Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 4

 

LÝ BÍ (503 - 548)

 

Đầu thế kỷ thứ Sáu,

Nhà Lương chia nước ta

Thành sáu châu lớn nhỏ.

Tên các châu ấy là:

 

Giao Châu ở Bắc Bộ.

Ở Thanh Hóa - Ái Châu.

Đức, Lợi, Minh - Nghệ Tĩnh.

Quảng Ninh là Hoàng Châu.

 

Ở Giao Châu thời ấy

Thứ Sử là Tiêu Tư,

Tham lam và gian ác

Nhưng giả bộ nhân từ.

 

Hắn đặt nhiều thuế mới,

Tăng lao dịch, lao công,

Làm người dân cơ cực,

Luôn ấm ức trong lòng.

 

Rồi một cuộc khởi nghĩa,

Năm Năm Trăm Bốn Hai,

Do Lý Bí chủ xướng,

Ác liệt và kéo dài.

 

Sau, ông thành vua Việt,

Hậu duệ người Trung Hoa,

Đó là Lý Nam Đế,

Chính trực và tài ba.

 

Vào cuối đời Tây Hán,

Để tránh nạn đao binh,

Tổ tiên ông phiêu dạt

Sang nước Nam yên bình.

 

Đến đời thứ mười một

Lý Nam Đế mới sinh.

Cụ bà ông người Việt,

Đa tài và rất xinh.

 

Ông lập nhà Tiền Lý,

Lập nên nước Vạn Xuân,

Một anh hùng dân tộc,

Sống mãi cùng nhân dân.

 

Ông tên là Lý Bí,

Sinh ở nơi ngày nay

Là vùng đất Thạch Thất

Và thị xã Sơn Tây.

 

Năm tuổi, ông mất bố.

Bảy tuổi, mẹ qua đời,

Ông sống với người chú.

Đến khi ông lên mười,

 

Một nhà sư đức độ

Cho vào chùa nhập thiền.

Sau mười năm đèn sách,

Ông thành người thâm uyên.

 

Tiêu Tư cho Lý Bí

Làm Giám quân Đức Châu,

Nay thuộc huyện Đức Thọ,

Nhưng một thời gian sau,

 

Thấy dân tình quá khổ

Vì sưu thuế nặng nề,

Vì chế độ lao dịch,

Ông từ quan về quê.

 

Ông chiêu binh, mãi mã,

Quyết chống lại người Tàu.

Trong số người hưởng ứng

Có thủ lĩnh nhiều châu,

 

Như Triệu Túc, Hà Nội,

Phạm Tu ở Thái Bình.

Thế mạnh như thác đổ,

Háo hức lòng dân tình.

 

Chỉ trong vòng ba tháng,

Nghĩa quân chiếm hết châu.

Tiêu Tư cùng gia thất

Phải trốn chạy về Tàu.

 

Toàn bộ vùng Bắc Bộ

Nằm trong tay nghĩa quân.

Lần lượt các châu khác

Cũng được giải phóng dần.

 

Vua nhà Lương, Vũ Đế,

Tháng Tư, năm Bốn Hai,

Cho quân sang trấn áp,

Cử toàn những tướng tài.

 

Nghe tin này, Lý Bí   

Liền chủ động đưa quân

Sang bán đảo Hợp Phố

Mai phục sẵn một phần.

 

Thành Hợp Phố lúc ấy

Còn thuộc đất Giao Châu.   

Khi quân Lương kéo đến

Liền bị đánh phủ đầu.

 

Quân của tướng Tôn Quýnh

Mười phần chết bảy phần.

Thế là thành đại bại,

Hắn phải đành rút quân.

 

Cả nước được giải phóng

Sau trận chiến thắng này,

Kể cả quận Hợp Phố

Thuộc Quảng Đông ngày nay.

 

Ngày ấy ở vùng đất

Quảng Bình đến Quảng Nam

Là vương quốc Lâm Ấp,

Ở phía bắc nước Chàm.

 

Lâm Ấp thấy Lý Bí

Đang bận đánh quân Lương,

Định xâm lấn bờ cõi,

Thái độ rất khinh thường.

 

Chúng đem quân đánh chiếm

Phần phía Nam Giao Châu,

Nay là Thanh, Nghệ, Tĩnh,

Bằng đường bộ, bằng tàu.

 

Lý Bí sai tướng giỏi

Vào đánh dẹp, rất nhanh

Đội quân của Lâm Ấp

Đã bị đánh tan tành.

 

*

Năm Năm Trăm Bốn Bốn,

Lý Bí tự xưng vương,

Gọi là Lý Nam Đế,

Một việc cũng bình thường.   

 

Đặt niên hiệu Thiên Đức,

Quốc hiệu là Vạn Xuân.

Lập trăm quan văn võ,

Xuống chiếu để yên dân.

 

Lập đô ở Đan Phượng,

Thuộc Hà Nội ngày nay,

Cho xây điện Vạn Thọ

Để triều kiến hàng ngày.

 

Tướng Tinh Thiều giỏi chữ,

Được đứng đầu ban văn.

Còn đứng đầu ban võ

Là Phạm Tu phong trần.

 

Năm sau, vào tháng Sáu,

Tướng Bá Tiên dẫn đầu

Một đoàn quân hùng mạnh

Sang chiếm lại Giao Châu.

 

Lý Nam Đế lập tức

Điều ba vạn nghĩa quân

Quyết một lòng bảo vệ

Đất nước mới Vạn Xuân.

 

Ở cửa sông Tô Lịch

Quân của ông bị thua.

Tướng Tinh Thiều tử trận

Khi phá vây cứu vua.

 

Thế yếu, Lý Nam Đế

Rút về thành Gia Ninh,

Nay ở tỉnh Phú Thọ,

Để chấn chỉnh lương, binh.

 

Tháng Giêng năm Bốn Sáu

Bá Tiên chiếm thành này.   

Tướng Phạm Tu tử trận,

Vua phải bỏ nơi đây

 

Để đến hồ Điển Triệt,

Huyện Lập Thạch bây giờ.

Ông đóng nhiều thuyền lớn,

Đậu kín cả mặt hồ.

 

Quân Lương không dám tiến,

Chờ nước lụt dâng cao.

Bất ngờ nước dâng thật,

Thuyền quân giặc kéo vào.

 

Do không phòng ngự trước

Quân Lý Bí thua to,

Rút về động Khuất Lão,

Dai dẳng thế dằng co.

 

Năm Năm Trăm Bốn Tám,

Ở trong hang quá lâu,

Ông nhiễm bệnh, mù mắt,

Qua đời mấy tháng sau.

 

Hưởng thọ bốn sáu tuổi,

Trị vì được năm năm,

Vua băng hà, để lại

Lừng lẫy một tiếng tăm.

 

Người vợ vua yêu quí,

Hoàng hậu Bùi Thị Quyền,

Cũng là một dũng tướng,

Hy sinh cùng chiến thuyền.

 

 

TRIỆU QUANG PHỤC

(Mất 571)

 

Lý Nam Đế khi mất,

Có dặn dò ân cần

Và trao lại quyền bính

Cho một người rất thân.

 

Đó là Triệu Quang Phục,

Người cùng bố giúp ông

Đánh giặc Lương đô hộ

Và gây dựng non sông.

 

Dưới triều đại nhà Lý

Ông là Tả tướng quân,

Người nắm quyền quân sự

Đất nước trẻ Vạn Xuân.

 

Vâng mệnh, Triệu Quang Phục,

Sau thành Triệu Việt Vương,

Đã giữ vững bờ cõi,

Chống xâm lược nhà Lương.

 

Ông là con Triệu Túc,

Người ở huyện Chu Diên,

Nay nằm ở vùng đất

Phía Đông thành Long Biên.

 

Hai cha con họ Triệu

Theo Lý Bí từ đầu,

Lập được nhiều công lớn

Truyền tụng mãi về sau.

 

Năm Năm Trăm Bốn Bảy,

Ông đến một đầm lầy

Có tên là Dạ Trạch,

Huyện Khoái Châu ngày nay.

 

Đó là một đầm lớn,

Ở giữa có gò cao,

Cây cối rất rậm rạp,

Khó ra và khó vào.

 

Ông tập trung ở đấy

Những hơn hai vạn người.

Dùng chiến thuật du kích,

Giấu khói và giấu người.

 

Trần Bá Tiên, tướng giặc,

Muốn đánh nhanh thắng nhanh,

Nhưng bị ông giữ lại,

Ngập chân trong bùn sình.

 

Đêm, các thuyền độc mộc

Đi từ bãi Tự Nhiên

Đến đánh úp lương thảo

Doanh trại Trần Bá Tiên.   

 

Quân giặc bị bắt sống

Hoặc bị giết hàng nghìn.

Quân Lương rất mệt mỏi,

Nhưng chỉ biết đứng nhìn.

 

Năm Năm Trăm Bốn Tám,

Lý Nam Đế qua đời.

Ông xưng vương, điều ấy

Hợp lẽ người, lẽ trời.

 

Tên nước vẫn như cũ,

Ông thành Triệu Việt Vương,

Vẫn ở đầm Dạ Trạch,

Vẫn chiến đấu như thường.

 

Một thời gian sau đó

Trần Bá Tiên về Tàu,

Giao Dương Sàn, tỳ tướng,

Phải mai phục dài lâu.

 

Vua Vạn Xuân lập tức

Tung quân đánh họ Dương.

Quân Lương thua, tan vỡ

Phải chạy về Bắc phương.

 

Đất nước hết bóng giặc,

Hết chiến tranh triền miên.

Vua và tôi nhà Triệu

Dọn về thành Long Biên.

 

*

Lại nói Lý Nam Đế

Trước có người anh trai

Tên là Lý Thiên Bảo,

Một dũng tướng có tài.

 

Khi vua Lý gặp khốn,

Bị bệnh, nằm trong hang,

Ông và Lý Phật Tử,

Một người cùng họ hàng,   

 

Đem ba vạn binh mã

Đánh vào vùng Đức Châu,

Nay thuộc đất xứ Nghệ,

Định tính kế dài lâu.

 

Họ giết Trần Văn Giới,

Một viên tướng người Tàu,

Rồi đem quân ra Bắc,

Tiến đánh vùng Ái Châu.

 

Trần Bá Tiên đánh trả,

Họ thua, sang Ai Lao,

Đến đất người Di Lạo,

Nay thuộc về nước Lào.

 

Binh lính chết già nửa,

Chỉ còn hơn vạn người.

Họ chọn vùng đất rộng,

Màu mỡ và xanh tươi

 

Rồi lập nên nước mới

Đặt tên là Dã Tăng,

Còn tướng Lý Thiên Bảo

Tự xưng vương, Đào Lang.

 

Khi vua Đào Lang chết,

Chỉ mấy năm sau này,

Không có con nối dõi,

Lý Phật Tử lên thay.   

 

Năm Năm Trăm Năm Bảy   

Lý Phật Tử lên đường

Đem quân xuống giao chiến

Với quân Triệu Việt vương.   

 

Hai bên đánh năm trận

Ở vùng đất Thái Bình.

Phật Tử biết mình yếu,

Bèn chủ động hoãn binh.

 

Ông đề nghị vua Triệu

Cùng rút quân, giảng hòa.

Hơn thế, còn mong muốn

Được trở thành thông gia.

 

Con trai Lý Phật Tử,

Có tên là Nhã Lang,

Muốn lấy con vua Triệu

Là công chúa Cảo Nương.

 

Còn nặng tình họ Lý,

Triệu Việt Vương gật đầu,

Chia đất nước ông có

Thanh hai phần đều nhau.

 

Phía Tây thuộc Phật Tử,

Phía Đông của Việt Vương.

Đất ai người ấy giữ,

Đúng theo lẽ đạo thường.

 

Đường ranh địa giới ấy

Là bãi sậy lơ thơ

Giữa làng Thượng, Hạ Cát,

Huyện Từ Liêm bây giờ.

 

Sau đó Lý Phật Tử

Dọn đến thành Ô Diên,

Nay là xã Hạ Mỗ,

Cũng thuộc huyện Từ Liêm.

 

Hai bên cựu thù địch

Giờ giảng hòa với nhau,

Thề thân ái, đoàn kết

Tới răng long, bạc đầu.

 

*

Theo truyền thuyết kể lại,

Khi lấy nàng Cảo Nương,

Nhã Lang muốn tìm hiểu

Binh tình nhà Việt Vương.

 

Năm Năm Trăm Bảy Mốt

Lý Phật Tử bội thề,

Đánh úp Triệu Quang Phục,

Bao vây khắp tứ bề.

 

Thế yếu không địch nổi,   

Cùng con gái của mình

Vua bỏ chạy, chạy mãi

Rồi hai người quyên sinh.

 

Thế là nhà Triệu mất,

Trị vì hăm ba năm.

Nhà Lý được khôi phục

Sau bao nỗi thăng trầm.

 

Lên ngôi, Lý Phật Tử

Đóng đô ở Phong Châu,

Cũng xưng Lý Nam Đế,

Các sử gia đời sau

 

Gọi là nhà Hậu Lý

Để phân biệt gian, ngay

Giữa Lý Bí vua trước

Và Phật Tử vua này.

 

Nhà Tùy bên Trung Quốc,

Hơn ba mươi năm sau

Cho quân sang đánh chiếm,

Tướng Lưu Phương cầm đầu.

 

Hay tin, Lý Phật Tử

Rút về thành Cổ Loa.

Bị bao vây, dụ dỗ,

Ông nộp mình xin hòa.

 

Cả hoàng tộc bị giết,

Một cảnh tượng đáng thương.

Vua bị đưa về Bắc

Rồi cũng chết dọc đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét