NGUYỄN CÔNG TRỨ
(1778 - 1858)
Ông là quan nhà Nguyễn,
Đồng thời - chính trị gia,
Một nhà thơ; hơn thế,
Một vị tướng tài ba.
Bố ông người Hà Tĩnh,
Nổi tiếng rất công minh.
Nhiều năm làm tri huyện
Huyện Quỳnh Côi, Thái Bình.
Khi Tây Sơn Bắc tiến,
Mời bố ông tham gia,
Nhưng cụ đã từ chối.
Đưa con về quê cha.
Nguyễn Công Trứ từ bé
Sống trong cảnh nghèo hèn.
Mãi năm bốn mốt tuổi,
Đi thi - đậu Giải Nguyên.
Ông giữ chức tri huyện
Huyện Đường Hào, Hải Dương.
Tư Nghiệp Quốc Tử Giám.
Tức hiệu trưởng nhà trường.
Rồi sau ông thăng tiến
Làm Tham Tri Bộ Hình.
Kiêm chức Dinh Điền Sứ
Chăm lo chuyện mưu sinh
Cho các tỉnh miền bắc
Bằng lấn biển, khai hoang.
Lo kênh mương thủy lợi,
Đốc thúc chuyện mùa màng.
Rồi Tham Tán Quân Vụ,
Rồi Thị Lang Bộ Binh.
Rồi Án Sát Quảng Ngãi
Rồi đổi về Quảng Bình...
Sau nhiều lần thăng giáng,
Đổi công việc nhiều lần,
Cuối cùng ông xin nghỉ,
Để về quê, Nghi Xuân.
*
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ
Đầy biến động lớn lao.
Ông đóng góp rất lớn
Cho đất nước, đồng bào.
Về kinh tế, xã hội -
Ông chiêu mộ nhà nông
Đắp đê và lấn biển
Mở rộng đất gieo trồng.
Nhờ thế nay mới có
Huyện Kim Sơn, Ninh Bình,
Và thêm một huyện nữa
Là Tiền Hải, Thái Bình.
Rồi ông lập nhà học,
Nhà chữa bệnh, miếu đường
Để nâng cao dân trí
Và đẩy mạnh giao thương.
Ngày nay hai huyện ấy
Có nhiều đền thờ ông,
Một người dân Nghệ Tĩnh
Mở rộng đất sông Hồng.
Về quân sự, thời ấy
Thường có loạn nhiều nơi,
Và chính Nguyễn Công Trứ,
Quan văn, lại là người
Được phái đi dẹp loạn.
Lần nào cũng dẹp xong.
Hóa ra ông cũng giỏi
Cả quân sự, binh phòng.
Ông cũng có công lớn
Trong chiến tranh Việt - Xiêm
Từ Một Tám Bốn Mốt
Đến Một Tám Bốn Lăm.
Khi đã tám mươi tuổi,
Ông vẫn xin triều đình
Tham gia đánh giặc Pháp
Theo cách riêng của mình.
Về thơ, ông để lại
Một trăm ba mốt bài.
Cả chữ Nôm, chữ Hán.
Phần lớn giọng bi ai.
Cả thơ hát, thơ nói,
Thơ chính sự, thơ tình.
Qua thơ ông gửi gắm
Nỗi niềm riêng của mình.
*
Ông mất năm Mậu Ngọ,
Tám mươi tuổi, người dân
Luôn ghi nhớ công đức
Một con người tuyệt trần.
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
(1822 - 1888)
Ông là Cụ Đồ Chiểu.
Tên hiệu là Hối Trai.
Tên tự là Mạnh Trạch.
Một người có đức, tài.
Ông sinh làng Tân Khánh,
Huyện Bình Dương, Tân Bình,
Ngày nay thuộc về đất
Thành phố Hồ Chí Minh.
Bố ông gốc người Huế,
Quê ở tỉnh Thừa Thiên.
Mẹ là người Gia Định,
Có chữ và dịu hiền.
Bà dạy ông từ nhỏ.
Gia cảnh khá thanh bần.
Rồi Gia Định có biến,
Cả nhà ra Phú Xuân.
Ông quay lại Gia Định
Năm Một Tám Bốn Mươi.
Đỗ tú tài, sau đó,
Cùng đứa em, lên mười
Ông lại ra thành Huế
Để thi tiếp, bàng hoàng,
Nghe tin mẹ ốm chết,
Ông quay về chịu tang.
Dọc đường ông cảm lạnh,
Mưa nhiều, trời âm u.
Cả vì khóc thương mẹ,
Đôi mắt sưng, rồi mù.
Một thầy thuốc tốt bụng,
Quan Ngự y trước đây,
Thương ông, nhận chữa trị.
Dẫu không khỏi, người này
Đã dạy ông nghề thuốc.
Nhờ nó mà về sau,
Cùng với nghề dạy chữ,
Ông kiếm đủ cơm rau.
Hết tang, Nguyễn Đình Chiểu
Mở trường dạy trẻ con
Và một hiệu thuốc nhỏ
Ở Gia Định, Sài Gòn.
Chắc vì cảm nhân cách
Và tài đức của ông,
Một thôn nữ Cần Giuộc
Xin lấy ông làm chồng.
Cuốn Dương Từ - Hà Mậu
Và cả Lục Vân Tiên
Được viết những năm ấy,
Những năm nghèo, thiếu tiền.
Năm Một Tám Năm Tám
Pháp bắt đầu đánh ta.
Ông chuyển về Cần Giuộc,
Quê vợ, ở Thanh Ba.
Ông viết bài Chạy Giặc
Vào đúng thời gian này.
Bài thơ lên án Pháp
Bằng những lời gắt gay.
Năm Một Tám Sáu Mốt
Đau xót, ông viết bài
Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc,
Thông thiết và bi ai.
Số là vào năm ấy
Hơn mười nghìn nghĩa quân
Bỏ mạng khi chống Pháp
Để bảo vệ nhân dân.
Năm sau, ông đưa vợ
Và con về Bến Tre.
Lại dạy học, bốc thuốc,
Viết văn và ca vè.
Năm Một Tám Sáu Tám,
Pháp giết Phan Ngọc Tòng,
Ông viết mười bài điếu
Ca ngợi, tiếc thương ông.
Lạ là cả quan Pháp
Và quan Việt bấy giờ
Đều quí Cụ Đồ Chiểu,
Ông già mù làm thơ.
Lần nọ, quan tỉnh trưởng
Tỉnh Bến Tre, Ponchon,
Tự tìm đến gặp Cụ
Và ca ngợi hết lòng
Cuốn Vân Tiên Cụ viết.
Rồi khiêm tốn, ông xin
Được Cụ chữa hoàn chỉnh
Để chính quyền cho in.
Sau đó còn đề nghị
Trả cho Cụ đất đai
Bị người Pháp trót chiếm.
Cụ nghe rồi thở dài:
“Đất cả nước không trả.
Sá gì đất một người”.
Ponchon tuy tức giận,
Nhưng vẫn phải mỉm cười.
Cuối cùng, ông ta hỏi:
“Vậy nếu xin một điều,
Ông muốn gì?” Cụ đáp:
“Tôi không muốn gì nhiều,
Ngoài được phép tổ chức
Một lễ tế vong hồn
Các nghĩa sĩ Lục Tỉnh
Gia Định và Sài Gòn”.
Ông tỉnh trưởng đồng ý.
Và sau, ở Ba Tri,
Cụ tổ chức lễ ấy,
Cảm động và lâm ly.
Rất nhiều người đến dự.
Nghe Cụ Đồ mù lòa
Đọc bài điếu mà khóc,
Cả người trẻ, người già.
Năm Một Tám Tám Tám,
Cụ bệnh, rồi qua đời.
Để lại niềm thương tiếc
Sâu trong lòng mọi người.
Hôm đưa tang Đồ Chiểu,
Dân từ phố, từ làng
Kéo đến đưa tiễn Cụ.
Rợp màu trắng khăn tang.
Mộ Cụ và vợ Cụ
Trong vườn cây xum xuê.
Nay ở xã An Đức,
Huyện Ba Tri, Bến Tre.
PS
Nghe nói thực dân Pháp
Đã cho Tôn Thọ Trường,
Một người bạn học cũ
Vốn được Cụ yêu thương,
Đến tỏ ý dụ dỗ,
Mà đến những mấy lần.
Tặng Cụ hũ mắm lóc,
Gọi là để Cụ ăn.
Khi ăn hết hũ mắm,
Mới thấy mười nén vàng.
Cụ sai người trả lại.
Khiến ông bạn bẽ bàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét