Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Cổ Tích Việt Nam




Cổ Tích Việt Nam
RÉT NÀNG BÂN

Ngày xưa ở làng nọ,
Có gia đình nông dân
Sinh được cô con gái,
Âu yếm gọi là Bân.

Bân lớn lên, khỏe mạnh,
Chất phác và nhu mì.
Không thật nhanh nhẹn lắm,
Nhưng chu đáo cực kỳ.

Đó là một cô gái,
Thùy mị và hiền lành.
Xinh đẹp, dẫu không phải
Loại nghiêng nước nghiêng thành.

Ai ai cũng yêu quí
Cô gái ấy nông dân.
Yêu đến mức trìu mến
Gọi cô là Nàng Bân.

Như mọi cô gái khác,
Đến tuổi, nàng lấy chồng.
Nàng tràn trề hạnh phúc.
Lúc ấy mới đầu đông.

Thấy chiếc áo chồng mỏng,
Nàng muốn may cho chàng
Một chiếc mới thật ấm,
Thật đẹp bằng lụa vàng.

Và thế là, sốt sắng,
Nàng làm việc đêm ngày,
Hết nuôi tằm, dệt lụa
Lại hí húi khâu may.

Mọi cái đều tuyệt diệu.
Nhưng nàng không hài lòng.
Muốn tuyệt diệu hơn nữa,
Vì rất thương yêu chồng.

Vì sự yêu thương ấy,
Vì muốn phải tuyệt vời,
Nàng đã phải làm việc
Ròng rã mấy tháng trời.

Cuối cùng, rất mãn nguyện,
Chiếc áo đã làm xong.
Chợt nàng ôm mặt khóc
Vì trời đã hết đông.

Vì tình cảm gửi gắm
Vào chiếc áo quá nhiều,
Mà chiếc áo không kịp
Làm ấm lòng người yêu.

Tiếng khóc ấy tấm tức
Bay đến tai Ngọc Hoàng.
Ngài nghe, rất xúc động,
Quyết định sẽ giúp nàng.

Thế là đang ấm áp,
Và dẫu đã tháng Ba,
Trời tự nhiên trở rét,
Nhè nhẹ trên làn da.

Nàng Bân thì sung sướng
Mặc chiếc áo cho chồng.
Chiếc áo người vợ tặng,
Dù đã hết mùa đông.

Từ đấy, xuân đang đến,
Nhưng ở nơi dương trần
Thường có một đợt rét,
Gọi là rét Nàng Bân.


THẰNG CUỘI

Xưa có một chàng trẻ,
Vốn là con nhà lành.
Do cuộc đời đưa đẩy
Thành láu lỉnh, ma lanh.

Cậu này tên là Cuội.
Lúc được gọi là chàng.
Lúc là thằng, tóm lại,
Tư cách rất làng nhàng.

Cuội mồ côi từ bé,
Sống với chú thím mình.
Nổi tiếng rất lém lỉnh
Và cũng khá thông minh.

Một gã phú ông nọ
Muốn thử tài cậu này,
Mời cậu đến, và nói:
“Bây giờ tao ngồi đây.

Mày giỏi thì cố thử
Lừa tao ra khỏi nhà.
Lừa được, tao sẽ thưởng.
Không thì ăn roi da”.

Cuội gãi đầu, nhăn mặt:
“Con thua ông vụ này.
Nhưng ông ra ngoài ngõ,
Con lừa được vào đây!”

Gã phú ông tưởng thật,
Liền vội vàng đi ra.
“Đấy, ông xem, cuội nói.
Ông đã ra khỏi nhà!”

Thấy mình bị mắc lỡm,
Dù giận muốn phát điên,
Gã cũng phải lận túi,
Cho Cuội mười quan tiền.

*
Gia đình chú thím Cuội,
Không giàu cũng không nghèo,
Nuôi được đàn gà mái
Và thêm một con heo.

Một con heo rất béo.
Cuội đem bán lấy tiền
Nhân một hôm chú thím
Đi vắng hai ngày liền.

Cậu xin ông hàng thịt
Chiếc đuôi con heo này.
Rồi ra vườn, cắm xuống
Luống rau đang mọc dày.

Chú thím về, hớt hải,
Cậu kêu to: “Ôi, ôi,
Diêm Vương cho người bắt
Con lợn béo mất rồi”.

Rồi cậu dẫn bà thím
Ra vườn, nói: “Đây, đây.
Con lợn chui xuống đất.
Còn lại chiếc đuôi này!

Giờ thím giữ chặt nhé.
Cháu lấy cuốc đào lên”.
Người đàn bà tội nghiệp
Vừa sợ vừa xót tiền,

Cong người, tay túm chặt,
Mặt nhễ nhại mồ hôi,
Bà giữ rồi bà kéo.
Thế là bật chiếc đuôi.

Cuội kêu lên: “Ấy chết!
Tại thím quá mạnh tay
Nên đuôi heo bị đứt.
Giờ biết làm sao đây?”

Bà thím nghe cháu nói,
Tưởng lỗi do chính bà.
Thôi thì đành chấp nhận,
Dẫu tiếc tiền, xót xa.

*
Ngoài cái vụ đuôi lợn,
Thằng cháu bà về sau
Còn lừa nhiều vụ nữa.
Mà vụ nào cũng đau.

Nào nó lừa ông chú
Suốt ngày ôm thúng phân.
Nào lừa bà thím chết,
Mà lừa rất nhiều lần.

Cuối cùng, không chịu nổi,
Thương thì thương, ông bà
Cho cậu nắm cơm vắt
Rồi đuổi ra khỏi nhà.

*
Không buồn cũng không tiếc,
Cuội khăn gói ra đi.
Hay tay còn tung tẩy,
Như không hề hấn gì.

Đến trưa, trời nóng nực,
Chợt thấy một dòng sông.
Cậu liền nhảy xuống tắm,
Cứ gọi là tồng ngồng.

Trong túi cậu lúc ấy
Có mấy chục đồng chinh.
Sợ để trên bờ mất,
Nên đã mang theo mình.

Một ông quan cưỡi ngựa
Đi ngang qua, ngạc nhiên
Thấy Cuội vừa lặn ngụp,
Tay vừa giơ xâu tiền.

“Mày làm gì dưới ấy?”
Quan hỏi. “Bẩm, hôm nay
Có người rơi nén bạc
Và nén vàng ở đây.

Tiền đồng thì nhiều lắm.
Đây, con vớt được tiền...”
Ông kia nghe, lập tức
Máu tham chợt nổi lên:

“Mày tắm thế là đủ.
Bây giờ đến lượt tao.
Tắm nhiều không có lợi.
Nào, lên bờ, nhanh nào!”

Cuội lên, vờ miễn cưỡng,
Chờ ông kia xuống sông,
Liền mặc bộ quần áo
Và đội mũ của ông

Rồi phóng ngựa đi thẳng,
Mặc ông kia kêu la.
Ông phải mặc áo Cuội,
Rồi đi bộ về nhà.

*
Cuội cứ đi, đi mãi,
Tới một vùng núi đồi
Có cây cao, cỏ tốt
Và lạ, rất nhiều voi.

Cậu xuống ngựa, ngồi nghỉ,
Tựa lưng vào gốc cây.
Rồi bất chợt nghĩ được
Một kế này rất hay.

Cậu đào một chiếc hố
Khá to và khá sâu.
Đủ to để voi sập,
Chổng đít và lút đầu.

Nhưng cũng không đủ rộng
Để voi tự thoát ra.
Nhờ thế Cuội nhanh chóng
Tóm được chú voi già.

Cậu lấy con dao nhọn
Khoét một lỗ thật sâu
Vào đít con voi ấy.
Và rồi, một chốc sau

Rất nhiều chim bay đến,
Phải hàng trăm, hàng ngàn.
Chúng chui hẳn vào bụng,
Tranh nhau ăn ruột gan.

Khi đoán ăn đã hết,
Cuội bịt đít con voi
Bằng búi giẻ rất chặt,
Tót lên lưng, và rồi

Cậu đạp chân thật mạnh.
Cả bầy chim bên trong
Sợ quá, cùng vỗ cánh
Đưa con voi lên không.

Thế là con voi chết
Thành con voi biết bay.
Cậu thích thú du ngoạn
Đúng ba đêm, ba ngày.

Cuối cùng, cậu nhìn xuống,
Chợt thấy một thành đô,
Người đi lại tấp nập,
Nhiều lâu đài cao to.

Cậu tò mò muốn biết
Nơi ấy là nơi nào,
Bèn ngừng chân, không đạp.
Con voi tít trên cao

Liền từ từ hạ xuống,
Đúng ngay giữa sân rồng,
Nơi có vua, hoàng hậu
Và cận thần rất đông.

Tất cả đều cúi rạp,
Tưởng Cuội là thần linh
Cưỡi voi thần hạ giới
Thăm kinh đô của mình.

Đích thân vua cung kính
Mời dẫn Cuội vào cung.
Suốt một ngày đàm đạo,
Ca hát và tiệc tùng.

Khi đã bớt sợ hãi,
Nhà vua, vốn tò mò,
Hỏi xin cưỡi voi thử.
Cuối cùng, Cuội cũng cho.

“Nhưng bệ hạ, cậu nói,
Phải đổi áo cho ta.
Chiếc áo bào ngài mặc
Thêu rồng phượng và hoa.

Sau đó ngài sẽ mặc
Bộ quần áo cũ này.
Vì quen, không làm thế,
Con voi sẽ không bay.

Hơn thế, khi ra biển,
Ngài phải ngoái đằng sau,
Mở cái nút phía đít
Để voi bay được lâu”.

Ông vua liền đồng ý.
Thay đổi quần áo xong,
Nhảy lên voi, con vật
Từ từ bay lên không.

Vua kêu lên thích thú.
Tiếng reo hò vang thành.
Tung hô vua vạn tuế.
Và khi tới biển xanh,

Chợt nhớ lời Cuội dặn,
Vua cẩn thận ngoái đầu,
Mở cái nút phía đít
Để voi bay được lâu.

Cả đàn chim bị nhốt
Trong bóng tối lâu ngày,
Bây giờ thấy ánh sáng,
Liền vội bay ra ngay.

Và thế là nhanh chóng
Cả voi và cả vua
Trở thành miếng mồi béo
Cho các loài cá, cua.

Trong khi đó thì Cuội,
Áo bào mặc trên người,
Trở thành vua nước ấy,
Hưởng hạnh phúc suốt đời.


THẦY HÍT

Ngày xưa ở làng nọ
Có một đôi vợ chồng.
Vợ thì rất tần tảo,
Mà chồng thì ngồi không.

Anh chàng ngồi không ấy
Bị làng xóm cười chê.
Cô vợ khuyên chịu khó
Đi học lấy một nghề.

Anh chàng đành khăn gói,
Đi gần rồi đi xa
Mà vẫn không học được,
Đành phải quay về nhà.

Xấu hổ, lo vợ mắng,
Anh chàng chưa dám vào.
Đứng nấp sau tấm vách,
Xem binh tình thế nào.

Một lát sau, cô vợ
Đi chợ về, trong tay
Xách năm chiếc bánh lá,
Rồi bảo con thế này:

“Ba đứa ăn ba chiếc.
Còn hai chiếc bánh kia
Nhớ cất trong vại gạo,
Để phần bố lúc về.”

Anh chồng nghe, mừng quá,
Lén ra ngõ, và rồi
Đi vào nhà, oai vệ,
Với nụ cười trên môi.

“Học được nghề rồi chứ?”
Cô vợ hỏi. “Tất nhiên”.
“Nghề gì?” “Nghề Thầy Hít.
Giấu đâu là biết liền!”

“Vậy thử hít mà biết
Ở đâu trong nhà này
Hai chiếc bánh thiếp giấu,
Phần của chàng hôm nay”.

Anh chồng nhăn mũi hít,
Trịnh trọng và rất lâu:
“Hãy đi vào vại gạo
Lấy bánh ra đây, mau!”

Cô vợ vui, vui lắm,
Thấy chồng học được nghề.
Liền chạy đi khắp tổng,
Gặp người nào cũng khoe.

Vừa hay, bà hàng xóm
Mất ổ lợn sáu con.
Liền nhờ Thầy Hít giúp,
Hứa không quên trả ơn.

May sáng sớm hôm ấy,
Khi đi ỉa ngoài đồng,
Anh chàng thấy ổ lợn
Ai đó giấu bên sông.

Vậy là lại trót lọt.
Bà kia cho anh chàng
Ba con lợn đã hứa.
Kiếm ăn thật dễ dàng.

*
Cô vợ liền vội vã
Khoe với bố mẹ mình
Về anh chồng Thầy Hít,
Tài giỏi và thông minh.

Bố cô không tin lắm:
“Thử bảo nó sang đây.
Ta đang có hũ bạc
Chôn kỹ dưới gốc cây.

Gốc cây táo bên giếng.
Nếu chồng con tìm ra,
Ta sẽ cho một nửa,
Về mà xây cái nhà!”

Khốn nỗi, ông không biết
Rằng Thầy Hít, rể ông,
Đã lén đi theo vợ
Nên biết tỏng tòng tong.

Thầy vội vã quay lại,
Nằm chờ sẵn ở nhà.
Còn ra chiều miễn cưỡng
Phải “đi thăm ông bà”.

Thầy đoán đúng và lấy
Nửa hũ bạc ngon lành.
Tiếng tăm càng lừng lẫy.
Bay đến tận kinh thành.

*
Mà kinh thành lúc ấy
Đang nhao nhác, bàng hoàng,
Vì đôi rùa bị mất.
Một bạc và một vàng.

Đó là món bảo vật
Vua thiên triều Trung Hoa
Tặng cho vua Đại Việt.
Nhất định phải tìm ra!

Vua liền sai sứ giả
Đem tờ chiếu của mình
Tìm đến nhà Thầy Hít
Để rước thầy về kinh.

Thầy Hít nằm trên kiệu
Lo có thể lần này
Sẽ bị vua trị tội,
Ngựa xéo hoặc voi dày.

Lo đến mức sợ quá,
Khi đi ngang dòng sông,
Thầy nhảy ùm xuống nước,
Thà chết trước cho xong.

Hai người lính khênh kiệu
Vớt thầy lên, vỗ về.
Thầy mắng: “Bọn mày láo,
Ta xuống hỏi Thủy Tề

Để xin ngài cho biết
Ai lấy cắp đôi rùa.
Ta sẽ bắt bọn chúng
Trả lại cho nhà vua”.

Nói vậy nhưng trong bụng,
Sợ đến co rúm người.
Thầy vừa nằm trên kiệu,
Vừa lẩm bẩm thành lời:

“Bụng làm thì dạ chịu,
Giờ biết trách ai đây?
Chắc chắn sẽ chết thảm.
Khó thoát được vụ này”.

Hai tên lính khênh kiệu
Nghe thế, lén thở dài.
Một đứa tên là Bụng.
Dạ là đứa thứ hai.

Chính chúng đã câu kết
Với thủ kho nhà vua
Ăn cắp và đang giấu
Vật bảo bối, đôi rùa.

Lúc nãy nghe Thầy nói
Vừa gặp Thủy Tề xong.
Giờ nhắc tên Bụng, Dạ.
Tức thầy đã biết tong.

Hai đứa liền cuống quýt
Thú tội hết với thầy.
Rồi khai đôi rùa ấy
Giấu chỗ này, chỗ này.

Chúng xin thầy lượng xá
Không nói với nhà vua
Rằng chúng đã trót dại
Dám ăn trộm đôi rùa.

Thầy Hít nghe, đồng ý,
Giục nhanh chóng về kinh.
Là nơi Thầy được thưởng
Nhờ chiếc mũi tài tình.

*
Chẳng bao lâu sau đó
Có sứ thần Trung Hoa
Đến xin Thầy giúp đỡ,
Mang theo rất nhiều quà.

Số là vua bên ấy
Cũng gặp chuyện không may.
Cả nước Tàu bất lực,
Nên phải sang nhờ Thầy.

Thầy Hít nghe phát hoảng.
Giờ thì chết đến nơi.
Không người nào có thể
Gặp vận may suốt đời.

Sợ quá, thầy chép miệng:
“Thà chết ở đất mình”.
Bèn ra bờ sông vắng,
Nhảy xuống nước trẫm mình.

May có người nhìn thấy,
Nhảy xuống, vớt thầy lên.
Không hiểu sao chiếc mũi
Bị sứt mất một bên.

Đau thì đau, Thầy Hít
Mừng, bảo sứ Trung Hoa:
“Tôi chỉ nhờ chiếc mũi
Mà giúp được người ta.

Nay, thật tiếc, nó sứt,
Thì coi như mất nghề”.
Quan sứ nghe, có lý,
Đành quay ngựa trở về.


BA CHIẾC RÌU

Xưa, có một chàng nọ,
Hiền, chất phác, chàng này
Phải vào rừng đốn củi
Để kiếm ăn qua ngày.

Một hôm, đi ngang suối,
Chàng để rơi chiếc rìu,
Mò mãi vẫn không thấy,
Chàng ngồi khóc, buồn thiu.

Bụt hiện lên, hỏi chuyện,
Chàng kể hết sự tình.
Ngài hứa sẽ tìm giúp,
Đừng lo, đừng bực mình.

Rồi Bụt lặn xuống suối,
Một lát sau ngoi lên
Với chiếc rìu bằng bạc.
“Không, của con màu đen.”

Ngài lặn xuống lần nữa,
Lần này lặn khá lâu,
Mang chiếc rìu vàng chói.
Chàng trai lại lắc đầu.

Chàng kêu lên sung sướng
Khi Bụt, lần thứ ba,
Đưa chàng chiếc rìu sắt.
Bụt nói: “Con thật thà,

Nên xứng đáng được thưởng
Một lúc ba chiếc rìu.
Chàng trai nghe, sung sướng,
Từ đó hết buồn thiu.

Thế là nhờ trung thực,
Không tham lam mà chàng
Được hai chiếc rìu nữa,
Bằng bạc và bằng vàng.


CÔ ĐÀO HÁT VÀ NGƯỜI HỌC TRÒ NGHÈO

Xưa có một cậu bé
Tên gọi là Nguyễn Kỳ.
Bị người mẹ kế ghét,
Phải bỏ nhà ra đi.

Có Cụ Cử tốt bụng
Cưu mang cậu trong nhà,
Lại còn cho học chữ,
Học vẽ và thơ ca.

Vốn thông minh, mẫn tiệp,
Cậu tiến bộ rất nhanh.
Rồi dùi mài kinh sử
Chuẩn bị thi kinh thành.

Có một cô đào hát,
Không hiểu vì duyên gì,
Đã đem mười nén bạc
Giúp đỡ chàng Nguyễn Kỳ.

Chàng nhất định không nhận,
Nhưng cô gái van nài.
Cứ thế cô giúp đỡ
Suốt một thời gian dài.

Nhiều lần chàng muốn biết
Về tông tích cô đào,
Nhưng cô luôn bẽn lẽn,
Không chịu nói lời nào.

Cuối cùng, ngày khăn gói
Lên kinh thành đi thi,
Cô đào hát ngượng nghịu
Nói với chàng Nguyễn Kỳ:

“Nếu công thành danh toại
Chàng còn nhớ đến em,
Tự em sẽ tìm đến.
Không cần phải nói thêm”.

Lần ấy chàng thi đỗ,
Định xin cưới cô đào.
Nhưng Cụ Cử phản đối,
Cho là chuyện tầm phào.

Vì lễ giáo bắt buộc,
Vì bổn phận làm con,
Chàng phải lấy người khác,
Nhớ người xưa mà buồn.

Nỗi nhớ âm thầm ấy
Luôn day dứt lòng chàng,
Cả khi thành quan lớn,
Phú quý và giàu sang.

Còn cô đào tội nghiệp
Lặng lẽ trốn đi xa.
Lặng lẽ đàn và hát
Nuôi mình, nuôi mẹ già.

Nguyễn Kỳ cho binh lính
Đi tìm nàng khắp nơi.
Cuối cùng cũng tìm thấy.
Phút gặp nhau, hai người

Đứng lặng im không nói,
Không dám nhìn mắt nhau.
Chàng đề nghị giúp đỡ,
Nhưng nàng chỉ lắc đầu.

Sau đó nàng đi biệt,
Mang theo người mẹ già.
Mang theo cả đau đáu
Mối tình buồn, xót xa.


BÀ CHÚA BÈO

Ngày xưa ở làng nọ
Có cô bé hiền lành.
Rất thông minh, sáng dạ,
Dẫu không được học hành.

Bố mẹ cô nghèo khổ,
Có thửa ruộng đầu làng,
Mà đất cằn, chua mặn,
Lúa xơ xác, héo vàng.

Năm ấy trời lại hạn.
Hàng ngày cô ra đồng,
Ngồi một mình, buồn bã
Nhìn cây lúa nghẹn đòng.

Và rồi cô òa khóc,
Lo năm nay mất mùa.
Cả nhà sẽ nhịn đói.
Thiếu gạo không tiền mua.

Bụt hiện lên, liền hỏi:
“Sao cháu khóc?” “Thưa ông.
Cháu khóc vì lo đói,
Thương cây lúa nghẹn đòng”.

“Ừ nhưng nước mắt mặn.
Chẳng thể làm lúa xanh.
Cháu có muốn ông giúp
Để lúa tốt, đâm nhành?”

“Dạ có”, cô bé đáp.
Bụt nhìn cô, mỉm cười:
“Nhưng cháu phải đem tặng
Cái quý nhất trên người”.

Trên người cô lúc ấy
Quả thật không có gì,
Ngoài đôi hoa tai đá,
Không sáng mà đen sì.

Cô đưa nó cho Bụt:
“Con chỉ có cái này.
Đôi hoa tai dòng họ
Được truyền bao đời nay.

Mẹ cháu nói, để mất
Hoặc đem nó cho người,
Cả họ sẽ nguyền rủa
Và phải khổ suốt đời”.

Bụt hỏi cô âu yếm:
“Thế cháu không sợ sao?”
Cô bé nhìn ruộng lúa,
Nước mắt lại tuôn trào:

“Có, cháu sợ, tuy vậy,
Lúa đang chết, thưa ông.
Cháu xin bị trừng phạt
Để lúa tốt, trổ đòng”.

“Vậy thì được, Bụt nói.
Hãy ném đôi hoa tai
Xuống ruộng lúa đang héo.
Bất kể ruộng nhà ai”.

Cô làm theo lời Bụt.
Bông hoa tai sẫm màu
Lóe lên và rồi biến
Thành cây bèo hoa dâu.

“Cháu hãy đem nhân nó
Thành triệu triệu cây bèo.
Đồng lúa sẽ xanh tốt,
Nông dân sẽ hết nghèo.

Dòng họ cháu lúc ấy
Sẽ rút lại lời nguyền.
Cháu sẽ được yêu mến,
Hạnh phúc và bình yên”.

Nói đoạn, Bụt biến mất.
Cô xuống ruộng, cúi đầu
Chạm hai tay bé nhỏ
Vào cây bèo hoa dâu.

Lập tức cây bèo ấy
Hóa thành năm, thành mười.
Rồi thành vạn, thành tỉ,
Phủ xanh mướt khắp nơi.

Nó là loại phân bón
Cần cho đất phèn chua.
Nhờ nó mà năm ấy
Đâu đâu cũng được mùa.

Về sau, khi cô chết,
Dân Thái Bình thoát nghèo
Lập đền thờ cúng viếng,
Gọi là “Bà Chúa Bèo”.


SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI

Xưa có một tên trộm
Sống nhiều năm bằng nghề.
Không vợ con, gia sản.
Chỉ có túp lều tre.

Một hôm, đêm trời rét,
Trên đường đi xin ăn,
Một cặp vợ chồng nọ
Ghé vào, xin nghỉ chân.

Khuya, người chồng bảo vợ:
“Gần đây có ruộng khoai.
Ta moi trộm một ít,
Có cái ăn ngày mai”.

Người vợ đáp: “Không được.
Cũng vì ta trước đây
Đã ăn ở thất đức
Nên giờ mới thế này.

Tôi thà phải chết đói,
Chứ không làm, không đâu.
Phạm thêm tội, chắc chắn
Sẽ nặng kiếp về sau”.

Tên trộm nghe, hối hận
Những việc làm trước đây.
Rồi hắn giao nhà cửa
Cho hai người ăn mày.

Hắn lên ngôi chùa nhỏ
Giữa núi cao, sương mù.
Xin sư thầy cạo trọc,
Nguyện làm người chân tu.

Sư thầy giao cho hắn
Việc nấu ăn, không nhiều.
Một bữa vào sáng sớm
Và một bữa buổi chiều.

Hắn phải lo giữ lửa.
Để tắt sẽ rất phiền.
Phải xuống núi, xa lắm.
Càng vất vả khi lên.

Hắn là người chu đáo,
Lo tu luyện đêm ngày.
Chưa bao giờ mất lửa.
Rất đẹp lòng sư thầy.

Trong chùa có sư bác
Vốn xấu bụng, hay ghen,
Thấy hắn chóng tiến bộ,
Lập mưu, nghĩ kế hèn.

Lần nọ, khi thấy hắn
Ngủ say trong nhà kho,
Ông sư này xuống bếp
Dội nước vào bếp lò.

Gần sáng, thấy lửa tắt,
Hắn hoảng sợ, vội vàng
Liền chạy nhanh xuống núi,
Xin lửa của dân làng.

Dọc đường, hắn bất chợt
Gặp một con hổ già.
Hổ nói: “Ta đang đói.
Sẽ thịt mày, không tha!”

“Tôi đang đi lấy lửa.
Việc quan trọng, lấy xong,
Sẽ tự mình tìm đến
Xin nộp mạng, được không?”

Hổ đồng ý, và hắn
Lấy lửa xong, và rồi
Đến cho hổ ăn thịt.
Không kêu ca một lời.

Hổ nói: “Xương mày cứng.
Răng tao thì lung lay.
Không còn nhai được nữa.
Vậy mày leo lên cây,

Tự ngã xuống tảng đá
Để xương thịt vỡ ra,
Thì tao mới ăn được.
Vì tao là hổ già”.

Hắn làm theo lời hổ.
Nhưng khi buông tay rơi,
Đức Phật đã đón sẵn
Rồi cho rước lên trời.

Vậy là hắn thành Phật.
Có tên Phật Đăng Nhiên.
Tên sư bác thấy thế
Lần nữa nổi lòng ghen.

Hắn xin phép hòa thượng
Được nấu ăn hàng ngày.
Để lửa tắt, xuống núi,
Gặp đúng con hổ này.

Có điều, khác lần trước.
Khi hắn buông tay rơi,
Không có ai đỡ sẵn
Và cho rước lên trời.

Thay vào đó, hắn chết,
Biến thành chiếc bình vôi
Để người khác móc ruột,
Đau và nhục, than ôi.


SỰ TÍCH CÂY CHUỐI

1      
Thời xa xưa, Thượng đế,
Cứ ba năm một lần
Tổ chức chọn cây đẹp
Để làm lễ tế thần.

Có một chàng trai nọ
Tên gọi là Lan Tiêu,
Vợ mới sinh con gái,
Bụ bẫm và đáng yêu.   

Chàng yêu và chiều nó,
Chơi với nó suốt ngày,
Bất chợt nẩy ý định
Tạo ra một giống cây

Thân mềm mềm và mát
Như da thịt của con,
Các lá to và rộng,        
Chụm lại thành hình tròn.

Quả màu vàng, da mịn,         
Thon dài như ngón tay
Trên bàn tay năm ngón,                 
Cứ to thêm từng ngày.

Cô bé chơi với nó,
Như đôi bạn rất thân
Trong bóng râm tàu lá,
Đói thì hái quả ăn.

Một lần, khi Thượng đế
Cho mở hội thi cây,
Chàng Lan Tiêu quyết định
Dự thi cây mới này.

Thượng đế xem, thích lắm.
Sau khi nghe Lan Tiêu
Giảng giải về ý nghĩa,
Về cả đứa con yêu,

Ngài tuyên bố chàng thắng,
Rồi về ngồi trên ngai.
Lát sau, vì đãng trí,
Ngài hỏi: “Cây của ai,

Cây của ai thắng nhỉ?
Cây tên gì, ở đâu?”
Mọi người đáp: “Cây cuối.”
Vì Lan Tiêu đến sau.

Và rồi, loài cây ấy
Do đứng cuối, người đời
Gọi chệch thành cây chuối,
Một loài cây tuyệt vời.


SỰ TÍCH CÂY ĐU ĐỦ

1
Ngày xưa có người nọ,
Nghèo, nhưng sống an nhàn.
Ông thích nuôi chim cảnh.
Nhà lại gần nhà quan.

Một hôm, con chim ấy
Bay sang nhà quan chơi,
Ăn vụng ba hạt bắp
Trong nong bắp đang phơi.

Ba năm sau bất chợt
Quan sang nhà bắt đền.
Bắt đền ba hạt bắp?
Ừ, muốn đền thì đền.

Ông xuống bếp, quay lại,
Ba hạt bắp trên tay.
Quan lắc đầu, rồi nói:
“Không đơn giản thế này.

Ba hạt bắp, anh biết,
Mọc thành ba cây ngô.
Mỗi cây có hai bắp,
Hạt mẩy và rất to.

Hạt của sáu bắp ấy
Lại gieo cho mùa sau.
Thế thì sẽ nhiều lắm.
Anh thử nhẩm trong đầu.

Rồi đến mùa sau nữa.
Cứ nhân lên, rất nhiều...”
Quan lấy bàn tính tính,
Nét mặt rất đăm chiêu.

Cuối cùng quan tuyên bố:
“Anh phải trả cho ta
Không dưới ba tấn bắp,
Mà phải mang tận nhà!”

Anh kia nghe, sợ quá,
Chắp tay rồi dập đầu:
“Bẩm, nhà con nghèo đói,
Con biết lấy ở đâu?”

“Ở đâu tao không biết.
Hay muốn tù mọt gông?”
Anh nghèo cực chẳng đã,
Thất thểu đi ra đồng.

Anh ta bò lổm ngổm
Nhặt từng hạt bắp rơi,
“Ôi, nhặt đâu cho đủ?
Chắc phải nhặt suốt đời.”

Cuối cùng, anh ta chết,
Xác nằm bên bờ mương.
Rồi ở đó xuất hiện
Một loài cây khác thường.

Thân nó mềm, nhiều đốt,
Lá thì rộng và to.
Trái nhiều, trông na ná
Như những hạt bắp ngô.

Dân làng gọi “đâu đủ”,
Kiếm đâu đủ ngô đây...
Sau chệch thành “đu đủ”
Nên mới có tên này.


SỰ TÍCH CON TẰM

Xưa có cô gái nọ
Sớm mồ côi mẹ cha,
Phải đi ở, hầu hạ
Cho một bà góa già.

Bà góa này ác nghiệt,
Đánh đập nàng luôn tay.
Cũng luôn mồm mắng chửi.
Đánh và chửi hàng ngày.

Đến mức không chịu nổi,
Nàng phải bỏ ra đi.
Trốn vào khu rừng rậm,
Kệ, muốn gì thì gì.

Nàng cứ đi, đi mãi
Giữa khu rừng, cuối ngày,
Vì kiệt sức, vì đói,
Ngủ thiếp bên gốc cây.

Vị Thần khu rừng ấy
Đã ra tay giúp nàng.
Khi tỉnh dậy, nàng thấy
Mình đang ở trong hang.

Một chiếc hang tuyệt đẹp
Có đầy đủ tiện nghi.
Phía trước là con suối
Nước róc rách, thầm thì.

Bốn xung quanh hoa nở,
Quả ngọt chín sai cành.
Nàng với tay hái xuống
Và ăn, thật ngon lành.

Ăn xong, nàng bỗng thấy
Sảng khoái, khỏe khác thường.
Chợt Thần Rừng xuất hiện,
Râu tóc bạc như sương.

Tay Thần cầm chiếc gậy.
Đôi mặt nhìn thật hiền.
“Đây là nhà của lão.
Con cứ sống tự nhiên”.

Thần giơ tay ra hiệu -
Liền bốn con nai vàng
Mang rất nhiều quần áo
Và gương lược cho nàng.

Thần nói: “Lúc cần thiết,
Con gọi Ông Tiều ơi,
Là ta sẽ có mặt,
Nhanh chóng và kịp thời”.

Từ khắp nơi, muông thú,
Đến làm bạn, hàng ngày
Cùng vui đùa nhảy múa
Mang tặng nhiều trái cây.

Được vô tư, thoải mái
Trong khung cảnh bình yên,
Càng ngày nàng càng đẹp,
Hệt như một nàng tiên.

*
Thuở ấy ở thượng giới
Có vị thần ham chơi,
Bê tha và trác táng.
Chơi chán ở cõi trời,

Thần tìm xuống hạ giới
Để quyến rũ đàn bà.
Cả gái quê bình dị
Lẫn công chúa kiêu sa.

Nhờ thần thông biến hóa,
Giỏi ngón trò Sở Khanh,
Thần đang tâm làm hại
Rất nhiều con nhà lành.

Lần nọ, thần dâm đãng
Đi qua khu rừng này.
Thấy có một người đẹp
Đang ngồi dưới tán cây.

Nàng đẹp như tiên giáng,
Thần nhìn mà ngỡ ngàng,
Vội vén cây, vạch lá
Tiến lại gần chỗ nàng.

Thấy động, nàng bỏ chạy.
Nhao nhác cả rừng xanh.
Nhờ muông thú giúp đỡ,
Về tới hang nguyên lành.

Lập tức, nàng liền gọi,
Ba lần, “Ông Tiều ơi”.
Thần đến, cho vòng ngọc
Lấp lánh màu da trời.

“Chiếc vòng này kỳ diệu
Sẽ giúp con tàng hình.
Vậy con hãy khôn khéo
Dùng nó để giữ mình”.

Tên dâm thần tức giận
Mãi không bắt được nàng.
Bèn hóa phép, lặng lẽ
Chăng chiếc lưới tơ vàng.

Cuối cùng nàng mắc lưới,
Giãy giụa mãi, thật may,
Có một con voi trắng
Phá được chiếc lưới này.

Thần Rừng lại xuất hiện:
“Có điều gì xảy ra,
Con hãy gọi năm tiếng
Ôi, Quan Âm Phật Bà!”

Sợ sa lưới lần nữa,
Nàng không ra khỏi hang.
Nhưng dâm thần hóa phép,
Nàng lại sa lưới vàng.

Nhớ lời thần rừng dặn,
Nàng gọi tên Phật Bà.
Phật xuất hiện, lập tức,
Lưới tơ vàng yêu ma

Co lại thành hạt đậu
Chui tuột vào miệng nàng.
Rồi từ miệng xuống bụng -
Cả một lưới tơ vàng.

Dâm thần lại hóa phép,
Trời đất nổi cơn giông.
Bỗng một tiếng nổ lớn
Vang vọng chín tầng không.

Nàng giật mình hoảng sợ,
Thấy quần áo trên người
Tự nhiên biến đâu mất,
Thành trần truồng, ôi trời.

Nàng xấu hổ, cắm cúi
Chạy thật nhanh vào hang.
Phật Bà lại lần nữa
Ra tay cứu giúp nàng.

Trong hang, đêm ẩm lạnh,
Ngoài trời sương đang buông.
Nàng chui vào góc tối,
Xấu hổ vì trần truồng.

Nàng tránh các loài vật,
Không gọi “Ông Tiều ơi”.
Ngồi rét run cầm cập,
Bỗng nàng co thắt người.

Một sợi tơ rất mảnh
Chui ra từ miệng nàng.
Và kéo dài, dài mãi.
Một sợi tơ màu vàng.

Vì lạnh, nàng lấy nó
Quấn quanh người, lạ thay,
Thật ấm và dễ chịu.
Lớp tơ quấn càng dày.

Cuối cùng thành chiếc kén,
Ấm áp và tối tăm.
Và trong cái ấm ấy,
Nàng chết, thành con tằm.

Từ đấy, nàng cần mẫn
Nhả những sợi tơ vàng,
Chia cho người nghèo khổ
Chút hơi ấm của nàng.


TRÍ KHÔN

Ngày nọ, có con hổ
Chán ở trong rừng sâu,
Ra bìa rừng, chợt thấy
Trên đồng có con trâu.

Một con trâu to béo
Đang ngoan ngoãn kéo cày.
Cầm roi đi theo nó
Là một người bé gầy.

Chốc chốc, con người ấy
Lại quát tháo - con trâu
Còn bị đánh, tội nghiệp,
Vẫn nhẫn nhục cúi đầu.

Mà con trâu to béo.
Hổ chẳng hiểu thế nào.
Nên chọn lúc nghỉ việc,
Đến hỏi trâu vì sao?

Trâu đáp: “Người bé nhỏ,
Nhưng lại có trí khôn”.
“Trí khôn lớn hay bé,
Mà rồi vuông hay tròn?”

“Tôi không thể giải thích
Trí khôn ấy là gì.
Bác tự đến mà hỏi.
Ông ta kia, đi đi”.

Người nông dân lúc ấy
Đang ngồi nghỉ giữa đồng.
“Trí khôn đâu?” hổ hỏi.
Cho tôi xem được không?”

Ông chăm chú nhìn hổ
Một hồi lâu và rồi
Chép miệng nói: “Thưa bác,
Cái trí khôn của tôi,

Ngày hôm nay, thật tiếc,
Tôi để quên ở nhà.
Hay bây giờ bác đợi
Tôi về lấy đem ra?

Nếu bác thấy thích nó,
Tôi sẽ cho một phần”.
Hổ vui mừng đồng ý.
Và rồi bác nông dân

Đứng dậy, đi, bất chợt,
Bác dừng lại: “Mà này,
Trong lúc tôi đi vắng
Tôi sợ bác ở đây

Ăn thịt trâu tôi mất.
Hay là bác để tôi
Trói bác vào đâu đấy.
Chỉ một lúc mà thôi?

Hổ đồng ý, và bác
Trói hổ vào gốc cây
Bằng một dây thừng mới,
Vừa to lại vừa dày.

Xong, bác thong thả lấy
Cỏ khô và lá khô,
Cả rơm và cả rạ,
Cả những cành củi to.

Rồi bác châm lửa đốt:
“Đây, trí khôn ta đây.
Có muốn xin một tí,
Ta sẵn sàng cho ngay”.

Con hổ vùng vẫy mãi
Mới thoát khỏi dây thừng,
Rồi ba chân bốn cẳng
Chạy một mạch vào rừng.

Và thế là từ đó
Da loài hổ có vằn,
Vì tò mò muốn biết
Trí khôn người nông dân.

Còn con trâu to béo,
Thấy thế, lăn ra cười.
Cười nghiêng rồi cười ngửa,
Bốn chân giơ lên trời.

Không may va phải đá,
Hàm răng trên, tiếc sao,
Tất cả đều rụng sạch,
Không còn một chiếc nào.

Các loài vật đều có
Hai hàm răng, loài trâu
Từ đấy chỉ có một.
Nhưng cũng chẳng sao đâu.


SỰ TÍCH LOÀI SAM

Ở một làng chài nhỏ
Xưa có đôi vợ chồng
Sống bằng nghề đánh cá,
Ngoài biển và bến sông.

Người chồng, một ngày nọ,
Theo bạn nghề ra khơi.
Đang nắng đẹp, bất chợt
Giông bão kéo đầy trời.

Không may, thuyền bị lật,
Chìm giữa biển mênh mang.
Không người nào sống sót.
Tin dữ bay về làng.

Người vợ lòng đau xót,
Thầm hy vọng chồng mình
Có thể còn sống sót
Nhờ phép lạ thần linh.

Rồi bà chạy ra biển,
Thẫn thờ như người ngây,
Đi dọc bờ cát vắng.
Cuối cùng, sau hai ngày,

Kiệt sức, bà nằm xuống
Một bãi đá mấp mô
Và ngủ thiếp, bất chợt
Có tiếng nổ rất to.

Bà mở mắt, nhìn thấy
Một ông lão bạc đầu
Quần áo rất kỳ dị,
Mặt đầy tóc và râu.

“Ngươi là ai, đâu đến,
Mà nằm trước nhà ta?”
Người đàn bà lại khóc,
Kể hết với ông già.

Ông đầu bạc liền nói:
“Vậy thì ta giúp ngươi.
Ta là Thần Núi Đá
Ở đây đã nghìn đời.

Chồng của ngươi còn sống
Trên một hòn đảo xa.
Ngươi hãy đi tới đấy”.
Rồi ông đưa cho bà,

Bảo, hãy ngậm vào miệng,
Viên ngọc xanh da trời.
“Phải luôn ngậm thật chặt.
Không được để nó rơi”.

Nói đoạn, ông biến mất.
Người đàn bà vội vàng
Cho viên ngọc vào miệng.
Sấm chớp lại đì đoàng.

Bà thấy người nhẹ bỗng,
Như được gió nâng lên.
Rồi cuối cùng hạ xuống
Một bãi cát màu đen.

Ngồi co ro trên ấy
Là chồng bà, chồng bà!
Sau một lúc trò chuyện,
Hai người cùng về nhà.

Người chồng ôm lưng vợ.
Lần nữa sấm rền vang.
Rồi sấm tan, trời tạnh,
Biển một màu mênh mang.

Người vợ, vì vui quá,
Vui vì cứu được chồng,
Quên mất lời Thần dặn,
Mở miệng, hỏi han ông.

Viên ngọc thần rơi xuống
Mặt nước biển màu lam.
Hai người chết, sau đó
Biến thành một đôi sam.

*
Loài sam, như ta biết,
Luôn quấn quýt bên nhau.
Con cái ở phía trước.
Con đực bám phía sau.


SỰ TÍCH HẰNG NGA

Vào thời xa xưa ấy,
Khi mới có loài người,
Trên trời không chỉ một
Mà những mười mặt trời.

Cả mười mặt trời ấy
Hừng hực suốt cả ngày,
Làm sông hồ cạn nước
Và khô héo cỏ cây.

Có anh hùng Hậu Nghệ
Thấy thế làm bất bình.
Bèn leo lên đỉnh núi,
Dương cung thần của mình.

Chàng bắn đúng chín phát,
Làm rụng chín mặt trời.
Bằng cách ấy đã cứu
Cây cỏ và loài người.

Hay tin chàng tài giỏi,
Người đến học rất đông.
Có cả một người xấu.
Tên hắn là Bồng Mông.

Rồi Hậu Nghệ lấy vợ.
Tên nàng là Hằng Nga.
Một cô gái xinh đẹp,
Dịu hiền và nết na.

Một hôm, nhân rỗi việc,
Chàng lên núi Côn Luân,
Tình cờ gặp Vương Mẫu,
Mẹ của các vị thần.

Chàng được Vương Mẫu tặng
Một viên thuốc trường sinh.
Ai uống sẽ bất tử,
Lên cõi trời an bình.

Chàng Hậu Nghệ yêu vợ,
Không muốn phải xa nhau,
Nên bảo nàng cất giữ,
Lúc cần sẽ dùng sau.

Một hôm rỗi, Hậu Nghệ
Dẫn học trò đi chơi.
Bồng Mông xin ở lại
Vì “khó ở trong người”.

Rồi hắn mang bảo kiếm
Xông vào phòng Hằng Nga,
Bảo đưa thuốc Vương Mẫu,
Không thì giết, không tha.

Chẳng thể làm gì khác,
Lại đang chỉ một mình,
Hằng Nga bèn nhanh chóng
Nuốt viên thuốc trường sinh.

Uống xong, nàng chợt thấy
Người nàng nhẹ lâng lâng.
Rồi bay lên, bay mãi
Cho đến tận mặt trăng.

Khi về nhà, Hậu Nghệ
Biết được chuyện đau lòng,
Liền xách gươm tìm kiếm
Và giết chết Bồng Long.

Đêm, chàng ôm mặt khóc,
Ngước nhìn lên bầu trời.
Trên mặt trăng, chợt thấy
Thấp thoáng có bóng người.

Nhìn kỹ, chàng nhận biết
Đó là nàng Hằng Nga.
Giờ thành tiên trên ấy,
Vời vợi nỗi cách xa.

Chàng liền lấy hoa quả,
Đêm Trung Thu, trăng vàng,
Thắp hương rồi cúng vái
Để gửi lên cho nàng.

Từ đấy thành phong tục,
Gọi là tục Bái Trăng.
Đúng ngày Rằm tháng Tám,
Ngày Tết của Chị Hằng.

Trẻ con vào ngày ấy
Thường rước đèn kéo quân,
Múa hát, tiếng trống ếch
Rộn rã khắp xa gần.


VÀNG ĂN THỊT NGƯỜI

Có một sư thầy nọ
Từ rừng đang chạy ra,
Vẻ lo sợ, hốt hoảng
Như gặp quỉ, gặp ma.

Từ một làng gần đó
Có hai người đi vào.
Thấy lạ, họ liền hỏi:
“Chuyện gì vậy, vì sao?”

Sư thầy đáp: “Sợ lắm.
Tôi gặp chuyện không may -
Tìm thấy hũ vàng lớn
Sâu trong khu rừng này”.

Nghe xong, hai người nọ
Cùng phá lên cười to:
“Tìm thấy vàng là tốt.
Sao sư thầy phải lo?”

“Vàng ăn thịt người đấy.
Tốt nhất không dây vào”.
“Xin thầy cứ cho biết
Hũ vàng ở nơi nào?”

Từ chối mãi không được,
Nhà sư đành buộc lòng
Chỉ nơi ấy cho họ,
Rồi về chùa của ông.

Hai người kia lập tức
Tìm thấy vàng, cùng cười:
“Thằng sư kia ngu thật,
Tin vàng ăn thịt người!”

Một người nói với bạn:
“Giờ đang còn ban ngày.
Đưa vàng về nguy hiểm.
Hay ta làm thế này:

Cứ để tôi ở lại
Trông hũ vàng, còn anh
Về nhà lấy cơm nước.
Tối mang về thật nhanh”.

Khi một người đi khỏi,
Người kia nghĩ: “Tiếc thay,
Giá mình được hưởng cả
Số vàng này thì hay”.

Và rồi tối hôm ấy
Anh ta giết người kia
Khi mang thức ăn tới,
Trong lòng rất hả hê.

Xong, một mình đánh chén,
Ôm hũ vàng mộng mơ,
Và rồi chết đau đớn.
Đơn giản vì không ngờ

Rằng người kia, cũng vậy,
Cũng muốn chiếm một mình,
Nên âm mưu đầu độc,
Quên hết cả nghĩa tình.

*
“Vàng ăn thịt người đấy!” -
Sư thầy nói không sai.
Mà ăn thịt một lúc,
Thật đáng tiếc, cả hai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét