NGUYỄN KHUYẾN
(1835 - 1909)
Ông là nhà thơ lớn.
Vì từng đỗ Tam Nguyên.
Sinh ở làng Yên Đỗ,
Thành Yên Đỗ Tam Nguyên.
Một phần nhờ nổi tiêng
Về thi cử, học hành,
Ông được bổ Đốc Học
Rồi Án Sát xứ Thanh.
Một năm sau, giáng chức,
Bổng lộc cũng không còn.
Rồi được điều vào Huế,
Giữ chức quan cỏn con.
Bản tính không hám hố,
Ông treo mũ từ quan.
Về quê sống ẩn dật,
Hưởng cái thú an nhàn.
Ông thanh liêm, chính trực,
Pha chút chất phớt đời.
Suốt ngày chán thơ phú
Lại chống gậy đi chơi.
Ông sống trong giai đoạn
Xã hội đang rối ren.
Thơ buồn và yếm thế.
Buồn cả cảnh thiên nhiên.
Nhưng thơ ông rất đẹp.
Tao nhã và có hồn.
Xao xuyến lòng người đọc.
Xao xuyến cả cái buồn.
Thơ viết bằng chữ Hán.
Cũng nhiều bài chữ Nôm.
Không ít khi tự dịch
Chữ Hán thành chữ Nôm.
Hoặc Nôm thành chữ Hán.
Mà chỉ dịch thơ mình.
Hai mảng thơ chủ đạo
Là trào phúng, trữ tình.
Cả hai, ông đều giỏi.
Có người nói, thơ ông
Mang hơi hướng Lão Tử
Và triết lý phương Đông.
Tác phẩm chính gồm có
Bốn tập thơ khá dày.
Cuốn Quế Sơn Thi Tập
Được cho là rất hay.
Rồi Yên Đỗ Thi Tập,
Rồi Bách Liêu Thi Văn.
Rồi Cấm Ngữ, văn tế,
Hát ả đào, vân vân.
Day dứt với thời cuộc,
Yếm thế và chán đời.
Nhưng thơ ông sống mãi
Trong trái tim mọi người.
THƠ NGUYỄN KHUYẾN, trích
1
Đêm thu ngắm trăng
Bốn bề yên tĩnh một mình ta.
Phòng văn tựa ghế, ngắm trăng tà.
Một chiếc lá thu rơi, bay đến,
Gợi biết bao nhiêu nỗi nhớ nhà.
2
Phu trạm
Suốt ngày khênh cáng chẳng ngơi chân.
Phu trạm, thân anh thật nhọc nhằn.
Đâu biết chính người ngồi trên cáng,
Hai chục năm qua lắm bụi trần.
3
Núi Dục Thúy
Ai đặt tên Dục Thúy
Núi đã có từ lâu.
Bên sông ngôi chùa cổ.
Vách núi một mái lầu.
Thăng Phủ bia còn đó,
Sư Tuệ Viễn ở đâu?
Xế tà, thêm hoài cổ,
Chim hót gợi thêm sầu.
4
Qua sông Tồn
Sông Tồn nay trở lại.
Chiều thu, lòng thêm sầu.
Sóng lạnh ngoài cửa biển.
Sương ướt trên lá dâu.
Tóc bạc cùng năm tháng.
Trên hồ lá thuyền câu.
Văn nhân nhiều phiền muộn,
Đâu riêng chuyện lên lầu.
5
Lên núi Ngũ Hành, viết thơ để lại
Ngũ Hành sừng sững vút lên không.
Xanh tươi, rực rỡ tựa tiên bồng.
Sóng biển lô xô, nhìn tít tắp.
Cửa hang lơ lửng mặt trời hồng.
Nửa đêm chuông điểm nghe ngưng đọng.
Đá khóc từng hàng giọt lệ trong.
Chiêm ngưỡng kỳ quan này tuyệt tác,
Tự nhiên thư thái hẳn trong lòng.
6
Núi Long Đọi
Ở giữa đồng bằng, ngọn núi xanh.
Nhấp nhô nhà cửa bốn xung quanh.
Uốn lượn con đường dài hút mắt.
Líu lo chim hót, lượn trên cành.
Xa xa xóm nhỏ vương mây khói.
Thân già, mắt kém, khó đi nhanh.
Sướng nhất trên kia, nơi mát mẻ,
Có ông sư béo ngủ ngon lành.
7
Đêm xuân, thương con thiêu thân
Cánh mỏng, thương ngươi phận yếu hèn,
Mà dám quang minh chết trước đèn.
Hoảng sợ chết liền là một nhẽ,
Ung dung mà chết, đáng nêu tên.
Tri năng trời phú còn chưa mất,
Chẳng màng danh lợi đợi kề bên.
Đèn dẫu giết ngươi, lòng vẫn xót,
Thành tro, ngấn lệ đỏ còn hoen.
8
Cảm nghĩ nhân trung thu năm Giáp Thân (1884)
ở Hà Nội, viết gửi cho bạn đồng niên là ông cử họ Ngô
Cùng nhau đón Tết ở đất này.
Giờ đã mười năm, cảnh đổi thay.
Đèn hồng, nến đỏ, hư mà thật.
Mũ trắng, dù xanh ta lẫn Tây.
Tô Giang sóng vỗ như tức giận.
Nùng Lĩnh cô đơn mảnh nguyệt gầy.
Nghe nói đi đâu giờ cũng cấm.
Có nhớ lần ta dạo trước đây?
9
Sông Ghép
Lần nữa qua sông Ghép.
Một mái chèo chơi vơi.
Đàn cò bay về tổ.
Vệt núi vắt lưng trời.
Gió giật, thuyền chao mạnh.
Cát lún giữ chân người.
Khách đi đường sợ nhất
Tiếng sóng gầm ngoài khơi.
19
Cảm tác
Mười hai năm lẻ được làm quan.
Những mong ân huệ được vua ban.
Nhưng hay đau ốm, thôi thì nghỉ.
Ngày ăn một bữa, sống an nhàn.
Mình nghỉ, nhiều người còn ở lại.
Về nhà, con cháu chắc gì ngoan?
Từ nay cứ việc say và ngủ.
Chỉ sợ đời sau chúng chê gàn.
11
Về nhà
Mười năm xa cách, nay về nhà.
Tóc bạc như sương, mắt lại lòa.
Cây trong ngõ cũ nhìn khang khác.
Trên trời chim lượn, nhận không ra.
Trẻ con lễ phép: chào ông ạ.
Các cụ gật đầu: ông đấy a?
Đêm bên song lạnh ngồi im lặng.
Trời khuya trăng đẫm ánh trăng tà.
12
Ban đêm, trò chuyên với
hai bạn học cũ là ông Đồng và ông Tốn
Bốn mươi năm trước học cùng nhau.
Gặp lại hôm nay, bạc trắng đầu.
Anh mải chơi cờ, anh đọc sách 1)
Đều phường vô dụng, khác gì đâu.
Mẹ già hai bác may còn khỏe.
Rủi tôi hay ốm, mắt thường đau.
Nay ta đánh chén, say nghiêng ngả.
Ngủ gác lên nhau, chân lộn đầu.
1). Sách Trang Tử có chuyện Tang và Cốc cùng chăn dê và bị mất dê, vì người ham đọc sách, người mê chơi cờ. Hai người hai lý do, nhưng kết quả là mất dê, ý nói không ai hơn ai.
13
Mùa xuân, bị ốm
Bài một
Nhiễu nhương thế sự, lão Nho già.
Bây giờ ta mới hiểu thêm ta.
Tài năng thực sự thua thằng ở.
Hư danh hơn mấy mụ đàn bà.
Nằm nhiều, bẳn tính thành đơn độc.
Đi lắm, quẩn quanh trong xó nhà.
Sáng bảnh, trùm chăn không chịu dậy,
Mặc trời nắng đẹp, mặc chim ca.
14
Mùa xuân, bị ốm
Bài hai
Mới xuân, sương sớm ướt bờ rào.
Đã nghèo, mùa mất, nghĩ buồn sao.
Hoa chưa rụng hẳn, hương còn thoảng.
Thuốc sắc vừa sôi, nước đã trào.
Buồn chẳng muốn nghe con đọc sách.
Nghèo không còn rượu để mời khao.
May đêm có trận mưa nho nhỏ.
Dường như bệnh tật giảm phần nào.
15
Tiếng dế đêm thu
Đêm, trời đầy sao sáng.
Tiếng dế kêu ngoài đồng.
Quyện trong sương tháng Bảy,
Nghe mà buồn mênh mông.
Át cả tiếng trống điểm,
Chinh phụ thêm nhớ chồng.
Thân trai không được được để
Tiếng dế làm mềm lòng.
16
Cảm nghĩ đầu xuân
Năm mới đến rồi, năm cũ qua.
Cỏ cây tươi tốt, vườn đầy hoa.
Sao ta khô héo, toàn gân cốt?
Nhanh thật thời gian, loáng đã già.
Giáp Tý 1) không ghi vì không lịch.
Xuân Thu 2) ngại đọc bởi thù nhà.
Tài mình chỉ vậy, mong gì nữa!
Chống gậy ra ngoài, ta với ta.
1). Hai chữ đứng đầu can và chỉ dùng để ghi năm, tháng, ngày theo âm lịch. Vì tác giả không còn làm quan, không được vua ban lịch, nên chẳng biết ghi vào đâu.
2). Khổng Tử viết kinh Xuân Thu, khen đại nghĩa nhà Chu, chê thói xấu kẻ thù của nhà Chu. Tác giả ngẫm mình không làm được như Không Tử để cứu nước nên thẹn mà không dám đọc Xuân Thu.
17
Thơ nhàn
Cam thân yếm thế khi đời thịnh.
Bạn bè ai tốt để noi theo?
Làm quan không giúp cho dân, nước.
Đọc sách tu thân sáng lại chiều.
Xu thời, trục lợi không khôn khéo.
Lương tâm, trung thực vẫn còn nhiều.
Vậy sao còn than nghèo và khổ?
Giàu đạo, giàu thơ, nên chưa nghèo.
18
Tự thán
Đáng thương ông già hơn năm mươi.
Mắt đỏ, da đen, móm mém cười.
Thật tội: ốm đau không được nghỉ -
Bận ngủ, bận say và bận lười.
Danh lợi đường đời không muốn biết.
Sắc không cõi Phật - chuyện giời ơi.
Là thế đời ta, sao thế nhỉ?
Để rỗi, bắc thang lên hỏi trời.
19
Mưa thu
Ngồi bên cửa sổ, lắng tai nghe
Mưa thu rả rích, mưa dầm dề.
Rót mãi, cuối cùng vò hết rượu.
Lúa ngập vì mưa, buồn ủ ê.
Ngủ say, chuột cắn không hay biết.
Thích chải vì đầu cứ ngứa, tê.
Con đường phía trước mưa lầy lội,
Đành buộc thuyền câu vào bụi tre.
20
Mưa tạnh
Mưa dầm dề, gió thổi.
Bệnh không giảm, cứ ho.
Tiếng khàn như tiếng hạc.
Con mèo lạnh, co ro.
Ngày - đọc truyện Tần, Tống.
Đêm - mơ đất Kinh, Ngô.
Rồi mưa tạnh, hửng nắng,
Lòng ấm, nhà cũng khô.
21
Sau khi say
Cái ao nửa mẫu, tuổi năm mươi.
Say, bên cửa sổ, cứ nằm chơi.
Lối đi cỏ uốn thành đai áo.
Ao bùn mặt nước cánh sen rơi.
Lúc nhàn, chỉ rượu là tri kỷ.
Câu thơ ngâm vặt chẳng cần người.
Xuân tàn, mắt kém không nhìn rõ,
Chỉ thấy lom lem sáng mặt trời.
22
Ngày hè thăm người anh em bên ngoại
là bác Đặng, khi trở về làm thơ
Chống gậy, men theo lối cỏ dày,
Tới thăm bác Đặng ở thôn này.
Râu tóc cả hai đều điểm bạc.
Nửa xóm bây giờ đã đổi thay.
Thấy người, con chó nhà bên sủa,
Tránh nắng, trâu nằm dưới gốc cây.
Thầm khen thật khéo, ông trời khỏe,
Sáo gió vi vu thổi suốt ngày.
23
Mạn hứng
Cáo việc kinh đô, sống ở nhà.
Mấy năm nghèo ốm chỉ mình ta.
Trước cửa, mặt trời thu bóng ngắn,
Ngoài sân, gió thổi khóm tre ngà.
Lão nông biết ruộng cằn hay tốt.
Lái buôn hiểu rõ đấu non già.
Hứng lên, chỉ bạn cùng chai rượu,
Ngồi nhìn ngọn núi phía trời xa.
24
Tự than thở một mình
Ngẫm chuyện mười năm, lòng tái tê.
Sự đời thay đổi, nhìn mà ghê.
Cá ăn thịt cá vì tham lợi.
Cùng một giống nòi, tre cột tre.
Cái khổ ngày nay do ai nhỉ?
Người xưa ở ẩn bỏ về quê.
Nhắn ai quen biết ngoài đô thị:
Đời loạn mà sao chửa muốn về?
25
Đầu hè
Sáo diều văng vẳng tự đâu xa.
Bên ao, sen đã nở đêm qua.
Sáng dậy không ngờ hè lại đến.
Trên cành, đâu đó có chim ca.
Vợ chết, nằm lo ông hàng xóm.
Cãi nhau inh ỏi bốn năm bà.
Những muốn dạo chơi cho khuây khỏa,
Nhưng mắt lại đau, phải ở nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét