Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 54

 

 

NGUYỄN DU

(1766 - 1820)

 

Một nhà văn hóa lớn,

Liêm khiết và lòng lành,

Một thi hào dân tộc

Được thế giới vinh danh.

 

Như ngôi sao rực sáng

Trên bầu trời âm u

Của một thời phong kiến -

Người ấy là Nguyễn Du.

 

Sinh Một Bảy Sáu Sáu,

Mất Một Tám Hai Mươi.

Truyện Kiều ông để lại

Sẽ sống mãi muôn đời.

 

Tố Như là tên tự.

Tên hiệu là Thanh Hiên,

Ông quê gốc Hà Tĩnh,

Nghi Xuân, làng Tiên Điền.

 

Cha ông là Nguyễn Nghiễm,

Tước hiệu Xuân Quận Công,

Làm đến chức tể tướng,

Lập được nhiều chiến công.

 

Mẹ ông người miền Bắc,

Tên là Trần Thị Tần.

Quê ở xã Minh Đạo,

Huyện Tiên Du, Đông Ngàn.

 

Kém chồng ba hai tuổi,

Bà là vợ thứ hai

Của tể tướng Nguyễn Nghiễm,

Sinh một gái bốn trai.

 

Nhưng Thanh Oai, Hà Nội

Mới là gốc tổ tiên.

Sau di vào Hà Tĩnh,

Lập họ Nguyễn Tiên Điền.

 

*

Vì là con tể tướng

Nên Nguyễn Du, thiếu thời,

Có cuộc sống dễ chịu

Và sung túc hơn người.

 

Mười tuổi, cha ông mất.

Mười hai tuổi - mẹ ông.

Từ đấy gia cảnh kém,

Chịu nhiều nỗi long đong.

 

Ông sống với anh cả

Là Nguyễn Khản, ông này

Lúc ấy đang giữ chức

Quan trấn thủ Sơn Tây.

 

Mấy năm sau, thật tiếc,

Người anh này của ông

Bị bắt và giam giữ

Ở nhà Châu Quận Công.

 

Một bạn thân của bố,

May ân nghĩa đang còn,

Đưa ông về, ăn học

Và nuôi dạy như con.

 

*

Năm tròn mười tám tuổi,

Nguyễn Du dự Thi Hương,

Cuộc thi lớn cấp tỉnh,

Đậu Sinh Đồ, Tam Trường.

 

Sau đó ông lấy vợ,

Con một vị đại thần.

Được phong một chức nhỏ,

Là Chánh Thủ Hiệu Quân.

 

Sau bốn năm trấn đóng

Ở Thái Nguyên, Nguyễn Du

Xin từ quan, cùng bạn

Sống giang hồ chu du.

 

Bạn ông, Nguyễn Đăng Tiến,

Một người hùng, quan to,

Sau thất cơ, lỡ vận

Mà phẫn chí giang hồ.

 

Hai người, hai túi vải,

Lên đường sang Trung Hoa.

Đến Quế Lâm thì ốm.

Bạn ông quay về nhà.

 

Khỏi bệnh sau ba tháng,

Nguyễn Du hướng cõi thiền,

Lên chùa quy y Phật,

Thành nhà sư Chí Hiên.

 

Lại khăn gói đi tiếp

Khắp đất nước Trung Hoa,

Tổng cộng năm nghìn dặm,

Trong ba năm bôn ba.

 

Ngụ tại một chùa nhỏ

Ở Hàng Châu, một lần

Ngẫu nhiên ông được đọc

Cuốn Thanh Tâm Tài Nhân.

 

Đọc và rồi xúc động

Và suy ngẫm rất nhiều.

Về sau ông chuyển ngữ

Viết thành cuốn Truyện Kiều.

 

*

Vào năm hăm bốn tuổi,

Sau bao dặm đường trường,

Ông về nước, được gặp

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

 

Không ai biết tình cảm

Giữa hai người thế nào.

Nhưng chắc không lạnh nhạt,

Mà ý vị, thanh cao.

 

Năm Một Bảy Chín Mốt,

Nguyễn Quýnh, một người anh

Bị Tây Sơn giết chết,

Nhà bị phá tan tành.

 

Cũng vì chống Nguyễn Huệ,

Ở Hà Tĩnh, quê ông,

Từ đường bị đốt cháy,

Rồi đổ tro xuống sông.

 

Vào giữa năm Quý Sửu,

Tức là hai năm sau,

Ông về thăm quê cũ,

Ngắm cảnh, lòng quặn đau.

 

Rồi ông cùng Nguyễn Ức,

Được Nguyễn Đề cấp tiền,

Xây dựng từ đường mới

Ở làng cũ, Tiên Điền.

 

Năm Một Bảy Chín Sáu,

Lại lầm lũi dặm đường,

Ông trốn vào Gia Định,

Nhưng bị bắt giữa đường.

 

Bị giam hơn ba tháng,

Ông quay lại Thăng Long.

Hồ Xuân Hương, thật tiếc,

Lúc ấy đã lấy chồng.

 

Bà nữ sĩ tài giỏi,

Ngỗ nghịch nhất nước Nam

Thành vợ ông thầy thuốc

Xóm Tây, làng Nghi Tàm.

 

Năm sau, nhờ mai mối

Qua ông anh Nguyễn Đề,

Lần nữa ông lấy vợ,

Một cô gái thôn quê.

 

Nhưng cha cô giàu lắm.

Có một gia trang to.

Giao cho ông cai quản.

Vui thú cảnh sông hồ.

 

Noa ở huyện Quỳnh Phụ,

Tỉnh Thái Bình ngày nay.

Mười năm dài phiêu bạt

Chấm dứt ở nơi này.

 

*

Mùa thu năm Nhâm Tuất

Gia Long diệt Tây Sơn.

Năm sau vua ra Bắc

Để úy lạo, tạ ơn.

 

Nguyễn Du hay tin ấy,

Từ Quỳnh Phụ, thân chinh

Đem quân lương đi đón

Để bày tỏ thịnh tình.

 

Vua Gia Long cảm kích,

Như gặp được người hiền,

Phong ông chức tri huyện,

Huyện Phù Dung, Hưng Yên.

 

Rồi thăng chức Tri Phủ

Phủ Thường Tín, Hà Đông.

Nhờ thạo tiếng Trung Quốc,

Vua Gia Long sai ông

 

Lên Nam Quan Quốc Ải

Đón sứ thần Nhà Thanh

Sang phong sắc vua Việt,

Đúng lễ và thịnh tình.

 

Nguyễn Du, năm Ất Sửu

Vào kinh đô Phú Xuân

Làm Đông Các Học Sĩ,

Một dạng quan đại thần.

 

Năm Một Tám Không Tám

Ông viết đơn từ quan,

Về Tiên Điền ẩn dật,

Hưởng cái thú an nhàn.

 

Năm năm sau, bất chợt

Ông nhận lệnh triều đình

Đảm đương chức chánh sứ

Đi sứ sang nhà Thanh.

 

Bảy năm sau, lần nữa,

Tức Một Tám Hai Mươi,

Ông sang Tàu, thông báo

Tin Gia Long qua đời.

 

Không may ông bị bệnh

Và chết lúc đi đường.

Hưởng thọ năm tư tuổi

Cùng muôn vàn xót thương.

 

Hai năm sau, di cốt

Đưa về làng Tiên Điền

Để ông được sống tiếp

Với cây cỏ, thiên nhiên.

 

*

Ngoài Truyện Kiều tuyệt tác

Mà người Việt chúng ta

Ai cũng thuộc nhiều ít

Để trích dẫn, ngâm nga,

 

Nguyễn Du còn để lại

Nhiều áng thơ long lanh.

Cả chữ Nôm, chữ Hán,

Thi vị và tốt lành.

 

Thơ chữ Hán ba tập,

Là Nam Trung Tạp Ngâm,

Thanh Hiên Tiền Hậu Tập

Và Bắc Hành Tạp Ngâm.

 

Vần điệu, đúng niêm luật,

Như thơ Tống, Thơ Đường.

Giàu màu sắc, hình ảnh,

Đọc lên nghe du dương.

 

Tiếc giờ người hiện đại,

Do ngôn ngữ bất đồng,

Không hiểu hết cái ý

Và cái đẹp thơ ông.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét