Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 46

 

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG

(1720 - 1791)

 

Ông là Lê Hữu Trác,

Một lương y tài ba,

Là ông tổ sớm nhất

Của ngành y nước ta.

 

Ông sinh ở Liêu Xá,

Huyện Yên Mỹ, Hưng Yên,

Đúng lúc nước loạn lạc

Và lòng dân không yên.

 

Bố từng làm quan lớn,

Đến Bộ Công Thị Lang.

Nhiều người trong họ tộc

Từng hiển hách, vẻ vang.

 

Mẹ ông người Hà Tĩnh,

Cũng là bậc Phu Nhân.

Có học và cao quý,

Được ban thưởng nhiều lần.

 

Hai mươi tuổi, bố mất.

Ông rời thành Thăng Long

Về quê mẹ, lấy hiệu

Là Hải Thượng Lãn Ông.

 

Hải Thượng là hai chữ

Của Hải Dương, Thượng Hồng.

Còn ông già lười biếng

Thì dễ hiểu - Lãn Ông.

 

Một lần ông ốm nặng,

Vật vã hai năm liền.

Do làm việc quá sức,

Lại quá ham sách đèn.

 

May lương y Trần Độc

Chữa cho khỏi, ông này

Biết nhiều và hiểu rộng,

Loại hiếm thấy xưa nay.

 

Thấy con bệnh còn trẻ

Mà tử tế, thông minh,

Ông thầy lang xứ Nghệ

Truyền lại nghề của mình.

 

Ham học và ham đọc,

Lại cần mẫn, đêm ngày,

Rất nhanh Lê Hữu Trác

Trình độ vượt xa thầy.

 

Năm Một Bảy Năm Sáu,

Ông lên đường ra kinh

Tìm thầy học, thật tiếc,

Thấy không ai hơn mình.

 

Ông bỏ tiền mua sách,

Tự nghiên cứu, mày mò.

Mười năm sau, nổi tiếng

Ở quê và kinh đô.

 

Suốt nhiều năm vất vả,

Tận tụy với nghề y,

Ông nghiên cứu, biên soạn

Cuốn Lý Luận Trung Y.

 

Cuốn này gồm các mục

Nội Kinh và Nam Kinh,

Thương Hàn và Kim Quỹ.

Chi tiết và phân minh.

 

Ông tìm hiểu cây thuốc,

Đặc biệt loại ít tiền.

Kết hợp Y Phương Bắc

Với Y Học Cổ Truyền.

 

Cuối cùng ông hoàn tất

Một bộ sách phi thường,

Là Y Tôn Tâm Lĩnh,

Gồm nhiều mục, nhiều chương.

 

Sách gồm hăm tám tập,

Sáu mươi sáu quyển dày.

Gồm Y Đức, Y Lý,

Y Thuật, Dược, Cỏ Cây...

 

Khi đã sáu hai tuổi,

Triều đình cho mời ông

Chữa bệnh cho Trịnh Cán.

Được Trịnh Sâm thưởng công

 

Hai mươi kẻ hầu hạ.

Đối xử rất thịnh tình.

Là vì chúa có ý

Giữ ông lại bên mình.

 

Nhưng ông không muốn thế.

Chỉ muốn sớm về quê.

Để nghiên cứu, viết sách

Và tiếp tục hành nghề.

 

Đến lượt Trịnh Sâm bệnh.

Ông chữa khỏi, thật may.

Chúa lại ban thưởng lớn,

Tiệc tùng đến mấy ngày.

 

Nhân vui, ông lần nữa

Xin phép trở về nhà.

Viện cớ người thân ốm,

Và cả vì tuổi già.

 

Cuối cùng chúa đồng ý.

Sau đó ông miệt mài

Viết Thượng Kinh Ký Sự

Một cuốn sách khá dài

 

Về những gì ông thấy

Ở kinh đô Thăng Long.

Sự xa hoa phủ chúa,

Cảnh nghèo khổ, bất công.

 

Đó là tác phẩm lớn

Của văn xuôi nước nhà.

Nó cũng giúp ta thấy,

Ngoài lương y tài ba,

 

Ông cũng còn rất giỏi

Về triết học, văn thơ

Và nhà tư tưởng lớn

Của thời đại bấy giờ.

 

Năm Một Bảy Chín Mốt,

Ông bệnh rồi qua đời.

Để lại niềm thương tiếc

Trong trái tim mọi người.

 

 

HOÀNG DIỆU

(1829 - 1882)

 

Lịch sử mãi ghi nhớ

Sự tuẫn tiết của ông.

Người chiến sĩ quyết tử

Bảo vệ thành Thăng Long.

 

Ông là người Xứ Quảng.

Sinh ra trong gia đình

Có truyền thống khoa bảng

Và nhiều người hiển vinh.

 

Năm mới hai mươi tuổi

Ông đã đỗ cử nhân.

Hăm lăm tuổi - phó bảng.

Được biểu dương nhiều lần.

 

Năm Một Tám Năm Mốt,

Triều đình Huế bổ ông

Làm tri huyện Tuy Phước.

Rồi sau, nhờ có công,

 

Thành tri phủ Tuy Viễn,

Tỉnh Bình Định ngày nay.

Được dân rất yêu mến

Khi làm quan xứ này.

 

Năm Một Tám Sáu Tám,

Được điều ra Đàng Ngoài,

Làm tri phủ Đa Phúc,

Lạng Giang và Quốc Oai.

 

Rồi Án Sát Nam Định,

Rồi Bố Chính Bắc Ninh.

Ở đâu cũng làm tốt.

Năm năm sau triều đình

 

Lại gọi ông vào Huế

Làm tham tri Bộ Hình,

Rồi sau được cất nhắc

Thành Thượng Thư Bộ Binh.

 

Để chuẩn bị chống Pháp,

Ông kinh lý nhiều vùng.

Lo đào hào, đắp lũy,

Tăng cường việc biên phòng.

 

Từ Một Tám Bảy Chín

Đến Một Tám Tám Hai,

Lại thêm một lần nữa

Bị điều ra Đàng Ngoài.

 

Ông được giao trọng trách

Bảo vệ thành Thăng Long

Và các vùng phụ cận

Hai bên bờ sông Hồng.

 

Quân và dân Hà Nội

Theo lệnh ông sẵn sàng

Quyết một sống một chết

Với kẻ thù ngoại bang.

 

Ngày Hăm Lăm tháng Bốn

Năm Một Tám Tám hai

Pháp cho ba tàu chiến

Áp sát ở bãi ngoài.

 

Hung hãn và kiêu ngạo,

Chúng bắt giao nộp thành.

Ông sai Tôn Thất Bá

Ra gặp chúng điều đình.

 

Tám giờ mười lăm phút

Chúng nã pháo vang rền,

Yểm trợ cho lính tiến.

Bốn trăm năm mươi tên.

 

Ta chống cự quyết liệt

Ở Hàng Mắm, Hàng Bài.

Giặc bị tổn thất nặng,

Phải rút ra vòng ngoài.

 

Hoàng thân Tôn Thất Bá

Cùng một số gia nhân

Đầu hàng, đến làng Mọc,

Nơi quân Pháp đóng quân.

 

Chiến sự đang tiếp diễn,

Bỗng không hiểu vì sao

Kho thuốc súng ta nổ.

Gây hoảng hốt, nháo nhào.

 

Từ phía Tây, quân giặc

Liền tiến đánh rất nhanh.

Chúng phá được cổng chính

Rồi kéo ùa vào thành.

 

Bố Chính Nguyên Văn Tuyển,

Đề đốc Lê Văn Trinh

Đã hèn nhát bỏ chạy

Cùng một số lãnh binh.

 

Dẫu tình thế tuyệt vọng,

Hoàng Diệu vẫn kiên cường

Cùng quân sĩ chống lại.

Nhiều người chết, bị thương.

 

Cuối cùng ông hạ lệnh

Mọi người phải lui quân.

Một mình ra Võ Miếu

Tự vẫn bằng chiếc khăn.

 

Ông nêu gương tuẫn tiết

Quyết giữ thành Thăng Long.

Suốt đời dân Hà Nội

Thành kính nhớ ơn ông

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét