TAM TỰ KINH
Tóm lược nội dung
Người xưa có cuốn sách,
Gọi là Tam Tự Kinh.
Tam Tự là ba chữ.
Kinh, đơn giản là Kinh.
Kinh là cái gì đó
Chuẩn mực mà người đời
Luôn noi theo, học hỏi
Để khôn lớn thành người.
Cuốn sách này quý giá
Dùng để dạy trẻ con
Về kiến thức sơ đẳng,
Về đạo đức, tâm hồn.
Viết từ đời Nhà Tống.
Các đời sau, Minh, Thanh,
Được nhiều người góp sức
Chấn chỉnh lại mà thành.
Các cụ ta ngày trước
Ai cũng học sách này.
Vì thời ấy chưa có
Chữ Quốc Ngữ ngày nay.
Đọc nghe rất vần điệu
Như cuốn Đệ Tử Quy.
Mỗi câu có sáu chữ.
Viết thì khó cực kỳ.
Vâng, mỗi câu sáu chữ.
Nhưng được chia làm hai,
Thành hai nửa ba chữ.
Đều đều, rất vui tai.
Ba chữ là Tam Tự.
Đầy triết lý thông minh.
Vì thế nó được gọi
Là Sách Tam Tự Kinh.
Các cháu hãy đọc nhé.
Nếu rỗi, đọc hàng ngày.
Nội dung cuốn sách ấy
Ông tóm lược thế này.
*
CHƯƠNG MỘT
1
Mới sinh, ai cũng thiện.
Cái ác, cái xấu xa
Do không được giáo dục.
Từ đó mà sinh ra.
2
Thấy con lười, Mạnh Mẫu
Chặt khung cửi dạy con.
Dạy năm con phép tắc
Là ông Đặng Yên Son.
3
Chỉ nuôi mà không dạy
Là lỗi của mẹ cha.
Cháu chắt quá ngỗ nghịch
Là lỗi của ông bà.
Thầy dạy, không tiến bộ
Thì là lỗi của thầy.
Trẻ không lo tu luyện
Sẽ thế nào sau này?
4
Ngọc mà không đẽo gọt,
Chỉ là đá, vứt đi.
Trẻ mà không chịu học,
Sau lớn, biết làm gì?
5
Ông Hương, mới chín tuổi,
Đã nhường chăn cho cha.
Nhỏ, hiếu với bố mẹ,
Sẽ nhận hiếu lúc già.
6
Phận làm con, còn nhỏ
Phải tìm bạn, tìm thầy.
Để qua thầy, qua bạn,
Học lễ nghĩa hàng ngày.
7
Học, phải tiên học Lễ
Rồi mới hậu học Văn.
Học đi đứng, thưa gửi
Rồi cộng, trừ, chia, nhân.
8
Phàm khi thầy dạy trẻ,
Phải giải thích rõ ràng.
Khúc triết từng câu chữ.
Viết đẹp và thẳng hàng.
9
Hai người chênh lệch tuổi
Chơi với nhau thân quen
Cũng phải giữ khoảng cách
Về tuổi tác, dưới trên.
10
Bạn bè cùng trang lứa
Mà chơi thân với nhau,
Thì chữ tín, chữ nghĩa
Phải đặt lên hàng đầu.
*
CHƯƠNG HAI
1
Làm người có ba Đạo.
Đạo vua tôi vẹn tròn.
Đạo nặng tình chồng vợ.
Đạo cha mẹ và con.
2
Vũ trụ có ba bậc,
Là Trời, Đất và Người.
Trời có ba cái Sáng
Là Trăng, Sao, Mặt Trời.
3
Thời tiết luôn luân chuyển
Là Xuân, Hạ, Thu Đông.
Hướng cũng có bốn hướng,
Là Nam, Bắc, Tây, Đông.
4
Vũ trụ được cấu tạo
Từ năm chất, đó là
Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.
Cân bằng và hài hòa.
5
Đạo làm người quân tử
Được tôn quí xưa nay -
Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Phải ghi nhớ hàng ngày.
6
Đã là người, chắc chắn
Ai cũng Tham Sân Si.
Nhưng trong ai cũng có
Chất Hỉ Xả Từ Bi.
7
Trong gia đình, thứ tự
Là Cố, Nội, Ông Bà.
Tiếp đến là Bố Mẹ,
Rồi con cái trong nhà.
8
Đến lượt con cháu lớn,
Chúng sẽ lập gia đình.
Rồi sinh con đẻ cái,
Thành con cháu của mình.
9
Con hiếu với cha mẹ.
Vợ tiết nghĩa với chồng.
Dân trung quân, báo quốc,
Hòa thuận với cộng đồng.
10
Đó là những Đạo lớn
Khi sinh ra ở đời.
Con trẻ cần phải biết
Để khôn lớn thành người.
*
CHƯƠNG BA
1
Sách cũng có thứ bậc.
Đại Học, bộ đầu tiên.
Trung Dung là sách tiếp.
Tổng cộng có ba thiên...
Tiếp đến là Luận Ngữ
Mười hai thiên, cuốn này
Là bài giảng Khổng Tử.
Trò chép lại cho thầy.
Sách thứ tư, Mạnh Tử,
Cũng một bậc thánh hiền.
Bao gồm nhiều triết lý,
Gộp lại thành bảy thiên.
Vì sách có bốn cuốn,
Nên gọi là Tứ Thư.
Già trẻ đều phải đọc.
Nghiền ngẫm và từ từ.
2
Khổng Tử dạy trước hết
Phải Tu Thân, Tề Gia.
Tức luyện mình cho tốt
Để chăm lo việc nhà.
Làm xong hai việc ấy
Mới đến hai việc sau.
Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.
Đều quan trọng như nhau.
3
Còn năm bộ Kinh khác,
Giúp người đọc chuyên tu ,
Là Thư, Thi, Dịch, Lễ.
Cuối cùng là Xuân Thu.
Tứ Thư của Khổng Tử.
Ngũ Kinh của nhiều người,
Giup trẻ học, tấn tới
Để cống hiến cho đời.
4
Đầu tiên học Tiểu Học,
Tiếp đến là Tứ Thư.
Rồi Ngũ Kinh năm cuốn.
Học từng câu, từng từ.
Rồi Lục Kinh, Tam Dịch,
Lễ Ký và Tam Truyền...
Học, thấu đáo lời dạy
Của các bậc thánh hiền.
*
CHƯƠNG BỐN
1
Tam Tự Kinh, Chương Bốn,
Dẫu điểm xuyết qua loa,
Nói toàn bộ lịch sử
Của đất nước Trung Hoa.
Bắt đầu từ thượng cổ,
Tức khi mới hình thành,
Suốt chiều dài lịch sử,
Đến triều đại Nhà Thanh.
2
Đầu tien là Nghiêu Thuấn
Rồi đến Hạ, Thương, Chu
Với ba vua kiệt xuất
Để tiếng tốt nghìn thu.
Nhà Hạ có vua Vũ.
Vua Thang đời nhà Thương.
Nhà Chu - vua Văn, Vũ,
Thành Tam Đại đế vương.
3
Quá mê nàng Đát Kỷ,
Vua Trụ thành bất lương.
Vua Vũ dấy quân đánh -
Nhà Chu thay nhà Thương.
4
Thời Đông Chu, loạn lạc,
Có Chiến Quốc, Xuân Thu.
Các tiểu quốc cát cứ,
Coi nhau như kẻ thù.
Vào cuối thời Chiến Quốc,
Nước Tần lớn mạnh dần,
Diệt hết các nước nhỏ,
Lập nên triều Nhà Tần.
5
Tiếp đến là giai đoạn
Hán và Sở tranh hùng.
Hán Cao Tổ đánh thắng
Tướng Hạng Vũ kiêu hùng.
6
Rồi thiên hạ đại loạn.
Tướng Vương Mãng soán quyền.
Đất nước lại loạn lạc
Và chiến tranh triền miên.
7
Hán Cao Tổ dựng nghiệp,
Truyền được mười hai đời.
Sau bị Vương Mãng tiếm,
Để bài học cho đời.
8
Sau đó là Đông Hán,
Rồi Tam Quốc tranh tài.
Ba nước Ngô, Ngụy, Thục
Đánh nhau giành đất đai.
9
Cuối cùng Nhà Ngụy Thắng.
Ngụy chia thành Đông, Tây.
Đông Ngụy và Tây Ngụy.
Lại đánh nhau suốt ngày.
10
Nhà Đường thay Nhà Ngụy.
Ba trăm năm kéo dài.
Một giai đoạn ổn định.
Nhiều nhân vật hiền tài.
Kinh tế và văn hóa
Đều đạt đến đỉnh cao.
Nhiều phát minh khoa học.
Cũng nhiều các thi hào.
Tiếc rằng giai đoạn ấy
Không kéo dài, Nhà Đường
Đã dần dần lụn bại,
Nhường chỗ cho Nhà Lương.
11
Sau Lương là Nhà Tống
Với mười tám đời vua.
Tiếp đến quân Mông Cổ
Đánh Tống, Tống phải thua.
12
Chiếm được đất nhà Tống,
Mông Cổ lập triều Nguyên.
Chín mươi năm cai trị.
Chiến tranh vẫn triền miên.
13
Nhà Nguyên bị lật đổ.
Lên thay là nhà Minh.
Kim Lăng, kinh đô cũ
Được dời về Bắc Kinh.
Cả mười sáu hoàng đế
Chú trọng nghề công, nông.
Tiếc, về sau, quan hoạn
Làm Nhà Minh diệt vong.
14
Cuối cùng, một triều mới,
Là triều đại Nhà Thanh,
Đã cai trị Trung Quốc,
Sau rất nhiều chiến tranh.
15
Học sử, rất quan trọng
Là không chỉ nghe thầy,
Mà phải đọc nhiều sách
Để tấn tới hàng này.
*
CHƯƠNG NĂM
1
Muốn thực sự học tốt,
Phải đọc sách hàng ngày.
Vừa đọc vừa suy ngẫm
Để áp dụng sau này.
2
Học từ sách chưa đủ.
Phải học cả từ người.
Đến Khổng Tử còn học
Cả Hạng Thác, lên mười.
3
Triệu Trung Lệnh, đời Tống,
Không vì làm quan to
Mà quên đọc Luận Ngữ,
Chăm chỉ như học trò.
4
Nhà nghèo vẫn chăm học.
Dẫu đói ăn hàng ngày,
Lộ Ôn Thư, Tây Hán,
Viết chữ lên lá cây.
5
Để tránh không ngủ gật,
Khi đọc sách, Tô Tần,
Phải lấy dùi, thỉnh thoảng
Đâm vào tay, vào chân.
6
Xa Dận, thời nhà Tấn,
Nhà nghèo, không có đèn.
Ban đêm bắt đom đóm
Lấy ánh sáng thay đèn.
7
Đời Tống có Lương Hạo,
Tuổi, hơn tám mươi niên.
Mà đi thi vẫn đậu.
Hơn thế, đậu trạng nguyên.
8
Lưu Yến tuổi còn trẻ
Đã làm quan đại thần.
Là nhờ ngày còn nhỏ
Học tập rất chuyên cần.
9
Bắc Tề có Tổ Oánh,
Tám tuổi, nhờ chuyên cần
Mà thông kim bác cổ,
Còn giỏi cả thơ văn.
10
Thời nhà Tùy, Lý Mật,
Treo sách trên sừng trâu.
Đọc suốt ngày mê mải,
Sau phát đạt, thành giàu.
11
Tô Tuân, thời Đường Tống,
Một trong Bát Đại Gia,
Ngày nhỏ không chịu học,
Lười biếng cả việc nhà.
Đến năm mười tám tuổi,
Ông sực tỉnh, quyết tâm
Học hành, rồi tấn tới.
Sau thành người uyên thâm.
12
Ông Tô Tuấn, bảy tuổi,
Triều vua Đường Huyền Tông,
Làm quan sửa văn tự.
Ông là một thần đồng.
Thần đồng không chịu học
Thì cũng khó thành người.
Xưa nay, tai hại nhất,
Với trẻ là thói lười.
13
Triệu Phổ học Luận Ngữ
Giúp Thái Tổ, Thái Tôn.
Nửa cuốn giúp vua bố.
Nửa kia giúp vua con.
14
Ông Tôn Kinh nước Tấn
Hiếu học, mồ côi cha.
Sợ ngủ quên, khi học
Tự treo ngược lên xà.
15
Bố thi hào Tô Thức
Mãi đến gần ba mươi
Mới bắt đầu học chữ,
Sau dạy con thành người.
16
Ông Lương Hiệu nước Tống,
Dẫu sức yếu, tuổi già,
Vẫn đi thi, đỗ Trạng,
Ở tuổi gần tám ba.
17
Con ong cho mật ngọt,
Làm việc không nghỉ ngơi.
Còn nhỏ không chịu học,
Sau lấy gì cho đời?
18
Con trẻ mà chịu học,
Đọc các sách thánh hiền,
Sau công thành danh toại,,
Làm rạng rỡ tổ tiên.
19
Sẽ là tội bất hiếu
Còn nhỏ mà đã lười.
Sau ma tàn, thân dại,
Sẽ ân hận suốt đời.
20
Có cho con ức triệu
Cũng không bằng dạy con
Học hành để thành đạt
Và làm đẹp tâm hồn.
Hết
-------
TAM TỰ KINH DIỄN NGHĨA
Ngẫu nhiên ngồi đọc lại
Tứ Thư, Tam Tự Kinh,
Rồi ngẫu nhiên, muốn viết
Đôi ý nghĩ của mình.
Người xưa thật chí lý,
Nói câu nào cũng hay.
Xin rông dài cóp nhặt
Những ý ấy ra đây.
Chúng có thể giúp bạn
Chiêm nghiệm lại chính mình,
Thanh lọc tâm và trí
Để thành người thông minh.
Có điều như Phật nói:
Để đạt tới giác thiền,
Phải tập trung suy nghĩ,
Ngồi lâu và ngồi yên.
Vậy hãy đọc chầm chậm.
Nên đọc một, nghĩ mười
Để lời thánh hiền dạy
Chầm chậm lắng vào người.
1
Nhân chi sơ bản thiện.
Ai cũng tốt ban đầu.
Tính tương cận, tương viễn.
Sau này mới khác nhau.
2
Khi sinh ai cũng tốt.
Do giáo dục sau này,
Từ những người tốt ấy
Thành kẻ xấu, người ngay.
3
Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.
4
Bản tính người vốn thiện,
Nhưng phải dạy từ đầu.
Trong việc dạy - quan trọng,
Phải dạy đều, dạy lâu.
5
Con hư tại bố mẹ
Không bảo ban hàng ngày.
Dạy mà không nghiêm khắc,
Trò hư là tại thầy.
6
Ngọc mà không gọt dũa -
Chỉ viên đá bình thường.
Người mà không chịu hoc
Dễ thành người bất lương.
7
Đạo làm con - từ nhỏ
Không được quá ham chơi.
Phải tìm thầy học chữ,
Học lễ nghĩa làm người.
8
Ông Hoàng Hương, chín tuổi
Đã biết lấy thân mình
Làm ấm chăn cha đắp.
Thật chí hiếu, chí tình.
9
Ông Khổng Dung, bốn tuổi,
Biết nhường lê cho anh.
Đó là tình huynh đệ,
Phải rèn luyện mới thành.
10
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín -
Ấy là năm đại thường.
Bao trùm lên tất cả
Là tình yêu, tình thương.
11
Đời có ba rường cột:
Vua phải thương dân mình.
Cha con phải hòa thuận.
Vợ chồng phải có tình.
12
Khổng Tử dạy: Trước hết
Phải biết lo tu thân.
Thứ đến yêu cha mẹ.
Mọi cái sau học dần.
13
Tiếc bây giờ con trẻ
Không học Tam Tự Kinh.
Học để biết lễ nghĩa,
Biết chữ hiếu, chữ tình.
14
Thứ nhất phải học lễ,
Sau mới đến học văn.
Nhưng khi đói trước hết
Phải lo học kiếm ăn.
15
Trẻ học xong Tiểu Học
Mới chuyển sang Tứ Thư.
Vì học lời của thánh,
Nên học chậm, từ từ.
16
Tứ Thư có bốn cuốn.
Đại Học là cuốn đầu.
Tu thân phải học trước,
Tề gia mới học sau.
Quên đi chuyện trị nước.
Bình thiên hạ - tránh xa.
Con người tốt hay xấu
Ở tu thân, tề gia.
17
Luận Ngữ của Tứ Thư
Chỉ mười hai chương nhỏ.
Mọi triết lý cuộc đời
Gần như nằm trong đó.
18
Sách Trung Dung Khổng Tử
Súc tích và kiệm lời.
Không thể không đọc nó
Để trung dung ở đời.
Tử Tư, cháu Khổng Tử
Biên soạn cuốn sách này.
Ba mươi ba chương nhỏ.
Giá trị đến ngày nay.
19
Còn một cuốn sách khác,
Là Mạnh Tử, bảy chương.
Sách giảng về lễ nghĩa,
Đạo lý và luân thường.
20
Tam Tự Kinh, sách cổ,
Thâm thúy và thật hay.
Ngoài vâng lời cha mẹ,
Trẻ nên đọc cuốn này.
21
Sau đời vua Nghiêu Thuấn
Là đến Hạ, Thương, Chu
Với ba vua kiệt xuất
Để tiếng tốt nghìn thu.
Nhà Hạ có vua Vũ.
Vua Thang đời nhà Thương.
Nhà Chu - vua Văn, Vũ,
Thành Tam Đại đế vương.
22
Đạo Đức Kinh Lão Tử
Dạy vô vi, phớt đời.
Kinh Nam Hoa Trang Tử
Lấy ngụ ngôn dạy người.
Trong các sách chư tử
Nên đọc cả thầy Tuân,
Tức Tuân Tử nước Sở,
Và thầy Vương, thầy Văn.
23
Chuyện Ngu Công dời núi
Có thể chỉ hoang đường.
Nhưng không có chuyện ấy
Đời sẽ thành tầm thường.
24
Đời loạn - về ở ẩn.
Đời thịnh ra làm quan.
Ai học theo Khổng Tử,
Sẽ được sống an nhàn.
25
“Tôi may được hơn ngưòi
Nhờ biết đứng sau người”.
Lão Tử nói câu ấy.
Đáng noi theo, nhớ đời.
26
Quá mê nàng Đát Kỷ,
Vua Trụ thành bất lương.
Vua Vũ dấy quân đánh -
Nhà Chu thay nhà Thương.
27
Hán Cao Tổ dựng nghiệp,
Truyền được mười hai đời.
Sau bị Vương Mãng tiếm,
Để bài học cho đời.
28
Thông minh như Khổng Tử
Mà cũng luôn học người.
Ngài học cả Hạng Thác,
Một cậu bé lên mười.
29
Triệu Phổ học Luận Ngữ
Giúp Thái Tổ, Thái Tôn.
Nửa cuốn giúp vua bố.
Nửa kia giúp vua con.
30
Ông Tôn Kinh nước Tấn
Hiếu học, mồ côi cha.
Sợ ngủ quên, khi học
Tự treo ngược lên xà.
31
Xả Doãn bắt đom đóm
Cho vào lọ làm đèn,
Đọc cho đến tận sáng,
Lĩnh hội ý thánh hiền.
32
Bố thi hào Tô Thức
Mãi đến gần ba mươi
Mới bắt đầu học chữ,
Sau dạy con thành người.
33
Ông Lương Hiệu nước Tống,
Dẫu sức yếu, tuổi già,
Vẫn đi thi, đỗ Trạng,
Ở tuổi gần tám ba.
34
Con ong cho mật ngọt,
Làm việc không nghỉ ngơi.
Còn nhỏ không chịu học,
Sau lấy gì cho đời?
HẾT
Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021
TAM TỰ KINH
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét