Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 16

 

 

PHẠM NGŨ LÃO

(1255 - 1320)

 

Nhà sử học Đại Việt,

Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên

Đã xếp Phạm Ngũ Lão

Bậc đại nhân, đại hiền.

 

Ông nói: “Phạm Ngũ Lão

Không chỉ giỏi thơ ca,

Mà còn là kỳ tướng

Trong lịch sử nước nhà.

 

Ông dùng binh tinh diệu,

Cả phòng thủ, tấn công.

Đã xuất quân là thắng.

Hiếm người được như ông”.

 

Ông có công rất lớn

Vào thế kỷ mười ba

Chống quân Nguyên xâm lược

Lần thứ hai, thứ ba.

 

Lịch sử đã ghi nhận

Ông là người phi thường.

Về danh tiếng, công trạng,

Chỉ sau Hưng Đạo Vương.

 

Ông người làng Phù Ủng,

Huyện Ân Thi, Hưng Yên.

Gia cảnh không khá giả,

Phải đan sọt kiếm tiền.

 

Theo gia phả họ Phạm,

Ông là cháu tám đời

Của danh tướng Phạm Hạp

Từng vang bóng một thời.

 

Lần nọ, Phạm Ngũ Lão

Ngồi đan sọt bên đường.

Ngừng tay, đang đọc sách,

Đúng lúc Hưng Đạo Vương

 

Có việc qua Phù Ủng.

Ông vẫn đọc mê say.

Đến mức không nhận biết

Sự kiện quan trọng này.

 

Một tên lính lấy giáo

Đâm mạnh vào đùi ông.

Đến máu chảy lênh láng.

Ồn ĩ cả đám đông.

 

Hưng Đạo Vương dừng ngựa,

Cho mời ông lại gần.

Ngài ngạc nhiên khi thấy

Một chàng trai nông dân

 

Lại đối đáp trôi chảy,

Có tướng mạo khác thường

Của một vị tướng giỏi.

Cuối cùng, Hưng Đạo Vương

 

Ra lệnh, sai binh lính

Băng vết thương cho ông,

Rồi dùng kiệu, nhanh chóng

Đưa về thành Thăng Long.

 

Và rồi, phá mọi lệ,

Một chàng trai nông dân

Được đặc cách đề bạt

Đứng đầu Cấm Vệ Quân.

 

Trong hai cuộc kháng chiến

Chống lại giặc Nguyên Mông,

Phạm Ngũ Lão xuất trận,

Lập được nhiều chiến công.

 

Cùng với Trần Quang Khải,

Ông tiến đánh Chương Dương.

Thắng lớn trận Hàm Tử,

Thu được nhiều quân lương.

 

Phá tan đội thuyền giặc,

Thừa thắng, quân của ông

Tiêu diệt quân Mông Cổ

Đang chiếm thành Thăng Long.

 

Rồi ông nhận được lệnh

Đem ba vạn tinh binh

Phục kích ở Vạn Kiếp

Trên những bãi nước sình.

 

Cuối cùng, chúng tháo chạy

Về Lạng Sơn, Cao Bằng.

Ta bắt được hai tướng

Là Lý Quán, Lý Hằng.

 

Năm Một Hai Tám Bảy,

Kháng chiến lần thứ ba,

Ông cũng lập công lớn

Giúp bảo vệ nước nhà.

 

Trận thủy chiến nổi tiếng

Trên sông Bạch Đằng Giang,

Ông cùng nhiều tướng khác

Khiến quân giặc kinh hoàng.

 

Quân ông đã bắt sống

Nhiều tướng của quân Nguyên -

Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp...

Thu được nhiều chiến thuyền.

 

Sau đó, theo đường bộ

Ông truy đuổi Thoát Hoan.

Hắn phải chui vào cống

Mới trốn thoát an toàn.

 

Năm Một Ba Không Một,

Sau chiến thắng, vua Trần

Ban ông nhiều bổng lộc,

Và chức Đại Tướng Quân.

 

Ba lần Phạm Ngũ Lão

Cất quân đánh Ai Lao,

Vì tội luôn quấy phá

Đất đai của đồng bào.

 

Ông hai lần vâng mệnh

Dẫn quân đi Nam Chinh.

Cả hai lần thắng lớn.

Lần một, vua Chiêm Thành

 

Đầu hàng, xin cống nạp.

Lần hai, cùng hoàng gia,

Vua nước này hoảng sợ,

Trốn sang đảo Java.

 

Ngày Một tháng Mười Một

Năm Một Ba Hai Mươi

Đại tướng Phạm Ngũ Lão

Đã lặng lẽ qua đời.

 

Trần Minh Tông xuống chiếu

Nghỉ chầu năm ngày liền

Để tưởng nhớ vị tướng

Giúp đánh bại quân Nguyên.

 

Ông còn được phong tặng

Tước Thượng Đẳng Phúc Thần.

Xưa nay hiếm người có.

Đó là một đặc ân.

 

 

THƠ PHẠM NGŨ LÃO

 

1

Tỏ nỗi lòng

 

Bao năm múa giáo với non sông.

Dũng mãnh ba quân tựa hổ rồng.

Nợ nước làm trai chưa trả được,

Nghĩ tới Khổng Minh, thẹn với lòng.

 

2

Viếng thượng tướng quốc công Hưng Đạo đại vương

 

Tiếng chuông Trường Lạc 1) tiễn đưa ông.

Hiu hiu gió thổi, thật đau lòng.

Gương sáng muôn đời nay đã vỡ.

Tường thành vạn dặm, có thành không.

Buồn thấy mây che đường sạn đạo 2).

Lệ trào, mưa phủ kín trên sông.

Đọc văn, xúc động lời cô đúc.

Ngâm thơ, lai láng nước xuôi dòng.

 

1. Tên một cung đời Hán. Tác giả dùng để chỉ một cung nhà Trần thời bấy giờ.

2. Đường sạn đạo là lối đi trên cao, thông từ nơi này sang nơi khác ở những vùng núi non hiểm trở. Điển cố này này dùng để nhắc đến công lao của Hàn Tín khi giúp Hán Cao Tổ. Tác giả ví Trần Hưng Đạo với Hàn Tín.

 

 

YẾT KIÊU

(1242 - 1303)

 

Ngày xưa ở Làng Hạ

Có người tên Yết Kiêu.

Sống bằng nghề đánh cá,

Hết sớm rồi lại chiều.

 

Một đêm, ra bờ biển

Ông thấy hai con trâu,

Dưới ánh trăng vằng vặc,

Đang ghì sừng húc nhau.

 

Ông dùng chiếc ống gậy

Đánh chúng, thật bất ngờ.

Cả hai chạy xuống biển,

Và không quay lên bờ.

 

Ông đứng lặng, kinh ngạc

Đoán đây là trâu thần.

Nhìn xuống, thấy mấy sợi

Lông của chúng dưới chân.

 

Ông cho vào miệng nuốt,

Từ đấy trở thành người

Có sức khỏe vô địch,

Hơn gấp năm, gấp mười.

 

Đặc biệt, tài lội nước

Thì có một không hai.

Xưa nay giỏi như thế

Quả thật chưa có ai.

 

Ông đi lại dưới nước

Như đi trên đất liền.

Sáu bảy ngày lặn ngụp

Mới một lần ngoi lên.

 

*

Thời ấy giặc Mông Cổ

Sang đánh chiếm nước mình.

Cho một trăm tàu lớn

Tiến vào cửa Vạn Ninh.

 

Chúng thẳng tay cướp bóc,

Phá thuyền của dân ta.

Gây biết bao tang tóc

Cho nhiều người, nhiều nhà.

 

Vua sai quân nghênh chiến,

Tiếc là thường bị thua.

Bèn cầu người tài đức

Ra giúp nước, giúp vua.

 

Yết Kiêu đến, xin phép

Được giết giặc Nguyên Mông.

“Bẩm, thần đã có cách

Dìm chúng xuống đáy sông”.

 

Vua cả mừng, liền hỏi:

“Ngươi cần bao nhiêu quân?

Bao nhiều tàu lớn nhỏ?”

Yết Kiêu đáp: “Không cần”.

 

Vua nghe xong, lập tức,

Xuống chiếu phong cho ông

Được giữ chức Đô Thống,

Chống lại giặc Nguyên Mông.

 

Với một toán quân nhỏ,

Yết Kiêu xuống Vạn Ninh.

Sai lính làm chiếc búa

Và chiếc khoan cho mình.

 

Rồi ông lặn xuống nước,

Đến chỗ tàu quân Nguyên,

Dùng khoan và dùng búa

Đục thủng đáy tàu thuyền.

 

Ông khoan, đục lặng lẽ,

Chiếc nọ rồi chiếc này.

Tàu giặc thi nhau đắm.

Mấy chục chiếc một ngày.

 

Chúng bàng hoàng, không biết

Chuyện gì đang xẩy ra.

Bọn lính liền lặn xuống

Và nhìn thấy từ xa

 

Một người đang hý húi

Đục đáy thuyền dưới sông.

Chúng liền giăng lưới sắt.

Cuối cùng bắt được ông.

 

Tên tướng giặc tra khảo:

“Mày là ai? Ở đây

Bao nhiêu người biết lặn

Và bơi giỏi như mày?”

 

“Lặn mười ngày không thở

Phải đến hàng trăm người.

Cỡ như tao nhiều lắm.

Nhiều như sao trên trời.

 

Bây giờ tao bị bắt.

Có chết cũng không sao.

Nhưng hiện giờ dưới nước

Còn nhiều người như tao”.

 

Bọn giặc nghe, cả sợ,

Quay sang mua chuộc ông:

“Mày đưa đi bắt chúng.

Rồi có thưởng, muốn không?”

 

Khoảng mấy chục tên lính

Mang lưới sắt lên thuyền.

Cùng ông ra cửa biển.

Sóng dữ, thủy triều lên.

 

Nhân lúc chúng sơ ý,

Ông nhảy xuống, trốn đi.

Bọn lính đành bất lực,

Chẳng biết phải làm gì.

 

Tàu của giặc bị đắm

Không giảm mà càng nhiều.

Cuối cùng rút về nước.

Vì một người - Yết Kiêu.

 

Vua ban thưởng hậu hĩnh,

Phong tước vương cho ông.

Ở Vạn Ninh hiện có

Một ngôi đền thờ ông.

 

*

Một trong năm mãnh tướng

Dưới trướng Đức Thánh Trần,

Ông lập nhiều công lớn

Với đất nước, nhận dân.

 

Tên thật, Phạm Hữu Thế,

Quê Hải Dương, và ông

Nhà nghèo nên từ bé

Phải bắt cá trên sông.

 

Vì thế ông rất giỏi

Bơi lặn nhiều giờ liền

Rất thoải mái dưới nước

Như đi trên đất liền.

 

Sau nhờ cái tài ấy,

Ông lập nhiều chiến công

Giúp Nhà Trần chiến thắng

Giặc xâm lược Nguyên Mông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét