LƯƠNG THẾ VINH
(1441 – 1496)
Ông là nhà Phật học,
Nhà toán học tài ba.
Một thi sĩ lỗi lạc,
Và một chính trị gia.
Tên tự là Cảnh Nghị,
Tên hiệu là Thụy Yên.
Năm mới hăm hai tuổi
Ông đỗ đầu Trạng Nguyên.
Sau buổi thi lần ấy,
Đích thân Lê Thánh Tông
Đã ngự giá, ban thưởng
Và xướng danh tên ông.
Từ đấy, ông được gọi
Theo tên mới, Trạng Lường.
Một ông Trạng tài giỏi
Và thông minh khác thường.
Ông được giữ nhiều chức
Ở Học Viện Hàn Lâm,
Nơi nhiều năm làm việc
Với cái tình, cái tâm.
Cuốn Đại Thành Toán Pháp
Do ông viết, tức thì
Được đưa vào trường học
Và trích soạn đề thi.
Trong suốt nhiều thế kỷ
Cuốn sách này của ông
Thành giáo trình dạy toán,
Cả trường tư, trường công.
Ông là người sáng chế
Một dụng cụ cầm tay.
Đó là bàn tính gẩy
Ta vẫn dùng xưa nay.
Gọn nhẹ và dễ tính.
Phẩy ngón tay là xong.
Chính xác và tiện lợi.
Cả nước nhớ ơn ông.
Vì văn hay, chữ tốt,
Vua giao Lương Thế Vinh
Soạn công văn, thư tín
Liên lạc với Nhà Minh.
Ông cũng rất giỏi nhạc,
Nên cùng Thân Nhân Trung,
Được vua giao chế định
Các lễ nhạc trong cung.
Ông cũng là tác giả
Cuốn Thập Giới Cô Hồn.
Tức Phật Kinh Thập Giới.
Được viết bằng chữ Nôm.
Tác phẩm có mười đoạn.
Mỗi đoạn có mở đầu.
Kết thúc bằng bài Kệ
Rất súc tích, mười câu.
Sách nói rõ, chi tiết
Về phận sự, chức danh
Của thiền tăng, đạo sĩ
Và những người tu hành.
Ông cũng còn là một
Trong hăm tám thi nhân
Của hội thơ nổi tiếng
Là Hội Thơ Tao Đàn.
Năm Một Bốn Chín Sáu
Ông mất ở quê nhà.
Hưởng thọ năm lăm tuổi.
Cả triều đình xót xa.
Ai cũng lấy làm tiếc.
Đích thân Lê Thánh Tông
Viết một bài thơ điếu
Tỏ lòng thương nhớ ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét