuyến đường giao thông,

Giúp đi lại thuận tiện,

Cả đường bộ, đường sông.

 

Ở nước ta thời ấy,

Ngoài nông nghiệp, công thương

Cũng dần dần phát triển,

Kể cả ngành mía đường.

 

Tuy nhiên, dân vẫn khổ,

Sống dưới ách ngoại bang.

Chịu sưu cao thuế nặng,

Cống nạp nhiều bạc vàng.

 

*

Cuối thế kỷ thứ Bảy,

Ở Ngọc Trừng, Châu Hoan,

Một vùng đất linh kiệt,

Nay là huyện Nam Đàn,

 

Có cậu bé mười tuổi

Theo mẹ đi vào rừng.

Mẹ bị hổ vồ chết.

Hai mắt lệ rưng rưng,

 

Cậu thề sau khôn lớn

Giết hổ trả thù này.

Rồi cậu luyện tập võ

Rất chăm chỉ hàng ngày.

 

Cậu đã giết được hổ,

Có sức mạnh hơn người,

Lại nuôi hoài bão lớn

Sẽ hành đạo cứu đời.

 

Đó là Mai Hắc Đế,

Tên thật Mai Thúc Loan,

Một anh hùng dân tộc,

Sinh ở huyện Nam Đàn.

 

Ông mở nhiều lò vật,

Thành lập các phường săn,

Luôn chiêu mộ trai tráng,

Chuẩn bị sẵn khi cần.

 

Ông quen nhiều hào kiệt,

Cả đằng trong, đằng ngoài.

Sau trở thành chiến hữu,

Nhiều người thành tướng tài.

 

Và rồi thời cơ đến,

Năm Bảy Trăm Mười Ba,

Ông dấy binh khởi nghĩa

Ở ngay tại quê nhà.

 

Đó là cuộc khởi nghĩa

Chống lại ách nhà Đường,

Nên nhanh chóng thu hút

Người của khắp bốn phương.

 

Nghĩa quân đang háo hức,

Thế mạnh như chẻ tre,

Nông dân đến tụ nghĩa

Từ khắp mọi vùng quê.

 

Mai Thúc Loan nhanh chóng

Hạ được rất nhiều thành,

Giải phóng một vùng lớn

Gồm cả đất xứ Thanh.

 

Ông lên ngôi, xưng đế,

Đóng đô ở Vạn An,

Nay là một vùng đất

Thuộc thị trấn Nam Đàn.

 

Vua biết mình mệnh thủy,

Thủy tượng trưng màu đen,

Nên lấy hiệu Hắc Đế,

Chứ da ông không đen.

 

Ông cho xây thành lũy,

Rèn luyện lính đêm ngày

Để chuẩn bị Bắc tiến,

Kho lương thảo chất đầy.

 

Nghe nói cả hai nước

Khờ-me và Chiêm Thành

Cũng giúp ông khởi nghĩa,

Giúp đánh nhanh, thắng nhanh.

 

*

Năm Bảy Trăm Mười Bốn

Mai Hắc Đế tiến binh,

Nhằm thẳng hướng Hà Nội,

Lúc ấy gọi Tống Bình.

 

Thanh thế ông lớn lắm,

Có tới mười vạn quân.

Dọc đường đi, dân chúng

Còn gia nhập thêm dần.

 

Viên tướng Quách Sở Khách,

Thái thú của nhà Đường,

Thế yếu, không địch nổi,

Phải trốn về Bắc phương.

 

Cả nước được giải phóng,

Độc lập mười năm trời.

Mười năm không nô lệ,

Mười năm được làm người.

 

Nhà Đường không cam chịu.

Năm Bảy Trăm Hăm Hai

Đã xuất quân trấn áp.

Một cuộc chiến không dài.

 

Tướng giặc, Dương Tư Húc,

Đem mười vạn tinh binh

Theo đường thủy Đông Bắc

Tấn công thành Tống Bình.

 

Nhiều trận đánh khốc liệt

Ở sông Lam, sông Hồng,

Dằng co hai thế trận

Phòng ngự và tấn công.

 

Cuối cùng Mai Hắc Đế

Phải rút vào rừng sâu.

Ông bị bệnh rồi mất,

Để lại một mối sầu.

 

 

PHÙNG HƯNG

(Mất năm 791)

 

Đường Lâm, đất long mạch,

Gần thị xã Sơn Tây

Vốn xưa rất tươi tốt,

Nhiều gò và rừng cây.

 

Đất địa linh, nhân kiệt,

Sản sinh nhiều người hiền

Kể cả hai vua lớn -

Phùng Hưng và Ngô Quyền.

 

Phùng Hưng thuộc dòng dõi

Cự tộc và lâu đời.

Phùng Hạp Khanh là bố,

Tài đức quả hơn người.

 

Cụ tổ Phùng Tôi Cái

Từng phục vụ trong cung

Của vua Đường Cao Tổ,

Cũng là bậc anh hùng.

 

Sau khi giúp Hắc Đế

Nổi dậy chống nhà Đường,

Phùng Hợp Khanh trở lại

Với cuộc sống đời thường.

 

Ông chăm lo công việc,

Sớm trở thành rất giàu.

Ba con trai sinh hạ.

Phùng Hưng là con đầu.

 

Tiếp đến là Phùng Hải.

Phùng Dĩnh - em thứ ba.

Đến năm mười tám tuổi,

Mồ côi cả mẹ cha.

 

Phùng Hưng được nối nghiệp

Thành hào trưởng Đường Lâm.

Ông cao to, khỏe mạnh,

Chính trực và công tâm.

 

An Nam đô hộ phủ,

Là tên nước bấy giờ,

Do nhà Đường cai trị,

Quan thì lo vét vơ,

 

Dân quanh năm lao dịch,

Lại sưu thuế nặng nề,

Đâu cũng nghe lời oán,

Khốn khổ đủ trăm bề.

 

*

Năm Bảy Trăm Bảy Sáu,

Nhân lính ở Tống Bình,

Nay là thành Hà Nội,

Nổi loạn trong trại binh,

 

Phùng Hưng liền phát động

Khởi nghĩa chống nhà Đường,

Nhận được sự hưởng ứng

Của người khắp bốn phương.

 

Chiếm Đường Lâm nhanh, gọn,

Được Phùng Hưng dẫn đầu,

Nghĩa quân chiếm phần lớn

Vùng đất quanh Phong Châu.

 

Lo xây thành, đắp lũy,

Ông và hai em trai

Chốt các nơi xung yếu

Để chiến đấu lâu dài.

 

Quan thứ sử Trung Quốc,

Tên là Cao Chính Bình,

Nhiều lần đem quân dẹp,

Thế trận cứ lình xình,

 

Hết đánh lại phòng ngự,

Vừa đánh vừa nghỉ ngơi,

Không thua cũng không thắng

Suốt hai mươi năm trời.

 

Năm Bảy Trăm Chín Mốt,

Được Anh Hàn tiên sinh

Làm quân sư chiến lược,

Phùng Hưng đánh Tống Bình.

 

Ông chia quân năm đạo,

Từ năm hướng vây thành,

Vừa đánh vừa chiêu mộ

Thêm tướng và tân binh.

 

Cao Chính Bình cố thủ,

Nhưng thân cô, thế cô,

Cuối cùng đổ bệnh chết

Vì sợ hãi, buồn lo.

 

Phùng Hưng lên thay hắn

Cai trị đất An Nam.

Tiếc rằng ông chết sớm,

Nhiều việc chưa kịp làm.

 

Phùng An, con trai cả,

Nối ngôi, hai năm sau,

Năm Bảy Trăm Chín Mốt,

Được tướng giỏi dẫn đầu,

 

Quân nhà Đường kéo đến,

Quyết chiếm lại Tống Bình.

Phùng An biết sức yếu,

Đành phải ra nộp mình.

 

Giặc truy lùng gay gắt

Cả gia tộc họ Phùng,

Nên người gia tộc ấy

Phải tỏa đi các vùng.

 

Người anh hùng dân tộc

Phùng Hưng chống nhà Đường

Được nhân dân tôn tặng

Là Bố Cái Đại Vương.

 

Một đền thờ cổ kính

Ở Đường Lâm, Sơn Tây,

Thờ cúng ông từ ấy

Cho đến tận ngày nay.

 

 

KHÚC THỪA DỤ

(Mất năm 907

 

Cuối thế kỷ thứ Chín

Nhà Đường ở Trung Hoa

Đã hoàn toàn suy yếu.

Nhiều khởi nghĩa nổ ra.

 

Lớn, và kéo dài nhất

Là khởi nghĩa Hoàng Sào.

Vua Đường phải bỏ trốn,

Lòng dân tình xôn xao.

 

Lợi dụng cơ hội ấy,

Hào trưởng quận Chu Diên

Đã tập hợp dân chúng,

Cùng phất cờ đứng lên.

 

Ông là Khúc Thừa Dụ,

Quê Hồng Châu, Hải Dương,

Sống khoan hòa, trung thực,

Được dân chúng mến thương.

 

An Nam vào thời ấy

Đổi thành Tĩnh Hải Quân.

Tiết Độ Sứ người Hán

Độc ác và vô luân.

 

Hắn bị gọi về nước.

Độc Cô Tổn lên thay.

Rồi tên này thất sủng,

Cuối cùng phải đi đày.

 

Nhân thế, Khúc Thừa Dụ

Đánh chiếm thành Tống Bình,

Tự xưng Tiết Độ Sứ,

Nắm quyền vào tay mình.

 

Năm Chín Trăm Linh Sáu,

Vua Đường phải cho ông

Giữ chức Tiết Độ Sứ,

Dẫu ấm ức trong lòng.

 

Tiếc rằng năm sau đó

Khúc Thừa Dụ băng hà.

Con trai là Khúc Hạo

Được chọn lên thay cha.

 

Khúc Hạo liền lập tức

Giảm sưu thuế cho dân,

Chấn chỉnh lại hành chính,

Bỏ lao dịch không cần.

 

Năm Chín Trăm Mười Bảy,

Khúc Hạo chết, tiếc thay.

Con trai, Khúc Thừa Mỹ

Nối nghiệp cha, lên thay.

 

*

Ở Quảng Châu lúc ấy,

Nhân nhà Đường rối ren,

Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn

Mưu phản, lập nước riêng.

 

Liên kết với Nam Chiếu,

Tỉnh Vân Nam ngày nay,

Một mình ông cát cứ

Vùng đất rộng lớn này.

 

Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn

Chết năm Chín Trăm Mười.

Lưu Nham lên thay thế,

Thu phục được lòng người.

 

Năm Chín Trăm Mười Bảy,

Lưu Nham lập nước riêng,

Đặt tên là Nam Hán,

Mưu toan chiếm láng giềng.

 

Thế là giặc Nam Hán,

Năm Chín Trăm Ba Mươi

Đem đại binh đánh Việt,

Kiểu lấy thịt đè người.

 

Khúc Thừa Mỹ thất trận,

Bị bắt, đưa về Tàu.

Nam Hán cử Lý Tiến

Sang cai trị Giao Châu.

 

Hay tin, Dương Đình Nghệ,

Một tướng tài, thông minh,

Đem quân từ Thanh Hóa,

Tấn công thành Tống Bình.

 

Quân Nam Hán lo sợ,

Cố thủ không chịu ra,

Chờ viện binh đến cứu.

Nhưng đường hiểm và xa,

 

Nên khi viện binh tới,

Ông đã hạ Tống Bình,

Hơn thế, còn đánh chặn,

Chém đầu tướng viện binh.

 

Danh tướng Dương Đình Nghệ

Vốn quê ở làng Giàng,

Nay Triệu Dương, Thanh Hóa,

Thuộc dòng họ vẻ vang.

 

Ông vốn là hào trưởng,

Rất giàu và thương người.

Nghe nói ông từng có

Những ba nghìn con nuôi.

 

Đánh xong giặc Nam Hán,

Ông tự phong cho mình

“Giao Châu Tiết Độ Sứ”

Và nắm hết quyền binh.

 

Noi theo gương Khúc Hạo,

Liêm khiết và tài ba,

Ông tiếp tục phát triển

Nền tự chủ nước nhà.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét