NGUYÊN PHI Ỷ LAN
(1044 - 1117)
Có một truyền thuyết đẹp,
Đúng hay không bàn sau.
Và theo truyền thuyết ấy,
Có một nàng hái dâu.
Nàng, cô thôn nữ ấy,
Rất xinh đẹp, tất nhiên.
Nết na và chăm chỉ,
Không thể không dịu hiền.
Một hôm, đang dưới bãi
Thì xe vua đi qua.
Ấy là vua tìm vợ,
Vì vua đã, đang già.
Khỏi nói, các cô gái
Tranh nhau đứng trước ngài.
Họ thích làm hoàng hậu
Và quyết không nhường ai.
Thế mà thôn nữ ấy,
Cô gái đang hái dâu,
Vẫn luôn tay, cứ hái,
Thậm chí không ngửng đầu.
Vừa hái dâu vừa hát,
Mà cô hát rất hay,
Đến mức vua dừng lại,
Nghe, và lòng say say.
Từ tò mò, rồi thích,
Rồi yêu cô gái nghèo,
Vua cho người cung kính
Rước kiệu cô về triều.
Rồi lấy nàng làm vợ,
Rồi gì gì, gì gì,
Cuối cùng cô gái ấy
Thành Ỷ Lan chính phi.
Ỷ Lan, vì hôm đó
Cô đứng tựa cây lan.
Vừa hồn nhiên, vừa đẹp.
Cũng có người bảo gian.
Có một nhà viết sử
Mới viết sách về cô,
Nói bố cô lúc ấy
Làm quan ở kinh đô.
Có thể ông biết trước
Việc vua về vùng ông
Nên sai con phục sẵn,
Như phục chim vào lồng.
Nên cô mới ra bãi
Vờ chăm chú hái dâu,
Cố tình không chú ý,
Cố tình không ngửng đầu.
Vì biết có chú ý
Cũng chẳng ăn thua gì.
Vậy phải làm gì đấy
Thật lãng mạn, ly kỳ.
*
Ngoài đời, bà quả thật
Chuyên trồng dâu nuôi tằm.
Tên là Lê Thị Yến,
Quê ở huyện Gia Lâm.
Vua đã bốn mươi tuổi
Mà chưa có con trai,
Nên gặp được Thị Yến
Vừa xinh vừa có tài
Liền lấy bà làm vợ,
Xây riêng một cung to,
Nay là đình Yên Thái,
Cách không xa Bờ Hồ.
Bà sinh hai hoàng tử
Cho vua Lý Thánh Tông.
Con đầu là Càn Đức,
Sau thành Lý Nhân Tông.
Thế là vua mãn nguyện,
Được như ước, còn gì?
Nên bà được cất nhắc
Thần phi, rồi Nguyên phi.
*
Năm Một Không Sáu Chín
Vua đi đánh Chiêm Thành.
Đem mọi việc quốc sự
Giao cho bà điều hành.
Vua đánh mãi không thắng,
Đang có ý lui quân,
Thì biết tin hoàng hậu
Ở Thăng Long được dân
Và các quan kính trọng
Vì các việc triều đình
Đều được bà làm tốt.
Vua xấu hổ, giật mình.
Đàn bà mà giỏi thế,
Vậy đàn ông thì sao?
Thế là vua quyết định
Lại tung quân đánh vào.
Lần ấy vua thắng lớn,
Lấy thêm được ba châu,
Bắt vua Chiêm, Chế Củ,
Phải uốn gối, cúi đầu.
*
Tháng Giêng năm Nhâm Tý,
Tức Một Không Bảy Hai,
Thánh Tông lâm bệnh chết,
Lý Nhân Tông lên ngai.
Càn Đức mới sáu tuổi,
Còn nhỏ, chẳng biết gì,
Nên xẩy ra cuộc chiến
Giữa hai bà Hoàng phi.
Một bên là Thái hậu
Đang thực nắm quyền hành,
Nhờ có sự ủng hộ
Của Thái sư Đạo Thành.
Còn bên kia, yếu thế,
Là Ỷ Lan Thái phi.
Làm mẹ vua còn nhỏ,
Không có quyền hành gì.
Sau được Lý Thường Kiệt
Đứng hẳn về phe mình,
Ỷ Lan giành thế thắng.
Quên hết cả nghĩa tình,
Bà bắt con, Càn Đức,
Chôn Thái hậu họ Dương,
Bảy mươi sáu thị nữ
Cùng Thánh Tông, thật thương.
Còn Thái sư họ Lý
May không bị giết oan,
Giáng chức thành Tả gián,
Đi coi châu Nghệ An.
Vậy là một thôn nữ,
Hiền dịu và xinh tươi,
Vì quyền lực, đã giết
Bảy mươi bảy con người.
*
Nắm toàn quyền triều chính,
Từ Ỷ Lan Thái phi,
Thành Ỷ Lan Thái Hậu.
Sắp tới bà làm gì?
Lần thứ hai nhiếp chính
Năm Một Không Bảy Tư,
Bà lại mời ra Bắc
Lý Đạo Thành Thái sư.
Bà quên thù hận cũ,
Giao trọng trách cho ông,
Để cùng Lý Thường Kiệt
Lo gánh vác việc công.
Nhờ thế mà đất nước
Được ổn định dài lâu,
Bình Chiêm rồi phá Tống -
Việc này bà công đầu.
Sử cũ còn ghi lại,
Năm Một Một Không Ba,
Bà lấy tiền công quĩ
Và một phần tiền bà
Để chuộc các cô gái
Bị bán cho nhà giàu,
Tìm đàn ông góa vợ
Để họ thành cô dâu.
Vốn là người mộ Phật,
Là người tu tại gia,
Bà xây nhiều chùa, miếu,
Nhất là khi về già.
Có người nói, bởi lẽ
Lòng bà không thảnh thơi,
Hối hận vì đã giết
Bảy mươi bảy con người.
Rất có thể như thế,
Cũng có thể là không.
Lịch sử rất sòng phẳng:
Khen khi bà có công.
Ngược lại, khi có tội,
Phải mang tiếng với đời.
Không ai có thể thoát
Luật trời và luật người.
Bảy mươi tuổi, bà chết,
Ba hầu gái chôn theo,
Những người bà yêu mến,
Tức là những người nghèo.
DƯƠNG KHÔNG LỘ
(1016 - 1094)
Ngày xưa, thời nhà Lý
Khoảng thế kỷ mười ba,
Có pháp sư tài giỏi
Sống ở thành Đại La.
Tên ông là Không Lộ,
Tương truyền người nhà trời,
Giáng trần xuống Đại Việt,
Giúp đời và giúp người.
Ngày ấy nước Đại Việt
Rất thiếu sắt và đồng
Đúc chuông, làm vũ khí
Và dụng cụ nhà nông.
Có bao nhiêu vàng bạc,
Đá quý và ngọc châu,
Người phương Bắc vơ vét
Đem hết về nước Tầu.
Một hôm, Dương Không Lộ
Lên đường sang Yên Kinh,
Định dùng các phép thuật
Mang đồng về nước mình.
Ông đến gặp vua Tống,
Hỏi xin một ít đồng
Để đem về Đại Việt
Đúc tượng Phật Bắc tông.
“Tôi chỉ xin một ít,
Đủ đựng trong túi này.”
Vua Tống thấy túi bé
Liền đồng ý cho ngay.
Đoạn, vua sai thái giám
Dẫn pháp sư vào kho,
Cho lấy gì cũng được -
Vàng, đồng hay sắt thô.
Miễn là chỉ được lấy
Đầy một túi, không hơn.
Pháp sư nước Đại Việt
Cúi thấp đầu cảm ơn.
Bước vào kho, Ngài thấy
Một con trâu bằng vàng,
To hơn cả trâu thật,
Nghếch mõm, đứng chặn ngang.
Vào sâu hơn tí nữa
Là một núi đồng đen
Còn quý hơn vàng bạc,
Thứ kim loại nhà thiền.
Rồi pháp sư Không Lộ
Giở phép thuật thần thông,
Mở chiếc túi nhỏ bé
Lấy hết nửa kho đồng.
Viên thái giám hoảng sợ,
Liền chạy báo nhà vua.
Vua Tống ra lệnh chém
Vì tội dám trêu đùa.
Nhà pháp sư Đại Việt
Có tài nghe tiếng người
Cách xa cả mấy dặm,
Dưới đất và trên trời.
Nên ông vội vàng rút,
Chân bước qua tường thành.
Vì đồng nhiều, nặng quá,
Nên không thể đi nhanh.
Chợt một đoàn người ngựa
Gấp rút đuổi theo ông.
Pháp sư cắm cổ chạy,
Bỗng gặp một dòng sông.
Ông lấy chiếc nón lá
Vứt xuống nước, và kìa,
Nó biến thành chiếc mảng
Đưa ông sang bên kia.
Quân nhà Tống bất lực
Đứng nhìn ông qua sông.
Còn pháp sư Không Lộ
Trở về thành Thăng Long.
Số đồng mang về được
Đúc chiếc đại hồng chung
Theo khuôn bằng đất sét,
To và đẹp vô cùng.
Cuối cùng, chuông được gióng.
Thật to và ngân vang.
Bay sang tận phương Bắc.
Vì đồng là mẹ vàng,
Nên trâu vàng nước Tống
Liền chạy về Thăng Long
Thấy thế, sư Không Lộ
Bảo ngừng đánh chuông đồng.
Ông nói nếu đánh tiếp,
Tất cả vàng nước Tàu
Sẽ sang Đại Việt hết,
Và lại sẽ đánh nhau.
Rồi chiếc chuông lập tức
Được lăn xuống sông Hồng,
Con trâu vàng thấy thế,
Liền lao theo mẹ đồng.
Nó vùng vẫy, quằn quại
Liên tục đúng ba ngày,
Thành một vùng sâu hoắm
Bây giờ là Hồ Tây.
Sau đó sư Không Lộ
Lặng lẽ bay về trời.
Ngài trở thành ông tổ
Nghề đúc đồng nhiều nơi.
Đời sau, dân sở tại
Xây một ngôi đền thờ
Để nhớ ơn Không Lộ -
Đền Quan Thánh bây giờ.
*
Đó là một truyền thuyết.
Không biết đúng hay không.
Nhưng là truyền thuyết đẹp,
Nói về con người ông.
Ông xuất thân nghèo khổ,
Chài lưới sống qua ngày.
Quê gốc làng Giao Thủy,
Đất Nam Định ngày nay.
Vốn mộ Phật từ nhỏ,
Thông minh và hiền từ.
Tu nhiều năm, đắc đạo,
Được phong làm quốc sư.
Thiền sư Dương Không Lộ
Dười triều Lý Thái Tông
Trở thành một vị tổ
Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Có sử liệu còn chép
Ông theo lệnh triều đình,
Cùng Giác Hải, Đạo Hạnh
Sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Tháng Sáu năm Nhâm Tuất,
Ông viên tịch nhẹ nhàng.
Hưởng thọ bảy chín tuổi.
Thờ ở chùa Nghiêm Quang.
Lý Nhân Tông xuống chiếu
Cho tu sửa lại chùa.
Còn cắt hai mươi hộ
Lo hương khói bốn mùa.
TÔ HIẾN THÀNH
(1102 - 1179)
Là đại thần nhà Lý
Đời Anh Tông, Cao Tông,
Tô Hiến Thành nổi tiếng
Lập được nhiều chiến công.
Một lần, ông bệnh nặng.
Tham tri Vũ Tán Đường
Suốt ngày đêm cần mẫn
Lo túc trực bên giường.
Gián nghị Trần Trung Tá,
Cũng là một đại thần,
Lại ít khi thăm hỏi
Vì luôn bận việc dân.
Thấy khó lòng qua khỏi,
Thái Hậu, mẹ Cao Tông,
Ướm hỏi nếu ông chết
Nên chọn ai thay ông.
“Bẩm, chọn Trần Trung Tá.
Người văn võ toàn tài,
Tận trung và liêm khiết.
Ngoài ra không chọn ai”.
Thái Hậu nghe, liền nói:
“Tham Tri Vũ Tán Đường
Chăm lo ông nhất mực,
Luôn có mặt bên giường.
Trong khi Trần Trung Tá
Có vẻ như vô tình.
Sao ông chọn người ấy
Làm Phụ Chính thay mình?”
“Bẩm, bởi vì Thái Hậu
Hỏi người giúp quốc dân,
Chứ không hỏi chọn kẻ
Lo thuốc thang cho thần.”
*
Câu chuyện này có thật,
Lưu truyền bao đời nay.
Đủ nói về cái đức
Và nghĩa con người này.
Ông sinh làng Hạ Mỗ,
Huyện Đan Phượng, Thăng Long.
Rất công minh, chính trực,
Văn và võ toàn song.
Là đại thần phụ chính
Giúp lo việc triều đình.
Ông cầm cân nảy mực
Có nghĩa và có tình.
Ông dẹp loạn Thân Lợi
Năm Một Một Bốn Mươi.
Sau, khuyên vua ân xá,
Cứu sống được nhiều người.
Noi gương Lý Thường Kiệt,
Ông giúp Lý Anh Tông
Đánh Chiêm Thành, Chân Lạp,
Mở bờ cõi non sông.
Không chỉ là dũng tướng,
Ông còn là đại thần,
Giúp triều chính ổn định,
Tận tụy lo cho dân.
Ông khoai hoang, lấn biển
Vùng đất sình cửa sông
Ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh,
Quảng Ninh và Hải phòng.
Khi Lý Anh Tông mất,
Lý Tử Cán lên ngôi.
Lúc ấy mới ba tuổi,
Một đứa trẻ mà thôi.
Ông được chọn ủy thác
Tạm thay vua cầm quyền.
Nhờ công tâm, chính trực,
Nên việc triều chính yên.
Năm Một Một Bảy Chín,
Tô Hiến Thành qua đời,
Khi vua mới Sáu tuổi.
Triều chính lại rối bời.
Khi chết, ông di chúc
Trần Trung Tá thay mình
Làm phụ chính giúp nước.
Nhưng thật tiếc, triều đình
Không làm theo, vì thế
Sau này Lý Cao Tông
Chỉ ham mê tửu sắc,
Làm Nhà Lý suy vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét