Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Nguyễn Dữ




Truyền Kỳ Mạn Lục
NGUYỄN DỮ

1
Dân ta hay sùng ngoại,
Không chịu khám phá mình.                                     
Trong văn chương, Nguyễn Dữ
Đâu kém Bồ Tùng Linh.

Một ông viết Chí Dị,
Ông kia viết Truyền Kỳ.
Đều là chuyện ma quái,
Nói chung, chẳng khác gì.

Hơn thế, ông Đại Việt
Viết trước ông người Tàu,
(Thực ra người Mông Cổ)
Hai trăm năm về sau.

Nguyễn Dữ người Gia Phúc,
Tỉnh Hải Dương ngày nay.
Phùng Khắc Khoan là bạn,
Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy.

Người ta vẫn chưa biết
Ông sinh, mất năm nào.
Chỉ biết ông nổi tiếng
Học rộng và tài cao.

Làm quan thời nhà Mạc
Nhờ đỗ đầu thi Hương.
Sau ông treo mũ áo,
Ở ẩn vì chán chường.

Ông lui về trí sĩ
Vùng Thanh Hóa ngày nay,
Nhàn rỗi, viết cuốn sách
Rất nổi tiếng sau này:

Cuốn Truyền Kỳ Mạn Lục,
Hai mươi chương vừa xinh.
Mỗi chương là một truyện,
Có kèm theo lời bình.

Văn cụ Nguyễn súc tích,         
Chất ma quái rất nhiều,
Về nhân tình thế thái,
Về tội lỗi, tình yêu.


TRUYỆN NÀNG NHỊ THANH

1
Xưa, chàng Trình Trung Ngộ
Quê ở xứ Bắc Hà,
Vốn con nhà giàu có,
Thường đi buôn bán xa.

Thuyền chàng luôn neo đỗ
Dưới chân cầu Liễu Khê.
Chợ Nam Xang gần đấy,
Cây xanh tốt bốn bề.

Đêm, lên bờ đi dạo,
Chàng thường thấy một nàng
Trẻ tuổi, rất xinh đẹp.
Chắc con gái trong làng.

Sau vài lần trò chuyện,
Từ lạ thành quen thân.
Nàng lên thuyền tối tối
Hai người cùng ái ân.

Nàng còn giỏi đàn hát,
Biết luận bàn văn thơ.
Chàng Trình thêm mê mẩn,
Tưởng mình đang trong mơ.

Cứ thế, suốt một tháng,
Nàng đến lúc nửa đêm,
Ra về trời gần sáng,
Lửa tình càng bén thêm.

Một lần, do nài ép,
Nàng miễn cưỡng đưa chàng 
Đến một căn lều nhỏ
Ở tận cuối mép làng.

Khi vừa vào đến cửa,
Chàng giật mình, sững sờ
Thấy chiếc quan tài đỏ
Đặt trước chiếc bàn thờ.

“Giường em đây, - nàng nói,
Chỉ vào chiếc quan tài. -
Em không muốn chàng biết,
Nhưng chàng cứ van nài.”

Chàng hoảng hồn, bỏ chạy.
Nàng túm áo không cho.
Cũng may áo bị đứt,
Chàng về được bến đò.

Hôm sau, cho người hỏi
Thì biết nàng Nhị Thanh,
Chết đã được mấy tháng,
Xác quàn trong lều tranh.      

Thương cho Trình Trung Ngộ
Đổ bệnh rồi phát điên.
Suốt ngày đêm nằng nặc
Đòi được rời khỏi thuyền.       

Người ta trói chàng lại,
Không cho gặp Nhị Thanh,
Vì đêm nàng vẫn đến,
Tha thiết gọi người tình.

Một tối nọ, bất chợt,
Không ai biết chàng Trình
Bỗng nhiên biến đâu mất,      
Dẫu sông nước xung quanh.

Cuối cùng người ta thấy
Chàng chết trong túp lều,
Tay ôm quan tài đỏ
Bên cạnh xác người yêu.

Rồi cả hai xác ấy
Được đem chôn bên nhau
Bên một ngôi chùa cổ,
Mặc mưa gió dãi dầu.

Cũng đêm đêm, từ đó
Người ta thấy hai người
Cùng nắm tay đi dạo
Giữa mịt mùng mưa rơi...


TÂY VIÊN KỲ NGỘ

Ở Thiên Trường thời ấy,
Thuộc Nam Định ngày nay,
Có một người trò giỏi
Lên kinh đô tìm thầy.

Hà Nhân là tên họ,
Khoảng vào năm Thiệu Bình,
Chàng được nhận vào học
Thầy Nguyễn Trãi Tiên sinh.

Chàng thông minh, chăm chỉ,
Không hư hỏng, chơi bời.
Một tấm gương sáng chói
Cho lớp trẻ cùng thời.

Hàng ngày chàng đi học
Tắt Tây Viên cho gần.
Đó là dinh cơ cũ
Của Thái Sư triều Trần.

Giữa những bức tường đổ,
Chàng thường thấy hai người,
Hai cô gái xinh đẹp
Nhìn chàng và mỉm cười.

Có khi họ hái quả
Hoặc ném hoa cho chàng.
Rất nhiều lần, cứ thế,
Chàng quen thân hai nàng.

Một, Nhu Nương, họ Liễu.
Hai, Họ Đào, Hồng Nương,
Cả hai là tỳ thiếp,
Được Thái Sư yêu thương.

Anh học trò nghèo ấy,
Vì ngoan và thông minh,
Đêm, rủ hai người đẹp
Đến nhà trọ của mình.

Việc sinh viên, sĩ tử
Rủ gái chơi đến nhà
Xưa nay không gì lạ.
Cái lạ đáng nói là

Anh chàng này khiêm tốn
Lại rủ cả hai nàng,
Không chỉ để trò chuyện,
Mà qua đêm với chàng.

Thế mới biết thời ấy
Sinh viên cũng chịu chơi.
Đêm nào họ cũng đến,
Chàng tiếp cả hai người.

Một hôm chàng cao hứng,
Đến thăm nhà hai nàng
Trong khu vườn đổ nát,
Mờ ảo dưới trăng vàng.

Giao hoan suốt đêm ấy,
Tỉnh dậy sáng hôm sau,
Thấy mình nằm trên cỏ
Và u u trong đầu.

Nghĩa là chàng cũng biết
Đang ăn nằm với ma.
Biết mà vẫn quyến luyến,
Chuyện học hành lơ là.

Nên dễ hiểu, sau đó
Chàng gầy như chiếc tăm.
Nghỉ học nhiều, bị đuổi,
Chỉ còn việc ngày nằm

Để đêm đến say đắm
Phục vụ cả hai nàng.
Cứ nghe mà phát khiếp.
Tôi thì xin đầu hàng.

Hơn thế, bỗng bố mẹ
Bắt lấy vợ mới gay.
Bạn nghĩ chàng từ chối?
Còn lâu. Những anh gầy

Các cụ nói rất giỏi,
Giỏi cái “chuyện ấy” mà.
Vậy là chàng hăng hái
Một lúc chiều cả ba!

Rồi kiệt sức, chàng chết.
May để lại cho đời
Một bài học đắt giá:
Sinh viên đừng ham chơi.

Nhất là đừng trai gái.
Chuyện học chớ lơ là.
Nếu quả không đừng được
Thì đừng ngủ với ma.

Ngủ với người vừa ấm
Lại vừa được an toàn.
Nhưng chỉ một thôi nhé.
Nhiều hơn là đời tàn.


ĐÔNG TRIỀU PHẾ TỰ

Dân chúng vào thời ấy,       
Tức là đời nhà Trần
Ai ai cũng tin Phật
Và tin các quỉ thần.

Người qui y, xuống tóc
Đi tu ngày càng nhiều.
Chùa chiền mọc nhan nhản,
Nhất là vùng Đông Triều.

Tín ngưỡng được tôn trọng,
Dân chúng thì lòng lành,
Nên cầu gì được ấy,
Cuộc sống rất yên bình.

Đến đời vua Giản Định,
Binh lửa nổi triền miên,
Khắp nơi đều loạn lạc,
Giặc phá hết chùa chiền.

Sau nhờ Đức Lê Lợi
Đánh đuổi được nhà Minh,
Mọi người về quê cũ,
Lại sinh sống hòa bình.

Có điều, khác hẳn trước,
Không hiểu sao bây giờ
Hay xẩy ra trộm cắp,
Thường xuyên và bất ngờ.

Mất trộm từ gà vịt,
Đến quả chín trên cây,
Con cá nuôi trong ruộng,
Ban đêm lẫn ban ngày.

Những tưởng bọn hư đốn
Trong làng xóm gây ra.
Người ta tìm bắt chúng,
Nhưng tìm mãi không ra.

Hay thần linh giận dữ,
Và Đức Phật từ bi,
Do không được cúng độ,
Thôi phù hộ độ trì?

Ông nghè Nguyễn Tư Lập
Là tri phủ Đông Triều,
Thấy thế rất lo lắng,
Buồn, thấy chùa đổ xiêu.

Ông bèn cho sửa lại
Dẫu không được như xưa,
Nhưng cũng khá tươm tất,
Lễ cũng cũng dư thừa.

Thế mà nạn trộm cắp
Vẫn tiếp tục xẩy ra.
Tri phủ Nguyễn Tư lập
Nghĩ chắc có ma tà.

Ông cho mời phù thủy
Đốt vàng mã, yểm bùa,
Còn thuyền tống tiễn,
Nhưng cũng chẳng ăn thua.

Thấy thế, ông cả sợ,
Cho mời Vương tiên sinh,
Một thầy bói dịch giỏi,
Người ở huyện Kim Thành.

Vương gieo quẻ rồi nói:
Muốn trừ được nạn này,
Sáng mai cho nha lại
Cứ đi về hướng Tây.

Hễ thấy ai cưỡi ngựa,
Áo thợ săn da dê,
Đeo túi da, tên thiếc,
Thì mời người ấy về.

Người ấy sẽ chắc chắn
Giúp được quan trừ tà.
Tư Lập nghe, mừng rỡ,
Thưởng ông rất nhiều quà.

Hôm sau, theo lời dặn,
Một người đúng thế này
Được mời đến huyện phủ,
Nhờ ra đức, ra tay.

Nhưng ông ta tự nghĩ
Mình chỉ là thợ săn
Chắc quan huyện nhầm lẫn
Mới tiếp đãi ân cần.

Nên ông rất khó xử,
Chẳng biết làm thế nào.
Muốn giúp, không giúp được,
Biết ăn nói ra sao?

Thế là khuya, đêm ấy
Ông trèo tường trốn đi.
Trăng mờ mờ, ảo ảo,
Núi một vệt đen sì.

Bất chợt ông nhìn thấy
Có hai người khổng lồ,
Vụng về và chậm chạp,
Đang đi từ phía hồ.

Hoảng sợ, ông lẩn trốn
Vào bụi rậm bên đường
Vừa run, vừa quan sát
Hai người ấy dị thường.

Họ cho tay xuống ruộng,
Bắt cá rồi ăn ngay,
Khoe với nhau những vụ
Trộm cắp ở vùng này.

Rồi họ đến ruộng mía,
Bẻ mía ăn như voi.
Một loáng, hết cả ruộng,
Vừa xoa bụng vừa cười.

Không nghi ngờ gì nữa,
Đây là hai con ma
Thủ phạm các vụ trộm
Người ta tìm chưa ra.

Ông thợ săn nghĩ thế,
Liền vội rút cung tên,
Bắn hai phát trúng đích,
Lập tức nghe tiếng rên.

Nghĩ một mình thế yếu,
Ông gọi to dân làng.
Dân làng nghe, chạy tới,
Đèn và đuốc sáng choang.

Họ lần theo vết máu,
Đến ngôi chùa giữa đồng
Lâu nay bỏ hoang phế,
Có cây gạo phía đông.

Trước ngôi chùa hoang ấy
Nổi tiếng cả Đông Triều,
Nhiều năm không hương khói,
Mái và tường vẹo xiêu.

Họ vào chùa, kinh ngạc
Thấy máu chảy ra ngoài.
Còn hai ông hộ pháp
Mũi tên cắm xuyên vai.

Đám dân chúng tức giận,
Xưa nay mất lợn gà,
Đập nát hai bức tượng
Rồi hoan hỉ về nhà.

Từ đấy tịnh không thấy
Một vụ trộm nào thêm.
Ma quỉ cũng chẳng có.
Mọi chuyện thế là êm.

Ngôi chùa hoang ngày ấy
Tồn tại đến ngày nay,
Thiếu hai ông hộ pháp.
Không ngẫu nhiên điều này.


Nguyễn Dữ - Truyền kỳ mạn lục

THÁI THUẬN TIÊN SINH

1
Huyện Kim Hoa ngày ấy
Có một nàng rất xinh,
Thơ văn hay, chữ tốt,
Vợ của Phù Tiên sinh.

Nàng xuất thân danh giá,
Dẫu có lúc bần hàn,
Được học hành tử tế,
Tên là Ngô Chi Lan.

Lê Thánh Tông nghe tiếng,
Bèn cho mời vào triều
Giúp dạy các cung nữ,
Ban ân huệ rất nhiều.

Mỗi lần vua mở yến,
Nàng được phép đứng chầu.
Vua xướng thơ, lập tức
Nàng họa lại từng câu.

Không may, bốn mươi tuổi,
Nàng lâm bệnh qua đời,
Mộ táng bên bãi cạn,
Để tiếng tốt cho đời.

2
Cuối đời Lê Uy Mục,
Có một anh học trò
Tên Tử Biên, ăn học
Lâu ngày ở kinh đô.

Một hôm, nhớ bố mẹ,
Về Thái Nguyên thăm nhà,
Chàng bỗng gặp mưa lớn
Khi đến huyện Kim Hoa.

Giữa đồng không mông quạnh,
Bốn bề trời tối đen,
Bỗng xa xa le lói,
Mờ ảo một ánh đèn.

Chàng lại gần và thấy
Một ngôi nhà lợp tranh
Gọn gàng và ấm cúng,
Cây rậm rạp xung quanh.

Chàng muốn vào trú tạm,
Người gác cổng không cho.
Nhìn vào trong, chàng thấy
Hai người đang chuyện trò.

Đó là một mệnh phụ
Đài các, đẹp như tiên,
Và một ông đứng tuổi
Đang cầm sách ngồi bên.

Bất chợt, mệnh phụ nói:
“Trời mưa gió thế này,
Người ta xin vào trú,
Sao không cho vào ngay!”

Chàng Tử Biên lặng lẽ
Theo người hầu vào trong,
Ngồi nghỉ trên nền cứng
Của chái nhà phía đông.

Khoảng canh hai, bất chợt
Chàng thấy một ông già
Đẹp lão và quắc thước
Cưỡi trên một con la.

Con la ấy màu tía,
Tấm vải phủ màu hồng.
Còn râu ông và tóc
Trắng và mịn như bông.

Hai người kia ra đón:
“Thật phiền Thái Tiên sinh!”
Khách đáp: “Muốn đàm đạo
Phải có tâm và tình.”

Rồi cả chủ và khách
Cùng nói chuyện văn chương,
Hết bài này bài khác,
Vui, say mê khác thường.

Bất chợt, ông khách nói:
“Hình như đang có người
Lén nghe ta đàm đạo.”
Mệnh phụ chủ nhà cười:

“Bàn chuyện văn là tốt,
Nghe lén cũng chẳng sao.
Vậy mời anh bạn trẻ
Muốn nghe thì cứ vào!”

Chàng Tử Biên cả sợ,
Nhưng cũng ghé ngồi nghe,
Cúi lạy, xin các vị
Chỉ giáo cho đôi bề.

Thái Tiên sinh lẳng lặng
Lấy đâu đó trong người
Một tập giấy bọc vải,
Đưa cho chàng, mỉm cười:

“Về thơ văn, tốt nhất,
Con hãy đọc tập này.
Khỏi cần tìm đâu nữa,
Mọi cái đều ở đây.”

Rồi cả chủ và khách
Cúi chào nhau, chia tay.
Chàng Tử Biên chợt tỉnh
Khi trời mới rạng ngày.

Chàng giật mình, kinh hãi
Thấy đang nằm giữa đồng
Cạnh hai ngôi mộ cũ
Bên bờ một dòng sông.

Kinh ngạc hơn: cuộn giấy
Ông khách đưa cho chàng
Đang nằm kia, gần cạnh,
Rực rỡ dưới nắng vàng.

Chàng liền mở, chỉ thấy
Bốn chữ đẹp tuyệt vời
Là “Lã Đường Thi Tập”,
Nét mực vẫn còn tươi.

Về sau, chàng dò hỏi
Biết đôi mộ ngoài đồng
Là mộ của mệnh phụ
Ngô Chi Lan và chồng.

Còn Lã Đường thi sĩ
Là bút hiệu xưa nay
Của nhà thơ Thái Thuận,
Một cây bút bậc thầy.

Sinh một bốn bốn mốt,
Mất chưa rõ, bình sinh
Ông người xã Song Liễu,
Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Năm Hồng Đức thứ sáu,
Tức một bốn bảy lăm,
Ông thi đậu tiến sĩ
Rồi làm quan nhiều năm.

Thái Thuận là sao sáng
Trong Hội Thơ thời ông -
“Tao Đàn phó nguyên súy”,
Chỉ sau Lê Thánh Tông.

Thơ ông sâu và nhã,
Nghe nói hàng nghìn bài,
Không may thất lạc hết,
Mai một một danh tài.

Được thi nhân gợi ý,
Tử Biên về làng ông
Tìm “Lã Đường Thi Tập”,
Thoạt nhìn mà đau lòng.

Mối mọt ăn gần hết
Rời rạc mấy trăm trang.
Chỗ đọc được, chỗ mất,
Vất vả mãi, rồi chàng

Chép lại được trọn vẹn
Cũng vài trăm bài thơ.
Đời sau dùng bản ấy
Truyền mãi đến bây giờ.

3
Câu chuyện này tôi kể
Lấy trong cuốn Truyền Kỳ
Của tác giả Nguyễn Dữ,
Có thật mà ly kỳ.

Nhân đây cũng xin nói,
Thái Thuận trong truyện này
Là cụ tổ đáng kính
Của họ Thái ngày nay.

Tôi là một hậu duệ
Cũng đến mấy chục đời.
Gia phả họ ghi rõ
Từng tên làng, tên người.

Hiện tôi may có được
Cuốn Thi Tập của Ngài,
Và lạm phép tạm dịch
Khoảng sáu bảy chục bài.

Thích thì mời các vị
Vào đọc thơ Cụ tôi
Trong “Cổ Thi Tác Dịch”,
In cũng mấy năm rồi.

Cái hay và cái đẹp
Nhường cụ Thái tiên sinh.
Còn cái dở, cái chán
Tôi xin nhận về mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét