Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Châm Ngôn


CHÂM NGÔN CỦA THÁNH TERESA

1
Khởi đầu cho công cuộc
Xây thế giới hòa bình,
Là về nhà vun đắp,
Thương yêu gia đình mình.

2
Tình yêu và hạnh phúc
Bắt đầu từ trong nhà.
Ta chịu nhiều đau khổ
Vì cứ thích đi xa.

Ta mơ toàn việc lớn
Cho thế giới, hòa bình,
Mà quên điều quan trọng
Thế giới là gia đình.

3
Nếu suốt ngày xoi mói
Để phán xét mọi người,
Thì bạn sẽ chẳng có
Thời gian yêu mọi người.

4
Khi gặp nhau, hãy cố
Chào nhau bằng nụ cười.
Nụ cười là khởi điểm
Tình yêu người với người.

5
Với ta, điều quan trọng
Không phải cho bao nhiêu,
Mà ta đang dành dụm
Để cho được bao nhiêu.

6
Có thể ta không thể
Làm những điều lớn lao,
Nhưng làm được điều nhỏ
Bằng tình yêu lớn lao.

7
Tình yêu là quả ngọt
Lại có sẵn bốn mùa.
Ai cũng có thể hái
Mà không mất tiền mua.

8
Nếu chúng ta không thể
Làm một trăm người no,
Thì chí ít hãy cố
Giúp một người được no.

9
Những việc làm bình dị
Nhưng tốt đẹp hàng ngày
Là mắt xích bền chặt
Giữ tình yêu hàng ngày.

10
Ta chỉ là giọt nước
Trong đại dương bao la.
Nhưng thiếu giọt nước ấy,
Đại dương bớt bao la.


NHÂN SINH THỨC TỰ

Gần sáu trăm năm trước,
Buồn, Nguyễn Trãi Tiên Sinh
Thốt lên câu ai oán
Nói về cuộc đời mình:

Rằng “Nhân Sinh Thức Tự
Đa Ưu Hoạn”. Tiếc thay,
Câu thán của Nguyễn Trãi
Vẫn đúng đến ngày nay.

Người mà có nhiều chữ,
Có đức và có tài,
Sẽ gặp nhiều hoạn nạn,
Ưu lo và oan sai.

Chẳng trách các cụ dạy:
“Ngu si hưởng thái bình”.
Không quan tâm, không biết
Về  thế thái nhân tình.

Tuy nhiên, như loài vật,
Những kẻ ấy ngu si,
Bị đưa vào vào lò mổ
Mà không hay biết gì.


ĐỜI LÀ BỂ KHỔ

Vâng, đời là “bể khổ”.
Phật dạy thế, xưa nay
Không ai tránh được nó.
Không giờ thì sau này.

“Bể khổ” lớn hay bé
Tùy cách nhìn từng người.
Sống là khổ, vì nó
Là một phần cuộc đời.

Bạn nghèo, phải đi bộ.
Thấy người ta đi xe
Thành hậm hực, “đau khổ”
Và suy nghĩ nặng nề?

Là vì bạn không biết
Có thể chủ ô tô
Đang cõng một đồng nợ
Và một núi buồn lo.

Hơn thế, bạn đi bộ,
Mệt tí chút, tuy nhiên,
Nhưng tốt cho sức khỏe.
Lại không phải tốn tiền.

Số Phận công bằng lắm.
Không cho ai quá nhiều.
Không cho ai quá ít.
Ai cũng có đủ liều.

Vạn sự sinh tương khắc -
Không thấp thì không cao.
Không lên thì không xuống.
Không đắng, không ngọt ngào.

Phải chờ hết Đêm Tối
Bạn mới thấy được Ngày.
Không cái gì có sẵn.
Mà có cũng không hay.

Chính cái “bể khổ” ấy
Giúp chúng ta trưởng thành.
Cây không được chăm bón
Khó lòng cho quả lành.

Ở đời, người thành đạt
Là người vấp ngã nhiều.
Người gặp cảnh oan trái
Thường biết sống thương yêu.

Khi mọi cái mỹ mãn
Chưa hẳn đã hay đâu.
Đời thực sự ý nghĩa
Không thể thiếu buồn đau.

Cuộc đời là “bể khổ” -
Ta hay nói nhiều lần.
Thực ra “bể khổ” ấy
Chỉ là “bể khó khăn”.

Khó khăn thì ta vượt.
Vấp ngã thì đứng lên.
Đơn giản thế thôi nhỉ,
Vậy sao phải buồn phiền?

PS
Nói thì cứ nói vậy,
Nhưng vẫn mong mọi người
Sướng nhiều, khổ in ít,
Để còn vui với đời.


TẢN MẠN SỰ ĐỜI

Cứ nhẹ nhàng mà sống.
Cay cú mà làm gì.
Đừng để đời xô đẩy
Mà thành Tham Sân Si.

Đừng vì đời tráo trở
Mà cau có, hại da.
Đừng để việc người khác
Xen vào việc của ta.

Dẫu bị cả thế giới
Bỗng quay sang chống anh,
Hãy tin đời đáng sống
Và đời luôn tốt lành.

*
Bảy tỉ người đang sống
Là đại dương bao la.
Nhân loại không vấy bẩn
Vì ít người xấu xa.

Đừng bao giờ để mất
Lòng tin vào con người,
Cả khi có ai đó
Lừa dối ta suốt đời.

*
Ta dịu dàng, tử tế
Không vì do yếu hèn
Mà đó là sức mạnh
Của người có lòng thiền.

Không phải là xa xỉ
Tình yêu, lòng từ bi.
Không có hai cái ấy,
Đời sẽ không có gì.

*
Khi anh thấy gắn kết
Với mọi thứ quanh mình,
Anh sẽ có trách nhiệm
Với thế giới môi sinh.

Quan trọng hơn, anh thấy
Hạnh phúc của chính anh
Phụ thuộc vào hạnh phúc
Của những người xung quanh.

*
Ở đời, đáng quí nhất
Là trung thực, vị tha,
Tình yêu, sự tử tế
Và tâm thức yên hòa.

Ai đó mắng chửi bạn,
Hãy đáp bằng nụ cười.
Ai đó ruồng rẫy bạn,
Hãy đáp bằng tình người.


THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI

Một việc càng thất bại
Càng có cơ thành công.
Đó là một chân lý.
Vậy đừng sớm nản lòng.

Edison thất bại
Xấp xỉ mười nghìn lần
Cuối cùng mới có được
Chiếc bóng điện ông cần.

Jordan, từng bị đuổi,
Khỏi đội bóng nhà trường
Vì không có năng khiếu
Và chơi quá bình thường.

Mà rồi, cả Steve Jobs
Từng thất bại xót xa -
Bị đuổi khỏi xí nghiệp
Do chính ông lập ra.

Mọi thành công chỉ đến
Từ tiến bộ dần dần.
Tiến bộ chỉ có được
Qua thất bại nhiều lần.



BỮA ĂN TỐI CUỐI CÙNG

Đó là tên bức họa
Leonardo da Vinci
Vẽ trên tường tu viện
Ở Milan, Italy.

Người họa sĩ vĩ đại
Phải mất bảy năm trời
Để vẽ bức tranh ấy.
Một kiệt tác loài người.

Bức tranh vẽ cảnh Chúa,
Trước khi bị đóng đinh,
Ăn bữa tối lần chót
Với tông đồ của mình.

Hôm ấy Ngài báo trước
Một tông đồ, Giu-đa,
Sẽ bán Ngài lấy bạc,
Những đồng bạc xấu xa.

*
Chọn người mẫu vẽ Chúa,
Họa sĩ đi khắp nơi.
Cuối cùng chọn được một
Trong số hàng nghìn người.

Đó là chàng trai trẻ,
Mười chín tuổi thanh xuân,
Có gương mặt thánh thiện,
Trông như một vị thần.

Sáu tháng liền, ròng rã,
Ông vẽ xong hình Ngài.
Các tông đồ được vẽ
Trong suốt sáu năm dài.

Giu-đa, tông đồ cuối,
Làm họa sĩ đau đầu.
Hắn là tên phản Chúa.
Hám lợi và thâm sâu.

Ông lang thang tìm kiếm
Hết đêm lại đến ngày
Một khuôn mặt tráo trở,
Dám lừa bạn, bán thầy.

Cuối cùng ông được báo
Ở nhà tù Mi-lan
Có một tên tội phạm
Giống người mẫu ông cần.

Hắn phạm nhiều tội ác,
Kể cả tội giết người.
Một điển hình đáng sợ
Về cái xấu ở đời.

Được đức vua cho phép,
Ông đưa hắn về nhà.
Trong sáu tháng liên tục
Vẽ xong hình Giu-đa.

Phải nhìn lâu cái ác,
Leonardo đa Vinci
Nhìn tên này, vội vã,
Bảo lính canh đưa đi.

Bỗng nhiên hắn sụp lạy:
“Hãy cứu tôi, thưa ngài.
Hay Ngài không nhận thấy,
Không biết tôi là ai?”

“Không, ta không tiếp xúc
Với loại người như ngươi,
Biểu tượng của cái ác,
Cái xấu xa ở đời!”

“Thưa Ngài, bảy năm trước
Chính tôi là chàng trai
Ngài chọn để vẽ Chúa.
Hãy nhìn kỹ, thưa Ngài”.


HẠNH PHÚC

Thực ra thì hạnh phúc
Không trọn vẹn bao giờ.
Đừng mất công tìm kiếm,
Hy vọng và đợi chờ.

Đơn giản vì thượng đế
Không cho ai quá nhiều,
Không cho ai quá ít.
Ai cũng có đủ liều.

Anh khá về tiền bạc
Thì kém đường gia đình.
Anh hơn phần sức khỏe
Thì thua phần thông minh.

Mà cái hơn thiệt ấy
Có thể không lộ ngay.
Vì đã là tất yếu,
Nó sẽ đến sau này.

Anh đang phải chịu khổ
Hay nghèo đói, đừng buồn.
Thượng đế sẽ bù lại
Về hậu vận, cháu con.

Hãy đáp khi được hỏi
Anh có hạnh phúc không:
Cả không mà cả có.
Nhưng tôi thấy hài lòng.


CÁI ĐANG CÓ VÀ CHƯA CÓ

Thường cái ta chưa có
Là cái ta mong chờ.
Với những cái đã có,
Ta xem thường, thờ ơ.

Cho đến khi bất chợt
Ta mất chúng, giật mình
Mới thấy chúng đáng quý,
Gần gũi và thân tình.

*
Chuyện kể rằng nước nọ
Có khách sạn tuyệt vời
Giúp những người muốn chết
Nhẹ nhàng rời cuộc đời.

Có một đôi trai gái
Tìm đến đây, ngẫu nhiên
Quen, yêu nhau say đắm.
Cứ như có tiền duyên.

Tình yêu càng gắn bó,
Họ càng nghĩ về mình,
Về ý định tự tử,
Bồng bột và vô minh.

Họ quyết định sẽ sống,
Hưởng hạnh phúc tình yêu,
Một cuộc sống bình dị
Như mọi người, có điều

Chương trình của khách sạn
Đang vào guồng, tiếc thay.
Mọi cái đã quá muộn.
Họ chết, tay trong tay.

*
Luôn mong chờ cái mới,
Chẳng quí trọng là bao
Những cái mình đang có.
Ta là thế. Vì sao?

Vì con người, bản chất,
Không thấy đủ bao giờ.
Luôn được mới nới cũ,
Luôn hy vọng ước mơ.

Mơ ước cứ mơ ước,
Nhưng hợp lý, hợp tình.
Không chạy theo ảo vọng,
Tự mình làm khổ mình.

Hãy cảm ơn Thượng Đế
Đã cho ta những gì
Hiện giờ ta đang có.
Không than tiếc, suy bì.

Biết vui với cái nhỏ
Sẽ đạt hạnh phúc to.
Biết cam tâm, tĩnh tại,
Sẽ thoát khỏi buồn lo.


HẠNH PHÚC

Chuyện kể rằng người nọ,
Nhiều ruộng và lắm tiền.
Không có gì không có.
Thế mà vẫn buồn phiền.

Ông muốn tìm hạnh phúc
Mà chẳng biết nó đâu.
Bèn leo lên đỉnh núi
Gặp vị sư bạc đầu.

“Bạch thầy, đây túi bạc.
Đây túi vàng, nhiều hơn.
Con xin cúng chùa hết
Nếu sư thầy ban ơn

Cho con thấy hạnh phúc,
Niềm vui và thảnh thơi.
Vì con, dẫu giàu có
Vẫn bất hạnh ở đời”.

Sư thầy nghe chăm chú,
Lặng im không nói gì.
Rồi túm hai chiếc túi,
Đứng dậy và bỏ đi.

Vì sư có phép thuật,
Ông nhà giàu kêu lên.
Đuổi theo nhưng không kịp.
Ôm mặt khóc, tiếc tiền.

Lát sau sư quay lại,
Trả hai túi bạc vàng.
Ông nhà giàu mừng quá,
Kêu lên vì ngỡ ngàng.

Sư thầy thong thả hỏi:
“Giờ con thấy thế nào?”
“Bạch thầy, con vui lắm
Con hạnh phúc biết bao!”

“Tức là con đã hiểu
Hạnh phúc chẳng đâu xa.
Hạnh phúc là những cái
Đang có trong tay ta.

Không có gì đáng lạ.
Luôn vẫn thế xưa nay.
Có điều, khi mất nó,
Ta mới hiểu điều này”.


CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA

Đức Khổng Tử từng nói,
Rằng “Quân tử ái tài”
Nhưng “Thủ chi hữu đạo”.
Tức kiếm tiền thì ai

Cũng phải đúng đạo lý.
Vì nếu tiền bất minh,
Thì cách này, cách khác,
Tiền vốn không của mình

Sẽ bị trời thu lại.
Luôn vẫn thế xưa nay.
Bạn đọc muốn kiểm chứng,
Hãy đọc câu chuyện này.

*
Chuyện ngày xưa Trung Quốc,
Ở huyện Hiến, Tứ Xuyên,
Có người tên Vương Mỗ,
Rất giỏi việc kiếm tiền.

Hắn làm trong tòa án,
Am hiểu luật đương thời.
Biết dùng các xảo thủ
Moi tiền của nhiều người.

Nhưng mỗi lần, khi hắn
Tích được khá nhiều tiền,
Thì nhất định có sự,
Lại làm hắn mất tiền.

*
Lần nọ, đêm trời rét
Chú hầu nhỏ Đạo Đồng
Gặp mưa, vào trú tạm
Trong ngôi miếu bên sông.

Bất chợt chú nhìn thấy
Hai con quỉ râu đen
Đang ghi ghi chép chép
Vào cuốn sổ trước đèn.

Một con gãi đầu nói:
Thằng Vương Mỗ lần này
Tích lũy được kha khá.
Giờ phải tính sao đây?

Con kia đáp, yên trí.
Lần này mình Thúy Vân
Đủ làm hắn khánh kiệt.
Khánh kiệt hơn mọi lần.

Đạo Đồng nghe không hiểu,
Lặng lẽ quay về nhà.
Khoảng một tuần sau đó
Khắp huyện Hiến người ta

Xì xào về cô gái
Có tên là Thúy Vân,
Người từ miền Bắc xuống,
Đẹp như tiên giáng trần.

Chủ của chú, Vương Mỗ,
Vốn lắm bạc, nhiều vàng,
Liền lân la trò chuyện
Và tư thông với nàng.

Sau một thời gian ngắn,
Không hiểu bằng cách nào,
Nàng làm hắn khánh kiệt,
Chẳng còn lại đồng nào.

Đến mức khi hắn chết,
Không tiền mua đèn dầu.
Thúy Vân thì biến mất,
Không ai biết đi đâu.

*
Của thiên thì trả địa,
Nhất là tiền bất minh.
Đừng ngu mà hám hố
Cái không phải của mình.


THÌA MUỐI VÀ HỒ NƯỚC

Nguyên nhân của phiền não
Thường là ở cái lòng.
Người có lòng dạ hẹp
Khó chấp  nhận, cảm thông.

Họ hậm hực, oán giận,
Luôn khó chịu trong người.
Và nghĩ mình như thể
Đang thua thiệt ở đời.

Người có cái tâm rộng
Ngược lại, sống có tình.
Biết bao dung, chấp nhận
Những người xung quanh mình.

Ở đời, ai cũng nhận
Một liều lượng đắng cay.
Người lòng dạ không hẹp
Dễ chấp nhận điều này.

*
Có một chàng trai nọ
Vì những chuyện không đâu
Luôn bực mình, hậm hực,
Thở dài và buồn rầu.

Đến mức không chịu được,
Lên chùa nhờ sư thầy
Hỏi nguyên cớ, hy vọng
Hết bực bội suốt ngày.

Sư thầy lấy thìa muối
Cho vào chiếc bát canh.
Hòa nước, bảo nếm thử.
Anh kia nếm, rùng mình.

“Bạch thầy, mặn và chát”.
“Được, tốt lắm”, sư thầy
Lấy một thìa muối khác,
Hòa vào hồ nước đầy.

“Bây giờ con nếm thử
Xem còn mặn chát không.”
“Bạch thầy, giờ nước ngọt,
Mát và dịu trọng lòng”.

Sư thầy thong thả đáp:
“Sự bực bội, buồn phiền
Giống như thìa muối mặn,
Làm con thấy bất yên.

Nhưng nếu lòng con rộng,
Như mặt hồ bao la,
Thìa muối sẽ biến mất,
Lòng con lại yên hòa”.


BẬC TRÍ GIẢ

Bị hiểu lầm, vu khống,
Ai cũng muốn thanh minh.
Tuy nhiên, bậc trí giả
Thường chọn cách lặng thinh.

Thời gian sẽ cho thấy
Ai đúng và ai sai.
Không nhất thiết tranh luận,
Càng không cần nói dài.

Độ lớn của trí tuệ
Không chỉ biết dùng lời
Mà còn biết kiềm chế
Để không dùng nhiều lời.

Trẻ háo hức học nói,
Người già, người thông minh
Mới biết được giá trị
Sự im lặng của mình.

Tâm hồn hẹp hay rộng
Không ở biết nhiều người,
Mà ở chỗ có thể
Bao dung được nhiều người.

Bậc trí giả như núi,
Sừng sững, tưởng vô tri,
Nhưng thấy hết, biết hết,
Lặng im, không nói gì.

Bậc trí giả như nước,
Tưởng mềm mà không mềm.
Tưởng tĩnh mà không tĩnh.
Tưởng êm mà không êm.

Cái tâm lớn không chỉ
Thấu hiểu bao sự tình,
Mà hơn thế, có thể
Xem nhẹ bao sự tình.



GIÓ LỚN KHÔNG LAY ĐƯỢC NÚI

Một buổi sáng, Đức Phật
Trên đường đi hóa duyên
Cùng các đại đệ tử,
Đến làng nọ, bỗng nhiên

Có mấy người vô cớ,
Cả đàn ông, đàn bà,
Buông những lời thô bỉ,
Xúc phạm và xấu xa.

Ngài kiên nhẫn nghe họ
Rất chăm chú, và rồi
Đáp: “Cảm ơn các vị
Đã nói chuyện với tôi.

Tuy nhiên giờ tôi bận,
Đường đi cũng còn dài.
Các vị cần nói tiếp,
Tôi quay lại ngày mai”.

Mấy người kia kinh ngạc:
“Chúng tôi vừa chửi ông,
Mà ông không hề giận,
Mắng chửi lại cũng không”.

Ngài đáp: “Nếu các vị
Muốn thấy tôi bực mình,
Thì phải mười năm trước,
Khi tôi còn vô minh.

Giờ tôi đã thông tuệ,
Làm chủ được bản thân.
Không chú ý ngoại cảnh.
Chỉ làm việc mình cần”.

*
Khi ai đấy mắng bạn,
Đó là việc người ta.
Mọi chuyện có nhân quả.
Cứ thản nhiên cho qua.

Nhiều người tâm yếu ớt
Như ngọn cỏ giữa đồng,
Ngã nghiêng theo chiều gió,
Sang Tây hoặc sang Đông.

Khi tâm vững như núi
Thì không ngọn gió nào
Có thể làm lay chuyển
Ngọn núi lớn và cao.

Không giữ được bình tĩnh,
Tức là ta vô tình
Rơi vào bẫy chăng sẵn
Của người xúc phạm mình.

Tất nhiên nói thì dễ,
Vì ta chỉ là người.
Khó thì tu cho được.
Có khi tu cả đời.


TÁM NỖI KHỔ CỦA ĐỜI NGƯỜI

Cuộc đời là bể khổ,
Phật dạy thế - xưa nay
Có tám nỗi khổ lớn
Của đời người, thế này:

Một, đã Sinh là khổ.
Nỗi khổ khi chào đời.
Sinh ra trong đau đớn,
Ta khóc, chứ không cười.

Hai, cái khổ của Lão.
Ai cũng thế, về già,
Phải chịu nhiều đau khổ
Vì đau ốm, mù lòa.

Ba, là khổ vì Bệnh.
Bệnh tật như gió mây,
Không ai tiên đoán trước.
Ngắn ngày hoặc dài ngày.

Bốn, là khổ vì Tử.
Đành rằng còn kiếp sau,
Nhưng xa người ruột thịt,
Chết vẫn là khổ đau.

Năm, khổ vì Ly Biệt.
Quen nhau rồi yêu thương,
Rồi xa nhau, đau khổ,
Heo hút nghìn dặm đường.

Sáu, khổ vì Oán Hận.
Ta oán hận chúng sinh.
Tức là bằng cách ấy
Mình làm khổ chính mình.

Bảy, khổ vì Thất Vọng
Do hy vọng quá nhiều.
Không được, thành đau khổ.
Khổ vì đòi quá nhiều.

Tám, khổ vì Mê Hoặc
Bởi những cái xung quanh.
Không hiểu, thành lầm lạc
Mà chuốc khổ vào mình.

*
Sinh Lão và Bệnh Tử
Là cái khổ tự nhiên.
Làm người thì phải chịu,
Cả người ác, người hiền.

Bốn cái khổ còn lại,
Theo Đức Phật Thích Ca,
Là cái khổ tránh được
Vì tự ta, do ta.


SỐ MỆNH

Sống ở đời, ta biết,
Có người nghèo, người giàu,
Người khổ, người sung sướng,
Dù hoàn cảnh như nhau.

Dân gian gọi là Số,
Số Mệnh của mỗi người.
Mà Số Mệnh là Nghiệp,
Định sẵn từ nhiều đời.

Ở ác thì gặp ác.
Ở hiền thì gặp hiền.
Đó là luật Nhân Quả.
Nhân quả từ kiếp tiền.

Tuy nhiên, theo Phật dạy,
Số Mệnh của mỗi người
Có thể thay đổi được
Tùy việc làm ở đời.

Người có Số Mệnh xấu,
Nhưng biết sống thiện lương,
Số Mệnh sẽ thay đổi
Và lại tốt bình thường.

Ngược lại, Số Mệnh tốt
Nhưng sống ác với người,
Thì dù tốt đến mấy
Vẫn phải khổ suốt đời.

Phật dạy có bốn bước
Thay đổi Số Mệnh mình,
Để từ khổ thành sướng,
Lo lắng thành an bình.

Một - Nhận biết Số Mệnh
Và chấp nhận khổ đau
Để hành thiện, tích đức
Hòng thay đổi về sau.

Hai - Thành tâm sám hối
Tội ác và lỗi lầm.
Chuộc tội bằng việc thiện,
Cái tình và cái tâm.

Ba - Không làm điều ác,
Chỉ làm những điều lành.
Tu công và tích đức
Cho mình và sau mình.

Bốn - Luyện tâm dưỡng tính,
Học Hỷ Xả Từ Bi
Để đến bờ giác ngộ,
Bỏ cái Tham Sân Si.




THỜI GIAN VÀ TIỀN BẠC

Có người nói: Những cái
Không mua được bằng tiền
Vẫn có thể mua được
Bằng rất, rất nhiều tiền.

Có thể đúng như vậy,
Nhưng sớm muộn có ngày
Chính bạn sẽ cảm thấy
Chưa hẳn đúng điều này.

Tiền có thể mua được
Đồng hồ vàng, tuy nhiên.
Các giây phút cuộc sống
Không mua được bằng tiền.

*
Một gã keo kiệt nọ
Nhịn ăn, nhịn chi tiêu,
Cuối cùng tích góp được
Một số vàng khá nhiều.

Một hôm, đang khỏe mạnh,
Thần Chết đến bắt đi.
“Tôi giàu và còn trẻ,
Chưa biết sống là gì.

Xin sẵn sàng đánh đổi
Một nửa gia tài tôi,
Để được sống, hưởng thụ
Một vài năm nữa thôi.”

“Không được”, Thần chết nói.
“Thế thì chỉ vài ngày?”
“Vài ngày cũng không được!”
“Vậy cho tôi mấy giây

Để viết lời di chúc
Cho con cháu mai sau”.
Và rồi gã đã viết
Rất ngắn gọn mấy câu.

“Quí thì cũng quí thật,
Nhưng tiền bạc, hỡi ơi,
Không thể nào mua nổi
Một vài giây cuộc đời!”

*
Mưu sinh luôn vất vả.
Tiền là quí, tất nhiên.
Nhưng giá trị cuộc sống
Không nằm ở đồng tiền.

Thời gian ta được sống
Không khác nhau là bao.
Khác ở cách sử dụng
Thời gian như thế nào.

Không lãng phí nào lớn
Bằng lãng phí thời gian.
Không tội ác nào lớn
Bằng tội giết thời gian.

Thời gian là tài sản
Quí nhất của mỗi người.
Thời gian để sống đẹp
Và hữu ích cho đời.


THIỀN SƯ VÀ CHÚ TIỂU

Ở đời có những cái
Muốn giải quyết cho nhanh
Mà không giải quyết được,
Ta cáu kỉnh, bực mình.

Thế mà không ít lúc
Chỉ cần ta đợi chờ,
Và tĩnh tâm trở lại,
Việc khó ấy bất ngờ

Tự lúc nào không biết,
Được giải quyết ngon lành,
Không cần ta can thiệp,
Không cáu kỉnh, bực mình.

*
Hôm ấy trời nắng rát.
Sau một quãng đường dài,
Thiền sư dừng chân nghỉ.
Chú tiểu ngồi bên ngài.

Ngài sai chú xuống suối
Lấy nước uống. Lát sau
Chú tay không quay lại,
Với nét mặt buồn rầu.

“Bạch thầy, nước suối bẩn
Vì đàn bò lội qua.
Thôi đành phải ráng nhịn
Cho đến khi về nhà”.

“Không sao, chờ lát nữa,
Rồi nước suối sẽ trong”.
Chú tiểu lại xuống suối,
Vẫn hậm hực trong lòng.

“Bạch thầy, nước vẫn đục.
Con chẳng hiểu thế nào”.
“Thì chờ thêm chút nữa.
Mà chờ thì đã sao?”

Nói xong, ngài thong thả
Phủi bụi bằng hai tay,
Rồi lim dim nằm nghỉ
Dưới bóng mát hàng cây.

Lần thứ ba chú tiểu
Xuống suối lấy nước về.
Nước trong veo, ngọt lịm.
Thầy trò uống thỏa thuê.

“Ở đời có những việc
Biết kiên nhẫn đợi chờ,
Mọi chuyện sẽ yên ổn,
Tốt đẹp và bất ngờ.

Cái tâm con cũng vậy.
Không ít lúc buồn phiền,
Làm giận dữ, lo lắng.
Bình tĩnh, cứ để yên.

Tâm con sẽ lắng dịu,
Miễn là có thời gian.
Rồi đâu sẽ vào đấy,
Tâm trí lại bình an”.



TỰ NHIÊN THÀNH THƠ

*
Dù tài giỏi đến mấy
Bạn cũng không thể nào
Làm hài lòng tất cả.
Không khó hiểu vì sao.

Vậy thì hãy cố sống
Theo cách riêng của mình.
Miễn sao cách mình sống
Hợp lý, hợp cả tình.

Mỗi người một nguyên bản,
Được bố mẹ sinh ra,
Hãy cố để không chết
Như bản sao nhạt nhòa.

*
Làm việc, không nhất thiết
Gặp ai cũng “trình bày”.
Việc mình tự mình biết,
Làm lặng lẽ hàng ngày.

Thành công, cần thì nói.
Việc gì phải khoe khoang.
Thất bại thì thử lại,
Không bỏ cuộc dễ dàng.

Ai khen, nghe cho biết,
Đừng hếch mũi tớn lên.
Ai chặn đường, quấy phá,
Lặng lẽ né sang bên.

*
Cuộc đời vốn phù phiếm.
Phù phiếm cả công danh.
Đừng coi trọng thái quá
Sự tồn tại của mình.

Có anh thì rất tốt.
Không có chợ cũng đông.
Vạn vật không mà có.
Có mà cũng như không.

*
Tiền cũng chẳng làm gì.
Danh cũng chẳng làm gì.
Vậy sống để làm gì?
Thực ra chẳng làm gì.

Nhưng sống thì cứ sống.
Sống vui và thảnh thơi.
Trời gọi thì lên tiếng,
Tay trắng ta lìa đời.

*
Nấu cháo, ba phần gạo.
Mà nước những bảy phần.
Sống ba phần là đủ.
Còn lại thừa bảy phần.

Ai một lúc có thể
Đi những hai đôi giày?
Giàu có như Bill Gates
Ăn mấy bữa một ngày?

Trong đối nhân xử thế.
Chỉ ba phần tùy mình.
Bảy phần tùy người khác.
Một phần tùy thông minh.

Uống rượu, ba phần tỉnh.
Còn lại bảy phần say.
Sống, ba phần khôn khéo.
Cứ để bảy phần ngây.

Nhờ bảy phần ngây ấy
Mới được hưởng lộc trời.
Cái gì cũng muốn được
Thì ngu và buồn cười.

*
Chữ Tâm có ba dấu.
Tất cả hướng vào trong.
Sự đời có nhiều ngả.
Quan trọng là cái lòng.

Cứ tùy duyên mà sống.
Duyên nhạt thì duyên đi.
Duyên đậm thì quấn quít.
Cưỡng lại mà làm gì.

Dừng quên một sự thật
Rất đơn giản thế này:
Muốn giữ chặt hạnh phúc
Thì phải biết nới tay.


TỰ NHIÊN THÀNH THƠ

*
Người mà có tâm thiện,
Khí thiện sẽ tụ về.
Được quí nhân phù trợ,
Tâm thức không nặng nề.

Ngược lại, người tâm ác,
Khí ác sẽ bao quanh.
Bị yêu ma xúi bẩy
Làm những việc chẳng lành.

Tâm thiện và tâm ác
Hiện trên mặt từng người.
Người tâm ác u ám.
Người tâm thiện hay cười.

Người tâm ác muốn nhận.
Người tâm thiện muốn cho.
Người tâm thiện thanh thản.
Người tâm ác buồn lo.

Nhân chi sơ bản thiện.
Ai cũng tốt ban đầu.
Rồi thế này, thế nọ,
Ấy là chuyện về sau.

*
Lắm yêu lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.

Đa mang thì nặng nợ.
Đa chiều thì rối tinh.
Đa thê luôn chết yểu.
Đa tình khổ vì tình.

*
Ừ thì mê cũng được,
Nhưng đừng mê quá sâu.
Mê sâu thì khó tỉnh,
Lại thêm nặng cái đầu.

Ừ thì nói cũng được,
Nhưng nên nói vừa vừa.
Sự đời tráo trở lắm.
Sáng nắng, chiều lại mưa.

Ừ thì làm cũng được,
Nhưng lựa sức mà làm.
Chúng ta sinh để sống
Chứ không phải để làm.

Ừ, phấn đấu cũng được,
Nhưng cũng nhìn hai bên.
Cỏ cao bị xén trước.
Đừng ngốc mà tớn lên.


TỰ NHIÊN THÀNH THƠ

*
Có một đại gia nọ
Không may chết, và ông
Để lại cho bà vợ
Hơn một trăm tỉ đồng.

Bà vợ đi bước nữa,
Lấy bạn cũ, người tình.
“Phi công trẻ”, vốn trước
Lái xe cho chồng mình.

Anh “phi công trẻ” ấy
Bảo “Máy bay bà già”:
“Thế mà trước cứ nghĩ
Làm thuê cho đại gia.

Thực ra thì ông ấy
Đã làm thuê cho tôi
Và cho cả mình nữa.
Mọi việc quả không tồi”.

*
Có thể là chuyện thật.
Cũng có thể là không.
Nhưng đó là bài học
Phải ghi nhớ trong lòng.

Bài học về cuộc sống,
Về cơn sốt kiếm tiền.
Kiếm thật nhiều, không biết
Một thực tế hiển nhiên,

Rằng để sống hạnh phúc,
Thực ra không cần nhiều.
Chỉ cần đủ ăn ở
Và một chút chi tiêu.

Còn lại là sĩ diện,
Là lãng phí, ăn chơi,
Là khoe để chứng tỏ
Rằng mình hơn mọi người.

*
Chiếc Smart Phone cao cấp
Lãng phí hai phần ba
Các chức năng hiện có.
Lãng phí nhiều đô-la.

Hai phần ba tốc độ
Chiếc ô tô ta đi
Không bao giờ dùng đến.
Xe Ý, Ferrari,

Thì ông chủ của nó,
Dẫu muốn nhanh hơn người,
Tốc độ trong thành phố,
Giỏi lắm, hai phần mười.

Chưa nói loại siêu khủng
Lâu đài hay vi-la,
Thường căn nhà ta sống
Để không hai phần ba.

Không kể người nghèo khổ
Lo kiếm ăn hàng ngày.
Phần lớn ta, người Việt,
Có thu nhập ngày nay

Cao hơn mức cần thiết.
Đủ ăn mặc, chỉ tiêu.
Thế mà cứ hùng hục
Kiếm tiền, kiếm thật nhiều.

Ta tưởng ta hạnh phúc
Khi có thật nhiều tiền,
Mà quên rằng hạnh phúc
Là tâm thức bình yên.


QUẢ TRỨNG VÀ CON BƯỚM

Quả trứng bị đập vỡ,
Như ta thấy nhiều lần:
Hoặc là sẽ bị vứt,
Hoặc sẽ thành thức ăn.

Còn quả trứng tự vỡ
Do áp lực bên trong,
Thì đó là sự sống,
Sự khởi đầu thành công.

Nếu bạn bị ai đó
Đập vỡ từ bên ngoài,
Hoặc là bạn sẽ chết,
Hoặc đau khổ dài dài.

Ngược lại, nếu tự bạn
Chui ra bằng sức mình,
Thì đó là dấu hiệu
Rằng bạn đã trưởng thành.

*
Tương tự, thấy con bướm
Vật lộn nhiều tiếng liền
Để chui ra khỏi kén,
Thì hãy để nó yên.

Vì nếu bạn giúp nó,
Chui ra sớm, tiếc thay,
Cánh của nó quá yếu,
Nên không thể tự bay.

Giãy giụa và đau đớn
Là cái con bướm cần
Khi bước vào cuộc sống
Và để khôn lớn dần.

*
Thường thì người giàu có
Và thành công hơn người
Là người luôn vấp ngã
Và đau đớn ở đời.


GIẢI NGHIỆP

Cuộc đời đầy trắc trở
Và đau buồn, đôi khi
Bạn muốn làm gì đó
Mà chẳng biết làm gì.

Phật nhiều lần đã dạy:
Mọi cái có căn nguyên.
Quả đắng bạn đang chịu
Là do nhân kiếp tiền.

Có thể kiếp trước đấy.
Cũng có thể xa hơn.
Trời - lưới thưa khó thoát.
Đời - đường phẳng mà trơn.

Tin hay không, tùy bạn.
Trời có luật của trời.
Có nhân ắt có quả,
Và người chịu luật trời.

Duy nhất chỉ một cách
Để thoát vòng khổ đau -
Có nghiệp thì giải nghiệp.
Một công việc dài lâu.

Để hóa giải nghiệp ác
Thì phải tạo nghiệp lành
Bằng cách làm việc thiện,
Không cầu lợi, cầu danh.

Có thể bạn đã sống
Vô thần và vô minh.
Thì giờ hãy gần Phật
Để soi sáng tâm mình.

Người đã đi theo Phật
Tâm sẽ tự tốt lành,
Xa lánh những điều ác,
Tham lợi và hư danh.

Bắt đầu bằng sám hối.
Ai cũng có lỗi lầm.
Nhưng luôn có cơ hội
Để sửa chữa lỗi lầm.

Có thể bạn kiếp trước
Trót ăn cướp của người.
Nay chuộc lại bằng cách
Làm việc tốt giúp đời.

Trước bạn là đồ tể,
Ngày giết hai con trâu.
Sổ Thiên Tào ghi hết.
Không ai thoát được đâu.

Bạn có thể chuộc tội
Bằng cách chỉ ăn chay.
Phóng sinh và sống thiện,
Tội được giảm từng ngày.

Xây dựng chín tòa tháp
Không bằng cứu một người.
Bạn, thanh niên trai trẻ,
Hãy hiến máu cứu đời.

Không ít người bên bạn
Còn đau khổ hơn nhiều.
Hãy chìa tay cho họ,
Trao chút tình thương yêu.

Bạn giúp đỡ người khác
Cũng là giúp chính mình.
Bao dung với người khác
Là bao dung với mình.

Người mà nghiệp ác nặng
Luôn khổ não, bồn phiền.
Trong lòng như có lửa,
Cứ khắc khoải không yên.

Hãy dập ngọn lửa ấy
Bằng những cơn mưa lành,
Những việc làm nhân ái
Và tâm niệm chân thành.

Phật từ bi, đại lượng,
Luôn ra tay cứu người.
Có nghiệp thì giải nghiệp
Để an lạc suốt đời.


TỰ NHIÊN THÀNH THƠ

Càng đơn giản ta sống,
Càng thư thái trong đầu.
Ngu mới khoe tiền bạc
Cả khi mình rất giàu.

Phương Tây đang có mốt
Giàu sống như người nghèo.
Hạnh phúc trong tối giản.
Ta, người Việt, nên theo.

Là vì ta có mốt
Nghèo sống như người giàu.
Thực ra cái mốt ấy
Là một sự ngu lâu.

*
Lo mưu sinh, nghèo đói,
Phải bươn chải ngoài đường.
Về già ta được phép
Sáng oằn oèo trên giường.

*
Thơ văn phải chân thực.
Viết vớ vẩn, huyên thuyên,
Hoặc viết đạo đức giả...
Đọc cái là biết liền.

*
Ta có thể sống tốt,
Thiếu xe sang, vi-la.
Các tiện nghi hiện đại,
Thậm chí thiếu đàn bà.

Nhưng không thể sống tốt
Thiếu niềm vui tự mình.
Tức là sống đạm bạc,
Có nghĩa và có tình.

*
Mọi phiền não cuộc sống
Gói gọn trong Bốn Không -
Không buông bỏ, không thấu.
Không quên và không thông.

*
Im lặng trước cái ác,
Nghịch cảnh và bất công
Chính là sự phản bội
Với đất nước, cộng đồng.


TẢN MẠN VỀ CHỮ NHẪN

Xưa Đức Phật từng dạy
Với đồ đệ, chúng sinh,
Rằng có “tiểu sự nhẫn”,
Sẽ được “đại sự lành”.

Tức chịu nhịn một tí,
Để đại sự thành công.
Lời dạy ấy của Phật
Ta phải khắc trong lòng.

*
Nhẫn tiếng Hán là Nhịn,
Là chịu đựng, nén mình.
Nhẫn nại trước nghịch cảnh,
Không bộc lộ bất bình.

Kinh Hoa Nghiêm có nói:
“Một lòng hận lộ ra,
Ngàn cửa nghiệp sẽ mở,
Ta tự làm hại ta”.

Không kìm được cơn giận,
Người có thể giết người.
Chồng có thể đánh vợ
Để hối hận suốt đời.

*
Tu tâm phải tu đức.
Tu đức phải dưỡng mình.
Dưỡng mình phải chế ngự
Giận dữ và bất bình.

Chế ngự được cơn giận,
Tâm bình, khí sẽ hòa.
Nhẫn một chút - gió lặng.
Lùi một bước - biển xa.

Sách người xưa đã dạy:
Chỉ một đốm lửa sân
Sẽ thiêu cháy vạn khoảnh
Của cánh đồng đức ân.

*
Xét về mặt y học,
Tức giận là cội nguồn
Làm khí huyết khô cạn,
Hại thận và đau buồn.

Khi tức giận ai đó,
Thì sự thật vẫn là:
Ta muốn hại người khác,
Mà thực tình hại ta.

*
Nhân sinh khó tránh khỏi
Bao cái bực, cái phiền.
Nhưng học được chữ nhẫn,
Ta sẽ được bình yên.

Nhẫn là binh pháp lớn
Của những bậc thông minh,
Biết biến lớn thành bé,
Binh đao thành hòa bình.

Nhẫn không phải hèn yếu
Mà khi sống ở đời
Biết đối nhân xử thế,
Tránh chuốc họa vào người.


THỜI GIAN VÀ TIỀN BẠC

Có người nói: Những cái
Không mua được bằng tiền
Vẫn có thể mua được
Bằng rất, rất nhiều tiền.

Có thể đúng như vậy,
Nhưng sớm muộn có ngày
Chính bạn sẽ cảm thấy
Chưa hẳn đúng điều này.

Tiền có thể mua được
Đồng hồ vàng, tuy nhiên.
Các giây phút cuộc sống
Không mua được bằng tiền.

*
Một gã keo kiệt nọ
Nhịn ăn, nhịn chi tiêu,
Cuối cùng tích góp được
Một số vàng khá nhiều.

Một hôm, đang khỏe mạnh,
Thần Chết đến bắt đi.
“Tôi giàu và còn trẻ,
Chưa biết sống là gì.

Xin sẵn sàng đánh đổi
Một nửa gia tài tôi,
Để được sống, hưởng thụ
Một vài năm nữa thôi.”

“Không được”, Thần chết nói.
“Thế thì chỉ vài ngày?”
“Vài ngày cũng không được!”
“Vậy cho tôi mấy giây

Để viết lời di chúc
Cho con cháu mai sau”.
Và rồi gã đã viết
Rất ngắn gọn mấy câu.

“Quí thì cũng quí thật,
Nhưng tiền bạc, hỡi ơi,
Không thể nào mua nổi
Một vài giây cuộc đời!”

*
Mưu sinh luôn vất vả.
Tiền là quí, tất nhiên.
Nhưng giá trị cuộc sống
Không nằm ở đồng tiền.

Thời gian ta được sống
Không khác nhau là bao.
Khác ở cách sử dụng
Thời gian như thế nào.

Không lãng phí nào lớn
Bằng lãng phí thời gian.
Không tội ác nào lớn
Bằng tội giết thời gian.

Thời gian là tài sản
Quí nhất của mỗi người.
Thời gian để sống đẹp
Và hữu ích cho đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét