Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

 

THÁI THUẬN

(1441 - ?)

 

Ông là nhà thơ lớn

Vào thời kỳ Lê Sơ.

Quê thừa tuyên Kinh Bắc,

Tỉnh Bắc Ninh bây giờ.

 

Ngày trẻ ông đi lính,

Sung vào đội tượng binh,

Dạy voi và quản tượng.

Trải qua nhiều chiến chinh.

 

Về sau mới đi học.

Năm Một Bốn Bảy Năm

Ông thi đỗ tiến sĩ,

Làm quan Viện Hàn Lâm

 

Rồi ông được cất nhắc

Thành Tham Chính Hải Dương.

Lêm khiết và chính trực,

Được mọi người yêu thương.

 

Cũng trong thời gian ấy

Ông được Lê Thánh Tông

Xuống chỉ sai công cán

Nhiều tỉnh ở miền trong.

 

*

Như đã nói, Thái Thuận

Là nhà thơ có tài.

Sinh thời ông sáng tác

Nhiều lắm, hàng nghìn bài.

 

Tiếc, phần lớn thất lạc.

Sau khi chết, con trai

Và học trò sưu tập

Được hơn hai trăm bài.

 

Gộp lại thành một tập,

Lưu lại cho người đời.

Lần đầu được xuất bản

Vào năm Một Năm Mười.

 

Hơn một nửa tập ấy

Về sau Lê Quý Đôn

Đưa vào tập Thi Lục,

Truyền lại cho cháu con.

 

Người đương thời nhận xét

Thơ Thái Thuận Tiên Sinh

Không màu mè hoa mỹ,

Mà tinh tế, trữ tình.

 

Ngô Thì Nhậm thì nói:

“Thơ ông thật dễ thương.

Đúng khuôn vàng thước ngọc.

Phong cách thời Vãn Đường”.

 

Lê Thánh Tông nhận xét:

“Giản dị và mộng mơ,

Ông là ngôi sao sáng

Trên bầu trời văn thơ”.

 

Chắc có lẽ vì thế

Ngài đặc cách cho ông

Làm Tao Đàn Phó Súy.

Chỉ sau Lê Thánh Tông.

 

 

THÁI THUẬN TIÊN SINH

 

1

Huyện Kim Hoa ngày ấy

Có một nàng rất xinh,

Thơ văn hay, chữ tốt,

Vợ của Phù Tiên Sinh.

 

Nàng xuất thân danh giá,

Dẫu có lúc bần hàn,

Được học hành tử tế,

Tên là Ngô Chi Lan.

 

Lê Thánh Tông nghe tiếng,

Bèn cho mời vào triều

Giúp dạy các cung nữ,

Ban ân huệ rất nhiều.

 

Mỗi lần vua mở yến,

Nàng được phép đứng chầu.

Vua xướng thơ, lập tức

Nàng họa lại từng câu.

 

Không may, bốn mươi tuổi,

Nàng lâm bệnh qua đời,

Mộ táng bên bãi cạn,

Để tiếng tốt cho đời.

 

2

Cuối đời Lê Uy Mục,

Có một anh học trò

Tên Tử Biên, ăn học

Lâu ngày ở kinh đô.

 

Một hôm, nhớ bố mẹ,

Về Thái Nguyên thăm nhà,

Chàng bỗng gặp mưa lớn

Khi đến huyện Kim Hoa.

 

Giữa đồng không mông quạnh,

Bốn bề trời tối đen,

Bỗng xa xa le lói,

Mờ ảo một ánh đèn.

 

Chàng lại gần và thấy

Một ngôi nhà lợp tranh

Gọn gàng và ấm cúng,

Cây rậm rạp xung quanh.

 

Chàng muốn vào trú tạm,

Người gác cổng không cho.

Nhìn vào trong, chàng thấy

Hai người đang chuyện trò.

 

Đó là một mệnh phụ

Đài các, đẹp như tiên,

Và một ông đứng tuổi

Đang cầm sách ngồi bên.

 

Bất chợt, mệnh phụ nói:

“Trời mưa gió thế này,

Người ta xin vào trú,

Sao không cho vào ngay?

 

Chàng Tử Biên lặng lẽ

Theo người hầu vào trong,

Ngồi nghỉ trên nền cứng

chái nhà phía đông.

 

Khoảng canh hai, bất chợt

Chàng thấy một ông già

Đẹp lão và quắc thước

Cưỡi trên một con la.

 

Con la ấy màu tía,

Tấm vải phủ màu hồng.

Còn râu ông và tóc

Trắng và mịn như bông.

 

Hai người kia ra đón:

“Thật phiền Thái Tiên sinh!”

Khách đáp: “Muốn đàm đạo

Phải có tâm, có tình.”

 

Rồi cả chủ và khách

Cùng nói chuyện văn chương,

Hết bài này bài khác,

Vui, say mê khác thường.

 

Bất chợt, ông khách nói:

“Hình như đang có người

Lén nghe ta đàm đạo.”

Mệnh phụ chủ nhà cười:

 

“Bàn chuyện văn là tốt,

Nghe lén cũng chẳng sao.

Vậy mời anh bạn trẻ

Muốn nghe thì cứ vào!”

 

Chàng Tử Biên cả sợ,

Nhưng cũng ghé ngồi nghe,

Cúi lạy, xin các vị

Chỉ giáo cho đôi bề.

 

Thái Tiên sinh lẳng lặng

Lấy đâu đó trong người

Một tập giấy bọc vải,

Đưa cho chàng, mỉm cười:

 

“Về thơ văn, tốt nhất,

Con hãy đọc tập này.

Khỏi cần tìm đâu nữa,

Mọi cái đều ở đây.”

 

Rồi cả chủ và khách

Cúi chào nhau, chia tay.

Chàng Tử Biên chợt tỉnh

Khi trời mới rạng ngày.

 

Chàng giật mình, kinh hãi

Thấy đang nằm giữa đồng

Cạnh hai ngôi mộ cũ

Bên bờ một dòng sông.

 

Kinh ngạc hơn: cuộn giấy

Ông khách đưa cho chàng

Đang nằm kia, gần cạnh,

Rực rỡ dưới nắng vàng.

 

Chàng liền mở, chỉ thấy

Bốn chữ đẹp tuyệt vời

Là “Lã Đường Thi Tập”,

Nét mực vẫn còn tươi.

 

Về sau, chàng dò hỏi

Biết đôi mộ ngoài đồng

Là mộ của mệnh phụ

Ngô Chi Lan và chồng.

 

Còn Lã Đường thi sĩ

Là bút hiệu xưa nay

Của nhà thơ Thái Thuận,

Một cây bút bậc thầy.

 

Sinh Một Bốn Bốn Mốt,

Mất chưa rõ, bình sinh

Ông người xã Song Liễu,

Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

 

Năm Hồng Đức thứ sáu,

Tức Một Bốn Bảy Lăm,

Ông thi đậu tiến sĩ

Rồi làm quan nhiều năm.

 

Thái Thuận là sao sáng

Trong Hội Thơ thời ông -

“Tao Đàn phó nguyên súy”,

Chỉ sau Lê Thánh Tông.

 

Thơ ông sâu và nhã,

Nghe nói hàng nghìn bài,

Không may thất lạc hết,

Mai một một danh tài.

 

Được thi nhân gợi ý,

Tử Biên về làng ông

Tìm “Lã Đường Thi Tập”,

Thoạt nhìn mà đau lòng.

 

Mối mọt ăn gần hết

Rời rạc mấy trăm trang.

Chỗ đọc được, chỗ mất,

Vất vả mãi, rồi chàng

 

Chép lại được trọn vẹn

Cũng vài trăm bài thơ.

Đời sau dùng bản ấy

Truyền mãi đến bây giờ.

 

3

Câu chuyện này tôi kể

Lấy trong cuốn Truyền Kỳ

Của tác giả Nguyễn Dữ,

Có thật mà ly kỳ.

 

Nhân đây cũng xin nói,

Thái Thuận trong truyện này

Là cụ tổ đáng kính

Của họ Thái ngày nay.

 

Tôi là một hậu duệ

Cũng đến mấy chục đời.

Gia phả họ ghi rõ

Từng tên làng, tên người.

 

Hiện tôi may có được

Cuốn Lã Đường của Ngài,

Và lạm phép tạm dịch

Khoảng hơn một trăm bài.

 

Thích thì mời các vị

Vào đọc thơ Cụ tôi

Trong “Cổ Thi Tác Dịch”,

In cũng mấy năm rồi.

 

Cái hay và cái đẹp

Nhường cụ Thái Tiên Sinh.

Còn cái dở, cái chán

Tôi xin nhận về mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét