MẠC ĐĂNG DUNG
(1483 - 1541)
Thời Lê Sơ thịnh trị
Kéo dài mấy mươi năm
Rất tiếc đã kết thúc
Cuối thế kỷ mười lăm.
Cũng bắt đầu từ đó
Nhà Lê suy yếu dần.
Vua quan lo hưởng lạc,
Không quan tâm đến dân.
Như vua Lê Uy Mục,
Đêm nào cũng tiệc tùng,
Khi uống say, cầm kiếm
Rồi chém giết lung tung.
Nội bộ thì chia rẽ,
Các phe phái tranh quyền.
Công thần xưa bị giết,
Lòng dân rất không yên.
Dười triều Lê Tương Dực,
Trịnh Duy Sản cầm đầu
Một phe phái hiếu chiến,
Suốt mười năm đánh nhau.
Năm Một Năm Một Bảy
Dân chết đói đầy đường,
Thậm chí ở vựa lúa
Kinh Bắc và Hải Dương.
Có nhiều cuộc khởi nghĩa.
Bắt đầu là Nguyễn Tuân
Năm Một Năm Một Một,
Thu hút hàng vạn dân.
Có lần quân khởi nghĩa
Đi thành đoàn rất đông,
Từ Sơn Tây kéo xuống
Uy hiếp thành Thăng Long.
Chỉ một năm sau đó,
Trịnh Hưng và Lê Hy
Nổi lên ở xứ Nghệ,
Sau lan ra Bắc Kỳ.
Ở vùng núi Tam Đảo,
Năm Một Năm Một Năm,
Phùng Chương dấy khởi nghĩa,
Cũng gây được tiếng tăm.
Nhưng quan trọng hơn cả
Là Trần Cảo, Quảng Ninh,
Năm Một Năm Một Sáu,
Với rất nhiều nghĩa binh.
Đầu họ được cạo trọc,
Chỉ chừa ba chỏm con,
Gọi là Quân Ba Chỏm,
Danh tiếng nổi như cồn.
Quân và tướng Ba Chỏm
Đã ba lần tấn công,
Trong đó một lần thắng,
Chiếm được thành Thăng Long.
Vua Lê phải bỏ chạy
Vào Thanh Hóa thoát thân,
Rồi tổ chức chiếm lại,
Cuộc khởi nghĩa tắt dần.
Các cuộc khởi nghĩa ấy
Cuối cùng bị dập tan.
Nhưng chính chúng đã khiến
Nhà Lê chóng suy tàn.
*
Trong bối cảnh tranh chấp
Các phe phái cung đình,
Cùng loạn lạc, khởi nghĩa,
Bất mãn của dân tình,
Xuất hiện một nhân vật,
Có khí phách anh hùng,
Vốn là một võ tướng.
Đó là Mạc Đăng Dung.
Ông nhanh chóng tiêu diệt
Các thế lực bất bình,
Giữ chức ngang tể tướng,
Nắm hết mọi quyền hành.
Năm Một Hai Năm Bảy,
Ông tiếm ngôi, xưng vương.
Bây giờ xin nói rõ
Về người này phi thường.
*
Theo truyền thuyết kể lại,
Thì xưa Mạc Đăng Dung
Vốn dòng dõi quyền quí
Nhưng sau thành bần cùng.
Ông làm nghề đánh cá,
Bố mẹ nghề chèo đò.
Bến sông ấy rất rộng,
Thường sóng lớn, gió to.
Có một thầy địa lý,
Nghe đâu là người Tàu,
Được hai người cứu sống,
Nên mang nặng ân sâu.
Để trả ơn, họ mách
Phải táng mộ ông bà
Vào chỗ có long mạch,
Sau sẽ thành vương gia.
Mạc Đăng Dung lập tức
Đem cốt tổ tiên mình
Táng vào nơi được chỉ,
Mong có ngày hiển vinh.
Năm sau, thầy địa lý
Quay lại và bảo ông
Đem một quan tiền mới,
Tức đúng một trăm đồng
Ra ngồi trên con dốc
Cách không xa bến đò,
Thấy ai vác chữ “khẩu”
Trên lưng mình, thì cho.
Ông chờ mãi, chỉ thấy
Một ông lão ra sông,
Đeo trên vai chiếc dặm.
Ông cho ba mươi đồng.
Chiều tối, ông lão ấy
Quay về, ông lại cho
Thêm ba lăm đồng nữa,
Rồi đi xuống chèo đò.
Tối về, nghe kể lại,
Thầy địa lý lầm bầm:
“Vậy nhà ông chỉ được
Làm vua sáu lăm năm.”
*
Đức vua Mạc Thái Tổ
Tên húy Mạc Đăng Dung,
Quê nơi nay là đất
Huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Theo các tài liệu sử,
Ông là cháu bảy đời
Một trạng nguyên nổi tiếng -
Mạc Đỉnh Chi hơn người.
Ông thời bé nghèo khổ,
Chuyên chài lưới kiếm ăn,
Sau lớn lên, khỏe mạnh,
Đỗ “Lực sĩ xuất thân.”
Rồi thành quân túc vệ
Vào thời nhà Hậu Lê,
Đời vua Lê Uy Mục,
Đang rối ren trăm bề.
Nhờ thông minh, tài giỏi,
Được hoàng gia tin yêu,
Ông nhanh chóng thăng chức
Thành quan lớn trong triều.
Nhà Hậu Lê thời ấy
Yếu hèn và rối tung,
Nên dần dần quyền lực
Vào tay Mạc Đăng Dung.
Năm Một Năm Hai bảy,
Ông tiếm ngôi nhà Lê,
Lấy hiệu Mạc Thái Tổ,
Lúc thọ địch bốn bề.
Ông đúc tiền Thông Bảo,
Lo chấn chỉnh triều đình.
Thành Hải Dương được chọn
Làm kinh đô - Dương Kinh.
Năm Một Năm Hai Bảy
Ông nhường con ngai vàng.
Mạc Thái Tông kế vị,
Ông thành Thái thượng hoàng.
Năm Một Năm Bốn Mốt
Mạc Đăng Dung băng hà,
Hưởng thọ năm chín tuổi,
Và trước lúc đi xa
Ông dặn Mạc Phúc Hải
Không lập đàn ma chay,
Mà lo việc xã tắc,
Xây dựng nước sau này.
Như thầy địa lý nọ
Có lần đã lầm bầm,
Các vua Mạc cai trị
Tất cả sáu lăm năm.
*
“Toàn thư” nói nhà Mạc
Đem đất đai nước mình,
Gồm hai châu Quy, Thuận,
Nhục nhã dâng nhà Minh.
Thực ra hai châu ấy
Thủ lĩnh Nùng Trí Cao
Và anh, Nùng Trí Hội,
Dâng Tống từ đời nào.
Người đời sau xác nhận
Ông chỉ nhường ngoại bang
Năm hang động không lớn
Thuộc vùng đất Cao Bằng.
Mà rồi năm hang ấy
Vốn không phải đất mình,
Mà do Đại Việt lấn,
Giờ trả lại nhà Minh.
Ông còn bị chê trách
Vì tự trói, đầu hàng,
Dâng cho giặc đồ cống
Cùng hai bức tượng vàng.
Vì sao ông làm vậy?
Vì nhà Lê, hai lần,
Cầu nhà Minh đánh Mạc,
Mất nước và khổ dân.
Thấy lực mình đang yếu,
Muốn tránh cảnh can qua,
Vua Mạc đành nén nhục,
Quì gối xin giảng hòa.
Nhục, một mình vua chịu,
Mang tiếng xấu với đời,
Nhưng dân tình thoát khỏi
Cảnh máu chảy, đầu rơi.
Sau cái nhục lần ấy,
Tự trói mình xin hòa,
Ông xấu hổ, lâm bệnh
Một năm rồi băng hà.
Giống như Trần Thủ Độ
Và cả Hồ Quý Ly,
Ông tiếm ngôi người khác,
Hoàn toàn không khác gì.
Vua các triều đại trước
Đã mục ruỗng, yếu hèn.
Theo qui luật lịch sử
Thì triều khác sẽ lên.
Tuy nhiên, có điều khác:
Truất ngôi Lê Cung Hoàng,
Mạc Đăng Dung không giết
Các đại thần quy hàng.
Ông cũng không hề giết
Một ai trong hoàng gia.
Một sự kiện hiếm có
Trong lịch sử nước nhà.
Những di sản kiến trúc
Và văn hóa Lê Sơ
Ông không hề phá hủy,
Nên còn mãi đến giờ.
*
Đức vua Mạc Thái Tổ
Có một thanh Long Đao
Bây giờ còn giữ được,
Thật quí giá nhường nào.
Cháu con ông giữ nó
Suốt năm trăm năm qua,
Nay thờ ở Kiến Thụy
Như vật báu quốc gia.
Đao dài hai mét rưỡi,
Nặng gần ba mươi cân,
Cán làm bằng sắt rỗng
Có chạm hình long vân.
Thanh đao của Quan Vũ
Được nói đến nhiều lần,
Tức Long Đao Yển Nguyệt,
Cũng chỉ ba bảy cân.
Châu Á giờ chỉ có
Hai long đao thế này.
Đao kia thuộc nước Tống,
Ở Trung Quốc ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét