Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Cổ Học Tinh Hoa



Cổ Học Tinh Hoa 
TUÂN TỬ

Làm, phải làm bền bỉ.
Đường tuy ngắn, không đi
Sẽ không bao giờ đến.
Vậy thì còn chờ gì?

Cũng thế, việc tuy bé,
Không làm sẽ không xong.
Ai biết làm việc bé,
Việc lớn mới thành công.”


LÃ PHÚC TỬ

Có học, không có đức
Là người ác, đáng chê.
Có đức, không có học,
Ấy là người chân quê.

Kinh Viên Tiểu Ngữ dạy:
Tuyệt đối không bao giờ
Lập mưu lo việc lớn
Với người hay nghi ngờ.


LÃO TỬ

*
Quan trọng là ý nghĩ.
Ý nghĩ sẽ thành lời.
Lời sẽ thành hành động.
Hành động thành tính người.

*
Không cần phải nóng vội.
Mọi cái cứ dần dần.
Chuyến du hành nghìn dặm
Bắt đầu bằng bước chân.


CHU HY

Ông Chu Hy đời Tống,
Người soạn lại Tứ Thư,
Nói: “Có ba điều tiếc:
Một, mình đã trót hư.

Hai, trước không chịu học.
Ba, vì thế ở đời
Không làm gì nên chuyện.
Người cũng chẳng ra người.”


HOÀI NAM TỬ

Theo sách Hoài Nam Tử,
Đời có ba mối lo:
Ít đức, lắm ân sủng.
Tài ít mà chức to.

Không tự thân tiến lập
Mà bổng lộc, hiển vinh.
Ba điều ấy nguy hiểm
Cho đời, và cho mình.


HÀN BÁ DU

Ngày xưa ở Trung Quốc
Hàn Bá Du là người
Nổi tiếng rất hiếu thảo,
Ngày nhỏ vốn ham chơi.

Ông luôn bị mẹ đánh,
Mà lại thường đánh đau.
Lần nọ, khác thường lệ,
Ông ngồi khóc rất lâu.

Mẹ hỏi thì ông đáp:
“Con khóc vì lần này
Mẹ đánh không đau nữa,
Thương mẹ già, yếu gầy.”


HÀN TÍN

1
Hàn Tín, thời Nhà Hán,
Cùng Trương Lương, Tiêu Hà,
Thành bộ ba Tam Kiệt
Các danh tướng tài ba.

Luôn “bách chiến bách thắng”,
Là “thiên hạ vô song”.
Ông đánh bại Hạng Vũ,
Lập được nhiều chiến công

Giúp gây dựng nhà Hán
Tồn tại bốn trăm năm.
Ông là đại danh tướng,
Dũng cảm và cao tầm.

Ông mồ côi từ bé.
Tự kiếm ăn qua ngày.
Khi bà mẹ ông chết,
Ông khóc đúng bảy ngày.

Ông bán hết nhà cửa
Xây mộ đẹp cho bà.
Rồi phẫn chí, xách kiếm
Phiêu bạt khắp gần xa.

Lần nọ, ngoài phố chợ,
Thấy ông người gầy gò,
Có một gã hàng thịt,
Ma mãnh, muốn trêu trò.

Hắn nói với Hàn Tín:
“Tao và mày đấu dao.
Nếu sợ, không muốn chết,
Thì chui qua háng tao!”

Một sự sỉ nhục lớn,
Thế mà rồi, tiếc thay,
Hàn Tín đã quì xuống,
Chui qua háng thằng này.

Từ đấy ông nổi tiếng
Nhu nhược và rất hèn.
Phải lang thang đây đó,
Xin miếng ăn, xin tiền.

2
Suốt nhiều năm như thế,
Hèn nhát và đáng thương.
Luôn phải chịu đói khát,
Sống vật vã ngoài đường.

Thậm chí đói đến mức
Nhiều khi muốn quyên sinh.
Một bà lão giặt vải,
Thấy thế, bèn thương tình

Bớt ăn, cho Hàn Tín
Mỗi bát cơm một ngày.
Hàn Tín rất cảm động
Trước nghĩa cử đẹp này.

Ông nói, sau nhất định
Sẽ đền đáp ơn bà.
Và rằng cái ngày ấy
Có lẽ cũng không xa.

Bà giặt vải nghiêm giọng:
“Đền ơn ư? Không cần.
Chỉ vì ta thương hại
Mà mang cơm cho ăn.

Đấng nam nhi quân tử
Phải đói ăn vì lười,
Thì làm sao có chuyện
Biết đền ơn cho người?”

Câu nói này nghiệt ngã
Làm Hàn Tín giật mình,
Rồi cắn răng tập luyện,
Sau thành tướng hiển danh.

*
Khi công thành danh toại,
Hàn Tín trở về làng,
Cho tìm bà giặt vải,
Ban thưởng nghìn lạng vàng.

Còn gã bán thịt lợn
Vốn từng hạ nhục ông,
Cũng được ông cân nhắc,
Ban cho tước quận công.

Mọi người ngạc nhiên hỏi:
Vì sao? Ông trả lời:
Vì hắn, dẫu độc ác,
Nhưng giúp ta thành người.


LƯƠNG HỒNG, MẠNH QUANG

Xưa, vào thời Hậu Hán
Ở vùng đất Giang Đông
Có một chàng trai trẻ
Là hàn sĩ Lương Hồng.

Chàng đẹp trai nho nhã,
Luôn giữ đạo thanh bần,
Lại chuyên tâm học tập
Nên nổi tiếng xa gần.   

Cạnh đấy có cô gái
Tên là nàng Mạnh Quang,
Con một nhà giàu có,
Rất lắm bạc, nhiều vàng.      

Phục tài và phục đức
Của hàn sĩ Dương Hồng,
Nàng bỏ bao nhiêu mối
Để lấy chàng làm chồng.

Vì nhà giàu, hôm cưới,
Vốn xinh đẹp ngày thường,
Giờ lại càng lộng lẫy,
Nàng đeo toàn kim cương,

Mặc quần áo bằng lụa,
Lại đính ngọc, thêu vàng
Tất cả nàng trưng diện
Chỉ cốt đẹp lòng chàng.

Thế mà chàng, thật lạ,
Có vẻ không hài lòng,
Bảy ngày sau ngày cưới,
Không chịu lễ động phòng.

Mạnh Quang buồn, hẳn thế,
Và rất đỗi phân vân.
Cuối cùng có người mách
Phải thay đổi áo quần.

Thế là bộ áo đẹp
Được thay bằng vải thô,
Chiếc trâm ngọc nghìn lạng 
Thay bằng khăn cỏ bồ.

Lương Hồng ôm nàng nói:
“Đây mới là vợ ta!
Ta xuất thân nghèo khó,
Vợ không mặc lụa là.”

Từ đấy họ hạnh phúc,
Vui hưởng cảnh thanh bần.
Chàng vẫn là hàn sĩ,
Vợ thành bà nông dân...


LƯ THỊ

Thời nhà Đường, Trung Quốc
Có một cặp vợ chồng.
Vợ họ Lư, Lư Thị,
Còn anh kia, họ Phòng.        

Họ yêu nhau rất mực,
Một tấm gương cho đời.
Lư Thị vốn nổi tiếng
Đẹp nết, đẹp cả người.

Chồng nàng mắc bệnh nặng,
Không hiểu mắc bệnh gì.
Một hôm nói với vợ:
“Có lẽ tôi sắp đi.

Tôi muốn sau khi chết,
Nàng còn trẻ, lại xinh,
Nên phải đi bước nữa,
Kẻo uổng phí đời mình.”

Lư Thị nghe, bèn khóc,
Rồi lặng lẽ vào phòng,
Tự khoét một con mắt,
Tỏ ý quyết thờ chồng.

Chồng nàng rất cảm động,
Không ngờ mấy tháng sau
Bệnh khỏi, thi, đỗ trạng,
Thành tể tướng, rất giàu.

Dẫu quyền y tột đỉnh,
Ông yêu vợ thực lòng.
Không hề lấy vợ lẽ,
Cả tì thiếp cũng không.

Đó là chuyện cực hiếm
Thời bấy giờ, cho nên
Không ít kẻ đồn đại
Rằng ông sợ bà ghen.

Chuyện đến tai hoàng đế,
Tức là Đường Thái Tôn.
Ngài bèn quyết định thử
Đúng hay sai lời đồn.

Ngài cho gọi bà tới
Bảo: “Chồng bà đã già,
Ta muốn ông được tặng
Một mỹ nhân của ta.”

Lư thị nghe: “Không được.
Vợ chồng con, xin tâu,
Nguyện suốt đời chung thủy,
Sống chết cùng có nhau.”

“Vậy thì ngươi sẽ chết.”
Hoàng đế quát. “Quân bay,
Hãy đưa chén thuốc độc.
Ngươi phải uống chén này.”

Rất thản nhiên, Lư Thị,
Cầm chén thuốc đen xì.
Thực ra thuốc độc giả
Nên chẳng hề hấn gì.

Hoàng đế nhìn, dướn mắt:
“Quả lời đồn không sai.
Ta có vợ như thế,
Cũng sợ, nói gì ai.”


MỔ RỒNG

Xưa, có anh chàng nọ
Tới một nước Phương Đông,
Sau mười năm vất vả,
Học được nghề mổ rồng.

Trong nghề mổ rồng ấy,
Chàng là siêu chuyên gia,
Loại giỏi nhất thế giới.
Có điều khi về nhà,

Không có rồng để mổ,
Chàng suốt ngày nằm dài.
Cái nghề giỏi, cao quí
Chẳng ích gì cho ai.

Câu chuyện này có chép
Trong cổ sử Trung Hoa.
Đơn giản, chỉ có vậy,
Nhưng ngẫm kỹ, chúng ta

Có thể rút bài học
Mà chọn nghề cho mình,
Để vừa kiếm được việc,
Vừa lợi cho dân tình.


THƯ SINH

Xưa có anh chàng nọ
Áo quần khá bảnh bao,
Vẻ thư sinh, ăn nói
Cũng không đến nỗi nào.

Thư sinh, dù ít học,
Lại vô công rồi nghề,
Nhưng anh chàng rất thích
Khoe khoang về bạn bè.

Chập chiều, chàng đóng bộ,
Đủng đỉnh ra khỏi nhà.
Vợ hỏi đi đâu đấy.
Thăm bạn bè ấy mà.

Quá nửa đêm, gần sáng,
Anh chàng mới quay về,
Tay còn xách túi thịt,
Giọng say rượu, lè nhè.

Vợ gạn hỏi thì đáp
Vừa dự tiệc nhà quan,
Vốn là người bạn cũ
Thời xa xưa bần hàn.

Hôm sau lại đi nữa,
Cũng tận khuya mới về,
Vẫn với túi rượu thịt
Và giọng nói lè nhè.

Vẫn khoe đi dự tiệc
Của bạn làm quan to.
Cô vợ nghe, không nói,
Nhưng thấy rất tò mò.

Thế là cô lặng lẽ
Theo chồng ra khỏi nhà
Để tìm hiểu sự thật
Vào buổi tối thứ ba.

Tưởng đến nhà ai đó,
Cô ngạc nhiên thấy chồng
Giữa đêm khuya mò đến
Bãi tha ma ngoài đồng.

Ở đó, anh chàng ấy,
Nho nhã và thư sinh,
Ăn thừa các đồ cúng,
Nhồm nhoàm, trông thật kinh.

Cô vợ liền chạy đến,
Lớn tiếng mắng anh ta.
Bắt quả tang nhục nhã,
Phải lủi thủi về nhà.


CÁCH NGƯỜI XƯA DẠY TRẺ

Thời ấy, ở nước Ngụy
Có một cậu học trò
Được thầy cho lên phố
Thăm thú và chơi trò.   

Hôm ấy có phiên chợ
Rất đông người lại qua.
Có ai đó mất cắp,
Người ta nghi cậu ta.

Thế là cậu bị bắt,
Rồi giải lên gặp quan.
Quan tra khảo rồi thả,
Vì thấy cậu bị oan.

Về làng, cậu kể lại.
Ông thầy nghe, bất ngờ
Sai nọc cậu ra đánh.
Cả lớp nhìn, sững sờ.

“Quả trò không ăn cắp,
Nhưng ta đánh vì trò
Cư xử và nét mặt
Khiến người ta nghi ngờ.”


QUAN CHÉP SỬ

Câu chuyện này được chép
Trong “Tả Truyện” nước Tàu.
Tể tướng Tề, Thôi Trữ,
Độc ác và mưu sâu.

Hắn đã giết minh chúa
Là vua Tề Trang Công.
Tự mình lên ngôi báu,
Rất hả hê trong lòng.

Hắn triệu quan viết sử,
Rồi bảo ông thế này:
“Việc ta thay vua cũ,
Ông định chép sao đây?”

Thái sử Bá liền đáp:
“Viết như nó xẩy ra
Rằng Ngài giết minh chủ
Tháng Năm, ngày mồng Ba…”

Thôi Trữ quát: “Không được.
Phải viết khác, viết hay!”
“Bẩm, tôi quan chép sử,
Phải chép đúng thế này.”

Thái sử Bá lập tức
Bị Thôi Trữ chém đầu.
Ở Trung Hoa thời đó
Có truyền thống từ lâu

Là chức quan chép sử
Vốn thuộc một gia đình,
Kiểu cha truyền con nói,
Chỉ trong dòng họ mình.

Vì thế Thái sử Trọng
Là em, được lên thay.
Ông cũng bị giết chết
Vì giữ quan điểm này.

Sau Trọng, đến lượt Thúc,
Viết sự thật, đó là:
“Thôi Trữ giết minh chúa
Tháng Năm, ngày mồng Ba.”

Sau khi Thúc bị giết,
Thái sử Quý lên thay.
Và rồi ông lại chép
Nguyên xi những việc này.

Chép xong, ông giơ cổ
Chờ đao phủ chém đầu:
“Sự thật là sự thật.
Vua không giết được đâu.

Dòng họ quan chép sử
Có thể sẽ không còn.
Nhưng sự thật còn đó
Và vẫn mãi trường tồn.”

Thôi Trữ nghe, run sợ.
Tay chân chợt yếu mềm.
Hắn cúi đầu tư lự,
Và không dám giết thêm.


THIỀN SƯ Ô SÀO

Thời nhà Đường, Trung Quốc
Có thiền sư Ô Sào.
Ô sào là tổ quạ,
Tít trên ngọn cây cao.

Người ta gọi ông thế
Vì bà mẹ sinh ông,
Thấy dị dạng, xấu xí,
Không muốn bế vào lòng.

Mà đặt vào tổ quạ
Trên cây đại thụ già
Ngay trước ngôi chùa cổ
Có cây cối xùm xòa.

Ông lớn lên ở đấy.
Đêm, nó là giường nằm.
Ông thấy rất thoải mái
Sống thế suốt nhiều năm.

Sau đi tu, đắc đạo,
Ông lại leo trên cây,
Kê chiếc ván đủ rộng
Ngồi định thiền suốt ngày.    

Có một ông quan lớn,
Cũng là một thi hào,
Đó là Bạch Cư Dị,
Đi ngang nhà Ô Sào.

Vốn không thích những kẻ
Yếm thế, trốn cuộc đời,
Thị lang Bạch Cư Dị
Nói, ngửa mặt lên trời:

“Phải chăng đất thiếu chỗ,
Mà phải leo lên cây?
Vừa nguy hiểm vừa chối.
Khéo rồi ngã có ngày.”

Ô Sào thiền sư đáp:
“Bẩm quan, chỗ của tôi
An toàn và chắc chắn
Hơn chỗ quan đang ngồi.”

“Kiệu tôi rộng, thoải mái, -
Bạch Cư Dị hỏi ông. -
Tôi thấy nó chắc chắn.
Sao ông bảo là không?”

“Bẩm quan, là quan lớn,
Quan chỉ dưới mấy người
Nhưng trên cả trăm họ         
Như quan biết, thói đời

Trên yêu thì dưới ghét,
Được vua thì mất dân.
Thành ra quan ở giữa
Khó lòng mà yên thân.

Chỗ của quan là thế -
Kê trên lưỡi người đời.
Hỏi làm sao chắc chắn
Bằng cây này của tôi?”

Bạch Cư Dị im lặng,
Ngồi cúi đầu nghĩ suy.
“Xin thầy cho tôi biết
Lời Phật dạy là gì?”

“Phật dạy: Không làm ác.
Chỉ được làm điều lành
Và thường xuyên thanh lọc
Ý nghĩa và lòng mình.”

“Điều ấy thì con trẻ
Lên ba đã thuộc lòng.”
“Thưa, hỏi ngài, người lớn,
Có luôn làm được không?”   

*
Ông quan nhà thơ ấy,
Giàu có và thanh cao,
Nghe nói sau dâng lễ
Làm đệ tử Ô Sào.        


TÂY THI

Thời Xuân Thu Chiến Quốc
Có người đẹp Tây Thi,
Đẹp đến cá ngừng lượn,
Cây cỏ ngừng thầm thì.

Nàng vốn người nước Việt,
Sống bên núi Trữ La,
Sáng, ngồi sau khung cửi,
Chiều, nghe tiếng chim ca.

Mỗi lần ngồi giặt lụa,
Soi bóng xuống dòng sông,
Đôi má nàng ửng đỏ
Làm nước xanh ngả hồng.

Cuộc sống này giản dị
Trôi bình thản, êm đềm
Cùng mây trời, sông nước,
Tưởng chẳng cần gì thêm.

Thế mà một ngày nọ,
Có người đến nhà nàng,
Đó là tướng Phạm Lãi,
Cũng một trăm nén vàng.

Nàng vĩnh biệt sông núi,
Nước mắt chảy rầu rầu,
Lên xe theo Phạm Lãi
Mà không biết đi đâu.

Số là Việt Câu Tiễn
Sau khi thua nước Ngô,
Bây giờ đang nung nấu
Giành
giật lại cơ đồ.

Nghe theo lời Vân Chủng
Thực hành kế mỹ nhân,
Vua Việt cho nha lại
Lùng sục khắp xa gần.

Chỉ trong vòng sáu tháng
Tìm được hai nghìn người,
Tây Thi là đẹp nhất,
Quả mười phân vẹn mười.

Sau ba năm được dạy
Tinh xảo các ngón trò,
Nàng được chính Phạm Lãi
Mang sang cúng vua Ngô.

Thế là chỉ một bước,
Từ cô gái hiền lành
Nàng lạc vào thế giới
Các vương hầu, công khanh.

Dẫu sống nơi tháp ngọc,
Trong nhung gấm, lụa là
Nàng chạnh lòng khi nh

Bến
đò sông Trữ La.

Bị Tây Thi mê hoặc,
Vua Phù Sai nước Ngô
Không chuyên tâm việc nước
Mà để mất cơ đồ.

Vậy là mỹ nhân kế
Của nước Việt thành công.
Nàng xin về quê cũ
Với núi và bến sông.

Thế mà người ta nỡ
Cho nàng vào chiếc bao
Rồi ném ùm xuống nước.
Chua xót, phũ phàng sao!

Chao, phũ phàng chua xót,
Bạc mệnh khách má hồng.
Ai gây nên điều ấy?
Đàn ông, chỉ đàn ông.

Một cô gái dệt vải
Lấy lại cả sơn hà.
Giờ thành mồi cho cá.
Thật cay đắng, xót xa.

Thật xót xa, cay đắng,
Cho người đẹp Tây Thi,
Đẹp đến cá ngừng lượn,
Cây cối ngừng thầm thì.

Một tấm gương trung liệt,
Một câu chuyện đau lòng...
Ai gây nên điều ấy?
Đàn ông, chỉ đàn ông.


LỜI CỔ NHÂN

Cành, cho quá nhiều quả,
Là việc không thông minh.
Quả nặng, cành sẽ gãy.
Tức mình tự giết mình.

Người, háo hức cống hiến,
Quá nhiều và quá nhanh,
Cũng sẽ sớm gãy gục.
Việc lớn sẽ không thành.


ĐẶT MÌNH VÀO CHỖ CHẾT

Cổ nhân xưa đã dạy,
Rằng nhiều khi có người
Đặt mình vào chỗ chết
Để tồn tại trên đời.

Ngược lại, không ít kẻ,
Vì cái Tham, Si, Sân,
Đặt mình vào chỗ sống
Để rồi chết dần dần.


TẤN VĂN CÔNG

Tấn Văn Công là một
Trong Ngũ Bá Xuân Thu,
Sáu ông vua nổi tiếng,
Các chư hầu Nhà Chu.

Ông có tài thao lược,
Đao kiếm cũng tinh thông.
Rồi nổi lên xưng bá
Cùng vua Tề Hoàn Công.

Tên ông gắn với Tết
Bánh trôi và bánh chay,
Hay còn gọi Hàn Thực.
Truyền thuyết kể thế này:

*
Đời Xuân Thu, vua Tấn
Gặp nạn, sống lưu vong,
Hết Tề rồi đến Sở,
Hết Tây lại về Đông.

Có một người hiền sĩ
Tên là Giới Tử Thôi,
Theo vua, giúp mưu kế,
Chia hoạn nạn, và rồi,

Một lần nọ, đói quá,
Chẳng còn gì để ăn,
Ông tự mình xẻo thịt,
Một miếng ở bắp chân.

Lặng lẽ, ông đem nướng
Rồi mời Tấn Văn Công.
Ăn hết vua mới biết,
Rất cảm kích trong lòng.

Mười chín năm phiêu bạt,
Giới Tử Thôi theo ngài.
Cho đến khi vua Tấn
Lần nữa được lên ngai.

Ngài ban thưởng hậu hĩnh
Cho quan và bầy tôi.
Thế mà, thật đáng trách,
Lại quên Giới Tử Thôi.

Ông không chút oán hận,
Nghĩ mình nghĩa trả xong,
Bèn vào rừng ở ẩn
Cùng mẹ già của ông.

Khi vua Tấn chợt nhớ,
Liền mời ông vào cung.
Giới Tử Thôi không chịu,
Bất dắc dĩ, cuối cùng

Vua cho người phóng lửa
Đốt cháy khu rừng già,
Với hy vọng nhờ thế
Giới Tử Thôi sẽ ra.

Nhưng ông vẫn cố thủ.
Cả hai mẹ con ông
Ôm nhau chịu chết cháy.
Vua rất đỗi đau lòng.

Ngài bèn cho lập miếu
Thờ cũng ông đêm ngày.
Đồng thời ban chiếu chỉ
Cấm dân chúng từ nay

Không ai được nhóm lửa
Ngày mồng Ba tháng Ba,
Để nhớ gương tuẫn tiết
Của ông và mẹ già.

Từ đó dân nước Tấn
Không nhóm lửa ngày này,
Phải ăn thức ăn nguội.
Phong tục ấy đến nay

Còn giữ ở Trung Quốc
Và cả Việt Nam ta,
Thành Tết ăn bánh nguội
Ngày mồng Ba tháng Ba.


SỞ TRANG VƯƠNG

Theo các tài liệu sử,
Một lần Sở Trang Vương
Mở tiệc lớn khoản đãi
C quan và dân thường.

Đang vui thì gió lớn
Thổi tắt nến, bất thần,
Có vị quan nào đấy
Kéo áo một cung tần.

Nàng này túm, kéo đứt
Dải mũ của ông ta,
Rồi cúi xin vua Sở
Trừng phạt kẻ dâm tà.

“Hắn làm điều sàm sỡ.
Dải mũ của hắn đây.
Mũ ai không có dải
Thì đúng là tên này!”

Sở Trang Vương nghĩ bụng:
“Quá chén, quan của ta
Say, nhưng sao nỡ giết
Vì miệng lưỡi đàn bà?”

Rồi ngài liền tuyên bố:
“Ta mở tiệc đêm nay,
Ai chưa đứt dải mũ
Là chưa vui, chưa say!”

Các quan nghe, nhất loạt
Dựt dải mũ trên đầu.
Nên khi đèn thắp sáng,
Mũ ai cũng như nhau.

Bữa tiệc vui đêm ấy
Vẫn tiếp diễn như thường.
Không ai bị trị tội
Nhờ mưu Sở Trang Vương.

Hai năm tiếp, nước Sở
Và nước Tấn đánh nhau.
Có một vị tướng trẻ
Luôn liều chết đi đầu.

Người này rất dũng cảm,
Đã nhiều lần cứu vua.
Một phần cũng nhờ thế
Mà Sở thắng, Tấn thua.

Lần nọ, trong tiệc rượu,
Vua Sở hỏi người này:
“Ta không hề biệt đãi,
Mà sao ngươi xưa nay

Lại hết lòng phụng sự,
Cứu mạng ta nhiều lần?”
Người kia cúi đầu đáp:
“Dạ muôn tâu, vì thần

Đội ơn lớn bệ hạ
Đã tha tội chém đầu
Vì kéo áo mỹ nữ.
Ân đức nặng và sâu.”


KHÔNG DÍNH BỤI

Đời nhà Đường, Trung Quốc,
Một vị sư hiền minh
Trước khi chết, căn dặn
Các môn đệ của mình.

Sống ở chốn trần tục
Với đủ loại bụi đời,
Các con cố đừng để
Bụi bẩn dính lên người.

Thấy việc tốt, lời đẹp,
Hãy bắt chước người ta.
Còn khi gặp việc xấu,
Thì hãy lánh thật xa.

Sự nghèo đói, thực chất,
Là vốn quí ở đời.
Vậy đừng đánh đổi nó
Để giàu sang hơn người.

Cho dù trong bóng tối
Hay trong phòng, một mình,
Phải đi đứng, suy nghĩ
Đàng hoàng và công minh.

Khôn ngoan và đức độ
Trời không ban cho ai.
Mà đó là kết quả
Của tu luyện lâu dài.

Khiêm tốn là nền tảng
Mọi đức hạnh trên đời.
Hãy để người nhận thấy,
Đừng đem khoe với người.

Lời nói là châu ngọc,
Không bạ đâu cũng khoe.
Châu ngọc quí vì hiếm.
Nói phải có người nghe.

Đừng trách móc người khác.
Thay vào đó, trách mình.
Đúng hay sai, đừng cãi.
Im lặng là thông minh.

Vạn vật không mà có,
Có mà vẫn là không.
Vậy hãy sống thanh thản
Để tĩnh lặng cõi lòng.

Hãy nói chậm, đi chậm.
Thời gian luôn vẫn còn.
Điều này rất bổ ích
Cho thể xác, tâm hồn.

Mọi cái có nhân quả.
Vậy khi sống làm người,
Hãy cố gieo nhân tốt,
Dành quả ngọt cho đời.


CÔNG TÔN NGHI

Tể tướng của nước Lỗ
Xưa là Công Tôn Nghi
Thời Xuân Thu Chiến Quốc,
Có sở thích lạ kỳ.

Là các món ẩm thực,
Ông thích nhất ba ba.
Biết thế nên lắm kẻ
Lén lút mang đến nhà

Rất nhiều loài vật ấy
Để nịnh nọt, biếu ông.
Nhưng rồi quan tể tướng
Luôn dứt khoát nói không.

Người em trai thấy lạ,
Bèn hỏi ông: “Vì sao?”
Ông đáp: “Nếu ta nhận,
Rồi sau sẽ thế nào?

Vì ta là tể tướng,
Có chức và có quyền
Nên người ta mới biếu.
Rõ ràng không ngẫu nhiên.

Đó cũng là hối lộ,
Sớm hoặc muộn điều này
Sẽ làm mất uy tín,
Chiếc ghế cũng lung lay”.

*
Khấu Chuẩn, cũng tể tướng
Thời Bắc Tống, Nam Triều,
Cũng để lại câu nói
Làm ta suy nghĩ nhiều:

“Làm quan mà tư lợi
Là điều không tốt lành.
Tham cái lợi trước mắt,
Sau mất hết công danh”.

Tức ông muốn nhắc nhở:
Làm quan phải công minh.
Kẻo rồi sau hối hận
Vì đã không giữ mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét