Cổ Tích Việt Nam
SỰ TÍCH ĐÁ BÀ RẦU
Ngày xưa ở Xứ Quảng
Có gia đình thuyền chài
Sinh được người con gái
Xinh đẹp và lắm tài.
Nàng lấy chồng, hạnh phúc,
Nhưng rồi chợt thấy buồn -
Hai tuần sau khi cưới,
Chàng lên thuyền đi buôn.
Một tháng, rồi ba tháng,
Vẫn không thấy chàng về.
Nàng bắt đầu lo sợ
Và suy nghĩ nặng nề.
Phải chăng gặp giông bão,
Thuyền đã chìm ngoài khơi?
Phải chăng chàng bị bắt
Rồi bị giết, lạy trời.
Chiều chiều nàng ra biển,
Ngước nhìn phía xa xa.
Mỗi con thuyền vào bến,
Làm mắt nàng lệ nhòa.
Đúng lúc tuyệt vọng nhất,
Thì may, chồng nàng về.
Những giây phút hờn tủi
Và hạnh phúc tràn trề.
Chàng kể thuyền trôi dạt
Vào hòn đảo không người.
Rồi đói ăn, rồi khát,
Rồi phiêu dạt nhiều nơi.
Nhưng nhờ Thần Hộ Mệnh,
Nên vẫn được bình yên.
Còn buôn bán có lãi,
Kiếm được khá nhiều tiền.
Sau giây phút hồ hởi
Của ngày gặp lại nhau,
Chàng nghe được, thật tiếc,
Những lời đồn không đâu.
Những lời đồn ác ý
Về người vợ của chàng.
Rằng nàng không chung thủy,
Không gia giáo, đoan trang...
Vốn là người trực tính
Và cả tin, cuối cùng
Chàng tin đó là thật,
Rồi trở nên lạnh lùng.
Chàng lặng im không nói,
Không nghe vợ phân minh.
Nàng bất lực, tủi phận,
Chỉ biết khóc một mình.
Rồi để trừng phạt vợ,
Lần nữa chàng ra đi.
Không cho vợ được tiễn.
Tuyệt nhiên không nói gì.
Đúng một năm sau đó
Chàng đột ngột về nhà.
Một năm để suy ngẫm
Về những gì đã qua.
Chàng háo hức gặp vợ.
Nhưng tới nhà, than ôi,
Được nghe hàng xóm nói:
“Cô ấy bỏ đi rồi.
Bỏ đi đâu không biết.
Chỉ biết mấy tháng nay
Chiều nào cũng ra biển
Như chờ ai, hàng ngày...”
Chàng lặng người, vội vã
Ra bến sông tìm nàng.
Chợt thấy bên tháp cổ,
Mờ mờ giữa nắng vàng
Có một người thiếu phụ,
Hao hao giống vợ mình,
Đang ngồi, nhìn ra biển
Giữa nắng chiều lung linh.
Đến nơi, chàng chết lặng -
Nàng hóa đá từ lâu.
Trên khuôn mặt bằng đá
Còn đọng chút buồn đau.
Vậy là từ ngày ấy,
Trên bờ biển Quảng Nam
Có một bức tượng đá
Ngồi bên tòa Tháp Chàm.
Bao nhiêu năm tượng đá
Còn mang nỗi buồn đau.
Cả tòa tháp, cả tượng
Cùng mang tên Bà Rầu.
NGƯỜI KIỆN CÂY
Xưa có vợ chồng nọ.
Chồng làm nghề đi buôn.
Vợ ở nhà cày cấy.
Còn trẻ, chưa có con.
Thị là người xinh đẹp.
Chồng lại hay xa nhà.
Vì thế tên xã trưởng
Thường lén lút lại qua.
Lúc đầu thị từ chối,
Nhưng mưa phùn thấm lâu.
Cuối cùng hai anh chị
Đã thông dâm với nhau.
Một lần, ông thương lái
Lo mải mê kiếm tiền,
Nay đây rồi mai đó,
Biền biệt ba năm liền.
Mãi đến ngày giỗ bố,
Chợt nhớ, mới về nhà.
Chuyến ấy buôn bán lãi.
Vốn một mà lời ba.
“Lần này đi lâu thật.
Vợ một mình ra sao?
Đàn bà nhẹ dạ lắm.
Có trời biết thế nào”.
Vốn là người thận trọng,
Nên khi đến đầu làng,
Cũng là lúc trời tối,
Ông lấy hết bạc vàng
Gói một cục, giấu kỹ
Trong hốc một cây đa.
Rồi cúi đầu cầu khấn
Trước khi đi về nhà:
“Tôi, một người bản địa,
Sinh sống ở làng này.
Đi buôn, có chút của,
Xin gửi nhờ Thần Cây.
Thần giữ cho chu đáo,
Sẽ được cúng mâm xôi.
Để mất thì liệu đấy.
Thần sẽ biết tay tôi”.
Xong, rồi ông tay nải
Về, gõ cửa nhà mình.
Mừng thấy vợ khỏe mạnh,
Nụ cười tươi, thật xinh.
Cô vợ trẻ xăng xái
Lo cơm nước mời chồng.
Khi thấy chiếc túi rỗng,
Liền phụng phịu trách ông.
Rằng đi xa chừng ấy,
Rằng bỏ cô một mình.
Thế mà về, trong túi
Không có một đồng chinh...
Ông chồng, vốn thương vợ,
Đành vội vàng giãi bày,
Rằng chừng ấy, chừng ấy
Đang giấu trong hốc cây.
Đúng lúc tên xã trưởng
Mò đến, đứng sau nhà.
Hắn vô tình nghe được,
Liền lặng lẽ đi ra.
Hôm sau, ông thương lái
Không thấy vàng mình đâu,
Ôm cây đa vật vã,
Bứt tóc rồi vò đầu.
Tiếc của, ông quyết định
Thưa kiện Thần Cây Đa.
Ông đến gặp Quan Trạng,
Công tâm và tài ba.
Quan Trạng nghe ông kể,
Liền lập tức sai quân
Che cây đa bằng cót,
Không cho ai lại gần.
Rồi ông đào chiếc hố
Bên gốc đa, cho người
Trốn sẵn từ đêm trước.
Sáng hôm sau ông mời
Tất cả dân trong tổng
Xem ông xử vụ này,
Tất nhiên có xã trưởng,
Vụ người kiện Thần Cây.
Khi mọi người đông đủ,
Ông bắt đầu phiên tòa
Bằng nghe người thưa kiện.
Người bị kiện, cây đa,
Thì bị ông cho lính
Lấy roi đánh thật đau.
“Bây giờ ngươi phải nói,
Phải thành thật khai mau:
Ai lấy số vàng ấy?”
Người nấp dưới gốc đa
Liền giả vờ kêu khóc:
“Dạ bẩm, thưa quan tòa.
Con xin khai thành thật -
Là một người trong làng.
Tuy nhiên, tên người ấy,
Tên người ăn trộm vàng,
Thì con xin được phép
Chỉ nói với quan tòa”.
Quan Trạng liền bước xuống,
Áp tai vào cây đa.
Đến đây thì kết thúc
Phiên tòa người kiện cây.
Quan Trạng gọi thân chủ
Rồi bảo nhỏ thế này:
“Ngày mai anh nhận lại
Vàng và bạc của mình.
Nhưng phải làm mâm cỗ
Để tạ ơn thần linh.
Nhớ mời dân làng tổng,
Cả trẻ con, người già.
Hãy thả hết bầy chó
Anh đang nuôi trong nhà”.
Hôm sau, ai đến dự
Cũng bị chó ông này
Sủa, thậm chí còn cắn.
Thế mà rồi, lạ thay,
Khi tên xã trưởng đến,
Chúng ngoan ngoãn nằm yên.
Còn vẫy đuôi chào đón
Như với người thân quen.
Chờ phục sẵn từ trước,
Quan Trạng liền vội vàng
Hô lính bắt xã trưởng,
Người đã ăn trộm vàng.
Lúc đầu hắn còn chối,
Nhưng khi nghe Thần Cây
Đã khai ra tên hắn,
Thì hắn đành chắp tay
Cúi đầu xin nhận tội,
Khai hết với quan tòa.
Còn cô ả lơ lẳng
Thì bị đuổi khỏi nhà.
TRUYỆN ÔNG DẦU, BÀ DẦU
1
Ngày xưa, đời nhà Lý,
Có một ông vua già
Bỗng nhiên đau mắt nặng,
Gần như thành mù lòa.
Hai mắt vua sưng húp,
Nhức nhối suốt đêm ngày.
Lương y giỏi nhất nước
Cũng đành chịu bó tay.
Đã gần tròn hai tháng
Không ra điện Kính Thiên,
Vua cứ nằm rên rỉ,
Việc triều chính rối ren.
Một hôm có thầy bói
Được cho mời vào cung.
Ông này giỏi bói Dịch,
Nổi tiếng khắp cả vùng.
Ông thầy bói gieo quẻ
Rồi tâu rằng đức vua
Thuộc “thủy phương càn tuất”,
Hướng xấu, bị yểm bùa.
Và rằng muốn trị khỏi
Bệnh đau mắt của ngài
Thì phải trấn áp nó,
Nếu không, bệnh kéo dài.
Bắc Thăng Long thời ấy
Có hai sông, khá gần,
Thiên Phù và Tô Lịch,
Gặp nhau ở Giang Tân.
Vua sai quan thái giám
Đến ngã ba sông này
Dựng đàn cúng Hà Bá,
Hương khói suốt đêm ngày.
Theo lời thầy bói dặn,
Rạng sáng ngày ba mươi,
Ai đến bến đò trước
Thì đó chính là người
Binh lính vua phải bắt,
Trói và ném xuống sông
Làm vật cúng Hà Bá
Rồi vái lạy hướng Đông.
2
Ở làng Cảo gần đấy,
Phía tả ngạn sông Tô
Có đôi vợ chồng nọ
Sống bữa đói, bữa no.
Họ làm nghề buôn gánh
Dầu ăn, dầu thắp đèn.
Sáng vào thành rao bán,
Chiều bán ở làng bên.
Vì thế họ được gọi
Là Ông Dầu, Bà Dầu.
Hiền lành và chất phác,
Đùm bọc, thương yêu nhau.
Sáng ba mươi tháng Một,
Bình minh chưa rực hồng,
Họ quẩy gánh, rảo bước
Về phía ngã ba sông.
Trời mờ tối, đường vắng.
Họ vừa tới bến đò
Thì lính vua phục sẵn
Bắt hai người, trói gô,
Sau, một người hai đứa
Đằng chân và đằng đầu,
Hô một tiếng, rồi ném
Xuống dòng nước đục ngầu.
Họ chìm, không sủi bọt.
Chắc Hà Bá hài lòng.
Cũng vừa đúng lúc ấy
Mặt trời mọc phía Đông.
Từ sáng ngày mồng một
Vua thấy mắt hết mờ,
Rồi lành hẳn, như thể
Chưa từng đau bao giờ.
Nhưng cũng từ hôm ấy
Nhiều sự lạ xẩy ra.
Trước hết, bốn tên lính,
Những người ném ông bà,
Không hiểu sao quyết định
Treo cổ chết trên cây.
Cả bốn đứa một lúc,
Hơn thế, lại ban ngày.
Trong cung vua, thái giám
Thầm thì rỉ tai nhau
Rằng đêm đêm họ thấy
Có hai người bán dầu.
Khi lính chạy đến bắt
Thì họ bay lên trời.
Có khi nghe họ khóc,
Cũng có khi nghe cười.
Hai ông bà chủ quán
Nằm ngay ngã ba sông,
Tự nhiên bỏ công việc
Đi vào thành Thăng Long.
Suốt ngày họ lảm nhảm,
Đúng như hai người ngây,
Toàn những lời nhảm nhí,
Đại khái ý thế này,
Rằng chúng mày độc ác,
Không đâu giết dân lành,
Rằng cái họ nhà Lý
Sẽ tuyệt tự rất nhanh;
Rằng chúng tao chắc chắn
Sẽ thu hẹp hai sông
Thiên Phù và Tô Lịch
Cho tịt mạch, tắc dòng...
Vua nghe tin, lo sợ,
Liền cho lập miếu thờ
Hai ông bà xấu số.
Miếu còn đến bây giờ.
Vua cử quan hương khói
Và cúng lễ hai người,
Nhưng ông bà chủ quán
Vẫn xuất hiện khắp nơi.
Về sau, lời nguyền ấy
Trở thành đúng dần dần.
Nhà Lý suy, ngôi báu
Rơi vào tay nhà Trần.
Còn hoàng gia nhà Lý
Cũng tuyệt tự, nếu không,
Phải đổi sang họ khác.
Ngẫm mà thật đau lòng.
Sông Thiên Phù, thật tiếc,
Từng trong xanh, mộng mơ,
Bị tắc dòng, cạn mạch,
Và còn lại bây giờ
Mấy chiếc hồ bẩn thỉu
Ở gần làng Nhật Tân.
Còn sông Tô khá lớn
Cứ hẹp dần, hẹp dần.
Ngày nay thì ta thấy
Nó chẳng còn là sông
Mà một rãnh nước thải
Tù đọng và hôi nồng.
Ngẫm mà thấy tội nghiệp
Cho Ông Dầu, Bà Dầu,
Và Thiên Phù, Tô Lịch.
Chỉ vì đôi mắt đau.
TRINH PHỤ HAI CHỒNG
Xưa, một gia đình nọ
Có cô con đầu lòng,
Thông minh và thùy mị.
Rồi cô được gả chồng.
Chồng cô người cùng tổng,
Giỏi chữ, giỏi thơ văn.
Nghèo, chỉ có mảnh ruộng,
Cũng tàm tạm đủ ăn.
Họ sống rất hạnh phúc.
Vợ dệt vải, xe tơ.
Chồng bút nghiên, đèn sách.
Rất hòa thuận, bất ngờ
Người chồng bị bệnh nặng.
Một loại bệnh ngoài da.
Nàng tận tình chăm sóc,
Không một lời kêu ca.
Thuốc thang mãi không khỏi.
Hết ruộng, hết cả tiền.
Người chồng không muốn vợ
Vì mình mà buồn phiền,
Bèn bỏ đi biệt xứ,
Để bức thư cho nàng,
Bảo nên đi bước nữa,
Đừng tìm, đừng chờ chàng.
Nàng vô cùng đau khổ,
Liền lên đường tìm chồng.
Tìm khắp cả mấy tỉnh
Ở Miền Tây, Miền Đông.
Suốt ba năm ròng rã
Nàng tìm kiếm khắp nơi.
Cuối cùng thôi, quyết định
Sẽ ở vậy suốt đời.
Nhưng vì nàng đức hạnh,
Xinh đẹp và thông minh,
Nên nhiều người đeo bám,
Muốn hỏi làm vợ mình.
Trong đấy có chàng Nguyễn,
Một thư sinh làng bên,
Con một nhà khá giả,
Có ruộng và có tiền.
Hơn thế, chàng Nguyễn ấy
Lại mẫn tiệp hơn người.
Bị mẹ thúc ép mãi,
Cuối cùng nàng nhận lời.
Ba năm sống hạnh phúc.
Nàng sinh hai con trai.
Chàng Nguyễn đậu tiến sĩ,
Rồi làm quan Xứ Đoài.
Tiếc là năm sau đó
Xứ Đoài hạn bất thường.
Giá lúa gạo tăng vọt.
Người ăn xin đầy đường.
Quan mở kho phát chẩn
Để cứu giúp dân nghèo.
Người xếp hàng đông lắm,
Suốt từ sáng đến chiều.
*
Lại nói người chồng cũ,
Bỏ nhà đi ăn mày.
Sáu năm trời lê bước
Lặng lẽ ngày lại ngày.
Chàng cũng xin phát chẩn.
Tiếc, khi đến lượt mình
Thì hết giờ, đóng cửa,
Buộc chàng phải thanh minh;
Rằng chàng đang bệnh nặng,
Rằng vốn là học trò.
Rằng đã lâu, lâu lắm
Chưa được bữa ăn no.
Chàng họ Nguyễn thấy vậy,
Cho mời vào gặp mình.
Thấy đối đáp trôi chảy,
Đúng kiểu một thư sinh.
Nên chàng cho cấp phát,
Hơn thế, còn phần hời.
Tối về kể với vợ.
Nàng nghe mà lặng người.
Vì qua lời miêu tả,
Nàng linh tính là chàng,
Người chồng cũ yêu quý
Mấy năm trước bỏ nàng.
Ngày hôm sau, tận mắt
Nàng nhìn thấy chồng mình.
Lòng ngổn ngang, bối rối
Vì một mối oan tình.
Nàng quyết định giấu kín,
Không để lộ ra ngoài.
Cả chồng cũ, chồng mới.
Không ai biết là ai.
Sau nhiều lần cân nhắc,
Nàng nói khéo chồng mình,
Tức ông quan họ Nguyễn,
Cho anh chàng thư sinh,
Nghèo đói và bệnh tật,
Được sống trong phủ quan.
Riêng một túp lều nhỏ
Ngoài vườn, để lúc nhàn
Có người cùng đàm đạo
Thơ phú hoặc chơi cờ.
Chàng họ Nguyễn đồng ý.
Niềm vui thật bất ngờ.
Từ đấy, tuy giấu mặt,
Nàng ngầm sai gia nhân
Lo cho chàng chu đáo
Cả cái mặc, miếng ăn.
Một hôm, anh chồng cũ
Dạo giữa vườn cây xanh.
Khát, cúi xuống uống nước
Từ một chiếc vại sành.
Có một con rắn trắng
Chết, bị ngâm lâu ngày
Trong chiếc vại sành ấy.
Thật kỳ lạ, điều này
Đã làm chàng khỏi bệnh,
Da dẻ lại hồng hào.
Không còn thấy dấu vết
Các mụn lở ngày nào.
Được họ Nguyễn khích lệ,
Giúp đỡ không thiếu gì.
Chàng ôn kinh, luyện sử,
Rồi lều chõng đi thi.
Tất cả những điều ấy
Đã làm người đàn bà
Vừa vui mừng vô hạn,
Vừa buồn tủi, xót xa.
Hay tin người chồng cũ,
Đỗ đầu, sắp vinh quy,
Nàng quyết định lặng lẽ
Bỏ gia đình ra đi.
Trong bức thư để lại
Nàng kể hết ngọn nguồn
Và xin chồng cho phép
Mang theo một người con.
Từ đấy không ai biết
Nàng đi đâu, ở đâu.
Hai chồng, một trinh phụ
Sống cùng ba nỗi đau.
QUẬN
GIÓ
Thời
nhà Lê, ngày ấy,
Ở
kinh thành Thăng Long
Có
một tên đạo chích,
Ngụ
ở khu Cửa Đông.
Hắn
tài giỏi đến mức
Muốn
ăn trộm nhà ai
Là
đột nhập vào được,
Dẫu
cửa đóng then cài.
Có
điều, hắn rất lạ.
Chỉ
trộm của người giàu,
Chia
cho người nghèo khổ,
Người
gặp cảnh buồn đau.
Thoắt
ẩn rồi thoắt hiện.
Hắn
đi lại rất nhanh,
Nên
mọi người gọi hắn
Là
Quận Gió Hà Thành.
Tiếng
đồn về Quận Gió
Đến
tai Lê Thánh Tông.
Ngài
quyết định tìm hiểu
Có
đúng thế hay không.
*
Đêm
ấy, trời mưa lạnh,
Có
một chàng học trò
Tìm
đến nhà Quận Gió
Trong
ngõ hẻm quanh co.
Chàng
nói, Tết sắp đến,
Muốn
về thăm tổ tiên,
Ông
bà và bố mẹ,
Ngặt
nổi không có tiền.
Chàng
thư sinh trẻ ấy,
Nghèo,
nét mặt dễ thương,
Xin
Quận Gió nén bạc
Làm
lộ phí đi đường.
Quận
Gió hồ hởi nói:
“Không
sao, ta giúp anh.
Anh
muốn ta lấy trộm
Của
nhà nào trong thành?”
“Nhà
phú ông họ Phạm
Nằm
ở cổng phía Tây?”
“Không
được, ta không thể
Lấy
trộm của ông này.
Là
vì ông giàu có
Hoàn
toàn bằng sức mình,
Nhờ
cày sâu cuốc bẫm.
Ăn
ở cũng có tình”.
“Hay
ăn trộm vàng bạc
Ở
cửa hàng phía Đông?”
“Không,
nhà ấy tử tế.
Không
đâu, dứt khoát không”.
Rồi
Quận Gió hạ giọng:
Ta
tới nhà lão quan
Coi
ngân khố nhà nước,
Cửa
Bắc, phố Lệ Hàn.
Lão
này chuyên ăn cắp,
Giỏi
mưu mô, tinh ranh.
Chờ,
để ta đi lấy
Vài
nén bạc cho anh”.
Một
lát sau quay lại
Với
hai nén bạc to,
Quận
Gió cười mãn nguyện,
Nói
với người học trò:
“Đây
là tiền lộ phí
Để
anh về thăm nhà.
Chúc
công thành danh toại
Và vinh thân, phù
gia”.
*
Trước
bá quan văn võ,
Khi
yên vị trên vai,
Hôm
sau vua kể lại
Chuyến
vi hành của ngài.
Ngài
đưa hai nén bạc
Mọi
người chuyền tay nhau,
Nói
Quận Gió lấy chúng
Của
ai và ở đâu.
Soi
đèn thấy bốn chữ
Khắc
bên trên, hơi nhòa,
Là
Quốc Khố Chi Bảo -
Tiền
Ngân Khố Quốc Gia.
Biết
không thể chối cãi,
Tên
tham quan cúi đầu
Xin
vua tha tội chết.
Và
ngay sáng hôm sau
Hắn
đã bị đầy ải
Tới
một vùng núi xa.
Bị
tịch biên sung quỹ
Tiền
bạc và cửa nhà.
SỰ TÍCH ĐỀN CỜN
Xưa có ông vua nọ,
Ở nước láng giềng gần,
Có tên là Đế Bính,
Đất rộng và đông dân.
Vua lên ngôi đúng lúc
Nước thọ địch bốn bề.
Giặc nước ngoài xâm lấn,
Thế mạnh như chẻ tre.
Trong cơn nguy kịch ấy,
Có một vị trung thần
Đưa vua và hoàng tộc
Cùng một ít thức ăn
Lên thuyền và chạy trốn
Về phía Nam, không may
Thuyền thuận buồm xuôi gió
Mới chỉ được ba ngày,
Thì trời nổi giông bão.
Thuyền chìm giữa biển khơi.
Tất cả đều chết hết,
Chỉ còn lại ba người.
Đó là hai công chúa
Và hoàng hậu, tình cờ
Bám được vào mảnh ván
Đang trôi dạt vật vờ.
*
Ở Quỳnh Lưu, xứ Nghệ,
Chỗ Lạch Cờn bấy giờ,
Có một ngôi chùa nhỏ
Trên hòn đảo hoang sơ.
Trụ trì ngôi chùa ấy,
Một vị sư chưa già,
Đi dạo trên bãi cát,
Hướng về phía biển xa,
Ngài chợt nhìn thấy họ,
Liền vội vã chèo thuyền,
Bất chấp cả nguy hiểm,
Đưa họ vào đất liền.
Được nhà sư nhóm lửa
Sưởi ấm và cho ăn,
Cả ba người phụ nữ
Cuối cùng hồi phục dần.
Chỉ nhìn cách ăn mặc,
Nhà sư biết được ngay
Họ là người quyền quý
Gặp giông bão lần này.
Ngài nhường căn phòng nhỏ
Cho ba người đàn bà.
Mình thì đêm nằm ngủ
Trên mái hiên trước nhà.
Ngài còn dùng thuyền gỗ
Đi mua thêm thức ăn.
Những thứ ngon và bổ
Mà ngài vốn không cần.
Bình thản, ngài chăm sóc.
Bình thản biển mênh mông.
Nhưng dần dần, thật tiếc,
Không bình thản trong lòng.
Ba mươi năm tu luyện
Thế mà rồi bây giờ
Ngài phải luôn vật lộn,
Hàng ngày và hàng giờ.
Ba mươi năm mộ đạo,
Một lòng theo Thích Ca.
Chưa một lần dám nghĩ
Hay đụng đến đàn bà.
Bây giờ con quỉ ấy,
Con quỉ của ái tình,
Muốn làm ngài sa ngã,
Rơi vào vòng vô minh.
Và rồi một đêm nọ,
Ngài lẻn vào phòng bà
Định giở trò chim chuột.
Lúc ấy đã canh ba.
Bà hoàng hậu chống cự,
Luôn miệng nói: “Không, không.
Tôi, người biết đạo lý,
Và là gái có chồng.
Còn ngài, người nhà Phật,
Tụng kinh và ăn chay.
Lẽ nào không xấu hổ?
Không sợ nghiệp sau này?”
Bà hoàng hậu đánh thức
Hai công chúa con mình.
Dọa cùng nhảy xuống biển
Để giữ gìn tiết trinh.
Nhà sư nghe, hổ thẹn
Vì việc làm đáng khinh.
Lui ra, dùng dao nhọn
Tự đâm vào cổ mình.
Phần bà, bà hoàng hậu
Cũng hối hận không nguôi:
“Ta được ngài cứu vớt
Và tận tình chăm nuôi.
Thế mà ngài phải chết
Vì ta, chính vì ta.
Ta là người đáng ghét,
Bạc nghĩa và xấu xa”.
Rồi bà nhảy xuống biển
Từ vách núi cheo leo.
Hai công chúa thấy vậy,
Cầm tay nhau nhảy theo.
*
Về sau, dân sở tại
Lập đền Cờn thờ bà,
Ở Quỳnh Lưu, xứ Nghệ,
Luôn bốn mùa hương hoa.
Trong đền có bức tượng
Của ông sư nặng tình
Để nhắc nhở người khác
Về bổn phận giữ mình.
THÀI LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU
Ngày xưa ở làng nọ
Có một người đàn bà
Chuyên làm nghề dệt vải
Để nuôi sống cả nhà.
Nàng thông minh, tháo vát,
Nổi tiếng khắp xa gần.
Nhưng số phận dun dủi,
Lấy phải anh chồng đần.
Một hôm nàng bảo hắn
Mang vải ra chợ quê:
“Giá bốn quan một tấm.
Không được thì mang về”.
Hắn mang vải ra chợ.
Rao gần rồi rao xa,
Mà vẫn không bán được.
Cuối cùng có ông già
Đến hỏi mua hai tấm.
Ông bảo quên mang tiền.
“Chiều đến nhà tôi lấy.
Gần thôi, ngay làng bên”.
“Ở đâu?” anh ngốc hỏi.
“Chỗ kèn thổi tí te,
Gần chợ không mua bán
Và bụi tre thấp tè”.
Chiều tối, theo lời dặn,
Hắn đi tìm ông già.
Tìm mãi mà không thấy,
Đành mếu máo về nhà.
Vợ hắn nghe, ngao ngán.
Trách mấy câu, và rồi
Nói rằng nhà ông khách
Rồi cũng tìm được thôi.
“Này nhé, nhớ cho kỹ:
Chỗ kèn thổi tí te
Là bụi lau xào xạc
Mỗi khi gió đông về.
Chợ mà không mua bán
Là trường của học sinh.
Tre một đốt thấp tịt
Chỉ là những luống hành.
Cứ chỗ ấy mà đến”.
Hôm sau anh chồng đần
Đã tìm đúng chỗ ở
Của người khách mình cần.
Ông già ngạc nhiên lắm.
Hỏi: “Ai bày cho anh”.
“Vợ tôi”, anh chàng đáp,
Rồi cười rất hiền lành.
“Một phụ nữ sắc sảo
Loại hiếm có đời này”.
Ông già nghĩ, nhân tiện
Nhà có giỗ hôm nay,
Ông mời hắn ở lại,
Chén một bữa linh đình.
Về, ông cho một gói,
Bảo đưa cho vợ mình.
Mở gói quà, người vợ
Ngấn nước mắt, thở dài -
Một bãi cứt trâu nhẽo
Có cắm bông hoa lài.
Nàng hiểu ngay ngụ ý,
Hiểu mà lòng quặn đau.
Nàng, bông hoa xinh đẹp,
Mà cắm bãi cứt trâu.
Vợ khôn, chồng đần độn.
Thật oái oăm đường tình.
Nàng khóc, rồi quyết định
Nhảy xuống sông quyên sinh.
Lại nói ông già nọ,
Sau khi anh kia về,
Nghĩ mình đùa, có thể
Gây hậu quả nặng nề.
Một khi thông minh thế,
Thì người vợ anh này
Sẽ hiểu hết, ngộ nhỡ
Làm liều thì sao đây?
Lập tức ông mang vó
Đi ra phía bờ sông,
Nơi có người phụ nữ
Khóc, nước mắt lưng tròng.
“Xin cô đi nơi khác,
Đã khuya, nên về nhà,
Để tôi còn đánh cá”.
Nàng nhìn giỏ ông già.
Chiếc giỏ bị thủng đáy.
“Có người ngốc thế sao,
Đem giỏ thủng đựng cá,
Thủng thì đựng thế nào?
Hóa ra chồng mình thộn,
Nhưng còn hơn người ta”.
Bỏ ý định tự tử,
Nàng liền đi về nhà.
SỰ TÍCH CON MUỖI
Có hai vợ chồng nọ,
Rất ý hợp tâm đầu,
Từng nhiều lần thề thốt
Không bao giờ xa nhau.
Nếu một người phải chết,
Thì người kia chết theo
Để bên nhau mãi mãi.
Cả khi nghèo, khi giàu.
Một thời gian sau đó
Người vợ bỗng qua đời.
Anh chồng ôm vợ khóc,
Không một phút xa rời.
Mấy lần toan tự tử,
Không thành vì họ hàng.
Cuối cùng một đạo sĩ
Xuất hiện, nói với chàng:
“Con muốn vợ sống lại
Thì ta bày cách này -
Phải hà hơi cho vợ
Đúng ba tháng mười ngày”.
Chàng nghe lời đạo sĩ.
Nhưng sang ngày thứ ba,
Thì xác bốc mùi thối,
Nồng nặc và bay xa.
Dân làng không chịu được,
Bắt chàng phải đem chôn.
Chàng đành đưa xác vợ
Ra con sông cuối thôn.
Chàng vào rừng đốn nứa
Kết thành một chiếc bè.
Đặt xác vợ lên đấy,
Chang dưới nắng trưa hè.
Bỗng nhiên Phật xuất hiện,
Bảo chàng cắn ngón tay
Và nhỏ ba giọt máu
Vào miệng vợ - lạ thay:
Xác chết đang thâm tím
Bỗng trở nên hồng hào.
Người vợ chàng sống lại,
Y hệt như hôm nào.
Trước khi đi, Phật nói:
“Con nợ của chồng mình
Ba giọt máu, nhờ chúng
Mà con được hồi sinh”.
Rồi Ngài sai cá sấu
Đưa hai người quay về.
Nửa đường họ dừng lại,
Vào quán cơm trên đê.
Trong quán cơm lúc ấy
Có một người buôn vàng.
Thấy người vợ xinh đẹp,
Hắn tìm cách tán nàng.
Tất nhiên nàng từ chối,
Quyết không để lọt tai
Những lời hứa ngon ngọt,
Và những lời van nài.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc,
Khi chồng đang ngủ say,
Bị tán tỉnh lần nữa,
Nàng đi theo người này.
Cuối cùng, khi tỉnh dậy
Thì than ôi, vợ chàng
Đã đi xa, xa lắm
Cùng thuyền người buôn vàng.
Chàng liền nhờ cá sấu
Bơi đuổi theo vợ mình.
Chỉ một loáng là kịp.
Và người vợ phụ tình,
Dẫu trong lòng bối rối,
Nhưng không về với chồng.
Đưa chàng ba nén bạc,
Bị chàng vứt xuống sông.
Cá sấu nhớ lời Phật,
Liền bảo nàng thế này:
“Vậy thì xin cô trả
Ba giọt máu đã vay”.
Nghe lời, nàng trả lại
Ba giọt máu cho chồng.
Lập tức da xám xịt,
Đôi má hết ửng hồng.
Rồi nàng chết, thương tiếc,
Người lái buôn buôn vàng
Tìm mọi cách cứu chữa
Nhưng không cứu được nàng.
Nàng hóa thành con muỗi.
Và từ đó đến nay
Tìm cách hút trộm máu,
Cả đêm và cả ngày.
CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI
Xưa có anh chàng nọ,
Vốn là con nhà giàu.
Bố mẹ chết, để lại
Nhiều ruộng và nhiều trâu.
Trong làng có cô gái
Xinh đẹp nhưng rất nghèo.
Phải làm thuê cuốc mướn
Hết sáng rồi lại chiều.
Anh chàng giàu có ấy
Thấy cô ngoan và xinh,
Bèn nhờ một mụ mối
Hỏi làm vợ cho mình.
Không môn đăng hộ đối,
Nhưng hai vợ chồng cô
Sống với nhau hạnh phúc.
Nhàn nhã và vô lo.
Nhưng mụ mối độc ác
Thấy vậy bèn đâm ghen.
Tiếc hộ cho ông chủ,
Giàu mà lấy nghèo hèn.
*
Có một cô gái ế
Con nhà giàu trong làng,
Hứa sẽ thưởng cho mụ
Con trâu và nén vàng
Nếu xúi anh chồng ấy
Bỏ vợ để lấy mình.
Thế là mụ lập tức,
Hăng hái và nhiệt tình,
Đi khắp làng nói xấu
Người không ân oán gì.
Một cô gái xinh đẹp,
Nết na và nhu mì.
Rằng cô bị bắt gặp
Lẳng lơ với nhiều chàng
Vào ngày ấy, đêm ấy
Trong chiếc miếu đầu làng...
Nghe những lời như vậy,
Lúc đầu anh chồng cười.
Nhưng lời đồn dai dẳng,
Mà từ miệng nhiều người.
Nên cuối cùng tin thật,
Anh đuổi vợ khỏi nhà.
Rồi lại nhờ mụ mối
Hỏi cô gái ế già.
Còn vợ anh, thật tiếc,
Khi thấy chồng phụ tình,
Tủi đường duyên phận mỏng,
Nhảy xuống giếng quyên sinh.
Anh chồng và mụ mối,
Đang khỏe mạnh bình thường,
Thế mà đổ bệnh chết,
Xuống trình diện Diêm Vương.
Diêm Vương giở sổ tử,
Liền hiểu hết ngọn ngành.
Gieo ác phải gặt ác.
Gieo lành sẽ được lành.
Ngài liền cho mụ mối
Đầu thai lên dương gian
Thành con một địa chủ
Độc ác và tham lam.
Cô này tên là Kiến.
Cũng đẹp và thông minh.
Nhưng phải buồn, khổ sở
Vì ông bố của mình.
Cô đem lòng yêu mến
Một anh học trò nghèo,
Một người, gì cũng tốt,
Chỉ tội là quá nghèo.
Hơn thế, thi cứ trượt,
Dẫu học giỏi, thông minh.
Lúc thì bị phạm húy,
Lúc nhỡ đường lên kinh.
Tất nhiên ông bố Kiến
Không gả con gái ông
Cho một người như vậy.
Có đánh chết cũng không.
Mà Kiến thì yêu lắm,
Bèn nghĩ ra kế này:
Nàng bảo anh chàng ấy
Cải trang thành ăn mày.
Anh chàng đến, được Kiến
Cho một củ khoai lang.
Bên trong củ khoai luộc
Cô giấu một nén vàng.
Cô bảo anh lấy nó
Dùng làm lễ cầu hôn.
Ông bố cô nghe nói
Có người muốn lấy con.
Mà người giàu, sính lễ
Một củ khoai bằng vàng.
Vì tham lam, nên lão
Đã đồng ý vội vàng.
Và rồi đến ngày cưới,
Trang trọng, họ nhà trai,
Trao cho họ nhà gái
Lễ vật - một củ khoai.
Hý hửng, lão địa chủ
Đỡ củ khoai bằng vàng.
Thận trọng bóc ba lớp -
Chỉ là củ khoai lang!
Một củ khoai mới luộc,
Lại nhẽo và vàng khè.
Lão tức giận, cầm gậy
Đuổi nhà trai đi về.
Anh học trò, không hiểu
Ai tráo củ khoai vàng.
Xấu hổ, đi biệt xứ,
Không hề quay lại làng.
Còn cô Kiến, tội nghiệp,
Nghĩ người yêu của mình
Là một tên đại bịp,
Lừa vàng và lừa tình.
Cô buồn đến phát bệnh,
Rồi chết, thật đáng thương.
Vẫn chưa hết uất ức,
Cô kiện với Diêm Vương.
Cô kiện rằng cô có
Một củ khoai bằng vàng
Thế mà bị đánh tráo,
Khiến tình duyên lỡ làng.
Diêm Vương nghe, giở sổ,
Nói rõ và chi li,
Cô, mụ mối, ngày trước
Đã phạm những tội gì.
Vậy là Kiến thua kiện
Trong vụ kiện củ khoai.
Còn bị giam ngục tối
Một thời gian rất dài.
*
Về sau câu thành ngữ
Liên quan vụ kiện này
Có một ý nghĩa khác,
Thông dụng đến ngày nay.
YẾT KIÊU
Ngày xưa ở Làng Hạ
Có người tên Yết Kiêu.
Sống bằng nghề đánh cá,
Hết sớm rồi lại chiều.
Một đêm, ra bờ biển
Ông thấy hai con trâu,
Dưới ánh trăng vằng vặc,
Đang ghì sừng húc nhau.
Ông dùng chiếc ống gậy
Đánh chúng, thật bất ngờ.
Cả hai chạy xuống biển,
Và không quay lên bờ.
Ông đứng lặng, kinh ngạc
Đoán đây là trâu thần.
Nhìn xuống, thấy mấy sợi
Lông của chúng dưới chân.
Ông cho vào miệng nuốt,
Từ đấy trở thành người
Có sức khỏe vô địch,
Hơn gấp năm, gấp mười.
Đặc biệt, tài lội nước
Thì có một không hai.
Xưa nay giỏi như thế
Quả thật chưa có ai.
Ông đi lại dưới nước
Như đi trên đất liền.
Sáu bảy ngày lặn ngụp
Mới một lần ngoi lên.
*
Thời ấy giặc Mông Cổ
Sang đánh chiếm nước mình.
Cho một trăm tàu lớn
Tiến vào cửa Vạn Ninh.
Chúng thẳng tay cướp bóc,
Phá thuyền của dân ta.
Gây biết bao tang tóc
Cho nhiều người, nhiều nhà.
Vua sai quân nghênh chiến,
Tiếc là thường bị thua.
Bèn cầu người tài đức
Ra giúp nước, giúp vua.
Yết Kiêu đến, xin phép
Được giết giặc Nguyên Mông.
“Bẩm, thần đã có cách
Dìm chúng xuống đáy sông”.
Vua cả mừng, liền hỏi:
“Ngươi cần bao nhiêu quân?
Bao nhiều tàu lớn nhỏ?”
Yết Kiêu đáp: “Không cần”.
Vua nghe xong, lập tức,
Xuống chiếu phong cho ông
Được giữ chức Đô Thống,
Chống lại giặc Nguyên Mông.
Với một toán quân nhỏ,
Yết Kiêu xuống Vạn Ninh.
Sai lính làm chiếc búa
Và chiếc khoan cho mình.
Rồi ông lặn xuống nước,
Đến chỗ tàu quân Nguyên,
Dùng khoan và dùng búa
Đục thủng đáy tàu thuyền.
Ông khoan, đục lặng lẽ,
Chiếc nọ rồi chiếc này.
Tàu giặc thi nhau đắm.
Mấy chục chiếc một ngày.
Chúng bàng hoàng, không biết
Chuyện gì đang xẩy ra.
Bọn lính liền lặn xuống
Và nhìn thấy từ xa
Một người đang hý húi
Đục đáy thuyền dưới sông.
Chúng liền giăng lưới sắt.
Cuối cùng bắt được ông.
Tên tướng giặc tra khảo:
“Mày là ai? Ở đây
Bao nhiêu người biết lặn
Và bơi giỏi như mày?”
“Lặn mười ngày không thở
Phải đến hàng trăm người.
Cỡ như tao nhiều lắm.
Nhiều như sao trên trời.
Bây giờ tao bị bắt.
Có chết cũng không sao.
Nhưng hiện giờ dưới nước
Còn nhiều người như tao”.
Bọn giặc nghe, cả sợ,
Quay sang mua chuộc ông:
“Mày đưa đi bắt chúng.
Rồi có thưởng, muốn không?”
Khoảng mấy chục tên lính
Mang lưới sắt lên thuyền.
Cùng ông ra cửa biển.
Sóng dữ, thủy triều lên.
Nhân lúc chúng sơ ý,
Ông nhảy xuống, trốn đi.
Bọn lính đành bất lực,
Chẳng biết phải làm gì.
Tàu của giặc bị đắm
Không giảm mà càng nhiều.
Cuối cùng rút về nước.
Vì một người - Yết Kiêu.
Vua ban thưởng hậu hĩnh,
Phong tước vương cho ông.
Ở Vạn Ninh hiện có
Một ngôi đền thờ ông.
BA CHÀNG THIỆN NGHỆ
Ngày xưa ở làng nọ
Một gia tộc họ Lê
Có cô con nhan sắc
Và tài giỏi mọi bề.
Nhiều chàng trai đến hỏi,
Có cả con nhà giàu,
Cả con quan, cậu tú,
Nhưng ông bố lắc đầu.
“Không cần giàu, chức tước,
Con chúng tôi, họ Lê,
Chỉ muốn lấy ai đó
Phải rất giỏi một nghề.
Giỏi nghề mới quan trọng.
Giỏi nghề để giúp người.
Tiền bạc và chức tước
Là phù phiếm ở đời”.
Ông hẹn ngày kén rể.
Rất nhiều các chàng trai
Từ khắp nơi kéo đến.
Toàn những bậc anh tài.
Có ba chàng thiện nghệ.
Mỗi người giỏi một nghề.
Ai cũng muốn được chọn
Làm rể nhà họ Lê.
Anh thứ nhất có thể
Bắn trúng chiếc lá cây.
Hoặc, dù cao đến mấy,
Trúng con chim đang bay.
Anh thứ hai, tài lặn.
Có thể xuống đại dương
Mò tìm vật đã mất,
Kể cả viên kim cương.
Anh thứ ba, thầy thuốc,
Giỏi chữa bệnh giúp người.
Bệnh nặng mấy cũng khỏi.
Thậm chí đã lìa đời.
Ông già Lê mừng lắm,
Cho người leo lên cây.
Đánh dấu một chiếc lá.
Và rồi chiếc lá này
Được chàng trai thứ nhất
Dương cung bắn, một lần.
Đã rụng ngay xuống đất.
Không một chút khó khăn.
Rồi ông sai đầy tớ
Chèo thuyền ra thật xa,
Ném chiếc nhẫn xuống nước.
Sau khi trở về nhà
Ông bảo chàng lặn giỏi
Hãy tìm chiếc nhẫn này.
Chàng đi, rồi quay lại
Với chiếc nhẫn trên tay.
Trong thôn, ngày hôm ấy
Không may có bà già
Bệnh lâu ngày vừa chết.
Vậy là chàng thứ ba
Bắt mạch và kê thuốc.
Một lúc sau, bà này,
Thật kỳ lạ, tỉnh lại
Như vừa mới ngủ say.
Ông già Lê bối rối.
Bây giờ biết làm sao?
Cả ba chàng đều giỏi.
Biết gả cho chàng nào?
Cuối cùng họ thống nhất
Cùng ra miếu Thành Hoàng,
Gieo quẻ, nhờ thần phán
Ai sẽ được lấy nàng.
Khi vừa ra tới miếu
Thì nghe tin dị kỳ:
Có đại bàng sà xuống,
Bắt cô gái mang đi.
Chàng giỏi nghề cung nỏ,
Liền giương cung, vội vàng
Bắn một phát trúng đích -
Trúng cổ con đại bàng.
Nó liền rơi xuống biển
Cùng cô gái họ Lê.
Anh thứ hai lập tức
Bơi ra, đưa cô về.
Tiếc là cô đã chết.
Chàng thầy thuốc ra tay.
Dần dần cô sống lại.
Thật kỳ diệu điều này.
Lần nữa, ai được lấy
Cô gái ngoan và xinh?
Cả ba chàng thiện nghệ
Muốn nàng là vợ mình.
Dùng dằng mãi không được,
Đành phải ra công đường.
Quan nghe xong, rồi phán:
“Là chuyện rất bình thường
Khi một người thầy thuốc
Cứu sống một bệnh nhân.
Không phải chồng, thầy thuốc
Chỉ là một ân nhân.
Còn người giỏi cung nỏ,
Bắn chim để cứu người.
Cũng chỉ là trách nhiệm
Và nghĩa vụ với đời.
Và người cứu không thể,
Dẫu yêu mến, cảm thông,
Bắt người mình vừa cứu
Phải nên nghĩa vợ chồng.
Xưa nay nam và nữ
Phải “thụ thụ bất thân”.
Mà anh bơi lội giỏi
Đã chạm vào ân nhân.
Nên hoàn toàn hợp lẽ
Hai người nên vợ chồng”.
Mọi người nghe, có lý,
Chấp nhận và hài lòng.
Về sau, chàng cung nỏ
Và thầy thuốc tài ba
Kết nghĩa cùng cô gái,
Như anh em một nhà.
SỰ TÍCH CHÙA LÂM HÀ
Vào thời Hán Hiến Đế,
Đầu thế kỷ thứ ba,
Có nhà sư Ấn Độ
Tên là Khâu Đà La.
Ngài truyền bá Đạo Phật,
Trên đường tới Luy Lâu,
Gặp bão, thuyền dừng lại
Ở Cửa Vạn, Diễn Châu.
Thấy cảnh sắc thơ mộng,
Phong cảnh rất hữu tình,
Ngài thả bộ đi tiếp,
Chợt thấy trước mặt mình
Một khu rừng bát ngát,
Núi cao, suối rì rầm.
Ngài quyết định ở lại
Vùng đất này, Diễn Lâm.
Ngài làm phép, lập tức
Muông thú của nước Nam
Giúp Ngài dựng am đá,
Đặt tên là Thạch Am.
Hàng ngày Ngài đi dạo,
Đọc sách hoặc ngồi thiền.
Thức ăn là hoa trái
Các muông thú dâng lên.
Có ba khu rừng lớn
Quanh am, suối rì rầm.
Trường Lâm, khu thứ nhất,
Rồi Tùng Lâm, Hà Lâm.
Gọi Hà Lâm bởi lẽ
Cạnh rừng có dòng sông.
Thạch Am nhìn xuống nó,
Nước nửa xanh nửa hồng.
Ngài xuống núi dạy chữ
Cho trẻ em, dạy nghề
Cho dân làng lân cận,
Dạy làm ruộng, kết bè.
Sau ba năm lưu lại
Đất Diễn Lâm, Diễn Châu,
Ngài lên thuyền đi tiếp
Tới thủ phủ Luy Lâu.
Thành Luy Lâu thời ấy,
Thuộc Bắc Ninh ngày nay,
Vốn là khu buôn bán
Tấp nập suốt đêm ngày.
Một thời gian sau đó,
Nhờ công Khâu Đà La,
Thành trung tâm Phật Giáo
Toàn Giao Chỉ nước ta.
Còn Thạch Am từ đấy
Được người dân nơi này
Đến tụng kinh, niệm Phật,
Hương khói đêm lẫn ngày.
*
Vào Đời Đường, Trung Quốc,
Tiết độ sứ Cao Biền
Thường cưỡi diều du ngoạn
Thăm thú khắp mọi miền.
Lần nọ, khi bay đến
Vùng Diễn Lâm, Diễn Châu,
Phát hiện thấy long mạch,
Rất hữu ích về sau.
Hắn định xuống đánh dấu.
Thật lạ, ba lần liền
Bất chợt có gió dữ
Thổi mạnh, đẩy diều lên.
Hắn hiểu vùng đất ấy
Đã bị một cao nhân
Yểm bùa sẵn từ trước,
Không cho ai đến gần.
Tức giận, hắn làm phép
Phá hủy chiếc Thạch Am,
Rồi quay diều ra Bắc,
Thầm nguyền rủa nước Nam.
Ngay trong đêm hôm ấy
Muông thú gần và xa
Đã dựng lại như cũ
Thạch Am Khâu Đà La.
Thạch am kể từ đó
Linh thiêng gấp nhiều lần,
Nơi cầu được ước thấy
Của phật tử xa gần.
*
Cuối thế kỷ thứ chín,
Đức vua Lê Đại Hành
Dẫn một đoàn thuyền chiến
Vào Nam đánh Chiêm Thành.
Khi đi qua Cửa Vạn,
Ngài ra lệnh dừng thuyền.
Vừa để cho quân nghỉ,
Vừa nhân lúc triều lên,
Sai binh lính lùng sục,
Tìm kiếm những cây thông
Để thay cột buồm gãy
Sau mấy lần bão giông.
Ở Tùng Lâm có sẵn
Nhiều những cây thông cao,
Nhưng không thể đốn hạ,
Vì rìu chặt nhát nào
Là lành ngay nhát ấy.
Cứ thế suốt nửa ngày.
Thấy lạ, vua tự đến
Tìm nguyên cớ chuyện này.
Khi ngước lên, chợt thấy
Thạch Am Khâu Đà La
Trên đỉnh núi bên cạnh,
Ngài lập tức hiểu ra…
Ngài vào am cầu khấn.
Chưa hết một tuần hương,
Việc đốn cây kết thúc,
Nhanh và dễ lạ thường.
Bình Chiêm xong, quay lại,
Ngài còn ghé nơi này
Thắp nén hương tạ lễ
Giữa ngút ngàn mây bay.
*
Về sau, Lý Thái Tổ,
Năm Một Không Một Hai,
Khi dẹp loạn Châu Diễn,
Cũng đến đây, và Ngài
Chiêu quân và luyện tập,
Lập căn cứ nơi này.
Tương truyền, trước mỗi trận,
Ngài dâng hương, trái cây
Cầu xin và tụng niệm
Trước Đức Phật Thích Ca
Trong chiếc am bằng đá
Của sư Khâu Đà La.
Cũng có thể nhờ thế
Mà xuất binh lần nào
Ngài cũng dành thắng lợi,
Mà quân tướng không hao.
*
Thời gian đã xóa hết
Thạch Am Khâu Đà La.
Nhưng vẫn còn lưu lại
Lời dạy của Thích Ca
Về Từ Bi Hỉ Xả,
Về cái tình, cái Tâm
Cho rất nhiều thế hệ
Những người dân Diễn Lâm.
Vẫn còn đấy giản dị
Bài đồng dao trẻ trâu
Về một thời đáng nhớ
Cách đây lâu, đã lâu”
“Tùng Lâm vua chặt gỗ.
Trẻ trâu tắm Lâm Hà.
Quanh năm hương nghi ngút
Thạch Am Khâu Đà La”.
thank you !
Trả lờiXóa