Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

DANH NHÂN VIỆT 13

 

TRẦN NHÂN TÔNG

(1258 - 1308)

 

Anh minh và nhân ái,

Đức vua Trần Nhân Tông,

Một ông vua vĩ đại,

Sống mãi cùng non sông.    

 

Không chỉ vua, hơn thế,

Ngài còn là Phật Hoàng,

Lập Trúc Lâm Yên Tử,

Mở một kỷ nguyên vàng.

 

Ngài là con trai trưởng

Của vua Trần Thánh Tông.

Trần Khâm là tên húy,

Anh hùng chống Nguyên Mông.

 

Năm Một Hai Bảy Tám,

Nhận ngôi từ vua cha,

Đúng lúc giặc Mông Cổ

Lại đe dọa nước nhà.

 

Ngài cử đoàn sứ Việt

Do Trần Phủ cầm đầu

Sang thương thuyết với giặc,

Nhưng chẳng đi đến đâu.

 

Biết không thể hòa hoãn,

Thượng hoàng Trần Thánh Tông

Bèn cho mở Hội nghị

Ở cung điện Diên Hồng.

 

Khách mời dự Hội nghị

Là các bậc cao niên

Gồm già làng, trưởng lão

Đến từ khắp mọi miền.

 

Vua mở yến chiêu đãi,

Rồi nói họa Nguyên Mông,

Xin các cụ cho biết:

Ta nên đánh hay không?

 

Vốn quanh năm chân đất,

Nay được vào hoàng cung,

Được vua ân cần tiếp,

Các cụ vui vô cùng.

 

Rồi trăm người như một,

Hô to cùng đức vua:

“Đánh! Sát thát! Sát thát!

Đánh đến khi giặc thua!”

 

Sau Hội nghị, các cụ

Về làng bản của mình

Khích lệ các con cháu

Cùng tham gia việc binh.

 

Hội nghị Diên Hồng ấy

Thể hiện được lòng dân,

Thề quyết tâm giữ nước

Cùng các vị vua Trần.

 

Vua Trần có thể quyết

Chủ chiến hay chủ hòa,

Nhưng tôn trọng dân chúng

Hỏi đại sự quốc gia.

 

Quân và dân như một,

Nhờ thế đã đồng lòng,

Ý chí cả dân tộc

Thắng được họa Nguyên Mông.

 

Một tấm gương trị nước

Giá trị đến ngày nay.

Muốn bảo vệ Tổ quốc,

Phải nhớ bài học này.

 

Ngài là người đoàn kết

Sức mạnh toàn quốc gia.

Lòng tự hào dân tộc

Nhờ đó mà thăng hoa.

 

Được Thánh Tông giúp sức,

Ngài lãnh đạo nhân dân

Đánh thắng quân xâm lược

Liên tục cả hai lần.    

                                   

Tháng Tư năm Ất Dậu,

Tức Một Hai Tám Năm,

Ngài sai Trần Nhật Duật,

Trần Quốc Toản mang quân

 

Đánh giặc ở Tây Kết,

Suýt bắt sống Thoát Hoan,

Rồi sau đó thắng lớn

Ở cửa Hàm Tử Quan.

 

Năm Một Hai Hai Tám,

Sau trận thắng Bạch Đằng,

Mở Thái Bình Diên Yến,

Ba ngày ba đêm trăng.       

 

Quân Ai Lao lúc đó

Cũng thường quấy nước ta.

Đích thân Ngài gươm giáo

Lên đường chinh phạt xa.

 

Cương quyết không để mất

Một tấc đất tiền nhân.

Bằng mọi giá phải giữ.

Ngài nói thế nhiều lần.        

 

Để kết tình hòa hiếu,

Ngài gả con Huyền Trân,

Công chúa Ngài yêu quí,

Cho vua Chiêm Chế Mân.

 

Nước Đại Việt từ đó

Có thêm được mấy châu,

Đất rộng, người thưa thớt

Nhưng tài nguyên rất giàu.

 

Xong việc, năm Quý Tị,

Tức Một Hai Chín Ba,

Ngài nhường con ngôi báu,

Cùng gánh vác sơn hà.

 

Năm Một Hai Chín Chín,

Ngài xuất gia tu hành

Ở Vũ Lâm cung cấm,

Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.

 

Rồi Ngài đến Yên Tử,

Niệm kinh và trồng hoa,

Lập dòng thiền đất Việt,

Hiệu Trúc Lâm Đầu Đà.

 

Trong Trúc Lâm Tam Tổ,

Ngài là vị tổ đầu,

Pháp Loa là tổ tiếp,

Huyền Quang tổ về sau.     

 

Năm Một Ba Không Tám,

Tức là năm Mậu Thân,

Ở Ngọa Vân, Yên Tử

Ngài từ giã cõi trần.

 

Ngài từ người thành Phật

Sau tám năm xuất gia.

Chết, xá lị được giữ

Như báu vật nước nhà.

 

Tro Ngài được an táng

Và hậu thế tôn thờ

Trong tháp lăng Quí Đức,

Tỉnh Thái Bình bây giờ.

 

*

Theo sử sách kể lại,

Một lần về Thăng Long,

Ngài rất buồn khi thấy

Con mình, Trần Anh Tông,

 

Trình Ngài bản danh sách

Hàng trăm quan nhỏ to

Mới được vua cất nhắc,

Tưởng Ngài vui, ai ngờ,

 

Ngài vứt tờ giấy ấy,

Vỗ vai con, và rồi

Nói: “Nước mình bé nhỏ,

Nhiều quan, lấy ai nuôi?”

 

Đó là bài học lớn

Về trị nước, yên dân.

Quan nhiều là gánh nặng,

Khiến đất nước nghèo dần.

 

*

Ngài là vua, là Phật,

Lại còn là nhà thơ.

Ba lăm bài tuyệt tác

Còn lưu đến bây giờ. 

 

Đó là thơ tứ tuyệt

Và một số thơ Đường,

Về thiên nhiên, thiền Phật,

Về lẽ sống đời thường.

 

*

Theo sử sách kể lại,

Lên Yên Tử, dọc đường

Ngài bị ba tên cướp

Cầm giáo ra chặn đường.

 

Ngài ôn tồn hỏi chúng,

Mới biết nghèo, làm liều,

Rồi lấy, đem cho chúng

Suất cơm Ngài mang theo.

 

Khi đến một quả núi

Có hình như mâm xôi,

Định ăn thì sực nhớ

Suất cơm cho mất rồi.

 

Ngài đành nhờ Bảo Sái,

Người hầu luôn theo Ngài,

Xuống suối lấy nước uống

Thay cơm cho cả hai.

 

Về sau ở núi ấy,

Có ngôi chùa, trước sân

Ghi hai chữ “Cấm Thực”,

Tức là chùa không ăn.

 

*

Khi Ngài lên Yên Tử,

Một mình giữa rừng sâu,

Triều đình sợ Ngài khổ,

Cho cung nữ theo hầu.

 

Ngài không chịu, bảo họ

Nếu muốn, trở về quê.

Nhưng tất cả cung nữ

Nhảy xuống suối Hổ Khê    

 

Để tỏ lòng thương mến

Và trung thành với Ngài.

Con suối ấy sau đó

Đổi thành Giải Oan Đài.

 

Khi tu ở Yên Tử,

Ngài thường leo hàng ngày

Lên đỉnh núi cao nhất,

Bốn mùa chìm trong mây.

 

Ngài cho xây ở đấy

Chiếc am nhỏ Ngọa Vân,

Nơi Ngài thiền, đọc sách,

Hưởng cái thú thanh bần.

 

*

Khi Ngài sắp viên tịch,

Trời mưa gió dầm dề.

Mồng Ba, tháng Mười Một,

Bỗng gió lặng, trời se.

 

Ngài liền hỏi Bảo Sái:

“Giờ này là giờ gì?”

“Bạch thầy, là giờ Tý”.

“Đã đến giờ ta đi”.

 

Nói xong, Ngài viên tịch,

Nằm nghiêng như Phật nằm,

Ở ngay trong am núi,

Nơi Ngài tu tám năm.

 

Pháp Loa, theo di chúc,

Thiêu xác Ngài, lát sau

Thấy nghìn viên xá lị

Lung linh đủ các màu.        

 

 

THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

 

1

Kệ về đạo

 

Sống giữa đời trần, lo học đạo.

Cứ ăn khi đói, mệt đi nằm.

Trong nhà sẵn của, tìm đâu nữa?

Đừng hỏi về thiền khi vô tâm!

 

2

Xuân sớm

 

Sáng dậy vén rèm cửa.

Xuân đã đứng cạnh nhà.

Đôi bướm nhỏ cánh trắng

Chấp chới bay tìm hoa.

 

3

Đề chùa làng Hương, Cổ Châu

 

Không biết trước số trời,

Nhưng tình trong mắt người.

Cung ma nếu quản chặt,

Cõi Phật xuân muôn đời.

 

4

Trên hồ Động Thiên

 

Động Thiên cảnh tiêu điều:

Hoa héo, cỏ cây xiêu.

May trời thương, thỉnh thoảng

Ban cho tiếng chuông chiều.

 

5

Tiễn sứ bắc Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai

 

Tiễn đưa quyến luyến cạnh Linh Trì.

Gió xuân không giữ được người đi.

Không biết sao lành hai sứ bắc

Thêm được mấy ngày chiếu Nam di?

 

6

Ngày xuân, tặng bánh sứ bắc là Trương Hiển Khanh

 

Múa Giả Chi 1) xong, thử bánh này.

Huống hồ hàn thực đúng hôm nay.

Phong tục An Nam, mời khách quí

Bánh rau 2) như ngọc, một mâm đầy.

 

1. Tên một điệu múa ngày trước.

2. Ở đây có thể là bánh khúc.

 

7

Cảnh xuân

 

Chim kêu trong khóm liễu sau nhà.

Bóng chiều rụng nhẹ xuống thềm hoa.

Khách quý đến chơi không hỏi chuyện,

Chỉ cùng chủ đứng, ngắm mây xa.

 

8

Đêm Mười Một tháng Hai

 

Rượu quý rửa hồn, hương ngất ngây.

Giường rồng, chiếu trúc, giấc xuân say.

Bên song hoa nở, trời như nước.

Ngoài hiên trăng sáng tựa ban ngày.

 

9

Xuân muộn

 

Ngày xưa chưa hiểu "có" và "không"

Xuân sang cứ phải vấn vương lòng.

Nay giữa sân chùa, trên nệm cỏ,

Dửng dưng ngắm rụng cánh hoa hồng.

 

10

Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường

 

Xóm nhỏ chìm trong khói ráng hồng.

Cảnh chiều nửa có, nửa như không.

Trẻ giục trâu về, vui thổi sáo.

Cò trắng từng đôi đậu xuống đồng.

 

11

Trăng

 

Đèn soi song cửa, sách đầy giường.

Đêm lạnh, bên ngoài sân ướt sương.

Tiếng chày đập vải làm thức giấc.

Trăng vướng cành hoa, mù vấn vương.

 

12

Chiều thu ở Vũ Lâm

 

Bóng cầu in ngược, chạm đầy hoa.

Mép nước lung linh vệt nắng tà.

Lá đỏ, núi xanh, dòng suối lạnh.

Lững lờ mây ướt, tiếng chuông xa.

 

13

Cảnh chiều ở Châu Lạng

 

Chùa cổ mờ mờ trong khói mây.

Chuông điểm, dây thuyền buộc gốc cây.

Núi lặng, nước trong, nghiêng cánh nhạn.

Lá đỏ, mây buồn lưu luyến bay.

 

14

Thơ đề ở nhà thủy tạ Phổ Minh

 

Nhà trên mặt nước, thoảng mùi hương.

Chùa đóng, cây đa đứng vệ đường.

Hồ nước mới dâng, không lạnh lắm.

Theo tiếng ve sầu, thu vấn vương.

 

15

Mạn hứng khi ở trên núi

Bài một

 

Ai trói mà cần người giải thoát?

Không phàm, nên chẳng viện thần tiên.

Ngựa mỏi, chân chồn, nay có tuổi

Thanh đạm trong am, mảnh chiếu thiền.

 

16

Mạn hứng khi ở trên núi

Bài hai

 

Đúng sai rốt cuộc như hoa rụng.

Hết mưa, hết muốn lợi và danh.

Sau tiếng chim kêu, xuân lại úa.

Hoa tàn, mây tạnh, núi xanh xanh.

 

17

Thanh nhàn

 

Sống nơi yên tĩnh, thảnh thơi lòng.

Xạc xào gió thổi giữa cành thông.

Chiếu trải dưới cây, kinh một quyển.

Thanh nhàn hai chữ có hơn không?

 

18

Ngày xuân thăm Chiêu Lăng 1)

 

Thị vệ nghiêm, nghìn cửa.

Quan bảy phẩm, áo rồng.

Người lính già đầu bạc

Mải kể chuyện Nguyên Phong.

 

1. Làng vua Trần Thái Tông.

 

19

Lên núi Bảo Đài 1)

 

Đất vắng, đài thêm cổ.

Trời đẹp, mới chớm xuân.

Ngõ, nửa râm, nửa nắng,

Mây nửa xa, nửa gần.

Việc trôi như nước cuốn.

Lòng nhủ lòng bao lần.

Tựa hiên, nâng sáo ngọc.

Trăng bàng bạc ngoài sân.

 

1. Núi Bảo Đài còn có tên khác là Long Đọi, nay thuộc Ninh Bình. Cũng có tài liệu nói núi này ở Đông Triều.

 

20

Hoa mai nở sớm

 

Mấy hôm ngại rét, cứ nằm lười.

Không biết xuân về, đủ sắc tươi.

Mai nở đầy cành, trời ấm lại.

Bóng nước lung linh, gió lả lơi.

Bài ca Thúy Vũ 1) vang thôn núi.

Họa Long 2) sáo thổi, lạnh mây trời.

Một cành hoa lạc vào giấc mộng.

Chỉ tiếc không sao lấy tặng người.

 

1. Tên một điệu từ cổ ở Trung Quốc.

2. Có lẽ là một loại sáo hay tù và có hình rồng.

 

21

Phủ Thiên Trường

 

Quạnh hiu lá đỏ, núi xanh, vàng.

Sau mưa đường sạch, trời mây quang.

Các sư về viện, trai đường vắng.

Nửa đêm, trăng đã xế trên làng.

Ba chục cung tiên, giường xếp dọc.

Tám nghìn ngọn tháp, nước âm vang.

Phổ Minh chùa cổ không thay đổi.

Trong mơ bất chợt nhớ tiên hoàng.

 

22

Chùa Thần Quang trên núi Đại Lâm

 

U nhã Thần Quang, vắng suốt ngày.

Giữa vùng rừng núi phủ đầy mây.

Ba nghìn thế giới thu vào mắt.

Mười hai tòa tháp tựa trên tay.

Cây thông trăm tuổi, sư đầu bạc.

Bèo bọt thói đời cứ đổi thay.

Ngoài việc thắp hương và cúng Phật,

Hết thảy mọi điều sư chẳng hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét