Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Cổ Thi Tác Dịch



Thơ Chữ Hán Việt Nam 
LÝ CÔNG UẨN

Tức Lý Thái Tổ, vị vua khởi đầu nhà Lý, sinh năm 971, mất 1028, người châu Cổ Pháp. Không có nhiều tài liệu về xuất thân của ông, chỉ biết mẹ họ Phạm và năm lên ba ông là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn, nổi tiếng thông minh, nhân ái và có chí lớn lập nghiệp. Khi lên ngôi ông đặc biêt hâm mộ đạo Phật, chú trọng việc đúc tượng, xây chùa. Thời tiền Lê ông làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất, ông lên làm vua và quyết định dời đô ra thành Đại La (năm 1009) với bài chiếu dời đô nổi tiếng.


1. Tức cảnh 1)

Trời làm chăn gối, đất làm nhà.
Mặt trăng bên cửa thức nhìn ta.
Đêm ngủ, mỏi chân không dám duỗi -
Sợ quên đạp đổ cả sơn hà.

1. Sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề kể lúc nhỏ Lý Công Uẩn hay nghịch, một hôm bị thầy phạt, bắt nằm dưới đất. Đêm khuya muỗi không ngủ được, cậu liền tức cảnh làm bài thơ này. Một số học giả cho rằng đây là một bài thơ của Trung Quốc, có trong tập Anh Liệt truyện. Đầu đề do chúng tôi tạm đặt.


2. Khen thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Cụ mới đến đất Việt.
Nổi tiếng rất giỏi thiền.
Cửa Phật sớm mở rộng.
Lòng người chóng bình yên.
Lăng Già trăng sáng tỏa.
Bát Nhã ngát hương sen.
Mong sớm được gặp cụ
Cùng nhau bàn lẽ huyền.



ĐỖ PHÁP THUẬN

Sinh năm 915, mất 990, không rõ tên thật và quê quán, là nhà thơ thế hệ thứ 10 dòng thiền Nam Phương, có kiến thức uyên bác, giỏi thơ văn, tích cực tham gia phò nhà Tiền Lê, được vua Lê Đại Hành phong làm Pháp sư.


3. Trả lời nhà vua 1) hỏi về ngôi nước

Ngôi nước như rồng cuốn.
Vua vô vi 2) anh minh.
Đất nước hết loạn lạc,
Nơi nơi hưởng thái bình.

 (1) Tức vua Lê Đại Hành.
(2) Thuật ngữ trong sách Lão Tử, chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào khuôn phép đạo đức ­ước lệ.



NGÔ CHÂN LƯU

Tức Khuông Việt, sinh năm 933, mất 1011, người Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa, lúc nhỏ học đạo, lớn lên đi tu. Do nổi tiếng tinh thông Thiền học nên được Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu là Khuông Việt đại sư.


4. Lý do có lửa

Trong gỗ luôn có lửa.
Vẫn thế bao đời nay.
Nếu gỗ không có lửa,
Sao cháy được thế này?



LÂM KHU

Pháp danh là Huệ Sinh, năm sinh không rõ, mất 1063, người làng Đông Phù Liệt, huyện Long Đàm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, 19 tuổi đi tu. Ông từng trụ trì nhiều nơi, được vua Lý Thái Tông yêu mến, phong đến chức Tả nhai đô tăng thống.


5. Trả lời Lý Thái Tông khi được hỏi về tâm nguyện
Bài một

Vạn vật không mà có,
Có mà lại như không.
Khi hiểu được điều đó,
Người và Phật tương đồng.


6. Trả lời Lý Thái Tông khi được hỏi về tâm nguyện
Bài hai

Lặng lẽ như trăng sáng.
Hư ảo giống con thuyền.
Hiểu được không và có,
Suốt đời sống bình yên.



ĐÀM NGÔ ẤN
                       
Sinh năm 1020, mất 1088, tên thật là Khí, người xã Kim Bài, thôn Tư Lý, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Lúc bé ông theo học đạo Nho, lớn lên đi tu, trụ trì chùa Long Sơn, mất năm Quảng Hựu triều vua Lý Nhân Tông.


7. Dặn dò trước khi mất

Khó mà chạm được đạo hư không.
Lấy tâm, công đức ngộ trong lòng.
Ngọc thiêu trên núi còn nguyên vẹn.
Sen nở trong lô vẫn đỏ hồng.



VẠN HẠNH

Không rõ năm sinh, mất 1018, họ Nguyễn, không lưu lại tên, Vạn Hạnh là pháp danh, người làng Cổ Pháp, nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là thiền sư lớn có công phát triển đạo Phật ở Việt Nam, xuất gia từ lúc 12 tuổi, từng giúp Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ trong bang giao chính sự.


8. Dạy bảo học trò

Đời như nháy mắt, có mà không.
Hết xuân rồi lại đến mùa đông.
Đừng quan tâm lắm đời suy, thịnh,
Vì đời bèo bọt, khói trên sông.



LÝ TRƯỜNG

Nhà sư, pháp danh là Mãn Giác, sinh năm 1052, mất 1096, người đất Lũng Triền, hương Cách An, nổi tiếng ham học, thông hiểu cả Nho lẫn Phật, nên được vua Lý Nhân Tông yêu mến và cho vào hầu cận trong cung. Sau ông đi tu, trở thành một nhân vật nổi tiếng trong thế hệ thứ tám dòng thiền Quang Bích.

9. Nói với mọi người lúc đang ốm 1)

Xuân đến, trăm hoa nở.
Xuân đi, trăm hoa tàn.
Tuổi già làm tóc bạc.
Đời trôi theo thời gian.
Đừng buồn hoa xuân rụng:
Mai nở ngoài lan can.

1. Đầu đề này do Lê Quí Đôn thêm.



LÝ THƯỜNG KIỆT

Sinh năm 1019, mất 1105, anh hùng dân tộc, tên thật là Ngô Tuấn, Thường Kiệt là tên tự, sau được ban quốc tính họ Lý, thành Lý Thường Kiệt; quê ở Thăng Long; có tài thao lược, giỏi văn thơ; có công lớn trong việc xây dựng đất nước, đánh Tống, bình Chiêm.

10. Núi sông nước Nam

Vua Nam cai trị nước Nam này.
Sách trời ghi rõ thế xưa nay.
Cớ sao ngoại giặc liều xâm phạm?
Ta quyết không dung lũ chúng mày!



LÝ NGỌC KIỀU

Sinh năm 1041, mất 1113, người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, là con gái đầu của Phụng Càn vương, được vua Lý Thánh Tông nuôi dạy trong cung. Cuối đời đi tu, pháp danh là Ni sư Diệu nhân. Bà và Ỷ Lan phu nhân là hai nữ sĩ nổi tiếng đời Lý. Ngoài bài thơ này còn lưu được một bài kệ nói về bốn nỗi khổ của kiếp người.


11. Sinh lão bệnh tử 1)

Sinh lão và bệnh tử,
Vốn là điều tự nhiên.
Càng muốn thoát cho khỏi,
Càng bị trói chặt thêm.
Ngu muội mới cầu Phật,
Dại dột mới mong Thiền.
Chẳng cần Thiền, cần Phật,
Hãy tĩnh tâm ngồi yên.

1. Theo quan niệm của nhà Phật, là bốn nỗi khổ trong đời ngư­ời.



VẠN TRÌ BÁT

Sinh 1049, mất 1117, không rõ tên thật là gì, người ở đất Lụy Châu nay thuộc vùng Bắc Ninh. Đi tu từ lúc 20 tuổi. Cuối đời ông trụ trì ở chùa Tổ Phong, núi Thạch Thất và mở trường dạy học ở đấy.


12. Có sinh ắt có tử

Có sinh, ắt có tử.
Có tử là có sinh.
Sống chết trời định sẵn,
Sướng khổ đều do mình.
Sự đời luôn thay đổi,
Buồn vui - bóng với hình.
Ai không lo sống chết,
Mới là người thông minh.



DƯƠNG KHÔNG LỘ

Không rõ năm sinh, chỉ biết mất 1119, người hương Hải Thanh, nay thuộc tỉnh Hà Nam, tổ tiên vốn làm nghề chài lưới, sau ông bỏ đi tu. Ông chuyên nghiên cứu về Thiền Tông và Mật Tông, thường cùng Thiền sư Giác Hải du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh.


13. Cái nhàn của dân chài

Sông xanh muôn dặm, trời muôn dặm.
Một xóm dâu gai, một xóm mây.
Ông chài ngủ quên, trưa tỉnh dậy,
Tuyết phủ trên ghe một lớp dày.


14. Nói chí mình

Dựng nhà nơi đất nhiều long mạch.
Thôn dã suốt ngày cứ nghỉ ngơi.
Khi hứng, tự mình lên đỉnh núi,
Kêu lên một tiếng, lạnh đất trời.



LÝ CÀN ĐỨC

Tức Lý Nhân Tông, sinh năm 1066, mất 1128, là con trưởng của Lý Thánh Tông và Ỷ Lan Phu nhân, lên ngôi năm 7 tuổi, làm vua 56 năm, được xem là ông vua nhân ái và có tài.


15. Khen sư Vạn Hạnh

Vạn Hạnh giỏi ba đạo.
Lời nói hợp sấm thi.
Quê ở làng Cổ Pháp 1).
Một gậy giữ kinh kỳ.

1). Tên một làng xưa ở Từ Sơn, gần Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay.


16. Khen thiền sư Giác Hải và đạo nhân Thông Huyền

Giác Hải lòng như biển.
Thông Huyền đạo rất huyền.
Thần thông và biến hóa,
Một Phật, một thần tiên.



HOÀNG VIÊN HỌC

Sinh năm 1072, mất 1136, người đất Như Nguyệt, có lẽ nay là Bắc Giang, tu ở chùa Đại An, thuộc huyện Tế Giang xưa, có nhiều học trò theo học.


17. Nghe tiếng chuông

Lục thức 1) làm ta vướng sự đời.
Cái dốt không cho thấy mặt trời.
Chuông chùa duy nhất làm ta tỉnh,
Xua cái vô minh 2), cả cái lười.

1. Thuật ngữ đạo Phật, chỉ về sáu cảm giác, là thấy ở mắt, nghe ở tai, ngửi ở mũi, nếm ở lu­ỡi, cảm giác của thân thể về hiểu biết của ý thức.
2. Thuật ngữ đạo Phật, chỉ cái tâm mờ tối.




ĐOÀN VĂN KHÂM

Không rõ năm sinh, năm mất và thân thế sự nghiệp, chỉ biết làm tới chức Thượng thư bộ Công dưới triều Lý Nhân Tông (1072-1128).


18. Tặng thiền sư Quảng Trí

Chống gậy lên cao, rũ bụi trần,
Để ngắm mây trời, ngắm sắc xuân.
Rất muốn mà không theo được Phật,
Vì áo quan trường trót vướng chân.


19. Viếng thiền sư  Quảng Trí

Xa lánh kinh thành, sống thảnh thơi.
Một mình trên núi với hoa tươi.
Những muốn theo hầu mà chưa kịp,
Nay nghe sư cụ đã qua đời.
Mộ vắng không hoa, không chữ khắc.
Sân chùa buồn bã lá vàng rơi.
Đến chùa, âu cũng nguôi thương xót,
Khi thấy non sông gợi nhớ người.


20. Viếng thiền sư Chân Không

Nổi danh ngoài nội lẫn trong triều.
Người đến tầm sư học đạo nhiều.
Chợt gẫy nhà nhân 1) cây trí tuệ,
Rừng thiền bỗng chốc cột thông xiêu.
Sông núi như in hình chủ cũ.
Mộ bên tháp mới, cỏ tiêu điều.
Cửa chùa vắng vẻ, không ai gõ.
Khách nghe buồn bã tiếng chuông chiều.

1. Cũng giống như­ rừng thiền, chỉ giới tăng sư­ đạo tử. Vì Phật từ bi nhân ái nên tác giả dùng hình tượng nhà nhân.


LÊ THƯỚC

Không rõ năm sinh, năm mất, người châu Phong, cả nhà ông đều làm quan to dưới triều nhà Lý. Ông theo học sư Giới Không rồi cắt tóc đi tu ở núi Từ Sơn trong sáu năm và trở thành người đứng đầu thế hệ thứ mười sáu dòng thiền Nam Phương. Nhiều lần được mời ra làm quan nhưng ông đều từ chối.


21. Thưa với thái úy Tô Hiến Thành
và thái bảo Ngô Hoàng Nghĩa

Ấp ủ từ lâu thoát cõi đời,
Nghe lời huyền diệu, đã theo lời.
Lánh xa ham muốn, xua tà ác,
Niệm Phật, tụng kinh, sống cõi trời.


22. Lặng lẽ, hồn nhiên
            (Lược dịch)

Lo tu thân, tích đức.
Sống lặng lẽ, hồn nhiên.
Hư vô như cái bóng,
Không để lại vết đen.
Nói, chỉ lời tốt đẹp.
Làm, chuyên làm việc thiền.



KIỀU BẢN TĨNH

Sinh năm 1100, mất 1176, người hương Phú Điền, quận Vĩnh Khang, từng theo học với nhà sư Mãn Giác ở chùa Giáo Nguyện, tinh thông cả Nho lẫn Phật. Năm 1141 ông tu ở Chí Linh, sau đến chùa Càn An trong thành Thăng Long. Cùng với Bảo Giám và Không Lộ, ông làm thành thế hệ thứ chín dòng Thiền Quang.


23. Soi gương

Chỉ là cái bóng, tấm thân này,
Như bóng trong gương cầm trên tay.
Là bóng nghĩa là không có thực.
Thân để lộ mình mà chẳng hay.



KIỀU TRI HUYỀN

Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết sống cùng thời và là bạn của Từ Đạo Hạnh. Bản thân ông cũng là một thiền sư.


24. Trả lời Từ Đạo Hạnh khi được hỏi về chân tâm

Cái thiền, cái đẹp, cả lời ca,
Đều từ tay mắt Phật mà ra.
Cả vũ trụ này đâu cũng Phật.
Sao lầm, cứ tưởng Phật đâu xa?



TỪ LỘ

Tức Từ Đạo Hạnh, không rõ nơi sinh, năm sinh, mất 1117. Ông là nhà sư thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích, châu Quốc Oai, nay là huyện Quốc Oai, Hà Tây.


25. Có và không

Có, từ hạt bụi nhỏ.
Không, cái gì cũng không.
Như hình trăng dưới nước,
Có, mà thực tình không.


26. Lời nhắn nhủ học trò trước khi chết

Thu về không báo nhạn cùng bay.
Cớ sao quyến luyến cõi đời này?
Môn đệ đừng buồn ta sắp mất:
Thầy xưa chết để hóa thầy nay.



KIỀU PHÙ

Tức Bảo Giám, không rõ năm sinh, mất 1173, người huyện Trung Thụy, đời Lý Anh Tông, làm quan đến chức Hậu xá nhân, năm 30 tuổi từ quan, đến tu ở chùa Bảo Phúc, nay thuộc tỉnh Hòa Bình, sau ông trụ trì chùa này.


27. Cảm hoài
Bài một

Mấy ai thành Phật nhờ đi tu,
Khi trí thông minh bị hãm tù.
Phải thấy huyền vi trong ngọc sáng,
Như thấy vầng dương giữa khói mù.


28. Cảm hoài
Bài hai

Trí tuệ như trăng, sáng giữa trời,
Bao trùm thiên hạ, chiếu muôn nơi.
Muốn tìm được nó, đừng phân biệt
Cả rừng phong hoặc lá phong rơi.



ÂU ĐẠO HỤÊ

Không rõ năm sinh, mất 1173, người Chân Hộ, đất Như Nguyệt, là nhà sư có tiếng đời Lý. Năm 15 tuổi theo học thiền sư Ngô Pháp Hoa ở chùa Phổ Ninh, sau đến trụ trì tại chùa Quang Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 9 dòng thiền Quan Bích, có lúc có hơn mười nghìn học trò.


29. Sắc thân và diệu thể 1)

Đất, nước, lửa, gió, thức
Vốn dĩ đều là không.
Khác mây tan và hợp,
Lòng Phật sáng vô song.

1. C¸i th©n cã s¾c t­ướng vµ c¸i thÓ cã vi diÖu.



KHUYẾT DANH


30. Ngẫm sự  đời

Gió lùa, trăng lạnh, nước mênh mông,
Áo ấm đêm khuya vẫn buốt lòng.
Thời gian thấm thoắt trôi, già lão,
Mà việc không thành, ai biết không?



HỨA ĐẠI XÃ

Sinh năm 1119, mất 1180,  quê ở Thăng Long, lúc nhỏ theo học thiền sư Đạo Huệ, được vua Lý Anh Tông rất tin dùng.


31. Ngựa đá 1)

Ngựa đá răng thật dữ,
Lại hý suốt đêm ngày.
Đường lắm người qua lại,
Người cưỡi vẫn ngồi ngay.

1. Chỉ ngựa đá Thanh Gióng. Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên viết về tượng Thánh Gióng, nay không còn nữa.



ĐỔ TỬ VI

Không rõ năm sinh, năm mất, hiệu Tồn Trai, làm quan đến chưc Trung thư lệnh

32. Qua gò Việt Tĩnh

Đang thu, Việt Tĩnh cỏ lưa thưa.
Cảnh buồn gợi nhớ chuyện ngày xưa.
Ai tìm cây ngải ba năm tuổi,
Chữa giúp cho ta bệnh sống thừa?



TÔ MINH TRÍ

Không rõ năm sinh, mất năm 1196, người đất Phù Cầm, là nhà sư thuộc thế hệ thứ mười dòng thiền Quan Bích, trụ trì ở chùa Phúc Thành, sau theo học thượng sĩ Đạo Huệ. Do tinh thông Viên Giác, Nhân Vương và Pháp Hoa nên được Đạo Huệ cho đổi giáp hiệu thành Minh Trí.


33. Đừng uổng công tìm kiếm

Gió trên trời, trăng dưới nước,
Không có bóng, không có hình.
Sắc thân ta cũng giống vậy,
Đừng tìm kiếm, uổng sức mình.



NGUYỄN QUẢNG NGHIÊM

Sinh năm 1121, mất 1190, người đất Đan Phượng, là nhà sư thuộc thế hệ thứ 11 dòng thiền Quan Bích, trụ trì các chùa Phúc Thánh và Tịnh Quả.


34. Đừng theo bước Như Lai

Chỉ người thoát tục, sống vô vi,
Mới bàn sống chết, chuyện từ bi.
Thời trẻ không nên theo đức Phật,
Làm trai phải có chí nam nhi.



PHẠM THƯỜNG CHIẾU

Năm sinh không rõ, mất năm 1203, người hương Phù Ninh, đời Lý Cao Tông làm tới chức lệnh đô tào ở cung Quảng Từ, sau bỏ quan đi tu, theo học thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, rồi trụ trì chùa Lục Tổ, lập thành thế hệ thứ mười hai dòng thiền Quan Bích.


35. Tâm

Thân tồn tại giữa đời.
Tâm là tim Đức Phật,
Luôn chiếu sáng khắp nơi,
Nhưng tìm thì khó nhất.


36. Đạo

Đạo vốn không màu sắc,
Nhưng hiện diện khắp nơi.
Không đâu không có đạo,
Cả ba nghìn cõi trời.



CHU HẢI NGUNG

Pháp danh là Tịnh Giới, năm sinh không rõ, mất năm 1207, người Giang Mão, xuất thân nghèo khổ. Lúc nhỏ học Nho, năm hai mươi sáu tuổi đi tu ở chùa Quốc Thanh. Theo truyền thuyết ông là người giỏi cầu mưa gọi nắng, từng nhiều lần giúp nhà Lý cứu hạn rất hiệu nghiệm nên được triều đình trọng vọng và vua Lý Cao Tông nhiều lần mời vào cung bàn về đạo Phật.


37. Ít tri âm
Bài một

Ngày nay bàn đạo ít tri âm,
Bởi đạo bây giờ đã mất tâm.
Cũng giống Bá Nha không đàn nữa,
Vì người nghe nhạc điếc và câm.


38. Ít tri âm
Bài hai

Trăng sáng, mùa thu, lòng chợt hứng,
Thi nhân cao giọng, cứ ca ngâm.
Làng Thiền lắm kẻ ngô nghê thật -
Sao dùng ngôn ngữ để truyền tâm?      
                         


NGUYỄN Y SƠN

Sinh năm 1121, mất 1213, người hương Cẩm, châu Nghệ An, là học trò của sư Viên Thông ở Kinh Đô. Ông tu ở chùa Đại Từ, lập thành thế hệ thứ mười chín dòng thiền Nam Phương.


39. Giác ngộ

Khi Như Lai giác ngộ,
Mọi vật đều như nhau.
Mọi cái cong thành thẳng.
Mắt trẻ thơ nhiệm màu.


40. Biến hóa và chuyển vận

Chân thân 1) thành hiện tượng.
Hiện tượng là chân thân.
Như trăng làm quế đỏ,
Quế là trăng một phần.

1. Chân thân là thân thể thực. Theo quan niệm của nhà Phật, đó là cái thân trường cửu, bất sinh bất diệt, tức là bản thể. Còn thân thể người ta và vạn vật chỉ là giả thân, tức là hiện tượng.



MÃN GIÁC


41. Cáo ốm, dặn dò các đệ tử

Hết xuân, hoa sẽ rụng.
Xuân sau lại đầy hoa.
Sự đời cứ luân chuyển.
Đầu bạc theo tuổi già.
Đừng nghĩ hết xuân hoa sẽ hết.
Nhìn kia, mai nở trước sân nhà.



LÊ THUẦN

Pháp danh là Hiện Quang, năm sinh không rõ, mất năm 1221, người thành Thăng Long, đi tu ở chùa Yên Tử, châu Đông Triều, năm mười một tuổi đã là đồ đệ của thiền sư Thường Chiếu. Lớn lên, ông theo học các thiền sư Trí Thông và Pháp Giới, về sau nổi tiếng trong thế hệ thứ mười bốn dòng thiền Quan Bích. Vua Lý Huệ Tông từng cho người đưa lễ vật mời nhiều lần nhưng ông tìm cách từ chối.


42. Trả lời một tăng đồ

Đời người sống được mấy?
Hãy bắt chước Hứa Do 1),
Sống vô vi, phóng khoáng,
Tự tại và tự do.

1. Một ẩn sĩ đời vua Nghiêu Vua đem thiên hạ nhường cho nhưng ông không nhận.




TRẦN CẢNH

Tức Trần Thái Tông, sinh năm 1218, mất 1277, con thứ của Trần Thừa; là ông vua đầu tiên của nhà Trần, có công trong việc ổn định và đưa xã hội Việt Nam bước dần vào giai đoạn thịnh vượng; trực tiếp lãnh đạo và chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Ông đặt nền móng cho chế độ thi cử và mở mang việc học ở Việt Nam.


43. Kệ dâng hương

Chiên đàn 1) vun xới nơi vườn Tuệ, 2)
Hương thơm trầm thủy chốn rừng Thiền.
Dao từ bi vót hình cây nhọn,
Đốt lò hương nhỏ, kính dâng lên.

1. Tªn mét lo¹i gç th¬m.
2. V­uên trÝ thøc.


44. Kệ dâng hoa

Đất Tâm rộng mở, cõi nhân gian,
Muôn màu hoa nở, nước bình an.
Xin dâng lên Phật hoa trăm đóa,
Gió ác nghìn thu chẳng héo tàn.


45. Chí tâm khuyến thỉnh

Kính lạy mười phương, tam thế Phật 1)
Cầu xin Bồ Tát, bậc ân hiền,
Mở lòng từ bi như trời biển,
Đưa mọi chúng sinh sang cõi thiền.

1. Mười phương Đại Giác, tức Đức Phật. Tam thế Hùng sư, cũng là Phật tổ với tam thế là quá khứ, hiện tại và tương lai.


46. Chí tâm tùy hỉ 1)

Ta nay theo Phật, lòng hoan hỉ,
Thành kính cầu kinh chữa lỗi lầm.
Mong sớm được lên thang thập địa 2)
Một lòng tu luyện, giữ chân tâm.

1. Tùy hỉ, thuật ngữ đạo Phật, chỉ việc thấy người làm việc thiện thì theo đó mà làm. Cũng có nghĩa đi vãn cảnh chùa, tùy khả năng mình mà làm việc thiện.
1. Thuật ngữ đạo Phật, là nơi có thể sinh ra công đức, và vì có mười bậc nên gọi thập địa.


47. Chí tâm hồi hướng

Chúng con tâm nguyện theo chư Phật,
Rập đầu cầu khẩn đức cao xanh,
Mong được nay mai thành chính giác 1)
Nhờ ơn mưa móc Phật lòng lành.

1. Thuật ngữ nhà Phật, có nghĩa là giác ngộ, hiểu biết tất cả.


48. Văn răn ham sắc

Da phấn, tóc thơm với má đào,
Khi nhìn, ai cũng thấy nao nao.
Thực chất chỉ toàn xương với thịt,
Giết người đau đớn chẳng cần dao.


49. Văn răn nói càn

Khoa môi, múa mép, giả ân cần,
Cúi đầu xu nịnh để xin ăn.
Mang tiếng tiểu nhân, đời giễu cợt,
Cuối cùng cũng chuốc vạ vào thân.


50. Văn răn kẻ uống rượu

Chẳng qua bã gạo ủ lên men,
Mà biến người ngay thành kẻ hèn.
Nhà tan, nước mất đều do rượu,
Phá cả tôn nghiêm chốn cửa thiền.


51. Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong

Gió thổi, trăng khuya rụng trước thềm.
Cảnh vật, lòng người đều tĩnh êm.
Bao nhiêu cái thú không ai biết,
Cứ để sư nằm, vui suốt đêm.


52. Đường tới kinh đô 1)

Dọc đường cột ngựa giữa rừng cây.
Đường tới kinh đô qua lối này.
Đêm vắng, người thưa, trăng chiếu lạnh,
Hắt những hình tròn sáng, lung lay.

1. Trích "Phổ tuyết tứ sơn". Đầu đề do chúng tôi thêm


53. Kệ khuyên răn lúc hoàng hôn

Hoàng hôn, mặt trời lặn
Sau dãy núi xa xa.
Thời gian trôi, khó giữ.
Người trẻ rồi cũng già.
Ai cưỡng được cái chết
Không cho đến tìm ta?
Vậy hãy lo tâm niệm,
Để xa lánh ma tà.


54. Kệ khuyên răn lúc giờ Dần 1)

Vầng đông bắt đầu rạng,
Mặt đất đang sáng dần.
Muôn màu khoe sặc sỡ,
Khiến xúc động lòng trần.
Hãy ngẩng đầu đang cúi,
Chớ tham chiều xác thân.
Chăm chỉ sáu khóa niệm 1)
May được hợp cơ chân.

1. Tức từ 3 đến 5 giờ sáng.
2. Tụng kinh lễ Phật qui định sáu thì trong một ngày đêm.


55. Kệ về lẽ vô thường 1)
         Bài một

Sáng dậy, mặt trời mọc phía đông.
Lát sau đã thấy đứng trên không.
Mà người như thể đang mê ngủ,
Chẳng hay vạn vật vẫn xoay vòng.
Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở.
Sự đời suy thịnh, có mà không.
Sao chẳng tĩnh tâm ngồi suy nghĩ,
Tự mình gây khổ, cứ long đong?

1. Thuật ngữ đạo Phật, cho rằng vạn vật trong thế giới luôn vận động theo chu trình sinh ra, lớn lên và huỷ diệt.


56. Kệ về lẽ vô thường
          Bài hai

Nắng tắt, hết ngày lại đến đêm.
Đã tối, đường đời càng tối thêm.
Nhà mình đèn có mà không thắp,
Lại nhờ ánh sáng của nhà bên.
Sau núi mặt trời chưa kịp lặn.
Bên hồ trăng sáng đã nhô lên.
Sống chết luân hoàn, đời đã vậy,
Sao không niệm Phật, sớm quy thiền?


57. Kệ về lẽ vô thường
          Bài ba

Trống canh giục khách tỉnh giấc nồng.
Chuông Phật nhắc người luyện đức công,
Mà người vẫn ngủ, quay về Bắc,
Mặc kệ mặt trời mọc phía Đông.
Dằng dặc đêm dài rồi cũng hết.
Đêm đời tăm tối, dốt thì không.
Nếu không nhanh chóng lo hành đạo,
Ngày nào mới gặp được Hoàng Công? 1)

(1) Tøc Hoµng DiÖn C«ng, «ng mÆt vµng, nguyªn ®Ó chØ L·o Tö, như­ng ë ®©y ý nãi ®øc PhËt tæ.


58. Kệ vô thường lúc bảy giờ 1)

Mặt trời hồng gác núi.
Đừng luyến tiếc nắng tà.
Mặt trời mọc rồi lặn.
Ta trẻ rồi ta già.
Tấm thân chìm lại nổi,
Khôn dại có sao mà.
Ai tránh khỏi hạn lớn? 2)
Đừng tìm cách lánh xa.
Hãy tu hành chính đạo,
Không lạc vào rừng tà.

1. Bài này khi dịch có lược bỏ hai câu.
2. Tức cái chết.


59. Kệ về tám nỗi khổ 1)

Lúc sinh yếu ớt, nhiều lo lắng.
Già bảy tám mươi: khổ điếc, lòa.
Không may có bệnh, thân đau đớn.
Chết xuống ba đường 2), dễ ác tà.
Khổ vì oán ghét mà chung sống.
Khổ cả khi yêu mà cách xa.
Cầu xin không được, càng thêm khổ.
Ngũ uẩn tranh giành, nghĩ xót xa.

1. Tám nỗi khổ theo đạo Phật là: Sinh khổ (nỗi khổ vì sinh ra), lão khổ (già cả ốm yểu, mắt mờ tai điếc), bệnh khổ (do đau yếu, bệnh tật), tử khổ (sắp chết phải đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần), tăng hiềm hội khổ (thù ghét nhau mà vẫn phải gần gũi, chung sống), ái biệt ly khổ (yêu thương mà phải xa cách, lo lắng), cầu bất đắc khổ (mong muốn, ước ao mà chẳng được toại nguyện) và cuối cùng là xí thịnh khổ, hay còn gọi là ngũ uẩn (con người được hợp thành từ ngũ uẩn là sắc, thụ, tưởng, hành, thức, một trong năm thứ ấy hoặc cả năm mà “bốc cháy” lên thì sẽ gây khổ. Hay nói cách khác, xí thịnh khổ là ham muốn mãnh liệt nhưng không đạt được.
2. Ba đường là tam đồ, tức hỏa đồ (đường địa ngục thiêu đốt), huyết đồ (đường súc sinh, luôn cắn xé nhau), và đao đồ (đường quỉ đói, luôn bị đao kiếm đe dọa).


60. Kệ về lẽ vô thường

Sáo trời 1) không còn thổi.
Trống đã điểm cánh ba.
Tử qui kêu da diết,
Còn mộng bướm bay ra. 2)
Phải trông trăng để dậy,
Đừng quyến luyến cùng hoa.
Giấc ngủ thừa, đừng tiếc
Nơi nghìn dặm xa nhà.
Không biết thân hư ảo,
Để năm tháng trôi qua.

1. Những âm thanh tự nhiên như tiếng gió thổi vào hang, tiếng reo của cây lá…
2. Điển tích theo sách Trang Tử: Trang Chu năm mơ thấy mình hóa thành bướm, hay bướm hóa thành Trang Chu, ngụ về sự hư ảo của cuộc đời.


61. Tiễn sứ bắc Trương Hiển Khanh

Thẹn không ngọc tặng lúc chia tay.
Bùi ngùi sông núi giữa chiều mây.
Trước ngựa, gió thu ve vuốt kiếm.
Thư phòng trăng dọi, trướng lung lay.
Người Nam khó giữ chim phương Bắc.
Đất lành lưu luyến cánh chim bay.
Chưa biết bao giờ mong gặp lại,
Nhân khi tiễn biệt, tặng thơ này.


62. Kiếp người 1)

Kiếp người - bọt sóng biển mênh mông.
Sống chết tại thiên, chớ bận lòng.
Nắng đẹp bình minh, chiều xạm tối.
Mùa xuân lá mọc, héo mùa đông.
Lã Vọng, Phan Lang đều chết cả.
Thiên nhiên vạn vật cứ xoay vòng.
Kiếp đời đã vậy, đừng than vãn.
Về tây nắng ngả, nước về đông.

1. Đây là bài kệ trích trong "Phật tuyết tứ Sơn " Đầu đề do chúng tôi tạm đặt.


63. Về bệnh tật 1)

Âm dương, công tội cứ xoay vần.
Bể đời vì thế lắm gian truân.
Nhưng đã có thân thì có bệnh.
Bằng không có bệnh, ắt không thân.
Thuốc quý trường sinh không thể có.
Chẳng gì níu giữ tuổi thanh xuân.
Cái chính - tu  thân, xa quỷ dữ,
Hàng ngày tâm niệm, hướng thiên chân.2)

1. Một bài kệ khác trích trong "Phổ tuyết tứ sơn"
2. Vốn chữ của Đạo Lão. Theo quan niệm nhà Phật, tất cả chúng sinh đều có đủ tính toàn thiện, toàn mỹ, có điều cần phải luôn trau dồi và hư­ớng tới.


64. Đêm mưa bão 1)

Bỗng trời nổi gió, bụi tung bay.
Ông chài say tít, mặc thuyền xoay.
Một dãy núi đồi vang tiếng sấm.
Chân trời bốn phía mịt mù mây.
Sầm sập mưa rơi như thác đổ.
Thi nhau ánh chớp xé đêm dày.
Bất chợt bão tan, trời lại tạnh.
Trăng sáng ngoài thềm - canh mấy đây?

1. Trích "Phổ tuyết tứ sơn".



PHẠM TÔNG MẠI

Năm sinh, năm mất chưa rõ, hiệu Kính Khê, người làng Kinh Chủ, huyện Giáp Sơn (Hải Dương). Ông nguyên họ Phạm, được vua Trần Nhân Tông đổi cho thành họ Phạm. Ông từng đi sứ nhà Nguyên, sau về được bổ làm Ngự sử trung tán.


65. Nhân lúc nhàn, đề thơ trên tranh thủy mạc

Cây đỏ bên khe nước xiết.
Núi xanh giữa bóng chiều tà.
Muốn lên thuyền về, chưa quyết
Ra giúp đời hay ở nhà.


66. Thơ đề nơi ở của ẩn giả

Nổi tiếng, người nào cũng biết ông.
Gậy lê khua vỡ lớp rêu phong.
Không ham danh lợi như người khác,
Đủ ăn mấy mẫu ruộng ngoài đồng.
Bắt chước Đào Tiềm về ở ẩn.
Noi gương Đỗ Phủ, hát vang sông.
Phong cảnh trước nhà trông thật đẹp,
Chim lượn, chiều chiều ngước mắt trông



TRẦN PHÙ

Tức Trần Nghệ Tông, sinh năm 1322, mất 1395, tên húy là Trần Phủ, con thứ ba của vua Trần Minh Tông, buổi đầu làm chức Hữu Tướng quốc, có công dẹp giặc Dương Nhật Lễ cướp ngôi nhà Trần. Về sau lên ngôi trị vì ba năm rồi làm Thái Thượng Hoàng 27 năm, thọ 74 tuổi, mai táng ở Nguyên Lăng.


67. Lánh nạn ở trấn Gia Hưng 1),
gửi em là Cung Tuyên Vương

Ngôi cao, rèm nặng, lắm lo âu.
Lên đường lánh nạn chốn rừng sâu.
Bảy lăng ngoái lại nhìn, sa lệ.
Muôn dặm trèo non bạc trắng đầu.
Khôi phục nhà Đường, trừ họ Võ 2),
Nối ngôi nhà Hán các Lưu hầu 3).
Sự nghiệp Minh Tông em hãy nhớ.
Lấy lại kinh thành, hẹn gặp nhau.

1.Bài thơ này làm khi ông tránh loạn Dương Nhật Lễ ở trấn Gia Hưng, nay thuộc tỉnh Sơn La. Sau dẹp được loạn, ông trở về kinh lên ngôi vua. Cung Tuyên Vương tên là Kính, sau lên ngôi vua thành Trần Duệ Tông.
2. Võ Hậu là vợ Cao Tông nhà Đường. Cao Tông mất, con là Trung Tông lên ngôi. được mấy tháng bà phế con, tự mình làm vua, dùng anh em họ Võ và bè phái gian nịnh giữ quyền chính. Về sau Trương Giản Chi mưu trừ được nạn họ Võ, lại phù Trung Tông lên làm vua.
3. Vương Mãng làm tướng nhà Hán, sau giết vua Hán tự xưng làm vua. Lưu Tú, tức vua Hán Quang Võ, khởi lên dẹp loạn Vương Mãng, khôi phục lại cơ nghiệp họ Lưu (tức nhà Hán).


68. Tiễn sứ phương Bắc Ngưu Lượng 1)

Lão tướng An Nam thơ chẳng hay.
Bình trà đãi khách lúc chia tay.
Sông Lô, núi Tản, kia xanh biếc
Cùng tiễn khách về theo gió mây.

(1) Sứ nhà Minh đ­ược cử đến Việt Nam năm 1369. Lúc này Nghệ Tông giữ chức tể t­ướng, nên mới tự xưng là lão t­ướng.


69. Ngắm nhìn am Liễu Nhiên ở Đông Sơn 1)

Buộc tạm con thuyền bên gốc thông.
Ngôi chùa yên tĩnh gối bờ sông.
Hãy gắng leo lên nhìn cảnh cũ.
Ai biết sau này còn sức không.

(1) Có thể là Đông Sơn, Thanh Hóa ngày nay.


70.
Đề nhà thờ quan tư đồ Trần Nguyên Đán 1)

Sáng đi, phu kiệu vượt bùn lầy.
Khi tới Côn Sơn đã xế ngày.
Mưa tạnh, suối chiều nghe róc rách.
Ngoài thềm khóm trúc khẽ lung lay.
Tinh Đẩu 2) đàn xưa giờ bỏ trống.
Muối mơ 3) bia đá vẫn còn đây.
Người đã lên tiên, nhà vắng vẻ,
Để chút buồn xưa ở chốn này.

(1) Bài thơ này viết khoảng 1390 - 1395, tức là sau khi Trần Nguyên Đán mất (tháng 12 năm 1390) và tr­ước khi vua Nghệ Tông qua đời (tháng Giêng năm 1395).
(2) Đàn Tinh Đẩu: một cái nền cao do đạo sĩ lập ra để tế sao Bắc Đẩu. Khổng Minh sau khi tế sao Bắc Đẩu để cầu thọ thì mất. Câu này ý nói Trần Nguyên Đán muốn chấn hưng nhà Trần nh­ưng ch­ưa thực hiện đ­ược.
(3) Muối mơ (diêm mai): Duyệt mệnh, Thư­ kinh có câu nói của vua Ân Cao Tông với Phó Duyệt: Điều hòa mùi vị của nồi canh thì dùng nhà ngư­ơi làm muối và mơ. Đời sau dùng chữ "diêm mai" để chỉ các viên đại thần có khả năng giúp vua trị nư­ớc.


71. Đề chùa báo ân ở Siêu Loại 1)

Cầu gỗ qua sông, thoát bụi đời.
Sát chùa, sóng nước vỗ không ngơi.
Gió át tiếng chim, rừng tĩnh lặng.
Khóm trúc dày che ánh mặt trời.
Trên điện Nhị Hương 2), nhà Cam Lộ, 3)
Sau hè lặng lẽ lá vàng rơi.
Giận thay con cháu tham cơm áo,
Không lo tích đức, báo ân Người.

 (1) Thuộc trấn Kinh Bắc, nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
(2-3) Tên th­ường dùng để chỉ điện Phật.


72. Đến trấn Gia Hưng 1), gửi cho em
là Cung Tuyên vương 2)

Bỏ quan vì lắm kẻ gièm chê,
Lách mình lặn lội chốn sơn khê.
Đường xa nghìn dặm, hai đầu bạc.
Bảy lăng 3) ngoái lại, lệ tràn trề.
Diệt Vũ 4), nhà Đường hưng trở lại.
Trừ Lưu 5), cây Hán lại xum xuê.
Sự nghiệp Minh Tông 6), em hãy nhớ.
Khôi phục Thần Kinh 7), hẹn trở về.

1. Vùng đất thuộc tỉnh Hòa Bình ngày nay.
2. Tên thật là Trần Kính, sau lên ngôi là Trần Duệ Tông. Bài thơ này làm vào năm Canh Tuất (1370), khi Trần Phủ mới lên vùng sông Đà, chuẩn bị đánh Nhật Lễ giành lại ngôi cho nhà Trần.
3.Bảy lăng các vua nhà Trần trước đó.
4. Tức Vũ Tắc Thiên, vợ Đường Cao Tông, chiếm ngôi nhà Đường, sau bị Trương Gián Chi đánh bại, giành lại ngôi cho Đường Trung Tông.
5. Chỉ Lưu Bang, tức Hán Cao Tổ, người sáng lập nhà Hán. Sau khi Hán Huệ Đế chết, Lữ Hậu (vợ Hán Cao Tổ) chiếm ngôi vua, phong cho người dòng họ mình nhiều chức quan trọng để củng cố thế lực. Chu Bột và Trần Bình đánh bại họ Lữ, khôi phục cơ nghiệp cho họ Lưu.
6. Vua thứ năm của nhà Trần, và là cha của các vua Hiến Tông, Dụ Tông và Duệ Tông.
7. Chỉ kinh đô, ở đây là cơ nghiệp nhà Trần.



TRẦN TUNG

Tức Tuệ Trung Thượng Sĩ, sinh năm 1230, mất 1291, con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, trực tiếp cầm quân chống giặc Nguyên. Ông tu Phật mà không hề xuất gia, từng theo học thiền sư Tiêu Dao. Ông rất ham mê văn thơ, các sáng tác được tập hợp trong bộ "Thượng Sĩ Ngữ lục”.

73. Cái tâm

Cái tâm không tướng, chẳng hình hài.
Thấy nó mắt thường dễ mấy ai?
Muốn biết cái tâm cho thật rõ,
Từ chiều cứ ngủ đến canh hai.


74. Thơ đề ở chùa

Vừa đến cổng chùa, vội phóng tay
Đơn sơ nguệch ngoạc mấy câu này.
Kể đã khá lâu không cầm bút,
Ba giới Như Lai 1) cũng chẳng hay.

1. Ba giới của Như­ Lai, là dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.


75. Nhắn nhủ mọi người

Thế gian ưa dối, không ưa thật.
Nhưng thật dối gì, đều bụi đất.
Muốn sang tới được bờ bên kia, 1)
Hãy hỏi trẻ con chơi trước mặt.

1. Bê bªn kia (bØ ng¹n), thuËt ng÷ cña ®¹o PhËt, chØ c¸i ®Ých cña ng­ưêi tu hµnh.


76. Gợi bảo những người tu Tây Phương 1)

Phật ở trong lòng mỗi chúng ta.
Bốn phương thân pháp 2) chỉ bao la.
Trong veo bể Phật, đêm thu lắng.
Trời khuya đơn độc mảnh trăng tà.

1. Tức n­ước Thiên Trúc; tu Tây Ph­ương nghĩa là tu Phật.
2. Thuật ngữ của đạo Phật, chỉ sắc thân của chúng sinh.


77. Nuôi dưỡng chân tính

Ốm yếu thân này cũng chẳng sao.
Chẳng so địa vị thấp hay cao.
Nuôi dưỡng tinh thần là núi biếc,
Là cây, là biển sóng tuôn trào.


78. Thoát khỏi bụi trần

Ham muốn từng làm khổ cái thân,
Nay Phật giúp ta thoát bụi trần.
Vươn tới bên kia, lòng nhẹ nhõm,
Gột rửa một lần, thoát một lần.


79. Thoát tục

Một cái vươn vai, thoát khỏi lồng.
Bất ngờ mọi sự hóa hư không.
Ba giới bao la, lòng sáng tỏ.
Trăng lặn đằng tây, mọc đằng đông.


80. Thăm bệnh đại sư Phúc Đường

Gió thổi, nước sông thành sóng lớn.
Củi khô gặp lửa cháy bùng lên.
Mới hay tứ đại 1) là hư ảo.
Kiếm Các 2) núi cao cứ phải men.

1. Tứ đại theo đạo Phật là đất, nước, lửa và gió, bốn yếu tố tạo nên mọi vật.
2. Tên một ngọn núi hiểm trở phía bắc huyện Kiếm Các, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tác giả mượn hình ảnh này để nói về con đường gian khổ đi tới cửa Phật.


81. Thăm đại sư Tăng Điền

Cũng thế lều tranh với gác lầu.
Để sống, chỗ nào chẳng giống nhau.
Người đời thấy núi cao và đẹp,
Mấy người nghe tiếng vượn khe sâu?


82. Chợt hứng làm thơ

Thanh thản ngồi yên chính giữa nhà,
Nhìn Côn Luân khói gợn xa xa.
Lúc mệt, thảnh thơi, tâm tự tắt,
Không thiền, không Phật, chỉ mình ta.


83. Cây tùng dưới khe

Cao thẳng, cây tùng mọc dưới khe,
Ở nơi vắng vẻ, núi bao che.
Chưa làm rường cột, không gì lạ,
Cỏ dại, dây leo mọc bốn bề.


84. Vui thú giang hồ

Con thuyền nho nhỏ lướt trên sông.
Ghếch lái, buông chèo chỗ uốn cong.
Chợt nghe tiếng nhạn kêu đâu đó.
Gió thu như đã thổi qua lòng.


85. Thời tiết yên định

Đừng hỏi tử sinh, kẻo phí lời.
Thời tiết "nhân duyên" vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng vỗ chốn xa khơi.
Hoa nở tháng Ba, luôn vẫn vậy.
Gà gáy canh năm đánh thức người.
Cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
Mới biết phù du sống ở đời.


86. Cuộc đời hư ảo

Hư ảo cuộc đời, như gió sương.
Giấc mộng Nam Kha 1), ấy lẽ thường.
Sen đã đâm bông, hè mới đến.
Chớm xuân, mai nở đẹp bên đường.
Sông chảy về đông, không chảy ngược.
Trăng lặn về tây, chỉ một phương.
Hãy xem đàn én lầu Vương Tạ 2),
Giờ sang bay lượn xóm dân thường.

1. Sách Nam Kha kể chuyện Thuần Vu Phần ngủ trưa dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình đến nước nọ làm thái thú quận Nam Kha hai mươi năm, được vua gả công chúa cho và sinh năm con trai, hai con gái, cực kỳ vinh hiển. Khi tỉnh dậy vẫn thấy mình nằm dưới gốc cây hòe.
2. Vương, Tạ là hai gia đình quí tộc lớn đời Tấn, phong lưu, phú quí không ai sánh kịp, sau con cháu rơi vào cảnh nghèo khổ. Đây là điển cố khá phổ biến trong thơ Đường, ngụ chỉ sự bèo bọt của cuộc đời.


87. Họa thơ huyện lệnh

Chẳng kém Tứ Minh 1) về cái ngông,
Không cầu trời phật thưởng, khen công.
Giác ngộ nhiều khi chưa mà đã.
Sự đời lắm lúc có mà không.
Tiểu nhân tìm thuốc mong bất tử,
Người giỏi ung dung chẳng bận lòng.
Đi câu mà chẳng mang câu, lưới,
Thậm chí chẳng thèm ngó xuống sông.

1. Tøc Tø Minh cuång kh¸ch, biÖt hiÖu cña H¹ Tri Ch­ư¬ng, tõng lµm ThÞ lang bé LÔ ®êi §­ưêng HuyÒn T«ng, tÝnh thÝch phãng kho¸ng nªn tù ®Æt cho m×nh biÖt hiÖu ngang tµng trªn.


88. Họa thơ Hưng Trí Thượng Vị hầu 1)

Gió thiền không trước cũng không sau.
Bản thể hồn nhiên, sáng một màu.
Chín năm Thiếu Thất 2) im không nói.
Hoàng Mai 3) lập kế, truyền cho nhau.
Tâm cơ không chút vương suy nghĩ.
Miệng không cần nói, đỡ đau đầu.
Nhạn đang kêu đấy, ngang trời lạnh -
Kính cẩn xin thưa với Vị Hầu.

1. Con trai thứ hai của Trần Quốc Tuấn, từng tham gia chống quân Nguyên lần thứ hai và ba. Sau ông về ở ẩn.
2. Tên một ngọn núi ở phía tây núi Trung Nhạc thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ở đây có chùa Thiếu Lâm, nơi Đạt Ma chín năm liền quay mặt vào tường rồi truyền pháp cho Tuệ Khả.
3. Tên một ngọn núi phía tây bắc huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sư Hoàng Nhẫn, vị tổ thứ năm của Thiền tông tu ở đấy. Ông có hai học trò xuất sắc là Thần Tú và Tuệ Năng. Một hôm vào lúc nửa đêm, ông truyền y bát cho Tuệ Năng và giục trốn đi nơi khác.


89. Cái thú giang hồ

Vui thú giang hồ, cảnh núi sông,
Từ lâu ấp ủ mãi trong lòng.
Bạc vàng, danh vọng không vương vấn.
Tháng ngày nhàn nhã, sống thong dong.
Buổi chiều thổi sáo, chờ trăng mọc.
Sáng cắm thuyền câu chính giữa dòng.
Tạ Tam 1) thật tiếc không còn nữa,
Còn lại chiếc thuyền ghếch bãi nông.

1. Ch­ưa râ lµ ai.


90. Trình thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường

Lâu nay xa phong thái, kiều ngụ ở thôn hoang. Sâm thương thân cách phương trời, loạn phương ý hằng chung bóng. Khúc hát "vô sinh", thảnh thơi cất tiếng. Công ơn pháp nhũ, gọi chút đền bù. Tạm viết đôi lời, dưới tòa trình tiến.

Ở nơi thôn dã sống qua ngày,
Nhưng ơn Tứ Trọng 1) vẫn sâu dày.
Nhờ được gặp luôn, đầu đỡ tối.
Lòng dù đã nguội, vẫn lòng ngay.
Mùa xuân ngồi ngắm hoa đào nở.
Thu về, nhàn nhã ngắm mây bay.
Hôm nọ đến thăm, ngài chỉ giáo,
Bây giờ xin gảy đàn không dây.2)

1. Tøc thiÒn sư Tiªn Dao, thÇy cña TuÖ Tung Thưîng sÜ.
2. §µn kh«ng d©y, như  s¸o kh«ng lç, ý nãi kh«ng cÇn diÔn ®¹t ra lêi theo c¸ch th«ng th­ưêng.

91. Cảnh vật Phúc Đường

Phúc Đường, phong cảnh thật thanh tao.
Gió thiền vi vút thổi trên cao.
Bên bờ, dâu mục, chồi măng mọc.
Trước cửa, hàng thông lá xạc xào.
Người giỏi náu mình chờ dịp tốt.
Thú lành trong núi vẫn nhiều sao.
Mặt trời Đức Phật rồi sẽ mọc.
Từ sân tới ngõ rợp hoa đào.


92. Khuyên đời vào đạo

Xuân hết đến hè, năm tháng qua.
Rất nhanh, người trẻ hóa thành già.
Sầu muộn luôn theo cùng tuổi tác.
Sang giàu rút cục chỉ phù hoa.
Bể "khổ" là đời, thường vẫn vậy.
Sông "yêu" mang lại lắm phiền hà. 1)
Cứ mãi buông mình theo dục vọng,
Có ngày tai hoạ đến tìm ta.

1. S«ng yªu (¸i hµ), tøc con s«ng cña ¸i dôc. PhËt gi¸o coi t×nh c¶m yªu thư¬ng, ham muèn cña con ngưêi lµ hai m¾t xÝch trong 12 nh©n duyªn, chØ g©y khæ cho ngưêi.


93. Chợt tỉnh

Giữa "không" và "có" chẳng bao xa.
Xưa nay sống chết - một thôi mà.
Hoa nở năm nay - hoa năm ngoái.
Trăng sáng bây giờ - trăng tối qua.
Thấm thoắt "ba sinh" 1) như gió thoảng.
Tuần hoàn "chín cõi" 2) kiếp phù hoa.
Vậy sống thế nào là tốt nhất?
Ma ha bát nhã, tát bà ha! 3)

1. Ba kiÕp lu©n håi theo ®¹o PhËt.
2. ChÝn c¶nh giíi còng cßn gäi lµ chÝn cöa ®Þa.
3. Ma ha b¸t nh· - phiªn ©m tiÕng ph¹n mahµ prajn©, nghÜa lµ trÝ tuÖ réng lín. T¸t bµ ha (swaha), thuêng ®Ó dïng sau c©u niÖm chó.


94. Lui về ở ẩn

Ở đời, phúc họa đến song song.
Nơi này thanh tịch sống thong dong.
Sáng ngắm chim bay trên sóng biển.
Chiều xem mây khói phủ ngoài đồng.
Thẹn đời điên loạn, thân nhơ bẩn.
Mừng nước chưa suy, sạch tấm lòng.
Đêm đêm mơ thấy quan âm Phật.
Sóng thu vừa cạn lại vừa trong.



TRẦN HOẢNG

Tức Trần Thánh Tông, sinh năm 1240, mất 1290, con trưởng Trần Thái Tông. Trong 21 năm ở ngôi, Thánh Tông đã biết sử dụng nhân tài, chăm lo việc nước. Cùng với con là Trần Nhân Tông, ông trực tiếp tham gia lãnh đạo nhân dân đánh quân Nguyên Mông lần thứ hai và ba. Ông yêu thích văn thơ, viết nhiều, nhưng nay chỉ lưu lại được rất ít.

95. Chơi phủ An Bang 1)

Sáng chơi cùng mây núi.
Tối eo biển đầy sao,
Đang nghỉ, chợt cao hứng,
Đầu bút, chữ tuôn trào.

1. Tªn mét lé thêi TrÇn, nay lµ tØnh Qu¶ng Ninh.


96. Đề động Huyền Thiên 1)

Hương khói đền Ngọc Đế.
Huyền Thiên chìm trong mây.
Tiếng cầu kinh khe khẽ.
Hoa rụng vì chim bay.

2. §éng trªn nói thuéc x· KiÕt §Æc, huyÖn ChÝ Linh, nay thuéc H¶i Dương.


97. Họa thơ thượng sĩ Tuệ Trung 1)

Sáng suốt hay không vốn ở ta.
Dụi mắt nhìn lâu thấy ác tà.
Nhưng thấy mà coi như chẳng thấy,
Thì điều ác ấy tự lui xa.

1. §©y lµ bµi häa l¹i mét bµi tông cña TuÖ Trung Thư­îng sÜ trong lÔ ch¹y cÇu siªu cho Hoµng hËu.


98. Tặng Trần Quang Khải

Suốt một đời tận tụy,
Trọn cả danh lẫn công.
Với hai triều trung hiếu,
Quả không ai bằng ông.


99. Ngày xuân trong vườn ngự, nhớ người xưa

Vắng người, lối nhỏ phủ rêu xanh.
Cửa cung hờ khép, liễu buông mành.
Trong vườn rực rỡ hoa muôn sắc.
Cho ai hoa đẹp thế trên cành?


100. Cảnh mùa hè

Vệt rừng mưa tạnh, biếc xa xa.
Ngày rụng bóng dài lên gác hoa.
Dìu dịu hương sen thơm sát cửa.
Đôi tiếng ve kêu rộn bóng tà.


101. Tự nói về mình
            Bài hai

Nhàn rỗi, vô công sáng lại chiều,
Gẩy đàn không điệu, lắng thông reo.
Bất chợt trong lòng ngân tiếng nhạc.
Chỉ gió trên cành, nghe, họa theo.


102. Tự nói về mình
            Bài bốn

Lòng ta không cạn, cũng không đầy.
Phật không, người không, gió hây hây.
Cảnh thu sâu thẳm, trời sâu thẳm.
Mây vờn quanh núi, núi vờn mây.


103. Cảm xúc khi đọc Phật sự Đại minh lục 1)

Tu bốn mươi năm một tấm lòng.
Vượt ngàn ải ngục, tựa như không.
Động như tiếng gió vang trong núi.
Tĩnh giống vầng trăng sáng giữa đồng.
Đường đời bốn ngả tha hồ bước.
Ngũ huyền 2) đạo lý đã tinh thông.
Đừng hỏi thế nào là sinh, diệt.
Hãy nhìn trời nước rất xanh trong.

1. Bµi nµy viÕt khi TrÇn Th¸nh T«ng ®· ®i tu.
2. N¨m ®iÒu vi diÖu trong gi¸o lý ®¹o PhËt.


104. Viếng Trần Trọng Trưng

Giang Nam người giỏi chết, đau lòng,
Thương xót hôm nay lệ mấy dòng.
Không cần phân biệt sai hay đúng,
Thiên tào giở sổ xóa tên ông.
Sáng chiều mây trắng che nhà cũ.
Trên mồ bia đá mãi ghi công.
Tài chí đành buông theo nước chảy.
Nước cũng bất bình, cuộn dưới sông.


105. Chơi hành cung Thiên Trường

Thật thanh, thật nhã cảnh nơi này.
Như chốn thần tiên mây trắng bay.
Như đàn réo rắt - trăm chim hót.
Như nghìn đầy tớ - cả rừng cây.
Hồ thu in bóng trời thu lạnh.
Người nhàn, trăng sáng cũng nhàn lây.
Cuộc đi này hẳn vui hơn trước.
Biển lặng, trời trong rộng tháng ngày.


106. Ngự chơi hành cung Thiên Trường

Cảnh vật thanh u ở chốn này.
Mười hai cõi tiên, một là đây.
Trăm tiếng chim ca, trăm điệu nhạc.
Nghìn binh lính gác, ấy nghìn cây.
Trăng nhàn chiếu cảnh người nhàn nhã.
Trời thu soi bóng nước thu gầy.
Bốn bể bình yên, mưa gió lặng.
Cuộc chơi năm ngoái kém năm nay.



TRẦN QUỐC TOẠI

Sinh năm 1251, mất 1277, hiệu Sầm Lâu, được phong tước Uy Văn vương, cháu họ và là con rể vua Trần Thái Tông. Vốn có chí ham học nên từ nhỏ ông đã học được một vốn kiến thức sâu rộng. Ông là nhà thơ có tài với tác phẩm Sầm Lâu tập, nhưng rất tiếc không lưu lại được, ngoài một vài đoạn ngắn.


107. Vô đề

Chốn Ngũ Hồ tơi nón
Hơn áo lụa gác lầu.
Dâu gai nơi đồng nội
Hơn được phong tước hầu.


108. Thơ

Của cải đều thành đất.
Có cái gì là không?
Chỉ thơ, sau khi chết,
Là quí hơn vàng ròng.



TRẦN KHÂM

Tức Trần Nhân Tông, sinh năm 1258, mất 1308, con cả vua Trần Thánh Tông, làm vua từ 1279 đến 1293, là một trong những ông vua yêu nước và anh hùng của dân tộc, có công lớn trong việc đánh bại quân Nguyên Mông, xây dựng đất nước. Ông là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn thế kỷ 13, và là người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm ở Việt Nam.


109. Kệ về đạo 1)

Sống giữa đời trần, lo học đạo.
Cứ ăn khi đói, mệt đi nằm.
Trong nhà sẵn của, tìm đâu nữa?
Đừng hỏi về thiền khi vô tâm!

1. Đầu đề do chúng tôi đặt, trích từ bài phú “Ở cõi trần vui đạo”


110. Xuân sớm

Sáng dậy vén rèm cửa.
Xuân đã đứng cạnh nhà.
Đôi bướm nhỏ cánh trắng
Chấp chới bay tìm hoa.


111. Đề chùa làng Hương, Cổ Châu 1)

Không biết trước số trời,
Nhưng tình trong mắt người.
Cung ma nếu quản chặt,
Cõi Phật xuân muôn đời.

1. Th¸ng 10 n¨m MËu Th©n (1308) TrÇn Nh©n T«ng ®­uîc tin c«ng chóa Thiªn Thôy èm nÆng bÌn tõ Yªn Tö vÒ th¨m. Khi trë l¹i, gi÷a ®u­êng «ng nghØ ch©n trong mét ng«i chïa ë lµng Hu­¬ng, Cæ Ch©u, s¸ng h«m sau, tr­ưíc khi lªn ®uêng, «ng ®Ò bµi kÖ nµy lªn v¸ch chïa.


112. Trên hồ Động Thiên

Động Thiên cảnh tiêu điều:
Hoa héo, cỏ cây xiêu.
May trời thương, thỉnh thoảng
Ban cho tiếng chuông chiều.


113. Tiễn sứ bắc Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai

Tiễn đưa quyến luyến cạnh Linh Trì.
Gió xuân không giữ được người đi.
Không biết sao lành hai sứ bắc
Thêm được mấy ngày chiếu Nam di?


114. Ngày xuân, tặng bánh sứ bắc là Trương Hiển Khanh

Múa Giả Chi 1) xong, thử bánh này.
Huống hồ hàn thực đúng hôm nay.
Phong tục An Nam, mời khách quí
Bánh rau 2) như ngọc, một mâm đầy.

1. Tên một điệu múa ngày trước.
2. Ở đây có thể là bánh khúc.


115. Cảnh xuân

Chim kêu trong khóm liễu sau nhà.
Bóng chiều rụng nhẹ xuống thềm hoa.
Khách quý đến chơi không hỏi chuyện,
Chỉ cùng chủ đứng, ngắm mây xa.


116. Đêm mười một tháng Hai

Rượu quý rửa hồn, hương ngất ngây.
Giường rồng, chiếu trúc, giấc xuân say.
Bên song hoa nở, trời như nước.
Ngoài hiên trăng sáng tựa ban ngày.


117. Xuân muộn

Ngày xưa chưa hiểu "có" và "không" 1)
Xuân sang cứ phải vấn vương lòng.
Nay giữa sân chùa, trên nệm cỏ,
Dửng dưng ngắm rụng cánh hoa hồng.

1. ý nãi chư­a hiÓu ®­ưîc ý nghÜa vµ gi¸o lý ®¹o PhËt.


118. Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường

Xóm nhỏ chìm trong khói ráng hồng.
Cảnh chiều nửa có, nửa như không.
Trẻ giục trâu về, vui thổi sáo.
Cò trắng từng đôi đậu xuống đồng.

119. Trăng

Đèn soi song cửa, sách đầy giường.
Đêm lạnh, bên ngoài sân ướt sương.
Tiếng chày đập vải làm thức giấc.
Trăng vướng cành hoa, mù vấn vương.

120. Chiều thu ở Vũ Lâm 1)

Bóng cầu in ngược, chạm đầy hoa.
Mép nước lung linh vệt nắng tà.
Lá đỏ, núi xanh, dòng suối lạnh.
Lững lờ mây ướt, tiếng chuông xa.

1. Tªn mét hang ®éng ë x· Vò L©m, nay thuéc huyÖn Yªn Kh¸nh, Hµ Nam.


121. Cảnh chiều ở Châu Lạng 1)

Chùa cổ mờ mờ trong khói mây.
Chuông điểm, dây thuyền buộc gốc cây.
Núi lặng, nước trong, nghiêng cánh nhạn.
Lá đỏ, mây buồn lưu luyến bay.

1. §êi nhµ TrÇn, ch©u L¹ng gåm c¸c huyÖn Yªn ThÕ, Yªn Ninh, Cæ Lòng vµ B¶o Léc, tøc lµ mét phÇn cña tØnh B¾c Ninh ngµy nay.


122. Thơ đề ở nhà thủy tạ Phổ Minh 1)

Nhà trên mặt nước, thoảng mùi hương.
Chùa đóng, cây đa đứng vệ đường.
Hồ nước mới dâng, không lạnh lắm.
Theo tiếng ve sầu, thu vấn vương.

1. Cßn tån t¹i, hiÖn nay ë lµng Tøc MÆc, huyÖn Mü Léc, tnh Hµ Nam.


123. Mạn hứng khi ở trên núi
Bài một

Ai trói mà cần người giải thoát?
Không phàm, nên chẳng viện thần tiên.
Ngựa mỏi, chân chồn, nay có tuổi
Thanh đạm trong am, mảnh chiếu thiền.


124. Mạn hứng khi ở trên núi
Bài hai

Đúng sai rốt cuộc như hoa rụng.
Hết mưa, hết muốn lợi và danh.
Sau tiếng chim kêu, xuân lại úa.
Hoa tàn, mây tạnh, núi xanh xanh.


125. Thanh nhàn

Sống nơi yên tĩnh, thảnh thơi lòng.
Xạc xào gió thổi giữa cành thông.
Chiếu trải dưới cây, kinh một quyển.
Thanh nhàn hai chữ có hơn không?


126. Ngày xuân thăm Chiêu Lăng 1)

Thị vệ nghiêm, nghìn cửa.
Quan bảy phẩm, áo rồng.
Người lính già đầu bạc
Mải kể chuyện Nguyên Phong.

1. Làng vua Trần Thái Tông.


127. Lên núi Bảo Đài 1)

Đất vắng, đài thêm cổ.
Trời đẹp, mới chớm xuân.
Ngõ, nửa râm, nửa nắng,
Mây nửa xa, nửa gần.
Việc trôi như nước cuốn.
Lòng nhủ lòng bao lần.
Tựa hiên, nâng sáo ngọc.
Trăng bàng bạc ngoài sân.

1. Núi Bảo Đài còn có tên khác là Long Đọi, nay thuộc Ninh Bình. Cũng có tài liệu nói núi này ở Đông Triều.


128. Hoa mai nở sớm

Mấy hôm ngại rét, cứ nằm lười.
Không biết xuân về, đủ sắc tươi.
Mai nở đầy cành, trời ấm lại.
Bóng nước lung linh, gió lả lơi.
Bài ca Thúy Vũ 1) vang thôn núi.
Họa Long 2) sáo thổi, lạnh mây trời.
Một cành hoa lạc vào giấc mộng.
Chỉ tiếc không sao lấy tặng người.

1. Tên một điệu từ cổ ở Trung Quốc.
2. Có lẽ là một loại sáo hay tù và có hình rồng.


129. Phủ Thiên Trường

Quạnh hiu lá đỏ, núi xanh, vàng.
Sau mưa đường sạch, trời mây quang.
Các sư về viện, trai đường vắng.
Nửa đêm, trăng đã xế trên làng.
Ba chục cung tiên, giường xếp dọc.
Tám nghìn ngọn tháp, nước âm vang.
Phổ Minh chùa cổ không thay đổi.
Trong mơ bất chợt nhớ tiên hoàng.


130. Chùa Thần Quang 1) trên núi Đại Lâm

U nhã Thần Quang, vắng suốt ngày.
Giữa vùng rừng núi phủ đầy mây.
Ba nghìn thế giới thu vào mắt.
Mười hai tòa tháp tựa trên tay.
Cây thông trăm tuổi, sư đầu bạc.
Bèo bọt thói đời cứ đổi thay.
Ngoài việc thắp hương và cúng Phật,
Hết thảy mọi điều sư chẳng hay.

1. Chùa Thần Quang được xây dưới triều vua Lý Nhân Tông, nay còn di tích chùa ở huyện Quế Võ, Hà Bắc.



NGUYỄN SĨ CỐ

Không rõ năm sinh, mất năm 1312, không rõ cả quê quán, chỉ biết trước khi ra làm quan từng mở trường dạy học, đào tạo được nhiều học trò giỏi như Phạm Ngộ và Phạm Mại. Nhờ nổi tiếng uyên bác, năm 1274 ông được vua Trần Nhân Tông mời về kinh dạy học cho hoàng tử sau này là Trần Anh Tông.


131. Phò giá nhà vua chinh phạt
miền tây, bái yết đền thờ Tản Viên

Núi thiêng cao vút tận trời mây.
Khấu đầu, nghe tiếng đã lâu nay.
Mỵ Nương anh linh thì ra phép
Phù hộ thư sinh trong chuyến này.


132. Phò giá nhà vua chinh phạt miền tây,
bái yết đền Hiển Uy vương ở sông Bạch Hạc 1)

Giáp mũ uy nghiêm, đứng trước thần.
Việc binh cầu khấn, mặc ba quân.
Trò này yếu đuối, không tham vọng,
Mong ngài che chở, được an thân.

1. Hiển Uy vương là thần sông Bạch Hạc, chỗ gặp nhau của ba con sông Thao, Đà và Lô, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú.



PHẠM NGŨ LÃO

Sinh năm 1255, mất 1320, người làng Phú Ứng, Đường Hào, Hải Dương, là vị tướng được Trần Hưng Đạo yêu quí và gả con gái cho, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, làm đến chức quan nội hầu.


133. Tỏ nỗi lòng

Bao năm múa giáo với non sông.
Dũng mãnh ba quân tựa hổ rồng.
Nợ nước làm trai chưa trả được,
Nghĩ tới Khổng Minh 1), thẹn với lòng.

1. Khổng Minh, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.


134. Viếng thượng tướng quốc công Hưng Đạo đại vương

Tiếng chuông Trường Lạc 1) tiễn đưa ông.
Hiu hiu gió thổi, thật đau lòng.
Gương sáng muôn đời nay đã vỡ.
Tường thành vạn dặm, có thành không.
Buồn thấy mây che đường sạn đạo 2).
Lệ trào, mưa phủ kín trên sông.
Đọc văn, xúc động lời cô đúc.
Ngâm thơ, lai láng nước xuôi dòng.

1. Tên một cung đời Hán. Tác giả dùng để chỉ một cung nhà Trần thời bấy giờ.
2. Đường sạn đạo là lối đi trên cao, thông từ nơi này sang nơi khác ở những vùng núi non hiểm trở. Điển cố này này dùng để nhắc đến công lao của Hàn Tín khi giúp Hán Cao Tổ. Tác giả ví Trần Hưng Đạo với Hàn Tín.



TRẦN THUYÊN

Tức vua Trần Anh Tông, sinh năm 1276, mất 1320, là con trưởng vua Trần Nhân Tông, có công trong việc bảo vệ đất nước khỏi giặc Nguyên Mông, là người có bản lĩnh, cá tính và đức độ. Ông chủ trương  mở mang học hành, phát triển dân trí,  sáng suốt trong việc dùng người.


135. Chùa Đông Sơn 1)

Gió thu xào xạc, ve im tiếng.
Trăng soi suối lạnh, núi xanh rờn.
Ngũ Đài núi đẹp, đừng mơ nữa -
Đời này mấy chỗ sánh Đông Sơn?

1. Chùa xây từ đời Lý trên núi Chương, huyện Ý Yên.


136. Cảnh mùa đông

Chấm đỏ, nét xanh, mờ lại thẫm.
Bút vẽ thiên nhiên thật tuyệt trần.
Lầu tía chơ vơ trên vách núi.
Ba sáu động trời thoảng gió xuân.


137. Am Vân Tiêu 1)

Núi xanh sừng sững, chạm trời mây.
Cung khuyết Kim Tiên 2) không bụi dây.
Trên đỉnh có người theo đạo Phật,
Bạn cùng trăng sáng, gió và cây.
Gió thổi quanh năm không ngớt nghỉ.
Như gương, trăng sáng cả ban ngày.
Gió kia, trăng ấy, con người ấy,
Thành ba cái đẹp nhất đời này.

1. Am ở núi Tam Đảo.
2. Có hai nghĩa, là thần tiên hoặc Phật.


138. Tiễn hai sứ bắc là An Lỗ Uy và Lý Cảnh Sơn

Sao sáng hai ông rọi xứ này.
Gạt đôi hàng lệ, thấy rồng bay.
Không dám trách xuân thường đến muộn,
Xa xôi cách trở, lựa tâu bày.
Ngũ Lĩnh núi cao, người chưa vượt.
Tam Tương sông rộng, nhạn về ngay.
Nước được yên bình nhờ sứ giúp.
Dân chúng mừng vui, rạng mặt mày.


139. Chinh phạt Chiêm Thành về,
đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành

Thuyền rồng dây gấm buộc cây đa.
Mui thuyền ướt đẫm hạt châu sa.
Trăng treo xóm núi, thông xanh biếc.
Gió thổi làng nông, đỏ ráng tà.
Cờ xí tưng bừng che kín biển.
Năm canh kèn trống mãi vang xa.
Đêm ngủ đầu thuyền, lòng ấm lại.
Binh khí không vào giấc mộng hoa.



NGUYỄN CHẾ NGHĨA

Không rõ năm sinh, năm mất, người huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí, từ nhỏ đã có sức khỏe lạ thường, giỏi cưỡi ngựa và sử dụng đao dài, tinh thông thiên văn, binh pháp và thích ngâm vịnh, làm thơ. Ông có công lớn trong việc chống quân Nguyên, được vua Trần Anh Tông yêu quí và gả con gái là công chúa Ngọc Hoa cho, sau được thăng chức Thái Úy.


140. Bày tỏ nỗi lòng

Trượng phu hào khí tỏa muôn nơi.
Cái chí phải cao hơn mọi người.
Bắt chước Phùng Hoan 1), lo cứu nước.
Tổ Địch 2) phò vua, gương sáng ngời.
Cơ mưu âm ỉ như sông nước.
Công lao cao vút tựa mây trời.
Tiết nghĩa, đức danh mong để lại,
Cháu con truyền tụng đến muôn đời.

1. Mưu sĩ người nước Tề, giúp Mạnh Thường Quân nhiều trong việc bảo vệ đất nước.
2. Bề tôi trung thành của nước Tấn, giúp nhà Tấn trừ ngoại xâm và yên định đất nước.



BÙI TÔNG HOAN

Năm sinh, năm mất không rõ, hiệu Thủy Yên. Ông làm quan dưới thời Trần Anh Tông (1293 – 1314), chỉ lưu lại được bốn bài thơ.


141. Ngắm cảnh thu ở xóm ven sông

Một mình khoác áo đứng bên sông.
Bốn bề thu biếc trải mênh mông.
Nhạn bay qua bến, từng hàng một.
Buồm nâu mấy chấm, trời xanh trong.
Rặng trúc nhà dân vương khói nhạt.
Chùa Phật đầu khe, tán lá hồng.
Chiều xế, nhìn mây, vui, tự nhủ:
Năm nay mùa được, lúa xanh đồng 1).

1. Người xưa có tục xem mây đoán mùa màng được hay mất.


142. Sau mưa, tức cảnh làm thơ đề chỗ ở mới

Nắng hửng, hết mưa, lại đẹp trời,
Sáng nhàn, ra ngõ, thẩn thơ chơi.
Lối đi cỏ mọc như mày rậm.
Vũng nước long lanh giống mắt người.
Đống đá sau hè rêu bám bẩn.
Ngoài vườn lép nhép lá vàng rơi.
Sân nhà bừa bộn, lười chưa dọn,
Xin ông hàng xóm chớ nên cười.



TRẦN THÌ KIẾN

Không rõ năm sinh, năm mất, người huyện Đông Triều ngày nay, là môn khách của Trần Quốc Tuấn, từng giữ nhiều chức quan trọng dưới triều Trần Nhân Tông, nổi tiếng thanh liêm, chính trực.


143. Đề tặng thiền sư Phổ Minh ở chùa An Lãng

Đại ẩn là người không ở núi.
Đích thực chân tu, tu tại nhà.
Nay gặp đạo Thiền như tỉnh mộng.
Trách gì Hàn Dũ 1) chuyện ngày qua.

1. Nhµ th¬ ®êi §ư­êng, bÞ biÕm truÊt ®i lµm thø sö Trµo Ch©u, v× can ng¨n vic rưíc xư­¬ng PhËt.



TRẦN QUANG TRIỀU

Sinh năm 1286, mất 1325, còn có tên là Nguyên Đạo và Nguyên Thụ, hiệu là Cúc Đường Chủ Nhân và Vô Sơn Ông, người phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Hà Nam, là cháu nội Trần Quốc Tuấn, được trọng dụng, từng cầm quân đánh giặc, giữ nhiều chức quan trọng, cuối cùng về ở ẩn tại am Bích Động gần chùa Quỳnh Lâm, nay ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Thơ ông tao nhã, giản dị và khúc triết.


144. Ông già câu cá

Triều dâng, sóng biếc, gió hây hây.
Mái chèo khua lạnh thấm vào mây.
Bao năm coi nhẹ mồi vàng bạc,
Giờ mong nằng nặng mồi câu này.


145. Trường An hoài cổ

Sông núi vẫn còn, nước đổi thay.
Nắng xế trên gò, thông vướng mây.
Các đế vương xưa nay dưới cỏ.
Mưa chiều hiu hắt, bướm ong bay.


146. Thơ đề trên quạt vẽ phong cảnh
do Liêu Nguyên Long tặng 1)

Bút nào vẽ hết nước Nam ta?
Tân An 2) ao cũ, cỏ la đà
Bao năm vẫn mọc cùng trăng gió.
Từ bờ trúc vọng tiếng đa đa.

1. Cã lÏ lµ b¹n cña Tr­ư¬ng Quang TriÒu.
2. Tªn ®Þa danh, nay thuéc huyÖn §«ng TriÒu, Qu¶ng Ninh.


147. Chùa hoang ở xóm Mai

Chùa các triều đại trước
Hoang phế, nhìn não lòng.
Trong mưa, bia gỗ mục.
Dưới nắng, trơ tượng đồng.
Sư từ lâu đã chết,
Đài hoa giờ trống không.
Ứng thân 1) không cố định,
Với đời cùng hưng vong.

1. Thuật ngữ nhà Phật, chỉ sự hóa thân, là một trong ba thân của Phật. Tùy theo cơ duyên của chúng sinh mà Phật hiện thân để giáo độ cho họ.


148. Viết trên đường Hoàng Châu

Đường núi trơn, khúc khuỷu.
Khí độc, hơi sương nhòa.
Cánh buồm trong mưa nhỏ.
Ngôi chùa dưới nắng tà.
Đỏ rực chùm quít chín.
Xanh biếc bụi dâu da.
Lên xe rồi, thương nhớ,
Nghĩ, lại muốn về nhà.


149. Thơ đề ở chùa Gia Lâm

Không còn mơ danh vọng,
Dạo bước đến cửa thiền.
Xuân muộn, dáng hoa mảnh,
Cây cao, ve ngân rền.
Mưa tạnh, trời xanh biếc.
Ao nhỏ, trăng bình yên.
Khách về, sư chẳng nói.
Chùa thoảng mùi hoa sen.


150. Tức cảnh khi quay thuyền về

Chán sự đời giả dối.
Lòng cứ vấn vương lòng.
Chim kêu trong bụi rậm.
Buồm chở nắng trên sông.
Hơi thu gầy dáng núi.
Triều lên, nước xanh trong.
Ông già say chưa tỉnh.
Lá đỏ trôi giữa dòng.


151. Tức cảnh xóm ven sông

Thôn Tây đối diện với thôn Đông.
Tiếng gà, tiếng chó vọng vang sông.
Én biển chao chao, nô dỡn nắng.
Hoa nở hai bên, chạy ngược dòng.
Gặp mưa lúa chín, vàng tít tắp.
Dâu tốt thu sang, xanh ngút đồng.
Nhà thơ ngắm cảnh, quên không biết
Thuyền đi đã được chục hôm ròng.


152. Qua An Long 1)

Chiều người, nước lặng, gió hây hây.
Tiễn bóng nắng tàn, khách uống say.
Xơ xác hoa lau, bờ ngập nước.
Trời xanh, cánh nhạn khuất trong mây.
Khói chài bến cũ, chuông rung khẽ.
Chèo khua, nước té tựa mưa bay.
Vời vợi kinh đô, nhìn Bắc Đẩu,
Khách đỗ thuyền đêm ở bến này.

1. Tên một con sông ở Tuyên Quang.


153. Đề nhà thờ Phúc Thành 1)

Mây bay man mác, tháng năm qua.
Bên cạnh nhà thờ, cây bách già.
Mưa đêm ngấn đọng như hàng lệ.
Đầm soi hờ hững mảnh trăng tà.
Cỏ rẽ dưới đài thành lối nhỏ.
Trên cây, hạc nhớ khúc cầm ca.
Đêm đến, trước đèn thiêm thiếp mộng,
Trời cao, biển rộng trải bao la.

1. Chưa rõ ở đâu.


154. Uống rượu một mình trong thuyền

Thu về, núi lạnh khiến buồn lây.
Thư nhà không đến được nơi đây.
Tình người thưa nhặt như mưa gõ.
Thói đời lên xuống nước vơi đầy.
Cúc tùng bạn cũ nay xa cách.
Tuổi già đèn sách thế mà hay.
Trong lòng ngang ngổn bao day dứt,
Uống rượu một mình, thử giải khuây.



TRẦN QUANG KHẢI

Tự Chiêu Minh, sinh năm 1241, mất 1294, là con trai thứ ba của vua Trần Thánh Tông. Dưới triều Thánh Tông, ông làm Tướng quốc Thái úy, tước Đại vương; triều Nhân Tông được thăng làm Thượng tướng Thái sư, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Ông học rộng, biết nhiều, không chỉ là nhà quân sự tài giỏi mà còn là nhà thơ xuất sắc. Tác phẩm có tập Lạc Đạo, nhưng nay chỉ còn lại 11 bài.


156. Phò giá về kinh đô

Chương Dương, cướp giáo giặc.
Hàm Tử, bắt quân Hồ.
Giang sơn này phải giữ.
Lúc thái bình càng lo.


157. Tặng sứ bắc Sài Trang Khanh 1) và Lý Chấn Văn

Vâng mệnh thiên triều đến tận đây.
Vua giao đi sứ chiếu cầm tay.
Quan lớn Bắc triều lưu luyến tiễn.
Dân Nam biết tiếng đã bao ngày.
Nói lời oai phúc thay thiên tử,
Mong tình hai nước nặng từ nay.
Cũng mong các vị lòng nhân đức,
Che chở cho dân của nước này.

1. Tªn lµ Sµi Thung, th­ưîng th­ư bé lÔ nhµ Nguyªn.
                                        

158. Tiễn sứ Bắc Sài Trang Khanh

Tiễn người về nước sáng hôm nay.
Xăm xăm ngựa bước, rợp cờ bay.
Người đi kẻ ở, lòng lưu luyến,
Tần ngần chủ khách, rượu cầm tay.
Mới gặp ngày nào vui xướng hoạ,
Mà giờ ly biệt, nước cùng mây.
Không biết bao giờ còn gặp lại,
Để mong nói rõ tấm lòng này.


159. Thơ đề ở đền Bạch Mã 1)

Bao đời nổi tiếng rất oai linh,
Nghe nói đến thần, ma quỷ kinh.
Bốn bề lửa cháy, đền không cháy.
Sấm chớp, cuồng phong chẳng giật mình.
Chỉ huy ba vạn quân yêu quái.
Trấn áp trăm nghìn ma quỉ binh.
Mạo muội mong thần xua giặc Bắc,
Để dân Nam Việt sống yên bình.

1. §Òn B¹ch M·, nay vÉn cßn ë phè Hµng Buåm, Hµ Néi.


160. Bến đò Lưu Gia

Bến cũ Lưu Gia rợp bóng cây.
Xưa theo thuyền ngự đến nơi này.
Sông thu tháp nhỏ nghiêng soi bóng.
Đền hoang mộ cổ lá rơi đầy.
Thái Bình phủ rộng, trăm nghìn dặm.
Giang sơn nhà Lý chục đời nay.
Trở lại, khách thơ đầu đã bạc.
Hoa mai như tuyết rụng, đang bay.


161. Cảm hứng ngày xuân
          Bài một

Mưa rơi cây tốt, ướt cành hoa.
Khách thơ đóng cửa ngồi trong nhà.
Một nửa đời xuân đành bỏ phí.
Năm mươi, cũng tự biết mình già.
Mang nặng ân vua, không ở ẩn.
Đêm ngày mong nhớ chốn quê xa.
Dũng khí ngày xưa chưa để mất,
Giờ ngồi uống rượu, xướng thơ ca.


162. Cảm hứng ngày xuân
            Bài hai

Nhàn nhạt trăng khuya, đêm sắp tàn.
Hơi xuân lành lạnh, gió miên man.
Rặng liễu chao mình, hoa khép nụ.
Khóm trúc xạc xào, ngủ bất an.
Nhờ mưa, cây cỏ đang xanh tốt.
Tuổi làm tóc bạc, kém dung nhan.
Giải sầu tạm uống dăm ba chén.
Vỗ kiếm, một mình tựa lan can.


163. Thơ đề ở nhà nhỏ đồng quê

Nhà nhỏ đồng quê mới dựng xong.
Quanh năm đào lý tỏa hương nồng.
Áo lá nông phu in bãi biếc.
Lầu cao sáo vẳng, ánh trăng lồng.
Khe suối chia đôi bờ đất đỏ.
Đường làng mềm mại uốn cong cong.
Sống ẩn quả đây là lý tưởng.
Gió mát, trăng thanh, sáo mục đồng.


164. Vườn Phúc Hưng

Phúc Hưng, vùng đất nước bao quanh.
Ta có khu vườn mấy mẫu xanh.
Đình trúc mượt mà như ngọc bích.
Như châu, mai nở trắng trên cành.
Sau mưa, sai trẻ chăm vườn thuốc.
Nắng lên, mời bạn uống trà thanh.
Yên ổn trời Nam, không có giặc.
Gối cao nằm ngủ giấc ngon lành.



BÙI MỘ

Không rõ năm sinh, năm mất, người xã Hưng Giáo, Thanh Oai, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông đỗ bảng nhãn đời Trần Anh Tông, từng đi sứ sang nhà Nguyên, Trung Quốc.


165. Qua Bành Trạch

Buổi sáng, mặt trời mọc.
Ngâm thơ, mặc áo lông.
Bành Trạch 1), rượu trong chén.
Đỗ Lăng, thuyền trên sông.
Núi thu, cây đứng lặng.
Sông chiều, mây bập bồng.
Đất khách, tình man mác.
Nước cứ chảy về đông.

1). Tên một huyện thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay. Bài này tác giả viết khi đi sứ phương Bắc.



NGUYỄN TRUNG NGẠN

Sinh năm 1289, mất 1370, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi thuộc Hải Dương ngày nay. Năm 12 tuổi ông được vào hoc nhà Thái Học Quốc Tử Giám, 16 tuổi đỗ Hoàng Giáp. Ông làm quan qua nhiều đời vua, từng đi sứ Trung Quốc, thọ 82 tuổi.


166. Thăm núi Yên Tử

Đang xuân, triều lớn, nước dâng đầy.
Trên bờ, chim ngủ giữa lùm cây.
Núi Bắc, núi Nam trông thật đẹp.
Sông dài, thuyền nhẹ lướt như bay.


167. Ngày xuân

Quanh co ngõ trúc trước lều tranh.
Cài then, sống ẩn, ngủ ngon lành.
Một tiếng chim kêu làm chợt tỉnh.
Ngoài thềm hoa rụng lẫn rêu xanh.


168. Tức sự

Ngõ trúc bao quanh, biếc một màu.
Hoa riềng cánh đỏ, cánh nâu nâu.
Uống chén rượu Man, say, tỉnh dậy:
Bên ngoài ngọn núi đợi từ lâu.


169. Qua đò sông Lô khi đi sứ Bắc Quốc

Từ giã kinh thành đi sứ xa.
Đến trạm, dừng chân, bóng xế tà.
Nâng chén biệt ly người tiễn sứ.
Bên ấy sông Lô, hết đất nhà.


170. Lên chơi thành lầu ở Dương Châu 1).

Khách vượt tám vạn dặm.
Chiều thu ngắm cây cầu.
Đất khách, gặp cảnh đẹp,
Dẫu bận cũng lên lầu.

1). Dương Châu, một trong chín châu thời cổ ở Trung Quốc.


171. Trên sông Tương 1) tiễn biệt

Chia tay, nâng chén rượu bên đình.
Bác lên ngựa quí, vội phi nhanh.
Tôi trở lại thuyền ngồi lặng lẽ.
Màu trời hòa lẫn màu sông xanh.

(1) Mét con s«ng ë Trung Quèc, bµi nµy t¸c gi¶ viÕt khi ®i sø.


162. Muốn về nhà

Tằm đang lên kén, lá dâu già.
Cua đồng đã béo, lúa đâm hoa.
Giang Nam đất khách giàu, vui thật,
Vẫn mong chong chóng trở về nhà


163. Đêm đỗ thuyền ở bến Lăng Thành

Người ở trên thuyền, trăng dưới sông.
Động Đình thu hứng trải mênh mông.
Chẳng quản đường dài, đêm đang ngủ,
Hồn trở về nhà theo gió đông.

164. Chạnh lòng nhớ Tràng An xưa 1)

Hưng phế bao triều, cảnh đổi thay.
Cơ đồ, nhà Lý nắm trong tay.
Bốn bề núi chắn, kinh thành nhỏ.
Miếu sụp, nhà hoang, khóm trúc gầy.
Chùa xưa sư thỉnh, chuông vang vọng.
Thổi sáo chăn trâu, trẻ một bầy.
Chiến tích xa xưa tìm chẳng thấy,
Một mình tựa cửa ngắm trời mây.

1. Tức cố đô Hoa Lư


165. Thơ làm khi chơi động Vũ Doanh

Kiệu nhỏ lắc lư, đường gập ghềnh.
Theo bóng chiều tà, tới Vũ Doanh.
Lơ thơ bờ dậu vài bông cúc.
Dăm ngôi nhà Mán đứng xung quanh.
Ngang dọc bốn bề toàn núi biếc.
Ngoài đồng trăng chiếu chếch chòi canh.
Đã buồn, thấy cảnh buồn thêm nữa.
Còn nghe vượn hót suốt năm canh.


166. Chơi chùa Nhạc Lộc 1)

Xôm xốp vòng ngoài, mây trắng bay..
Chùa cổ nhìn ra bến nước đầy.
Hương khói đã tàn, sư nhập định 2).
Không nghe chuông điểm, hạc lên cây
Cảnh tình đẹp thật nhưng xa lạ.
Liệu biết bao giờ quay lại đây?
Khách muốn hỏi đường, người chẳng thấy,
Đọc bia ông Lý 3), thấy buồn lây.

1. Chùa ở huyện Hành Sơn, đất Trường Sa, Trung Quốc.
2. Ngồi tĩnh tâm, trút bỏ mọi lo âu trần tục.
3. Lý Ung, người huyện Giang Đô đời Đường, tính tình cương trực, giỏi văn chương.

                                                                                                        
167. Buổi chiều, đậu thuyền ở bến Thần Đầu 1)

Ráng chiều trên sóng, biển lung lay.
Bao nhiêu thuyền cá tụ về đây.
Sóng như tường nước đang tuôn xuống.
Màu núi xạm dần lúc cuối ngày.
Trời lạnh, rồng về hang đá tối.
Cá kình phun nước, gió mù bay.
Dừng thuyền ngắm biển mênh mông rộng,
Ngỡ mình đang ở tít cung mây.

1. Ngày xưa gọi là Thần Phù, ở cửa biển Thiên Phù, huyện Yên Mô, Ninh Bình.


168. Hoài cảm cảnh thu ở Tương Giang 1)

Sang thu, cây cỏ héo.
Vẫn đi sứ chưa về.
Cốt cách thơ gầy yếu.
Lòng trong như nước khe.
Nhạn bay theo khói sóng.
Thuyền khách như lá tre.
Thác đổ hăm bốn bậc.
Bịt tai không dám nghe.

1). Một địa danh ở Trung Quốc.



TRẦN KHẢN

Không rõ năm sinh, năm mất, hiệu Vô Muộn Tẩu (Ông già không buồn), người làng Quế Dương, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Làm quan đến chức Tham nghị ở Viện Chính sự, thơ có tập Phục Hiên.


169. Bài ngâm ở am Lục Tiên 1)

Chẳng tiếc công danh không đạt được.
Không màng phú quí với vinh qui
Phận sao đành vậy, không ham muốn.
Ngoài bốn điều hưu 2), chẳng thiết gì.

1). Am này ở xã An Lạc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, thờ tướng Lương Đoàn thời Lý.
2). Theo bài tựa Tứ Hưu Cư Sĩ của Hoàng Sơn đời Tống. Bốn điều hưu đó là, đủ cơm ăn, đủ áo mặc, đủ việc làm vá sống đủ gìa.


Chẳng được như ý

Thành danh, tóc đã trắng như bông.
Tiếc nuối tuổi xuân khi học xong.
Bởi lẽ đời này nhiều trái khuáy,
Cố gắng làm gì cho phí công!



ĐỒNG KIÊN CƯƠNG

Tức Pháp Loa, sinh năm 1284, mất 1330, người châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông đi tu từ nhỏ, rất uyên thâm về giáo lý đạo Thiền, sau trở thành vị tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm, được vua Trần Nhân Tông đổi tên là Pháp Loa.


170. Vào cõi tục, tiếc non xanh

Soi nước sông thu rặng núi gầy.
Đỉnh núi chọc trời, vương vấn mây.
Ngước mắt tầng cao trông chóng mặt,
Như mọi con đường đổ tới đây..


171. Mấy lời dặn lại khi sắp chết

Thảnh thơi rũ bỏ mối tơ lòng.
Bốn chục năm qua, một giấc nồng.
Ta lên cõi Phật, đừng lưu luyến -
Gì hơn gió mát với trăng trong?



LÝ ĐẠO TÁI

Tức Huyền Quang, sinh năm 1251, mất 1334, thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Trần, người châu Nam Sách, Hà Nam, năm 20 tuổi đỗ thi hương và sau đó đỗ đầu thi hội, được bổ dụng vào Viện Nội hàn, nhưng ông nhất mực xin từ quan đi tu, sau trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, rất được Trần Nhân Tông yêu mến.


172. Tức cảnh ngày xuân 1)

Người đẹp ngồi thêu dải gấm dày.
Dưới cành hoa đỏ, cánh chim bay.
Thương biết bao nhiêu xuân ý ấy,
Khi nàng tư lự chợt ngừng tay.

1. Cã ý kiÕn cho bµi nµy lµ cña mét t¸c gi¶ Trung Quèc.


173. Trong thuyền

Một lá thuyền con, một khách chèo,
Ra khỏi mé rừng, gió đuổi theo.
Hoàng hôn, nước lớn, con chim trắng,
Hòa lẫn sông trong với nắng chiều.


174. Nhà đá

Nửa gian nhà đá lẫn trong mây.
Áo ấm mùa đông cũng đủ dày.
Sách kinh trên án, sư trên chiếu.
Mặt trời đã quá mấy tầm cây.


175. Họa bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh

Cỏ vàng, khói nhạt, sóng lăn tăn.
Quán bắc, lầu nam nắng tắt dần.
Tiếc thơ không hứng, xuân không chủ,
Mấy bụi hoa buồn trước gió xuân.


176. Ngủ trưa

Sau mưa khe núi sạch, ban ngày
Ngủ một giấc dài dưới bóng cây.
Tỉnh dậy nhìn đời đầy bụi bặm,
Mà tưởng như mình đang lúc say.


177. Trước bếp lò, tức cảnh

Hương tắt từ lâu, củi đã tàn.
Tay cầm ống thổi, quạt hoa nan.
Trẻ con hỏi chữ, vu vơ đáp.
Ai chê ta biếng, quá an nhàn?


178. Ngủ ngày

Tự mình cày cấy ruộng ông cha.
Cây cao bóng rợp mát quanh nhà.
Con chim ngoài cửa thôi không hót.
Đánh một giấc dài bên khóm hoa.


179. Nhà trong núi

Xao xuyến hương thu chạm bức rèm.
Nhà gối rừng cây tựa gối mềm.
Lòng ta yên tĩnh như sông núi.
Sao dế ngoài vườn khóc suốt đêm?


180. Chơi thuyền

Gặp gió, thuyền con lướt giữa dòng.
Sông xanh, núi biếc, trời mênh mông.
Tiếng sáo làng chài sau bãi sậy.
Vô ý, trăng chiều rơi đáy sông.


181. Đề núi non bộ của thí chủ 1) ở Động Hiên

Cũng núi nhấp nhô, cũng cỏ cây.
Trăng lồng khói lạnh, cánh hoa bay.
Bây giờ tục lụy thôi vương vấn,
Giấc ngủ an nhàn trong gió mây.

1. ý nãi nh÷ng vÞ chñ nh©n hay bè thÝ cho nhµ chïa.


182. Gửi những người trẻ tuổi
đang tấp tểnh muốn làm quan

Giàu sang khó bắt giống như mây.
Thời gian như nước, ngày qua ngày.
Sao không về ẩn nơi rừng núi,
Rừng thông là chiếu, gối là mây?


183. Đề chùa Đạm Thủy

Bên chùa cây cỏ tốt, xanh tươi.
Chiều xế, trời quang, vắng bóng người.
Nhân tiện đi ngang vào Đạm Thủy,
Giúp chùa chuông mõ, nhặt hoa rơi.


184. Thu sớm

Đêm thu, hơi mát lọt qua mành.
Lá cây khẽ chạm mái nhà tranh.
Quên mất trong nhà hương đã lụi.
Ngoài vườn trăng kẹt tán cây xanh.


185. Hoa cúc
Bài một

Quên cả chính mình, quên nhớ thương,
Ngồi lặng đìu hiu, lạnh mép giường.
Không lịch, trong rừng nhìn cúc nở,
Giật mình mới biết đã Trùng Dương. 1)

1. TÕt Trïng Dư¬ng, tøc ngµy 9 th¸ng 9 ¢m lÞch.


186. Hoa cúc
Bài hai

Người ở trên lầu, hoa dưới sân.
Thắp hương, phiền muộn tự tan dần.
Hoa người tương hợp, so hoa khác,
Hoa cúc trội hơn gấp bội phần.


187. Hoa cúc
Bài ba

Tưởng Hủ tiên sinh 1) thông vạn mẫu.
Tây Hồ xử sĩ 2) lắm mai vàng.
Nghĩa khí bất đồng thường khó gặp.
Vườn đầy cúc nở lúc xuân sang.

1. Người đời Hán, sớm cáo quan về ở ẩn giữa rừng thông.
2. Tức Hán Thế Trung đời Tống, vì căm ghét Tần Cối mà bỏ về sống ở vùng Tây Hồ.


188. Hoa cúc
Bài bốn

Hàng năm thu đến, lúc sương rơi,
Gió mát trăng trong, ngẫm sự đời.
Cúc vàng đẹp thế, sao không thích?
Muôn nhà rực rỡ cúc vàng tươi.


189. Nhân có việc, viết thơ đề ở chùa Cửu Lan

Thẹn mình đức mỏng mà nên nghiệp,
Luống để Hàn Sơn, Thập Đắc 1) buồn.
Chi bằng theo bạn lui về ẩn,
Sống giữa muôn trùng núi với non.

1. Tên hai vị cao tăng đời Đường, vì muốn không ai biết đến nên giữ chức nấu bếp, sau việc bị lộ, bỏ chùa lên núi.


190. Thơ đề am núi Yên Tử

Am thiền cao chót vót.
Cửa mở trên tầng mây.
Động Rồng, mặt trời chiếu.
Khe Hổ, băng còn dày.
Vụng về, không mưu chước,
Yếu, chiếc gậy cầm tay.
Rừng trúc nhiều chim đậu,
Quá nửa bạn sư thầy.



MẠC KÝ

Quê Đông Triều, Quảng Ninh, không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết xuất thân là võ tướng nhưng rất thích ngâm vịnh thơ văn. Khoảng năm 1333 - 1334 được cử đi tiễn sứ Trung Quốc là Hoàng Thường. Đây là bài thơ duy nhất của ông còn lưu được.


191. Thơ ngâm tiễn sứ

Bờ sông mai nở, nước trong veo.
Thuyền đi chênh chếch, gió mưa theo.
Tiễn khách - ba người lên phía bắc.
Quay lại bờ nam một mái chèo.



TRƯƠNG HÁN SIÊU

Không rõ năm sinh, mất 1354, tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu, người huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay là Yên Khánh, Hà Nam; là môn khách của Trần Quốc Tuấn; năm 1308 được vua Trần Anh Tông cho làm chức Hàn lâm học sĩ, sau đó ông giữ nhiều chức vụ quan trọng; tính tình trung thực, học vấn sâu rộng, có tư tưởng tôn Nho bài Phật.


192. Vịnh hoa cúc
Bài một

Mưa tạnh, vào vườn lo đánh gốc.
Gặp sương  - che chắn, việc lu bù.
Ai bảo được nhàn khi ở ẩn?
Bốn mùa, bận rộn nhất mùa thu.


193. Vịnh hoa cúc
Bài hai

Suốt cả mùa thu mưa, lắm mây.
Cúc trắng khắp nơi vẫn nở đầy.
May được trời cho hoa chịu rét,
Để vui với lão yếu già này.


194. Vịnh hoa cúc
Bài ba

Hôm nay lần nữa tiết trùng dương.
Vườn cũ cúc vàng đã ngậm sương?
Thú cũ rượu đàn giờ chợt nhớ,
Gãi tai, muốn viết phú “hồi hương” 1).

1. Nguyên bản: Quy lai. Đào Tiềm đời Tấn khi bỏ quan về nhà có làm bài “Quy khứ lai từ” nói về tình cảm của người ở ẩn đối với ruộng vườn, quê hương và nỗi nhọc nhằn của kẻ làm quan. Ở đây Trương Hán Siêu cũng có tâm trạng muốn từ quan.


195. Vịnh hoa cúc
Bài bốn

Năm ngoái ngày này đón khách xa,
Hoa nhiều, rượu ít, thẹn cho ta.
Quả thật ở đời nhiều trái khoáy:
Hôm nay có rượu lại không hoa.


196. Thơ làm ở Hóa Châu

Ngoái lại Trường An năm sắc mây.
Kiếp sống bơ vơ khổ lắm thay.
Đinh về ở ẩn mà chưa được,
Đành vịnh cái buồn với cỏ cây.


197. Thơ khắc trên núi Dục Thúy

Người đi không trở lại.
Núi vẫn xanh một màu.
Nền trời in vách đá
Nước sông soi bóng lầu.
Cáo biệt đời trôi nổi.
Sống sai đến bạc đầu.
Đến Ngũ Hồ sóng nước.
Tìm tảng đá ngồi câu.



NGUYỄN SƯỞNG

Không rõ quê quán, năm sinh và năm mất, hiệu là Thích Liêu, sống cùng thời với Trần Quang Triều (1286-1325). Qua thơ, biết ông từng làm quan dưới triều Trần. Còn lưu lại được 16 bài.


198. Trên sông

Cây đứng nghiêng nghiêng chỗ uốn cong.
Hoa mọc ven bờ, ngược dưới sông.
Buổi sáng thuyền đi, mưa lất phất.
Chiều ngắm chim bay giữa ráng hồng.


199. Sông Bạch Đằng

Mồ chôn quân giặc, cỏ xanh tươi.
Nước thủy triều dâng, núi ngút trời.
Ai biết Trùng Hưng 1) xưa chiến thắng,
Nửa do địa thế, nửa do người?

1. Biệt hiệu vua Trần Nhân Tông (1285 – 1293). Đây là giai đoạn lịch sử oanh liệt hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông.


200. Tiễn ông Đỗ Ẩn Cơ trở về Chí Linh

Giao du như bạn cũ.
Cùng đạo, cùng khoa trường.
Không hỏi trời hậu vận,
Tao nhã khác thói thường.
Gặp nhau xong, về núi,
Thuyền đầy trăng và sương.
Ông đi rồi, vắng bạn,
Chắc lòng nhiều vấn vương.


201. Ở làng

Hết xuân, đến mùa hạ.
Nằm khểnh nghe chim ca.
Bên cửa, gió hây hẩy.
Ngoài hiên, trăng in hoa.
Đánh cờ, vui là chính.
Uống rượu cốt ngà ngà.
Thoát khỏi chốn mơ mộng,
Nhờ hàng xóm nuôi gà.


202. Chùa Vạn Phúc ở Tiên Du 1)

Nghìn vàng mới dựng được chùa này.
Rì rầm như sóng, gió trên cây.
Mây che chùa cổ, nam và bắc.
Tháp tựa vòm trời, xưa lẫn nay.
Sư đi lấy nước nơi khe lạnh,
Quay về, như thể bước trên mây.
Muốn hỏi chuyện xưa “rìu mục cán” 2),
Chỉ thấy đá xanh rêu mọc dày.

1. Tức chùa Phật Tích hiện nay ở Bắc Ninh.
2. Gần chùa Phật Tích có núi Lạn Kha, tương truyền ngày xưa có chàng đốn củi lên nùi, thấy hai ông già chơi cờ, tò mò đứng xem. Khi họ chơi xong một ván, chàng quay lại nhìn thì thấy cán rìu của mình đã mục nát thành mùn.


203. Đi trên thuyền, chợt hứng, làm bài thơ này

Sông rộng, sóng yên, nắng xế tà.
Bác chài đang hát khúc dân ca.
Lơ lửng cầu vồng, mưa đã tạnh.
Thuyền vẽ hình chim với cỏ hoa.
Hồ hải mười năm, bè bạn ít.
Công danh hai chữ, quá phiền hà.
Thuyền con muốn cưỡi, theo Trương Hãn 1),
Phiền nỗi còn lo chút việc nhà.

1. Trương Hãn người quận Ngô, đời Tấn, làm quan ở đất Lạc. Ông là người có tài, tính tình phóng khoáng. Một hôm gió thu thổi, chợt nhớ vị rau tần, cá vược ở quê, bèn xin từ quan về nhà. Ở đây tác giả cũng có tâm tư như vậy nhưng vì việc riêng chưa về được.



TRẦN MẠNH

Tức vua Trần Minh Tông, sinh năm 1300, mất 1357, con thứ tư của vua Trần Anh Tông, cháu ngoại Trần Bình Trọng. Trong 15 năm làm vua (1314-1329) và những năm làm thượng hoàng sau đó, ông có nhiều chính sách củng cố thêm cơ nghiệp nhà Trần, giữ vững đất nước, thúc đẩy nông nghiệp, đề cao Nho học. Bản thân ông không xuất gia đi tu như nhiều vua trước. Hiện còn lưu được 25 bài thơ của ông.


204. Tặng Trần Bang Cẩn bức chân dung kèm theo bài thơ này

Đàng hoàng, tướng mạo rất oai phong.
Cốt cách như tùng giữa gió đông.
Mọi nét phong lưu đều vẽ được,
Trừ riêng cái đẹp của tấm lòng.


205. Chùa Cam Lộ

Màu xanh cây lá trải bao la.
Bên núi vầng dương rọi tới nhà.
Chim kêu da diết, càng hiu quạnh.
Một ngõ thôn buồn lác đác hoa.


206. Thơ đề ở chùa Đông Sơn

Núi biếc giống mây, mây giống núi.
Mây núi, sư già sống thảnh thơi.
Từ thuở Viên công về với Phật,
Không còn phật tử nữa trên đời.


207. Mưa đêm

Đèn mờ hiu hắt đợi ban mai.
Mưa trên tàu chuối tiễn đêm dài.
Biết mình ba chục năm lầm lỗi.
Buồn nghe mưa gió thổi bên ngoài.


208. Viếng quốc sư Huệ Nhẫn 1) ở chùa Quán Viên

Buộc tạm chiếc thuyền dưới gốc cây.
Nhớ cuộc chơi xưa ở bến này.
Nay sư mang giép về Tây Trúc 2).
Yên Hưng, con nước vẫn vơi đầy 3).

1. Chưa rõ là ai.
2. Tức đã đi tới cõi Phật. Đạt Ma, còn gọi là Bồ đề Đạt Ma, vị tổ thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ và là tổ thứ nhất phái Thiền Tông Trung Quốc. Ông mất năm 528, chôn ở núi Hùng Nhĩ. Khi Tống Vân phụng mệnh vua Ngụy đi Tây Vực trở về, thấy Đạt Ma xách một chiếc dép đi theo hướng tây. Vân hỏi đi đâu thì đáp đi Tây Trúc. Vân lấy làm lạ, bèn tâu với vua. Vua sai mở quan tài ra xem thì quả nhiên trong đó chỉ còn lại một chiếc dép.
3. Địa danh nơi có chùa Quán Viên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.


209. Đọc Kinh Dịch

Đọc nhiều, ba bận rách bìa da 1).
Thâu tóm đất trời rộng bao la.
Sách này giúp hiểu điều sinh diệt,
Ngẫm nhìn cây cỏ chết, ra hoa.
Nhìn đất, nhìn trời lòng chẳng thẹn,
Chọn khi ở ẩn, giúp sơn hà.
Một nén trầm nhang, hương nghi ngút.
Đôi tiếng chim kêu trước cổng nhà.

1. Theo sách cổ, Khổng Tử đọc Kinh Dịch rất nhiều lần, phải ba lần thay bìa da bọc sách.


210. Tặng hai sứ phương bắc là
Tát Chỉ Ngõa và Văn Tử Phương

Niên hiệu mới Chí Trị 1)
Vừa có tin đến đây.
Chống gậy nghe lời thánh,
Bày tỏ tấm lòng ngay.
Ánh sáng soi khe tối.
Hơi ấm sưởi cỏ cây.
Nay mai gặp thánh thượng,
Xin đừng quên xứ này.

1. Niên hiệu của vua Nguyên Anh Tông.


211. Biên giới nước Việt

Châu Tứ Minh đại Hán
Sát biên giới nước ta,
Tiếng nói không khác mấy,
Cũng chẳng phải cách xa.
Chỉ dãy núi ngăn trở,
Nhưng chung một tiếng gà.
Hoa, Di đâu có khác 1),
Cùng chung sống hài hòa.

1. Phong kiến Trung Quốc tự cho mình là nước văn minh duy nhất, còn các dân tộc khác đều là man di mọi rợ. Qua bài này, Trần Minh Tông đã bác bỏ điều đó.


212. Ngồi nhàn ngày xuân

Liễu đã xanh tươi, bóng phủ dày.
Rèm cuốn mà nhà nắng chẳng hay.
Tơ liễu hững hờ chao trước gió.
Bầy chim lặng lẽ đậu trên cây.
Lời lạy Tam Hoàng 1): Luôn giản dị.
Đạo huyền Ngũ Đế 2) diệu huyền thay.
Nghìn vàng cõi tục xin đem đổi
Nhàn nhã, vô tư, dẫu nửa ngày.

1. Tức Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng, các nhân vật thần thoại Trung Quốc.
2. Ngũ Đế gồm Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Đường Nghiêu và Ngu Thuấn, năm ông vua truyền thuyết Trung Quốc thời cổ.


213. Tháng Mười Một qua hồ
Vịnh Sơn 1), rạng sáng đậu thuyền lại

Trăng đang lặn ngoài thuyền.
Trời lạnh, ngủ không yên.
Tảng sáng, bóng núi nhạt.
Hơi khói đục bốc lên.
Việc cũ, giờ nghĩ lại,
Thấm thoắt ba chục niên 2).
Như chợt tỉnh, im lặng
Ngồi nhìn bếp mới nhen.

1. Chưa rõ ở đâu, có thể là một cửa sông của Lục Đầu Giang vì bài thơ này làm trên đường đi Chí Linh.
2. Hai câu này có lẽ nói tác giả hối tiếc việc giết oan bố vợ là Trần Quốc Chẩn ba mươi năm về trước.


214. Tiễn hai sứ Bắc là Tát Chỉ Ngõa và Triệu Tử Kỳ 1)

Xông pha ngựa trạm giữa sương dày.
Sao sáng sứ thần chiếu tận đây.
Muôn phương như một, lòng thiên tử.
Trượng phu ứng đối 2), chuyện xưa nay.
Mưa móc nhà Chu qua tiếng lụa 3).
Món quà đất Việt - áng thơ hay.
Đôi ngả bắc nam, mai tạm biệt,
Hai sứ cùng tôi cạn chén này.

1. Tên hai sứ thần nhà Nguyên được cử sang nước ta vào năm 1331, báo tin vua Văn Tùng lên ngôi.
2. Quyền được tùy nghi ứng phó khi đi sứ.
3. Theo Kinh Lễ, tiếng nói nhà vua nghe như tiếng lụa. Ở đây chỉ chiếu chỉ vua Trung Quốc gửi sang Việt Nam.

215. Sông Bạch Đằng

Núi như gươm giáo vút lên không.
Sóng biển triều dâng, nhuộm nắng hồng.
Mưa xuân mới tạnh, hoa đua nở.
Gió chiều xao động những cành thông.
Việt Hồ một phút phân thua thắng.
Đất nước hai lần lập chiến công.
Trời xế, Bạch Đằng màu đỏ rực,
Tưởng máu kẻ thù xưa trên sông.


216. Nhà Hàn Đường ở núi Nguyệt Án

Lòng trần còn vướng bụi phù hoa
Theo người tu Phật, áo cà sa.
Rầu rầu cảnh vật như thu muộn.
Dẫu tiết bây giờ mới tháng Ba.
Chỉ sợ thế gian không cảnh đẹp.
Đời nhiều người rỗi, thích chơi xa.
Ông này chắc luyện lòng như thép,
Đêm nằm không mộng rượu lê hoa.



TRẦN HIỆU KHẢ

Không rõ quê quán, năm sinh và năm mất, chỉ biết làm quan dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329), chức không to nhưng được gần vua, nổi tiếng lắm mưu mẹo và thích bông đùa, chỉ lưu lại được bài thơ bốn câu này.


217. Tức sự

Uyên Minh 1) thích say, ta không say.
Đồ Nam 2) ngủ nhiều, ta chẳng vậy,
Chỉ đánh một giấc đến tối ngày.
Mọi việc đều quên khi tỉnh dậy.

(1) Tøc §µo TiÒm (365-427), næi tiÕng kh¶ng kh¸i, yªu hoa cóc, thÝch uèng rưîu.
(2) Tøc TrÇn §oµn ®êi Tèng, t­ư¬ng truyÒn «ng cã thÓ nhÞn ¨n mµ ngñ nhiÒu ngµy liÒn.




PHẠM NGỘ

Năm sinh, năm mất không rõ, hiệu Liêu Khê, người huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông tính tình ngay thẳng, làm quan nổi tiếng thanh liêm. Hiện còn lưu lại được tám bài thơ.


218. Cảnh đêm trên sông

Trăng thu lạnh lẽo, khói như sương.
Chim kêu ai oán suốt đêm trường.
Sông như dải lụa, long lanh sáng.
Tiếng sáo làng chài nghe vấn vương.


219. Trên đường Chí Linh

Đường núi, mưa vừa tạnh.
Lên dốc lại xuống đồng.
Mây xanh vương vạt áo.
Chạm mũ, hoa vài bông.
Gặp sư, ngồi nói chuyện.
Ngắm núi, lòng chợt thông.
Mải nhìn, không để y
Trăng đã mọc phía đông.


220. Yết nhà thờ Vạn Tải 1)

Giữa trưa gà gáy, cửa không cài.
Hoa rụng đỏ vườn, chẳng thấy ai.
Hoang vắng làng xưa, cây rậm rạp.
Sợi khói cơm chiều thật mảnh mai.
Bèo bọt giàu sang, không đáng nói.
Công danh muôn kiếp chẳng mờ phai.
Bâng khuâng cảnh cũ, đau lòng khách.
Cỏ mọc đền hoang, lệ ngắn dài.

1. Tức đền thờ Lý Đạo Tái.


221. Đêm đậu thuyền ở bến Đại Than 1)

Phiêu dạt mười năm một lá thuyền.
Mưa gió phai màu chiếc áo đen.
Sương lạnh, chùa quê chuông khẽ điểm.
Thu về, chim én lượn làng bên.
Đất trời vô hạn, còn phiêu bạt.
Kim cổ vô cùng, đạo vẫn yên.
Đời đang thịnh trị, chưa về ẩn,
Dẫu đêm giấc mộng vẫn vương thiền.


222. Tức cảnh đêm thu

Nhà dột, đêm tàn, buồn, đếm sao.
Dế kêu rầu rĩ phía bờ rào.
Mái đầu tóc bạc bên đèn lạnh.
Một mình đọc sách, khói hương cao.
Gió thổi tiếng thu, cây uốn nhẹ.
Hơi lạnh theo trăng cứ chảy vào.
Đất khách, lòng buồn, không thiết việc.
Lá úa ngô đồng rụng xuống ao.


223. Cảm tác lúc chơi thuyền ở động Phù Thạch,
là nơi trước đây tổ tiên từng tu hành
            Bài một

Hôm nay trở lại chơi Phù Thạch.
Vẫn thế non sông, người bạc đầu.
Năm tháng trôi qua, không trở lại.
Khói sông nghìn dặm gợi thêm sầu.


224. Cảm tác lúc chơi thuyền ở động Phù Thạch,
là nơi trước đây tổ tiên từng tu hành
            Bài hai

Ngẫu nhiên gặp gỡ, cảnh và người.
Bèo dạt mây trôi cái cõi đời.
Thân thế mịt mù, ngồi ngắm cảnh.
Cô đơn thuyền khách, cánh chim trời.



PHẠM MẠI

Không rõ năm sinh, năm mất, anh ruột Phạm Ngộ, quê Giáp Sơn, phủ Tân Hưng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Tính ông vốn thẳng thắn nên trong đời làm quan nhiều phen bị giáng chức. Ông từng đi sứ nhà Minh với Nguyễn Trung Ngoạn. Hiện còn lưu lại được 5 bài thơ.


225. Nhân lúc rỗi, dùng thơ sáu chữ đề vào
bức tranh nhỏ trên tấm trướng thủy mạc

Cây đỏ bên dòng suối chảy.
Núi xanh treo mặt trời hồng.
Muốn lên thuyền, về ở ẩn,
Mà chẳng biết nên hay không.


226. Bày tỏ y nghĩ trước lúc chết

Từ ngày hóa kiếp xuống trần gian,
Hơn sáu mươi năm, hoa đã tàn.
Mai mốt chầu trời, lầu Bạch Ngọc 1).
Một mình vẫn lại tựa lan can.

1. Theo Đường Thư thì Lý Hạ một hôm giữa ban ngày mơ thấy có người mặc áo hồng mang đến chiếc thẻ có dòng chữ: “Thượng đế thành Ngọc Lâu, triệu quân tác ký”, nghĩa là Thượng đế đã xây xong lầu Bạch Ngọc, mời ông lên làm cho bài ký. Đọc xong, Lý Hạ chết.


227. Ngẫu hứng trên đường đi sứ phương bắc

Quán này trước từng ở.
Giờ dừng lại nghỉ ngơi.
Buổi sáng, mây sát cửa.
Mùa thu, lá rừng rơi.
Nhạn lạc bầy, tin vắng.
Vượn hú, nẫu lòng người.
Hỏi làm gì số phận.
Đi ở đã có trời.



NGUYỄN TỬ THÀNH

Không rõ quê quán, năm sinh, năm mất và sự nghiệp. Chỉ biết ông người đời Trần, hiệu Tùng Hiên. Hiện còn lưu được 11 bài thơ của ông.


228. Ngày thu ngẫu hứng

Muôn thôn lá úa, rụng rơi đầy.
Một mình, gió lạnh thổi tóc bay.
Năm tháng trôi qua không giữ được.
Đúng sai tự biết ở lòng này.


229. Nhà ở nơi thanh vắng

Loang lổ thềm rêu vệt nước nhòa.
Ngoài vườn xanh tốt bụi đình toa.
Ngủ dậy, ngày dài, lười, rỗi việc,
Buồn nhìn tơ nhện vướng cành hoa.


230. Vườn xưa

Gió tây thổi tóc dính vào hoa.
Chức quan nho nhỏ phải xa nhà.
Day dứt muốn về... Thu lại đẹp,
Nụ non sương trắng ướt đêm qua.


231. Chiều xuân dạo bên suối

Suối vắng, rừng hoang, đã hết đông.
Hoa nở xung quanh những chấm hồng.
Vui chân đi mãi, quên trời tối.
Đầu suối trăng tròn trên tán thông.


232. Tiếc xuân

Oanh thưa tiếng hót, bướm ngừng bay.
Thần hoa có ý bỏ nơi này.
Hoa chẳng còn xen vào giấc ngủ.
Theo mưa, xuân hết chín mươi ngày.


233. Chim cuốc

Chim cuốc vốn xưa hồn Thục Đế,
Được gọi chim tiên, quí khác thường.
Tới đây chỉ vì xuân núi đẹp,
Thiết gì lầu gác bậc quân vương.

1. Theo sách Thành Đô ký, vua nước Thục là Đỗ Vũ, sau khi chết đã hóa thành chim, gọi là chim đỗ quyên, dân gian gọi là chim cuốc.


234. Chiều xuân, dạo chơi vùng ngoại ô

Hoàng hôn, dừng ngựa nghỉ bên đình.
Nước suối trong veo rửa chén quỳnh.
Núi ruộng liền nhau, xanh một dải.
Nhà nhà trang điểm nụ hồng xinh.
Hứng thơ bất chợt dâng lai láng.
Trăng chiều soi bóng nước lung linh.
Một đêm ngủ tạm trong chùa vắng.
Bên đèn ngồi kể chuyện bình sinh.


235. Trong thuyền, ngắm cảnh chiều hôm

Bốn bề trời nước sạch, xanh trong.
Nhìn về phương Bắc, buồn mênh mông.
Mây bay, gió thổi hình thay đổi.
Trăng sáng hơn nhiều sau cơn giông.
Đã phân biệt rõ dòng Kinh, Vị. 1)
Hiểu hết tinh hà  2) cao trên không.
Nhặt màu xanh đỏ đưa lên bút.
Trên mui tựa cửa, ngổn ngang lòng.

1. Tªn hai con s«ng. S«ng Kinh n­ưíc trong, s«ng VÞ n­ưíc ®ôc. (Th¬ T« Thøc).
2. Tinh lµ c¸c v× sao. Hµ lµ s«ng Ng©n Hµ.


236. Đầu xuân

Cuối năm mai rụng, tuyết đang rơi.
Nghĩ đến thời gian, lạnh khắp người.
Liễu rũ nhà ai soi bóng nước.
Buồng sách phòng văn chỉ muốn lười.
Ong đi lấy mật quanh hoa lá.
Bướm trộm hương vàng bay lả lơi.
Trong vườn đi dạo, xuân đang đến.
Hoa nở muôn màu, khoe sắc tươi.


237. Thơ làm khi thuyền đi qua Tiên Du, Bắc Giang

Quá độ Tiên Du, thuyền nối nhau.
Thẹn cảnh xanh tươi, mình bạc đầu.
Nửa ngọn tháp cao vương nắng nhạt.
Trăng chiếu chênh vênh bốn nhịp cầu.
Sau mưa, biển lúa vàng tít tắp.
Vách núi, rừng phong đỏ một màu.
Ngược nước, muốn về, về chẳng được.
Ngày nào mới đến được Thần Châu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét