Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Công Chúa Ô-tô-mi



Công Chúa Ô-tô-mi - 4

XXXII
CÁI CHẾT CỦA GUATÊMÔC 

Chúng tôi sống bình yên ở thành Xôxen một thời gian. Các vết thương do bàn tay độc ác của Gacxia gây nên trên người tôi lành lại một cách chậm chạp, chúng bắt tôi phải chịu đau đớn không ít, nhưng cuối cùng tôi đã bình phục hẳn. Tuy nhiên, tôi, Ôtômi và đồng bào của nàng hiểu hòa bình sẽ kéo dài không lâu, vì chúng tôi đã thẳng tay đuổi ra khỏi thành phố các sứ giả của Malixin. Nhiều người bây giờ hối tiếc về điều ấy, nhưng việc đã làm không chữa lại được!
Chúng tôi bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. Ôtômi cầm đầu hội đồng bộ lạc mà tôi cũng tham gia. Chẳng bao lâu sau có tin báo năm mươi tên Tây Ban Nha và năm nghìn tên Tlatxcalan tay sai đang tiến tới thành phố với ý định xoá hẳn nó khỏi mặt đất. Tôi được chọn làm chỉ huy quân đội Ôtômi gồm hơn mười nghìn người, được trang bị không đến nỗi tồi, tất nhiên theo cách riêng của mình. Rời thành phố, chúng tôi đi theo khe núi ra đón kẻ thù, nhưng vừa đi được hai phần ba khe núi, tôi cho các chiến binh dừng lại. Tôi không định đóng trại ở đây vì hẻm núi quá hẹp, không có chỗ để dàn quân đánh nhau. Kế hoạch của tôi khác hẳn. Tôi cho bảy nghìn chiến binh đi vòng qua núi theo những con đường nhỏ chỉ người Ôtômi mới biết, rồi để họ nấp sau các tảng đá lớn cao gần ba trăm mét dọc hai bờ khe núi. Đồng thời tôi ra lệnh cho họ phải chuẩn bị thật nhiều đá.
Các chiến binh còn lại trang bị cung tên và mũi giáo, - trừ năm trăm người luôn đi theo tôi, - được tôi bố trí phục kích ở các chỗ lõm sâu vào sườn núi có thể tránh được đá từ trên cao ném xuống. Sau đó tôi cử những người tin cậy nhất đi trinh sát trước. Một số theo dõi đường tấn công của quân Tây Ban Nha, số khác được giao nhiệm vụ vờ dẫn đường cho chúng.
Tôi nghĩ kế hoạch của tôi như thế là tuyệt diệu. Tất cả tiến triển tốt đẹp, ấy thế mà suýt nữa chúng tôi thất bại. Số là trong trại chúng tôi có cả Mactla. Tôi cố tình bắt hắn cùng đi để theo dõi, nhưng hóa ra hắn cũng không ngồi yên vô ích.
Khi chỉ còn nửa ngày đường nữa quân Tây Ban Nha sẽ tới cửa khe, một trong những người thám báo tôi cử đi theo dõi đường tiến quân của chúng đã đến gặp tôi. Anh ta thú nhận rằng Mactla đã mua chuộc anh ta và bắt phải báo cho viên chỉ huy quân Tây Ban Nha về âm mưu của chúng tôi. Anh ta đã đồng ý, nhận những gì được đề nghị rồi lên đường, nhưng bị lương tâm cắn rứt, anh ta đã quay lại báo cho tôi mọi chuyện. Lập tức tôi ra lệnh bắt ngay Mactla, và trước khi trời tối, hắn đã bị treo cổ, một hình phạt thích đáng dành cho sự phản bội của hắn.
Sáng hôm sau đoàn quân Tây Ban Nha bắt đầu đi vào khe núi. Tôi đem năm trăm chiến binh của tôi ra đón chúng, nhưng vừa đánh nhau một lúc, tôi vội rút lui với số thương vong không đáng kể. Đoàn quân Tây Ban Nha mỗi lúc một hăng, còn chúng tôi thì cố chạy thật nhanh để thoát khỏi toán lính kị đang đuổi theo.
Gần nửa dặm nữa thì hết lối đi và tiếp đến là thành Xôxen, khe núi bỗng rẽ ngoặt và thu hẹp hẳn lại. Các dốc núi ở đây cao và thẳng đứng, nên phía dưới bao giờ cũng mờ mờ tối. Đến chỗ ngoặt này, chúng tôi bỏ chạy thật nhanh, làm ra vẻ vô cùng sợ hãi, còn quân Tây Ban Nha thì được thắng lợi kích thích, vừa đuổi theo vừa kêu to tên các thánh của chúng. Nhưng vừa đặt chân tới chỗ khe núi bị thu hẹp, cái hào khí của chúng vụt biến mất. Các chiến binh của tôi đang theo dõi chúng từ độ cao ba trăm mét đã nhất loạt đổ xuống đầu chúng một trận mưa đá khủng khiếp, làm trời đất tối sầm hẳn lại. Phần lớn quân Tây Ban Nha đã bị giết ngay tại chỗ. Số còn lại chạy lên phía trước, nơi lối đi rộng hơn. Một số thoát qua được, nhưng các tay cung của tôi đã chờ sẵn, và bây giờ, thay cho những viên đá, hàng nghìn vạn mũi tên thi nhau bay vào chúng. Cuối cùng, trong một sự hỗn độn tột độ, kẻ địch giẫm lên nhau tháo chạy, không hề nghĩ tới việc chống cự.
Trận đánh đến đây kết thúc. Chúng tôi tấn công kẻ thù từ khắp mọi phía, trên cao mưa đá lại dội xuống. Chỉ một ít quân Tây Ban Nha và tay sai thoát ra khỏi các dãy núi bao quanh thành Xôxen.
Sau trận đánh ấy quân Tây Ban Nha để chúng tôi yên trong nhiều năm liền, chỉ hạn chế bằng đôi lời đe dọa, còn tên tuổi của tôi thì lừng lẫy khắp các bộ lạc Ôtômi.
Tôi đã cứu một tên Tây Ban Nha bị bắt thoát chết và sau đó thả cho tự do. Qua tên này, tôi biết được đôi điều về Gacxia, hay còn gọi là Xacxêđa. Hắn vẫn ở bên Côrtex. Marina đã giữ đúng lời hứa, làm hắn bị Côrtex ghét bỏ vì tội muốn tra tấn Ôtômi. Côrtex còn ghét hắn bởi lẽ Marina đã đổ lên đầu hắn tội để chúng tôi chạy thoát. Cô ta nói chắc Gacxia thả chúng tôi ra khỏi trại để nhận một số tiền hối lộ lớn.
Về mười bốn năm đời tôi sau trận thắng ấy, tôi sẽ kể ngắn gọn, vì so với trước, đó là những năm yên ổn. Trong thời gian này, chúng tôi đã sinh thêm ba người con trai, - một nguồn an ủi lớn cho tôi. Tôi yêu chúng, và chúng cũng rất yêu tôi. Nếu không lai dòng máu mẹ, chúng là những người Anh chính cống, vì tôi đã cho chúng nhập đạo Thiên chúa và dạy cho chúng tiếng Anh của chúng ta. Chúng có đôi mắt của tôi, và nếu không kể nước da ngăm đen, chúng có vẻ ngoài giống người Anh nhiều hơn người da đỏ.
Nhưng than ôi, những đứa con mà tôi yêu quý ấy cũng phải chịu một số phận cay đắng! Chúng bị cái chết bắt đi như đứa con bất hạnh của tôi và Lyly mãi về sau mới được sinh ra. Hai đứa đã chết, - một vì bệnh sốt mà tôi bất lực không chữa nổi, còn đứa thứ hai thì ngã từ ngọn một cây tùng linh xuống, khi nó trèo lên tìm tổ diều hâu. Trong ba người con trai, - đây là tôi chưa nói tới đứa đầu lòng của chúng tôi đã chết trong khi thành Tênôctitlan bị bao vây, chỉ còn lại một đứa duy nhất, đứa lớn nhất và được tôi đặc biệt yêu quý. Sau này tôi sẽ kể về nó.
Còn những chuyện khác thì sao? Sau khi đánh thắng quân Tây Ban Nha và tay sai của chúng, tôi được đại hội đồng bầu làm thủ lĩnh thành Xôxen, ngang hàng với Ôtômi và bằng cách ấy chúng tôi được trao quyền lực rất lớn, nhưng không phải tuyệt đối. Nhờ quyền lực ấy, cuối cùng tôi đã bỏ được lệ giết người tế thần đáng sợ, mặc dù điều ấy làm các quan tư tế vô cùng tức giận và dẫn tới việc nhiều bộ lạc từ chối không chịu liên minh với chúng tôi nữa. Lần giết người tế thần cuối cùng, nếu không kể cái lần kinh khủng nhất mà tôi sẽ nói ở phần sau, được tiến hành trên đỉnh kim tự tháp đối diện với cung điện ngay sau khi quân Tây Ban Nha bị đánh bại.
Khi tới Xôxen được ba năm, - lúc này Ôtômi đã sinh được hai đứa con trai, - bạn bè của Guatêmôc đã bí mật đến tìm tôi. Chàng chịu đựng tất cả các đòn tra tấn và vẫn bị Côrtex giam như trước. Những người này cho tôi biết Côrtex sắp tiến hành một cuộc viễn chinh về phía vịnh Ônđurax xuyên qua đất nước mà bây giờ gọi là Ucatan, và rằng hắn quyết định mang Guatêmôc cùng các nhà quý tộc khác đi theo, vì sợ để lại không ai trông giữ cẩn thận. Nhờ họ, tôi biết cả việc các bộ lạc Anahuac bị chinh phục càng ngày càng bất bình trước sự tàn ác và ngang ngược của người Tây Ban Nha. Nhiều người cho rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một cuộc bạo loạn chung, và cuộc bạo loạn ấy có thể thắng lợi.
Những người cử họ tới đây yêu cầu tôi dẫn một đội quân Ôtômi đến Ucatan cùng họ chiến đấu. Người ta sẽ đợi tôi ở đấy. Khi tất cả các đạo quân được tập trung một chỗ, chúng tôi sẽ bao vây bọn Tây Ban Nha giữa rừng và đầm lầy, sau đó chọn thời cơ tấn công giết sạch chúng và giải phóng cho Guatêmôc. Đó là bước đầu của kế hoạch chống bọn xâm lược nước ngoài; về các phần còn lại, tôi không muốn nói ở đây vì chúng không được thực hiện.
Nghe những người đưa tin nói xong, tôi buồn bã lắc đầu vì thấy trước kế hoạch của họ sẽ thất bại. Lúc ấy người cầm đầu trong số họ kéo tôi ra một bên để truyền lại những lời chỉ dành riêng cho tôi.
- Vua Guatêmôc nhờ tôi nói lại với ông thế này! “Tôi nghe nói anh, người anh em của tôi, cùng với em gái tôi là Ôtômi đang sống tự do trên núi. Còn tôi thì than ôi, tôi đang chết dần trong nhà giam của bọn Teule, như con đại bàng bị thương trong lồng sắt. Tôi van anh, nếu có thể, hãy giúp tôi vì tình bạn cũ và vì tất cả những gì chúng ta đã cùng chịu đựng. Biết đâu sẽ có lúc tôi lại là vua Anahuac, và anh sẽ ngồi bên tôi!”
Tôi nghe xong, trái tim rớm máu, vì như trước, tôi vẫn rất yêu quý Guatêmôc.
- Hãy quay lại nói với Guatêmôc, - tôi đáp, - rằng tuy ít hy vọng, nhưng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp ông ta. Cứ đợi tôi trong rừng Ucatan.
Nghe tôi hứa thế, Ôtômi rất buồn. Nàng cho đó là một việc điên rồ, và nói nó chỉ dẫn tới cái chết mà thôi. Nhưng một khi đã nói ra, lời hứa phải được thực hiện, và Ôtômi không cố giữ tôi nữa. Tôi tập hợp năm trăm chiến binh rồi bắt đầu một cuộc hành trình xa xôi và khó khăn, tính toán làm sao để gặp quân Tây Ban Nha ở các rừng rậm Ucatan. Đúng vào phút cuối cùng, Ôtômi muốn đi theo tôi, nhưng tôi cương quyết không cho, vì nàng không có quyền bỏ rơi dân tộc và những đứa con của nàng. Và thế là chúng tôi chia tay, lần đầu tiên cảm thấy cái đau buồn xa cách.
Tôi sẽ không kể ở đây tất cả những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trên đường đi. Chúng tôi đi ròng rã hai tháng rưỡi, qua rất nhiều sông núi, ao hồ, rừng cây, cho đến khi cuối cùng tới một thành phố chết khổng lồ đã bị các dân cư của nó bỏ hoang rất nhiều năm về trước. Người da đỏ địa phương gọi nó là Palenkê Một trong những thành phố cổ của dân tộc Maia, có nhiều ngôi nhà kiến trúc đẹp, đã bị bỏ hoang rất lâu trước khi người Tây Ban Nha tới.). Thành phố ấy là một trong những nơi kì diệu nhất mà tôi thường gặp trong cuộc đời nay đây mai đó của mình. Nó bị cỏ và bụi rậm che gần hết. Nhìn đi đâu cũng thấy các lâu đài bằng đá cẩm thạch đang đổ sụp, phía trong và ngoài tường có nhiều hình điêu khắc. Ngoài ra còn có nhiều kim tự tháp được trang điểm bằng các bức tranh kiến trúc và các hình điêu khắc xấu xí miêu tả các thần đang cười giễu người đời. Tôi thường tự hỏi: dân tộc nào đã dựng lên được một Thủ đô tráng lệ thế này, và ông vua nào đã trị vì ở đây? Những câu hỏi ấy chỉ trả lời được khi một nhà bác học nào đó đoán ra nổi ý nghĩa các biểu tượng bằng đá và các dòng chữ kì dị khắc đầy mặt tường của những ngôi nhà còn chưa đổ sụp.
Chúng tôi náu mình trong thành phố chết ấy, mặc dù phải vất vả lắm tôi mới thuyết phục nổi các chiến binh của mình đi theo tôi. Họ sợ khấy động linh hồn hàng nghìn, hàng vạn con người đã có thời sống ở đây, sợ những cơn sốt độc ác, đấy là chưa nói tới vô số rắn và thú dữ luôn đi lại giữa các đống đổ vỡ. Tuy nhiên, tôi nhận được tin quân Tây Ban Nha sẽ phải đi qua những bãi lầy giữa dòng sông và thành phố chết, chính vì vậy tôi quyết định chọn đúng nơi này để phục kích.
Sau ngày thứ tám, quân thám báo cho tôi biết Côrtex đã vượt con sông lớn phía thượng nguồn, và bây giờ đang xuyên qua các cánh rừng, - đầm lầy đã làm hắn ngấy tới cổ. Chúng tôi vội vàng đi về phía dòng sông để theo hắn vượt qua bờ bên kia. Bỗng nhiên trời đổ mưa rào, một trận mưa khủng khiếp chỉ ở đây mới có; nó kéo dài liên tục suốt một ngày một đêm, đến mức cuối cùng chúng tôi phải lội quá đầu gối mà đi, còn khi tới sông thì chúng tôi nhìn thấy trước mặt là một dòng thác mênh mông đang cuộn chảy. Để vượt qua, ít ra cũng cần một loại thuyền lớn như thuyền đánh cá ở Iamut.
Chúng tôi buộc phải chờ ba ngày đêm liền bên bờ sông, chịu cảnh cảm sốt, thiếu thức ăn và quá nhiều nước, cho đến khi cuối cùng nước rút. Sang ngày thứ tư, chúng tôi qua được sông, với sự thương tổn là bốn người.
Sang tới bờ bên kia, tôi ra lệnh cho các binh sĩ trốn trong các lùm cây và bãi sậy, và tôi thì cùng sáu người dũng cảm nhất đi về phía trước sục sạo dấu vết bọn Tây Ban Nha. Được một giờ, chúng tôi gặp một lối đi nhỏ xuyên qua rừng do chúng mở để lại, và tiếp tục đi theo con đường đó một cách cẩn thận. Một lát sau rừng thưa dần, chúng tôi bước ra một bãi cỏ lớn, nơi có lẽ cách đây không lâu bọn Côrtex đã cắm trại. Một người da đỏ chết bệnh, xác còn nằm đó. Than trong các đống tro chưa tắt hẳn.
Cách chỗ cắm trại khoảng năm mươi mét có một cây xâyba đại thụ giống như cây sồi ở nước Anh, có điều gỗ mềm hơn và vỏ ngoài màu trắng. Chỉ cần hai mươi năm, loại cây xâyba này có thể lớn bằng cây sồi một trăm năm, thành thật mà nói tôi chưa bao giờ được thấy những loại cây tương tự.
Trên cây có rất nhiều chim diều hâu đậu, khi đến gần, tôi mới hiểu tại sao chúng kéo nhau đến đây. ƠŒ những cành phía dưới có ba xác đàn ông bị treo cổ đang khẽ đung đưa theo gió.
- Đây rồi, dấu vết quân Tây Ban Nha đây, - tôi tự bảo mình. - Để xem ai thế này.
Rồi chúng tôi đi lại gần gốc cây cổ thụ.
Thấy động, một con diều hâu bay lên từ đầu người bị treo cổ ở gần chúng tôi nhất. Có thể do cánh chim đập, cũng có thể vì lý do khác, người bị treo cổ quay mặt sang phía tôi. Tôi ngước lên nhìn, hoảng hốt lùi lại, rồi nhìn một lần nữa và vừa rên vừa ngã xuống đất. Đó chính là người anh em của tôi, bạn của tôi, là Guatêmôc, ông vua cuối cùng của đất nước Anahuac! Chàng bị treo cổ như một tên ăn trộm ở khu rừng ảm đạm vắng vẻ này, và chỉ có diều hâu bay lượn trên đầu chàng. Sững sờ vì ngạc nhiên và kinh sợ, tôi đứng từ dưới đất ngước lên nhìn chàng, vô tình bỗng nhớ tới biểu tượng kiêu hãnh và quyền lực của người Aztec, - con diều hâu đang quắp một con rắn. Trước tôi là thân xác của ông vua Anahuac cuối cùng đang treo lơ lửng, và thật kinh khủng, chính tôi phải tận mắt chứng kiến cảnh một con diều hâu bỗng cắm ngập móng vào đầu chàng, như biểu tượng rùng rợn của sự diệt vong đất nước Anahuac và những ông vua của nó.
Vừa nguyền rủa, tôi vừa vội rút cung tên bắn con diều hâu. Nó kêu lên một tiếng rồi rơi ngay dưới chân tôi, hai cánh còn đập mạnh. Sau đó tôi ra lệnh cắt dây thừng. Chúng tôi cho xác Guatêmôc xuống đất, thủ lĩnh Tacubư và một nhà quý tộc Aztec khác, đào một hố sâu bên gốc cây và cho cả ba vào đó. Lần cuối cùng, tôi vĩnh biệt Guatêmôc dưới bóng cây xâyba buồn bã như thế đấy; đó cũng là nơi chàng yên nghỉ nghìn năm. Tôi đã vượt qua một con đường dài tới đây để cứu chàng, nhưng than ôi, khi gặp nhau, quân Tây Ban Nha đã kịp hành động trước, và tôi chẳng còn gì hơn để làm ngoài việc chôn cất chàng.
Thế là Anahuac để mất người cầm đầu của mình, chẳng còn ai nữa để cứu và giờ là lúc phải trở về nhà. Nhưng trước khi lên đường quay lại, vô tình chúng tôi bắt được một tên Tlatxcalan nói được tiếng Tây Ban Nha. Hắn chạy trốn từ một toán quân của Côrtex, người phờ phạc vì thiếu thốn và do đi đường vất vả. Tên này được chứng kiến cảnh hành quyết nhục nhã đối với Guatêmôc và những người Aztec khác. Hắn cũng nghe được những lời cuối cùng của chàng.
Có lẽ một tên khốn nạn nào đó đã báo cho Côrtex biết đang có âm mưu cứu thoát Guatêmôc. Thấy thế, Côrtex liền ra lệnh treo cổ họ. Guatêmôc đón nhận cái chết một cách kiêu hãnh và dũng cảm, như chàng đã đón nhận tất cả những thử thách khác trong cuộc đời đầy bi kịch của mình. Trước khi chết chàng nói:
- Malixin, tao lấy làm tiếc đã không giết được mày trước khi tự nguyện để mày bắt. Trái tim nói với tao rằng tất cả những lời thề của mày là giả dối, và nó đã không nhầm. Tao mong muốn chết, vì tao đã phải chịu thất bại nhục nhã và tra tấn, và vì tao đã sống để phải thấy nhân dân tao bị biến thành nô lệ cho bọn người Teule. Nhưng tao nói để mày biết: mày sẽ phải đền tội vì tất cả những điều ác do mày gây nên!
Sau đó chàng bị treo cổ trong một sự im lặng chết chóc.
Vĩnh biệt Guatêmôc, người da đỏ dũng cảm nhất, thông minh nhất và cao thượng nhất! Cầu mong bóng đen cái chết đau đớn của chàng sẽ đổ xuống vinh quang của Côrtex, chừng nào mọi người còn nhớ tên chàng và tên hắn!
Để trở về nhà, chúng tôi phải mất thêm hai tháng nữa, nhưng cuối cùng, vô cùng mệt mỏi chúng tôi tới được thành Xôxen, và chỉ bốn mươi người chết trong các tai nạn dọc đường đi. Ôtômi khỏe mạnh và rất sung sướng khi thấy tôi trở về, vì nàng đã tưởng không còn được gặp lại tôi nữa. Nghe tôi kể về cái chết của Guatêmôc, nàng khóc rất lâu, khóc về người anh của nàng, và về cả việc cùng cái chết của chàng, tia hy vọng cuối cùng của người Aztec đã tắt.
XXXIII
IXABEN ĐƠ XIGUENXA ĐƯỢC TRẢ THÙ
Sau cái chết của Guatêmôc, tôi và Ôtômi sống bình yên ở thành Xôxen nhiều năm nữa. Đất nước của chúng tôi cằn cỗi và nghèo, tuy thế chúng tôi không bị lệ thuộc vào quân Tây Ban Nha, không nộp cống cho chúng, và sau khi Côrtex trở về Tây Ban Nha, chúng không còn ý định thuần phục chúng tôi nữa. Hầu như toàn bộ Anahuac đã bị chúng chinh phục trừ một ít các bộ lạc sống ở những vùng núi hẻo lánh, đường sá khó khăn như chúng tôi, vì chinh phục phần còn lại của dân tộc Ôtômi chúng chẳng được lợi gì, ngoài những trận đánh ác liệt, vì vậy chúng để yên chờ dịp khác.
Tôi nói “những phần còn lại của dân tộc Ôtômi”, vì dần dần nhiều bộ lạc Ôtômi đã tự mình đầu hàng quân Tây Ban Nha, cuối cùng chỉ còn lại thành Xôxen của chúng tôi và phần đất bao quanh nó không quá mấy chục dặm. Phải nói thật rằng chính nhờ yêu mến công chúa Ôtômi, lòng kính trọng đối với tên tuổi và dòng dõi lâu đời của nàng, và có thể nhờ danh tiếng của tôi, một thủ lĩnh da trắng tài giỏi về nghệ thuật quân sự, mà số thần dân Ôtômi ít ỏi ấy không bỏ chúng tôi đi.
Người ta thường hỏi tôi có hạnh phúc không? Để hạnh phúc, tôi đã được trao rất nhiều, và chắc ít ai được Chúa cho một người vợ xinh đẹp và đầy tình yêu nồng nàn như vợ tôi, người đã nhiều lần khẳng định tình cảm ấy của mình bằng những hành động tự hy sinh đáng khâm phục. Người phụ nữ ấy đã tự nguyện nằm cạnh tôi trên bàn thờ của thần chết; vì tôi, nàng đã để tay nhuốm máu; sự thông minh của nàng đã cứu tôi thoát nhiều cảnh hiểm nghèo, còn tình yêu của nàng là nguồn an ủi tôi trong những lúc đau buồn. Nếu sự biết ơn có thể chinh phục trái tim đàn ông, thì suốt đời tôi sẽ đặt trái tim tôi dưới chân Ôtômi; trong chừng mực nào đó, xưa nay nó đã như thế. Nhưng lẽ nào lòng biết ơn, các tình cảm khác hay thậm chí cả tình yêu nồng nàn có thể bắt được chúng ta quên ngôi nhà quê hương? Tôi, một thủ lĩnh da đỏ, cầm đầu một bộ lạc đang ở trong tình thế tuyệt vọng, đấu tranh chống lại chính số phận, lẽ nào tôi có thể quên được tuổi trẻ cùng bao nhiêu hy vọng và lo sợ, quên được thung lũng Uêvơni với những bông hoa xinh đẹp ở đó, và quên được lời thề của tôi, thậm chí cả khi lời thề ấy đã bị phản bội? Chả là tất cả đã xảy ra trái với ý tôi, chẳng qua vì bị hoàn cảnh bắt buộc, và tôi nghĩ những ai đọc xong câu chuyện này sẽ không lên án những việc tôi đã làm. Chắc ít người ở vào địa vị tôi, bị tấn công từ mọi phía bởi sự nghi ngờ, khó khăn và nguy hiểm, có thể hành động khác.
Trí nhớ không để tôi yên. Nhiều lần đang đêm tỉnh dậy, thậm chí với Ôtômi nằm cạnh, trái tim tôi da diết nhớ nhung và hối hận, nếu người ta có thể hối hận những điều không phụ thuộc vào họ. Tôi vẫn đeo chiếc nhẫn của Lyly trên tay, nó là kỷ niệm duy nhất của nàng tôi còn giữ được. Tôi không biết nàng đã lấy chồng hay chưa, còn sống hay chết. Càng ngày, cái hố ngăn cách chúng tôi càng sâu rộng hơn, nhưng ý nghĩ về nàng vẫn bám theo tôi như cái bóng, chúng xuyên qua cả tình yêu bão táp của Ôtômi, thậm chí tôi cảm thấy chúng cả trong những cái hôn của con tôi. Điều đáng sợ nhất là tôi tự khinh bỉ mình vì những cảm giác luyến tiếc ấy. Tuy nhiên, còn một điều khác làm tôi còn sợ hơn thế, đó là việc Ôtômi, người không bao giờ nhắc tới chuyện này, có thể đọc thấy trong tim tôi:
Dù chúng ta ở đâu
Trái tim vẫn bên nhau.
Trên chiếc nhẫn Lyly tặng có ghi hai câu thơ ấy, và trong thực tế đã xảy ra đúng như vậy. Vâng, chúng tôi xa nhau, xa đến nỗi không thể hình dung nổi có chiếc cầu nào đó có thể nối liền hai người, nhưng dù sao, tâm hồn tôi vẫn luôn bên nàng. Có thể trong tim nàng tất cả đã giá lạnh, nhưng vượt qua núi non, biển cả, vượt qua sự vô cùng vô tận của cái chết, tôi vẫn hướng về nàng như trước, và nếu nàng đã chết thì chỉ cái chết mới chia cắt được chúng tôi. Như trước, tôi vẫn mơ ước về tình yêu mà tôi đã phản bội.
Những người đọc câu chuyện đời tôi những năm còn trẻ chắc vẫn nhớ cái chết của Ixaben đơ Xiguenxa, về việc trước khi chết cô ta nguyền rủa tên linh mục đã xúc phạm và chửi mắng cô ta; đồng thời cô ta còn nói rằng hắn sẽ phải chết một cái chết còn rùng rợn hơn bởi bàn tay những kẻ cuồng tín như hắn. Nếu nhớ không nhầm, thì hình như ở phần đầu tôi có nói rằng điều ấy đã xảy ra, và bằng một cách lạ kì nhất.
Sau khi Côrtex chinh phục Anahuac, tên linh mục mẫn cán ấy đã tới Mêhicô cùng một số tên khác để dùng kiếm và các dụng cụ tra tấn khác bắt người da đỏ phải yêu mến vị thần chân chính là Chúa Giêsu. Hắn là tên cuồng tín và dã man nhất trong số những đồng nghiệp của hắn làm cái nghề “nhân đạo” ấy.
Bọn người tư tế da đỏ làm nhiều việc thật độc ác, như móc tim người để tế thần Uixilôpôctli hay thần Kêxancôatli, nhưng ít ra chúng chỉ gửi linh hồn những nạn nhân đáng thương ấy lên Ngôi nhà Mặt trời. Còn các linh mục Thiên chúa giáo thì thay hòn đá chém bằng các dụng cụ tra tấn tinh vi và bằng các giàn thiêu người, thêm vào đó, linh hồn các nạn nhân được giải phóng khỏi bao đau đớn trần tục bằng cách ấy, bị chúng ném xuống Ngôi nhà của quỷ dữ.
Vâng, trong số những tên độc ác và khốn nạn nhất, cha Pêđrô này của chúng ta là thằng nổi bật hơn cả. Hắn xuất hiện lúc chỗ này, lúc chỗ khác, để lại sau lưng hàng đống xác người ngoại đạo, đến mức cuối cùng hắn được gọi là Con quỷ dữ của Chúa Giêsu. Nhưng một lần, khi làm cái việc thiêng liêng ấy của hắn, hắn đã đi quá xa và bị một bộ lạc Ôtômi bắt được. Bộ lạc này tách khỏi chúng tôi vì muốn giữ nghi lễ giết người tế thần, nhưng họ cũng không thuần phục quân Tây Ban Nha. Một hôm, tôi được báo các quan tư tế của bộ lạc ấy muốn giết một nhà truyền đạo Giatô bị bắt làm tù binh để tế thần Têcatlipôca. Lúc ấy đã là năm thứ mười bốn kể từ ngày chúng tôi cầm đầu thành Xôxen.
Lập tức tôi cùng một toán lính nhỏ lên đường tới gặp thủ lĩnh bộ lạc này, với hy vọng thuyết phục được ông ta thả nhà truyền đạo kia ra. Mặc dù bộ lạc này không cùng liên minh với chúng tôi, nhưng giữa tôi và vị thủ lĩnh ấy vẫn có những mối quan hệ thân thiện nhất định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi tới thì đã muộn. Các quan tư tế đã hành động trước.  Con quỷ dữ của Chúa Giêsu bị dâng tới cái thớt chém bằng đá trước một bức tượng thật kinh khủng, xung quanh là những chiếc cọc có cắm đầu lâu. Hai tay trói quặt sau lưng, bị lột trần tới bụng, để lộ chiếc ngực có những túm lông lốm đốm bạc. Cha Pêđrô vừa đi tới chỗ hành hình, vừa lắc đầu để xua bầy muỗi đang bay vo ve xung quanh. Đôi môi mỏng của hắn lẩm bẩm đọc những lời cầu nguyện, còn cặp mắt ti hí và sắc thì như nhìn xoáy vào mặt kẻ thù của hắn, với vẻ đe dọa nhiều hơn là xin được tha chết. Tôi nhìn hắn, và rất ngạc nhiên khi biết hắn là ai.
Lập tức trong đầu tôi hiện lên cảnh một hầm tù ảm đạm ở Xêvin, một cô gái trẻ đẹp khoác tấm vải liệm và một tên linh mục mặc quần áo đen, khuôn mặt bé choắt đang cầm cây thánh giá bằng ngà voi đập gãy răng và không ngớt lời chửi rủa cô kia vì tội phản đạo. Tên linh mục ấy hiện giờ đang đứng trước mặt tôi! Ixaben đơ Xiguenxa đã báo trước cho hắn một cái chết như cái chết của cô. Điều tiên tri của cô đã thành sự thật. Lúc này tôi không chặn bàn tay số phận lại được, thậm chí cả khi tôi có quyền. Tôi đứng lùi sang bên và khi Con quỷ dữ của Chúa Giêsu đi ngang, tôi nói với hắn bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Có thể cha đã quên, thưa cha, nhưng hãy nhớ lời tiên tri của Ixaben đơ Xiguenxa trước khi chết, cô ta đã bị cha giết hại ở Xêvin nhiều năm trước đây!
Nghe tôi nói thế, tên linh mục tái mặt, mặc dù da mặt hắn rám nắng; hắn run lên và tôi nghĩ chỉ chút nữa hắn ngã. Hắn kinh sợ nhìn tôi, nhưng chỉ thấy trước mặt là một thủ lĩnh da đỏ bình thường đang vui thích khi thấy một trong những kẻ thù của mình bị giết.
- Quỷ xatăng! - Hắn thều thào nói. - Ngươi từ địa ngục tới đây để hành hạ ta vào giờ phút cuối cùng này chăng?
- Xin cha nhớ lại những lời cuối cùng của Ixaben đơ Xiguenxa khi cha nguyền rủa và đánh cô ta, - tôi châm chọc hắn. - Không cần biết tôi là ai, hãy nhớ lời cô ta nói!
Hắn đứng sững lại trong chốc lát, không để ý tới bọn người tư tế đang xô, giục hắn đi, nhưng sau đó, hắn lấy lại được dũng cảm và kêu thét lên:
- Hãy tránh xa ta, quỷ xatăng, ta không sợ ngươi đâu! Ta đã nhớ cô gái tội lỗi ấy, mong cho linh hồn cô ta được yên nghỉ! Điều cô ta nguyền rủa hôm nay đã đến với ta, nhưng ta đang vui mừng, đúng, vui mừng, vì sau cái thớt chém bằng đá là cánh cửa thiên đường đang mở rộng chờ ta. Cút đi, quỷ xatăng, cút đi, ta không sợ, không sợ!
Bị lôi đi tiếp, hắn vẫn tiếp tục kêu to:
- Ôi! Lạy Chúa, hãy cứu rỗi linh hồn con! Lạy Chúa!
Mong cho linh hồn hắn được yên nghỉ!
Hắn độc ác nhưng ít ra không hèn nhát, và đã dũng cảm tiếp nhận cái số phận bi thảm mà trước đấy chính hắn đã bắt rất nhiều người phải chịu.
Bản thân sự kiện này không lớn lắm, nhưng than ôi, nó đã dẫn tới những hậu quả vô cùng trầm trọng. Nếu lúc ấy tôi cứu được hắn khỏi tay bọn người tư tế, thì có lẽ bây giờ tôi không phải viết những dòng này trong ngôi nhà của tôi ở thung lũng Uêvơni. Tôi không biết liệu tôi có cứu được hắn không, chỉ biết thậm chí lúc ấy tôi không có ý định cứu hắn, và rằng cái chết của hắn đã gây cho tôi một tai họa thật lớn.
Vào thời gian này, Tây Ban Nha đã cử một đại diện mới cho nhà vua sang đây. Biết cái chết của nhà truyền đạo, ông ta vô cùng tức giận và quyết định sẽ trả thù những người Ôtômi vô thần.
Chẳng bao lâu sau tôi được tin một đội quân rất lớn gồm người Tlatxcalan và các bộ lạc da đỏ khác đã lên đường trừng phạt chúng tôi, với quyết tâm giết hết tất cả những người Ôtômi, không bỏ sót một người nào. Cùng đi với chúng còn có một trăm lính Tây Ban Nha. Cầm đầu đội quân trừng phạt này không phải ai xa lạ mà là đại úy Becnan Điax, tên lính đã được tôi tha chết trong trận đánh Đêm buồn, chủ nhân của thanh kiếm tôi đang mang bên hông.
Phải chuẩn bị phòng thủ trước, vì chúng tôi chỉ có một hy vọng duy nhất để chiến thắng là phản công bất ngờ. Trước kia, quân Tây Ban Nha cùng hàng nghìn quân tay sai của chúng đã tấn công chúng tôi, nhưng kết quả là chỉ một ít tên sống sót trở về trại Côrtex. Điều được làm một lần có thể sẽ lặp lại, - Ôtômi đã nói thế với sự vững tin kiêu hãnh của một bản lĩnh bất khuất. Nhưng than ôi, sau mười bốn năm nhiều cái đã thay đổi.
Mười bốn năm trước đây, dưới quyền chúng tôi là cả một vùng rừng núi rộng lớn, chỉ cần lên tiếng gọi là lập tức các bộ lạc sẽ gửi cho chúng tôi hàng nghìn chiến binh. Bây giờ các bộ lạc ấy không phụ thuộc chúng tôi nữa, và chúng tôi chỉ có thể trông chờ vào dân chúng thành Xôxen và một vài vùng lân cận. Trong trận đánh lần trước tôi có thể huy động tới mười nghìn binh sĩ, bây giờ vất vả lắm tôi mới có được hai ba nghìn người, mà rồi gặp nguy hiểm, một phần trong số đó đã bỏ chạy.
Dù khó khăn như thế, tôi vẫn không được nản chí. Tôi phải sử dụng một cách tốt nhất các lực lượng tôi có, tuy thật ra tôi rất lo sợ về kết quả của trận đánh. Tuy nhiên, tôi cố giấu không cho Ôtômi biết những lo lắng của tôi, về phần mình nàng cũng giữ kín không bộc lộ ra ngoài những điều làm nàng băn khoăn. Niềm tin của Ôtômi vào tôi thật lớn: nàng tin chắc rằng chỉ đầu óc thông minh của tôi cũng đủ đánh tan toàn bộ đội quân Tây Ban Nha.
Kẻ thù đang tới gần, chúng tôi chuẩn bị phòng thủ. Kế hoạch của tôi cũng giống mười bốn năm trước đây. Tôi sẽ cầm đầu một toán quân nhỏ xông ra đón địch ở khe núi, con đường duy nhất dẫn tới thành Xôxen. Lực lượng còn lại được chia thành hai phần đều nhau bố trí ở hai bờ đá dựng đứng dọc khe núi để ném đá xuống quân Tây Ban Nha khi chúng đuổi theo tôi. Ngoài ra, tôi còn cho tiến hành các biện pháp dự phòng. Rất có thể quân địch sẽ dồn chúng tôi tới chân thành phố, vì vậy tôi đã ra lệnh để lại một số quân để canh giữ các cổng và tường thành. Để đề phòng trường hợp xấu nhất, tôi cho đưa lên đỉnh kim tự tháp, - là nơi sau khi bỏ lệ giết người tế thần, được biến thành chỗ chứa vũ khí, - một số lớn nước và thức ăn dự trữ. Tôi cho xây bao quanh kim tự tháp những bức tường có gắn mảnh thuỷ tinh do núi nửa phun ra cùng các công trình khác, và biến nó thành một pháo đài bất khả xâm phạm mà từ nay sẽ chẳng có ai chiếm được nó, nếu trong pháo đài còn lại dù chỉ mười người bảo vệ.
Cuối cùng, vào một đêm đầu hè, tôi chia tay với Ôtômi và sau khi ra lệnh cho phần lớn lực lượng mai phục trên khe núi, tôi cầm đầu mấy trăm chiến binh khác đi dọc theo con đường sẩm tối. Cùng đi với tôi có con trai tôi. Nó đã đến cái tuổi mà theo phong tục người da đỏ, phải trải qua các nguy hiểm của chiến tranh.
Thám báo cho tôi biết, quân Tây Ban Nha đóng trại ở bên kia khe núi và định vượt qua nó một giờ trước khi trời sáng, với hy vọng làm chúng tôi không kịp trở tay. Các tin tức ấy chính xác. Khi mặt trời vừa chiếu những tia đầu tiên lên đỉnh núi lửa Haca phủ tuyết, chúng tôi bỗng nghe có tiếng ầm ì được nhân lên nhờ tiếng vọng của rừng núi báo tin quân Tây Ban Nha đang lại gần. Tôi dẫn đầu các chiến binh ra đón đường. Chúng tôi đi một cách lặng lẽ vì ở đây mỗi hòn đá đã trở nên quen thuộc. Nhưng bọn Tây Ban Nha thì ngược lại. Nhiều tên trong số chúng cưỡi ngựa, vả lại chúng phải kéo theo hai khẩu đại bác lớn. Cứ một lúc, các cỗ súng nặng nề ấy lại bị kẹt giữa các tảng đá vì những tên nô lệ kéo chúng do trời tối không nhìn thấy đường đi. Cuối cùng, vì không muốn đánh nhau trong điều kiện bất lợi như thế, tên chỉ huy đã ra lệnh dừng lại chờ trời sáng.
Trời sáng hẳn, những tia sáng yếu ớt chiếu xuống khe núi hiểm trở. Từ bóng tối chui ra một đoàn dài những tên Tây Ban Nha mặc áo giáp sáng loáng, theo sau là hàng nghìn quân tay sai da đỏ mặc quần áo còn sặc sỡ hơn, đầu đội những chiếc mũ có vẽ hình kì dị và khoác những tấm vải cắm lông chim nhiều màu.
Kẻ địch cũng nhìn thấy chúng tôi và bắt đầu cười giễu trang phục nghèo nàn của đối thủ. Cứ thế, vòng quanh các tảng đá như một con rắn khổng lồ, cả đoàn quân Tây Ban Nha và tay sai tiến dần lên phía trước theo khe núi. Khi khoảng cách chỉ còn lại hơn một trăm bước, quân Tây Ban Nha hô to những tiếng hô xung trận, ném giáo sang phía chúng tôi, và rồi vừa cầu Thánh Pie giúp đỡ, chúng vừa phi ngựa lao vào tấn công.
Chúng tôi đón chúng bằng những trận mưa tên. Điều này làm chúng dừng lại, nhưng không lâu. Một lát sau quân Tây Ban Nha tiến lại gần hơn và bắt đầu dồn ép chúng tôi bằng những chiếc giáo dài và nhọn. Nhiều chiến binh của tôi đã bị giết, vì nói chung vũ khí người da đỏ không thể nào chống chọi nổi các tay lính kị và các con ngựa chúng cưỡi được che bằng áo giáp kim loại. Chúng tôi buộc phải bỏ chạy, và đó cũng là một phần kế hoạch chiến đấu. Tôi định kéo chúng tới chỗ lối đi bị thu hẹp và hai vách núi dựng đứng để các chiến binh của tôi ném đá xuống đầu chúng.
Tất cả xảy ra đúng dự định. Chúng tôi chạy, còn quân Tây Ban Nha thì được thắng lợi kích thích, đuổi theo để rơi vào bẫy. Hòn đá đầu tiên đã được ném xuống, giết chết một con ngựa, và khi văng ra làm một con khác bị thương. Tiếp sau là hòn thứ hai, thứ ba, và tôi thầm vui mừng, cho là mọi nguy hiểm đã lùi lại phía sau, và một lần nữa kế hoạch của tôi sẽ mang lại thắng lợi.
Nhưng bỗng nhiên tôi nghe thấy trên cao có những tiếng động lạ, hoàn toàn không giống tiếng đá lăn xuống khe. Đó là tiếng động của một trận đánh và mỗi lúc một to hơn. Rồi từ trên cao có cái gì văng xuống. Tôi nhìn kỹ, - thì ra đó không phải hòn đá mà là một xác người, một trong những chiến binh Ôtômi của tôi. Anh ta mới chỉ là giọt đầu tiên trong trận mưa xác chết sẽ tiếp theo sau đó.
Than ôi, thế là rõ: chính chúng tôi bị rơi vào bẫy! Quân Tây Ban Nha là những tên lĩnh dạn dày kinh nghiệm nên không chịu mắc bẫy hai lần. Chúng phải cho các khẩu đại bác đi qua khe núi vì không còn cách nào khác, nhưng trước đó, nhờ đêm tối, chúng đã cho phần lớn lực lượng của chúng vào núi. Theo những con đường bí mật được bọn phản bội chỉ dẫn, chúng đã lên tới đỉnh núi bằng phẳng, và bây giờ đang chém giết toán quân mai phục của tôi có nhiệm vụ bảo vệ khe núi và ném đá xuống đầu địch.
Đây không phải là trận đánh mà là một cuộc tàn sát thật sự. Náu mình trong các hốc đá và những bụi cây gai, các chiến binh Ôtômi của tôi chỉ theo dõi đường tiến của kẻ địch theo khe núi, mà không ngờ rằng chúng có thể đang ở sau lưng. Họ bị tấn công bất ngờ. Nhiều người thậm chí không kịp cầm vũ khí đánh trả, vì trước đây vũ khí đã được xếp sang bên để tiện lăn những tảng đá lớn xuống khe. Với số quân đông hơn hẳn, kẻ địch vừa kêu to man dại, vừa lao tới. Trận đánh diễn ra thật quyết liệt và nhanh chóng.
Khi tôi hiểu tất cả những điều này thì đã muộn. Và tôi luôn miệng nguyền rủa mình đã không lường trước một khả năng như thế. Thú thật, tôi không hề nghĩ quân Tây Ban Nha có thể biết được những con đường bí mật dẫn chúng lên đỉnh núi từ phía bên kia. Tôi là một thằng ngốc! Tôi đã quên rằng sự phản bội có thể làm tất cả mọi điều.
XXXIV
THÀNH XÔXEN BỊ BAO VÂY
Trận đánh kết thúc với sự thất bại của chúng tôi. Từ độ cao gần ba trăm mét có tiếng hô thắng lợi của kẻ thù vọng xuống. Trận đánh kết thúc, nhưng tôi vẫn phải chiến đấu đến phút cuối cùng.
Tôi cố đưa thật nhanh các chiến binh còn lại của mình đến chắn ở khe hẹp nhất, nơi một ít người có thể chặn được cả một đoàn quân đông đúc.ƠŒ đây tôi kêu gọi những người tình nguyện ở lại với mình, và hầu hết đã đồng ý ở lại. Tôi giữ năm mươi người bên mình, số còn lại cho chạy thật nhanh vào thành Xôxen để báo cho các lực lượng đóng trong ấy biết mối nguy hiểm đang đe dọa họ. Trong trường hợp bị giết chết, tôi yêu cầu vợ tôi là Ôtômi sử dụng quyền lực của nàng để bảo vệ thành phố, và nếu có thể được, yêu cầu quân Tây Ban Nha bảo đảm mạng sống cho nàng, cho con trai của chúng tôi và cho dân tộc Ôtômi. Tôi quyết định sẽ cố thủ ở khe núi cho tới khi các cổng thành được đóng chặt và các chiến binh được bố trí hết trên tường thành.
Tôi cho con trai tôi cùng đi theo họ. Nó van nài ở lại nhưng tôi nhất định không chịu, vì biết ở lại, thế nào cũng bị giết chết.
Cuối cùng chúng tôi chỉ còn một mình. Sợ bị phục, quân Tây Ban Nha tiến rất chậm và thận trọng. Thấy ở chỗ ngoặt một ít người đang đứng chặn đường, chúng dừng lại hẳn. Chúng tin chắc có cạm bẫy nào đấy đang đợi chúng, mà không nghĩ toán người ít ỏi kia sẵn sàng giao chiến trực diện với cả đoàn quân hùng hậu của chúng.
Khe núi ở chỗ này hẹp đến mức một lúc quân Tây Ban Nha chỉ có thể đưa lên mấy người để đánh lại chúng tôi. Không thể đặt đại bác ở đây để bắn, các thứ vũ khí khác cũng vậy. Thêm vào đó, mặt đường rất không bằng phẳng, buộc chúng phải xuống ngựa và chỉ dàn bộ mới tấn công được.
Cuối cùng quân Tây Ban Nha cũng làm thế thật. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt, có nhiều thương vong cho cả hai bên. Hết mét này đến mét khác, kẻ địch dồn chúng tôi lùi dần. Cứ thế, chúng tôi bị đẩy ra khỏi khe núi: từ đấy tới thành Xôxen không quá ba phần tư dặm.
Tiếp tục đánh nhau ở chỗ trống là điều vô ích. Chúng tôi chỉ có thể chọn hoặc cái chết hoặc bỏ chạy, vì tính mạng của vợ con, chúng tôi đã chọn cách thứ hai.
Như những con hươu bị săn lùng, chúng tôi vội vã chạy qua thung lũng, còn quân Tây Ban Nha và tay sai thì đuổi theo như bầy chó. Cũng may mà đường gồ ghề nên lính kị Tây Ban Nha không phi nhanh được, và khoảng hai mươi người Ôtômi đã an toàn chạy tới cổng thành. Từ đội quân đông đảo của tôi chỉ còn năm trăm người sống sót về thành, và cũng độ chừng ấy nữa đang trấn giữ bên trong.
Cổng thành nặng nề đóng sập lại đúng lúc: chúng tôi vừa kịp chốt các cánh cổng bằng gỗ sồi to dày, thì quân Tây Ban Nha cũng vừa tới. Chiếc cung vẫn ở bên tôi, trong ống chỉ còn lại một mũi tên duy nhất. Tôi đặt mũi tên lên cung, kéo thật mạnh rồi nhắm vào một thằng cưỡi ngựa còn trẻ đi đầu. Mũi tên cắm đúng vào cổ hắn, giữa chiếc mũ và bộ áo giáp. Hắn dang rộng hai tay rồi ngã xuống, bất động. Điều này làm bọn lính kị chững lại, nhưng sau đó một tên khác phi ngựa lao tới, tay giơ cao miếng vải trắng. Với bộ quần áo giáp lấp lánh, trông hắn như một hiệp sĩ thực thụ. Có cái gì quen thuộc trong dáng người và cách điều khiển ngựa của hắn. Dừng lại trước cổng thành, hắn giơ cao cờ trắng và lên tiếng nói.
Tôi nhận ngay ra hắn. Đó là Gacxia, người tôi không biết tin gì trong suốt mười hai năm qua. Thời gian đã làm hắn thay đổi, điều ấy chẳng lạ, vì bây giờ có lẽ hắn sáu mươi tuổi, nếu không hơn. Bộ râu nhọn màu hạt dẻ dưới cằm đã điểm màu bạc trắng, má hắn xệ xuống, còn đôi môi nhìn từ xa như hai đường viền đỏ rất mảnh. Chỉ đôi mắt là vẫn long lanh và sắc như xưa; trên miệng hắn vẫn nụ cười chế giễu lạnh lùng. Bao giờ cũng vậy, hắn xuất hiện trên đường tôi đi đúng vào lúc gây cấn nhất, và một lần nữa trên đầu tôi là một đe dọa sẽ phải chết một cái chết đau đớn. Nhìn hắn, tôi cảm thấy rằng đây là cuộc chạm trán cuối cùng và quyết định của chúng tôi. Chỉ ít ngày nữa sự căm thù được chồng chất bao năm nay của một trong hai chúng tôi sẽ vĩnh viễn rơi vào thế giới lặng lẽ của cái chết. Và cũng như trước, thần số phận đang chống lại tôi. Cách đây chỉ một vài phút, khi đặt mũi tên cuối cùng lên cung, tôi do dự không biết bắn ai: vào chàng trai đi đầu hay nhà hiệp sĩ đang cưỡi ngựa phía sau anh ta? Và rồi con người chưa hề gây điều ác nào cho tôi kia đã nằm xuống tắt thở, còn kẻ tử thù của tôi thì đang đứng nguyên lành trước mặt.
- Ê! - Gacxia kêu to bằng tiếng Tây Ban Nha. - Thay mặt đại úy Becnan Điax, người cầm đầu của chúng tôi, tôi muốn nói chuyện với thủ lĩnh quân Ôtômi phiến loạn!
Tôi bước lên tường thành theo chiếc cầu thang cạnh đấy và đáp:
- Nói đi, tao chính là người mày cần.
- Anh nói tiếng Tây Ban Nha khá lắm, anh bạn ạ, - Gacxia nói rồi tiến lại gần, nheo mắt nhìn tôi. - Anh học thứ tiếng này ở đâu thế? Anh sinh ở đâu và tên là gì?
- Tao học nó nhờ một bà tên là Luizơ, mà thời trẻ mày có biết, Hoan đơ Gacxia ạ. Còn tên tao là Tômax Uyngfin.
Gacxia lảo đảo trên yên ngựa, một câu nguyền rủa độc ác buột khỏi miệng hắn.
- Lạy Đức Mẹ! - Hắn kêu lên. - ƠŒ Tây Ban Nha tao nghe nói mày ẩn trốn đâu đó giữa một bộ lạc dã man, khi trở lại đây, tao cứ tưởng mày chết rồi! Vì từ ấy đến nay đã bao nhiêu năm trôi qua! Đúng là tao gặp may thật! Xưa nay mày luôn trốn chạy khỏi tao, và đó là một trong những điều làm tao buồn nhất Tômax ạ. Nhưng bây giờ thì mày đừng hòng thoát chết, mày có thể tin chắc điều ấy.
- Hoan đơ Gacxia, tao biết lần này hoặc tao, hoặc mày sẽ phải ra đi, - tôi đáp.- Ván cờ sắp kết thúc, chỉ còn bước cuối cùng. Tuy nhiên đừng vội khoe khoang trước, vì còn chưa biết ai sẽ thắng. Mày đã nhiều lần gặp may nhưng có thể chẳng bao lâu nữa sự may mắn của mày sẽ kết thúc, và cùng với nó là mạng sống của mày. Nói đi, Hoan đơ Gacxia, người ta giao cho mày đến đây làm gì?
Hắn do dự trong chốc lát, tay mân mê bộ râu nhọn dưới cằm, tôi có cảm giác rằng bóng đen sợ hãi đã bị lãng quên nay lại xuất hiện trong mắt hắn. Nếu đúng thế thật, thì hắn cũng nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh. Hắn ngẩng đầu, nói một cách dũng cảm và rõ ràng:
- Nghe đây, Tômax Uyngfin. Tao được lệnh báo cho mày và những con chó Ôtômi còn sống sót biết đề nghị của đại úy Becnan Điax, là người thay mặt quan toàn quyền Tây Ban Nha ở đây.
- Đề nghị ấy là gì? - Tôi hỏi.
- Một đề nghị rất rộng lượng đối với những tên vô thần và khốn nạn, - hắn cười đáp. - Hãy đầu hàng vô điều kiện, lúc ấy quan toàn quyền sẽ nương nhẹ với chúng mày. Sự trừng phạt sẽ không khắt khe lắm. Tất cả những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc giết chết đức cha Pêđrô thiêng liêng sẽ bị thiêu sống trên giàn lửa, còn những người đứng xem cha bị giết sẽ bị chọc mù mắt. Để làm gương cho người khác, quan tòa đã chọn và treo cổ một số thủ lĩnh Ôtômi, trong đó tất nhiên có mày, Tômax Uyngfin và đặc biệt một phụ nữ tên là Ôtômi, con gái của vua Môntêzuma đã chết. Tất cả dân chúng còn lại của thành Xôxen sẽ phải giao cho quan toàn quyền hết mọi tài sản của mình. Sau đó bọn chúng, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con sẽ được đưa ra khỏi thành phố, và quan toàn quyền sẽ cho ở trong các khu dân cư của người Tây Ban Nha để chúng học cách làm việc ở hầm mỏ và các nghề sinh sống khác. Đó là điều kiện đầu hàng của chúng mày. Tao được lệnh báo trong vòng một giờ chúng mày phải quyết định sẽ chấp nhận hay không.
- Nếu không chấp nhận thì sao?
- Thì đại úy Becnan Điax đã được lệnh cướp bóc và hủy diệt toàn bộ thành phố, cho quân Tlatxcalan và các đồng minh da đỏ khác được tha hồ hoành hành trong mười hai giờ, sau đó bắt tất cả những người còn sống sót bán làm nô lệ ở thành phố Mêhicô.
- Được, - tôi nói, - một giờ rưỡi nữa sẽ có trả lời.
Bố trí lính canh ở cổng thành, tôi ra lệnh lập tức triệu tập cuộc họp các thành viên hội đồng Xôxen còn sống sót, bản thân tôi thì vội vàng đi vào cung điện. Ôtômi ra cửa đón tôi. Nghe tin thất bại, nàng tưởng không còn được gặp tôi nữa, nên bây giờ nàng rất vui mừng.
- Ta đi vào phòng họp của hội đồng, - tôi nói. - Anh sẽ nói.
Chúng tôi đi vào gian phòng, nơi đã tập trung phần lớn các quan cố vấn (đến lúc này chỉ còn tám thủ lĩnh sống sót), và không một lời bình luận, tôi báo ngay đề nghị của Gacxia cho họ biết. Sau đó, Ôtômi là người đầu tiên lên tiếng nói.
Đã hai lần tôi được nghe nàng nói với đồng bào của mình, thuyết phục họ chống lại bọn Tây Ban Nha. Lần đầu tiên chúng tôi được người kế tục Môntêzuma là Cuitlahua cử tới đây để yêu cầu các bộ lạc Ôtômi giúp đỡ người Aztec chống Côrtex và bọn Teule. Lần thứ hai cách đây mười bốn năm, chúng tôi trở lại thành Xôxen khi Tênôctitlan bị hủy diệt, và tức giận vì hai mươi nghìn chiến binh của mình bị giết chết, người Ôtômi đã muốn trao chúng tôi cho quân Tây Ban Nha để đổi lấy hòa bình. Cả hai lần Ôtômi đã giành được thắng lợi nhờ tên tuổi, sự cao thượng và tài hùng biện của nàng.
Nhưng bây giờ tình hình khác hẳn, thậm chí nếu Ôtômi biết sử dụng nghệ thuật của mình tài giỏi đến đâu, nàng cũng không thay đổi được tình thế. Từ sự vĩ đại ngày nào của nàng bây giờ chỉ còn lại cái bóng, như muôn nghìn cái bóng khác của một quốc gia đang sụp đổ mà sự vinh quang đã biến mất vĩnh viễn, như biến mất vĩnh viễn tuổi trẻ và sắc đẹp ban đầu của nàng. Bây giờ nàng chẳng thể kêu gọi hướng tới các truyền thống vẻ vang và lòng tự hào của dân tộc nàng. Tuy thế, khi nàng đứng dậy cạnh con trai và quay sang nói với những người đang bối rối tuyệt vọng, mất trí vì hoảng sợ và ôm mặt cúi đầu trước nàng, tôi lại thấy như chưa bao giờ nàng đường bệ, xinh đẹp như lúc này, và chưa bao giờ những lời giản dị của nàng lại có sức thuyết phục như thế.
- Thưa các bạn! - Nàng nói. - Các bạn hiểu tai họa nào đang đổ lên đầu chúng ta: chồng tôi vừa cho các bạn biết điều kiện đầu hàng của bọn Teule. Chẳng còn gì để hy vọng nữa. Để bảo vệ thành phố, ngôi nhà thiêng liêng của tổ tiên, chúng ta chỉ còn nhiều nhất là một nghìn người, và chúng ta là dân tộc duy nhất trong số các dân tộc Anahuac còn dám cầm vũ khí chống lại người da trắng. nhiều năm về trước tôi đã nói với các ông: hãy chọn lấy giữa một bên là cái chết danh dự và một bên là cuộc sống nhục nhã! Hôm nay tôi nhắc lại: hãy chọn đi! Đối với tôi và người thân của tôi, không có sự lựa chọn ấy, vì dù các ông quyết định thế nào, chúng tôi vẫn chết! Nhưng các ông thì khác. Các ông có thể tiếp tục chiến đấu để chết, hoặc sẽ sống những ngày còn lại của đời mình cùng con cháu các ông trong cảnh nô lệ. Hãy chọn đi!
Bảy thủ lĩnh hội ý với nhau, sau đó một người đứng dậy nói:
- Hỡi Ôtômi, và cả anh, Teule, trong nhiều năm liền chúng tôi làm theo lời khuyên của các anh, nhưng điều đó đã không mang lại hạnh phúc cho chúng tôi. Chúng tôi không oán trách các anh vì chính các vị thần của Anahuac đã từ bỏ chúng tôi khi chúng tôi từ bỏ các thần, mà số phận con người lại do các thần quyết định. Trong nhiều năm các anh đã chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui và nỗi khổ, và bây giờ, khi cái chết đang đến gần, chúng tôi muốn chịu chung cùng các anh một số phận. Trong giờ phút cuối cùng này, nhân dân Ôtômi sẽ không phản bội lời thề của mình. Chúng tôi lựa chọn thế này: chúng tôi đã sống tự do với các anh, và bây giờ cùng các anh, chúng tôi sẽ chết như những người tự do, vì như các anh, chúng tôi cũng cho rằng thà chết vẻ vang còn hơn sống nhục nhã suốt đời để mang gông xiềng của bọn Teule!
- Tốt lắm! - Ôtômi nói. - Chúng ta chỉ còn lại một việc để làm là phải chết một cái chết thế nào để con cháu sau này đặt bài hát ca ngợi chúng ta. Thưa chồng của em, anh nghe rõ câu trả lời của hội đồng chứ? Hãy chuyển nó tới quân Tây Ban Nha!
Tôi quay lại tường thành với ngọn cờ trắng trong tay. Một tên trong bọn Tây Ban Nha, nhưng không phải Gacxia, phi ngựa tới, và tôi vắn tắt báo hắn biết rằng người Ôtômi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi chỉ còn lại một mũi giáo và một cánh tay để phóng mũi giáo ấy đi, và rằng tất cả chúng tôi sẵn sàng chết dưới những đống đổ vụn của thành phố, như những người Aztec ở Tênôctitlan, chứ nhất định không chịu đầu hàng quân Tây Ban Nha, là những người chúng tôi biết rõ có “lòng nhân đạo” như thế nào.
Tên kia quay ngựa về trại, và không đầy một giờ sau, trận đánh bắt đầu. Chúng bố trí các khẩu đại bác cách chúng tôi hơn một trăm bước, - ở khoảng cách ấy các mũi giáo và mũi tên của chúng tôi không thể gây thương vong cho chúng, - và chúng bắt đầu phóng những quả đạn sắt vào cổng thành. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn. Thấy các tấm cổng bằng gỗ sắp đổ sụp, chúng tôi phá các ngôi nhà lân cận và lấp đầy cổng thành bằng đá và gỗ. Sau đống chướng ngại vật ấy, tôi ra lệnh đào một đường hào sâu và rộng để không một con ngựa hay một khẩu đại bác nào có thể đi qua. Chúng tôi đã tạo nên những chướng ngại vật tương tự, có hào sâu cả phía trước và sau, cắt ngang đường phố chính dẫn tới quảng trường lớn, nơi có chiếc kim tự tháp. Và đề phòng quân Tây Ban Nha tấn công từ hai sườn theo các ngóc ngách nhỏ giữa các ngôi nhà, tôi cũng ra lệnh bịt kín cả bốn mặt quảng trường ấy.
Cho đến tận chiều tối, dù quân Tây Ban Nha tiếp tục bắn đại bác vào cánh cổng đổ sụp và lên các đống gạch vụn, nhưng không gây cho chúng tôi thiệt hại gì đặc biệt; chưa đến mười người Ôtômi bị chết. Hôm ấy quân Tây Ban Nha vẫn không dám tấn công chiếm thành.
Trời vừa sẩm tối, đại bác ngừng bắn, nhưng trong thành không ai đi ngủ. Phần lớn đàn ông canh giữ cổng thành và các nơi xung yếu khác, còn xây dựng các chướng ngại vật chủ yếu là phụ nữ. Tôi và các thủ lĩnh khác chỉ huy họ làm việc này. Ôtômi nêu gương đầu tiên, tiếp theo nàng là các bà quý tộc và cuối cùng là tất cả phụ nữ bình thường trong thành phố. Nói chung, trong thành phố của dân tộc Ôtômi, phụ nữ nhiều hơn nam giới, và sau trận đánh buổi sáng để lại khá nhiều bà góa chồng, sự chênh lệch ấy lại càng rõ nét. Thật là một cảnh tượng lạ lùng khi dưới ánh sáng của hàng trăm bó đuốc, hàng đoàn phụ nữ nối đuôi nhau đi giữa các phố, còng lưng dưới những viên đá nặng và các giỏ đầy đất, hoặc đào đất cứng bằng những chiếc gậy gỗ đầu nhọn, hoặc dùng sức phá đổ các bức tường. Họ làm việc say sưa và lặng lẽ, không một lời kêu rên, không một giọt nước mắt. Thậm chí cả những người có chồng con bị quẳng xuống khe núi sáng hôm ấy cũng không nao núng. Họ biết chống cự cũng vô ích, và sớm muộn tất cả sẽ chết, tuy thế không một người nào trong họ nhắc đến việc đầu hàng. Nếu ai đó buột miệng nói điều ấy, họ chỉ nhắc lại lời Ôtômi, rằng thà chết tự do còn hơn sống nô lệ.
Nhìn họ, tôi thầm nghĩ: hình như những người phụ nữ ít lời này đang được cổ vũ bởi một quyết định khủng khiếp nào đấy mà họ không nói ra.
Tôi tin họ đã có một quyết định tuyệt vọng, nhưng tôi không hình dung nổi khủng khiếp tới mức nào, mà Ôtômi cũng không chịu để lộ với tôi điều bí mật đó.
Đêm ấy, tình cờ gặp nhau, tôi nói với nàng:
- Ôtômi, anh có một tin không hay lắm.
- Nếu anh nói thế vào giờ phút này, thì chắc nó phải rất đáng sợ.
- Trong hàng ngũ quân địch có Gacxia.
- Em cũng biết điều ấy.
- Làm sao em biết được?
- Nhờ đôi mắt của anh. Mắt anh đầy vẻ căm thù.
- Hình như đã đến lúc hắn giành được thắng lợi. - Tôi nói.
- Không phải hắn mà anh sẽ thắng, chồng của em ạ. Hắn sẽ bị trả thù vì những việc hắn làm, nhưng anh phải trả giá đắt cho thắng lợi của anh. Đừng hỏi em vì sao, em cảm thấy điều ấy bằng tất cả trái tim em. Hãy nhìn kia! - Nàng chỉ lên đỉnh phủ tuyết của núi lửa Haca đang được bình minh nhuốm hồng. - Hãy nhìn kia, Hoàng hậu đang đội vương miện của mình. Bây giờ anh hãy tới cổng thành, - chẳng bao lâu nữa quân Tây Ban Nha sẽ tấn công.
Ôtômi nói chưa dứt lời, tôi đã nghe phía ngoài tường thành vọng lại tiếng kêu xung trận, và vội vã chạy về phía cổng. Từ tường thành, trong ánh mờ sáng của buổi bình minh, tôi thấy quân Tây Ban Nha dàn hàng chuẩn bị tấn công. Nhưng chúng không vội. Cuộc tấn công chỉ được bắt đầu khi mặt trời nhô lên hẳn.
Trước hết quân Tây Ban Nha cho bắn như điên vào cổng thành, làm nó đổ sụp và làm bay phần chóp của chướng ngại vật bằng đá và gỗ. Bỗng nhiên đại bác ngừng bắn. Kèn đồng lại vang lên, và cả đoàn quân hơn một nghìn tên Tlatxcalan, theo sát chúng là bọn lính Tây Ban Nha, bắt đầu lao lên tấn công. Nấp sau chướng ngại vật, tôi và hơn ba trăm chiến binh Ôtômi đang đợi chúng. Chưa đầy hai phút, bọn Tlatxcalan đã nhô đầu lên sau chướng ngại vật, và trận đánh bắt đầu.
Ba lần chúng tôi đẩy lui quân địch bằng mũi giáo và cung tên, nhưng lần thứ tư làn sóng tấn công vượt qua được chướng ngại vật và ào xuống chiến hào. Đánh nhau với một kẻ địch đông như thế ở nơi trống trải là cầm chắc thất bại, nên chúng tôi vội vàng rút lui về vị trí phòng ngự thứ hai.
ƠŒ đây trận đánh lại tiếp tục. Chướng ngại vật thứ hai được xây bằng lương tâm con người, nó đã giúp chúng tôi cầm cự suốt hai giờ liền và đánh quân Tây Ban Nha nhiều đòn rất hiểm. Nhưng quân Ôtômi cũng bị tổn thất lớn, và chúng tôi buộc phải rút lui. Lại một cuộc tấn công mới, kéo theo một trận huyết chiến tuyệt vọng, và lại rút lui. Cứ thế kéo dài không nghỉ suốt ngày hôm ấy. Mỗi lúc, quân của chúng tôi một ít hơn, và tuy mỏi mệt, tay không cầm nổi vũ khí, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu một cách tuyệt vọng. Cạnh hai chướng ngại vật cuối cùng, hàng trăm phụ nữ Ôtômi đã quần nhau với kẻ địch bên cạnh chồng con của họ.
Chỉ khi mặt trời lặn, quân Tây Ban Nha mới vượt qua nổi chướng ngại vật cuối cùng. Dưới màn đêm đang bao trùm khắp nơi, một số ít chiến binh Ôtômi còn sống sót đã kịp chạy tới nhà thờ trước kim tự tháp và vào ẩn náu trong đó.
Đêm yên tĩnh trôi qua.

XXXV
LỄ TẾ THẦN CUỐI CÙNG
CỦA PHỤ NỮ ÔTÔMI
Dưới ánh sáng các đám cháy do quân Tây Ban Nha gây nên khắp nơi khi tấn công thành phố, tôi đã cho kiểm tra lại lực lượng trong cái sân rộng được tường xây bao bọc xung quanh trước kim tự tháp. Tập trung về đây gồm hai nghìn phụ nữ, rất nhiều trẻ con nhưng chỉ còn lại nhiều nhất là bốn trăm chiến binh. Kim tự tháp của chúng tôi thấp hơn kim tự tháp ở Tênôctitlan, nhưng các mặt của nó dốc hơn và được ốp đá rất phẳng, phần diện tích trên đỉnh cũng được lát bằng các phiến đá cẩm thạch và rộng gần như thế, - mỗi cạnh một trăm bước. ƠŒ chính giữa là cái thớt chém bằng đá, bàn thờ với ngọn lửa thiêng, ngôi nhà dành cho các quan tư tế và đền thờ thần chiến tranh, trong đền vẫn còn tượng của thần mặc dù đã nhiều năm nay không ai cúng viếng. Giữa đền thờ và thớt chém là một cái hố sâu được tráng ximăng, to hơn một căn phòng lớn, nơi có thời được dùng để chứa lương thực trong những năm đói kém. Trước khi thành phố bị bao vây, tôi cho đổ nước đầy vào bể này, - đưa được nước lên đỉnh kim tự tháp là chuyện không đơn giản. Còn nhà thờ tôi cho biến thành kho lớn chứa lương thực và thực phẩm. Vì vậy, ít ra trong thời gian trước mắt, chúng tôi không lo chết đói và chết khát. Nhưng bây giờ chúng tôi lại gặp một khó khăn mới. Tuy đỉnh kim tự tháp rộng như thế, nhưng nhiều lắm nó chỉ chứa được nửa số người đang có mặt. Để tiếp tục chiến đấu, số người thừa ấy phải tìm chỗ ẩn náu ở nơi khác. Tôi tập hợp các thủ lĩnh lại, báo vắn tắt tình hình và hỏi nên làm thế nào. Hội ý với nhau xong, họ quyết định tất cả những người bị thương, những người già cả, phần lớn trẻ em và những ai muốn nhập với họ, ngay đêm nay sẽ tìm cách trốn ra khỏi thành phố, nếu bị bọn Tây Ban Nha bắt được thì đành trông chờ vào lòng thương của chúng. Tôi không phản đối. Những con người bất hạnh này đang bị cái chết đe dọa khắp nơi, vì vậy chết ở đâu không quan trọng lắm.
Từ các đám đông chọn ra hơn một nghìn năm trăm người sẽ sơ tán. Đúng nửa đêm chúng tôi mở cửa sân nhà thờ cho họ đi ra. Thật là một cuộc chia tay khủng khiếp! Nơi này con gái ôm ông bố già cả, chồng từ biệt vợ, nơi kia bà mẹ hôn con lần cuối, ở đâu cũng nghe thấy những lời tiễn biệt đau lòng. Hai tay úp mặt, tôi tự hỏi mình như đã từng tự hỏi nhiều lần trước đó: “Nếu quả Chúa nhân từ, sao ngài có thể chấp nhận những tội ác thế này, những tội ác đã gây nên cảnh đau lòng, thậm chí làm cả những trái tim tội lỗi xúc động? Tại sao?”.
Sau đó, quay sang Ôtômi đang đứng cạnh, tôi hỏi nàng có nên cho con trai của chúng tôi đi không, như nó là một đứa bé con nhà bình thường.
- Không, - nàng đáp. - Thà để nó chết với chúng ta còn hơn làm nô lệ cho quân Tây Ban Nha.
Cuối cùng tất cả ra đi và cánh cổng đóng lại. Một lát sau chúng tôi nghe lính canh Tây Ban Nha báo động, sau đó có tiếng kêu và tiếng súng vọng lại.
- Có lẽ bọn Tlatxcalan giết chết họ, - tôi nói.
Tuy nhiên, tôi đã nhầm. Sau khi bắn chết mấy người, những tên chỉ huy Tây Ban Nha mới hiểu ra rằng đó chỉ là một đám đông người già, phụ nữ và trẻ em. Becnan Điax, người cầm đầu của chúng, dù thô lỗ nhưng có lòng nhân đạo, đã ra lệnh lập tức chấm dứt bắn giết. Sau khi chọn để bán làm nô lệ những người đàn ông có khả năng lao động và những đứa trẻ lớn có thể đi xa, ông ta đã cho những người còn lại muốn đi đâu thì đi. Những con người bất hạnh này đi đâu và chuyện gì xảy ra với họ sau đó, - tôi không biết.
Suốt đêm ấy chúng tôi ở trong sân nhà thờ, nhưng trước khi trời sáng, sợ quân Tây Ban Nha đột ngột tấn công, tôi cho phụ nữ và các thanh niên mới lớn leo lên đỉnh kim tự tháp. Bây giờ số người này còn lại gần sáu trăm. Hầu như tất cả các cô gái và những phụ nữ có chồng, còn trẻ và đẹp, đã tình nguyện ở lại. Nhưng để bù lại, hơn một trăm đàn ông lực lưỡng đã bỏ chúng tôi ra đi để cầu xin lòng thương của quân xâm lược.
Cùng ba trăm chiến binh còn lại, tôi ẩn mình sau những bức tường che sân đền thờ, chờ quân Tây Ban Nha tấn công. Cuộc tấn công bắt đầu vào lúc rạng sáng. Mặc dù bị chống trả quyết liệt, đến giữa trưa quân địch đã vượt qua tường. Với số thương vong gần một trăm người chết và bị thương, chúng tôi buộc phải rút lui theo con đường vòng vèo dẫn lên đỉnh kim tự tháp.
Quân địch lại lao vào tấn công, nhưng ở đây, ở bờ kim tự tháp dốc đứng, ưu thế về số đông không cho chúng hiệu quả. Cuối cùng chúng tôi đã đẩy lùi chúng xuống, gây khá nhiều tổn thất. Hôm ấy chúng không tấn công lần nào nữa.
Đêm đến, chúng tôi củng cố lại vị trí của mình trên đỉnh kim tự tháp. Tôi mệt đến mức vừa kịp ăn qua loa mấy miếng, đã ngủ say như chết. Sáng hôm sau quân Tây Ban Nha lại tấn công, và lần này thì kết quả khá hơn. Được trận mưa đạn yểm trợ, hết bước này đến bước khác, chúng dồn chúng tôi dần về phía sau. Suốt ngày trận đánh diễn ra ở chân kim tự tháp, hết bậc này đến bậc khác. Cuối cùng, khi mặt trời sắp lặn, toán quân đầu tiên của địch vừa hô to những tiếng kêu thắng lợi, vừa leo lên bề mặt kim tự tháp và xông vào đền thờ.
Trước đấy, phụ nữ chỉ đứng nhìn, nhưng lúc này bỗng một người trong số họ chồm dậy kêu lên:
- Hãy túm lấy những tên ôn vật này! Chúng không đông đâu!
Vừa rít lên những tiếng giận dữ kinh khủng, cả đám đông phụ nữ nhảy xổ vào những tên lính Tây Ban Nha và Tlatxcalan mệt mỏi, và vật chúng ngã xuống.
Nhiều người bị giết nhưng họ đã giành được phần thắng. Họ lấy dây thừng trói chúng vào những vòng đồng còn sót lại trên các tảng đá cẩm thạch từ thời các quan tư tế còn trói các nạn nhân, để chúng khỏi chạy trốn.
Trong mấy giây chúng tôi đứng yên sững sờ vì cảnh tượng ấy, rồi tôi kêu to với các chiến binh xung quanh:
- Không lẽ phụ nữ Ôtômi lại dũng cảm hơn đàn ông? Tiến lên!
Không nói thêm lời nào nữa, tôi cùng một trăm chiến binh khác lao xuống phía dưới theo bờ dốc hẹp và thẳng đứng.
Chạy được một quãng, chúng tôi gặp ngay lực lượng chủ yếu của quân Tây Ban Nha và đồng minh. Tin chắc đã nắm được phần thắng trong tay, chúng leo lên một cách thong thả. Đòn tấn công của chúng tôi mạnh và bất ngờ đến mức nhiều tên bị giết ngay lập tức, xác lăn tròn theo bờ dốc kim tự tháp. Thấy thế, chúng dừng lại rồi bắt đầu lùi xuống. Bị chúng tôi đánh phủ đầu, chúng thoát chạy ngã chồng chất lên nhau, đứa trước cản đường đứa sau, và chẳng bao lâu, sự hỗn loạn lan truyền khắp cả đoàn quân đang dàn hàng ngang tiến lên đỉnh kim tự tháp. Vừa kêu lên những tiếng hoảng sợ, kẻ địch vừa mạnh ai nấy chạy, nhưng nhiều đứa đã không trốn thoát. Hàng ngũ những người tấn công lớn dần, như một mảng núi sụt lở ầm ầm đổ xuống, xô hết tốp này đến tốp khác quân địch xuống chân kim tự tháp.
Trong khoảng mười lăm phút, quân Tây Ban Nha đã để mất những gì mà trong suốt một ngày vất vả lắm mới chiếm được. Trên kim tự tháp không còn một tên địch nào sống sót, nếu không kể những đứa bị trói vào vòng đồng, vì quá hoảng sợ quân Tây Ban Nha thậm chí còn rút khỏi sân đền thờ để trở về trại, mang theo những tên đã chết hoặc bị thương.
Mệt mỏi nhưng rất phấn chấn, chúng tôi quay lên đỉnh kim tự tháp. Khi leo tới tầng thứ hai, cách mặt đất khoảng ba mươi mét, một ý nghĩ bỗng xuất hiện trong đầu tôi. Với sự giúp đỡ của những người đang ở cạnh, tôi bắt đầu thực hiện ý nghĩ đó. Cạy những hòn đá lát đường lên, chúng tôi bắt đầu cho lăn xuống dưới theo bờ dốc kim tự tháp. Cứ thế hết lớp này đến lớp khác, chúng tôi lấy dần đá và đất cho đến khi dưới chân chúng tôi, thay cho con đường bằng phẳng, là một đống đất đá cao gần mười mét. Thế là đường lên kim tự tháp bị cắt đứt.
- Bây giờ thì còn lâu cánh quân Tây Ban Nha mới lên được đây để phá tổ của chúng ta, - tôi vừa hài lòng nói, vừa nhờ ánh trăng nhìn lại kết quả của mình.
- Nhưng thưa thủ lĩnh, - một chiến binh nói với tôi, - chúng ta liệu có cánh để bay khỏi nơi này không?
- Có, đôi cánh của thần chết, - tôi ảm đạm đáp, và chúng tôi lại tiếp tục leo lên.
Công việc phá đường chiếm nhiều thời gian, thức ăn được đưa từ phía trên xuống, vì vậy khi tôi lên tới đỉnh kim tự tháp thì đã nửa đêm. Tới gần đền thờ, tôi ngạc nhiên nghe từ đấy có tiếng hát trang nghiêm vọng ra. Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cửa đền thần Uixilôpôctli mở rộng, trên bàn thờ trước tượng thần, ngọn lửa thiêng lại bùng cháy giận dữ, ngọn lửa đã bao năm nay không được đốt lại. Tôi lắng tai nghe, - tôi đang mơ hay quả có bài hát tế thần rùng rợn từ đền thờ bay ra? Không, không phải mơ. Trong sự yên tĩnh ban đêm, tiếng hát man dại nghe rất rõ:
Chúng con mang vật tế cho thần!
Hãy cứu giúp chúng con, hỡi thần Uixilôpôctli
Hỡi thần Uixilôpôctli, - vị thần vĩ đại!
Tôi bước vội lên phía trước rồi rẽ sang góc, mặt đối mặt với quá khứ xa xôi. Như ngày xưa, bây giờ tập hợp ở đây là các quan tư tế mặc áo đen, tóc để xõa ngang vai, hông đeo những con dao găm đáng sợ. Bên phải hòn đá chém là những tù binh bị trói nằm thành hàng chuẩn bị đem dâng cho thần. Những người mặc quần áo tư tế đã túm lấy nạn nhân đầu tiên, - đó là một tên Tlatxcalan. Đang cúi xuống người hắn là một trong những thủ lĩnh của tôi, người mặc chiếc áo tế thần màu đỏ, - tôi nhớ trước kia, khi tôi chưa cấm tệ giết người tế thần ở thành Xôxen, ông ta là quan tư tế của thần Têcatlipôca, - còn xung quanh là một vòng phụ nữ, vừa hát bài hát rùng rợn kia, vừa nhìn tên địch sắp bị giết.
Tôi đã hiểu tất cả. Trong giờ phút tuyệt vọng cuối cùng và trước cái chết không tránh khỏi, ngọn lửa niềm tin cổ xưa lại lần nữa bùng cháy trong trái tim những người phụ nữ đang hóa điên vì chồng, con hoặc bố mình bị giết.
Tôi nói đến đám phụ nữ vừa hát bài hát tế thần, vừa nhìn những tên tù binh bằng đôi mắt giận dữ, nhưng tôi chưa nói điều kinh khủng nhất: đối diện với tôi, ở chính giữa vòng người là công chúa Ôtômi, con gái vua Môntêzuma và là vợ tôi. Tay nàng cầm một chiếc đũa nhỏ, vung vẩy bắt nhịp.
Mấy giây sau, tôi đã ở bên nàng.
- Có chuyện gì xảy ra vậy? - Tôi nghiêm khắc hỏi nàng.
Ôtômi ngước đôi mắt đờ đẫn nhìn tôi một cách ngạc nhiên, như không nhận ra tôi là ai.
- Hãy đi khỏi đây, người da trắng kia! - Nàng khẽ nói. - Người ngoại tộc không được phép can thiệp vào các nghi lễ của chúng tôi.
Tôi sững sờ đứng yên, không biết phải làm gì, và nhìn trân trân vào ngọn lửa sau bao năm đã tắt nay lại bùng cháy trước tượng thần Uixilôpôctli đáng sợ.
Đứng cách tôi không xa là một thủ lĩnh Ôtômi cùng tuổi với tôi. Anh ta bao giờ cũng là bạn của tôi và là người chỉ huy quân sự cao nhất ở đây sau tôi. Tôi đến gần anh ta và nói:
- Này, anh bạn, hãy vì danh dự của dân tộc các anh mà giúp tôi chấm dứt việc này!
- Tôi không thể làm được điều ấy, - anh ta đáp. - Cả anh cũng đừng nhúng tay vào. Nếu không sẽ không ai cứu nổi anh đâu. Bây giờ quyền lực đang trong tay phụ nữ, anh thấy đó, họ sử dụng nó một cách triệt để. Chẳng bao lâu tất cả chúng tôi sẽ chết, nhưng trước khi chết họ muốn làm cái điều mà cha ông họ đã làm, và sẽ làm được, vì họ chẳng có gì để mất. Dù cố đến đâu cũng không thể dễ dàng quên các phong tục cổ xưa được.
- Nhưng có thể ta cứu được bọn Teule? - Tôi hỏi.
- Để làm gì? Lẽ nào ít ngày nữa chúng cứu ta khi ta nằm trong tay chúng?
- Có thể chúng không cứu, - tôi đáp, - nhưng nếu phải chết, chúng ta hãy chết với lương tâm trong sạch.
- Tóm lại, anh muốn tôi làm gì, Teule?
- Thế này nhé: hãy tìm ba bốn chiến binh còn chưa bị mê muội về chuyện này, rồi giúp tôi cùng họ giải thoát cho những tên Teule, nếu chúng ta cứu được những người còn lại. Sau đó chúng ta sẽ dùng dây thừng dòng chúng xuống chỗ đường bị đào để chúng tự đi về trại.
- Được, để tôi thử, - anh ta nhún vai đáp. - Nhưng tôi làm điều ấy chỉ vì anh yêu cầu và vì tình bạn cũ của chúng ta, chứ không vì thương bọn Teule đáng nguyền rủa kia. Tôi thì tôi muốn ném tất cả bọn chúng lên bàn thờ!
Anh ta bỏ đi, lát sau tôi thấy một số chiến binh Ôtômi bắt đầu đến đứng cạnh những tên tù binh. Như thể vô tình, họ dừng lại ở gần người tù binh da đỏ cuối cùng, tiếp đến là những tên lính Tây Ban Nha đang bị trói chặt, - để che mắt đám đông phụ nữ đang say sưa điên loạn với cái nghi lễ rùng rợn của họ.
Tôi thận trọng bò lại gần những tên lính Tây Ban Nha bị trói chặt tay chân vào những vòng đồng, trên các tảng đá, chúng nằm im chờ chết, mặt tái nhợt, mắt lồi ra vì kinh sợ.
- Xì! Im lặng! - Tôi khẽ nói vào tai tên nằm ngoài cùng. Hắn là tên lính già trước đó phục vụ bên cạnh Côrtex. Tôi biết hắn. - Có muốn được cứu thoát không?
- Anh nào lại đùa về việc trốn chạy thế này? - Hắn khẽ thì thào rồi vội ngoái lại nhìn. - Lẽ nào có thể cứu chúng tôi thoát khỏi những tên phù thủy kia?
- Tôi là Teule, người da trắng, con chiên đạo Giatô, đồng thời là thủ lĩnh dân tộc Ôtômi. Tôi còn một ít người trung thành. Chúng tôi sẽ cắt dây trói cho các anh, rồi liệu sau. Đừng quên rằng tôi đang mạo hiểm rất lớn, vì nếu việc không thành, chúng tôi sẽ phải chịu chung một số phận với các anh.
- Nếu trốn khỏi nơi này, - tên lính Tây Ban Nha đáp, - chúng tôi sẽ không quên ơn anh, anh có thể tin chắc điều ấy. Hãy cứu chúng tôi, rồi đến lượt chúng tôi sẽ cứu anh. Nhưng cả khi được các anh tha, làm sao chúng tôi có thể đi giữa lúc trăng sáng thế này, vượt qua được bãi trống trước con mắt những mụ kia?
- Cũng phải thử vậy? - Tôi đáp. - Không còn cách nào khác!
Thật may một trường hợp ngẫu nhiên đã giúp chúng tôi. Khi chúng tôi nói chuyện, hình như trong trại Tây Ban Nha đã hiểu chuyện gì đang xảy ra trên đỉnh kim tự tháp. Phía dưới có những tiếng kêu kinh sợ vọng lên, sau đó đại bác bắn từng tràng tới tấp, nhưng không gây cho chúng tôi tổn thất gì. Đồng thời một toán lớn quân Tây Ban Nha vượt qua sân đền thờ chuẩn bị tấn công. - Chúng chưa biết đường lên đã bị cắt.
Thậm chí tất cả những điều ấy cũng không làm nghi lễ tế thần dừng lại. Viên thủ lĩnh Ôtômi, bạn tôi cùng các chiến binh đáng tin cậy khác đang ở cạnh. Tôi cúi xuống, dùng dao găm cắt hết dây trói cho bọn Tây Ban Nha. Cả mười hai người chúng tôi xúm vào một chỗ che cho năm tên Tây Ban Nha ở giữa, rồi bất chợt, tôi vung kiếm kêu to:
- Quân Teule tấn công kim tự tháp! Quân Teule đang tấn công! Chúng ta hãy đánh bật chúng xuống!
Tôi không nói dối, vì lúc ấy cả đoàn quân Tây Ban Nha đã bắt đầu leo lên con đường dốc đứng. Lợi dụng điều ấy, chúng tôi chạy tắt qua quãng trống rồi bắt đầu xuống dốc. Không ai nhận thấy để giữ chúng tôi lại, vì tất cả đang bận với lễ tế thần.
Bây giờ tôi có thể yên tâm hơn, vì ít ra đã thoát khỏi những cặp mắt phụ nữ. Tuy nhiên phải hành động gấp. Chúng tôi chạy xuống với tốc độ nhanh nhất mà đôi chân tê dại của bọn Tây Ban Nha cho phép, cho tới khi chỗ đường xuống bị đào sâu không vượt qua được.
Lúc ấy, quân Tây Ban Nha cũng vừa tới bên kia bờ hào. Chúng bất lực tụm lại một chỗ, gào to tức giận và tuyệt vọng vì không cách nào cứu được đồng bọn. Chúng tôi không nhìn thấy chúng, nhưng nghe rất rõ.
- Thế là chúng tôi phải chết! - Tên lính già Tây Ban Nha lầu bầu, - đường đã bị cắt đứt!
- Chưa hết hy vọng đâu, - tôi đáp. - Khoảng mươi mười lăm mét phía dưới, đường vẫn còn nguyên. Chúng tôi sẽ thòng dây cho các anh xuống từng người một.
Không để mất thời gian vô ích, các chiến binh của tôi bắt tay vào việc. Họ lấy dây thừng buộc sát nách tên lính đầu tiên rồi cẩn thận dòng xuống đúng vào tay bọn Tây Ban Nha đang đứng chờ phía dưới. Bọn này đón hắn như thể hắn vừa từ cõi chết trở về. Người cuối cùng được dòng xuống hóa ra là tên lính già.
- Tạm biệt, - ông ta bảo tôi. - Dù anh là kẻ phản bội, nhưng Chúa sẽ không quên lòng tốt của anh. Hay anh cùng đi với tôi? Người ta sẽ không động tới anh, tôi xin lấy mạng sống và danh dự của tôi bảo đảm với anh như vậy. Anh nói anh vẫn là con chiên Giatô giáo, lẽ nào đây là chỗ thích hợp cho anh? - Ông ta chỉ tay lên phía trên.
- Không, tất nhiên, - tôi đáp, - Nhưng tôi không cùng đi với ông được. Vợ và con trai tôi ở đây, và khi cần, tôi sẽ chết cùng họ. Nếu ông muốn trả ơn tôi thì hãy cố cứu họ, tôi tự lo được cho tôi.
- Tôi sẽ cố, - người lính già Tây Ban Nha nói, rồi chúng tôi cho ông ta xuống một cách an toàn.
Trở lại đền thờ, tôi báo tin quân Tây Ban Nha không vượt qua được chướng ngại vật nên đã rút lui.
Nghi lễ rùng rợn vẫn tiếp tục. Chỉ còn hai tù binh da đỏ chưa bị giết. Các quan tư tế đang rã rời vì mệt.
- Bọn Teule? - Một người nào đó bỗng kêu lên.- Nhanh lên! Đưa chúng lên bàn thờ!
Nhưng bọn Teule đã biến mất, người ta tìm chúng khắp nơi, nhưng không thấy. Đứng nấp trong bóng tối, tôi bắt chước giọng người khác nói to:
- Vị thần Teule đỡ chúng lên cánh bay đi rồi! Thần Uixilôpôctli thua thần của Teule rồi!
Sau đó, tôi vội đứng sang một bên để không ai biết tôi vừa nói câu ấy. Có người lập tức nhắc lại lời tôi, và rồi tất cả cùng đồng thanh kêu to như vậy.
- Vị thần của cây thánh giá đã che chở bọn Teule dưới cánh của mình! - Đám phụ nữ kêu to. - Chúng ta hãy đưa lên bàn thờ những người bị vị thần ấy ruồng bỏ!
Một lát sau những tù binh cuối cùng đã bị giết chết. Tôi tưởng như thế là kết thúc, nhưng không phải thế! Lễ tế thần đã xong, nhưng hội vui thật sự mới chỉ bắt đầu.
Đám phụ nữ tụm nhau ở mép đỉnh kim tự tháp, bận chuẩn bị điều gì đấy, mặc dù đạn Tây Ban Nha thỉnh thoảng lại giết chết người này hoặc người nọ. Cùng đứng với họ chỉ có các quan tư tế; số đàn ông còn lại đứng thành từng nhóm nhỏ bên ngoài, lặng lẽ quan sát họ. Không ai định thuyết phục họ hay bắt họ dừng lại.
Trong đền thờ, cạnh hòn đá chém chỉ còn lại một người, là Ôtômi, vợ tôi.
Thật là một cảnh tượng đáng buồn. Sự kích động, hay đúng hơn là sự điên rồ đã rời bỏ nàng, và nàng lại trở thành Ôtômi như hàng ngày. Bằng đôi mắt mở to vì sợ hãi, lúc nàng nhìn xác những người bị chết, lúc nhìn đôi tay mình như chúng nhuốm đầy máu đỏ; ý nghĩ ấy làm nàng rùng mình.
Tôi lại gần, đặt tay lên vai nàng. Nàng hoảng hốt quay lại.
- Ôi, chồng của em, chồng của em! - Nàng thổn thức, chỉ nói được như thế.
 - Vâng, anh đây, - tôi đáp, - nhưng từ nay đừng gọi anh là chồng em nữa!
- Ôi, em đã làm gì thế này! - Nàng rên rỉ và rồi ngất đi trong tay tôi.
ƠŒ đây tôi muốn dừng lại để nói về những điều mà mãi nhiều năm sau tôi mới được ông cha xứ của xứ đạo chúng tôi, một người thiển cận nhưng hiểu rộng cho biết. Nếu lúc ấy biết được điều này, tất nhiên tôi đã không nói thế với vợ tôi. Thậm chí cả trong giờ phút nguy kịch ấy, cũng không nghĩ xấu về nàng, vì theo ông cha xứ ấy thì, từ thời xa xưa, những kẻ ngoại đạo thờ các thần ác của mình, như các thần của người da đỏ ở Anahuac, thỉnh thoảng lại hóa điên do bị phù phép. Trong cơn điên loạn ấy, họ có thể gây nên nhiều tội lỗi ghê gớm.
Trong số nhiều thí dụ ông cha xứ đưa ra để chứng minh, ông có kể cho tôi nghe về một tập thơ của nhà thơ Hy Lạp cổ đại Phêôcrit Phêôcrit, - nhà thơ hy Lạp cổ đại, thế kỷ thứ ba trước công nguyên. ƠŒ đây tác giả kể tóm tắt nội dung trường ca (vackhanca) của ông. ). Bản trường ca này nói về việc một người phụ nữ tên là Agava, trong ngày lễ bí mật thờ thần Điônix đã nhận thấy con trai bà ta để mắt tới các cô gái tham gia buổi lễ. Linh hồn độc ác của thần Điônix nhập vào bà ta, và lúc ấy, cùng những người phụ nữ khác, bà ta đã xông vào xé xác con trai. Là người tôn thờ thần Điônix, bản thân nhà thơ Phêôcrit không lên án bà điều ấy, mà ngược lại còn khen ngợi, vì biết bà làm điều ấy là do thần xui khiến. “Không ai có thể lên án các thần!”.
Câu chuyện trên hoàn toàn không liên quan gì tới tôi, tôi dẫn ra đây chỉ để chứng minh rằng có lẽ lúc ấy Ôtômi cũng bị thần Uixilôpôctli phù phép giống như Agava, người vì thần Điônix đã giết chết con trai mình. Sau này, bản thân Ôtômi cũng nói với tôi như thế. Vậy thì có gì đáng ngạc nhiên? Vì thế, bây giờ tôi nghĩ lúc ấy tôi nhìn thấy không phải Ôtômi cạnh bàn thờ mà chính là con quỷ độc ác của thần Uixilôpôctli. Trước kia nàng thờ thần, thần đã nhập vào người nàng và giết chết linh hồn thật sự cao thượng của nàng. 
XXXVI
TRONG TAY KE CHIẾN THẮNG 
Tôi bế Ôtômi lên tay rồi đưa vào một trong những ngôi nhà cạnh đền thờ. Đây là chỗ giấu trẻ con, trong đó có con tôi.
- Bố ơi, có chuyện gì xảy ra với mẹ thế? - Con trai tôi hỏi. - Sao mẹ giam con ở đây với những đứa bé này, khi trận đánh đang diễn ra bên ngoài?
- Mẹ con bị ngất, - tôi đáp. - Còn bắt con ở đây là vì ngoài ấy nguy hiểm, con hãy trông mẹ nhé, bố đi một lát rồi quay lại.
- Vâng ạ, - nó đáp. - Có điều con nghĩ con phải luôn ở bên bố mới đúng, vì con là người lớn rồi! Con muốn đánh nhau với bọn Tây Ban Nha, chứ không quanh quẩn ở đây với những người đàn bà ốm yếu.
- Con không được nghĩ tới điều đó! - Tôi nói. - Bố yêu cầu con ở đây cho tới khi bố quay lại.
Rồi tôi đi ra, đóng chặt cửa sau lưng mình.
Chúng tôi cầm cự với quân Tây Ban Nha thêm ba ngày nữa. Chúng không lên được chỗ chúng tôi, đạn chúng bắn trên đầu không gây nên thương tổn nào. Cả ba ngày ấy tôi không nói chuyện với Ôtômi, - cả hai người như lẩn tránh nhau. Như chính bản thân nỗi buồn, nàng ngồi yên một mình hàng giờ liền bên đền thờ, đôi mắt lộ vẻ đau đớn tột độ. Vì thương nàng, hai lần tôi cố bắt chuyện, nhưng nàng ngoảnh đi không đáp.
Chẳng bao lâu sau, quân Tây Ban Nha biết trên kim tự tháp còn nước và một số lớn lương thực dự trữ, giúp chúng tôi có thể sống hơn một tháng. Nghĩ không dùng sức đánh chúng tôi được, chúng đề nghị thương lượng.
Tôi đi xuống chướng ngại vật, nơi con đường bị cắt đứt. Đại diện Tây Ban Nha nói chuyện với tôi từ phía bên kia hố đào. Lúc đầu hắn đề nghị chúng tôi đầu hàng vô điều kiện. Tôi đáp chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến người cuối cùng. Sau đó chúng nói nếu chúng tôi giao cho chúng những người tham gia vào việc giết tù binh để tế thần, chúng sẽ cho tất cả những người còn lại tự do. Tôi đáp làm việc ấy chỉ có phụ nữ và các quan tư tế, và rằng tất cả họ đã tự tử chết. Chúng lại hỏi Ôtômi đã chết chưa. “Chưa! Tôi đáp, - nhưng các ông phải thề để cô ta và con trai của cô ta yên, nếu không, nhất định tôi sẽ không đầu hàng!”. Ngoài ra, tôi còn yêu cầu chúng viết giấy bảo đảm rằng chúng sẽ cho họ và tôi đi bất cứ nơi nào tùy thích. Lúc đầu chúng từ chối, nhưng cuối cùng đã đồng ý, và ngày hôm sau chúng cắm vào đầu giáo đưa cho tôi tờ giấy do Becnan Điax kí, trong đó có nói rằng chiếu cố việc tôi và một số chiến binh khác đã cứu quân Tây Ban Nha khỏi bị giết để tế thần, tôi, vợ con tôi và những người Ôtômi khác hiện có mặt trên kim tự tháp sẽ được tha và cho tự do đi lại bất cứ nơi nào, với điều kiện tất cả tài sản và ruộng đất của chúng tôi sẽ được chuyển sang sở hữu của quan toàn quyền Tây Ban Nha.
Tôi không chờ đợi các điều kiện thuận lợi hơn thế. Thú thật rằng trước đó tôi chỉ dám hy vọng không bị chúng giết chết.
Ôtômi đã dựng nên giữa tôi và nàng một bức tường ngăn cách không vượt qua nổi. Tôi đã gắn bó đời tôi với một người phụ nữ có bàn tay vấy máu, dù vô tình hay cố ý! May mà tôi có người con, niềm an ủi cuối cùng của tôi, và cũng may rằng nó không biết gì về việc làm nhục nhã của mẹ nó.
“Ước gì mình có thể trốn khỏi đất nước đáng nguyền rủa này, mang nó về nước Anh, nó và cả Ôtômi nữa! - Vừa đi lên đỉnh kim tự tháp, tôi vừa nghĩ. - Có thể ở đấy nàng sẽ quên có thời nàng từng là một cô gái man dại!”.
Than ôi, điều này đã không xảy ra.
Khi tôi và những người cùng đi với tôi lên tới đền thờ, chúng tôi vội vàng báo tin vui này cho mọi người cùng biết. Tất cả đứng nghe một cách lặng lẽ. Nếu là người da trắng thì họ đã nhảy lên sung sướng, vì so với cái chết, mọi sự mất mát khác đều vô nghĩa. Nhưng người da đỏ thì khác. Gặp thất bại, họ không xem mạng sống của mình là quan trọng. Các chiến binh Ôtômi này đã mất Tổ quốc, vợ con, anh em và tất cả tài sản của mình. Thế thì thử hỏi họ còn gì nữa? Còn quyền được sống và tự do muốn đi đâu thì đi! Nhưng bây giờ họ sống để làm gì? Vì thế mà người Ôtômi đã cau có, lặng lẽ tiếp nhận sự khoan hồng của kẻ thù.
Tôi lại gần Ôtômi.
- Em đã hy vọng được chết ở đây, - nàng đáp. - Nhưng không sao, chết ở đâu cũng được.
Chỉ con trai tôi là vui mừng khi biết từ nay chúng tôi không còn bị đe doạ phải chết bởi cái đói và mũi kiếm nữa.
- Bố ơi, - nó nói, - người Tây Ban Nha cho chúng ta sống, nhưng chúng cướp mất đất đai và đuổi chúng ta đi. Chúng ta biết đi đâu?
- Bố không biết, con trai ạ, - tôi đáp.
- Bố ơi, ta hãy đi khỏi Anahuac! ƠŒ đây chẳng còn gì nữa ngoài quân Tây Ban Nha và những điều đau khổ. Ta hãy tìm tàu, vượt biển trở về nước Anh, Tổ quốc của ta!
Đứa bé nói đúng những điều tôi đang nghĩ, làm trái tim tôi nhức nhối. Nhưng thực hiện kế hoạch ấy bằng cách nào? Ôtômi sẽ nghĩ sao? Tôi do dự nhìn nàng.
- Ý kiến của nó hay đấy, Teule, - như đoán được câu hỏi của tôi, nàng đáp. - Có lẽ đó là giải pháp tốt nhất cho anh và con trai chúng ta. Còn em thì em sẽ làm theo câu tục ngữ của dân tộc em: “Chỉ nằm trong lòng đất quê hương mới ngủ ngon!”.
Nói đoạn, nàng quay đi và bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để rời đền thờ, nơi nàng đã sống qua những ngày bị bao vây. Chúng tôi không nói thêm về chuyện này nữa.
Sau bữa trưa, một đoàn dài gồm những người đàn ông mệt mỏi cùng một số đàn bà và trẻ em bắt đầu vượt qua hố đào theo chiếc cầu thang được làm vội bằng các cột của ngôi đền bị phá hủy. Trước khi mặt trời lặn, chúng tôi đã đặt chân tới khu sân dưới chân kim tự tháp. Quân Tây Ban Nha đang chờ chúng tôi cạnh cổng.
Một số đón chúng tôi bằng những câu chửi rủa, số khác bằng những lời giễu cợt, nhưng những tên còn chút ít tình người thì lặng lẽ nhìn chúng tôi với vẻ thông cảm và khâm phục trước sự dũng cảm mà chúng tôi đã bộc lộ trong trận đánh cuối cùng này.
Bọn lính tay sai thì tụm lại một chỗ, gào lên như những con báo đói. Chúng luôn miệng kêu thét bắt chúng tôi phải chết. Cuối cùng quân Tây Ban Nha phải ra lệnh cho chúng im lặng.
ƠŒ cổng ra vào, chúng tôi bị chia làm hai: những người bình thường lập tức được đưa ra khỏi thành phố đổ nát và cho lên núi, còn những người khác bị dẫn vào trại Tây Ban Nha để xét hỏi. Tôi, vợ và con tôi được dẫn vào cung điện, nơi trước kia chúng tôi đã sống trong nhiều năm, ở đó, đại úy Becnan Điax sẽ định đoạt số phận của chúng tôi.
Đoạn đường chúng tôi phải đi rất ngắn,thế mà tôi vẫn gặp một chuyện bất ngờ. Vô tình ngước mắt lên, tôi bỗng thấy Hoan đơ Gacxia đang khoanh tay trên ngực, đứng tách khỏi đám đông. Những ngày qua tôi quên hắn vì đầu óc còn bận những việc khác, nhưng vừa thấy hắn lập tức tôi nhớ rằng chừng nào con người này còn sống, tôi sẽ còn phải gặp nguy hiểm và đau khổ.
Gacxia lặng lẽ quan sát chúng tôi. Tôi là người đi cuối cùng, khi đến ngang nhau, hắn nói:
- Hẹn gặp nhé, Tômax! Lần này mày thoát chết, thậm chí còn được tha với vợ mày và thằng con quái dị của mày. Nếu con ngựa già đang chỉ huy quân Tây Ban Nha biết nghe lời tao, thì cả ba chúng mày đã bị thiêu sống trên giàn lửa! Nhưng biết làm thế nào được! Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp nhau, anh bạn thân mến ạ. Bây giờ tao sẽ tới Mêhicô để báo cho quan toàn quyền biết tất cả về việc này. Hy vọng ngài sẽ không để thế.
Tôi không đáp lại, và chỉ khi đi được mấy bước, tôi mới hỏi tên lính đi kèm, - hắn chính là tên được tôi cứu thoát khỏi bị giết để tế thần:
- Ông kia nói thế nghĩa là gì?
- Ông Xacxêđa ấy vừa có chuyện xích mích với chỉ huy của chúng tôi. Ông ta khuyên đừng hứa hẹn gì cả, hoặc ngược lại cứ hứa hẹn đủ chuyện, nhưng khi các ông rời khỏi chỗ ẩn nấp, chúng tôi sẽ giết không còn một tên nào! Không nhất thiết phải giữ đúng lời hứa với những kẻ ngoại đạo! Nhưng ông chỉ huy của chúng tôi lại nghĩ khác. Ông ấy cho rằng cần trung thực cả với những người theo Thần giáo. Nghe thế, chúng tôi, tất cả những người được anh cứu sống liền kêu to với Xacxêđa: “Nhục nhã! Nhục nhã!”. Sau đó suýt nữa xảy ra ẩu đả. Về cấp bậc, ở đấy Xacxêđa là người thứ ba. Hắn nói hắn không tham gia thương lượng, mà cùng bọn lính hầu của hắn sẽ tới Mêhicô để kêu với quan toàn quyền. Lúc ấy đại uý Becnan Điax bảo hắn: “Nếu muốn, anh có thể đi gặp quỷ sứ cũng được, và muốn kêu ca với ai tuỳ ý! Bao giờ tôi cũng nghĩ chỗ của anh phải ở dưới địa ngục mới đúng!”. Rồi mỗi người đi một nơi. Họ xích mích nhau từ thời có trận đánh Đêm buồn. Một giờ nữa Xacxêđa đi Mêhicô, và ở đấy hắn sẽ tha hồ nói xấu anh với quan toàn quyền. Nhưng cũng may là anh đã thoát được hắn.
- Bố ơi, - con trai tôi nói với tôi, - sao ông Tây Ban Nha kia nhìn chúng ta với vẻ căm thù như vậy?
- Có lần bố đã kể về người này cho con nghe. Hắn là Hoan đơ Gacxia. Hắn đã bị cả hai thế hệ của dòng họ chúng ta nguyền rủa, chính hắn trao ông nội con cho tòa án dị giáo, chính hắn giết bà nội con, tra tấn bố, và không biết sẽ còn gây cho ta bao điều độc ác nữa. Hãy xa lánh hắn, con trai ạ, và bố bắt con không bao giờ được tin hắn.
Đúng lúc ấy chúng tôi tới cung điện, - có lẽ nó là ngôi nhà duy nhất còn lại nguyên vẹn trong cả thành Xôxen. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng ở cuối một dãy nhà dài, nhưng chẳng bao lâu sau đại úy Điax ra lệnh cho gọi tôi tới gặp.
Ôtômi muốn ở lại cùng con trai trong căn phòng nơi người ta vừa mang thức ăn tới. Nhưng nàng phải đi theo tôi. Tôi nhớ trước khi đi tôi đã hôn con tôi,  tôi làm điều ấy chỉ vì nghĩ lúc trở về nó đang ngủ.
Phòng đại úy Điax ở phía đối diện, cách phòng chúng tôi khoảng hai trăm bước. Ít phút sau, chúng tôi đã đứng trước mặt ông ta. Ông là người đứng tuổi, có vẻ ngoài nghiêm khắc, đôi mắt sáng trên khuôn mặt không đẹp nhưng trung thực, như mặt một người nông dân quen quanh năm làm lụng ngoài đồng. Có điều chỗ làm việc của đại úy Điax là bãi chiến trường, và cái mà ông thu hoạch trên đó là những xác chết.
Khi chúng tôi bước vào, ông và đám lính bình thường đang nói với nhau những câu đùa không hợp tai phụ nữ một chút nào. Vì vậy thấy chúng tôi, ông liền im và bước lên phía trước. Tôi chào ông theo cách người da đỏ, nghĩa là chạm tay phải xuống đất, vì bây giờ tôi đơn giản chỉ là một tù binh da đỏ.
- Bỏ kiếm xuống, - ông nhanh nhẹn đưa mắt nhìn tôi và ra lệnh ngắn gọn. Tôi tháo kiếm đưa cho ông và nói bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Hãy cầm lấy nó, ông đại úy, vì ông đã thắng, và vì cả việc cuối cùng nó phải được trao lại cho chủ cũ!
Đó chính là thanh kiếm tôi đã tước của Becna - Điax trong trận đánh Đêm buồn.
Nhìn nó mấy giây, Điax bỗng nói to:
- Quỷ tha ma bắt tôi đi! Tôi vẫn nghĩ đấy là anh mà! Sau chừng ấy năm, cuối cùng chúng ta lại gặp nhau. Tốt lắm, ngày xưa anh cứu tôi thoát chết, bây giờ tôi lấy làm mừng được đền ơn anh bằng cách ấy. Nếu không tin thủ lĩnh Ôtômi chính là anh, tôi đã không cho anh điều kiện đầu hàng như thế. À, mà tên anh là gì nhỉ? Không, tên thật của anh cơ, còn người da đỏ gọi anh thế nào thì tôi đã biết.
- Tên tôi là Uyngfin!
- Tốt lắm, anh bạn Uyngfin ạ. Tôi nhắc lại, nếu không phải anh mà là người khác, tôi sẽ bao vây ngôi nhà quỷ dữ này, - ông chỉ lên kim tự tháp, - cho tới khi tất cả các anh phải chết đói trên ấy. Không, anh cứ giữ lấy thanh kiếm này, anh bạn ạ. Những năm qua tôi đã quen với thanh kiếm khác, mà anh thì sử dụng chiếc này rất tài: chưa bao giờ tôi thấy người da đỏ đánh nhau dũng cảm như thế. Còn đây là Ôtômi, con gái Môntêzuma và là vợ anh? Tôi thấy cô ta vẫn đường bệ và xinh đẹp như trước. Ôi, lạy Chúa, lạy Chúa! Bao nhiêu năm đã trôi qua mà tôi cứ tưởng như vừa thấy bố cô chết hôm qua. Ông ta có tâm hồn của một người theo đạo Giatô, tuy không tin vào Chúa Giêsu. Chúng tôi đối xử với ông ta không được hay lắm, nhưng Chúa sẽ tha lỗi cho chúng tôi! Còn về cô, thưa cô, tôi không thể gọi cô là người có tâm hồn Giatô giáo được, nếu những điều các cô làm cách đây ba đêm là có thật. Nhưng thôi, không nói chuyện này nữa, - chính dòng máu hoang dã có lỗi trong mọi chuyện. Cô cũng được tha, nhờ chồng cô, người đã cứu bạn bè của tôi khỏi bị chết trên bàn thờ.
Ôtômi không nói lời nào. Nàng đứng yên, lặng lẽ như một bức tường. Từ cái đêm làm việc giết người nhục nhã ấy, nói chung nàng rất ít nói.
- Sắp tới đây anh định làm gì, anh bạn Uyngfin? - Đại úy Điax quay sang hỏi tôi. - Anh có thể đi bất cứ nơi nào anh muốn, anh được tự do. Nhưng anh định đi đâu?
- Tạm thời tôi chưa biết, - tôi đáp. - Nhiều năm về trước, khi vua Aztec tha chết cho tôi và cho lấy công chúa Ôtômi làm vợ, tôi đã thề sẽ đứng về phía ông ta và chiến đấu vì ông ta, cho đến khi núi lửa Pôpôcatêpêcli ngừng phun, cho đến khi trong thành Tênôctitlan không còn một ông vua da đỏ nào, và Anahuac không còn tồn tại như một dân tộc.
- Nếu thế thì anh đã được giải phóng khỏi lời thề ấy, vì những điều anh vừa nói không còn nữa, thậm chí cả núi lửa Pôpôcatêpêcli cũng đã nằm yên hai năm nay. Nếu muốn, tôi có thể cho anh một lời khuyên thân thiện: hãy trở về với những người Giatô giáo và phục vụ vua Tây Ban Nha. Nhưng trước hết chúng ta ăn tối đã, - ta còn có khối thời gian để bàn tất cả những chuyện ấy.
 Dưới ánh sáng những bó đuốc, chúng tôi ngồi ăn cùng bàn với Becnan Điax và mấy người Tây Ban Nha khác trong phòng khánh tiết của cung điện. Ôtômi không muốn ở lại, Becnan Điax cố mời, nhưng nàng chẳng chịu ăn gì, và một lúc sau đã bỏ về phòng mình.
XXXVII
TRẢ THÙ
Trong bữa ăn, Becnan Điax nhắc đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trên bờ đập, và vì tưởng nhầm là Xacxêđa, suýt nữa tôi đã giết chết ông. Nhân tiện ông hỏi có chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và Xacxêđa.
Một cách thật ngắn gọn, tôi kể cho ông nghe câu chuyện cuộc đời tôi. Biết Xacxêđa hay còn gọi là Gacxia, đã gây cho tôi và gia đình tôi những điều gì, và tôi đã tới đất nước này ra sao, Điax hết sức ngạc nhiên.
- Lạy Đức Mẹ! - Cuối cùng ông kêu lên. - Bao giờ tôi cũng nghĩ hắn là một thằng khốn nạn, nhưng nếu không được anh kể cụ thể thế này, thì tôi sẽ chẳng biết hắn khốn nạn đến mức nào. Nói thật với anh, anh bạn Uyngfin ạ, nếu tôi được nghe anh kể cách đây một giờ thì Xacxêđa không đi khỏi được nơi này, khi chưa đền tội vì những việc hắn đã làm, hoặc khi chưa đấu tay đôi với anh. Bây giờ tôi sợ đã muộn: hắn định trăng lên là sẽ đi Mêhicô, chẳng là hắn muốn nhanh chóng kêu ca với quan toàn quyền về việc tôi chấp nhận điều kiện của anh. Cứ mặc hắn kêu ca, ở đấy người ta không tin hắn lắm!
- Những điều tôi vừa nói với ông là đúng sự thật, - tôi đáp. - Nếu cần, tôi có thể chứng minh được nhiều điều trong đó. Thú thật, tôi sẵn sàng hy sinh nửa đời người để gặp hắn, mặt đối mặt trong một trận đấu tay đôi công khai. Tôi với hắn có nợ riêng với nhau từ lâu, có điều bao giờ hắn cũng tìm cách trốn chạy khỏi tôi.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy có hơi lạnh khủng khiếp nào đó phả vào mặt và tay tôi. Cảm giác lo lắng về một mối bất hạnh không phương cứu chữa làm trái tim tôi đau nhói, và tôi ngồi lặng người, không đủ sức cử động hay nói một lời nào.
- Ta cùng đi ra xem, có thể hắn còn ở đây, - đại úy Điax nói, gọi lính canh, rồi đi ra khỏi phòng. Tôi đứng dậy định đi theo, nhưng chợt nhìn thấy một người đàn bà xuất hiện trước cửa. Người này đứng bám tay vào thành cửa, đầu ngả ra sau, tóc để xõa, khuôn mặt méo mó vì đau đớn. Tôi nhận ra ngay rằng đó là Ôtômi.
- Có chuyện gì xảy ra với con trai chúng ta à? - Tôi hỏi.
- Chết, chết rồi! - Nàng khẽ đáp với giọng hoảng sợ.
Tôi không đủ sức hỏi thêm nữa: trái tim mách tôi biết những phần còn lại. Nhưng Điax không hiểu.
- Chết? Vì sao lại chết? Ai giết?
- Hoan đơ Gacxia! Tôi thấy hắn đang đi ra, - Ôtômi đáp, giơ cao hai tay lên trời, rồi lặng lẽ ngã xuống bậc cửa. Tôi biết đúng lúc ấy trái tim tôi đã vỡ tan vĩnh viễn. Từ nay chẳng gì có thể làm nó rung động thật sự, và hết ngày này đến ngày khác, hết giờ này đến giờ khác, tôi sẽ bị giày vò đau đớn khi nghĩ tới điều này, đau đớn suốt đời, cho đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng để sang thế giới bên kia cùng con tôi.
- Ông thấy chưa, ông Becnan Điax? - Tôi vừa chua xót cười, vừa kêu lên. - Những điều tôi nói về bạn ông có đúng không?
Rồi bước qua người Ôtômi, tôi nhảy ra khỏi phòng. Đại uý Điax cùng những người Tây Ban Nha khác chạy theo tôi. Ra khỏi cung điện, tôi rẽ phải chạy về phía trại lính Tây Ban Nha, nhưng chưa được một trăm bước, tôi nhìn thấy dưới ánh trăng một tốp người cưỡi ngựa đi về phía tôi. Đó là Gacxia và đám lính hầu của hắn. Hắn đang vội đi về phía khe núi, rồi từ đấy đi Mêhicô. Tôi đã đến đúng lúc.
- Đứng lại! - Becnan Điax hô to.
- Ai dám ra lệnh cho ta thế? - Tiếng Gacxia đáp.
- Ta đây, ta là đại úy Becnan Điax, chỉ huy của anh! Đứng lại, đồ quỷ dữ, đồ giết người, nếu không ngươi sẽ bị ta giết chết!
Tôi thấy Gacxia rùng mình, mặt tái nhợt.
- Thưa chỉ huy, ông nói gì lạ vậy? - Hắn nói. - Nếu ông cho phép...
Nhưng đúng lúc ấy Gacxia đã nhận thấy tôi. Tôi vùng khỏi tay Điax rồi đi lại gần hắn. Tôi không nói lời nào, nhưng nhìn mặt tôi, có lẽ hắn hiểu rằng tôi đã biết hết mọi chuyện và bây giờ thì không còn gì cứu được hắn.
Gacxia nhìn về phía trước qua đầu tôi, - con đường hẻm sau lưng tôi đã bị đám lính đứng chặn. Tôi cứ tiến lại gần, gần thêm, nhưng hắn không đứng yên chờ tôi. Hắn đã đặt tay lên chuôi kiếm, nhưng rồi bỗng quay ngựa chạy theo con đường dẫn tới núi lửa Haca. Gacxia trốn chạy, còn tôi thì đuổi theo hắn một cách không vội vã lắm, nhưng bám rất chặt, như chó săn đuổi theo mồi. Lúc đầu hắn vượt tôi khá xa, nhưng chẳng bao lâu đường hẹp, hắn không phi nhanh được. Thành phố, hay đúng hơn là những đống gạch vụn của nó, đã lùi lại phía sau. Bây giờ chúng tôi đang đi dọc theo một con đường rất hẻm mà người Ôtômi thường đi để mang tuyết từ núi lửa về trong những ngày trời nóng. Khoảng năm dặm nữa sẽ gặp tuyết, và con đường nhỏ biến mất: tiếp đến là vùng đất thiêng liêng mà không một người da đỏ nào dám đặt chân tới.
Chúng tôi cứ tiếp tục đi lên, tôi đã thầm vui mừng một cách độc ác, vì biết bây giờ có muốn, hắn cũng không quay lại được nữa, vì cả hai bên đều là vực thẳm hay các vách đá dựng đứng. Càng đi, Gacxia càng hay nhìn xung quanh, lúc bên trái, lúc bên phải, lúc nhìn lên đỉnh núi phủ tuyết đang bốc lửa trước mặt. Có điều không lần nào hắn ngoái nhìn lại phía sau vì hắn biết đang bám theo hắn là thần chết đội lốt một hình người.
Tôi đuổi theo hắn một cách lặng lẽ và kiên trì, cố để dành sức.
Cuối cùng Gacxia đã tới chỗ có tuyết. Không còn lối đi tiếp. Tôi ở cách hắn hai trăm bước. Tôi, thần chết của hắn, đang tiến lại gần từ phía sau, mà trước hắn chỉ một màu tuyết trắng xóa. Hắn do dự mấy giây. Trong sự im lặng hùng vĩ của thiên nhiên, tôi nghe rõ hơi thở nặng nề của con ngựa hắn cưỡi. Sau đó hắn thúc mạnh mũi giày vào bụng con ngựa, bắt nó đi lên phía trước.
Lâu ngày tuyết xẹp xuống, cứng lại như băng. Và trong một thời gian ngựa đi trên nó thậm chí còn nhanh hơn đi trên đường hẻm, mặc dù mỗi lúc một dốc.  Nhưng đường đi vẫn chỉ một như cũ, - men theo vách núi phủ tuyết dựng đứng. Hơn hai giờ liền chúng tôi đi theo dốc núi ấy, chìm hẳn trong sự im lặng của những mảng tuyết vĩnh cửu đang bao quanh ngọn núi lửa kỳ diệu.
Đường đi mỗi lúc một dốc hơn, con ngựa đã kiệt sức. ƠŒ độ cao thế này, nó rất khó thở. Mặc dù bị Gacxia thúc mạnh vào sườn, con vật đáng quý ấy vẫn không bước thêm được bước nào nữa.
Bỗng con ngựa ngã xuống tuyết. Tôi nghĩ bây giờ thì chắc Gacxia phải dừng lại, hóa ra tôi vẫn chưa hình dung hết hắn đang sợ hãi như thế nào. Lổm ngổm bò dậy khỏi con ngựa bị ngã, hắn vừa đưa mắt nhìn quanh, vừa cởi bỏ bộ áo giáp nặng rồi lảo đảo đi tiếp.
Lúc ấy, chúng tôi đã tới chỗ hết tuyết, và sườn núi bắt đầu được phủ băng. Hắn chơi vơi đi trên băng. Điều tôi sợ nhất là hắn sẽ trượt chân ngã, và thế là tôi không được giết hắn để trả thù, lúc này tôi chỉ ở cách hắn hai mươi bước về phía sau. Vì thế, hễ thấy chỗ nào nguy hiểm, tôi lại kêu to bày hắn cách đặt chân cho vững và điều đáng ngạc nhiên nhất là hắn đã quên hết sợ hãi và làm đúng theo lời tôi. Trong khi đó tôi không hề nghĩ về tôi. Tôi biết tôi không thể ngã được, mặc dù vào lúc khác thì chắc chắn không gì bắt được tôi trèo dốc nguy hiểm thế này.
Lúc ấy, dưới ánh trăng chúng tôi đã bò lên tới gần miệng núi lửa, nhưng bỗng nhiên, tia nắng đầu tiên xuất hiện, và ngọn lửa soi sáng từ phía trong cột khói khổng lồ liền tắt. Bây giờ đỉnh núi phủ băng lấp lánh hàng nghìn tia sáng đỏ. Chúng tôi tiếp tục bò lên như hai con ruồi, phía dưới bóng đêm vẫn cuộn tròn chưa tan hết. Đó là một bức tranh kì diệu, nhưng cũng thật rùng rợn.
- Ê, ông bạn! - Tôi gọi to Gacxia.- Sáng thế này dễ trèo đấy, cẩn thận kẻo ngã!
Những lời này của tôi vọng lại một cách hết sức lạ lùng giữa các đỉnh núi phủ băng, nơi chưa bao giờ từng vang lên tiếng nói của con người.
Cuối cùng Gacxia đã bò đến miệng núi lửa, vươn mình về phía trước và nhìn xuống. Tôi nghĩ chắc hắn sẽ nhảy xuống đó tự tử. Nhưng nếu hắn có ý định ấy,  thì lập tức cũng gạt bỏ ngay, khi thấy nơi mà hắn định nhảy vào rùng rợn thế nào. Quay ngoắt lại, hắn rút kiếm đi ngược về phía tôi, và chúng tôi đã gặp nhau cách miệng núi lửa độ mươi bước.
Tôi nói “gặp nhau”, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, vì cách tôi khoảng bốn bước, nơi kiếm của tôi không với tới được, hắn đã dừng lại. Vẫn không rời mắt khỏi hắn, tôi ngồi xuống một tảng nham thạch. Khuôn mặt hắn lạ lùng làm sao! Đó là khuôn mặt một tên giết người trước giờ đền tội. Tiếc rằng tôi không là họa sĩ, vì dùng lời không thể miêu tả hết đôi mắt đỏ ngầu đầy kinh sợ, hàm răng nghiến chặt và đôi môi run run của hắn.
- Thế là chúng ta lại gặp nhau, Gacxia, - tôi nói.
- Mày còn chờ gì nữa? - Hắn rít lên. - Giết tao đi và thế là mọi chuyện kết thúc!
- Đi đâu mà vội, ông bác họ của tôi? Tôi tìm ông đã hai mươi năm nay, vì vậy chẳng cần chia tay nhanh như thế? Ta chuyện gẫu chút đã! Trước khi xa nhau vĩnh viễn, tôi hy vọng ông có đủ lịch sự để trả lời một vài câu hỏi của tôi, chả là tôi rất tò mò. Xin hỏi vì sao ông gây cho tôi và những người thân của tôi chừng ấy điều bất hạnh? Chắc phải có lý do nào đấy mới có thể giải thích được sự độc ác ngu ngốc và vô nghĩa của ông.
Tôi nói với hắn bằng giọng bình tĩnh và lãnh đạm, không hồi hộp chút nào, cũng không cảm thấy gì. Trong giờ phút lạ lùng ấy, tôi không còn là Tômax Uyngfin, không còn là người nữa, mà là một thứ vũ khí không hồn, một sức mạnh mù quáng. Tôi có thể nghĩ về đứa con bị giết mà không thấy buồn: đối với tôi, nó không chết, vì bản thân tôi là một phần nhỏ của thiên nhiên vô cùng vô tận, trong đó có cái chết. Thậm chí tôi cũng không thấy căm thù khi nghĩ về Gacxia, như thể hắn chỉ là một con cờ trong tay ai đấy. Nhưng đồng thời tôi hiểu bây giờ mạng sống của hắn đang hoàn toàn phụ thuộc vào tôi, và rằng hắn sẽ trả lời và nói hết sự thật; điều này cũng chắc chắn như việc hắn sẽ chết lúc nào tôi muốn.
Gacxia định mím môi lại, vì miệng hắn cứ tự động mở ra, và hắn bắt đầu nói. Từng lời một, hắn bộc lộ hết trước tôi, toàn bộ chiều sâu trái tim đen của hắn như thể hắn đang đứng trước một vị quan tòa tối cao.
- Từ trẻ tôi đã yêu mẹ anh, - hắn bắt đầu một cách chậm chạp, vất vả nói dằn từng tiếng. - Suốt đời tôi chỉ yêu một mình bà ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn yêu, nhưng bà ấy lại căm thù và sợ tôi vì những thói xấu và sự độc ác của tôi. Sau đó bà ấy gặp và yêu bố anh. Tôi tố cáo bố anh cho tòa án dị giáo, với hy vọng chúng sẽ tra tấn và thiêu sống ông ấy, nhưng rồi chúng lại thả ra, và bố mẹ anh chạy về nước Anh. Sự ghen tuông làm tôi đau khổ, tôi mong ước được trả thù, nhưng mẹ anh lại ở xa. Trong gần hai mươi năm tôi sống một cuộc đời tăm tối, cho đến khi một lần được đặt chân lên nước Anh vì công việc buôn bán. ƠŒ đấy, ngẫu nhiên tôi biết tin bố mẹ anh sống gần Iamut, và rồi tôi quyết định tới gặp bà ấy, chỉ gặp thôi, chứ không hề định giết. Tôi đã gặp may. Tôi gặp mẹ anh trong rừng, và bà ấy vẫn đẹp như xưa, tôi chợt hiểu tôi còn yêu bà ấy hơn trước. Tôi bắt bà ấy phải chọn: hoặc chạy trốn cùng tôi, hoặc sẽ chết, và bà ấy đã chết. Khi tôi giơ kiếm định chém, bỗng mẹ anh ngăn lại, bảo tôi:
“Hoan, hãy lắng nghe tôi đã. Trước khi chết, tôi muốn báo anh biết điều này. Như tôi chạy trốn anh, sau này một trong những đứa con trai của tôi sẽ đuổi anh chạy, và cũng như anh sắp cho tôi lên thiên đường, nó sẽ xô anh xuống chốn vô cùng vô tận của địa ngục, giữa núi đá, băng tuyết và khói lửa”.
- Chỗ ấy là đây, - tôi nói.
- Vâng, chỗ ấy là đây, - Gacxia vừa nhìn quanh vừa khẽ đáp.
- Nói tiếp đi!
Một lần nữa hắn định im lặng, nhưng ý chí của tôi đã đè bẹp hắn và hắn lại nói:
- Lúc ấy rút lui thì đã muộn. Để tự cứu mình, tôi đã giết mẹ anh và bỏ chạy. Nhưng từ giờ phút ấy nỗi lo sợ đã len vào tim tôi cho đến tận lúc này vẫn chưa thôi ám ảnh. Bất cứ bao giờ và ở đâu, tôi cũng bị người con trai ấy của mẹ anh hành tội. Người ấy bắt tôi chạy trốn, chạy trốn suốt đời, cho đến khi xô tôi ngã xuống địa ngục.
- Địa ngục đang ở kia, - tôi nói rồi lấy mũi kiếm chỉ vào miệng núi lửa.
- Vâng, tôi thấy.
- Nhưng chỉ xác ông rơi xuống đấy, còn tâm hồn thì không.
- Chỉ xác thôi, không phải tâm hồn, - hắn nhắc lại theo tôi.
- Nói tiếp đi, - tôi ra lệnh.
- Sau đó ngay hôm ấy tôi đã gặp anh, Tômax Uyngfin. Những lời tiên tri của mẹ anh làm tôi hoảng sợ, và vì thế khi thấy một trong những người con trai của bà, tôi quyết định giết để sau này anh ta không giết tôi.
- Nhưng bây giờ anh ta sẽ giết.
- Bây giờ anh ta sẽ giết, - Gacxia nhắc lại như một con vẹt, rồi im lặng một lát hắn lại nói:
- Còn những gì xảy ra sau đó và việc tôi đã trốn thoát thế nào thì anh đã biết. Tôi trở về Tây Ban Nha, cố quên hết mọi chuyện nhưng không thể được. Một đêm nọ ở Xêvin, tôi nhìn thấy một người giống anh, tôi không nghĩ đấy là anh, nhưng tôi sợ đến mức quyết định chạy sang xứ Ấn Độ xa xôi này. Anh đã gặp tôi vào đêm trước ngày lên đường, khi tôi đang chia tay với một cô gái.
- Đó là Ixaben đơ Xiguenxa. Chẳng bao lâu sau tôi đã gặp cô ta trước lúc chết, và đã chuyển lại cho ông lời nhắn của cô ta. Bây giờ mẹ con cô ta đang chờ ông.
Gacxia rùng mình rồi kể tiếp:
- Chúng ta lại gặp nhau trên biển. Anh xuất hiện như từ dưới sóng chui lên. Tôi không dám giết anh trước mắt mọi người vì sợ sau này người ta buộc tội tôi về cái chết của anh. Tôi nghĩ sớm muộn anh sẽ chết trong hầm tàu dành cho nô lệ. Nhưng anh đã không chết, thậm chí cả đại dương cũng tỏ ra thương anh, mặc dù lúc ấy tôi nghĩ tôi đã vĩnh viễn thoát được anh. Cùng với Côrtex, tôi tới đất nước Anahuac và lại gặp anh ở đây; lần này suýt nữa anh giết chết tôi. Nhưng sau đó phần thắng chuyển sang tôi và tôi được tha hồ đày đọa anh. Ngày hôm sau tôi quyết định giết chết anh, nhưng lúc đầu muốn bắt anh phải chịu tra tấn, vì nỗi sợ làm tôi trở nên độc ác. Tuy nhiên anh đã trốn thoát. Nhiều năm trôi qua. Tôi đã đi khắp thế giới, trở về Tây Ban Nha, đến nhiều nước khác và rồi quay lại Mêhicô, nhưng ở đâu, nỗi sợ ấy, và những bóng ma ấy vẫn ám ảnh tôi khắp nơi, không cho tôi một phút hạnh phúc hay bình thản nào. Chỉ cách đây không lâu tôi mới gia nhập đội quân của Becnan Điax. Tôi không nghĩ tới anh nữa; người ta nói với tôi anh chết từ lâu, và chỉ khi đặt chân tới thành Xôxen, tôi mới biết thủ lĩnh người Ôtômi là anh. Những điều còn lại thì anh đã rõ.
- Vì sao ông giết con tôi?
- Thế nó không phải cháu của mẹ anh sao? Nó không thể giết chết tôi sao? Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn trả thù anh về những năm tháng đầy kinh hoàng kia. Vả lại, khi định giết bố mà để cho con trai sống thì chỉ là ngu ngốc. Nó đã chết, và tôi mừng đã giết được nó, dù từ nay cùng những hồn ma khác, hồn ma nó sẽ ám ảnh tôi khắp nơi.
- Nó sẽ bám theo ông vĩnh viễn, muôn đời. Nhưng thôi, thế là đủ. Ông có kiếm, hãy chống đỡ đi, nếu có thể. Chết trong khi đánh nhau vẫn nhẹ nhàng hơn.
- Tôi không đủ sức! - Gacxia rên rỉ - Tôi đang tuyệt vọng...
- Tùy ông, - tôi nói và giơ kiếm lên.
Hắn rùng mình rồi bắt đầu lùi lại, hoảng sợ nhìn thẳng vào mặt tôi như con chuột nhìn con rắn trước khi bị nó nuốt. Cứ thế, tôi dồn hắn tới tận miệng núi lửa. Tôi nhìn xuống và thấy trước mặt tôi một cảnh tượng thật đáng sợ. ƠŒ đấy, dưới độ sâu hơn mười mét, bị che dưới một làn khói cuộn tròn là những mảng nham thạch được nung đỏ rực, đang sôi sục, uốn éo như một sinh vật sống. Từng sợi khói bốc lên nổ lép bép, cháy đỏ như những con rắn nhiều màu, nóng hầm hập và tỏa mùi thối khó chịu. Vâng, đây chính là chỗ thích hợp cho Gacxia làm nơi ẩn náu cuối cùng của hắn! Thậm chí cả tôi cũng không nghĩ được chỗ nào tốt hơn thế.
Tôi chỉ mũi kiếm xuống và phá lên cười, nhưng khi Gacxia nhìn thấy miệng núi lửa, hắn bỗng sợ chết đến mức để mất hết tính người. Hắn khóc lên, gào thét như một con thú. Vâng, vâng, chính con người Tây Ban Nha kiêu hãnh đạo mạo ấy đã sụt sùi van xin tôi tha chết. Hắn, người đã gây nên chừng ấy tội lỗi không thể nào tha thứ được đang xin tôi cho sống, ít ra đủ thời gian để sám hối. Tôi lặng lẽ đứng nhìn hắn, trông hắn thật thảm hại, thậm chí cả trái tim băng giá của tôi cũng bắt đầu run run vì sợ.
- Thôi, đủ rồi đấy! - Tôi nói và lại giơ kiếm lên, nhưng sau đó liền hạ xuống. Bỗng nhiên tôi thấy Gacxia hóa điên, hóa điên ngay trước mặt tôi!
Tôi không muốn kể ra tất cả những gì tiếp theo sau đó. Cùng với sự điên rồ, sự dũng cảm đã trở lại với Gacxia, và hắn bắt đầu đánh nhau. Nhưng không phải với tôi!
Hình như hắn không còn nhìn thấy tôi nữa, nhưng hắn vẫn đánh nhau quyết liệt, luôn vung kiếm vào chỗ trống. Thật kinh khủng khi nhìn thấy hắn vật lộn với những kẻ thù vô hình, và nghe hắn nguyền rủa, gào thét. Hết tấc này đến tấc khác, hắn cứ lùi dần về phía miệng núi lửa. ƠŒ đây hắn dừng lại và chiến đấu những phút cuối cùng với một đối thủ mạnh vô hình. Những đòn tấn công quyết liệt tiếp theo nhau, hai lần hắn suýt ngã như vừa bị thương nặng, nhưng rồi hắn lại đem hết sức tiếp tục chiến đấu, - với không khí! Bỗng nhiên, kêu lên một tiếng thất thanh như bị đâm trúng tim, hắn dang rộng hai tay, để rơi kiếm và từ từ rơi xuống miệng núi lửa.
Tôi quay mặt để khỏi phải nhìn thêm. Sau này tôi thường tự hỏi mình: lúc đó, chuyện gì đã xảy ra? Ai đã đánh Gacxia đòn cuối cùng và quyết định ấy?
XXXVIII
VĨNH BIỆT ÔTÔMI
Thế là tôi đã thực hiện lời hứa của tôi với bố tôi: thanh toán mối thù với Gacxia. Hay nói đúng hơn, tôi đã nhìn thấy hắn bị trừng phạt, vì tuy hắn phải chết thật kinh khủng, nhưng vẫn không phải do tay tôi giết. Gacxia chết vì sợ hãi! Liền ngay sau đó tôi lấy làm tiếc rằng hắn chết cách ấy, vì khi trong lòng tôi không còn sự bình tĩnh lạnh lùng phi tự nhiên kia nữa, tôi thấy căm thù hắn còn hơn trước. Tôi tiếc không phải chính tay tôi giết hắn, và cả đến bây giờ tôi vẫn tiếc như thế. Tất nhiên, nhiều người có thể trách tôi, vì chúng ta được dạy khoan dung với kẻ thù, nhưng một sự khoan dung như vậy tôi xin nhường lại cho Chúa. Làm sao tôi có thể tha thứ được cho người đã trao bố tôi vào tay tòa án dị giáo, đã giết mẹ tôi và con tôi, đã xích tôi vào tàu buôn nô lệ, và đã tự tay tra tấn tôi trong suốt hai giờ liền? Không! Càng ngày tôi càng căm thù hắn!
Tôi viết tất cả những điều này ra đây chỉ vì một lẽ là trong suốt một thời gian dài tôi không sao lấy lại được bình tĩnh. Tôi không biết tha thứ cho bất kì người nào, cả người chết lẫn người sống, và vì thế mấy năm trước đây ông linh mục đáng kính và thông thái của xứ đạo chúng tôi thậm chí đã không cho tôi bước chân vào nhà thờ. Sau đó tôi tìm gặp ông giám mục và kể ông ta nghe câu chuyện đời tôi. Ông giám mục ngạc nhiên không ít, nhưng vốn là người có tầm nhìn rộng rãi, ông đã cho mời ông linh mục tới và thay đổi quyết định của ông ta. Cũng như tôi, ông cũng cho rằng Chúa không lên án một người yếu đuối, nếu người ấy không thể tha thứ cho kẻ độc ác đã gây cho anh ta chừng ấy tai họa.
Nhưng thôi, nói về các vấn đề của lương tâm như thế là quá đủ!
Khi Gacxia biến mất trong miệng núi lửa, tôi quay về nhà, nói đúng hơn là trở lại thành phố đổ nát đang nằm tít phía dưới, vì bây giờ tôi chẳng có nhà nữa.
Bây giờ tôi phải đi xuống theo sườn núi phủ băng, điều ấy hóa ra khó hơn nhiều so với khi lên. Lúc này, khi thù được trả, như thể tôi biến thành người khác hẳn, cũng mệt mỏi và bất hạnh như tất cả những người khác. Tôi cảm thấy đau khổ đến mức, thú thật, nếu có trượt chân ngã xuống vực, tôi cũng chẳng lấy thế làm tiếc.
Nhưng tôi không trượt chân và cuối cùng đã tới được chỗ bắt đầu phủ tuyết, từ đây đường dễ đi hơn nhiều.
Lúc tôi về tới nhà, mặt trời đã sắp lặn, vì đường khá dài, mà tôi thì đi chậm vì yếu, mệt. Đại úy Điax cùng các bạn của ông gặp tôi trong cung điện. Khi tôi đến gần, những người lính lặng lẽ cởi mũ để bày tỏ sự kính trọng đối với tôi. Điax hỏi:
- Tên giết người chết rồi chứ?
Tôi gật đầu đi tiếp vào phòng mình, hy vọng sẽ gặp Ôtômi ở đó.
Nàng đang ngồi một mình, lạnh lùng và xinh đẹp như một bức tượng cẩm thạch.
- Em đã chôn con trai của chúng ta cạnh mộ những người anh em và tổ tiên xa xôi của em, - Ôtômi đáp lại cái nhìn dò hỏi của tôi. - Chắc trái tim anh không chịu nổi, nếu phải thấy con lần nữa.
- Vâng, vâng, - tôi nói. - Nhưng tim anh đã tan vỡ từ lâu.
- Tên giết người chết rồi chứ? - Ôtômi hỏi đúng như Điax đã hỏi.
- Vâng.
- Chết thế nào?
Tôi vắn tắt kể nàng nghe mọi chuyện.
- Đáng lẽ tự anh phải giết chết hắn. Như thế là máu của con trai chúng ta còn chưa được trả bằng máu.
- Vâng, đáng lẽ tự anh phải giết chết hắn, nhưng lúc ấy anh không nghĩ về sự trả thù, vì thấy hắn đã bị Chúa trừng phạt. Có thể như thế lại tốt hơn. Anh đã phải trả giá đắt cho sự trả thù ấy, và đã hiểu quá muộn rằng đáng lẽ anh không nên nhận trách nhiệm ấy vào mình. Có bàn tay trừng phạt của Chúa từ trên cao.
- Không đúng! - Ôtômi nói, lúc ấy mặt nàng giống hệt như lúc nàng giết chết tên Tlatxcalan hay khinh bỉ trả lời Marina, hay khi cầm đầu đám đông phụ nữ nhảy múa quanh kim tự tháp trước giờ tế thần. - Em không tin điều ấy. Nếu là anh, em sẽ băm nó ra làm nhiều mảnh và chỉ sau đó mới quẳng hắn cho quỷ xé xác! Nhưng bây giờ thì nói làm gì nữa! Tất cả đã kết thúc, tất cả đã chết, cả trái tim em cũng thế. Anh đang mệt, ăn đi!
Ăn xong, tôi ngả người xuống giường và ngủ thiếp.
Trong bóng tối tôi bỗng nghe giọng nói Ôtômi:
- Tỉnh dậy, em muốn nói chuyện với anh!
Trong giọng nàng có cái gì đó làm tôi lập tức tỉnh dậy.
- Nói đi, em ở đâu thế, Ôtômi? - Tôi đáp.
- Em đang ở cạnh anh. Không ngủ được, em đã dậy. Anh hãy nghe em nói. Chúng ta gặp nhau từ rất nhiều năm về trước, khi Guatêmôc dẫn anh từ Tabaxcô về. Ôi, em nhớ ngày ấy mới rõ làm sao! Lần đầu tiên em nhìn thấy anh trong cung điện của Môntêzuma ở Sapuntêpêc, em thấy anh và đem lòng yêu anh. Bao giờ em cũng yêu anh! Em là người không sợ các vị thần xa lạ.
- Sao em nói với anh điều này, Ôtômi? - Tôi hỏi.
- Vì em muốn thế. Có thể anh sẽ dành một giờ để nghe em, người đã trao cho anh tất cả. Anh có nhớ lúc ấy anh từ chối em thế nào không? Ôi, em tưởng em sẽ chết vì xấu hổ, sau khi khó khăn lắm em mới được chọn làm vợ anh, vợ của thần Têcatlipôca, thế mà đáp lại, anh nói với em về một cô gái Lyly nào đó bên kia bờ đại dương, người có chiếc nhẫn anh vẫn đeo đến bây giờ. Nhưng em cũng vượt qua thử thách ấy. Em yêu anh còn hơn trước vì sự chân thật của anh, còn những điều khác thì tự anh đã biết.
Anh trở thành chồng em vì em quyết định nằm chết bên anh trên hòn đá chém. Lúc ấy anh đã hôn em và nói rằng anh yêu em. Nhưng chẳng bao giờ anh yêu em thật sự. Lúc nào anh cũng nghĩ về cô gái Lyly kia. Như bây giờ, trước kia em đã biết điều ấy, dù em cố tự lừa dối mình. Ngày ấy em còn xinh đẹp, mà đối với đàn ông điều này rất quan trọng. Em chung thuỷ với anh, điều này còn quan trọng hơn nữa, và một hai lần chính anh nghĩ rằng anh yêu em. Nhưng bây giờ em lấy làm tiếc rằng bọn Teule đã đến kịp và không cho chúng ta cùng chết trên bàn thờ. Em tiếc điều ấy cho chính bản thân em. Chúng ta thoát chết, nhưng từ đó, đối với em, một cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc đã bắt đầu.
Em đã nói rằng em hiểu và thấy hết mọi điều. Anh hôn em trên thớt chém vài giây trước cái chết. Nhưng khi được sống, tất cả lại thay đổi, và vì hoàn cảnh, anh đã cưới em làm vợ, đã thề và giữ trọn lời thề ấy. Anh cưới em, nhưng không biết vợ anh là ai. Anh chỉ biết em xinh đẹp, dịu dàng và chung thủy với anh, - tất cả đúng như thế, - nhưng anh không hiểu rằng đối với anh, em vẫn xa lạ, vẫn là người như tổ tiên em bao đời nay. Anh tưởng em đã chấp nhận các phong tục của anh, có thể thậm chí cả tôn giáo của anh, vì để chiều anh, em đã cố làm những điều ấy. Thế nhưng trong suốt thời gian qua, em đã sống bằng các phong tục của người da đỏ, và chẳng bao giờ quên được các vị thần của em. Các vị thần ấy không cho em rời bỏ họ. Trong nhiều năm liền em cố xa lánh họ, nhưng cuối cùng họ đã trả thù em điều ấy. Trái tim em thuần phục trở lại, hay đúng hơn, các vị thần đã thuần phục nó, vì bản thân em không nhớ và không hiểu tí gì về những việc em làm đêm nọ, khi anh thấy em trên kim tự tháp cùng những người phụ nữ Ôtômi khác làm lễ tế thần Uixilôpôctli.
Những năm qua, anh chung thuỷ với em, và em đã sinh cho anh những đứa con mà anh yêu quý. Nhưng anh yêu các con anh vì bản thân chúng chứ không vì em. Sâu trong lòng, anh căm thù dòng máu của em, dòng máu đã trộn lẫn với dòng máu của anh trong các con anh. Mà rồi anh cũng chỉ yêu em một nửa. Cái tình yêu nửa vời cay độc ấy suýt nữa làm em hóa điên. Nhưng sau đó, cái tình yêu ấy đã chết khi anh thấy em bị phù phép trong nghi lễ cổ xưa của tổ tiên em. Chỉ lúc ấy anh mới hiểu em là ai. Em là một người đàn bà hoang dại!
Thế rồi những đứa con gắn bó chúng ta không còn nữa. Chúng chết vì nhiều lý do khác nhau. Hết đứa này đến đứa khác, vì treo trên đầu chúng là lời nguyền rủa của dòng họ em. Theo chúng tình yêu của anh cũng chết. Em chỉ còn lại một mình, như kỷ niệm sống về những điều đã mất. Nhưng bây giờ, cả em cũng thôi tồn tại.
Tôi định nói, nhưng Ôtômi vội vàng ngăn lại:
- Không, anh hãy im lặng và lắng nghe em! Em chỉ còn rất ít thời gian. Khi anh cấm em không được gọi anh là chồng, em hiểu tất cả đã kết thúc. Em đã nghe theo anh, Teule. Em dứt anh khỏi trái tim em, anh không còn là chồng em, và lát nữa em sẽ thôi là vợ anh. Nhưng dù sao, em vẫn yêu cầu anh lắng nghe tiếp. Bây giờ anh đang quẫn trí vì đau buồn. Anh nghĩ đời anh thế là hết và hạnh phúc không còn nữa. Thực ra không phải thế. Anh đang ở độ tuổi đẹp nhất và tràn trề sức lực. Có thể anh sẽ rời bỏ được mảnh đất đau buồn này, lúc ấy anh sẽ rũ khỏi người anh các bụi bặm của nó, và lời nguyền rủa sẽ thôi không đè nặng lên anh nữa. Anh sẽ trở về quê hương và gặp lại người đàn bà đã chờ anh chừng ấy năm. Lúc đó một người đàn bà xa xôi khác, công chúa một dân tộc đang chết dần, sẽ chỉ còn là cái bóng mờ mờ, và những tháng năm đầy các sự kiện lạ lùng đối với anh chỉ còn là một giấc mơ. Cái duy nhất còn lại là tình yêu đối với những đứa con đã chết. Anh sẽ yêu chúng suốt đời, và ý nghĩ về chúng cùng nỗi buồn nhớ những người đã chết sẽ theo anh hết ngày đến đêm cho đến khi anh tắt thở; em lấy thế làm mừng, vì em là mẹ chúng, và vì nghĩ tới chúng, thỉnh thoảng anh sẽ nhớ đến em. Đó là tất cả những gì cô Lyly của anh chừa lại cho em, và đó cũng là cái em hơn cô ấy. Teule, anh phải biết rằng cô ấy sẽ chẳng sinh cho anh đứa con nào để che lấp tình yêu đối với những đứa con của em trong trái tim anh!
Ôi, em đã theo dõi anh suốt ngày đêm! Em nhìn thấy, nhìn thấy hết nỗi buồn trong mắt anh khi nghĩ về cô gái và quê hương tuổi trẻ xa xôi của anh. Em cầu mong anh hạnh phúc. Anh sẽ được thấy quê hương, sẽ gặp lại cô gái ấy! Cuộc vật lộn đã kết thúc: Lyly của anh đã thắng. Sức lực đang rời bỏ em, em nói một cách vất vả, mà rồi cũng chẳng còn nhiều để nói. Chúng ta chia tay nhau, có lẽ chia tay vĩnh viễn. Còn gì gắn bó chúng ta, ngoài linh hồn những đứa con đã chết? Không, chẳng còn gì! Em không cần cho anh nữa, và chính em tự cắt đứt mối quan hệ của chúng ta. Vào giờ phút hấp hối này, em từ bỏ vị thần của anh để quay lại với các vị thần của dân tộc em, mặc dù có thời em nghĩ em căm ghét họ. Chúng ta chia tay mãi mãi, nhưng em van anh đừng nghĩ xấu về em, vì em đã và đang yêu anh. Em là mẹ những đứa con của anh mà anh đã cho nhập đạo Thiên chúa, và có thể anh sẽ gặp lại chúng. Em vẫn yêu anh như trước. Em hạnh phúc vì anh đã hôn em trên thớt chém, và vì em đã sinh cho anh những đứa con trai. Chúng là con của anh, phần của em rất ít. Em có cảm giác rằng em yêu chúng cũng chỉ vì chúng là con của anh, còn chúng thì chỉ yêu một mình anh. Hãy nhận lấy chúng, hãy nhận lấy linh hồn chúng như anh đã nhận ở em tất cả những thứ khác. Anh thề chỉ cái chết mới chia cắt nổi chúng ta, và anh đã giữ trọn lời thề ấy cả trong việc làm lẫn trong ý nghĩ. Bây giờ em sẽ đi tới Ngôi nhà Mặt trời, em sẽ đến với tổ tiên của em. Teule, em đã sống với anh nhiều năm, đã gặp nhiều điều đau khổ. Lúc này em không thể gọi anh là chồng, vì anh cấm em điều ấy, nhưng em yêu cầu anh, Teule: đừng đem em cười đùa với Lyly của anh! Nếu có thể, đừng nói gì với cô ấy về em... Cầu mong anh hạnh phúc... Vĩnh biệt!
Những lời cuối cùng của Ôtômi nghe yếu dần, yếu dần. Sững sờ vì ngạc nhiên, tôi ngồi nghe nàng nói, trong khi ánh bình minh đang chầm chậm chảy vào phòng. Dần dần thân hình màu trắng của nàng hiện lên trong bóng tối: nàng ngồi trên chiếc ghế kê sát giường, hai tay để thõng, đầu ngả vào lưng ghế. Tôi đứng bật dậy, nhìn thẳng vào mặt nàng. Mặt nàng lạnh và tái nhợt, hơi thở đã tắt trên môi. Tôi cầm tay nàng, - nó lạnh như băng. Tôi gọi to tên nàng, hôn lên trán nàng, nhưng nàng vẫn không động đậy, không trả lời. Một lát sau, trời sáng hẳn, và tôi nhìn thấy chuyện gì đã xảy ra. Ôtômi đã chết! Nàng tự nguyện rời bỏ cuộc sống, sau khi uống một thứ thuốc độc bí mật chỉ người da đỏ mới biết. Thứ thuốc độc này tác động chậm và không gây đau đớn, đầu óc vẫn giữ được tỉnh táo cho đến phút cuối cùng. Chỉ khi biết sắp chết, Ôtômi mới lên tiếng nói chuyện với tôi một cách đau buồn và cay đắng như vậy.
Tôi ngồi xuống giường, mắt vẫn không rời khỏi nàng. Tôi không khóc vì không còn nước mắt, và cả vì như tôi đã nói, bây giờ không gì có thể phá vỡ được sự bình tĩnh lạ lùng đang ngự trị trong tôi. Nỗi buồn và một sự âu yếm dào dạt bỗng xâm chiếm tôi. Vào giây phút ấy tôi yêu Ôtômi hơn bất cứ lúc nào, hơn cả khi còn sống, và điều ấy đủ nói lên rất nhiều. Một lần nữa tôi lại thấy nàng đang ở độ tuổi thanh xuân như thời nàng còn sống trong cung điện của Môntêzuma; tôi nhìn thấy đôi mắt nàng khi nàng bước lên thớt chém cùng tôi, tôi thấy nàng không hề run sợ trước cơn giận của Cuitlahua, người quyết định tôi phải chết. Một lần nữa, tôi lại nghe tiếng khóc thảm thiết của nàng bên xác đứa con đầu tiên của chúng tôi, và tôi lại nhìn thấy nàng cầm kiếm đứng bên tên Tlatxcalan bị giết.
Nhiều điều đã sống lại trong đầu tôi vào buổi sáng sớm đau buồn ấy, khi tôi ngồi yên nhìn nàng Ôtômi đã chết. Nàng nói đúng: tôi không quên mối tình đầu và thường ước mơ được thấy lại khuôn mặt của Lyly. Nhưng nàng không đúng khi nói tôi không yêu nàng. Tôi yêu nàng một cách chân thành và tôi đã không phản bội lời thề của mình. Chỉ khi nàng chết tôi mới thật sự hiểu đối với tôi, nàng thân thiết biết chừng nào. Vâng, giữa chúng tôi là cái hố ngăn cách mỗi ngày một lớn thêm. Chúng tôi khác nhau về chủng tộc và tôn giáo, và tôi biết Ôtômi sẽ không bao giờ từ chối hoàn toàn các niềm tin của nàng. Vâng, khi tôi thấy nàng hát bài hát của thần chết đêm nọ, tôi đã kinh sợ thật sự, và trong một lúc nào đó, tôi cảm thấy ghét nàng. Nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua tất cả những điều ấy, vì nó đã ăn sâu trong máu nàng, vả lại, cái hành động cuối cùng và xấu xa nhất ấy mà nàng đã thực hiện, trái với ý nàng. Nếu gạt bỏ được những điều ấy, nàng sẽ là người phụ nữ xinh đẹp và cao thượng nhất, xứng đáng một tình yêu lớn và sự kính trọng tột độ; nàng, người phụ nữ trong nhiều năm liền đã là người vợ chung thuỷ của tôi.
Lúc ấy, và cũng như bây giờ, tôi đã nghĩ về nàng như thế, Ôtômi nói chúng tôi chia tay mãi mãi, nhưng tôi tin và hy vọng sẽ không thế, vì tôi biết chúng tôi sẽ được tha thứ rất nhiều, và rằng những người yêu quý và gần gũi nhau ở đây, trên mặt đất, có lúc sẽ được gặp nhau trên thiên đường.
Cuối cùng tôi đứng dậy gọi người giúp đỡ, và chỉ lúc ấy tôi mới cảm thấy có cái gì đấy đang đeo ở cổ tôi nằng nặng. Đó là chiếc vòng ngọc bích lớn mà Guatêmôc đưa cho tôi và tôi đã tặng Ôtômi. Nàng đeo nó vào cổ tôi khi tôi ngủ, - một ít sợi tóc dài của nàng còn gắn chặt vào nó. Hai vật kỷ niệm này tôi sẽ luôn mang bên mình, cả khi xuống mộ.
Tôi chôn Ôtômi trong nhà mộ, nơi chôn các tổ tiên nàng và những đứa con của chúng tôi. Hai ngày sau tôi lên đường đi Mêhicô cùng toán quân của Becnan Điax. Trước khi bước vào khe núi, tôi ngoái lại nhìn những đống đổ nát của thành Xôxen, nơi chừng ấy năm tôi đã sống và đã chôn cất tất cả những người tôi yêu quý. Tôi nhìn thật lâu và thật buồn. Như một người hấp hối đang nhìn lại đoạn đường đời đã đi qua. Cuối cùng Điax đập tay lên vai tôi và nói:
- Anh chỉ còn một mình, anh bạn ạ, - ông nói - Sắp tới anh định làm gì?
- Không làm gì cả. - Tôi đáp. - Tôi chỉ còn một cách, là chết.
- Đừng bao giờ nói thế! Anh mới chỉ bốn mươi tuổi, tôi quá năm mươi từ lâu, thế mà tôi không nói tới cái chết. ƠŒ nước Anh, anh có bạn bè chứ?
- Có, nhưng lâu rồi.
- ƠŒ những nước bình yên, người ta sống rất lâu. Anh hãy trở về với họ! Tôi sẽ giúp anh tới được Tây Ban Nha.
- Cảm ơn, tôi sẽ suy nghĩ thêm, - tôi đáp.
Đúng thời hạn dự định, chúng tôi đã tới Mêhicô. Bây giờ là một thành phố mới và xa lạ với tôi; nó đã được Côrtex xây dựng lại.
ƠŒ chỗ trước kia là kim tự tháp, nơi đáng lẽ tôi bị giết để tế thần, bây giờ là một đền thờ công giáo, móng được xây bằng các tượng thần xấu xí của người Aztec. Thành phố vẫn xinh đẹp, nhưng không còn là vẻ đẹp của Tênôctitlan dưới thời Môntêzuma, và sẽ chẳng bao giờ nó được như thế. Cư dân của nó cũng thay đổi: ngày xưa họ là các chiến binh tự do, bây giờ là những tên nô lệ.
ƠŒ Mêhicô, Điax tìm được cho tôi một chỗ nghỉ chân. Tôn trọng lệnh ân xá, không ai truy đuổi tôi. Lúc này tôi là một người tuyệt vọng, và chẳng thể gây cho ai điều gì nguy hiểm. Người ta đã quên việc tôi tham gia vào trận đánh Đêm buồn và bảo vệ thành Xôxen. Còn những điều bất hạnh mà tôi trải qua đã làm nhiều người tỏ ý thông cảm, thậm chí cả bọn lính Tây Ban Nha. Tôi ở Mêhicô mười ngày, thường buồn rầu đi lang thang khắp các phố và thường tới đồi Sapuntêpêc, nơi ngày xưa có cung điện ngoại ô của Môntêzuma, và là nơi lần đầu tôi gặp Ôtômi. Sự hùng vĩ ngày nào bây giờ chẳng còn lại gì, ngoài mấy cây tùng linh đại thụ.
Sang ngày thứ tám, một người da đỏ chặn tôi lại giữa phố. Anh ta nói có một người bạn cũ muốn gặp tôi. Tôi đi theo anh ta, ngạc nhiên tự hỏi người đó là ai, vì tất cả bạn bè tôi đã chết. Người da đỏ dẫn tôi vào một ngôi nhà xây bằng đá rất đẹp trên một trong những phố mới. Tôi phải ngồi chờ ít lâu trong căn phòng tối. Bỗng có người nào đó nói với tôi bằng tiếng Aztec.
- Chào anh, Teule!
Giọng nói dịu dàng, hơi buồn, tôi nghe quen quen. Tôi ngước mắt nhìn lên. Trước mặt tôi là một người đàn bà da đỏ mặc quần áo Tây Ban Nha, còn xinh đẹp nhưng yếu đuối, như thể đang đau khổ vì một thứ bệnh hay một nỗi buồn nào đó.
- Anh không nhận ra Marina à, Teule? - Bà ta hỏi, và tôi đã sực nhớ lại, trước khi bà ta nói hết câu. - Còn anh thì phải vất vả lắm tôi mới nhận ra. Vâng, Teule, thời gian và đau buồn đã làm hai chúng ta thay đổi.
Tôi hôn lên tay Marina.
- Thế Côrtex đâu? - Tôi hỏi.
Bà ta rùng mình.
- Côrtex ở Tây Ban Nha. ƠŒ đấy ông ấy đã lấy một người khác làm vợ, Teule. Nhiều năm về trước ông ấy đã ruồng bỏ tôi và chuyển tôi sang làm vợ của Hoan Halamilô, là người đã đồng ý lấy tôi vì tiền. Côrtex khá hào phóng với người tình mà ông ta bỏ rơi!
Rồi bà ta òa lên khóc.
Dần dần tôi biết được toàn bộ câu chuyện của Marina, nhưng tôi sẽ không đem kể ở đây, vì bà ta vốn nổi tiếng khắp nơi. Khi làm xong vai trò của mình, và chẳng còn lợi ích gì nữa cho Côrtex, hắn đã bỏ rơi Marina. Bà ta kể tôi nghe bà ta phải đau khổ thế nào, cả việc bà ta đã quát vào mặt Côrtex rằng từ nay hắn sẽ không gặp may điều gì nữa. Sau này lời tiên tri của bà ta đã thành sự thật.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau hơn hai giờ liền. Nghe xong câu chuyện của Marina, tôi bắt đầu kể về tôi, và bà ta đã khóc vì thương xót. Dù sao thì Marina vẫn là một người tốt bụng.
Sau đó, chúng tôi chia tay để chẳng bao giờ còn gặp lại. Nhưng trước khi tôi ra đi, Marina bắt tôi cầm một ít tiền, và tôi đã nhận món quà bố thí ấy không chút xấu hổ, vì tôi đang là kẻ ăn mày. Số phận cuộc đời Marina là vậy. Vì tình yêu, cô ta đã phản bội Tổ quốc mình, nhưng thử hỏi cô ta được đền bù thế nào về tình yêu và sự phản bội ấy? Riêng tôi, suốt đời tôi vẫn nhớ Marina như nhớ một người bạn tốt, vì đã hai lần cô ta cứu tôi thoát chết, và cũng không bỏ rơi tôi, cả khi Ôtômi xúc phạm cô ta bằng những lời cay độc nhất.


XXIX
TÔMAX TỪ CÕI CHẾT TRƠŒ VỀ
Một hôm sau ngày gặp Marina, đại úy Điax tìm đến tôi. Ông nói một người bạn của ông là thuyền trưởng một chiếc tàu buôn, mười ngày nữa sẽ nhổ neo từ Vêracrux đi Cađix, và rằng nếu tôi muốn rời Mêhicô, người ấy sẵn sàng cho tôi đi theo. Suy nghĩ một lát tôi đồng ý, và chia tay với đại úy Điax. Cầu Chúa phù hộ cho ông ta! Ông là một trong rất ít người tốt giữa đám người Tây Ban Nha khốn nạn.
Cùng mấy thương gia khác, tôi đã vĩnh viễn rời Mêhicô, và sau một tuần vượt núi an toàn, tôi đã tới Vêracrux. Đó là một thành phố bẩn thỉu, nóng bức và có bến cảng nguy hiểm, phơi mình trước những cơn gió phương bắc giận dữ. Tôi đưa thư giới thiệu của Điax cho ông thuyền trưởng, và chẳng hỏi han dài dòng, ông ta cho tôi lên tàu. Tôi vội vàng mang lên tàu phần lương thực và thực phẩm sẽ dùng đến trong thời gian vượt biển.
Trong ba ngày liền thuận gió, rạng sáng ngày thứ tư, tôi nhìn thấy xa xa đỉnh phủ tuyết của núi lửa Ôribax. Đó là lần cuối tôi nhìn thấy Anahuac. Rồi cuối cùng nó cũng biến mất sau những đám mây, thế là tôi vĩnh viễn chia tay với một vùng đất xa xôi, nơi đã xảy ra với tôi chừng ấy sự kiện. Tôi nhẩm tính: cùng ngày này, mười tám năm về trước, lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy vùng đất đó.
Chuyến du hành lần này của chúng tôi tới Tây Ban Nha không có chuyện gì đặc biệt xảy ra, so với các chuyến khác, nó khá bình lặng và may mắn. Từ ngày nhổ neo ở cảng Vêracrux cho đến khi thả neo ở Cađix, chúng tôi đi đúng hai tháng mười ngày.
Tôi ở Cađix chỉ hai ngày. Tôi gặp may vì đúng lúc ấy có một chiếc tàu khách của Anh sắp lên đường đi Luân Đôn. Tôi mua vé lên tàu. Để làm điều ấy, tôi buộc phải bán viên ngọc bích bé nhất trong dây chuyền của tôi, vì tất cả số tiền Marina cho tôi đến lúc này đã hết. Tôi bán viên đá quý được một số tiền khá lớn, mua quần áo ăn bận như một người lịch sự, số vàng còn lại tôi mang theo về Anh. Thật ra, tôi rất tiếc khi phải bán, dù đó chỉ là một hạt nhỏ đính vào viên ngọc bích lớn nhất trong dây chuyền, nhưng hoàn cảnh bắt buộc, biết làm thế nào được. Còn viên ngọc bích lớn và đẹp nhất, - tuy có một vài vết xây xát, - tôi đã tặng cho nữ hoàng Êlizabet vô cùng tôn kính của chúng ta.
Trên tàu Anh, người ta nghĩ tôi là một tay Tây Ban Nha phiêu lưu vừa từ Tây Ấn trở về và rất giàu có, tôi cũng chẳng tìm cách thanh minh. Ít ra người ta cũng để tôi yên, nên tôi đã có thể lặng lẽ chuẩn bị cho cuộc sống sắp tới với những phong tục bị lãng quên. Cứ thế tôi luôn ngồi một mình như một nhà quý tộc Tây Ban Nha kiêu hãnh, cố nói thật ít và nghe thật nhiều để biết những gì đã xảy ra ở nước Anh trong hai mươi năm tôi vắng mặt.
Cuối cùng tàu cập bến. Ngày mười hai tháng sáu, tôi đặt chân lên thành phố Luân Đôn nổi tiếng, nơi trước đó tôi chưa từng tới. Trong căn phòng nhỏ của khách sạn, tôi quỳ xuống tạ ơn Chúa đã cho tôi an toàn trở lại nước Anh sau chừng ấy tai họa và thử thách. Lúc ấy, tôi thấy điều kì diệu nhất là cơ thể mảnh mai của tôi, cái đã phải chịu biết bao đau đớn, bệnh tật, thiếu thốn và thương tích, biết bao lần tra tấn và những cú đánh hiểm ác luôn bám theo tôi trong suốt hàng chục năm qua, thế mà nó vẫn đứng vững, không gãy gục trước móng vuốt thú dữ và sự độc ác của con người.
ƠŒ Luân Đôn, ông chủ khách sạn giúp tôi mua một con ngựa tốt và rạng sáng hôm sau tôi rời thành phố. Hôm ấy tôi đã gặp chuyện phiêu lưu cuối cùng của đời mình. Khi tôi đang cưỡi ngựa đi trên con đường dẫn tới Ipxuit, vừa ngắm phong cảnh nước Anh, vừa khoan khoái hít thở không khí tháng sáu trong lành, thì một tên cướp đường hèn hạ nào đấy đứng nấp trong bụi cây đã bắn súng lục vào lưng tôi. Hắn định giết tôi để cướp của, nhưng viên đạn xuyên qua mũ và chỉ làm tôi xây xát một ít trên đầu. Bị bất ngờ, tôi không kịp đối phó gì. Thấy bắn trượt, thằng khốn nạn ấy vội vàng biến mất, còn tôi thì vừa đi tiếp, vừa nghĩ rằng thật lạ lùng nếu sau khi vượt qua được chừng ấy tai họa khủng khiếp, tôi lại bị một thằng nhãi rách rưới nào đó giết chết cách thành Luân Đôn chưa đầy năm dặm!
Tôi phi ngựa đi nhanh suốt ngày hôm ấy và cả ngày hôm sau. Con ngựa của tôi khỏe mạnh và chịu đựng giỏi, nên bảy giờ rưỡi chiều, nó đã đưa tôi tới ngọn đồi mà trước kia, khi cùng bố tôi tới cảng Iamut, tôi đã dừng lại để lần cuối cùng vĩnh biệt Banghi. Phía dưới là những ngôi nhà màu đỏ của thị trấn, bên phải xanh rờn những cây sồi Đichchingham với đỉnh nhà thờ Đức Bà Maria vươn lên cao, phía xa là dòng sông Uêvơni, còn ngay trước mặt tôi là cánh đồng với thảm cỏ lốm đốm những bông hoa xinh đẹp. Không có gì thay đổi, tất cả vẫn như cũ, trừ tôi.
Tôi xuống ngựa, đi đến chiếc ao cạnh đường rồi cúi xuống ngắm nhìn khuôn mặt mình đang phản chiếu trong nước. Vâng, quả thật tôi đã thay đổi nhiều! Bây giờ trong tôi hầu như không còn gì sót lại từ chàng trai bồng bột cách đây hai mươi năm đã đi qua con đường này. Mắt tôi đã xệ xuống, đượm buồn, các đường nét trên mặt đanh lại, còn râu và tóc thì than ôi, sợi trắng đã nhiều hơn sợi đen. Có lẽ đến tôi cũng chẳng nhận ra mình, nói gì đến người khác. Mà rồi có ai để nhận ra tôi không? Sau hai mươi năm, nhiều người chắc đã chết, nhiều người bỏ đi xa. Liệu tôi còn gặp dù chỉ một người quen đang sống không? Từ khi tôi nhận được những bức thư do ông Ben thuyền trưởng tàu "Kẻ phiêu lưu" chuyển giúp trước khi lên đường đi Espanhiôla tới nay, tôi hoàn toàn không biết tin gì về quê nhà. Cái gì đang chờ tôi? Và điều quan trọng nhất, - Lyly thế nào? Nàng đã chết, đã đi đâu đó, hay đã lấy chồng?
Tôi lại nhảy lên ngựa, cho phi nước kiệu đi ngang qua Cối xay gió Uyngfôđơ. Sau đó tôi đi qua các phố Binhâu, bỏ lại Banghi ở phía trái, và mười phút sau, tôi đã đứng trước một cánh cổng, nơi bắt đầu một con đường nhỏ dành cho người đi bộ. Nó chạy từ con đường Nôritzơ tới chân đồi, và ở đấy trên sườn đồi thoai thoải cỏ cây mọc xanh tốt, cách chỗ tôi đang đứng chỉ nửa dặm, là ngôi nhà Đichchingham của chúng tôi.
Cạnh cổng dẫn vào khu rừng có một người nào đó đang đứng, khoan khoái ngắm những tia nắng cuối cùng của mặt trời buổi chiều. Nhìn kĩ, tôi nhận ra đó là Bily Minx, cái anh ngốc ngày xưa đã cởi trói cho Gacxia khi tôi bỏ hắn lại để tới gặp người yêu. Bây giờ anh ngốc ấy đã là một ông già bé nhỏ, tóc bạc phơ với khuôn mặt có những đường nhăn chạy xuống. Mặc dù người ông ta bẩn và quần áo rách rưới, vừa nhận ra, tôi vui mừng đến mức suýt nữa ôm ông ta hôn, vì ông ta là một trong những người tôi biết từ trẻ!
Thấy tôi, Bily Minx liền tháo then mở cổng rồi cất giọng buồn rầu xin tôi bố thí.
- Ông Uyngfin có sống ở đây không? - Tôi hỏi, tay chỉ theo con đường nhỏ. Trái tim tôi đập mạnh vì hồi hộp chờ câu trả lời.
- Uyngfin à, thưa ông? Ông cần hỏi ông Uyngfin nào? Ông Uyngfin già đã chết cách đây hai mươi năm. Chính tôi góp một tay đào mộ chôn ông ấy, đúng thế, đúng thế! Ông ấy đang nằm cạnh bà vợ, người bị giết chết ấy mà. Chắc ông cần gặp ông Giêfry Uyngfin?
- Ông ta ở đây chứ? - Tôi hỏi.
- Ông ấy cũng chết rồi, cách đây hơn mười hai năm, ông ấy uống rượu rồi chết, vâng, vâng! Cả ông Tômax cũng thế. Người ta nói ông ấy chết chìm đâu đó ngoài biển. Lâu rồi, vâng, vâng! Tất cả đã chết, tất cả! Ôi, ông Tômax là một chàng trai mới kì lạ làm sao! Tôi nhớ ngày xưa tôi đã thả một người, không phải người xứ này đâu, và rồi ông ấy... - Tiếp đến Bily kể lại việc ông ta đỡ Gacxia lên ngựa và bị tôi đánh nhừ tử. Tôi muốn ngăn Bily lại không cho nói nữa, nhưng không được. Tôi đưa cho ông ta một đồng tiền rồi thúc con ngựa mỏi mệt đi tiếp, theo con đường nhỏ.
Tiếng vó ngựa đều đều đập vào tai tôi như hồi âm câu nói của Bily: “Tất cả chết rồi! Tất cả chết rồi!" Có lẽ cả Lyly cũng chết! Nếu chưa chết, tất nhiên nàng đã lấy chồng khi nghe tin tôi đắm tàu. Một cô gái xinh đẹp như nàng làm gì chẳng có người tán tỉnh! Chắc chắn nàng sẽ không làm hại đời mình bằng cách ở vậy để khóc buồn mối tình đầu bất hạnh! Và đây, trước tôi là ngôi nhà tổ tiên của chúng tôi. Nó hầu như không thay đổi, chỉ đám dây leo ở bức tường phía trước mọc tốt đến gần mái nhà. Nhìn làn khói xanh đang bay ra trên nóc nhà và vẻ cẩn thận, sạch sẽ khắp nơi, tôi đoán trong nhà đang có người ở.
Cổng vào nhà bị khóa, phía trong không thấy người nào. Trời sắp tối, có lẽ đám người hầu đã làm xong công việc của mình.
Tôi rẽ trái, cho ngựa đi vòng phía sau nhà, nơi có chuồng ngựa, nhưng cả ở đây cổng cũng đóng. Không biết làm gì hơn, tôi xuống ngựa. Nỗi lo sợ và nghi ngờ làm tôi mất hết dũng cảm. Để con ngựa gặm cỏ bên cổng nhà, tôi đi bộ về phía nhà thờ, vừa đi, vừa luôn ngoái đầu nhìn lên đỉnh đồi với hy vọng sẽ gặp ai đó.
“Lẽ nào tất cả đã chết? - Tôi nghĩ - Sẽ thế nào nếu Lyly cũng thế?”.
Tôi đưa hai tay che mặt, ngẩng lên cầu Chúa, người đã giúp tôi vượt qua những năm tháng đầy thử thách, tôi cầu ngài không bắt tôi phải chịu sự thất vọng cuối cùng này. Tôi đau buồn đến mức tưởng không chịu nổi. Nếu để mất Lyly, tôi chỉ còn lại một lối thoát duy nhất, - là chết, nếu tiếp tục sống thì cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa nữa.
Cứ thế, tôi cầu Chúa một lúc lâu, người run lên như chiếc lá vàng trước gió. Sau đó tôi hạ tay xuống rồi đi về phía ngôi nhà, để nhờ những người đang sống trong đó báo cho tôi sự thật, dù sự thật cay đắng đến đâu chăng nữa. Hoàng hôn đã tắt, khắp nơi họa mi lên tiếng hót giữa màn đêm đang đến gần. Tôi dừng lại.
Dưới ánh trăng, tôi bỗng thấy một người phụ nữ có thân hình cao, cân đối, mặc áo trắng. Người ấy ngẩng đầu, đưa mắt nhìn những con dơi đang bay, và để ánh trăng chiếu vào khuôn mặt. Đó là Lyly Bôza. Nàng vẫn xinh đẹp như trước, không già hơn bao nhiêu, nhưng nỗi buồn sâu sắc đã in dấu ấn lên mặt nàng. Thấy nàng, tôi xúc động đến mức suýt ngã khuỵu xuống. Một tay bám vào bờ dậu, tôi khẽ kêu lên.
Nghe tiếng kêu và thấy có đàn ông, nàng quay người định bỏ chạy. Tuy nhiên tôi vẫn đứng yên, và sự tò mò đã bắt nàng quay lại.
Nàng bước lại rất gần tôi rồi khẽ hỏi bằng giọng nói dịu dàng mà tôi rất quen thuộc:
- Ai đi dạo ở đây mà muộn thế? Giôn đấy à?
Nghe thế, những điều nghi ngờ trước đấy lại trỗi dậy trong tôi. Vâng. Tất nhiên, nàng đã lấy chồng và chồng nàng tên là Giôn! Tôi đến được đây với nàng chỉ để đánh mất nàng mãi mãi!
Bỗng nhiên tôi có ý nghĩ tạm giấu mình là ai trước khi biết được toàn bộ sự thật. Tôi bước lên phía trước, cố đứng trong bóng cây, lưng quay về phía mặt trăng. Tôi cúi thấp đầu, chào nàng theo kiểu Tây Ban Nha. Sau đó tôi giả vờ nói bằng thứ tiếng Anh lủng củng, pha âm sắc Tây Ban Nha.
- Thưa bà, tôi đang vinh dự được nói chuyện với người trước đây có tên là Lyly Bôza, phải không ạ?
- Vâng, tên tôi là thế, - nàng đáp. - Ông cần gì ở tôi?
Tôi lại rùng mình, nhưng nhanh chóng bình tĩnh trở lại và mạnh dạn nói tiếp.
- Trước khi trả lời, tôi xin phép bà cho hỏi một câu. Hiện nay bà vẫn còn mang cái tên đó chứ?
- Vâng, tôi chưa lấy chồng, - nàng nói. Trong giây lát đầu tôi choáng váng, đất dưới chân tôi ngả nghiêng như thể được lấp bằng lớp nham thạch phun ra từ miệng núi lửa Haca. Nhưng tôi vẫn quyết định chưa nói tên tôi vội. Chừng nào chưa biết chắc nàng còn yêu tôi.
- Thưa bà, - tôi nói. - Tôi là người Tây Ban Nha, một trong những người tham gia chiến tranh chống người da đỏ dưới sự chỉ huy của ngài Côrtex, tôi chắc bà có nghe cái tên ấy?
Lyly gật đầu, tôi nói tiếp:
- Trong thời gian chiến tranh tôi có gặp một người được gọi là Teule. Nhưng cách đây hai năm, trước khi chết, người ấy có nói với tôi rằng ông ta từng có một cái tên khác.
- Tên khác như thế nào? - Lyly khẽ hỏi.
- Tômax Uyngfin!
Bây giờ đến lượt nàng kêu to và bám tay vào bờ dậu để khỏi ngã.
- Mười tám năm nay, tôi nghĩ ông ấy đã chết, - Lyly vừa hổn hển thở, vừa nói. - Tôi tưởng ông ấy đã chết trong một vụ đắm tàu...
- Vâng, tôi cũng nghe nói ông ta gặp tai nạn đắm tàu, thưa bà, nhưng ông ta thoát chết và sống giữa những người da đỏ. Họ biến ông ta thành thần và cho lấy con gái của vua Môntêzuma làm vợ.
Đến đây, tôi dừng lại. Lyly rùng mình rồi lạnh lùng nói:
- Thưa ông, ông nói tiếp đi, tôi đang nghe.
- Bạn tôi có tham gia vào cuộc chiến tranh kia. Với tư cách là chồng một công chúa da đỏ, ông ấy đã chiến đấu dũng cảm cùng phe với người da đỏ trong suốt nhiều năm liền. Cuối cùng thành phố mà ông ấy bảo vệ bị huỷ diệt,  đứa con trai duy nhất còn sống bị giết, công chúa vợ ông ấy tự tử vì buồn, còn bản thân ông ấy thì bị bắt và một thời gian sau cũng chết.
- Một câu chuyện thật đáng buồn, thưa ông. - Lyly nghẹn ngào nói; nàng suýt khóc.
- Rất buồn, thưa bà, nhưng chưa hết đâu. Trước khi chết bạn tôi có kể tôi nghe đôi điều về cuộc sống trước kia của ông ấy. Ông ấy có đính hôn với một cô gái người Anh tên là...
- Tôi biết tên người ấy, ông nói tiếp đi!
- Ông ấy nói với tôi mặc dù ông ấy đã lấy người khác làm vợ và rất yêu vợ mình, - đó quả là một người đàn bà thật cao thượng và xinh đẹp, đã nhiều lần dám hy sinh đời mình để cứu chồng, thậm chí còn tự nguyện nằm chết với ông ấy trên bàn thờ tế thần, nhưng ông ấy không bao giờ quên cô gái đã đính hôn. Suốt đời ông ấy luôn nghĩ về cô ta, nhất là khi sắp chết. Vì vậy, nhân danh tình bạn, ông ấy yêu cầu tôi khi trở lại châu Âu nhớ đến thăm vợ chưa cưới của ông ấy, nếu cô ta còn sống, và nhờ chuyển lại lời và một yêu cầu cuối cùng của ông ấy.
- Những lời ấy là gì, và yêu cầu đó thế nào? - Lyly khẽ nói.
- Ông ấy nhờ tôi nói lại rằng cả khi sắp chết, ông ấy vẫn yêu bà nồng nhiệt như thời trẻ, và rằng ông ấy xin bà tha thứ vì ông ấy đã không giữ được lời thề mà bà và ông ấy cùng thề bên gốc cây già ở Đichchingham.
- Thưa ông! - Lyly khẽ kêu lên. - Ông biết gì về những điều ấy?
- Tôi chỉ biết những gì bạn tôi kể cho tôi nghe, thưa bà.
- Thế thì chắc các ông là bạn thân với nhau, - nàng thì thầm. - Và có lẽ trí nhớ ông rất tốt.
- Bạn tôi không giữ đúng lời thề vì đã gặp những hoàn cảnh rất khác thường. Ông ấy còn yêu cầu bà nói với tôi bà có tha thứ cho ông ấy không, và có yêu như ông ấy đã yêu bà không?
- Nhưng ông ấy đã chết thì cần gì biết tôi tha thứ hay yêu ông ấy? - Lyly vừa hỏi vừa cố nhìn vào mặt tôi đang khuất trong bóng cây. - Lẽ nào người chết có tai để nghe và có mắt để nhìn?
- Làm sao tôi biết được, thưa bà? Tôi chỉ làm đúng những gì bạn tôi yêu cầu.
- Thế làm sao tôi biết được rằng ông đang thực hiện yêu cầu của người ấy? Rất có thể cái tin mà ngày xưa người ta cho tôi biết rằng Tômax Uyngfin đã chết là đúng sự thật! Câu chuyện ông kể về những người da đỏ và cô công chúa quá khác thường. Nó giống các câu chuyện kì lạ thường được viết trong tiểu thuyết hơn là câu chuyện có thật trong thực tế nhàm chán của chúng ta. Làm sao ông chứng minh được những lời ông nói là đúng? Ông có bằng chứng nào không?
- Có, thưa bà. Nhưng ở đây tối quá, tôi e bà không nhìn rõ.
- Nếu thế thì mời ông theo tôi, trong nhà có đèn. Xin ông chờ một chút.
Nàng quay về phía cổng chuồng ngựa và gọi:
- Giôn! Bác Giôn ơi!
Một ông già đáp lại lời nàng, và tôi nhận ra đó là một trong những người hầu của bố tôi. Lyly nói điều gì đó với ông ta rất khẽ, rồi dẫn tôi đi theo con đường tắt qua vườn tới cửa lớn vào nhà. Lấy chìa khóa mở cửa xong, nàng nhường tôi vào trước. Tôi làm theo. Theo thói quen, không hề suy nghĩ gì, tôi rẽ vào phòng khách vốn quen thuộc từ bé, bước qua bậc cửa cao mà không hề vấp rồi đến đứng trước lò sưởi. Lyly chăm chú nhìn tôi. Sau đó nàng thổi những hòn than còn le lói trong lò sưởi, rồi châm một ngọn nến nhỏ đặt lên chiếc bàn bên cửa sổ. Tôi buộc phải cởi mũ, nhưng mặt tôi vẫn ở trong bóng tối.
- Thưa ông, bây giờ xin ông cho xem bằng chứng của ông.
Tôi tháo khỏi ngón tay chiếc nhẫn thiêng liêng và đưa cho Lyly. Nàng ngồi xuống bàn, đưa nó lại gần ngọn nến để nhìn cho kĩ. Tôi đứng yên quan sát và thấy nàng vẫn đẹp như xưa: thời gian hầu như không chạm tới nàng, mặc dù nàng đã ba mươi tám tuổi. Đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng dù nàng cố không bộc lộ tình cảm của mình, nhưng nhìn thấy chiếc nhẫn, ngực nàng bỗng phập phồng, còn đôi tay thì run run...
- Tôi tin ông, - cuối cùng nàng nói. - Tôi biết chiếc nhẫn này, mẹ tôi từng mang nó. Kể ra, khi lần cuối cùng tôi thấy nó, nó chưa bị mòn thế này. Nhiều năm về trước, tôi đem nó tặng một chàng trai như dấu hiệu của tình yêu. Tôi đã hứa sẽ thành vợ của chàng trai ấy. Thưa ông, bây giờ tôi không nghi ngờ gì nữa về những điều ông vừa kể. Xin cảm ơn lòng tốt của ông, để làm điều này, chắc ông phải chịu khá nhiều vất vả. Vâng, thật buồn, câu chuyện này thật buồn! Nhưng xin lỗi ông, tôi không thể mời ông ở lại nhà này, vì tôi sống một mình. Không có khách sạn ở gần, vì vậy tôi sẽ cho người dẫn ông tới nhà em trai tôi. Không xa đâu, chỉ cách đây khoảng một dặm. Sẽ có người đưa ông đi, - nàng ngập ngừng, rồi nói tiếp, - nếu ông không biết đường. ƠŒ đấy ông sẽ được đón tiếp tử tế, ngoài ra ông sẽ gặp em gái bạn ông là Mery Bôza. Tất nhiên cô ấy sẽ muốn nghe ông kể về những chuyện phiêu lưu kì lạ của anh trai.
Tôi cúi đầu nói:
- Thưa bà, trước hết tôi muốn nghe ý kiến bà về những lời nói và yêu cầu cuối cùng của người bạn quá cố của tôi.
- Trả lời cho người chết ư? Đó là chuyện trẻ con, thưa ông!
- Nhưng dù sao, xin bà cứ cho biết. Tôi chỉ là người thực hiện ý định người khác.
- Chữ gì khắc trên nhẫn thế này?
- Dù chúng ta ở đâu, trái tim vẫn bên nhau. - Tôi đáp, không hề suy nghĩ, và lập tức nhớ ra mình đã lỡ lời.
- Ồ, thậm chí ông biết cả điều ấy. Chắc ông đã mang chiếc nhẫn này trong nhiều tháng và học thuộc hai câu thơ khắc trên đó. Được, thưa ông, tôi sẽ trả lời. Dù xa nhau, nhưng tôi vẫn mang trong tim hình ảnh của người được tôi tặng chiếc nhẫn này, và vì người ấy, đến nay tôi vẫn sống một mình. Nhưng người ấy đã trao trái tim mình cho một cô gái hoang dã nào đó, người đã trở thành mẹ của những đứa con người ấy. Vì vậy tôi xin trả lời yêu cầu của bạn anh thế này: tôi tha thứ cho bạn anh, nhưng từ nay và mãi mãi sau này, cũng như bạn anh, tôi không để mình bị ràng buộc bởi lời thề ngày xưa nữa, ngoài ra tôi sẽ cố quên tình cảm của tôi đối với bạn anh, cái đã bị bạn anh từ chối và xúc phạm.
Lyly đứng dậy, khoát tay như muốn dứt bỏ cái gì đấy khỏi lồng ngực, và để rơi chiếc nhẫn xuống đất.
Trái tim tôi đứng lặng. Thế đấy, tất cả kết thúc thế đấy! Tất nhiên nàng xử sự đúng, nhưng bây giờ tôi lấy làm tiếc rằng đã cho nàng biết toàn bộ sự thật, vì nhiều khi phụ nữ chấp nhận sự giả dối dễ dàng hơn sự thật cay đắng.
Không nói được lời nào, tôi bỗng cảm thấy vô cùng mệt mỏi, mệt mỏi và đau buồn. Tôi cúi xuống tìm nhặt chiếc nhẫn, đeo nó vào ngón tay rồi đi ra. Đến cửa, tôi ngoái lại nhìn lần cuối người phụ nữ đã từ chối tôi. Tôi dừng lại một giây bên bậc cửa, thầm nghĩ có nên nói nàng biết tôi là ai không, nhưng liền ngay lúc ấy tôi quyết định không, vì một khi nàng đã không tha thứ cho người chết, thì khó lòng nàng có thể thương tôi còn sống. Không, đối với nàng tôi là người đã chết, và mãi mãi sẽ là người đã chết.
Khi tôi bước qua khỏi bậc cửa, bỗng sau lưng có tiếng gọi của Lyly dịu dàng và thân thiết.
- Anh Tômax! Anh Tômax! Có thể trước khi đi, anh cho tôi bàn giao lại tất cả số tài sản và ruộng đất mà anh đã tin tưởng giao cho tôi chăng?
Sững sờ vì ngạc nhiên, tôi quay lại và đứng lặng. Lyly từ từ đi về phía tôi, hai tay dang rộng.
- Ôi, anh ngốc lắm, ngốc lắm! - Nàng khẽ nói. - Không lẽ anh định lừa dối trái tim một người phụ nữ? Vì chính anh đã nhắc đến bóng cây trong khu vườn chúng ta, chính anh dễ dàng tìm đường đi trong phòng tối, chính anh đã đọc câu thơ trên chiếc nhẫn bằng giọng của người đã chết! Anh hãy nghe em nói đây. - Em tha thứ cho ông bạn của anh đã không giữ đúng lời thề, vì ông ta đã thật thà thú nhận tất cả, vì đàn ông khó sống một mình trong chừng ấy năm, và vì ở những đất nước xa lạ ấy, với bất kì ai cũng có thể xảy ra những điều tương tự. Và còn điều này nữa, em vẫn yêu ông ta như ông ta yêu em. Có điều hình như em đã già đối với tình yêu mà em chờ đợi chừng ấy năm và những tưởng sẽ không bao giờ thấy lại.
Nàng Lyly của tôi đã nói thế. Nàng thút thít khóc trên ngực tôi cho đến khi lặng yên trong vòng tay tôi ôm chặt. Môi chúng tôi gặp nhau.
Đúng giây phút ấy tôi lại nhìn thấy Ôtômi, nhớ lại những lời cuối cùng nàng nói, nhớ lại việc cũng vào ngày này cách đây đúng một năm nàng đã uống thuốc độc tự tử.
Thật may mà người chết không nhìn thấy người sống!

XXXX
PHẦN KẾT
Chẳng còn nhiều để kể tiếp, câu chuyện của tôi đã đến phần kết, và tôi lấy thế làm mừng, vì tôi, một lão già rệu rã, bây giờ cầm bút viết đã là điều rất khó, và mùa đông năm ngoái, nhiều lần tôi đã tưởng phải bỏ dở.
Tôi và Lyly ngồi yên hồi lâu trong chính căn phòng tôi đang viết những dòng này. Sự vui mừng tột độ và những tình cảm mãnh liệt không cho chúng tôi nói nên lời. Sau đó, cả hai chúng tôi cùng quỳ xuống tạ ơn số phận đã cho chúng tôi sống tới cuộc gặp gỡ kỳ lạ này.
Chúng tôi vừa đứng dậy thì nghe có tiếng động bên ngoài, và rồi bước vào phòng là một người đàn bà đẫy đà cùng một người đàn ông lịch sự và hai đứa bé, một trai một gái. Đó là em gái Mery của tôi, Uyngfrêt Bôza, chồng cô và con họ là Rôtzơ và Joan. Sau khi nhận ra tôi, Lyly liền cho ông già Giôn đến báo với họ rằng có một người từ xa đến mà chắc chắn họ sẽ rất muốn gặp. Vì vậy, họ đến ngay, không hề nghĩ đó là tôi.
Lúc đầu họ không hiểu gì, ngơ ngác đứng giữa phòng và thầm tự hỏi người lạ mặt này là ai? Quả thật tôi đã thay đổi rất nhiều, vả lại ánh sáng trong phòng lúc ấy cũng yếu.
- Mery! - Cuối cùng tôi lên tiếng. - Mery, em gái của anh, em không nhận ra anh à?
Mery kêu to một tiếng rồi nhảy bổ vào ôm tôi và khóc to như bất kì người đàn bà nào khi thấy người anh yêu quý tưởng đã chết từ lâu bỗng trở về nguyên vẹn. Còn Uyngfrêt Bôza thì cầm tay tôi lắc mãi vì hồi hộp và xúc động, như tất cả những người đàn ông chúng ta vẫn làm thế trong những trường hợp tương tự. Chỉ hai đứa trẻ là đứng bên ngơ ngác nhìn tôi. Tôi gọi cô bé lại gần, cô bé rất giống Mery ngày còn nhỏ. Tôi hôn nó và nói tôi là bác nó, là người có lẽ nó được nghe nói đã chết từ lâu.
Bị mọi người lãng quên, con ngựa của tôi cuối cùng cũng được dẫn về chuồng. Sau đó chúng tôi ngồi xuống bàn ăn tối. Tôi thấy bữa ăn thật lạ lùng, mọi cái đều không quen thuộc. Khi ăn xong, tôi bắt đầu hỏi về mọi chuyện. Chỉ bây giờ tôi mới biết rằng tất cả gia tài của tôi do Fônxêca để lại đã về tới nước Anh đầy đủ và nguyên vẹn. Đến nay, nhờ công sức Lyly, nó đã được nhân lên gấp nhiều lần. Hầu như nàng không chi tiêu gì cho mình, vì cho rằng số tiền đó nàng được nhờ cất giữ chứ không phải của riêng nàng. Khi tin đồn về cái chết của tôi có vẻ là thật, Mery đã nhận phần thừa kế của cô, và với số tiền ấy đã mua những vùng đất lân cận ở Irsem, Hiđingem và những cánh rừng ở gần đồi Tinđên ở Đichchingham và Brum. Tôi vội nói ngay rằng tôi tặng cô số đất đai ấy, vì không có chúng, tôi cũng đã quá giàu. Những lời này của tôi làm chồng cô đặc biệt thích thú, vì chẳng ai có thể dễ dàng từ bỏ cái trong suốt nhiều năm vẫn được xem là tài sản của mình!
Sau đó, tôi được kể cho nghe về tất cả những điều còn lại: về cái chết của bố tôi; về việc số tài sản của tôi gửi về đột ngột đã cứu Lyly không phải lấy anh Giêfry, về việc sau đó Giêfry trở nên nghiện ngập và đã chết ở cái tuổi ba mươi mốt; và cả về cái chết của ông địa chủ Bôza, bố Lyly. Ông chết đột ngột trong một cơn tức giận. Sau cái chết của ông, em trai Lyly cưới cô em Mery của tôi, còn bản thân Lyly thì sau khi trả hết nợ nần cho Giêfry, đã mua quyền thừa kế của Mery và dọn sang ở trong ngôi nhà cổ xưa của chúng tôi. Nàng đã sống ở đây tất cả những năm qua, sống cô đơn, buồn bã và chỉ tìm nguồn an ủi trong các việc thiện nàng làm. Như tự nàng thú nhận với tôi, nếu không vì gia tài và những vùng đất rộng giao cho nàng trông giữ, từ lâu nàng đã vào tu viện và sống nốt quãng đời mình trong đó, để khỏi phải kéo dài những ngày tẻ nhạt của cuộc đời một “cô dâu góa chồng”. Đối với nàng, tôi không còn tồn tại nữa, và nàng thực sự xem tôi là người đã chết kể từ khi có tin đồn đắm tàu, mà lấy người khác thì nàng không muốn, dù không ít người tử tế dạm hỏi.
Đó là tất cả những gì người thân của tôi, những người sống đến già trong sự bình yên tuyệt đối, có thể cho tôi biết, nếu không kể những tin tức khác đại loại như trẻ con sinh ra hoặc chết, hay về cơn bão lớn và trận lụt làm ngập Banghi và thung lũng Uêvơni. Còn các việc chính sự như ông vua nào chết, ông vua nào lên ngôi, như giáo hoàng La Mã thôi không còn quyền lực nữa, hay như sự cướp bóc các tu viện vẫn còn xảy ra khắp nơi, vân vân... tôi xin phép không đề cập tới, vì sẽ không đúng chỗ.

Đến lượt tôi, tôi bắt đầu kể từ đầu. Mọi người lắng nghe tôi với vẻ mặt chăm chú tột độ. Suốt đêm, cho tới khi chim họa mi hót và mặt trời đỏ ửng ở phương đông, tôi ngồi bên Lyly và kể cho nàng nghe câu chuyện của đời mình. Rồi chúng tôi đi ngủ ở phòng được dành sẵn cho hai người, và sáng hôm sau tôi lại kể tiếp. Để chứng minh, tôi cho họ xem thanh kiếm của Becnan Điax, chuỗi vòng ngọc bích mà Guatêmôc đưa cho tôi và cả những vết sẹo trên người tôi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy những khuôn mặt ngạc nhiên đến thế. Khi tôi kể về lễ tế thần cuối cùng của phụ nữ Ôtômi và về cái chết của Gacxia với trận đánh điên rồ của hắn chống lại bóng ma, họ kêu lên vì kinh sợ; còn khi tôi kể về cái chết của Ixaben đơ Xiguenxa, của Guatêmôc và các con tôi, họ khóc nức nở vì thương xót.
Tuy nhiên, tôi vẫn không thể đem hết mọi chuyện ra kể, những gì xảy ra giữa tôi và Ôtômi, tôi chỉ kể cho một mình Lyly nghe. Tôi chân thành với nàng như một người đàn ông với một người đàn bà, vì tôi biết nếu bây giờ tôi còn giấu nàng điều gì, thì chúng tôi không bao giờ có thể tin nhau hoàn toàn. Tôi không giấu nàng cả những nghi ngờ và do dự của tôi, cả việc tôi yêu Ôtômi, người có vẻ đẹp và sự dịu dàng làm tôi xúc động ngay từ lần gặp đầu tiên trong cung điện của vua Môntêzuma, và cả những gì xảy ra với chúng tôi trên hòn đá chém.
Nghe tôi nói xong, Lyly cảm ơn tôi vì lòng trung thực và nói trong những trường hợp như thế, đàn ông có lẽ khác xa đàn bà, vì nếu là nàng, nàng sẽ không tự đấu tranh với mình để chống lại các cám dỗ. Nhưng thiên nhiên và Chúa đã tạo ra chúng ta như vậy, nên phụ nữ không thể trách chúng ta được. Còn về Ôtômi cô gái hoang dã ấy, thì nếu bỏ qua việc tế thần rùng rợn nọ, có lẽ nàng thật sự là một người đàn bà cao cả, dù ít nhiều đỏng đảnh và biết quyến rũ trái tim đàn ông. Vì tình yêu, Ôtômi đã dám làm những điều các phụ nữ khác không dám làm, như Lyly chẳng hạn. Suy cho cùng Lyly hiểu tôi đã buộc phải lựa chọn giữa một bên là lấy vợ và bên kia là cái chết, và tôi đã phải thề một lời thề long trọng, sau đó, khi không còn nguy hiểm nữa, sẽ là điều đáng trách nếu tôi bỏ rơi vợ mình. Vì thế , Lyly cho rằng không cần thiết phải nói thêm về những việc ấy, thậm chí còn hứa sẽ không ghen, nếu lúc nào đó tôi nhắc tới Ôtômi bằng những lời tốt đẹp. Lyly nói với tôi những lời này hết sức dịu dàng. Nàng nhìn tôi bằng đôi mắt sáng và âu yếm như mắt các thiên thần. Đôi mắt ấy của nàng ướt đẫm khi tôi kể về cái chết của đứa con đầu lòng và những đứa con khác của tôi. Chỉ mấy năm sau, khi Lyly mất hết hy vọng sinh con, nàng mới bắt đầu ghen với chúng.
Tin đồn về việc tôi trở về và những cuộc phiêu lưu kì lạ của tôi khi sống giữa những người da đỏ đã lan truyền khắp vùng. Người ta kéo đến rất đông, thậm chí cả từ Nôritzơ và Iamut, và ai cũng bắt tôi phải kể lại từ đầu mọi chuyện, cuối cùng làm tôi phát ngấy.
Tôi đặt một lễ tạ ơn ở nhà thờ Đức bà Maria ở Đichchingham, để tạ ơn Chúa đã cứu tôi cả trên cạn lẫn dưới nước. Khi buổi lễ kết thúc và mọi người giải tán, từ ngôi nhà của gia đình Bôza, nơi tôi đang ở với tư cách là khách trước khi tôi và Lyly cưới nhau, tôi đi tới ngôi nhà thờ trống rỗng, nơi thi hài bố mẹ tôi được chôn cất. Tôi quỳ xuống, tâm hồn tôi hướng lên cao, nơi bố mẹ tôi đang yên nghỉ nghìn năm. Một sự yên tĩnh trang nghiêm bao trùm lên tôi. Tôi chợt hiểu lời thề trả thù Gacxia của tôi quả đúng là một điều điên rồ, vì nó là thân cây để các việc ác tôi làm bám quanh như những chiếc lá. Nhưng không vì thế mà lòng căm thù của tôi đối với hắn giảm bớt. Có thể tốt hơn cứ để Chúa trả thù hắn, nhưng tôi đã và cho đến tận bây giờ vẫn không thể tha thứ cho kẻ giết chết mẹ tôi.
ƠŒ cửa ra vào bên mép nhà thờ, tôi gặp Lyly. Nàng biết tôi đang ở đấy.
- Lyly, - tôi nói. - Anh muốn hỏi em một điều: em có đồng ý lấy một người không xứng đáng như anh làm chồng không?
- Em đã đồng ý lấy anh từ nhiều năm về trước, anh Tômax, - nàng đáp rất khẽ, hai má đỏ ửng như bông hồng tôi đang thấy trên ngôi mộ sau lưng nàng. - Từ ấy đến nay em không thay đổi! Trong nhiều năm em xem anh là chồng em, dù nghĩ anh đã chết.
- Hạnh phúc này lớn hơn những gì anh đáng được hưởng, - tôi nói. - Nếu em đồng ý, bao giờ chúng ta có thể làm lễ cưới? Ta không còn trẻ, và thời gian còn lại cũng không nhiều.
- Bao giờ tùy anh, anh Tômax ạ, - Lyly nói rồi chìa bàn tay cho tôi.
Một tuần sau chúng tôi đã thành vợ thành chồng.
Vậy là câu chuyện của tôi đã kết thúc. Tuổi trẻ của tôi sôi động và đầy đau buồn, tôi sớm trưởng thành, nhưng để bù lại, hạnh phúc đã sưởi ấm tuổi già của tôi. Những sự kiện tôi kể trong cuốn sách này xảy ra nhiều năm về trước. Cái cây non tôi trồng bên cửa sổ vào ngày cưới bây giờ đã thành một cây to sum sê cành lá. đây, ở thung lũng Uêvơni tuyệt vời này năm tháng nối tiếp nhau bay ngang trên mái đầu bạc trắng của tôi, những năm tháng tràn đầy hạnh phúc, yên tĩnh, thanh bình và chỉ bị vẩn đục bởi những hồi tưởng cay đắng và nỗi buồn nhớ những người đã chết mà nhiều khi tôi cũng không kìm lại được. Cùng với thời gian, tôi biết thêm thế nào là hạnh phúc của tình yêu chân chính, vì trên đời này hiếm ai có được một người vợ như Lyly của tôi. Tôi cứ nghĩ những nỗi buồn và những đau khổ thời trẻ chỉ làm tâm hồn nàng thêm cao quý như tâm hồn một thiên thần thực sự. Chỉ duy nhất một lần, khi gặp điều bất hạnh lớn, - cái chết của đứa con chúng tôi, - như tôi nói ở phần đầu cuốn sách, Lyly mới tỏ ra nàng cũng chỉ là một người đàn bà. Có lẽ suốt đời chúng tôi phải sống trong cảnh cô đơn không con cái. Chúng tôi đành chấp nhận điều đó, và từ ấy giữa chúng tôi không bao giờ có bóng đen nào nữa. Tay cầm tay, chúng tôi đi xuống theo bờ dốc cuộc đời cho đến khi vợ tôi rời bỏ tôi đi trước. Đêm giáng sinh, bà còn nằm ngủ bên tôi, thế mà đến sáng đã không còn tỉnh dậy.
Tôi đã đau buồn thương nhớ bà hết mực, nhưng sự đau buồn ấy không thể so sánh với những gì tôi trải qua ngày trẻ, vì kinh nghiệm và năm tháng làm cho chúng ta vững vàng hơn trước những thử thách. Vả lại, tôi biết chúng tôi không xa nhau lâu: sắp tới tôi sẽ lên đường đi theo Lyly, và con đường dài trước mặt không làm tôi sợ hãi. Như tất cả những người già đã sống qua đời mình và gạt bỏ hết tội lỗi, bây giờ tôi không sợ chết. Tôi sung sướng sẵn sàng bước qua cái vạch cuối cùng ấy của cuộc đời, vì tôi tin rằng ở bên kia, tôi sẽ được nâng đỡ bởi chính bàn tay đã cứu tôi khỏi thớt chém và che chở cho tôi an toàn đi qua hết cuộc đời đầy sóng gió nguy hiểm.
Và bây giờ, tôi, Tômax Uyngfin, tôi tạ ơn Đức Chúa lòng lành, vì Ngài đã che chở cho tôi cùng những người xưa nay tôi yêu quý.
Amen!

                               HET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét