ĐÀO DUY TỪ
(1572 - 1634)
Trong lịch sử Đại Việt
Từng có một người hiền,
Thông minh và mưu lược
Ngang Khổng Minh, Bàng Quyên,
Ông đã giúp Chúa Nguyễn,
Trong vai một quân sư,
Giữ nước, mở bờ cõi.
Đó là Đào Duy Từ.
Ông gốc người Thanh Hóa,
Huyện Ngọc Sơn, Tĩnh Gia.
Vốn xuất thân nghèo khổ,
Lại sớm mồ côi cha.
Được mẹ nuôi ăn học,
Vốn thông minh hơn người
Thi hương năm Quí Tỵ,
Khi tuổi vừa hai mươi,
Ông đã đậu nhì bảng,
Tức là đậu Á Nguyên.
Rồi lên Kinh thi Hội.
Thế mà rồi, bỗng nhiên
Có ai đó tố cáo
Rằng bố ông một thời
Từng làm nghề đàn hát
Để mua vui cho người.
Tức là hàng thấp kém,
Loại xướng ca vô loài.
Cấm không được thi cử,
Cho dù đó là ai.
Ông bị lột áo mũ
Và đuổi thẳng về quê.
Bà mẹ ông tự tử
Vì nhục nhã ê chề.
Mấy năm sau, phẫn chí,
Ông bỏ vào Đàng Trong.
Mong tìm được minh chúa
Để có đất dụng công.
Ở Huế, ông dạy chữ
Cho con Trần Đức Hòa,
Một quan to thời ấy,
Thân quen với hoàng gia.
Một hôm, Hòa dâng chúa
Bài “Ngắm Ngọa Long Cương”,
Nói của ông đồ Bắc.
Một bài luận khác thường.
Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Nguyễn,
Đọc, biết người hiền tài,
Mưu lược và chí lớn,
Bèn cho đến gặp ngài.
Đào Duy Từ lập tức
Được vào cung, tuy nhiên,
Đến cửa, ông dừng lại
Vì thấy Nguyễn Phúc Nguyên
Mặc bộ đồ giản dị
Chứ không phải long bào,
Liền cúi đầu đứng lại,
Nhất định không chịu vào.
Chúa Nguyễn hiểu, thay áo.
Rồi hai người suốt ngày
Đàm đạo đủ các chuyện
Cả xưa và cả nay.
Nguyễn Phúc Nguyên kinh ngạc
Khi thấy Đào Duy Từ
Biết nhìn xa trông rộng,
Phân biệt rõ thực hư.
Ngài mừng rỡ, lập tức
Ban tước Lộc Khuê Hầu.
Chức Nha Úy Nội Tán
Để thay chúa đứng đầu
Trông coi việc cơ mật,
Cả ngoài và cả trong.
Coi Từ không thua kém
Khổng Minh và Tử Phòng.
Phủ chúa từ ngày ấy,
Có thêm một quân sư.
Mọi chuyện đều suôn sẻ.
Nhờ công Đào Duy Từ.
Năm Một Sáu Hai Chín,
Trịnh Tráng từ Thăng Long
Sai người vào phong tước
Cho chúa Nguyễn Đàng Trong.
Thực chất là dò xét
Mạnh hay yếu thế nào
Để chuẩn bị lực lượng,
Có dịp thì đánh vào.
Đào Duy Từ khuyên chúa
Nhận sắc phong, tuy nhiên
Phải giấu kỹ lực lượng,
Để tạm thời được yên.
Ông dứt khoát từ chối
Việc chúa Trịnh yêu cầu
Bắt chúa Nguyễn nhanh chóng
Cho con ra Bắc chầu.
Ông cũng không đồng ý
Cống nạp cho Đàng Ngoài
Ba mươi con voi đực,
Ba mươi chiến thuyền dài.
Đồng thời, để phòng thủ,
Ông đề nghị cho xây
Chiến lũy lớn Trường Dục.
Chúa nghe, cho làm ngay.
Nhờ thế mà chúa Nguyễn
Trong một thời gian dài
Giữ vững được bờ cõi
Khỏi xâm lược Đằng Ngoài.
Tháng Mười năm Giáp Tuất,
Tức Một Sáu Ba Tư,
Ông ốm nặng rồi mất.
Tang lễ Đào Duy Từ
Được tổ chức long trọng
Do chúa Nguyễn chủ trì.
Cả quần thần, dân chúng
Ai cũng khóc như ri.
Ông được phong Đệ Nhất
Bậc khai Quốc Công Thần.
Một tài năng xuất chúng
Sống mãi cùng nhân dân.
*
Ngoài “Ngọa Long Cương Vãn”,
Một áng thơ tuyệt vời
Nói về cái chí lớn
Của người đang chờ thời,
Đào Duy Từ còn viết
Cuốn “Hổ Trướng Khu Cơ”.
Không kém mấy “Binh Pháp”
Của Tôn Tử ngày xưa.
Ông viết nó để dạy
Các binh tướng Đàng Trong
Về nghệ thuật quân sự.
Cả phòng và cả công.
Thuần Việt và độc nhất,
Cuốn Binh Pháp Việt này
Được bảo tồn nguyên vẹn
Cho đến tận ngày nay.
Đó là bộ sách lớn,
Được chia làm ba phần.
Gồm Tập Thiên, phần một.
Rồi Tập Địa, Tập Nhân.
Là vì, theo tác giả,
Binh Pháp cũng chia ba.
Là Thiên Thời, Địa Lợi,
Và cuối cùng Nhân Hòa.
Ngoài ra ông còn viết
Một tập thơ rất hay
Là “Tư Dung Thi Tập”.
Người ta xem tập này
Là thành tựu xuất sắc
Của văn học Đàng Trong.
Thơ về hoa về lá
Nhưng để nói về lòng.
*
Hậu duệ ông nổi tiếng
Người hiền tài cũng nhiều.
Như cháu đời thứ bảy
Là tướng Đào Duy Mưu.
Ông là một đô đốc,
Dũng cảm và tài ba.
Cùng chủ tướng Nguyễn Huệ
Đánh thắng trận Đống Đa.
Phò tá chúa Nguyễn Ánh
Là Duy Niệm, Duy Tàng
Và Duy Mẫn, tất cả
Đều hiển hách, vinh quang.
Sang cháu đời thứ chín
Có Đào Tấn, người này
Đã có công phát triển
Nghệ thuật tuồng ngày nay.
Ông còn là quan lớn,
Liêm khiết và thông minh.
Là thượng thư hai bộ.
Bộ Binh và Bộ Hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét