Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Cổ Tích Nước Ngoài



Cổ Tíc Nước Ngoài
NGƯỜI KHỔNG LỒ ÍCH KỶ

1
Ngày xưa, ở Anh quốc
Có một người khổng lồ,
Một người rất to lớn,
  khu vườn cũng to.

Đó là khu vườn đẹp
Với bãi cỏ rất xanh,
Hoa muôn màu khoe sắc,
Trái cây chín trên cành.

Líu lo chim ca hát,
Một bài ca tuyệt vời.
Chim bay trong tán lá,
Chim bay cả trên trời.

Trẻ con sau giờ học
Thường kéo nhau đến đây,
Chơi các trò chúng thích,
Hoặc leo trèo trên cây.

Sau bảy năm làm khách
Ở một nơi rất xa,
Người khổng lồ, ông chủ,
Bỗng một hôm, về nhà.

Ông liền quát lũ trẻ:
“Hãy đi ra khỏi đây!
Ta là chủ, duy nhất
Được chơi ở vườn này!”

Lũ trẻ sợ, bỏ chạy,
Sau đó người khổng lồ
Dựng hàng rào bao bọc
Rất cao và rất to.

Rồi ông cắm tấm biển:
“Đây là vườn tư nhân,
Ai xâm phạm sẽ chết!
Cấm không được lại gần!”

Ông là người ích kỷ.
Ông chỉ ngồi trong nhà,
Nhưng không cho người khác
Vào vườn ông ngắm hoa.

Giờ lũ trẻ, thật tội,
Chẳng nơi nào để chơi.
Suốt ngày chỉ còn biết
Phơi đầu trần ngoài trời.

2
Mùa xuân đến, chim hót,
Hoa đua nở ngoài đồng.
Trong vườn ông ích kỷ
Vẫn lạnh, vẫn mùa đông.

Ở đây hoa quên nở,
Cây không chịu đâm chồi.
Chỉ có gió và tuyết,
Tuyết và gió mà thôi.

Người khổng lồ thì nghĩ:
“Chắc xuân muộn năm nay.”
Thực ra mùa xuân ấm
Không còn đến vườn này.

Cả mùa hè cũng thế,
Rồi tiếp đến, mùa thu,
Ở đây chỉ băng tuyết,
Tuyết băng và sương mù.

Một hôm, ngồi trên ghế,
Ông nhìn bức tường rào,       
Thấy qua khe hở nhỏ    
Lũ trẻ đang chui vào.

Lập tức vườn sống lại,
Chim chóc hót trên cành,
Và muôn hoa lại nở,
Cây lá bắt đầu xanh.

Lũ trẻ lại đùa nghịch
Như không có chuyện gì.
Người khổng lồ cảm động,
Không nỡ đuổi chúng đi.

Giờ thì ông đã hiểu
Vì sao trong vườn ông
Mùa xuân không muốn đến,
Quanh năm chỉ mùa đông.

Và rằng ông ích kỷ
Không cho trẻ và chơi.
Nay thì khu vườn đó
Là của chúng suốt đời.

Cầm chiếc rìu vĩ đại,
Ông ra phá hàng rào.
Lũ trẻ thấy ông đến
Liền bỏ chạy nháo nhào.

Và rồi ngay lập tức
Cả khu vườn nhà ông
Lại trở nên lạnh lẽo,
Cái lạnh của mùa đông.

Chỉ có một cậu bé
Còn ở lại vườn này.
Cậu còn bé, bé tí,
Không với tới cành cây.

Vì thế cậu đã khóc
Hai mắt lệ ướt nhòa,
Không chạy vì không thấy
Người khổng lồ đi ra.

Ông rón rén bước lại,
Thương thương cậu bé này.
Rồi nhẹ nhàng bế cậu
Đặt lên một cành cây.

Lập tức cây mọc lá,
Hoa nở đủ các màu,
Chim lại hót, cậu bé
Ôm hôn ông thật lâu.

Lũ trẻ nhìn thấy thế
Đùn đẩy nhau, lại gần.
Rồi chúng lại đùa nghịch
Giữa khu vườn mùa xuân.

Từ đấy người đi chợ,
Khi đi ngang qua đây,
Thấy một ông to lớn
Chơi với trẻ suốt ngày.

Nhưng có điều thật lạ,
Là ông không thấy đâu
Cậu bé bé tí ấy
Vào buổi chiều hôm sau.

Hỏi trẻ, chúng không biết.
Ông thấy buồn trong lòng.
Ông rất yêu cậu bé,
Vì cậu đã hôn ông.

3
Tháng năm trôi lặng lẽ.
Người khổng lồ đã già.
Ông thường ngồi một chỗ,
Thư thản ngắm vườn hoa.

Hoa vườn ông đẹp thật,
Lộng lẫy những chồi non,
Nhưng loài hoa đẹp nhất
Với ông, là trẻ con.        

Ông ngồi xem chúng nghịch
Mà nước mắt muốn rơi.
Chúng chính là sự sống,
Là niềm vui cuộc đời.

Một hôm, trời gần tối,
Lũ trẻ đã về nhà,
Ông giật mình vui sướng
Khi lơ đãng nhìn ra

Và thấy cậu bé ấy,
Cái cậu bé hài đồng
Ở góc vườn phía Bắc,
Cậu bé đã hôn ông.

Cậu đứng dưới tán lá
Một cành cây màu xanh,
Có hoa trắng, quả bạc,
Và chuông vàng xung quanh.

Ông vui mừng chạy xuống,
Rồi chững lại, bàng hoàng:
Hai tay, hai chân cậu
Có dấu đinh rõ ràng.

“Ai dám làm hại cháu?
Kìa, máu chưa kịp đông!
Ông sẽ bóp cổ nó
Bằng bàn tay của ông!”

Cậu bé cười, khẽ đáp:
“Ông khỏi lo lắng nhiều.
Vết thương này chảy máu
Là vết thương Tình Yêu.        

“Cháu là ai? - ông hỏi,
Đứng sững sờ, rồi ông
Giơ tay làm dấu thánh,
Quỳ trước Chúa Hài Đồng.

Chúa mỉm cười rồi nói:
Xưa, cũng ở vườn này
Con cho ta vui thích
Được đùa nghịch, hôm nay

Ta cho con được phép
Theo ta, cùng lên đường
Tới vườn ta tuyệt đẹp,
Khu vườn ở Thiên Đường.

4
Chiều hôm sau, lũ trẻ
Thấy ông khổng lồ già
Nằm chết dưới gốc mận,
Người ông phủ đầy hoa.


NÀNG BẠCH TUYẾT VÀ BẢY CHÚ LÙN

1
Có bà hoàng hậu nọ
Một buổi chiều mùa đông,
Ngồi khâu bên cửa sổ,
Tuyết rơi trắng ngoài đồng.

Vì mải nhìn tuyết trắng,
Bà đâm kim phải tay,
Để ba giọt máu đỏ
Rơi lên lớp tuyết dày.

Bất chợt, bà thầm nghĩ:
“Ước gì trời cho mình
Sinh được cô con gái
Bé nhỏ và thật xinh.

Da nó trắng như tuyết, 
Mái tóc dài, thật đen,
Môi đỏ như giọt máu,
Một cô bé dịu hiền.”

Chắc trời nghe lời ước:
Chưa đầy một năm sau
Bà sinh cô con gái
Đúng như lời nguyện cầu.      

Bà đặt tên Bạch Tuyết.
Nhưng cô vừa mới sinh
Thì hoàng hậu ốm, chết,
Để cô lại một mình.

Bố cô thương cô lắm,
Thế mà một năm sau
Đã lấy bà vợ khác,
Nói là để giải sầu.

Nhỏ nhen và độc ác,
Mụ vợ mới rất xinh,
Suốt ngày nơm nớp sợ
Người khác xinh hơn mình.

Mụ có chiếc gương nhỏ,
Nhưng là loại gương thần.
Nó chỉ nói sự thật,
Là vật bất ly thân.

Một hôm mụ hỏi nó:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Người đẹp nhất là bà!”
Mụ nghe, rất thích thú,
Kiêu càng kiêu gấp ba. 

Trong khi đó, Bạch Tuyết
Càng lớn lại càng xinh.
Đến năm mười ba tuổi,
Đẹp nghiêng nước, nghiêng thành.

Mụ cầm gương, lại hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!”  

Mụ nghe gương nói thế,
Liền tái mặt vì ghen.
Từ đấy, thấy Bạch Tuyết,
Mụ giận, tưởng phát điên.      

Ngày một thêm kiêu ngạo
Và đố kỵ, mụ ta,
Một hôm bèn cho gọi
Ông lão thợ săn già:

“Ngươi phải đem Bạch Tuyết
Vào sâu trong rừng dày,
Giết chết và sau đấy
Mang gan nó về đây!”  

Vốn thương người, ông lão
Không đang tâm giết nàng.
Để lừa mụ hoàng hậu,
Ông giết một con mang.

“Thật đáng đời cho nó!”
Mụ kêu lên vui mừng,
Rồi ngấu nghiến ăn hết
Lá gan con thú rừng.

2
Lại nói nàng Bạch Tuyết,
Một mình giữa rừng cây,
Nàng sợ, nhưng không biết
Phải làm gì lúc này.       

Thật lạ là thú dữ
Không hề làm hại nàng.
Cao trên đầu chim hót,
Dưới chân ngập lá vàng.

Nàng cứ đi đi mãi,
Cho đến khi bất ngờ
Thấy một ngôi nhà lá
Bé nhỏ và đơn sơ.

Đi nhiều nên đói, mệt,
Mà cũng đã tối trời,
Nàng quyết định dừng lại,
Xin vào nhà nghỉ ngơi.

Có một điều thú vị:
Mọi cái trong nhà này
Sạch sẽ và bé tí,
Trông thật xinh, thật hay.

Trên chiếc bàn bằng gỗ
Có bảy chiếc đĩa con,
Bảy khăn ăn, bảy bát,
Bảy chiếc thìa tí hon.

Kê sát vách, nàng thấy
Có đúng bảy chiếc giường,
Phủ vải trắng như tuyết,
Sạch sẽ và dễ thương.   

Nàng ngồi xuống bàn gỗ,
Bắt đầu uống và ăn,
Nhưng mỗi đĩa một tí,
Không muốn ai mất phần.

Rồi mệt, nàng buồn ngủ.
Giường cái thiếu, cái thừa,
Thử đến chiếc thứ bảy,
Nàng mới thấy thật vừa.

Chủ nhà ấy, tối mịt
Mới về, còn lấm bùn,
Họ làm việc ở mỏ.
Đó là bảy chú lùn.

Ngay lập tức các chú
Thấy có điều khác thường:
“Ai ăn vơi đĩa xúp?”
“Ai làm nhăn vải giường?”

“Ai đã uống cốc rượu?”
“Ai tưới nước cho hoa?”
Họ thắp bảy ngọn nến,
Rồi đi tìm khắp nhà.

Khi thấy nàng Bạch Tuyết,
Bảy chú đứng lặng người -
Một cô gái bé nhỏ,
Thật xinh và thật tươi.

Họ để nàng ngủ tiếp.
Giờ bảy chú sáu giường,
Đành luân phiên nhau ngủ,
Các chú lùn dễ thương.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Bạch Tuyết sợ hết hồn 
Khi bất ngờ chợt thấy
Bảy con người tí hon.

Họ ra hiệu đừng sợ,
Hỏi điều nọ, điều này.
Nàng bình tĩnh kể chuyện
Vì sao nàng tới đây.

Họ mời nàng ở lại
Trông nom việc trong nhà,
Lo nấu ăn, giặt dũ,
Trồng rau và tưới hoa.

Thế là nàng Bạch Tuyết
Tìm được nơi nương thân
Với những người bạn mới,
Rất chu đáo, ân cần.

Bảy chú lùn ngoài mỏ
Đến chiều tối mới về.
Nàng nấu sẵn cơm nước,
Lo chu tất mọi bề.

3
Mụ hoàng hậu độc ác
Nghĩ Bạch Tuyết không còn,
Nên mụ là đẹp nhất,
Không người nào đẹp hơn.

Mụ cầm gương, cười hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!

Nàng Bạch Tuyết còn sống,
Ở với bảy chú lùn,
Trong ngôi nhà bé nhỏ
Sâu trong rừng gỗ mun!”

Vì gương không nói dối,
Nên mụ biết lão già
Đã không giết Bạch Tuyết,
Chắc thương tình mà tha.

Mụ lồng lên tức giận,
Tìm cách hãm hại nàng.
Cuối cùng nghĩ được kế:
Mụ giả vờ cải trang

Thành bà lão ốm yếu
Chuyên đi bán hàng rong.
Mụ vượt rừng, lội suối,
Đi sâu mãi vào trong.

Khi thấy ngôi nhà nhỏ,
Mụ cất tiếng rao hàng:
“Lão có nhiều hàng quí,
Nhiều áo xanh, áo vàng...”

Thấy bà lão tử tế,
Bạch Tuyết cho vào nhà.
Nàng mua chiếc áo chẽn
May rất đẹp, bằng da.

Vờ giúp nàng mặc áo,
Cúc hàng cúc phía sau,
Mụ lấy sợi dây nhỏ
Xiết cổ nàng thật lâu.

Nàng Bạch Tuyết tắt thở,
Ngã khuỵu xuống sàn nhà.
Mụ thét lên sung sướng:
“Giờ đẹp nhất là ta!”    

Bảy chú lùn hoảng sợ
Khi nhìn thấy cảnh này.
Họ đỡ nàng ngồi dậy,
Rồi nới lỏng sợi dây.

Cuối cùng nàng tỉnh lại
Kể hết mọi sự tình.
Các chú dặn cẩn thận
Khi ở nhà một mình.     

Và rằng mụ còn đến,
Không mở cửa cho vào,
Không mua bán, đổi chác,
Không nói một lời nào.

Mụ hoàng hậu sung sướng
Khi quay về đến nhà,
Cầm chiếc gương, mụ hỏi:
“Giờ ai đẹp bằng ta?”

Chiếc gương thần lại nói
Nàng Bạch Tuyết đẹp hơn.
“A, con bé còn sống.
Để rồi xem, liệu hồn!”

Rồi mụ lấy quả táo
Tiêm thuốc độc vào trong.
Chỉ nửa đỏ có độc,
Còn nửa xanh thì không.

Mụ cải trang lần nữa
Thành một bà nông dân,
Vượt qua bảy ngọn núi,
Đến được nơi mụ cần.

Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết
Liền hỏi:”Bà cần gì?
Tôi sẽ không mở cửa.
Xin mời bà đi đi!”

“Ừ, thì đi,” mụ nói,
“Nhưng mẹ muốn mời con
Cùng ăn chung quả táo,
Nó rất đẹp, rất dòn.”

Mụ bổ đôi quả táo,
Ăn nửa quả màu xanh,
Nửa kia đưa Bạch Tuyết,
Hồng tươi, thật ngon lành.

Tưởng không có thuốc độc,
Nàng ăn và chết liền.
Mụ hoàng hậu độc ác
Vui mừng, kêu như điên:

“Giờ thì thôi, chết hẳn.
Những thằng lùn của mày
Dù có cố đến mấy,
Cũng bó tay lần này!”  

Về nhà, mụ lại hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Người đẹp nhất là bà!”
Mụ rên lên sung sướng:
“Người đẹp nhất là ta!”

Bảy chú lùn tối ấy,
Cố tìm cách cứu nàng,
Nhưng cứu mãi không được.
Họ đồng thanh khóc vang.

Khóc ba ngày ròng rã,
Rồi họ định đem chôn,
Nhưng thấy nàng tươi, đẹp
Như người sống, có hồn.

Họ đặt nàng Bạch Tuyết
Vào quan tài thủy tinh.
Trông nàng như đang ngủ,
Vô lo và thanh bình.

Họ còn cho khắc chữ,
Những con chữ bằng vàng,
Lên quan tài trong suốt,
Ghi rõ họ tên nàng.

Rồi họ đưa lên núi,
Đặt dưới tán cây xanh.
Các chú lùn lặng lẽ
Luân phiên nhau đứng canh.

Tất cả các loại vật
Cũng đến viếng thăm nàng.
Từ gấu, hổ, sư tử
Đến chim câu, đại bàng...

Thật lạ, nàng đã chết,
Mà sắc mặt vẫn tươi,
Môi đỏ, da như tuyết...
Hình như nàng đang cười.

4
Một hoàng tử nước nọ
Đi săn trong rừng mun,
Lạc đường, xin ghé nghỉ
Nhà của bảy chú lùn.

Chàng ngạc nhiên khi thấy
Chiếc quan tài thủy tinh,        
Có công chúa đang ngủ,
Nét mặt rất tươi xinh.

Dẫu biết nàng đã chết,
Nhưng hoàng tử yêu nàng,
Và muốn bằng mọi giá
Đưa nàng về nước chàng.

Thấy chàng yêu thực sự,
Bảy chú lùn cuối cùng
Đồng ý cho hoàng tử
Đưa Bạch Tuyết về cung.

Chàng liền cho thị vệ
Khiêng quan tài đi ngay.
Họ khiêng rất cẩn thận,
Nhưng vấp phải rễ cây,

Chiếc quan tài bị xóc,
Còn Bạch Tuyết bên trong
Đầu dựng lên, lắc mạnh,
Nôn ra miếng táo hồng.

Lập tức nàng sống lại,
Hỏi mình đang ở đâu.
Chàng hoàng tử vui sướng
Kể mọi chuyện từ đầu.

Rồi đúng kiểu hoàng tử,
Chàng đã cầu hôn nàng.
Rồi xe đón Bạch Tuyết
Về vương quốc của chàng.

Tiếp đến là lễ cưới,
Vui mọi nhà, mọi nơi.
Mụ hoàng hậu độc ác
Tất nhiên cũng được mời.

Mụ ăn mặc lộng lẫy.
Trước khi đi khỏi nhà,
Mụ hỏi gương: “Có phải
Đẹp nhất vẫn là ta?”    

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!”  
         
Mụ định không đi nữa,
Hết khóc lại thở dài,
Cuối cùng vẫn tới dự,
Xem cô dâu là ai.

Khi nhìn thấy Bạch Tuyết,
Mụ ngất, ngã xuống sàn.
Còn trái tim độc ác,
Uất ức mà vỡ tan.

Thế là hết đời mụ.
Đúng một mụ đàn bà,
Cứ thích thành đẹp nhất,
Gian xảo và xấu xa.


NGƯỜI ĐẸP NGỦ TRONG RỪNG

Xưa, ở vương quốc nọ,
Sau bao ngày chờ mong
Bà chính phi hoàng hậu
Đã sinh hạ cho chồng

Một bé gái xinh đẹp,
Dịu dàng như bông hoa,
Đôi mắt như sao sáng,
Tên là Aurora.

Vua liền mở đại tiệc,
Cho mời ba bà tiên
Đến ban phước cho cháu.
Ba bà tiên rất hiền.

Các bà tặng cháu bé
Những món quà tuyệt vời,
Cùng lời chúc chóng lớn
Và hạnh phúc nhất đời.

Bỗng một mụ phù thủy,
Tên là Maleficent
Xuất hiện trong bữa tiệc,
Khăn và áo đều đen.

Mụ phù thủy tức giận
Vì không được vua mời.
Tức là xem thường mụ.
Một mối thù nhớ đời.

Mụ liền vung chiếc đũa,
Đưa ra một lời nguyền,
Rằng lên mười sáu tuổi,
Cô công chúa dịu hiền

Sẽ bị mũi thoi nhọn
Đâm vào đầu ngón tay.
Không thuốc nào chữa được.
Công chúa sẽ chết ngay.

Một bà tiên đã nguyện
Để hóa giải lời nguyền,
Rằng nàng sẽ không chết,
Mà đơn giản ngủ yên.

Một giấc ngủ êm dịu,
Với hơi thở đều đều.
Nàng sẽ tỉnh khi nhận
Cái hôn của người yêu.

Lo lắng cho con gái,
Vợ chồng vua yêu cầu
Ba bà tiên tốt bụng
Nhận làm mẹ đỡ đầu

Và đưa công chúa nhỏ
Vào nuôi dưỡng trong rừng.
Tránh mặt mụ phù thủy,
Luôn để ý, canh chừng.

Ba bà tiên giả dạng
Làm những người nông quê,
Tránh không dùng pháp thuật
Để chống lại mụ kia.

Trong khu rừng vắng vẻ,
Aurora lớn lên,
Như một cô thôn nữ,
Tươi trẻ và hồn nhiên.

Nàng cũng không hề biết
Rằng mình là con vua.
Càng lớn càng xinh đẹp,
Dẫu bề ngoài quê mùa.

Như mọi cô gái khác,
Nàng bắt đầu mong chờ
Một hoàng tử xinh đẹp,
Tài ba và mộng mơ.

Đúng năm mười sáu tuổi,
Do lỗi của bà tiên,
Tung tích nàng bị lộ,
Và tiếc thay, lời nguyền

Của mụ già phù thủy
Thành hiện thực, vội vàng,
Mũi một con thoi nhọn
Đâm đứng ngón tay nàng.

Lập tức nàng ngất lịm
Trong giấc ngủ triền miên
Giữa khu rừng hoang vắng,
Vương quốc của thần tiên.

Các bà tiên làm phép,
Để cả vương quốc này
Cũng chìm trong giấc ngủ,
Dịu êm và dài ngày.

*
Một hoàng tử xinh đẹp,
Có tài và thông minh,
Từ lâu bị phù thủy
Giam trong lâu đài mình.

Chàng tên là Phillip,
Thà chết không nhật lời
Lấy mụ già làm vợ.
Thà bị giam suốt đời.

Ba bà tiên hiền hậu
Quyết định cứu giúp chàng.
Với hy vọng hoàng tử
Có thể đánh thức nàng.

Hay tin hoàng tử trốn,
Mụ phù thủy gian tà
Dựng một rừng gai nhọn,
Nhưng chàng vẫn vượt qua.

Mụ hóa phép làm núi,
Làm lửa cháy, làm sông.
Nhưng vô ích, rồi mụ
Hóa thành một con rồng.

Con rồng và hoàng tử
Suốt nhiều ngày đánh nhau.
Cuối cùng mụ phù thủy
Bị chàng chém đứt đầu.

Ba bà tiên làm gió
Đưa chàng về khu rừng
Nơi người đẹp đang ngủ,
Cuộc sống như đang ngừng.

Nhưng người đẹp vẫn đẹp,
Như bông hoa dịu hiền.
Hoàng tử yêu say đắm
Từ cái nhìn đầu tiên.

Chàng lặng lẽ cúi xuống
Hôn lên đôi môi nàng.
Lập tức nàng tỉnh dậy,
Với đôi mắt ngỡ ngàng.

Cả vương quốc bừng tỉnh.
Cây cối lại xanh tươi.
Khu rừng già đầy ắp
Tiếng hát và tiếng cười.

Hoàng tử và công chúa
Được làm lễ thành hôn.
Một tiệc cưới vĩ đại
Đúng vào đêm trăng tròn.

Ba bà tiên nhân hậu
Vui chung với mọi người.
Hoàng tử và công chúa
Sống hạnh phúc trọn đời.


NHÀ VUA VÀ ĐÔI GIÀY

Xưa, có ông vua nọ
Làm một chuyến vi hành
Tới các vùng hẻo lánh
Trong vương quốc của mình.

Thay cho việc cưỡi ngựa,
Ngồi kiệu hay đi xe,
Vua quyết định đi bộ,
Hệt như bác nhà quê.

Đường khó đi, đầy sỏi
Và đá nhọn như chông,
Nên một lúc vua mệt,
Và rất không hài lòng.

Ngài về cung, ra lệnh
Lấy da thuộc thật mềm
Trải kín đường trong nước
Để vua đi cho êm.

Các quan nghe, kinh sợ,
Gãi tai rồi gãi đầu:
Tức phải giết hàng triệu
Con bò và con trâu!

Lệnh vua không thể trái.
Làm thế nào bây giờ?
Trong khi đang bối rối,
Có anh hầu bất ngờ

Đưa ra một ý tưởng
Rất thông minh thế này:
Thay cho việc giết mổ
Triệu gia súc kéo cày,

Để lấy da phủ kín
Tất cả mọi con đường,
Vua có thể đơn giản
Cắt miếng da bình thường

Khâu thành đôi giày nhỏ
Đế da được thuộc mềm.
Đường có xấu đến mấy,
Vua đi vẫn thấy êm.

Vua nghe, rất ưng ý,
Liền ra lệnh làm ngay.
Hàng triệu con gia súc
Thoát chết nhờ anh này.

*
Qua đây ta học được
Một bài học thông minh:
Muốn mọi thứ tốt đẹp,
Phải thay đổi từ mình!


ÔNG VUA CÓ ĐÔI TAI LỪA

Có chuyện này, lạ lắm:
Vua Midas ngày xưa
Một sáng dậy, chợt thấy
Mình có đôi ta lừa.

Vua hoảng hốt, cho gọi
Quan ngự y vào chầu,
Rằng đôi tai lừa ấy -
Vì sao và do đâu?

Vốn là người cương trực,
Ông cúi lạy mà rằng:
“Lừa là loài ngu ngốc,
Bướng bỉnh và nhố nhăng.

Nó có đôi tai lớn
Nhưng lại không biết nghe,
Đúng là loài ngu ngốc,
Đáng khinh và đáng chê.

Ngài, đức vua vĩ đại,
Tài ba và anh minh.
Nhưng ngài không chấp nhận
Người khác khuyên can mình.

Rất có thể Thượng Đế
Trừng phạt ngài, tiếc thay,
Bằng cách đã cho mọc
Đôi tai lừa thế này.”

Vua Midas liền chém
Ông quan trung thực này,
Rồi ra lệnh tất cả
Các quan, tướng từ nay

Không ai được để lộ,
Dù với ai, ở đâu
Về đôi tai lừa ấy.
Trái lệnh sẽ chém đầu.

Tất nhiên quan và tướng
Không dám trái lệnh ngài,
Nhưng cái bí mật ấy,
Rằng đức vua có tai…

Cứ làm họ ngứa ngáy,
Thấy bứt rứt trong lòng.
Lâu ngày, bứt rứt ấy
Làm bụng họ sưng phồng.

Cuối cùng, không chịu nổi,
Đêm, họ lén ra sân,
Đào một chiếc hố nhỏ
Rồi thầm thì nhiều lần:

“Có chuyện này lạ lắm.
Mọi người đã biết chưa -
Vua Midas vĩ đại
Có một đôi tai lừa!”

Họ nói xong, thật lạ,
Thấy nhẹ hẳn trong lòng.
Cái bụng đầy bứt rứt
Cũng thôi không căng phồng.

Thế là điều bí mật,
Đức vua có tai lừa
Đã được nói cho đất,
Đất thấm vào nước mưa,

Mưa thấm vào không khí,
Không khí thấm vào Phây.
Nên tôi mới đọc được,
Viết thành châm ngôn này.

Mà châm ngôn vốn dĩ
Có bài học dạy đời.
Bài học ấy có đấy,
Là hiện nay nhiều người

Ngu ngốc và bướng bỉnh,
Không chịu nghe lời khuyên,
Nên tai họ có thể
Đang ngày một lớn lên.

Việc này nguy hiểm lắm.
Xin nhắc lại, không thừa.
Cứ bướng bỉnh như thế,
Tai sẽ thành tai lừa.

Hãy lắng nghe, nhớ nhé,
Những lời khuyên thông minh.
Để kiểm tra, thỉnh thoảng
Sờ xem đôi tai mình.




CÔ BÉ LỌ LEM

1
Ngày xưa, có người nọ,
Không may vợ qua đời.
Ông lấy thêm vợ nữa,
Cũng là hợp ý trời.

Ông có cô con gái.
Vợ có hai, và rồi,
Lại cái bi kịch cũ
Chuyện con bà, con tôi.

Đúng tinh thần cổ tích,
Bà mẹ kế rất gian.
Con riêng bố vất vả.
Con của vợ an nhàn.

Cái cô vất vả ấy,
Tức con riêng của chồng,
Tên Lọ Lem, nhỏ bé,
Luôn trăm việc nghìn công.

Lọ Lem tức là bẩn,
Vì cô phải hàng ngày
Hý húi nấu trong bếp,
Nên tro bụi bám đầy.

Một hôm bố đi chợ,
Hỏi các con muốn gì
Để bố còn mua tặng.
Đừng ngại ngần, nói đi.

Hai cô con bà kế
Đòi mua áo lụa mềm.
Ông bố quay sang hỏi:
“Con muốn gì, Lọ Lem?”

“Trên đường về, thưa bố,
Có cành cây nào non
Vô tình vướng mũ bố,
Hãy bẻ về cho con.”

Đi chợ về, quả thật,
Có cành dẻ xùm xòa,
Vướng, làm ông rơi mũ,
Ông bẻ, đem về nhà.

Lọ Lem vuốt ve nó
Rồi quyết định đem trồng
Ngay bên cạnh mộ mẹ,
Nước mắt chảy dòng dòng.

Được tưới đẫm nước mắt,
Cây dẻ lớn rất nhanh,
Thấm thoắt nó đã lớn
Thành cây to, nhiều cành.

Lọ Lem đến thăm nó
Mỗi ngày đúng ba lần.
Cô và nó quyến luyến
Như hai người bạn thân.

Mỗi lần đến, cô thấy
Có con chim trên cây.
Cô muốn gì, hỏi nó,
Nó liền vứt xuống ngay.

2
Năm ấy vua mở hội
Kéo dài suốt ba ngày,
Để hoàng tử kén vợ,
Một dịp hiếm xưa nay.

Hai cô con bà kế
Lo chuẩn bị từ lâu,
Bắt Lọ Lem giặt áo,
Đánh giày và chải đầu.

Đàn bà ai cũng muốn
Lấy hoàng tử làm chồng.
Cô Lọ Lem cũng vậy,
Dù giày không, áo không.

Hơn thế bà mẹ kế
Còn trộn đỗ với ngô
Bắt phải nhặt kỳ hết,
Mới cho lên kinh đô.

Ừ, phải nhặt thì nhặt.
Lọ Lem đi ra đồng,
Mời bầy chim đến giúp,
Chỉ một loáng là xong.

Giống như xưa cô Tấm
Nhặt thóc, phải nhờ chim.
Giống cả giày bị mất,
Hoàng tử phải đi tìm.

Hai cô con mẹ kế
Diện ngất trời, lên kinh,
Nghĩ Lọ Lem đang khóc,
Phải ở nhà một mình.

Lọ Lem ra mộ mẹ,
Nói với chim, và nàng
Ngay lập tức có được
Bộ váy thêu chỉ vàng,

Đôi giày thêu chỉ bạc,
Một cỗ xe, vân vân,
Nghĩa là đủ tất cả
Những thứ gì nàng cần.

Rồi nàng đến dự hội
Trước con mắt ngỡ ngàng
Của hàng nghìn đối thủ,
Trong đó có chị nàng.   

Chúng không thể ngờ được
Đó lại là em mình,
Cô Lọ Lem lem luốc
Vừa nhìn đã thấy kinh.

Hoàng tử thì khỏi nói,
Chàng mê nàng tức thì.
Chàng mời nàng nhảy mãi,
Bám chặt từng bước đi.

Rồi đêm khuya, từ biệt.
Hoàng tử buồn, thở dài.
Vì chàng rất muốn biết
Cô gái này là ai.

Nàng không cho chàng tiễn.
Vội lên xe, đi liền.
Hoàng tử nhìn theo mãi,
Không hiểu người hay tiên.

Đêm thứ hai dự hội,
Nàng quả thật xinh tươi.
Áo quần đẹp hơn trước,
Ai nhìn cũng ngẩn người.                 

Chàng hoàng tử lần nữa
Không chịu nhảy với ai,
Ngoài cô gái bí ẩn.
Và chàng lại thở dài.

Lần nữa chàng để hụt,
Không biết nàng đi đâu.
Chàng đang yêu, dễ hiểu
Vì sao luôn buồn rầu.   

Đêm thứ ba, cây dẻ
Và con chim cho nàng
Quần áo và giày dép,
Tất cả đều bằng vàng.

Khỏi nói nàng xinh đẹp
Và ấn tượng thế nào.
Chỉ nói nàng huyền bí,
Lấp lánh tựa vì sao.

Hoàng tử vẫn chưa biết
Cô gái bí ẩn này.
Và ôm đầu, tự hỏi
Nàng từ đâu đến đây.

Chàng nghĩ được một kế,
Là khi chia tay nàng,
Chàng lén đổ nhựa đặc
Lên các bậc cầu thang.

Vậy là do vội vã
Ra về trước bình minh,
Nàng Lọ Lem để lại
Một chiếc giày của mình.

Chiếc giày ấy thật đẹp,
Rất nhỏ và bằng vàng.
Ai chân đi vừa nó
Sẽ thành vợ của chàng.

3
Đích thân chàng vất vả
Không quản ngại đêm ngày,
Đi khắp nơi trong nước,
Mời mọi người thử giày.         

Nhưng than ôi, người thử
Có đến cả vạn người,
Mà chẳng ai vừa cả.
Nhiều khi thật buồn cười.

Cuối cùng chàng tìm đến
Ngôi nhà nàng Lọ Lem.
Hai cô con bà kế,
Trông thấy giày mà thèm.

Cô lớn đi vừa gót,
Nhưng lại thừa ngón chân.
“Chặt đi! - bà mẹ nói. -
Ngón làm gì? Không cần!

Khi con là hoàng hậu,
Đi xe ngựa hoặc lừa,
Chứ đâu phải đi bộ,
Nên có ngón là thừa.”

Cô kia nghe, hăng hái,
Liền lấy dao cắt ngay,
Nên dù rất đau đớn,
Cô đi vừa chiếc giày.

Cô ra mắt hoàng tử.
Hoàng tử phải giữ lời,
Đưa cô về làm vợ,
Dở khóc và dở cười.

Khi đi ngang cây dẻ,
Có con chim trên cây
Bay đến xe hoàng tử,
Lên tiếng hát thế này:

“Chân dài, phải chặt ngón.
Máu trên chân cô ta.
Trong khi cô dâu thật
Đang nấu ăn ở nhà!”

Hoàng tử trả cô chị.
Đến lượt cô thứ hai.
Cô ta thử, thật tiếc,
Lần nữa, chân quá dài.

“Dài thì con cắt gót! -
Bà mẹ nói như không. -
Một khi con đã muốn
Lấy hoàng tử làm chồng!”

Cô ta cắt gót thật,
Nhưng lần nữa dọc đường
Hoàng tử đem trả lại.
Nhìn cô khóc mà thương.

Lần này hoàng tử hỏi:
“Còn cô nào nữa không?”
Ông bố đáp: “Dạ có.
Nhưng đừng thử, mất công.   

Nó là đứa bé nhỏ,
Phải làm lụng suốt ngày,
Mặt mũi lại lem luốc...”
“Đưa cô ta ra đây!”

Nàng Lọ Lem rốt cục
Được mời ra thử giày.
Tất nhiên, chân nàng nhỏ,
Mới thử đã vừa ngay.

Mặt mũi vừa mới rửa
Nên trông nàng thật xinh.      
Hoàng tử nhìn, chết lặng.
“Đây mới là vợ mình!”

Đây, cô gái bí ẩn
Chàng tìm kiếm ngày đêm.
Xinh đẹp, thật xinh đẹp,
Ôi cô bé Lọ Lem!

Rồi lập tức, xe ngựa
Đưa nàng lên kinh thành.
Con chim trên cây dẻ
Tiễn nàng, bay xung quanh.

Tiếp đến là lễ cưới
Thật linh đình, và rồi
Một thời gian, vua chết
Chàng hoàng tử lên ngôi.       

Cả vua và hoàng hậu
Không quên chuyện chiếc giày.
Nghe nói họ hạnh phúc
Mãi đến tận ngày nay.

Còn mẹ con bà kế
Sau đấy vẫn bình thường,
Không bị ai trừng phạt,
Rồi chết, chẳng ai thương.


CUỐN SÁCH VÀ CHIẾC GIỎ ĐỰNG THAN  

Theo người ta kể lại,
Xưa có người đàn ông
Sống với một cậu bé
Trong ngôi nhà ven sông.

Đó là hai ông cháu.
Người ông tóc bạc phơ.
Cậu bé mới mười tuổi.
Quang cảnh đẹp, nên thơ.

Hàng ngày ông đọc sách.
Vâng, đọc sách hàng ngày.
Có nhiều cuốn sách cổ
Gáy bọc da, rất dày.

Còn cậu bé đi học,
Cũng hàng ngày, buổi chiều,
Khi làm xong bài tập,
Cậu chơi bóng, thả diều.

Cũng có hôm chơi chán,
Cậu đọc sách cùng ông,
Nhưng đọc không hứng lắm,
Và lúc hiểu, lúc không.

“Ông ơi, sao thế nhỉ, -
Cháu đọc thấy không hay,
Lại buồn ngủ, không hiểu.
Mà ông đọc suốt ngày.”

Ông mỉm cười bảo cậu
Lấy chiếc giỏ than đen
Vừa đổ than vào bếp,
Xuống sông xách nước lên.

Cậu vâng lời, rất cố,
Nhưng khi lên đến nơi,
Nước đã chảy ra hết.
Ông cậu lại mỉm cười:

“Thì cháu hãy thử lại.
Lần này đi nhanh hơn.”
Cậu đi gần như chạy,
Mà nước vẫn không còn.

Cậu xách thêm lần nữa,
Mồ hôi chảy thành dòng:
“Không thể dùng chiếc giỏ
Để lấy nước, thưa ông.”

Ông cậu đáp: “Đúng vậy.
Thực ra ông hôm nay
Không muốn cháu lấy nước,
Mà muốn nói điều này:

Giỏ không đựng được nước.
Nhưng giỏ bám than đen,
Sau mấy lần “lấy nước”
Sẽ sạch, trắng dần lên.

Cũng vậy, cháu đọc sách,
Khó hiểu, thấy không cần.
Nhưng cháu kiên trì đọc,
Đầu óc sẽ sáng dần.”

Cậu bé nhìn chiếc giỏ,
Hình như lần đầu tiên,
Thấy nó được nước rửa
Không còn bám bụi đen.

Vâng, ông già nói thế,
Rằng đọc sách rất cần
Tâm hồn và ý nghĩ
Sẽ thanh lọc dần dần.

Còn tôi thì nhân tiện
Xin nói thêm một điều:
Tương tự, nhạc cổ điển
Cũng giúp ta rất nhiều.

Nghe nó, từng tí một,
Như đọc sách hàng ngày,
Ta trở thành người tốt
Tự lúc nào không hay.

Nó làm ta tinh tế,
Thấy cái đẹp của đời,
Nghe bài ca của gió,
Thấm cái đau của người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét