Truyền Kỳ Mạn :ục
THÁI THUẬN TIÊN SINH
1
Huyện Kim Hoa ngày ấy
Có một nàng rất xinh,
Thơ văn hay, chữ tốt,
Vợ của Phù Tiên Sinh.
Nàng xuất thân danh giá,
Dẫu có lúc bần hàn,
Được học hành tử tế,
Tên là Ngô Chi Lan.
Lê Thánh Tông nghe tiếng,
Bèn cho mời vào triều
Giúp dạy các cung nữ,
Ban ân huệ rất nhiều.
Mỗi lần vua mở yến,
Nàng được phép đứng chầu.
Vua xướng thơ, lập tức
Nàng họa lại từng câu.
Không may, bốn mươi tuổi,
Nàng lâm bệnh qua đời,
Mộ táng bên bãi cạn,
Để tiếng tốt cho đời.
2
Cuối đời Lê Uy Mục,
Có một anh học trò
Tên Tử Biên, ăn học
Lâu ngày ở kinh đô.
Một hôm, nhớ bố mẹ,
Về Thái Nguyên thăm nhà,
Chàng bỗng gặp mưa lớn
Khi đến huyện Kim Hoa.
Giữa đồng không mông quạnh,
Bốn bề trời tối đen,
Bỗng xa xa le lói,
Mờ ảo một ánh đèn.
Chàng lại gần và thấy
Một ngôi nhà lợp tranh
Gọn gàng và ấm cúng,
Cây rậm rạp xung quanh.
Chàng muốn vào trú tạm,
Người gác cổng không cho.
Nhìn vào trong, chàng thấy
Hai người đang chuyện trò.
Đó là một mệnh phụ
Đài các, đẹp như tiên,
Và một ông đứng tuổi
Đang cầm sách ngồi bên.
Bất chợt, mệnh phụ nói:
“Trời mưa gió thế này,
Người ta xin vào trú,
Sao không cho vào ngay?”
Chàng Tử Biên lặng lẽ
Theo người hầu vào trong,
Ngồi nghỉ trên nền cứng
Ở chái nhà phía đông.
Khoảng canh hai, bất chợt
Chàng thấy một ông già
Đẹp lão, mặt quắc thước
Cưỡi trên một con la.
Con la ấy màu tía,
Tấm vải phủ màu hồng.
Còn râu ông và tóc
Trắng và mịn như bông.
Hai người kia ra đón:
“Thật phiền Thái Tiên sinh”.
Khách đáp: “Muốn đàm đạo
Phải có tâm, có tình”.
Rồi cả chủ và khách
Cùng nói chuyện văn chương,
Hết bài này bài khác,
Vui, say mê khác thường.
Bất chợt, ông khách nói:
“Hình như đang có người
Lén nghe ta đàm đạo.”
Mệnh phụ chủ nhà cười:
“Bàn chuyện văn là tốt,
Nghe lén cũng chẳng sao.
Vậy mời anh bạn trẻ
Muốn nghe thì cứ vào”.
Chàng Tử Biên cả sợ,
Nhưng cũng ghé ngồi nghe,
Cúi lạy, xin các vị
Chỉ giáo cho đôi bề.
Thái Tiên sinh lẳng lặng
Lấy đâu đó trong người
Một tập giấy bọc vải,
Đưa cho chàng, mỉm cười:
“Về thơ văn, tốt nhất,
Con hãy đọc tập này.
Khỏi cần tìm đâu nữa,
Mọi cái đều ở đây”.
Rồi cả chủ và khách
Cúi chào nhau, chia tay.
Chàng Tử Biên chợt tỉnh
Khi trời mới rạng ngày.
Chàng giật mình, kinh hãi
Thấy đang nằm giữa đồng
Cạnh hai ngôi mộ cũ
Bên bờ một dòng sông.
Kinh ngạc hơn: cuộn giấy
Ông khách đưa cho chàng
Đang nằm kia, gần cạnh,
Rực rỡ dưới nắng vàng.
Chàng liền mở, chỉ thấy
Bốn chữ đẹp tuyệt vời
Là “Lã Đường Thi Tập”,
Nét mực vẫn còn tươi.
Về sau, chàng dò hỏi
Biết đôi mộ ngoài đồng
Là mộ của mệnh phụ
Ngô Chi Lan và chồng.
Còn Lã Đường thi sĩ
Là bút hiệu xưa nay
Của nhà thơ Thái Thuận,
Một cây bút bậc thầy.
Sinh Một Bốn Bốn Mốt,
Mất chưa rõ, bình sinh
Ông người xã Song Liễu,
Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Năm Hồng Đức thứ sáu,
Tức Một Bốn Bảy Lăm,
Ông thi đậu tiến sĩ
Rồi làm quan nhiều năm.
Thái Thuận là sao sáng
Trong Hội Thơ thời ông -
“Tao Đàn phó nguyên súy”,
Chỉ sau Lê Thánh Tông.
Thơ ông sâu và nhã,
Nghe nói hàng nghìn bài,
Không may thất lạc hết,
Mai một một danh tài.
Được thi nhân gợi ý,
Tử Biên về làng ông
Tìm “Lã Đường Thi Tập”,
Thoạt nhìn mà đau lòng.
Mối mọt ăn gần hết
Rời rạc mấy trăm trang.
Chỗ đọc được, chỗ mất,
Vất vả mãi, rồi chàng
Chép lại được trọn vẹn
Cũng vài trăm bài thơ.
Đời sau dùng bản ấy
Truyền mãi đến bây giờ.
3
Câu chuyện này tôi kể
Lấy trong cuốn Truyền Kỳ
Của tác giả Nguyễn Dữ,
Có thật mà ly kỳ.
Nhân đây cũng xin nói,
Thái Thuận trong truyện này
Là cụ tổ đáng kính
Của họ Thái ngày nay.
Tôi là một hậu duệ
Cũng đến mấy chục đời.
Gia phả họ ghi rõ
Từng tên làng, tên người.
Hiện tôi may có được
Cuốn Lã Đường của Ngài,
Và lạm phép tạm dịch
Khoảng hơn một trăm bài.
Thích thì mời các vị
Vào đọc thơ Cụ tôi
Trong “Cổ Thi Tác Dịch”,
In cũng mấy năm rồi.
Cái hay và cái đẹp
Nhường cụ Thái Tiên Sinh.
Còn cái dở, cái chán
Tôi xin nhận về mình.
THƠ THÁI THUẬN, trích
1
Bến Hoàng Giang
Hoàng Giang, thuyền ghé bến.
Nhà tranh khói bập bồng.
Trẻ con, ba bốn đứa
Tìm bắt cáy ven sông.
2
Tiễn biệt
Sớm - oanh hót vườn cấm.
Chiều - yến bay gần xa.
Đầu hè chơi thỏa thích,
Chợt muốn về vườn nhà
3
Oán mùa xuân ở Tây Hồ
Đêm đêm thấm lạnh ánh trăng tà.
Không thuộc nhà nào, xuân cứ qua.
Cuộc vui đã hết, buồn ngơ ngác,
Buồn không ai đến hỏi mua hoa.
4
Đi thuyền trên sông La, ngẫu nhiên làm thơ
Trên sông trăng gió gọi xa xa.
Chong đèn bên sách thức mình ta.
Chim cuốc từ đâu kêu da diết.
Muốn ngủ nằm mơ thấy ở nhà.
5
Nhìn khói xuân buổi sáng sớm
Nguyệt lặn, xa xa hửng sáng dần.
Hoa lồng bóng nguyệt múa ngoài sân.
Theo mặt trời lên, trăng xạm tối,
Trao hàng liễu biếc cái sầu xuân.
6
Làng ven núi
Mưa tạnh, đường làng ngập xác hoa.
Nhao nhác quạ bay giữa nắng tà.
Ông lão bạc đầu hờ hững quét
Cánh đỏ cánh vàng chẳng xót xa.
7
Chiều muộn bên sông
Bãi sông, nhân nước ngập,
Nhà nông tranh thủ cày,
Giục trâu đi, cò trắng
Giật mình, nháo nhác bay.
8
Đêm thu
Như nước, trời xanh ngỡ rất gần.
Ngô đồng không gió, rụng đầy sân.
Một mình ngồi ngắm cầu ô thước,
Thuyền thơ cập bến giữa sông Ngân.
9
Buổi sáng, xuất phát sớm từ làng ven sông
Xóm chài gà gáy rộn đâu đây.
Trăng mờ khói nước phía trời tây.
Gió thổi bờ lau, thu vạn dặm.
Mờ mờ bãi cát cánh chim bay.
10
Đêm xuân
Trăng chiếu qua rèm, trắng lẫn đen.
Không người dệt gấm để hàn huyên.
Chợt tỉnh, như nghe ai khẽ gọi.
Sau bụi cúc vàng, tiếng đỗ quyên.
11
Xóm nhỏ ven sông
Trên sông triều rút, lộ cát lầy.
Từng đàn chim trắng rủ nhau bay.
Một chiếc áo tơi che khói lạnh.
Trên trời gió thổi, cuốn sông mây.
12
Trên đường Bồn Man lúc đi chinh tây
Xuống lên, đường núi một màu xanh.
Hoàn toàn im lặng bốn xung quanh.
Chỉ tiếng mùa thu đang lặng lẽ
Rơi theo từng nhịp trống quân hành.
13
Trào lộng
Giữ mình, luôn đóng cửa phòng the.
Kín đáo rèm châu phủ bốn bề.
Nhưng sao giữ được trăng và gió
Lọt vào tình tự lúc đêm khuya?
14
Đầu xuân
Năm cũ hết rồi, sương mới tan.
Đào chưa ra nụ, liễu yếu tàn.
Đa tình đám cỏ ngoài sân vắng
Đã kịp xanh rờn, chạy trước xuân.
15
Ngày hè
Công danh, phú quí chẳng bền lâu.
Rượu ngon hãy uống để xua sầu.
Chín chục ngày hè râm mát lạ.
Gió trời ai thổi, đến từ đâu ?
16
Sáng sớm, đi Đông Triều
Gà còn chưa báo sáng,
Thuyền đã đi, lúc này
Triều đang lên, nước đục,
Nhợt nhạt mảnh trăng gầy.
Gió lạnh thổi ngoài bãi.
Bến cá chìm trong mây.
Khúc Thương Lang ai hát,
Chim giật mình trên cây.
17
Thương xuân
Mặt trời lặng lẽ chạy về tây.
Chín chục thiều quang còn mấy ngày.
Oanh sầu, yến thảm thôn Hoa Rụng.
Bến đò, bãi cỏ phủ đầy mây.
Giấc mộng Nam Hoa thường dễ mắc.
Ai như Bắc Hải ở đời này?
Mờ mịt khói sông, trời chạng vạng.
Ngoái lại nhìn đời, buồn lắm thay.
18
Chiều xuân
Bèo nổi thân này, nghĩ xót xa.
Xuân đến, xuân đi, ai chẳng già.
Dưới cầu nước chảy, buông tơ liễu,
Trên sông não ruột tiếng đa đa.
Vô cớ, tán cây lồng bóng nguyệt.
Gió quyện hương thơm vẫn mặn mà.
Thiều quang chín chục không còn nữa.
Thẹn lòng hiếu thảo kẻ đi xa.
19
Đi sớm
Ra đi trời chưa sáng,
Trăng gặp người trên sông.
Ảo mờ như trong mộng.
Mây là là trên đồng.
Trước hoa đỗ quyên hót.
Đo đỏ đèn bãi nông.
Đi qua hết chợ cũ
Mới nghe chuông chùa Bồng.
20
Đầu xuân
Ba tháng đông qua, xuân lại về.
Khí trời chuyển ấm, gió se se.
Giá lạnh còn vương trên mặt nước,
Sắc xuân trên lá đã tràn trề.
Liễu lại xanh tươi, oanh chửa hót.
Chớm nụ hoa đào, vắng tiếng ve.
Hoàng hôn, ngoái lại nhìn quê cũ,
Du tử bùi ngùi những tái tê.
21
Đêm thu ở Tràng An
Tiếng chày đập vải vọng từ đâu.
Một mình quán trọ giữa thu thâu.
Khí mát đầy sân, cơn gió thổi.
Lạnh lẽo trăng soi nửa gác lầu.
Tù và rền rĩ trên thành vắng.
Dế khóc buồn buồn ngoài bãi dâu.
Trăm mối cảm thương không nén được.
Chỉ sợ sáng mai bạc trắng đầu.
22
Chiều xuân ở Tràng An
Tự biết tài hèn, chẳng dám khoe.
Tràng An 1) sống uổng, phí đam mê.
Nhà quan buồn vắng như nhà sãi.
Mùa đông vất vả giống mùa hè.
Thương con bướm múa nơi vườn uyển.
Phụ lòng chim cuốc gọi về quê.
Mua rượu, trong lưng tiền chẳng có.
Vợ con cơm cháo khổ trăm bề.
1. Còn gọi Trường An, tên đất thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Bắt đầu từ đời Hán các vua Trung Hoa đều đóng đô ở Tràng An. Sau này chữ Tràng An được dùng để chỉ thủ đô, cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam.
23
Quán khách đêm thu
Nhà tranh che khuất vệt sao mờ.
Tiếng dế kêu hoài, buồn vẩn vơ.
Lá rụng một sân, thu sắp hết.
Nửa gối gió lùa, tỉnh giấc mơ.
Kẻ bắc người nam, nhiều nước mắt.
Trời đất xưa nay luôn hững hờ.
Bao bận tương tư, thi hứng tắt.
Cảm hoài, quán khách chẳng thành thơ.
24
Thơ đề ở chùa Phổ Lại
Núi đến đây gặp suối.
Núi chạy từ phía đông.
Tiếng chuông xuôi về biển.
Trăng thu soi xuống sông.
Rồng ngâm nước ngoài bãi.
Cò đứng ngủ bên song.
Thỉnh thoảng sư thức giấc
Vì tiếng sáo ngư ông.
25
Đêm thu tức sự
Mưa tạnh, sân đường hết bụi nhơ.
Đang đêm thu hứng đến bất ngờ.
Ngô đồng lá úa bay theo gió.
Lưa thưa bóng liễu dưới trăng mờ.
Sương lạnh, tiếng trùng như thấm nước.
Không cháy thành tro, cỏ đốt hờ.
Bắt chước người xưa Đào Bành Trạch 1),
Ngắm hoa, uống rượu, hứng - làm thơ.
1. Tức Đào Tiềm (365 - 427), người Đông Tấn, tự Uyên Minh, biêt hiệu Ngũ Liễu Tiên Sinh, nổi tiếng tài ba lỗi lạc, là nhà thơ lớn, thích uống rượu ngắm hoa cúc, tính tình phóng đạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét