Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Việt Nam Lược Sử Diễn Ca



Việt Nam Lược Sử Diễn Ca 
HAI BÀ TRƯNG (mất năm 43)

Bắt đầu giai đoạn mới
Trong lịch sử nước nhà -
Một nghìn năm lệ thuộc
Vào phong kiến Trung Hoa.

Vào năm Một Bảy Chín
Trước Công Nguyên, Triệu Đà
Sáp nhập vào Nam Việt
Nước Âu Lạc của ta.

Nam Việt, như ta biết
Là Lưỡng Quảng ngày nay,
Vùng đất thuộc Trung Quốc,
Tức Quảng Đông, Quảng Tây.

Triệu Đà chia Âu Lạc
Thành hai quận, đông dân
Và rộng lớn lúc ấy,
Là Giao Chỉ, Cửu Chân.

Giao Chỉ ở Miền Bắc,
Còn Cửu Chân bây giờ
Thuộc vùng Thanh Nghệ Tĩnh,
Phong cảnh đẹp, nên thơ.

Vào năm Một Một Một,
Nhà Hán chiếm nước ta.
Lập thêm một quận nữa,
Nhật Nam, quận thứ ba.

Quận này đất cũng rộng,
Nhưng người thưa, hanh khô,
Từ Quảng Bình cát trắng
Đến Quảng Nam bây giờ.

Nhà Hán nhập ba quận
Với vùng đất người Tàu,
Thành một Châu rộng lớn,
Đặt tên là Giao Châu.

Thủ phủ của Châu ấy
Đóng ở huyện Thuận Thành.
Luy Lâu là tên cũ,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Thái Thú đứng đầu quận.
Thứ Sử đứng đầu Châu.
Tất cả đều người Hán.
Còn Lạc Tướng, Lạc Hầu

Vẫn giữ nguyên người Việt.
Cai trị vẫn như xưa.
Dân chịu nhiều sưu thuế,
Thân phận như trâu, lừa.

Năm Ba Tư, Tô Định
Được nhà Hán cử sang
Làm Thái Thú Giao Chỉ.
Tên này loại làng nhàng,

Nhưng nham hiểm, độc ác,
Chuyên vơ vét cho mình,
Làm nhiều điều ngang ngược,
Gây khổ cho dân tình.

*
Bấy giờ ở vùng đất
Nay thuộc huyện Mê Linh,
Có hai chị em gái
Vừa đẹp vừa thông minh.

Con một vị Lạc Tướng.
Trưng Trắc là cô đầu.
Cô em là Trưng Nhị,
Ghét Tô Định từ lâu.

Quan Thái Thú Tô Định,
Gian xảo và đê hèn
Lập mưu giết Thi Sách,
Con quan huyện Châu Diên.

Ông là chồng Trưng Trắc,
Trước đó từng bất bình
Với cách quan nhà Hán
Cai trị dân nước mình.

Vào đầu năm Canh Tý,
Tức là năm bốn mươi,
Hai Bà Trưng khởi nghĩa   
Thu hút rất nhiều người.

Trước hết đền nợ nước,
Sau để trả thù nhà.
Nghĩa quân thắng dòn dã,
Nức lòng dân gần xa.

Theo truyền thuyết kể lại,
Hay tin, Nguyễn Tam Trinh
Từ Mai Động kéo đến
Cùng hai nghìn tráng binh.

Hơn ba nghìn lính nữ
Theo chủ tướng, Ông Cai,
Gia nhập quân khởi nghĩa,
Từ vùng đất Thanh Oai.

Quân Hai Bà rất mạnh.
Sáu lăm thành đầu hàng.
Tô Định trốn về nước,
Nhục nhã và vội vàng.

Hai Bà lập nước mới,
Kinh đô ở Mê Linh,
Đuổi Thái Thú phương Bắc,
Cai trị theo cách mình.

Đứng đầu đất nước ấy
Là hai vị nữ vương.
Xưa nay trong lịch sử,
Một sự kiện phi thường.

Năm Bốn Hai, nhà Hán
Sai Mã Viện Phục Ba,
Lưu Long làm phó tướng,
Sang chiếm lại nước ta.

Cùng rất nhiều xe ngựa
Và hai vạn tinh binh
Chúng tấn công Hợp Phố,
Và cướp bóc dân tình.

Mã Viện đi đường thủy,
Lưu Long đi đường rừng,
Gặp phải sự chống cự
Của quân Hai Bà Trưng.

Quân Mã Viện thế mạnh,
Áp tới tận La Thành.
Nghĩa quân không chống nổi,
Rút lui bảo vệ mình.

Sau một năm cầm cự,
Dũng cảm và kiên cường,
Quân Hai Bà đành rút,
Binh sĩ chết đầy đường.

Cuối cùng đến Phúc Thọ,
Giặc dụ dỗ ra hàng,
Nhưng Hai Bà tuẫn tiết,
Nhảy xuống dòng Hát Giang.   

Ở đấy giờ đang có
Ngôi đền thờ Hai Bà,
Một tấm gương trung liệt,
Trả nợ nước, thù nhà.

Quân Mã Viện tuy thắng,
Nhưng thiệt hại nặng nề.
Mười phần chết sáu, bảy
Ở vùng đất Cấm Khê.

*
Lại nói tướng Mã Viện,
Khi việc bình định xong,
Hắn ngạo nghễ cho đúc
Chiếc cột lớn bằng đồng.

Trên cột đồng hắn khắc
Hai dòng chữ sơn son:
“Khi cột đồng này gãy,
Đất Giao Chỉ không còn.”

Thật láo và hợm hĩnh
Viên tướng người Tàu này.
Cột đồng giờ chẳng thấy,
Nước Việt vẫn còn đây.

Hơn thế, còn hùng mạnh,
Đã đánh đuổi nhiều lần
Khiến quân giặc phương Bắc.
Hoảng sợ, chẳng dám gần.


9
BÀ TRIỆU (225 -248)

Hôm qua ông đã nói,
Vì sưu thuế nặng nề,
Dân Giao Châu cơ cực
Và khốn khổ đủ bề.

Nhiều nơi dân khởi nghĩa
Chống lại ách ngoại bang,
Khiến vua quan Trung Quốc
Phải hoảng sợ, kinh hoàng.

Thái Thú quận Giao Chỉ
Là Tiết Tống tâu vua:
“Dân Giao Chỉ khó trị,
Đất lam chướng bốn mùa…”

Năm Hai Trăm Bốn Tám,
Giữa thế kỷ thứ Ba,
Một cuộc khởi nghĩa lớn
Có nhiều người tham gia.

*
Một truyền thuyết kể lại,
Xưa ở quận Cửu Chân
Có một con voi trắng
To đẹp như voi thần.

Nó xuống núi phá phách,
Dẫm đạp hết mùa màng.
Nhiều khi còn táo tợn
Xông cả vào xóm làng.

Con voi thật to lớn,
Duy nhất chỉ một ngà.
Ai nhìn thấy cũng sợ,
Phải né tránh từ xa.

Thế mà một cô gái,
Xinh đẹp, để vai trần,
Quyết tay không bắt nó   
Để trừ hại cho dân.

Cô đi trước, khiêu khích,
Nhử nó ra đầm sình,
Rồi nhảy lên đầu nó
Đưa về nuôi nhà mình.   

Về sau, cô gái ấy
Chiêu quân chống giặc Ngô,
Luôn cưỡi nó ra trận,
Voi một ngà, khổng lồ.

Truyền thuyết còn kể lại
Rằng ngực cô rất dài,
“Dài tới hơn ba thước”,
Thường phải vắt lên vai.

Quân giặc nhìn, cả sợ,
Liền bỏ chạy thoát thân.
Cô gái ấy xinh đẹp,
Oai nghiêm như vị thần.

*
Cô gái trong huyền thoại,
Tên là Triệu Thị Trinh,
Một anh hùng dân tộc,
Dám vì dân quên mình.

Bà người huyện Yên Định,
Tỉnh Thanh Hóa bây giờ,
Không may bố mẹ chết
Khi đang còn trẻ thơ.

Anh bà, Triệu Quốc Đạt,
Nuôi em như mẹ hiền.
Ông là một hào trưởng,
Làm huyện lệnh Quan Yên.

Lớn lên, bà giỏi võ,
Có sức khỏe hơn người,
Lại nung nấu chí lớn
Muốn ra tay giúp đời.

Gặp người chị dâu ác,
Bà trốn nhà đi xa,
Lên rừng chiêu binh mã,
Hơn nghìn người theo bà.

Thấy giặc Ngô tàn ác,
Bà về bàn với anh
Cùng khởi binh chống lại,
Và được anh đồng tình.

Từ căn cứ Yên Định,
Nghĩa quân lấn đánh dần,
Chiếm quận lỵ Tư Phố,
Rồi cả vùng Cửu Chân.

Quốc Đạt lâm bệnh chết,
Bà cầm quân thay anh.
Ra trận mặc giáp bạc,
Cưỡi voi, cài trâm anh.

Trông bà thật lẫm liệt,
Xinh đẹp như nữ thần,
Nên người ta thường gọi
Là “Nhụy Kiều Tướng quân.”

*
Nghe tin có bạo loạn,
Vua Ngô rất lo âu,
Liền cử tướng Lục Dận
Làm thứ sử Giao Châu.

Cùng sáu nghìn binh mã,
Theo đường bộ tới đây,
Hắn quyết tâm đàn áp
Cuộc khởi nghĩa lần này.

Hắn dùng tiền mua chuộc
Nhiều hào trưởng địa phương,
Hứa phong cho Bà Triệu
Chức Lệ Hải Bà Vương.

Tất nhiên Bà từ chối,
Nhất quyết không đầu hàng.
Nghĩa binh được khích lệ,
Tinh thần càng vững vàng.

Nhiều trận đánh ác liệt
Ở căn cứ Bồ Điền.
Nhưng do lực quá yếu,
Thiếu lương thực và tiền,

Nên chỉ sau hai tháng
Cầm cự rất kiên cường,
Thành Bồ Điền thất thủ,
Rơi vào tay đối phương.

Bà Triệu đã tuẫn tiết
Trên núi Tùng đầy mây.
Nó ở xã Triệu Lộc,
Huyện Hậu Lộc ngày nay.

Bà mới hăm ba tuổi,
Chết, để lại tấm lòng
Và chiến công hiển hách,
Sống mãi với non sông.


10
NHO GIÁO, ĐẠO GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Nhà Đông Hán suy yếu,
Đầu thế kỷ thứ ba.
Ba nước Ngô, Thục Ngụy
Ra đời ở Trung Hoa.

Đó là thời Tam Quốc,
Khi ba nước tranh tài.
Nhà Ngô đã tự tiện
Chia Giao Châu thành hai.

Phần đất ở Trung Quốc
Được gọi là Quảng Châu.
Phần của Âu Lạc cũ
Thì gọi là Giao Châu.

Khi dẹp xong khởi nghĩa,
Các triều vua Trung Hoa
Cử người sang cai trị
Các huyện ở nước ta.

Cùng thời gian, đất nước
Phát triển hơn xưa nhiều.
Nhưng người dân vẫn khổ
Và cơ cực đủ điều.

Nhân tiện, ông muốn nói,
Rằng vào thời gian này,
Thế kỷ Một đến Sáu,
Đã có nhiều đổi thay

Trong đời sống văn hóa
Và tinh thần nước ta.
Nho Giáo rồi Đạo Giáo,
Rồi Đạo Phật Thích Ca

Được người Hán du nhập
Vào đời sống hàng ngày.
Sơ bộ, ông giải thích
Về từng đạo thế này.

*
Nho Giáo, hay Khổng Giáo,
Do Khổng Tử lập ra.
Là bộ luật ứng xử
Và lễ nghĩa người Hoa.

Khổng Tử người nước Lỗ,
Thông minh và thâm trầm,
Một triết gia cổ đại,
Hai nghìn năm trăm năm.

Cơ sở của Nho Giáo
Là Tứ Thư, Ngũ Kinh.
Nó dạy người nhỏ tuổi
Phải chăm lo học hành.

Luôn kính yêu cha mẹ,
Lớn, xây dựng nước nhà.
Như các cụ vẫn nói:
“Tu thân rồi tề gia…”

Sống, có trên có dưới,
Đúng đạo lý làm người.
Vua được gọi “Thiên Tử”,
Nôm na là “Con Trời’.

Nó dạy nhiều điều khác,
Nói chung, toàn điều hay.
Ảnh hưởng của Nho Giáo
Còn đến tận ngày nay.

*
Cùng thời với Khổng Tử,
Có Lão Tử, là người
Đã lập nên Đạo Giáo,
Chủ trương sống ở đời

Phải tuân theo số phận
Và qui luật tự nhiên.
Sống giản đơn, thanh bạch,
Không lo lắng, buồn phiền.

Ông cũng là tác giả
Bộ sách Đạo Đức Kinh.
Dựa vào nó, Lão Tử
Xây dựng thuyết của mình.

Đạo Giáo bao quát rộng,
Ngoài nghi lễ tinh thần,
Còn có cả tướng số,
Thuốc chữa bệnh, thiên văn.

Cả phép trừ ma thuật,
Cả phong thủy, pháp thiền,
Dưỡng sinh và diệt độc,
Cả phép luyện thuốc tiên…

Một người khác, Trang Tử,
Cũng đóng góp phần mình
Vào tư tưởng Đạo Giáo
Bằng cuốn Nam Hoa Kinh.

Ông này, theo truyền thuyết,
Có giấc mơ lạ thường.
Ông mơ mình hóa bướm,
Bay lượn mãi bên đường.

Tỉnh dậy, ông rất tiếc,
Thấy mình vẫn là người,
Không biết mơ hay tỉnh,
Đành thở dài, mỉm cười.

*
Quê hương của Phật Giáo
Không phải nước Trung Hoa,
Mà là nước Ấn Độ.
Đức Phật là Thích Ca.

Ngài là người có thật,
Sinh tháng Tư, ngày Rằm,
Cách đây đã lâu lắm -
Hai nghìn năm trăm năm.

Giáo lý của Đạo Phật
Chủ yếu ba điều này:
Không được làm việc ác,
Làm việc thiện hàng ngày.

Điều thứ ba, luôn nhớ
Làm sạch ý nghĩ mình
Bằng cách ngồi thiền định
Hoặc niệm Phật, cầu kinh.

Thế giới, ba Đạo lớn,
Là Đạo Phật lâu đời,
Rồi đến Đạo Thiên Chúa,
Cuối cùng là Đạo Hồi.

Đạo Phật giúp hướng thiện,
Xua đuổi cái ác tà,
Làm lòng người nhân ái,
Xã hội đẹp, hài hòa.


12
LÝ BÍ (503 – 548) VÀ NHÀ TIỀN LÝ

Đầu thế kỷ thứ Sáu,
Nhà Lương chia nước ta
Thành sáu châu lớn nhỏ.
Tên các châu ấy là:

Giao Châu ở Bắc Bộ.
Ở Thanh Hóa - Ái Châu.
Đức, Lợi, Minh - Nghệ Tĩnh.
Quảng Ninh là Hoàng Châu.

Ở Giao Châu thời ấy
Thứ Sử là Tiêu Tư,
Tham lam và gian ác
Nhưng giả bộ nhân từ.

Hắn đặt nhiều thuế mới,
Tăng lao dịch, lao công,
Làm người dân cơ cực,
Luôn ấm ức trong lòng.

Rồi một cuộc khởi nghĩa,
Năm Năm Trăm Bốn Hai,
Do Lý Bí khởi xướng,
Ác liệt và kéo dài.

Sau, ông thành vua Việt,
Hậu duệ người Trung Hoa,
Đó là Lý Nam Đế,
Chính trực và tài ba.

Vào cuối đời Tây Hán,
Để tránh nạn đao binh,
Tổ tiên ông phiêu dạt
Sang nước Nam yên bình.

Đến đời thứ mười một
Lý Nam Đế mới sinh.
Cụ bà ông người Việt,
Đa tài và rất xinh.

Ông lập nhà Tiền Lý,
Khai sinh nước Vạn Xuân,
Một anh hùng dân tộc,
Sống mãi cùng nhân dân.

Ông tên là Lý Bí,
Sinh ở nơi ngày nay
Là vùng đất Thạch Thất
Và thị xã Sơn Tây.

Năm tuổi, ông mất bố.
Bảy tuổi, mẹ qua đời,
Ông sống với người chú.
Đến khi ông lên mười,

Một nhà sư đức độ
Cho vào chùa nhập thiền.
Sau mười năm đèn sách,
Ông thành người thâm uyên.

Tiêu Tư cho Lý Bí
Làm Giám quân Đức Châu,
Nay thuộc huyện Đức Thọ,
Nhưng một thời gian sau,

Thấy dân tình quá khổ
Vì sưu thuế nặng nề,
Vì chế độ lao dịch,
Ông từ quan về quê.

Ông chiêu binh, mãi mã,
Quyết chống lại người Tàu.
Trong số người hưởng ứng
Có thủ lĩnh nhiều châu,

Như Triệu Túc, Hà Nội,
Phạm Tu ở Thái Bình.
Thế mạnh như thác đổ,
Háo hức lòng dân tình.

Chỉ trong vòng ba tháng,
Nghĩa quân chiếm hết châu.
Tiêu Tư cùng gia thất
Phải trốn chạy về Tàu.

Toàn bộ vùng Bắc Bộ
Nằm trong tay nghĩa quân.
Lần lượt các châu khác
Cũng được giải phóng dần.

Vua nhà Lương, Vũ Đế,
Tháng Tư, năm Bốn Hai,
Cho quân sang trấn áp,
Cử toàn những tướng tài.

Nghe tin này, Lý Bí   
Liền chủ động đưa quân
Sang bán đảo Hợp Phố
Mai phục sẵn một phần.

Thành Hợp Phố lúc ấy
Còn thuộc về Giao Châu.   
Khi quân Lương kéo đến
Liền bị đánh phủ đầu.

Quân của tướng Tôn Quýnh
Mười phần chết bảy phần.
Thế là thành đại bại,
Hắn phải đành rút quân.

Cả nước được giải phóng
Sau trận chiến thắng này,
Kể cả quận Hợp Phố
Thuộc Quảng Đông ngày nay.

Ngày ấy ở vùng đất
Quảng Bình đến Quảng Nam
Là vương quốc Lâm Ấp,
Ở phía bắc nước Chàm.

Lâm Ấp thấy Lý Bí
Đang bận đánh quân Lương,
Định xâm lấn bờ cõi,
Thái độ rất khinh thường.

Chúng đem quân đánh chiếm
Phần phía Nam Giao Châu,
Nay là Thanh, Nghệ, Tĩnh,
Bằng đường bộ, bằng tàu.

Lý Bí sai tướng giỏi
Vào đánh dẹp, rất nhanh
Đội quân của Lâm Ấp
Đã bị đánh tan tành.

*
Năm Năm Trăm Bốn Bốn,
Lý Bí tự xưng vương,
Gọi là Lý Nam Đế,
Một việc cũng bình thường.   

Đặt niên hiệu Thiên Đức,
Quốc hiệu là Vạn Xuân.
Lập trăm quan văn võ,
Xuống chiếu để yên dân.

Lập đô ở Đan Phượng,
Thuộc Hà Nội ngày nay,
Cho xây điện Vạn Thọ
Để triều kiến hàng ngày.

Tướng Tinh Thiều giỏi chữ,
Được đứng đầu ban văn.
Còn đứng đầu ban võ
Là Phạm Tu phong trần.

Năm sau, vào tháng Sáu,
Tướng Bá Tiên dẫn đầu
Một đoàn quân hùng mạnh
Sang chiếm lại Giao Châu.

Lý Nam Đế lập tức
Điều ba vạn nghĩa quân
Quyết một lòng bảo vệ
Đất nước mới Vạn Xuân.

Ở cửa sông Tô Lịch
Quân của ông bị thua.
Tướng Tinh Thiều tử trận
Khi phá vây cứu vua.

Thế yếu, Lý Nam Đế
Rút về thành Gia Ninh,
Nay ở tỉnh Phú Thọ,
Để chấn chỉnh lương, binh.

Tháng Giêng năm Bốn Sáu
Bá Tiên chiếm thành này.   
Tướng Phạm Tu tử trận,
Vua phải bỏ nơi đây

Để đến hồ Điển Triệt,
Huyện Lập Thạch bây giờ.
Ông đóng nhiều thuyền lớn,
Đậu kín cả mặt hồ.

Quân Lương không dám tiến,
Chờ nước lụt dâng cao.
Bất ngờ nước dâng thật,
Thuyền quân giặc kéo vào.

Do không phòng ngự trước
Quân của vua thua to,
Rút về động Khuất Lão,
Dai dẳng thế dằng co.

Năm Năm Trăm Bốn Tám,
Ở trong hang quá lâu,
Ông nhiễm bệnh, mù mắt,
Qua đời mấy tháng sau.

Hưởng thọ bốn sáu tuổi,
Trị vì được năm năm,
Vua băng hà, để lại
Lừng lẫy một tiếng tăm.

Người vợ vua yêu quí,
Hoàng hậu Bùi Thị Quyền,
Cũng là một dũng tướng,
Hy sinh cùng chiến thuyền.


12
TRIỆU QUANG PHỤC (mất 571)
VÀ NHÀ HẬU LÝ

Lý Nam Đế khi mất,
Có dặn dò ân cần
Và trao lại quyền bính
Cho một người rất thân.

Đó là Triệu Quang Phục,
Người cùng bố giúp ông
Đánh giặc Lương đô hộ
Và gây dựng non sông.

Dưới triều đại nhà Lý
Ông là Tả tướng quân,
Người nắm quyền quân sự
Đất nước trẻ Vạn Xuân.

Vâng mệnh, Triệu Quang Phục,
Sau thành Triệu Việt Vương,
Đã giữ vững bờ cõi,
Chống xâm lược nhà Lương.

Ông là con Triệu Túc,
Người ở huyện Chu Diên,
Nay nằm ở vùng đất
Phía Đông thành Long Biên.

Hai cha con họ Triệu
Theo Lý Bí từ đầu,
Lập được nhiều công lớn
Truyền tụng mãi về sau.

Năm Năm Trăm Bốn Bảy,
Ông đến một đầm lầy
Có tên là Dạ Trạch,
Huyện Khoái Châu ngày nay.

Đó là một đầm lớn,
Ở giữa có gò cao,
Cây cối rất rậm rạp,
Khó ra và khó vào.

Ông tập trung ở đấy
Những hơn hai vạn người.
Dùng chiến thuật du kích,
Giấu khói và giấu người.

Trần Bá Tiên, tướng giặc,
Muốn đánh nhanh thắng nhanh,
Nhưng bị ông giữ lại,
Ngập chân trong bùn sình.

Đêm, các thuyền độc mộc
Đi từ bãi Tự Nhiên
Đến đánh úp lương thảo
Doanh trại Trần Bá Tiên.   

Quân giặc bị bắt sống
Hoặc bị giết hàng nghìn.
Quân Lương rất mệt mỏi,
Nhưng chỉ biết đứng nhìn.

Năm Năm Trăm Bốn Tám,
Lý Nam Đế qua đời.
Ông xưng vương, điều ấy
Hợp lẽ người, lẽ trời.

Tên nước vẫn như cũ,
Ông thành Triệu Việt Vương,
Vẫn ở đầm Dạ Trạch,
Vẫn chiến đấu như thường.

Một thời gian sau đó
Trần Bá Tiên về Tàu,
Giao Dương Sàn, tỳ tướng,
Phải mai phục dài lâu.

Vua Vạn Xuân lập tức
Tung quân đánh họ Dương.
Quân Lương thua, tan vỡ
Phải chạy về Bắc phương.

Đất nước hết bóng giặc,
Hết chiến tranh triền miên.
Vua và tôi nhà Triệu
Dọn về thành Long Biên.

*
Lại nói Lý Nam Đế
Trước có người anh trai
Tên là Lý Thiên Bảo,
Một dũng tướng có tài.

Khi vua Lý gặp khốn,
Bị bệnh, nằm trong hang,
Ông và Lý Phật Tử,
Một người cùng họ hàng,   

Đem ba vạn binh mã
Đánh vào vùng Đức Châu,
Nay thuộc đất xứ Nghệ,
Định tính kế dài lâu.

Họ giết Trần Văn Giới,
Một viên tướng người Tàu,
Rồi đem quân ra Bắc,
Tiến đánh vùng Ái Châu.

Trần Bá Tiên đánh trả,
Họ thua, sang Ai Lao,
Đến đất người Di Lạo,
Nay thuộc về nước Lào.

Binh lính chết già nửa,
Chỉ còn hơn vạn người.
Họ chọn vùng đất rộng,
Màu mỡ và xanh tươi

Rồi lập nên nước mới
Đặt tên là Dã Tăng,
Còn tướng Lý Thiên Bảo
Tự xưng vương, Đào Lang.

Khi vua Đào Lang chết,
Chỉ mấy năm sau này,
Không có con nối dõi,
Lý Phật Tử lên thay.   

Năm Năm Trăm Năm Bảy   
Lý Phật Tử lên đường
Đem quân xuống giao chiến
Với quân Triệu Việt vương.   

Hai bên đánh năm trận
Ở vùng đất Thái Bình.
Phật Tử biết mình yếu,
Bèn chủ động hoãn binh.

Ông đề nghị vua Triệu
Cùng rút quân, giảng hòa.
Hơn thế, còn mong muốn
Được trở thành thông gia.

Con trai Lý Phật Tử,
Có tên là Nhã Lang,
Muốn lấy con vua Triệu
Là công chúa Cảo Nương.

Còn nặng tình họ Lý,
Triệu Việt Vương gật đầu,
Chia đất nước ông có
Thanh hai phần đều nhau.

Phía Tây thuộc Phật Tử,
Phía Đông của Việt Vương.
Đất ai người ấy giữ,
Đúng như lẽ đạo thường.

Đường ranh địa giới ấy
Là bãi sậy lơ thơ
Giữa làng Thượng, Hạ Cát,
Huyện Từ Liêm bây giờ.

Sau đó Lý Phật Tử
Dọn đến thành Ô Diên
Nay là xã Hạ Mỗ,
Cũng thuộc huyện Từ Liêm.

Hai bên cựu thù địch
Giờ giảng hòa với nhau,
Thề thân ái, đoàn kết
Tới răng long, bạc đầu.

*
Theo truyền thuyết kể lại,
Khi lấy nàng Cảo Nương,
Nhã Lang muốn tìm hiểu
Binh tình nhà Việt Vương.

Năm Năm Trăm Bảy Mốt
Lý Phật Tử bội thề,
Đánh úp Triệu Quang Phục,
Bao vây khắp tứ bề.

Thế yếu không địch nổi,   
Cùng con gái của mình
Vua bỏ chạy, chạy mãi
Rồi hai người quyên sinh.

Thế là nhà Triệu mất,
Trị vì hăm ba năm.
Nhà Lý được khôi phục
Sau bao nỗi thăng trầm.

Lên ngôi, Lý Phật Tử
Đóng đô ở Phong Châu,
Cũng xưng Lý Nam Đế,
Các sử gia đời sau

Gọi là nhà Hậu Lý
Để phân biệt gian, ngay
Giữa Lý Bí vua trước
Và Phật Tử vua này.

Nhà Tùy bên Trung Quốc,
Hơn ba mươi năm sau
Cho quân sang đánh chiếm,
Tướng Lưu Phương cầm đầu.

Hay tin, Lý Phật Tử
Rút về thành Cổ Loa.
Bị bao vây, dụ dỗ,
Ông nộp mình xin hòa.

Cả hoàng tộc bị giết,
Một cảnh tượng đáng thương.
Vua bị đưa về Bắc
Rồi cũng chết dọc đường.



13
MAI THÚC LOAN (sinh cuối thế kỷ thứ Bảy)

Năm Sáu Trăm Mười Tám
Thiết lập đời Nhà Đường,
Một triều đại phong kiến
Phát triển và hùng cường.

“An Nam Đô Hộ Phủ”
Là tên gọi nước ta
Từ Sáu Trăm Bảy Chín,
Do nhà Đường đặt ra.

Trung tâm Đô Hộ Phủ
Được gọi là Tống Bình,
Nay Thủ Đô Hà Nội,
Xinh đẹp và văn minh.

Nhà Đường cho xây dựng
Nhiều tuyến đường giao thông,
Giúp đi lại thuận tiện,
Cả đường bộ, đường sông.

Ở nước ta thời ấy,
Ngoài nông nghiệp, công thương
Cũng dần dần phát triển,
Kể cả ngành mía đường.

Tuy nhiên, dân vẫn khổ,
Sống dưới ách ngoại bang.
Chịu sưu cao thuế nặng,
Cống nạp nhiều bạc vàng.

*
Cuối thế kỷ thứ Bảy,
Ở Ngọc Trừng, Châu Hoan,
Một vùng đất linh kiệt,
Nay là huyện Nam Đàn,

Có cậu bé mười tuổi
Theo mẹ đi vào rừng.
Mẹ bị hổ vồ chết.
Hai mắt lệ rưng rưng,

Cậu thề sau khôn lớn
Giết hổ trả thù này.
Rồi cậu luyện tập võ
Rất chăm chỉ hàng ngày.

Cậu đã giết được hổ,
Có sức mạnh hơn người,
Lại nuôi hoài bão lớn
Sẽ hành đạo cứu đời.

Đó là Mai Hắc Đế,
Tên thật Mai Thúc Loan,
Một anh hùng dân tộc,
Sinh ở huyện Nam Đàn.

Ông mở nhiều lò vật,
Thành lập các phường săn,
Luôn chiêu mộ trai tráng,
Chuẩn bị sẵn khi cần.

Ông quen nhiều hào kiệt,
Cả đằng trong, đằng ngoài.
Sau trở thành chiến hữu,
Nhiều người thành tướng tài.

Và rồi thời cơ đến,
Năm Bảy Trăm Mười Ba,
Ông dấy binh khởi nghĩa
Ở ngay tại quê nhà.

Đó là cuộc khởi nghĩa
Chống lại ách nhà Đường,
Nên nhanh chóng thu hút
Người của khắp bốn phương.

Nghĩa quân đang háo hức,
Thế mạnh như chẻ tre,
Nông dân đến tụ nghĩa
Từ khắp mọi vùng quê.

Mai Thúc Loan nhanh chóng
Hạ được rất nhiều thành,
Giải phóng một vùng lớn
Gồm cả đất xứ Thanh.

Ông lên ngôi, xưng đế,
Đóng đô ở Vạn An,
Nay là một vùng đất
Thuộc thị trấn Nam Đàn.

Vua biết mình mệnh thủy,
Thủy tượng trưng màu đen,
Nên lấy hiệu Hắc Đế,
Chứ da ông không đen.

Ông cho xây thành lũy,
Rèn luyện lính đêm ngày
Để chuẩn bị Bắc tiến,
Kho lương thảo chất đầy.

Nghe nói cả hai nước
Khờ-me và Chiêm Thành
Cũng giúp ông khởi nghĩa
Giúp đánh nhanh, thắng nhanh.

*
Năm Bảy Trăm Mười Bốn
Mai Hắc Đế tiến binh,
Nhằm thẳng hướng Hà Nội,
Lúc ấy gọi Tống Bình.

Thanh thế ông lớn lắm,
Có tới mười vạn quân.
Dọc đường đi, dân chúng
Còn gia nhập thêm dần.

Viên tướng Quách Sở Khách,
Thái thú của nhà Đường,
Thế yếu, không địch nổi,
Phải trốn về Bắc phương.

Cả nước được giải phóng,
Độc lập mười năm trời.
Mười năm không nô lệ,
Mười năm được làm người.

Nhà Đường không cam chịu.
Năm Bảy Trăm Hăm Hai
Đã xuất quân trấn áp.
Một cuộc chiến không dài.

Tướng giặc, Dương Tư Húc,
Đem mười vạn tinh binh
Theo đường thủy Đông Bắc
Tấn công thành Tống Bình.

Nhiều trận đánh khốc liệt
Ở sông Lam, sông Hồng,
Dằng co hai thế trận
Phòng ngự và tấn công.

Cuối cùng Mai Hắc Đế
Phải rút vào rừng sâu.
Ông bị bệnh rồi mất,
Để lại một mối sầu.



14
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
(mất năm 791)

Đường Lâm, đất long mạch,
Gần thị xã Sơn Tây
Vốn xưa rất tươi tốt,
Nhiều gò và rừng cây.

Đất địa linh, nhân kiệt,
Sản sinh nhiều người hiền
Kể cả hai vua lớn -
Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Phùng Hưng thuộc dòng dõi
Cự tộc và lâu đời.
Phùng Hạp Khanh là bố,
Tài đức quả hơn người.

Cụ tổ Phùng Tôi Cái
Từng phục vụ trong cung
Của vua Đường Cao Tổ,
Cũng là bậc anh hùng.

Sau khi giúp Hắc Đế
Nổi dậy chống nhà Đường,
Phùng Hợp Khanh trở lại
Với cuộc sống đời thường.

Ông chăm lo công việc,
Sớm trở thành rất giàu.
Ba con trai sinh hạ.
Phùng Hưng là con đầu.

Tiếp đến là Phùng Hải.
Phùng Dĩnh - em thứ ba.
Đến năm mười tám tuổi,
Mà côi cả mẹ cha.

Phùng Hưng được nối nghiệp
Thành hào trưởng Đường Lâm.
Ông cao to, khỏe mạnh,
Chính trực và công tâm.

An Nam đô hộ phủ,
Là tên nước bấy giờ,
Do nhà Đường cai trị,
Quan thì lo vét vơ,

Dân quanh năm lao dịch,
Lại sưu thuế nặng nề,
Đâu cũng nghe lời oán,
Khốn khổ đủ trăm bề.

*
Năm Bảy Trăm Bảy Sáu,
Nhân lính ở Tống Bình,
Nay là thành Hà Nội,
Nổi loạn trong trại binh,

Phùng Hưng đã phát động
Khởi nghĩa chống nhà Đường,
Nhận được sự hưởng ứng
Của người khắp bốn phương.

Chiếm Đường Lâm nhanh, gọn,
Được Phùng Hưng dẫn đầu,
Nghĩa quân chiếm phần lớn
Vùng đất quanh Phong Châu.

Lo xây thành, đắp lũy,
Ông và hai em trai
Chốt các nơi xung yếu
Để chiến đấu lâu dài.

Quan thứ sử Trung Quốc,
Tức là Cao Chính Bình,
Nhiều lần đem quân dẹp,
Thế trận cứ lình xình,

Hết đánh lại phòng ngự,
Vừa đánh vừa nghỉ ngơi,
Không thua cũng không thắng
Suốt hai mươi năm trời.

Năm Bảy Trăm Chín Mốt,
Được Anh Hàn tiên sinh
Làm quân sư chiến lược,
Phùng Hưng đánh Tống Bình.

Ông chia quân năm đạo,
Từ năm hướng vây thành,
Vừa đánh vừa chiêu mộ
Thêm tướng và tân binh.

Cao Chính Bình cố thủ,
Nhưng thân cô, thế cô,
Cuối cùng đổ bệnh chết
Vì sợ hãi, buồn lo.

Phùng Hưng lên thay hắn
Cai trị đất An Nam.
Tiếc rằng ông chết sớm,
Nhiều việc chưa kịp làm.

Phùng An, con trai cả,
Nối ngôi, hai năm sau,
Năm bảy trăm chín mốt,
Được tướng giỏi dẫn đầu,

Quân nhà Đường kéo đến,
Quyết dành lại Tống Bình.
Phùng An biết sức yếu,
Đành phải ra nộp mình.

Giặc truy lùng gay gắt
Cả gia tộc họ Phùng,
Nên người gia tộc ấy
Phải tỏa đi các vùng.

Người anh hùng dân tộc
Phùng Hưng chống nhà Đường
Được nhân dân tôn tặng
Là Bố Cái Đại Vương.

Một đền thờ cổ kính
Ở Đường Lâm, Sơn Tây,
Thờ cúng ông từ ấy
Cho đến tận ngày nay.



15
KHÚC THỪA DỤ (mất năm 907), KHÚC HẠO (trị vì 907 – 917), DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (mất năm 937)

Cuối thế kỷ thứ Chín
Nhà Đường ở Trung Hoa
Đã hoàn toàn suy yếu.
Nhiều khởi nghĩa nổ ra.

Lớn, và kéo dài nhất
Là khởi nghĩa Hoàng Sào.
Vua Đường phải bỏ trốn,
Lòng dân tình xôn xao.

Lợi dụng cơ hội ấy,
Hào trưởng quận Chu Diên
Đã tập hợp dân chúng,
Cùng phất cờ đứng lên.

Ông là Khúc Thừa Dụ,
Quê Hồng Châu, Hải Dương,
Sống khoan hòa, trung thực,
Được dân chúng mến thương.

An Nam vào thời ấy
Đổi thành Tĩnh Hải Quân.
Tiết Độ Sứ người Hán
Độc ác và vô luân.

Hắn bị gọi về nước.
Độc Cô Tổn lên thay.
Rồi tên này thất sủng,
Cuối cùng phải đi đày.

Nhân thế, Khúc Thừa Dụ
Đánh chiếm thành Tống Bình,
Tự xưng Tiết Độ Sứ,
Nắm quyền vào tay mình.

Năm Chín Trăm Linh Sáu,
Vua Đường phải cho ông
Giữ chức Tiết Độ Sứ,
Dẫu ấm ức trong lòng.

Tiếc rằng năm sau đó
Khúc Thừa Dụ băng hà.
Con trai là Khúc Hạo
Được chọn lên thay cha.

Khúc Hạo liền lập tức
Giảm sưu thế cho dân,
Chấn chỉnh lại hành chính,
Bỏ lao dịch không cần.

Năm Chín Trăm Mười Bảy,
Khúc Hạo chết, tiếc thay.
Con trai, Khúc Thừa Mỹ
Nối nghiệp cha, lên thay.

*
Ở Quảng Châu lúc ấy,
Nhân nhà Đường rối ren,
Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn
Mưu phản, lập nước riêng.

Liên kết với Nam Chiếu,
Tỉnh Vân Nam ngày nay,
Một mình ông cát cứ
Vùng đất rộng lớn này.

Tiết Độ Sứ Lưu Ẩn
Chết năm Chín Trăm Mười.
Lưu Nham lên thay thế,
Thu phục được lòng người.

Năm Chín Trăm Mười Bảy,
Lưu Nham lập nước riêng,
Đặt tên là Nam Hán,
Mưu toan chiếm láng giềng.

Thế là giặc Nam Hán,
Năm Chín Trăm Ba Mươi
Đem đại binh đánh Việt,
Kiểu lấy thịt đè người.

Khúc Thừa Mỹ thất trận,
Bị bắt, đưa về Tàu.
Nam Hán cử Lý Tiến
Sang cai trị Giao Châu.

Hay tin, Dương Đình Nghệ,
Một tướng tài, thông minh,
Đem quân từ Thanh Hóa,
Tấn công thành Tống Bình.

Quân Nam Hán lo sợ,
Cố thủ không chịu ra,
Chờ viện binh đến cứu.
Nhưng đường hiểm và xa,

Nên khi viện binh tới,
Ông đã hạ Tống Bình,
Hơn thế, còn đánh chặn,
Chém đầu tướng viện binh.

Danh tướng Dương Đình Nghệ
Vốn quê ở làng Giàng,
Nay Triệu Dương, Thanh Hóa,
Thuộc dòng họ vẻ vang.

Ông vốn là hào trưởng,
Rất giàu và thương người.
Nghe nói ông từng có
Những ba nghìn con nuôi.

Đánh xong giặc Nam Hán,
Ông tự phong cho mình
“Giao Châu Tiết Độ Sứ”
Và nắm hết quyền binh.

Noi theo gương Khúc Hạo,
Liêm khiết và tài ba,
Ông tiếp tục phát triển
Nền tự chủ nước nhà.


16
NGÔ QUYỀN (898 - 944)

Người anh hùng dân tộc,
Tiền Ngô vương Ngô Quyền,
Trong lòng người dân Việt
Là một vị vua hiền.

Bằng chiến thắng lịch sử
Trong trận Bạch Đằng giang,
Ông đặt dấu chấm hết
Nghìn năm ách ngoại bang.

Từ đấy nền độc lập
Và tự chủ nước nhà
Được khẳng định thêm nữa
Trong hơn nghìn năm qua.

Ông con một hào trưởng
Thế lực lớn, công dày
Ở châu Đường Lâm cũ,
Nay thuộc huyện Hà Tây.

Mới lọt lòng, thầy tướng
Thấy ba chấm sau lưng,
Liền sụp lạy mà phán
Sau danh tiếng lẫy lừng.

Nước Việt ta ngày ấy
Gọi là Tĩnh Hải Quân,
Do nhà Đường cai trị,
Dân khổ sở muôn phần.

Mà triều chính lúc đó
Cũng rối ren nhiều bề.
Nhà Đường đang suy sụp,
Quan lại thì nhiêu khê.

Hào trưởng Dương Đình Nghệ
Thắng Nam Hán, dần dần
Trở thành Tiết độ sứ,
Cả vùng Tĩnh Hải Quân.

Họ Dương lắm kẻ mạnh,
Họ Ngô nhiều người hiền,
Liên kết, gả con gái
Cho chàng trai Ngô Quyền.

Rồi Ngô Quyền được cử
Cai trị đất Ái Châu,
Một vùng đất rộng lớn,
Đông dân và khá giàu.

Năm Chín Trăm Ba Bảy,
Kiều Công Tiễn đê hèn
Sát hại Dương Đình Nghệ
Rồi thâu tóm toàn quyền.

Bị nhiều người phản đối,
Tiết độ sứ họ Kiều
Sang cầu quân Nam Hán.
Lợi ít, nhục thì nhiều.

Ngô Quyền đem binh lính
Từ Châu Ái đánh ra,
Giết chết Kiều Công Tiễn,
Nhanh chóng rửa thù nhà.

Rồi ông lo chuẩn bị,
Quân và dân một lòng,
Đợi quân Hán xâm lược,
Đóng cọc các dòng sông.

Năm Chín Trăm Ba Tám,
Ở cửa sông Bạch Đằng
Thuyền của quân Nam Hán
Sa bẫy cọc đang giăng.

Phần bị cọc đâm thủng,
Phần bị thuyền Ngô Quyền
Đánh đắm hơn một nửa.
Rồi sông nước lại yên.

Tướng giặc Lưu Hoằng Tháo
Bỏ mạng nơi chiến trường.
Từ đó giặc phương Bắc
Bỏ mộng chiếm Nam phương.

Ngô Quyền xưng vương đế,
Đóng đô ở Cổ Loa,
Lập nên triều đại mới,
Làm vẻ vang nước nhà.

Trong những năm sau đó
Ông làm rất nhiều điều
Để chấn hưng kinh tế,
Được mọi người thương yêu.

Bốn sáu tuổi, ông mất,
Trị vì được sáu năm,
Rồi nhà Ngô sụp đổ
Năm Chín Trăm Sáu Lăm. 



17
NƯỚC CHĂM-PA

Nước ta, các cháu biết,
Trải qua bao đời nay
Nhờ cha ông xây dựng
Mới được như thế này.

Ở phía Nam Trung Bộ
Xưa có nước Chăm-pa,
Từng một thời hưng thịnh,
Nay thuộc về nước ta.

Cháu con dân nước ấy
Giờ tạo thành một phần
Của gia đình Đại Việt,
Sống trong tình tương thân.

Nhiều di tích văn hóa
Còn giữ đến ngày nay.
Mai sau các cháu lớn,
Sẽ đến thăm nơi này.

Ngày xưa, khi người Hán
Chiếm Giao Chỉ, Cửu Chân,
Họ cho quân đánh tiếp,
Chiếm đất của người Chăm.

Họ lập ra huyện mới
Đặt tên là Tượng Lâm,
Rồi nhập vào thành quận,
Đó là quận Nhật Nam.

Tượng Lâm là huyện lớn,
Xa nhất ở quận này
Gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi
Và Bình Định ngày nay.

Người Chăm cổ lúc ấy
Thuộc văn hóa Sa Huỳnh,
Biết dùng đồng, dùng sắt,
Sinh hoạt đã văn minh.

Dân Giao Châu, Giao Chỉ
Đầu thế kỷ thứ hai
Đã nhiều lần nổi dậy,
Khiến quân giặc chạy dài.

Dân Tượng Lâm nhân thế
Cũng nổi dậy theo ta.
Quân nhà Hán bất lực
Đối phó với quận xa.

Họ giành được độc lập.
Năm Một Trăm Chín Ba,
Đặt tên nước Lâm Ấp,
Rồi xây dựng quốc gia.

Khu Liên, vua của họ,
Có đội quân khá đông,
Đến những bốn, năm vạn,
Rất vững về quốc phòng.

Rồi Lâm Ấp đánh chiếm
Các vùng đất mỡ màng
Của người Cau bản địa,
Đến tận Nam Phan Rang.

Họ đánh lên phương Bắc,
Chiếm dãy núi Hoành Sơn
Vốn là đất nước Việt,
Bốn mùa cây xanh rờn.

Rồi họ đổi tên nước,
Lâm Ấp thành Chăm-pa,
Đóng đô ở Trà Kiệu,
Hay Sin-ha-pu-ra.

Nhà nước này cực thịnh
Thế kỷ thứ Chín, Mười.
Đến nay còn sót lại
Nhiều di tích tuyệt vời.

Đó là các đền, tháp
Ở Ninh Thuận, Quảng Nam,
Các bức tượng tuyệt đẹp
Mang đậm văn hóa Chàm.

Dân Chăm theo đạo Phật
Và đạo Bà La Môn.
Người chết được hỏa táng,
Rắc xuống sông, không chôn.

Họ có riêng chữ viết,
Từ chữ Phạn mà ra.
Văn hóa gốc Ấn Độ
Thấm đẫm nền thi ca.

Chăm-pa là đất nước
Chịu chiến tranh nặng nề.
Phía Bắc, từ Đại Việt,
Phía Nam, từ Khơ-me.

Năm Một Bốn Bảy Một,
Quân vua Lê Thánh Tông
Chiếm nửa nước phía Bắc,
Giải vua về Thăng Long.

Nửa phía Nam còn lại
Bị Chúa Nguyễn về sau
Dần dần thôn tính hết
Bằng nhiều cách khác nhau.

Vương quốc Chăm-pa cổ
Năm Một Tám Ba Hai
Chính thức ngừng tồn tại,
Sau chín thế kỷ dài.


18
NƯỚC PHÙ NAM, NƯỚC CHÂN LẠP

Phù Nam là nước cổ,
Từng nổi tiếng một thời
Khắp vùng Đông Nam Á,
Đất rộng và đông người.

Hơn hai nghìn năm trước,
Ở Nam Bộ ngày nay
Có một nền văn hóa
Của quốc gia cổ này.

Các nhà khảo cổ học
Gọi nó là Ốc Eo.
Di tích nó để lại
Đến nay vẫn còn nhiều.

Trên nền văn hóa ấy,
Quốc gia cổ Phù Nam
Hình thành, rất phát triển,
Thế kỷ Ba đến Năm.

Đó là một vương quốc,
Do nhà vua đứng đầu.
Dưới có nhiều nước nhỏ,
Không gọi quận hay châu.

Người dân theo đạo Phật
Và đạo Bà La Môn.
Tiếng nói hệ Nam Đảo,
Trồng lúa để sinh tồn.

Họ cũng giỏi đánh cá
Và các nghề thủ công,
Biết gao dịch, buôn bán,
Mở đường ra Biển Đông.

Đến thế kỷ thứ Bảy,
Nước Phù Nam, tiếc thay,
Bị Chân Lạp thôn tính.
Chấm hết quốc gia này.

Đến thế kỷ Mười Tám,
Một phần nước Phù Nam
Tách khỏi nước Chân Lạp,
Rồi nhập vào Việt Nam.

Phần nước Phù Nam ấy
Là Nam Bộ bây giờ.
Một vùng đất mầu mỡ,
Những dòng sông lững lờ.

*
Nhân tiện ông cũng nói,
Dẫu qua loa, đôi lời
Về đất nước Chân Lạp,
Từng hưng thịnh một thời.

Chân Lạp là vương quốc
Đầu tiên của Khơ Me.
Vốn là một nước nhỏ
Của Phù Nam xưa kia.

Đến thế kỷ thứ Sáu
Nó tách thành nước riêng,
Rồi mở mang bờ cõi,
Chiếm các nước láng giềng.

Giữa thế kỷ thứ Bảy,
Nó thôn tính Phù Nam
Thành một nước rất rộng,
Đông Bắc giáp nước Chàm.

Phía Tây là nước Thái.
Gồm Cam-pu-chi-a
Và thêm một số tỉnh
Vùng Nam Bộ nước ta.

Nhưng rất nhanh sau đó,
Đất nước họ bất an.
Đầu thế kỷ thứ Chín
Thì tan rã hoàn toàn.

Vậy là nước Chân Lạp,
Một quốc gia phương Đông
Sau gần ba thế kỷ
Phát triển rồi suy vong.


Phần Hai

TỪ THẾ KỶ THỨ 10 ĐẾN THẾ KỶ 19

Ông cháu mình, như vậy
Đã có chuyến hành trình
Xuyên suốt mười thế kỷ
Từ buổi đầu bình minh

Cha ông ta dựng nước,
Đến thế kỷ thứ Mười,
Thoát khỏi vòng nô lệ,
Chúng ta được làm người.

Từ hôm nay ông kể
Về lịch sử nước nhà
Chín thế kỷ bảo vệ
Nền độc lập quốc gia.

Thế nào? Chuyến du lịch
Cũng thú vị, đúng không?
Ngược thời gian tìm hiểu
Lịch sử của cha ông.

Lịch sử, các cháu ạ,
Là môn không chỉ hay
Mà cực kỳ cần thiết
Cho các cháu ngày nay.

Khi không biết lịch sử
Là ta không biết mình.
Quên mất gốc dân tộc,
Tức là quên nghĩa tình.

Ông cha ta dựng nước,
Trả giá bằng máu xương.
Ta, những người kế tục,
Quên là trái lẽ thường.

*
Ngày xưa vua Tự Đức
Cấp tiền và cấp nhà
Để ông Lê Ngô Cát
Viết Quốc Sử Diễn Ca.

Đó là bộ sách lớn
Gần bốn nghìn câu thơ
Viết theo thể lục bát,
Nhiều người thuộc đến giờ.

Đã là con dân Việt
Thì phải biết sử mình.
Vua Tự Đức làm thế
Là ông vua thông minh.

Nay ông cũng bắt chước,
Viết Quốc Sử Diễn Ca
Bằng kiểu thơ năm chữ,
Dễ hiểu và nôm na.

Nó như sách tham khảo,
Sách sử, lại bằng thơ,
Viết về thời dựng nước
Cho đến tận bây giờ.

Nhớ nhé, sách tham khảo,
Chứ không phải giáo khoa.
Giúp bổ sung kiến thức
Về lịch sử nước nhà.

Các cháu nhớ thỉnh thoảng
Đọc lại tập thơ này.
Đọc để nhớ lịch sử
Và cả cổ tích hay.


1
BUỔI ĐẦU ĐỘC LẬP
VÀ ĐINH BỘ LĨNH (924 – 979)

Năm Chín Trăm Ba Tám
Ngô Quyền lên ngai vàng,
Chấm dứt mười thế kỷ
Đô hộ của ngoại bang.

Ông nhanh chóng bỏ chức
Tiết Độ Sứ Bắc Phương,
Thiết lập bộ máy mới
Từ dưới lên trung ương.

Một số quan, tướng giỏi
Được điều giữ các châu.
Hoan Châu - Đinh Công Trứ.
Kiều Công Hãn - Phong Châu.

Tiếc là Năm Bốn Bốn,
Ông lâm bệnh, từ trần.
Con cả, Ngô Xương Ngập,
Con thứ, Ngô Xương Văn

Còn trẻ người non dạ,
Bị Tam Kha, họ Dương,
Tiếm quyền, lên ngôi báu,
Tự xưng là Bình Vương.

Bất bình trước việc ấy,
Các phe phái dần dần
Lập nên nhiều cát cứ,
Thành mười hai sứ quân.

Được tướng lĩnh ủng hộ,
Năm Chín Trăm Năm Mươi
Ngô Xương Văn lật đổ
Dương Tam Kha, và rồi

Cho người rước anh cả
Về làm vua với mình.
Nhưng anh em lục đục,
Không yên lòng dân tình.

Mười lăm năm sau đó,
Ngô Xương Văn qua đời.
Các thế lực cát cứ
Vẫn hoành hành nhiều nơi.

Triều đình thì lục đục.
Chỉ khốn khổ người dân.
Đất nước bị chia cắt,
Loạn mười hai sứ quân.

*
Trong bối cảnh như thế,
Xuất hiện một nhân tài.
Bây giờ ông sẽ nói
Con người ấy là ai.

Đó là Đinh Bộ Lĩnh,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng,
Người đầu tiên xưng đế
Trong lịch sử Nam Bang.

Sau nghìn năm Bắc thuộc,
Dẹp mười hai sứ quân,
Lập nước Đại Cồ Việt,
Lo vỗ về muôn dân,

Ông là người khẳng định
Chủ quyền nước Nam ta,
Mở đầu các triều đại
Phong kiến của nước nhà.

Ông chấn hưng kinh tế
Bằng cách cho đúc tiền,
Đồng Thái Bình Hưng Bảo,
Loại tiền đồng đầu tiên.

Bảy mươi triều sau đó
Theo ông đúc tiền đồng,
Giúp kinh tế phát triển,
Hàng hóa được lưu thông.     

*
Ông người làng Đại Hữu
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Bố là Đinh Công Trứ,
Suốt đời theo nghiệp binh.

Không may bố mất sớm,
Ông theo mẹ về quê,
Phải nương nhờ ông chú,
Cũng vất vả đủ bề.

Ngày nhỏ Đinh Bộ Lĩnh
Cùng lũ trẻ chăn trâu
Thường chơi trò chiến trận,
Phất cao cờ hoa lau.

Về sau, lũ trẻ ấy
Một số thành bạn hiền,
Theo ông dựng cơ nghiệp
Như Nguyễn Bặc, Đinh Điền. 

Dẫu nhà nghèo, còn nhỏ,
Ông thường xưng là vua,
Bắt lũ trẻ phục dịch
Trong các trò chơi đùa.

Nghe người ta kể lại,
Một lần, để “khao quân”,
Ông giết bò của chú,
Rồi cả bọn cùng ăn.

“Bò đâu?” ông chú hỏi.
Ông bèn chỉ chiếc đuôi
Cắm xuống bùn, và nói:
“Bò chui xuống đất rồi!”        

*
Sau khi Ngô Quyền mất,
Đất nước suy yếu dần,
Rồi loạn, như đã nói,
Loạn mười hai sứ quân.

Tức là loạn cát cứ,
Mỗi người chiếm một phương.
Lại mất mùa, đói kém,
Người dân khổ trăm đường.

Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh
Tự dấy quân, chiêu binh,
Sau nhập với Trần Lãm
Cát cứ ở Thái Bình.

Khi tướng Trần Lãm chết,
Ông được tôn lên thay,
Lại chiêu binh thêm nữa,
Thế lực lớn từng ngày.  

Từ Hoa Lư hiểm trở,
Ông xuất quân, lên đường,
Rồi đánh đâu thắng đó,
Tự xưng Vạn Thắng Vương.

Cuối cùng, ông lần lượt
Dẹp hết các sứ quân,
Thống nhất cả đất nước,
Hợp ý trời, lòng dân.

Ông lên ngôi Hoàng Đế,
Năm Mậu Thìn, tháng Tư,
Tức Chín Trăm Sáu Tám,
Lập đô ở Hoa Lư.

Quốc hiệu Đại Cồ Việt.
Thiết lập các chế triều,
Ban sắc các hàm phẩm,
Chỉnh lý rất nhiều điều.

*
Hoàng Đế Đinh Bộ Lĩnh
Mười hai năm trên ngôi,
Chỉ thọ năm lăm tuổi
Vì chết thảm, than ôi.   

Số là do yêu quí
Con út là Hạng Lang,
Lúc ấy mới bốn tuổi,
Ngài cho kế ngai vàng.

Trong khi đó, Đinh Liễn
Là con trưởng của Ngài,
Người lập nhiều công trạng,
Lại bị gạt ra ngoài.

Vậy là xẩy ra họa,
Cái họa của bao người
Khi bỏ trưởng lập thứ,
Thêm bài học cho đời.

Đinh Liễn, lúc tức giận,
Xuống tay giết Hạng Lang,
Còn vua thì bị giết
Bởi tên quan hạng xoàng.

Tên hắn là Đỗ Thích,
Do một đêm nằm mơ
Thấy sao rơi vào miệng,
Nghĩ mình sẽ làm vua,

Hắn giết Đinh Bộ Lĩnh,
Đinh Liễn Nam Việt vương.
Một âm mưu quen thuộc,
Nhơ bẩn và tầm thường.

Tuy nhiên, hai người chết
Có thể có bàn tay
Của một số người khác.
Mà thôi, chuyện sau này.

Bây giờ, trước khi nghỉ,
Ông kể truyền thuyết này,
Cũng về Đinh Bộ Lĩnh,
Được lưu truyền lâu nay.


CON NGỰA ĐÁ

Ngày xưa, ở làng nọ
Có một người đàn bà
Tên gọi là Đàm Thị,
Sống bằng nghề nông gia.

Một hôm ra suối tắm,
Khi cởi hết áo quần,
Thấy có con rái cá
Đang lừng lững đến gần,

Bà sợ quá, ngất xỉu,
Khi tỉnh lại, thấy mình
Nằm cạnh con rái cá,
Người trần truồng, thất kinh,

Bà vội mặc quần áo,
Cuống quít chạy về nhà,
Giấu chồng, không dám kể
Câu chuyện vừa xẩy ra.

Hơn chín tháng sau đó,
Theo lẽ rất bình thường,
Bà sinh một đứa bé
Khôi ngô và dễ thương.

Mấy năm sau, chồng chết,
Bà thấy con trai mình,
Tên là Đinh Bộ Lĩnh,
Khỏe mạnh và thông minh.

Đặc biệt về bơi lội,
Cậu có thể hàng giờ
Lặn sâu, không cần thở,
Mãi không chịu lên bờ.

Còn con rái cá nọ,
Dẫu trốn sâu trong hang,
Có người bắt, làm thịt,
Đem chia cho cả làng.

Đàm Thị không ăn thịt,
Chỉ lấy một ít xương,
Đem phơi khô, hong bếp
Rồi giấu dưới gậm giường.

*
Một ông thầy địa lý,
Người Tàu, từ Nam Kinh,
Đến đây tìm long mạch
Để táng cốt cha mình.

Khi đến dòng suối nọ,
Thấy có ánh hào quang
Chiếu lên sao Thiên Mã,
Ông ta liền vội vàng

Cho tiền Đinh Bộ Lĩnh,
Bảo lặn xuống xem sao.
Lặn ở chỗ sâu nhất,
Nơi nước réo ào ào.

Chàng lặn xuống, chợt thấy
Con ngựa đá khổng lồ.
Nó nhìn chàng giận giữ,
Chiếc miệng há rất to.

Chàng sợ quá, quay lại
Nói với ông người Tàu.
Ông đưa một bó cỏ,
Bảo đem xuống thật mau.

Sau khi nghe chàng nói
Ngựa ăn cỏ, ông này
Liền kêu lên sung sướng:
“Long mạch chính là đây!

Ai táng cốt bố mẹ
Vào nơi này khác thường,
Nhờ long mạch nhất định
Sẽ được phát đế vương!”

Rồi lão đưa hài cốt
Của cha lão cho chàng,
Bảo mang cho ngựa đá,
Hứa thưởng một đồng vàng.

Chàng lặn xuống lần nữa,
Nhét xương bố lão này   
Vào một ngách đá hẻm
Mà lão chẳng hề hay.

Hôm ấy về gặp mẹ,
Kể chuyện này lạ kỳ.
Chàng hỏi hài cốt bố,
Bà im, chẳng nói gì.       

Rồi bà đưa cái gói
Xương rái cá ngày nào,
Bảo đấy là xương bố,
Đem cho ngựa xem sao.

Đinh Bộ Lĩnh lập tức
Làm theo lời mẹ chàng,
Và rồi, nhờ long mạch,
Sau thành Đinh Tiên Hoàng.

*
Lại nói thầy địa lý,
Nghe tin chàng xưng vương,
Biết rằng mình bị lỡm,
Liền khăn gói lên đường.

Lão đến Đại Cồ Việt,
Xin được vào gặp vua,
Bảo tình xưa, bạn cũ.
Lão được gặp, và thưa:

“Dạ, muôn tâu hoàng thượng,
Cũng nhờ bởi phúc trời
Mà Ngài dựng nên nghiệp,
Thu phục được muôn người.

Nhưng thiết nghĩ ngựa đá
Cần thêm thanh gươm này
Để giúp Ngài trị nước
Và hưng thịnh từ nay.”

Nói đoạn, lão cung kính
Dâng chiếc gươm sáng ngời,
Hai lưỡi đều rất sắc.
Bản tính vốn tin người,

Vua nhận gươm, sai lính
Lặn xuống suối, và rồi
Đeo nó lên cổ ngựa,
Không biết rằng, than ôi,

Ngài đã mắc mưu lão,
Rơi vào thế hiểm nghèo:
Gươm cứa đứt cổ ngựa,
Long mạch cũng đứt theo.

Vậy là vua sơ ý
Giết quí nhân của mình.
Cũng nhanh chóng chấm dứt
Triều đại của nhà Đinh.


2
LÊ ĐẠI HÀNH (941 - 1005) VÀ NHÀ TIỀN LÊ

Năm Chín Trăm Bảy Chín,
Có sự kiện đau lòng -
Đinh Tiên Hoàng bị giết.
Cả Đinh Liễn, con ông.

Vì vua còn nhỏ tuổi,
Lê Hoàn, một tướng tài,
Được chọn giúp ấu chúa,
Luôn thường trực bên ngai.

Bây giờ ông sẽ kể
Về ông tổ Tiền Lê,
Người bắt quân nhà Tống
Chịu thất bại nặng nề.

Sau vua Đinh Bộ Lĩnh
Là vua Lê Đại Hành,
Một ông vua kiệt xuất
Được sử sách lưu danh.

Khởi dựng triều đại mới,
Lo chấn hưng nước nhà,
Bình Chiêm và phá Tống,
Nâng vị thế quốc gia,

Ông là vị tướng giỏi,
Công tâm khi dùng người,
Khôn ngoan trong giao tế,
Để tiếng tốt cho đời.

Theo sử sách ghi lại,
Ông xuất thân nghèo hèn.
Cha ông là Lê Mịch,
Mẹ là Đặng Thị Sen.

Trường Châu là bản quán,
Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
Cũng có người nói khác
Về quê gốc, nơi sinh.

Cha mẹ qua đời sớm,
Được chú nuôi, và ông
Lớn lên, theo Đinh Liễn,
Lập được nhiều chiến công.

Ông giúp Đinh Bộ Lĩnh
Dẹp loạn sứ, yên dân,
Được phong Đại Nguyên Soái,
Chức Thập Đạo Tướng Quân.

Lúc ấy ông còn trẻ,
Mới hăm bảy tuổi đời,
Nhưng có tài thao lược,
Biết thu dụng lòng người.

Đinh Tiên Hoàng bị giết,
Triều đình đang bất an,
Ông trở thành nhiếp chính
Cho ấu chúa Đinh Toàn.

Các đại thần nổi loạn,
Phía Nam họa Chiêm Thành,
Phía Bắc có giặc Tống,
Để mất nước sao đành?

Nên tướng Phạm Cự Lạng,
Thái hậu Dương Vân Nga
Tôn ông lên ngôi báu
Để cứu nguy nước nhà.

Ông lên ngôi Hoàng Đế,
Xưng là Lê Đại Hành,
Đặt niên hiệu Thiên Phúc,
Hoa Lư là kinh thành.

Ông khuyến khích nông nghiệp,
Là vị vua đầu tiên
Hàng năm cho mở lễ
Gọi là lễ Tịch Điền.

Ông cho dân đào đắp
Rất nhiều kênh và sông
Để lấy nước tưới ruộng
Và tiện bề lưu thông.

*
Đầu năm Tám Chín Một
Quân Tống đánh Đại Cồ,
Chia hai đường thủy bộ,
Thanh thế đang rất to.

Đường bộ qua xứ Lạng,
Đường thủy theo Bạch Đằng,
Nơi quân ta đóng cọc
Thành thế trận đang giăng.

Ở bến sông Tây Kết,
Chúng thất bại ê chề,
Nhiều dũng tướng bị giết,
Quân bộ đành rút về.

Công đầu của đại thắng
Thuộc về Lê Đại Hành,
Một nhà quân sự lớn,
Còn lưu mãi sử xanh.

Vua đích thân ra trận,
Nhờ thao lược của ông
Mà xác quân Tống chết
Ngập núi và đầy sông.

*
Chỉ một năm sau đó
Vua cử Ngô Tử Canh
Và Từ Mục đi sứ
Sang đất nước Chiêm Thành.

Họ bị Chiêm giữ lại.
Vua tức giận, ngày đêm
Sai chuẩn bị thuyền chiến,
Tự mình đi bình Chiêm.

Trong một thời gian ngắn
Lê Đại Hành thắng to,
Chém vua Chiêm tại trận,
Thành quách đốt thành tro.

Tù binh nhiều vô kể,
Có cả sư, nữ tỳ,
Vàng bạc thu ức vạn,
Không thiếu một thứ gì.

Hăm sáu năm trị quốc,
Vua sáu lần dấy binh
Đánh quân Chiêm quấy phá,
Giữ biên giới yên bình.

*
Vua Lê Đại Hành chết,
Để lại một giang sơn
Hùng cường và thống nhất,
Nhưng thật tiếc, các con

Lại tranh nhau ngôi báu,
Lại huynh đệ tương tàn,
Khiến bỏ bê chính trị
Và dân chúng lầm than.

Rồi đời Lê chấm dứt
Bằng ông vua xấu xa
Là Ngọa Triều Long Đĩnh,
Gian ác và dâm tà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét