Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Thơ Đường




Thơ Chữ Hán Trung Quốc
TẦN THAO NGỌC

Không rõ năm sinh, năm mất, tự Trọng Minh, người Kinh Triệu, đỗ khoa chuẩn sắc năm 882, làm quan tới chức Công bộ thị lang.


758. Cô gái nghèo

Lều tranh, chưa biết cảnh sang giàu.
Ngại nhờ mai mối để làm dâu.
Trang điểm sơ sài, trông ái ngại,
Đâu sánh thanh tao chốn gác lầu.
Không khoe mình giỏi đường kim chỉ.
Chẳng muốn tô mày, thêm khổ đau.
Để làm áo cưới cho người khác,
Năm năm mòn mỏi những đường khâu.



VU LƯƠNG SỬ

Chưa rõ tiểu sử tác giả.


759. Đêm trăng trên núi xuân

Núi xuân lắm cảnh đẹp.
Quên về, ngắm mê say.
Chơi hoa, hương thấm áo.
Vốc nước, trăng đầy tay.
Hứng lên, đi khắp chốn.
Muốn về, tiếc lắm thay.
Phía nam, tiếng chuông đổ.
Gác lầu mờ phía tây.



TRƯƠNG KÍNH TRUNG

Không rõ năm sinh, năm mất, sống thời Thịnh Đường, từng làm Giám sát ngự sử và Tiết độ sứ ở Bình Lô rồi Kiếm Nam. "Toàn Đường thi" còn hai bài.


760. Cảnh biên cương

Xuân ở Ngũ Nguyên vốn muộn mằn.
Mãi đến bây giờ băng mới tan.
Tháng Hai mà liễu chưa buông tóc.
Giờ này hoa rụng ở Trường An.



CHƯƠNG KIỆT

Chưa rõ tiểu sử tác giả.


761. Ly biệt giữa mùa xuân

Vất chén biệt ly, dẫu vẫn vương.
Chưa xong nhạc tiễn, đã lên đường.
Cương vàng, ngựa bước bên hoa đỏ.
Lệ chảy lầu son, người tựa tường.
Xuân xanh đã đến trên cành liễu,
Nước trắng sông Thông còn tuyết sương.
Chỉ nhắc đừng quên đem áo ấm -
Mùa hè vẫn lạnh ở biên cương.



LA NGHIỆP

Chưa rõ tiểu sử tác giả.
                                                             

762. Ngắm cảnh chiều trên bờ đầm Bộc Dịch

Người đến nơi này những xót xa.
Hoa lau, đầm nước giống quê nhà.
Bao giờ mới được lòng thanh thản?
Thu về vó ngựa giục lòng ta.
Ruộng vườn xơ xác, về đông muộn.
Đường xá khó khăn, lên bắc xa.
Ngoài bãi, nhìn kia, chim sướng thật,
Bay lượn từng đôi giữa nắng tà.



TRỊNH CỐC

Chưa rõ năm sinh, năm mất, tự Thư Ngu, hiệu Diệc Sơn, người Viên Châu, nay thuộc tỉnh Giang Tây; làm quan đến chức Đô quan lang trung. Tác phẩm có "Vân đài biên", "Nghi Dương tập" và "Quốc phong chính quyết".


763. Thơ đề vách nhà trọ

Đêm xuân giấc ngủ thấm hương hoa.
Én bay, cây phủ kín quanh nhà,
Nến hồng lạnh lẽo, cành hoa gãy.
Đường tới Thường Sơn còn bao xa?


764. Trên sông Hoài tiễn bạn cũ

Liễu xanh Dương Tử rợp bên đường,
Làm kẻ sang sông lòng vấn vương.
Xế bóng, chia tay, nghe sáo thổi,
Rồi người đến Tần, người Tiêu Tương.


765. Đọc tập thơ của Lý Bạch

Sao văn, sao rượu, cả sao băng
Đưa Lý tiên sinh nhập vĩnh hắng.
Vừa say vừa viết ba nghìn khúc,
Cho đời, để lại một vành trăng.


766. Bên sông

Mờ mịt khói sương, những chấm thuyền.
Dòng sông xơ xác sậy hai bên.
Trời thấp, cảnh buồn, cây trụi lá,
Làm ai nhìn thấy cũng ưu phiền.
Một rừng lá úa, ve kêu lạnh.
Muôn lớp sóng dồi, cò ngủ yên.
Binh lửa chưa qua, già đã đến.
Thong thả ngâm thơ, nhớ Sản Xuyên.



CHU PHÓNG

Tên chữ là Trường Thông, không rõ năm sinh, năm mất, người Thương Châu cuối đời Đường, từng làm chức Tham quân cho Tào vương, sau ở ẩn ở Khe Sàn, tỉnh Chiết Giang..


767. Thơ đề ở chùa Trúc Lâm

Khác cõi trần luôn vội,
Đây chỉ toàn núi mây.
Trúc Lâm, chùa mến khách.
Ta đã đến nơi này.



ĐINH TIÊN CHI

Không rõ năm sinh, năm mất, người Khúc Hà, từng làm huyện úy Dư Hàng, là nhà thơ cuối đời Đường.


768. Qua sông Dương Tử

Thuyền đã đến giữa dòng.
Hai bờ sóng mênh mông.
Ven rừng - trạm Dương Tử.
Thành Nhuận Châu phía đông.
Biển xa, biên giới vắng.
Gió bấc thổi trên sông.
Nghe tiếng thu xào xạc,
Tiếng lá rụng ngoài đồng.



TRIỆU CỔ

Sinh năm 815, năm mất không rõ, tự Thừa Hựu, người Sơn Dương, nay là huyện Hoài An, Giang Tô. Ông đỗ tiến sĩ năm Hội Sương, sau làm quan úy ở Vị Nam.


769. Trên lầu bên sông, nhớ chuyện cũ

Bên sông, tư lự đứng trên lầu.
Dưới trăng, trời nước sáng như nhau.
Y nguyên phong cảnh như năm ngoái.
Người dạo cùng ta giờ ở đâu?


770. Đêm thu ở Tràng An

Trời thu ảm đạm đã nhiều ngày.
Cung Hán vươn cao, chạm tới mây.
Một tiếng sáo ngân, người tựa cửa.
Đôi chấm sao buồn, chim nhạn bay.
Dậu cúc đầu thềm đang hé nụ.
Sen úa ngoài ao những cuống gầy.
Ở quê cá béo, không về được.
Đi sang nước Sở, giống đi đày.


771. Nghe thổi sáo

Có ai thổi sáo phía tây lầu,
Khi khoan khi nhặt đổi thay nhau.
Mây nghe, bất giác mây ngừng lại.
Trăng đứng bên song, vẻ nhuốm sầu.
Hằng Tử thổi liền ba điệu sáo. 1)
Mã Xung có phú để đời sau. 2)
Sáo im, không biết ai vừa thổi,
Tiếng sáo còn vang lâu, rất lâu.

1. Hằng Tử tức Hằng Y thời Đông Tấn, tự Thúc Hạ, hiệu Tử Dã. Một lần ông dừng xe ở khe Thanh Khê, và theo lời mời của Vương Vi, ông bước lên chõng thưa, thổi ba khúc sáo tuyệt hay, sau đó không hề xuất hiện thêm nữa.
2. Nhà văn thời Đông Hán, giỏi về phú với bài Tràng Địch rất nổi tiếng.



HÀN ỐC

Chưa rõ tiểu sử tác giả.


772. Bắc chước thơ Thôi Quốc Phụ

Hoa hải đường tự rụng.
Trăng nhạt như sương mù.
Một mình nhìn hiên vắng.
Gió lay ghế xích đu.


773. Trời mát

Rèm thêu xanh biếc rủ ngoài hiên.
Bình phong màu đỏ vẽ thần tiên.
Tiết trời đã mát nhưng chưa rét.
Chiếu rồng, đệm gấm, cảnh bình yên.


774. Xuân hết

Tiếc xuân, liên tục mấy ngày say.
Tỉnh dậy, áo quần nước mắt dây.
Nước đục, hoa trôi về suối khác.
Quạnh hiu xóm nhỏ bụi mưa dày.
Đời người được mấy mùa xuân đẹp?
Đất rộng, gọi hồn khó lắm thay.
Thẹn với chim oanh kêu líu ríu,
Một mình buổi sáng đến vườn tây.



HOA NHI PHU NHÂN TỪ THỊ

Sinh năm 883, mất 926, người Thanh Thành nay thuộc Tứ Xuyên, là phi của Mạnh Sưởng, hiệu là Hoa Nhị Phu nhân, từng bị bắt vào cung Tống, được Tống Thái Tổ rất sủng ái. Tác phẩm: "Hoa Nhị Phu nhân cung thi" còn hơn 100 bài.


775. Thơ tả cảnh mất nước

Vua sợ, cờ hàng cắm đã lâu,
Thiếp ở trong nhà có biết đâu.
Mười bốn vạn người cùng bỏ giáp.
Không người đáng gọi đấng mày râu!



VI TRANG

Sinh năm 836, mất năm 910, tên chữ là Đoan Dĩ, nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường, người Đỗ Lăng, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, từng đỗ tiến sĩ và có họ hàng với Vi ứng Vật.


776. Tiễn bạn ở quán rượu Đông Dương

Buồn sống tha hương tận cuối trời.
Hôm nay lại phải tiễn đưa người.
Từ mai chỉ có ta và nguyệt.
Say tỉnh lúc nào lệ cũng rơi.


777. Cảnh thành Kim Lăng

Mưa trên mặt nước, cỏ ven bờ.
Sáu triều vua ngắn tựa trong mơ.
Chỉ liễu Đài Thành là vẫn thế,
Đứng lặng trên đê giữa khói mờ.


778. Thương người cày

Vẫn thế, đời nào chẳng chiến tranh.
Hết thời loạn lạc đến thời bình.
Đã bao xương thịt vùi trong cát,
Vẫn bắt dân binh thành chiến binh.


779. Ở Phù Châu, để lại bài thơ này
từ biệt Trương viên ngoại

Ải Bắc gặp nhau trong gió cát.
Giang Nam đưa tiễn dưới sao mờ.
Chuyện cũ mười năm như gió thoảng.
Bạn bè Ba Sở chỉ trong mơ.
Đừng nói: Ngày mai, chờ kiếp khác.
Hãy vui đàn sáo, uống bây giờ.
Chỉ tiếc hai ta đành tạm biệt.
Trời mưa, bên núi ngựa đang chờ.


780. Suy nghĩ trong đêm, ở Chương Đài

Đêm, tiếng đàn thanh thót
Những điệu buồn gió mây.
Bên đèn, nghe sáo Sở.
Trăng nhạt treo trên cây.
Cỏ thơm đang héo lụi.
Bạn xưa mong từng ngày.
Thư nhà không gửi được.
Về nam, chim nhạn bay.


781. Nhớ ngày xưa

Ngày xưa từng đến Ngũ Lăng chơi.
Nửa đêm còn hát, nguyệt sáng ngời.
Nến bạc, đèn vàng như bạch nhật.
Sương đọng hoa đào, khách lả lơi.
Chàng trai ngày ấy tên Vô Kỵ.
Mạc Sầu cô gái, thật hơn người.
Bây giờ loạn lạc, nhìn chỉ thấy
Nước chảy về đông, gió ngút trời.


782. Nghĩ tới ngày về quê

Trời giăng tơ mỏng, đẹp muôn màu.
Ngày ấm, gió xuân luống gợi sầu.
Xa quê, hoa nở thêm hiu quạnh,
Nhạc hay, múa đẹp cũng buồn rầu.
Hoa anh đào nở bên bờ ruộng.
Cỏ ngát mùi thơm bên bãi rau.
Nếu quả về quê là việc dễ,
Tử An sao chết, Tử Kỳ đau?



THÔI MẪN ĐỒNG

Chưa rõ tiểu sử.


783. Ăn tiệc ở trại Đông Thành

Xuân đến và rồi xuân lại qua.
Bách niên thử hỏi mấy người già.
Chớ bảo vì nghèo, không đủ rượu.
Dễ được mấy lần say trước hoa?



THÔI HỤÊ ĐỒNG

Chưa rõ tiểu sử.


784. Ăn tiệc ở trại Đông Thành
(Hoạ thơ Thôi Mẫn Đồng)

Chủ nhà mỗi tháng mấy lần say.
Gặp nhau nên uống những lúc này.
Vừa đến, kìa xem, xuân đã hết.
Hoa nở, hoa tàn trong gió bay.



ĐỖ THU NƯƠNG

Không rõ năm sinh, năm mất, người Kim Lăng, là tỳ thiếp của Lý Kỳ, sau được Đường Mục Tông (821 - 826) đem về cung làm Trung giáo tập.


785. Áo kim tuyến

Tiếc gì áo gấm với công danh.
Một thời hãy tiếc đẹp xuân xanh.
Hoa nở đang thì, thì cứ bẻ,
Đừng đợi hoa rơi, chỉ bẻ cành.



CAO THIỀM


Nhà thơ đời Vãn Đường, năm sinh, năm mất chưa rõ, người Bột Hải, nay là tỉnh Hà Bắc. Ông đỗ tiến sĩ năm Càn Phù đời Đường Hy Tông, làm quan tới chức Ngự sử Trung thừa.


786. Thơ dâng quan Thị lang họ Cao 1)

Sáng sớm sương giăng, đào nở hồng.
Trưa hoa hạnh nở, thắm từng bông.
Sông thu còn đợi phù dung nở.
Chưa nở không vì thiếu gió đông.

1. Tức Cao Biền.



LAI HỘC

Không rõ năm sinh, mất 883, người Dư Chương, nay thuộc tỉnh Dương Tây; thi tiến sĩ không đỗ, lên núi ở ẩn, "Toàn Đường thi" lưu được 29 bài.


787. Người đàn bà chăn tằm

Dệt áo, xe tơ, việc lút đầu,
Vất vả suốt ngày ngoài bãi dâu.
Giá kẻ giàu sang không áo mặc
Để biết nuôi tằm khổ đến đâu.


VƯƠNG GIÁ

Năm sinh, năm mất không rõ, tên chữ Đại Dụng, người Hà Trung, nay là Vĩnh Tế, Sơn Tây; đỗ tiến sĩ năm Đại Thuận nguyên niên (891) đời Đường Chiêu Tông, từng giữ các chức Thập Di, Hữu Bổ Khuyết, Viên ngoại lang bộ lễ. Tác phẩm: Toàn Đường thi tập còn 6 bài của ông.


788. Ngày xuân, sau mưa

Hoa nở trước mưa, nhụy trắng ngần.
Sau mưa hoa rụng, xác đầy sân.
Bướm ong bay sang vườn hàng xóm,
Tưởng rằng bên ấy vẫn còn xuân.



ĐỖ TUÂN HẠC

Sinh năm 846, mất 904, tự Ngạn Chi, người Trì Châu, nay thuộc tỉnh An Huy, đỗ tiến sĩ đời vua Đường Chiêu Tông, làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ. Ông xuất thân hàn vi, bất mãn với chính sách tồi tệ đương thời nên thơ thường miêu tả cảnh điêu đứng của dân chúng.


789. Lại đi qua huyện Hồ Thành

Năm ngoái tình cờ ta đến đây,
Thấy dân ca thán suốt đêm ngày.
Quan nay được thưởng dây tua đỏ.
Chắc máu dân lành thấm đỏ dây.


790. Người đàn bà góa trong núi

Lều tranh, chồng lính chết từ lâu.
Áo gai, quần rách, tóc vàng nâu.
Quan giục nộp tô, đòi thuế vải,
Dẫu không còn ruộng, bỏ tằm dâu.
Phải chặt cành tươi mà nhóm lửa.
Bữa ăn toàn rễ với rau bầu.
Vẫn không thoát cảnh quan đòi thuế,
Khi trốn trong rừng sâu, rất sâu.



TƯ KHÔNG ĐỒ

Sinh năm 837, mất 908, tự Biểu Thánh, người Hà Trung, nay thuộc Sơn Tây, đỗ tiến sĩ năm Hàm Thông thứ 10 (869) đời Đường Úy Tông, làm quan một thời gian rồi về ở ẩn trong núi. Tác phẩm: "Tư Không biểu Thánh thi tập".


791. Thơ vịnh lúc lui về ở ẩn

Yến hót, mừng khách tới.
Tiễn người, cây nở hoa.
Hãy vui vì xuân mới.
Đừng buồn xuân đã qua.


792. Thơ làm một năm sau khi trở lại Vương Quan

Ngôi nhà thân thuộc giữa rừng cây.
Binh lửa rụi thiêu giá sách đầy.
Ở ẩn, quên đời vì vắng khách.
Thiếu gạo, thương thân phải yếu gầy.
Ao nhỏ bên khe, xuân còn đó.
Buổi trưa trời tạnh, hoa trên cây.
Ngoài cổng cần gì xe ngựa quí.
Trốn đời, thả sức hát và say.



TRÀN PHỐC

Sinh năm 906, mất 989, tự Đồ Nam, hiệu Phù Dao tử, người Hào Châu, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, thi tiến sĩ cuối đời Đường không đỗ, bỏ đi ở ẩn, hết loạn lạc được Tống Thái Tông tặng cho danh hiệu Hi Di tiên sinh. Có rất nhiều thơ chép trong Đường thi toàn tập.


793. Lui về ở ẩn

Chạy trốn mười năm chốn bụi trần.
Mơ về núi biếc, chỗ dừng chân.
Trả hết vinh hoa, giành giấc ngủ.
Giàu sang không bõ cái yên bần.
Buồn nghe phò chúa mà mang vạ.
Chán cảnh đàn ca, uống với ăn.
Lui về ở ẩn, tay cầm sách,
Vui với hoa rừng, chim, gió xuân.



KHUYẾT DANH


794. Thơ vặt

Trên đê gió thổi, tung màn liễu.
Trời mưa, hàn thực, cỏ xanh non.
Có quê mà chẳng về quê được.
Đừng kêu, chim cuốc, kẻo thêm buồn.



KHUYẾT DANH


795. Thơ vặt

Chiều, sông Vô Định, tiếng tù và
Làm khách bâng khuâng nỗi nhớ nhà.
Một tối sương thu, đầu bạc trắng.
Hàm Quan vời vợi dặm đường xa.



VƯƠNG VŨ XƯỚNG

Sinh năm 954, mất 1001, xuất thân từ gia đình nông dân, học giỏi, làm quan đến chức hàn lâm học sĩ. Tính ông thích nói thẳng và nhiều lần bị giáng chức. Thơ ông mang tính hiện thực, phần nào mô tả đời sống cùng nực của người nông dân. (Từ bài này trở đi là thơ các tác giả đời Tống).


796. Khúc hát vỡ hoang
Bài một

Mọi người ra sức chặt, đốn cây.
Tay làm miệng hát thật vui thay.
Vì ai cũng muốn thêm nhiều đất
Để lúa và ngô sớm mọc dầy.


797. Khúc hát vỡ hoang
Bài hai

Núi bắc vừa hết, đến núi đông.
Luôn tay cuốc xới lại vun trồng
Tất cả đời này ai cũng thế,
Thì chẳng có nhiều đất bỏ không.


798. Tiết thanh minh


Không hoa, không rượu tiết Thanh minh.
Như vị sư già, ngồi một mình.
Hàng xóm hôm qua nhóm lửa mới.
Phải nhờ ánh sáng đọc sách kinh.


799. Cưỡi ngựa đi quanh xóm núi

Ngựa đi men núi, cúc khoe hoa.
Buông cương, ngắm cảnh trải bao la.
Hang sâu gió thổi nghe như sáo.
Núi biếc trầm ngâm dưới nắng tà.
Lá đường lê rụng, màu như gạch.
Hoa kiều mạch nở, hương bay xa.
Chợt hứng, ngâm thơ, rồi chợt chán.
Chắc bởi ở đây giống ở nhà.


800. Tết Hàn thực

Núi Thương, Hàn thực, tết năm nay.
Phong cảnh nên thơ ở xứ này.
Lũ trẻ đua nhau rình bắt bướm.
Treo đu, người đánh dưới cành cây.
Sau mưa, sáng sớm đồng xanh biếc.
Vào ngày cấm lửa, khói không bay.
Cái chức phó quan, nhàn, lại tiện.
Sẵn tiền bia đá, uống kỳ say.



YẾN THÙ

Ông nổi tiếng thần đồng  từ nhỏ, đỗ tiến sĩ thời Tống Nhân Tông, làm quan đến chức tể tướng, rất giỏi thơ và từ.


801. Buồn

Xe đi ngày ấy, đã đi xa.
Mây xưa núi Giáp cũng phai nhòa.
Đầy sân hoa rụng, trăng vời vợi.
Liễu rũ bên ao, gió mượt mà.
Buồn bã, mấy ngày ngồi uống rượu,
Nhìn trời sương lạnh, lại nhìn hoa.
Bức thư muốn gửi, không ai chuyển.
Nơi ấy chắc người nghĩ giống ta.



LÂM BÔ

Sinh năm 967, mất 1028, tự Quân Phục, người Tiền Đường (Hàng Châu), học giỏi nhưng không ra làm quan, suốt đời ở ẩn trên núi Cô Sơn, bạn cùng hoa mai, chim hạc. Người đời sau gọi ông là Hoa Tĩnh Tiên sinh.


Hoa mai

Cả vườn hoa héo, chỉ mai tươi,
Hoa mai rạng rỡ một góc trời.
Cành thưa ngả bóng, soi lòng nước.
Hương đượm ánh trăng, cứ rối bời.
Sương lạnh, chim chao, nhìn lấm lét.
Đàn bướm bên hoa, bay lả lơi.
Ta thưởng thức mai bằng thơ phú,
Lọ phải hát ca với rượu mòi.



LIỄU VĨNH

Sinh năm 987, mất 1053, tự Kỳ Thành, là nhà thơ nổi tiếng đời Tống. Ông thi hỏng nhiều lần, mãi về già mới đậu tiến sĩ. Thơ của ông có nhiều bài nói về nổi khổ của người lao động và các cô gái làm nghề hát kiếm tiền. Tương truyền khi ông mất, các kỹ nữ đã góp tiền chôn cất ông.


Nỗi khổ người làm muối
(Trích)

Đời người làm muối khổ lắm thay.
Vợ không dệt vải, chồng không cày.
Đói ăn, vất vả làm ra muối
Là quan thu thuế đến tìm ngay.
Còn lại, quan mua giá rẻ mạt.
Thiếu tiền, hết cách, phải đi vay,
Thì ôi vay một mà mười lãi.
Vợ con làm mướn hoặc ăn mày.


808. Theo điệu "Bát thanh cam châu"
Bài một

Mưa sầm sập xuống sông.
Sau mưa, trời xanh trong.
Gió lạnh, núi đứng lặng.
Lầu tây, mặt trời hồng.
Cảnh hoang tàn đổ nát.
Hoa rụng, buồn mênh mông.
Chỉ Trường Giang vẫn thế,
Lặng lẽ chảy về đông.


809. Theo điệu "Bát thanh cam châu"
Bài hai

Không dám bước lên lầu,
Ngóng quê, lòng quặn đau.
Cách xa bao năm tháng.
Sao cứ làm khổ nhau.
Người đẹp chắc tựa cửa
Mong đợi cánh buồm nâu.
Không biết ta trên gác
Đang đứng, nhỏ lệ sầu.



PHẠM TRỌNG YÊM

Sinh năm 989, mất 1052, đỗ tiễn sĩ đời Tống Chân Tông, làm quan đến chức Tham trinh chính trị. Thơ ông lưu giữ được rất ít.


802. Đánh cá trên sông

Trên sông, người vất vả
Đang mải mê đánh cá.
Giữa sóng chiều thuyền con
Mỏng manh như chiếc lá.



MAI NGHIÊU THẦN

Sinh năm 1002, mất 1060, tự Thánh Du, người Tuyên Thành, tỉnh An Huy, nhà thơ hiện thực thời Bắc Tống, bạn thân của Âu Dương Tu, chủ trương cách tân thơ và có ảnh hưởng lớn đối với thơ Tống.


803. Người nung ngói

Nung hết đất ngoài cửa,
Vẫn không ngói lợp nhà.
Trong khi người tay sạch
Lại lầu gác nguy nga.


804. Cảnh nông thôn

Cửa sài cây che mát.
Rêu xanh nắng nhuốm hồng.
Đi cày về, trăng mọc.
Sương phủ trắng ngoài đồng.
Nghé theo trâu về xóm.
Già cùng trẻ đứng trông.
Tối, bữa ăn đạm bạc,
Toàn ngó hẹ, rau ngồng.


805. Chơi núi Lỗ Sơn

Cảnh núi rừng tuyệt đẹp.
Núi cao, thấp liền nhau.
Mỗi nơi đẹp một vẻ.
Khéo lạc, đi đã lâu.
Gấu vào hang, sương xuống.
Hươu uống nước khe sâu.
Chỉ nghe tiếng gà gáy,
Không thấy làng xóm đâu.


806. Xóm nhỏ

Ngoài bãi sông Hoài có một thôn,
Rào xiêu, nhà dột, chái không còn.
Người già không áo, chơi cùng cháu.
Gà vịt thấy mồi, gọi lũ con.
Thuyền đậu ngoài sông, dây thõng xuống.
Bãi dâu nước ngập, thối chồi non.
Dân chúng ở đây cơ cực vậy,
Mà gọi "dân vua", kể cũng buồn.


807. Tên cường hào trong thôn

Đánh trống, dục ra ruộng,
Nói năm nay được mùa.
Rượu hắn nấu bừa bãi.
Thóc người hắn tranh mua.
Con gái nhiều trâm bạc.
Con trai áo tua rua.
Quan trên, hắn không sợ.
Bọn lý dịch cũng thua.


Tiễn Vương Giới phủ (Vương An Thạch) đi nhậm chức ở Tỉ Lăng
(Trích)

Nước Ngô trời nắng nóng,
Trâu chết, đất nẻ khô.
Vất vả quan không biết,
Chỉ biết đến thu tô.
Quan tỉnh ép quan huyện,
Quan huyện ép đầu bò.
Chỉ thằng dân là khổ,
Suốt đời đói và lo.
Nay mừng ông đến đó,
Giúp người dân ấm no.


Cảnh cơ cực của nhà nông
(Trích)

Người nông dân thật khổ.
Thuế nộp mãi không xong.
Lý dịch đòi sưu thuế
Suốt ngày như bầy ong.
Mùa xuân sâu hại lúa.
Mùa hạ lụt ngập đồng.
Tháng trước vua xuống chiếu
Bắt dân đi lao công.
Cứ ba đinh lấy một,
Làng trở nên trống không.
Lại còn bắt bán ruộng
Mua ngựa chiến, tên đồng…
Ta, ăn lương nhà nước,
Thấy vậy mà thẹn lòng.
Những muốn lên núi ẩn,
Kiếm ăn bằng nghề nông.



TÔ THỨC

Sinh năm 1037, mất 1101, hiệu Đông Pha, người Mỹ Sơn, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nhà thơ lớn, nhà tản văn lừng danh đời tống.


810. Hoa hải đường

Gió xuân hây hẩy gọi trăng lên.
Trăng dọi xuyên mù, đến mép hiên.
Chỉ sợ rồi khuya, hoa ngủ thiếp,
Nên chẳng ngắm hoa cũng thắp đèn.


811. Uống rượu trên hồ lúc mưa vừa tạnh

Phía mưa vừa tạnh, nước long lanh,
Phía vẫn còn mưa, mờ núi xanh.
Tây Hồ, Tây Thi đem so sánh,
Riêng chung một vẻ, đẹp nghiêng thành.


812. Cảnh Tây Hồ

Tháng Sáu, Tây Hồ khách dạo chơi.
Lá sen xanh biếc tận chân trời.
Nơi đây cảnh khác, mà sen đỏ,
Cũng đỏ cái màu khác mọi nơi.


813. Ngày 27 tháng 6, viết ở lầu trong lúc say

Núi xanh chưa kịp phủ mây đen,
Đã nghe mưa gõ rộn trên thuyền.
Bỗng trận gió to xua đi hết,
Rồi nước và trời lại tĩnh yên.


814. Trăng rằm Trung Thu

Trời thu trong sáng chuyển vào mây.
Sông Ngân chuyển sáng đến trăng này.
Kiếp ấy đêm trăng không gặp được.
Bây giờ trăng sáng, gặp đâu đây?


815. Đêm xuân

Không gì sánh được với đêm xuân.
Hoa thoảng hương thơm, nguyệt trắng ngần.
Trong lầu tiếng nhạc vang khe khẽ.
Bóng đêm kiên nhẫn đợi ngoài sân.


816. Rằm tháng Giêng, hầu tiệc vua

Trăng lạnh, sao thưa, lầu Kiến Chương.
Gió xuân thổi khói lư trầm hương.
Thông Minh điện ngọc, quan đứng đợi.
Thánh Hoàng tỏa sáng tựa vầng dương.


817. Trên đường đi Tân Thành

Biết ta chơi núi sáng hôm nay,
Gió thổi mưa tan, đẹp thế này.
Mây tạnh, trời cao như mũ úp.
Đỏ rực mặt trời trên tán cây.
Xanh xanh bờ trúc, đào tươi tốt.
Nước khe trắng lóa, liễu lung lay.
Vui vẻ người dân trong xóm nhỏ,
Nấu nước, làm cơm cho thợ cày.


Tháng Mười Một năm Tân Sửu, sau chia tay
với em trai là Tử Do, liền làm bài thơ này
(Trích)

Không uống mà sao như thấy say.
Hồn theo vó ngựa phóng như bay.
Tiễn chú về nhà, buồn, chợt nghĩ:
Một mình còn lại, sống sao đây?
Trèo lên ngọn núi, nhìn theo chú.
Chỉ thấy xa xa dáng ngựa gầy.
Ở đời ai chẳng buồn xa cách.
Biết thế vẫn buồn, buồn lắm thay.


Lời than của bà làm ruộng ở đất Ngô
(Trích)

Giá rét, sương mù vừa mới xong,
Lại mưa, nước ngập trắng ngoài đồng.
Mỏi mắt trông chờ, mưa chẳng ngớt.
Đành nhìn lúa thối, khổ tôi không!
Lúa gặt xong rồi, ra chợ bán,
Giá rẻ như bèo, thật uổng công.
Thuế đóng bằng tiền, không phải thóc.
Đem trâu đi bán, chẳng cầm lòng.
Sắp tới làm sao mà sống nổi?
Khổ thế thà rằng nhảy xuống sông!


Lên chơi chùa Kim Sơn
(Trích)

Bên kia con suối, đá chất đầy.
Nổi chìm theo sóng tự xưa nay.
Leo lên tận đỉnh, nhìn quê cũ,
Mờ mờ một dãy, núi trong mây.
Ráng chiều đỏ rực như vây cá.
Lăn tăn sóng biển tiễn đưa ngày.
Sợ tối, định về, sư giữ lại
Ngắm mặt trời hồng lặn phía Tây.



LÝ THANH CHIẾU

Chưa rõ tiểu sử.


818. Theo điệu "Túy hoa âm"

Sương mù mỏng, mây dày.
Buồn ủ ê suốt ngày.
Lò hương vàng đã tắt.
Trời lạnh, gió heo may.
Giữa hoàng hôn uống rượu.
Uống mãi mà không say.
Vườn Đông hoa cúc nở.
Gió thổi rèm lầu Tây.


819. Theo điệu "Nhất tiễn mai"

Ngó sen tàn, thu lạnh.
Cởi áo, bước lên thuyền.
Gió đưa thư ai đến?
Chim nhạn về, trăng lên.
Hoa cứ tàn, nước chảy.
Nỗi buồn không chịu yên.
Tình xưa muốn dứt bỏ,
Mà cứ nghĩ triền miên.



HOÀNG ĐÌNH KIÊN

Sinh năm 1045, mất 1105, tự Lỗ Trực, hiệu Sơn Cốc, người Hồng Châu, Phân Ninh, đỗ tiến sĩ đời Tống Anh Tông. Tác phẩm: "Sơn Cốc tập".


820. Ngẫu hứng trên lầu Nam ở Ngạc Châu

Bốn bề nước biếc nối non xanh.
Hương sen thoang thoảng bốn xung quanh.
Gió mát, trăng trong hào phóng tặng
Cho khách phương Nam vị mát lành.


821. Trời mưa, lên lầu Nhạc Dương  ngắm núi Quân Sơn

Đứng tựa lan can, mưa gió to,
Ngắm dãy Quân Sơn lượn nhấp nhô.
Giá được một lần nhìn núi biếc
Từ đỉnh sóng kia trắng giữa hồ.


822. Tiết Thanh Minh

Thanh Minh trời đẹp, mận khoe màu.
Mộ hoang đồng trống gợi thêm sầu.
Sấm nổ âm vang, rồng rắn thức.
Mưa dầm đúng lúc, tốt vườn rau.
Chịu nhục ăn thừa nên vợ trách. 1)
Chết cháy không ra, chối tước hầu. 2)
Khôn dại, ngu hiền chưa dám nói.
Nhưng mộ người nào cũng giống nhau.

1. Xưa có người ăn của tế thừa no say rồi về khoe với vợ được nhà quyền quí mời. Sau vợ biết chuyện liền trách không giữ liêm sỉ.
2. Giới Tử Thôi giúp Tấn Văn Công trong lúc khó khăn, đã xẻo thịt bắp chân mình cho vua ăn. Khi lấy lại ngôi vua, Văn Công quên không trọng thưởng. Ông bỏ vào rừng ở ẩn cùng mẹ. Vua cho mời mãi không ra. Khi vua đốt rừng bắt ra, ông thà chịu chết cháy trong rừng. Từ đó vua ra lệnh không được nhóm lửa vào ngày Hàn Thực.



TĂNG KỶ

Sinh năm 1084, mất 1166, bị Tần Cối chèn ép, bỏ quan về nhà, khi Tần Cối chết mới ra làm quan lại.


823. Giữa đường núi Tam Cù

Đang mùa mơ chín, nắng vàng hoe,
Rời thuyền, đi bộ dọc bờ khe.
Đường rợp bóng cây như lúc đến.
Lại thêm chim hót rộn bốn bề.



TRẦN LIỆT

Sinh khoảng năm 1088, năm mất không rõ. Làm quan tới chức Quốc tử trực giảng.


824. Thơ đề trên chiếc đèn 1)

Nhà giàu đóng một đèn,
Như kho bớt hạt thóc.
Nhà nghèo đóng một đèn,
Cha con ôm nhau khóc.
Quan lớn có biết không?
Quan bận với người ngọc.

1. Năm Nguyên Phong đời Thần Tông nhà Tống, quan thái thú Phúc Châu là Lưu Cẩn bắt dân bất kể giàu nghèo mỗi hộ phải nộp đủ mười chiếc đèn để đốt đêm rằm tháng Giêng. Tác giả đề bài thơ này trên chiếc đèn lồng treo bên gác lầu.




VŨ VĂN HƯ TRUNG

Sinh năm 1079, mất 1146, đỗ tiến sĩ cuối đời Bắc Tống. Khi quân Kim đánh vào Trung Nguyên, vua Tống sai ông đi sứ sang Kim, bị người Kim giữ lại. Năm 1146, ông âm mưu khởi nghĩa không thành và bị giết chết. Thơ ông chứa chan tình yêu nước.


Thơ làm khi ở nước Kim.
         Bài một

Đọc nhiều, hiểu biết chuyện xưa nay,
Mà phải bao năm tù đất này.
Lúc nào chim nhạn về phương Bắc?1)
Chiếc mũ phương Nam đội suốt ngày 2).
Ghét bọn nịnh thần luôn xúc xiểm.
Tự thề khóa miệng giữ lòng ngay.
Gian tặc chừng nào chưa giết hết,
Căm hận lòng ta còn ngút đầy.


1. Đời Hán, Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị giữ lại 19 năm và bắt chăn dê ở miến Bắc Hải. Sau Tô Vũ nói dối với với chúa Hung Nô là nhà Hán bắt được con chim nhạn ở vườn Thượng Lâm, chân nó có buộc bức thư viết: “Tô Vũ còn sống ở Bắc Hải”. Bấy giờ chúa Hung Nô mới thả ông, cho về nước.
2. Thời Xuân Thu, Chung Nghi người nước Sở, bị giam ở nước Tần, vẫn hàng ngày đội mũ phương Nam (nước Sở).


Thơ làm khi ở nước Kim.
         Bài hai

Màn đêm buông xuống,
Đưa hồn trở lại chốn quê xa.
Thà phải chăn dê miền Bắc Hải,
Hơn xây nhà học chốn Tây Hà 1).
Nhác thấy hai triều hoang phế cả 2),
Thương người loạn lạc, bỏ nông gia.
Ở đời sống chết không quan trọng,
Chỉ cốt lòng trung với nước nhà.

1. Thời Chiến Quốc, vua Ngụy lập quán ở Tây Hà, mời Bốc Tử Hạ đến dạy học. Câu này ý nói dù người Kim có mời ra làm quan, tác giả vẫn không chịu, thà đi chăn dê như Tô Vũ ở Bắc Hả.
2. Chỉ hai vua Huy và Khâm nhà Tống bị quân Kim bắt đi.



PHẠM THÀNH ĐẠI

Sinh năm 1126, mất 1193, tự Trí Năng, cư sĩ, là một trong những nhà thơ lớn thời Nam Tống.


825. Đê ngang

Xuân về trên bến, nước xanh trong.
Cầu đá như xưa, cạnh tháp hồng.
Đê nhỏ, mưa phùn đưa tiễn khách.
Cột thuyền gốc liễu sát bờ sông .


826. Cảm hứng nhỏ chốn thôn quê
Bài một

Vườn rau, bươm bướm lượn bên hoa.
Thôn quê ít khách đến thăm nhà.
Chợt nghe chó sủa, gà nhao nhác.
Biết ngay có khách đến mua trà.


827. Cảm hứng nhỏ chốn thôn quê
Bài hai

Nhổ cỏ, xe gai, bận lút đầu.
Mỗi người một việc tận đêm thâu.
Chưa biết cày bừa và dệt vài,
Trẻ tập trồng dưa bên gốc dâu.



VƯƠNG VÕ NỂ

Chưa rõ tác giả là ai.


828. Tiết thanh minh

Thanh minh, hoa rượu, bánh đều không.
Như sư, không chút vấn vương lòng.
Hàng xóm đêm qua cho tí lửa,
Sáng ngồi thắp nến đọc bên song.



THIẾN ĐÀO

Bà sinh khoảng năm 1010, không rõ mất năm nào, là người hầu của Khấu Chẩn, tể tướng đời Tống Chân Tông.


829. Thưa với Khấu Công

Bài thơ đem đổi lụa màu hồng,
Hình như ngưòi đẹp chửa hài lòng.
Không biết tay nàng thoi thoăn thoắt
Qua lại mấy lần mới dệt xong.



ÂU DƯƠNG TU

Sinh năm 1007, mất 1072, nhà thơ, nhà tản văn lớn đời Bắc Tống, tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông, về già đổi thành Lục Nhất Cư Sĩ, ông đề xướng lối thơ cách tân.


830. Chơi xuân ở đỉnh Phong Lạc

Núi xanh, lá đỏ, ánh dương tà.
Màu trời vàng rực phía xa xa.
Khách chơi không ngại xuân sắp hết,
Vẫn dạo quanh đình, dẫm nát hoa.


Ngày xuân ở Tây Hồ, gửi ông Pháp Tào họ Tạ

Nghìn chén gặp người là uống ít.
Nửa câu không hợp vẫn phí lời.
Bên hồ cùng bác giờ nâng chén
Để nhớ người xa tận cuối trời.


831. Đùa trả lời Nguyên Trân

Gió xuân như thể tránh nơi đây.
Tuyết cũ cuối mùa trĩu lá cây.
Tháng Hai đã đến, hoa không nở.
Ngọ nguậy chồi măng dưới đất dày.
Đêm nghe tiếng nhạn, thương quê cũ.
Ngày ốm, buồn nhìn tuyết với mây.
Lạc Dương hoa đẹp từng là khách,
Chẳng sao, hoa nở muộn nơi này.


832. Theo điệu " Đạp sa hành"

Mai tàn quán khách, liễu bờ mương.
Cỏ thơm, gió ấm, ngựa buông cương.
Cái buồn ly biệt buồn thêm mãi,
Như nước mùa xuân chảy vệ đường.
Đừng tựa lan can nơi gác ngọc.
Hai mắt lệ tràn, lòng vấn vương.
Núi xuân trước mặt xa vời vợi,
Còn xa hơn nữa, người yêu thương.


Ngày xuân ở Tây Hồ, viết thơ gửi ông Pháp Tào, họ Tạ

Tây Hồ đã vào xuân,
Nước xanh hơn mực vẽ.
Hoa nở rộ khắp nơi,
Gió thổi, rơi lặng lẽ.
Xuân về, lòng bác rối vần thơ.
Xuân lại sắp đi, tóc bạc phơ.
Dẫu ở nơi xa, tôi vẫn biết,
Uống rượu, nhớ tôi, bác thẫn thờ.
Mỗi lần xuân đến, lòng thắc thỏm,
Nhớ bác tôi buồn, buồn vẩn vơ.
Tuyết tan ngoài ngõ, rừng xanh biếc.
Hoa nở bên sông, gió vật vờ.
Ngày trẻ đón xuân, mang rượu uống.
Xuân này tóc đã trắng như tơ.
Cảnh quen mà thấy hơi là lạ.
Chỉ gió như xưa, thổi hững hờ.




TÔ THUẤN KHÂM

Sinh năm 1008, mất 1048, tự Tư Mỹ, có tư tưởng tiến bộ, bị bọn quyền quí chèn ép, cách chức và lui về ở ẩn tại Tô Châu, nay là tỉnh Giang Tô. Ông là người chủ trương cách tân thơ ca thời bấy giờ.


833. Có khách đến nhà

Khách đến bàn thời cuộc.
Nhìn nhau buồn mênh mông..
Giặc Man giết tướng ải.
Sâu bọ phá ngoài đồng.
Ở vùng quê heo hút,
Có chí mà hóa không.
Ai người lo nợ nước?
Uống rượu, lòng giận lòng.


834. Bày tỏ nỗi lòng

Ta tuy là nhà nho,
Nhưng muốn giết giặc Hồ.
Không được dùng, đành chịu.
Cảm thương, lòng cháy khô.
Ngày nằm giữa đống sách.
Đêm mơ dựng cơ đồ.


Cảm nghĩ khi ở Thành Nam, viết trình ông Vĩnh Thúc
(Trích)

Xuân ấm, đồng nhộn nhịp.
Ngày mát, trời xanh trong.
Cảnh vật nhìn thật đẹp,
Nhưng ngẫm buồn trong lòng.
Năm ngoái, sau lũ lụt,
Trời hạn, đất khô cong.
Tiếp đến tuyết rơi muộn,
Lúa chỉ trổ vài bông.
Vậy là đói và rét,
Dân đào củ khắp đồng.
Không may gặp củ dại,
Khiến loét lở, da bong.
Mười người chết bảy tám,
Bên đường, thây chất chồng.
Quan thì vẫn rượu thịt,
Ngồi tán chuyện viễn vông.
Bản thân tôi cũng đói,
Lo cho mình chưa xong.
Hỏi còn làm gì được?
Thật chua xót, bất công.



LÝ CẤU

Sinh năm 1009, mất 1059, có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng thơ hay, phản ánh nỗi khổ của nhân dân.


835. Đọc bài "Trường Hận từ"

Đường vào đất Thục lắm gian truân.
Đêm mưa, não ruột tiếng xe lăn.
Chắc vua không biết, không thương xót,
Nếu mình bỏ mạng lúc hành quân.



VƯƠNG AN THẠCH

Sinh năm 1021, mất 1086, nhà chính trị, nhà thơ, nhà tản văn lớn thời Bắc Tống, tự Giới Phủ, người Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây ngày nay.


836. Hoa mai

Bên tường, mấy cành mai
Nở trong sương giá rét.
Nhờ hoa có mùi thơm,
Nên không lẫn với tuyết


837. Đêm xuân

Đồng hồ cạn nước, bát hương tàn.
Từng hồi gió lạnh, buốt tâm can.
Trăng hắt bóng hoa lên bậu cửa.
Cảnh buồn như thế, ngủ sao an.


838. Bóng hoa

Bóng hoa dày đặc rụng bên chân.
Đã bảo con sen quét mấy lần.
Nắng tắt, hoa tàn, trăng lại mọc.
Bóng hoa lần nữa rụng đầy sân.


839. Thơ viết trên vách nhà Hồ Âm tiên sinh

Không rêu, không bụi, mái nhà tranh.
Hoa mộc tự tay xén, cắt cành.
Con mương dẫn nước vào đồng lúa.
Núi như cổng mở, đón màu xanh.


840. Mồng một Tết

Một năm nữa hết, pháo âm vang.
Rượu Đồ Tô uống, đón xuân sang.
Trước cửa nhà nhà treo thẻ đỏ,
Nghinh tân, tống cựu, được an khang.


841. Hoa hải đường

Gió đông đùa nghịch ánh trăng tà.
Rồi trăng lặng lẽ khuất sau nhà.
Trời tối, lo hoa buồn, ngủ thiếp,
Giơ đèn soi sáng, sưởi cho hoa.


Đậu thuyền ở bến Qua Châu

Qua Châu, Kinh Khẩu một dòng sông.
Sừng sững núi Chung, cách cánh đồng.
Bao giờ trăng sáng về quê cũ?
Gió xuân thổi nhẹ, biếc bờ đông.


842. Nhớ Vương Phùng Nguyên

Mộ anh chắc cỏ mọc xanh, dày.
Buồn buồn vẫn thổi gió heo may.
Tài đức của anh đời rẻ rúng.
Mấy người, ngoài bạn, hiểu lời hay?
Lô sơn bóng ngả lên bàn viết.
Bồn thủy trào tuôn chén rượu đầy.
Dấu vết ngày xưa giờ chẳng thấy.
Muốn vui như trước, vui sao đây?


843. Sông Bắc Sơn

Bắc Sơn mùa lũ, nước tràn trề.
Nước chảy đầy đầm, ngập suối khe.
Gặp chỗ hoa rơi nhiều, nán lại.
Mải hái cỏ thơm, quên cả về.



VƯƠNG LỆNH

Sinh năm 1032, mất 1059, tự Phùng Nguyên, người Giang Đô, nay thuộc tỉnh Giang Tô, có tư tưởng đổi mới chính trị, tài hoa về văn chương, chỉ tiếc chết sớm. Tác phẩm có "Quảng Lăng tiên sinh văn tập"



844. Tiễn xuân

Hết nở rồi tàn, hoa tháng Ba.
Hàng ngày chim én lượn, bay qua.
Chim cuốc đêm đêm kêu lạc giọng,
Cứ tưởng rằng kêu, giữ được hoa.



LÃ NAM CÔNG

Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết ông luôn lận đận trong việc thi cử.

Đừng mong sống lâu

Đừng mong sống lâu.
Sống thọ làm gì khi đói khổ.
Mong thọ chỉ người giàu.
Ta biết, xóm Nam có lão già.
Tính tình độc ác, sống xa hoa.
Mặc toàn nhung lụa, ăn toàn thịt.
Chết chôn như thể chúa băng hà.
Trong khi xóm Bắc, một ông khác,
Bạc đầu kiếm sống, kiếm không ra.
Con gầy, vợ ốm, giường không chiếu.
Thức ăn, nếu có, chỉ dưa cà.



TRÌNH HIỆU

Sinh năm 1032, mất 1985, tên chữ là Bá Đôn, người cùng thời gọi là Minh Đạo tiên sinh. Ông người Lạc Dương, nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Trình Hiệu cùng em là Trình Di học thầy Chu Đôn Di, trở thành hai nhà lý học nổi tiếng, thường được gọi là "Hai ông Trình" đời Bắc Tống.


845. Ngẫu hứng ngày xuân

Gần trưa, mây mỏng, gió hây hây.
Thơ thẩn tìm hoa, ngắm cỏ cây.
Cái thú của ta, đời chẳng hiểu,
Cho rằng nhàn rỗi quá thành ngây.


846. Vào thu

Thanh Khê, đầu núi, suối quanh quanh.
Cả trời, cả nước sáng long lanh.
Xa cách bụi trần ba chục dặm,
Lòng như mây trắng, nhẹ thênh thênh.


847. Thơ đề ở chùa Hoài Nam

Thập phương khách đến nghỉ nơi này.
Rau tần sông Sở gió lung lay.
Sư vốn không buồn, nhìn lá rụng,
Nhưng vẫn thấy buồn khi ở đây.


848. Thơ viết lúc đi chơi ngoài thành

Ruộng đồng xanh tốt, rộng bao la.
Trời cao, xuân thắm, núi xa xa.
Tay vịn cành cây, men rặng liễu.
Lách xuống bờ khe, dạo nhởn nha.
Rượu ngon đang có, sao không uống.
Nếu không, gió thổi, rụng đài hoa.
Huống chi giữa buổi thanh minh đẹp.
Cuộc chơi đang hứng, quên về nhà.



TRƯƠNG LỖI

Nhà thơ thời Bắc Tống, sinh năm 1054, mất 1114, tự Văn Thế, hiệu Kha Sơn, người Sở Châu, Hoài Âm, nay thuộc thành phố Thanh Giang, Giang Tô. Ông đỗ tiến sĩ niên hiệu Hy Ninh, làm quan tới chức Thái thường Thiếu khanh, nổi tiếng liêm khiết, được Tô Đông Pha khen về tài học.


849. Ngày hè

Mùa hè, xóm nhỏ, nắng như say.
Đàn sẻ đầu thềm đã biết bay.
Trong nhà con nhện đang giăng lưới.
Ngoài vườn bầy bướm múa trên cây.
Rèm mỏng đung dưa, mời nắng dọi.
Chiếc gối kê nghiêng, lười suốt ngày.
Mái tóc từ lâu sương bạc trắng,
Muốn được vô lo sống kiếp này.



LƯU HÀN

Chưa rõ tiểu sử, chỉ biết ông sống vào đời Tống, tự Vũ Tử, người Trường Sa, nay thuộc tỉnh Hồ Nam.


850. Lập thu

Quạ bay chấp chới, trời xanh trong.
Gió thu xua hết cái oi nồng.
Ngủ dậy, tiếng thu nghe thật lạ.
Ngoài hiên dày đặc lá ngô đồng.



TƯ MÃ QUANG


Sinh năm 1019, mất 1086, tự Quân Thực, người Hạ huyện, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, là hàn lâm học sĩ thời Tống Nhân Tông. Tác phẩm: "Chiêu cổ học", "Tư Mã Quang văn chính công tập".


851. Đầu hạ, nơi đất khách

Tháng Tư, mưa tạnh, trời xanh trong.
Sừng sững núi Nam trước cửa phòng.
Cây liễu đứng im, trời lặng gió.
Chỉ hoa mai hướng mặt trời hồng.



QUÁCH UNG

Sinh năm 1011, mất 1077, tự Nhiêu Phu, hiệu An Lạc Tiên sinh, người Cộng Thành, nay thuộc huyện Huy, Hà Nam, sau ẩn cư ở vùng Bách Nguyên, nên còn được gọi là Bách Nguyên Tiên sinh.


852. Rượu và hoa

Hoa soi bình rượu, bóng lung linh.
Rượu có hình hoa, thật hữu tình.
Thịnh trị bốn triều từng được thấy.
Hai đời dân chúng được thanh bình.
Nếu chẳng già nua, thêm bệnh tật,
Chắc ta còn mở tiệc linh đình.
Sóng rượu, thuyền hoa, xuân thật đẹp.
Về ư, chưa uống hết rượu trong bình.



TRIỀU THUYẾT

Sinh năm 1059, mất 1129, tự Di Đạo, hiệu Cảnh Vu Sinh, người Tế Châu, Tự Dã, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, đỗ tiến sĩ khoảng năm đầu thời Tống Thần Tôn.


853. Thơ đề bức tranh vẽ cảnh đá cầu

Lớp lớp nguy nga gác với lầu.
Tam Lang 1) thích thú buổi chơi cầu.
Cửu Linh già rồi, Hàn Hưu 2) chết.
Can vua sẽ chẳng có ai đâu.

1) Tức Đường Minh Hoàng.
2). Hai vị tể tướng đời Đường, nổi tiếng tính tình cương trực, thường dâng sớ khuyên can vua.



TRẦN DỮ NGHĨA

Sinh năm 1090, mất 1138, hiệu Giản Trai, nhà thơ lớn đời Nam Tống.


854. Đi thuyền tới Tương ấp

Đôi bờ hoa rụng, đỏ lòng sông.
Màn liễu trên đê gió thổi phồng.
Nằm ngửa nhìn trời, mây tĩnh lặng,
Thấy mây và mình xuôi về đông.



NHẠC PHI

Sinh năm 1103, mất 1141, tự Bằng Cử, người huyện Thang Âm, là vị anh hùng dân tộc thời Nam Tống và là vị tướng có tài.


855. Đình Thúy Vị ở Trì Châu

Chiến trận quanh năm được buổi này,
Lên đình Thúy Vị ngắm trời mây.
Sơn thủy hữu tình nhìn chửa chán,
Ngựa đã giục về, trăng sau cây.



LỤC DU

Sinh năm 1125, mất 1210, người Sơn Âm, nhà thơ lớn yêu nước thời Nam Tống, hiện còn giữ được 9.300 bài.

856. Cảm hứng ngày xuân

Đêm đêm đốt củi sưởi mền bông.
Cơm trưa một bát đáng nghìn đồng.
Vẫn biết mình già, vô tích sự,
Nhưng thấy dân đau vẫn chạnh lòng.


857. Cảm hứng mà viết

Già rồi mà vẫn nghèo đói.
Chỉ tạm hết lo khi say.
Năm tháng làm đầu bạc trắng.
Duy lòng vẫn đỏ xưa nay.


858. Đám mây cô đơn

Hơn bốn chục năm ở núi này.
Vào triều vô bổ, lại về đây.
Không phải ngẫu nhiên buồn, tựa cửa
Ngắm núi, nhìn sông, nhàn suốt ngày.


859. Thơ viết khi đi thuyền trên hồ,
khoảng cuối hạ, đầu thu năm Ất Sửu 1)

Đêm buộc thuyền con cầu Mộng Bút 2).
Khó ngủ, hắt hiu một chấm đèn.
Cơn giận Tử Tư chưa dịu hẳn -
Sóng lớn ầm ầm ngay sát bên.

1. Tức năm 1205 theo Tây lịch.
2. Cầu này nằm phía đông bắc núi Tiêu Sơn, tỉnh Triết Giang.
3. Theo truyền thuyết, sóng sông Tiền Đường lớn là do khí tức giận của Ngũ Tử  Tư gây nên.


 860. Tưới nước trong vườn


Lúc trẻ mang gươm bình thiên hạ,
Về già xách nước tưới cho cây.
Bạn cũ không còn, luôn ốm yếu,
Cái buồn tâm sự với ai đây?


861. Mưa nhỏ, trời mát, ngủ say trong thuyền đến chiều

Sau mưa, ruồi nhặng chẳng còn bay.
Trải khăn, nằm ngủ một giấc say.
Khi tỉnh, mặt trời đang xế bóng.
Lặng lẽ thuyền đi suốt cả ngày.


862. Tết Trùng Dương

Lá đỏ ven sông, rừng ngập sương.
Hái bông cúc nhỏ, nghĩ càng thương.
Giá say một trận quên trời đất,
Vui cùng vua Sở tết Trùng Dương.

1. Vua nước Sở thích những ng ười phụ nữ có eo lưng thon nhỏ. Trong cung Tế  Yêu của  vua nhiều cô muốn được vua yêu nhịn ăn đến chết đói. Đây tác giả muốn được hưởng cảnh sung sương vô lo trong ngày tết Trùng Cửu mồng chín tháng Chín.


863. Ghi việc

Nghe nói giang sơn lấy lại rồi.
Núi sông, đất nước chẳng ngăn đôi.
Biết thế nán thêm dăm bữa nữa,
Thăm chùa Nhiêu Ích, núi Hòn Vôi.


864. Viết đêm mưa to gió lớn, mồng bốn tháng Mười Một

Đã cam xóm nhỏ cảnh nằm dài,
Còn muốn xả thân chốn Lâm Đài.
Chập chờn giấc ngủ đêm mưa gió,
Tiếng gươm, tiếng ngựa vẳng bên tai.


865. Đêm thu sắp sáng, ra cổng
hóng mát, chợt viết bài thơ này

Hoàng Hà vạn dặm chảy về đông.
Họa Sơn nghìn thước vút lên không.
Trong vùng giặc chiếm, dân kêu khóc,
Chờ vua đến cứu, mỏi mòn trông.


866. Dặn con

Đành rằng thế cả sau khi chết.
Chỉ tiếc chín châu chưa lấy hết.
Khi nào vua lấy được Trung Nguyên,
Cúng ta, hãy báo cho ta biết.


867. Vườn Thẩm 1)
Bài một

Chênh chếch mặt trời ngả phía tây.
Vườn Thẩm bây giờ khác trước đây.
Buồn bã dưới cầu dòng nước chảy.
Người đẹp từng soi bóng nước này.


868. Vườn Thẩm
Bài hai

Bốn mươi năm chẵn đã trôi qua.
Không thấy tơ bay bụi liễu già.
Sau chết thân vùi chân núi Cối,
Vẫn xin nhỏ lệ mối tình ta.

1. Bài này tác giả viết để tỏ lòng thương nhớ nàng Đường Uyển, người vợ trước của ông. Hai người lấy nhau rất tâm đắc, nhưng do mẹ chồng ghét bỏ nên nàng phải ra đi. Một hôm đến vườn Thẩm, ngẫu nhiên ông lại gặp nàng, lúc này đã lấy chồng khác. Hai người nhìn nhau đau khổ. Nàng trở về, nghĩ ngợi nhiều sinh ốm rồi mất.  Năm 1199, Lục Du đã 75 tuổi, trở lại vườn Thẩm và viết hai bài tứ tuyệt này.


869. Đi thuyền trên sông nhỏ

Khói vương buồm dệt cói.
Mưa lên mui cỏ dày.
Xin lửa, thuyền bên cạnh.
Mua cá, chợ gần đây.
Hết ghềnh ròi lại thác.
Khách buồn, tỉnh lại say.
Thương nhà thuyền vất vả,
Chèo ngược gió suốt ngày.


870. Lầu bên sông
       
Mưa tẩy sạch chướng khí.
Nhàn rỗi, đứng trên lầu.
Nước chảy cuốn củi mục.
Mặt trời lặn đồng sâu.
Làng rộn tiếng giã giấy
Trong ngõ, trẻ dắt trâu.
Hủ nho lo việc nước,
Nhưng chỉ biết gãi đầu.


871. Đội mưa lên đài Nghĩ Nghiễn
xem nước sông dâng

Mưa dội lên nghìn núi,
Nước ngập hết muôn nhà.
Mây dày, đen như mực,
Sóng dồn dập gần xa.
Một cánh thuyền nhỏ bé
Giữa trời nước bao la.
Nhớ cuộc chơi ngày trước,
Say, vượt sóng Tam Ba.


872. Đầu xuân

Mấy tháng liền ốm yếu.
Vừa năm mới đã đau.
Dậu thưa, cây cỏ bám.
Vách đổ, rêu xanh màu.
Tráng sĩ chờ giết gặc.
Cứu nước, sá gì đâu.
Ta đâu phải nhi nữ
Mà ngâm khúc “Bạc đầu”?

1. Khúc nhạc phủ xưa, nội dung mỉa mai người không chung thủy với tình yêu. Ở đây tác giả muốn khẳng định lòng yêu nước của mình.


873. Cảm hứng vụn vặt

Buồn, uống buồn thêm mãi.
Mưa tạnh, cây ít hoa.
Bàn cờ quân rời rạc.
Tiếng sáo vọng sau nhà.
“Dời núi” 1), sức chưa hết.
“Ra biển” 2) , lời thiết tha.
Ai hiểu lòng tráng sĩ,
Gõ trúc, buồn xót xa.

1. Ngu Công ở Bắc Sơn quyết tâm dời núi Thái Hàng và Vương Ốc chắn trước     nhà mình.
2. Lỗ Trọng Yên ở nước Tề không chịu tôn nước Tần lền đế hiệu, nói:“Ta thà ra biển mà chết chứ không tôn vua Tần làm hoàng đế!”


874. Mong xuân

Xuân về theo luật định.
Ngày đẹp, trời xanh cao.
Nước long lanh dưới nắng.
Liễu xanh, gió thì thào.
Lo việc đời, ứa lệ.
Chí giết giặc còn cao.
Lên gác còn phải đỡ,
Nhưng vẫn hát nghêu ngao.


875. Gió sương

Tháng Mười, gió lạnh rít ngoài hiên.
Áo mỏng, lót bông, chửa có tiền.
Trời rét, khách ngồi không có đệm.
Thiếu ăn, vay gạo của chùa bên.
Thân già, chua xót, đêm ca cẩm.
Nhà nghèo, mùa mất, đó triền miên.
Làm trai mà thế không là phúc?
Nước mắt trào dâng, cười trước đèn.


876. Hồ Nam

Tháng Hai, hoa nở đẹp, chim bay.
Đứng ngắm một ông yếu, lại gầy.
Tóc bạc lơ thơ, buồn ứa lệ.
Muôn khoảnh hồ xanh, chuyện tháng ngày.
Đắp đê đâu chỉ dân no ấm,
Mà nước mạnh hơn nhờ việc này.
Những kẻ tầm thường không hiểu được,
Chỉ lo hương lễ để cầu may.


877. Bài hát mừng mưa

Không mưa ra châu, ra ngọc.
Tháng Sáu trời mưa ra thóc.
Mười năm hạn lụt buồn lo,
Dân phải chặt dâu, bán bò.
Năm ngoái no nhiều, đói ít.
Năm nay chắc có rượu thịt.
Được no, người ta chạnh lòng
Nhớ người chết đói ngoài đồng.


878. Khi hết gạo, thiếu củi, đùa viết bài này

Làm ruộng, làm quan đều nhỡ nhàng.
Sách nhiều, nhà hẹp, trống toang hoang.
Chẳng sao canh nhạt, không dầu mỡ.
Bếp củi chưa mua, nhóm lá bàng.
Thân trai mà đói, do mình cả.
Tuy nghèo nhưng dáng vẫn hiên ngang.
Chưa phải rình chờ ăn chực cỗ,
Về nhà khoe vợ gặp người sang 1).

1. Sách Mạnh Tử viết: Có một người nước Tề hàng ngày đi ăn cỗ thừa ở các đám tang, về nhà khoe với vợ được người giàu sang chiêu đãi. Sau vợ rình bắt quả tang và chê trách không biết giữ liêm sĩ.


879. Lên đài Nghĩ Nghiễn

Mờ mịt đài cao chắn góc thành.
Lên đài, chống gậy đứng nhìn quanh.
Bao la bốn phía màu xuân mới.
Mười năm rũ sạch bụi công danh.
Trầm tư núi đứng như hiền triết.
Quanh co sông chảy thật yên lành.
Không lo toan tính, lòng thanh thản.
Muốn bạn cùng chim giữa lá cành.


880. Vinh hoa mai

Hoa mai nở, không chủ
Bên cầu gãy, sát đường.
Hoàng hôn, đã buồn sẵn,
Lại còn thêm gió sương.
Mặc hoa khác ghen ghét,
Mai vô tư, dễ thương.
Khi rụng, vùi trong đất,
Còn giữ được mùi hương.


881. Theo điệu "Giá cô thiên"

Ruộng dâu xanh tốt bãi phù sa.
Tằm nở đầy nong, đợi ở nhà.
Gò cao cỏ mượt, con bê rống.
Rừng lạnh, quạ bay giữa ráng tà.
Nhà ai bán rượu, cờ xanh thẫm.
Con đường chênh chếch, núi gần xa.
Trong thành đào mận buồn mưa gió.
Xuân đến đầu khe, cỏ nở hoa.


882. Đêm đậu thuyền ở xóm ven sông

Cung tên mang mãi, sệ bên hông.
Tiếc bia chưa dựng để ghi công.
Ngày xưa lão tướng băng sa mạc,
Nay sao lớp trẻ khóc, nao lòng?
Liều chết, chỉ mong đền nợ nước,
Dẫu giờ tóc bạc, tấm lưng còng.
Giang hồ thuở trước, đêm thuyền đỗ,
Nhớ nằm nghe tiếng nhạn ngoài sông.


883. Đi chơi xóm núi ở phía tây

Đừng tưởng nhà nông rượu chát cay.
Được mùa có thịt đãi khách say.
Liễu rậm, hoa thưa, khu xóm nhỏ.
Đường đi lắt léo núi và cây.
Quần áo đơn sơ, theo lễ cũ.
Kèn trống mừng xuân rộn suốt ngày.
Từ nay rảnh rỗi, khi trăng sáng,
Chống gậy một mình lại đến đây.


884. Thơ viết ở Lâm An, lúc mưa xuân mới tạnh

Tình đời thật mỏng những năm qua.
Cưỡi ngựa đến đây, ai xúi ta?
Đêm lắng mưa rơi trên gác nhỏ.
Sáng dậy nghe ai rao bán hoa.
Rỗi việc, vu vơ dăm chữ viết.
Bên song, trời tạnh, tự pha trà.
Áo trắng đừng lo dây cát bụi.
Thanh minh còn kịp trở về nhà.


885. Đi đường, gặp lão nông,
trò chuyện, về nhà làm bài thơ này

Mấy năm ốm yếu, nghỉ, nằm không.
Chỉ gặp tiều phu với mục đồng.
Lẽ phải tìm trong trang sách cổ.
Lời ngay từ miệng những già nông:
"Riêng lo thế giặc mà sa lệ,
Nghĩ chuyện đền ơn, những ước mong!"
Chưa hưởng lộc vua, mà họ vậy,
Xấu hổ, ta nghe, thẹn với lòng.


886. Tre mới

Gai nhọn, chăng rào, giúp chở che.
Bên ao soi bóng những trưa hè,
Không biết lúc nào giờ chính ngọ.
Bóng râm mát rượi, tưởng thu về.
Măng mọc ban đêm, nghe tách vỏ.
Ban ngày trổ ngọn, lá xum xuê.
Sau này rỗi việc, về đây sống,
Kê gối ta nằm dưới bóng tre.


Làm trên lưng ngựa lúc về muộn

Thanh Duẩn chiều hôm nắng chiếu tà.
Đông Hồ rầu rĩ tiếng tù và.
Không buồn lận đận đời cay đắng.
Chỉ tiếc ít người biết đến ta.
Phóng ngựa chơi ngông, xuân bát ngát.
Bên sông uống rượu đến say ngà.
Say rồi chỉ muốn ngâm “Lương Phủ” 1)
Muốn cùng Gia Cát luận thi ca.

1). Bài phú Khổng Minh Gia Cát Lượng thường ngâm.


Đi trong đêm

Không sợ người chê bạc trắng đầu.
Lối đi trong xóm thuộc từ lâu.
Chùa ở ngoài mây, chuông vọng lại.
Mặt nước lung linh nến thủy lầu.
Chim hạc về Liêu, nghìn vạn tuổi.
Phong rụng đất Ngô, úa một màu.
Khép tấm cửa thuyền, không ngủ được.
Bên ngoài trăng sáng suốt đêm thâu.


Qua một làng quê, cảm tác

Xế chiều, dừng ngựa ở bên sông.
Thấp thoáng nhà ai ánh lửa hồng.
Thấy khách, sau rào con chó sủa.
Chờ ăn, tằm đói bò trên nong.
Phiêu dạt mười năm, đời lận đận.
Quê xa vạn dặm nhớ trong lòng.
Ở ẩn Nam Dương 1) ai bảo xấu?
Anh hùng đích thực biết làm nông.

1). Khi chưa ra giúp Lưu Bị, Khổng Minh ở ẩn ở Nam Dương, tự mình cày cấy.


Ở Lâm An, mưa nhỏ mới tạnh

Mùi đời nhạt nhẽo mấy năm qua.
Ai xui cưỡi ngựa chốn Kinh Hoa?
Đêm lắng mưa rơi trên gác nhỏ.
Sáng thấy có người rao, bán hoa.
Phóng tay chấp bút dăm hàng nhỏ.
Lặng lẽ nhâm nhi mấy chén trà.
Đừng lo áo trắng đời dây bụi.
Trước tết Thanh Minh kịp ở nhà.


Cuối xuân

Mấy gian nhà cỏ dựng bên hồ.
Sách nhiều mà bụng vẫn không no.
Hoa nở, hoa tàn, xuân lại hết.
Én đi, én lại, cứ vòng vo.
Mở sách, vui tìm nhiều bạn cũ.
Soi gương - già yếu, thấy buồn lo.
Nhưng vẫn một lòng vì cứu nước.
Nuôi chí ngày đêm diệt giặc Hồ.


Đêm, đọc binh thư
(trích)

Đọc binh thư trong núi.
Ngọn đèn mù khói sương.
Để phò vua, cứu nước,
Muốn xông pha chiến trường.
Kẻ sĩ không ngại chết.
Chỉ thấy mình đáng thương
Vì bịn rịn con, vợ,
Vì mặt gầy trong gương.


Bài ca say rượu
(trích)
      
Ngồi uống rượu bên sông.
Bốn bề lầu trống không.
Tay cầm chiếc chén ngoc,
Thấy mình trôi bập bồng.
Chỉ uống một hớp nhỏ
Mà hết cả núi sông.


Cuối năm, làm thơ vui về cảnh nghèo        

Tiền cần có nhất, luôn không có.
Cam nghèo đóng cửa, chịu nằm co.
Nhờ tiền, lưng cong thành lưng thẳng.
Men say làm mặt đỡ gầy gò.
Bàn ăn ngồn ngộn toàn rau củ.
Quần áo vá chằng tấm nhỏ, to.
Hết tiền, khí phách nhiều, chưa hết.
Vung bút viết bài phu Lương Đô. 1)

1). Bài phú nổi tiếng của Bàn Cổ đời Hán.


Mưa thu
(trích)

Đèn mờ như đom đóm
Luôn lập lòe bên sông.
Mưa thu rơi thánh thót
Như giọt nước lậu đồng.
Không bị Sở phóng trục 1)
Buồn mà nhảy xuống sông,
Chỉ vì lo việc nước,
Ta đau xót trong lòng.

1). Ý nói Khuất Nguyên bị vua Sở lưu đày, phẫn chí mà nhảy xuống sông tự tử.


Đêm đọc sách, cảm hoài
(trích)

Con cú bay trong núi.
Đàn vịt kêu ngoài đồng.
Ta thì ngồi đọc sách
Bên cửa bện cỏ bồng.
Khổ thân ta, đầu bạc,
Chán đời, chán việc công.
Quên mình, lo việc nước,
Mà lệ chảy ròng ròng.


Hồ Gương
(trích)

Dân cày mong lúa tốt,
Có cái ăn trong nhà.
Nhưng hết hạn lại lụt,
Thóc gạo đắt gấp ba.
Hồ Gương luôn ngập úng.
Đâu phải trời gây ra -
Chỉ dân ngu không biết
Quan lười, không lo xa.


Lời than của nông dân
(trích)

Ruộng thấp cấy chiêm muộn.
Nương cao trồng mạch, ngô.
Ốm cũng phải cày ruộng,
Tội nghiệp lũ trâu bò.
Nông dân làm cật lực
Mong được ngày ấm no.
Thế mà vừa thu hoạch,
Quan đã đến thu tô!


Nghe tiếng nhạn
(trích)

Thương cho lũ chim nhạn
Từ phương Bắc về đây,
Nơi lúa ngô vốn ít.
Ăn gì sống qua ngày.
Có thoát được cung bẫy
Khi bay ngoài trời mây?
Nếu có cánh như nhạn,
Ta cũng bỏ nơi này.



TẢ VĨ


Chưa rõ tiểu sử


887. Ngắm cảnh chiều xuân

Góc nhà gió thổi, khói như mây.
Hoa nở đung đưa khóm liễu gầy.
Trong ánh hoàng hôn mờ ảo ấy,
Chim én lại về, chấp chới bay.



NGÔ ĐÀO

Chưa rõ tiểu sử


888. Tuyệt cú

Khách chưa thấy rét, áo chưa thay.
Mơ đã chua dần, hoa lá bay.
Rồi chợt một đêm không tiếng ếch,
Gió thổi se se, rét mấy ngày.



LƯU TỬ VỰNG

Chưa rõ tiểu sử


889. Cảnh trên sông

Triều dâng sóng lớn, gió bâng quơ.
Hàng cây đứng lặng giữa khói mờ.
Ba ngày gió lạnh, đò không khách.
Một dãy thuyền con xếp cạnh bờ.



DƯƠNG VẠN LÝ

Sinh năm 1124, mất 1206, Hiệu Thành Trai, cùng Lục du, Phạm Thành Đại và Lưu Mậu được người đời gọi là "Bốn nhà thơ lớn thời Nam Tống".


890. Ao nhỏ

Không nỡ gây ồn, nước đứng yên.
Hồ lặng cây soi, giống cõi thiền.
Sen non vừa nhú sừng xanh biếc,
Chuồn chuồn bay đến đậu lên trên.


891. Tiếc mùa xuân

Xuân này những tưởng hết lo âu,
Thì ra vẫn thế, vẫn buồn rầu.
Xuân đến mà hoa không thiết ngắm -
Chắc có việc buồn hoặc ốm đau.


892. Ngủ nhà Từ Công ở Chợ Mới

Hoa rụng lối mòn bên dậu tre.
Lá mới xanh mầm, chưa đủ che.
Đám trẻ thi nhau đùa bắt bướm.
Bướm sang nhà cạnh, phải quay về.


893. Buổi sớm ra chùa Tĩnh Tư tiễn Lâm Tử Phương

Hồ Tây tháng Sáu rộng mênh mông.
Cảnh sắc mùa này khác thu đông.
Lá sen xanh biếc như trời biếc.
Hoa sen dưới nắng lại thêm hồng.


894. Ngày đầu mùa hè, ngủ dậy

Mai chua đến nhăn mặt.
Chuối xanh chạm vách nhà.
Trưa ngủ dậy, buồn chán,
Ngồi xem trẻ chơi hoa.


895. Bài ca cấy lúa

Chồng tung nắm mạ, vợ bắt ngay.
Thằng bé làm cỏ, thằng lớn cày.
Mưa ướt đến lưng, mưa rả rích.
Áo tơi, nón lá gió tung bay.
Gọi chồng tạm nghỉ ăn cơm sáng,
Mà chồng mải miết cấy luôn tay.
Mạ nơi chưa bén, nơi chưa cấy.
Thêm lũ ngỗng con kêu suốt ngày.



HÀN CÂU

Chưa rõ tiểu sử


896. Đã lâu không được tin, viết gửi Á Khanh

Chàng ở lầu hoa trên bến sông.
Thiếp ở dưới này, phía biển đông.
Triều dâng đến lầu, không dâng nữa.
Lệ thiếp nước hòa, chàng biết không?



TRIỆU SƯ TÚ

Chưa rõ tiểu sử


897. Có hẹn

Xuân sớm mưa phùn rơi, cứ rơi.
Quá hẹn mà sao chẳng thấy người.
Quân cờ gõ nhảm, hoa đèn rụng.
Ếch nhái ngoài ao thật lắm lời.



UÔNG NGUYÊN LƯỢNG

Chưa rõ tiểu sử.


898. Hoài Điền

Trời xanh nhàn nhạt, trăng mờ sương.
Hai phía Hoài Điền là chiến trường.
Cung nữ trong cung, không ngủ được,
Ngồi buồn nghe điệu "Khốc Tương Dương".



MỤC ĐỒNG

Chưa rõ tiểu sử


899. Trả lời Chung Ngược Ông

Cỏ xanh trải rộng đến chân trời.
Gió thổi sáo diều, lòng thảnh thơi.
Ăn no, áo rách không thèm cởi.
Đêm nằm ễnh bụng ngắm trăng chơi.



CHU HY

Sinh năm 1130, mất 1200, tự Nguyên Hối, là nhà luân lý họ nổi tiếng đời Tống, người chỉnh lý cuốn Tứ Thư của Khổng Tử.


900. Cảm nghĩ khi đọc sách

Đầm vuông nửa mẫu tựa gương soi,
Soi nửa vuông mây, nửa sắc trời.
Thử hỏi sao đầm trong đến vậy?
Vì thác đầu nguồn nước vẫn rơi.


901. Hoa lựu

Tháng Năm hoa lựu đỏ trên cành.
Một vài chấm nụ, bướm bay quanh.
Chỉ tiếc nơi này không khách ngắm,
Để buồn, hoa rụng đỏ rêu xanh.


902. Chơi thuyền

Đêm qua bất chợt nước sông lên.
Thuyền lớn tự trôi như mũi tên.
Chẳng bù hôm trước phu vất vả,
Tốn sức bao nhiêu để kéo thuyền.


903. Ngày xuân

Bến Tứ, chơi xuân buổi đẹp trời.
Trời rộng, đất xanh, cây tốt tươi.
Gió xuân lặng lẽ mang xuân đến.
Muốn biết, trong lòng phải thảnh thơi.



NGU TỰ LƯƠNG

Sinh năm 1180, không rõ năm mất, có làm quan một thời gian.


904. Sớm xuân ở Hành Khê Đường

Mạ gieo hôm trước đã xanh màu.
Mưa phùn khói trắng quyện vào nhau.
Xung quanh toàn ruộng, ba nghìn khoảnh.
Đàn cò không biết đậu vào đâu.



DIỆP THÁI

Chưa rõ tiểu sử


905. Cảnh chiều xuân

Chim bay líu ríu tận thư phòng.
Gió thổi, hoa đào bám bút lông.
Rỗi, ngồi bên cửa xem Chu Dịch.
Không biết xuân rồi, hay vẫn đông.



THÁI SÁC

Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết người Tấn Giang, nay là Phúc Kiến, tự Tử Chính, làm quan dưới thời Tống Thần Tông, do dâng sớ can vua sửa đổi triều chính nên bị phái làm quan nơi xa và chết ở đó.


906. Đình trên mặt nước sông Thương Lang

Bình phong bằng giấy, giường bằng tre.
Mỏi tay, sách tuột giữa trưa hè,
Làm một giấc dài, khoan khoái dậy.
Tiếng sáo thuyền chài thợt thoáng nghe.



ÔNG QUYỂN

Chưa rõ tiểu sử.


907.  Tháng Tư, ở làng quê

Màu xanh đầy núi, nước đầy sông.
Cuốc kêu giục dã việc nhà nông.
Đang giữa tháng Tư, ai cũng bận.
Chưa hết tằm dâu, đã xuống đồng.



ĐÁI PHỤC CỔ

Hiệu Thạch Bình, sinh năm 1167, mất 1248, nhà thơ lớn đời Nam Tống với nhiều tác phẩm mang đậm tinh thần yêu nước và về cuộc sống khổ cực của người nông dân.


908. Thôn Hoài sau loạn lạc

Vắng chủ cây đào vẫn nở hoa.
Cánh quạ làm đen vệt ráng tà.
Mấy bức tường xiêu quanh giếng cũ.
Nhà người thì có, thiếu nhà ta.


909. Ngủ qua đêm ở nhà một nông dân

Dép cỏ, mũ rơm đi đó đây.
Một năm mà áo vẫn chưa thay.
Bất chợt trời mưa bên núi vắng,
Đành xin trú tạm mái tranh này.
Ếch nhái kêu ran trong giấc ngủ.
Mơ thành con bướm nhởn nhơ bay 1).
Thư nhà mười bức, may tới một.
Trời bắc, trời nam cánh nhạn gầy.

1. Trang Chu thời Xuân Thu năm mơ mình hóa thành bướm.


910. Đêm trăng trên thuyền

Đầy thuyền trăng sáng, nước xanh trong.
Sóng im, khí lạnh bốc lên không.
Thi hứng dập dềnh theo bóng nước.
Theo mái chèo bay, hồn bập bồng.
Sao sớm lặng soi dòng nước lạnh.
Nhạn thương hoa héo, khóc rừng đông.
Thấp thoáng lửa chài bên bến cũ.
Cầu khuya, sương ướt lá ngô đông.



LƯ MAI PHA

Chưa rõ tiểu sử.


911. Hoa mai và tuyết

Mai tuyết tranh nhau trổ sắc tài.
Thi nhân đành chịu, biết bênh ai?
Về hương, có lẽ mai hơn tuyết,
Nhưng về màu trắng, tuyết hơn mai.



ĐỖ LAI

Không rõ năm sinh, năm mất, tự Tử Dã, người Đình Giang, nay thuộc tỉnh Chiết Giang. Ông là bạn học cùng thầy với Vương An Thạch đời Tống.


912. Đêm lạnh

Có khách ban đêm, lạnh, uống trà.
Lò vừa mới nhóm, đóm như hoa.
Trước cửa trăng treo, không khác lạ.
Chỉ khác hoa mai nở trước nhà.



BẠCH NGỌC THIỀM

Không rõ năm sinh, năm mất,còn có tên khác là Tát Trường Canh, tự Như Hối, một đạo sĩ thời Nam Tống, người Mãn Thanh nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Ngoài thơ văn, ông còn giỏi về vẽ tranh mai trúc. Tác phẩm: "Hải Quỳnh tập".


913. Xuân sớm

Hoa mai bất chợt nở sau nhà.
Chỗ nhiều, chỗ ít tuyết sương pha.
Chỗ đậm như trăng, thưa tựa khói.
Sắc nước, sắc trời quyện sắc hoa.



TẦN QUÁN

Sinh năm 1049, mất 1100, nổi tiếng về sở trường viết từ. Được Tô Thức tiến cử, ông ra làm quan, sau bị cách chức đầy đi xa và chết ở Đằng Châu, nay thuộc tỉnh Quảng Tây.


914. Theo điệu "Đạp sa hành"

Lầu gác sương che, trăng bến sông.
Tìm mãi nguồn đào, mỏi mắt trông.
Xuân lạnh, quán côi, buồn vô hạn,
Lại thêm tiếng cuốc tái tê lòng.
Cá mang thư lụa 1), hoa mai trạm, 2)
Oán giận, buồn đau lại chất chồng.
Thâm sông quấn quít bên Thâm núi,
Tiêu Tương sao mãi cứ chảy về đông.

1. Thơ cổ có câu: "Khách tòng viễn phương lai. Dĩ ngã song lý ngư. Hô nhi phanh lý ngư. Trung hữu xích tố thư". Nghĩa là: Khách từ nơi xa đến. Cho ta một đôi cá chép. Gọi trẻ đem mổ cá ra. Thấy trong bụng cá có bức thư bằng lụa.
2. Thời Ngũ Đại, Lục Khải và Phạm Diệp thân nhau. Lục Khải gặp người đưa thư từ Giang Nam lên miền bắc, bèn gửi cho Phạm Diệp một cành hoa mai.



LÝ CƯƠNG

Sinh năm 1083, mất 1140, từng giữ chức tể tướng triều vua Cao Tông đời Nam Tống. Ông chủ trương thay đổi chính sự, quyết chống giặc Kim, bị nịnh thần chèn ép, sau bất đắc chí mà chết.


915. Con trâu ốm.

Từng cày vạn mẫu, giúp nhà nông.
Nay già, ốm yếu chẳng ai trông.
Chỉ muốn mọi người no đủ cả.
Có oan tí chút cũng cam lòng.



LÝ THANH CHIẾU

Sinh năm 1084, mất 1151, nhà thơ nữ có tài, xuất thân quyền quí,  thời kỳ đầu xa thực tế, thơ tao nhã, bay bướm nhưng tư tưởng nghèo nàm. Về sau, khi nhà Tống chạy xuống phía Nam, sống trong cảnh lưu lạc, bà có một số bài mang tính hiện thức cao.


916. Tuyệt cú

Sống làm người hào kiệt.
Chết thành ma anh hùng.
Vẫn chưa quên Hạng Vũ.
Không chịu về Giang Đông.



TRƯƠNG THỨC

Nhà thơ đời Tống, sinh năm 1133, mất 1180, tự Kính Phu, hiệu Nam Hiên, người Cẩm Trúc, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên.


917. Ngày xuân, chợt hứng thành thơ

Năm cũ đã qua, trời ấm dần.
Cây cỏ hồi sinh, hửng sắc xuân.
Tự nhiên thi hứng dâng dào dạt.
Gió vờn mặt nước, sóng lăn tăn.



VƯƠNG KỲ

Không rõ tiểu sử, chỉ biết tên chữ là Lục Kỳ, người đời Tống.


918. Chiều xuân thăm vườn nhỏ

Hoa mai phấn rụng, héo trên cành.
Hải đường vẫn đỏ, sắc long lanh.
Khi nở trà mi, hoa khác rụng.
Dưới cây thưa thớt đám rêu xanh.



LƯU KHẮC TRANG

Sinh năm 1187 mất 1269, tự Thế Phụ, hiệu Hậu Thôn, người Bồ Điền, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến, con nhà dòng dõi, có làm quan, nhà thơ nổi tiếng thời Tống. Tác phẩm: "Hậu Thôn tiên sinh đại toàn tập".


919. Thoi oanh

Trong bờ liễu biếc có đôi oanh
Bay đi bay lại tựa thoi nhanh.
Lạc Dương vào xuân, như tranh gấm.
Không biết bao lâu mới dệt thành.


920. Cảnh mùa đông

Ban mai, tỉnh dậy, nắng bên song.
Tiếng thu nghe rõ phía hàng rừng thông.
Sai trẻ quấy siêu pha nước uống,
Dặn người dọn gác, đón mùa đông.
Rượu mới vừa hâm, bàn đã dọn.
Thịt rán ba ba tỏa khắp phòng.
Cúc dại ngoài vườn trông thật đẹp.
Cảnh thế, người sao chẳng ấm lòng?



CHU TẤT ĐẠI

Sinh năm 1126 mất 1204), tự Tử Sung, người Lư Lăng, nay thuộc tỉnh Giang Tây, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tả Thừa tướng. Tác phẩm: "Ngọc Đường loại cảo", "Ngọc Đường tạp ký" và "Tĩnh trai tập".


921. Được vua gọi vào chầu

Quạ chiều, ngọn liễu phía xa xa.
Vua gọi vào cung, cho uống trà.
Trở lại Hàn Lâm, không ngủ được.
Trăng non đầu tháng vướng cành hoa.



LÔI CHẤN

Không rõ thân thế, sự nghiệp, chỉ biết là nhà thơ đời Tống.


922. Chiều quê

Ao đầy cỏ mọc, nước đầy khe.
Mặt trời gác núi, gió se se.
Vắt vẻo lưng trâu về xóm nhỏ,
Lũ trẻ vui đùa thổi sáo tre.



HỒNG TƯ QUỸ

: Sinh năm 1176, mất 1235, tự Thuấn Du, hiệu Bình Trai, người Vu Thế, nay thuộc huyện Lâm An, Chiết Giang, làm quan đến Hàn lâm Học sĩ, thuộc trường phái thơ Giang Tây.


923. Thơ viết trong phiên trực ở viện Hàn Lâm

Cửa Cấm cài then, không bóng người.
Vua ban giấy sắc, mực còn tươi.
Trống điểm canh năm, đêm sắp hết.
Tử vi, hoa trắng một góc trời.



TĂNG CHÍ NAM

: Nhà sư thời Nam Tống. Năm sinh, năm mất chưa rõ, thơ ông tao nhã, tinh tế, nhất là  thể  tuyệt cú.


924. Tuyệt cú

Thuyền con buộc tạm gốc cây già.
Chống gậy một mình ra bến xa.
Không lạnh chút nào cơn gió liễu.
Áo ngoài thấm ướt bởi mưa hoa.



CHU THỤC CHÂN

Sinh năm 1170, năm mất không rõ. Bà là nhà thơ, nhà từ nổi tiếng thời Nam Tống, ngang danh với L ý Thanh Chiếu.


925. Đêm rằm tháng Giêng

Đèn hoa nhấp nháy tựa sao đêm.
Kèn trống thi nhau rộn trước thềm.
Cảnh vui đúng lúc đang sầu muộn.
Chuyện cũ nằm mơ, lòng yếu mềm.
Những muốn cùng người vui chốc lát,
Dẫu trăng mờ tối, vẫn nâng rèm.
Mải ngắm đèn hoa, quên uống rượu -
Sang năm sợ chẳng có mà xem.


                                              

LƯU QUÝ TÔN

Năm sinh, năm mất không rõ, chỉ biết tự Cảnh Văn, người Tường Phủ, nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam, tng giữ chức quan nhỏ thời Thần Tông nhà Tống. Ông có kiến thức uyên bác, giỏi thơ văn. Sau khi chết nhà chỉ toàn sách.


926. Thơ đề trên vách quán rượu Nhiêu Châu

Líu lo chim yến khóm đào tươi.
Làm tỉnh giấc mơ đẹp, lạ đời.
Đem kể khách nghe, ai cũng diễu.
Cầm gậy, bực mình, lên núi chơi.



ĐÁI MẪN

Năm sinh, năm mất không rõ, người Đài Châu, Hoàng Nham, nay thuộc tỉnh Chiết Giang; tự Mẫn Tài, hiệu Đông Cao tử, thi đỗ nhưng không ra làm quan, là cha của nhà thơ nổi tiếng đời Nam Tống là Đái Phục Cổ.


927. Đầu hạ, chơi vườn họ Trương

Ao nhỏ vịt bơi, chỗ nước nông.
Đang mùa mai chín, trời xanh trong.
Sấu xanh mà hái trơ còn lá.
Vườn tây có rượu, say vườn đông.



LÂM THĂNG

Sinh khoảng năm 1180, không rõ năm mất và tiểu sử.


928. Thơ đề nhà trạm Lâm An

Núi xanh tiếp núi, lầu tiếp lầu.
Tây Hồ múa hát chắc còn lâu.
Gió xuân ấm áp làm say khách,
Cứ nghĩ Hàng Châu là Biện Châu. 1)

1. Bài này tác giả chỉ trích vua tôi nhà Nam Tống sau khi chạy về Hàng Châu, chỉ lo xây lâu đài, ca hát, không nghĩ tới việc lấy lại đất đã mất. Biện Châu là kinh đô Bắc Tống bị quân Kim chiếm.



VĂN THIÊN TƯỜNG

Sinh năm 1236, mất 1282, hiệu Văn Sơn, đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức hữu thừa tướng. Bị quân Nguyên bắt, giam ba năm không chịu đầu hàng, cuối cùng bị giết. Thơ ông mang chất bi hùng kế thừa truyền thống của Đỗ Phủ.


929. Viết trên sông Dương Tử

Mấy ngày chơi biển bắc,
Giờ lại về phía nam.
Xuôi theo dòng Dương Tử,
Bị hút như nam châm.


930. Trạm Kim Lăng 1)

Nhà cỏ đơn sơ giữa nắng tà.
Đám mây cô quạnh phía đằng xa.
Non sông, phong cảnh nguyên như cũ.
Khác xưa một nửa - người và nhà.
Lầu gác hoang tàn, không én lượn.
Hoa lau già cỗi, giống đầu ta.
Xa quê, ta nguyện làm chim cuốc,
Suốt đời khóc nhớ những ngày qua.

1. Tháng Ba năm 1297 Văn Thiên Tường bị giải đi Yên Kinh. Tháng Bảy, khi qua Kim Lăng ở nhà trạm, ông viết bài thơ này.


HOA NHẠC

Sinh khoảng 1225, nổi tiếng là người khí khái, bị bọn gian thần nhiều lần cầm tù và giết hại.


931. Nhà nông

Tiếng gà buổi sáng gọi nhà nông
Sửa soạn thức ăn để xuống đồng.
Định đánh thức chồng, còn sợ sớm,
Hé liếp nhìn trời ở phía đông.



DIỆP THIỆU ÔNG


Không rõ sinh thời ông làm gì, chỉ biết có thể ông sinh vào năm 1224.


932. Tới vườn chơi, không vào được

Đến thăm mấy bận cổng then cài.
Còn hằn rêu lạnh dấu chân ai.
Không thể giam xuân sau cánh cổng
Một bông hạnh đỏ ló ra ngoài.



TỪ NGUYÊN KIỆT

Sinh năm 1196, mất 1245, tự Bá Nhân, người Thượng Nghiêu, nay là Giang Tây. Ông làm quan đến Công bộ Thị lang. Thơ đằm thắm, trong sáng và nhiều chất trữ tình.


933. Trên hồ

Oanh hót trên cây, hoa nở hồng.
Cánh cò chới với, nước mênh mông.
Mây quang, gió lặng, người cao hứng.
Chiều buông, tiếng sáo rộn thinh không.



TÀO BÌNH

Không rõ năm sinh, năm mất, tự Tây Sĩ, hiệu Đông Xuyên, người tổng Thụy An, nay là Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang.


934. Chiều xuân

Ngoài vườn hoa rụng, chẳng ai hay.
Xanh đến chân trời, xanh cỏ cây.
Núi rừng yên tĩnh chim oanh hót.
Ếch nhái râm ran ngoài bãi lầy.



CAO CHỬ

: Năm sinh, năm mất không rõ, chỉ biết ông sống đời Nam Tống, tự Cửu Vạn, hiệu Cúc Kha. Ông ở ẩn không ra làm quan và là thi sĩ thuộc phái giang hồ.


935. Tiết Thanh Minh

Nhỏ to, nhiều mộ hai đầu núi.
Tảo mộ người đi cũng rất đông.
Tàn tro, vàng mã bay như bướm.
Tiếng khóc tổ tiên khá mủi lòng.
Trời tối, cáo chui vào mộ ngủ.
Đêm cô gái ngắm trước gương lồng.
Ở đời có rượu thì nên uống.
Sau chết dưới mồ uống được không?



VƯƠNG TRUNG

Nhà thơ đời Tống, thân thế, sự nghiệp chưa rõ.


936. Cơn binh lửa

Loạn lạc chưa yên, dẫu bất bình.
Đầu hai thứ tóc, chịu làm thinh.
Long đong phiêu dạt như Vương Xán. 1)
Giống Đỗ Lăng xưa một tấm tình. 2)
Gửi nửa vành trăng lên cho Ô Thước. 3)
Đứt ruột một người nghe Quyến Linh. 4)
Giá ở Trung Sơn, nằm uống rượu,
Say đến tận khi nước thái bình!

1. Vương Xán tự Trọng Tuyên, thời Đông Hán, giỏi mưu lược, thơ văn, long đong trong việc tìm minh chủ để phụng sự.
2. Tức Đỗ Phủ, trong thơ thường đề cập đến nỗi bất hạnh của dân chúng vì chiến tranh.
3. Tên một loài chim rừng, thường kêu vào ban đêm, nghe rất thương tâm.
4. Ô Thước - mượn ý câu thơ của Tào Tháo: Nguyệt minh tinh hy. Ô Thước nam phi, nghĩa là: Trăng sáng sao thưa. Quạ bay về nam. Ý nói loan to, dân chúng phải khổ sở.



TẠ PHƯƠNG ĐẮC

Sinh năm 1226, mất 1289, tự Quản Trực, hiệu Diệp Sơn, người Qua Dương, nay là Giang Tây, từng làm quan. Khi nhà Tống bị diệt, ông đổi tên họ, ẩn cư ở Phúc Kiến. Nhà Nguyên nhiều lần dùng uy lực buộc ra làm quan, ông không chịu, nhịn ăn mà chết.


937. Khúc ngâm người đàn bà nuôi tằm

Cuốc kêu da diết bốn canh thâu.
Nhỏm dậy, sợ tằm đang đói dâu.
Đã khuya, trăng khuất sau bờ liễu,
Mải vui, người ngọc hát trên lầu.


938. Mừng hoa đào ở Toàn Am

May có Đào Nguyên để lánh Tần.
Lần nữa hoa đào, lần nữa xuân.
Không sợ hoa rơi, trôi theo nước.
Chỉ sợ có người đến rửa chân.



LÂM CHẨN

           
Chưa rõ tiểu sử, chỉ biết tự là Đan Sơn.


939. Đình Lãnh Tuyền 1)


Mạch nước trong xanh như mạch thơ.
Quanh năm mát lạnh, vỗ hai bờ.
Ra đến Tây Hồ, nước đã khác,
Không còn nhí nhảnh cái ngây thơ.

1. Đình được xây  ở Tây Hồ, Hàng Châu, trên núi Phi Lai. Phía dưới có suối Lãnh Tuyền, suối lạnh.



KHUYẾT DANH


940. Thơ vặt

Tháng Ba, hàn thực, 1) cỏ xanh tươi.
Gió lộng trên đê, liễu rối bời.
Có quê mà chẳng về quê được.
Xin cuốc đừng kêu, não ruột người.

(1) Hµn thùc lµ tiÕt sau ®«ng chÝ 105 ngµy, tøc mång 3 th¸ng 3 ¢m lÞch, ngµy TÕt ¨n ®å l¹nh. ViÖt Nam ta gäi tÕt b¸nh tr«i b¸nh chay.


941. Thơ vặt

Chiều, sông Vô Địch đượm buồn đau.
Bâng khuâng chợt nhớ Hách Liên lầu.
Đường tới Hàm Quan xa vạn dặm.
Gió thổi, qua đêm bạc trắng đầu.


942. Bài hát mùa xuân

Hoa xuân thật dễ thương.
Chim kêu buồn bên đường.
Gió thổi tung xiêm áo.
Khiến lòng người vấn vương.


943. Nhổ cỏ bồ

Líu ríu dưới bóng cây,
Chàng cùng thiếp suốt ngày
Nhổ cỏ bồ làm gối,
Nhổ mãi không đầy tay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét