Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Truyện Thơ Danh Nhân Việt




Truyện Thơ Danh Nhân Việt - 3
TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491 - 1585)

Có một anh chàng nọ,
Nghèo, chẳng còn gì ăn.
Vợ chau mày, con đói,
Anh ta ngồi bần thần.

Bỗng anh ta chợt nhớ,
Hình như xưa tổ tiên
Để lại chiếc ống quyển,
Dặn lúc nào thiếu tiền

Hay tiệt hết đường sống,
Gia cảnh quá bần hàn,
Thì mở ra, trong đó
Có bức thư gửi quan.

Chiếc ống quyển nhỏ bé
Giấu kỹ trên xà nhà,
Qua nhiều đời, ám khói
Được lấy xuống, mở ra.

Bên trong có thư thật.
Anh ta mang bức thư
Đến nhà quan sở tại,
Vẫn chưa rõ thực hư.

Lúc ấy quan đang nghỉ,
Nằm đọc sách trong nhà.
Thấy báo thư Cụ Trạng,
Liền vội vàng đi ra.       

Quan vừa đi đến cửa,
Bỗng nhiên có thanh dầm,
Chắc lâu ngày bị mọt,
Rơi đúng chỗ quan nằm.

Quan hoảng hồn, thoát chết,
Liền mở thư ra xem.
Thư có dấu, chữ ký
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bức thư ngắn, chỉ viết:
Tôi cứu ông vừa rồi.
Vậy xin ông giúp đỡ
Cháu bảy đời của tôi.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là Trạng,
Một thi nhân diệu kỳ,
Một đại quan chính trực
Và một nhà tiên tri.

Ông sinh ở Vĩnh Lại,
Nay Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Đúng vào thời thịnh trị
Của vua Lê Thánh Tông.

Tên thật Nguyễn Văn Đạt,
Hiệu Cư Sĩ Bạch Vân,
Mẹ là Nhữ Thị Thục,
Giỏi tướng số, thơ văn.

Bà là con quan lớn,
Khó tính khi kén chồng,
Mãi đến lúc luống tuổi
Mới chịu lấy cha ông,

Tức là Nguyễn Văn Định,
Tài năng loại thường thường,
Có tướng sinh quí tử,
Sau dễ thành đế vương.

Để con thành hoàng đế,
Bà đã bắt bố ông
Mười hai giờ đêm ấy
Mới được vào động phòng.    

Bố ông, chắc nóng vội,
Vào sớm hơn ít nhiều,
Nên con bà, thật tiếc
Chỉ đại thần trong triều.

Sau chuyện ấy, bà giận,
Về với bố mẹ mình,
Rồi lấy ông chồng khác,
Rồi tính giờ, năm sinh,

Bà sinh được Trạng nữa,
Lại Lưỡng Quốc Trạng Nguyên,
Trạng Bùng, Mai Nham Tử,
Phùng Khắc Khoan, đại hiền.                    

Nguyễn Bỉnh Khiêm từ nhỏ
Được bà mẹ cầu kỳ
Dạy đến nơi đến chốn,
Không sót một môn gì.

Về sau, khi khôn lớn,
Tìm thầy tận xứ Thanh,
Lương Đắc Bằng, bảng nhãn,
Hoàn thiện sự học hành.        

Ông thầy này uyên bác,
Từng là quan đại thần,
Sau từ quan, chán nản,
Về quê sống thanh bần.

Cậu trò Bắc học giỏi,
Chăm chỉ và thông minh,
Được thầy trước khi chết
Tặng “Thái Ất Thần Kinh”.

Đó là cuốn sách quí
Ông mang từ nước Tàu,
Về Chu Dịch, bói toán,
Bắt phải học thuộc làu.          

Thời ấy chính sự loạn,
Nguyễn Bỉnh Khiêm ở nhà,
Không bon chen thi thố
Chín kỳ thi đại khoa.

Khi nhà Mạc thành lập,
Đời ít nhiều tạm yên,
Ông mới ra thi cử,
Lập tức đậu Trạng nguyên.

Năm ấy bốn lăm tuổi,
Ông được bổ làm quan
Đông Các Đại học sĩ,
Lo soạn thảo công văn.

Ông nhanh chóng thăng tiến,
Đến chức Tả Thị lang
Của bộ Hình, bộ Lại,
Bạn của Thái thượng hoàng,

Tức vua Mạc Thái Tổ.
Tiếc là ông vua này
Đã qua đời quá sớm
Để ấu chúa lên thay.

Chính sự lại nát bét,
Đói kém, mất lòng dân.
Ông dâng sớ đòi chém
Mười tám tên lộng thần.

Trong mười tám tên ấy
Có con rể, Phạm Dao.
Thế mới biết quan Trạng
Chính trực đến mức nào.

Vua không chấp thuận sớ.
Năm một năm bốn hai,
Sau tám năm tại vị,       
Ông về với trúc mai.

Nhưng hai năm sau đó
Vua Mạc lại mời ông
Làm Thượng thư bộ Lại,
Tước hiệu Trình Quốc công.

Cũng nhờ tước hiệu ấy
Ông trở thành Trạng Trình.
Một đại thần hòa nhã,
Liêm khiết và công minh.

Bảy ba tuổi, từ chức,
Ông dựng Am Bạch Vân,
Tức là Lều Mây Trắng,
Rồi xây Quán Trung Tân.

Thỉnh thoảng vua có việc
Lại đón ông vào kinh.
Các quyết định quan trọng
Đều hỏi ý Trạng Trình.

Ông mở lớp dạy học
Bên bờ sông Tuyết Giang.
Nhiều học trò vinh hiển,
Thành một danh sách vàng.

Vào cuối năm Ất Dậu,
Tức một năm tám năm,
Ông qua đời lặng lẽ
Ở tuổi đời chín lăm.

Đích thân Mạc Đôn Nhượng
Cùng các quan đại thần
Về quê ông cúng viếng
Để bày tỏ tình thân.

Vừa là nhà chính trị,
Nhà tiên tri đại tài,
Ông là nhà thơ lớn,
Sáng tác khoảng nghìn bài.

Cả chữ Nôm, chữ Hán,
Thơ ông thật trữ tình,
Về thiên nhiên, sông nước,
Về thế thái, nhân tình.

Về số, ông là nhất
Trong năm trăm năm thơ.
Về chất, cũng loại nhất,
Đọc, không thể hững hờ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận
Ông nổi tiếng ở đời
Nhờ những bài sấm ký
Về sự việc, về người.     

Thật lạ, nhiều tiên đoán
Lại rất đúng sau này,
Như việc quân Pháp phá
“Tan tành Cổ Am Mây.”

Hay việc ông đoán đúng
Thế chiến lần thứ hai.
“Diễn ra năm Thân - Dậu”,
Tàn khốc và kéo dài.

Năm một năm sáu tám,
Nghe lời khuyên của ông
Mà Nguyễn Hoàng yên chí
Vào lập nghiệp Đằng Trong.

Ở Thăng Long, Trịnh Kiểm
Muốn bỏ Lê, lên ngôi,
“Thờ Phật thì ăn oản”,
Ông nói thế, đành thôi.

Trước khi mất, nhà Mạc
Đến hỏi kế dài lâu.
Đáp: Đất Cao Bằng nhỏ,
Nhưng lợi thế về sau.

Nhờ thế mà nhà Mạc
Đã chọn vùng đất này
Lập căn cứ, lánh nạn,
Tồn tại thêm nhiều ngày.


TRUYỀN THUYẾT VỀ TRẠNG TRÌNH

Có không ít truyền thuyết
Về Trạng Trình xưa nay.
Nhân tiện xin được kể
Thêm một chuyện thế này.

Hồi học ở Thanh Hóa
Với Bảng nhãn họ Lương,
Ông được thầy rất quí
Vì thông minh khác thường.  

Đến mức trước khi chết
Thầy truyền lại cho ông
Cuốn “Thái Ất” quí giá
Mà thầy đã thuộc lòng.

Cuốn sách rất khó hiểu
Do đạo sĩ Triệu Nga
Rất nổi tiếng Đời Tống
Đúc kết rồi soạn ra.

Thầy có người cùng họ
Làm quan, sống bên Tàu,
Tên là Lương Nhữ Hốt,
Chỗ thân tình từ lâu.

Một lần thầy đi sứ,
Sang gặp lại người này.
Ông cho thầy cuốn sách,
Lưu giữ đến hôm nay.

Thực ra cuốn sách ấy,
Dẫu uyên bác, thông minh,
Bỉnh Khiêm chưa hiểu lắm,
Nhưng luôn giữ bên mình.

Lại nói, rời Thanh Hóa,
Đời loạn, chưa muốn thi,
Ông theo một hảo hán
Tên là Lý Hưng Chi.

Có lần, khi phiêu bạt,
Cùng vị hảo hán này
Ông vượt qua biên giới,
Sống tạm giữa rừng cây.        

Một sáng nọ, tỉnh dậy,
Ông thấy một ông già
Dáng dị thường, quắc thước,
Cứ lởn vởn quanh nhà.

Ông già ấy, thật lạ,
Cứ nhìn ông chằm chằm,
Tay mân mê bối rối
Chiếc gậy trúc đang cầm,

Nguyễn Bỉnh Khiêm ra hỏi.
Ông đáp: Đi ngang qua
Thấy có luồng khí lạ
Bốc lên từ mái nhà.

Và rằng ông vất vả
Tìm kiếm khắp đó đây
Một cuốn sách rất quí, 
Tìm đã hai năm nay.

Khi ông già được hỏi
Cuốn sách đó là gì,
Ông đáp: Đó là cuốn
“Thái Ất Kinh tiên tri”.

Rằng thầy tôi ngày trước
Đem tặng nó một người
Là sứ thần Đại Việt,
Rồi người ấy qua đời

Trao nó cho môn đệ.
Giờ tôi tìm người này.
Vì thấy có khí lạ,
Nên tôi đã đến đây.

Người ấy có cuốn sách,
Nhưng cũng chẳng làm gì
Khi không có lời giải
Để hiểu lời tiên tri.

Tôi thì có lời giải,
Thầy trao khi qua đời.
Khi tìm được cuốn sách,
Sẽ có ích hai người.

Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe thế,
Liền lẳng lặng vào nhà,
Lấy cuốn sách “Thái Ất”,
Hai tay đưa ông già.

Ông già nhìn thấy nó,
Sụp xuống lạy rất lâu.
Rồi ông chăm chú đọc,
Đọc và giảng từng câu.

Hai người đọc, bàn luận
Bảy ngày bảy đêm dài.
Đọc và hiểu mọi chuyện
Quá khứ và tương lai.

Rồi cả hai vội vã,
Chia tay, người một nơi
Sợ hãi vì phạm thượng
Do hiểu được ý trời.

Ông già lên phương Bắc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm một mình
Về nước, thi, đỗ trạng,
Rồi sau thành Trạng Trình.

Có một anh trò giỏi
Đến thăm thầy Trạng Trình.
Hôm ấy ba mươi Tết,
Ông đang ở làng mình.

Hai người đang bàn luận
Về tướng số, tử vi,
Về nhân tình thế thái,
Về sấm ký, tiên tri.

Bỗng ngoài cổng ai đó
Bảo có việc muốn nhờ.
Ông sai anh đầy tớ
Bảo người ấy hẵng chờ.

Rồi thầy trò nhà Trạng
Cùng bấm quẻ tử vi
Để đoán biết người ấy
Sang đây để làm gì.       

Cả hai người bốc quẻ,
Trúng “thiết đoản, mộc trường”.
Tức “gỗ dài, sắt ngắn.”
Một quẻ rất bình thường.

“Theo con, người ấy đến
Để hỏi mượn chiếc mai.
Chiếc mai lưỡi sắt ngắn,
Mà cán gỗ lại dài.”

Quan Trạng nghe, liền đáp:
“Theo ý thầy, ông này.
Đến để mượn chiếc búa.
Mời ông ta vào đây.”

Và rồi ông hàng xóm
Bước vào, chào hai người,
Hỏi mượn tạm chiếc búa,
Lúc ra về, mỉm cười.

Thấy học trò ngơ ngác,
Thầy Trạng nói ôn tồn:
“Con bấm quẻ rất khá,
Ta có lời khen con.

Nhưng đúng quẻ chưa đủ,
Còn phải đoán, phải suy.
Hôm nay ba mươi Tết,
Hỏi mượn mai làm gì?

Phải chăng là mượn búa?
Cũng “thiết đoản, mộc trường.”
Để bổ củi, nấu bánh,
Đơn giản và bình thường.      


THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Cảnh mùa hè

Ngày dài, cửa thoáng, quán Trung Tân.
Hương sen theo gió tỏa xa gần.
Lai láng tình thơ ai hiểu hết.
Trên lầu chiều xế, tiếng ve ngân.

Tự thuật

Tuổi vừa bẩy chục, đã từ quan,
Về nơi núi cũ sống an nhàn.
Ngủ đến mặt trời cao mới dậy.
Đã chắc Thanh Vân hơn Bạch Vân?

Ngụ hứng

Chọn đất dựng nhà cạnh suối trong.
An nhàn vui thú với non sông.
Sáng dạo vườn rau, sương dính dép.
Đêm chơi xóm lưới ánh trăng lồng.
Lui, tiến, chơi cờ luôn tính trước.
Buông, giật, đi câu cũng bận lòng.
Lầu son xin khách đàn khe khẽ,
Kẻo nhỡ làm ta tỉnh giấc nồng.

Tự thuật

Bao người tráng kiệt thế xưa nay,
Cũng đành tạm náu lúc không may.
Ta xưa là khách nơi lầu tía,
Giờ bạn non sông ở chốn này.
Có đủ mùa xuân, hoa với lá,
Có đàn, có rượu, uống kỳ say.
Một mình đứng ngắm hoàng hôn tắt.
Mặc gió đầu trần thổi tóc bay.

Ngẫu hứng

Thấm thoắt đã già, hơn sáu mươi.
Tự thấy mình ngông, những ngậm cười.
Ham muốn làm quan giờ chẳng có.
Quán nhà, hết ngủ lại ngồi chơi.
Thanh thản ngắm hoa, nghe chim hót.
Uống rượu ngâm thơ, hưởng thú đời.
Kìa sáo nhà ai ngoài xóm vắng.
Chiều xế, ngà ngà, gió lả lơi.

Ngụ hứng quán Trung Tân

Nhà vắng không vương chút bụi trần.
Dòng sông lờ lững chảy kề sân.
Thuyền cá chiều chiều vào ghé đậu.
Hương thơm rau quế khách xa gần.
Mừng được tạm yên thời loạn lạc.
Thẹn chẳng có tài để cứu dân.
Nhàn nhã ngồi chơi, nhờ ngọn gió
Đưa vào cốc rượu chút mùa xuân.

Cảm hứng

Ai người có thể cứu muôn dân
Bị giặc xâm lăng, đợi chết dần?
Hại cả con trâu và ngọn núi,
Bừa bãi bắt giam, luật bất cần.
Mòn mỏi dân mong người dẹp loạn,
Mà đời chẳng có tướng cầm quân.
Lại đúng vào khi đang nạn đói,
Biết tìm đâu nổi chốn nương thân?

Tức sự

Bên khe, ao nhỏ với vườn cây.
Đường rợp bóng xanh, lá phủ dày.
Trời quang, nắng dịu, hoa đua nở.
Trúc xanh, khe lạnh nước in mây.
Cơm áo vợ nghèo lo chu đáo.
Khách tục không ai đến quấy rầy.
Ta già, mắc bệnh mê thơ phú,
Lại chỉ mây, trăng, gió suốt ngày.

Tỏ nỗi lòng trong dịp Nguyên Đán

Thấm thoắt tuổi đời đã sáu mươi.
Bệnh tật thi nhau đến hại người.
Thương xuân, gượng uống vài ly rượu.
Chỉ tiếc không sao giúp được đời.
Lẩn thẩn quay ra chê vợ vụng,
Trách con hư hỏng, lại chây lười.
Còn thêm cái tội chê thơ bạn
Những lúc thanh nhàn bạn đến chơi.

Cảm ơn người bạn từ Cao Xá tới thăm khi ốm

Nhớ tình huynh đệ giữa hai ta,
Thăm tôi, bác đến tự làng xa.
Thương bác cảnh nghèo thời loạn lạc.
Lo mình tự mãn giữa xa hoa.
Giữa bác và tôi chung ngọn gió,
Chung ánh trăng khuya, giọt nắng tà.
Nếu đời giữ được văn và đạo,
Thì rồi cái khổ cũng trôi qua.

Đầu năm xúc cảm, làm bài thơ này

Đã bảy mươi tư cái tuổi già.
Thầm mừng về lại đất ông cha.
Năm mới nhìn quanh, tìm cái mới.
Giàu sang chỉ có sách trong nhà.
Nhà trống trăng soi qua cửa sổ.
Bốn mùa trúc mọc tốt, xen hoa.
Ai đúng, ai sai, thôi chẳng nói.
Nhưng quả ngông, lười, đích thực ta.        

Từ quan, gửi thượng thư bộ lại Kế Khê Bá

Đếm tuổi, bây giờ quá bẩy mươi.
Hơi muộn từ quan, thẹn với đời.
Không tham vàng bạc, không ham chức.
Tiếc không tài giỏi được như người.
Mong ông gắng sức phò vua, nước.
Riêng tôi sống ẩn, cứ chê cười.
Cùng ngước nhìn lên, sao Lão Thọ
Đang chiếu trời Nam, sáng khắp trời.

Nỗi lòng người vợ có chồng nơi biên ải

Ngoài vườn gió lạnh thổi từng cơn.
Thiếu phụ phòng khuê ngủ chập chờn.
Lặng lẽ thấm qua màn, cái lạnh
Càng làm tê tái nỗi cô đơn.
Chồng xa biền biệt ngoài biên ải,
Không tiếc sức mình, tính thiệt hơn.
Tí tách sau nhà, mưa nặng hạt.
Thủ thỉ bên tai tiếng giận hờn.         

Ở làng, viết tiễn các bạn cùng chí hướng

Vẫn được ân vua, dẫu bất tài.
Nhàn nhã bên trong, bận vẻ ngoài.
Học vấn còn thua bao kẻ sĩ.
Danh hờ vọng hão bị chê bai.
Người khác vẻ vang cùng bạn hữu,
Còn ta vui thú với tùng mai.
Mây xanh không cao bằng mây trắng,
Khỏi bàn ai đúng hoặc ai sai.

Đêm cuối năm, tức sự

Năm mới đến rồi, năm cũ qua.
Rõ thật thờ ơ cái tuổi già.
Thiên nhiên không của riêng ai cả.
Đất trời bất tận lá và hoa.
Hai phen từng đã phò xe chúa.
Nhiều lần việc nước vẫn đi xa.
Năm năm được sống cùng sông núi -
Quả trời ban thưởng lớn cho ta.      


HUYỀN QUANG LÝ ĐẠO TÁI (1254 – 1334)

Huyền Quang Lý Đạo Tái
Là bậc đại thiền minh,
Người Vạn Tải, Nam Sách,
Huyện Gia Bình, Bắc Ninh.    

Gia đình ông nghèo khổ,
Bị họ hàng chê cười,
Nên bố mẹ quyết chí
Làm ăn ở đất người.

Ông không được đi học,
Thường lên chùa đứng rình
Để nghe lỏm, học mót,  
Mà thuộc chữ, làu kinh.         

Lúc ông hai mươi tuổi,
Năm một hai bảy hai,
Đỗ Trạng Nguyên, đầu bảng,
Nổi tiếng về văn tài.

Sau đó ông được bổ
Làm trong viện Nội hàn,
Soạn văn, tiếp sứ Bắc,
Rồi treo áo từ quan.   

Vua trọng tài, đức độ,
Gả con gái cho ông,
Nhưng ông muốn thoát tục
Nên cúi bẩm, xin không.

Ông qui y, theo Phật,
Tu ở chùa Hoa Yên
Ở vùng núi Yên Tử,
Nhanh chóng thành sư thiền.

Trước đấy, như ta biết,
Đức vua Trần Nhân Tông
Lên Yên Tử tu luyện,
Lập Trúc Lâm Thiền tông.

Năm một ba không tám
Ngài viên tịch, Pháp Loa
Nhận từ ngài y bát
Của dòng Thiền nước nhà.

Năm một ba một bảy,
Lúc viên tịch, Pháp Loa
Truyền cho ông y bát,
Thành vị Tổ thứ ba.      

Vua Anh Tông, lần nọ,
Đã dùng kế mỹ nhân
Để thử thách đạo hạnh
Của Huyền Quang người trần.

Tất nhiên vua thất bại,
Lòng hối hận, đức vua
Bắt mình phải vất vả
Leo lên núi, vào chùa

Xin lỗi Ngài, sau đó
Phong Ngài làm quốc sư,
Một trí tuệ sáng láng,
Một cõi tâm nhân từ.

Năm một ba ba bốn,
Ở tuổi đời tám mươi,
Ngài viên tịch, để lại
Một tấm gương cho đời.    

Huyền Quang Lý Đạo Tái
Còn là một thi nhân
Tinh tế và sâu sắc
Về cõi Phật, đời trần.

May mắn còn giữ được
Một số bài của ông
Mà khi đọc không thể
Không xao xuyến nỗi lòng.


THƠ HUYỀN QUANG LÝ ĐẠO TÁI       

Tức cảnh ngày xuân      

Người đẹp ngồi thêu dải gấm dày.
Dưới cành hoa đỏ, cánh chim bay.
Thương biết bao nhiêu xuân ý ấy,
Khi nàng tư lự chợt ngừng tay.

Trong thuyền        

Một lá thuyền con, một khách chèo,
Ra khỏi mé rừng, gió đuổi theo.
Hoàng hôn, nước lớn, con chim trắng,
Hòa lẫn sông trong với nắng chiều.

Nhà đá 

Nửa gian nhà đá lẫn trong mây.
Áo ấm mùa đông cũng đủ dày.
Sách kinh trên án, sư trên chiếu.
Mặt trời đã quá mấy tầm cây.

Họa bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh            

Cỏ vàng, khói nhạt, sóng lăn tăn.
Quán Bắc, lầu Nam nắng tắt dần.
Tiếc thơ không hứng, xuân không chủ,
Mấy bụi hoa buồn trước gió xuân. 

Ngủ trưa                        

Sau mưa khe núi sạch, ban ngày
Ngủ một giấc dài dưới bóng cây.
Tỉnh dậy nhìn đời đầy bụi bặm,
Mà tưởng như mình đang lúc say.

Trước bếp lò, tức cảnh

Hương tắt từ lâu, củi đã tàn.
Tay cầm ống thổi, quạt hoa nan.
Trẻ con hỏi chữ, vu vơ đáp.
Ai chê ta biếng, quá an nhàn?

Ngủ ngày

Tự mình cày cấy ruộng ông cha.
Cây cao bóng rợp mát quanh nhà.
Con chim ngoài cửa thôi không hót.
Đánh một giấc dài bên khóm hoa.

Nhà trong núi

Xao xuyến hương thu chạm bức rèm.
Nhà gối rừng cây tựa gối mềm.
Lòng ta yên tĩnh như sông núi.
Sao dế ngoài vườn khóc suốt đêm?

Chơi thuyền

Gặp gió, thuyền con lướt giữa dòng.
Sông xanh, núi biếc, trời mênh mông.
Tiếng sáo làng chài sau bãi sậy.
Vô ý, trăng chiều rơi đáy sông.        

Đề núi non bộ của thí chủ ở Động Hiên

Cũng núi nhấp nhô, cũng cỏ cây.
Trăng lồng khói lạnh, cánh hoa bay.
Bây giờ tục lụy thôi vương vấn,
Giấc ngủ an nhàn trong gió mây.

Gửi những người trẻ tuổi
đang tấp tểnh muốn làm quan  

Giàu sang khó bắt giống như mây.
Thời gian như nước, ngày qua ngày.
Sao không về ẩn nơi rừng núi,
Rừng thông là chiếu, gối là mây?

Thơ đề chùa Đạm Thủy

Bên chùa cây cỏ tốt, xanh tươi.
Chiều xế, trời quang, vắng bóng người.
Nhân tiện đi ngang vào Đạm Thủy,
Giúp chùa chuông mõ, nhặt hoa rơi.

Thu sớm
            
Đêm thu, hơi mát lọt qua mành.
Lá cây khẽ chạm mái nhà tranh.
Quên mất trong nhà hương đã lụi.
Ngoài vườn trăng kẹt tán cây xanh.

Hoa cúc      

Quên cả chính mình, quên nhớ thương,
Ngồi lặng đìu hiu, lạnh mép giường.
Không lịch, trong rừng nhìn cúc nở,
Giật mình mới biết đã Trùng Dương.

Thơ đề am núi Yên Tử        

Am thiền cao chót vót.
Cửa mở trên tầng mây.
Động Rồng, mặt trời chiếu.
Khe Hổ, băng còn dày.
Vụng về, không mưu chước,
Gầy yếu, gậy cầm tay.
Rừng trúc nhiều chim đậu,
Quá nửa bạn sư thầy.   
    

THÁI THUẬN TIÊN SINH (1441 - ?)

Huyện Kim Hoa ngày ấy
Có một nàng rất xinh,
Thơ văn hay, chữ tốt,
Vợ của Phù Tiên sinh.   

Nàng xuất thân danh giá,
Dẫu có lúc bần hàn,
Được học hành tử tế,
Tên là Ngô Chi Lan.

Lê Thánh Tông nghe tiếng,
Bèn cho mời vào triều
Giúp dạy các cung nữ,
Ban ân huệ rất nhiều.   

Mỗi lần vua mở yến,
Nàng được phép đứng chầu.
Vua xướng thơ, lập tức
Nàng họa lại từng câu.

Không may, bốn mươi tuổi,
Nàng lâm bệnh qua đời,
Mộ táng bên bãi cạn,
Để tiếng tốt cho đời.

Cuối đời Lê Uy Mục,
Có một anh học trò
Tên Tử Biên, ăn học
Lâu ngày ở kinh đô.

Một hôm, nhớ bố mẹ,
Về Thái Nguyên thăm nhà,
Chàng bỗng gặp mưa lớn
Khi đến huyện Kim Hoa.

Giữa đồng không mông quạnh,
Bốn bề trời tối đen,
Bỗng xa xa le lói,
Mờ ảo một ánh đèn.

Chàng lại gần và thấy
Một ngôi nhà lợp tranh
Gọn gàng và ấm cúng,
Cây rậm rạp xung quanh.                

Chàng muốn vào trú tạm,
Người gác cổng không cho.
Nhìn vào trong, chàng thấy
Hai người đang chuyện trò.

Đó là một mệnh phụ
Đài các, đẹp như tiên,
Và một ông đứng tuổi
Đang cầm sách ngồi bên.

Bất chợt, mệnh phụ nói:
“Trời mưa gió thế này,
Người ta xin vào trú,
Sao không cho vào ngay!”

Chàng Tử Biên lặng lẽ
Theo người hầu vào trong,
Ngồi nghỉ trên nền cứng
Của chái nhà phía đông.

Khoảng canh hai, bất chợt
Chàng thấy một ông già
Đẹp lão và quắc thước
Cưỡi trên một con la.    

Con la ấy màu tía,
Tấm vải phủ màu hồng.
Còn râu ông và tóc
Trắng và mịn như bông.

Hai người kia ra đón:
“Thật phiền Thái Tiên sinh!”
Khách đáp: “Muốn đàm đạo
Phải có tâm và tình.”

Rồi cả chủ và khách
Cùng nói chuyện văn chương,
Hết bài này bài khác,
Vui, say mê khác thường.

Bất chợt, ông khách nói:
“Hình như đang có người
Lén nghe ta đàm đạo.”
Mệnh phụ chủ nhà cười:

“Bàn chuyện văn là tốt,
Nghe lén cũng chẳng sao.
Vậy mời anh bạn trẻ
Muốn nghe thì cứ vào!”

Chàng Tử Biên cả sợ,
Nhưng cũng ghé ngồi nghe,
Cúi lạy, xin các vị
Chỉ giáo cho đôi bề.

Thái Tiên sinh lẳng lặng
Lấy đâu đó trong người
Một tập giấy bọc vải,
Đưa cho chàng, mỉm cười:

“Về thơ văn, tốt nhất,
Con hãy đọc tập này.
Khỏi cần tìm đâu nữa,  
Mọi cái đều ở đây.”

Rồi cả chủ và khách
Cúi chào nhau, chia tay.
Chàng Tử Biên chợt tỉnh
Khi trời mới rạng ngày.

Chàng giật mình, kinh hãi
Thấy đang nằm giữa đồng
Cạnh hai ngôi mộ cũ
Bên bờ một dòng sông.

Kinh ngạc hơn: cuộn giấy
Ông khách đưa cho chàng
Đang nằm kia, gần cạnh,
Rực rỡ dưới nắng vàng.

Chàng liền mở, chỉ thấy
Bốn chữ đẹp tuyệt vời
Là “Lã Đường Thi Tập”,
Nét mực vẫn còn tươi.

Về sau, chàng dò hỏi
Biết đôi mộ ngoài đồng
Là mộ của mệnh phụ
Ngô Chi Lan và chồng.

Còn Lã Đường thi sĩ
Là bút hiệu xưa nay
Của nhà thơ Thái Thuận,
Một cây bút bậc thầy.

Sinh một bốn bốn mốt,
Mất chưa rõ, bình sinh
Ông người xã Song Liễu,
Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.      

Năm Hồng Đức thứ sáu,
Tức một bốn bảy lăm,
Ông thi đậu tiến sĩ
Rồi làm quan nhiều năm.

Thái Thuận là sao sáng
Trong Hội Thơ thời ông -
“Tao Đàn phó nguyên súy”,
Chỉ sau Lê Thánh Tông.

Thơ ông sâu và nhã,
Nghe nói hàng nghìn bài,       
Không may thất lạc hết,
Mai một một danh tài.

Được thi nhân gợi ý,
Tử Biên về làng ông
Tìm “Lã Đường Thi Tập”,
Thoạt nhìn mà đau lòng.

Mối mọt ăn gần hết
Rời rạc mấy trăm trang.
Chỗ đọc được, chỗ mất,
Vất vả mãi, rồi chàng

Chép lại được trọn vẹn
Cũng vài trăm bài thơ.
Đời sau dùng bản ấy
Truyền mãi đến bây giờ.

Câu chuyện này tôi kể
Lấy trong cuốn Truyền Kỳ
Của tác giả Nguyễn Dữ,
Có thật mà ly kỳ.

Nhân đây cũng xin nói,
Thái Thuận trong truyện này
Là cụ tổ đáng kính
Của họ Thái ngày nay.

Tôi là một hậu duệ
Cũng đến mấy chục đời.
Gia phả họ ghi rõ
Từng tên làng, tên người.

Hiện tôi may có được
Cuốn Thi Tập của Ngài,
Và lạm phép tạm dịch
Khoảng sáu bảy chục bài.

Thích thì mời các vị
Vào đọc thơ Cụ tôi
Trong “Cổ Thi Tác Dịch”,
In cũng mấy năm rồi.

Cái hay và cái đẹp
Nhường cụ Thái tiên sinh.
Còn cái dở, cái chán
Tôi xin nhận về mình.


THƠ THÁI THUẬN

Bến Hoàng Giang

Hoàng Giang, thuyền ghé bến.
Nhà tranh khói bập bồng.
Trẻ con, ba bốn đứa
Tìm bắt cáy ven sông.

Oán mùa xuân ở Tây Hồ

Đêm đêm thấm lạnh ánh trăng tà.
Không thuộc nhà nào, xuân cứ qua.
Cuộc vui đã hết, buồn ngơ ngác,
Buồn không ai đến hỏi mua hoa.

Nhìn khói xuân buổi sáng sớm

Nguyệt lặn, xa xa hửng sáng dần.
Hoa lồng bóng nguyệt múa ngoài sân.
Theo mặt trời lên, trăng xạm tối,
Trao hàng liễu biếc cái sầu xuân.     

Làng ven núi

Mưa tạnh, đường làng ngập xác hoa.
Nhao nhác quạ bay giữa nắng tà.
Ông lão bạc đầu hờ hững quét
Cánh đỏ cánh vàng chẳng xót xa.

Chiều muộn bên sông

Bãi sông, nhân nước ngập,
Nhà nông tranh thủ cày,
Giục trâu đi, cò trắng
Giật mình, nháo nhác bay.     

Buổi sáng, xuất phát sớm từ làng ven sông

Xóm chài gà gáy rộn đâu đây.
Trăng mờ khói nước phía trời tây.
Gió thổi bờ lau, thu vạn dặm.
Mờ mờ bãi cát cánh chim bay.        

Đêm xuân

Trăng chiếu qua rèm, trắng lẫn đen.
Không người dệt gấm để hàn huyên.
Chợt tỉnh, như nghe ai khẽ gọi.
Sau bụi cúc vàng, tiếng đỗ quyên.

Xóm nhỏ ven sông

Trên sông triều rút, lộ cát lầy.
Từng đàn chim trắng rủ nhau bay.
Một chiếc áo tơi che khói lạnh.
Trên trời gió thổi, cuốn sông mây.   

Đầu xuân

Năm cũ hết rồi, sương mới tan.
Đào chưa ra nụ, liễu yếu tàn.
Đa tình đám cỏ ngoài sân vắng
Đã kịp xanh rờn, chạy trước xuân.  

Đề thơ ở đình Bến Chiền

Bụi đời chưa sạch, sáng hôm nay
Nhàn, buộc thuyền thơ ở bến này.
Núi sông cảnh đẹp lên thăm thú.
Chắc gì có dịp lại về đây!

Sáng sớm, đi Đông Triều

Gà còn chưa báo sáng,
Thuyền đã đi, lúc này
Triều đang lên, nước đục,
Nhợt nhạt mảnh trăng gầy.
Gió lạnh thổi ngoài bãi.
Bến cá chìm trong mây.
Khúc Thương Lang ai hát,
Chim giật mình trên cây.        

Đi sớm

Ra đi trời chưa sáng,
Trăng gặp người trên sông.
Ảo mờ như trong mộng.
Mây là là trên đồng.
Trước hoa, đỗ quyên hót.
Đo đỏ đèn bãi nông.
Đi qua hết chợ cũ
Mới nghe chuông chùa Bồng.

Đêm thu ở Tràng An

Tiếng chày đập vải vọng từ đâu.
Một mình quán trọ giữa thu thâu.
Khí mát đầy sân, cơn gió thổi.
Lạnh lẽo trăng soi nửa gác lầu.
Tù và rền rĩ trên thành vắng.
Dế khóc buồn buồn ngoài bãi dâu.
Trăm mối cảm thương không nén được.
Chỉ sợ sáng mai bạc trắng đầu.

Quán khách đêm thu

Nhà tranh che khuất vệt sao mờ.
Tiếng dế kêu hoài, buồn vẩn vơ.
Lá rụng một sân, thu sắp hết.
Nửa gối gió lùa, tỉnh giấc mơ.
Kẻ Bắc người Nam, nhiều nước mắt.
Trời đất xưa nay luôn hững hờ.
Bao bận tương tư, thi hứng tắt.
Cảm hoài, quán khách chẳng thành thơ.

Thơ đề ở chùa Phổ Lại

Núi đến đây gặp suối.
Núi chạy từ phía đông.
Tiếng chuông xuôi về biển.
Trăng thu soi xuống sông.
Rồng ngâm nước ngoài bãi.
Cò đứng ngủ bên song.
Thỉnh thoảng sư thức giấc
Vì tiếng sáo ngư ông.    

Phòng khuê đêm thu

Canh năm chuông điểm, ánh trăng mờ.
Mưa gió xen vào cả giấc mơ.
Gối lẻ, đèn tàn, thu lạnh lẽo,
Cái buồn ly biệt gửi vào thơ
Không dám lên lầu trông mỏi mắt.
Phong thư đã viết vẫn nằm chờ.
Ngàn vạn đóa hoa, tươi lại héo.
Gió lạnh sen tàn, cọng xác xơ.


NGƯỜI VIỆT NAM XÂY TỬ CẤM THÀNH Ở BẮC KINH

Không phải ai cũng biết
Một người Việt chúng ta
Xây Cố Cung hoa lệ
Cho vua chúa Trung Hoa.

Hơn thế, người Việt ấy
Vốn là một hoạn quan,
Sử sách ít nhắc đến.
Người đó là Nguyễn An.

Là kiến trúc sư trưởng
Xây khu Tử Cấm Thành,
Một nhà đại trị thủy,
Thế mà chẳng lưu danh.

Mãi các nhà sử học
Mới biết ông gần đây.
Hình như sử Trung Quốc
Cố tình quên chuyện này.

Nguyễn An là thợ giỏi,
Quê ở vùng Hà Đông,
Một làng nghề nào đó,
Làng mộc hoặc làng đồng.

Khi mới mười sáu tuổi,
Ông đã theo người thân
Vào xây hoặc tu sửa
Các cung vua nhà Trần.

Năm một bốn không bảy,
Khi diệt xong nhà Hồ,
Quân Minh mang về nước
Nhiều trai Việt khôi ngô.

Sau đó họ bị thiến
Để trở thành hoạn quan.
Trong số những người ấy
Có chàng trai Nguyễn An.

Thấy ông giỏi tính toán,
Có biệt tài xây nhà,
Lại liêm khiết hiếm thấy,
Nên vua nước Trung Hoa,

Lúc ấy là Thành Tổ,
Đặc biệt rất tin dùng.
Vua giao ông phụ trách
Việc xây khu Cố Cung.

Lúc ấy ông còn trẻ,
Mới ba mươi tuổi đời,
Được toàn quyền sai khiến
Khoảng mười tám vạn người.

Kể từ khâu thiết kế,
Lo vật liệu, thi công,
Đến hoàn thiện mỹ thuật,
Việc gì cũng do ông.

Phải là người nhân cách
Và tài năng cực kỳ
Mới làm nổi điều ấy,
Tránh được lời thị phi.

Một công trình tốn kém
Suốt hàng chục năm ròng,
Khó khăn và vất vả,
Cuối cùng cũng làm xong.

Nguyễn An được vua thưởng
Năm mươi lạng vàng nguyên,
Thêm một trăm lạng bạc
Và một vạn quan tiền.

Chưa kể tám tấn thóc
Và bài vị, sắc phong...
Tất cả để ghi nhận
Công và tài của ông.

Có một con sông lớn
Tên là sông Hoàng Hà,
Thường xuyên gây lũ lụt.
Ngẫm mà lòng xót xa.

Vua nhà Minh lần nữa
Phải nhờ ông ra tay,
Đem tài năng xuất chúng
Trị thủy con sông này.

Đích thân ông gia cố
Các công trình thủy nông.
Phu phen hàng chục vạn
Răm rắp nghe lời ông.

Sau đó ông lại “trị”
Con sông dữ Tắc Dương,
Sông Trạch Chư, Trương Thụ,
Nơi ông chết dọc đường.        

Nguyễn An là gương sáng
Về làm việc hết mình,
Về tài năng, đức độ,
Liêm khiết và công minh.

Trên đường đến xây dựng
Đê đập ở Sơn Đông,
Ông chết, có trăn trối
Đừng xây lăng cho ông,

Mà dùng số tiền ấy
Cho dân chúng trong vùng,
Người không may gặp lụt,
Rơi vào cảnh khốn cùng.

Nhân tiện xin nhắc đến
Những người như Nguyễn An,
Các chàng trai Đại Việt
Bị biến thành hoạn quan.

Phạm Hoằng, một thợ giỏi,
Vua Anh Tông nhà Minh
Sai xây Vĩnh An Tự
Tây Nam thành Bắc Kinh.

Đó là một chùa lớn,
Vua hài lòng, gọi ông
Là “Bồng Lai Cát Sĩ”,
Cho khắc tên ghi công.

Thêm một người khác nữa,
Có tên là Vương Cần.   
Ông tài giỏi đến mức,
Nghe kể lại, một lần

Người ta bỗng phát hiện,
Rằng ông là hoạn quan
Mà vẫn còn “cái ấy”,
Tội chém, không phải bàn.

Thế mà vua tha chết,
Cho ra sống ngoài đời.
Còn tặng mấy cung nữ,
Rồi có con - mười người!

Tuy nhiên, người giỏi nhất
Lại là Hồ Nguyên Trừng,
Một thiên tài quân sự,
Danh tiếng rất lẫy lừng.

Ông này, như ta biết,
Là con Hồ Quí Ly,
Bị bắt sang Trung Quốc,
Có số phận li kỳ.

Lịch sử đã ghi lại
Rất chính xác, rằng ông,
Lần đầu trên thế giới
Chế tạo súng thần công.

Nhờ loại vũ khí đó
Mà nhà Minh nhiều lần
Đánh bại quân phương Bắc,
Xem ông như vị thần.

Về sau, ông, người Việt,
Làm Thượng thư bộ Công
Của thiên triều Đại Hán.
Kể cũng đáng hả lòng.            



NGUYỄN DỮ (? - ?)

Dân ta hay sùng ngoại,
Không chịu khám phá mình.  
Trong văn chương, Nguyễn Dữ
Đâu kém Bồ Tùng Linh.

Một ông viết Chí Dị,
Ông kia viết Truyền Kỳ.
Đều là chuyện ma quái,
Nói chung, chẳng khác gì.

Hơn thế, ông Đại Việt
Viết trước ông người Tàu,
(Thực ra người Mông Cổ)
Hai trăm năm về sau.

Nguyễn Dữ người Gia Phúc,
Tỉnh Hải Dương ngày nay.
Phùng Khắc Khoan là bạn,
Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy.

Người ta vẫn chưa biết
Ông sinh, mất năm nào.
Chỉ biết ông nổi tiếng
Học rộng và tài cao.

Làm quan thời nhà Mạc
Nhờ đỗ đầu thi Hương.
Sau ông treo mũ áo,
Ở ẩn vì chán chường.

Ông lui về trí sĩ
Vùng Thanh Hóa ngày nay,
Nhàn rỗi, viết cuốn sách
Rất nổi tiếng sau này.

Cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục,
Hai mươi chương vừa xinh.
Mỗi chương là một truyện,
Có kèm theo lời bình.

Văn cụ Nguyễn súc tích,         
Chất ma quái rất nhiều,
Về nhân tình thế thái,
Về tội lỗi, tình yêu.


TRUYỆN NGUYỄN DỮ
1. TRUYỆN NÀNG NHỊ THANH

Xưa, chàng Trình Trung Ngộ
Quê ở xứ Bắc Hà,
Vốn con nhà giàu có,
Thường đi buôn bán xa.

Thuyền chàng luôn neo đỗ
Dưới chân cầu Liễu Khê.
Chợ Nam Xang gần đấy,
Cây xanh tốt bốn bề.

Đêm, lên bờ đi dạo,
Chàng thường thấy một nàng
Trẻ tuổi, rất xinh đẹp.
Chắc con gái trong làng.

Sau vài lần trò chuyện,
Từ lạ thành quen thân.
Nàng lên thuyền tối tối
Hai người cùng ái ân.

Nàng còn giỏi đàn hát,
Biết luận bàn văn thơ.
Chàng Trình thêm mê mẩn,
Tưởng mình đang trong mơ.

Cứ thế, suốt một tháng,
Nàng đến lúc nửa đêm,
Ra về trời gần sáng,
Lửa tình càng bén thêm.

Một lần, do nài ép,
Nàng miễn cưỡng đưa chàng 
Đến một căn lều nhỏ
Ở tận cuối mép làng.

Khi vừa vào đến cửa,
Chàng giật mình, sững sờ
Thấy chiếc quan tài đỏ
Đặt trước chiếc bàn thờ.

“Giường em đây, - nàng nói,
Chỉ vào chiếc quan tài. -
Em không muốn chàng biết,
Nhưng chàng cứ van nài.”

Chàng hoảng hồn, bỏ chạy.
Nàng túm áo không cho.
Cũng may áo bị đứt,
Chàng về được bến đò.

Hôm sau, cho người hỏi
Thì biết nàng Nhị Thanh,
Chết đã được mấy tháng,
Xác quàn trong lều tranh.      

Thương cho Trình Trung Ngộ
Đổ bệnh rồi phát điên.
Suốt ngày đêm nằng nặc
Đòi được rời khỏi thuyền.       

Người ta trói chàng lại,
Không cho gặp Nhị Thanh,
Vì đêm nàng vẫn đến,
Tha thiết gọi người tình.

Một tối nọ, bất chợt,
Không ai biết chàng Trình
Bỗng nhiên biến đâu mất,      
Dẫu sông nước xung quanh.

Cuối cùng người ta thấy
Chàng chết trong túp lều,
Tay ôm quan tài đỏ
Bên cạnh xác người yêu.

Rồi cả hai xác ấy
Được đem chôn bên nhau
Bên một ngôi chùa cổ,
Mặc mưa gió dãi dầu.

Cũng đêm đêm, từ đó
Người ta thấy hai người
Cùng nắm tay đi dạo
Giữa mịt mùng mưa rơi.


2. TÂY VIÊN KỲ NGỘ

Ở Thiên Trường thời ấy,
Thuộc Nam Định ngày nay,
Có một người trò giỏi
Lên kinh đô tìm thầy.

Hà Nhân là tên họ,
Khoảng vào năm Thiệu Bình,
Chàng được nhận vào học
Thầy Nguyễn Trãi Tiên sinh.

Chàng thông minh, chăm chỉ,
Không hư hỏng, chơi bời.
Một tấm gương sáng chói
Cho lớp trẻ cùng thời.

Hàng ngày chàng đi học
Tắt Tây Viên cho gần.
Đó là dinh cơ cũ
Của Thái Sư triều Trần.

Giữa những bức tường đổ,
Chàng thường thấy hai người,
Hai cô gái xinh đẹp,
Nhìn chàng và mỉm cười.

Có khi họ hái quả
Hoặc ném hoa cho chàng.
Rất nhiều lần, cứ thế,
Chàng quen thân hai nàng.

Một, Nhu Nương, họ Liễu.
Hai, Họ Đào, Hồng Nương,
Cả hai là tỳ thiếp,
Được Thái Sư yêu thương.

Anh học trò nghèo ấy,
Vì ngoan và thông minh,
Đêm, rủ hai người đẹp
Đến nhà trọ của mình.

Việc sinh viên, sĩ tử
Rủ gái chơi đến nhà
Xưa nay không gì lạ.
Cái lạ đáng nói là

Anh chàng này khiêm tốn
Lại rủ cả hai nàng,
Không chỉ để trò chuyện,
Mà qua đêm với chàng.

Thế mới biết thời ấy
Sinh viên cũng chịu chơi.
Đêm nào họ cũng đến,
Chàng tiếp cả hai người.

Một hôm chàng cao hứng,
Đến thăm nhà hai nàng
Trong khu vườn đổ nát,
Mờ ảo dưới trăng vàng.

Giao hoan suốt đêm ấy,
Tỉnh dậy sáng hôm sau,
Thấy mình nằm trên cỏ
Và u u trong đầu.

Nghĩa là chàng cũng biết
Đang ăn nằm với ma.
Biết mà vẫn quyến luyến,
Chuyện học hành lơ là.

Nên dễ hiểu, sau đó
Chàng gầy như chiếc tăm.
Nghỉ học nhiều, bị đuổi,
Chỉ còn việc ngày nằm

Để đêm đến say đắm
Phục vụ cả hai nàng.
Cứ nghe mà phát khiếp.
Tôi thì xin đầu hàng.

Hơn thế, bỗng bố mẹ
Bắt lấy vợ mới gay.
Bạn nghĩ chàng từ chối?
Còn lâu. Những anh gầy

Các cụ nói rất giỏi,
Giỏi cái “chuyện ấy” mà.
Vậy là chàng hăng hái
Một lúc chiều cả ba!

Rồi kiệt sức, chàng chết.
May để lại cho đời
Một bài học đắt giá:
Sinh viên đừng ham chơi.

Nhất là đừng trai gái.
Chuyện học chớ lơ là.
Nếu quả không đừng được
Thì đừng ngủ với ma.

Ngủ với người vừa ấm,
Lại vừa được an toàn.
Nhưng chỉ một thôi nhé.
Nhiều hơn là đời tàn.


3. ĐÔNG TRIỀU PHẾ TỰ

Dân chúng vào thời ấy,           
Tức là đời nhà Trần
Ai ai cũng tin Phật
Và tin các quỉ thần.

Người qui y, xuống tóc
Đi tu ngày càng nhiều.
Chùa chiền mọc nhan nhản,
Nhất là vùng Đông Triều.

Tín ngưỡng được tôn trọng,
Dân chúng thì lòng lành,
Nên cầu gì được ấy,
Cuộc sống rất yên bình.

Đến đời vua Giản Định,
Binh lửa nổi triền miên,
Khắp nơi đều loạn lạc,
Giặc phá hết chùa chiền.

Sau nhờ Đức Lê Lợi
Đánh đuổi được nhà Minh,
Mọi người về quê cũ,
Lại sinh sống hòa bình.

Có điều, khác hẳn trước,
Không hiểu sao bây giờ
Hay xẩy ra trộm cắp,
Thường xuyên và bất ngờ.

Mất trộm từ gà vịt,
Đến quả chín trên cây,
Con cá nuôi trong ruộng,
Ban đêm lẫn ban ngày.

Những tưởng bọn hư đốn
Trong làng xóm gây ra.
Người ta tìm bắt chúng,
Nhưng tìm mãi không ra.

Hay thần linh giận dữ,
Và Đức Phật từ bi,
Do không được cúng độ,
Thôi phù hộ độ trì?

Ông nghè Nguyễn Tư Lập
Là tri phủ Đông Triều,
Thấy thế rất lo lắng,
Buồn, thấy chùa đổ xiêu.

Ông bèn cho sửa lại
Dẫu không được như xưa,
Nhưng cũng khá tươm tất,
Lễ cúng cũng dư thừa.

Thế mà nạn trộm cắp
Vẫn tiếp tục xẩy ra.
Tri phủ Nguyễn Tư lập
Nghĩ chắc có ma tà.

Ông cho mời phù thủy
Đốt vàng mã, yểm bùa,
Còn cho thuyền tống tiễn,
Nhưng cũng chẳng ăn thua.

Thấy thế, ông cả sợ,
Cho mời Vương tiên sinh,
Một thầy bói Dịch giỏi,
Người ở huyện Kim Thành.

Vương gieo quẻ rồi nói:
Muốn trừ được nạn này,
Sáng mai cho nha lại
Cứ đi về hướng Tây.

Hễ thấy ai cưỡi ngựa,
Áo thợ săn da dê,
Đeo túi da, tên thiếc,
Thì mời người ấy về.

Người ấy sẽ chắc chắn
Giúp được quan trừ tà.
Tư Lập nghe, mừng rỡ,
Thưởng ông rất nhiều quà.

Hôm sau, theo lời dặn,
Một người đúng thế này
Được mời đến huyện phủ,
Nhờ ra đức, ra tay.

Nhưng ông ta tự nghĩ
Mình chỉ là thợ săn
Chắc quan huyện nhầm lẫn
Mới tiếp đãi ân cần.

Nên ông rất khó xử,
Chẳng biết làm thế nào.
Muốn giúp, không giúp được,
Biết ăn nói ra sao?

Thế là khuya, đêm ấy
Ông trèo tường trốn đi.
Trăng mờ mờ, ảo ảo,
Núi một vệt đen sì.

Bất chợt ông nhìn thấy
Có hai người khổng lồ,
Vụng về và chậm chạp,
Đang đi từ phía hồ.

Hoảng sợ, ông lẩn trốn
Vào bụi cây bên đường
Vừa run, vừa quan sát
Hai người ấy dị thường.

Họ cho tay xuống ruộng,
Bắt cá rồi ăn ngay,
Khoe với nhau những vụ
Trộm cắp ở vùng này.

Rồi họ đến ruộng mía,
Bẻ mía ăn như voi.
Một loáng, hết cả ruộng,
Vừa xoa bụng vừa cười.

Không nghi ngờ gì nữa,
Đây là hai con ma
Thủ phạm các vụ trộm
Người ta tìm chưa ra.

Ông thợ săn nghĩ thế,
Liền vội rút cung tên,
Bắn hai phát trúng đích,
Lập tức nghe tiếng rên.

Nghĩ một mình thế yếu,
Ông gọi to dân làng.
Dân làng nghe, chạy tới,
Đèn và đuốc sáng choang.

Họ lần theo vết máu,
Đến ngôi chùa giữa đồng
Lâu nay bỏ hoang phế,
Có cây gạo phía đông.

Trước ngôi chùa hoang ấy
Nổi tiếng cả Đông Triều,
Nhiều năm không hương khói,
Mái và tường vẹo xiêu.

Họ vào chùa, kinh ngạc
Thấy máu chảy ra ngoài.
Còn hai ông hộ pháp
Mũi tên cắm vào tai.

Đám dân chúng tức giận,
Xưa nay mất lợn gà,
Đập nát hai bức tượng
Rồi hoan hỉ về nhà.

Từ đấy tịnh không thấy
Một vụ trộm nào thêm.
Ma quỉ cũng chẳng có.
Mọi chuyện thế là êm.

Ngôi chùa hoang ngày ấy
Tồn tại đến ngày nay,
Thiếu hai ông hộ pháp.
Không ngẫu nhiên điều này.


NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Khi nói đến Nguyễn Trãi,
Là nói đến người hiền,
Một nhà văn hóa lớn
Và vụ Lệ Chi Viên.        

Ông xuất thân cao quí,
Con của Nguyễn Phi Khanh,
Cháu ngoại Trần Nguyên Đán,
Rất giỏi đường học hành.

Ông sinh ở Chí Ngại,
Huyện Chí Linh, Hải Dương,
Sau chuyển về Thường Tín,
Sống cuộc sống dân thường.

Khi nhà Hồ thành lập,
Bố ông ra làm quan,     
Đứng đầu Quốc Tử Giám,
Được xem là công thần.

Cùng lúc ấy Nguyễn Trãi
Thi đỗ Thái học sinh,
Được bổ làm Chính Chưởng
Nhờ uyên bác, thông minh.

Khi nhà Hồ sụp đổ,
Cùng nhiều quan hàng đầu
Bố ông bị giặc bắt
Rồi đưa về nước Tàu.

Từ một bốn không bảy
Ông phiêu bạt đó đây.
Không ai biết Nguyễn Trãi
Làm gì thời gian này.    

Năm một bốn một sáu,
Trong Hội thề Lũng Nhai,
Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi,
Anh tài gặp anh tài.

Ông đã trình Lê Lợi
Ba lời khuyên Bình Ngô,
Hết lòng giúp minh chúa        
Xây dựng lại cơ đồ.

Ông là quân sư giỏi,
Một nhà ngoại giao tài,
Người có công rất lớn
Đưa Lê Lợi lên ngai.

Khi công thành danh toại,
Triều nhà Lê, tiếc thay,
Bắt đầu chia phe cánh,
Mâu thuẫn tăng hàng ngày.

Năm một bốn hai chín,
Trần Nguyên Hãn quyên sinh
Khi Lê Lợi xuống chiếu
Bắt giam người bạn mình.

Nghe lời bọn xu nịnh,
Vua giết bạn thứ hai
Là tướng Phạm Văn Xảo,
Liêm khiết và có tài.

Rồi nhiều công thần khác,
Liên quan hai người này,
Cũng bị giết thê thảm,
Kêu trời, trời có hay.

Đại công thần Nguyễn Trãi
Cũng bị vua giam cầm,
Xem thường, không sử dụng
Và quên lãng nhiều năm.

Khi Lê Thái Tổ mất,
Lê Thái Tông lên thay,
Nguyễn Trãi được trọng dụng,
Dạy cho ông vua này.   

Nhưng rồi lại phe cánh,
Lại chước quỉ mưu ma,
Nguyễn Trãi lại thất sủng
Vì những lời gièm pha.

Năm một bốn ba tám,
Ông lui về Côn Sơn,
Điền trang của ông ngoại,
Giữa rừng thông xanh rờn.

Và rồi cuối cùng đến
Cái án được lưu truyền
Như tiếng kêu oan ức -
Vụ án Lệ Chi Viên.

Năm bốn hai, tháng Chín,
Hai mươi tuổi, Thái Tông
Cùng một đoàn bộ xậu,
Đi tuần ở miền Đông.

Đến Chí Linh, Nguyễn Trãi
Mời vua ghé chơi chùa.
Lúc về, nàng Thị Lộ
Ông cho theo hầu vua.

Nguyễn Thị Lộ lúc ấy
Đã bốn mươi tuổi đời,
Là thiếp của Nguyễn Trãi,
Đa tình và xinh tươi.

Phần vì đẹp, khéo nói,
Phàn vì tài văn chương,
Bà được vua gần gũi
Và yêu quí khác thường.

Giữa đường vua dừng lại
Ở quán Lệ Chi Viên,
Tức là quán Vườn Vải,
Nghỉ ngơi và định thiền.

Đêm hôm ấy, bất chợt
Vua đổ bệnh, qua đời.
Chỉ một mình Thị Lộ
Luôn túc trực bên người.

Đến nay vẫn chưa biết
Vì sao vua băng hà.
Chỉ hai người, vua chết
Bên bà, hay trên bà?    

Rồi bà và Nguyễn Trãi
Bị buộc tội tày trời,
Lệnh tru di tam tộc,
Giết ba họ, ba đời.

Mười mấy ngày sau đó,
Lệnh đã được thi hành.
Nguyễn Trãi cùng ba họ
Bị nhà Lê hành hình.

Một anh hùng dân tộc,
Một khai quốc công thần
Đã bị giết thế đấy,
Vô lý và bất nhân.

Ngẫm mà thương số phận
Của các bậc đại thần
Cái thời mông muội ấy,
Cái thời vua hôn quân.

Phù vua và cứu chúa,
Để đưa vua lên ngai.
Vua nhỏ nhen, quay lại
Giết các bậc hiền tài.    

Sau khi Nguyễn Trãi chết,
Các tác phẩm của ông
Bị đốt sạch, phá sạch -
Một cảnh tượng đau lòng.

Những áng thơ tuyệt đẹp
Của một đại thi nhân
Bị biến thành tro bụi
Như xưa ở nước Tần.

Hăm hai năm sau đó,
Lê Thánh Tông lên ngôi,
Minh oan cho Nguyễn Trãi,
Nhưng cũng việc đã rồi.

Có truyền thuyết kể lại,
Bố ông, Nguyễn Phi Khanh,
Xưa làm nghề dạy học,
Định cuốc vườn cỏ gianh.

Đêm ông mơ, bất chợt
Có một người đàn bà
Dẫn theo một lũ trẻ
Đến nằn nì xin tha.

Bà xin ông hoãn lại
Thư thư một vài ngày
Để bà tìm chỗ mới
Đi khỏi khu vườn này.

Sáng dậy ông đã thấy,
Lúc dọn vườn, học trò
Giết chết một bầy rắn.
Ông giật mình, thấy lo.

Tối ấy, khi đọc sách
Có con rắn để rơi
Từ trên xà giọt máu,
Rơi xuống đúng chữ “đời”.

Giọt máu trên cuốn sách
Thấm xuống đúng ba trang.
Ông lờ mờ chợt hiểu,
Ngồi lặng yên, bàng hoàng.

Về sau con rắn ấy,
Với ý định trả thù,
Biến thành Nguyễn Thị Lộ,
Đưa ba họ vào tù.         

Khi bà Nguyễn Thị Lộ
Bị dìm chết dưới sông,
Bà lại thành con rắn,
Lẩn trốn dưới đám rong.

Theo các nhà sử học,
Truyền thuyết này lạ đời.
Do nhà Lê bịa đặt
Để lừa dối mọi người.

Sự thật thì vụ án
Do nhà Lê gây ra
Do tranh giành quyền lực
Trong nội bộ hoàng gia.

Chỉ oan cho Thị Lộ,
Phi lý và bất ngờ.
Một vụ án oan khuất.
Đau đến tận bây giờ.


THƠ NGUYỄN TRÃI

Tiếng chày đập vải mùa thu ở xóm nhỏ

Tiếng chày đập vải rộn khắp sông.
Đêm vắng, khách nghe chợt chạnh lòng.
Vợ người lính ải vào tiếng nện
Gửi hết tâm tư nỗi nhớ chồng.

Buổi chiều đứng trông

Bao la trời rộng, nước bao la.
Cuối thu, lá đỏ rụng quanh nhà.
Mang nặng việc đời, chưa ẩn dật.
Thèm thành chim trắng lượn bên hoa.

Thơ đề ở Vân Oa

Nắng chếch rèm thưa, giường sách đầy.
Ngoài vườn gió thổi, trúc lung lay.
Rỗi, chẳng làm gì, ôm gối ngủ.
Cửa sổ, tất nhiên, mở suốt ngày.

Ngẫu hứng

Đời là giấc mộng, thật mong manh.
Tỉnh mộng, than ôi, việc chẳng thành.
Những muốn suốt đời ngồi đọc sách
Bên dòng suối nhỏ, giữa rừng xanh.

Giấc mộng trong núi

Quanh động Thanh Hư trúc mọc dày.
Suối như màn kính, gió lung lay.
Đêm qua trăng sáng trong giấc ngủ,
Mơ cưỡi hạc vàng bay lên mây.

Bến đò xuân đầu trại

Cỏ xuân đầu bến rối như mây.
Lại mưa, sông nhỏ nước dâng đầy.
Con đường bên cạnh dài heo hút.
Gối bãi, thuyền côi ngủ suốt ngày.   

Cuối xuân tức cảnh

Cánh cửa phòng văn đóng suốt ngày.
Khách tục không hề bước đến đây.
Chim quyên buồn hót thương xuân muộn.
Ngoài vườn hoa nở, mưa lây rây.     

Nghe mưa

Phòng tối, đêm tĩnh lặng,
Ngồi nghe mưa một mình.
Mưa não nề, buốt lạnh,
Rơi thánh thót năm canh.
Tiếng chuông như ngái ngủ,
Bên cửa, trúc rùng mình.
Thơ đọc mãi, khó ngủ,
Thức tới rạng bình minh.

Gửi bạn

Vất vả quanh năm, chán sự đời.
Mọi việc đành cam phó mặc trời.
Tấc lưỡi đang còn, còn nói được.
Thân còm chưa chết, chỉ nằm chơi.
Vụn vặt thời gian trôi, khó giữ.
Quán trọ đêm đêm lạnh đất người.
Đọc sách mười năm mà kiết xác,
Ăn toàn rau củ để cầm hơi.

Đêm thu khách cảm

Treo chiếu làm mành, quán trước thôn.
Ủ tay đọc sách buổi hoàng hôn.
Gió thổi lá rơi, thương lữ khách.
Đêm mưa, đèn lạnh, giấc mơ buồn.
Sau loạn, người quen không thấy nữa.
Buồn nhìn đau đớn cảnh càn khôn.
Cuối cùng muôn việc đều hư ảo,
Nói chi Phàm, Sở mất hay còn.

Ngày hạ ngẫu tác

Gia truyền chỉ có tấm chăn xanh.
Loạn ly, may được sống yên lành.
Xưa nay mọi việc do trời định.
Đời người, giấc mộng cứ trôi nhanh.
Nửa giường gió mát tha hồ ngủ.
Một vò rượu trắng vợi lòng anh.
Duy vẫn nhớ quê, mong lại được
Quay về sông núi, mái nhà tranh.

Sau loạn, đến Côn Sơn, cảm tác

Mười năm thấm thoắt đã xa nhà.
Quay về, tùng rậm, cúc ra hoa.
Có hẹn với rừng mà nhỡ hẹn.
Cúi đầu, chỉ biết trách mình ta.
Làng quê quen thuộc mà như lạ.
Thân còn nguyên vẹn buổi can qua.
Bao giờ được dựng lều trên núi,
Múc nước khe sâu để uống trà?      

Đêm đậu thuyền ở cửa biển

Xa nhà đã mấy chục năm nay.
Đêm buộc thuyền thơ ở bến này.
Sóng gợn mênh mang, trăng chiếu lạnh.
Trên bờ cao thấp những lùm cây.
Ơn nước chưa đền, mai đã bạc.
Thời gian như nước tuột qua tay.
Lo trước vui sau, luôn nghĩ ngợi.
Chăn lạnh ngồi ôm đến rạng ngày.

Ngẫu nhiên viết thành thơ

Làm quan mà rỗi, sướng thân ta.
Chẳng thiết giao du, cứ ở nhà.
Sáng dậy đốt trầm, mây sát cửa.
Tùng reo bên gối, tối pha trà.
Chăm chỉ tu thân, làm việc thiện.
Đọc nhiều mụ óc, chóng thành ma.
Cái bệnh suốt đời không thực tế,
Về già có vẻ nặng thêm ra.

Đêm thu ở đất khách, cảm hứng

Xạc xào tiếng gió thổi cành cây.
Làm buồn lòng khách bấy lâu nay.
Lá úa vàng sân hơn quá nửa.
Đèn xanh mưa hắt mấy canh chầy.
Bệnh lắm, xương còm nên ngủ ít.
Việc quan nhàn nhã cũng thành hay.
Bớt nghĩ một điều, thêm một sướng.
Được thua không tính nữa từ nay.  

Tức cảnh

Hiên, song đều nhỏ, cảnh thanh bần.
Nhà quan mà chẳng khác nhà dân.
Dưới cây đọc sách, lòng thanh thản,
Trên sông câu cá, thú an nhàn.
Mưa tạnh, hơi thu xuyên cửa sổ.
Gió chiều, lá rụng, múa ngoài sân.
Nằm khểnh bên song, không lụy tục,
Thư thái lòng ta chẳng vướng trần. 

Ngẫu hứng trên thuyền

Sau mưa, cửa biển nước dâng cao.
Gió ru muôn sóng, biển rì rào.
Nửa rừng chiều xế như rây khói.
Chuông làng lay động ánh trăng sao.
Phong cảnh chiều người, thơ có họa.
Mải ngắm non sông, rượu rót trào.
Những chuyến chơi xưa đều nhớ hết.
Việc đời muốn nhớ, chỉ chiêm bao.


TRẦN NGUYÊN HÃN (? – 1429)

Một trong mười chín vị
Dự Hội thề Lũng Nhai,
Ông là một danh tướng,
Có đức và có tài.

Ông chiến đấu dũng cảm,
Không quản ngại hy sinh
Giúp chủ tướng Lê Lợi
Đánh bại giặc nhà Minh.

Thế mà đời oan nghiệt,
Khi kháng chiến thành công,
Chính vị chủ tướng ấy
Đã nỡ lòng giết ông.

Lời thề Lũng Nhai ấy,
Hỡi ôi nay còn đâu?
Thương cho Trần Nguyên Hãn
Dưới chín suối ngậm sầu.

Xuất thân, Trần Nguyên Hãn
Là dòng dõi họ Trần,
Chắt của Trần Quang Khải,
Nguyễn Trãi - bà con gần.

Ông sinh ở Lập Thạch,
Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Có một số học giả
Không nhất trí điều này.

Sách cũ có kể lại
Ông gánh dầu bán rong,
Tìm người chung chí hướng
Bàn kế cứu non sông.

Cuối cùng Trần Nguyên Hãn
Và Nguyễn Trãi tiên sinh
Hội tụ với Lê Lợi
Cùng chống giặc nhà Minh.

“Tang thương ngẫu lục” chép
Rằng Nguyễn Trãi và ông
Lần đầu gặp Lê Lợi                             
Rất không vui trong lòng

Khi thấy vị chủ tướng
Xé thịt ăn bằng tay
Nhồm nhoàm và thô lỗ,
Nên họ bỏ đi ngay.

Lần thứ hai, khi đến
Thấy Lê Lợi mải mê
Đọc binh thư không chán,
Họ ở lại, không về.

Hai ông được trọng dụng.
Nguyễn Trãi làm quân sư.
Nguyên Hãn làm soái tướng
Gian khổ chẳng hề từ.

Khi còn ở Thuận Hóa,
Ông đánh bại quân Minh,
Dù quân chúng áp đảo,
Trong trận đánh Tân Bình.

Sau đó là chiến thắng
Trong trận Đông Bộ Đầu
Khi ông và Lê Lợi
Đánh ra Bắc cùng nhau.

Ông cũng là chủ soái
Trận đánh thành Xương Giang,
Một trận đánh quyết định
Khiến giặc phải đầu hàng.

Về chức, sau Lê Lợi,
Trần Nguyên Hãn thứ hai,
Cao hơn cả Nguyễn Trãi,
Tạm gác chuyện đức, tài.

Trong danh sách Đại Việt
Ở Hội thề Đông Quan,
Ông chỉ sau Lê Lợi
Khi hai bên nghị bàn.

Năm một bốn hai chín,
Ông xin phép nhà vua
Được lui về trí sĩ,
Bên vườn thuốc, sân chùa.

Có sách bảo ông nói,
Rằng Lê Lợi bề ngoài
Giống Việt vương Câu Tiễn,
Nên khó ở với ngài.

Câu Tiễn mép như quạ,
Ranh ma, không thực lòng.
Có thể ông nói thế.
Cũng có thể là không.

Hơn thế, vua khó chịu
Khi thấy ông xây nhà
To đẹp như phủ đệ
Mà nghĩ chắc gian tà.

Vua nghi ông phản nghịch,
Nên ra lệnh bắt ông.
Giữa đường ông tự tử
Bằng cách nhảy xuống sông.

Trước khi chết ông nói:
“Hoàng thượng đã cùng ta
Xưa vào sinh ra tử,
Nay nghe lời gièm pha

Mà bắt ta phải chết.
Hỏi trời, trời biết không?”
Trời chưa kịp đáp lại
Thì nước đã dìm ông.

Về sau, Trần Nguyên Hãn
Được nhà Lê minh oan.
Nhưng con cháu nhất mực
Không chịu ra làm quan.

Lê Lợi là minh chủ,
Có lúc đã không minh,
Nhưng nhân dân yêu quí
Vị tướng giỏi của mình.

Nhiều nơi trong cả nước,
Nhất là vùng Sơn Đông,
Nơi ông đã tự tử,
Dựng đền thờ thờ ông.


PHÙNG KHẮC KHOAN (1528 – 1613)   

Phùng Khắc Khoan nổi tiếng
Là một người tài, hiền.
Ông mới đậu Hoàng giáp,
Chưa hề đậu Trạng nguyên,

Nhưng được gọi là Trạng,
Chính xác là Trạng Bùng,
Vì quê ở Thạch Thất,
Và sinh ở làng Bùng.

Nghe người ta nói lại,
Phùng Khắc Khoan là em,
Tuy khác cha, cùng mẹ,
Với Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Được cha dạy từ nhỏ,
Rồi lại theo học anh,
Ông tấn tới nhanh chóng
Trên con đường học hành.

Nhưng dười triều nhà Mạc,
Ông không chịu đi thi.
Trung với triều Lê cũ,
Chỉ ở nhà ngủ khì.

Năm một năm năm bảy,
Ông đỗ đầu thi Hương,
Lúc đã hăm chín tuổi,
Rồi theo đường quan trường.

Trịnh Kiểm biết ông giỏi,
Cho làm ở Ngự dinh,
Trông coi bốn quân vệ,
Tham dự việc cơ binh.

Vua cho mở thi Hội,
Năm một năm tám không.
Ông thi đỗ Hoàng giáp,
Làm Thị lang bộ Công.           

Năm một năm chín bảy,
Sáu mươi chín tuổi đời,
Ông được cử đi sứ,
Tài đối đáp hơn người.

Chỉ hai năm sau đó,
Ông được thăng Thượng thư,
Bộ Công rồi bộ Lại,      
Rồi về quê nhàn cư.

Trong thời gian đi sứ,
Phùng Khắc Khoan nhập tâm
Học cách trồng ngô bắp,        
Cách dệt the, nuôi tằm.

Về nước, ông truyền lại
Cho dân chúng trong làng.
Một số nơi, vì thế,
Tôn ông làm Thành hoàng.

Một số giống lúa tốt
Ông cũng lén mang về
Để giúp dân Thạch Thất
Trồng chúng ở đồng quê.

Sau khi thành trí sĩ,
Ông ra đồng hàng ngày
Giúp dân đào kênh, rạch
Vùng xung quanh núi Thầy.

Nhờ thế mà có nước
Tưới cho các cánh đồng
Ở Phùng Xá, Hoàng Xá,
Giúp phát triển nghề nông.

Phùng Khắc Khoan, ta biết,
Còn là một nhà thơ,
Cả chữ Nôm, chữ Hán,
Lưu được đến bây giờ.

Ông còn là tác giả
“Sấm Thượng thư họ Phùng”,
Người đời chắc vì thế
Gọi ông là Trạng Bùng.

Thơ ông rất tao nhã,
Phong cách không giống ai.
Ông viết nhiều, chỉ tiếc,
Lưu được ba trăm bài.


THƠ PHÙNG KHẮC KHOAN

Viết trả lời người mang rượu đến xin thơ

Còn hơn cả rượu, hứng thơ say.
Ngang vò rượu quý bài thơ này,
Thơ đã làm xong, rượu uống hết.
Trùm thơ, trùm rượu là ta đây!

Thơ tức sự ở công quán

Tuổi già, đi sứ đến Yên Kinh.
Đế đô cảnh vật thật thanh bình.
Gió thổi qua cây như tiếng suối.
Trong vườn, xuyên lá, nắng lung linh.

Bến Bành Thành
Viết ở sông Tuy Thủy, huyện Bành Thành, Từ Châu, vốn là chỗ đóng đô của Hạng Vũ, có đài Hý Mã và đền Bành Tử.

Hý Mã đài xưa dấu vẫn còn.
Nhà khách bên đường, rặng liễu non.
Tuy Thủy, Bành Thành nguyên như cũ,
Công danh Hán Sở đã phai mòn.


Tự thuật
    Viết năm Quý mão (1543), lúc 16 tuổi.

Tự biết mình non, tuổi học hành,
Đêm ngày phải học để thành danh.
Quý nhất trong nhà là quyển sách.
Chiếc cày là bút vẽ nên tranh.
Sự nghiệp phải đi đường ngay thẳng.
Làm người phải biết trọng thanh danh.
Làm con trước hết thờ cha mẹ,
Rồi sau mới nghĩ chuyện tung hoành.


Ngày đầu xuân
  Viết năm Mậu Thân, lúc 21 tuổi.

Vua mới ban cho lịch Mậu Thân.
Vậy là lần nữa lại mùa xuân.
Lộc nhú, hoa tươi, gì cũng mới.
Lá biếc, non xanh, mây trắng ngần.
Năm mới, mọi người thay cái cũ.
Đất trời vạn vật rất quen thân.
Xuân đến, điều lành mong sẽ đến.
Cần chi cắt lụa giống đời Tần.

Nguyên Đán
        Viết năm Bính Thìn, lúc 29 tuổi.

Xuân đi, xuân đến tự xoay vần.
Lòng người háo hức với mùa xuân.
Núi sông cảnh đẹp như tranh vẽ.
Cỏ cây thay sắc đã bao lần.
Say đất, say trời, ta uống rượu.
Ngồi nhàn quán trọ viết thơ văn.
Cưỡi ngựa ngắm hoa là thú thích,
Hơn nhiều gà chọi ở Tràng An.

Từ xa gửi cho bạn

Từ khi xa bác đến bây giờ,
Chẳng viết thư nhiều, chỉ viết thơ.
Muốn bẻ cành mai, mai chửa mọc,
Bạn bè gặp mặt chỉ trong mơ.
Giang sơn xa cách tuy nghìn dặm,
Tấm lòng trung nghĩa chẳng thờ ơ.
Tài lớn cần dùng vào việc lớn.
Kẻ sĩ sao cam mãi đợi chờ?

Đêm ba mươi tết

Đêm ba mươi tết, thức làm thơ.
Không ngủ suốt đêm, cứ thẫn thờ.
Trong thành đây đó đèn thắp sáng.
Ngoài ngõ nơi nơi rợp bóng cờ.
Nửa đêm khí lạnh còn chưa hết.
Canh ba trời bỗng ấm bất ngờ.
Mai nở bên thềm như báo lịch.
Quả rằng Thiệu Tử giỏi thiên cơ.

Đêm thu hoài cảm

Đồng hồ chảy chậm, mới canh ba.
Nỗi lòng ai hiểu thấu cho ta.
Đầu tháng thuyền trăng treo trước cửa.
Cuối năm gió lạnh thổi sau nhà.
Lo nghĩ giúp đời không ngủ được,
Hết ngồi đọc sách lại nhìn hoa.
Cái chí làm trai lo việc lớn,
Chứ đâu vui thú với đàn bà.

Leo núi buổi sớm

Sáng sớm vào rừng leo núi chơi.
Bình minh nhuốm đỏ phía chân trời.
Lau lách xếp hàng, đầu khẽ cúi.
Hoa nở, chim ca đợi đón người.
Cây cỏ thân quen như bạn cũ.
Mây gió gợi tình, phút thảnh thơi.
Nào quản hang sâu, khe đá hiểm,
Ta quyết leo cao, đứng giữa trời.

Sáng sớm qua Tây Đô

Đô thành, trời rạng, sáng xa xa.
Cảm hứng dạt dào khi ghé qua.
Tường đá bám rêu, xanh ẩm mốc.
Long lanh suối nước, liễu la đà.
Năm tháng trôi đi, còn vết cũ.
Cảm hứng non sông vẫn mặn mà.
Cha con họ Hồ giờ không thấy,
Chỉ thấy gió vờn trên mặt ta.

Khuyên người đi học

Chăm lo việc học phải do mình.
Trời không can dự việc nho kinh.
Người giỏi, dạy con thường đã khó,
Dễ gì đọc sách lúc đao binh.
Học rộng, lòng thông như suối chảy.
Cái tham tự bớt, sống yên bình.
Khi ít đam mê, lòng sẽ nhẹ,
Cần gì bổng lộc với quang vinh?

Hiếu

Hiếu là đạo lớn khắp gần xa.
Trăm điều đức hạnh đó mà ra.
Cái đạo làm con là báo hiếu,
Phụng dưỡng, tôn thờ bậc mẹ cha.
Chu Công, Ngưu Thuấn là gương tốt.
Đại hiếu, đại trung, nước lẫn nhà.
Còn ta, thật tiếc dù tâm niệm,
Chưa thể làm tròn đạo của ta.

Đi qua chỗ nước xiết ở Quảng Bình

Vâng mệnh nhà vua đi việc công,
Gặp nơi nước xiết chẳng sờn lòng.
Muôn dặm đường xa không ngại khổ.
Trèo đèo vượt suối cứ như không.
Gánh vác trên vai là việc nước.
Treo đầu ngọn bút núi và sông.
Khi nước thái bình, mong hậu thế,
Lưu lại công danh được mấy dòng. 

Ở nhà trọ gặp mưa, chờ tạnh

Định lên đường sớm, lúc tinh mơ,
Bỗng đâu mưa lớn, phải ngồi chờ.
Mưa tạnh, trong rừng chim líu ríu.
Ngoài đồng bò gặm cỏ non tơ.
Mây vương đầu núi, trời trong vắt.
Chân ngựa quen đường, bước nhởn nhơ.
Trời sáng thế này, điềm tốt đẹp,
Báo thời Nho thịnh, phát văn thơ.

Năm mới

Được mất ở đời, đều tại thiên.
Nuôi dưỡng lúc nhàn khí hạo nhiên.
Ngâm vịnh khác xưa, năm mới đến.
Bất ngờ mai nở trắng ngoài hiên.
Hương hỏa ba sinh duyên kiếp trước
Muôn quyển Thi Thư, ấy bạn hiền.
Mừng thời vận tốt, mừng năm mới,
Thêm một tuổi xuân, một tuổi tiên.

Tự xướng, tự họa

Kinh Thi chưa kịp đọc nhiều lần,
Đi sứ bất tài, thật khó khăn.
Nhưng được vua giao, dù tuổi tác,
Lên đường, không gợn chút băn khoăn.
Thành đô ngoái lại nhìn lưu luyến,
Thẹn mình chưa hiểu hết thơ văn.
Cố đem trung nghĩa làm nên việc,
Để có hòa bình, đỡ khổ dân.  

Mừng năm Bính Tuất

Vâng chiếu nhà vua đi sứ xa.
Nay đúng mùa xuân, trở lại nhà.
Theo gót anh tài đi đây đó,
Mở mày, mở mặt với người ta.
Mới biết mùa đông, tùng khí phách,
Và mai đẹp nhất các loài hoa.
Nay việc đã xong, chào thiên tử,
Ta lại trở về nước Nam ta.

Thơ đáp lại sứ thần Triều Tiên

Trọn tình, vẹn nghĩa sẽ bền lâu.
Đọc sách thánh hiền đến thuộc lầu.
Việt Triều hai nước dù xa cách
Nhưng cùng gốc rễ bám rất sâu.
Bang giao phải lấy tình làm gốc.
Muốn xây nghiệp lớn - nghĩa làm đầu.
Sứ bộ mai kia về cố quốc,
Hãy ngắm nhìn mây lúc nhớ nhau.


CAO BÁ QUÁT (1809 - 1855)         

Một hiện tượng kỳ lạ
Trên thi đàn nước ta.
Đó là Cao Bá Quát,
Một nhà thơ tài ba,

Một ông quan chính trực,
Đèo bòng nợ văn chương
Rồi sau thành “tướng giặc”,
Bị giết ở chiến trường.

Ông sinh ở Phú Thị,
Huyện Gia Lâm bây giờ
Bố ông và ông nội
Là thầy thuốc yêu thơ.

Ngày bé ông nghèo khổ
Nhưng nổi tiếng thông minh,
Văn hay và chữ tốt,
Thần đồng tỉnh Bắc Ninh.      

Thế mà thi luôn trượt.
Mãi sau ông thi Hương,
Đỗ Á Nguyên Hà Nội,
Nhưng thật tiếc, quan trường

Xếp ông vào cuối bảng
Trong số hai mươi người
Đỗ cử nhân lần ấy.
Bất công và buồn cười.

Sau đó ông vào Huế
Thi Hội, khá nhiều lần,
Nhưng lần nào cũng trượt.
Dù rất giỏi thơ văn.

Năm một tám bốn một,
Được quan tỉnh Bắc Ninh      
Tiến cử làm công chức,
Ông khăn gói vào kinh,

Rồi làm chức quan nhỏ
Trong bộ Lễ, thường niên
Ông được làm sơ khảo
Trường thi tỉnh Thừa Thiên.

Một lần chấm, ông tiếc,
Thấy một số bài thi
Viết hay và súc tích
Nhưng vô tình phạm qui.

Thế là cùng Phan Nhạ,
Một người chấm như ông,
Cao Bá Quát chữa lại
Bằng mực pha son hồng.

Việc lộ, ông bị bắt,
Đáng lẽ xử tử hình,
Sau vua xét, hạ xuống
Thành “giảo giam hậu trình”.

Tức tạm giam đợi lệnh.
Ba năm sau, được tha
Để “dương trình hiệu lực”,
Tức chuộc tội, đi xa.     

Ông theo Đào Trí Phú,
Lên tàu lớn Phấn Bằng
Sang Nam Dương “hiệu lực”,
Kéo dài gần một năm.

Rồi sau được phục chức
Ở bộ Lễ, nhưng ông
Lần nữa bị sa thải,
Lại quay về Thăng Long.       

Năm một tám bốn bảy,
Bỗng có giấy mời ông
Quay lại Huế làm việc,
Một công việc văn phòng,

Là chỉnh lý thơ phú
Cũng có khi sưu tấm,
Nói chung là nhàn nhã
Ngay trong Viện Hàn lâm.

Do bản chất công việc,
Ông làm quen ở đây
Với Miên Trinh, Miên Thẩm.
Hai vị hoàng thân này

Đã mời ông gia nhập
Và đàm đạo đôi khi
Với nhóm thơ của họ,
Gọi là Mạc Vân Thi.     

Nhưng ba năm sau đó,
Do mất lòng quan thầy,
Ông bị đổi ra Bắc
Làm giáo thụ Sơn Tây.

Sau đó ông buồn chán,
Treo áo mũ, về nhà,
Mượn cớ cha vừa mất,
Phải phụng dưỡng mẹ già.
Năm một tám năm bốn,
Trời nắng hạn lâu ngày,
Lại gặp nạn châu chấu,
Dân đói, nhiều ăn mày.

Ông bí mật vận động
Một số người có tiền
Và sĩ phu yêu nước
Khởi nghĩa chống chính quyền.

Từ Quốc Oai, Vĩnh Phúc
Đến Lạng Sơn, Cao Bằng
Có nhiều người hưởng ứng,
Tinh thần cũng rất hăng.

Lại thêm Đinh Công Mỹ,
Bạch Công Trân Sơn Tây,
Các thổ mục giàu có,
Rất ủng hộ việc này.

Việc tụ nghĩa cứ vậy,
Được tiến hành từ từ.
Lê Duy Cự - minh chủ.
Cao Bá Quát - quốc sư.

Thành trì quân khởi nghĩa
Là vùng núi Mỹ Lương,
Kiểu thay trời hành đạo,
Chống áp bức, bạo cường.

Rất tiếc, việc bại lộ
Khi chuẩn bị chưa xong,
Nên cuối năm năm bốn,
Ông buộc phải tấn công.

Lúc đầu nghĩa quân thắng
Ở Tam Dương, Thanh Oai,
Sau quân vua đánh rát,
Phải thua chạy dài dài.

Năm Giáp Dần, tháng Chạp,
Được người Thái, người Mường
Bổ sung vào lực lượng
Ở cứ điểm Mỹ Lương,

Ông chủ động đánh chiếm
Thành Yên Sơn lần hai,
Ngày nay huyện lỵ ấy
Là thị trấn Quốc Oai.

Phó lãnh binh Lê Thuận
Đem quân dàn hàng ngang,
Hai bên đang huyết chiến,
Tên đội Đinh Thế Quang

Cho lính bắn tới tấp
Vào hàng ngũ nghĩa quân.
Cao Bá Quát trúng đạn,
Ngã xuống chết bất thần.

Rồi tướng Nguyễn Văn Thực
Và tướng Nguyễn Kim Thanh
Cũng lần lượt bị bắt,
Chém, đầu bêu ngoài thành.

Hơn trăm quân khởi nghĩa
Đã bỏ mạng lần này
Cùng tám mươi người khác
Bị bắt và đi đày.

Vua Tự Đức từ Huế
Xuống chiếu thưởng, khao quân,
Ra lệnh cắt cắt thủ cấp
Cao Bá Quát nghịch thần      

Rồi cho xe bêu riếu
Khắp các tỉnh Bắc Kỳ,
Xong, đưa vào cối giã,
Để nước sông cuốn đi.

Quốc sư Cao Bá Quát
Còn là một nhà thơ,
Một nhà thơ rất lớn,
Nổi tiếng cả bây giờ.

Khi khởi nghĩa thất bại,
Triều đình đốt sách ông.
May mắn còn giữ được
Trong các thư viện công

Tổng cộng, không kể truyện,
Gần nghìn rưởi bài thơ
Chủ yếu thơ chữ Hán,  
Ý hay và bất ngờ.

Thơ ông là khí phách
Của một bậc túc nho,
Một tấm lòng yêu nước
Khao khát dựng cơ đồ. 


CAO BÁ QUÁT, GIAI THOẠI        

Cao Bá Quát từ nhỏ
Đã nổi tiếng thần đồng,
Ăn nói giỏi, chí lớn,
Kinh và sử thuộc lòng.

Lớn lên càng khí phách,
Không khuất phục người nào,
Nhất là bọn ngu dốt
Loại lý trường, cường hào.

Lần nọ, nhân lý trưởng
Đắp đôi voi ngoài đình,
Quát làm bài thơ nhỏ,
Còn ký cả tên mình:

“Đôi voi đắp đẹp đấy,
Đủ cả đuôi, cả vòi.
Sao không thấy “cái ấy”,
Hay ông lý ăn rồi?”

Lão lý trưởng tức lắm,
Nhưng không dám làm gì.
Dính vào bọn con nít,
Người lớn sẽ xầm xì.

Lần nọ, vua Minh Mạng
Kinh lý ra Thăng Long.
Dân đi xem đông đúc,
Quát cũng muốn thấy ông.

Hôm ấy trời oi bức,
Quát xuống tắm Hồ Tây
Đúng lúc Minh Mạng đến,
Dừng kiệu ngắm hồ này.

Cậu giả đò sợ hãi,
Tồng ngồng leo lên bờ.
Vua cho là hỗn láo,
Sai lính trói, bắt chờ.

Cậu khóc, xin tha tội,
Xưng mình học trò nghèo.
Vua nói tội này láo,
Phải đánh đúng mười hèo.

Học trò chắc giỏi chữ,
Vậy câu đối vua ra,
Nếu đối được, đối đúng,
Vua chiếu cố, sẽ tha.

“Dưới hồ, cá đớp cá.”
Vua nói rồi mỉm cười.
Quát lập tức đáp lại:
“Trên bờ, người trói người.”

Minh Mạng biết mình hớ
Để thằng nhóc con này
Đặt mình ngang với hắn,
Nhưng hứa rồi, tiếc thay.

Cao Bá Quát học giỏi,
Nhưng thi trượt đều đều.
Người Thăng Long thời ấy
Gọi Thánh Quát, Thần Siêu.

Số là bọn quan lại,
Ghét, tìm cách dìm ông.
Năm một tám ba một,
Đi thi Ở Thăng Long,

Bài ông làm rất tốt,
Nên được đậu cử nhân,
Thế mà khi thi Hội,
Quan ngửi thấy giọng văn

Đúng của Cao Bá Quát,
Bèn đánh trượt tức thì.
Nhưng ông vẫn không nản
Và tiếp tục đi thi.

Tiếp tục lại thi trượt,
Vì khẩu khí của ông
Quan đọc qua là biết.
Cuối cùng ông nản lòng,

Bỏ về quê nằm khểnh,
Suốt ngay chỉ rong chơi,
Làm thơ hay đọc sách
Và lặng lẽ chờ thời.       

Ở Thăng Long lúc ấy
Có thầy Nguyễn Văn Siêu,
Nổi tiếng là hay chữ,
Học trò theo rất nhiều.

Một lần Cao Bá Quát
Tò mò đến xem sao.
Tới nơi, đứng tựa cửa
Chốc chốc ghé nhìn vào.

Nguyễn Văn Siêu thấy lạ,
Bèn cho hỏi là ai.
Đáp: Học trò, nhân tiện
Đến ghé thăm thầy tài.

Thế thì hãy đối lại
Vế đối này bây giờ:
“Thầy, chõng tre cót két.”
“Trò, sân gạch thẩn thơ.”      

Quát đáp ngay tắp lự,
Vừa chuẩn lại vừa hay.
Siêu phục tài, giữ lại
Rồi đàm đạo suốt ngày.

Từ đó họ thành bạn
Dù tuổi tác chênh nhau,
Thành “Thần Siêu”, “Thánh Quát”,
Rất ý hợp tâm đầu.

Quát tuy còn ít tuổi,
Nhưng kiêu căng, khinh người.
Nói: Xưa này chỉ có
Bốn bồ chữ trên đời.

Hai bồ là của Quát.
Một - của Nguyễn Văn Siêu.  
Cả thiên hạ chỉ một,
Mà thế cũng là nhiều.   


THƠ CAO BÁ QUÁT

Tắm ở khe Bàn Thạch
         
Sáng tắm khe Bàn Thạch.
Nhặt sỏi chơi suốt ngày.
Cả giang sơn nhặt mãi,
Chưa đầy một vốc tay.

Tám bài tứ tuyệt vịnh Hồ Tây

Cầm câu, thong thả dạo quanh co.
Không câu, chỉ muốn vợi buồn lo.
Lũ cá không tin người vô hại,
Hễ thấy, đua nhau trốn đáy hồ.       

Cô gái đi trên cầu lúc chiều tối

Lo rét không bằng lo đói ăn.
Gạo đắt, phải cầm cả áo, khăn.
Biết có người chờ bên bậu cửa,
Lầm lũi một mình rảo bước chân.   

Chiều tà, uống rượu say, trở về

Uống say, nghiêng ngả, tự về nhà.
Một dải sông mờ phía xa xa.
Xuống ao khẽ hỏi bông sen đỏ:
"Liệu có đỏ bằng mặt của ta?"       

Qua núi Dục Thúy

Đất trời có Dục Thúy.
Muôn thuở có chùa này.
Phong cảnh đã tuyệt đẹp,
Lại thêm ta đến đây.
Muốn leo lên đến đỉnh
Gửi lòng vào trời mây.
Muốn mà làm không được.
Thường vẫn thế đời này.

Trả lời Trần Ngộ Hiên

Gặp nhau, chỉ đứng lặng.
Bác đừng trách thằng này.
Bất tài mà bị ghét.
Ốm, còn chạy suốt ngày.
Biển xa, sông càng xiết.
Trời lạnh, trăng thêm gầy.
Nhiều khi buồn, tự hỏi:
Đời đểu, tính sao đây?  

Trọ ở Lạc Sơn

Đường hẻm quanh co giữa núi ngàn.
Chân đi, đi mãi, nghĩ miên man.
Khe núi lơ thơ làn khói biếc.
Con suối lách qua bậc đá tràn.
Tiễn khách, chim bay, kêu thảng thốt.
Đón người, nở muộn những chùm lan.
Còn trẻ mà thân luôn lặn lội.
Đường đời phía trước thật gian nan.

Chơi phố Hội An, gặp đào hát người Vị Thành

Tiếc gặp nhau đã muộn,
Lại đất khách thế này.
Xa quê, nghe đàn hát
Dưới trăng vàng đêm nay.
Đèn sáng, lửa lòng tắt.
Lệ khô, rượu còn đầy.
Bạn bè giờ đã ít,
Tiếc gì bài hát hay.        

Đêm ngồi một mình

Nhà thị thành, chật hẹp.
Người vừa ốm vừa già.
Suốt một đời vất vả.
Thua từ lúc sinh ra.
Hết lụt lại đến hạn.
Dân đói khổ, kêu ca.
Muốn giúp đời, không được,
Thẹn mình là nho gia.   

Nghe tin Lưu Nguyệt Trì ra Bắc,
không đến tiễn được, xin gửi bài thơ này

Trời cho tính ngay thẳng,
Mà đời lắm long đong.
Tiếc đôi chân quá ngắn,
May giữ được tấm lòng.
Giận đời luôn tráo trở.
Nhớ nhà, đêm ngóng trông.
Nhà tôi chắc khổ lắm.
Bác ghé thăm được không?   

Người ăn mày

Ngập ngừng, dù đói rét,
Không dám xin người đời.
Chỉ một xu là sống.
Áo quần rách tả tơi.
Quan quát: “Đang vụ thuế,
Mày còn bỏ đi chơi?”
Các cháu đừng trêu chọc:
Ăn mày cũng là người!

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét