Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 20

 

 

MẠC ĐỈNH CHI

(1280 - 1346)   

 

Tương truyền có bà nọ,

Bị khỉ hiếp, sau này

Đẻ đứa con xấu xí,

Ngắn chân và dài tay.

 

Nhưng đứa bé, bù lại,

Lại thông minh cực kỳ,

Rất có tài ứng đối.

Đó là Mạc Đỉnh Chi.

 

Chồng bà giết con khỉ,

Chôn, rồi mối đùn to,

Biết là đất phát tướng,

Nên khi chết dặn dò

 

Các con cháu từ đó

Chôn xác người thân mình

Ngay trên khu đất ấy,

Sẽ có ngày hiển vinh.

 

Cuốn “Công dư tiệp ký”

Nói rằng vua nhà Nguyên

Thấy Chi tài mà xấu,

Chắc phải có nhân duyên,

 

Bèn cho thầy địa lý

Sang dò hiểu xem sao,

Và quả thầy tìm đến

Mộ con khỉ năm nào.

 

Có thể chuyện ấy đúng,

Cũng có thể là sai,

Nhưng người này quả thật

Là một bậc hiền tài.

 

Dòng họ ông sau đó

Cũng vinh hiển vô cùng.

Có vị vua nổi tiếng,

Là vua Mạc Đăng Dung.

 

Ông người làng Lũng Động,

Huyện Nam Sách, Hải Dương,

Tướng mạo không đẹp lắm,

Nhưng trí tuệ phi thường.

 

Năm Một Ba Không Bốn,

Ông đỗ đầu, tuy nhiên,

Vua phải duyệt tướng mạo,

Mới cho làm Trạng nguyên.

 

Thấy ông thấp và bé,

Đức vua Trần Anh Tông,

Không muốn cho đỗ Trạng,

Nhưng đọc thơ của ông,

 

Cuối cùng vua đồng ý,

Lại còn ban lời khen

Bài “Sen trong giếng ngọc”,

Tức là “Ngọc tỉnh liên”.

 

Ông được giữ thư khố,

Có tài và nhân từ,

Được triều đình yêu mến

Rồi thăng chức Thượng thư.

 

Hai ông tổ, đời Lý,

Làm thượng thư như ông:

Mạc Hiển Tích - bộ Lại,

Mạc Kiến Quan - bộ Công.

 

Ông hai lần đi sứ

Sang triều đình Bắc phương,

Áp đảo về hùng biện,

Nổi bật tài văn chương,

 

Đến mức Nguyên Hoàng đế

Phải công nhận tài hiền,

Lấy bút tặng bốn chữ,

Là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

 

Nhờ thế mà uy tín

Đại Việt được nâng cao.

Sứ thần các nước khác

Gặp đâu cũng cúi chào.

 

Có khá nhiều giai thoại

Về tài đối của ông.

Đi sứ, nhờ tài ấy

Mà làm tốt việc công.

 

Văn chương là một chuyện.

Chuyện khác tốt hơn nhiều.

Đó là ông liêm khiết,

Thượng thư mà vẫn nghèo.

 

Nghèo đến mức, lần nọ,

Người của vua Minh Tông

Bỏ mười quan tiền cũ

Trước cửa thềm nhà ông.

 

Thế mà ông, sáng dậy,

Đem tiền ấy vào cung.

Vua cười: “Không ai nhận,

Khanh cứ lấy mà dùng.”

 

Một tấm gương sáng chói

Về liêm khiết, công minh,

Mà chúng ta, con cháu,

Phải biết để soi mình.

 

 

THƠ MẠC ĐỈNH CHI

 

1

Mừng trời tạnh

 

Non sông thật tươi đẹp.

Trời lại ấm, khô hanh.

Khói lồng mặt trời mọc.

Sóng gợn, nước trong xanh.

Thuyền lướt, chạm hoa lá.

Trên bờ liễu buông mành.

Khách xa lòng ấm lại,

Mừng năm mới tốt lành.

 

2

Cảnh chiều

 

Mây núi xanh nhàn nhạt.

Nước sông xuân nhuộm màu.

Quạ kêu giữa chiều xế.

Nhạn tiễn mây về đâu?

Bên khe bác tiều hát.

Trong vịnh, lửa thuyền câu.

Khách xa buồn, lạnh lẽo,

Mượn chén rượu giải sầu.

 

3

Đi sớm

 

Vừa tỉnh giấc mơ bướm.

Sông Thương Lang đầy mây.

Ai hát điệu chài lưới.

Thuyền xuyên lớp sương dày.

Tam Sở nhiều núi thẳm.

Cửu Giang nước dâng đầy.

Liêm Khê nơi nào nhỉ?

Muốn đến thăm nơi này.

 

4

Qua Bành Trạch, thăm nơi ở cũ của Đào Tiềm 1)

 

Bản tính ưa phóng khoáng.

Ghét xu nịnh, mưu cầu.

Từ quan, cởi dây ấn.

Không vì ăn, cúi đầu.

Một giậu cúc lạnh lẽo.

Dăm cây liễu gợi sầu.

Danh tiếng ông thanh khiết

Lưu lại muôn đời sau.

 

1. Nhà thơ đời Tấn (365 - 427), nổi tiếng khí khái, liêm khiết. Chuyện kể một hôm nha lại bảo ông ăn mặc chỉnh tề đón một chức sắc địa phương, ông than: “Ta há vì năm đấu gạo mà phải uốn lưng trước lũ tiểu nhân đó sao?” Rồi ông treo ấn từ quan bỏ về làng, suốt ngày uống rượu và ngắm hoa cúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét