THÁI BÁ DU
(1521 - 1602)
Ông sinh năm Tân Tỵ
Đời vua Lê Chiêu Tông.
Ở Đô Lương, Xứ Nghệ,
Đất gạo trắng nước trong.
Ông là một võ tướng
Thời Lê Mạc phân tranh.
Hậu duệ Cụ Thái Thuận,
Một nhà thơ lừng danh.
Nhờ lập nhiều công trạng,
Triều đình phong cho ông
Là Đại Vương Trung Đẳng,
Thái phó Chân quận công.
Nguyên tổ Thái Bá Đội
Là người từ Vân Nam,
Giữa thế kỷ Mười Bốn,
Đến Đông Triều, Việt Nam.
Bố ông, Thái Bá Tộc,
Chưởng vệ Thắng Sơn hầu.
Ông nội, Thái Bá Lịch,
Mang tước Thiên Khánh hầu.
Bác ruột, Thái Quang Trị,
Vệ úy của triều Lê.
Cả gia tộc họ Thái
Đều vinh hiển mọi bề.
Thời trẻ, ông theo bố
Đi chinh chiến nhiều nơi.
Được khen là mưu lược
Và dũng cảm hơn người.
Năm Nhân Hòa thứ Bảy,
Tức Một Năm Bốn Không,
Được phong chức, phong tước,
Ông bắt đầu lập công.
Sáu mươi năm liên tục,
Là vị tướng tài ba,
Ông đánh Nam dẹp Bắc,
Giúp yên định nước nhà.
Nhiều lần ông, chủ tướng,
Đem quân vào Xứ Thanh
Đánh nhau với Nhà Mạc,
Thắng trận, được vinh danh.
Trong một trận thủy chiến
Năm Một Năm Bảy Hai,
Ông thống lĩnh quân đội,
Cùng tám người con trai,
Quân Mạc bị thua lớn.
Đích thân Lê Thế Tông
Úy lạo rồi xuống chiếu
Khen ngợi cha con ông:
“Thái Bá Du, chủ tướng,
Giúp cứu rập nước nhà.
Thật lớn lao công nghiệp.
Quả không phụ lòng ta”.
Trong trận cuối, quyết chiến,
Ở Cầu Dền, Thăng Long,
Bắt sống Mạc Mậu Hợp.
Công đầu thuộc về ông.
Ông được vua trọng thưởng,
Không chỉ voi và vàng,
Mà ban hàm Thái Phó.
Tột đỉnh sự vinh quang.
*
Gia tộc ông vinh hiển.
Cả tám người con trai
Đều theo cha lập nghiệp,
Và dũng tướng có tài.
Một người là phò mã.
Ba người tước Quận công.
Cả năm người còn lại
Mang tước hầu đặc phong.
Ông có sáu con gái.
Tất cả được gả chồng
Vào những nơi quyền quý.
Một, cho Lê Anh Tông.
Một, vợ của chúa Trịnh,
Là Triết vương Trịnh Tùng.
Một nữa cũng là vợ
Của vua Lê Thế Tông...
*
Ông bệnh nặng rồi mất
Năm thứ hai Hoằng Đinh.
Tám hai tuổi, để lại
Một sự nghiệp quang vinh.
Để tỏ lòng thương tiếc,
Vua Lê, Lê Kính Tông,
Đã xuống chiếu, lần nữa
Ban thêm nhiều sắc phong.
Nhiều đến thờ được lập
Thờ ông và con trai
Ở Nghệ An, Hà Tĩnh
Và Quảng Ninh, đàng ngoài.
Năm Một Chín Chín Sáu,
Đền thờ Thái Bá Du
Ở Đô Lương, Xứ Nghệ
Được nhà nước trùng tu
Và chính thức công nhận
Là di sản quốc gia
Về lịch sử, văn hóa
Của một thời đã qua.
LƯƠNG THẾ VINH
(1441 - 1496)
Tên tự là Cảnh Nghị,
Tên hiệu là Thụy Yên.
Năm mới hăm hai tuổi
Ông đã đỗ Trạng Nguyên.
Sau buổi thi lần ấy,
Đích thân Lê Thánh Tông
Đã ngự giá, ban thưởng
Và xướng danh tên ông.
Từ đấy, ông được gọi
Theo tên mới, Trạng Lường.
Một ông Trạng tài giỏi
Và thông minh khác thường.
Ông được giữ nhiều chức
Ở Học Viện Hàn Lâm,
Nơi nhiều năm làm việc
Với cái tình, cái tâm.
Cuốn Đại Thành Toán Pháp
Do ông viết, tức thì
Được đưa vào trường học
Và trích soạn đề thi.
Trong suốt nhiều thế kỷ
Cuốn sách này của ông
Thành giáo trình dạy toán,
Cả trường tư, trường công.
Ông là người sáng chế
Một dụng cụ cầm tay.
Đó là bàn tính gẩy
Ta vẫn dùng xưa nay.
Gọn nhẹ và dễ tính.
Phẩy ngón tay là xong.
Chính xác và tiện lợi.
Cả nước nhớ ơn ông.
Vì văn hay, chữ tốt,
Vua giao Lương Thế Vinh
Soạn công văn, thư tín
Liên lạc với Nhà Minh.
Ông cũng rất giỏi nhạc,
Nên cùng Thân Nhân Trung,
Được vua giao chế định
Các lễ nhạc trong cung.
Ông cũng là tác giả
Cuốn Thập Giới Cô Hồn.
Tức Phật Kinh Thập Giới.
Được viết bằng chữ Nôm.
Cuốn này có mười đoạn.
Mỗi đoạn có mở đầu.
Kết thúc bằng bài Kệ
Rất súc tích, mười câu.
Sách nói rõ, chi tiết
Về phận sự, chức danh
Của thiền tăng, đạo sĩ
Và những người tu hành.
Ông cũng còn là một
Trong hăm tám thi nhân
Của hội thơ nổi tiếng
Là Hội Thơ Tao Đàn.
Lương Thế Vinh đỗ Trạng
Năm Một Bốn Sáu Ba,
Học giỏi, hiểu biết rộng,
Lịch thiệp và tài hoa.
Ông là nhà toán học
Nổi tiếng thời Lê sơ,
Viết Đại Thành Toán Pháp,
Giá trị đến bây giờ.
Ông nghiên cứu về Phật,
Viết Thiền Môn Giáo Khoa,
Về triết lý Phật Giáo
Trong lịch sử nước nhà.
*
Ông sinh ở Thiên Bản,
Huyện Vụ Bản bây giờ,
Năm Một Bốn Bốn Một.
Nhỏ, đã biết làm thơ.
Ông nổi tiếng nghịch ngợm
Giỏi về môn thả diều.
Sáng dạ, học rất khá,
Dù thường không học nhiều.
Một lần đang chơi bóng.
Bóng rơi xuống hố sâu,
Không thể lấy lên được,
Mọi người đứng nhìn nhau.
Ông lặng lẽ lấy nước
Đổ xuống hố, tất nhiên,
Nước làm quả bóng nổi.
Chỉ cúi xuống nhặt lên.
*
Có truyền thuyết kể lại,
Sứ nhà Minh, Chu Hy,
Nghe tiếng ông tài giỏi,
Không tin, nhưng hiếu kỳ,
Bèn thách ông có thể
Cân con voi được không.
Ông cho voi bước xuống
Chiếc thuyền lớn trên sông,
Rồi đánh dấu ngấn nước.
Đưa voi lên, rồi thay
Con voi bằng đá hộc,
Đúng đến ngấn nước này.
Bây giờ thì đơn giản,
Cân đống đá là xong.
Sứ Minh nhìn, phục lắm,
Nhưng còn muốn thử ông.
Hắn chỉ một trang giấy
Trong cuốn sách khá dày,
Rồi nhờ ông đo thử
Độ dày tờ giấy này.
Ông đã làm việc đó
Rất nhanh và dễ dàng,
Bằng cách đo cả cuốn
Rồi chia cho số trang.
Vị sứ thần kiêu ngạo,
Chỉ còn biết thở dài:
“Nước Nam tuy nhỏ bé,
Mà thật lắm người tài”.
Năm Một Bốn Chín Sáu
Ông mất ở quê nhà.
Hưởng thọ năm lăm tuổi.
Cả triều đình xót xa.
Ai cũng lấy làm tiếc.
Đích thân Lê Thánh Tông
Viết một bài thơ điếu
Tỏ lòng thương nhớ ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét