TRẦN NGUYÊN HÃN
(? - 1429)
Một trong mười chín vị
Dự Hội Thề Lũng Nhai,
Ông là một danh tướng,
Có đức và có tài.
Ông chiến đấu dũng cảm,
Không quản ngại hy sinh
Giúp chủ tướng Lê Lợi
Đánh bại giặc nhà Minh.
Thế mà đời oan nghiệt,
Khi kháng chiến thành công,
Chính vị chủ tướng ấy
Đã nỡ lòng giết ông.
Lời thề Lũng Nhai ấy,
Hỡi ôi nay còn đâu?
Thương cho Trần Nguyên Hãn
Dưới chín suối ngậm sầu.
Xuất thân, Trần Nguyên Hãn
Là dòng dõi họ Trần,
Chắt của Trần Quang Khải,
Nguyễn Trãi - bà con gần.
Ông sinh ở Lập Thạch,
Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Có một số học giả
Không nhất trí điều này.
Sách cũ có kể lại
Ông gánh dầu bán rong,
Tìm người chung chí hướng,
Bàn kế cứu non sông.
Cuối cùng Trần Nguyên Hãn
Và Nguyễn Trãi tiên sinh
Hội tụ với Lê Lợi
Cùng chống giặc nhà Minh.
“Tang Thương Ngẫu Lục” chép
Rằng Nguyễn Trãi và ông
Lần đầu gặp Lê Lợi
Rất không vui trong lòng
Khi thấy vị chủ tướng
Xé thịt ăn bằng tay,
Nhồm nhoàm và thô lỗ,
Nên họ bỏ đi ngay.
Lần thứ hai, khi đến
Thấy Lê Lợi mải mê
Đọc binh thư không chán,
Họ ở lại, không về.
Hai ông được trọng dụng.
Nguyễn Trãi làm quân sư.
Nguyên Hãn làm soái tướng
Gian khổ chẳng hề từ.
Khi còn ở Thuận Hóa,
Ông đánh bại quân Minh,
Dù quân chúng áp đảo,
Trong trận đánh Tân Bình.
Sau đó là chiến thắng
Trong trận Đông Bộ Đầu
Khi ông và Lê Lợi
Đánh ra Bắc cùng nhau.
Ông cũng là chủ soái
Trận đánh thành Xương Giang,
Một trận đánh quyết định
Khiến giặc phải đầu hàng.
*
Về chức, sau Lê Lợi,
Trần Nguyên Hãn thứ hai,
Cao hơn cả Nguyễn Trãi,
Tạm gác chuyện đức, tài.
Trong danh sách Đại Việt
Ở Hội thề Đông Quan,
Ông chỉ sau Lê Lợi
Khi hai bên nghị bàn.
Năm Một Bốn Hai Chín,
Ông xin phép nhà vua
Được lui về trí sĩ,
Bên vườn thuốc, sân chùa.
Có sách bảo ông nói,
Rằng Lê Lợi bề ngoài
Giống Việt vương Câu Tiễn,
Nên khó ở với ngài.
Câu Tiễn mép như quạ,
Ranh ma, không thực lòng.
Có thể ông nói thế.
Cũng có thể là không.
Hơn thế, vua khó chịu
Khi thấy ông xây nhà
To đẹp như phủ đệ
Mà nghĩ chắc gian tà.
Vua nghi ông phản nghịch,
Nên ra lệnh bắt ông.
Giữa đường ông tự tử
Bằng cách nhảy xuống sông.
Trước khi chết ông nói:
“Hoàng thượng đã cùng ta
Xưa vào sinh ra tử,
Nay nghe lời gièm pha
Mà bắt ta phải chết.
Hỏi trời, trời biết không?”
Trời chưa kịp đáp lại
Thì nước đã dìm ông.
Về sau, Trần Nguyên Hãn
Được nhà Lê minh oan.
Nhưng con cháu nhất mực
Không chịu ra làm quan.
Lê Lợi là minh chủ,
Có lúc đã không minh,
Nhưng nhân dân yêu quí
Vị tướng giỏi của mình.
Nhiều nơi trong cả nước,
Nhất là vùng Sơn Đông,
Nơi ông đã tự tử,
Dựng đền thờ thờ ông.
THÁI THUẬN
(1441 - ?)
Ông là nhà thơ lớn
Vào thời kỳ Lê Sơ.
Quê thừa tuyên Kinh Bắc,
Tỉnh Bắc Ninh bây giờ.
Ngày trẻ ông đi lính,
Sung vào đội tượng binh,
Dạy voi và quản tượng.
Trải qua nhiều chiến chinh.
Về sau mới đi học.
Năm Một Bốn Bảy Năm
Ông thi đỗ tiến sĩ,
Làm quan Viện Hàn Lâm
Rồi ông được cất nhắc
Thành Tham Chính Hải Dương.
Liêm khiết và chính trực,
Được mọi người yêu thương.
Cũng trong thời gian ấy
Ông được Lê Thánh Tông
Xuống chỉ sai công cán
Nhiều tỉnh ở miền trong.
*
Như đã nói, Thái Thuận
Là nhà thơ có tài.
Sinh thời ông sáng tác
Nhiều lắm, hàng nghìn bài.
Tiếc, phần lớn thất lạc.
Sau khi chết, con trai
Và học trò sưu tập
Được hơn hai trăm bài.
Gộp lại thành một tập,
Lưu lại cho người đời.
Lần đầu được xuất bản
Vào năm Một Năm Mười.
Hơn một nửa tập ấy
Về sau Lê Quý Đôn
Đưa vào tập Thi Lục,
Truyền lại cho cháu con.
Người đương thời nhận xét
Thơ Thái Thuận Tiên Sinh
Không màu mè hoa mỹ,
Mà tinh tế, trữ tình.
Ngô Thì Nhậm thì nói:
“Thơ ông thật dễ thương.
Đúng khuôn vàng thước ngọc.
Phong cách thời Vãn Đường”.
Lê Thánh Tông nhận xét:
“Giản dị và mộng mơ,
Ông là ngôi sao sáng
Trên bầu trời văn thơ”.
Chắc có lẽ vì thế
Ngài đặc cách cho ông
Làm Tao Đàn Phó Súy.
Chỉ sau Lê Thánh Tông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét