HAI BÀ TRƯNG
(Mất năm 43)
Bắt đầu giai đoạn mới
Trong lịch sử nước nhà -
Một nghìn năm lệ thuộc
Vào phong kiến Trung Hoa.
Vào năm Một Bảy Chín
Trước Công Nguyên, Triệu Đà
Sáp nhập vào Nam Việt
Nước Âu Lạc của ta.
Nam Việt, như ta biết
Là Lưỡng Quảng ngày nay,
Vùng đất thuộc Trung Quốc,
Tức Quảng Đông, Quảng Tây.
Triệu Đà chia Âu Lạc
Thành hai quận, đông dân
Và rộng lớn lúc ấy,
Là Giao Chỉ, Cửu Chân.
Giao Chỉ ở Miền Bắc,
Còn Cửu Chân bây giờ
Thuộc vùng Thanh Nghệ Tĩnh,
Phong cảnh đẹp, nên thơ.
Vào năm Một Một Một,
Nhà Hán chiếm nước ta.
Lập thêm một quận nữa,
Nhật Nam, quận thứ ba.
Quận này đất cũng rộng,
Nhưng người thưa, hanh khô,
Từ Quảng Bình cát trắng
Đến Quảng Nam bây giờ.
Nhà Hán nhập ba quận
Vào vùng đất người Tàu,
Thành một Châu rộng lớn,
Đặt tên là Giao Châu.
Thủ phủ của Châu ấy
Đóng ở huyện Thuận Thành.
Luy Lâu là tên cũ,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Thái Thú đứng đầu quận.
Thứ Sử đứng đầu Châu.
Tất cả đều người Hán.
Còn Lạc Tướng, Lạc Hầu
Vẫn giữ nguyên người Việt.
Cai trị vẫn như xưa.
Dân chịu nhiều sưu thuế,
Thân phận như trâu, lừa.
Năm Ba Tư, Tô Định
Được nhà Hán cử sang
Làm Thái Thú Giao Chỉ.
Tên này loại làng nhàng,
Nhưng nham hiểm, độc ác,
Chuyên vơ vét cho mình,
Làm nhiều điều ngang ngược,
Gây khổ cho dân tình.
*
Bấy giờ ở vùng đất
Nay thuộc huyện Mê Linh,
Có hai chị em gái
Vừa đẹp vừa thông minh.
Con một vị Lạc Tướng,
Trưng Trắc là cô đầu.
Cô em là Trưng Nhị,
Ghét Tô Định từ lâu.
Quan Thái Thú Tô Định,
Gian xảo và đê hèn
Lập mưu giết Thi Sách,
Con quan huyện Châu Diên.
Ông là chồng Trưng Trắc,
Trước đó từng bất bình
Với cách quan nhà Hán
Cai trị dân nước mình.
Vào đầu năm Canh Tý,
Tức là năm bốn mươi,
Hai Bà Trưng khởi nghĩa
Thu hút rất nhiều người.
Trước hết đền nợ nước,
Sau để trả thù nhà.
Nghĩa quân thắng dòn dã,
Nức lòng dân gần xa.
Theo truyền thuyết kể lại,
Hay tin, Nguyễn Tam Trinh
Từ Mai Động kéo đến
Cùng hai nghìn tráng binh.
Hơn ba nghìn lính nữ
Theo chủ tướng, Ông Cai,
Gia nhập quân khởi nghĩa,
Từ vùng đất Thanh Oai.
Quân Hai Bà rất mạnh.
Sáu lăm thành đầu hàng.
Tô Định trốn về nước,
Nhục nhã và vội vàng.
Hai Bà lập nước mới,
Kinh đô ở Mê Linh,
Đuổi Thái Thú phương Bắc,
Cai trị theo cách mình.
Đứng đầu đất nước ấy
Là hai vị nữ vương.
Xưa nay trong lịch sử,
Một sự kiện phi thường.
Năm Bốn Hai, nhà Hán
Sai Mã Viện Phục Ba,
Lưu Long làm phó tướng,
Sang chiếm lại nước ta.
Cùng rất nhiều xe ngựa
Và hai vạn tinh binh,
Chúng tấn công Hợp Phố,
Và cướp bóc dân tình.
Mã Viện đi đường thủy,
Lưu Long đi đường rừng,
Gặp phải sự chống cự
Của quân Hai Bà Trưng.
Quân Mã Viện thế mạnh,
Áp tới tận La Thành.
Nghĩa quân không chống nổi,
Co cụm bảo vệ mình.
Sau một năm cầm cự,
Dũng cảm và kiên cường,
Quân Hai Bà đành rút,
Binh sĩ chết đầy đường.
Cuối cùng đến Phúc Thọ,
Giặc dụ dỗ ra hàng,
Nhưng Hai Bà tuẫn tiết,
Nhảy xuống dòng Hát Giang.
Ở đấy giờ đang có
Ngôi đền thờ Hai Bà.
Một tấm gương trung liệt,
Trả nợ nước, thù nhà.
Quân Mã Viện tuy thắng,
Nhưng thiệt hại nặng nề.
Mười phần chết sáu, bảy
Ở vùng đất Cấm Khê.
*
Lại nói tướng Mã Viện,
Khi việc bình định xong,
Hắn ngạo nghễ cho đúc
Chiếc cột lớn bằng đồng.
Trên cột đồng hắn khắc
Hai dòng chữ sơn son:
“Khi cột đồng này gãy,
Đất Giao Chỉ không còn.”
Thật láo và hợm hĩnh
Viên tướng người Tàu này.
Cột đồng giờ chẳng thấy,
Nước Việt vẫn còn đây.
Hơn thế, còn hùng mạnh,
Đã đánh đuổi nhiều lần
Khiến quân giặc phương Bắc.
Hoảng sợ, chẳng dám gần.
NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN
(Mất năm 43 sau CN)
1
Tương truyền xưa, làng nọ,
Ở Đông Triều, Quảng Ninh,
Có một thầy thuốc giỏi
Lại có đức, có tình.
Ông chữa bệnh miễn phí.
Còn đến chữa tận nhà.
Được mọi người mến mộ,
Khắp cả gần lẫn xa.
Hiềm một nỗi, mong mãi
Mà hai vợ chồng ông
Không có con thừa tự
Để nối dõi tổ tông.
Một hôm, dẫu sức yếu,
Hai ông bà dắt nhau
Lên chùa thiêng Yên Tử
Để dâng lễ, thỉnh cầu.
Đêm về ông nằm mộng
Hai thiên sứ áo vàng
Đến tìm ông, và họ
Đưa lên gặp Ngọc Hoàng.
Đến nơi, ông cả sợ,
Liền sụp lạy, bên tai,
Từ rất cao đâu đó
Vang vọng tiếng của Ngài:
“Ngươi ăn ở phúc đức.
Quả không sai lời đồn.
Vậy thì ta ban thưởng
Cho ngươi được có con.
Vừa rồi một ngọc nữ
Phạm lỗi trên Cõi Trời.
Vậy ta sẽ cho xuống
Đầu thai thành con ngươi.
Bốn mươi năm dưới ấy,
Nó sẽ làm hiển vinh
Cho non sống, đất nước,
Tiên tổ và gia đình”.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Lòng vẫn đầy nghi ngờ,
Ông thầy thuốc không biết
Là chuyện thật hay mơ.
Một sáng nọ, bà vợ
Leo lên một ngọn đồi,
Thấy dấu chân rất lớn.
Bà ướm thử, và rồi
Trong người bỗng rạo rực.
Sau chín tháng mười ngày,
Bà sinh một bé gái,
Âu yếm bế trên tay.
Bà đặt tên cho bé
Cái tên đẹp - Lê Chân.
Lê là họ của bố.
Chân là chuyện ướm chân.
*
Đúng như Ngọc Hoàng nói,
Bà là người nhà Trời.
Vừa tinh thông võ nghệ,
Vừa xinh đẹp tuyệt vời.
Đẹp đến mức Tô Định,
Quan thái thú người Tàu
Gặp nàng liền gạ gẫm,
Nhưng nàng quyết lắc đầu.
Hắn tức giận, ra lệnh
Bắt, giết bố mẹ bà.
Đang đêm bà phải trốn,
Đến một miền đất xa.
Đó là cửa sông Cấm,
Đất An Dương hoang cằn,
Lúc ấy còn vắng vẻ.
Thưa người và ít dân.
Bà quai đê, lấn biển,
Lập trại rồi khai hoang.
Dạy nhân dân trồng trọt,
Quy tụ người, lập làng.
Nỗ lực ban đầu ấy
Đã biến vùng đất này
Thành vùng đất trù phú,
Là Hải Phòng ngày nay.
Ngoài chăm lo sản xuất,
Bà chiêu mộ nông dân.
Rồi ngày đêm luyện tập.
Quân số cứ tăng dần.
Năm Bốn Mươi, nghe tiếng
Hai Bà Trưng dấy binh
Bà tham gia khởi nghĩa
Cùng đội quân của mình.
Cưỡi trên con voi lớn,
Luôn đi đầu, tiên phong.
Bà chiến đấu dũng cảm.
Lập được nhiều chiến công.
Khi thái thú Tô Định
Phải chạy về Bắc Phương,
Mất sáu lăm thành lớn,
Hai Bà Trưng xưng vương,
Bà được giao đảm nhận
Chức quan Chưởng Quản Binh,
Tổ chức và luyện tập
Quân sĩ trong thời bình.
Năm Bốn Ba, Mã Viện
Mang đại binh kéo sang.
Hai Bà Trưng thất thủ,
Trẫm mình ở Hát Giang.
Để giữ lòng tuẫn tiết,
Đại nữ tướng Lê Chân
Cũng làm theo hai vị
Rồi từ biệt cõi trần.
BÀ TRIỆU
(225 -248)
Nhiều nơi dân khởi nghĩa
Chống lại ách ngoại bang,
Khiến vua quan Trung Quốc
Phải hoảng sợ, kinh hoàng.
Thái Thú quận Giao Chỉ
Là Tiết Tống tâu vua:
“Dân Giao Chỉ khó trị,
Đất lam chướng bốn mùa…”
Năm Hai Trăm Bốn Tám,
Giữa thế kỷ thứ Ba,
Một cuộc khởi nghĩa lớn
Có nhiều người tham gia.
*
Có truyền thuyết kể lại,
Xưa ở quận Cửu Chân
Có một con voi trắng
To đẹp như voi thần.
Nó xuống núi phá phách,
Dẫm đạp hết mùa màng.
Nhiều khi còn táo tợn
Xông cả vào xóm làng.
Con voi ấy to lớn,
Duy nhất chỉ một ngà.
Ai nhìn thấy cũng sợ,
Phải né tránh từ xa.
Thế mà một cô gái,
Xinh đẹp, để vai trần,
Quyết tay không bắt nó
Giúp trừ hại cho dân.
Cô đi trước, khiêu khích,
Nhử nó ra đầm sình,
Rồi nhảy lên đầu nó
Đưa về nuôi nhà mình.
Về sau, cô gái ấy
Chiêu quân chống giặc Ngô,
Luôn cưỡi nó ra trận,
Voi một ngà, khổng lồ.
Truyền thuyết còn kể lại
Rằng ngực cô rất dài,
“Dài tới hơn ba thước”,
Thường phải vắt lên vai.
Quân giặc nhìn, cả sợ,
Liền bỏ chạy thoát thân.
Cô gái ấy xinh đẹp,
Oai nghiêm như vị thần.
*
Cô gái trong huyền thoại,
Tên là Triệu Thị Trinh,
Một anh hùng dân tộc,
Dám vì dân quên mình.
Bà người huyện Yên Định,
Tỉnh Thanh Hóa bây giờ,
Không may bố mẹ chết
Khi đang còn trẻ thơ.
Anh bà, Triệu Quốc Đạt,
Nuôi em như mẹ hiền.
Ông là một hào trưởng,
Làm huyện lệnh Quan Yên.
Lớn lên, bà giỏi võ,
Có sức khỏe hơn người,
Lại nung nấu chí lớn
Muốn ra tay giúp đời.
Gặp người chị dâu ác,
Bà trốn nhà đi xa,
Lên rừng chiêu binh mã,
Hơn nghìn người theo bà.
Thấy giặc Ngô tàn ác,
Bà về bàn với anh
Cùng khởi binh chống lại,
Và được anh đồng tình.
Từ căn cứ Yên Định,
Nghĩa quân lấn đánh dần,
Chiếm quận lỵ Tư Phố,
Rồi cả vùng Cửu Chân.
Quốc Đạt lâm bệnh chết,
Bà cầm quân thay anh.
Ra trận mặc giáp bạc,
Cưỡi voi, cài trâm anh.
Trông bà thật lẫm liệt,
Xinh đẹp như nữ thần,
Nên người ta thường gọi
Là “Nhụy Kiều Tướng quân.”
*
Nghe tin có bạo loạn,
Vua Ngô rất lo âu,
Liền cử tướng Lục Dận
Làm thứ sử Giao Châu.
Cùng sáu nghìn binh mã,
Theo đường bộ tới đây,
Hắn quyết tâm đàn áp
Cuộc khởi nghĩa lần này.
Hắn dùng tiền mua chuộc
Nhiều hào trưởng địa phương,
Hứa phong cho Bà Triệu
Chức Lệ Hải Bà Vương.
Tất nhiên Bà từ chối,
Nhất quyết không đầu hàng.
Nghĩa binh được khích lệ,
Tinh thần càng vững vàng.
Nhiều trận đánh ác liệt
Ở căn cứ Bồ Điền.
Nhưng do lực quá yếu,
Thiếu lương thực và tiền,
Nên chỉ sau hai tháng
Cầm cự rất kiên cường,
Thành Bồ Điền thất thủ,
Rơi vào tay đối phương.
Bà Triệu đã tuẫn tiết
Trên núi Tùng đầy mây.
Ở vùng đất Triệu Lộc,
Huyện Hậu Lộc ngày nay.
Bà mới hăm ba tuổi,
Chết, để lại tấm lòng
Và chiến công hiển hách,
Sống mãi với non sông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét