TRẦN THỦ ĐỘ
(1194 - 1264)
Xã hội ta thời Lý,
Hơn hai thế kỷ dài,
Có nhiều sự kiện lớn,
Nhiều nhân vật hiền tài.
Từ vua Lý Thái Tổ
Đến vua Lý Chiêu Hoàng,
Chín đời vua cai trị
Với nhiều trang sử vàng.
Bình Chiêm rồi đánh Tống,
Dời đô về Thăng Long,
Xây dựng Quốc Tử Giám,
Phát triển nghề thủ công.
Phật giáo rất phát triển.
Nho giáo cũng gia tăng.
Trong việc cai trị nước
Có phân cấp rõ ràng.
Năm Một Không Bảy Sáu,
Quốc Tử Giám lần đầu
Mở cửa đón vào học
Con cháu của người giàu.
Còn một năm trước đó
Khóa thi tuyển đầu tiên
Được nhà vua cho mở
Để kén chọn người hiền.
Kiến trúc và điêu khắc
Rất phát triển thời này -
Văn Miếu, Chùa Một Cột…
Tồn tại đến ngày nay.
Cũng vào thời nhà Lý
Xuất hiện một dòng thơ,
Gọi là thơ Thiền, Phật,
Rất phổ biến bấy giờ.
Làm nên dòng thơ ấy
Là các sư đời thường,
Như Vạn Hạnh, Lê Thước,
Đoàn Văn Khâm, Lý Trường,
Đỗ Pháp Thuận, Từ Lộ,
Ngô Chân Lưu, Lâm Khu,
Dương Không Lộ, Lê Thuấn,
Vạn Trì bát, Kiều Phù…
Cả vua Lý Thái Tổ
Có bài thơ rất hay,
Nói ngủ, chân đạp đất,
Đầu Ngài gác lên mây.
Đêm mỏi, không dám duỗi,
Chỉ vì sợ ngủ quên
Mà đạp đổ sông núi.
Đúng khí phách người hiền.
Tuy nhiên, từ giai đoạn
Cuối thế kỷ Mười Hai,
Nhà Lý dần suy yếu.
Suốt một thời gian dài
Vua quan lo hưởng lạc
Và bòn vét của dân.
Lại hạn hán, lụt lội,
Mất mùa, dân thiếu ăn.
Dân nghèo đã nổi dậy
Ở Nghệ An, Ninh Bình.
Thái Sư Trần Thủ Độ,
Thâu tóm hết quyền binh.
Có nhiều điều để nói
Về ông Thái Sư này.
Người luôn gây tranh cãi
Khi đánh giá xưa nay.
Chính ông đã êm thấm,
Chuyển từ Lý sang Trần.
Gây dựng triều đại mới.
Dẫu mang tiếng bất nhân
Cũng ông, người thực sự
Sáng lập triều đại này.
Suốt bốn mươi năm chẵn
Giữ chặt nó trong tay.
Nhưng ông ác hay thiện,
Chính nghĩa hay gian tà?
Điều này chưa ngả ngũ,
Dù nhiều năm trôi qua.
Ông sinh ở Lưu Xá,
Huyện Hưng Hà, Thái Bình,
Tổ tiên làm nghề cá,
Người Đông Triều, Yên Sinh.
Nhưng đến đời ông bố
Thì giàu sang vô cùng,
Khi Hoàng Thái tử Sảm
Lấy chị Trần Thị Dung.
Sau Hoàng Thái tử Sảm
Thành vua Lý Huệ Tông.
Nhà Lý đứng vững được
Một phần cũng nhờ ông.
Năm Một Hai Hai Bốn,
Ông được phong chức danh
“Điện tiền Chỉ huy sứ”,
Chỉ huy bảo vệ thành.
Khi Trần Tự Khánh chết,
Ông là người một mình
Nắm hết mọi quyền lực,
Và công việc triều đình.
Triều Lý vào lúc ấy
Đang trên đường suy vong.
Vua ham chơi, tác tráng,
Dân bất ổn, nản lòng.
Mùa màng luôn thất bát.
Chân Lạp và Chiêm Thành
Thường quấy phá biên giới,
Lơ lửng họa chiến tranh.
Sáng suốt và khôn khéo,
Biết trông rộng, nhìn xa,
Ông nghĩ cần thay đổi,
Cho mình, cho nước nhà.
Năm Một Hai Hai Bốn,
Ông ép Lý Huệ Tông
Nhường ngôi cho con gái,
Dù có muốn hay không.
Huệ Tông lên chùa sống,
Lấy pháp hiệu Huệ Quang.
Con gái vua, bảy tuổi,
Hiệu là Lý Chiêu Hoàng.
Đó là vị vua nữ
Duy nhất ở nước ta,
Nhưng cuộc đời chìm nổi.
Ngẫm mà thương cho bà.
Tiếp đến, Trần Thủ Độ
Đưa Trần Cảnh, cháu ông,
Vào hầu bên nữ chúa,
Rồi sau trở thành chồng.
Chỉ một năm sau đó
Chiêu Hoàng tự dâng ngai
Cho cậu chồng tám tuổi,
Yên cả trong lẫn ngoài.
Vậy là cuộc đảo chính
Đã mỹ mãn thành công,
Nhà Trần kế nhà Lý,
Hoàn toàn theo ý ông.
Phải khen ông tài giỏi,
Thay đổi cả vương triều,
Đất nước không xáo trộn,
Máu cũng không đổ nhiều.
Vì vua còn rất bé,
Nên ông nắm toàn quyền,
Dẹp loạn sứ trong nước,
Dân chúng được bình yên.
Lần kháng chiến thứ nhất
Chống xâm lược nhà Mông,
Đại Việt giành thắng lợi
Một phần nhờ có ông.
Thế giặc lớn, vua sợ,
Mới hỏi ông, thăm dò.
“Chừng nào tôi chưa chết,
Xin bệ hạ đừng lo!”
Thái sư nói câu ấy,
Làm triều đình vững lòng,
Trên dưới dốc toàn lực,
Giúp kháng chiến thành công.
*
Theo sử cũ chép lại,
Trần Thủ Độ là người
Rất công tâm, nghiêm khắc,
Khôn ngoan và hiểu đời.
Một lần vợ ông trách
Khi đi vào cấm cung
Bị lính cờ ngăn lại.
Ông nghe, giận vô cùng,
Liền gọi tên lính ấy,
Định chém đầu tức thì.
Thế mà ông không chém,
Còn khen, thật lạ kỳ.
“Tên lính này, ông nói,
Giữ đúng phép vua ban.
Lính làm thế là tốt,
Sao bà còn phàn nàn?”
Có lần, một công chúa
Xin ông cho người nhà
Một chức quan nho nhỏ.
Ông gật đầu, thế là
Khi người kia đến gặp,
Ông nói: “Anh là người
Được công chúa ưu ái,
Vậy nổi bật ở đời.
Thế thì ta xin phép
Chặt một ngón chân anh
Đánh dấu sự khác ấy.
Chắc anh cũng đồng tình.”
Anh kia nghe, sợ quá,
Liền ra về, tay không.
Từ đấy không hề thấy
Người nào đến nhờ ông.
Lại nữa, một lần nọ,
Có người tâu chân tình:
“Bệ hạ còn ít tuổi,
Thái sư nắm quyền hành,
E gây nên hậu họa.”
Thái Tông đưa người này
Đến gặp Trần Thủ Độ.
Ông nghe rồi khen hay,
Bảo ông ta nói đúng,
Không chém đầu để răn,
Mà còn ban lụa thưởng,
Khen là người trung thần.
*
Vậy là Trần Thủ Độ
Rõ ràng rất có công
Xây dựng vương triều mới,
Đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Nhưng nhiều người chỉ trích
Ông là người nhẫn tâm,
Độc ác, vô đạo đức.
Nói thế cũng không nhầm.
Để đề phòng hậu họa,
Ông không ngại giết người.
Giết tôn thất nhà Lý,
Một tội ác tày trời.
Chính ông ép Trần Liễu
Nhường vợ cho em trai.
Vua lấy chị dâu ruột,
Khi chị dâu có thai.
Ông bị chê thất đức
Khi giết Lý Huệ Tông,
Lấy hoàng hậu làm vợ,
Tức lấy chị họ ông.
Ông là người như thế.
Công và tội đan xen.
Thậm chí công và tội
Còn chưa rõ trắng đen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét