MẠC GIA THƯ
KIẾM
Một sáng nọ
tôi đang ngồi uống cà phê ngoài vườn thì bà giúp việc mang tới một bức thư, nói
người ta đưa từ chiều hôm qua nhưng quên mất. Bà vẫn quên như vậy, có khi mấy
ngày liền. Vì thư nhiều và thường chẳng có gì đặc biệt nên tôi không giận.
Bức thư
viết:
“Thưa ông,
Mọi người sẽ
cho rằng câu chuyện Tiểu Ái ông in ở tạp chí Nhà Văn tháng trước là
chuyện bịa như hầu hết những truyện ngắn khác xưa nay. Nhưng tôi thì tôi tin
từng chữ ông viết. Đừng hỏi vì sao. Cũng đừng nghĩ tôi điên. Tôi từng là nhà
khảo cổ học, hàng chục năm chuyên nghiên cứu điển tích Trung Quốc, thậm chí có
thể cung cấp thêm một số chi tiết liên quan đến Tiểu ái. Nếu muốn, ông còn được
tận mắt nhìn thấy ở nhà tôi một trong hai chiếc kiếm của Can Tương mà tôi nghĩ
một người như ông không thể chưa nghe nói đến. Hân hạnh được đón ông”.
Cuối thư có
chữ ký của người viết là Cao Kiêm Ngạc, và địa chỉ.
“Chuyện gì
vậy?” vợ tôi lúc ấy ngồi bên, hỏi khi thấy tôi đặt bức thư xuống bàn, mặt bần
thần.
“Một ông điên
nào đó nhận xét truyện Tiểu Ái. Bây giờ nhiều người điên thật. Nghe nói riêng ở
Hà Nội đã hơn mười nghìn.
Vợ tôi cầm bức
thư đọc qua rồi đứng dậy sửa soạn đi làm.
“Ừ, điên thật.
Có lẽ ông cũng là một trong con số mười nghìn kia.”
*
Có nhiều
truyền thuyết khác nhau về hai thanh kiếm nổi tiếng Can Tương, Mạc Gia, hay còn
gọi Hùng kiếm (kiếm ông) và Thư kiếm (kiếm bà).
Theo Đông Chu
Liệt Quốc thì Can Tương là thợ kim khí giỏi của nước Ngô. Một lần vua Ngô lúc
ấy là Hạp Lư sai ông đúc một thanh kiếm thật tốt, thật quí. Ông cho mở lò ngay
trước cửa Tượng Môn rồi chọn ngày tốt, giờ tốt, sai ba trăm đồng nam, đồng nữ
ngày đêm túc trực đốt than bên lò, nhưng đốt ba tháng liền mà vàng và sắt vẫn
không chảy. Ông buồn lắm, vì biết để đúc kiếm tốt, ngoài kim khí cần có thêm
“nhân khí”. tức là thần linh muốn được tế bằng người sống, mà phải người
cao quí, thân thích. Ông nghĩ ngay tới Mạc Gia, vợ ông. Trước kia người thầy
của ông cũng phải bắt vợ mình hy sinh như vậy. Theo đạo lý tòng phu, trung
quân, cuối cùng Mạc Gia chấp nhận. Bà tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới rồi nhảy
vào lò lửa đang cháy rừng rực. Quả một lúc sau sắt và vàng đều chảy, Can Tương
đem đúc được hai thanh kiếm tốt. Thanh đúc trước đặt tên là Can Tương, có màu
sáng trắng. Thanh sau nhỏ hơn chút ít, màu xanh nhạt buồn buồn, gọi là Mạc Gia.
Cả hai đều rất sắc, đến mức con ruồi vô ý đậu lên lưỡi sẽ bị cắt làm đôi. Ông đem
thanh đúc trước dâng lên vua Ngô, được vua tặng một trăm nén vàng. Sau này có
người mách còn thanh nữa, vua cho quân đến lấy. Can Tương không chịu, rút kiếm
Mạc Gia định chống trả. Thanh kiếm bỗng hóa thành con rồng xanh. Ông cưỡi lên
lưng rồng rồi bay mất, từ đấy không tin tức gì nữa. Đến đời nhà Tấn, tức khoảng
sáu trăm năm sau, huyện lệnh Phong Thành là Lôi Hoán ngẫu nhiên đào được cái
rương bằng đá dài sáu thước, rộng ba thước, mở ra thấy hai thanh kiếm cổ, lấy
đất ở núi Tây Sơn mà đánh thì một thanh sáng chói, thanh kia màu lam nhạt. Trên
kiếm, chỗ sát tay cầm có ghi hai chữ Can Tương và Mạc Gia. Ông đem thanh Hùng
kiếm tặng thừa tướng Trương Hoa. Một hôm hai người mang kiếm báu đi chơi, đến
bến Diên Bình Tây thì bỗng nhiên cả hai thanh kiếm nhảy xuống sông, biến thành
hai con rồng ngũ sắc. Từ đấy không ai biết gì thêm về hai thanh Can Tương và
Mạc Gia.
Sách Liệt Dị
Truyện, tương truyền của Tào Phi, thì chép như sau: “Can Tương rèn kiếm cho vua
Sở ba năm mới xong. Ông dâng Thư kiếm cho vua, còn Hùng kiếm thì dấu đi, bảo
vợ: ‘Ta dấu kiếm ở phía bắc Nam Sơn, phía đông Bắc Sơn, cạnh cây tùng mọc trên
đá. Nếu vua biết mà giết ta, và nếu mình sinh con trai thì hãy bảo nó tới đấy
lấy kiếm mà trả thù’. Quả nhiên vua biết chuyện, giết Can Tương. Mạc Gia đẻ con
trai, đặt tên là Xích Tỵ. Lớn lên, Tỵ đào bới khắp nơi, chặt hết cả tùng bách ở
Nam Sơn và Bắc Sơn vẫn không thấy kiếm đâu, sau tình cờ đào dưới cột nhà mình
lại thấy. Vua Sở chiêm bao có người muốn hại mình, bèn sai quân đến giết Xích
Tỵ. Tỵ trốn vào núi Chu Hưng, gặp được người đồng ý giúp chàng báo thù cho cha.
Theo kế, Tỵ dùng Mạc Gia thư kiếm tự cắt đầu mình, đưa cho người ấy mang vào
cung nộp vua Sở. Vua sai ném vào vạc dầu, nhưng nấu ba ngày đêm đầu Tỵ vẫn
không chìm. Thấy lạ vua ghé lại xem, liền bị người kia dùng kiếm chém đầu rơi
xuống vạc, rồi ông ta cũng tự cắt đầu mình ném vào đó. Một lúc sau cả ba đầu
đều chìm, da thịt tróc hết, không phân biệt được của ai là cái nào. Người ta
đành đem cả ba chôn chung một mộ, gọi là mộ ba vua. Văn hào Lỗ Tấn về sau dựa
trên tích này viết truyện ngắn “Luyện kiếm” nổi tiếng của ông.
Cuốn “Sưu Thần
Ký” của Can Bảo đời Tấn, cuốn “Sở Vương Trù Kiếm Ký” của Triệu Hoa đời Hậu Hán
và chắc còn nhiều cuốn khác mà tôi không biết cũng nhắc đến hai thanh kiếm Can
Tương và Mạc Gia. Tất cả chỉ là những truyền thuyết, người ta đọc như đọc những
câu chuyện cổ tích ly kỳ. Riêng tôi chỉ thấy hay và xúc động những chi tiết
liên quan đến Mạc Gia, người đàn bà - nạn nhân muôn thuở của đàn ông và những
giáo lý độc ác họ nghĩ ra.
Còn cái ông
Cao Kiêm Ngạc kỳ cục này thì liên quan gì? Làm sao một trong hai thanh kiếm kia
rơi vào tay ông ta, nếu quả trên đời có những thanh kiếm như thế? Ông ta là kẻ
điên khùng, hẳn vậy. Nhưng sao dám hứa cho tôi xem? Hay có âm mưu mờ ám gì
chăng? Tôi cứ băn khuăn mãi điều ấy. Cuối cùng, do bị ám ảnh không sao thoát ra
nổi, tính tò mò khiến tôi quyết định đến gặp ông ta theo địa chỉ đã ghi. Tôi rủ
vợ đi cùng nhưng bà ấy không chịu.
*
Hóa ra ông
Ngạc ở trong một ngôi nhà tử tế, khu phố tử tế. Bản thân ông hình như cũng là
người tử tế nốt. Chí ít không điên hoặc dở hơi như tôi vẫn ngại. Đó là một ông
già gầy gò trong bộ vét rộng màu xám kiểu cổ, đã cũ nhưng còn tươm tất. Thoạt
nhìn trông ông từa tựa một con chim. Con cú xám. Mái tóc ông bạc gần hết, chiếc
mũi nhọn, khuôn mặt dài và quắt. Lúc tôi bước vào, ông đang ngồi trên chiếc ghế
không lưng tựa cạnh bàn và cúi xuống làm gì đó, đúng cái thế một con cú co ro
trên cây, nên tôi mới nảy ra sự so sánh ấy, chứ bản thân con người ông không
toát lên sự gian trá hay độc ác nào. Một người tử tế như đã nói.
Ông ngước đôi
mắt chim nhìn tôi, đầu hơi ngoẹo sang một bên.
“Tôi biết thế
nào ông cũng đến”, ông nói, có vẻ biết rõ tôi là ai, và không mảy may ngạc
nhiên. “Mà đến là đúng. Ông sẽ không hối tiếc đâu”.
“Vì tò mò
thôi, - tôi thành thật đáp. - Chứ chẳng vì tin những gì ông nói”.
“Không sao.
Rồi ông sẽ tin”.
Nói đoạn, ông
nhẹ nhàng bước vào phòng trong. Cả cách đi của ông cũng giống loài chim. Tôi
đưa mắt nhìn quanh. Không gì đặc biệt, ngoài việc trong phòng có rất nhiều đồ
cổ để rải rác trong tủ, các góc và trên tường. Cả căn phòng cũng thuộc loại
phòng xưa, sạch và ngăn nắp theo cách riêng của mình. Điều này làm tôi đoán ông
sống độc thân.
Lát sau chủ
nhà quay ra với một thanh gỗ dẹt hình chữ nhật đen xạm vì thời gian, nhìn kỹ
thấy giống chiếc vỏ kiếm.
“Nó đây, Thanh
Mạc Gia thư kiếm tôi nói đây. Đúng chiếc Can Tương đã đúc. Có phần máu thịt của
vợ ông ta trong đấy.”
Ông Ngạc lại
chăm chú nhìn tôi, đầu vẫn ngoẹo như trước.
“Tôi biết ông
không tin. Nếu có tin thì đang tự hỏi bằng cách nào nó lọt vào tay tôi. Đúng
không?”
Tôi gật đầu.
“Trước hết ta
thống nhất với nhau một điều. Như tôi tin và không căn vặn gì về câu chuyện
Tiểu Ái của ông, xin ông cứ tin những gì nghe, thấy hôm nay và không hỏi những
câu ngốc nghếch. Đời có nhiều sự lạ, tiếc bây giờ người ta quá thiển cận không
nhận ra. Tôi là hậu duệ của cụ Cao Biền Trung Hoa ngày xưa. Chắc ông biết cụ.
Cụ người Bột Hải, một nhà thơ lớn đời Đường. Hình như ông có dịch một số bài tứ
tuyệt của cụ? - Tôi lại gật đầu, thầm ngạc nhiên ông già này cũng đọc tập Cổ
Thi Tác Dịch tôi in mấy năm trước. - Vậy thì như ông biết, cụ được phong Chinh
Nam Tướng Quân sang trấn trị Giao Châu từ năm 864 tới năm 875. Cụ có công khai
khẩn nhiều vùng đất, góp phần làm nên nước Việt Nam ta ngày nay. Tất cả người
Việt mang họ Cao đều con cháu cụ. Cụ giỏi phong thủy và thường cưỡi diều bay đi
khắp nơi để yểm địa mạch. Các giai thoại về cụ chắc ông còn biết nhiều hơn tôi.
Tiếc rằng sau khi được gọi về nước làm Tiết độ sứ Hồ Nam, cụ bị bọn gian thần
gièm pha mà buộc phải tự tử. Tự tử chứ không bị giết như sử sách chép. Cụ đủ
khôn ngoan để biết trước sự việc và lo kế trù liệu. Một tháng trước khi chết,
cụ sai người con út là Cao Kiệm mang báu vật duy nhất của gia tộc là thanh kiếm
này sang Giao Châu cất giấu. Rất tiếc tôi không biết cụ có nó từ bao giờ và
cách nào. Chỉ biết Cao Kiệm định cư hẳn ở Giao Châu, chính xác là ở tổng An
Lão, Bắc Ninh ngày nay và lập nên dòng họ Cao đông đúc của chúng tôi ở đó. Còn
thanh bảo kiếm thì được truyền hết đời này sang đời khác cho đến tôi”.
Ông Ngạc đứng
dậy, rút thanh kiếm khỏi vỏ. Nó mỏng và khá dài. Không phải màu xanh nhạt mà
hơi trắng xỉn, đôi chỗ đen như vết gỉ. Trông nó khá bình thường, là điều ít
nhiều làm tôi thất vọng.
“Ông có thấy
hai chữ Mạc Gia đây không?”
Tôi cúi xuống
nhìn nhưng chẳng thấy gì ngoài mấy nét mờ vòng vèo chỗ sát đuôi kiếm. Tuy vậy
tôi vẫn có cái cảm giác hồi hộp thật lạ khi chạm ngón tay vào thanh kiếm mát
lạnh như chạm vào quá khứ xa xôi cùng những truyền thuyết ly kỳ về nó, dù thực
ra tôi chưa tin lắm những gì đang được chứng kiến.
“Đừng chạm vào
lưỡi. Sắc lắm đấy!”
Rồi như để
chứng minh cho độ sắc của thanh kiếm, ông vung tay chém cây nến còn mới nguyên
dài bằng gang tay trên chiếc đôn gỗ lim cạnh đấy.
“Ông xem này,
- ông Ngạc nói, chìa cây nến cho tôi. - Tôi mới chém ngang qua nó, nhưng lưỡi
kiếm sắc đến mức dẫu bị cắt làm đôi, cây nến vẫn còn nguyên, đơn giản vì không
có thời gian để đứt. Chỉ để lại một nhát cắt rất mảnh, nếu mắt kém chắc ông
không thấy”.
Tôi nhìn thấy
vết cắt ấy, thấy cả lưỡi kiếm chém đúng giữa thân nến, nhưng không thể tin cách
ông giải thích.
Biết tôi đang
băn khuăn, ông Ngạc đưa mắt nhìn quanh như muốn thử lần nữa. Bỗng nhiên tôi
thấy sợ. Một nỗi sợ mơ hồ như đang bị lôi vào một âm mưu mờ ám, dẫu con người
đang cầm thanh kiếm sắt ngọt trước mặt có vẻ tử tế và chắc không muốn hại tôi.
Chợt một con
mèo tam thể rất to nhưng gầy từ phòng trong đi ra. Nó nhảy lên đứng trên góc xa
chiếc bàn lớn tôi đang ngồi, rồi uể oải vươn cổ ngáp đúng lúc ông Ngạc vẩy lưỡi
kiếm về phía nó. Con mèo kêu một tiếng. Chẳng hiểu vì bị chém hay nó vẫn kêu
như vậy mỗi lần ngáp.
“Tôi mới chém
đứt cổ nó xong. Đứt mà không đứt như vừa nói. Bây giờ chắc ông đã tin?”
Tôi ngồi im,
phần vì sững sờ, phần chẳng biết nói gì.
“Vậy hóa ra
chém mà không chém?” Cuối cùng tôi lên tiếng.
“Theo cách ông
nghĩ thì đúng thế. - Ông Ngạc mãi lúc sau mới đáp. Ông cẩn thận cho kiếm vào
vỏ. Tôi lén thở dài nhẹ nhõm. May ông không có ý định thử chém người. - Tức là
một thanh kiếm vô tích sự vì không còn chức năng chém giết? Không. Đây là Mạc
Gia Thư kiếm, báu vật có một không hai trên đời. Chuyện nó hóa rồng xanh cùng
nhiều chuyện khác là do người ta phịa, nhưng quả đúng thanh kiếm có phép lạ.
Muốn giết ai, chỉ cần trỏ mũi kiếm vào người đó. Ông lại ngạc nhiên? Vì nó sắc
và mạnh đến mức có thể làm chết người qua khoảng cách, tất nhiên nếu khoảng
cách ấy không quá lớn”.
“Thế thì thật
nguy hiểm, - tôi nghĩ. - Vì vô ý hoặc do đùa, người ta có thể gây án mạng”.
“Đúng. Nhưng
không phải trong bất kỳ tay ai nó cũng có được phép lạ ấy” Ông Ngạc nói.
Tôi thầm ngạc
nhiên sao ông đoán hiểu điều tôi nghĩ. Hay tôi đã nói lên thành lời?
“Chỉ những
người chủ hợp pháp của nó mới làm được. - Ông nói tiếp. - Mà lúc chỉa mũi kiếm,
phải có ý nghĩ muốn giết người ấy. Ông có muốn tôi thử cho xem không?”
“Không, cảm
ơn”, tôi vội đáp.
“Ông ta kể
mình nghe, cho mình xem tất cả những điều này để làm gì nhỉ? - Tôi lại nghĩ. -
Ông ta cần gì ở mình? Chắc mình được mời đến đây không phải vô cớ ”.
“Vâng, không
vô cớ, tôi muốn thương lượng với ông một chuyện”.
Ông Ngạc nói
ngay. Lần này thì tôi tin chắc ông có khả năng đọc được ý nghĩ người khác, và
thầm nhắc mình phải cẩn thận.
“Chuyện gì?”
tôi hỏi.
“Nếu ông đồng
ý, tôi xin được đổi thanh kiếm gia bảo này lấy cánh tay nàng Tiểu Ái”.
“Nhưng đó là
câu chuyện tôi phịa hoàn toàn. - Tôi kêu lên, suýt nữa phì cười. - Tôi là nhà
văn như ông biết, và chẳng hề có cánh tay Tiểu Ái nào cả. Cái tên ấy cũng do
tôi phịa ra!”
“Không quan
trọng. Tiểu Ái hay không Tiểu Ái không quan trọng. Cái quan trọng là từng có
một cô gái bị chặt tay như thế, và nhờ ông, cô gái ấy đã sống lại và được mọi
người biết đến, được cùng ai đó làm đàn bà trên giường. Có thể ông không có
cánh tay Tiểu Ái thật nhưng tôi hy vọng ông còn giữ được cái gãi lưng bằng nhựa
hình bàn tay người mua năm ngoái ở Trung Quốc. Cái mà ông viết bị con chó con
gặm mất một ngón và bà vợ ghen đem giấu đi ấy mà. Bây giờ ông vẫn có nó chứ?”
“Có. Luôn ở
ngay trên bàn làm việc của tôi. Nhưng tôi cũng phịa cả chi tiết nó bị vợ
giấu...”
“Không quan
trọng. Vậy ông có đồng ý đổi nó cho tôi để lấy thanh kiếm này không? Một khi
chẳng xem trọng nó như thế thì chắc ông không tiếc. Xin ông khỏi bận tâm tôi
cần nó làm gì. Tôi là người tử tế như ông nghĩ, và tất nhiên chỉ làm những việc
tử tế”.
“Nhưng đây là
Mạc Gia Thư kiếm, bảo bối vô giá của dòng họ ông?”
“Thì cánh tay
Tiểu Ái, hay cái gãi lưng nhựa rẻ tiền trên bàn như ông nói, cũng là vật quí
hiếm không kém. Vả lại tôi đã già, sống một mình và hiện không người thân
thích. Lớp người trẻ chi họ Cao Kiêm chúng tôi ngày nay chẳng đứa nào ra hồn,
không đáng truyền lại một vật quí hiếm thế này. Trong tay kẻ xấu, nó có thể gây
tai họa. Thà giao cho ông còn hơn. Lại được thêm nàng Tiểu Ái. Thế nào, ông
đồng ý chứ?”
“Tôi sẽ làm gì
với một thanh kiếm quí như thế?” Tôi hỏi, thầm nghĩ ông già này có lẽ điên
thật, nhưng vội đỏ mặt khi chợt nhớ ông ta biết đọc ý nghĩ người khác. Quả có
điên mới nghĩ ra được một vụ đổi chác kỳ cục như thế. Tức là ông ta cho không
tôi thanh kiếm.
“Đó là việc
của ông. Cũng như việc của tôi muốn làm gì với Tiểu Ái thì làm. Hy vọng ông sẽ
không giết người một cách vô cớ...”
“Tôi không bao
giờ giết người”.
“Vậy thì hãy
giữ nó như một thứ đồ cổ. Ông chẳng thích đồ cổ lắm đó sao?”
Thấy tôi có vẻ
xuôi xuôi, ông Ngạc nói thêm:
“Xin ông đừng
lo tôi thiệt. Có thể ông chưa biết hết giá trị cái gãi lưng của ông. Tôi sẽ có
cách lấy nó mà chẳng phiền ông mang đến đây. Còn cây kiếm này thì coi như đã
thuộc về ông. Hoàn toàn hợp pháp. Thế là chúng ta thỏa thuận xong. Cảm ơn ông”.
Ông Ngạc lại
nghiêng đầu nhìn tôi bằng đôi mắt chim màu xám của mình rồi đứng dậy, ông thong
thả đi vào phía trong. Chiếc áo vét rộng màu xám xòe hai thân như hai cánh chim
đang vỗ. Một chốc sau ông biến mất (có cảm giác như ông nhẹ nhàng bay đi), để
tôi một mình ngơ ngác bên bàn với thanh kiếm Mạc Gia trên tay.
*
Về nhà, việc
đầu tiên tôi làm là chạy tới bàn xem chiếc gãi lưng có còn ở đấy không. Không!
Tôi ngồi xuống giường, thừ người một lúc. Vậy là ông Cao Kiêm Ngạc đã lấy nó
đi. Bao giờ và cách nào không biết, nhưng chắc chắn là ông. Nó vẫn luôn nằm ở
chỗ cố định ấy và chẳng ai ngoài tôi động đến nó.
Cái ông Ngạc
này là ai nhỉ? Người hay ma? Hay chim cú? Hay đơn giản tất cả chỉ là một trò
đùa chẳng mấy thú vị?
Còn bàn tín
bán nghi, nhưng tôi bị kích động thực sự và rất hồi hộp. Dù trong nhà chẳng có
ai trừ bà giúp việc luôn ở trong bếp, tôi vẫn đóng chặt cửa phòng mình và quyết
định thử chiếc kiếm.
Tôi run run
rút nó khỏi vỏ, để ngửa lên mặt bàn, và cũng run run như thế, đặt lên lưỡi kiếm
một tờ giấy trắng mới cứng. Ngay lập tức tờ giấy bị cắt làm đôi. Lưng tôi ướt
đẫm từ lúc nào. Sẵn trên bàn có cây nến, không còn nguyên nhưng khá dài, tôi
vội cầm kiếm cắt ngang. Chậm thôi, có lẽ vì vậy đoạn bị cắt rơi xuống chứ không
dính liền như ở nhà ông Ngạc. Tôi thử lần nữa, nhanh hơn, mạnh hơn, rồi cầm lên
xem, còn bẻ bẻ ở chỗ mới bị chém. Quả nó không sao. Thậm chí không thấy cả vết
chém. Tôi lại ngồi thừ người nhìn thanh kiếm, không phải không thoáng lo sợ.
Tuy nhiên, vẫn còn một điều nữa phải thử. Nhà tôi không nuôi mèo nhưng có con
chó con nghịch ngợm, hay sủa vu vơ. Nó là con chó dễ thương, nó yêu tôi nhất vì
không bị tôi mắng và hay được cho ăn. Tôi không thể đem nó làm vật thí nghiệm.
Cuối cùng,
ngồi trước bàn làm việc nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ có kính che, tôi giơ thanh
kiếm nheo mắt chỉ đúng vào một quả trên cây cau trước nhà, ở khoảng cách bảy
mét. Cả buồng còn xanh non, không hiểu sao nó có màu vàng. Vừa ngắm, tôi vừa
mong nó rụng. Mấy giây sau, nó rụng thật, hình như bị bổ làm đôi. Sau đó tôi
chĩa mũi kiếm vào quả bóng nhựa màu xanh bọn trẻ đá lên mái nhà hàng xóm từ bao
giờ. Lập tức nó cũng rơi xuồng đất. Tôi còn thử một số khoảng cách khác và phát
hiện thấy nó chỉ có tác dụng trong vòng hai mươi lăm, ba mươi mét. Thế cũng xa
lắm rồi.
Tôi cho kiếm
vào vỏ, giấu kỹ dưới gầm tủ rồi lên giường nằm suy nghĩ miên man.
*
Vâng, không
nghi ngờ gì nữa, tôi đang có trong tay Mạc Gia thư kiếm, thanh kiếm quí giá
nhất trên đời, quí hơn cả nàng Tiểu Ái kiều diễm, nếu quả thật nàng đang ẩn
mình trong chiếc gãi lưng rẻ tiền của tôi mà ông Cao Kiêm Ngạc đang giữ. Tôi
thầm mỉm cười thương hại ông già tội nghiệp. Mong cho ông được hạnh phúc với nàng.
Nhưng tôi sẽ
làm gì với thanh kiếm quí có phép lạ ấy? Trước hết tôi quyết định giấu kín
không cho ai biết, vì sợ vợ tôi tò mò có thể bị đứt tay hoặc thậm chí làm chết
tôi hay ai đó. Tôi có thể đơn giản giữ nó như giữ một thứ đồ cổ quí hiếm, ông
Ngạc từng nói như vậy. Tất nhiên, nhưng nó không chỉ là đồ cổ mà còn là thứ vũ
khí lợi hại. Vậy là tôi được trao phép lạ có thể hủy diệt cái gì đó, ai đó mà
không ai biết. Chẳng phải đấy không là một cám dỗ lớn? Tuy nhiên vốn hiền lành,
lại đã qua từ lâu cái thời có thể hung hăng gây gổ nên bây giờ tôi hoàn toàn
không có nhu cầu giết người. Mà cũng không có ai thù oán đến mức phải giết.
Tôi có anh
hàng xóm là một chủ doanh nghiệp tư nhân trẻ. Một tay hãnh tiến lắm tiền nhiều
thế lực. Kể ra anh ta cũng chẳng quá tồi so với người khác, có điều thích khoe
giàu một cách lộ liễu nên bị cả xóm ghét, chính xác hơn là ghen tị. Tôi thì
dửng dưng, chỉ hơi khó chịu vì chiếc Mercedes mới toanh của anh ta hay đột ngột
bấm còi (để nhắc người khác nhớ đến sự hiện diện của nó), lại thường xuyên để
chềnh ềnh trước nhà tôi làm vướng lối đi. Hôm nọ thấy tôi vội vã ra bến xe
buýt, anh ta ngỏ ý mời lên xe đi cùng vì tiện đường. Có thể chân thành chứ
chẳng ý gì, nhưng tôi vẫn thấy như bị xúc phạm. Lúc này từ trong phòng
nhìn ra, với thanh kiếm có phép lạ bên cạnh, tôi bất chợt thấy mình có ý nghĩ
muốn chĩa mũi kiếm sắc nhọn vào lốp hay lớp sơn bóng lộn của chiếc xe, biểu
tượng giàu có và địa vị xã hội, đồng thời cũng là cái làm người sở hữu nó trở
nên kệch cỡm. Chắc thấy xe xẹp lốp hoặc thân bị chọc thủng, anh ta sẽ đau đớn
lắm. Hay cứ dạy cho anh ta một bài học?
Vì không là
người ác, cuối cùng tôi đã không làm điều ấy. Nhưng ý nghĩ kỳ cục này cứ lẫn
quất mãi trong đầu, đến mức không tập trung làm việc được. Cuối cùng tôi giấu
thanh kiếm vào chỗ cũ và bỏ đi dạo.
Thường vẫn
thế, khi ta cố không nghĩ đến cái gì đó thì cái ấy càng ám ảnh ta nhiều hơn.
Đúng, tôi đang bị thanh kiếm ám ảnh, ám ảnh ghê gớm. Suốt buổi chiều hôm ấy tôi
không nghĩ được gì khác ngoài nó. Thậm chí tay như ngứa ngáy. Bước đi trên hè
phố, tôi hình dung đang cầm kiếm giết kẻ ác giúp đời. Giết cả bọn khủng bố quốc
tế như Bin Laden chẳng hạn. Ngớ ngẩn, nhưng quả thật tôi có những ý nghĩ như
vậy. Hệt như một tên khát máu giết người không ghê tay. Thấy con chó chạy
ngang, tôi nghĩ kể cũng hay nếu chém nó đứt đôi mà không đứt đôi như cây nến ở
nhà ông Ngạc.
Chiều hôm ấy
tôi phóng xe đến nhà ông và không tin nổi mắt mình khi thấy ở đúng số nhà trên
phố hôm trước tôi đã đến theo đúng địa chỉ ghi trong thư, bây giờ là một ngôi
nhà khác hẳn với bà lão chủ nhà đang ngồi bán mấy thứ vặt vãnh trước cửa. Vậy
là ông Ngạc này không phải người mà ma quỉ. Tôi lo lắng nghĩ rồi bỏ đi luôn.
Buổi tối ngồi
ăn cơm, tôi nhìn chiếc cổ trắng hơi đẫy đà của vợ và lại nghĩ đến thanh kiếm.
Tôi rùng mình hình dung thấy thanh kiếm sắc ngọt chém đứt cái cổ trắng đẫy đà
ấy mà đầu vẫn không rơi. Không có máu. Không chết.
“Ông nhìn gì
thế?” vợ tôi hỏi.
“Hình như dạo
này bà béo ra”.
“Vớ vẩn. ăn
đi. Lại phịa ra một nàng Tiểu Ái nào nữa chắc? Đã điên còn làm người khác điên
theo”.
Vợ tôi vẫn có
kiểu nói như vậy nhưng thường lại nghĩ khác nên tôi không bao giờ cãi lại. “Lần
này thì là chuyện thật đấy, không đùa chút nào đâu!” tôi nghĩ nhưng không nói
ra miệng.
Tôi ngủ một
đêm chập chờn với những giấc mơ kỳ cục và kinh hãi.
*
“Ban đêm ông
dậy lục tủ lạnh đấy à?” Vợ tôi hỏi khi ngồi vào bàn ăn sáng.
“Không, - tôi
đáp. - Thì sao?”
“Chẳng sao cả.
Tôi nghe có tiếng động”.
“Hình như nhà
ta có ma...” bà giúp việc rụt rè lên tiếng. “Đêm qua, lúc gần sáng cháu thấy
động ở phòng khách, sợ con mèo nhà bà Nguyệt làm đổ mấy lọ sứ nên chạy vào xem.
Cháu hoảng hồn đứng lặng người khi thấy ai đó mặc đồ xanh đang múa may quay
cuồng như tấm vải lớn lượn vòng với cái gì đó sáng loáng trong tay. Cháu sợ quá
không kêu lên nổi. Khi dụi mắt nhìn kỹ thì chẳng thấy gì nữa. Nói ông bà đừng
cười, nhưng người ấy, tấm vải ấy múa thế này này...” Bà đưa bàn tay đang cầm
đũa khua một vòng trước mặt. “Sau đó cháu chẳng dám ngủ nữa, cũng chẳng dám vào
phòng khách, nhưng chắc chắn người đó còn múa thêm một lúc mới thôi”.
“Nhảm nhí. Ma
với quỉ!” tôi nói át đi.
“Người ta bảo
xóm ta trước đây là nghĩa địa phải không ạ?”
“Cũng nhảm nhí
nốt. Ao muống chứ nghĩa địa nào?” Tôi đáp dù biết quả đúng như thế. Nghĩa địa
làng Ngọc Lâm. Nhưng chắc điều này không liên quan gì đến chuyện bà ta kể.
Chúng tôi sống ở đây gần chục năm mà chẳng có gì xẩy ra.
Cả ba ngày
tiếp theo bà giúp việc vẫn kêu nhà có ma, mặt phờ phạc hẳn do mất ngủ và lo sợ.
Vợ tôi không nói gì thêm nhưng chắc nghĩ chồng đêm đêm vẫn lục tủ lạnh.
Tôi lại lấy
thanh kiếm ra xem. Nó vẫn ở chỗ cũ, lạnh lẽo và vô hồn. Từ trong phòng, qua lớp
kính cửa sổ, tôi thử nghịch, làm đứt một cành lớn hoa giấy, cách chỗ ngồi đến
mười lăm mét. Những ý nghĩ vớ vẫn lại lởn vởn trong đầu. Hai tay như ngứa ngày
muốn làm điều gì. Sự ngứa ngáy của người có sức mạnh muốn đem ra thử. Đấy là sự
lạ vì xưa nay tôi ít khi bị phân tán tư tưởng, càng không nghĩ vẩn vơ việc chém
giết. Nghĩa là đã xuất hiện một sự thay đổi nào đó trong tôi. Thanh kiếm! Chính
sức mạnh và phép lạ của nó làm tôi thay đổi. Thay đổi theo hướng nguy hiểm. Thế
thì thật đáng sợ.
Tối ấy đang
ngủ, tôi chợt mở mắt và thấy đứng ngay đầu giường là một người phụ nữ, hay đúng
hơn cái gì đó giông giống người phụ nữ với thanh kiếm sáng loáng trong tay.
Tưởng mình mơ tôi dụi mắt, vẫn thấy người ấy đứng yên và đang chăm chú nhìn
tôi. Dụi lại lần nữa thì chẳng còn thấy đâu. Sáng hôm sau chưa kịp dậy, tôi đã
nghe bên ngoài nhốn nháo tiếng người. Thì ra có kẻ ghen tị độc ác đã dùng dao
đâm thủng hai vết lớn vào thân xe bóng lộn chiếc Mercedes của anh hàng xóm vẫn
đỗ bên cổng nhà tôi như mọi lần...
P.S.
Chuyện này xẩy
ra cách đây ba ngày. Trong khoảng thời gian ấy công an đã kịp đưa cậu Hoàng lên
đồn. Cậu ta thuộc loại “thanh niên chậm tiến”, con một gia đình trong xóm vừa
có trận cãi nhau với chủ chiếc Mercedes. Tôi kịp thuyết phục bà giúp việc đừng
vì sợ ma vu vơ mà bỏ về quê. Trong ba ngày ấy, tôi cũng kịp lén lút đem thanh
Mạc Gia Thư kiếm quí hiếm đến một lò rèn ở phố Sinh Từ nhờ rèn thành mấy chiếc
liềm cắt cỏ. Vì sao lại liềm cắt cỏ? Đơn giản lúc ấy tôi không nghĩ được gì
khác ngoài chúng. Tôi vốn từ nông thôn, ngày bé từng chăn trâu cắt cỏ. Ông chủ
lò rèn có vẻ tiếc khi phải đem thanh kiếm cổ làm thành những vật tầm thường như
vậy. Ông gạ mua, trả giá cao nhưng tôi không chịu. Cuối cùng, sau ba giờ mấy
người làm việc cật lực trước sự chứng kiến của tôi, tôi có được bốn chiếc liềm
mang về nhà. Những chiếc liềm bình thường, thậm chí hơi thô. Tôi giữ một chiếc
cho mình làm kỷ niệm, còn lại có dịp sẽ gửi về quê.
Vậy là thoát
được thanh kiếm quí. Thật lạ rằng tôi có thể giải quyết mọi việc đơn giản và
nhanh chóng đến vậy, và không mảy may luyến tiếc. Bà giúp việc không còn
thấy ma, do vậy đêm ngủ không bật đèn sáng trưng như trước. Tôi cũng lấy lại
được sự thanh thản, trong đầu không còn luẩn quẩn những ý nghĩ kỳ cục, trừ một
ý nghĩ nhỏ rằng một người bình thường có thể sống thảnh thơi, hạnh phúc suốt
đời nếu không vì bỗng nhiên có được sức mạnh hay loại vũ khí phi thường nào đó.
Lúc ấy mọi việc sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Cho mình và cho người khác.
À, còn thêm
điều này nữa. Đêm qua tôi đã gặp Mạc Gia. Vâng, đúng thế. Số là đang ngủ, tôi
có cảm giác như ai đang chăm chú nhìn mình. Mở mắt ra thì thấy người đàn bà áo
xanh hôm nọ. Bà xưng tên và cho biết trước đây bà chỉ là cô gái nông thôn nghèo
bình dị, vì có chút nhan sắc nên bị Can Tương bắt về làm lẽ, sau cũng chính ông
ta xô bà vào lò luyện kiếm chứ chẳng phải tự bà hy sinh vì chồng như người ta
nói. Từ ấy bà phải làm cái việc chém giết mà bà luôn kinh tởm. Nay được
giải phóng về với nơi mình vốn quen thuộc là làm ruộng, bà rất mừng, do vậy bà
đến để cảm ơn tôi trước khi lên đường trở lại quê cũ.
Câu chuyện ly
kỳ đến mức tôi không dám tin là thật, và dù được tận mắt nhìn thấy bà,
nghe bà nói, tôi vẫn nghĩ có thể đấy đơn giản chỉ là một giấc mơ. Dạo này già,
thỉnh thoảng tôi vẫn có những giấc mơ như vậy.
Hà Nội, tháng
Năm, 2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét