Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Công Chúa Ô-tô-mi




                CÔNG CHÚA ÔTÔMI

                Henry Haggard, Anh,
                Thái Bá Tân dịch từ tiếng Nga


1
NGUYÊN NHÂN TÔMAX UYNGFIN
KỂ CÂU CHUYỆN CỦA MÌNH

Vinh quang thay Đức Chúa đã mang lại thắng lợi cho chúng ta! Thế là sức mạnh của Tây Ban Nha sẽ bị bẻ gãy; các con tàu của nó đã bị đánh chìm hay bỏ chạy; sóng biển đã nuốt vào lòng mình hàng trăm, hàng nghìn thủy thủ của nó, và bây giờ thì nước Anh của tôi đã có thể thở dài nhẹ nhõm(Từ ngày 21 đến 27 tháng 7 năm 1588, quân Anh đã đánh tan "Hạm đội vô địch" của Tây Ban Nha, gồm 130 tàu với 2400 súng và 19.000 lính, không kể thuỷ thủ - (N.D).). Chúng tới đây để khuất phục chúng ta, bắt chúng ta đem lên giàn thiêu. Chúng tới đây để xử sự với chúng ta, những người Anh tự do, như Côrtex từng xử sự với người da đỏ ở Anahuac(Tên nước của người Aztec, nằm trên lãnh thổ Mêhicô ngày nay.). Chúng muốn cướp tự do của con trai và danh dự của con gái chúng ta. Chúng muốn trao linh hồn chúng ta cho các cha cố, còn cơ thể và tất cả tài sản chúng ta, - cho Đức giáo hoàng La Mã và vua của chúng! Nhưng Chúa đã đón tiếp chúng bằng những cơn bão, còn Đơrêch(Franxix Đơrêch (1545-1595) - nhà hàng hải tham gia đánh bại "Hạm đội vô địch" của Tây Ban Nha.) thì bằng những viên đạn. Thế là chúng bị tiêu diệt, và cùng bị tiêu diệt theo chúng là vinh quang của Tây Ban Nha.
Tôi, Tômax Uyngfin, tôi được nghe điều này hôm nay, thứ năm, ở sân chợ Banghi, là nơi tôi đến để nói chuyện với mọi người, và để bán số táo may mắn sót lại trong vườn chúng tôi sau những cơn bão khủng khiếp năm ngoái đã làm hầu hết cây cối rụng lá.
Trước đó, tôi cũng nghe tin đồn này nọ, nhưng hôm nay ở Banghi tôi gặp một người tên là Iung, thuộc dòng họ Iung ở Iamut. Chính người này đã chiến đấu trên tàu Iamut trong trận đánh ở Gravelin, sau đó truy đuổi bọn Tây Ban Nha về phía bắc, cho đến khi chúng chết ở biển Xcôtlen.
Người ta thường nói: cái vĩ đại sinh ra từ cái nhỏ nhặt, nhưng ở đây thì ngược lại: cái nhỏ nhặt nảy sinh từ cái vĩ đại! Chính những sự kiện vẻ vang này đã khích lệ tôi, Tômax Uyngfin, một con chiên thuộc xứ giáo Đichchingham, hạt Nôphôc, cầm bút giấy ngồi xuống bàn viết, dù tôi đã rất già và chẳng còn được sống ở đời này bao lâu nữa.
Cách đây mười năm, năm 1578, khi có dịp đi ngang qua vùng này, nữ hoàng Elizabet tôn kính của chúng ta đã nhìn thấy tôi ở Nôritzơ. Hôm ấy, nữ hoàng nói rằng tiếng đồn về tôi đã đến tai bà, và bà ra lệnh cho tôi phải kể cho bà nghe một số chuyện thú vị về cuộc đời tôi, hay nói một cách chính xác hơn, - về quãng đời hơn hai mươi năm tôi sống giữa những người da đỏ, khi Côrtex chinh phục đất nước Anahuac mà bây giờ được gọi là Mêhicô. Nhưng tôi vừa mới bắt đầu kể thì nữ hoàng đã phải lên đường đi Côxêy để săn hươu. Trước khi đi, bà nói rằng bà muốn tôi viết câu chuyện của mình lên giấy để bà đọc, và hứa rằng chỉ cần nó hấp dẫn bằng một nửa so với bà tưởng, bà sẽ ban cho tôi tước hiệu nam tước, và tôi sẽ được sống những ngày còn lại của mình với tư cách là Xơ Tômax Uyngfin. Tôi đáp, tôi chưa bao giờ phải làm việc với ngòi bút và tờ giấy, nhưng tôi sẽ cố thực hiện ý muốn của nữ hoàng. Sau đó, tôi dâng lên bà một viên ngọc bích lớn đã từng trang điểm cho con gái của vua Môntêzuma và rất nhiều công chúa khác trước nàng. Nhìn thấy viên ngọc bích, đôi mắt nữ hoàng ánh lên như chính viên ngọc, vì bà rất thích có những đồ vô dụng tương tự. Có lẽ nếu muốn, tôi có thể thỏa thuận với bà để đổi viên đá quý ấy lấy cái tước hiệu bà đã hứa, nhưng vốn trong nhiều năm đã từng là thủ lĩnh một bộ lạc hùng mạnh, tôi không muốn bây giờ phải làm anh hầu của bất kì người nào. Vì vậy tôi chỉ hôn bàn tay bà lúc ấy đang giữ viên ngọc bích chặt đến nỗi các xương ngón tay hiện lên trắng nhợt dưới lớp da. Tôi chia tay bà, và ngay hôm ấy trở về ngôi nhà của mình ở thung lũng Uêvơni.
Tuy nhiên, tôi không quên điều mong muốn của nữ hoàng, và từ lâu đã định ngồi xuống viết câu chuyện về đời tôi, trước khi đời tôi và câu chuyện về nó còn chưa bị thần chết đột ngột cắt đứt cùng một lúc. Đối với tôi, một người không quen làm những việc tương tự, nhiệm vụ này quả đúng không dễ. Nhưng lẽ nào tôi lại sợ khó khăn, khi sắp sửa được nghỉ ngơi vĩnh viễn? Tôi đã được tận mắt nhìn thấy cảnh chưa một người Anh nào biết đến, và đáng được đem kể lại.
Cuộc đời tôi thật khác thường. Nhiều lần tôi tưởng tôi sẽ chết và chẳng còn gì có thể cứu được, thì Đức Chúa lại cho tôi sống, có lẽ cốt để mọi người biết được câu chuyện đời tôi và rút ra bài học từ đó, vì tất cả những gì tôi thấy và trải qua đều chứng minh cho một chân lí bất di bất dịch. Cái ác không bao giờ mang lại điều thiện, cái ác chỉ sinh ra cái ác và cuối cùng sẽ rơi xuống đầu chính kẻ đã gây nên nó, cho dù một người hay cả một dân tộc cũng vậy.
Xin hãy nhớ tới số phận của Côrtex, tên thực dân lừng danh một thời. Tôi biết hắn những ngày hắn còn nắm trong tay những quyền lực vô tận, thế mà người ta nói với tôi rằng cách đây bốn mươi năm hắn đã chết ở Tây Ban Nha, nghèo khổ và không ai thương xót. Thế đấy! Tôi còn nghe nói con trai hắn là Đôn Mactin đã bị tra tấn ngay ở cái thành phố mà bố hắn đã xâm chiếm được một cách rất độc ác cho người Tây Ban Nha. Malinan, - hay người Tây Ban Nha còn gọi là Marina, - người vợ đầu tiên và chung thủy nhất của Côrtex, trong một cơn tuyệt vọng đã báo trước cho hắn biết điều này, khi hắn ruồng bỏ và bắt cô ta làm vợ Hoan Haramilô, quên tất cả những điều từng gắn bó họ, quên cả việc cô ta nhiều lần đã cứu quân lính hắn và chính bản thân hắn thoát chết.
Vâng, xin hãy nhớ cả số phận của chính Marina nữa! Cô ta yêu Côrtex, hay Malixin theo cách gọi của người da đỏ, và vì hắn, cô ta đã phản bội lại đất nước mình. Nếu không có Marina, chắc chắn người Tây Ban Nha sẽ không bao giờ chiếm được thành Tênôctitlan, mà bây giờ nghe nói được gọi là Mêhicô. Vì tình yêu, cô ta hi sinh cả danh dự, nhưng thử hỏi cô ta đã nhận được gì? Các tội ác do cô ta gây ra đã mang lại điều gì tốt lành? Để bù lại, khi sắc đẹp tàn phai, cô ta đã bị chuyển sang làm vợ người khác kém danh giá hơn, chẳng khác gì một con vật đã hết thời gian sử dụng được đem bán cho một ông chủ nghèo hơn chủ cũ.
Hãy nhớ tới số phận của một dân tộc hùng mạnh như dân tộc Anahuac. Nhân danh điều thiện, dân tộc đó đã làm điều ác. Họ đã đem hàng nghìn mạng sống làm vật tế cho các vị thần giả dối của họ, hi vọng các vị thần ấy sẽ cho họ hòa bình, sự no đủ và giàu có đời đời. Nhưng vị thần chân chính đã trả lời họ như thế nào? Thay cho sự giàu có, họ nhận được sự nghèo đói tan hoang, thay cho hòa bình là thanh kiếm Tây Ban Nha, và thay cho sự cường thịnh là đau khổ, xua đuổi và nô lệ. Và tất cả những điều ấy xảy ra chỉ vì họ đã đặt con cái của họ lên bàn thờ Uixilôpôctli và Teccatlipôki (Uixilôpôctli - “phù thủy Côlibri”, thần Chiến tranh và thần Mặt trời Teccatlipôki - “chiếc gương bốc khói”, vị thần chủ yếu của người Aztec.Người da đỏ thường giết người để làm lễ cúng hai vị thần này. ).
Hay cứ xem chính những người Tây Ban Nha thì rõ. Nhân danh những điều tốt lành, họ đã gây ra bao tội ác mà cả trong mơ những người Aztec cũng không nhìn thấy. Nhân danh Đức Chúa Giêsu, hàng ngày họ vi phạm những lời dạy của Ngài. Thử hỏi họ có vui sướng không, thử hỏi những việc làm tội lỗi kia của họ có mang lại cho họ hạnh phúc không? Tôi đã già nên không thể sống đến lúc được tận mắt nhìn thấy câu trả lời cho câu hỏi này của tôi. Nhưng ngay bây giờ câu trả lời cũng khá rõ ràng. Tôi biết tất cả tội ác của người Tây Ban Nha đang đổ lên chính đầu họ và ngay bây giờ, dân tộc kiêu hãnh nhất thế giới này đã mang nhục và suy sụp, một dân tộc khánh kiệt đáng thương, chẳng còn gì khác ngoài quá khứ vĩ đại. Những gì Đơrêch mới bắt đầu ở Gravelin sẽ có lúc được Chúa làm nốt khắp nơi. Chẳng còn lại dấu vết nào từ sự hùng mạnh ngày xưa, và đế quốc Tây Ban Nha cũng sẽ biến mất như từng đã biến mất đế quốc Môntêzuma.
Các sự việc vĩ đại mà ai cũng biết đã xẩy ra như thế, và cũng đúng như thể xẩy ra trong đời một người vô danh như tôi, Tômax Uyngfin.
Như đã nói, tôi có ý định viết về câu chuyện đời tôi đã nhiều năm nay, tuy công bằng mà nói, người gợi lên ý nghĩ đó đầu tiên là nữ hoàng Elizabet. Nhưng chỉ bây giờ, khi tôi đã biết chính xác về số phận của “Hạm đội vô địch”, ý định này mới được bắt đầu tiến hành, như hạt giống bắt đầu nảy mầm. Còn nó có thành cây cho quả ngọt hay không thì chỉ có trời mới biết! Bằng một cách rất lạ lùng, các sự kiện gần đây đã làm tôi hồi hộp, đưa tôi quay ngược thời gian trở về với tuổi trẻ sôi nổi đầy khát vọng, đầy các trận đánh và những chuyện phiêu lưu mạo hiểm kì lạ nhất, khi tôi cầm gươm đánh lại chính những người Tây Ban Nha ấy để bảo vệ mình, bảo vệ Guatêmôc và dân tộc Ôtômi. Đã lâu tôi không nhớ lại những điều này, và bây giờ những năm tháng xa xưa ấy lại hiện lên rõ nét trước tôi. Tôi cứ có cảm giác những gì tôi trải qua thời ấy mới chính là cuộc đời thật của tôi, còn những gì còn lại chỉ là một giấc mơ mà thôi. Điều này vẫn thường xảy ra với những người già.
Ngoài cửa sổ, nơi tôi đang ngồi viết là thung lũng Uêvơni. Bên kia sông là những cánh đồng mênh mông, xa chút nữa là một lâu đài cổ đã sụp đổ và những mái nhà Banghi màu đỏ đứng tụm xung quanh tháp chuông của nhà thờ Đức bà Maria; tiếp đến là những cánh rừng kéo dài của nhà vua và những cánh đồng của tu viện Flicxtôn. Những khu rừng sồi xanh tươi lặng lẽ đứng yên bên bờ phải dốc đứng của dòng sông, còn trên những đồng cỏ thấp bên bờ trái có từng đàn cừu của Bêccơn và Lôxtôphơ đi lại thành những chấm lốm đốm. Sau phía đó là một mé đồi mọc đầy cỏ, ngày xưa gọi là “Vườn nho của bá tước”, bây giờ là vườn quả của tôi. Tất cả ở nguyên vị trí của mình, nhưng lúc này tôi có cảm giác như chúng không hề tồn tại. Thay cho thung lũng Uêvơni, tôi nhìn thấy thung lũng Tênôctitlan. Thay cho các sườn đồi Xtôvơ là các sườn phủ tuyết của các núi lửa Ixtacxinacli và Pôpôcatêpêcli; thay cho đỉnh nhà thờ Irơsem và các ngọn tháp chuông ở Banghi, Đichchingham và Bêccơn, trước mặt tôi đang mọc lên các đỉnh kim tự tháp được chiếu sáng bởi ngọn lửa thiêng, nơi tế vật được dâng lên cho các vị thần; và nơi cừu đang ăn cỏ trên những cánh đồng yên tĩnh, tôi nhìn thấy những tên lính của Côrtex đang phi ngựa lao vào trận đánh. Tất cả quay lại với tôi. Vâng, tất cả những gì vốn là cuộc đời tôi. Còn những cái khác chỉ là một giấc ngủ.
Tôi lại cảm thấy mình trẻ trung, và bây giờ, nếu số phận cho tôi thời gian, tôi sẽ cố viết câu chuyện đời tôi trước khi đi sang thế giới bên kia với những giấc mơ vĩnh cửu, và yên nghỉ suốt đời trong nghĩa trang nơi thôn dã.
Tôi đã bắt đầu công việc của mình từ lâu, nhưng chừng nào bà vợ thân yêu của tôi còn sống, - bà ấy vừa mới mất vào lễ Giáng sinh năm ngoái, - có lẽ tôi không thể kết thúc nó được. Phải nói thật rằng bà ấy yêu tôi tới mức tôi nghĩ đời này hiếm ai yêu được như thế. Tôi là người gặp may trong chuyện này. Nhưng trong quá khứ của tôi có nhiều chuyện ít nhiều làm vẩn đục tình yêu của bà ấy, khiến bà ấy ghen, ghen cả với một người đàn bà đã chết. Tuy nhiên, cái tình cảm ghen tuông ấy lắng dịu đi rất nhiều trong tâm hồn cao thượng của bà, vì bà đã tha thứ cho tôi, một cách hoàn toàn và chân thành. Trái tim vợ tôi bị dằn vặt bởi một nỗi đau khổ thầm kín khác, tôi biết như thế, mặc dù bà không bao giờ nhắc đến.
Chúng tôi chỉ sinh được một người con, mà lại chết ngay từ bé. Sau đó, dù vợ tôi có cầu Chúa cho đứa khác đến đâu đi nữa, mọi lời cầu của bà đều vô ích, và cả tôi, nhớ tới lời Ôtômi, tôi cũng nghĩ khó mà bà được toại nguyện. Vợ tôi biết trước đấy, bên kia đại dương tôi đã có con với một người đàn bà khác, những người con mà bao giờ tôi cũng yêu quý, dù chúng chết đã nhiều năm về trước. Điều này làm bà cảm thấy khổ sở. Bà có thể tha thứ cho tôi về tội đã có vợ, nhưng việc người vợ ấy đã cho tôi những người con mà tôi vẫn yêu quý, thì mặc dù đã tha thứ tất cả, bà vẫn không thể không nghĩ tới được, vì chính bà là người không có con.
Tôi là đàn ông, và không thể giải thích nổi nguyên nhân vì sao bà buồn. Ai có thể hiểu được trái tim của người đàn bà đang yêu? Nhưng đúng là như thế. Thậm chí một lần chúng tôi còn cãi nhau vì việc này, - đây là lần cãi nhau đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời chúng tôi.
Chuyện xảy ra vào năm thứ hai sau lễ cưới, và mấy ngày sau khi chúng tôi chôn cất đứa con đầu lòng tại nghĩa trang Đichchingham. Đêm hôm ấy, nằm ngủ cạnh vợ, tôi mơ một giấc mơ kì lạ. Tôi thấy tất cả bốn người con trai của tôi đến đứng quanh tôi, đứa to khỏe nhất bế trên tay đứa con đầu lòng của tôi đã bị chết từ bé trong khi có cuộc vây hãm vĩ đại. Chúng đến với tôi như chúng vẫn thường đến, khi tôi là thủ lĩnh của dân tộc Ôtômi ở thành Xôxen. Chúng đến để tặng hoa và hôn tay tôi. Trong mơ, tôi cảm thấy như trút bỏ được một nỗi phiền muộn lớn lao, như cuối cùng được gặp lại cả bốn người con yêu quý mà tôi đã để mất. Than ôi! Điều gì có thể đáng sợ hơn những giấc mơ như thế? Như thể giễu chúng ta, cái giấc mơ làm sống lại người chết, trả lại cho ta những người ta yêu mến để sau đó lại tan đi, làm ta thêm đau xót.
Vâng, đêm ấy tôi đã mơ một giấc mơ tương tự. Trong mơ, tôi nói chuyện với các con tôi, tôi gọi chúng bằng những tên âu yếm nhất cho đến khi cuối cùng tôi tỉnh dậy. Và lúc ấy, một lần nữa thấm thía hết cái đau của sự mất mát, tôi đã òa lên khóc.
Trời vừa mới hửng sáng. Những tia nắng của mặt trời tháng tám chiếu qua cửa sổ, nhưng tôi vẫn tiếp tục nằm khóc. Vẫn còn bị bao quanh bởi những người tôi thấy trong mơ, tôi vừa khóc vừa nhắc tên những đứa con mà tôi không bao giờ còn thấy lại. Tôi tưởng vợ tôi đang ngủ, nhưng lúc ấy bà chợt thức giấc, và đã nghe tôi nói chuyện với người chết trong mơ và cả sau đó. Mặc dù tôi nói mơ chỉ mấy tiếng bằng ngôn ngữ Ôtômi, còn thì bằng tiếng Anh, nhưng vì vợ tôi biết tên các con tôi, nên bà đã hiểu tất cả. Bỗng nhiên bà vùng dậy khỏi giường và đứng trước tôi. Mắt bà ánh lên những tia giận dữ, đó là điều tôi chưa hề thấy cả trước kia lẫn sau này. Nhưng rồi những tia giận dữ ấy liền biến thành nước mắt.
- Có chuyện gì thế em? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Anh tưởng em dễ chịu lắm khi nghe những lời ấy từ miệng anh à? - Bà đáp. - Chẳng nhẽ em hi sinh tuổi trẻ vì anh và chung thủy với anh cả khi ai cũng cho rằng anh đã chết, như thế còn chưa đủ hay sao? Còn anh chung thuỷ với em thế nào thì tự anh biết. Nhưng thử hỏi có bao giờ em trách anh điều gì không, dù anh quên em và cưới một cô gái hoang dã làm vợ?
- Không, không bao giờ, em yêu ạ. Nhưng anh cũng không hề quên em, - em biết rõ điều ấy. Anh chỉ lấy làm ngạc nhiên rằng em ghen với một người đàn bà đã chết từ lâu!
- Có ai ghen người đã chết? Có thể cãi nhau với người đang sống, nhưng làm sao chống chọi lại với một tình yêu đã được thần chết đóng dấu ấn hoàn hảo và biến thành bất tử? Tuy nhiên, em tha thứ cho anh điều này, vì em không thua kém gì người đàn bà ấy, vì anh vẫn là chồng em trước và sau khi có cô ta. Nhưng con cái, con cái lại là chuyện khác! Con cái thì thuộc về anh và cô ta. Trong chúng không có chút nào gọi là của em. Và em biết anh yêu chúng lúc còn sống, yêu chúng lúc đã chết, yêu chúng suốt đời, thậm chí cả khi anh sang thế giới bên kia và có thể gặp chúng ở đó. Em đã già. Em đã già vì phải chờ đợi anh suốt hai mươi năm, và bây giờ thì em chẳng còn sinh con cho anh được nữa. Em đã sinh một đứa, nhưng Chúa bắt đi để em không được là người quá hạnh phúc. Anh thậm chí chẳng nhắc đến tên nó giữa những cái tên khác xa lạ! Đứa con tội nghiệp của em quá nhỏ nhoi đối với anh!...
Rồi bà òa lên khóc. Tôi nghĩ tốt nhất là nên im lặng, vì quả thật có khoảng cách rất lớn giữa những đứa con Ôtômi và đứa con này của chúng tôi. Trừ đứa đầu, tất cả những người con trai của tôi khi chết hầu như đã là những chàng trai khỏe mạnh, còn đứa con nhỏ của bà chỉ sống chưa đầy hai tháng.
Thành ra khi nghe nữ hoàng lần đầu gợi cho tôi ý nghĩ viết về cuộc đời mình, tôi liền nhớ ngay đến cuộc va chạm nhỏ này giữa tôi và người vợ yêu quý của mình. Tôi không thể viết toàn bộ sự thật, vì phải im lặng về một người đàn bà đã từng là vợ tôi, tức là về nàng Ôtômi, con gái của vua Môntêzuma, công chúa của dân tộc Ôtômi, và về những người con mà nàng đã ban cho tôi. Cũng chính vì vậy mà lúc ấy tôi quyết định không bắt tay vào việc, vì mặc dù chúng tôi hầu như không hề nói gì về điều này trong suốt hàng chục năm trời sống với nhau, tôi biết bà vợ Lyly của tôi vẫn nhớ hết mọi chuyện, và cơn ghen tinh tế của bà không những không dịu bớt mà còn ngược lại. Viết để vợ tôi không biết được sự thật thì tôi không thể, vì cho đến ngày cuối cùng của đời bà, bà không rời tôi một bước, và hình như còn đọc được cả ý nghĩ của tôi.
Cứ thế, chúng tôi sống và già đi bên nhau, năm tháng cứ trôi qua lặng lẽ. Chúng tôi ít khi nhớ lại quãng thời gian lâu dài khi chúng tôi xa nhau và những gì đã xảy ra trong quãng thời gian ấy. Nhưng không gì kéo dài mãi mãi. Bà vợ thân yêu của tôi bỗng chết lịm trong giấc ngủ ở năm thứ tám mươi bảy của đời mình. Tôi chôn cất bà với nỗi buồn khôn nguôi, tuy tôi buồn, nhưng không phải không được an ủi, vì tôi biết chẳng bao lâu nữa tôi sẽ được gặp bà và tất cả những người khác mà tôi yêu mến. ƠŒ nơi ấy, trên thiên đường, đang chờ tôi là mẹ, em gái và các con tôi; đang chờ tôi là người bạn trung thành Guatêmôc, vị hoàng đế cuối cùng của người Aztec, cùng nhiều bạn chiến đấu khác của tôi, và cũng ở trên ấy, dù không tin điều này có thể xảy ra, - nàng Ôtômi xinh đẹp và kiêu hãnh sẽ chờ gặp tôi. Trên ấy, là nơi tôi hi vọng được lên, mọi tội lỗi thời trẻ của tôi và các sai lầm sau này khi đã về già sẽ được lãng quên. Nghe nói trên ấy không có khái niệm chồng, vợ, và như thế là rất may cho tôi, nếu không, tôi sẽ chẳng biết thu xếp thế nào để sống yên ổn giữa hai bà vợ của tôi, là người con gái kiêu hãnh của vua Môntêzuma và người con gái dịu hiền của một điền chủ người Anh.
Còn bây giờ thì xin bắt đầu vào chuyện.

II
GIA ĐÌNH TÔMAX UYNGFIN
Tôi, Tômax Uyngfin sinh ra ở đây, ở Đichchingham, trong chính căn phòng mà bây giờ tôi đang ngồi viết những dòng này. Ngôi nhà của bố mẹ tôi được xây dựng, hay sửa chữa một cách cơ bản, trong thời gian vua Henri VII trị vì, nhưng rất lâu trước đấy trên nền của nó đã có một công trình xây dựng khác, gọi là “Tháp canh của người làm vườn”. Ngày xửa ngày xưa, sóng của một khu vịnh, hay thậm chí biển khơi, đã từng vỗ lên sườn đồi nơi bây giờ là ngôi nhà của chúng tôi đang đứng. Dưới thời bá tước Bigôt, ngọn đồi này mọc đầy nho, có lẽ do trước kia thời tiết thuận lợi và việc trồng trọt phát triển hơn bây giờ. Từ ấy tới nay nhiều thế kỉ đã trôi qua, nho không còn được trồng nữa, nhưng cái tên “Vườn nho của bá tước” thì vẫn còn được dùng để gọi một vùng đất rộng từ ngôi nhà của chúng tôi đến con suối nước khoáng chữa bệnh phun lên từ lòng đất cách đây nửa dặm; thậm chí người ta phải đi từ Nôritzơ và Lôxtôphơ tới đây để tắm. Nhưng cho đến tận bây giờ, cây cối trong các khu vườn được bao quanh để chống gió đông ở đây vẫn nở hoa sớm hơn hai tuần so với những nơi khác trong vùng, và thậm chí cả vào những tháng năm lạnh lẽo, ở đây có thể đi ra ngoài trời mà không cần mặc áo khoác, trong khi trên đỉnh đồi, chỉ cao hơn độ vài trăm bước gì đó, thì cái lạnh vẫn chui qua mấy làn áo lông để cắn vào da thịt.
Tháp canh”, - cái công trình xây dựng tồn tại ở đây được gọi một cách giản dị. Như thế, - lúc đầu vốn nó chỉ là một ngôi nhà nông dân bình thường. Các cửa sổ của nó nhìn ra hướng tây - nam, còn bản thân nó thì nằm sát bờ như một đoạn đê chắn sắp sửa bị những đợt sóng của dòng sông Uêvơni đang chảy giữa những đồng cỏ cuốn đi. Nhưng đó chỉ là cảm giác. Mặc dù vào mùa thu, khi mặt trời sắp lặn, ngôi nhà của chúng tôi thường bị một màng ẩm màu xanh bao bọc, - ở Nôphôc người ta gọi là sương mù bám sát mặt đất, - và dù vào mùa nước lớn, đôi khi nước sông dâng lên ngập cả sân sau chuồng ngựa, nó vẫn được xem là ngôi nhà vững chắc nhất trong cả xứ đạo. Nó được xây bằng gạch đỏ, và một lúc trông nó vừa có vẻ cầu kì, vừa đáng yêu, với rất nhiều những chỗ lồi lên lõm xuống và các đỉnh nhọn trên mái, mùa hè chìm ngập trong những bụi hồng leo và các loại dây leo khác. Từ cửa sổ có thể nhìn thấy đồng cỏ với những bãi chăn súc vật có màu sắc thay đổi theo mùa và giờ trong ngày, và nhìn thấy cái mái nhà đỏ ở Banghi và khu rừng bao quanh vùng đất Irơsem. Tất nhiên trong khu vực chúng tôi ở có nhiều ngôi nhà khác to và giàu hơn, nhưng tôi vẫn yêu quý ngôi nhà cổ xưa này của chúng tôi nhất, vì tôi sinh ra, lớn lên và hi vọng được chết trong đó.
Có lẽ tôi đã dừng lại quá lâu để miêu tả đoạn này, nhưng rồi tôi nghĩ bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ làm thế, khi việc liên quan đến mảnh đất mà chúng ta thân quen trong suốt nhiều năm trời. Còn bây giờ tôi chuyển sang nói về gia đình tôi. Trước hết tôi muốn nói, - không phải không lấy làm tự hào, vì trong số chúng ta ai không cảm thấy hãnh diện khi ngẫu nhiên được sinh ra trong một dòng họ lâu đời? - Rằng tôi thuộc dòng họ Uyngfin, có lâu đài tổ tiên ở Xuphôncơ cách đây khoảng hai giờ cưỡi ngựa. Ngày xưa, một cô gái thừa kế dòng họ Uyngfin đã lấy một người có tên là Đơla Pôn làm chồng, gia đình của người này khá nổi tiếng trong lịch sử chúng tôi: người đại diện cuối cùng của dòng họ Đơla Pôn là Etmun, bá tước vùng Xuphôncơ đã bị chém đầu vì tội phản bội khi tôi còn nhỏ. Thế là lâu đài Uyngfin cùng với người thừa kế của nó được chuyển sang dòng họ Đơla Pôn. Tuy nhiên trong vùng vẫn còn sót lại một vài gia đình thuộc các chi nhánh của dòng họ Uyngfin lâu đời. Hình như gia huy của họ có hình một đường sọc bên trái chiếc khiên, nhưng gia huy không hề làm tôi quan tâm, cả trước kia cũng như bây giờ. Điều quan trọng là tổ tiên và tôi là con cháu của chính dòng họ này.
Ông nội tôi, một người không đến nỗi kém cỏi, theo cách sống mà xét thì giống một nông dân tự do hơn là một điền chủ, dù ông xuất thân từ một gia đình quý tộc. Chính ông mua ngôi nhà này cùng những vùng đất lân cận, và đã tích góp được một gia tài khá lớn, chủ yếu nhờ biết sống điều độ và nhờ của hồi môn của các bà vợ, - ông lấy vợ hai lần và chỉ có một người con, - đồng thời cũng nhờ cả việc buôn bán súc vật.
Thêm vào đó, ông nội tôi là người rất mộ đạo, đến mức cứng nhắc, và điều lạ lùng là ông quyết tâm bằng mọi cách bắt bố tôi, người con duy nhất của ông phải thành linh mục. Nhưng bố tôi lại chẳng hề thích thú chút nào con đường công danh của một người phụng sự nhà thờ cũng như cuộc sống tôn giáo nói chung. Cho nên mọi cố gắng của ông nội tôi đều trở nên vô ích trong việc ngày đêm bắt bố tôi đi vào con đường đúng đắn mà ông đã chọn, - lúc thì van vỉ, thuyết phục hoặc trích sách kinh để chứng minh, lúc phải dùng đến chiếc gậy lớn được làm từ một thân cây lá nhọn, hiện giờ còn treo trên lò sưởi trong phòng khách. Rồi mọi chuyện kết thúc bằng việc bố tôi được gửi đến một tu viện ở Banghi, nhưng chưa đầy một năm sau, ông tu viện trưởng đã nằng nặc bắt ông tôi phải đưa bố tôi về nhà và tìm cho ông một công việc nào đó khác ngoài đời. Ông tu viện trưởng nói rằng bố tôi không những đêm đêm tới các quán rượu và các nơi không xứng đáng khác, gây nên những lời đồn không hay trong xứ đạo, mà còn hư hỏng đến mức dám nghi ngờ và chế giễu cả những điều giáo huấn của nhà thờ thiêng liêng. Thí dụ bố tôi nói rằng bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria ở phòng cầu nguyện chẳng có gì gọi là thần thánh, và trong giờ cầu kinh, khi vị linh mục ca ngợi Linh hồn Thiêng liêng thì bố tôi đã nháy mắt một cách không biết xấu hổ với một cô gái, trước đông đủ các thầy và trò trong tu viện.
- Vì vậy tôi yêu cầu ông đưa ngay con trai về nhà, - ông tu viện trưởng kết luận, - để anh ta lặng lẽ rời khỏi cổng tu viện Banghi, còn hơn là cách này hay cách khác, anh ta sẽ phải lên ngọn lửa giàn thiêu!
Nghe thế, ông nội tôi hết sức tức giận, tưởng đến ngất đi được. Nhưng sau đó bình tĩnh trở lại, ông liền lấy chiếc gậy ra và đang định sử dụng nó thì bố tôi, - lúc ấy đã mười chín tuổi và là một chàng trai cao to, rất khỏe mạnh, - liền giằng lấy chiếc gậy và quẳng đi xa, ít nhất là năm mươi mét, và tuyên bố rằng từ nay sẽ không người nào được động đến chân lông ông nữa, dù người đó có là bố ông một trăm lần cũng vậy. Sau đó bố tôi bỏ đi, để ông nội tôi và ông tu viện trưởng ở lại đưa mắt ngao ngán nhìn nhau.
Để không quá kéo dài, tôi xin kể vắn tắt chuyện này đã kết thúc như thế nào. Ông nội tôi và ông tu viện trưởng nhất trí với nhau rằng nguyên nhân thật sự của mọi chuyện là việc bố tôi đam mê một cô gái hạ lưu, bẩn thỉu, con gái của một ông thợ xay ở Vainfôt. Cũng có thể họ nói đúng, cũng có thể không, điều ấy không quan trọng, vì chẳng bao lâu sau cô gái ấy đã lấy chồng, lấy một anh hàng thịt ở Bêccơn và mãi gần đây mới chết, ở cái tuổi chín mươi lăm đáng kính. Dù giả thiết đó có sai đến đâu, ông nội tôi vẫn tin, và biết rõ sự xa cách là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa các cơn bệnh tình yêu, ông bàn bạc với ông tu viện trưởng và quyết định gửi bố tôi sang Tây Ban Nha, tới một trong các tu viện ở Xêvin, dưới sự điều khiển của người anh trai ông tu viện trưởng, để bố tôi quên dần cô gái của ông thợ xay và tất cả những sự cám dỗ trần tục khác.
Biết được quyết định ấy, bố tôi đã đồng ý một cách khá dễ dàng; dù còn trẻ, bố tôi là người thông minh và rất muốn được đi đây đó để nhìn đời, dù chỉ từ cửa sổ của một tu viện. Cuối cùng bố tôi được giao cho những người linh mục Tây Ban Nha đưa tới Nôphôc để bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Bà Uônxingham của chúng tôi và ông đã cùng họ lên đường đi ra nước ngoài.
Nghe nói khi chia tay, ông nội tôi đã khóc, như thể biết trước sẽ chẳng bao giờ còn thấy lại con trai mình nữa. Tuy nhiên, niềm tin, hay nói đúng hơn, - sự mê tín của ông lớn đến mức ông không hề do dự gửi đứa con duy nhất của ông đi xa nơi đất khách quê người, dù ông hoàn toàn không có một lí do nào để làm thế. Ông hi sinh tình yêu và một phần xương thịt của mình, như Abraam đã hi sinh Ixaac, con trai của ngài(Một tích trong Kinh Thánh: Abraam đem con trai mình làm lễ tế Trời, nhưng đến phút cuối cùng Ixaac đã được một thiên thần cứu thoát.).
Bố tôi làm ra vẻ đồng ý trở thành vật hi sinh như Ixaac, nhưng sâu trong lòng, ông không hề muốn bị đặt lên bàn thờ tế lễ một chút nào. Thực ra, như sau này ông đã nói, lúc ấy ông có những dự định khác hẳn.
Một năm rưỡi sau kể từ ngày bố tôi rời cảng Iamut, ông tu viện trưởng ở Xêvin đã gửi một lá thư cho em mình là tu viện trưởng tu viện Thánh Maria ở Banghi. Trong thư có báo tin rằng bố tôi đã bỏ trốn khỏi tu viện mà không để lại dấu vết gì. Tin này làm ông nội tôi rất buồn, nhưng không nói gì!
Hai năm sau lại có tin đồn mới đến tai ông nội tôi. Người ta nói với ông rằng con trai ông đã bị bắt và trao vào tay Tòa án Thiêng liêng, - thời ấy người ta gọi tòa án dị giáo như vậy, - và đã bị tra tấn ở Xêvin. Nghe thế ông tôi òa lên khóc và tự nguyền rủa mình đã có ý định điên rồ bắt trở thành linh mục một người không hề có chút thích thú nào đối với công việc ở nhà thờ, và bằng cách ấy ông đã đưa người con trai duy nhất của ông đến cái chết nhục nhã như thế này. Sau đó ông cãi nhau một trận với ông tu viện trưởng, và thôi không cúng tiền cho tu viện nữa. Nhưng dù sao ông vẫn không tin rằng bố tôi quả thật đã chết, vì hai năm sau, trước khi chết ông đã nói về bố tôi như về một người đang sống, và để lại cho bố tôi các lời dặn dò cụ thể về số đất từ nay sẽ thuộc về bố tôi.
Cuối cùng, hóa ra ông nội tôi hi vọng như thế không phải vô ích. Một hôm, ba năm sau khi ông chết, không phải ai xa lạ, mà chính bố tôi đã bước chân lên cảng Iamut, sau một thời gian xa vắng gần tám năm. Bố tôi trở về không phải một mình, mà cùng vợ, một người đàn bà trẻ, rất đẹp và sau này là mẹ tôi. Bà xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Xêvin, tên con gái của bà là Luizơ đơ Gacxia.
Tôi không biết cụ thể bố tôi đã trải qua những gì trong tám năm xa nhà kia. Ông hầu như chẳng nói gì về điều đó. Tuy nhiên tôi cũng phải kể ra đây một vài chuyện phiêu lưu của ông mà tôi biết.
Tôi biết ông quả có rơi vào tay Tòa án Thiêng liêng, vì một lần tắm ở Uêvơni cách nhà chúng tôi về phía dưới khoảng ba trăm mét, tôi thấy trên ngực và trên tay ông có những vết sẹo dài song song với nhau. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mìng đã hỏi ông những vết sẹo ấy là gì. Khuôn mặt hiền hậu của ông bỗng xám đi vì căm thù. Rồi ông đáp, cho chính ông nhiều hơn là cho tôi:
- Lũ quỷ sứ đã gây nên những vết sẹo này, theo lệnh của một con quỷ satăng hiện giờ đang lang thang trên mặt đất và sau này sẽ làm vua dưới địa ngục. Hãy nghe bố nói đây, Tômax! Có một đất nước gọi là Tây Ban Nha. Mẹ con sinh ra ở đó, và ở đó quỷ sứ đang tra tấn, đày đọa mọi người, cả đàn ông lẫn đàn bà. ƠŒ đó, nhân danh Chúa Giêsu, chúng thiêu sống rất nhiều người. Bố bị phản bội bởi một người mà bố đã gọi là xatăng, dù hắn ít hơn bố ba tuổi, và vì vậy bố bị rơi vào tay các linh mục. Chúng dùng kìm sắt nung đỏ tra tấn và để lại các vết sẹo này trên người bố. Nếu không được mẹ con cứu thoát, chắc bố đã bị chúng thiêu sống. Nhưng những điều này không phải để kể cho trẻ con nghe. Không được để lộ ra ngoài, Tômax! Bàn tay của Tòa án Thiêng liêng dài lắm! Trong người con có một nửa dòng máu Tây Ban Nha, - đôi mắt và màu da của con để lộ điều ấy. Nhưng dù đôi mắt và màu da con để lộ điều gì chăng nữa, trái tim con cũng phải nghĩ về việc khác. Phải để trái tim con mãi mãi là trái tim người Anh, và không một sự mua chuộc nước ngoài nào có thể cám dỗ. Hãy căm thù tất cả những người Tây Ban Nha, trừ mẹ con, và hãy cẩn thận, Tômax, để dòng máu mẹ con không lấn át dòng máu của bố!
Lúc ấy tôi còn bé và hầu như không hiểu ý nghĩa của những lời ông nói. Nhưng sau này thì tôi hiểu rất rõ. Còn lời khuyên của bố tôi về việc phải kiềm chế dòng máu Tây Ban Nha trong tôi thì bao giờ tôi cũng cố làm theo, vì tôi biết chính nó đã kích thích tôi làm nhiều điều không tốt. Chính nó là nguyên nhân của sự kiên trì, hay chính xác hơn, - sự bướng bỉnh của tôi và chỉ nó mới gợi trong tôi một thứ tình cảm không hợp với đạo Giatô, là suốt đời căm thù những người đã một lần gây điều ác cho tôi. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi những thói xấu ấy và những thói xấu khác, tuy nhiên, như chiếc kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lộ, tôi đã phải nhiều lần tự xấu hổ vì vẫn chứng nào tật nấy.
Bố mẹ tôi có ba người con: anh cả Giêfry, tôi và cô em út Mery. Mery ít hơn tôi một tuổi. Tôi chưa bao giờ gặp một đứa trẻ nào đáng yêu và dịu dàng như nó.
Chúng tôi là những đứa trẻ hạnh phúc. Bố mẹ chúng tôi lấy làm tự hào vì thấy chúng tôi xinh đẹp, đến mức các bậc bố mẹ khác phải ghen tị. Trong ba đứa, da tôi sẫm hơn cả, gần như đen, còn dòng máu Tây Ban Nha chỉ tác động lên Mery, đôi mắt nó có màu đen mịn như nhung, còn đôi má thì hồng hồng như hai quả táo chín. Vì da ngăm và mái tóc đen nên mẹ tôi thường gọi tôi là cậu bé Tây Ban Nha, nhưng chỉ khi bố tôi không ở cạnh, vì những lời ấy có thể làm ông vô cùng tức giận. Mẹ tôi vẫn không học nói được tiếng Anh một cách thông thạo, nhưng bố tôi vẫn không cho bà nói thứ tiếng nào khác. Khi bố tôi vắng mặt, mẹ tôi lại nói tiếng Tây Ban Nha, và trong cả ba người con chỉ một mình tôi biết thứ tiếng này khá tốt, chủ yếu nhờ mẹ tôi có mấy bộ tiểu thuyết cổ điển Tây Ban Nha. Ngay từ bé tôi đã rất mê các loại truyện tương tự, và mẹ tôi khuyến khích tôi học phần lớn bằng cách hứa sau này sẽ cho tôi mượn đọc.
Trái tim mẹ tôi vẫn còn buồn nhớ tới Tổ quốc đầy nắng của bà mà bà vẫn thường kể cho bọn trẻ chúng tôi nghe, nhất là vào mùa đông. Tôi cũng ghét mùa đông như bà. Một lần tôi hỏi bà có muốn trở lại Tây Ban Nha không. Bà rùng mình rồi đáp rằng bà không muốn, vì bên ấy còn có một người là kẻ thù của bà và sẽ giết bà, và rằng vì bà hết lòng yêu mến chúng tôi và bố tôi. Tôi nghĩ người đang muốn giết mẹ tôi ấy có lẽ là con quỷ xatăng, mà bố tôi đã nhắc tới, nhưng tôi chỉ nói rằng chắc không có người nào nỡ giết một người đàn bà tốt bụng và xinh đẹp như bà.
- Ôi, con trai của mẹ! - Bà thở dài nói. - Cũng chính vì mẹ xinh đẹp, hay ít ra đã từng xinh đẹp mà hắn căm thù mẹ. Nếu không có người bố dũng cảm của con, Tômax ạ, có lẽ mẹ đã phải lấy người khác làm chồng.
Nói xong những lời này, mặt mẹ tôi tái nhợt đi vì sợ hãi.
Một lần vào buổi tối, - lúc này tôi đã mười tám tuổi rưỡi, - ông địa chủ Bôza, bạn bố tôi, có điền trang trong xứ đạo, đã từ cảng Iamut rẽ vào “tháp canh” thăm chúng tôi. Trong khi nói chuyện, vô tình ông có nhắc tới việc một con tàu Tây Ban Nha chở hàng vừa cập bến. Nghe thế, bố tôi liền cảnh giác và hỏi ai là thuyền trưởng con tàu đó. Ông Bôza đáp ông không biết, nhưng ông đã nhìn thấy ông ta ngoài chợ. Đó là một người đàn ông cao to, ăn mặc vẻ giàu có, khuôn mặt đẹp với một vết chém bên thái dương.
Nghe ông Bôza nói, mẹ tôi liền tái mặt, rồi vừa nhìn nước da ngăm đen của tôi, bà vừa lẩm bẩm nói bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Lạy Đức Bà Mađôna thiêng liêng! Cầu mong sao đấy không phải là hắn!
Bố tôi cũng tỏ ra lo lắng và bắt đầu hỏi kĩ ông Bôza xem người ấy có vẻ ngoài như thế nào, nhưng không biết được điều gì. Ông liền vội vàng chia tay khách rồi nhảy lên lưng ngựa phi thẳng tới Iamut.
Đêm ấy mẹ tôi không hề chợp mắt. Cho đến tận sáng bà ngồi sâu trong chiếc ghế bành của mình, mông lung suy nghĩ về điều gì đó. Tôi chào bà rồi đi ngủ, sáng dậy tôi vẫn thấy bà ngồi trong tư thế ấy. Cho đến tận lúc này tôi vẫn nhớ rõ tôi đã hé mở cửa và nhìn thấy bà như thế nào, mẹ tôi ngồi bất động, mặt trắng bệch giữa mờ sáng của một ngày tháng 5, còn đôi mắt bà thì nhìn chăm chăm vào những thanh chấn song của cửa ra vào. Tôi nói:
- Sao hôm nay mẹ dậy sớm thế?
- Mẹ còn chưa đi ngủ. Tômax ạ, - bà đáp.
- Tại sao? Mẹ sợ gì?
- Mẹ sợ quá khứ, và mẹ sợ tương lai, con ạ. Chỉ mong sao bố con trở về!
Vào lúc mười giờ sáng, khi tôi đã chuẩn bị đi Banghi tới ông thầy thuốc đang dạy tôi nghề chữa bệnh, thì bố tôi phi ngựa về nhà. Chờ sẵn bên ngưỡng cửa, mẹ tôi nhào đến ôm ông. Bố tôi xuống ngựa, hôn bà và nói:
- Đừng sợ, em yêu! Có lẽ đây không phải hắn, vì người này tên khác.
- Anh không nhìn thấy ông ta à? - Mẹ tôi hỏi.
- Không, ông ta ngủ qua đêm trên tàu, vả lại anh vội về vì biết em đang lo lắng.
- Em sẽ yên tâm hơn nếu anh nhìn thấy ông ta tận mắt. Vì có thể đấy là hắn, - làm gì mà hắn chẳng đổi tên được?
- Anh không nghĩ tới điều ấy, - bố tôi nói, - nhưng em đừng sợ! Nếu thậm chí đó là hắn và hắn đủ dũng cảm để xuất hiện ở xứ đạo Đichchingham này, thì ở đây cũng tìm ra người biết cách đối xử với hắn. Tuy nhiên, anh tin đó không phải là hắn.
- Thế thì ơn Chúa! - Mẹ tôi đáp.
Sau đó họ hạ thấp giọng nói chuyện với nhau, và tôi hiểu rằng tôi không được quấy rầy họ. Cầm chiếc gậy nặng của mình, tôi đi ra con đường nhỏ dẫn tới chiếc cầu bắc qua sông dành cho những người đi bộ, nhưng đúng lúc ấy bỗng nhiên mẹ gọi tôi. Tôi quay lại.
- Hãy hôn mẹ trước khi đi, Tômax! - Bà nói. - Chắc con đang ngạc nhiên tự hỏi mình điều này có nghĩa là gì? Sẽ có lúc bố con giải thích cho con biết. Mẹ chỉ nói điều này: một bóng đen đáng sợ luôn ám ảnh mẹ suốt nhiều năm nay, nhưng bây giờ mẹ tin rằng bóng đen ấy đã vĩnh viễn tan đi.
- Nếu bóng đen ấy do một người nào đó gây ra, thì tốt nhất hắn nên chạy xa khỏi cái này! - Tôi nói và vừa cười to, vừa vung mạnh chiếc gậy nặng.
- Vâng, đó là một con người, - mẹ tôi đáp. - Nhưng nếu có ngày gặp nhau, thì con cần nói chuyện với hắn không phải bằng gậy, mà bằng cái khác.
- Tất nhiên, thưa mẹ, nhưng suy cho cùng thì cái gậy này có thể là bằng chứng hùng hồn nhất mà bất cứ thằng ương bướng nào cũng phải thừa nhận, nếu hắn không muốn bị lột da.
- Con quá vội vàng khoe khoang sức mạnh của con, Tômax ạ, - mẹ tôi mỉm cười nói rồi hôn tôi. - Đừng quên câu tục ngữ cổ này của người Tây Ban Nha : “Người đánh cuối cùng là người đánh mạnh hơn cả!”
- Nhưng lại có một câu tục ngữ khác, thưa mẹ: “Hãy đánh đi, trước khi người khác kịp đánh anh!”
Đến đây tôi và bà chia tay nhau.
Khi tôi quay đi được mười bước, có cái gì đấy như va vào tôi. Tôi quay lại nhìn, không biết là cái gì. Mẹ tôi vẫn đứng trên bậc cửa, trước hai cánh cửa mở rộng. Thân hình cân đối của bà như đính vào chiếc khung được viền bằng những bông hoa trắng bám rất nhiều trên các bức tường của tòa nhà cổ. Như ngày thường, bà đội trên đầu chiếc khăn thêu đăng ten có cột nút dưới cằm. Không hiểu sao trong giây lát từ xa tôi bỗng cảm thấy như chiếc khăn đó là chiếc khăn liệm người chết. Ý nghĩ ấy làm tôi rùng mình. Tôi nhìn thẳng vào mặt mẹ tôi. Bà cũng nhìn tôi, với vẻ buồn rầu và âu yếm, như thể sắp xa tôi mãi mãi.
Đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà còn sống. 
                                                 3
GÃ TÂY BAN NHA XUẤT HIỆN 
Bây giờ tôi phải quay lại để kể một đôi chuyện của riêng mình. Như đã nói, bố tôi muốn tôi trở thành thầy thuốc. Vì vậy, học xong trường Nôritzơ và trở về nhà, - lúc ấy tôi tròn mười sáu tuổi, - tôi bắt đầu học nghề y dưới sự hướng dẫn của một ông bác sĩ đang hành nghề ở các vùng lân cận Banghi. Tên ông ta là Grimstơn, một người hiểu biết, và quan trọng nhất là trung thực. Vì ham thích, nên với sự giúp đỡ của ông ta, tôi đã có những tiến bộ đáng kể. Tôi nắm vững hầu hết tất cả những gì ông ta có thể truyền cho tôi, và bố tôi đã có ý khi tròn mười chín tuổi, sẽ cho tôi lên London học tiếp. Chuyện này lại được nhắc tới khoảng năm tháng trước khi gã Tây Ban Nha xuất hiện. Nhưng số phận đã không muốn cho tôi tới London.
Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ lúc ấy tôi chỉ quan tâm tới nghề y. Ông địa chủ Bôza ở Đichchingham, người đã báo cho chúng tôi biết tin con tàu Tây Ban Nha cập bến, có hai người con, một trai và một gái. Những đứa con khác của ông, - vợ ông đẻ nhiều lần, - đều chết từ lúc còn rất bé. Cô con gái Lyly cùng tuổi với tôi, chỉ hơn tôi vài ba tuần gì đó. Đến nay thì dòng họ Bôza chẳng còn ai nữa, vì cô cháu họ của tôi, tức là đứa cháu nội duy nhất của con trai ông Bôza, người thừa kế mọi gia tài của ông, đã lấy chồng và bắt đầu mang tên khác. Đấy là nhân tiện nói thế.
Ngay từ khi còn rất bé, - chúng tôi, - trẻ con nhà Bôza và nhà Uyngfin, - đã chơi thân với nhau như anh em ruột. Hết ngày này đến ngày khác chúng tôi gặp nhau, chơi trò với nhau trên tuyết hoặc giữa vườn hoa. Khó mà nói chính xác lúc nào tôi bắt đầu yêu Lyly và lúc nào Lyly yêu tôi. Tôi chỉ biết khi phải lên đường đi tới trường ở Nôritzơ, tôi chia tay với Lyly nặng nề hơn với mẹ hoặc cả nhà tôi. Trong tất cả các trò chơi của chúng tôi, nàng bao giờ cũng ở bên tôi. Vì nàng, tôi có thể chui rúc suốt ngày khắp vùng, miễn là tìm được những bông hoa mà nàng thích. Và khi tôi từ trường về nhà, chẳng có gì thay đổi, chỉ Lyly là trở nên bẽn lẽn hơn, mà rồi cả tôi cũng bắt đầu cảm thấy rụt rè khi nhận thấy từ một cô bé, nàng bỗng biến thành một cô gái. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn, và mỗi lần gặp đều làm chúng tôi thích, dù không ai nói lời nào về điều ấy!
Quan hệ của chúng tôi cứ tiếp tục như thế cho đến ngày mẹ tôi mất. Nhưng trước khi kể tiếp, tôi phải nói rằng ông Bôza không tán thành việc tôi chơi thân với con gái ông một chút nào. Không phải ông không thích tôi, mà vì ông muốn gả cô Lyly của ông cho anh tôi là Giêfry, chả là vì anh tôi sẽ được thừa kế tất cả gia tài bố mẹ tôi để lại. Ông không muốn tôi lại nhà, thành ra cuối cùng tôi và Lyly chỉ được gặp nhau như thể ngẫu nhiên. Trái lại, anh tôi bao giờ cũng là người khách được mong đợi ở nhà ông. Vì thế mà tôi và anh tôi vẫn ác cảm với nhau, như thường xảy ra giữa bạn bè, thậm chí cả những người thân nhất, khi có người đàn bà đứng xen giữa họ. Phải nói rằng anh tôi cũng yêu Lyly, mà chắc ai ở địa vị anh ấy cũng làm thế, và có lẽ đối với nàng, anh là người có quyền nhiều hơn tôi, vì anh hơn tôi ba tuổi, mà lại được hưởng quyền thừa kế!
Người ta có thể nghĩ là tình cảm của tôi phát triển quá sớm, vì lúc ấy tôi chưa đến tuổi trưởng thành. Nhưng máu tuổi trẻ thường nóng, vả lại một nửa phần máu Tây Ban Nha trong tôi đã biến tôi thành một người đàn ông ở cái tuổi mà phần lớn những người Anh chính cống vẫn là những cậu bé. Trong những việc tương tự, dòng máu và mặt trời sưởi ấm nó giữ một vai trò khá quan trọng. Nhiều lần tôi đã được chứng kiến điều ấy, thí dụ các cậu bé người da đỏ Anahuac mười lăm tuổi đã lấy những cô vợ mười hai tuổi. Còn tôi, ở cái tuổi mười tám, ít ra đã đủ lớn để biết yêu một cách nghiêm túc, yêu một lần cho suốt cả đời người, và tôi nói điều này một cách đầy tin tưởng, dù có thể có người cho rằng câu chuyện cuộc đời tôi sau này đã chứng minh ngược lại. Tuy nhiên, nghĩ như thế là không đúng, vì không được quên rằng một người đàn ông có thể yêu nhiều người đàn bà nhưng vẫn trung thành với một người duy nhất, là người tốt nhất trong số tất cả những người đàn bà anh yêu. Anh ta có thể không làm đúng câu chữ của bộ luật tình yêu, nhưng vẫn tôn trọng và giữ vững tinh thần của nó.
Tóm lại, khi bước sang mười chín tuổi, tôi đã là một người đàn ông chững chạc, mà không phải không hấp dẫn, - bây giờ, khi đã về già, tôi có thể nói điều ấy mà không sợ bị chê là không khiêm tốn. Không quá cao, chỉ 1mét76, tôi là người khỏe mạnh, vai rộng và vóc người cân đối. Thậm chí bây giờ đã già, tôi vẫn còn giữ được nước da ngăm ngăm, đôi mắt to màu đen, còn mái tóc hơi xoăn của tôi lúc ấy thì đen nhánh. Bình thường, tôi là người điềm đạm và nghiêm túc, thậm chí có vẻ cau có. Tôi nói chậm, suy nghĩ kĩ càng và thường thích nghe hơn nói.
Trước khi quyết định điều gì đó, tôi cân nhắc,  nghiền ngẫm kĩ mọi phương diện, nhưng nếu đã quyết định, thì dù có xấu tốt, thông minh hay ngu ngốc thế nào, chẳng có gì có thể làm tôi thay đổi được nó, họa chăng chỉ có cái chết! Ngoài ra, lúc ấy tôi ít tin vào Chúa, phần vì những buổi nói chuyện bí mật với bố tôi, phần vì các suy nghĩ của riêng tôi bắt tôi nghi ngờ các giáo lí của nhà thờ mà chúng tôi được dạy. Tuổi trẻ thường hay nóng vội kết luận, và không ít khi cho rằng mọi cái trên đời này đều giả dối, chỉ vì có một vài cái gì đó đúng là giả dối thật. Tôi cũng thế, thời ấy tôi cho rằng không có Chúa chỉ vì ông linh mục nói với chúng tôi rằng tượng Đức Mẹ Maria ở tu viện Banghi đã khóc thật và từng làm nhiều điều kì diệu khác, mà thực tế thì đấy chỉ là một điều giả dối. Bây giờ tôi biết chắc rằng trên đời vẫn có một sự công bằng tối cao, vì những gì xảy ra với tôi sau này đã chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại với cái ngày đau buồn mà tôi đã nói. Tôi biết vào ngày hôm ấy, Lyly thân yêu của tôi sẽ đi dạo một mình dưới những cây sồi to được xén bớt lá trong khu rừng nhà mình. Khu rừng đó gọi là Grapxven, là nơi thời ấy cũng như bây giờ, có nhiều cây sơn trà mọc và nở hoa sớm nhất so với trong vùng.
Gặp tôi ở cửa ra vào nhà thờ ngày chủ nhật, Lyly nói là chắc thứ tư hoa sơn trà sẽ nở, và nàng sẽ tới đấy để hái. Rất có thể nàng nói điều này với một hàm ý nhất định, vì tình yêu thường làm nẩy nở những ý định tinh khôn cả ở những cô gái thơ ngây và chân thật nhất. Vả lại tôi cũng nhận thấy rằng dù bố nàng và cả gia đình tôi đứng cạnh, nàng đã cố nói sao để anh Giêfry của tôi không nghe thấy, vì nàng hoàn toàn không muốn gặp anh ấy. Đồng thời nàng đưa đôi mắt sáng của mình nhìn tôi rất nhanh. Tôi liền thầm quyết định rằng chiều thứ tư tới tôi cũng đến hái hoa sơn trà ở chỗ ấy, thậm chí dù có phải trốn học và bỏ rơi những người bệnh ở Banghi muốn ra sao thì ra. Tôi còn quyết định là nếu được gặp Lyly một mình, tôi sẽ không chần chừ nữa, mà nói thẳng với nàng những gì tôi đang suy nghĩ trong đầu. Kể ra cũng chẳng có gì bí mật lắm, vì cả hai chúng tôi đều đoán và hiểu được các ý nghĩ thầm kín của nhau, dù không ai nói lời nào về tình yêu. Tôi không nghĩ lập tức Lyly sẽ thành vợ chưa cưới của tôi, - trước hết tôi phải xác định chỗ đứng của mình trong đời đã. Tôi chỉ sợ nếu do dự không nói ngay các tình cảm của tôi, anh Giêfry sẽ thưa chuyện với ông Bôza và Lyly buộc phải nhận lời anh tôi,  cái mà nàng có thể từ chối, nếu chúng tôi không thầm đính hôn với nhau trước. Ngặt một nỗi là đúng ngày hôm ấy tôi rất khó trốn đi được. Ông thầy thuốc của tôi ốm, tôi buộc phải thay ông đi thăm và đưa thuốc cho các bệnh nhân. Chỉ đến năm giờ chiều tôi mới trốn thoát, không hề nói một lời chia tay với người nào.
Tôi chạy hơn một dặm theo con đường Nôritzơ, cho đến tận lâu đài và chỗ rẽ vào nhà thờ, còn từ đó đến khu rừng Đichchingham không xa lắm. Đoạn này tôi đi bộ vì không muốn xuất hiện trước Lyly mặt mày đỏ bừng và thở hổn hển. Ngược lại, hôm nay tôi muốn có vẻ ngoài hấp dẫn, và đã cố tình mặc bộ áo diện ngày lễ.
Đang đi từ ngọn đồi thấp xuống con đường phía bên kia là khu rừng, tôi bỗng nhìn thấy một người cưỡi ngựa: ông ta đứng giữa ngã ba đường, do dự lúc nhìn con đường rẽ phải, lúc nhìn con đường lớn chạy về phía trước, hoặc nhìn đằng sau, nơi có con đường chạy qua các vùng đất rộng về phía vườn nho của bá tước và phía sông Uêvơni. Có lẽ ông ta không biết nên đi hướng nào. Tôi nhận ra ngay điều đó, dù lúc ấy đầu óc tôi không thật tỉnh táo lắm vì đang bận nghĩ về cuộc nói chuyện sắp tới với Lyly. Tôi cũng nhận thấy người này từ xa mới đến.
Người lạ mặt, - tôi đoán ông ta độ bốn mươi tuổi, - có dáng người quý phái, không cao lắm, mặc bộ quần áo nhung sang trọng và đeo một dây chuyền bằng vàng trên cổ. Tuy nhiên, mọi chú ý của tôi tập trung vào khuôn mặt ông ta, trên đó tôi thấy thoáng hiện một nét gì đấy rất đáng sợ. Mặt ông ta dài, thanh tú, có những nếp nhăn sâu và được chiếu sáng bằng đôi mắt to ánh lên như vàng dưới mặt trời. Chiếc miệng nhỏ xinh đẹp luôn được trang điểm bằng nụ cười giễu độc ác và ma quái, một vết sẹo mờ mờ vắt qua vầng trán rộng, chứng tỏ ông ta là người khá thông minh. Căn cứ những mặt còn lại mà xét thì ông ta là người phương Nam: da ngăm ngăm, tóc hơi xoăn, đen nhánh như tóc tôi, bộ râu cằm màu nâu sẫm hình nhọn.
Khi kịp nhận thấy tất cả những điều ấy, tôi đã đến ngang với người cưỡi ngựa, và cuối cùng ông ta cũng nhìn thấy tôi. Lập tức khuôn mặt ông ta thay đổi: nụ cười chế giễu biến mất, và ông ta trở nên dễ chịu và tốt bụng. Ngả mũ chào tôi một cách lịch sự, người lạ mặt lẩm bẩm điều gì đó bằng thứ tiếng Anh sai bét, làm tôi chỉ hiểu được một từ, là Iamut. Sau đó, cho rằng tôi không hiểu, ông ta tuôn ra một tràng các câu chửi bằng thổ ngữ Caxtili chính cống, nguyền rủa tiếng Anh và những người nói thứ tiếng ấy. Thấy vậy, tôi cũng chuyển sang nói thứ tiếng của ông ta.
- Ông muốn gì, xin cứ nói bằng thứ tiếng Tây Ban Nha, có thể tôi sẽ giúp được.
- Cái gì? Anh biết nói tiếng Tây Ban Nha à, anh bạn yêu quý? - Ông ta ngạc nhiên kêu lên. - Nhưng anh có phải là người Tây Ban Nha đâu, dù bề ngoài trông anh rất giống!
- Lạ thật, - ông ta lẩm bẩm rồi lại nhìn tôi, - quỷ quái thật, đúng là rất lạ...
- Có thể như vậy, thưa ông, - tôi đáp, - nhưng tôi đang vội, vì vậy cần gì ông cứ nói, đừng bắt tôi chờ lâu.
- À, hình như tôi biết vì sao anh bạn đang vội! Đằng kia, xa hơn một chút sau con suối, tôi nhìn thấy một tà áo dài màu trắng, - người lạ mặt Tây Ban Nha vừa chỉ tay về phía khu rừng, vừa nói. - Hãy nghe lời khuyên của người lớn tuổi mà nên cẩn thận, anh bạn thân mến ạ. Anh cứ làm bất kì điều gì anh muốn với phụ nữ, nhưng không bao giờ được tin họ, và điều quan trọng nhất là không cưới họ làm vợ, nếu không sẽ có ngày anh muốn giết vợ anh!
Tôi định bước sang bên để bỏ đi, nhưng ông ta lại nói:
- Hãy tha thứ cho tôi vì những lời ấy: chẳng có gì xấu xa trong đó. Có thể sau này anh sẽ thấy tôi nói đúng, nhưng bây giờ tôi sẽ không giữ anh lâu thêm nữa. Anh hãy nói cho tôi biết tôi có thể tới Iamut bằng đường nào? Tôi đến đây bằng đường khác và bây giờ tôi bị lạc hẳn giữa nước Anh này, nơi có rất nhiều cây cối, thậm chí không thể nhìn thấy gì trong vòng một dặm trước mặt!
Tôi bước mấy bước theo lối đi nhỏ đang nhập vào con đường chính, và chỉ cho ông ta con đường tới Iamut ngang qua nhà thờ Đichchingham. Đồng thời lúc ấy tôi thấy người lạ mặt mỗi lúc một nhìn tôi chăm chú hơn và với nỗi sợ được che giấu. Hình như ông ta cố lấy lại bình tĩnh nhưng không được. Khi tôi im lặng, ông ta lại giơ mũ cảm ơn tôi và nói:
- Anh có thể nói cho tôi biết tên anh là gì được không, anh bạn yêu quý?
- Ông cần biết tên tôi làm gì? - Tôi gay gắt hỏi, vì không thấy thích con người này. - Chính ông cũng chưa cho tôi biết tên họ của ông!
- Vâng, quả thế thật. Tôi không là kẻ du hành dưới cái tên của người khác. Có lẽ tôi cũng có một cuộc gặp gỡ với một người đàn bà ở gần đấy!
Vừa nói những lời ấy, người lạ mặt vừa mỉm cười một cách lạ lùng, rồi ông ta nói tiếp:
- Tôi muốn biết tên người đã giúp tôi một cách rất nhiệt tình và lịch sự, nhưng hóa ra anh ta không thật lịch sự như tôi tưởng.
Rồi ông ta giật dây cương con ngựa đang cưỡi.
- Tôi không xấu hổ vì cái tên của tôi! - Tôi đáp. - Cho đến nay nó chưa hề bị vấy bẩn, và nếu ông tỏ ý muốn biết, tôi sẽ nói tên tộc là Tômax Uyngfin!
- Tôi cũng đoán như thế! - Người lạ mặt kêu to, mặt méo xệch vì giận dữ. Sau đó, trước khi tôi kịp ngạc nhiên vì sao có sự thay đổi như thế, ông ta đã nhảy khỏi lưng ngựa và đứng cách tôi ba bước trước mặt.
- Thật là một ngày may mắn! Để bây giờ ta xem liệu lời báo trước ấy đúng đến đâu, - hắn vừa lẩm bẩm, vừa rút thanh kiến khảm bạc ra khỏi vỏ. - Hoan đơ Gacxia xin chào ngươi. Tômax Uyngfin!
Kể cũng lạ lùng, nhưng chỉ lúc ấy tôi mới nhớ lại tất cả những gì tôi được nghe về một người Tây Ban Nha nào đó đã xuất hiện ở Iamut và làm bố mẹ tôi lo lắng đến thế. Vào những dịp khác, điều này sẽ lập tức hiện lên trong đầu tôi, nhưng hôm ấy tôi chỉ nghĩ tới cuộc gặp gỡ sắp tới giữa tôi và Lyly và những gì tôi sắp nói với nàng. Vì vậy, đơn giản là trong đầu tôi chẳng còn chỗ để chứa bất kì một điều gì khác.
“Có lẽ đây chính là con người ấy”, - tôi tự nói với mình. Ngoài ra tôi chẳng còn kịp nghĩ gì thêm, vì gã Tây Ban Nha đã cầm kiếm lao vào tôi. Tôi thấy ngay trước mặt mình là một lưỡi kiếm sắc, liền né sang bên. Tôi muốn bỏ chạy vì đang tay không, nếu không kể chiếc gậy, - và trong trường hợp ấy có chạy cũng chẳng xấu hổ. Tuy nhiên, dù là người nhanh nhẹn, tôi né tránh quá muộn, và mũi kiếm được nhắm thẳng vào tim đã đâm xuyên tay áo tôi, chạm vào nách. Chỉ thế thôi, nhưng cái đau ở vết thương lập tức làm tôi quên ngay ý định bỏ chạy. Tôi bỗng cảm thấy điên cuồng tức giận và khao khát được giết chết con người bỗng dưng lao vào gây sự với một người tay không như thế. Trong tay tôi là chiếc gậy gỗ sồi tôi chặt ở chân đồi Kép mà tôi vẫn dùng. Tôi chỉ còn một cách duy nhất là phải sử dụng nó với hiệu quả lớn nhất.
Chiếc gậy gỗ chỉ là một đồ chơi đáng thương bên thanh kiếm được làm bằng thép Tôlê trong tay một chiến binh thiện nghệ. Nhưng nó lại có một ưu điểm nổi bật. Khi một chiếc gậy được vung trên đầu anh, lập tức anh sẽ quên ngay rằng trong tay anh đang có thanh kiếm chết người, và thay cho việc đâm kiếm vào kẻ thù, trước hết anh phải lo bảo vệ cái đầu anh đã.
Lần này cũng xảy ra đúng như thế, dù tôi không thể nói cụ thể xảy ra như thế nào. Gã Tây Ban Nha là một tay sử dụng kiếm điêu luyện. Nếu tôi được trang bị kiếm như hắn, chắc chắn hắn cũng sẽ thanh toán tôi rất dễ. Thời ấy tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào về đấu kiếm, và cái môn nghệ thuật này hầu như cũng không được người Anh biết đến. Khi thấy một chiếc gậy to đang nện xuống đầu, hắn vội vàng quên ngay ưu thế của hắn và giơ tay đỡ. Chiếc gậy nện trúng khuỷu tay hắn, làm thanh kiếm rơi lăn xuống cỏ. Nhưng tôi không thể dừng lại ở đó vì máu đang sôi trong người tôi. Đòn tiếp theo nện đúng vào môi hắn, làm hắn gãy một chiếc răng và ngã xuống đất. Sau đó tôi túm lấy chân hắn và thẳng tay gặp đâu nện đấy, chỉ trừ cái đầu, vì lúc này, khi tôi nắm phần thắng, tôi thôi không muốn giết thằng vô lại này nữa.
Cứ thế tôi đánh hắn cho đến khi mỏi tay mới thôi. Sau đó tôi dùng chân đá hắn, còn hắn thì uộn ẹo như con rắn gãy xương và rít qua kẽ răng những lời chửi rủa kinh khủng. Tuy nhiên hắn không kêu rên và xin tha chết một lần nào. Cuối cùng tôi dịu lại và bắt đầu ngắm nghía đối thủ của mình. Rõ ràng là hắn đã bị một trận đòn ra trò: khắp người đầy máu me, thâm tím và bụi bẩn! Bây giờ chắc chả còn ai có thể nghĩ hắn từng là một kị sĩ điển trai mà tôi vừa gặp cách đấy dăm phút. Hắn nằm ngửa trước tôi, vắt ngang qua lối đi và nhìn tôi bằng đôi mắt độc ác. Cái nhìn của hắn còn ghê tởm hơn tất cả những vết thương trên người hắn.
- Thế nào, ông bạn Tây Ban Nha của tôi, ông ăn đòn là đáng chứ? - Tôi hỏi. - Tôi không biết cái gì ngăn tôi lại, nhưng đáng lẽ tôi phải giết ông chết, như ông từng muốn giết tôi, dù tôi không hề động đến ông!
Vừa nói những lời ấy, tôi vừa nhặt thanh kiếm rồi gí mũi kiếm vào cổ hắn.
- Đâm đi! Thằng nhãi khốn kiếp! - Hắn rít lên. - Thà chết còn hơn phải sống sau một sự nhục nhã thế này!
- Ồ không! - Tôi đáp. - Tôi không phải là một thằng giết người nước ngoài nào đó. Tôi không giết người không có vũ khí chống đỡ. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm trước tòa án. Đối với những người như ông, bọn đao phủ của chúng tôi bao giờ cũng có sẵn các dây treo cổ!
- Nếu thế thì mày buộc phải cõng tao tới gặp tòa án, - hắn nói rồi nhắm nghiền mắt, như thể ngất xỉu. Mà có lẽ hắn ngất thật.
Lúc ấy, đang đứng nghĩ nên làm gì với tên khốn nạn này, thì vô tình mắt tôi nhìn qua một quãng rừng thưa, và ở đấy, giữa những cây sồi Rapxven, tôi thấy một tà áo trắng quen thuộc thoáng qua, cách tôi khoảng ba trăm mét. Tôi có cảm giác người mặc áo trắng ấy đang đi về phía chiếc cầu nhỏ gần chỗ súc vật uống nước, như thể đã chán đợi người hẹn mãi không đến. Tôi nghĩ nếu lôi Gacxia vào làng hay một chỗ nào đấy đáng tin cậy, thì hôm nay tôi sẽ không kịp gặp người yêu, còn khi nào lại có một cơ hội thế này nữa thì chỉ có trời mới biết! Không! Tôi hoàn toàn không muốn hi sinh buổi gặp và nói chuyện với Lyly để thanh toán nợ nần với tất cả những tên nước ngoài hung hăng quá mức như hắn. Vả lại, hắn đã nhận được một bài học thích đáng vì láo lếu của mình. Tôi nghĩ bụng hắn sẽ chẳng trốn đi đâu được khi tôi bận thu xếp chuyện tình cảm của mình, còn nếu hắn không muốn chờ tôi, thì tôi sẽ có cách bắt hắn làm điều đó.
Con ngựa của gã Tây Ban Nha đứng gặm cỏ cách tôi khoảng hai mươi bước. Tôi đi lại gần nó, tháo dây cương và cột chặt tên Tây Ban Nha vào một thân cây cách xa đường.
- Hãy chờ ở đây cho đến khi tôi quay lại, - tôi nói. - Sau đó tôi sẽ biết cách xử sự với ông.
Nhưng khi quay người bắt đầu bước đi, tôi bỗng cảm thấy băn khoăn. Tôi lại nhớ tới sự sợ hãi của mẹ tôi và việc bố tôi vội vã đi Iamut vì một gã Tây Ban Nha nào đó. Hôm nay một người Tây Ban Nha đã xuất hiện ở Đichchingham và vừa mới nghe tên tôi, hắn đã điên khùng lao vào định giết tôi. Hay có thể hắn chính là người mà mẹ tôi kinh sợ đến thế? Tôi để hắn lại một mình không ai canh giữ chỉ để đi gặp người yêu như vậy liệu có đúng không? Sâu trong lòng, tôi biết tôi đang phạm một sai lầm, nhưng tình cảm của tôi rất mạnh, và trái tim lôi kéo tôi đi đến với cô gái áo trắng đang thấp thoáng giữa những thân cây trong rừng không thể cưỡng lại nổi, đến mức tôi quên hết tất cả.
Nếu lúc ấy tôi quay lại giết hắn, thì, mọi chuyện sẽ tốt đẹp và đỡ phiền toái hơn bao nhiêu, cho tôi và cho cả những người mãi sau này mới sinh ra trên trái đất! Lúc ấy họ sẽ không biết đến sự kinh khủng của cái chết, còn tôi thì sẽ không phải nếm mùi đau buồn của sự xa cách, vị cay đắng của thân phận nô lệ và nỗi kinh sợ của người bị đặt lên bàn thờ làm vật tế cho các thần!
IV
TÔMAX TỎ TÌNH
Thế là tôi trói gã Tây Ban Nha thật chặt vào gốc cây, hai tay bẻ quặt ra sau. Tôi cầm thanh kiếm của hắn rồi chạy vội đi tìm Lyly. Tôi đã tới kịp, vì chỉ một phút nữa là nàng rẽ sang con đường đi ngang chỗ súc vật uống nước về phía chiếc cầu nhỏ và đi tiếp, qua khu rừng trên ngọn đồi kề sát ngôi nhà của ông điền chủ Bôza.
Nghe tiếng chân tôi, Lyly quay lại chào, hay đúng hơn là để xem ai đang chạy theo nàng. Được ánh nắng mặt trời chiếu sáng, nàng đứng với bó hoa sơn trà trên tay, và vừa nhìn thấy nàng, trái tim tôi bỗng đập rộn lên. Chưa bao giờ tôi thấy nàng đẹp như bây giờ. Khi nàng đứng, mặc bộ áo trắng, với vẻ vờ ngạc nhiên trên mặt và trong đôi mắt sâu màu xám; những đốm sáng mặt trời ánh lên trên các nõn tóc màu hạt dẻ đang lộ ra dưới chiếc mũ nồi nhỏ.
Lyly không giống các cô gái nông thôn má hồng mũm mĩm mà tất cả hấp dẫn chỉ ở tuổi trẻ và sức khỏe. Nàng là một cô gái quý phái, người cao, cân đối, đã đạt đến đỉnh của sự kiều diễm và xinh đẹp. Vì vậy, mặc dù cùng tuổi với nhau, bên cạnh nàng tôi vẫn thấy mình trẻ hơn, và cái cảm giác ấy đã làm tình yêu của tôi đối với nàng thêm phần vị nể.
- Ôi, anh đấy à, Tômax? - Lyly nói, mặt đỏ hồng vì xấu hổ. - Thế mà em tưởng anh không đến. Có nghĩa là em muốn nói em phải đi về nhà vì đã muộn. Nhưng có chuyện gì xảy ra với anh thế. Tômax? Từ đâu anh chạy tới đây? Ôi, tay anh đầy máu! Còn thanh gươm này, - anh lấy nó ở đâu?
- Bình tĩnh, cho anh thở lấy hơi đã, - tôi đáp. - Ta hãy quay lại vườn sơn trà. ƠŒ đấy anh sẽ kể cho em nghe mọi chuyện.
- Nhưng đã đến lúc em phải về! Em dạo trong rừng đã hơn một giờ rồi. Mà hầu như chẳng còn bông hoa sơn trà nào nữa.
- Lyly, anh không thể đến sớm hơn được! Anh bị giữ lại, mà lại bằng một cách rất khác thường. Còn hoa thì có, khi chạy tới đây anh nhìn thấy...
- Em không biết anh sẽ tới, Tômax ạ, - Lyly cúi đầu nói. - Chả là anh rất bận! Lẽ nào em có thể nghĩ anh sẽ tới đây để hái hoa sơn trà như một cô bé? Nào, hãy nói em nghe chuyện gì đã xảy ra, có điều ngăn ngắn thôi. Em sẽ đi với anh một quãng.
Chúng tôi quay lại và đi cạnh nhau về phía những cây sồi được cắt bớt lá. Dọc đường tôi kể cho Lyly nghe về gã Tây Ban Nha, về việc hắn định giết tôi và tôi dùng gậy đánh lại hắn. Lyly chăm chú lắng nghe, và khi biết suýt nữa tôi bị giết, nàng đã kêu lên vì sợ.
- Nghĩa là anh bị thương, Tômax? - Nàng ngắt lời tôi. - Anh xem máu từ tay anh chảy ra nhiều không này! Vết thương có sâu không?
- Anh không biết, anh chưa xem... Lúc ấy anh vội!...
- Tômax, hãy cởi áo ngoài ra! Để em băng vết thương cho anh. Không, không, không được cãi lại! Cần phải thế!
Tôi cởi áo ngoài một cách khá vất vả và xắn tay áo sơ mi cao quá nách, nơi bị mũi kiếm đâm xuyên qua. Lyly rửa sạch vết thương bằng nước suối, và không ngớt xuýt xoa, nàng lấy chiếc khăn của mình băng lại cho tôi. Phải nói thật rằng nếu được nàng chăm sóc như thế, tôi sẵn sàng chịu đựng cả những vết thương đau hơn. Sự âu yếm của nàng đã xua khỏi đầu tôi những mối ngờ vực cuối cùng và làm tôi thêm dũng cảm, cái mà mỗi lần gặp nàng, tôi dễ để mất. Kể ra lúc đầu tôi không tìm được từ để nói, nhưng nhân lúc Lyly đang bận băng vết thương cho tôi, tôi đã cúi xuống khẽ hôn lên cánh tay dịu dàng của nàng.
Lyly rất ngượng ngùng. Mặt nàng đỏ bừng như bầu trời lúc hoàng hôn, nhưng cánh tay nàng mà tôi hôn còn đỏ hơn thế.
- Vì sao anh làm thế, Tômax? - Nàng khẽ nói. Còn tôi thì đáp:
- Vì anh yêu em, Lyly, mà anh thì không biết bộc lộ tình yêu của anh thế nào. Anh yêu em, Lyly ạ, bao giờ anh cũng yêu em và sẽ yêu em mãi mãi!
- Anh có tin vào bản thân anh không, Tômax? - Nàng lại khẽ thì thầm.
- Anh tin vào tình yêu của anh hơn mọi cái trên đời, Lyly! Và anh muốn biết em cũng yêu anh như anh yêu em.
Lyly đứng lặng yên trong giây lát, đầu cúi xuống. Sau đó nàng ngẩng lên và tôi nhìn thấy đôi mắt tràn đầy hạnh phúc của nàng. Tôi chưa bao giờ thấy mắt nàng như thế.
- Không lẽ anh còn nghi ngờ em, Tômax? - Lyly đáp.
Nghe thế, tôi liền ôm nàng và hôn ngay lên môi.
Cảm giác về cái hôn ấy sau này tôi giữ trọn suốt đời, tôi vẫn nhớ nó cho đến tận bây giờ, mặc dù tôi đã già, tóc bạc và đang đứng kề miệng lỗ. Đối với tôi, cái hôn ấy là sự tột cùng của hạnh phúc mà tôi được hưởng. Than ôi, cái hôn đầu tiên trong sạch của tình yêu tuổi trẻ ấy kéo dài quá ngắn!
- Nghĩa là em cũng yêu anh say đắm như anh yêu em? - Tôi lại hỏi, vẫn chưa hoàn toàn bình tĩnh trở lại.
- Nếu trước kia anh nghi ngờ, không lẽ đến giờ anh vẫn nghi ngờ như thế? - Lyly khẽ nói, phải cố lắm mới nghe rõ. - Tuy nhiên, anh hãy nghe em nói, Tômax, - nàng nói tiếp. - Yêu nhau là điều rất tốt. Chúng ta được sinh ra để yêu nhau, và thậm chí nếu bất ngờ không yêu nhau nữa, thì việc đó cũng không nằm trong quyền lực chúng ta. Nhưng dù tình yêu có ngọt ngào và thiêng liêng đến đâu, cũng không được quên trách nhiệm. Liệu ý kiến bố em sẽ thế nào, Tômax?
- Anh không biết, em ạ, dù không khó đoán lắm. Anh tin rằng bố em muốn gạt anh ra để gả em cho Giêfry.
- Có thể, nhưng em không muốn thế. Dù trách nhiệm có lớn đến đâu chăng nữa, nó cũng không được ép người phụ nữ lấy một người đàn ông mà cô ta không yêu. Tuy nhiên, nó sẽ cản trở cô ta lấy người khác hợp với cô ta hơn. Đáng lẽ có trách nhiệm với bố, em không được nói về tình yêu của mình mới phải.
- Ồ không, Lyly! Tình yêu là điều quan trọng nhất, cả khi nó không mang lại kết quả gì. Dù sao từ nay chúng ta sẽ ở bên nhau, bên nhau mãi mãi!
- Ôi, Tômax, anh còn quá trẻ nên mới nói như thế. Em cũng trẻ, nhưng con gái chúng em chóng trưởng thành hơn. Còn anh thì... Sẽ thế nào nếu đây chỉ là sự bồng bột tuổi trẻ của anh, và rồi khi tuổi trẻ không còn nữa, nó cũng sẽ biến mất?
- Lyly, nó sẽ không bao giờ biến mất! Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói mối tình đầu tiên là mối tình chung thủy, lâu bền nhất, và hạt giống gieo lúc trẻ sau này sẽ cho quả ngọt. Hãy nghe anh nói, Lyly. Anh buộc phải tìm chỗ đứng cho mình trong đời, và để làm điều ấy anh cần có thời gian. Anh chỉ yêu cầu em một điều, mặc dù anh biết yêu cầu như thế là ích kỉ: Em hãy hứa là sẽ trung thành với anh, và chừng nào anh còn sống, em sẽ không bao giờ lấy người nào khác làm chồng!
- Điều này không đơn giản, Tômax ạ, vì cùng thời gian, nhiều cái có thể thay đổi. Tuy nhiên, em tin vào bản thân em, và em hứa, - không, em thề, em thề với anh sẽ làm đúng như thế. Còn anh thì em không thể tin chắc như vậy, nhưng biết làm thế nào được? Phụ nữ thường phải mạo hiểm. Nếu niềm tin của em vào anh không thành sự thật, thì em sẽ chẳng bao giờ được thấy hạnh phúc!
Tôi không nhớ chúng tôi còn nói gì thêm, nhưng những lời này đã xoáy vào tâm trí tôi và được tôi nhớ rất rõ: tự bản thân, chúng rất nghiêm túc và mang đầy ý nghĩa; những năm sau này tôi vẫn thường xuyên nhớ tới chúng.
Cuối cùng tôi cảm thấy đã đến lúc phải đi, dù cả hai chúng tôi đều không muốn chia tay. Trước khi đi, tôi hôn Lyly một lần nữa và ôm nàng vào lòng thật chặt, đến mức một vài giọt máu từ vết thương của tôi thấm xuống áo nàng. Đúng lúc ấy, vô tình tôi ngước lên nhìn và lặng người đi vì kinh sợ. Ông Bôza đứng cách chúng tôi chưa đầy năm bước và đang nhìn chúng tôi bằng đôi mắt không lấy gì làm thân thiện lắm.
Sau này tôi mới biết rằng trước đó ông địa chủ Bôza đang cưỡi ngựa đi theo con đường nhỏ dẫn tới chỗ súc vật uống nước thì nhận thấy có một đôi trai gái nào đó đang đứng dưới tán lá sồi. Ông xuống ngựa để đuổi họ ra khỏi khu rừng của ông. Nhưng khi đến gần, ông nhận ra người ông định đuổi là ai, và thế là bây giờ ông đang đứng trước mặt chúng tôi, sững sờ vì ngạc nhiên.
Tôi và Lyly từ từ rời nhau và nhìn ông Bôza. Ông là một người thấp và béo, có khuôn mặt đỏ và đôi mắt xám nghiêm khắc mà bây giờ vì tức giận làm con ngươi lồi ra như sắp rơi khỏi hố mắt. Trong giây lát, ông Bôza đứng lặng không nói nên lời, nhưng khi bình tĩnh trở lại, các lời nói tuôn ra từ miệng ông như một dòng thác liên tục. Tôi không nhớ hết những lời ông mắng, nhưng tựu trung về việc ông muốn biết chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và con gái ông. Tôi chờ ông ngừng lời rồi lấy hết can đảm đáp rằng tôi và Lyly yêu nhau và vừa thề thốt với nhau xong.
- Có đúng thế không, con gái của bố? - Ông hỏi.
- Vâng, đúng thế, - Lyly mạnh dạn đáp.
Nghe thế, ông liền giận dữ mắng:
- Đồ đỏm dáng! Đáng lẽ phải đánh cho mày một trận rồi nhốt chặt trong nhà, chỉ cho ăn bánh mì và nước lã! Còn cậu, con gà trống non, thằng lai Tây Ban Nha, hãy nghe và nhớ lấy suốt đời điều này: cô gái này không phải dành cho cậu! Nó đã có người khác tốt hơn nhiều! Cậu chỉ là cái hộp giấy trống rỗng, không hơn! Làm sao cậu dám bám theo con gái tôi, khi trong túi không có lấy hai đồng xu kêu keng keng? Trước hết hãy kiếm cho mình cái tên và ít tiền đã, rồi sau mới được để mắt tới những đứa như nó!
- Thưa bác, cháu cũng muốn làm thế, và nhất định sẽ làm được thế, - tôi ngắt lời ông.
- Làm được à? Cậu, một thằng bé học nghề thuốc để người ta sai vặt, mà cũng hòng có được tên tuổi và địa vị à? Được, cứ thử đi! Có điều trong khi cậu bận thử thì con gái tôi không chờ cậu và sẽ lấy làm chồng một người đã có đủ những thứ đó, - cậu biết tôi muốn nói tới ai rồi đấy. Nào, con gái của bố, ngay bây giờ con hãy nói rằng chuyện yêu đương của con đến đây là chấm dứt!
- Thưa bố, con không thể nói thế được, - Lyly vừa đáp, vừa vuốt vuốt đường gấp trên áo. - Nếu bố không muốn con là vợ của anh Tômax, thì con sẽ làm theo nghĩa vụ của người con và không lấy anh ấy. Nhưng con cũng có trái tim, và vì thế không nghĩa vụ nào có thể bắt con lấy người con không yêu. Con đã thề là chừng nào anh Tômax còn sống, con chỉ thuộc về một mình anh ấy và không ai khác.
- Tao thấy mày cũng là một con bé đáo để đấy. Tốt lắm! - Ông Bôza nói. - Nhưng bây giờ hãy nghe đây: hoặc là mày phải lấy người tao chọn và lấy khi nào tao muốn, hoặc là tao sẽ đuổi mày khỏi nhà, muốn sống thế nào thì sống. Đồ vô ơn, mày quên ai đã nuôi mày lớn rồi à? Còn mày, thằng nhãi kia, tao sẽ bắt mày chừa cái thói lôi kéo con nhà tử tế vào bụi rậm mà hôn hít!
Nói đoạn, ông ta cầm gậy xông vào đánh tôi.
Lần thứ hai trong ngày, máu nóng lại sôi lên trong người tôi. Tôi vớ luôn thanh kiếm của gã Tây Ban Nha lúc ấy đang nằm trên cỏ cạnh tôi, và nhảy lên phía trước. Tình hình đã thay đổi. Trước đấy tôi phải dùng gậy để chống lại kiếm, còn bây giờ thì kiếm đang ở trong tay tôi. Và nếu không có Lyly bỗng kêu lên vì sợ và kịp đánh vào cổ tay tôi, làm mũi kiếm chệch trên vai ông Bôza, có lẽ tôi đã đâm xuyên người ông ta và cũng nhanh chóng tự kết thúc đời mình, - bằng dây thòng lọng trên cổ.
- Anh điên rồi à? - Lyly kêu lên.
- Không lẽ anh nghĩ giết bố em thì anh sẽ được lấy em? Vứt ngay thanh kiếm xuống, Tômax!
- Anh thấy anh hầu như chẳng còn gì nữa để hi vọng, - tôi giận dữ nói, - vì thế anh nói để em biết rằng thậm chí nếu được tất cả các cô gái trên thế giới, anh cũng không chịu để cho bất kì ai dùng gậy đánh anh như đánh một đứa con nít.
- Tôi không vì việc này mà giận cậu, - ông Bôza nói, giọng đã dịu lại. - Tôi thấy cậu có dũng khí, sau này nó sẽ giúp cậu trên con đường sự nghiệp, và tôi cũng tự thấy tôi không đúng khi quá tức giận đã gọi cậu là nhãi ranh. Nhưng như tôi đã nói, cô gái này không phải để cho cậu, vì vậy tốt hơn hết là nên rút lui và quên nó đi. Và hãy xem chừng đừng để tôi thấy cậu hôn nó lần nữa! Cậu sẽ phải đem mạng sống của cậu ra để trả giá đấy. Ngày mai tôi sẽ đem mọi chuyện nói với bố cậu, nhớ lấy!
- Thôi được, cháu đi, vì bây giờ đã đến lúc, - tôi đáp. - Tuy nhiên, thưa bác, cháu sẽ không bao giờ thôi hi vọng có ngày sẽ được gọi con gái bác là vợ. Tạm biệt, Lyly! Ta hãy chờ đến lúc bão lắng xuống.
- Tạm biệt, Tômax! - Lyly vừa khóc vừa đáp. - Đừng quên em! Còn lời thề của em, em sẽ nhớ suốt đời!
Nhưng lúc đó ông Bôza đã túm lấy tay nàng kéo đi.
Tôi cũng chẳng còn gì để làm ngoài việc rút lui với tâm trạng buồn bã. Tuy nhiên tôi không thấy đau khổ lắm, vì biết mặc dù phải chuốc lấy sự giận dữ của người bố, nhưng đồng thời tôi đã chiếm được tình yêu chân thành của người con, mà tình yêu thì kéo dài hơn cơn tức giận, và sớm hay muộn, cuối cùng nó sẽ thắng.
Đi được một quãng, tôi sực nhớ tới gã Tây Ban Nha. Những chuyện yêu đương và đánh nhau vừa rồi đã hoàn toàn gạt hắn khỏi đầu tôi. Tôi vội vàng quay lại để kéo hắn tới nơi giam giữ, thầm cảm thấy thích thú vì ít ra cũng có người để trút giận. Nhưng than ôi, thần số phận đã cứu thoát hắn bằng bàn tay một thằng ngốc. Tới nơi, tôi thấy gã Tây Ban Nha đã biến mất, còn bên gốc cây nơi tôi trói hắn là Bily Minxơ, một thằng ngốc dở hơi đang đứng, lúc thì nhìn gốc cây, lúc nhìn đồng tiền bằng bạc đang cầm trên tay.
- Ê Bily, cái ông bị trói ở đây bây giờ ở đâu? - Tôi hỏi.
- Tôi không biết, anh Tômax ạ, - Bily lè nhè nói bằng cái giọng Nôphôc của hắn. - Tôi chẳng giữ ông ta ở đây. Có lẽ ông ta đã đi được nửa đường rồi, đi đâu thì tôi không biết. Khi tôi đỡ ông ta lên ngựa, ông ta phi nhanh lắm.
- Cậu đỡ ông ta lên ngựa à, đồ ngốc? Bao giờ?
- Bao giờ à? Làm sao tôi biết được! Cách đây một giờ, cũng có thể là hai. Chúng ta có ai quan tâm tới thời gian làm gì? Thời gian cứ thế trôi đi mà chẳng thèm hỏi ta như chủ quán rượu vẫn hỏi. Ô hô, nếu anh được nhìn ông ta cưỡi ngựa nhanh như thế nào! Cựa giày thúc ngựa của ông ta dài lắm, và ông ta cứ thế mà thúc mạnh vào hông con ngựa! Chẳng có gì đáng lạ. Cứ nghĩ mà xem, - giữa ban ngày ban mặt, trên đường vua đi mà bọn cướp dám tấn công ông ta! Ông ta suýt ngoẻo vì sợ, tội nghiệp! Nói cũng chẳng nên lời, chỉ kêu be be như cừu. Nhưng Bily này đã cởi trói cho ông ta, rồi túm ngựa và đỡ ông ta lên yên. Vì việc làm hảo tâm ấy, Bily đã nhận được đồng tiền này. Chà, ông ta mới sung sướng làm sao khi được tôi thả cho đi! Ô hô! Anh thấy ông ta phi thế nào rồi chứ?
- Cậu còn ngốc hơn tôi tưởng, Bily Minxơ ạ! - Tôi bực mình nói. - Chính con người ấy đã suýt giết tôi! Tôi đánh nhau với hắn, trói được hắn vào cây, thế mà cậu lại thả đi mất...
- Nghĩa là ông ta muốn giết anh và anh trói được ông ta? Thế thì tại sao anh không canh giữ cẩn thận cho đến lúc có tôi? Lúc ấy chúng ta sẽ dẫn ông ta đi và nhốt vào cũi. Đối với ta chuyện này dễ như nhổ một bãi nước bọt. Anh vừa gọi tôi là thằng ngốc. Nhưng nếu anh thấy một người bị trói vào gốc cây, người đầy máu và các vết bầm tím, thậm chí vì sợ quá không nói nên lời, lẽ nào anh không cứu ông ta? Vì vậy mà ông ta đã đi khỏi đây và chỉ để lại cái này!
Nói rồi anh ngốc tung đồng tiền lên trời.
Thấy lần này Bily đúng, còn tôi thì sai trong tất cả mọi chuyện, tôi liền quay về nhà, không nói thêm một lời nào, nhưng tôi không đi thẳng, mà đi theo lối đi nhỏ cắt ngang với con đường lớn và dẫn tới đỉnh ngọn đồi “Vườn nho của Bá tước”. Tôi muốn được một mình suy nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra giữa tôi, Lyly và bố nàng.
Con đường tôi đi vắt qua một sườn đồi mọc đầy bụi rậm xen lẫn những cây sồi cao xum xuê. Cả bây giờ, lúc tôi đang viết những dòng này, từ ngôi nhà của tôi ở cách hai trăm mét, tôi vẫn nhìn thấy chúng. Các bụi rậm được cắt ngang dọc bởi những lối đi nhỏ mà bà mẹ quá cố của tôi hay đi dạo. Một trong những lối đi ấy chạy sát chân đồi, dọc theo bờ sông Uêvơni xinh đẹp, còn một lối đi khác chạy song song với nó cách hơn một mét về phía trên. Nói một cách khác, hai lối đi nhỏ ấy, hay chính xác hơn, - một lối đi khép kín thành hình ôvan kéo dài mà hai bề ngắn vươn lên phía đỉnh đồi.
Thay cho việc đi theo lối đi lên đỉnh để về nhà, tôi quay xuống một ít và bước theo lối đi dọc bờ sông. ƠŒ đây, một bên tôi là dòng sông, còn bên kia là những bụi rậm. Tôi thong thả bước, trầm ngâm suy nghĩ về niềm vui của tình yêu, về nỗi buồn của sự chia cắt với Lyly và về cơn giận của bố nàng. Bỗng tôi thấy có cái gì đấy trăng trắng nằm ngay dưới chân. Mải suy nghĩ, tôi không để ý tới mảnh vải ấy và lấy mũi kiếm Tây Ban Nha gạt nó sang một bên. Bước đi thêm khoảng ba trăm bước nữa, nghĩa là đã ở rất gần nhà, tôi lại nghĩ tới mảnh vải mềm mại bị vứt trên cỏ ấy. ƠŒ nó có cái gì rất quen thuộc! Vô tình, ý nghĩ của tôi từ mảnh vải trắng chuyển sang thanh kiếm Tây Ban Nha, và từ thanh kiếm tới chủ nó. Cái gì đã dẫn hắn tới vùng này? Có lẽ là một việc gì đó không tốt. Tại sao thấy tôi hắn lại hoảng sợ và khi biết tôi hắn lại lao vào tấn công như vậy?
Tôi dừng lại, vẫn tiếp tục nhìn xuống đất. Ngẫu nhiên tôi nhìn thấy những dấu chân còn in trên nền cát ẩm của lối đi nhỏ. Đó là dấu chân của mẹ tôi. Tôi sẽ nhận ngay ra nó giữa trăm nghìn dấu chân khác, vì trong cả vùng này không ai có bàn chân nhỏ như mẹ tôi.
Bên cạnh những dấu chân ấy, như thể đuổi theo, còn có những dấu chân khác. Lúc đầu tôi nghĩ đó cũng là dấu chân phụ nữ vì chúng rất mảnh, nhưng lập tức tôi thấy ngay không phải thế: chân phụ nữ không thể dài như vậy. Chúng là dấu vết của một đôi giày hoàn toàn xa lạ với tôi, có mũi nhọn và đế rất cao. Liền ngay lúc ấy tôi chợt nhớ gã Tây Ban Nha cũng có một đôi giày như thế. Tôi đã nhìn thấy chúng rất rõ, khi đứng nói chuyện với hắn. Có nghĩa đó là dấu chân hắn đuổi theo dấu chân mẹ tôi! Nghĩa là hắn đã chạy theo bà, vì nhiều chỗ dấu chân hai người rất sát nhau, có lúc trên nền cát ẩm chỉ còn lại một mình dấu chân hắn. Lập tức tôi hiểu ra mảnh vải trắng tôi vứt sang bên vừa rồi là của ai. Đó là chiếc khăn choàng của mẹ tôi! Tôi nhận ra nó vì trước đấy tôi thấy hàng ngày mẹ tôi choàng nó lên đầu, còn ở đây thì nó nằm dưới đất. Trong giây lát tôi ý thức rõ tất cả những điều ấy, và đứng lặng sững sờ vì một mối lo sợ kinh khủng, đau nhói. Tại sao con người ấy lại săn đuổi mẹ tôi, và tại sao khăn bà lại rơi xuống đất?
Tôi quay lại, và như một thằng điên, bắt đầu chạy về phía chiếc khăn trắng viền đăng ten. Các dấu chân vẫn luôn ở trước mặt tôi. Đây rồi! Vâng, đây chính là chiếc khăn mẹ tôi vẫn choàng đầu; nó như bị một bàn tay thô bạo của ai đó giật tuột. Còn bản thân mẹ tôi thì ở đâu?
Với trái tim như lịm đi vì sợ, tôi lại cúi xuống quan sát những vết chân. ƠŒ đây chúng đan quyện với nhau như cả hai người cùng đứng lại một chỗ, lúc bên này, lúc bên kia, vật lộn với nhau. Tiếp đến trên lối đi không còn thấy chúng nữa. Tôi bắt đầu lùng sục xung quanh như một con chó săn. Lúc đầu tôi đi về hướng bờ sông, sau, tôi leo lên phía đỉnh đồi. ƠŒ đây lại xuất hiện các dấu chân: một người chạy, một người đuổi theo. Tôi lần theo chúng hơn năm mươi mét, đôi lúc chúng mất hút trên cỏ, nhưng rồi lại tìm thấy được trên cát ướt. Bằng cách ấy chúng dẫn tôi tới một gốc sồi to, và ở đây các dấu chân lại dẫm lên nhau, như thể kẻ săn lùng đã bắt được con mồi của mình.
Bây giờ thì tôi hiểu ra tất cả, và suýt điên lên vì sợ. Lảo đảo như trong cơn ác mộng, tôi tìm kiếm mọi phía cho đến khi lại nhìn thấy dấu chân, - của Hoan đơ Gacxia. Dấu chân in rõ và sâu, như hắn đang ôm một vật nặng gì đó. Tôi lần theo những vết chân ấy. Lúc đầu chúng dẫn tôi đi xuống, về phía dòng sông, sau đó rẽ ngang tới chỗ có nhiều bụi rậm nhất. ƠŒ chính giữa các bụi rậm ấy, các cành cây được kéo xuống đất, phủ lá, như giấu một cái gì đó. Tôi gạt chúng sang bên.
Trong ánh sáng của hoàng hôn đang tắt, trước tôi là khuôn mặt mẹ tôi, - đã chết và trắng bệch.
V
TÔMAX THỀ
Bàng hoàng kinh sợ, tôi không biết tôi đã đứng như thế bao lâu bên xác người mẹ yêu quý. Sau đó tôi định nâng bà dậy và thấy bà bị đâm xuyên ngực, bằng chính thanh kiếm mà tôi vẫn giữ trong tay lúc này.
Tôi hiểu tất cả. Chính gã Tây Ban Nha đã gây ra cảnh này! Tôi gặp hắn đang cố rút chạy thật xa khỏi nơi hắn vừa gây tội lỗi. Biết tôi là ai, hắn liền nhảy vào giết tôi, vì căm ghét hay vì một lí do nào khác. Tôi đã không giữ con quỷ ấy lại mà để hắn thoát, không trả thù cho mẹ tôi, chỉ vì muốn hái hoa sơn trà cho người yêu! Nếu biết được sự thật, có lẽ tôi đã đối xử với hắn như các quan tư tế Anahuac đối xử với những người bị đem làm vật tế cho các thần!
Khi tôi ý thức hết tất cả những điều ấy, những giọt nước mắt đau buồn, giận dữ và xấu hổ trào ra, lăn xuống từng dòng trên mặt. Tôi quay người, và như một thằng điên, cắm cổ chạy về nhà.
Tôi gặp bố tôi và Giêfry ở cổng, - hai người vừa cưỡi ngựa đi chợ Banghi về. Chắc mặt tôi phải kinh khủng lắm, nên vừa nhìn thấy tôi, cả hai cùng kêu to một lúc:
- Gì thế? Có chuyện gì xảy ra thế?
Ba lần tôi ngước lên nhìn bố tôi nhưng không dám đáp vì sợ tin này sẽ làm ông ngất đi. Nhưng tôi phải nói, và cuối cùng đã nói với anh Giêfry của tôi:
- Mẹ đang nằm dưới chân đồi. Một người Tây Ban Nha tên là Hoan đơ Gacxia đã giết mẹ.
Vừa nghe xong, mặt bố tôi tái đi một cách đáng sợ, như thể tim ông ngừng đập. Cằm dưới ông trễ xuống, và một tiếng rên đau đớn thoát ra từ cái miệng mở rộng. Tuy nhiên, bám tay vào mỏ yên, ông vẫn ngồi vững trên lưng ngựa, rồi cúi khuôn mặt tái nhợt như xác chết xuống gần tôi, ông hỏi:
- Thằng Tây Ban Nha ấy bây giờ ở đâu? Con đã giết hắn rồi chứ?
- Thưa bố, không. Tình cờ con gặp hắn ở gần Grapxven. Khi biết tên con, hắn muốn giết con nhưng con dùng gậy đánh hắn chảy máu và tước thanh kiếm của hắn.
- Được, còn sau đó?
- Sau đó con để hắn thoát, vì con không biết chính hắn đã giết mẹ con. Sau này con sẽ kể tất cả cho bố nghe...
- Mày để hắn thoát? Trời ơi, mày đã để Hoan đơ Gacxia trốn thoát? Cầu Chúa sẽ nguyền rủa mày, Tômax ạ, cho đến khi mày làm xong cái việc mà hôm nay mày làm dở!
- Bố đừng nguyền rủa con nữa, con đã tự nguyền rủa mình đủ lắm rồi. Bố và anh hãy quay ngựa phi nhanh đến Iamut, vì cách đây hai giờ hắn đã tới đó. Tàu của hắn đang đậu ở Iamut. Có thể còn kịp bắt hắn trước khi tàu rời bến.
Không nói thêm một lời nào, bố tôi và Giêfry quay ngoắt ngựa và vội phi đi trong bóng tối của màn đêm đang đến.
Suốt đường họ phi nước đại. Những con ngựa họ cưỡi thật tốt, và sau hơn một giờ rưỡi phi như điên, họ đã tới được Iamut. Nhưng than ôi, con chim ác đã bay thoát. Lần theo dấu của hắn, họ lao vào cảng và được biết không lâu trước đấy hắn đã lên một con thuyền đợi sẵn để đi ra với con tàu của hắn đang thả neo đứng chờ, giương sẵn từ trước hầu như tất cả các buồm. Hắn vừa lên boong, con tàu liền nhổ neo và chẳng mấy chốc biến mất trong bóng tối. Lúc ấy, bố tôi liền cho thông báo sẽ thưởng hai trăm đồng tiền vàng cho người nào bắt được tên giết người kia, và đã có hai con tàu lên đường đuổi theo. Nhưng họ không kịp giữ nó lại. Rất lâu trước khi trời sáng, con tàu Tây Ban Nha ra tới biển rộng và biến mất.
Trong khi bố tôi và Giêfry phi ngựa đi, tôi cho gọi tất cả người hầu và người giúp việc lại để báo tin những gì đã xẩy ra. Sau đó chúng tôi cầm đèn, - vì lúc ấy trời đã tối hẳn, - và đi về phía các bụi rậm có xác mẹ tôi đang nằm. Tôi đi trước dẫn đầu, vì đám người hầu nhút nhát. Tôi cũng cảm thấy sợ, dù không biết sợ gì. Thật khó hiểu vì sao một người mẹ yêu tôi đến thế bây giờ chết đi lại làm tôi sợ. Tuy nhiên, khi tới nơi và nhìn thấy trong bóng tối đôi mắt rực sáng của mẹ tôi và nghe có tiếng cành cây lạo xạo, tôi đã suýt ngất đi vì kinh hoàng, dù biết có lẽ đấy chỉ là tiếng động của con cáo hay con chó hoang nào đó ngửi thấy mùi người chết và tìm đến.
Cuối cùng, tôi tiến lại gần mẹ và gọi người hầu tới. Chúng tôi đặt xác bà lên cánh cửa được tháo mang đi theo, và bằng cách ấy mẹ tôi đã trở về nhà lần cuối cùng.
Đối với tôi, con đường nhỏ ấy là chỗ đáng nguyền rủa suốt đời. Từ ngày mẹ tôi bị chính tay một người anh em họ của mình là Hoan đơ Gacxia giết chết tới nay đã hơn bảy mươi năm; tôi già và đã quen với đủ mọi điều kinh khủng, thế mà cả bây giờ tôi cũng không dám đi con đường ấy một mình, nhất là ban đêm.
Tôi biết trước rằng óc tưởng tượng và sự yếu bóng vía có thể chơi ta nhiều vố rất bất ngờ, thế nhưng năm ngoái, lúc đi đặt bẫy chim ngói, vô tình tôi đứng ngay dưới chính cây sồi nọ trong ánh hoàng hôn của một ngày tháng mười một, tôi sẵn sàng thề rằng lúc ấy tôi đã thấy tất cả những cảnh kia lại hiện lên trước mặt. Tôi thấy mình là một chàng trai trẻ với một cánh tay bị thương đã được Lyly băng bằng chiếc khăn của nàng. Tôi chậm chạp bước xuống theo sườn đồi, và sau tôi là bóng của bốn người hầu còng lưng dưới gánh nặng của đêm đen đang lặng lẽ bước theo. Như bảy mươi năm về trước, tôi lại nghe tiếng sóng vỗ và tiếng gió thổi xào xạc qua bãi sậy ven sông. Tôi nhìn thấy bầu trời đầy mây với những vùng sáng xanh thẫm cách xa nhau, nhìn thấy những tia sáng của chiếc đèn chiếu xuống thân hình màu trắng đang nằm trên cánh cửa với một vết máu to sẫm trên ngực. Vâng, vâng, chính tai tôi nghe, tôi cầm đèn đi trước ra lệnh cho người hầu rẽ phải để tránh một cái hố như thế nào. Thật là buồn cười và lạ lùng khi nghe chính giọng nói của mình thời trẻ. Tôi biết, biết rất rõ rằng đấy chỉ là trí tưởng tượng, nhưng suy cho cùng tất cả chúng ta đều là nô lệ của trí tưởng tượng, và đều sợ người chết, cũng chính vì vậy mà ban đêm tôi sợ không dám đi trên con đường ấy, dù bản thân tôi một nửa đã là người chết.
Thế là chúng tôi về tới nhà. Đám phụ nữ đỡ xác mẹ tôi xuống, vừa khóc vừa tiến hành làm các nghi lễ cuối cùng. Tôi không những phải đấu tranh với sự tuyệt vọng của mình, mà còn phải chú ý an ủi cô em út Mery, là người tôi lo nhất. Tôi sợ vì đau khổ và kinh sợ, nó có thể hóa điên, nhưng cuối cùng nó cũng đờ đẫn ngồi yên một chỗ, còn tôi thì đi xuống gác hỏi chuyện những người đầy tớ đang ngồi quanh bếp lửa. Đêm ấy không ai ngủ.
Đầy tớ kể tôi nghe, khoảng một giờ hay hơn một chút trước khi tôi gặp Gacxia, họ nhìn thấy một người lạ mặt, ăn mặc lịch sự đi trên con đường nhỏ dẫn đến nhà thờ. Ông ta cột con ngựa của mình giữa những bụi rậm trên đỉnh đồi, đứng yên một lát như lưỡng lự điều gì, cho đến khi mẹ tôi ra khỏi nhà và ông ta đi xuống theo bà. Tôi cũng hỏi và biết được rằng một người trong đám người nhà của chúng tôi làm việc trong vườn cách nơi xảy ra tội ác khoảng ba trăm bước, đã nghe có tiếng kêu nhưng không chú ý, vì nghĩ rằng đó là một đôi trai gái nào đấy từ Banghi tới nghịch đuổi nhau trong rừng. Tôi thấy đúng là ngày hôm ấy cả xứ đạo Đichchingham của chúng tôi gồm toàn những thằng ngốc, mà tôi là thằng ngốc đầu tiên và là ngốc nhất. Ý nghĩ ấy cho đến nay thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong đầu tôi, nhưng trong những hoàn cảnh khác.
Cuối cùng mặt trời mọc, và cùng với nó, bố tôi và anh Giêfry từ Iamut trở về. Họ cưỡi những con ngựa khác, vì hai con kia đã chết vì chạy kiệt sức. Đến trưa, có tin báo rằng hai chiếc tàu đuổi theo gặp bão phải quay về cảng, mà vẫn chưa nhìn thấy tàu của Gacxia.
Không giấu một điều gì, tôi kể hết về cuộc gặp gỡ giữa tôi và kẻ đã giết mẹ tôi cho bố tôi nghe... Và bị mắng một trận nữa về tội tuy biết mẹ tôi lo sợ một người Tây Ban Nha nào đó mà tôi vẫn không đoán ra và đã để tên giết người trốn thoát, chỉ vì nóng lòng muốn nói chuyện với người yêu. Anh Giêfry cũng không thông cảm với tôi chút nào. Anh cũng yêu Lyly và rất giận tôi khi biết cuộc nói chuyện giữa tôi và nàng không phải không có kết quả. Nhưng anh im không nói gì về nguyên nhân anh không thích tôi. Và giọt cuối cùng làm cốc đau khổ của tôi tràn đầy là sự xuất hiện của Bôza. Ông đến cùng một số láng giềng khác để từ biệt người mẹ quá cố của tôi và chia buồn với bố tôi. Nói xong những lời thông cảm, ông tuyên bố ngay rằng việc tôi và Lyly yêu nhau là trái với ý ông, ông cương quyết không chịu thế, và rằng nếu tôi còn tiếp tục bám theo nàng thì tình bạn lâu năm giữa ông và bố tôi sẽ chấm dứt.
Các đòn tấn công tới tấp bay đến từ mọi phía. Cái chết của người mẹ yêu quý, nỗi buồn vì người yêu bị ngăn cách, lương tâm cắn rứt vì đã để tên Tây Ban Nha trốn thoát, cơn giận của bố và anh trai, - một lúc tất cả đều ập xuống đầu tôi. Đối với tôi, những ngày ấy quả đúng thật nặng nề, chua xót, đến mức ở cái tuổi tôi, khi nỗi buồn và sự xấu hổ được cảm nhận một cách sâu sắc nhất, tôi chỉ mơ ước một điều là được chết để nằm xuống cạnh mẹ. Chỉ duy nhất một thứ níu giữ tôi lại với đời là mẩu giấy nhỏ mà Lyly đã nhờ một cô hầu gái tin cậy đem đến cho tôi, trong đó một lần nữa nàng khẳng định tình yêu của nàng đối với tôi và khuyên tôi không được nản chí.
Cuối cùng, ngày chôn cất đã đến, và mẹ tôi, người mặc bộ quần áo trắng toát, được đặt xuống một chỗ dành cho bà trong địa phận nhà thờ Đichchingham. Cạnh mộ bà bây giờ là mộ bố tôi. Xa hơn một chút, dưới những bức tượng bằng đồng là mộ bố mẹ Lyly và tất cả đàn con đông đúc của họ. Cuộc chôn cất thật nặng nề đối với tôi. Không kìm được nữa, bố tôi òa lên khóc, còn Mery thì ngất xỉu trên tay tôi. Hầu như tất cả mọi người trong nhà thờ đều khóc, vì dù là người nước ngoài, mẹ tôi vẫn được hàng xóm láng giềng yêu mến vì bà cởi mở và tốt bụng.
Cuối cùng mọi việc kết thúc. Thế là người đàn bà Tây Ban Nha quý phái và là vợ của một người Anh được yên nghỉ nghìn năm trong một ngôi nhà thờ cổ, nơi bà được nhớ đến trước khi người ta quên không những chỉ câu chuyện bi thảm của bà, mà còn cả cái tên bà mang. Hình như chuyện ấy cũng chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra, vì dòng họ Uyngfin ở vùng chúng tôi hiện nay chỉ còn một mình tôi sống sót. Kể ra em gái Mery của tôi cũng có người thừa kế, và họ sẽ được nhận toàn bộ gia tài của tôi, trừ một ít tôi dùng làm việc thiện giúp đỡ người nghèo ở Banghi và Đichchingham, nhưng bây giờ họ đã mang tên khác.
Tôi trở về nhà. Bố tôi ngồi trong phòng khách, lặng đi vì đau buồn, bên cạnh là Giêfry. Lại lần nữa, bố tôi mắng tôi thậm tệ vì tội để thoát kẻ giết người khi tự Chúa đã trao hắn vào tay cho tôi.
- Bố quên rằng Tômax còn bận đi tán gái, - Giêfry nhận xét một cách cay độc. - Đối với nó chuyện này còn quan trọng hơn nhiều so với việc cứu mẹ. Như thế là một lúc nó bắn một mũi tên trúng hai con thỏ: nó cho phép kẻ giết người trốn thoát, dù biết mẹ rất sợ sự xuất hiện của một tên Tây Ban Nha nào đó, và đồng thời nó gây nên sự bất hòa giữa ta với ông Bôza, một láng giềng tốt, là người không hiểu sao không thích lắm cái chuyện yêu đương của nó.
- Phải, con nói đúng, - bố tôi đáp. - Tay con dính máu mẹ con đấy, Tômax ạ!
Tôi đứng nghe và cảm thấy không thể chịu thêm được nữa một sự bất công như thế.
- Không đúng! - Tôi kêu lên. - Con nhắc lại với bố một lần nữa: không đúng! Con người ấy đã giết mẹ con trước khi con gặp hắn. Hắn đang trên đường trở lại Iamut với con tàu của hắn, và chỉ tình cờ hắn bị lạc. Tại sao bố lại nói tay con dính máu mẹ? Còn việc tôi yêu Lyly Bôza thì đó là chuyện riêng của tôi, ông anh ạ, chứ không phải việc của anh, mặc dù tất nhiên anh không muốn thế! Còn bố, sao bố không cho con biết trước rằng bố mẹ sợ thằng Tây Ban Nha ấy? Con chỉ được nghe đôi lời bóng gió nào đó mà con không để ý tới, vì vậy mới nghĩ đến chuyện khác. Còn bây giờ thì bố hãy nghe con nói đây. Bố vừa bắt con gánh chịu sự nguyền rủa của bố để nó đè nặng lên lương tâm con cho đến lúc con gặp lại tên giết người kia và làm nốt phần việc con chưa kịp làm. Thế cũng được! Con còn ít tuổi, nhưng khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Hễ có điều kiện là con sẽ đi Tây Ban Nha ngay và sẽ truy lùng cho đến khi giết được hắn hay biết hắn đã chết. Nếu bố cho con tiền để lên đường tìm hắn thì tốt, còn không, con vẫn cứ đi. Xin thề trước Chúa và trước linh hồn mẹ, rằng con sẽ không chịu yên và không dừng lại, chừng nào chưa giết được tên vô lại ấy bằng chính thanh gươm này, thanh gươm đã giết mẹ con, chừng nào chưa bắt được hắn phải trả nợ máu cho mẹ con, hoặc con chưa biết chắc rằng hắn đã chết. Nếu có lúc nào đó con phản bội lời thề này, thì xin Chúa cứ trừng phạt con bằng cái chết còn kinh khủng hơn cái chết của mẹ con, không cho linh hồn con lên thiên đường và bắt cái tên của con phải chịu ô nhục suốt đời nơi hạ thế!
Trong cơn giận dữ và tuyệt vọng, tôi đã trịnh trọng tuyên bố một lời thề như thế, hai tay giơ cao lên trời để xin Chúa chứng giám cho điều tôi nói.
Bố tôi nhìn tôi vẻ tán thành.
- Nếu con quyết định thế, Tômax ạ, thì con sẽ không lo thiếu tiền, - ông nói. - Bố sẵn sàng làm điều ấy thay con, vì chỉ có máu mới rửa sạch được máu, nhưng sức lực bố không còn như xưa. Vả lại ở Tây Ban Nha người ta biết quá rõ về bố, và Tòa án Thiêng liêng sẽ bắt bố ngay. Con cứ đi đi, bố ban phước lành cho con! Chính con phải làm điều này, bởi lẽ kẻ thù của chúng ta trốn thoát cũng vì sự sơ ý của con.
- Vâng, vâng, Tômax phải đi, - Giêfry họa theo.
- Anh nói thế vì anh muốn tôi rời khỏi nơi này, - tôi giận dữ nói, - để anh thay tôi ở gần một cô gái mà cả tôi và anh cùng yêu. Anh muốn lợi dụng sự vắng mặt của tôi. Được, anh cứ thử, nếu lương tâm cho phép anh làm điều đó. Nhưng hãy nhớ rằng việc xấu anh làm sau lưng tôi sẽ chẳng bao giờ mang lại điều tốt cho anh!
- Cô gái ấy sẽ thuộc về người biết chinh phục, - Giêfry đáp.
- Nhưng trái tim cô ấy đã bị chinh phục rồi, ông anh ạ. Anh có thể mua ở ông bố thể xác cô ta, còn tâm hồn thì anh sẽ chẳng bao giờ có được, mà thể xác thiếu tâm hồn thì chẳng có gì đáng giá lắm!
- Thôi đi! - Bố tôi nói xen vào. - Đây không là lúc cãi nhau về tình yêu và các cô gái. Hãy nghe bố nói đây! Bố sẽ kể cho các con nghe về mẹ các con và tên Tây Ban Nha nọ. Trước kia bố không muốn nhắc tới điều này, nhưng bây giờ thì bố phải nói hết tất cả.
Và bố tôi bắt đầu kể:
“Khi còn là một chàng trai mới lớn, theo ý ông nội, bố buộc phải sang Tây Ban Nha. Bố được gửi tới một tu viện ở Xêvin, nhưng các thầy tu và cuộc sống tu sĩ không làm bố thích, và bố đã bỏ trốn. Hơn một năm bố sống được chăng hay chớ, vì sau khi trốn khỏi tu viện, bố sợ không dám trở lại nước Anh. Kể ra bố sống cũng không đến nỗi tồi lắm, với số tiền kiếm được bằng đủ mọi cách, nhưng, - thật xấu hổ khi phải thú nhận điều này, - chủ yếu nhờ đánh bạc là cái trò bao giờ bố cũng gặp may. Một đêm nọ, ở sòng bạc bố đã gặp Hoan đơ Gacxia. Đó là tên thật của hắn, mà hắn đã buột miệng nói ra với Tômax trong cơn giận dữ.
Thời ấy hắn đã nổi tiếng là một người rất không tốt, dù hắn còn trẻ. Nhưng hắn có vẻ ngoài dễ coi, biết cách cư xử và xuất thân từ một dòng họ quý tộc. Bố và hắn đánh bài, hắn thắng, và trong lúc vui vẻ, hắn mời bố về nhà bà cô hắn. Bà này góa chồng và là một phụ nữ quý phái ở Xêvin. Bà ta có một cô con gái duy nhất, bây giờ là mẹ của các con. Bố biết được tên cô gái ấy là Luizơ đơ Gacxia, đã đính hôn với anh họ mình là Hoan đơ Gacxia, nhưng trái với ý muốn của cô ta, vì giấy tờ chứng nhận cuộc đính hôn ấy được làm khi cô ta chưa đầy tám tuổi. Tuy nhiên cuộc hôn nhân ấy vẫn được xem là hợp pháp và bền vững, vì ở Tây Ban Nha đính hôn như thế cũng được xem gần như ngang với lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ. Những người phụ nữ bị trói buộc bởi những quan hệ tương tự thường chẳng có chút tình cảm nào đối với người mình đã đính hôn. Với cô gái trẻ Luizơ cũng vậy. Nói trắng ra là cô ta căm ghét và sợ Hoan đơ Gacxia, mặc dù hắn, theo bố nghĩ, vẫn yêu Luizơ nhất trên đời, tất nhiên là theo cách riêng của hắn. Viện nhiều cớ khác nhau, Luizơ đã bắt được hắn đồng ý hoãn cưới đến khi cô tròn hai mươi tuổi. Nhưng cô càng tỏ ra lạnh nhạt, hắn càng muốn nhanh chóng chiếm đoạt cô và đồng thời chiếm đoạt luôn cả cái gia tài tương đối lớn của cô. Như tất cả những người Tây Ban Nha khác, hắn là người đam mê cuồng nhiệt, và như tất cả những tay cờ bạc chính cống, bao giờ hắn cũng cần tiền.
Để khỏi kể chi tiết dài dòng, bố nói luôn là từ lần gặp đầu tiên, bố và mẹ các con đã yêu nhau ngay, và cả hai có cùng chung một mong ước duy nhất là được gặp nhau càng nhiều càng tốt. Điều này không khó lắm, vì mẹ Luizơ cũng sợ và không yêu đứa cháu của mình và muốn con gái bà thoát khỏi tay một người chồng như thế. Cuối cùng mọi chuyện kết thúc bằng việc bố tỏ tình, và cả hai quyết định trốn về nước Anh. Thế nhưng Hoan đơ Gacxia biết chuyện, vì trong nhà Luizơ ở có tay chân của hắn, và như mọi người Tây Ban Nha khác, hắn rất hay ghen và để bụng thù lâu.
Lúc đầu hắn muốn gạt bỏ đối thủ bằng cách thách đố đấu kiếm, nhưng hoàn cảnh không cho phép làm điều đó, thậm chí không được rút kiếm khỏi vỏ. Sau đó hắn thuê bọn côn đồ giết bố lúc bố đi ra phố ban đêm. Nhưng bao giờ dưới áo khoác bố cũng mặc một chiếc áo giáp sắt nên dao găm bọn chúng không đâm thủng, mà bố còn giết được một đứa. Tuy cả hai lần đều thất bại, nhưng hắn chưa chịu thôi. Hắn còn có một cách khác rất hiệu nghiệm! Bố không hiểu bằng cách nào hắn biết được một vài chi tiết về đời bố, như việc bố trốn khỏi tu viện chẳng hạn. Nhưng chỉ cần thế, hắn có thể tố cáo bố với Tòa án Thiêng liêng, như thể bố là một kẻ phản đạo và khinh Chúa. Và một đêm nọ, hắn đã làm thế thật.
Chuyện ấy xẩy ra vào đêm trước ngày bố và Luizơ định lên tàu rời Tây Ban Nha. Bố và mẹ các con đang ngồi trong một ngôi nhà ở Xêvin thì bỗng có sáu người đội mũ hình chóp xông vào phòng, và không hề nói một lời nào, chúng liền bắt bố. Khi bố hỏi chúng muốn gì ở bố, chúng lặng lẽ giơ một cây thánh giá trước mặt bố. Bố hiểu ngay mọi chuyện. Trong nhà, đám phụ nữ vừa khóc vừa chạy toán loạn. Sau đó, một cách lặng lẽ và bí mật chúng đưa bố về tháp giam của Tòa án Thiêng liêng.
Bố sẽ không kể về tất cả những gì bố phải chịu đựng ở đấy. Hai lần chúng treo ngược bố lên để tra tấn, một lần chúng dùng sắt nung đỏ đốt bố, ba lần bố bị đánh bằng roi sắt, và bao giờ chúng cũng cho bố ăn những thứ mà ở nước Anh chó không thèm ăn. Vì cái “tội” trốn khỏi tu viện và các tội phỉ báng thánh thần khác của bố, bố bị kết án phải thiêu sống trên giàn lửa.
Và thế là sau một năm trời phải chịu đựng bao điều kinh khủng và trăm nghìn đòn tra tấn, khi bố bị kết án tử hình và mất hết mọi hi vọng, thì bỗng nhiên có người giúp đỡ. Vào buổi tối của ngày cuối cùng (sáng hôm sau bố sẽ bị đem thiêu sống trên giàn lửa), tên cai ngục vẫn hành hạ bố nhiều nhất, bước vào phòng giam, nơi bố đang nằm bất lực trên đệm rơm, hắn ôm bố và nói rằng bố phải vui lên, vì giáo hội thương bố còn trẻ nên đã quyết định tha không giết. Lúc đầu bố phá lên cười một cách điên dại, vì cho rằng đó là một đòn tra tấn mới, nên không tin một lời nào hắn nói. Chỉ khi chúng thay mớ giẻ trên người bố bằng một bộ quần áo tử tế và dẫn bố ra khỏi cổng nhà tù vào lúc nửa đêm, bố mới tin rằng Chúa đã tạo nên điều kì diệu ấy. Vô cùng ngạc nhiên và mệt mỏi, bố đứng ở cổng nhà tù, đang không biết phải chạy đi đâu thì một người phụ nữ bận đồ đen đi đến và khẽ nói: “Đi theo tôi!”. Đó là mẹ các con. Từ những lời ba hoa của Hoan đơ Gacxia, mẹ các con biết tin bố sắp bị giết, và quyết định cứu bố. Ba lần các kế hoạch của mẹ các con thất bại, và cuối cùng, với sự giúp đỡ của một người trung gian khôn khéo, những đồng tiền vàng đã làm được cái việc mà Tòa án công minh và lòng thương người phải chịu bất lực. Để đổi lấy mạng sống và tự do của bố, mẹ các con đã phải trả một món tiền rất lớn.
Ngay đêm hôm ấy bố và mẹ cưới nhau và cùng chạy tới Cađix. Tiếc là mẹ Luizơ không thể cùng chạy sang Anh với bố vì bà đau yếu phải nằm một chỗ trên giường. Vì bố mà người mẹ thân yêu của các con đã bỏ lại tất cả những gì còn lại trong số gia tài của mình sau khi nộp tiền cứu bố, bỏ cả gia đình và Tổ quốc mình. Tình yêu của người phụ nữ lớn như thế đấy!
Tất cả đã được chuẩn bị từ trước. ƠŒ Cađix có một chiếc tàu Anh tên là “Mery” từ Brixtôn tới đang thả neo đứng chờ. Tiền đi trên tàu ấy đã được trả trước. Tuy nhiên, vì trái gió nên nó bị kẹt lại trong cảng. Gió mạnh đến nỗi mặc dù rất muốn cứu bố mẹ, ông thuyền trưởng vẫn không dám cho tàu ra biển. Bố mẹ nằm trong cảng hai ngày và một đêm, lo sợ đủ mọi thứ trên đời, nhưng vẫn ngây ngất vì tình yêu. Mà lo sợ là có cớ, Hoan đơ Gacxia, kẻ đã ném bố vào tù, bây giờ liền làm ầm ĩ lên, thuyết phục mọi người rằng quỷ dữ, ông chủ của bố, đã giúp bố trốn thoát, và thế là bố bị lùng sục các nơi dọc bờ biển nước Tây Ban Nha. Ngoài ra, thấy vợ chưa cưới của mình biến mất, hắn đoán là bố mẹ cùng bỏ trốn với nhau. Sự nhanh nhạy được căm thù và ghen tuông kích thích đã giúp hắn dần dần lần theo dấu vết và cuối cùng tìm ra chỗ ẩn của bố mẹ.
Sáng ngày thứ ba, cơn gió giận dữ lắng xuống, neo được nhổ và tàu “Mery” từ từ đi theo lạch. Nhưng khi nó bắt đầu quay mũi và các thuỷ thủ chuẩn bị kéo buồm thì có một chiếc thuyền chở vài chục lính đi tới. Sau nó còn có hai thuyền nữa. Từ thuyền, chúng ra lệnh cho thuyền trưởng tàu “Mery” thả neo, vì theo lệnh của Tòa án Thiêng liêng, tàu của ông phải được giữ lại để khám xét. Vô tình lúc ấy bố ở trên boong, và khi đang định đi xuống phía dưới trốn thì một trong số những tên đang ngồi trên thuyền liền đứng dậy và kêu to rằng bố chính là kẻ phản đạo đã trốn chạy và đang bị truy nã. Bố nhận ra ngay rằng hắn là Hoan đơ Gacxia.
Có lẽ ông thuyền trưởng sẽ giao bố cho chúng vì sợ tàu ông bị giữ lại, còn ông và tất cả thủy thủ trên tàu sẽ bị tống vào tù. Nhưng trong cơn tuyệt vọng, bố đã cởi hết quần áo, để lộ những vết thương khủng khiếp khắp người và nói to với đám thủy thủ: “Hỡi các bạn người Anh, không lẽ các bạn nỡ trao một người đồng bào của các bạn vào tay bọn quỷ dữ nước ngoài này? Hãy nhìn đây để biết chúng đã làm gì tôi!”. Rồi bố chỉ tay lên các vết thương vừa lành do các gọng kìm được nung đỏ để lại. “Nếu trao tôi cho chúng, các bạn sẽ bắt tôi phải chịu đựng những đòn tra tấn còn kinh khủng hơn nữa, và tôi sẽ bị thiêu sống! Nếu không thương tôi thì hãy thương lấy vợ tôi! Còn nếu trong trái tim các bạn không còn chút tình thương nào nữa thì hãy đưa cho tôi thanh kiếm để tôi được chết, thoát khỏi bị tra tấn”.
Nghe thế, một trong số các thủy thủ, người gốc Xaouôn, quen biết ông nội các con liền kêu lên: “Thề có Chúa là tôi sẽ giúp anh, Uyngfin! Nếu chúng muốn bắt anh và vợ anh thì trước hết chúng phải giết tôi đã!” Nói đoạn, anh ta vội vớ lấy chiếc cung, cởi bao, đặt tên lên cung và ngắm vào bọn Tây Ban Nha đang ngồi trên thuyền. Theo anh ta, các thủy thủ khác cũng kêu to: “Nếu chúng mày cần ai trong số chúng tao thì hãy lên đây! Hãy tự mình bắt lấy anh ta! Nào, lên đây, đồ quỷ dữ đáng nguyền rủa!”.
Thấy các thủy thủ như vậy, ông thuyền trưởng cũng lấy lại được dũng cảm. Không nói gì với bọn Tây Ban Nha, ông ra lệnh một nửa thủy thủ nhanh chóng kéo buồm lên, một nửa khác chuẩn bị sẵn sàng để đẩy lui bọn lính nếu chúng định trèo lên boong.
Nhưng lúc ấy hai chiếc thuyền kia đã tới, và cả ba cùng bám vào thành tàu. Một tên bò lên boong. Bố nhận ra ngay rằng hắn là một trong những tên linh mục của Tòa án dị giáo đã nhiều lần hỏi cung bố trong khi tra tấn. Bố bừng bừng nổi giận khi nhớ lại việc hắn đứng bên và luôn miệng bắt bọn đao phủ tra tấn bố thật đau, nhân danh tình yêu đối với Chúa. Giật chiếc cung trong tay người thủy thủ quê ở Xaouôn, bố giương dây thật căng và phóng tên đi. Bố bắn không trượt, Tômax ạ, vì cũng như con, bố biết cách sử dụng cung tên không tồi. Thằng linh mục Tây Ban Nha lảo đảo rơi xuống biển với một mũi tên Anh trên ngực.
Sau đó không còn đứa nào dám leo lên boong nữa. Bọn Tây Ban Nha bắn lên tàu và chúng đã làm bị thương một thủy thủ. Ông thuyền trưởng ra lệnh mọi người bỏ cung tên xuống, vì buồm đã bắt đầu nhận gió. Lúc ấy Hoan đơ Gacxia đứng thẳng người và bắt đầu nguyền rủa bố và mẹ các con.
“Chúng mày sẽ không thoát khỏi tay tao đâu! - Hắn gào to, vừa quát vừa chửi rủa. - Thậm chí nếu phải chờ hai mươi năm, tao vẫn chờ và nhất định sẽ trả thù chúng mày và tất cả những người chúng mày yêu quý. Mày, Luizơ đơ Gacxia, mày hãy nghe đây: dù mày trốn ở đâu, tao cũng tìm ra mày, và khi gặp lại, hoặc là mày phải theo tao đi nơi nào tao muốn, hoặc là mày sẽ phải chết ngay lúc ấy!".
Nhưng tàu “Mery” đã trên đường đi tới nước Anh, và những con thuyền Tây Ban Nha chẳng bao lâu sau đã bị bỏ rơi lại phía sau..."
- Thế đấy, các con ạ, - bố tôi kết thúc câu chuyện của mình, - bây giờ thì các con biết chuyện gì đã xẩy ra với bố thời trẻ, và việc bố đã cưới người mẹ của các con mà hôm nay chúng ta đã chôn cất như thế nào. Hoan đơ Gacxia đã giữ đúng lời hắn nói.
- Dù sao cũng thật lạ lùng là sau chừng ấy năm hắn vẫn giết mẹ chúng con, - Giêfry nói. - Vì theo bố nói, đã có thời hắn yêu mẹ. Khó mà tìm được một thằng độc ác như hắn!
- ƠŒ đây chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, - bố tôi đáp. - Chúng ta không biết hắn và mẹ các con nói với nhau những gì trước khi hắn giết bà. Một điều rõ ràng là khi nói với Tômax rằng hắn muốn xem “những lời báo trước” đúng đến đâu, hắn có ý nhắc tới những câu nói nào đấy của mẹ các con. Vả lại nhiều năm về trước hắn đã thề sẽ bắt mẹ các con theo hắn hoặc sẽ phải chết. Mẹ con còn xinh đẹp, Giêfry ạ, nên rất có thể hắn đã bắt mẹ con lựa chọn, theo hắn về Tây Ban Nha hay là chết. Chỉ cần biết thế là đủ, con trai ạ...
Nói đoạn, bố tôi ôm mặt khóc nức nở.
- Tại sao bố không kể cho chúng con nghe tất cả những chuyện này sớm hơn? - Tôi hỏi, khi có thể nói nên lời. - Nếu thế, bây giờ trái đất này sẽ bớt đi một thằng vô lại, còn con thì sẽ không phải lên đường đi xa...
Thậm chí tôi không hình dung nổi con đường mà tôi sắp đi xa đến mức nào! 
VI
TẠM BIỆT, LYLY! 
Mười hai ngày sau khi chôn mẹ tôi xong và sau khi bố tôi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời ông, tôi đã sẵn sàng lên đường đi tìm Gacxia. Thật may là lúc ấy ở cảng Iamut có một chiếc tàu đang sắp sửa đi Cađix. Đó là một chiếc tàu trọng tải một trăm tấn, gọi là “Kẻ phiêu lưu”. Nó chở dạ và các thứ hàng khác của nước Anh đem bán để mang về rượu nho và thứ gỗ làm cung tên.
Bố tôi trả trước tiền đi nhờ tàu, ngoài ra còn cho tôi năm mươi đồng tiền vàng. Tôi không dám mang theo mình nhiều hơn, nhưng bố tôi còn đưa cho tôi thư giới thiệu nhờ giúp đỡ của các thương gia ở Iamut gửi các đại lí của họ ở Cađix. Trong thư yêu cầu trao cho tôi bất kì một món tiền nào dưới một trăm năm mươi bảng Anh, và giúp đỡ tôi những lúc cần thiết.
Kẻ phiêu lưu” sẽ nhổ neo vào ngày mồng ba tháng sáu. Chiều mồng một tôi sẽ phải lên đường đi Iamut. Tất cả đồ đạc của tôi được gửi đi trước đấy, tôi đã chia tay xong với mọi người, trừ một người mà tôi muốn gặp nhất trước lúc đi xa. Từ ngày tỏ tình với nhau, tôi chỉ nhìn thấy Lyly một lần khi đưa đám mẹ tôi, nhưng không được nói chuyện với nhau. Còn bây giờ thì có lẽ phải ra đi mà không nói được với nàng một lời từ biệt, vì ông Bôza đã báo trước rằng nếu tôi đến gần nhà ông, ông sẽ cho đầy tớ xô ra khỏi cửa, mà tôi thì không muốn chịu một sự nhục nhã như thế.
Thật là buồn cho tôi khi phải lên đường đi xa và có thể sẽ không quay lại, mà thậm chí không được chia tay lần cuối với người yêu.
Không biết làm gì hơn, tôi đem nỗi buồn của mình nói với bố tôi, kể hết mọi chuyện và yêu cầu ông giúp đỡ.
- Con ra đi để trả thù cho sự mất mát chung của cả nhà, - tôi nói. - Có thể vì việc chung, con sẽ phải từ bỏ cuộc đời này. Bố ơi, bây giờ bố giúp con với!
- Ông láng giềng Bôza muốn gả con gái của ông cho Giêfry, chứ không phải cho con, Tômax ạ, - bố tôi đáp. - Mỗi người chủ đều có quyền sử dụng tài sản mình theo cách riêng của ông ta. Nhưng hôm nay bố sẽ giúp con, nếu được. Hi vọng ông ta sẽ không đuổi bố ra khỏi nhà! Con cho người chuẩn bị ngựa, hai bố con ta cùng đến gặp ông Bôza.
Chưa đầy nửa giờ sau chúng tôi đã ở trước nhà Lyly. Bố tôi nói ông muốn gặp ông Bôza. Nhớ lời dặn của ông chủ, anh người hầu nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, nhưng cũng cho chúng tôi vào phòng đợi, nơi chính ông Bôza đang ngồi uống bia.
- Chào ông bạn láng giềng! - Ông ta nói. - Rất vui mừng được gặp ông. Nhưng ông dẫn theo một người mà ở đây người ta không muốn gặp lắm, dù đó là con trai ông.
- Tôi dẫn nó tới đây lần cuối cùng, ông bạn ạ, - bố tôi đáp. - Ông hãy nghe lời yêu cầu của nó. Đồng ý hay từ chối là quyền của ông, nhưng nếu ông từ chối, tình bạn của chúng ta không vì thế mà bền chặt thêm, vì ngay tối hôm nay nó đã phải ra đi để kịp xuống tàu tới Tây Ban Nha. Nó đi tìm kẻ giết mẹ nó, tự nguyện đi vì vô tình nó đã để tên giết người trốn thoát. Tôi nghĩ nó đi là đúng.
- Nó còn là một con chó con! - Ông Bôza nói. - Còn quá trẻ để làm một việc như thế, mà lại ở nước ngoài! Tuy nhiên tôi thích cái tính dũng cảm của nó và mong cho nó điều tốt. Nó muốn gì ở tôi?
- Muốn được ông cho phép chia tay với con gái ông. Tôi biết ông không thích nó tán tỉnh con ông, và không lấy thế làm ngạc nhiên. Tôi cho là nó còn quá trẻ để nghĩ tới việc cưới xin. Nhưng nếu cho hai đứa gặp nhau lần nữa thì cũng chẳng có gì quá đáng. Bây giờ tuỳ ông quyết định!
Suy nghĩ một lát, ông Bôza đáp:
- Nó là một chàng trai dũng cảm, dù sẽ chẳng bao giờ là con rể của tôi. Lại đang định đi xa. Có thể sẽ chẳng còn quay lại nữa, - ai biết đấy? Tôi không muốn sau này nó nghĩ xấu về tôi. Thôi được, Tômax, cậu hãy đi tới cây dẻ gai kia và đợi ở đấy. Tôi sẽ cho gọi Lyly tới đó. Cậu có thể nói chuyện với nó nửa giờ. Nhớ lấy, - không được hơn! Mà không được dắt nhau đi xa, để ngồi từ cửa sổ, người ta có thể nhìn thấy hai đứa. Không phải cảm ơn tôi làm gì, đi nhanh lên, chừng nào tôi chưa thay đổi ý định!
Tôi liền chạy khỏi nhà, tới đứng trước gốc dẻ gai với trái tim rộn ràng vì hạnh phúc, và bắt đầu chờ Lyly, như chờ một thiên thần từ trên trời rơi xuống. Mà quả thật khi nàng đến gần, tôi nghĩ thậm chí thiên thần cũng không thể xinh đẹp, dịu dàng và hiền hậu như nàng.
- Ôi, Tômax! - Nàng khẽ nói khi chúng tôi chào nhau xong. - Không lẽ anh vượt biển đi tìm gã Tây Ban Nha kia thật à?
- Ừ, anh đi để tìm hắn, và khi tìm thấy, sẽ giết hắn. Hôm nọ anh bỏ hắn lại để đi đến với em, còn bây giờ thì anh phải xa em để đi tìm hắn. Không, em đừng khóc! Anh đã thề sẽ làm điều ấy, và nếu không làm đúng lời thề, tên tuổi anh sẽ bị bôi nhọ.
- Còn em thì vì lời thề của anh mà trở thành góa chồng, thậm chí cả khi chưa được thành vợ anh? Ôi, Tômax, nếu anh đi, em sẽ chẳng còn bao giờ gặp anh nữa!
- Ai biết được, em yêu! Bố anh đi xa là thế, trải qua chừng ấy thử thách, thế mà cuối cùng vẫn trở về nhà an toàn.
- Vâng, bố anh trở về, nhưng không phải một mình! Anh còn trẻ, Tômax, mà ở những nước xa xôi ấy lại có nhiều cô gái đẹp và giàu có! Làm sao em có thể giữ được chỗ của mình trong trái tim anh khi em và anh xa nhau như vậy?
- Thề với em, Lyly...
- Ồ không, Tômax, đừng thề! Đừng chuốc thêm tội lỗi vào mình vô ích, vì có thể anh không giữ trọn lời thề, chỉ cần nhớ em là được, còn em sẽ không bao giờ quên anh! Có thể, - ôi, trái tim em như muốn vỡ tung khi nghĩ thế, - rất có thể đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng ta trên trái đất. Nếu thế, hi vọng chúng ta sẽ được gặp nhau trên thiên đường. Một điều anh có thể yên tâm: chừng nào còn sống, em sẽ chung thủy với anh mãi mãi, và dù bố em có bắt ép thế nào, em cũng thà chết chứ không chịu phá vỡ lời thề. Tất nhiên em còn quá trẻ để có thể nói tới điều này một cách tự tin như thế, nhưng tất cả sẽ như em nói. Ôi, lạy Chúa, một sự chia tay thế này còn đau buồn hơn cả cái chết! Cũng có thể anh ra đi sẽ tốt hơn... Vì nếu anh ở lại, không hiểu rồi em và anh sẽ thế nào, khi bố em còn sống, mà em thì mong ông sống thật lâu!
- Chẳng bao lâu nữa sẽ là sự lãng quên và một giấc ngủ nghìn năm, Lyly, vì chưa ai phải chờ những cái ấy quá lâu. Tuy nhiên, chừng nào chưa chết, chúng ta cần phải sống. Nào, hãy cầu nguyện để chúng ta được sống cho nhau. Phải tạ ơn Chúa vì Chúa cho ta biết thế nào là tình yêu trên trái đất. Nếu không được gặp lại nhau, chúng ta sẽ yêu nhau ở thế giới bên kia, nơi không có ai có thể ngăn cấm.
Chúng tôi còn nói chuyện với nhau rất lâu, nói những lời vô nghĩa, rời rạc về tình yêu, nỗi buồn và hi vọng, mà rồi ở vào địa vị chúng tôi, bất cứ chàng trai và cô gái nào cũng nói thế. Cuối cùng Lyly ngoái đầu nhìn lại, mỉm cười buồn bã và âu yếm nói:
- Đã đến lúc, anh yêu. Kìa, bố em đứng bên ngưỡng cửa đang gọi em. Tất cả đã kết thúc.
- Nếu thế thì chuyện gì phải tới, cứ để nó tới! - Tôi vội vàng nói và kéo Lyly đứng khuất sau thân cây. Tôi ôm nàng rồi hôn, hôn tiếp. Không hề xấu hổ, nàng cũng đáp lại tôi bằng những cái hôn nồng nàn.
Tôi không nhớ rõ chuyện gì xảy ra sau đó. Tôi chỉ nhớ là khi chúng tôi quay về, tôi lại nhìn thấy khuôn mặt thân yêu, đượm buồm và trầm ngâm của nàng: Lyly đang lặng lẽ nhìn tôi đi khỏi đời nàng. Sau này, trong suốt hai mươi năm liền, khuôn mặt đượm buồn và xinh đẹp ấy luôn hiện lên trước mắt tôi, như tôi đang nhìn thấy nó bây giờ, bất chấp cả sự sống và cái chết. Các phụ nữ khác cũng yêu tôi, và tôi đã từng biết tới những cuộc chia tay còn đáng sợ hơn nhiều, nhưng ấn tượng về cô gái này cùng cái nhìn vĩnh biệt của nàng vẫn mạnh hơn tất cả. Nhìn lại quá khứ, bao giờ tôi cũng thấy khuôn mặt nàng, và tôi biết nó sẽ không mờ phai cùng năm tháng. Lẽ nào còn có nỗi buồn nào đó sánh nổi với nỗi buồn tuổi trẻ? Lẽ nào có sự đau khổ nào khác sánh nổi với sự đau khổ của cuộc chia li này? Nhiều năm sau tôi còn phải nếm lại vị đắng của nó, nhưng tôi sẽ kể về chuyện ấy sau.
Người ta thường cười giễu mối tình đầu, nhưng nếu đó là một tình yêu chân chính, nếu đó không phải đơn giản chỉ là sự lóe sáng của tình cảm bột phát, thì mối tình đầu sẽ là mối tình cuối cùng, mối tình vĩnh cửu, hạnh phúc nhất hoặc cay đắng nhất mà cả chàng trai lẫn cô gái phải chịu. Nói điều này với các bạn là tôi, một người già cả nếm trải không ít vui buồn trong suốt đời mình. Đó là một chân lí thiêng liêng.
Tôi quên kể một chuyện. Khi chúng tôi say sưa ôm hôn nhau sau gốc cây dẻ gai già, Lyly rút từ tay nàng ra một chiếc nhẫn đưa cho tôi và nói: “Mỗi sáng khi tỉnh dậy, anh hãy nhìn nó và nhớ đến em!”. Đó là nhẫn của mẹ nàng. Đến bây giờ nó vẫn lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời mùa đông trong bàn tay nhăn nheo đang viết những dòng này. Trong suốt nhiều năm với nhiều sự kiện kì lạ nhất, bất kì nơi nào và ở đâu, trong tình yêu hay trong trận đánh, dưới ánh lửa trại hay dưới ánh sáng những ngôi sao cô đơn, chiếc nhẫn này luôn luôn lấp lánh trên ngón tay tôi để gợi nhớ về người đã tặng nó. Và cùng với chiếc nhẫn này, tôi sẽ đi xuống mộ. Trên mặt sau bằng phẳng của chiếc nhẫn bằng vàng có khắc hai câu thơ, bây giờ hầu như đã bị mờ hẳn.
Dù cách xa bao lâu,
Trái tim vẫn bên nhau.
Đúng là những dòng thơ rất phù hợp với chúng tôi. Cả đến bây giờ chúng vẫn chưa mất hết ý nghĩa.
Ngay ngày hôm ấy, tôi và bố tôi cưỡi ngựa đi Iamut. Anh Giêfry không cùng đi, nhưng chúng tôi chia tay nhau một cách thân thiện, và tôi lấy thế làm mừng vì chẳng bao giờ tôi còn được gặp lại anh ấy nữa. Không ai nói câu nào về Lyly và về tình cảm của chúng tôi đối với nàng, mặc dù tôi biết chắc rằng tôi vừa đi khỏi, anh ấy sẽ tìm cách thay chỗ tôi trong trái tim Lyly. Mà quả anh ấy đã làm thế thật, nhưng tôi cũng tha thứ cho anh điều ấy. Thật ra, anh cũng không đáng trách lắm, vì có người đàn ông nào nhìn thấy Lyly mà không muốn lấy nàng làm vợ? Trước kia, bao giờ chúng tôi cũng chơi thân với nhau, và chỉ sau này khi tình yêu đứng xen giữa, chúng tôi mới bắt đầu lánh xa nhau dần. Đó cũng là chuyện thường tình. Vả lại, Giêfry cũng chẳng đạt được điều anh muốn, nên tôi chẳng có gì phải trách anh. Tốt nhất là nhớ lại tình bạn thời nhỏ của chúng tôi và quên những gì còn lại. Cầu Chúa phù hộ anh!
Em Mery của tôi, cô gái xinh đẹp nhất trong vùng, - sau Lyly, thì khóc nức nở khi chia tay với tôi. Nó chỉ kém tôi một tuổi và chúng tôi chơi rất thân với nhau, vì giữa chúng tôi chẳng có một sự kình địch nào cả. Bằng mọi cách, tôi an ủi Mery, kể cho nó nghe chuyện Lyly và tôi, và yêu cầu nó giúp đỡ. Mery hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm được, và mặc dù nó không nói với tôi cụ thể là gì, nhưng tôi hiểu nó muốn giúp tôi và Lyly lấy nhau. Như tôi đã nói, Lyly có em trai, một chàng thanh niên rất khá, lúc ấy đang đi học xa. Mery và anh ta rất quyến luyến nhau, và có thể sau này sự quyến luyến ấy phát triển thành một cái gì đó bền vững hơn.
Thế là hôn nhau xong lần cuối cùng, chúng tôi khóc rồi chia tay nhau. Bố tôi và tôi lên ngựa. Đi qua phố Bin hâu, chúng tôi lên một ngọn đồi không cao sau những chiếc cối xay gió Vainfrôdơ, phía trái Banghi. Tôi dừng ngựa, quay lại nhìn thung lũng Uêvơni xinh đẹp, trái tim tôi nhói đau trong ngực. Có lẽ nó sẽ vỡ tan nếu tôi biết trước tất cả những gì tôi phải trải qua, trước khi được trở lại nhìn quê hương một lần nữa. Nhưng thượng đế thông minh bắt con người phải gánh chịu những thử thách nặng nề mà không cho họ biết trước và bằng cách ấy đã cứu đỡ họ. Vì nếu có biệt tài nhìn thấy trước tương lai, tôi nghĩ chỉ một số rất ít người trong chúng ta tự mình đồng ý sống ở đời này. Vì vậy, tôi chỉ đưa mắt nhìn lần cuối những rừng sồi xanh xa xa đang che khuất ngôi nhà Lyly, và đi tiếp.
Ngày hôm sau tôi đã ở trên tàu “Kẻ phiêu lưu”. Trước khi tàu nhổ neo, bố tôi rất cảm động: ông nhớ lại việc tôi được mẹ tôi yêu nhất, và ông đã hoảng sợ khi nghĩ sẽ không bao giờ được gặp lại tôi nữa. Bố tôi lo lắng đến mức đúng giây phút cuối cùng lại quyết định thôi không cho tôi đi nữa. Nhưng bây giờ thì tôi không còn dừng lại được. Tôi đã chịu hết mọi sự đau khổ của cuộc chia tay, và không muốn quay về để làm trò cười cho làng xóm.
- Đã quá muộn, - tôi nói với bố tôi. - Tự bố muốn con phải trả thù cho mẹ và đã kích động con bằng những lời cay độc nhất. Còn bây giờ thì thậm chí nếu biết chỉ một tuần nữa sẽ chết, con vẫn không ở lại nhà, vì con không thể rút lại lời thề của con, và chừng nào nó chưa được thực hiện, con vẫn thấy con là người bị nguyền rủa.
- Thế cũng được, con trai ạ, - bố tôi thở dài nói. - Lúc ấy cái chết khủng khiếp của mẹ con làm bố không tỉnh táo và đã nói ra những lời mà có lẽ sau này bố phải hối hận. Cũng may là chưa chắc bố sống được tới ngày ấy, vì tim bố bây giờ đã tan vỡ. Đáng lẽ lúc ấy bố phải hiểu rằng sự trả thù nằm trong tay Chúa, và sẽ có lúc tự ngài trừng trị hắn mà không cần ta giúp đỡ. Đừng nghĩ xấu về bố, Tômax ạ, nếu bố con mình chẳng còn gặp lại. Bố yêu con, và chỉ vì bố còn yêu mẹ hơn thế, nên bố mới đối xử với con nghiêm khắc như vậy.
- Thưa bố, con hiểu, và con không hề trách bố. Nhưng nếu bố cảm thấy có lỗi với con, thì để bù lại, bố hãy giúp con chỉ một điều này: bố hãy cố để anh Giêfry không cản trở con và Lyly yêu nhau, trong khi con đi vắng.
- Bố sẽ làm những gì bố có thể làm được, con trai ạ, mặc dù phải thú nhận rằng nếu con và Lyly không yêu nhau đến thế, bố sẽ sẵn sàng cho Giêfry lấy nó. Nhưng bố nhắc lại, rằng bố chẳng còn được sống bao lâu nữa để chăm lo tới việc của con và các việc khác nơi trần thế, và khi không còn bố nữa, mọi chuyện sẽ lại xẩy ra theo con đường tự nhiên của chúng. Còn con, Tômax, bố khuyên con điều này: có chuyện gì xảy ra chăng nữa con cũng không được quên niềm tin vào Tổ quốc mình. Hãy tránh các sự va chạm không cần thiết, hãy tránh xa những người phụ nữ làm hại tuổi trẻ của con, và điều quan trọng nhất là phải cẩn thận với cái lưỡi và tính tình của con, - nó không thật thuần lắm. Ngoài ra, dù ở đâu, con cũng không được làm hại niềm tin của người khác, không cười giễu làm trái các phong tục của họ, nếu không, con sẽ biết được sự độc ác của họ lớn thế nào, - tự bản thân bố thấm thía điều này qua kinh nghiệm của mình!
Tôi đáp rằng tôi sẽ nhớ lời dặn của ông, và quả thật về sau, nhờ chúng, tôi đã tránh được nhiều điều phiền toái. Sau đó, bố tôi ôm tôi, cầu mong cho tôi gặp điều may mắn, rồi chúng tôi chia tay.
Sau này tôi chẳng bao giờ còn được gặp ông nữa. Mặc dù còn lâu mới có thể gọi là già, chỉ một năm sau khi tôi ra đi, bố tôi đã qua đời. Một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột đến với ông đúng vào một hôm sau buổi lễ ngày chủ nhật, ông đứng cạnh bàn thờ trong nhà thờ Đichchingham, cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ trước ngôi mộ của mẹ tôi. Ông đã chết như thế, để lại cho anh tôi tất cả ruộng đất và tài sản của mình. Cầu Chúa phù hộ cho linh hồn ông! Ông là một người chân thành, nhưng vì quá yêu mẹ tôi, nên đôi lúc đã nhìn đời một cách không khoáng đạt, và không phải bao giờ cũng công bằng. Một tình yêu như thế là điều tự nhiên đối với phụ nữ, nhưng đối với đàn ông thì nó gần giống một sự ích kỉ tầm thường, và sẽ biến anh ta trở nên thờ ơ với tất cả những gì còn lại. Đối với bố tôi, con cái chẳng là gì so với vợ, và nếu có thể được, ông sẵn sàng đánh đổi chúng tôi để vợ ông được sống lại. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là một nhược điểm đáng quý, vì bố tôi không hề nghĩ tới bản thân mình, và đã đáp lại tình yêu của mẹ tôi một cách xứng đáng.
Hầu như tôi chẳng có gì để nói việc tôi đi tới Cađix, là nơi nghe đồn tàu của Hoan đơ Gacxia sẽ đến, như thế nào. ƠŒ vịnh Bixcây, chúng tôi gặp gió thổi ngược, và tàu bị giạt vào cảng Lixabon. Tàu trú ở đó một thời gian. Cuối cùng, sau bốn mươi ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã tới được Cađix một cách an toàn. 
VII
ANĐREX ĐƠ FÔNXÊCA 
Bây giờ tôi sẽ kể về tất cả những gì đã xẩy ra với tôi trong hơn một năm sống ở Tây Ban Nha. Tôi sẽ nói ngắn gọn, vì nếu cứ kể mọi chi tiết thì có lẽ tôi sẽ chết trước khi kịp kết thúc câu chuyện của mình.
Trước hết, tôi ngược sông Guađankivin đi tới Xêvin. Cái đẹp của thành phố cổ của người Mô này đã được nhiều du khách nhắc đến, tôi sẽ không dừng lại để nói, vì còn phải kể về những vùng đất mà chưa một người Anh dũng cảm nào đặt chân tới và sống sót trở về.
Vâng, tôi sẽ kể ngắn gọn. Lúc ấy, tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ ở Xêvin một thời gian. Không muốn bị người khác chú ý và để tránh các chi phí không cần thiết, tôi quyết định làm tiếp công việc của tôi, tức là học nghề chữa bệnh. Để làm điều ấy, tôi tới gặp đại diện một công ti buôn bán của Anh mà bố tôi đã nói, để nhờ họ giúp đỡ và giới thiệu với các bác sĩ ở Xêvin. Trong các thư của họ, tôi được giới thiệu dưới cái tên Điegô đơ Aila, tôi đề nghị như thế vì không muốn người khác biết tôi là người Anh. Như đã nói, nhìn bề ngoài tôi không giống người Anh lắm, mà trông hệt như người Tây Ban Nha chính cống, và phản lại tôi chỉ có thể là giọng nói. Nhưng rồi cái khó khăn ấy cũng được khắc phục dần dần. Được mẹ dạy từ bé, tôi không bỏ sót một cơ hội nào để hoàn thiện kiến thức tiếng Tây Ban Nha của mình trong lĩnh vực đọc và nói, và chưa đầy nửa năm sau, tôi đã nắm bắt thành thạo thổ ngữ Caxtili, đến mức phải chú ý lắm mới phân biệt được tôi với một người Tây Ban Nha chính gốc. Nói chung, tôi học ngoại ngữ không đến nỗi khó khăn lắm.
Đến Xêvin, tôi gửi đồ đạc ở một trong những khách sạn rẻ tiền nhất và lập tức mang bức thư giới thiệu tới một bác sĩ mà bây giờ tôi quên mất tên. Ông này có một ngôi nhà rất đẹp ở phố Lax Panmax, một phố rộng hai bên có những hàng cây xinh đẹp. Nhiều phố nhỏ khác đổ vào phố này. Từ khách sạn, tôi đi theo một trong những phố ấy để tới đây. Đó là một phố rất hẹp và yên tĩnh. Vừa đi, tôi vừa để ý nhìn một người đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ trong ngôi nhà của mình. Đó là một ông già nhỏ bé, khô đét. Bằng đôi mắt thông minh, đen và nhanh một cách kì lạ, ông đã nhận ra tôi ngay lập tức.
Ngôi nhà của ông bác sĩ nổi tiếng kia ở cách đấy không xa, và ông già nhỏ bé này đã nhìn thấy hết mà không cần rời khỏi chỗ, tất cả những người ra vào ngôi nhà đó. Tìm thấy nó, tôi quay lại đi dọc đường phố nhỏ bé kia để nghiền ngẫm những gì tôi sẽ nói với ông bác sĩ. Trong suốt thời gian ấy, ông già kia không rời đôi mắt tinh nhanh của mình khỏi tôi. Cuối cùng, khi chuẩn bị xong các câu sẽ nói, tôi bước vào ngôi nhà của ông bác sĩ, nhưng chỉ được nghe báo rằng ông ta đi vắng. Sau khi hỏi bao giờ có thể gặp lại, tôi quay lại, theo đường phố nhỏ hẹp. Tôi bước đi thong thả đến chỗ ông già ngồi, và khi đến ngang ông, ông vô tình để chiếc mũ rộng vành mà ông dùng để quạt, rơi ngay xuống chân tôi. Tôi cúi xuống nhặt lên đưa cho ông.
- Rất cám ơn anh, anh bạn trẻ! - Ông nói bằng một giọng trầm dễ nghe.
- Một người ngoại quốc như anh mà lịch sự thế là rất hiếm.
- Sao ông biết tôi là người nước ngoài, thưa ông? - Tôi hỏi, vì ngạc nhiên quên cả cảnh giác.
- Nếu trước đây không đoán ra, thì bây giờ tôi không thể nhầm được nữa, - ông đáp với nụ cười bình tĩnh. - Giọng nói Caxtili của anh đã để lộ điều ấy.
Khi tôi cúi chào định đi tiếp, thì ông lại nói với tôi:
- Anh bận đi đâu ư, anh bạn trẻ? Anh có muốn uống với tôi một cốc rượu nhỏ không? Rượu đáng uống lắm!
Tôi đã quyết định từ chối, nhưng lại nghĩ bây giờ cũng chẳng bận gì, vả lại ở đây tôi có thể biết được đôi điều gì đấy có lợi khi nói chuyện với ông già này.
- Xin cảm ơn ông, - tôi nói. - Hôm nay trời nóng, và tôi sẵn sàng giải khát một chút.
Ông già liền lặng lẽ đứng dậy, dẫn tôi vào phía trong, nơi có một cái sân được lát bằng những viên đá cẩm thạch và mọc đầy các bụi nho. ƠŒ giữa sân có một chiếc bể tắm đầy nước, bên cạnh là một chiếc bàn nhỏ và mấy cái ghế dưới bóng râm của một bụi nho. Đóng cửa xong, ông già mời tôi ngồi xuống ghế, cầm chiếc chuông bạc trên bàn rung gọi. Lập tức một cô gái rất trẻ và xinh đẹp mặc bộ quần áo Tây Ban Nha kì lạ liền từ trong nhà chạy ra:
- Mang rượu lại đây cho chúng tôi! - Ông già ra lệnh.
Rượu được đưa tới ngay, một thứ rượu nho trắng mà trước đấy tôi chưa bao giờ nếm thử.
- Chúc sức khỏe anh bạn, anh... - nói tới đây, ông già dừng lại, nâng cốc và nhìn tôi vẻ dò hỏi.
- Điegô đơ Aila, - tôi đỡ lời ông.
- Hừm, một cái tên Tây Ban Nha, - ông nói, - hay đúng hơn, một cái tên bắt chước Tây Ban Nha, và tôi chưa bao giờ nghe có tên như thế, mà về họ tên thì tôi có trí nhớ tốt lắm.
- Đó là tên của tôi, còn về các điều khác thì tùy ông muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, thưa ông... - Và đến lượt tôi, tôi cũng nhìn ông vẻ chờ đợi.
- Anđrex đơ Fônxêca, - ông cúi đầu tự giới thiệu, - một bác sĩ ở thành phố này, và cũng khá nổi tiếng, nhất là đối với các bệnh nhân phái yếu. Tuỳ anh, Đôn Điegô, tôi cứ xem như đó là tên anh, vì họ tên chẳng có ý nghĩa gì và thỉnh thoảng người ta có thể thay đổi chúng. Tôi nghĩ điều đó chẳng liên quan gì tới ai, trừ những người mang các họ tên ấy. Tôi thấy anh là người mới từ xa tới đây... đừng ngạc nhiên! Dân ở đây không liếc nhìn ngang dọc, không do dự và hỏi đường đi, ngoài ra, người Xêvin chính gốc vào những ngày hè không đi ở phía đường phố có mặt trời chiếu sáng. Còn bây giờ,  nếu anh không cho câu hỏi của tôi là không khiêm tốn, thì xin hãy nói tôi biết điều gì dẫn anh, một chàng trai khỏe mạnh, tới gặp đồng nghiệp và là người cạnh tranh của tôi?
Ông hất hàm chỉ về ngôi nhà của ông bác sĩ nổi tiếng.
- Công việc của một người, cũng như họ tên của anh ta, không hề liên quan đến ai trừ chính bản thân anh ta, - tôi đáp, thầm nghĩ trước mặt tôi là một trong những ông lang luôn làm xấu hổ ngành y cao quý bằng cách trâng tráo săn lùng các con bệnh để làm giàu. - Nhưng tôi sẽ nói, nếu ông muốn biết. Tôi cũng là bác sĩ, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi muốn được làm việc với một bác sĩ nổi tiếng nào đấy để giúp đỡ ông ta trong lúc hành nghề, bằng cách ấy bổ sung thêm kiến thức chuyên môn và đồng thời có cái để tự nuôi sống mình.
- Ra thế đấy. Nếu vậy thì anh bạn sẽ chẳng tìm thấy gì ở ngôi nhà ấy đâu, - ông lại ra hiệu chỉ về nhà của ông bác sĩ kia. - Ông ta là người chỉ nhận học trò nếu được trả nhiều tiền. ƠŒ thành phố chúng tôi thường vẫn vậy.
- Nghĩa là tôi phải kiếm sống bằng cách khác hoặc ở nơi khác.
- Hẵng gượm. Trước hết ta phải xem anh biết gì về ngành y, và quan trọng hơn nữa, về bản chất của con người đã.
Sau đó, không còn quanh co gì thêm, ông bắt đầu hỏi tôi một loạt các câu hỏi, mà câu nào cũng tinh tế và đúng bản chất sự việc, làm tôi rất ngạc nhiên về sự thông minh của ông. Một số câu hỏi liên quan đến nghề y, chủ yếu về các đặc điểm của cấu tạo cơ thể người phụ nữ. Một số khác chung chung hơn, phần lớn về tính tình phụ nữ. Cuối cùng ông kết thúc và nói:
- Không tồi lắm, anh bạn ạ. Anh có kiến thức và khả năng, dù còn thiếu kinh nghiệm, đó là điều dễ hiểu ở cái tuổi của anh. Tôi thấy ngay anh là người thông minh, và đồng thời cũng có một trái tim yêu thương. Thế là tốt, vì thậm chí nhiều khi sự sai lầm của một người tốt bụng còn đáng giá hơn sự thành công của một kẻ láu lỉnh độc ác. Ngoài ra, anh có nghị lực và biết làm chủ mình.
Tôi cúi đầu cảm ơn, cố mọi cách để không tỏ ra rằng những lời nói của ông làm tôi thích thú.
- Tuy nhiên, - ông nói tiếp, - tất cả những điều ấy không bắt được tôi phải đề nghị với anh một điều mà bây giờ anh sẽ được nghe, vì không ít các chàng trai có vẻ ngoài còn đáng quý hơn nhiều, nhưng sau này hóa ra lại là những kẻ không thành đạt, những kẻ ngu ngốc thơ ngây hoặc tự kiêu nóng nảy. Có thể anh cũng là một kẻ như vậy. Nhưng dù sao, tôi vẫn quyết định mạo hiểm, vì anh hợp với công việc của tôi ở một phương diện khác hẳn. Có lẽ anh không biết được anh là một chàng trai rất xinh đẹp, xinh đẹp một cách khác thường, và điều ấy nhất định sẽ được các bà quý phái thành Xêvin chú ý.
- Cám ơn ông, - tôi đáp. - Nhưng xin cho biết tất cả những lời khen ấy nghĩa là gì? Tóm lại, ông định đề nghị tôi điều gì, thưa ông?
- Một cách vắn tắt à? Tốt. Tôi cần một người giúp việc với tất cả những ưu điểm mà anh đang có, cộng thêm một điều nữa quan trọng nhất mà tôi nghĩ có thể anh cũng có, là tính khiêm tốn. Một người giúp việc như thế sẽ không phải lo thiếu tiền, tôi sẽ trao cho anh ta quyền sử dụng ngôi nhà này, và anh ta có điều kiện để nghiên cứu con người, là điều nhiều người khác đang mơ ước. Ý anh thế nào?
- Ý tôi là, thưa ông, trước hết tôi muốn biết tôi phải giúp ông điều gì. Lời đề nghị của ông thật hấp dẫn, nhưng tôi sợ để có được những điều kiện thuận lợi kia, tôi sẽ buộc phải làm một công việc không xứng đáng với người tử tế.
- Anh lo sợ như thế là tốt lắm, nhưng thật may là không đúng. Anh hãy nghe tôi nói: có lẽ người ta cho anh biết ông bác sĩ mà hôm nay anh tìm gặp và một vài người khác nữa, - ông nêu lên bốn năm cái tên, - là những bác sĩ nổi tiếng nhất của thành Xêvin chứ gì? Chắc là thế, nhưng điều ấy không đúng! ƠŒ đây bác sĩ nổi tiếng và giàu có nhất, với số bệnh nhân gấp đôi so với bất kì bác sĩ nào, chính là tôi. Anh có muốn biết hôm nay tôi kiếm được bao nhiêu tiền không? Để tôi nói anh nghe: hai mươi lăm đồng pêxô vàng, nhiều hơn tất cả những người đồng nghiệp của tôi cộng lại, - tôi có thể đánh cuộc điều ấy. Anh muốn biết bằng cách nào tôi kiếm được nhiều tiền như thế phải không? Chắc anh cũng ngạc nhiên vì sao với thu nhập lớn như thế, tôi không nghỉ ngơi mà vẫn cứ muốn làm việc? Được, tôi sẽ giải thích để anh rõ. Tôi kiếm được nhiều tiền như thế bằng cách ve vuốt sự hiếu danh của phụ nữ và giúp họ thoát khỏi các hậu quả những việc làm ngu ngốc của chính họ. Khi có một người nào đó cảm thấy không vui trong lòng, người ấy liền đi đến tôi để tìm sự an ủi và một đôi lời khuyên. Khi một bà xuất hiện một vết sần trên mặt, bà ta chạy đến tìm tôi, và tôi chữa cho. Khi có một cuộc tình duyên vụng trộm, bà ta lại được tôi giúp để xóa sạch dấu vết của giây phút bồng bột. Đối với một người, tôi báo trước tương lai, đối với người khác, tôi dựng lại quá khứ. Tôi chạy chữa cho họ khỏi các thứ bệnh tưởng tượng, và nhiều khi tôi cũng chữa cả những bệnh có thật. Tôi nắm trong tay mình một nửa những điều bí mật ở thành Xêvin. Và nếu tôi tố giác, lập tức nhiều gia đình quý phái sẽ lâm vào cảnh chém giết và suy sụp. Nhưng tôi không tố giác, và người ta đã trả tiền cho sự im lặng của tôi và cả trong trường hợp không được trả tiền, tôi vẫn im lặng để bảo vệ uy tín của mình. Hàng trăm nghìn phụ nữ xem tôi là người cứu tinh của họ, còn tôi thì xem họ là những con ngốc. Tuy nhiên, tôi không bao giờ đi quá xa. Tôi có thể bán cho họ một thứ nước nhuộm phẩm gọi là rượu thần tình yêu, nhưng một bông hồng tẩm thuốc độc thì tôi không bao giờ bán. Nếu cần thứ ấy, họ phải tìm đến người khác. Còn trong những việc còn lại, theo cách riêng của mình, tôi là người tử tế. Tôi nhìn nhận con người như họ có trên đời, chỉ thế thôi. Nếu phụ nữ thích làm những con ngốc, thì tôi lợi dụng sự ngốc nghếch của họ, và tôi trở nên giàu có cũng nhờ thế. Vâng, vâng, bây giờ tôi rất giàu, nhưng tôi không thể dừng lại được! Tôi yêu tiền, vì nó là quyền lực, nhưng tôi còn yêu hơn nhiều một cái khác, đó là cuộc sống. Kệ người ta cứ bàn tán về các cuốn tiểu thuyết và các bản trường ca trữ tình. Có cuốn tiểu thuyết nào có thể so sánh với những gì hàng ngày đang xảy ra trước mắt ta? Trong mỗi sự kiện như thế, tôi đóng vai trò của tôi, một trong những vai trò chủ chốt.
- Nhưng nếu mọi chuyện đúng như ông nói, tại sao ông lại chọn người giúp việc là tôi, người ông hoàn toàn không biết gì? - Tôi nghi ngờ hỏi.
- Rõ ràng anh không phải là người có kinh nghiệm! - Ông già phá lên cười. - Không lẽ anh nghĩ tôi có thể chọn một anh chàng Tây Ban Nha nào đó, một người có thể có những mối liên hệ nào đó ở thành phố này mà tôi không biết? Còn về việc chọn người của tôi, thì anh bạn trẻ ạ, không lẽ anh nghĩ rằng sau bốn mươi năm làm những việc khác thường này, tôi không biết đánh giá đúng bản chất con người ngay từ cái nhìn đầu tiên? Có lẽ tôi biết về anh còn rõ hơn cả chính anh. Riêng việc anh yêu nghiêm túc một cô gái nào đó ở nước Anh, đối với tôi đã là một sự bảo đảm tốt, vì nếu còn tự do, chắc anh sẽ làm đủ các chuyện ngu ngốc khiến anh và cả tôi phải rơi vào những tình huống phức tạp. À, anh ngạc nhiên lắm phải không?
- Vì sao ông biết được... - Tôi ngập ngừng nói rồi im lặng.
- Vì sao à? Rất đơn giản! Đôi giày của anh được làm ở nước Anh. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều những đôi giày như thế trong thời gian tôi sang bên ấy. Giọng nói của anh, dù rất ít, nhưng vẫn mang sắc thái tiếng Anh, và đã hai lần anh thêm vào những từ Anh khi không tìm được các từ Tây Ban Nha tương xứng. Còn về cô gái thì không lẽ trên ngón tay của anh không là một chiếc nhẫn phụ nữ? Ngoài ra, khi tôi nói về các cô gái Tây Ban Nha, anh đã tỏ ra không thật chú ý lắm. Nếu trái tim anh còn chưa bị ai chiếm, thì ở cái tuổi của anh, anh phải xử sự khác. Cô gái ấy, tất nhiên, người cao và tóc vàng phải không? Đấy là tôi nghĩ thế. Từ lâu tôi nhận thấy một điều là cả phụ nữ lẫn nam giới thích chọn những người bạn khác mình, thí dụ người có tóc đen thích chọn người tóc vàng và ngược lại. Tất nhiên, quy luật ấy không phải không có ngoại lệ, nhưng trong trường hợp của anh thì tôi đã đoán đúng!
- Ông thật là một người thông minh.
- Ồ không, vấn đề ở đây không phải thông minh hay không mà tất cả đều do kinh nghiệm, rồi anh cũng sẽ thấy như thế khi sống cạnh tôi, dù chỉ một năm. Tuy nhiên, hình như anh không định ở lại Xêvin lâu. Có lẽ anh tới đây vì một mục đích nào đấy, và trong khi chờ đợi đạt được mục đích đó, anh không muốn để thời gian trôi qua vô ích. Tôi nghĩ cả lần này tôi cũng đoán đúng, vì không ít khi mục đích ta đặt ra và cái ta đạt được khác xa nhau. Thế nào, anh đồng ý nhận lời đề nghị của tôi chứ?
- Tôi rất muốn nhận lời đề nghị của ông.
- Nếu thế thì anh sẽ nhận lời. Nhưng trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau về điều kiện, và tôi còn phải nói với anh về một đôi điều nữa. Tôi không muốn anh chỉ giữ vai trò một cậu học sinh giúp việc cho tôi: trước con mắt của mọi người, anh sẽ là cháu tôi, một người từ nước ngoài tới đây để học nghề bác sĩ. Tất nhiên, anh sẽ giúp tôi trong công việc, nhưng đó không phải là tất cả. Anh phải đi sâu vào đời sống thành phố Xêvin, theo dõi, quan sát những người tôi cần, và dần dần nơi này thì bằng lời nói, nơi kia bằng việc làm và bằng trăm ngàn cách khác mà tôi sẽ mách cho anh, anh kiếm khách cho tôi, và cả cho anh nữa. Anh sẽ phải là một người hào nhoáng và thông minh hoặc ngược lại, nghiêm khắc và uyên bác tùy theo ý tôi muốn. Anh sẽ buộc phải phát huy tất cả các phẩm chất và khả năng của mình, vì nếu không, anh sẽ không làm việc nổi với các bệnh nhân của tôi. Với một hiệp sĩ, anh phải nói về việc đánh nhau, với một bà quý phái, anh nói về tình yêu, nhưng cầu Chúa để anh không bị dính vào cả hai việc ấy, và ngược lại anh sẽ khó mà yên thân. Và điều quan trọng nhất, - khi nói những lời này, thái độ của ông già thay đổi hẳn, còn mặt ông ta thì trở nên nghiêm khắc, thậm chí tàn nhẫn, - điều quan trọng nhất, anh bạn trẻ ạ, là không được lừa dối sự tin cậy của tôi và các khách hàng của tôi. Anh có thể không tin tôi trong tất cả những chuyện khác, đấy là việc của anh, nhưng trong chuyện này thì tôi yêu cầu anh tin những
lời tôi vừa nói, vì hạnh phúc của chính bản thân anh. Tôi sẽ nói thẳng với anh thế này: nếu phản bội tôi, anh sẽ chết. Không phải bởi bàn tay tôi, nhưng anh sẽ chết. Đó là điều kiện của tôi, anh có thể chấp nhận hay không, tùy ý. Nhưng thậm thí, nếu anh không đồng ý, và sau này đâu đó anh để lộ những điều anh vừa được nghe, thậm chí lúc ấy, sớm muộn gì anh cũng sẽ nhận được sự trừng phạt thích đáng. Anh hiểu tôi chứ?
- Tôi hiểu. Vì quyền lợi của chính bản thân tôi, tôi sẽ im lặng.
- Này anh bạn, mỗi lúc tôi một thấy yêu anh hơn. Nếu anh nói anh sẽ im lặng vì tôi, thì có lẽ tôi sẽ không tin anh, bởi lẽ lúc ấy anh có thể nghĩ rằng không đáng giữ bí mật những điều người ta báo anh biết một cách dễ dàng như thế. Nhưng nếu để lộ bí mật, anh sẽ bị một cái chết đột ngột và thê thảm đe dọa, - thì đó lại là chuyện khác. Anh đồng ý với tôi thế chứ?
- Đồng ý.
- Tốt lắm! Tôi đoán đồ đạc anh đang ở khách sạn? Tôi sẽ cho người tới lấy. Họ sẽ thanh toán tất cả và mang về đây. Anh chẳng cần quay lại đó làm gì, anh cháu của tôi ạ. Tốt hơn là ta cứ ngồi ở đây và uống thêm mỗi người một cốc nữa. Chúng ta càng chóng thân nhau càng tốt, cháu ạ.
Tôi đã làm quen với ông Anđrex đơ Fônxêca như thế. Ông là một người tốt và kì lạ nhất mà xưa nay tôi chưa từng gặp.
Có lẽ bạn đọc nghĩ gắn bó với ông, tôi đã làm một việc thiếu thận trọng,  tự xô mình vào tai họa, hoặc đơn giản là rơi vào bẫy của một tên lừa đảo tinh ranh, và vì những mục đích đen tối nào đó, hắn đã lôi kéo tôi, một người mới lớn, vào những việc làm tội lỗi và nguy hiểm chết người. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy, và đó có lẽ là việc kì lạ nhất trong toàn bộ câu chuyện kì lạ sau này của tôi. Mỗi lời nói của Anđrex đơ Fônxêca hóa ra đều đúng sự thật.
Ông là người có nhiều tài năng rõ rệt, nhưng cũng không ít những điều lập dị: nhiều năm về trước, ông gặp một nỗi buồn nào đó, cho tới nay vẫn còn lại dấu vết. Tôi không biết ai dạy ông nghề y, hoặc ông có bao giờ học nó hay không, nhưng với tư cách là người hiểu người, đặc biệt là phụ nữ, thì không ai sánh kịp ông. Ông đi nhiều, thấy nhiều và không bao giờ quên điều gì. Trên một phương diện nào đó ông chỉ đơn giản là một thầy lang, nhưng việc chạy chữa của ông không bao giờ giống sự hành nghề của các ông lang vườn lừa bịp. Thật ra, ông cũng có bịp bọn ngốc và thậm chí nghiên cứu cả môn chiêm tinh học, biết lợi dụng sự mê tín của người khác để kiếm tiền, nhưng đồng thời ông cũng làm rất nhiều việc thiện mà không cần đòi hỏi phải được trả công. Ông có thể bắt một người đàn bà giàu có trả tiền công ông nhuộm tóc mười pêxô vàng, trong lúc đó vẫn tận tụy chạy chữa cho một cô gái nghèo lâm bệnh, dù không được một đồng xu nào. Hơn thế, chữa bệnh xong, tự ông còn tìm một chỗ làm thích hợp cho cô ta. Ông biết hết tất cả mọi điều bí mật ở Xêvin, nhưng không bao giờ đem chúng ra mặc cả, vì ông cho việc đó không xứng đáng. Ông tự cho mình là một kẻ chẳng ra gì, nhưng thực ra ông là người có tâm hồn trung thực nhất.
Còn những gì liên quan đến tôi thì tôi có thể nói rằng ở bên ông, tôi cảm thấy tự do và hạnh phúc, tất nhiên trong khuôn khổ mà địa vị của tôi cho phép. Chẳng bao lâu sau tôi đã nhập vai một cách khá kết quả. Tôi được giới thiệu với tư cách là cháu của Fônxêca, từ xa đến đây để thực tập hành nghề dưới sự giúp đỡ của ông bác giàu có, và để sau này thay thế ông. Cộng với vẻ ngoài và cách cư xử lịch duyệt của tôi, điều ấy đã cho phép tôi được đi lại với các gia đình danh giá nhất ở Xêvin. ƠŒ đấy tôi làm các nhiệm vụ mà Fônxêca giao cho, vì bây giờ ông không còn muốn xuất hiện trong xã hội thượng lưu của thành phố nữa. Tôi có nhiều tiền và có thể sống không đến nỗi tồi. Mà rồi chẳng bao lâu sau tôi nhận thấy trong công việc, tôi cũng sành sỏi không kém gì trong việc hưởng thụ các thú vui của cuộc sống. Giữa bữa tiệc vui vẻ hay trong buổi vũ hội trá hình, càng ngày càng có nhiều bà quý phái đến gặp tôi, hạ giọng hỏi liệu ông Anđrex đơ Fônxêca có thể tiếp riêng bà ta vì một việc quan trọng được không. Để đáp lại những câu hỏi như thế, tôi thường hẹn giờ và địa điểm gặp. Nếu không có tôi, Fônxêca sẽ mất những khách hàng ấy, vì nhiều người trong số họ không thắng nổi sự xấu hổ để đến nói thẳng với ông.
Cũng bằng cách tương tự, khi cuộc vui kết thúc và tôi sửa soạn về nhà, thường có một anh chàng công tử nào đó đến cầm tay tôi, nhờ hỏi ông chủ tôi giúp đỡ đủ các thứ việc, - tình yêu, tài chính, có lúc cả vấn đề danh dự.  Những lúc ấy, tôi dẫn thẳng anh ta tới ngôi nhà cổ của chúng tôi, ở đấy Anđrex đơ Fônxêca đang ngồi, người mặc áo khoác bằng nhung, tay cầm bút viết, giống một con nhện đen đang chăng lưới xung quanh mình, vì phần lớn các công việc của chúng tôi được thực hiện về ban đêm. ƠŒ đây, mọi vấn đề được giải quyết một cách ổn thỏa, - tất nhiên không thể không có lợi cho chúng tôi!
Dần dần tôi nổi tiếng là người mặc dù còn trẻ nhưng rất khôn ngoan, không bao giờ nói lại những điều được nghe, không tham gia các cuộc cãi cọ, không uống rượu, không đam mê cờ bạc và không để lộ bí mật của mình cũng như bí mật của người khác. Không người nào trong số các cô, các bà xinh đẹp quen thân với tôi có thể khoe là được tôi tin tưởng nói hết mọi chuyện. Cũng thế, tôi nổi tiếng là một bác sĩ giỏi, và các bà quý phái ở Xêvin đã bắt đầu kháo chuyện với nhau rằng không ai có thể sánh nổi anh cháu của ông già Fônxêca trong nghệ thuật xóa bỏ các nốt ruồi trên da và trong việc nhuộm tóc, mà như ta biết chỉ riêng điều ấy cũng đáng giá cả một gia tài. Vì vậy chẳng có gì đáng lạ khi các nữ khách hàng càng ngày càng đến nhờ chính tôi chữa bệnh cho họ. Tóm lại, công việc của chúng tôi tiến triển rất tốt đẹp, đến mức chỉ trong vòng nửa năm tôi đã nâng số tiền thu thập vốn đã lớn của Fônxêca lên hơn ba mươi phần trăm, đồng thời giải phóng ông khỏi không ít các công việc sự vụ phiền toái, vất vả.
Cuộc sống của tôi lúc ấy thật lạ lùng, và nếu đem viết ra đây tất cả những gì tôi được nghe và được thấy, thì ta sẽ có một chuyện cổ tích hấp dẫn, nhưng nó không liên quan gì đến câu chuyện mà tôi đang kể. Hình như tất cả các mặt nạ mà mọi người đang mang để che giấu các ý nghĩ thật của mình đều bị lột trần trước tôi, và tôi nghe được tiếng nói không giả dối của trái tim họ. Nhiều cô gái xinh đẹp và nhiều bà vợ đáng yêu đã tìm đến chúng tôi thú nhận các tội lỗi mà chắc sẽ không ai tin nổi, nếu không được nghe chính họ nói. Đôi lúc chúng tôi gặp cả những trường hợp bí mật giết chồng, người yêu hay nhân tình. Có lúc xuất hiện một bà già nào đấy với ý định đưa vào bẫy ông chồng trẻ tuổi của mình. Cũng có lúc khách hàng là một ông hoặc một bà rất giàu, muốn gắn bó với một gia đình quý tộc phá sản để mua một vài tước vị. Tôi thường giúp những người này không lấy gì làm hào hứng lắm, nhưng bao giờ tôi cũng lắng nghe một cách cảm động câu chuyện về một tình yêu bất hạnh hay bị lừa dối, vì chính tôi cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong những trường hợp như thế, sự cảm thông của tôi sâu sắc và chân thành đến nỗi những người phụ nữ đáng thương ấy nhiều lần muốn tìm thấy trong tôi người thay thế những gì họ để mất, và một lần, nếu muốn, tôi đã có thể cưới làm vợ một trong những người đàn bà xinh đẹp và giàu có nhất ở Xêvin.
Nhưng tôi không cần bất cứ người nào trong số họ. Ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến nàng Lyly tóc vàng của tôi.
VIII
LẦN GẶP THỨ HAI
Có thể nghĩ với một cuộc sống như thế, tôi hoàn toàn quên mục đích đến Xêvin để làm gì, quên việc tôi phải tìm Hoan đơ Gacxia và giết hắn để trả thù cho mẹ tôi. Nhưng thực ra không phải thế. Vừa yên thân ở nhà Anđrex đơ Fônxêca, tôi đã bắt đầu thận trọng dò xét tung tích Gacxia, nhưng không tìm thấy một dấu vết nào, dù nhỏ nhất. Suy nghĩ một cách tỉnh táo, tôi thấy tôi ít có cơ hội tìm được hắn ở Xêvin. Khi ở Iamut hắn nói hắn sẽ tới đây, thế mà chẳng thấy tàu của hắn xuất hiện ở Cađix cũng như ở Guađankivin. Nói chung, khó lòng một người đã thực hiện tội ác ở nước Anh mà lại báo cho người Anh biết một cách thật thà rằng hắn sẽ đi đâu. Tuy thế, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm.
Ngôi nhà cổ xưa của mẹ và bà ngoại tôi đã bị cháy từ lâu. Họ sống lặng lẽ, và sau hơn hai mươi năm ở Xêvin chẳng còn ai nhớ tới họ nữa. Tôi chỉ tìm được một bà già đang sống dở chết dở trong cảnh nghèo đói. Bà này trước kia là người hầu trong nhà bà ngoại tôi và có biết mẹ tôi. Khi mẹ tôi trốn chạy sang nước Anh, bà già này đi vắng đâu đó, tuy nhiên bà vẫn cho tôi biết một số tin tức. Tất nhiên tôi đã không nói bà biết tôi là cháu ngoại của chủ bà.
Theo tôi được biết, sau khi bố mẹ tôi chạy sang nước Anh, Gacxia bắt đầu làm hại bà tôi và cũng là cô ruột của hắn bằng đủ mọi cách tồi tệ nhất. Thằng vô lại ấy đã làm bà phải phá sản hoàn toàn, và sau đó để mặc bà chết đói. Về sự nghèo đói mà bà lâm vào những năm cuối đời có thể biết được qua việc người ta đã chôn cất bà không công, trong một cái mộ tập thể. Bà người hầu này còn cho tôi biết hình như chẳng bao lâu sau đó Gacxia còn phạm thêm một tội nữa và buộc phải trốn chạy, nhưng cụ thể là chuyện gì thì bà không rõ, vì từ ấy đến nay đã hơn mười lăm năm.
Tôi biết được tất cả những điều ấy sau khi đã ở Xêvin bốn tháng. Tất nhiên các tin tức của bà người hầu đối với tôi là rất quan trọng, nhưng chẳng giúp được gì trong việc tìm kiếm.
Khoảng năm ngày sau buổi nói chuyện ấy, một đêm nọ, khi trở về nhà, tôi gặp ở cổng một người phụ nữ trẻ, khăn voan che kín mặt. Tôi chú ý tới thân hình cao và cân đối của cô ta. Cô ta khóc nức nở, toàn thân run lên. Những cảnh như thế đối với tôi rất quen thuộc, vì nhiều trong số những người tìm đến Fônxêca nhờ giúp đỡ, có đủ lí do để khóc một cách cay đắng. Vì vậy, tôi lặng lẽ đi ngang cô ta mà không nói một lời nào. Khi vào phòng Fônxêca tiếp khách, tôi kể ông nghe về cuộc gặp gỡ ấy, và hỏi cô kia là ai.
- Ôi, anh cháu của tôi! - Fônxêca đáp. Bao giờ ông cũng gọi tôi như thế, và thời gian gần đây ông đối xử với tôi như với một người cháu thực sự. - Ôi, anh cháu của tôi ạ, đó là một trường hợp trầm trọng! Cháu không biết cô ta đâu, vì cô ta thuộc loại khách hàng không phải trả tiền. Cô gái tội nghiệp ấy xuất thân từ một gia đình quý tộc, đã tự nguyện làm nữ tu sĩ và thề không bao giờ lấy chồng, thế mà có một thằng cha đểu giả nào đấy xuất hiện, bí mật gặp cô ta trong tu viện và hứa sẽ lấy cô ta nếu cô ta đồng ý trốn chạy với hắn, trong khi thực ra hắn chỉ tổ chức một đám cưới giả, và những chuyện đại loại như thế. Bây giờ thì hắn bỏ rơi cô ta, còn cô ta thì đang có mang. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là nếu rơi vào tay các linh mục, cô ta sẽ phải chịu một cái chết đau đớn, chậm chạp, - chúng sẽ chôn sống cô ta trong hầm ngầm tu viện. Cô ta tới gặp bác để nhờ giúp đỡ, và vì không có tiền để trả công, cô ta đưa cho bác những chiếc vòng bạc này. Chúng đây.
- Và bác đã nhận.
- Vâng, đã nhận. Bác bao giờ cũng nhận tiền công người ta trả. Nhưng bác sẽ hoàn lại nó bằng vàng. Bác đã chỉ cho cô ta một chỗ kín để cô ta trốn khỏi bàn tay các linh mục, và chờ đến khi không bị truy lùng nữa. Có một điều duy nhất bác không làm, là nói cho cô ta biết rằng người tình của cô ta là một trong những đứa tồi tệ nhất mà xưa nay người ta có thể gặp ở Xêvin. Để làm gì? Dù sao cô ta chẳng còn bao giờ thấy lại hắn. Xì! Hình như nữ quận công đang tới. Đây là một trường hợp phải dùng đến thuật chiêm tinh. Cái biểu tử vi và chiếc gậy đâu rồi! Được. Còn chiếc bình cầu thủy tinh? Cảm ơn cháu. Bây giờ thì hãy vặn nhỏ đèn lại, đưa cuốn sách kia cho bác, rồi đi ra khỏi đây!
Tôi lặng lẽ làm theo lời ông, và khi đi ra suýt va phải một bà to lớn có một cô hầu kèm, đang rụt rè đi theo hành lang mờ tối để đoán biết tương lai của mình qua các ngôi sao, và sau đó trả cho ông chủ của tôi một số đồng tiền vàng. Bộ dạng bà ta làm tôi buồn cười đến mức tôi nhanh chóng quên ngay cô gái kia cùng các nỗi buồn của cô ta.
Bây giờ tôi sẽ kể về việc lần thứ hai tôi đã gặp ông bác họ, và là kẻ tử thù của tôi là Gacxia như thế nào.
Hai ngày sau khi gặp cô gái che mạng khóc nức nở, vào khoảng gần nửa đêm, tôi có việc đi ra một phố nhỏ ngoại ô, nơi hầu như không có người nào qua lại. Xuất hiện một mình ở vùng này vào khoảng thời gian ấy không phải không nguy hiểm, nhưng ông chủ tôi giao cho tôi một việc bắt buộc tôi phải làm ngay. Vả lại ở đây tôi không có kẻ thù, và tôi mang bên mình thanh kiếm tôi lấy được của Gacxia ở Đichchingham, thanh kiếm đã giết chết mẹ tôi và tôi hi vọng sẽ dùng nó để giết kẻ đã giết bà. Đến lúc này tôi sử dụng kiếm đã khá thành thạo: mỗi buổi sáng tôi dành một ít thời gian để học đấu kiếm.
Làm xong việc cần làm, tôi thong thả đi về nhà, vừa đi vừa nghĩ về cuộc sống khá lạ lùng hiện nay, khác xa những năm tháng tuổi trẻ tôi đã sống ở thung lũng Uêvơni và về nhiều chuyện khác. Tôi nghĩ về Lyly, về việc anh Giêfry đang theo đuổi nàng, ép nàng phải lấy anh, và cả về việc liệu nàng có chịu khuất phục ý muốn thô lỗ của bố nàng không. Cứ thế, vừa suy nghĩ, tôi vừa đi cho tới chiếc cổng vòm dẫn ra bờ sông Guađankivin. Tôi tì tay lên bờ tường và thờ ơ ngắm cảnh đẹp thành phố ban đêm.
Cảnh đêm hôm ấy đẹp thật, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in. Những người từng biết Xêvin sẽ đồng ý với tôi rằng không có gì đẹp bằng một đêm tháng tám khi trên thành phố cổ là mặt trăng vàng rực rỡ soi bóng xuống dòng sông rộng.
Trong khi tôi đứng ngắm trăng, có một người nào đó đang đi lên theo các bậc thang từ phía dưới, sau lưng tôi, và rồi chìm trong bóng đêm đường phố. Lúc đầu tôi không chú ý tới ông ta, nhưng nghe có tiếng nói, tôi ngoái lại và thấy một người đàn ông đang nói chuyện với một người đàn bà. Họ gặp nhau ở phía trên đường phố nhỏ chạy xuôi tới cổng vòm trong tường. Chắc đó là cuộc gặp gỡ của một đôi yêu đương. Những chuyện như thế bao giờ cũng gây thích thú, đặc biệt là đối với người còn trẻ, vì vậy tôi đã tò mò theo dõi họ.
Một lát sau, tôi hiểu ngay rằng đôi uyên ương này không tỏ ra dịu dàng với nhau chút nào, nhất là người đàn ông. Chốc chốc anh ta lại tránh ra và lùi lại phía sau, gần tôi hơn, như đang vội xuống chiếc thuyền có lẽ đã chở anh ta tới. Điều ấy làm tôi ngạc nhiên, vì thậm chí đứng xa và dưới ánh trăng, tôi cũng nhìn thấy cô gái rất xinh đẹp. Còn mặt người đàn ông thì tôi không thấy, vì anh ta luôn lùi lại, và một phần bị chiếc mũ rộng vành che khuất.
Dần dần họ tiến lại gần tôi, đến mức tôi đã có thể nghe rõ đôi tiếng.
Người đàn ông cứ tiếp tục lùi, còn người đàn bà thì theo sau anh ta, năn nỉ:
- Không, em không tin anh sẽ bỏ rơi em! Anh đã lấy em làm vợ, đã thề, đã hứa... không lẽ anh còn đủ trâng tráo để bỏ rơi em sau tất cả những điều ấy? Vì anh, em đã hi sinh tất cả! Em đang bị nguy hiểm đe dọa. Và vì em...
Đến đây cô ta bắt đầu nói thầm, tôi không nghe rõ.
- Ôi, em yêu! - Người đàn ông lên tiếng. - Anh vẫn yêu em say đắm, nhưng chúng ta phải xa nhau một thời gian. Đừng buồn, Ixaben, như thế em cũng đã chịu ơn anh nhiều rồi. Anh đã cứu em thoát chết, dạy cho em cách sống và yêu. Với những phẩm chất và sắc đẹp em có, tất nhiên em có thể kiếm được lợi cho mình từ những điều anh dạy. Anh không thể cho em tiền, vì bản thân anh không có thừa, nhưng anh đã cho em kinh nghiệm, là cái còn quý hơn nhiều. Trái tim anh đang vỡ tung vì chúng ta phải tạm xa nhau. Nhưng, như người ta nói:
Ở nơi mặt trời nóng,
Cái hôn thường đắm say!...
- Nhưng còn em, lúc này đang...
Người đàn ông lại hạ giọng nói khẽ, và tôi không còn nghe rõ gì nữa.
Khi anh ta lên tiếng lần đầu, tôi cảm thấy khắp người run lên. Bản thân cái cảnh tôi vừa được chứng kiến là đáng buồn, nhưng điều làm tôi sửng sốt không phải là nó, mà là giọng nói của hắn! Nó làm tôi nhớ tới... không, có lẽ tôi nghe nhầm chăng?
- Ôi! Anh đừng nỡ nhẫn tâm như thế! - Người đàn bà lại kêu lên. - Không lẽ anh bỏ em ở lại một mình, khi biết em đang có mang và đang bị nguy hiểm đe dọa? Em van anh, hãy cho em đi theo, Hoan!
Vừa nói những lời ấy, cô ta vừa cầm tay áp người vào hắn. Hắn thô lỗ xô cô ta ra. Lúc ấy, chiếc mũ rộng vành rơi xuống và ánh trăng chiếu rõ mặt hắn. Đó không phải là ai xa lạ, mà chính là Hoan đơ Gacxia!
Tôi không thể nhầm được. Đúng là khuôn mặt độc ác đầy các vết nhăn của hắn, với vết sẹo trên trán, chiếc miệng luôn giễu cợt, với đôi môi mỏng và bộ râu cằm hình nhọn. Ngẫu nhiên Chúa lại cho chúng tôi gặp nhau, và lần này thì tôi sẽ giết hắn hoặc hắn sẽ giết tôi. Bước ba bước về phía trước, tôi rút kiếm đứng ngay trước mặt hắn.
- Có chuyện gì thế? - Hắn kêu lên, kinh ngạc lùi lại phía sau. - Em yêu ạ, hình như em có vệ sĩ thì phải! Thưa ông, ông cần gì? Hay ông muốn đứng ra bảo vệ cô gái xinh đẹp đang đau buồn này?
- Hoan đơ Gacxia, tôi đứng ra để trả thù cho một người đàn bà đã bị giết! Có thể ông còn nhớ một bờ sông ở xa đây, tận nước Anh, nơi ông đã gặp một người đàn bà ông quen biết, và đã giết chết bà ấy? Nếu ông quên, thì có thể ông còn nhớ thanh kiếm này, thanh kiếm mà bây giờ tôi sẽ dùng để giết ông!
Vừa nói những lời ấy, tôi vừa vung lên cao thanh kiếm đã một thời thuộc về hắn.
- Ôi,lạy Chúa! Chính là thằng nhãi người Anh...
Hắn đột ngột dừng lại, không nói nốt:
- Vâng, tôi là Tômax Uyngfin, người đã đánh ông bằng gậy và trói ông vào gốc cây. Bây giờ tôi muốn thực hiện lời thề của mình, và làm một phần việc mà tôi đã bắt đầu lúc ấy. Hãy chống đỡ đi, Hoan đơ Gacxia, nếu không, tôi sẽ đâm ông chết ngay lập tức!
Bây giờ nhớ lại những lời được tôi nói ra một cách cương quyết và ảm đạm ấy, tôi thấy chúng có vẻ không tự nhiên lắm, nhưng khi Gacxia nghe thấy, hắn liền sợ hãi co rúm người như một con sói bị dồn vào bẫy. Tôi thấy hắn không muốn đánh nhau với tôi, không phải vì hèn nhát, - phải nói một cách công bằng hắn là người dũng cảm, - mà vì mê tín. Sau này tôi mới biết hắn sợ đánh nhau với tôi vì tin rằng hắn sẽ bị chết do tôi giết. Chính vì vậy mà hắn cố giết tôi khi lần đầu chúng tôi gặp nhau.
- Thưa ông, đấu kiếm phải có luật của nó, - hắn nói một cách lịch sự. - Không ai đấu kiếm với nhau khi không có người làm chứng, vả lại đang có phụ nữ bên cạnh. Nếu ông cho rằng tôi đã xúc phạm ông điều gì đó, mặc dù thật ra tôi không hiểu ông đang nói gì, cũng như không hề biết cái tên ông vừa gọi tôi, tôi xin sẵn sàng gặp ông vào dịp khác, ở đâu và bao giờ tùy ông quyết định.
Vừa nói những lời ấy, hắn vừa nhìn quanh muốn tìm đường rút. Nhưng tôi đã ngắt lời hắn:
- Tôi muốn gặp ông ngay bây giờ. Hãy tự vệ đi, nếu không sẽ bị tôi giết chết!
Lúc ấy, hắn rút kiếm ra và chúng tôi bắt đầu đánh nhau.
Cuộc đấu thật kinh khủng. Tiếng kiếm va vào nhau nẩy lửa và nghe rất rõ trong đêm khuya trên phố vắng. Lúc đầu phần thắng nghiêng về phía Gacxia vì cơn giận làm tôi lóa mắt, nhưng dần dần bình tĩnh trở lại, tôi đánh tự tin hơn. Tôi muốn giết hắn và biết sẽ làm được điều ấy nếu không có ai ngăn cản chúng tôi. Hắn sử dụng kiếm thành thạo hơn tôi, trước khi gặp nhau ở Đichchingham, tôi chưa hề nhìn thấy thanh kiếm Tây Ban Nha, nhưng bây giờ tôi có lợi thế là chính nghĩa, tuổi trẻ, cánh tay khỏe mạnh và đôi mắt tinh như mắt diều hâu.
Dần dần, hết bước này đến bước khác, tôi dồn ép hắn, và mũi kiếm của tôi càng vững tin và nguy hiểm bao nhiêu, hắn càng chống đỡ một cách lúng túng bấy nhiêu. Đã hai lần tôi chém hắn bị thương vào mặt, và đã dồn hắn ép lưng vào tường. Hắn không còn tấn công nữa; mà chỉ chống đỡ. Và đúng lúc thắng lợi cuối cùng đã nằm trong tay tôi, thì xẩy ra một điều không lường trước. Người đàn bà từ nãy tới giờ vẫn đứng bên hoảng sợ nhìn chúng tôi, lúc này thấy tên người yêu không chung thủy của cô ta sắp bị giết chết, liền túm lấy tôi phía sau và thất thanh kêu cứu.
Tôi hất cô ta ra, nhưng Gacxia đã kịp lợi dụng điều ấy, đánh đòn tấn công và suýt nữa đâm xuyên vai phải tôi. Bây giờ đến lượt tôi tự vệ để không bị giết chết.
Tiếng kêu cứu của người đàn bà đã làm những người lính canh chú ý. Họ xuất hiện từ góc phố, vừa chạy tới vừa gọi người giúp đỡ. Thấy họ, Gacxia vội vã rút lui. Hắn quay người chạy xuôi về phía dòng sông. Người đàn bà cũng biến mất, để tôi ở lại một mình.
Toán lính canh đã tới gần. Tên trưởng toán cầm đèn trong tay nhẩy vào định bắt tôi. Tôi dùng cán kiếm đánh vào chiếc đèn, làm nó rơi xuống phố, vỡ tan và bốc cháy.
Sau đó đến lượt tôi quay người bỏ chạy, vì tôi biết sẽ không thích thú gì khi phải đứng trước tòa án thành phố vì tội gây ẩu đả ban đêm. Nhưng trốn chạy khỏi toán lính canh, tôi hoàn toàn quên rằng chính kẻ thù của tôi đã trốn thoát.
Ba người lính canh đuổi theo tôi, nhưng vì quá to béo, nên chẳng bao lâu sau họ kiệt sức; chạy được nửa dặm, tôi đã bỏ họ xa phía sau. Chỉ khi ngừng lại để nghỉ lấy hơi, tôi mới nhớ tới Gacxia. Biết tìm hắn ở đâu bây giờ?
Lúc đầu tôi muốn quay lại, nhưng sau lại thôi vì nghĩ tất nhiên Gacxia không còn ở đấy nữa, vả lại toán lính canh có thể nhận ra tôi bởi vết thương đang chảy máu. Vì vậy tôi lững thững đi về nhà, vừa đi vừa nguyền rủa số phận và người đàn bà đã bám chặt lấy tôi đúng vào lúc tôi chuẩn bị đánh đòn quyết định. Đồng thời tôi cũng nguyền rủa sự bất tài của mình. Đáng lẽ tôi phải chém hắn trước! Đã hai lần tôi có thể làm điều ấy, nhưng cả hai lần tôi không làm vì quá cẩn thận. Tôi chỉ muốn đánh đòn cuối cùng khi biết chắc hắn sẽ chết, và thế là bỏ lỡ cơ hội! Ai biết được! Bao giờ mới gặp được hắn! Tôi biết tìm hắn ở đâu trong cái thành phố rộng lớn này?
Chỉ bây giờ tôi mới đoán ra có lẽ hắn đã thay đổi họ tên như khi ở Iamut. Thật cay đắng cho tôi khi nghĩ cơ hội báo thù đến gần thế mà còn bị tôi bỏ lỡ.
Cuối cùng, về tới nhà, tôi quyết định nhờ Anđrex đơ Fônxêca giúp đỡ. Cho đến lúc ấy tôi chưa hề nói gì với ông về chuyện này, vì bao giờ tôi cũng thích được hành động độc lập, và ông thậm chí không hay biết gì về quá khứ của tôi. Nhưng bây giờ tôi đi thẳng vào căn phòng nơi ông vẫn thường tiếp khách. Tuy nhiên, lúc ấy Fônxêca đã đi ngủ và yêu cầu không ai đánh thức, vì ông cảm thấy trong người không được khỏe... Vì thế tôi tự băng bó qua loa vết thương và cũng đi nằm, rất không hài lòng với bản thân và sự không may của mình.
Sáng hôm sau, tôi lại vào phòng ông. Ông vẫn chưa dậy khỏi giường vì những cơn đau đột ngột, dấu hiệu của căn bệnh sau này đã đưa ông xuống mộ. Khi tôi chuẩn bị thuốc cho ông, ông nhận thấy tay phải tôi không tự nhiên và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Nhân cơ hội ấy, tôi quyết định kể cho ông nghe tất cả.
- Bác có đủ kiên nhẫn để nghe câu chuyện của cháu không? - Cháu cần bác giúp đỡ.
- À, cũng là chuyện thường tình, - ông đáp. - Thường bác sĩ không thể tự chữa bệnh cho mình. Cháu cứ nói đi, bác đang nghe.
Tôi liền ngồi xuống giường ông và kể cho ông nghe mọi chuyện, không giấu giếm một điều gì. Tôi kể ông nghe về chuyện bố mẹ tôi làm quen với nhau, chuyện tôi thời còn bé, chuyện Gacxia giết mẹ tôi và tôi đã thề sẽ trả thù hắn như thế nào. Cuối cùng tôi nói lại toàn bộ những gì đã xảy ra với tôi đêm trước và việc tôi đã để kẻ tử thù của tôi trốn thoát. Trong khi tôi nói, Fônxêca ngồi trên giường, người khoác chiếc áo choàng sang trọng của người Mô, co cả hai chân, tì cằm lên đầu gối, chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt sắc sảo của ông. Nhưng khi tôi im lặng, ông không nói lời nào, và vẫn ngồi yên bất động.
- Đúng cháu là một thằng ngốc! - Cuối cùng ông lên tiếng. - Ngốc một cách kinh khủng! Thông thường các chàng trai trẻ quá lắm lời, bồng bột, còn cháu thì phải trả giá vì quá cẩn thận. Vì sự quá cẩn thận ấy, cháu đã bỏ lỡ cơ hội trong cuộc đấu kiếm tay đôi đêm qua, cũng vì tính ít nói ngu ngốc ấy mà cháu đã không cho bác biết trước và bỏ lỡ một cơ hội khác còn lớn hơn. Chẳng lẽ cháu không biết rằng bác đã giúp nhiều người trong những việc tương tự, và không bao giờ để lộ các bí mật của họ? Tại sao cháu không nói cho bác biết trước?
- Cháu không biết, - tôi lẩm bẩm đáp. - Cháu muốn lúc đầu tự mình thử làm đã...
- Tính kiêu căng không mang lại điều tốt đâu! Còn bây giờ thì cháu hãy nghe bác nói đây. Nếu bác biết được điều này cách đây một tháng, chắc bây giờ Gacxia đã chết, chết một cách thê thảm, - không phải bởi bàn tay cháu, mà bởi bàn tay pháp luật! Bác biết con người này từ khi hắn mới sinh ra, biết một cách cặn kẽ, đủ để treo cổ hắn hai lần. Chỉ cần bác nói ra là đủ để hắn chết. Thậm chí còn hơn thế. Bác cũng biết mẹ cháu, cháu ạ, và bây giờ thì bác hiểu vì sao bác thấy khuôn mặt cháu quen quen: cháu rất giống mẹ cháu, chính bác là người đã mua chuộc bọn cai ngục để chúng cho bố cháu trốn thoát, mặc dù cho đến bây giờ bác vẫn chưa thấy mặt bố cháu. Cả việc chạy trốn về Anh cũng do bác lo liệu. Còn về Gacxia thì bác đã năm lần nắm được hắn trong tay, mỗi lần hắn mang một tên mới. Một lần tự hắn tìm đến bác với tư cách là một khách hàng, nhưng không muốn bẩn tay vì hắn, bác đã không dính vào cái công việc bẩn thỉu mà hắn đề nghị. Gacxia là một trong những đứa khốn nạn nhất ở Xêvin mà bác từng biết. Cũng là đứa thông minh và có máu trả thù nhất. Hắn ngập trong tội lỗi và đã giết không phải chỉ một người. Nhưng tất cả những việc làm tội lỗi của hắn vẫn không mang lại cho hắn điều gì: cho đến tận bây giờ hắn vẫn là tên lưu manh vô danh sống bằng nghề lừa đảo hay bằng tiền của một phụ nữ nào đấy mà hắn quyến rũ được. Đưa cho bác những cuốn sách từ chiếc hòm kia, rồi bác sẽ cho cháu biết Hoan đơ Gacxia là ai.
Tôi đưa cho ông mấy cuốn sách dày được đóng bìa bằng một thứ da mỏng. Trong sách ghi toàn các kí hiệu mật mã.
- Đây là các ghi chép của bác, - Fônxêca nói. - Không ai đọc được chúng, trừ bác. Nào, ta xem mục lục. Đây, đây rồi. Bây giờ thì đưa cho bác tập ba. Hãy giở trang 201.
Tôi giở cuốn sách đúng số trang ông nói, đặt trước mặt ông, và ông bắt đầu đọc các kí hiệu kì lạ dễ dàng như đang đọc những hàng chữ bình thường.
- Hoan đơ Gacxia, chiều cao, đặc điểm bên ngoài, gia đình, các tên giả, vân vân. Đây, lai lịch của hắn đây, cháu hãy lắng nghe!
Tiếp đến là hai trang ghi đặc các kí hiệu mật mã. Vừa giải thích, Fônxêca vừa đọc tôi nghe.
Các ghi chép rất ngắn gọn, nhưng cả trước đấy lẫn sau này tôi chưa bao giờ được nghe một cái gì tương tự. Nó chép lại một cách đầy đủ tất cả những thói xấu và tội lỗi mà một con người có thể có, khi theo đuổi đồng tiền và sự hưởng lạc, nhằm thỏa mãn các đam mê và máu trả thù của mình.
Trong cuốn sổ đen ấy có ghi rõ hai vụ giết người do hắn gây nên: một vụ đâm dao vào lưng đối thủ, vụ khác đầu độc giết nhân tình. Ngoài ra ở đây còn ghi rõ nhiều việc khác, quá hèn hạ và bẩn thỉu, không thể viết ra giấy được.
- Tất nhiên, các ghi chép của bác còn lâu mới có thể gọi là đầy đủ, - Fônxêca bình tĩnh nói, - tội lỗi của hắn còn nhiều hơn nhiều. Nhưng những việc được ghi ở đây thì bác biết chắc, và chỉ cần một trong số những tội lỗi ấy cũng đủ để buộc tội hắn khi hắn bị bắt. Mà khoan, đưa bút mực lại đây! Bác phải ghi thêm vào đây đôi điều.
Rồi ông ghi tiếp:
Tháng 5 năm 1517 tên Gacxia nói trên sang Anh với cớ buôn bán gì đó, và ở đấy, ở xứ đạo Đichchingham, hạt Nôphôc, hắn đã giết chết Luizơ Uyngfin, tên con gái là Luizơ đơ Gacxia, cô em họ mà trước kia đã đính hôn cùng hắn. Khoảng tháng 9 năm 1517, vờ tổ chức lễ cưới, hắn đã quyến rũ và sau đó bỏ rơi cô Ixaben thuộc dòng họ Xiguenxa danh giá, cô này vốn là một nữ tu sĩ thuộc tu viện thành phố Xêvin.
- Không thể thế được! - Tôi kêu lên. - Không lẽ Gacxia ruồng bỏ cô gái hôm kia tìm đến bác nhờ giúp đỡ?
- Đúng thế, cháu ạ. Chính cháu đã nghe đêm qua cô ta van xin hắn thế nào. Nếu hôm kia bác biết được những gì cháu báo cho bác hôm nay, thì chắc chắn hắn đã được giam giữ cẩn thận đâu đó trong nhà tù. Nhưng có thể còn chưa muộn. Dù không khỏe lắm, nhưng dậy được khỏi giường là bác sẽ bắt tay vào làm tất cả những gì có thể làm được. Cháu cứ để việc này bác lo. Nếu làm được điều gì, bác sẽ làm. Gượm đã, hãy bảo anh hầu luôn sẵn sàng. Ngay đêm nay bác sẽ biết được những gì có thể biết.
Đêm ấy Fônxêca cho người gọi tôi tới.
- Bác đã cho dò hỏi khắp nơi, - ông nói. - Thậm chí bác bắt cả những tay thám tử của tòa án hoạt động, - đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua bác làm thế. Bây giờ họ đang lùng hắn như cho săn lùng một tên tù khổ sai vượt ngục. Tạm thời chưa tìm ra dấu vết hắn. Hắn đã biến mất. Đêm nay bác vừa gửi một bức thư tới Cađix vì có lẽ hắn đã xuôi theo sông xuống đấy. Tuy thế, bác vẫn biết được một số tin tức. Cô Ixaben đã bị lính canh bắt. Người ta phát hiện ra cô là người nữ tu sĩ vượt ngục và đã giao vào tay tòa án dị giáo để tra hỏi. Tóm lại, nếu hành động của cô ta được chứng minh, cô ta sẽ phải chết.
- Chẳng lẽ không có cách nào cứu được?
- Đã quá muộn. Nếu làm theo lời bác, chắc bây giờ cô ta đã không bị đe dọa.
- Có thể liên lạc với cô ta bằng cách nào đó không?
- Không. Hai mươi năm về trước thì còn có thể làm một điều gì đấy, nhưng bây giờ tòa án dị giáo đã trở nên tàn ác và khó mua chuộc hơn nhiều. Vàng bạc cũng chẳng giúp gì được. Ta sẽ chẳng còn được nhìn thấy hay nghe tin tức gì về cô ta, cho đến khi cô ta phải chết. Nếu trước khi chết cô ta muốn nói chuyện với bác, chắc người ta cho phép, nhưng bác không thật tin điều ấy. Có lẽ cô ta sẽ không muốn gặp bác. Chà, nếu cô ta giấu được cái bụng chửa của mình! Nhưng khó lắm. Có thể đối với cô ta, được chết ngay còn hơn phải sống nhiều năm nữa trong nhà giam của tu viện. Chả là ai cũng một lần phải chết. Cháu đừng buồn như thế, - tôn giáo cũng cần có vật hi sinh của nó. Cầu mong máu cô ta sẽ đổ lên đầu Hoan đơ Gacxia!
Và tôi đáp:
- Amen! 
 IX
TÔMAX TRỞ THÀNH GIÀU CÓ 
Suốt mấy tháng liền sau đó, chúng tôi không còn nghe gì thêm về Gacxia và Ixaben. Cả hai đều biến mất mà không để lại dấu vết gì; tất cả các cố gắng tìm kiếm của chúng tôi đều vô ích.
Tôi lại quay trở về với cuộc sống cũ của tôi, với tư cách là người giúp việc cho Fônxêca; và với tư cách là cháu ông. Một lần nữa tôi lại xuất hiện trong đời sống của giới thượng lưu. Nhưng từ cái đêm tôi đánh nhau với kẻ đã giết mẹ tôi, sức khoẻ của Fônxêca càng ngày càng xấu thêm, do một chứng bệnh thận khó hiểu và không có thuốc nào chữa được. Bảy tháng sau, ông đã không còn ngồi dậy được khỏi giường, nói năng một cách vất vả. Tuy nhiên, ông vẫn giữ được bộ óc hoàn toàn tỉnh táo, thậm chí thỉnh thoảng còn tiếp một vài người khách đến tìm ông giúp đỡ. Khoác chiếc áo dài, ông ngồi sâu trong ghế bành và nói chuyện với họ. Nhưng bóng ma thần chết đã chạm vào người ông, chính ông cũng hiểu điều đó. Càng ngày Fônxêca càng trở nên gắn bó với tôi. Ông hết lòng yêu tôi như yêu con trai mình. Còn tôi thì cố làm tất cả những gì làm được để ít ra giảm bớt sự đau khổ cho ông: ngoài tôi, ông không cho phép bất kì một bác sĩ nào đến gặp.
Một hôm, khi cảm thấy sức lực đã rời bỏ ông, Anđrex đơ Fônxêca liền tỏ ý muốn nói chuyện với viên chưởng khế. Viên chưởng khế được ông cho gọi đã tới, và hơn một giờ ngồi riêng với ông trong căn phòng khóa chặt cửa. Sau đó, ông ta ra ngoài một lúc và quay lại với mấy người thư kí của ông ta. Sau khi yêu cầu tôi ra ngoài, họ lại khóa cửa ngồi trong phòng Fônxêca. Cuối cùng, tất cả đi ra, mang theo những tờ giấy gì đó đã được viết kín.
Buổi tối, Fônxêca cho gọi tôi đến. Ông trông rất yếu ớt, nhưng tinh thần vẫn sảng khoái, và ông đang thích nói chuyện.
- Cháu hãy lại gần đây, - ông nói. - Hôm nay bác bận nhiều việc. Suốt đời, bác bao giờ cũng bận bịu vì công việc, cả đến giờ phút này bác vẫn không thích nằm yên rảnh rỗi. Cháu có biết hôm nay bác đã làm gì không?
Tôi lắc đầu tỏ ý không biết.
- Nếu thế thì bác sẽ nói cho cháu biết. Bác đã làm di chúc, vì bác chết đi, có để lại một vài thứ, không nhiều lắm, nhưng dù sao vẫn có một ít.
- Bác đừng nói tới chuyện chúc thư vội! - Tôi nói như năn nỉ. - Bác còn sống nhiều năm nữa, xin hãy tin cháu!
Fônxêca phá lên cười.
- Cháu nghĩ như thế về bác là không tốt, cháu ạ, nếu cháu cho rằng bác là người dễ lừa! Bác sắp chết, cháu cũng biết điều ấy, nhưng bác không hề sợ chết. Sống ở đời, bác là người thành đạt, nhưng không hạnh phúc, vì tuổi trẻ của bác bị chấn thương, - điều này bây giờ không quan trọng nữa. Chuyện xẩy ra đã lâu và cũng chẳng cần nhớ lại. Suy cho cùng, anh có đi đường nào chăng nữa, thì cái đích cuối cùng phải đến vẫn là ngôi mộ. Chúng ta ai cũng phải đi hết con đường đời của mình, và tới đích, ta sẽ không nghĩ nó có bằng phẳng hay không. Đối với bác, tôn giáo chẳng là gì: nó không thể an ủi cũng như không làm bác sợ hãi. Chỉ cuộc đời bác là có thể chứng tỏ bác đáng khen hay đáng chê. Mà trong đời mình, bác vừa làm điều thiện, lại vừa làm điều ác. Bác làm điều ác vì sự cám dỗ nhiều khi quá lớn khiến bác không kìm nổi. Bác làm điều thiện vì trái tim hướng bác tới đó. Nhưng bây giờ tất cả đã kết thúc. Và thực chất cái chết chẳng là điều đáng sợ, nếu chúng ta nhớ rằng trên đời, mọi người được sinh ra để sau đó sẽ chết như muôn vàn sinh vật khác. Tất cả những gì còn lại đều giả dối, nhưng bác tin vào một điều, rằng có Chúa, Chúa nhân từ hơn nhiều so với những kẻ luôn bắt chúng ta tin vào ngài.
Nói đến đây, Fônxêca dừng lại vì quá yếu mệt.
Sau này tôi thường nhớ lại những lời ông vừa nói, và cả bây giờ, khi chính tôi đã gần với cái chết, tôi vẫn còn nhớ chúng. Fônxêca là người tin vào định mệnh, tôi không thể đồng ý với ông điều ấy, vì tôi cho rằng ở một mức độ nào đó, chính chúng ta đã tạo nên cá tính và số phận của mình. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với ông về những lời cuối cùng ông nói. Như ông, tôi cho rằng có Chúa, Chúa nhân từ, và rằng bản thân cái chết và những gì xẩy ra sau đó không có gì đáng sợ.
Cuối cùng, Fônxêca lại lên tiếng, nói:
- Sao cháu bắt bác phải nói về những điều như thế? Chúng làm bác mệt mỏi, mà thời gian bác còn lại không nhiều. Vừa rồi bác có nhắc đến chuyện di chúc. Cháu hãy nghe bác nói tiếp. Trừ một ít, như cháu biết được, dành cho người nghèo, bác đã di chúc lại toàn bộ gia tài của bác cho cháu.
- Cho cháu? - Tôi thốt lên vì kinh ngạc.
- Đúng, cho cháu. Mà tại sao lại không? Bác không có người thân thích, vả lại bác yêu cháu, mặc dù bác đã nghĩ bác không còn có thể yêu bất cứ người nào, cả đàn ông, đàn bà, cũng như trẻ nhỏ. Bác cảm ơn cháu vì cháu cho bác biết rằng trái tim bác chưa khô cứng. Cháu hãy nhận lấy món quà này, như một biểu hiện về sự biết ơn của bác!
Tôi bắt đầu lúng túng cảm ơn ông, nhưng ông ngắt lời tôi:
- Tổng cộng cháu được hưởng một gia tài khoảng gần năm ngàn đồng pêxo vàng, hay hơn mười hai ngàn đồng bảng Anh. Bước đầu số tiền này đủ cho một người trẻ tuổi như cháu sống sung túc, thậm chí cả với vợ nữa. ƠŒ nước Anh có lẽ chừng ấy đã là một gia tài lớn. Bác nghĩ bây giờ ông bố của người yêu cháu không còn từ chối cháu nữa. Ngoài ra cháu còn được nhận ngôi nhà của bác cùng tất cả những gì có trong nó, gồm các đồ dùng bằng bạc, và quan trọng hơn là các cuốn sách quý, chúng cũng đáng giá nhiều tiền, bác khuyên cháu nên giữ gìn cẩn thận. Tất cả những điều ấy sẽ được chuyển sang cho cháu theo đúng luật pháp, các thủ tục sẽ được tiến hành và không ai có thể xâm phạm quyền lợi của cháu. Cảm thấy trước cái chết của mình, bác đã thu thập tất cả tiền bạc của bác, - phần lớn số vàng bác có nằm trong những chiếc hòm được giấu ở tủ ngầm trong tường, cháu cũng biết chỗ ấy. Nếu gặp cháu trước đây mấy năm, có lẽ bác còn để lại cho cháu nhiều hơn. Lúc ấy bác nghĩ bác đã quá giàu, mà người thừa kế thì không có, nên bác tiêu tiền không tiếc: bác giúp đỡ tất cả những người nghèo, lo kiếm chỗ ăn, ở cho những người không nhà và đói khổ. Hãy nghe bác nói, Tômax! Phần lớn số vàng này là kết quả của sự
ngu ngốc và hư hỏng của con người; chúng là tiền công trả cho các tội lỗi và các thói xấu. Cháu hãy cố sử dụng nó một cách thông minh, chi tiêu cho những việc chính nghĩa và cho tự do. Mong nó sẽ mang lại lợi ích cho cháu và nhắc cháu nhớ đến bác, ông chủ của cháu, một tay bịp bợm già nua người Tây Ban Nha, cho đến khi cháu lại di chúc nó cho con cháu hay cho người nghèo. Còn bây giờ, bác nói thêm một lời này. Nếu có thể, cháu hãy xoa dịu lòng mình và đừng đuổi theo Hoan đơ Gacxia nữa. Cháu hãy đem tất cả gia tài của cháu về nước Anh, cưới cô gái cháu yêu làm vợ và sống với cô ta hạnh phúc như cháu mong muốn. Cháu thử nghĩ cháu là ai mà chuốc vào mình cái trách nhiệm phải trả thù thằng khốn nạn ấy? Quên hắn đi! Rồi hắn sẽ tự nhận được sự trừng phạt thích đáng. Nếu không, cháu sẽ phải gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, và có thể sẽ kết thúc bằng việc cháu để mất cuộc sống, tình yêu và tất cả gia tài của cháu.
- Nhưng cháu đã thề sẽ giết hắn! - Tôi nói. - Lẽ nào cháu có thể phản bội một lời thề như thế? Lẽ nào cháu có thể bình yên ngồi ở nhà với một cái nhục như thế?
- Bác không biết, không biết! Trong chuyện này bác không thể làm trọng tài cho cháu được. Cháu cứ làm những gì cháu muốn, nhưng hãy nhớ rằng: làm theo ý mình, cháu có thể còn bị nhục nhã hơn nữa. Cháu đánh nhau với hắn, và hắn đã trốn thoát. Đừng làm anh ngốc nữa, và hãy để hắn yên. Còn bây giờ thì cúi xuống hôn bác đi. Vĩnh biệt! Bác không muốn cháu nhìn thấy bác chết, mà cái chết thì đã ở gần bác lắm rồi. Bác không biết liệu chúng ta có gặp nhau không khi đến giờ cháu cũng phải ra đi, hay các ngôi sao khác nhau đang chờ đợi chúng ta. Nếu thế thì vĩnh biệt, vĩnh biệt mãi mãi!
Tôi cúi xuống hôn lên trán ông, nước mắt chảy từng dòng trên má! Chỉ bây giờ tôi mới hiểu tôi yêu ông nhường nào: tôi có cảm giác như chính người bố thân yêu của tôi đang chết.
- Đừng khóc, - Fônxêca nói. - Tất cả cuộc đời chúng ta là những cuộc chia li gộp lại. Một thời bác cũng có một người con trai như cháu. Và chẳng có gì đáng sợ hơn khi bác và nó xa nhau. Còn bây giờ thì bác đi đến với nó, vì nó không thể đến với bác được. Khóc làm gì? Vĩnh biệt, Tômax Uyngfin! Cầu chúa phù hộ cho cháu. Còn bây giờ thì đi đi!
Vừa khóc, tôi vừa bước ra khỏi phòng, và ngay đêm hôm ấy, trước khi trời sáng, Anđrex đơ Fônxêca đã không còn nữa. Tôi được nghe nói lại rằng ông đã chết khi vẫn hoàn toàn tỉnh táo, miệng nhắc tên người con trai mà ông đã nói với tôi vào giờ phút cuối cùng ấy.
Và thế là tôi vẫn không bao giờ biết được chuyện gì đã xảy ra với con trai và chính bản thân ông. Như một người da đỏ, ông bước đi trên đường đời của mình, và vừa đi vừa xóa sạch các dấu vết để lại. Ông không bao giờ nói về quá khứ của ông, và tôi cũng chẳng tìm thấy một tin tức nào về ông, cả trong sách vở và những tài liệu mà ông để lại.
Một lần, sau nhiều năm đã trôi qua, tôi đã đọc tất cả các tập ghi chép bằng mật mã của ông: trước khi chết ông cho tôi biết chìa khóa giải mã. Những tập sách ấy đang ở trước mặt tôi cả bây giờ, khi tôi viết những dòng này. Đọc chúng, tôi biết rất nhiều các chuyện nhục nhã, đau khổ và tội lỗi, rất nhiều các chuyện về niềm tin bị lừa dối, về danh dự bị đem bán, về sự độc ác của các quan chức nhà thờ, về sự chiến thắng của lòng tham đối với tình yêu, và về sức mạnh của tình yêu trước cái chết. Chúng đủ làm tài liệu để viết ít nhất là năm mươi bộ tiểu thuyết lớn. Nhưng trong cuốn biên niên sử của cả một thế hệ đã từng tồn tại và bị lãng quên ấy, thậm chí không một lần nào thấy nhắc đến tên Fônxêca và không cả một lời bóng gió nào về cuộc đời riêng của ông. Nó đã bị mất đi vĩnh viễn, và có thể như thế là tốt.
Người bạn và là người bảo trợ tốt nhất của tôi đã chết như thế đấy. Khi Fônxêca được liệm vào áo quan để chôn cất, tôi lại đến nhìn ông lần nữa. Trong giấc ngủ của cái chết, trông ông thật bình thản, thậm chí còn rất đẹp.
Lúc ấy, có một người phụ nữ đi lại gần tôi. Bà ta đã lau người cho ông già và đưa cho tôi hai bức chân dung xinh đẹp được khắc trên ngà voi mà bà ta tìm thấy trên ngực người chết. Hai bức chân dung ấy tôi vẫn giữ cho đến bây giờ. Trên một bức là khuôn mặt của một người phụ nữ có cái nhìn dịu dàng và tư lự. Trên bức kia là khuôn mặt của một chàng trai đã chết, xinh đẹp nhưng rất buồn, có lẽ đó là mẹ con, ngoài ra tôi không biết gì hơn về họ.
Ngày hôm sau, tôi chôn cất Anđrex đơ Fônxêca. Lễ chôn cất được tiến hành giản dị, vì trước đó ông đã ra lệnh không được chi tiền vô ích cho xác chết của ông.
Từ nghĩa địa tôi trở về nhà, nơi các viên chưởng khế đang chờ tôi. Các dấu niêm phong đã được bóc, các giấy tờ đã được đọc, và thế là tôi bắt đầu trở thành người toàn quyền sử dụng tất cả gia tài do người chết để lại. Sau khi tôi thanh toán tiền thuế thừa kế và tiền công cho các viên chưởng khế, họ liền cúi chào tôi một cách nhẫn nhục rồi rút lui. Chả là từ nay tôi đã trở nên giàu có!
Vâng, tôi giàu, và sự giàu có mà tôi luôn mơ ước ấy đã đến với tôi không một chút khó khăn. Tuy nhiên, nó không làm tôi vui sướng. Lúc ấy, tôi đã trải qua một trong những đêm buồn thảm nhất kể từ khi tôi đặt chân lên đất Tây Ban Nha. Nỗi buồn và sự nghi ngờ cào xé trái tim tôi. Sự cô đơn đè nặng lên tôi. Nhưng tôi không biết rằng sau cái đêm buồn bã ấy, tới sáng tôi còn thấy khủng khiếp hơn.
Khi tôi ngồi sau bàn ra vẻ đang ăn tối, thì người hầu đi vào báo có một bà nào đấy đang chờ ông chủ đã quá cố của tôi ngoài phòng khách. “Có lẽ đây là một khách hàng còn chưa biết ông Fônxêca đã chết”, - tôi nghĩ, và đã định ra lệnh người hầu báo cho bà ta về, nhưng sau tôi lại nghĩ có thể sẽ giúp được bà ta điều gì chăng, hoặc ít ra cũng nghe bà ta nói, và tạm thời quên nỗi buồn của mình. Vì thế, tôi cho dẫn bà ta vào gặp tôi. Bước vào phòng là một người đàn bà cao, mặc áo choàng đen có mũ che kín mặt. Tôi cúi chào, mời ngồi, nhưng bỗng nhiên bà ta lại đứng dậy rồi nói rất nhanh và khẽ:
- Tôi muốn gặp ông Anđrex đơ Fônxêca, chứ không phải ông!
- Anđrex đơ Fônxêca mới được chôn cất xong hôm nay, - tôi đáp. - Trong tất cả mọi chuyện, tôi là người giúp việc của ông, và bây giờ là người thừa kế tất cả những gì ông để lại. Nếu thấy tôi có thể giúp bà được điều gì, xin bà cứ nói.
- Nhưng ông trẻ quá, trẻ quá, - bà kia ấp úng nói, - mà việc này thì thật kinh khủng và cần phải làm gấp. Tôi có thể tin ông được không?
- Tùy bà quyết định, thưa bà.
Suy nghĩ một lát, bà ta cởi bỏ áo khoác, để lộ bên trong một bộ quần áo của nữ tu sĩ.
- Ông hãy nghe tôi nói đây, - bà ta nói. - Đêm nay tôi sẽ bận rất nhiều việc, mà phải vất vả lắm tôi mới có thời gian để tới đây làm một việc thiện.  Tôi không thể quay về với hai bàn tay không, và vì thế tôi buộc phải tin ông. Nhưng trước hết xin ông hãy nhân danh Đức Mẹ Đồng Trinh và thề sẽ không bao giờ phản bội tôi.
- Tôi hứa với bà điều ấy, - tôi đáp. - Còn nếu đối với bà như thế chưa đủ, thì chúng ta nên kết thúc câu chuyện tại đây.
- Xin ông đừng giận! - Bà ta van vỉ. - Đã nhiều năm nay tôi chưa hề bước chân ra khỏi tu viện, và tôi đang gặp một điều bất hạnh. Tôi cần một liều thuốc độc thật mạnh. Tôi sẽ trả công cho ông hậu hĩnh.
- Tôi không là kẻ đồng lõa với những tên giết người, - tôi vội nói ngay. - Bà cần thuốc độc để làm gì?
- Ôi, tôi không được phép... nhưng có lẽ tôi buộc phải nói hết với ông thôi. Đêm hôm nay, ở tu viện chúng tôi, một người phụ nữ, rất trẻ và xinh đẹp sẽ phải chết. Cô ta đã phản bội lời thề và đêm nay sẽ chết cùng đứa con của mình. Cô ta, cô ta... Ôi, lạy Chúa! Hai mẹ con cô ta sẽ bị chôn sống trong tầng hầm của tu viện mà cô ta đã bôi nhọ thanh danh. Đó là lời tuyên án cuối cùng, và sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi hay giảm nhẹ được. Tôi cũng ở trong cái tu viện ấy, - đừng hỏi tên tôi và tên tu viện ấy là gì, - và tôi yêu cô gái tội lỗi kia như yêu con mình. Chỉ nhờ có công lớn với giáo hội và nhờ các bậc bề trên bí mật giúp đỡ, tôi mới xin được cho cô ta một ân huệ đặc biệt: đó là trước khi bị chôn sống, tôi có thể đưa cho cô ta một cốc nước trong đó có hòa lẫn thuốc độc, đồng thời bắt đứa trẻ dấp môi vào cốc nước ấy để họ chết một cách nhanh chóng. Tôi có thể làm điều ấy mà không sợ lương tâm cắn rứt. Hãy giúp tôi thành kẻ giết người vô tội và cứu cô gái kia thoát khỏi sự đau đớn cuối cùng này!
Tôi không đủ lời để miêu tả hết những gì tôi cảm thấy khi nghe câu chuyện rùng rợn ấy. Co rúm người vì sợ, tôi cố trả lời một cách vô ích, bỗng nhiên một ý nghĩ khủng khiếp hiện lên trong đầu tôi.
- Có phải người phụ nữ ấy tên là Ixaben đơ Xiguenxa không? - Tôi hỏi.
- Vâng, - bà kia đáp, - ở ngoài đời người ta gọi cô ta như thế, nhưng tôi không hiểu vì sao ông biết được điều đó.
- ƠŒ nhà này người ta biết được nhiều việc hơn bà tưởng, thưa bà. Xin bà cho biết có thể cứu được cô ta bằng tiền hay quà cáp gì không?
- Không. Bản án đã được Tòa án Từ thiện thông qua. Cô ta sẽ phải chết sau hai giờ nữa. Ông cho tôi thuốc độc chứ?
- Tôi chỉ đưa cho bà với một điều kiện là tôi sẽ biết nó được sử dụng như thế nào. Biết đâu bà bịa ra câu chuyện này để dùng thuốc độc vào những việc khác mà sau đó tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật! Tôi chỉ đưa cho bà với điều kiện tôi được tận mắt nhìn thấy bà sử dụng nó.
Bà ta suy nghĩ một vài giây rồi nói:
- Được, có thể được. Nhưng ông sẽ phải mặc bộ quần áo của thầy tu và đội mũ trùm đầu, vì những người thực hiện bản án sẽ không được biết gì về điều này. Tuy nhiên, những người khác sẽ biết, và tôi xin nói trước rằng nếu để lộ ra ngoài, ông sẽ bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Giáo hội bao giờ cũng trả thù độc ác những người đã để lộ các bí mật của nó, thưa ông.
- Rồi có lúc những bí mật này tự chúng sẽ trả thù lại giáo hội, - tôi cay đắng đáp. - Còn bây giờ thì xin lỗi, tôi phải đi tìm thứ thuốc độc thích hợp cho bà. Nó phải có tác dụng nhanh, nhưng cũng không được nhanh quá, nếu không, chúng sẽ thấy con mồi đã tuột khỏi tay chúng trước khi chúng kịp kết thúc công việc khủng khiếp của mình. Đây, đây là thứ bà cần, - tôi nói và đưa cho bà một chiếc lọ nhỏ lấy từ chiếc hòm luôn giấu thuốc độc. - Mời bà hãy choàng áo và chúng ta cùng đi để làm nốt cái “việc thiện” của bà.
Bà ta làm theo, chúng tôi đi ra khỏi nhà. Nhanh chóng bỏ lại phía sau các phố đông người, chúng tôi đi vào khu cổ của thành phố và bước xuống về phía bờ sông. ƠŒ đấy bà kia chỉ cho tôi một con thuyền đang đợi sẵn. Chúng tôi lên thuyền bơi ngược dòng sông. Đi hơn một dặm, chiếc thuyền dừng lại dưới một bức tường cao. Chúng tôi lên bờ và đi lại gần một cánh cửa bằng gỗ. Bà nữ tu sĩ gõ ba lần. Ở cửa sổ nhỏ hé mở, để lộ một khuôn mặt màu trắng của ai đó đang thấp thoáng trong bóng tối. Khuôn mặt kia khẽ hỏi điều gì, và bà tu sĩ đáp lại. Một lúc sau cánh cửa mở, và chúng tôi bước vào một khu vườn rộng có những hàng cây cam bao bọc xung quanh.
- Tôi đã đưa ông vào ngôi nhà của chúng tôi, - bà tu sĩ nói. - Nếu ngẫu nhiên ông biết được ông đang ở đâu và chỗ này gọi là gì, thì hãy vì quyền lợi của chính ông mà quên ngay tất cả mọi chuyện, khi ông đi ra khỏi nơi này.
Tôi đưa mắt nhìn quanh, không nói gì. Khu vườn tối ẩm ướt ở kia! Có lẽ đây là nơi Gacxia đã gặp cô gái bất hạnh mà đêm nay sẽ phải chết. Chúng tôi đi thêm một trăm bước nữa trong vườn và lại dừng trước một cánh cửa khác gắn vào tường một ngôi nhà thấp, xây dựng theo kiểu người Mô. Bà tu sĩ lại gõ cửa, nhưng lần này cuộc nói chuyện của bà với những người nào đó phía trong kéo dài lâu hơn. Cuối cùng cửa mở, chúng tôi bước vào một hành lang hẹp và dài được chiếu sáng mờ mờ. Sâu trong hành lang ấy, tôi nhìn thấy thân hình của các nữ tu sĩ nhẹ nhàng đi lại như những con dơi đang lặng lẽ bay trong hầm mộ. Bà kia dắt tôi di theo hành lang cho đến khi tới một cánh cửa về bên phải. Bà mở cửa, cho tôi vào phòng và bỏ lại mình tôi trong bóng tối.
Suốt mười phút tôi đứng im trong quyền lực của các ý nghĩ mâu thuẫn nhất mà bây giờ tôi không muốn nhớ lại một chút nào. Nhưng kìa, cửa lại hé mở và bà tu sĩ lại đi vào, kèm theo một nam tu sĩ người cao mặc chiếc áo màu trắng của giáo phái Đôminican. Tôi không nhìn rõ mặt ông ta vì ông ta đội một chiếc mũ cũng màu trắng, hình chóp che kín mặt chỉ chừa hai mắt. Trong một lát, ông ta đứng nhìn tôi dưới ánh sáng của ngọn đèn. Sau đó ông ta nói:
- Chào con. Bà tu sĩ đây có nói cho cha biết về việc của con. Con còn quá trẻ để chứng kiến những cảnh thế này.
- Thưa cha, nếu con nhiều tuổi hơn, thì cũng không vì thế mà chúng trở nên dễ chịu. Chắc cha biết con muốn nói điều gì. Người ta yêu cầu con tìm giúp một ít thuốc độc để làm những việc thiện nào đó. Con đã mang thuốc độc tới đây, nhưng con muốn tận mắt nhìn thấy nó được sử dụng theo ý con.
- Con là người quá cẩn thận! Nhà thờ không bao giờ dính tay vào các vụ giết người. Cô gái này sẽ phải chết vì tội lỗi cô ta đã được chứng minh, mà thời gian gần đây, những tội lỗi tương tự trở nên khá phổ biến. Vì thế, sau một thời gian dài cầu nguyện, suy nghĩ và vô ích tìm kiếm những bằng chứng có thể giảm nhẹ tội lỗi cho cô ta, cuối cùng cô ta đã bị tuyên án phải chết. Tên tuổi của những người quyết định điều này quá thiêng liêng, không thể nhắc tới ở đây được. Than ôi, cha chỉ có mặt ở đây để theo dõi việc thi hành bản án với một ít nhân nhượng mà quan tòa tối cao đã nhân từ ban cho cô ta. Cha thấy con cần được chứng kiến việc làm từ thiện này, nên cha sẽ không phản đối. Chắc bà tu sĩ đã báo cho con biết con sẽ bị trừng phạt thế nào nếu tiết lộ các điều bí mật của nhà thờ. Vì chính bản thân con, cha yêu cầu con đừng quên điều ấy!
- Thưa cha, con không là người ưa khoác lác, nên chẳng cần dặn con làm gì. Và còn điều này nữa. Con sẽ phải được trả công xứng đáng, vì thuốc độc không phải là thứ rẻ tiền.
- Xin bác sĩ đừng lo! - Ông thầy đáp với vẻ khinh bỉ. - Con cứ nói bao nhiêu là người ta sẽ thanh toán đầy đủ.
- Con không nói về tiền, thưa cha. Bản thân con sẵn sàng trả rất nhiều tiền để đêm nay không phải có mặt ở đây. Con muốn được cho phép nói chuyện với cô gái ấy trước khi cô ta chết.
- Cái gì? - Ông thầy tu kêu lên.
- Hi vọng không phải con là người quyến rũ cô ta. Nếu đúng thế, con là một kẻ đốn mạt đáng phải chịu số phận như cô ta!
- Ồ không, không, thưa cha, không phải con. Con chỉ gặp Ixaben đơ Xiguenxa một lần, nhưng chưa nói với cô ta lời nào. Người quyến rũ cô ta không phải con, mà là Hoan đơ Gacxia. Con biết rõ người này.
- Thế à? - Ông thầy tu ngạc nhiên hỏi. - Cô ta đã không chịu nhắc đến tên hắn, thậm chí cả khi bị đe dọa tra tấn. Một tâm hồn lầm lạc tội nghiệp. Trong sự lầm lạc của mình, nó cũng rất chân thành. Thế con muốn nói với cô ta điều gì?
- Con muốn hỏi cô ta thằng khốn kiếp kia đã đi đâu. Hắn là kẻ thù của con và con sẽ lùng theo hắn như từ trước tới nay con vẫn làm. Hắn gây cho con và gia đình con còn nhiều điều ác hơn so với cô gái tội nghiệp này. Xin đừng từ chối con, thưa cha, để con có thể trả thù hắn, - cho con và cho giáo hội.
- Đức Chúa dạy không nên trả thù, nhưng có lẽ lần này ngài đã chọn con để trả thù thay ngài. Cha sẽ cho con được nói chuyện với cô ta. Con hãy mặc bộ quần áo này và đi theo ta, - nói đoạn, ông chìa cho tôi một chiếc áo choàng màu trắng và chiếc mũ trùm đầu tương tự.
- Trước hết con phải đưa lọ thuốc độc này cho bà tu sĩ, vì con không muốn tự mình trao nó cho cô kia, - tôi nói. - Đây, bà cầm lấy, khi cần, bà rót nó vào cốc nước. Bà chú ý cho môi và lưỡi đứa trẻ chạm vào nước, còn lại bà đưa cho mẹ nó và làm sao để cô ta uống hết. Trước khi viên gạch cuối cùng được xây xong, bịt kín tầng hầm, họ đã ngủ thiếp không bao giờ dậy nữa.
- Vâng, tôi sẽ làm điều ấy, - bà tu sĩ khẽ đáp. - Chính nghĩa cho tôi dũng cảm, tôi sẽ làm điều ấy nhân danh tình yêu và lòng thương.
- Bà quá mủi lòng đấy, - ông thầy tu vừa nói vừa làm dấu thánh. - Công lí mới chính là lòng thương! Thật đáng buồn cho thể xác yếu đuối dám nổi loạn chống lại linh hồn!
Khi tôi mặc xong chiếc áo choàng màu trắng như một bóng ma, ông thầy tu và bà tu sĩ cầm đèn dẫn tôi đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét