Cổ Tích Việt Nam
ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
Xưa có chàng Vạn Lịch,
Một lái buôn rất giàu.
Giàu đến mức vàng bạc
Không biết để vào đâu.
Một trăm thuyền bằng gỗ,
Ngược xuôi khắp mọi miền.
Vợ là nàng Mai Thị,
Vừa đẹp vừa dịu hiền.
Có điều chàng Vạn Lịch,
Yêu vợ thì có yêu,
Nhưng vì nàng xinh đẹp,
Nên cũng ghen ít nhiều.
Lần nọ, trên bãi vắng,
Thuyền dừng lại nghỉ ngơi.
Mai Thị ngồi đầu mũi,
Ngắm nước và nhìn trời.
Bỗng một người đánh giậm,
Mặc chiếc khố màu nâu,
Từ dưới nước đứng dậy,
Cúi xin một miếng trầu.
Vốn thương người nghèo khổ,
Nàng đưa cho anh ta.
Vừa đúng lúc Vạn Lịch
Từ khoang thuyền đi ra.
Cơn ghen tuông vô lý
Chợt bùng lên, rồi chàng
Mắng chửi và đuổi vợ,
Chỉ cho một nén vàng.
Thanh minh mãi không được,
Nàng gạt lệ ra đi.
Lang thang trên bãi vắng,
Không biết phải làm gì.
Bất chợt nàng lại gặp
Anh đánh giậm xin trầu.
Biết anh chưa có vợ,
Nàng nói, giọng buồn rầu:
“Âu cũng là duyên phận.
Vì anh, tôi mất chồng.
Vậy anh có cho phép
Tôi làm vợ anh không?”
Và thế là từ đó,
Hai người sống bên nhau.
Chồng đánh giậm như cũ.
Vợ nuôi gà, trồng rau.
Túp lều tranh bé nhỏ
Thành tổ ấm hai người.
Thời gian trôi, thấm thoắt,
Đã hơn ba năm trời.
Một hôm, thấy lũ vịt
Đi lạc vào vườn rau,
Anh chàng liền lục lọi
Trong chiếc thúng đồ khâu.
Thấy có nén vàng nhỏ,
Chẳng biết là cái gì.
Cầm lên, nhằm lũ vịt,
Anh vung tay ném đi.
Không ngờ ném mạnh quá,
Nén vàng bay xuống sông.
Mai Thị thấy, chạy đến
Vừa khóc vừa trách chồng:
“Không lẽ chàng không biết
Rằng đấy là vàng mười?”
Anh chồng, vốn ngu ngốc,
Chỉ vừa nói vừa cười:
“Vàng ư, vàng là quý?
Ôi dào, ngoài bãi sông,
Tôi đã gặp nhiều lắm.
Nàng muốn có vàng không?”
Giờ đến lượt Mai Thị
Ngạc nhiên đi theo chàng.
Đến nơi thì chợt thấy
Có rất, rất nhiều vàng.
Số là chàng Vạn Lịch
Sau khi đuổi vợ đi.
Buôn bán luôn thua lỗ,
Chẳng hiểu vì cớ gì.
Rồi một lần gặp bão,
Chiếc thuyền lớn của chàng,
Bị chìm gần bãi trước,
Và tất cả bạc vàng
Vùi lẫn trong bùn đất,
Cứ lổn nhổn dưới chân,
Là nơi anh đánh giậm
Nhặt lên rất nhiều lần.
Nhặt lên rồi lại vứt.
Vì đơn giản anh chàng,
Ngờ nghệch, không hề biết
Rằng đó chính là vàng.
Cả kho vàng Vạn Lịch
Rốt cục đã về tay
Hai vợ chồng Mai Thị.
Họ dùng số vàng này
Xây nhà cao cửa rộng,
Lộng lẫy như hoàng cung.
Còn vung tay ban phát
Cho người nghèo trong vùng.
Về sau, anh đánh giậm
Rất tình cờ, một lần
Giúp được vua khỏi bệnh
Và được vua ban ân
Cho làm chức quan nhỏ -
Tuần ty bến sông này.
Tàu thuyền ai qua lại
Cũng phải ghé vào đây.
Một hôm chàng Vạn Lịch
Cùng đoàn thuyền đi ngang.
Theo lệ, vào trình báo
Và nộp thuế chở hàng.
Nhìn thấy anh đánh giậm
Và Mai Thị, vợ mình,
Chàng Vạn Lịch xấu hổ,
Đứng cúi đầu, lặng thinh.
Để chuộc lỗi, sau đó,
Còn lại bao nhiêu vàng,
Chàng di chúc để lại
Cho Mai Thị, còn chàng
Thì bỏ đi biệt tích.
Không ai biết đi đâu.
Có thể chàng đã chết,
Xác vùi dưới sông sâu.
Hay tin này, Mai Thị
Khóc đỏ mắt, thương chàng.
Rồi xin vua cho phép
Đem hết cả bạc vàng
Đúc một đồng tiền mới
Phân phát cho mọi người.
Đó là đồng Vạn Lịch,
Được lưu truyền nhiều đời.
SỰ TÍCH CÁ HEO
Xưa có nhà sư trẻ,
Mộ đạo và thông minh.
Ba mươi năm tu luyện
Đã thuộc nghìn pho kinh.
Một hôm ông tự hỏi:
“Ta tu Phật đã lâu,
Sao chưa thành chính quả?
Vậy nguyên nhân do đâu?”
Và rồi ông quyết định
Phải khăn gói hành hương,
Sang Tây Trúc hỏi Phật,
Dẫu nghìn vạn dặm đường.
Một chuyến đi gian khổ,
Với vô vàn khó khăn.
Đói, rét rồi mưa bão,
Và suýt chết nhiều lần.
Một hôm, trời vừa tối,
Đến một khu rừng già.
Thật may, ông nhìn thấy
Trước mặt có ngôi nhà.
Khi nghe ông gõ cửa
Xin phép ngủ qua đêm.
Nếu nhà không còn chỗ
Thì ngủ ngay ngoài thềm.
Bà chủ nhà vội vã
Cho ông một bát kê,
Rồi đuổi đi. Bà nói:
“Con trai tôi sắp về.
Nó là con ác quỉ
Rất thích ăn thịt người”.
Nhà sư vứt tay nải:
“Tôi đang mệt rã rời.
Xin phép được ở lại.
Có chết cũng cam lòng”.
Bà chủ nhà thấy vậy,
Bèn đưa ông vào trong.
Đẩy ông xuống hầm đá,
Đặt đống củi lên trên.
Bảo nếu không muốn chết
Thì phải nằm thật yên.
Trời tối hẳn, ác quỉ,
Con trai của bà già,
Vai vác nửa con hổ,
Mệt mỏi bước vào nhà.
Rồi hắn chợt nhíu mũi:
“Nhà có thịt, mẹ ơi”.
“Thì thịt con đang
vác”.
“Không, đây là thịt
người”.
Hắn vứt nửa con hổ,
Lục lọi khắp căn nhà.
Một lát sau, thích thú
Xách nhà sư đi ra.
Hắn dí dao vào cổ,
Rồi quát: “Hãy nói
mau.
Mày từ đâu đi đến,
Là ai và đi đâu?”
Nhà sư đáp: “Mô Phật.
Tôi từ xa đến đây.
Đang trên đường tìm
Phật.
Đã hơn năm tháng nay”.
“Phật là ai, hắn hỏi.
Mày tìm để làm gì?”
Nhà sư bèn thành thật
Kể hết về chuyến đi.
Rồi ông nói về Phật,
Về đạo pháp của Ngài.
Về việc thiện, về
phước
Nếu theo Phật Như Lai.
Mà ông nói hay lắm.
Đến mức khi nghe xong,
Bà mẹ và con quỉ
Xúc động đến mềm lòng.
Hôm sau, chính con
quỷ,
Nghe Phật đã hoàn
lương,
Cho thức ăn, đồ uống
Tiễn nhà sư lên đường.
Hắn hỏi: “Muốn dâng
Phật,
Nên dâng gì, thưa
ông”.
Đáp: “Tức Tâm tức Phật.
Hãy dâng Phật tấm
lòng”.
Con quỉ lấy dao nhọn,
Rạch bụng, moi tim
gan:
“Nhờ ông mang giùm nó,
Dâng Phật ở Niết Bàn”.
Ông không ngờ con quỉ
Hiểu sai ý câu này.
Không thể cho trở lại.
Giờ biết làm sao đây?
Và rồi, cực chẳng đã,
Nhà sư lấy bộ lòng,
Còn đầm đìa máu ướt,
Cho vào tay nải ông.
Ông cứ đi mải miết
Liên tục năm ngày
liền,
Cuối cùng mới ra khỏi
Khu rừng già tối đen.
Trước mặt ông là biển.
Nước và mây một màu.
Cảnh vật đẹp kỳ diệu,
Nhưng ông thì buồn
rầu.
Buồn vì tay nải nặng
Đã bốc mùi, đường xa.
Buồn cả việc vì nó,
Không ai cho vào nhà.
Không chịu thêm được
nữa,
Ông đã vứt bộ lòng
Cùng với chiếc tay nải
Xuống đại dương mênh
mông.
Ông đi tiếp, đi mãi,
Không quản ngại đường
xa,
Cũng đến được Tây
Trúc,
Quỳ trước Phật Thích
Ca.
Khi ông hỏi Đức Phật
Tu lâu ngày, vì sao
Vẫn không thể đắc đạo?
Bỗng nghe từ trên cao
Có tiếng nói vọng
xuống:
“Con chưa đắc Đạo
Thiền
Vì còn thiếu một
vật...”
Ông bối rối nhìn lên,
Và thấy bên Đức Phật
Có hai người đang
ngồi,
Là mẹ con ác quỉ.
Ông mới gặp vừa rồi.
Giờ thì nhà sư hiểu,
Lòng hổ thẹn với lòng.
Cúi thấp đầu chào
Phật,
Quay nhẹ bước, và ông
Quyết tâm tìm bằng
được,
Dẫu phải tìm suốt đời,
Bộ lòng của con quỉ,
Tấm lòng của con
người.
Ông lặn ngụp dưới
biển,
Bám theo các mái chèo.
Tìm kiếm, tìm kiếm
mãi,
Chết, thành con cá
heo.
Đó là một loài cá
Thở bằng phổi như
người,
Tìm kiếm sự đắc đạo
Giữa mịt mù biển khơi.
SỰ TÍCH LOÀI KHỈ
Xưa có cô gái nọ,
Con một gia đình nghèo,
Tốt bụng nhưng xấu xí,
Da đen, gầy quắt queo.
Nhiều năm cô đi ở
Cho một trưởng giả giàu.
Đã quần quật làm việc,
Còn thường bị đánh đau.
Một hôm, nhà trưởng giả
Có lễ tiệc linh đình.
Chủ khách cùng vui vẻ.
Chỉ riêng cô một mình
Phải luôn chân gánh nước
Và rửa bát luôn tay.
Hết chạy đi, chạy lại,
Còn bị mắng suốt ngày.
Cuối cùng, cô mệt quá,
Ra bờ giếng trước nhà,
Ôm mặt, tấm tức khóc.
Chợt có một ông già
Vai mang chiếc bị rách,
Chống gậy bước lại gần.
Ông nhìn cô, im lặng,
Chìa chiếc bát xin ăn.
Dẫu bụng đang rất đói,
Nhưng biết sống có tình,
Cô vội đi vào bếp,
Lấy phần thức ăn mình.
“Cháu có bát cơm nguội,
Cụ ăn cho ấm lòng.
Cháu ăn rồi”, cô nói,
Hai tay đưa mời ông.
“Lúc nãy cháu vừa khóc. -
Ông già hỏi. - Vì sao?
Có chuyện gì phiền muộn,
Hãy nói ta nghe nào”.
Bất chợt, trong nháy mắt,
Ông già hiện nguyện hình
Là Ông Bụt đức độ
Với ánh mắt thông minh.
Cô gái thấy, sung sướng,
Liền kể hết nỗi lòng.
“Con muốn gì?” Bụt hỏi.
“Con chỉ muốn xin Ông
Cho da con được trắng,
Trắng một chút mà thôi.
Để con đỡ xấu xí”.
Bụt nghe xong, mỉm cười:
“Con hãy xuống dưới ấy.
Có nhiều hoa trong ao.
Tùy ý con lựa chọn.
Con thích loại hoa nào
Thì hút nhụy hoa ấy”.
Vì đang muốn trắng da,
Cô hút nhụy hoa trắng.
Khi bước lên, úi chà.
Cô thành người khác hẳn.
Làn da trắng như bông.
Khuôn mặt cũng đầy đặn.
Đôi má hơi ửng hồng.
Bộ quần áo đang mặc,
Bẩn, xấu xí, màu nâu
Bỗng trở thành tơ lụa,
Sặc sỡ đủ các màu.
*
Khi cô gái quay lại
Với thực khách trong nhà,
Mọi người rất kinh ngạc,
Đến mức không nhận ra.
Cô kể hết mọi chuyện,
Cả nhà ông nhà giàu
Và đám khách bỏ đũa
Vội vàng chen chúc nhau
Cùng chạy ra bờ giếng.
Họ mừng, thấy ông già
Vẫn ngồi yên ở đấy,
Lặng lẽ bên gốc đa.
Thế là xôi và thịt
Được đưa, mời ông ăn.
Họ xin ban cho họ
Những cái họ đang cần.
Ông già, như lúc nãy,
Bảo cứ việc xuống ao.
Tùy ý mình lựa chọn,
Thấy thích loại hoa nào
Thì hút nhụy hoa ấy.
Họ làm theo, và rồi,
Nghĩ hoa đỏ mới đẹp,
Hút nhụy xong, than ôi,
Da họ thành màu đỏ,
Lại nhăn nheo, đầy lông.
Hơn thế, mỗi người mọc
Một cái đuôi sau mông.
Nghĩa là họ thành khỉ,
Không còn nói tiếng người,
Chỉ kêu lên the thé,
Bộ dạng rất buồn cười.
Dân trong làng thấy vậy,
Đuổi chúng vào rừng sâu.
Họ thừa hưởng của cải
Của ông trưởng giả giàu.
Lũ khỉ, vì tiếc của,
Nhiều đêm lại mò về.
Gây không ít phiền toái
Và lắm trò nhiêu khê.
Dân làng và cô gái
Tìm cách đuổi chúng đi.
Bôi mắm tôm lên cửa
Và đủ thứ gì gì.
Hơn thế, họ nung đỏ
Lưỡi cuốc và lưỡi cày
Rồi đặt sẵn bên cửa
Và dưới các gốc cây.
Quả nhiên, đêm, lũ khỉ
Lại kéo nhau về làng.
Ngồi lên những chiếc cuốc
Và lưỡi cày bằng gang.
Chúng ôm đít, la hét,
Bỏ chạy lên núi cao.
Từ đấy không còn dám
Quay trở lại lần nào.
Cho nên, không đáng lạ,
Loài khỉ sợ mắm tôm.
Còn đít thì từ ấy
Đến nay vẫn đỏ lòm.
TRUYỆN HAI ÔNG ĐÔ NGHÊ VÀ ĐÔ VOI
Một ông vua Đời Lý
Du ngoạn đến xứ Đoài,
Thấy một sườn núi đá
Tự nhiên nứt thành hai.
Và từ khe nứt ấy
Có hai người đi lên.
To cao như hộ pháp,
Trùi trũi da sẫm đen.
Mỗi người một tảng đá
Rất to lớn trên vai,
Nhà vua liền cho lính
Đến hỏi họ là ai.
Họ dừng lại và đáp:
“Tâu bệ hạ, chúng tôi
Là con của Thần Núi,
Hai anh em sinh đôi”.
“Các ngươi cao lớn thế,
Vậy có tài nghệ gì?”
“Chúng tôi giỏi môn vật,
Chiến thắng mọi cuộc thi”.
Vua mừng lắm, mời họ
Cùng về cung với ngài.
Rồi cho mở hội vật,
Tưng bừng và kéo dài.
Tuy nhiên, các đô vật
Giỏi nhất của kinh đô
Không người nào địch nổi
Hai anh em khổng lồ.
Hơn thế, tay họ khỏe.
Vô tình chạm tới đâu
Là chỗ ấy xương gãy
Và thịt rách, rất đau.
Cho nên các đô vật
Thấy ông liền chạy dài.
Vua vui mừng, lập tức
Xuống chiếu cho cả hai
Được vào trong cung cấm
Làm thị vệ cho mình.
Họ xin phép không mặc
Quần áo của triều đình,
Mà tiếp tục đóng khố
Như thời còn trong hang.
Từ đó họ túc trực
Ngày đêm bên ngai vàng.
Vì không có tên họ,
Hai anh em sinh đôi
Được vua ban tên mới
Là Đô Nghê, Đô Voi.
Trung thành và tận tụy,
Không một phút lơ là,
Họ trở thành trụ cột
Bảo vệ cả hoàng gia.
Những lần vua đi vắng,
Họ ra đứng trước thành.
Gươm và giáo sáng loáng,
Thay cho nghìn lính canh.
Quắc mắt đứng bất động.
Không ai dám lại gần.
Không nghỉ ngơi, ăn uống,
Có khi đến mấy tuần.
Vào những năm giặc giã,
Họ có mặt kịp thời.
Luôn tả xung hữu đột
Như giữa chỗ không người.
Hai tấm thân hộ pháp
Lừng lững giữa chiến trường.
Cung nỏ bắn không thủng.
Giáo đâm không bị thương.
Vì thế, giặc hoảng sợ,
Chưa kịp đánh đã thua.
Hai anh em Thần Núi
Rất được lòng nhà vua.
Ngài ban thưởng hậu hĩnh,
Nhiều tơ lụa, bạc vàng.
Hai người vẫn đóng khố
Như ngày nào trong hang.
Vốn trung thực, khẳng khái,
Không nể ai, sợ ai,
Họ nói điều sai trái
Trong triều đình của ngài.
Vì vậy, không đáng lạ,
Nhiều người ghét hai ông.
Chưa có cớ để hại,
Đành ấm ức trong lòng.
*
Thời ấy vua mộ Phật,
Cho xây nhiều chùa chiền.
Lần nọ, một chiếc tháp
Được xây ở Long Biên.
Để nhìn được bốn phía,
Tháp phải cao chạm mây.
Hàng nghìn người phục dịch,
Cả đêm và cả ngày.
Hai ông con Thần Núi
Nhân một hôm đi chơi,
Thấy có chiếc cột lớn,
Đổ, đè chết nhiều người.
Họ dựng lại chiếc cột
Rồi đi về phía thành.
Vừa đi vừa lẩm bẩm:
“Phật làm hại dân lành”.
Không ngờ câu nói ấy
Lọt vào tai một người
Vốn lâu nay ghét họ,
Đang chờ dịp, đợi thời.
Người ấy, một quan lớn,
Liền vào cung tâu ngay.
Còn xui vua giết họ
Trừ hậu họa sau này.
Vua cả tin, nghe hắn.
Vậy là sáng hôm sau
Cả hai ông hộ pháp
Bị đưa ra chém đầu.
Nhưng bốn tên đao phủ
Không thể chém chết ông.
Thanh đao lớn của chúng
Như chém vào tượng đồng.
Cả bốn con ngựa kéo
Để phanh thây hai người,
Cũng đứng im bất động,
Hý, ngửa mặt lên trời.
Mọi người sợ xanh mắt.
Cuối cùng một nô tỳ
Hiến một kế độc ác,
Làm họ chết tức thì.
Người ta xuyên cật nứa
Từ hậu môn đến đầu,
Khiến hai ông quằn quoại
Và ngất lịm vì đau.
*
Vì tin lời xúc xiểm
Mà giết hại trung thần,
Đời Lý thành lụn bại,
Nhường chỗ cho đời Trần.
CỨU VẬT TRẢ ƠN,
CỨU NHÂN TRẢ OÁN
Xưa có anh chàng nọ
Hiền lành nhưng hơi lười.
Không tài nghệ gì lắm,
Chỉ tốt bụng, thương người.
Kể từ ngày vợ chết,
Tài sản cứ bán dần.
Có nhiều ngày đói quá,
Phải ngửa tay xin ăn.
Xin ăn thì nhục quá,
Chàng quyết định đổi nghề.
Ai cần gì làm nấy.
Nôm na là làm thuê.
Nhưng làm thuê thì mệt,
Về nhà xương cốt đau.
Chủ lại mắng xa xả.
Chàng quyết định đi câu.
Tối hôm ấy chàng nhận
Ba mươi đồng tiền công.
Đem mua câu, mua lưỡi.
Sáng vác ra bờ sông.
Chàng câu rất hăm hở,
Thế mà rồi, lạ sao,
Ngồi từ sáng đến tối
Chẳng câu được con nào.
Cuối cùng, phao chìm xuống.
Chàng nhè nhẹ kéo lên.
Chỉ là con rắn nước,
Nhỏ bé, màu mờ đen.
Bực mình, chàng cầm nó
Ném thẳng xuống dòng sông.
Một lát sau chính nó,
Lại dính câu, chán không?
Cuối cùng, thêm lần nữa
Vẫn là con rắn này.
Vừa thương vừa tức giận,
Chàng bảo nó: “Thôi mày.
Tao vốn đã nghèo khổ,
Trong túi chẳng có gì.
Tao đang cần câu cá.
Làm ơn, mày đi đi”.
Con rắn nước liền đáp:
“Tôi là con Thủy Tề.
Hãy để tôi làm bạn,
Cho tôi cùng theo về”.
Mặc dù không tin lắm,
Nhưng hiền lành, thật thà
Chàng đồng ý, từ đó
Cho cùng sống chung nhà.
Nhờ bạn rắn giúp đỡ,
Cá thi nhau cắn câu.
Hàng ngày ra chợ bán.
Chẳng mấy chốc thành giàu.
Một hôm, rắn cho biết
Rằng trong vòng ba ngày
Trời mưa to, lụt lớn,
Chưa từng có xưa nay.
Nghe lời, chàng lấy nứa
Đóng một chiếc bè to.
Chất của cải lên đấy,
Cả gà lợn và bò.
Chàng cũng khuyên hàng xóm
Bắt chước mình đóng bè,
Chuẩn bị sẵn mọi thứ.
Tiếc rằng không ai nghe.
Ba ngày sau, quả thật,
Trời bỗng nổi mưa giông.
Suốt cả tuần không dứt,
Ngập hết làng, hết đồng.
Đâu cũng nước là nước.
Một màu trắng bao la.
Chờ khi mưa tạnh hẳn,
Họ mới trở về nhà.
Dọc đường thấy tổ kiến
Giữa dòng nước trôi nhanh.
Rắn nói: “Hãy vớt chúng.
Sau chúng sẽ giúp anh”.
Cũng theo lời con rắn,
Chàng vớt lên bè mình
Một chú chuột sắp chết
Và con trăn màu xanh.
Cuối cùng, họ nhìn
thấy
Có một người đàn ông
Đang bám vào khúc gỗ
Mặc nước trôi theo
dòng.
Chàng dừng bè, định
vớt.
Con rắn nói: “Không
nên.
Hắn sẽ hại anh đấy!”
Nhưng chàng vẫn vớt
lên.
Chàng cho hắn sưởi ấm,
Nước uống và thức ăn.
Đối xử rất tử tế.
Còn cho cả áo quần.
Vì mất hết nhà cửa,
Chẳng biết đi về đâu,
Chàng cho hắn ở lại,
Như anh em với nhau.
*
Không lâu sau, con rắn
Muốn về thăm Thủy
Cung.
Để có người làm bạn,
Nó rủ chàng đi cùng.
Dọc đường, con rắn
nói:
“Bố tôi có tặng anh
Gì cũng không được
nhận.
Chỉ xin chiếc đàn
tranh”.
Vua Thủy Tề vui lắm
Và thực lòng quý
chàng.
Làm quà, vua muốn tặng
Châu báu và bạc vàng.
Nhưng nhớ lời rắn dặn,
Chàng một mực lắc đầu,
Chỉ xin chiếc đàn quí.
Vua do dự hồi lâu
Cuốí cùng cũng đồng ý.
Thế là chàng ra về
Với món quà kỳ diệu -
Chiếc đàn vua Thủy Tề.
Biết nó quý, sợ mất,
Chàng luôn giấu chiếc
đàn
Trong cái hố đào sẵn
Ở ngay dưới chân bàn.
Chàng dặn gã cùng ở
Không xem, không tò
mò.
Nhưng hắn đã lấy trộm
Rồi bỏ lên kinh đô.
*
Thời ấy giặc phương
Bắc
Đem quân đánh nước ta.
Giặc đông, lại tàn ác,
Giết người và đốt nhà.
Hắn xin vua đánh giặc,
Ngồi trên thành gảy
đàn.
Giặc nghe tiếng đàn
ấy,
Không đánh mà tự tan.
Vua xuống chiếu phong
hắn
Giữ chức Đại Tướng
Quân.
Ngoài ra còn hậu hĩnh
Ban cho nhiều đặc ân.
Hơn thế vua cho hắn
Được lấy con gái ngài.
Một công chúa xinh
đẹp,
Đa cảm và đa tài.
Tuy nhiên, trước ngày
cưới,
Không ai hiểu vì sao,
Bỗng nhiên, nàng im
lặng,
Không nói một lời nào.
*
Lại nói chàng câu cá,
Khi biết mất chiếc
đàn,
Liền lên đường tìm
kiếm,
Trải qua nhiều gian
nan.
Cuối cùng, chàng gặp
hắn,
Người được cứu hôm
nào.
Nhưng hắn vờ không
biết,
Còn tống vào nhà lao.
Một mình trong ngục
tối,
Đang oán phận trách
thân
Chàng gặp lại bầy kiến
Mà chàng là ân nhân.
Khi nghe hết mọi
chuyện,
Bầy kiến rời khỏi hang
Để nhờ chú chuột xám,
Tìm cách giúp đỡ
chàng.
Chú chuột nặng ân
nghĩa
Lại đi tìm bác trăn.
Bác cho một viên ngọc
Để cứu giúp ân nhân.
Bác bảo lấy viên ngọc
Đem mài với nhân sâm
Đem cho công chúa
uống,
Sẽ chữa khỏi bệnh câm.
Nhờ uống nước viên
ngọc,
Nàng công chúa con vua
Ngay lập tức khỏi bệnh,
Lại nói hát, vui đùa.
Câu đầu tiên nàng nói
Là muốn được lấy chàng.
Sau khi nghe mọi
chuyện,
Nhà vua liền vội vàng
Bắt giam tên đại
tướng,
Chờ ra đoạn đầu đài.
Còn chàng, anh đánh
cá,
Thì lấy con gái ngài.
Đám cưới được tổ chức,
Vui suốt ba tháng
liền.
Dân thả sức ăn uống,
Còn được quà, được
tiền.
Câu “cứu nhân trả oán”
Ta thường nghe ngày
nay
Có nguồn gốc, xuất xứ
Từ chuyện cổ tích này.
CHÙM CHÌA KHÓA
Xưa có ông thầy thuốc
Chính trực và hiền từ,
Chính trực và hiền từ,
Chữa bệnh gì cũng khỏi,
Được tôn là danh sư.
Trong vùng nơi ông sống
Có một người đàn bà
Có chồng nhưng lơ lẳng,
Có chồng nhưng lơ lẳng,
Cứ thích thói trăng hoa.
Một lần, ông chồng ốm,
Bà muốn nhân dịp này
Giết ông để lấy kẻ
Bà tằng tịu lâu nay.
Bà nghĩ ra kế độc -
Nhờ danh sư thầy lang
Kê một liều thuốc độc.
Hối lộ nửa nén vàng.
Ông thầy thuốc từ chối.
Nói mãi cũng không nghe.
Cuối cùng, cực chẳng đã,
Để đuổi bà ta về,
Ông bốc một thang thuốc
Loại vô hại, rẻ tiền.
Nói: “Sắc cho chồng uống.
Ông ấy sẽ chết liền”.
Bà kia liền hý hửng
Đem thuốc sắc cho chồng.
Chỉ còn chờ thuốc nguội
Là âm mưu thành công.
Vô tình, một con rết
Đang leo trên xà nhà
Để rơi giọt nọc độc
Đúng bát thuốc của bà.
Vì vậy, sau khi uống,
Người đàn ông chết liền
Ông thầy thuốc nghe thế,
Hoảng sợ và ngạc nhiên.
“Không thể như vậy được.
Làm thầy thuốc giúp đời.
Thế mà rồi bỗng chốc
Lại thành kẻ giết người”.
Và dẫu không ai biết,
Bị trừng phạt cũng không,
Nhưng lương tâm day dứt.
Cuối cùng, không cầm lòng,
Ông ném chùm chìa khóa
Các ô thuốc của mình
Xuống dòng sông chảy xiết
Rồi thề trước thần linh:
“Tôi đã làm thầy thuốc
Hơn bốn mươi năm nay.
Giờ xin gửi Hà Bá
Giờ xin gửi Hà Bá
Giữ chùm chìa khóa này.
Từ nay tôi giải nghệ,
Không chữa bệnh cho ai.
Trừ phi được nhận lại
Chùm chìa khóa từ ngài”.
Và quả thật, từ đó
Ông không hề một lần
Chạm vào các ô thuốc.
Cũng không tiếp bệnh nhân.
*
Có một anh chàng nọ
Chuyên đánh cá trên sông.
Một hôm vợ trở dạ
Sinh đứa con đầu lòng.
Có điều, trở dạ mãi
Mà con không chịu ra.
Thử mọi cách không được,
Nên cuối cùng anh ta
Đến nhờ ông thầy thuốc,
Khóc lóc rồi van nài.
Nhưng ông vẫn không giúp.
Ai thế nào mặc ai.
Lúc ấy ông vừa dậy,
To tiếng gọi con sen
Lấy nước ông rửa mặt.
“Nước rửa mặt, nhanh lên”.
Thế mà anh đánh cá
Lại nghe nhầm câu này
Thành “té nước vào mặt”,
Liền vội về nhà ngay.
Anh lấy một xô nước
Hắt lên mặt vợ mình.
Cô vợ đang thiêm thiếp,
Sợ quá, kêu thất kinh.
Và thế là đứa bé
Tự nhiên lọt ra ngoài.
Ai cũng coi thầy thuốc
Là đại sư, đại tài.
Còn anh chàng đánh cá
Thì ngay ngày hôm sau
Đến biếu ông con cá
Rất to, vừa mới câu.
Ông thầy thuốc từ chối,
Bảo không phải nhờ ông.
Cuối cùng nói khó mãi,
Ông mới chịu bằng lòng
Lấy một nửa con cá.
Và khi ông cầm dao
Cắt đôi con cá ấy,
Thì thật lạ lùng sao.
Ông thấy trong bụng nó
Chùm chìa khóa của ông
Mà trong lúc phẫn chí,
Ông đã vứt xuống sông.
Từ đấy, lại lần nữa
Ông chữa bệnh giúp đời,
Bắt mạch và kê thuốc,
Cứu sống được nhiều người.
SỰ TÍCH LOÀI NHÁI
Xưa có vị hòa thượng
Trẻ tuổi và đẹp trai.
Rất chân tu, mộ đạo.
Ai cũng yêu mến ngài.
Tâm thức ngài thanh thản,
Tĩnh lặng như mặt hồ.
Không gợn chút vẩn đục,
Không gợn cả buồn lo.
Tụng kinh và niệm Phật,
Luôn tâm nguyện giúp đời.
Và ngài, dẫu còn trẻ,
Đã giúp được nhiều người.
Tiếng lành đồn đại mãi,
Cuối cùng đến tai vua.
Vua liền mở ngân khố,
Cho xây một ngôi chùa.
Nó trở thành Quốc Tự,
To lớn và uy nghi.
Rồi ban Quốc Sư tước,
Mời ngài làm trụ trì.
Tuy nhiên, ngài từ chối,
Xin phép được tự do
Để nay đây mai đó,
Thăm thú cảnh sông hồ.
*
Lần nọ, ngài du ngoạn
Lên núi rừng Miền Tây,
Nhân tiện thăm người bạn
Không gặp đã lâu ngày.
Quán Thế Âm Bồ Tát
Nghe tiếng ngài từ lâu.
Nên tò mò muốn biết
Ngài đức độ đến đâu.
Nếu đúng như đồn đại,
Ngài sẽ được Phật Bà
Cho chứng A La Hán,
Đêm ngày bên Thích Ca.
*
Khi thấy vị hòa thượng
Sắp qua một con sông.
Phật Bà liền hóa phép
Làm bến đò trống không.
Phật biến thành cô gái
Xinh đẹp như Hằng Nga,
Chèo một con đò nhỏ
Để chở ngài đi qua.
Đến giữa sông, cô gái
Bẻ lái, cho đi ngang,
Miệng cười rất tình tứ,
Tới một bãi đất hoang.
Ngạc nhiên, hòa thượng hỏi.
Cô gái chỉ mỉm cười,
Rồi lên khoang, ngồi xuống,
Lẳng lơ ngã vào người.
“Không! A Di Đà Phật!
Tôi là người tu hành.
Xin cô đừng làm thế.
Mà phải tội, ô danh”.
Bất chấp lời hòa thượng,
Cô gái vẫn không tha.
Ngài lấy cuốn Kinh Phật,
Luôn miệng đọc ê a.
Khi thấy cô gái đẹp
Cởi trần, sắp lõa lồ,
Ngài liền rút trong áo
Một tờ giấy khổ to:
“Đây là tờ Lệnh Chỉ
Tôi được nhà vua trao.
Ai trái lệnh sẽ chết.
Mời cô mặc áo vào”.
Chín lần Phật Bà thử.
Chín lần ngài vượt qua.
Phật hài lòng, quyết định
Thử lần cuối, thế là...
Cô gái trẻ xinh đẹp
Hết khóc lại thở dài.
Cơ thể và hơi thở
Cứ nóng ran bên ngài.
Vị hoàng thượng ngừng đọc,
Hơi bối rối, ngỡ ngàng.
Chợt rụt rè, e ngại,
Đặt tay lên đùi nàng.
Bàn tay ngài run rẩy.
Run rẩy cả cái tâm.
Vậy là thôi, mất hết
Tu luyện hai mươi năm.
Quán Thế Âm Bồ Tát
Giơ tay túm lấy ngài.
Giơ tay túm lấy ngài.
Không một chút thương tiếc,
Tức giận ném ra ngoài.
Ngài chết, còn bị biến
Thành con nhái thấp hèn.
Loài vật này hạ đẳng
Giữ thói quen tổ tiên -
Cả khi đầu bị chặt
Vẫn chắp lạy hai tay
Như khi đang lạy Phật.
Như khi đang lạy Phật.
Ôi thật đáng thương thay.
SỰ TÍCH CÂY MƠ
1
Xưa, một người trẻ tuổi
Có tài làm thơ hay.
Bố từng là thầy thuốc,
Nên cũng biết nghề này.
Chàng yêu một cô gái
Con một nhà trong làng.
Nàng cũng yêu chàng lắm.
Nàng xinh và dịu dàng.
Thế mà họ, thật tội,
Không thể nào lấy nhau,
Vì gia đình hai họ
Có tư thù từ lâu.
Bố mẹ nàng thề độc ,
Thà con ế suốt đời,
Nhất định không chịu gả,
Bất chấp ý hai người.
Chàng làm thơ than thở,
Bốc thuốc giúp dân làng,
Chữa khỏi bệnh người khác,
Trừ người yêu và chàng.
Một tối nọ, đang ngủ,
Chàng mơ thấy cụ già
Mặc áo xanh, mắt sáng,
Mái tóc bạc lòa xòa.
Cụ bảo cụ rất hiểu
Nỗi đau của hai người.
Vậy thì mai sáng dậy,
Cứ nhằm hướng mặt trời,
Đi, đi mãi, đi mãi,
Đi cho tới lúc nào
Gặp một dòng suối nhỏ
Có một cây thông cao.
Một cây con kỳ lạ
Mọc dưới tán cây thông,
Với một quả duy nhất,
Bé, màu vàng, có lông.
Con hãy đi tới đó
Hái nó đem về đây,
Ngâm rượu mời bố vợ,
Mọi việc sẽ xong ngay.
Có điều, đường xa đấy,
Vượt chín suối mười non.
Ta sẽ cho chim phượng
Bay, dẫn đường cho con.
Sáng hôm sau, lập tức
Chia tay với người thương,
Đi tìm trái cây quí,
Chàng khăn gói lên đường.
Đúng là đường xa thật,
Vừa xa vừa khó khăn,
Đi một ngày, một tháng,
Một năm, rồi ba năm.
Cuối cùng, chàng trở lại,
Ngâm rượu trái cây này.
Ông bố người yêu uống,
Cứ gật gù khen hay.
Cũng nhờ rượu ngâm ấy,
Ngâm trái cây phương xa,
Hai nhà quên hiềm khích,
Sống với nhau thuận hòa.
TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN
Một hôm Voi và Hổ
Đi dạo trong rừng cây.
Hàn huyên tán chuyện mãi,
Hổ bảo Voi thế này:
“Chúng ta, tôi và bác,
Là chúa tể muôn loài.
Sao ta không thử sức
Xem ai giỏi hơn ai?
Đằng kia có con suối.
Ta thi nhảy với nhau.
Ai không nhảy qua được
Thì sáng sớm hôm sau
Phải tự nguyện nộp mạng,
Không một chút mềm lòng,
Để hoặc tôi, hoặc bác
Ăn thịt nhau, được không?”
Voi nghe Hổ nói khích,
Liền hăng hái gật đầu.
Rồi hai con vật ấy
Cùng thi nhảy với nhau.
Hổ thì như ta biết,
Nhảy một cái ngon ơ.
Voi to béo, nặng bụng,
Thì rơi xuống bùn dơ.
“Vậy là bác thua nhé,
Hổ nói, mai, ơn trời,
Tôi có được bữa chén.
Quân tử phải giữ lời”.
Voi, đúng là quân tử.
Mọi cái rất phân minh.
Sáng hôm sau ra suối
Để Hổ ăn thịt mình.
Tất nhiên khi phải chết,
Chẳng ai vui tẹo nào.
Có chú Thỏ thấy vậy,
Hỏi: “Bác buồn, vì sao?”
Voi thật thà kể lại
Chuyện thi nhảy hôm qua.
Thỏ nghe, nói: “Chuyện nhỏ.
Tôi giúp bác được mà”.
Rồi Thỏ lấy bùn đất
Và cành lá trong rừng
Tự đắp lên người nó,
Thành con vật lạ lùng.
Hai con đến chỗ hẹn.
Nó vội vàng bảo Voi
Nằm ngửa không động đậy,
Bốn chân giơ lên trời.
Lại nói chuyện con Hổ,
Hý hửng lừa được Voi,
Khi đi đến bờ suối,
Thoạt nhìn thì than ôi.
Nó thấy Voi đã chết.
Giơ bốn chân lên trời.
Và đang ăn thịt nó
Là con vật lạ đời.
Con vật ấy bé nhỏ,
Đo đỏ và xanh xanh.
Cả con Voi to thế
Mà nó chén ngon lành.
Hổ cúp đuôi bỏ chạy,
Không tin nổi điều này.
Dọc đường có con Khỉ,
Hỏi vọng từ cành cây:
“Gì mà sợ thế bác?”
Hổ kể chuyện con Voi.
Khỉ đáp: “Khoan, gượm đã.
Chắc bác bị lừa rồi.
Tôi và bác quay lại.
Rồi bác sẽ thấy ngay.
Bác lo tôi lừa bác?
Vậy thì cứ thế này:
Bác cột tôi thật chặt
Vào chân bác, rồi đi.
Cả hai cùng tới đấy.
Vậy là được chứ gì?”
Hổ đồng ý, và Khỉ
Lấy đoạn dây, và rồi
Cột mình vào chân Hổ,
Cả hai tới chỗ Voi.
Từ xa, Thỏ thấy Khỉ,
Liền đoán hiểu ra ngay.
Nó cất giọng the thé,
Và quát: “Xưa bố mày
Nợ tao mười con Hổ.
Giờ mới trả một con?
Hãy đưa chín con nữa.
Hay định quỵt, liệu hồn”.
Hổ nghe thế, sợ quá
Liền bỏ chạy cong đuôi.
Đến khi mệt suýt xỉu,
Người đầm đìa mồ hôi,
Mới dừng lại, chợt thấy
Khỉ đã chết nhăn răng.
Hổ tưởng Khỉ cười diễu,
Mới tức giận mà rằng:
“Lại còn cười tao hả?
Mày lừa tao hôm nay.
Suýt nữa tao phải chết
Vì bố con nhà mày”.
*
Từ đây có câu nói
Khi mắng dạy trẻ con,
Rằng to đầu mà dại,
Và nhỏ dái mà khôn.
SỰ TÍCH CÁI CHỔI
Xưa, có một bà nọ
Trên cung điện nhà trời
Có tài nấu ăn giỏi,
Những món ăn tuyệt vời.
Ngọc Hoàng quí bà lắm,
Cho mời vào lâu đài,
Phong Thiên Trù Bếp Trưởng
Để nấu ăn cho ngài.
Nhà trời có quy định
Các đầy tớ, gia nhân
Không được phép đụng đến
Các món ăn của thần.
Nhưng bà này có thói
Thích ăn vụng suốt ngày.
Chỉ vì khéo chùi mép,
Nên chưa lộ điều này.
Chồng bà, lão chăn ngựa,
Suốt ngày say li bì,
Vì được bà chu cấp
Không thiếu một thứ gì.
Một hôm, có lễ trọng,
Ngọc Hoàng mời các thần,
Đủ bá quan văn võ,
Cũng ngồi vào bàn ăn.
Bất chợt, ngài nhận thấy
Rằng hình như có ai
Đã nếm thử, ăn vụng
Các món ăn của ngài.
Ngài nổi cơn thịnh nộ,
Cho gọi người đàn bà.
Bà kia nghe, sợ quá,
Bèn khai hết thật thà.
Rằng lão chồng chăn ngựa
Trong khi uống rượu say
Vào Thiên Trù làm bậy
Mới gây nên chuyện này.
Ngọc Hoàng liền đày họ
Xuống trần gian, suốt đời
Phải biến thành chiếc chổi
Để quét dọn cho người.
Họ phải lo quét tước
Và “la liếm” luôn tay.
Suốt một năm vất vả
Chỉ được nghỉ ba ngày.
Tức là ba ngày Tết.
Ba ngày được ngồi yên,
Không phải làm những việc
Bẩn thỉu và thấp hèn.
*
Câu nói “bà la liếm”
Trẻ đố nhau ngày nay
Chắc chắn có xuất xứ
Từ truyện cổ tích này.
CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG,
CON NUÔI BỐ MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY
Xưa, hai vợ chồng nọ
Có ba người con trai.
Do giỏi nghề buôn bán,
Nên phát lộc, phát tài.
Họ chắt chiu, làm lụng
Hỏi vợ cho các con.
Xây nhà riêng cho chúng
Mà tiền bạc vẫn còn.
Ông chồng bảo bà vợ:
“Tuổi gần đất xa trời,
Chia nốt cho chúng nó.
Mình thanh thản nghỉ ngơi”.
Họ chia hết tiền bạc
Cho các con, tuy nhiên,
Không nghỉ, vẫn buôn bán,
Lại kiếm được nhiều tiền.
Ba người con của họ
Không chí thú làm ăn,
Tiền bạc của bố mẹ
Cứ ngày một cạn dần.
Khi không còn gì nữa,
Họ nói với hai người:
“Già rồi, giờ là lúc
Bố mẹ nên nghỉ ngơi.
Chúng con sẽ phụng dưỡng
Tận tâm và tận tình
Đến khi bố mẹ chết.
Còn tiền bạc của mình
Đưa chúng con quản lý,
Kinh doanh như mọi người”.
Ông bố nghe, chỉ hứa
Ba tháng nữa trả lời.
*
Nhà ông có vườn quả
Với nhiều tổ chim non.
Ông nhờ một đứa trẻ
Bẫy bắt được bốn con.
Hai chim non mới nở
Ông cho nhốt trong lồng.
Còn hai con bố mẹ
Thả, cho bay lên không.
Hàng ngày chim bố mẹ
Tha mồi nuôi chim con.
Chăm chỉ và đều đặn
Đến khi chúng lớn khôn.
Bấy giờ ông thả chúng
Lên bầu trời mênh mông.
Còn đôi chim bố mẹ
Lại bắt nhốt trong lồng.
Đôi chim con, thật tiếc,
Được phóng thích, bay luôn.
Không một lần quay lại,
Quên bổn phận làm con.
Ông đem câu chuyện ấy
Nói với bà vợ già.
Bà không nghe, nằng nặc
Bắt nghe con, thế là
Khi đến hẹn ba tháng,
Nhà có bao nhiêu vàng
Ông chia cho con hết,
Thảnh thơi và nhẹ nhàng.
Năm đầu, còn tiền bạc,
Ông bà được các con
Chăm sóc rất chu đáo,
Đủ vật lạ, miếng ngon.
Nhưng sự chu đáo ấy
Cứ giảm dần, tiếc thay,
Theo số tiền họ có.
Giảm từng tháng, từng ngày.
Cuối cùng, tiền bạc hết,
Anh em đùn đẩy nhau.
Luôn so đo hơn thiệt
Từng bát gạo, mớ rau.
Mỗi người nuôi một tháng,
Thụng mặt và chau mày.
Rồi cãi nhau ỏm tỏi
Vì tính gian số ngày.
Thậm chí ba cô vợ
Của ba người con trai
Lườm nguýt như muốn trách
Sao các cụ sống dai...
Chứng kiến những cảnh ấy,
Đau như xát trong lòng,
Không chịu nổi, họ chết,
Cụ bà và cụ ông.
Nên đời sau mới nói,
Rằng cha mẹ nuôi con
Như bể hồ lai láng,
Như dào dạt sóng dồn.
Còn con cái nuôi mẹ
Thì tính tháng kể ngày.
Đây cũng là bài học
Cho bố mẹ ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét