Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Bồ Tùng Liinh







Bồ Tùng Linh
GIỮ CHỒNG

1
Câu chuyện này ngắn gọn,
Cũng của Bồ Tùng Linh,
Không hề có ma quái,
Nhưng đọc vẫn thấy kinh.

Chuyện nói về nghệ thuật
Làm sao giữ được chồng
Cái thời xa xưa ấy
Khi mấy bà một ông.

Vốn dĩ hòa vi quí,
Muốn được sống bình yên,
Tôi là một chiến sĩ
Trên mặt trận nữ quyền.

Vì rất yêu phụ nữ,
Dẫu cũng một anh chồng,
Tôi thực sự muốn họ
Biết xỏ mũi đàn ông.

Vì thế, tuy buồn ngủ,
Vợ từ lâu đang chờ,
Tôi vẫn thức, chép lại
Câu chuyện này bằng thơ.

2
Xưa, chàng Hồng Đại Nghiệp,
Người gốc ở Yên Kinh,
Có vợ là Chu Thị
Đảm đang và rất xinh.

Họ sống thật hạnh phúc,
Như chim cu bên nhau
Cho đến ngày Đại Nghiệp
Lấy vợ lẽ - cô hầu.

Cô này tên Bảo Đới,
Nhan sắc loại bình thường,
Thế mà thật khó hiểu,
Lại được chồng yêu thương.

Thành ra bà vợ cả,
Tốt từ đầu đến chân,
Chiều chuộng chồng hết mực
Mà vẫn bị xa dần.

Trong khi ông hàng xóm
Cũng hai bà trong nhà,
Vợ cả luôn vui vẻ,
Chẳng bao giờ kêu ca.

Hơn thế, cô vợ bé
Trẻ trung và xinh tươi
Không được chồng yêu quí
Như vợ cả bốn mươi.

Chắc bà ta phải có
Cái bí quyết giữ chồng
Để tuổi già, kém sắc
Vẫn thu hút đàn ông.

Thế là nàng Chu Thị
Sang thỉnh giáo bà này.
Bà có tên Hằng Thị,
Kinh nghiệm và dạn dày.

Thế là than với khóc,
Chuyện phụ nữ với nhau,
Là chia sẻ kinh nghiệm
Là lời khuyên như sau:

“Một - Em cứ kệ nó,
Cho nó ngủ suốt ngày
Với cái con bé ấy,
Rồi nó sẽ chán ngay.

Phàm ở đời là thế,
Cứ cái gì quá thừa
Là trước sau cũng ngấy.
Về làm thế, nhớ chưa?”

Lập tức nàng Chu Thị,
Thay tiếng bấc, tiếng chì,
Luôn miệng dục Bảo Đới:
Lên giường với anh đi!

“Hai - Hằng Thị lại dặn, -
Em về nhà từ nay
Vờ ăn mặc nhếch nhác,
Vờ làm lụng suốt ngày,

Để cho hắn xót vợ.
Em - vợ cả cơ mà.
Hắn sẽ bắt con bé
Thay em làm việc nhà!”

Mọi việc đúng như vậy.
Khoảng chừng một tháng sau:
“Hôm nay em và chị
Đi chơi chùa với nhau.

Nhớ ăn mặc thật đẹp,
Son phấn cũng chẳng sao.
Tối hắn sẽ mò đến,
Đóng cửa, đừng cho vào!”

Phải công nhận Hằng Thị
Nhà tư vấn đại tài.
Anh chồng tội nghiệp ấy
Ba đêm phải đứng ngoài.

Đêm thứ tư, may quá,
Anh ta được vào phòng,
Quên hết cả vợ bé,
Ân ái thật mặn nồng.

Và rồi sau, thành lệ,
Hàng ngày cứ bảy giờ
Là vào phòng vợ cả
(Kẻo đóng cửa) và chờ.

3
Qua truyện này, ta thấy         
Rằng cuộc chiến giành chồng
Vô, vô cùng ác liệt
Dù thầm lặng, đúng không?

May thời ta, dân chủ,   
Chỉ mỗi ông một bà
(Ấy là nói chính thức),
Nên gia đình thuận hòa.

Hy vọng các bà vợ,
Các ông chồng ngày nay
Rút ra được bài học
Trong cái cuộc chiến này.

Nhân tiện, xin được nói
Tôi là “người gia đình”,
(Family man), đúng thế,
Nhưng cứ nghĩ: Thực tình     

Nếu pháp luật cho phép
Được lấy thêm mấy bà,
Thì tôi xin lấy trước,
Cam kết sống thuận hòa.

Hơn thế, tôi sòng phẳng,
Không để ai mất lòng.
Sưu thuế nộp đầy đủ,
Khỏi phải tranh giành chồng.

Tôi đề nghị Quốc Hội
Cái việc ấy nên bàn.
Năm ngoái, để tìm hiểu,
Tôi sang tận Iran.     

Ở đấy, theo Hồi luật,
Đàn ông, thật khó tin,
Được phép lấy bốn vợ,
Thê thiếp đúng một nghìn.

Nhưng rồi tôi thất vọng
Thấy nước này đàn ông
Bỏ phí quyền của họ,
Vẫn một vợ một chồng.

Một bác tài cho biết
Rằng ở nước ông ta
Chỉ bốn người dũng cảm
Cưới nhiều hơn một bà.

Thật thế ư? Có thể
Ở Iran, đàn ông,
Đẹp trai thì đẹp thật,
Nhưng yếu khoản làm chồng.

“Bốn vợ ư? - ông nói. -
Bốn vợ để làm gì?
Tôi chỉ muốn nửa vợ!”
Tin hay không thì tùy.

Cái ý tưởng “nửa vợ”
Nghe cũng thấy hay hay:
Đỡ sưu cao thuế nặng,
Lại chỉ gặp cách ngày.

Thế là tôi cụt hứng
Bỏ ý định lưu vong
Sang Iran sinh sống
Để có quyền làm chồng

Của bốn bà chính thức
Cùng một nghìn thiếp tỳ.
Thậm chí muốn nửa vợ -
Lại tin không thì tùy.

PS.
Câu chuyện này hư cấu
Của Facebook mà thôi,
Không phản ánh quan điểm
Và lập trường của tôi.

Tôi rào trước như vậy
Để tránh vợ hiểu lầm.
Mụ Vợ tôi, thú thật,
Rất kinh và rất thâm.             

Cuối cùng, xin được chúc
Các bà giữ được chồng.
Giới mày râu cố gắng
Giữ được chất đàn ông.



XẢO NƯƠNG
   
1
Phụ nữ ai cũng khổ,
Âu cũng chuyện bình thường,
Nhưng có lẽ khổ nhất
Ấy là nàng Xảo Nương.       

Theo Liêu Trai Chí Dị,
Nàng sinh ở Quảng Đông,
Nết na và xinh đẹp,
Đến tuổi, được gả chồng.

Một anh chồng tử tế,
Béo tốt, da hồng hào,
Nhưng cái cần có nhất
Lại không có, buồn sao.      

Nên nàng khổ là đúng.
Tôi mời các cô, bà       
Hình dung cái khổ ấy -
Cứ suy mình mà ra.

Đêm tân hôn, khỏi nói,
Xảo Nương nằm thở dài.
Nàng thấy mình bị lỡm,       
Chẳng biết nói cùng ai.

Không thể đòi li dị
Chỉ vì chồng “khác người”.
Mà thời ấy nghiêm ngặt
Chuyện lăng nhăng, chơi bời.

Nên nàng buồn... mà chết.
Một dạng chết vì tình,
Tự nhiên và hợp lý.
Phải khen Bồ Tùng Linh.    

Nhân tiện đây, phải nói
Rằng thời đại chúng ta
Quả là rất tiến bộ,
Không chỉ chuyện ra tòa,

Mà cả chuyện sống thử
Của các cháu phổ thông,
Chuyện khoe hàng trên báo,
Chuyện “nhà nghỉ văn phòng.”

Chuyện thay đổi giới tính,
Chuyện vá cái gì gì.
Chuyện “đến mùa trả thóc,
Giờ thích thì yêu đi!”

Tóm lại là mọi chuyện
Liên quan đến ăn, nằm
Nhà nước đều cho phép.
Nhà nước ta muôn năm!

Tôi chỉ tiếc một việc
Là ngày xưa Xảo Nương
Chồng không có cái ấy
Mà chết sầu thảm thương.

Thế mà giờ đọc báo
Thỉnh thoảng thấy có bà
Cắt của chồng cái ấy
Rồi ném cho kiến tha.

Đúng là thật phí phạm.
Một hành động côn đồ.
Chắc, như các cụ nói,
Do sướng quá hóa rồ.  

Tôi thì tôi... Xin lỗi,
Hình như lại lạc đề.
Già rồi đâm lẩm cẩm,
Thích nói dài, chán ghê.

Tôi dừng ở đâu nhỉ?
À, nhớ rồi, cô nàng
Chết vì chồng, tội nghiệp,
Không có cái nghìn vàng.

Chết thành ma, hẳn thế.
Nhưng thành ma, Xảo Nương
Vẫn còn thích “chuyện ấy”.
Ngẫm kỹ, cũng bình thường.

Nên đội mồ, nàng dậy,
Đêm mưa phùn, lang thang
Mong tìm bắt ai đấy.
Cuối cùng được một chàng.

Bằng bùa yêu, ma thuật,
Nàng đưa anh chàng này
Lên giường mình cùng ngủ.
Trời vẫn mưa lây rây.

Bốn xung quanh yên tĩnh.
Đầy hy vọng, nàng chờ.
Nàng, một cô gái đẹp,
Ai có thể thờ ơ?

Thế mà chàng, thật láo, -
Theo lời Bồ Tùng Linh,
Con thân hào họ Phố,
Đẹp trai và thông minh. -

Lại nằm yên bất động,
Cả khi nàng mời chào,
Cả khi nàng trắng trợn
Hết ve vuốt lại cào.

Thấy mình bị xúc phạm,
Cuối cùng nàng cho tay
Sờ đúng vào chỗ kín,
Nhưng liền rút ra ngay.

Nàng bật dậy rồi khóc,
Khóc không thể nào im.
Mà không khóc sao được
Khi cái nàng cần tìm

Lại bé và rất ngắn,
Mềm nhũn như con tằm.
Đúng là nàng khổ thật,
Khổ cả dưới cõi âm.

May nàng tha không giết
Chàng đẹp trai, thông minh,
Vì biết anh chàng ấy
Đau khổ chẳng kém mình.

Giờ thì chúng ta biết
Rằng với thằng đàn ông
Giỏi, đẹp trai cũng vứt
Nếu không biết làm chồng.

Mà rồi xin phép hỏi:
Vị nào từng được ma
Đưa lên giường chưa nhỉ?
Có thì cứ nói ra.

Điều ấy, nếu có thật,
Chưa hẳn xấu, đúng không?
Miễn là đừng bất lực,
Làm mất mặt đàn ông.

Tôi thì chưa may mắn
Rơi vào cảnh thế này.
Nếu có rơi, chắc hẳn
Không như anh chàng này.

2
Sau cú thất bại đúp,
Nàng Xảo Nương đa tình
Nghe nói không tìm bắt
Người đẹp trai, thông minh.

Nàng thích người cục mịch,
Loại beo béo, to to.
Bồ Tùng Linh nói thế.
Tự nhiên tôi đâm lo.

Mà ma thì không chết,
Nên sống lâu, rất lâu.
Cũng nghe người ta nói,
Nàng chán đàn ông Tàu,

Và hiện giờ có mặt
Đâu đó ở nước ta,
Tìm người chung chăn gối,
Không phân biệt trẻ già.

Hơn thế, nàng trâng tráo
Chui vào phòng đàn ông,
Chứ không như ngày trước
Lang thang tìm giữa đồng.

3
Đêm qua, xin thú thật,
Lúc ấy khoảng một giờ,
Tôi đang thiu thiu ngủ,
Bỗng có ai bất ngờ

Hé nhẹ cửa, rón rén
Rồi nhảy tót lên giường.
Tôi mở mắt, kinh sợ:
Đúng là nàng Xảo Nương.

Nàng mặc chiếc áo đỏ,
Đầu có chiếc nơ xanh.
Mặt bôi phấn rất trắng,
Thơm như ngọn gió lành.

Tất nhiên nàng xinh đẹp.
Chỉ tiếc hình như gầy,
Chân và tay dài ngoẵng
Như hoa hậu ngày nay.

Tôi thích các nàng béo,
Nhưng là nhà ngoại giao,
Không muốn nàng thất vọng,
Nên vờ ngủ xem sao.

Phải thừa nhận tôi sợ,
Sợ, nhưng vẫn cứ chờ
Sẽ được nàng âu yếm,
Sẽ được nàng... bất ngờ

Tôi nhận một cú đá
Rất đau vào mạng hông.
Thì ra là Mụ Vợ:
“Ông béo dịch vào trong!”

Được, muốn dịch thì dịch.
Tôi úp mặt vào tường,
Tin chắc chắn Mụ Vợ
Đã đuổi nàng Xảo Nương.

Thế là nàng biến mất.
Nên khóc hay nên cười?
Tôi xin thề chuyện thật,
Kể ra cốt mọi người

Biết để rồi cảnh giác:
Xảo Nương đang ở đây,
Có thể vào phòng bạn
Đêm mai, hoặc đêm nay.

Đi đường hãy để ý
Cô nào người nhàng nhàng,
Nơ xanh, áo màu đỏ
Thì đích thị là nàng.

Đêm, ngộ nhỡ nàng đến,
Phải bình tĩnh, ít ra
Cũng đừng để vợ biết
Kẻo tan cửa, nát nhà.


KỸ NỮ THỤY VÂN

Thụy Vân là kỹ nữ
Nổi tiếng đất Hàng Châu,
Giỏi nghề, người lại đẹp,
Dưới trướng Sái chủ lầu.

Năm nàng mười bốn tuổi,
Mụ Sái, vốn tham tiền,
Bắt nàng ra tiếp khách.
Đòi giá cao, tất nhiên.

Cụ thể, muốn nhìn mặt,
Khách phải trả trăm đồng.
Muốn cùng nàng trò chuyện -
Phải năm trăm, chơi không?

Còn nếu muốn hơn thế,
Tức là “chuyện ấy” mà,
Thì khách chơi chắc chắn
Không ít anh bán nhà.

Thế mới biết giờ rẻ,
Đơn giản và tự nhiên.
Ngắm hoa hậu miễn phí,
Giao lưu không mất tiền.

Còn “chuyện ấy”, nghe nói,
Chỉ nghe nói mà thôi,
Không đến nỗi quá đắt,
Dịch vụ cũng không tồi.

Ấy là nói loại xịn,
Chân dài và có eo,
Chứ bình dân nhà nghỉ,
Nghe nói cũng rất bèo.

Tôi dùng chữ “nghe nói”
Là cốt để người ta
Không nghĩ tôi hư hỏng,
Thích chơi bời, trăng hoa.

Tôi là anh nghiêm túc
Suốt từ đầu đến chân,
Đến từng các kẽ tóc,
Dẫu, thú thật, nhiều lần

Xem thoát y ở Mỹ,
Thăm cả thằng Playboy.
Chỉ xem cho nó biết,
Rồi lại về, thế thôi.

Nhân tiện, hỏi các vị:
Chân dài thì xinh gì?
Quê tôi, người dài ngoẵng
Coi như ế tức thì.

Xưa tôi lấy Mụ Vợ
Vì nàng xinh, dễ thương,
Không gầy mà mũm mĩm,
Đặc biệt, chân bình thường.

“Chân dài, - Byron nói, -
Chỉ thêm vướng mà thôi!”
Cứ tư duy kiểu ấy,
Lấy đà điểu cho rồi...

Ấy, lại quên, nào tiếp:
Vậy là nàng Thụy Vân
Cao giá, đúng không nhỉ?
Nhưng khối anh muốn gần.

Có thư sinh họ Hạ,
Rất tiếc nhà không giàu,
Dù thông minh, uyên bác,
Ngưỡng mộ nàng từ lâu.

Cuối cùng, không đừng được,
Chàng cũng vay đủ tiền
Đến gặp nàng, trò chuyện,
Rồi hai người bén duyên.

Chàng yêu nàng mê mệt,
Thế mà khi nàng mời
Cùng lên giường vui vẻ
Chàng cúi đầu ngậm ngùi.

Thật nhảm nhí cái thuyết
Lều tranh, trái tim vàng.
Không có tiền thì nghỉ,
Đừng tơ tưởng đến nàng.

2
Ngày nọ, trong số khách
Có một gã tú tài,
Đến nộp tiền, vào gặp,
Nói dăm câu rông dài.

Rồi bất ngờ, gã ấy
Dí ngón tay của mình
Lên trán nàng trắng mịn,
Thành một chấm vô hình.

Xong, phủi quần đứng dậy,
Gã nói: “Tiếc, tiếc thay!”
Cả khi ra đến cửa
Còn nhắc lại câu này.

Vết chấm tưởng vô hại,
Thế mà cứ đen dần,
Hơn thế, còn lan rộng
Trên trán nàng Thụy Vân.

Nàng lấy nước cố rửa,
Càng rửa càng lớn thêm.
Một tháng sau, thật tiếc
Mặt từ trắng thành đen.

Thế là nàng mất khách,
Và mụ Sái chủ lầu
Cho lột hết trang sức,
Biến nàng thành con hầu.

Thật tội cho người đẹp,
Mới cao giá ngày nào,
Thế mà giờ có gặp
Cũng chẳng ai thèm chào.

Chàng thư sinh họ Hạ,
Hay tin, đến tìm nàng.
Nàng xấu hổ lẩn trốn,
Không dám nhìn mặt chàng.

Chàng còn yêu nàng lắm,
Vả lại, nghĩ thương tình,
Nên bán hết ruộng đất
Chuộc nàng về nhà mình.

Một hành động cao thượng.
Mặt đen tí, can gì.
Tôi có một ông bạn
Còn lấy vợ Châu Phi.

Ông này buồn cười lắm,
Từ khi lấy vợ đen
Ghét phụ nữ da trắng,
Vợ làm gì cũng khen.

Nên vấn đề ở chỗ
Có yêu nhau hay không.
Hình thức không quan trọng,
Quan trọng ở cái lòng.

Bạn có tin không nhỉ,
Chuyện nhân quả xưa nay.
Tôi thì tin sái cổ,  
Xin được kể chuyện này:        

Có ông li dị vợ
Vì vợ sinh, phát phì,
Lấy một cô gầy đét,
Tin hay không thì tùy.

Rồi cô gầy đét ấy,
Gầy nên xấu như ma,
Sinh con xong, phát tướng,
To và béo gấp ba.

Bạn nghĩ lại li dị?
Ồ không, không, lần này
Ông ta đành cam phận
Cảnh vợ béo chồng gầy.

Tôi thì tôi cứ nghĩ,
Vợ phải đâu cũng tròn
Mới “đậm đà bản sắc...”
Cả trước khi có con.

Mụ Vợ tôi khôn lắm.
Sợ chồng chê, nên nàng
Suốt ngày lo tẩm bổ,
Trông ngon và mỡ màng.

Hiềm một nỗi, đôi lúc
Muốn bế vợ trên tay,
Giật mình buồn, sực nhớ
Rằng vợ không còn gầy.

Lại nói chàng họ Hạ,
Ở hiền nên gặp lành:
Cái mặt đen của vợ
Cứ trắng dần rất nhanh.

Không thuốc, không kỳ cọ,
Tự nhiên lại trắng hồng.
Xinh hơn không, chưa nói,
Nhưng hài lòng ông chồng.

Hài lòng nhất là việc
Từ nay chàng đương nhiên
Gặp, trò chuyện với vợ
Mà không phải mất tiền.

Trước - trăm đồng nhìn mặt.
Năm trăm đồng chuyện trò.
“Chuyện ấy” thì, xin lỗi...
Giờ chàng được tha hồ.

Tiếc rằng không ít vị
Được ngắm vợ cả ngày
Không lấy thế làm sướng,
Còn nặng mặt, chau mày.

Lần nữa xin nhắc lại:
Vợ của mình, phải yêu.
Bài học của câu chuyện
Chỉ thế thôi, không nhiều.

NHAN THỊ

1
Cứ công bằng mà nói,
Truyện của Bồ Tùng Linh
Không hẳn toàn quái dị,         
Chết chóc và ma tình.

Có nhiều truyện ông viết,
Chính xác hơn - sưu tầm,
Bình thường và giản dị,
Không ma, không cõi âm.

Câu chuyện tôi sắp kể
Thuộc thế sự, gia đình...
Nhưng ông là ai nhỉ,
Cái ông Bồ Tùng Linh?

Ông sinh vào tháng Sáu
Năm một sáu bốn không,
Lúc chết, bảy lăm tuổi,
Người thuộc tỉnh Sơn Đông.

Ông gốc gác Mông Cổ,
Sự nghiệp lắm gian nan.
Mười tám tuổi thi đỗ,
Bảy mốt tuổi làm quan.

Ông quan già nghèo ấy
Đã để lại cho đời
Một kho truyện đồ sộ
Về ma và về người.

Cuốn Liêu Trai Chí Dị
Gồm mười sáu tập dày,
Bốn trăm bốn tám truyện,
Rất nổi tiếng xưa nay.

Ông còn viết tiểu thuyết,
Thơ có hơn nghìn bài,
Nhưng có giá trị nhất
Vẫn là bộ Liêu Trai.

Ông viết truyện ma quái
Đọc mà nổi da gà.
Phải khen ông giỏi phịa,
Không thể nào dứt ra.

Vậy là ở dưới ấy
Cũng hệt như trên này,
Không chuyện gì không có,
Cả ma gian, ma ngay.

Cuộc sống ma phức tạp
Chẳng thua kém con người.
Người và ma đan quyện,
Lạ kỳ và buồn cười.

Khi đọc, tôi để ý
Thấy ông Bồ Tùng Linh
Thích viết chuyện ma nữ
Tìm người sống làm tình.

Chắc không phải vô cớ.
Mà nghe đồn ông ta,
Tác giả truyện ma quái,
Không hề tin có ma.

Bạn có tin không nhỉ,
Hay ít nhất có lần
Từng gặp ma, thậm chí
Đã cùng ma ái ân?

Mà thôi, chuyện tế nhị, 
Ta để sau, bây giờ
Xin bắt đầu câu chuyện
Chắc có bạn đang chờ.

2
Xưa có một chàng nọ,
Nhà nghèo, lại hơi đần,
Nhưng bù lại, đẹp mã,
Thích nói chuyện thơ văn.

Các cô nhìn, lác mắt.
Gã lại khéo tỏ tình,
Nên cuối cùng vớ được
Một nàng rất thông minh.

Lấy nhau xong, nàng ấy
Mới biết chồng là ai,
Đành quyết tâm dạy dỗ
Để mau chóng thành tài.

Nàng kèm cặp kinh lắm,
Bắt chàng, nghĩ mà thương,
Phải viết đúng, viết đẹp,
Đêm mới được chung giường.

Bản tính chàng lười biếng,
Thế mà cái cách này,
Chỉ cách này thôi nhé,
Giúp tiến bộ từng ngày.

Thật tiếc, dù tiến bộ,
Nhưng đi thi lần nào
Chàng cũng ở cuối bảng,
Uổng công vợ, buồn sao.

Cuối cùng nàng phát bẳn,      
Bảo chồng lo việc nhà
Để vợ đi thi hộ,
Dẫu thân phận đàn bà.

Nàng cải thành nam giới
Rồi lên đường đi thi.
Thi, trúng luôn giải nhất,
Làm xáo động kinh kỳ. 

Nàng được bổ quan huyện,
Rồi quan phủ, nhiều cô
Muốn nâng khăn sửa túi,
Nàng nhất định không cho.
                                    
Sợ triều đình trị tội
Đóng giả thành đàn ông,
Sáng sáng làm quan lớn,
Tối về ngủ với chồng.

Anh chồng thì thật sướng,
Khác hẳn với người ta.
Vợ làm quan vất vả,
Chồng nằm khểnh ở nhà.

Bao nhiêu lộc anh hưởng,
Chẳng việc gì đến tay,
Đều đặn nhận hối lộ,
Ngủ với gái hàng ngày.

Cứ thế kéo dài mãi
Cho đến lúc quan bà,
Ấy, quan ông, xin lỗi
Về hưu vì tuổi già.

Lúc ấy quan chính thức
Bỏ quần áo đàn ông
Lần nữa lại thành vợ
Sống hạnh phúc với chồng.

3
Câu chuyện chỉ có thế.
Chẳng có con ma nào.
Ma tình cũng chẳng có.
Nhưng ngẫm kỹ, dù sao

Đó cũng là chuyện lạ,
Có thể nói hoang đường,
Hay thậm chí chí dị,
Vì mấy ai, người thường,

Được vợ đi thi hộ,
Hộ cả việc làm quan,
Tối đến ôm quan ngủ,
Sống cuộc sống an nhàn.

Thành ra ông tác giả,
Tức là Bồ Tùng Linh,
Cứ tưởng viết đơn giản,
Mà ngẫm, thấy cũng kinh!


TÌNH GIÀ

1
Ở Tế Dương, thôn Chúc,
Xưa có một ông già,                       
Bỗng dưng lâm bệnh chết,
Ở cái tuổi sáu ba.

Mọi người đang tất bật
Lo tang lễ cho ông.
Ông thì nằm thanh thản
Trong quan tài giữa phòng.

Bỗng nhiên ông bật dậy
Rồi ra khỏi quan tài.     
Cháu con nhìn, vui sướng,
Cũng có anh thở dài.    

Ông bảo vợ: “Tôi chết,
Bỗng nhiên thấy thương bà,
Nên chưa xuống âm phủ,
Mà lại quay về nhà.

Trước ta thề chung thủy
Đến răng long, bạc đầu.
Không lẽ nay đơn độc
Ta chết không có nhau.

Vì thế tôi quay lại,
Rủ bà cùng đi luôn.
Có bà, tôi thêm bạn,
Mà bà cũng đỡ buồn.”

Mọi người nghe, liền nghĩ
Ông mê sảng linh tinh,
Nhưng ông nghiêm mặt nói
Với bà vợ của mình:

“Giờ bà hãy nằm xuống.
Nằm thế này, bên tôi.
Duỗi hay tay thoải mái,
Rồi ta đi có đôi.”

Bà già hơi sờ sợ,
Cứ tưởng ông đùa chơi,
Nhưng muốn chối cũng khó,
Nên bà nằm thẳng người.

Và thế là hai cụ
Trước mặt đám cả đám đông
Nằm bên nhau như thể
Đang ngủ say trong phòng.

Mặt các cụ thanh thản,
Lại còn nắm tay nhau.
Họ ngủ thật, mắt nhắm,
Ngủ say và khá lâu.

Khi người nhà gọi dậy,
Thì hai người, than ôi,
Toàn thân đã lạnh toát,
Xem, thì đã chết rồi.

2
Câu chuyện chỉ có thế,
Đơn giản về cái tình
Của hai cụ móm mém
Thời của Bồ Tùng Linh.

Còn ta thì sao nhỉ,
Thời máy tính, ti-vi,
Và Iphone, Ipad,
Ta rút bài học gì?

Yêu là phải yêu thật,
Yêu suốt đời, tất nhiên,
Nhưng đừng thế sống chết,
Hậu quả sẽ rất phiền.


CHUYỆN SƯ CỤ Ở TRƯỜNG THANH   

Ngày xưa có sư cụ,
Khỏe mạnh, đang ngồi thiền,
Bỗng gục xuống, viên tịch,
Tuổi ngoài tám mươi niên.

Sau đó, hồn sư cụ
Bay đến tỉnh Hà Nam,
Trong khi các đồ đệ
Làm những việc cần làm.

Tại Hà Nam lúc ấy
Con trai một thân hào
Cùng gia nhân săn bắn
Ở một vùng núi cao.     

Thả chim ưng săn thỏ,
Chàng phóng ngựa như bay.
Bỗng con ngựa vấp ngã,
Chàng ngã theo, chết ngay.   

Hồn sư cụ lập tức
Liền nhập vào xác chàng.
Một lúc sau chàng tỉnh,
Ngạc nhiên và ngỡ ngàng.

Vậy là giờ sư cụ
Đội lốt một chàng trai.
Về đến nhà, lập tức
Thê thiếp đến ôm ngài.

Toàn những nàng diêm dúa,
Toàn xanh mắt, đỏ môi.
Sư cụ sợ, suýt ngất,
Miệng niệm Phật liên hồi.                 

Người ta nghĩ công tử
Bị sốc mà hóa điên,
Chắc mấy ngày sẽ khỏi,
Nên cũng để chàng yên.

Ngài dứt khoát từ chối
Các món ăn ngon lành,
Đòi ăn cơm gạo hẩm,
Với muối hoặc bát canh.

Ngài cũng không hiểu nổi
Sao người ta hàng ngày
Tìm đến xin ý kiến
Hết cái nọ, cái này.

Đáng sợ nhất là chuyện
Đêm đêm rất nhiều cô
Tìm đến đòi “chuyện ấy”.
Ngài cương quyết không cho.

Một hôm, ngài ra lệnh
Thắng xe đi Trường Thanh.
Sau mấy ngày vất vả,
Ngài tìm được chùa mình.      

Nghe có công tử đến,
Sư cung kính chào mời.
Được hỏi về sư cụ,
Họ đáp đã chết rồi.

Ngài xin ra xem mộ,
Thấy mô đất sè sè,
Cô đơn và lạnh lẽo,
Cỏ chưa bám, vàng hoe.

Ba tháng sau, quay lại,
Sư trong chùa thất kinh
Khi nghe công tử nói
Chàng là thầy của mình.

Ngài kể hết mọi chuyện,
Rất nhiều chuyện trước đây,
Dẫu ngạc nhiên, bối rối,
Nhưng cũng phải tin thầy.

Thế là chàng công tử
Tuổi chưa đầy ba mươi,
Thành trụ trì tám chục,
Lại uyên tâm hơn người.

Vợ chàng cứ đều đặn
Gửi thức ăn, áo quần,
Có hôm còn bóng gió
Muốn ở lại “được gần”.

Nghĩ mà tội cho “cụ”:
Vợ xin, lại dịu hiền,
Thế mà hễ thấy bóng
Là “cụ” lại ngồi thiền.
                                
NGƯỜI BÁN LÊ

1
Ở ngoài chợ ngày nọ,
Có một ông nhà quê
Kiếm được tiền kha khá
Chỉ nhờ vào xe lê.

Lê ông ngon, đúng thế,
Nhưng đắt hơn người ta.
Người khác chỉ đòi một,
Ông thì tham, đòi ba.

Ừ cái chuyện buôn bán,
Đòi bao nhiêu mặc lòng.
Tiếc, có một đạo sĩ
Đứng cạnh, hỏi xin ông

Chỉ một quả nho nhỏ,
Có dập, thối, không sao,
Ông nông dân tiếc của
Không chịu cho quả nào.       

Thấy thế, một người khách,
Mua một quả lê to
Rồi đưa cho đạo sĩ,
Mà không chút so đo.

“Cảm ơn, - đạo sĩ nói, -
Tôi cũng có cái này
Để chiêu đãi các vị.
Vậy xin mời lại đây.”

Nói đoạn, lấy chiếc xẻng
Ông đang vác trên vai,
Đào một chiếc hố nhỏ,
Bẻ quả lê làm hai.

Bỏ hạt lê xuống hố,
Lấp đất xong, và rồi
Mọi người cười khi thấy
Ông tưới bằng nước sôi.

Thế mà ngay lập tức
Một chồi non e dè
Nhú lên, to lên mãi
Cuối cùng thành cây lê.

Cây lê ấy sai quả.
Thật to ngon, thật tươi.
Đạo sĩ hái chúng xuống,
Phân phát cho mọi người.

Ông nhà quê bủn xỉn
Thấy thế cũng chen vào
Xin được một quả lớn,
Nhồm nhoàm ăn, ngon sao.

Chẳng mấy chốc lê hết.
Ông đạo sĩ chặt cây,
Xếp lại thành bó củi,
Vác lên vai đi ngay.

Người bán lê bất chợt
Ngoái lại nhìn - ôi chao:
Cả xe lê đầy ắp
Giờ không còn quả nào!

Giờ ông ta mới hiểu
Ông đạo sĩ thật ra
Đã lấy lê ông bán
Phân phát cho người ta.

Muốn đuổi theo chẳng được.
Đạo sĩ đã mất hơi.
Ông nhà quê tiếc của,
Chỉ còn biết kêu trời.

2
Cần cù và tốt thật,
Nhưng mấy bác nhà quê,
Về khoản tham, bủn xỉn
Cũng vào loại rất ghê.

Câu chuyện này, thí dụ,
Là bài học rất hay
Cho những người như thế.
Tham để rồi trắng tay.

Họ tưởng mình khôn lắm,
Kiểu khôn người nông dân,
Chỉ tư lợi cái nhỏ,
Chỉ nhìn thấy miếng ăn.

Nên cuối cùng họ thiệt,
Chỉ còn biết kêu trời.
Trời xa, nghe đâu thấu,
Và họ thành trò cười.

Nhận xét này, chính xác
Là của Bồ Tùng Linh.
Tôi chỉ việc chép lại.
Một nhận xét thông minh.

Thường kể xong một truyện,
Ông viết thêm vài lời,
Ngắn gọn và thâm thúy,
Gọi là để “bình chơi”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét