Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Thơ Cổ Ba Tư



Thơ Cổ Ba Tư
ANVARI

Anvari tên đầy đủ là Apkhađiđin Anvari, sinh đầu thế kỷ 12 ở Khôrasan, Iran ngày nay. Ông học ở một trong những trường tốt nhất thời ấy và nhanh chóng trở thành nhà khoa học nổi tiếng. Anvari bắt dầu viết thơ khi còn học ở trường. Sau 30 năm phục vụ trong triều của một quốc vương hùng mạnh, ông bỏ về quê, sống đơn độc một mình trong cảnh nghè đói. Ông được đánh giá là một trong những nhà thơ lớn của nền thơ Ba Tư cổ, ngang hàng với Firđôuxi và Saađi.


     THƠ TRỮ TÌNH

* * *
Anh phải làm một trong hai việc này,
Nếu muốn mình thành nổi tiếng sau này:

Nếu anh biết, hãy dạy cho người khác.
Nếu không biết, hãy học người uyên bác.



* * *
Người tử tế có bốn điều đáng quí,
Không khó thấy nếu chúng ta để ý.

Điều thứ nhất: Họ hào phóng, yêu đời.
Khi có tiền, luôn đem giúp mọi người.

Điều thứ hai: Họ thương yêu bè bạn,
Không bao giờ bỏ rơi khi hoạn nạn.

Điều thứ ba: Họ nghiêm khắc với mình,
Với người khác luôn có lý, có tình.

Và điều cuối: Không bao giờ ghen tị,
Không để bụng thù dai hay ác ý.


* * *
Tôi không cần thiên đường đầy hoa, mật,
Vì thiên đường ở ngay trên trái đất.

Tôi xin thề: Tôi đã sống ở đây,
Từng trải qua vui sướng mảnh đất này,

Và thấy dẫu quê tôi còn đói khổ
Vẫn hơn nhiều thiên đường hoa đâu đó.



* * *
Với con người, hàng đầu là sự học,
Sự trong sạch tâm hồn là cái gốc.

Hai cái này đã làm nên con người,
Khác tất cả mọi sinh vật trên đời.

Ai luôn sống không niềm tin, suy nghĩ
Thì thực chất không phải người, mà khỉ.



* * *
Không vì sách và học vấn, chắc tôi
Biết tự lo cuộc sống cũng không tồi.

Tôi cố sống thật công tâm, ngay thẳng,
Thế mà đời bắt chịu nhiều cay đắng.

Cũng chẳng sao, tôi nhận cái đời cho,
Cả cái rủi lẫn cái may, vô lo.

Có việc làm tôi rất vui, không có,
Tôi cũng vui, không than phiền đau khổ.

Tôi cố gắng luôn suy nghĩ bằng đầu.
Gặp bất công, tôi đánh cũng rất đau.

Cái tính tôi thích tìm người kết bạn,
Không kẻ thù của ai, không bội phản.



THƯ TRẢ LỜI MỘT ĐẠI QUAN,
NGƯỜI VÔ CỚ SỈ NHỤC TÁC GIẢ

Đừng đánh giá mọi người theo vẻ ngoài.
Ông nghĩ mình là người ư, thưa ngài?

Không phải ai đi hai chân, đội mũ,
Đều được gọi là người, không phải thú.

Không ít khi, như ta thấy ở đời,
Nhiều con thú còn tốt hơn con người.

Ông mà gọi là người ư? Xin lỗi,
Ông sợ sệt quì trước vua, bối rối,

Trong khi vua, ai cũng biết, nhiều lần
Ca ngợi tôi về kiến thức, thơ văn.

Thế mà ông làm nhục tôi vô cớ.
Ông, ngu dốt, bất tài, luôn bỡ đợ.

Ông luồn lọt để làm quan, đê hèn
Tìm mọi cách để làm giàu, moi tiền.

Ông bóc lột, làm dân ông đói khổ.
Sớm hoặc muộn, trời phạt ông điều đó.

Vậy, đừng kiêu, đừng nghĩ mình là người.
Đừng hợm hĩnh thấy ai cũng chê cười.


                       












ATTAR

Attar, tên đầy đủ là Fariđiđin Abu Hamid Muhammad ibn Abu Bakr Ibrahim ibn Mustafa Attatr, sinh khoảng năm 1142 ở thành phố Nishapure, trong gia đình môt người bán thuốc chữa bệnh. Ông sớm ham mê trường phái sufism, tới thăm nhiều thành phố lớn nổi tiếng đương thời ở phương đông, cuối cùng trở thành giáo chủ (sheikh), đồng thời là một thủ lĩnh quan trọng của trường phái sufism. Ông bị quân Mông Cổ giết chế tnăm 1220 khi chúng đánh chiếm thành phố quê hương ông.
Attar để lại nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, gồm hai tập dày thơ trữ tình hazel và một số trường ca mang tính giáo huấn.



CHUYỆN NHÀ VUA VÀ NHỮNG NGƯƠI TÙ

Chuyện đã lâu, xưa có thành phố nọ
Nhận được lệnh đem những gì mình có

Chưng ra ngoài, chuẩn bị đón vua cha.
Ngay lập tức mọi đường phố, mọi nhà

Bày la liệt thức ăn ngon, vật quí -
Ai cũng muốn được đức vua chú ý.

Duy một chỗ là nhà tù, tiếc thay,
Chẳng có gì để khoe trong dịp này,

Ngoài xiềng xích, những cánh tay bị chặt,
Những chiếc đầu bị xẻo môi, móc mắt.

Mặc, tù nhân cứ đem chúng phô ra,
Khiến mọi người phải ghê sợ lánh xa.

Thế mà khi xe vua vào thành phố,
Ngài lại thích những đồ kỳ dị đó.

Vua cho gọi các tù nhân gặp ngài,
Thưởng bạc vàng, hứa sẽ thả nay mai.

Quan tể tướng ngạc nhiên: "Tâu bệ hạ,
Bao châu báu cùng của ngon vật lạ

Ngái chẳng thèm để mắt tới, giờ đây
Sao ngài bỗng quan tâm những thứ này?"

Vua cười đáp: "Cái bề ngoài đẹp đẽ
Chỉ đáng để mua vui cho lũ trẻ.

Thành phố này ai cũng muốn chiều ta,
Nên giấu hết mọi cái xấu trong nhà.

Chỉ ở đây, các tù nhân khốn khổ
Mới thực sự cho xem gì họ có,

Là cái đau và sai trái của đời
Qua những cánh tay kia bị cắt rời.

Và chính họ đã làm ta sáng mắt
Để nhìn thẳng vào mình, vào sự thật".












                  SAAĐI

Saađi (tên đầy đủ là Abu Muhamad Abdula ibn Musrif Saađi) sinh khoảng từ năm 1203 đế năm 1208 ở thành phố Shiraz, nay thuộc Iran, trong gia đình một quan chức không giàu lắm. Thời nhỏ ông học ở Shiraz, rồi học tiếp ở một trong những trường đại học Hồi giáo danh tiếng nhất thời đó là Nizamia tại Batđa. Sau này, do các cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn, ông phải rời bỏ quê hươngg lưu lạc khắp thế giới phương đông. Ông đã tới vùng sa mạc Aravi, Azecbaigian, Xiry, Ai Cập, Ma-rốc... từng tham gia chiến đấu chống thập tự quân La Mã, nhiều lần bị thương và suýt chết. Năm 1256 ông trở về Shiraz, và với sự bảo trợ của chính vua Abubacra, ông dành toàn bộ quãng đời còn lại cho văn học. Saađi mất năm 1292, sống gần trọn một thế kỷ, và cũng gần đúng như ông mong muốn - 30 năm học, 30 năm đi và 30 năm viết.
Tác phẩm chính của ông gồm Vườn Quả (1256) và Vườn Hồng (1257), hai tập thơ lớn mang tính giáo huấn, hai cuốn sách giáo khoa cuộc đời mà sinh thời đã mang lại cho ông sự nổi tiếng không chỉ ở Ba Tư mà còn cả thế giới phương đông nói chung, đưa ông lên thành một trong những nhà thơ vĩ đại của nhân  loại. Ngoài ra ông còn viết bốn tập thơ trữ tình và rất nhiều các bài thơ lẻ.


THƠ LẺ


* * *
Dẫu không răng, tôi ăn bánh ngon lành.
Không có bánh mới là điều tai họa.


* * *
Nhờ người ác giúp mình chẳng khác gì
        Thắp đèn cho anh mù mắt.

Ai chơi thân với người ác, trước sau
         Trả giá điều này rất đắt.


* * *
Hạt giống nhỏ nẩy mầm tuy rất bé,
Nhưng sau này sẽ thành cây to khỏe.

Còn khi cây đã khô mục, trơ cành
Chẳng bao giờ sẽ mọc lá tươi xanh.

Cũng thế tôi, một ông già yếu đuối
Không thể thành thằng bé con mười tuổi.


* * *
Để đi đường, ai cũng cần ngựa khỏe.
Ngựa của tôi thì thực tình rất bé,
Lại yếu gầy, đến mức chẳng ai tin.
Hệt như ngựa trong bàn cờ, quả thế!


* * *
Lên thiên đường mà không có người yêu?
Không, cảm ơn, tôi không lên - Ở đấy
Chắc chắn tôi sẽ khóc nhớ người yêu.
Xin Thượng Đế tha cho tôi điều ấy.


* * *
Anh biết gì mà nói chuyện tình yêu
Khi thơ tình mấy câu không viết nổi?
Saađi này chuyên viết chuyện tình yêu,
Không thèm viết về vua quan giả dối!


* * *
Người ta trách sao tôi yêu nhường ấy
Một cô nàng quá bình thường như vậy.
Vì sao ư? Rất đơn giản: Yêu đi.
Yêu say đắm, rồi tự anh sẽ thấy.



VƯỜN HỒNG
(trích)


VỀ NGUYÊN NHÂN
VIẾT CUỐN SÁCH NÀY

Một tối nọ, tôi ngồi suy ngẫm về những năm tháng đã qua, thầm luyến tiếc cuộc đời mình bị uổng phí. Như những viên kim cương sắc nhọn, những giọt nước mắt xuyên qua tim tôi, và tôi đã đọc thành lời những câu thơ dưới đây, rất hợp với tâm trạng của tôi lúc ấy:
Cuộc đời ta cứ ngắn đi lặng lẽ
Theo mỗi hơi ta thở ra nhè nhẹ.

Ngươi đã sống năm mươi năm, Saađi,
Năm mươi năm ngươi làm được điều gì?

Chết mà việc chưa làm xong, thật nhục.
Hàng chờ đó, đoàn lạc đà đang giục.

Người lữ hành muốn ngủ tiếp trong chăn,
Nhưng phía trước đường còn dài, khó khăn.

Ta mong muốn xây một ngôi nhà nhỏ,
Nhưng chưa xong, đã bị người thế chỗ.

Con người kia, người xây tiếp nhà anh
Cũng ra đi mà không kịp hoàn thành...

Đời như tuyết dưới nắng hè oi bức.
Ta chỉ biết nhìn tuyết tan, bất lực.

Anh đi chợ mà không mang theo tiền,
Thì ra về túi sẽ rỗng, tất nhiên.

Ai nôn nóng gặt lúa non, chẳng lạ,
Đến vụ gặt chỉ thấy trơ gốc rạ.

Suy nghĩ kỹ những điều này, tôi thấy tốt nhất nên thu mình ở ẩn, cố giảm bớt giao tiếp bạn bè và tránh không nói những lời vô bổ, để sau này khỏi phải ân hận mà thốt lên rằng:

Người khiêm tốn ngồi góc phòng, im lặng,
Tốt hơn nhiều anh ba hoa liến thoắng.

Đúng lúc ấy, một người bạn cũ, người từng chia sẻ những vui buồn trên những nẻo đường sa mạc và trong lớp học, theo lệ thường đã đến thăm tôi. Và dù giọng anh thật vui vẻ, dù anh cố bông đùa, gợi chuyện, tôi vẫn bướng bỉnh lặng im, không một lần ngước lên từ tư thế đang quì của người cầu kinh chăm chú. Bạn tôi bực mình, đưa mắt lườm tôi, và nói:

Chừng nào đang có thể,
Cứ trò chuyện, vui chơi.

Vì sau khi anh chết,
 Anh im lặng suốt đời.

Ai đó trong đám người nhà của tôi giải thích:
"Ông ấy đã quyết định những năm tháng còn lại của cuộc đời sẽ sống trong im lặng hoàn toàn, và chỉ chuyên tâm phụng sự thượng đế. Tốt hơn anh cũng nên noi theo và cùng im lặng.
Bạn tôi đáp:
"Tôi xin thề bằng sự vĩ đại của đấng tối cao và bằng tình bạn lâu năm giữa chúng tôi, rằng tôi sẽ không đi đâu cả dù chỉ một bước chừng nào chưa được nói chuyện với ông Saađi hôm nay như chủ với khách, theo đúng phong tục tốt đẹp xưa nay vốn có. Xúc phạm bạn là khiếm nhã; không giữ đúng lời thề là không quân tử. Không sáng suốt và không thể chấp nhận được với người đáng kính khi thanh kiếm của Ali không được rút ra khỏi vỏ, và cái lưỡi nổi tiếng của Saađi chịu nằm yên sau hai hàm răng.

Lưỡi là gì, hiền triết?
Là chìa khóa tấm lòng.

Không mở, không ai biết
Đang giấu gì bên trong.


* * *
Khi cần nói thì nói đi, đừng sợ,
Nhưng cẩn thận, đừng nói thừa, hãy nhớ.

Đều đáng chê: Người cần nói mà im,
   Và cả người luôn ba hoa vô cớ.

Vậy là không đủ sức im lặng thêm được nữa, tôi đã lên tiếng. Vả lại, sẽ là điều không lịch sự nếu tôi tiếp tục quay lưng lại với người bạn cũ tốt và chân thành này của mình.
Ở chừng mực cần thiết, tôi trò chuyện vui vẻ với bạn tôi khi hai người cùng ra ngoài đi dạo. Lúc ấy là mùa xuân, cái lạnh buốt người không còn nữa, nhường chỗ cho làn gió ấm làm trăm hoa đua nở.

Đẹp, lộng lẫy như trong vườn thượng giới,
Đàn bướm bay, cánh đủ màu, chấp chới.

Cây đứng im, mặc áo mới màu xanh,
Con sơn ca luôn nhảy nhót trên cành.

Giọt sương sớm trên cánh hoa mát lạnh,
Như giọt nước trên má hồng lấp lánh,

Đêm hôm ấy chúng tôi ngồi với nhau trong vườn một người bạn. Đó là một nơi thật dễ chịu, mùi hoa thoang thoảng, các tán cây như dính vào nhau. Dưới đất là những đốm sáng như những mảnh vụn thủy tinh lấp lánh. Còn phía trên là vô số những chùm quả mà về vẻ đẹp có thể sánh ngang các chùm sao chi chít trên trời.
   Tiếng chim hót trong vườn líu lo.
   Dòng suối nhỏ uốn mình quanh co.

   Cây sà thấp vì cành trĩu quả.
   Vườn đầy hoa khoe màu khác lạ.

   Còn dưới đất là tấm thảm đêm
   Đầy mùi hương, vừa ấm vừa mềm.

Sáng hôm sau, khi ý muốn trở về nhà lớn hơn niềm vui được ở lại trong khu vườn kỳ diệu ấy, tôi thấy bạn tôi cũng chuẩn bị ra về, vạt áo đầy những cánh hoa hồng, hoa dạ hưong và hoa dền. Tôi liền nói:
"Anh biết trõ rằng không phải lúc nào hồng cũng nở hoa, nếu nở, đời của hoa rất ngắn. Mà các hiền triết thì nói: Cái gì không lâu bền, không đáng được ta yêu."
"Vậy thì anh bảo tôi còn biết làm gì?" Bạn tôi thốt lên.
Tôi thong thả đáp:
"Để chiều lòng bạn đọc và mang lại niềm vui cho những ai mong muốn, tôi có thể viết một cuốn sách có tên là "Vườn Hồng". Các cánh hoa của nó không bị hơi thở lạnh lẽo của mùa đông làm rụng, và vẻ đẹp mùa xuân yêu đời của nó không bị dòng luân chuyển của thời gian biến thành vẻ ảo não mùa thu.

Sao phải hái hoa hồng làm gì
Khi đã có "Vườn Hồng" Saađi?

Hoa hồng sẽ héo ngay khi hái,
Còn "Vườn Hồng" sống lâu, mãi mãi.

Tôi nói chưa kịp dứt lời thì bạn tôi đã hất những cánh hoa xuống đất rồi túm lấy vạt áo tôi.
"Người tử tế phải nói lời giữ lời!"
Ngay hôm đó tôi viết xong một chương của cuốn sách - "Về qui tắc ứng xử và nghệ thuật trò chuyện" - được tô điểm bằng những lời hoa mỹ để làm đẹp lòng cả người viết lẫn người đọc. Khi những bụi hồng trong vườn chẳng còn bao lâu nữa để sống thì cuốn sách "Vườn Hồng" của tôi cũng vừa hoàn tất. Tuy nhiên, thực ra nó chỉ có thể được coi là hoàn tất khi Đức Vua cao quí cho tôi biết, rằng Ngài đã hạ cố đọc nó.

   Một cuốn sách được Đức Vua cầm đọc,
   Thì tự nó trở thành vàng, thành ngọc.

   Có thể Vua khi đọc cuốn "Vườn Hồng"
   Không đến nỗi phải nhíu trán, phiền lòng.

   Bởi một lẽ, sách của tôi, thiết nghĩ,
   Không chỉ nói toàn điều nhảm nhí.
              


VỀ CUỘC ĐỜI CÁC VUA


TRUYỆN

Về một ông vua nọ, tôi nghe người ta kể thế này, rằng có lần vua sai treo cổ một người tù binh. Con người tội nghiệp ấy, khi biết trước sau cũng chết, liền lớn tiếng chửi bới nhà vua, vì như người ta nói, khi không còn gì để mất thì có nói ra miệng những gì uất ức trong lòng cũng là điều dễ hiểu.

            Khi đã bị dồn vào chân tường,
            Thì quyết chiến là chuyện bình thường.

            Ai không may rơi vào tuyệt vọng,
            Người ấy lưỡi sẽ dài và rất nóng.

            Như con mèo bị bịt đường ra,
            Nó sẽ cắn con chó lớn gấp ba,

Đức vua tò mò hỏi người tù binh nói gì. Một viên quan đứng cạnh đáp:    
"Tâu bệ hạ, anh ta nói: Ai biết kiềm chế cơn giận của mình, người ấy sẽ tha thứ những người có tội."
Đức vua nghe thế liền thương tình, tha cho người kia được sống. Tuy nhiên, một viên quan khác, vốn mâu thuẫn với viên quan đầu, lại nói:
"Những người thuộc đẳng cấp chúng ta, khi có mặt hoàng đế, chỉ được phép nói sự thật. Sự thật là tên tù binh kia đã hỗn láo chửi đức vua yêu quí. Hơn thế, hắn còn dùng những từ rất xúc phạm.
Đức vua chau mày nhìn ông ta hồi lâu rồi đáp:
"Ta thích sự nói dối của ông này hơn lời nói thật của nhà ngươi. Ông ta nói dối nhưng cứu được người, còn ngươi thì nói thật mà kết quả ngược lại. Các hiền triết xưa từng dạy: Nói dối mà nhằm mục đích tốt còn hơn sự thật dẫn đến tai họa."

   Người mà vua tin cậy lắng nghe,
   Thành kẻ ác khi anh ta ác ý.


* * *
Việc của vua là bảo vệ dân nghèo,
Dù vua lớn và quyền uy rất rộng.

Đàn cừu sống không vì anh chăn cừu,
Mà trái lại, vì cừu anh ta sống.


* * *
Giết một người chẳng khó bao nhiêu.
Làm sống lại mới khó hơn nhiều.

Đừng vội bắn tên đi, bởi lẽ
Bắt tên quay trở về không dễ.


TRUYỆN
           
Một trong những ông vua xứ Khôraxan nằm mơ thấy Mahmud, con trai vua Xêbuctegin: Xác của Mahmud bị thối rữa, biến thành tro bụi, nhưng đôi mắt của ngài còn sống và luôn lúng liếng trong hai hố mắt như cố nhìn xung quanh. Không một nhà thông thái nào giải được giấc mơ này. Cuối cùng một ẩn sĩ lên tiếng:
"Đức vua Mahmud còn lo lắng, và ngài nhìn quanh xem những người khác trị vì vương quốc của mình thế nào.

            Đã từng sống nhiều anh hùng vĩ đại,
            Nhưng cuối cùng chẳng có gì sót lại.

            Ai bị chôn xuống đất, chuyện bình thường,
            Đất ăn dần, chỉ còn lại nhúm xương.

            Nhưng sống mãi những người làm việc thiện,
            Sau khi chết vẫn được đời yêu mến.




VỀ ĐẠO ĐỨC CÁC ẨN SĨ


TRUYỆN

Tôi nhớ ngày còn nhỏ tôi rất mộ đạo. Tôi thường thức suốt đêm để cầu kinh. Tôi say mê các giáo lý về sự khắc khổ và cuộc sống ẩn dật. Một hôm, cũng ban đêm, tôi ngồi với bố tôi, mong thượng đế ban ân cho người, tay ôm khư khư cuốn sách kinh. Tôi ngồi như thế suốt đêm không ngủ, trong khi bên cạnh tôi nhiều người ngủ ngon, ngáy to một cách vô tư. Tôi nói với bố:
"Không người nào trong số họ ngẩng đầu để cầu kinh thêm lần nữa. Họ thản nhiên ngủ say như đã chết."
"Này con trai, - bố tôi đáp, - tốt hơn con cũng nên lên giường đi ngủ, và đừng làm ông cụ non phán xét người khác."

Kẻ hợm hĩnh chỉ biết có mình mình,
Nghĩ ngoài họ, không người nào thông minh.

Nếu không tự đề cao mình thái quá,
Họ sẽ thấy họ đáng thương hơn cả.


TRUYỆN

Dù được Abulfajad ibn Juzi, người thầy đáng kính của tôi, cầu mong đức Alla phù hộ cho ngài, nhiều lần khuyên nhủ hãy từ bỏ âm nhạc, tiệc tùng để lui về ở ẩn, tôi vẫn không cưỡng được mong muốn của tuổi trẻ và để những ham muốn trần tục ấy lôi cuốn. Nghĩa là nhiều khi làm trái những lời khuyên quí giá của thầy. Tôi đắm mình trong âm nhạc, vui vẻ thái quá với bạn bè. Tuy nhiên, khi chợt nhớ lời thầy, tôi vẫn nghĩ:

   Đến quan tòa mà có mặt ở đây,
   Ngài cũng uống, và tha thứ thằng say.

Một hôm, ngồi chung với đám bạn bè vui vẻ, tôi chợt thấy một ca sĩ đang

   Say sưa hát, chiếc đàn kêu da diết
   Như ai đó khóc thương cha thảm thiết.

Các bạn tôi lúc thì lấy ngón tay bịt lỗ tai, lúc ra hiệu bảo anh ta thôi, vì nhạc phải làm người ta vui chứ không ngược lại.

   Người ta nghe anh hát để xua buồn,
   Thế mà anh lại khóc, khiến buồn hơn.

   Anh càng hát, người nghe càng thêm khổ,
   Chỉ chờ anh thôi không tra tấn họ.

   Tôi thì tìm ông chủ quán, bảo ông:
   Nhờ ông bảo anh ta thôi, nếu không,

   Hoặc rót chì vào tai tôi cho điếc,
   Hoặc mở cửa để tôi về, thật tiếc.

Nhưng tối đó, vì nể bạn, tôi vẫn gắng chịu và ở lại quán ấy cho đến tận sáng hôm sau.

   Tôi chờ mãi chẳng đến giờ cầu kinh.
   Người đánh chuông chắc quên việc của mình.

   Suốt đêm ấy tôi không hề chợp mắt,
   Còn phải nghe anh kia gào, chán thật.

Thế mà sáng dậy, để tỏ lòng biết ơn, tôi cởi chiếc mũ quấn trên đầu và lấy ra từ đó một đồng tiền vàng đặt trước mặt người ca sĩ tội nghiệp nọ. Tôi ôm hôn anh ta, hồi lâu cảm ơn chân thành. Các bạn tôi thấy thế lấy làm ngạc nhiên, cho rằng tôi giả vờ, thậm chí đạo đức giả. Một người không kìm được còn lên tiếng trách: 
“Việc anh làm không xứng với người thông minh, cao quí. Không hay ho chút nào khi đưa đồng tiền vàng ấy cho một người bất tài như hắn, người chắc chưa bao giờ có chừng ấy tiền trong tay và cũng chưa ai từng cho dù chỉ một xu nhỏ.

   Cứ để hắn đi khỏi đây mãi mãi
   Chắc không ai còn dám mời quay lại.

   Nghe hắn hát cái giọng ấy buồn đau,
   Thì tóc ai cũng dựng ngược trên đầu.

   Đến gà nghe cũng hồn xiêu phách lạc
   Đành lũ lượt trốn đi, kêu tục tác.

Tôi nói với người bạn này của tôi:
“Tốt hơn anh nên im cái mồm thối của anh thì hơn. Anh bạn ca sĩ này đã giúp tôi một điều tuyệt vời:.
Người bạn hỏi:
“Vậy thì hãy cho chúng tôi biết điều tuyệt vời ấy là gì, để chúng tôi cũng cảm ơn và xin anh ta tha thứ cho sự khiếm nhã của mình.
“Chuyện thế này, - tôi đáp. - Người thầy đáng kính của tôi từng dạy tôi phải từ bỏ đàn hát để lo việc lớn, thế mà tôi không nghe. Bây giờ nhờ số phận và dịp may, tôi được ở lại đây đêm qua, và được anh bạn ca sĩ này lần nữa nhắc nhớ lại lời thầy dạy. Tôi đã hối hận và thề suốt phần còn lại của đời mình sẽ từ bỏ đàn hát vô bổ cùng đám bạn bè bia rượu của mình.

   Dù có nói hay hát, người thông minh
   Khiến ta nghe, thấy lọt lỗ tai mình.

   Người ngu dốt, bất tài, thưa các bạn,
   Cứ mở mồm là mọi người thấy chán.           


* * *
Thật thông minh là người làm việc tốt
Chứ không phải người chê người khác dốt.


* * *
Chỉ một ngày ta biết ai là ai -
Dốt hay khôn đều bộc lộ ra ngoài.

Nhưng tâm hồn giấu sâu hơn - thường vậy:
Cái đểu cáng sau nhiều năm mới thấy.



VỀ ÍCH LỢI CỦA VIỆC BIẾT HÀI LÒNG VỚI NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT


TRUYỆN

Lần nọ, một gã ăn mày người Magrib nói với tôi trong chợ bán vải ở Aleppô thế này:
“Thưa ông, nếu những người giàu có lương tâm, còn những thằng ăn mày như con biết kiềm chế để khỏi ngửa tay xin ăn, thì con chắc đời này sẽ không còn cảnh ăn mày nữa.”
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ lặng im suy nghĩ:

 Sự kiềm chế và khiêm nhường xưa nay
 Là phẩm chất đáng quí nhất đời này.

 Người thông minh luôn là người kiên nhẫn.
 Ai nóng vội không bao giờ chín chắn. 


* * *
Không biết gì, xin cứ hỏi, không sao.
Anh hạ mình để nâng anh lên cao.


* * *
Ai ăn uống biết khiêm nhường, điều độ,
Gặp thiếu thốn sẽ vượt qua không khó.

Ai suốt đời luôn no đủ, tham ăn,
Sẽ khó lòng thoát chết lúc gian truân.


* * *
Dù bánh mì là quà của bề trên,
Nhưng muốn có phải cấy cày mới có.

Chưa đến già, không ai chết, tất nhiên,
Nhưng tự anh đừng chui vào miệng hổ.



TRUYỆN

Một hôm tôi thấy một gã trai ngu ngốc, hợm đời và khỏe mạnh, mặc quần áo đắt tiền, cưỡi trên lưng con ngựa quí giống Ả-rập. Trên đầu anh ta là chiếc mũ xếp tuyệt đẹp làm bằng thứ vải Ai-cập đắt tiền nhất. Có ai đó ngồi bên hỏi tôi:
"Thưa ông Saađi, ông có thích thứ lụa màu đỏ rực trên cái đầu không óc của con vật trẻ khỏe kia không?
Tôi đáp:
"Đó chỉ là một miếng giẻ không đáng kể được vẽ nhăng nhít bằng mực màu."

Cái gã ấy giống người, như con lừa giống hổ.
Hắn cố rống như bò, dù là bê bé nhỏ.

Vấn đề ở chỗ, bản chất con người quí gấp nghìn lần quần áo đẹp.

Khó mà nói cái thằng kia giống người,
Dù vẻ ngoài, và áo mũ như người.

Hãy nhìn sâu vào tâm hồn, đầu óc,
Ta sẽ chẳng thấy gì ngoài ngu ngốc.


* * *
Suối là do nhiều giọt nước mà thành.
Suối và sông đều đổ vào biển xanh.

Từ cái nhỏ sẽ làm nên vĩ đại.
Mùa là do nhiều bông mì hợp lại.


* * *
Ừ, áo tôi kể ra không lành lắm,
Nhưng sao tôi cứ phải thuê áo gấm?




VỀ CÁI HAY CỦA SỰ IM LẶNG
           

TRUYỆN

Tôi từng nghe một người thông minh nói:
"Không ai tự khoe cái ngu dốt của mình lộ liễu như người lên tiếng nói khi người khác nói chưa xong."

   Mỗi lời nói có kết thúc, bắt đầu.
   Làm thế nào để không ngắt lời nhau.

   Người thật sự thông minh, hiểu biết
   Chỉ lên tiếng khi mọi người nói hết.


* * *
Có kinh nghiệm, người già luôn cẩn thận,
Thường quen nói chỉ những lời chín chắn.

Hãy lựa lời, hãy suy nghĩ trước sau,
Nghĩ chưa xong, chưa nên vội bắt đầu.

Nếu đã nói, đừng nói dài, mà bạn
Phải biết im trước khi người nghe chán.


* * *
Nên suy nghĩ kỹ càng, đừng nói ngay.
Đừng xây nhà khi nền móng chưa xây.


* * *
Vâng, những lời anh nói đúng và hay,
Lại thông minh, ai cũng biết điều này.

Nhưng không nên nhắc nhiều lần ý cũ -
Lời nói đẹp nói một lần là đủ.


* * *
Một anh chàng thích ba hoa, thật tội,
Quyết tâm dạy cho con lừa biết nói,

Bị một nhà thông thái mắng: "Anh kia,
Đừng phí công, đừng đóng vai thằng hề.

Nói làm sao cái con lừa ngu dốt?
Anh học nó mà biết im thì tốt!"
                                 

TRUYỆN
               
Một hôm tôi bảo bạn tôi:
“Tôi thích im lặng hơn nói nhiều vì thông thường khi ta nói có thể có đôi câu, từ chưa hay lắm, mà mắt bọn người xấu không thể nhìn thầy gì ngoài cái xấu.”
“Thì vẫn thế, - bạn tôi đáp. - Nếu biết nhìn những cái tốt ở người khác thì chúng đã không còn là người xấu”.

         Người tâm xấu, khi nhìn người, xoi mói
         Chỉ bới móc điều không hay, tội lỗi.

          Cả những điều tốt nhất của người ta,
          Chúng cũng vờ không nhìn thấy, thành ra

          Tôi, Saađi, vốn xưa nay tử tế
          Không ít đứa xem tôi như chó ghẻ!


* * *
Nói mà không suy nghĩ trước, kỹ càng,
Thì nói sai là việc rất dễ dàng.

Khi đã nói, phải nói hay, nói thẳng.
Không thì thà như con lừa - im lặng.

Khi người già đang nói, dù anh
Có khôn hơn cũng nên làm thinh.


* * *
Người thông minh, chừng nào chưa được hỏi,
Sẽ giữ ý, không bao giờ chịu nói.

Không được mời mà nói, thật đáng thương,
Dù nói hay, người khác vẫn xem thường.


* * *
Người thường xuyên nói thật, bỗng không may
Có lỡ lời - sẽ được bỏ qua ngay.

Kẻ nói dối có lần không nói dối,
Cũng không bắt được ai tin nổi.


* * *
Khi chuyện trò với bạn bè, đừng để
      Lọt tai người ngoài.
Đừng đứng chuyện bên chân tường, có thể
      Là tường có tai.



VỀ TÌNH YÊU VÀ TUỔI TRẺ


TRUYỆN

Người ta hỏi Khaxan Maimanđi:
"Vua Mahmud có rất nhiều mỹ nữ xinh đẹp, mỗi người có thể ví với một kỳ quan thế giới. Vì sao không một người nào trong số những người xinh đẹp ấy được ngài yêu quí như Aiaz, là người công bằng mà nói, không chút nổi trội về nhan sắc?"
Khaxan đáp:
"Quan niệm về đẹp xấu xuất phát từ tim chứ không phải mắt. Ai yêu người nào thì thấy người ấy đẹp."

            Người xinh đẹp bị vua chê là xấu,
            Thì người thân cũng sẽ coi là xấu.

            Người được vua yêu quí, đương nhiên,
            Dù có xấu, vẫn đẹp như tiên.

Nhìn Usuf bằng hận thù, ác ý,
Ta thấy nàng xấu và đen như quỉ.

Ai yêu quỉ, sẽ không chút băn khuăn
Xem quỉ tốt và đẹp như thiên thần.
                                            
                                                       
           TRUYỆN
                  
Có một chàng trai trẻ tốt, thông minh
Đem lòng yêu một cô gái rất xinh.

Không hiểu sao một lần đi đâu đó
Hai người rơi xuống biển xanh sóng vỗ.

Có một người đánh cá đến, chìa tay
Đang định vớt chàng lên thì anh này

Vội lắc đầu: “Xin nhờ ông trước hết
Nhanh chóng cứu người tôi yêu khỏi chết!”

Cô gái kia được cứu sống, có điều
Anh kia chết - một bài học tình yêu.

Tôi, Saađi, về tình yêu tinh tế,
Tôi hiểu hết đến tận cùng, mọi nhẽ.

Đến Mếtnun mà sống đến ngày nay
Chắc anh ta cũng học ở sách này.


* * *
Xin đừng tin cô nào có một trăm người bạn.
Tâm hồn anh anh trao, rồi cô ta sẽ bán.


* * *
Tôi hỏi đùa một bà già tôi quen
Vì bà này thường thích nhuộm tóc đen:

Bà nhuộm tóc để làm mình thêm trẻ,
Nhưng bà biết chữa sao đôi má xệ?



VỀ TUỔI GIÀ VÀ BẤT LỰC


TRUYỆN

Một lần nọ, tôi đang ngồi trò chuyện với mấy học giả ở nhà thờ tại Đamat, thì có một người trẻ tuổi bước vào hỏi:
"Ở đây có ai biết tiếng Ba Tư không?"
Người ta chỉ vào tôi. Tôi hỏi:
"Có chuyện gì vậy?"
"Có ông già một trăm năm mươi tuổi, - người kia đáp. - Ông cụ sắp chết và nói điều gì đấy bằng tiếng Ba Tư chúng tôi không hiểu. Nếu ông chịu khó dịch hộ thì sẽ được thưởng đấy. Có thể ông cụ muốn để lại di chúc”
 Khi tôi đến bên giường bệnh, ông cụ nói:

            Sống ở đời, tôi muốn sống mấy giây,
            Vậy mà trời bắt tôi phải chết..

            Tôi muốn ăn, muốn hưởng thụ đời này,
            Người ta bảo không được ăn, chấm hết!

Tôi dịch lời ông sang tiếng Ả-râp để những người Xiry ở đây hiểu. Họ tỏ ý ngạc nhiên vì sao một người đã sống chừng ấy năm vẫn còn chưa muốn chết.
"Cụ cảm thấy trong người thế nào?" tôi hỏi người bệnh.
"Biết trả lời anh thế nào được nhỉ?" ông cụ im lặng một chốc rồi nói tiếp:
                       
            Anh nghĩ xem: người bị nhổ răng sâu,
            Sẽ nhăn nhó, kêu lên vì đau.

            Vậy thì sẽ thế nào khi ai đó
            Không phải răng, mà tâm hồn bị nhổ?

“Cụ hãy vứt khỏi đầu ý nghĩ về cái chết, - tôi an ủi ông già. - Đừng để nỗi ám ảnh về nó xâm chiếm người cụ, vì các nhà triết học Hy Lạp cổ đã rất đúng khi nói: “Đừng nghĩ anh sống lâu cả khi thấy mình rất khỏe, và khi lâm bệnh nặng, đó cũng không là dấu hiệu anh sẽ chết”. Nếu cụ cho phép, tôi sẽ mời thầy thuốc tới chữa bệnh cho cụ. Ông già mở mắt, mỉm cười nhìn tôi rồi nói:

            Các thầy thuốc mất công lo chữa chạy
            Khi con bệnh chết rồi, không động đậy.

            Ông chủ sơn tường nhà đẹp, đủ màu
            Khi các tường lún móng, mục từ lâu.

            Khi đau ốm, thấy sức mình cạn kiệt
            Thì dũng cảm mà đón chờ cái chết.


TRUYỆN

Thời trẻ, trong đám bạn bè của tôi có một chàng trai rất vui tính, thông minh và yêu đời. Hoàn toàn vô lo, anh ta luôn miệng cười nói và làm nhiều trò ngộ nghĩnh. Bẵng đi một thời gian dài, số phận dun dủi, chúng tôi lại gặp nhau. Lúc này anh ta đã người đứng tuổi, lấy vợ và có con, không phải một mà nhiều con, nhưng trông có vẻ buồn và không thấy đâu sự vui vẻ, vô tư của thời xa xưa. Tôi hỏi:
“Anh sống thế nào? Công việc của anh ổn chứ?”
“Kể từ ngày lấy vợ, có con, như anh thấy, cuộc đời chẳng còn vui vẻ như xưa. Tôi phải từ bỏ bao trò vui nhộn đáng yêu của mình...”
Tôi chỉ biết im lặng đứng nhìn anh ta, và nghĩ:

  Người tóc bạc biến mình thành anh hề
Khi vui đùa như chàng trẻ say mê.

Hãy tin tôi, một người già tinh tế:
Những trò ấy hợp cho ai còn trẻ.

Anh lấy vợ, nay có con, trưởng thành,
Vậy hãy vui tuổi ấy của đời anh.


VỀ CÁI LỢI CỦA HỌC HÀNH


TRUYỆN

Một người giàu nọ có cậu con trai ngu ngốc. Ông ta đưa nó đến gặp một nhà thông thái và nỏi:
"Nhờ ông dạy dỗ nó hộ. Có thể nó sẽ trở nên thông minh hơn."
Suốt một thời gian dài nhà thông thái cố dạy nó đủ điều nhưng dường như chẳng có kết quả nào. Cuối cùng ông trả nó về cho bố và nói: "Nó không thông minh hơn, chẳng thay đổi chút nào, ngoài việc làm tôi suýt phát điên!"


* * *
Ai thông minh thì từ khi còn nhỏ
Học đến đâu liền hiểu ngay đến đó.

Kẻ ngu si sẽ suốt đời ngu si,
Đừng mất công dạy dỗ, chẳng ích gì.

Dù cho lừa đến Mecca để học,
Thì quay lại, vẫn là lừa ngu ngốc.


* * *
Ngay từ bé mà không chăm học hành
Thì lớn lên chẳng bao giờ hạnh phúc.

Cần uốn cây, phải uốn lúc tươi xanh,
Đừng chờ khi cây đã già, khô mục.


* * *
Dù hiểu biết đủ các ngành khoa học,
Không áp dụng vào đời, anh vẫn ngốc.


* * *
Chở cả đống sách to trên lưng mình,
Lừa cũng không trở thành thông minh.

Và con vật vẫn không phân biệt nổi
Đang chở sách hay đang chở củi.


* * *
Chắc chắn anh sẽ trở thành thằng ngốc
Nếu anh chơi với lũ người vô học.


VỀ SỰ TU THÂN


* * *
Chỉ những ai chịu đau khổ quá nhiều
Khi thấy người vui sướng mới không yêu.

Dơi không thích ban ngày, ưa bóng tối,
Nhưng không lẽ mặt trời có lỗi?


* * *
Là con cháu của Ađam, chúng ta
Đều được làm từ đất sét mà ra.

Nếu một người không gặp may, đau khổ,
Thì mọi người phải đau chung điều đó.

Anh thờ ơ với người khác, với đời,
Sao có thể gọi anh là người?


* * *
Bạn không phải là người anh thành công
Kéo đến ăn và uống rất đông.

Bạn là ai khi anh buồn, thất bại,
Tìm đến giúp, nói những lời thân ái.


* * *
Vâng thì lừa không thông minh, vẻ vang,
Nhưng đáng khen vì nó biết thồ hàng.

Lừa chăm chỉ làm ra tiền, ra bạc
Còn đáng quí hơn người mà biếng nhác.


* * *
Gặp vận may, họ có chức, có tiền,
Các bạn bè nghèo đói họ liền quên.

Nhưng lỡ vận, gặp điều buồn thì họ
Lại tìm đến để trút bầu đau khổ.


* * *
Chúng tôi ăn để mà sống vì đời.
Anh thì sống để mà ăn và chơi.


* * *
Là việc tốt khi ta thăm bè bạn,
Nhưng không quá thường xuyên thành nhàm chán.


* * *
Luôn công tâm, nghiêm khắc tự trách mình,
Thì mọi người sẽ đỡ trách anh.


* * *
Đừng nhờ vả những người luôn cau có.
Anh sẽ chỉ buồn thêm khi gặp họ.

Nỗi lòng anh chỉ nên nói với người
Có thể làm anh vui bằng nụ cười.


* * *
Từ khi biết thế nào là nọc rắn,
Tôi bao giờ cũng đề phòng cẩn thận.

Đáng sợ hơn cả rắn độc là ai
Xấu bên trong mà vờ tốt bên ngoài.


* * *
Chỉ những người chưa bao giờ đi xa
Mới không cho khách trọ vào nhà.


* * *
Kể từ ngày bố anh chết, vì sao
Anh là con, chưa viếng mộ lần nào?

Anh đối xử với bố anh tệ bạc,
Thì đừng mong con anh sau sẽ khác.


* * *
Một bà mẹ nói một câu thâm thúy
Với người con khỏe, tài nhưng ích kỷ:

"Con bây giờ không còn nhớ, tiếc sao,
Rằng ngày xưa con gầy yếu thế nào.

Nếu không, con chẳng làm đau lòng mẹ
Từng vất vả nuôi con khôn lớn thế".


* * *
Không phải ai tài giỏi cung tên
Có thể bắn qua lỗ đồng tiền

Đều dũng cảm khi gặp thù, có thể
Kịp dương cung và tên tự vệ.


* * *
Anh dung túng, anh yêu thằng giả dối.
Hắn làm hại nước nhà - anh có lỗi!


* * *
Với ai quen dịu dàng, đừng nóng tinh.
Đừng nói to với người ưa yên tĩnh.

Phải làm sao vừa cứng lại vừa mềm,
Như con dao thầy thuôc mổ mà êm.

Luôn nhẹ nhàng là điều không tốt.
Luôn nghiêm khắc cũng là điều dại dột.


* * *
Xin đừng tin người nào quen nịnh hót,
Luôn khen anh mong kiếm lợi cho mình:

Chỉ một lần anh không chiều ý hắn,
Hắn sẽ tìm trăm cái xấu trong anh.


* * *
Khi bụng đói, ăn cơm no, sẽ chán,
Nhưng mắt tham nhìn vàng không thỏa mãn.


* * *
Khi tôi nghe một thằng ngu tục tĩu
Cãi, cứ bắt người thông minh phải chịu,

Tôi cứ nghĩ về tiếng trống bên đường
Và tiếng đàn trong phòng khách du dương.


* * *
Muốn khỏi bệnh, anh chỉ còn một cách
Là chìa tay cho người ta bắt mạch.


* * *
Con chó anh, anh có đánh, xua đi,
Nó cũng không quên anh nuôi nó.

Còn thằng đểu, anh cho ăn suốt đời,
Rất có thể đánh anh vì chuyện nhỏ.


* * *
Con chim khôn sẽ không chui vào bẫy
Khi thấy con chim khác trong lồng.

Thấy gương buồn, anh phải tránh, nếu không
Anh sẽ trở thành gương cho người khác.


* * *
Thà cứ buồn để rồi vui còn hơn
Vui say sưa, sau đó lại thấy buồn.


* * *
Cả khi anh không ưa tôi giáo huấn,
Tôi cũng khuyên: dù sao nên cẩn thận.
               

* * *
Muốn tới đích sớm hơn - đừng nên vội.
Hãy nhớ điều những người già đã nói.

Ngựa phải nghỉ chỉ sau một chặng đường,
Lạc đà đi cả tháng vẫn bình thường.


* * *
Một lần nọ tôi gặp một ông già
Sống tách biệt trong hang núi rất xa.

Tôi hỏi ông: "Sao không về thành phố,
Nơi đông đúc, ông muốn gì cũng có?

Cớ gì ông tự đày đọa nơi này?
Thành phố đẹp, đông người, vui hơn đây..."

"Vâng, ở đấy nhiều đàn bà, - ông đáp. -
Nhiều cả rượu và bùn nhơ nhớp nháp."

* * *
Là con cháu của Ađam, chúng ta
Đều được làm từ bụi đất mà ra.

Một bộ phận trên người đau, tất cả
Sẽ cùng đau, không có gì đáng lạ.

Vậy một khi anh hờ hững với đời,
Sao có thể gọi anh là người?


* * *
Một hoàng tử được vua gửi tới trường
Cùng quà tặng là chiếc bảng khác thường,

Có dòng chữ khảm bằng vàng đẹp đẽ:
"Roi của thầy hơn tình yêu bố mẹ."


* * *
Cao lương mỹ vị, người no
Nhai như bò nhá cỏ khô.

Ăn gì cũng ngon, người đói
Sướng hơn người no gấp bội.



ĐOẠN KẾT

Cuốn sách này giáo huấn, tốn nhiều công,
Nhưng cuối cùng tôi cũng đã viết xong.

Có thể bạn bảo bình thường, vô ích,
Biết làm sao, tôi là người viết sách.

Đừng quá nghiêm khi chê nó; và rồi
Hãy rộng lòng cầu thượng đế cho tôi.

Thích thì đọc và làm theo tất cả.
Đừng quên tôi, Saađi, tác giả.




VƯỜN QUẢ
          (trích)


                Phần mở đầu

VỀ NGUYÊN NHÂN VIẾT CUỐN SÁCH NÀY

Tôi đã đi hết nước này, nước nọ,
Và đã gặp khá nhiều người đây đó.

Tôi nhặt, gom các kiến thức về đời
Như nhặt tìm bông lúa gặt còn rơi.

Tôi chưa thấy ai hiền từ, chân thật
Như đàn ông quê hương tôi - Shiraz.

Nên ngày đêm tôi mong muốn về nhà,
Sẵn sàng rời các cung điện nguy nga

Của thành Sham và thành Rum từng sống,
Dù ra về luôn tay không, túi rỗng.

Từ Misra, khi trở lại, mọi người
Thường mang đường tặng bè bạn, còn tôi,

Ừ thì chẳng có đường, nhưng có thể
Tôi mang theo một cái gì hơn thế.

Đường của tôi là sách, cũng rất cần,
Dù không dùng pha nước, nấu đồ ăn.

Đây cuốn sách, tôi xin trình bạn đọc,
Gồm mười chương như ngôi nhà mười nóc.

Chương đầu tiên về lẽ phải trên đời,
Về việc vua phải qui thuận ý trời.

Chương thứ hai dành để khuyên người khác
Làm việc thiện và lánh xa cái ác.

Trong chương ba tôi sẽ nói đôi điều
Về hoa hồng, về ngọn lửa tình yêu.

Còn chương bốn, chương năm - về trí tuệ.
Và chương sáu - tạm vui điều nhỏ bé.

Chương thứ bảy - về giáo dục. Tiếp theo
Tôi cảm ơn số phận mặc dù nghèo.

Chương thứ chìn về hối lầm, qui phục.
Còn chương mười sẽ là chương kết thúc.

Và rồi đây, sách được viết, đang chờ,
Dẫu đang còn một túi áo đầy thơ,

Tôi xấu hổ vì quà thơ tôi tặng
Không toàn ngọc, mà lẫn nhiều sỏi trắng,

Như trong vườn, bên cây cọ rất cao
Có dây leo và cỏ bám bờ rào.

Nên khi đọc mà thấy sai đâu đó,
Mong các bạn nên ít nhiều chiếu cố.

Tôi không đem cái bóng bẩy lòe đời,
Mà chỉ mong thu phục chút lòng người.

Người ta nói, rắng trong ngày xá tội,
Vì điều tốt, Alla tha tội lỗi.

Nên thơ tôi nếu dở, chỗ người già,
Xin mọi người cư xử giống Alla.

Còn nếu thích, dù một câu tôi viết,
Xin cứ đọc từ đầu cho đến hết.


Chương một

VỀ LẼ PHẢI, SỰ THÔNG MINH
VÀ SÁNG SUỐT

Khi sắp chết, vua Inushivan
Gọi con trai là Khormus vào bàn.

"Con hãy rời các cung vua chói lọi
Để đi xuống cùng người dân nghèo đói.

Làm sao con có thể sống yên lành
Khi nhiều người đang chết đói xung quanh?

Sói bắt cừu - không thể tha anh chủ
Với lý do là anh ta đang ngủ.

Muốn làm người yêu lẽ phải, công minh,
Vua phải lo đời sống của dân mình.

Vua là cây, mà thần dân là rễ.
Rễ có sâu, cây mới to, mới khỏe.

Đừng bắt dân bị o ép quá nhiều.
Dân mất lòng là bật rễ, cây xiêu.

Vì thượng đế, hãy đi đường chính đại
Để khỏi rơi vào vực sâu kinh hãi.

Vua nước nào không bắt dân đau,
Sẽ được trời và đất đỡ đầu.

Còn ngược lại, nếu vua độc ác,
Dân sẽ khổ, khắp nơi loạn lạc.

Xuống địa ngục, chứ không lên thiên đường
Những ông vua từng giết hại dân thường.

Không bao giờ được giết dân vô tội.
Không có họ, con sẽ không sống nổi.

Phải biết dân của con sống thế nào,
Vui hay buồn, hay nghèo đói ra sao.

Thật xấu hổ nếu con làm thất vọng
Người vất vả suốt đời nuôi con sống."

Để thần dân trong nước phục, nghe mình,
Con phải lo pháp luật đúng, công minh.

Vua độc ác, dân bất an, sẽ oán,
Sẽ không chịu giúp vua khi hoạn nạn.

Ông vua nào mà nỡ giết dân đen,
Tức là vua tự chôn mình, tất nhiên.

Vâng, hạnh phúc và lưu danh mãi mãi
Là ông vua luôn quang minh chính đại.

Một khi ai rồi cũng chết mà thôi,
Thì tốt hơn đừng để lại tiếng tồi.


* * *
Hãy cất nhắc làm quan ai tài đức,
Người chăm lo việc công, luôn gắng sức.

Bởi khi quan lo moi tiền của dân
Thì đất nước sẽ lụn bại dần dần.

Bọn quan tòa xử oan, ăn hối lộ,
Thì dứt khoát phải thẳng tay giết bỏ.

Muốn bảo vệ đàn cừu khỏi sói ăn
Thì trước tiên, không cho sói đến gần.

Hãy trao quyền cho những ai giàu có.
Đừng trao quyền cho ai đang đói khổ,

Vì sau đó, việc họ làm đầu tiên
Là làm giàu cho mình khi có quyền.


* * *
Bị cướp bắt, một lái buôn gần đây
Nói những câu rất tế nhị thế này:

"Quân của vua là đám người hèn nhát.
Khi giặc cướp, không ai lo trừng phạt.

Cướp nổi lên và hoành hành ở đâu
Thì ở đấy sẽ không bao giờ giàu.

Vì lái buôn không mang hàng đến bán
Ở những nước nhiều cướp đường dấy loạn".

Muốn tiếng tốt và ngồi yên trên ngai,
Vua phải yêu và quí khách nước ngoài.

Hãy giúp đỡ nếu họ cần giúp đỡ,
Vì chính họ làm bạc vàng sinh nở.

Xem thường khách là điều không nên,
Hại quốc gia, hại cả kho tiền.

Theo phong tục bao thời nay tốt đẹp,
Cửa vào đất nước mình vua chớ khép.

Nhưng xem chừng, dù chỉ để phòng xa,
Kẻo người gian, kẻ xấu lén vào nhà.


* * *
Người nổi loạn không thành công, bắt được,
Không nên giết mà đầy ra khỏi nước.

Là nạn nhân của thói xấu chính mình,
Những người tù phiêu bạt đến, đừng khinh.


* * *
Hãy yêu quí những người bằng lao động
Đã vất vả suốt đời nuôi ta sống.

Ngay cả khi đầy tớ yếu và già,
Cũng đừng nên chế giễu, đuổi người ta.

Nên thỉnh thoáng, dù không còn phục vụ,
Ta cũng nhớ cho quà vì nghĩa cũ.

Xưa Shapur, khi già yếu cuối đời
Bị dần dần Khôstrốp bỏ rơi.

Lúc gặp cảnh quá buồn đau, nghèo đói,
Ông viết thư cho đức vua, và nói:

"Con giúp vua hàng mấy chục năm liền,
Nay con già, không lẽ bị vua quên?"


TRUYỆN

Một bạo chúa ác và tham nổi tiếng,
Không hiểu sao đang đêm rơi xuống giếng.

Hắn xưa nay chuyên đè nén dân thường,
Thế mà giờ thành bất lực, đáng thương.

Hắn than khóc suốt đêm, đầy hối lỗi.
Có một người đi phía trên liền nói:

"Ngươi chờ ai đến cứu? Hỏi trong đời
Ngươi xưa nay đã cứu được mấy người?

Ngươi đào hố chôn người ta, thì đó,
Nay thượng đế bắt ngươi rơi xuống hố!


* * *
Hãy trao quyền cho ai thờ thượng đế.
Ai sợ vua, xin đừng tin, bởi lẽ

Những người ngay chỉ run sợ trước trời,
Nhưng không vì sự thật - sợ đầu rơi.

Một trăm người chỉ vài người trong sạch.
Phải tự mình kiểm tra tiền, sổ sách.

Hai anh em hoặc bà con cùng quê
Đừng giao chung một công việc, một nghề.

Họ có thể thông đồng nhau làm bậy,
Rồi bào chữa, bênh cho nhau sau đấy.

Khi trộm cướp tranh nhau ăn, lạc đà
Cứ chở hàng mà yên trí đi qua.


* * *
Trên đời này không có ai sống mãi.
Nhưng người tốt chết đi, tên để lại.

Xưa và nay bất tử vẫn là người
Chết để lại nhiều việc tốt cho đời.

Còn ai chết mà không gì để lại,
Sẽ bị quên như cây không có trái.


TRUYỆN

Tôi còn nhớ từng đọc trong sách cổ
Chuyện Tucla lên ngôi vua nước nọ,

Rằng dẫu ông dòng dõi chẳng cao sang,
Nhưng trị nước rất công minh, đàng hoàng.

Ông học hỏi người xưa, yêu sự thật,
Và làm gì cũng bắt theo pháp luật.

Thế mà rồi, không hiểu sao Tucla
Bỗng một hôm đến thưa chuyện với cha:

"Đời bèo bọt, xin cho con thoái vị.
Con muốn được nghỉ ngơi, làm ẩn sĩ,

Để bình tâm suy ngẫm lại đời mình
Như những nhà hiền triết giỏi, thông minh."

Ông bố nghe, lắc đầu, nghiêm nét mặt:
"Con sai rồi, với vua, quan trọng nhất

Là giúp dân bằng công việc của mình,
Chứ không phải ở ẩn hoặc cầu kinh.

Cứ tiếp tục con làm vua như trước.
Cứ tiếp tục chăm việc dân, việc nước.

Làm ẩn sĩ là hèn nhát lánh đời.
Cái khó hơn - làm việc tốt giúp người!"


* * *
Đừng tin lời xu nịnh, mỗi lần nghe
Tự vua nên tìm hiểu kỹ mọi bề.

Đừng tin ai gièm pha người tử tế.
Ai xin tha, nên tha khi có thể.

Ai cầu xin chỗ ở, cứ cho nhà.
Người lỗi lầm lần thứ nhất, nên tha.

Hắn tái phạm lần thứ hai, lúc đó
Vua lại bắt và đeo gông vào cổ.

Còn nếu gông cũng chẳng giúp được gì,
Thì cây này đã thối, nhổ vứt đi.

Khi trừng phạt các lỗi lầm của hắn,
Trước khi giết nên đắn đo cẩn thận:

Đập vỡ bình là việc dễ và nhanh,
Nhưng làm sao gắn lại được nguyên lành?


* * *
Uống nước suối, hái hoa - không phải lỗi.
Giết kẻ ác qua tòa - không phải tội.

Ai chiểu theo pháp luật đáng chém đầu,
Thì yên tâm mà chém, chớ buồn lâu.

Nhưng nếu hắn còn gia đình, con cái,
Thì hãy tha nếu thực tình hối cải.

Ai lỗi lầm, người ấy chịu, bắt đi.
Nhưng vợ con người ấy tội tình gì?


* * *
Vua dũng cảm và quân vua hùng mạnh,
Cũng đừng đem sang nước người mà đánh.

Vua và quan yên ổn sống trong thành,
Chỉ dân nghèo là lâm họa chiến tranh.


* * *
Trong đám tù vua đang giam, nên hỏi
Nhỡ biết đâu có người vô tội.


* * *
Khi lái buôn nước ngoài chết, không nên
Lấy hàng hóa của anh ta, lấy tiền.

Vua sẽ bị đời cười chê, mang tội.
Rồi người nhà của anh ta sẽ nói:

"Khổ thân chưa, chết lưu lạc đất người,
Vua lại còn cướp hết của, trời ơi..."

Vua hãy nghĩ về bầy con người đó.
Có thể chúng đang thiếu ăn, đói khổ.

Năm mươi năm nổi tiếng đấng vua hiền,
Trong một giờ có thể vấy bùn đen.

Ông vua tốt được muôn đời ca tụng
Là ông vua không cướp tiền dân chúng.


* * *
Tôi nghe kể có ông vua nước nọ
Ra đường mặc chiếc áo thô vải bố.

"Thưa đức vua, - một người nói, - sao ngài
Không mặc đồ nhung lụa lúc ra ngoài?"

"Để làm gì? Áo quần này cũng quí.
Nhung và lụa là thứ hàng xa xỉ.

Thuế của dân đâu phải để ta dùng,
Sống an nhàn trong lụa đẹp và nhung?

Ta mà diện như một cô gái trẻ
Thì còn đâu cái oai nghiêm hoàng đế.

Sẽ ra sao với chính sự nước nhà
Nếu những trò phù phiếm hại đời ta?

Tiền của nước không để vua ăn diện,
Mà để dùng nuôi quân, làm việc thiện."


* * *
Nếu có thể chiến thắng bằng hòa bình,
Đừng bao giờ phát động chiến tranh.

Đừng để máu của ai rơi - lúc ấy
Vua sẽ mạnh và tiếng tăm lừng lẫy.

Giọt máu tươi quí hơn bạc, hơn đồng,
Hơn cả nhiều vương quốc rộng mênh mông.

Bắt tù binh, đừng nên tra tấn họ,
Vì không thế, họ đã nhiều đau khổ.

Ai xin tha, cho họ sống yên lành.
Máu đổ nhiều, hơi bốc thấu trời xanh.


TRUYỆN

Ở thành Sham, có một người, năm nọ
Vào hang núi để trốn xa thành phố.

Sống trong hang, không mang nặng gánh đời,
Ông trở thành rất thông thái, thảnh thơi.

Ông ăn mặc như một nhà tu sĩ.
Khuđađus là tên ông bình dị.

Vua và quan thường mang lễ đến trình
Như trình thần Khusrơ anh linh.

Ông đoạn tuyệt với phù hoa trần tục
Để sống cảnh đói nghèo nhưng hạnh phúc.

Vua ở nước ông đang trú lúc này
Là một người nổi tiếng ác xưa nay.

Hắn ăn cướp, dối lừa, quen bao lực.
Với thần dân, hắn chuyên quyền áp bức,

Làm ai ai cũng kinh sợ, thế là
Không ít người bỏ nước trốn đi xa.

Một số khác thì nằm lì đâu đấy,
Luôn miệng trách ông vua tàn ác vậy.

Ở nước nào vua độc ác, giết người,
Ở đấy ta sẽ không nghe tiếng cười.

Tên bạo chúa một lần tìm ẩn sĩ,
Nhưng ông vội quay lưng, không để ý.

"Thưa hiền sư, - hắn nhẫn nhục van nài, -
Tôi đến đây với lòng tốt, mong ngài

Hãy phán dạy dăm lời hay ý đẹp.
Đừng khinh bỉ, đừng quay đi không tiếp.

Hãy xem tôi như một đứa dân thường.
Tôi không bằng cái lũ ấy đáng thương?"

Nhà tu hành nghe xong, liền đáp lại:
"Hãy lắng nghe, thưa đức vua vĩ đại.

Tôi là người ưa cảnh thú thiên nhiên.
Vua làm dân phải đau đớn, than phiền.

Vua là thù của bạn tôi, vì vậy
Tôi không bạn cùng vua như vua thấy.

Tôi và vua không chung một mái nhà.
Việc vua làm trời đất sẽ không tha.

Đừng chạm môi vào tay tôi, hãy vội
Làm bè bạn với những ai nghèo đói".


* * *
Đã làm vua, đừng áp bức dân nghèo,
Không thì rồi vương quốc sẽ mất theo.

Đừng cậy mạnh mà xem thường sức họ.
Sa mạc chính là nhiều cồn cát nhỏ.

Kiến một khi biết xúm lại thành bầy
Thì liệu hồn sư tử, hãy trốn ngay!

Một sợi tóc dù mong manh, bé thật,
Nhưng nhiều sợi thành dây bền hơn sắt.

Vua xử oan và tàn ác, rồi ngài
Cũng có ngày sẽ gặp cảnh oan sai.

Chức và tước không bằng lòng trong sạch.
Thà kho bạc trống không hơn dân trách.


* * *
Vua nghe trống, nhưng không bao giờ biết
Người đánh trống của vua còn hay chết.

Người chở hàng thấy hàng đủ, quên ngay
Không thèm biết lạc đà béo hay gầy.

Anh sung sướng sống vô tư, xin hỏi,
Sao không giúp láng giềng anh nghèo đói?

Cho các anh, những người ác mà giàu,
Tôi xin trình một câu chuyện như sau;


TRUYỆN

Tôi còn nhớ, một lần ở Đamat,
Có đói to, như thể trời trừng phạt.

Suốt cả năm không một giọt mưa nào,
Khô cháy đồng, khô cháy cả hồ ao.

Sông cũng cạn, mọi hoa màu đều mất.
Không có nước, có chăng là nước mắt.

Nắng như thiêu, cây và cỏ úa vàng,
Nên nhà nào cũng đói khổ, tóc tang.

Đúng lúc ấy, tôi gặp người bạn cũ -
Ốm, gầy yếu và mặt mày ủ rũ,

Dù gần đây còn nổi tiếng rất giàu
Và là người đáng trọng, đấng mày râu.

Tôi liền hỏi: "Có chuyện gì thế vậy,
Mà làm ông trông đổi thay nhường ấy?"

"Ông điên sao, - bạn tôi đáp, - bây giờ
Hỏi thế này là mắc tội thờ ơ.

Không lẽ ông không thấy người đang đói,
Đang chẳng biết làm sao mà thoát khỏi?

Không bánh mì, không ngụm nước cầm hơi,
Tiếng kêu than đang vang đến tận trời!"

Tôi lại hỏi: "Nhưng ông giàu loại cỡ.
Người ta chết, việc gì ông mà sợ?

Vịt không lo bị chết đuối. Đời này
Hễ có tiền là tất cả có ngay."

Ông bạn tôi nheo mắt nhìn bực dọc,
Như hiền triết nhìn anh chàng ngu ngốc:

"Vâng, là thuyền, tôi không sợ nước cao.
Nhưng hỏi ai khi trông thấy đồng bào

Đang chết đói mà yên tâm hưởng lạc?
Làm tôi đau là cái đau người khác!

Nghe tiếng kêu của người ốm hiền lành,
Tôi thấy lòng đau đớn. Lúc xung quanh

Cả thành phố đang chết dần vì đói,
Hỏi có bánh, tôi làm sao ăn nổi?"


* * *
Đừng cho vua là cao nhất trên đời.
Tôi thích làm một tu sĩ thảnh thơi

Hơn làm vua, vì như vua đã biết:
Mang càng nhẹ, đi càng nhanh, đỡ mệt.

Anh nghèo cần một mẩu bánh là xong.
Vua thì lo trăm thứ chuyện trong lòng.

Mà rồi buồn hay vui, hay sướng khổ,
Ai cũng thế, như nhau khi xuống mộ -

Cả ông vua vương miện đội trên đầu,
Cả anh nghèo không có tiền cạo râu.


* * *
Khi tôi tới Hila, nghe kể lại,
Có sọ dừa nói với ông thầy cãi:

"Ta là vua rất nổi tiếng một thời,
Dẫn trăm nghìn binh sĩ đánh khắp nơi.

Ai cũng sợ quân ta, ta đuổi giặc.
Ta từng chiếm cả thành đô Irắc.

Ta lừng danh là thế đấy, vậy mà
Nay dưới mồ sâu kiến đã ăn ta!"

Thưa đức vua đang quyền uy lẫm liệt,
Hãy lắng tai nghe những người đã chết.


TRUYỆN

Vào năm ấy, khi trở thành khalif,
Vua Mamun chọn một cô gái đẹp

Đem vào cung. Cô xinh ít ai bằng -
Khuôn mặt tròn, tươi sáng tựa vầng trăng.

Móng tay đỏ, lông mày đen, da mịn,
Làm ai nhìn cũng đem lòng yêu mến.

Và rồi đêm, vua đến định ái ân,
Nhưng lạ thay, cô gái chẳng cho gần.

Vua tức giận rút gươm ra, lúc ấy
Định chém cô vì cả gan làm vậy.

Cô gái kêu: "Vua cứ chém, chờ gì.
Đừng đến gần! Không, hãy tránh xa đi!"

Vua thấy vậy, vì tò mò, liền hỏi:
"Nhưng vì sao ngươi ghét ta, hãy nói!"

Cô gái kia, không một chút ngại ngùng
Đáp: "Vì vua miệng thối, thối vô cùng!

Thà bị kiếm chém một lần cho chết,
Hơn chịu mãi cái mùi kia đáng ghét!"

Vua nghe xong rất xấu hổ, bực mình.
Vua, một người đầy uy lực, thông minh,

Suốt đêm ấy Mamun nằm nghĩ ngợi,
Sáng hôm sau cho mời thầy thuốc tới

Để tìm xem căn bệnh oái oăm này
Là bệnh gì, và mau chóng chữa ngay.

Mấy ngày sau, khi đức vua bệnh khỏi,
Miệng của vua đã không còn hôi thối.

Vua cưới ngay cô gái ấy, còn nàng
Được vua gần và nhất mực yêu thương.

"Bạn của ta là người, - vua vẫn dạy, -
Chỉ cái xấu của ta cho ta thấy!"


* * *
Ở những đâu thu xếp được bằng lời
Thì xin đừng để máu chảy, đầu rơi.

Vì chiến tranh là điều ngu, vô ích.
Dùng quà tặng mà bịt mồm kẻ địch.

Hãy cố lo yên ổn sống hòa bình.
Với kẻ thù phải khôn khéo, thông minh.

Nhờ mưu chước mà Rustam già yếu
Đã thắng được Isphanđia kênh kiệu.

Bạn của vua mà càng ít bao nhiêu,
Kẻ thù vua sẽ càng mạnh, càng nhiều.

Khi kẻ địch quá đông hay quá mạnh,
Chỉ thằng ngốc mới lao đầu vào đánh.

Quân vua nhiều mà địch ít là khi
Cũng không nên diệt chúng, chẳng ích gì.

Vua hùng mạnh, có hòa bình cũng tốt,
Và gây chiến vẫn là điều dại dột.


* * *
Khi lời nói không giúp được hòa bình
Thì buộc lòng phải phát động chiến tranh.

Với thằng láo mà hiền thì thằng ấy
Sẽ láo hơn, sẽ quen đường làm bậy.


* * *
Khi hàng ngũ không chỉnh tề, xin vua
Đừng vội lao vào đánh, kẻo mà thua.

Khi thấy thua thì rút ngay, đừng đợi.
Hãy dành sức cho những ngày sắp tới.

Ở đất địch, vua có mạnh gấp năm,
Cũng xin đừng vì thế vội yên tâm:

Địch dù ít, trên đất mình vẫn mạnh,
Một bằng năm, bằng mười trong trận dánh.

Khi hành quân, xin cẩn thận, coi chừng,
Vì kẻ thù có thể đánh sau lưng.

Địch tháo chạy, đừng đuổi theo xa quá.
Đừng bỏ bạn ở nhà, phòng tai họa.

Quân của vua mà thành lũ cướp ngày,
Đó là điều nhục nhã nhất xưa nay.

Vua để quân cướp của người nghèo khổ,
Nghĩa là vua tự xô ngai mình đổ.


* * *
Giao chàng trai điều khiển việc chiến tranh,
Nghĩa là vua chuốc thất bại vào mình.

Vì trị nước và chiến tranh, thiết nghĩ,
Không là việc chơi cờ hay giải trí.


* * *
Thưa đức vua, để nước mạnh, phồn vinh,
Đừng xem thường trí thức, việc nhà binh,

Vì ngòi bút, thanh gươm là nền móng
Để vua xây lâu đài vua cao rộng.

Hãy chăm lo khoa học, giúp người đời.
Đừng vùi đầu vào yến tiệc, vui chơi.

Ai cũng biết, nhiều quốc gia sụp đổ
Chỉ vì vua ham ăn chơi quá độ.

Xin đừng tìm dũng cảm trong hơi men
Khi kẻ thù đã kéo đến kề bên.

Giặc dọa đánh không là điều đáng sợ.
Giặc nói hòa đáng lo hơn, hãy nhớ.

Không ít khi giặc cống lễ ban ngày,
Đêm lại rình đánh úp chẳng ai hay.

Vua sáng suốt ngủ cùng gươm, cùng giáp
Chứ không phải trên mền bông ấm áp.

Hãy âm thầm lo chuẩn bị chiến tranh,
Vì không biết bao giờ giặc đánh mình.


* * *
Khi vua có hai kẻ thù, dù nhỏ,
Cũng phải nên đề phòng, đừng khinh họ.

Khi bất ngờ họ hợp lại đánh vua,
Thì dễ gì vua sẽ thắng, không thua?

Phải tìm cách diệt một người, người khác
Cần mua chuộc bằng quà hay tiền bạc.

Thấy kẻ thù đang hiềm khích, tranh ăn,
Hãy nên vui và đừng bước lại gần,

Vì khi sói cắn nhau, vua đã rõ,
Cừu cứ việc yên tâm mà gặm cỏ.


* * *
Khi bắt được tù binh, quân hoặc tướng,
Đừng vội giết mà ban ơn độ lượng.

Vì sau này có thể lấy tù binh
Để làm tin hay chuộc lại quân mình.

Hãy thương họ, vì biết đâu có thể
Vua sẽ thành một tù binh như thế.


* * *
Khi bạn vua là bà con, họ mạc,
Với kẻ thù của vua, nên cảnh giác,

Bởi anh ta, vì tình nghĩa họ hàng,
Có thể phản lại vua rất dễ dàng.

Biết bản chất con người luôn tráo trở,
Vua tránh được rất nhiều điều đáng sợ.


* * *
Vua đừng dùng những người nào trước đó
Đã dấy loạn chống đức vua của họ,

Vì một khi họ phản bội vua mình,
Thì với vua họ cũng khó trung thành.

Người thay chủ, vua hẵng khoan tin vội.
Giao công việc, nhưng đừng quên theo dõi.


* * *
Khi chiếm được một thành phố quân thù,
Việc đầu tiên là mở các nhà tù.

Người bị giam đang oán người giam họ.
Được vua cứu, họ mang ơn điều đó.


TRUYỆN

Có ông vua, không hiểu sao lại vậy,
Bỗng đổ bệnh, khắp người luôn ngứa ngáy.

Vua ghen tị với những người xung quanh,
Rằng họ không bị ngứa, gãi như mình.

Thấy vua ốm, đau và gầy yếu quá,
Quan tể tướng bèn khuyên: "Tâu bệ hạ,

Ở trên núi có một vị cao niên,
Rất thông minh, nổi tiếng một người hiền.

Một pháp sư, một thầy lang rất giỏi.
Nếu nhận chữa thì bệnh gì cũng khỏi!

Xin bệ hạ cho người mời đến ngay,
Để ông ta chữa trị giúp bệnh này."

Ngay lập tức, người của vua vội vã
Dẫn ông kia vào cung từ hang đá.

"Ngươi giúp ta chữa khỏi bệnh, nhanh lên, -
Vua van xin. - Ta sẽ thưởng nhiều tiền!"

Ông già kia, một con người khắc khổ,
Nhìn vua nói, vừa khinh vừa phẫn nộ:

"Trời chỉ thương những người tốt, mà ngươi,
Ngươi độc ác, còn mong gì ở trời?

Ngươi cầu kinh để xin trời hạnh phúc,
Nhưng lại nhốt bao nhiêu người trong ngục.

Ngươi bắt dân phải đói khổ lâu nay,
Nên chẳng lạ, bị trừng phạt cách này.

Ngươi trước hết phải xin trời xá tội,
Rồi mới mong hết đau, mong bệnh khỏi.

Không thì ngươi cứ khóc đi, rên đi,
Cứ cầu xin nhưng chẳng được ích gì!"

Vua nghe thế, định gầm lên quát tháo,
Thậm chí giết ông già kia hỗn láo,

Sau bình tâm, thấy ông đúng, dần dần
Cho mở hết các nhà tù. Còn dân

Được giảm thuế, giảm lao công, dễ thở,
Không bị giết, bị giam cầm vô cớ...

Vị pháp sư, ẩn sĩ ấy cuối cùng
Cầu cho vua khỏi bệnh, thật lạ lùng,

Là vua khỏi ngay tức thì sau đó.
Cứ như vua chưa từng đau, ngứa, khổ.

Vua sung sướng sai đem nhiều bạc vàng
Thưởng cho ông, nhưng ẩn sĩ vội vàng

Nói: "Thưa vua, vua một lần đã ngã,
Vậy cẩn thận, đừng bước đi vội quá.

Ngã một lần có thể dậy, lần sau
Dậy thế nào - chưa biết trước được đâu!"


TRUYỆN

Ở đất nước Ôman xưa vĩ đại
Có một người hiểu biết nhiều, thông thái.

Ông lang thang, luôn đây đó suốt đời,
Chính vì thế mà thông minh hơn người.

Khi nói chuyện với ai, ông cũng cố
Học cái hay, cái khôn ngoan của họ.

Ông thành người uyên bác nhất xưa nay,
Lại công tâm, chính trực - những điều này

Được giấu kín dưới vẻ ngoài tàn tạ,
Ông gầy yếu, áo quần nhiều mảnh vá.

Khát, đói ăn là chuyện rất bình thường
Trong những ngày ông lang thang trên đường,

Rồi một hôm, ông đến thành phố nọ,
Thuộc một nước bé thôi, nhưng giàu có.

Vua nước này, dẫu trẻ, chẳng ham chơi,
Muốn lưu danh, để tiếng tốt cho đời.

Ông được vua gọi vào cung, lập tức
Được tắm rửa, cho uống, ăn lại sức.
. . . . . .


       Chương Hai

   VỀ VIỆC THIỆN

Hãy nhận biết phần bên trong sự thật.
Đời bèo bọt, cái vẻ ngoài dễ mất.

Một khi ta làm việc tốt cho đời,
Nằm dưới mồ, ta sẽ được thảnh thơi.

Tương lai anh, anh phải lo, hãy nhớ:
Trong việc này đừng chờ ai giúp đỡ!

Để chính anh tránh được chuyện không lành,
Đừng quên người đang đau khổ bên anh.

Hãy chia của cho người đang đói rách,
Vì có thể ngày mai anh mất sạch.

Lúc lên đường hãy mang theo thức ăn.
Đừng quá tin vào lòng tốt người thân.

Lời cầu nguyện không làm ai đỡ khổ.
Tay của ai chỉ gãi lưng người đó.

Anh có gì hãy hào phóng mang ra,
Đừng giấu đi như giấu bạc sau nhà.

Ai giúp đỡ người nghèo khi rét đói,
Sẽ hạnh phúc và được trời tha tội.


TRUYỆN

Một tên bợm tới gặp nhà thông thái:
"Tôi đang bị thằng cho vay nặng lãi

Dọa tống giam vì nợ hắn ít tiền,
Nợ ít thôi, nhưng độc ác, đê hèn,

Hắn bắt trả gấp mười lần tiền nợ,
Và ngày nào cũng đến đòi, thật sợ.

Hắn là tên vô lại, một thằng tồi,
Bêu xấu người rất danh giá, là tôi.

Hắn đập cửa, dọa lột da, dọa giết,
Tôi đi đâu, cũng bám theo rất riết.

Biết làm sao thoát khỏi hắn bây giờ?
Biết kiếm đâu chỉ hai đồng đracmơ?"

Vốn thương người, ông kia, không nghĩ ngợi,
Đưa cho hắn hai đồng vàng còn mới.

Nhìn thấy vàng, thằng bợm mắt long lanh,
Nhận được tiền, liền vội lủi rất nhanh.

Một đầy tớ của nhà thông thái nọ
Bẩm: "Thưa ông, sao đưa tiền cho nó?

Nó là tên lừa đảo, gã ăn mày,
Chuyên làm nghề bịp bợm bấy lâu nay!"

Nhà thông thái thản nhiên nghe, rồi nói:
"Con im đi, đừng hồ đồ, nông nổi.

Nếu thực tình nó gặp nạn, nhờ ta,
Không bị giam mà được sống ở nhà.

Còn nếu không, cũng chẳng sao điều đó.
Hai đồng tiền đã giúp ta thoát nó!"


* * *                  
Ai khôn ngoan sẽ lo làm việc thiện,
Giúp tất cả mọi người, không định kiến.

Hãy khôn ngoan làm theo đúng những gì
Được nói nhiều trong tác phẩm Saađi,

Vi ông ta toàn khuyên điều đức độ,
Chứ không phải nói vu vơ, vô bổ.


* * *
Ngày Phán Xét, muốn được trời xử nhẹ,
Thì khi sống phải là người tử tế.

Ai bất hạnh, thiệt thòi, đừng lánh xa,
Mà phải giúp, phải bênh vực người ta.

Thằng nô lệ cũng đừng khinh, vì hắn
Có thể sau thành vua nhờ số phận.

Việc của trời ai đoán được xưa nay:
Nay anh giàu, mai biết đâu trắng tay.

Để chính anh không phải hầu người khác,
Với gia nhân đừng bất công, tệ bạc.

Có một cách giúp anh tránh được nghèo,
Là hãy lấy của mình cho người nghèo.



TRUYỆN

Có một người đang đi trên sa mạc,
Thấy con chó nằm yên chờ chết khát,

Liền vội vàng mang nước đến, than ôi,
Con chó kia không đứng nổi, và rồi

Ông ta bế lên tay mình âu yếm,
Cho uống nước và cứu qua nguy hiểm.

Từ trên cao, thượng đế thấy, hài lòng,
Tha mọi điều tội lỗi trước cho ông.

Hỡi bạo chúa, giờ trả thù đã đến.
Hãy chuộc tội của mình bằng việc thiện.

Hãy giúp ai nghèo khổ, hãy sợ trời,
Vì quí hơn con chó là con người.


* * *
Khi gặp trẻ mồ côi, đừng coi khinh,
Mà hãy yêu như yêu chính con mình.

Hãy chăm sóc, cho uống ăn tử tế -
Cây non chết một khi không còn rễ.

Khi bên anh là đứa trẻ mồ côi
Khóc, cô đơn và bé nhỏ đang ngồi,

Thì để tránh không gây thêm đau khổ,
Đừng chiều chuộng các con anh trước nó.

Nó không may mất tổ ấm gia đình,
Hãy rộng lòng cho nó trú nhà anh.

Ngay từ bé mẹ cha tôi đã chết,
Nên cái cảnh mồ côi tôi rất biết.


TRUYỆN

Một tu sĩ đạo Hồi gần đây
Kể tôi nghe một câu chuyện thế này:

Ở đất nước Yemen, đang sống
Một ông vua rất nổi danh hào phóng.

Ngày tiếp ngày, như cơn mưa mùa xuân,
Vua gieo tiền và bánh xuống cho dân.

Không hiểu sao vua đem lòng tức tối
Và ghen ghét với Khatam. Vua nói:

"Khatam à? Thử hỏi hắn là ai?
Một thằng nghèo không vương miện, đất đai!"

Rồi một hôm, nhân dịp vui nào đấy,
Vua mở tiệc, to chưa bao giờ thấy.

Trong lúc vui, bỗng nhắc đến Khatam,
Ai cũng khen, ca ngợi việc ông làm.

Vua tức giận vì thầm ghen, liền gọi
Tên nô lệ sang một bên, và nói:

"Thằng Khatam hỗn láo đến mức này.
Mày hãy tìm... Mang đầu hắn về đây!"

Người nô lệ liền phi ra đồng cỏ,
Nơi Khatam đang dựng lều ở đó.

Dọc đường đi anh ta gặp một người
Bỗng hiện ra như do bởi ý trời.

Người ấy tốt, dịu dàng mời khách quí
Về căn lều của ông ta tạm nghỉ.

Rồi giữa nơi vắng vẻ, rất ân cần,
Ông liền mời ăn uống tựa người thân.

Sáng hôm sau, chủ nhà thân mật nói:
"Anh cứ nghỉ nhà tôi, đừng đi vội".

Khách trả lời: "Không, tôi phải đi ngay,
Vì vua giao một việc lớn hôm nay".

"Việc gì vậy? Nói tôi nghe, đừng sợ.
Tôi sẽ đi cùng anh và giúp đỡ."

"Thưa chủ nhà rất hiếu khách, tất nhiên,
Tôi tin ông là kẻ sĩ, người hiền.

Vua sai tôi, mong ông đừng để lộ,
Tìm Khatam sứ Tai, và sau đó,

Dù Khatam rất nổi tiếng từ lâu,
Theo lệnh vua, tôi vẫn phải chém đầu.

Ông làm ơn chỉ cho tôi được biết
Đường tới gặp con người tôi phải giết".

Chủ nhà nói: "Thế thì gươm ông đâu?
Tôi, Khatam, xin hãy cứ chém đầu.

Tôi là chủ, phải chiều ông mọi cách,
Kể cả việc dâng đầu tôi cho khách!"

Rồi Khatam vội vã cúi đầu mình
Dưới lưỡi gươm của sứ giả triều đinh.

Khách thấy vậy không dám nhìn, liền vội
Quì xuống đất, chắp hai tay, và nói:

"Tôi chỉ là con chó ghẻ nhớp nhơ
Nếu đang tâm giết ông chết bây giờ".

Rồi anh ta ôm Khatam từ biệt
Để quay lại chốn thành đô chịu chết.

Vừa đến nơi, vua quát: "Nói ta nghe,
Đầu Khatam sao không thấy mang về?

Hay trong lúc đánh nhau ngươi mệt mỏi
Và hèn nhát nên đã thua, hãy nói!"

Anh kia nghe, liền quì lạy mà rằng:
"Thưa đức vua rất vĩ đại, công bằng,

Con đã gặp Khatam, và đã thấy
Quả xưa nay chưa có ai như vậy.

Ai cũng khen ông ta tốt nhất đời,
Rất thông minh và dũng cảm hơn người.

Nhờ hào hiệp, hảo tâm và nhẫn nhục,
Mà ông ta đã làm con khâm phục."

Còn đức vua Yemen hồi lâu
Chăm chú nghe câu chuyện suốt từ đầu.

Vua hậu hĩnh thưởng công người nô lệ
Rồi khen ngợi Khatam về xử thế.


TRUYỆN

Một chàng trai gặp ông già hành khất
Thương và cho một đồng xu nhỏ nhất.

Rồi chàng trai không biết phạm lỗi gì,
Bị vua truyền chém cổ, lính bắt đi.

Cả người trẻ, cả người già hôm đó
Đều kéo nhau chạy ra xem đầy phố.

Ông già kia lúc ấy đứng bên đường,
Trông thấy chàng sắp chết, động lòng thương,

Liền kêu lớn: "Ôi đức vua vĩ đai!
Vua của ta vừa chết xong. Quay lại!"

Bọn lính nghe, hoảng sợ chạy vào cung
Thấy đức vua còn sống, giận vô cùng.

Trong khi đó thì chàng trai trốn thoát.
Vua cho bắt ông già vào, và quát:

"Ngươi bỗng nhiên bịa chuyện thế làm gì?
Hay thực lòng mong ta chết? Nói đi!"

Ông già sợ, cúi thấp đầu chịu tội:
"Tâu bệ hạ, quả là con nói dối,

Nhưng ngài xem, không mang hại chút nào,
Mà một người được cứu sống, may sao".

Vua nghe thế liền lấy làm kinh ngạc,
Tha không giết, cho ông đi nơi khác.

Có nghĩa là chỉ mất một đồng chinh
Mà chàng trai đã cứu được mạng mình.


* * *
Trong một lần đi săn, Bakhram
Bị gãy chân vì con ngựa bất kham:

"Ta phải thay con ngựa này, vì nó
Chắc lần sau sẽ làm ta gãy cổ!"

Muốn xây đập để chắn đứng dòng sông
Thì phải xây khi mực nước đang nông.

Phải giết sói khi nó đang sa bẫy
Để bầy cừu được ngủ yên sau đấy.

Lòng từ bi ở người ác, đừng chờ.
Quỉ Iblis không mộ đạo bao giờ.

Trông thấy rắn bất ngờ, đừng bỏ chạy,
Hãy bình tĩnh đối đầu, tay nắm gậy.

Tôi, Saađi, thích giáo huấn dài dòng,
Nhưng toàn điều sẽ giúp bạn thành công.



Chương Ba

VỀ TÌNH YÊU, SỰ ĐAM MÊ
VÀ ĐIÊN RỒ TRONG TÌNH YÊU

Người đang yêu, dù buồn đau thương nhớ,
Vẫn hạnh phúc và thấy đời rực rỡ.

Họ coi khinh cả pháp luật, chính quyền.
Trong đói nghèo họ thấy cảnh thần tiên.

Họ uống chén tình yêu trong im lặng,
Dù tình yêu chỉ cho toàn cay đắng.

Họ như nhà rêu phủ, bám đầy gai,
Đẹp bên trong, tuy xấu xí bề ngoài.

Con thiêu thân lao vào đèn để cháy.
Họ cũng lao vào tình yêu cách ấy.


TRUYỆN

Một lần nọ, giữa tiếng đàn vui vẻ,
Có một cô rất xinh và rất trẻ

Múa say mê, rồi không hiểu thế nào,
Vì lửa tình hừng hực bốc lên cao,

Hay có thể vì chạm đèn đâu đấy
Mà một phần chiếc áo dài bị cháy.

Và cô nàng liền tức giận kêu to.
Tôi nhẹ nhàng lên tiếng nói: "Thưa cô,

Bình tĩnh lại. Chỉ tí quần cô cháy.
Tôi thì cháy cả người, cô chẳng thấy."


TRUYỆN

Có một đôi chơi rất thân từ nhỏ
Rồi lớn lên thành vợ chồng, sau đó

Cô vợ vui vì hạnh phúc, anh chồng
Không hiểu sao bỗng ghét vợ vô cùng.

Anh ta chẳng một lần nhìn ngắm vợ,
Luôn quay mặt, luôn bực mình vô cớ.

Vợ thì xinh và rất tốt, thế mà
Lại bị chồng ruồng rẫy, tội cô ta.

Mọi người trách: Sao anh làm như thế?
Ghét thì cho vợ về nhà bố mẹ.

Anh chàng kêu: "Để thoát khỏi cô nàng,
Để được yên, tôi chịu mất nghìn vàng!"

"Tôi thà chịu buồn đau, - cô vợ nói, -
Nhưng thiếu chàng, tôi không sao sống nổi.

Tôi không ham nhiều châu báu, bạc vàng,
Chỉ cốt sao không phải sống xa chàng!"

Thường vẫn thế, bị coi khinh, ruồng rẫy,
Ta lại yêu người ghét mình như vậy.


* * *
Chắc chúng ta đã từng thấy nhiều lần:
Như ánh đèn, đom đóm sáng ngoài sân.

Có người nói: "Vì sao, xin hỏi thật,
Đêm ngươi sáng mà ban ngày ngươi tắt?"

Vốn thông minh, đom đóm chỉ lắc đầu
Và trả lời rất chính xác như sau:

"Chúng tôi sáng cả ban ngày nữa đấy,
Tiếc là vì mặt trời, anh chẳng thấy."


TRUYỆN

Một lần nọ có một cô gái trẻ,
Trở về nhà, kêu ca cùng bố mẹ:

"Ôi, chồng con nay lãnh đạm, thờ ơ.
Con không biết phải làm gì bây giờ.

Xung quanh con mọi người đều hạnh phúc,
Chỉ mình con chịu buồn đau, tủi nhục.

Ông chồng nào cũng yêu quí vợ con,
Quyến luyến nhau cả thể xác, tâm hồn.

Thế mà con, bị chồng con ghét bỏ,
Cả đến nhìn cũng không, ôi, thật khổ.

Làm thế nào để lần nữa chồng con
Yêu quí con, cả thể xác, tâm hồn?"

Ông bố nghe, vốn là người thông thái,
Đã mỉm cười, dịu dàng khuyên con gái:

"Nó thờ ơ? Con bảo nó không yêu?
Nhưng nó tốt, đẹp trai và biết điều,

Lại có hoc, giỏi lo toan công việc.
Mất một người như chồng con, bố tiếc.

Về phần con, con yêu nó mức nào?
Thế nhỡ con cũng có lỗi thì sao?

Hãy cố lên, trong tình yêu, con gái,
Quan trọng nhất là có đi, có lại!"



* * *
Trong tình yêu, hãy đi đường của mình.
Đừng chú ý những lời gièm xung quanh.

Hãy đi hướng tình yêu đang vẫy gọi,
Vì đi chệch sẽ rơi vào bóng tối.

Chết vì tình là cái chết vẻ vang,
Hơn cô đơn phải chết giữa đống vàng.

Khi anh yêu, tâm hồn anh mọc cánh.
Là hạnh phúc khi vì tình bất hạnh.

Trong tình yêu, chỉ hạnh phúc nếu anh
Biết hiến dâng, tự chối bỏ chính mình.


TRUYỆN

Một tối nọ, chán làm thơ, chán đọc,
Tôi đi ngủ, mà cứ nằm trằn trọc.

Bỗng tôi nghe trong đêm vắng đâu đây
Con Thiêu Thân nói với Nến thế này:

"Ừ tôi cháy vì tôi yêu. Còn em,
Em được yêu, sao khóc hoài trong đêm?"

Cây Nến đáp: "Anh nhìn kia thì thấy,
Từng dòng sáp, người yêu tôi, đang chảy.

Anh quên ư, xưa Fahtad buồn đau
Vì Shirin ra đi không ngoái đầu!

Anh cháy cánh, anh chết trong nháy mắt,
Không phải chịu buồn lâu, anh sướng thật.

Thế mà tôi phải đứng đây... anh xem,
Để tình yêu thiêu đốt dần trong đêm.

Đốt từ đầu tới chân, cho đến hết,
Và nước mắt cạn dần cho đến chết."

Vâng, vừa khóc, cây nến nhỏ đáng thương
Vừa nói thế. Tôi ngồi dậy khỏi giường.

Một lúc sau, cả căn phòng ngập tối.
Đèn đã tắt, còn cay cay mùi khói.

"Tôi chết đây..." Ai đó nói bên tai.
Tôi ngồi im, chỉ còn biết thở dài.


TRUYỆN

Ở Samar xưa có chàng trai nọ
Bỗng đem lòng yêu một cô Ấn Độ.

Cô này xinh, khuôn mặt nhỏ sáng ngời,
Ánh mắt sắc như những tia mặt trời.

Có thể nghĩ - một kỳ quan tạo hóa.
Bao vẻ đẹp dường như cô lấy cả.

Nên dễ hiểu anh chàng kia suốt ngày
Cứ lặng lẽ lén đi theo cô này.

Cô ta biết, và một hôm nói thẳng:
"Anh điên sao mà bám tôi dai dẳng?

Anh là ai? Một thằng ngốc. Cút mau!
Kẻo nếu không, tôi sẽ sai người hầu

Trói anh lại nộp quan vì tội láo!"
Một ông khách đứng bên nghe, cũng bảo:

"Vâng, anh bạn, người như anh, thôi đi.
Cứ chạy theo cái bóng ảo, ích gì?

Bình tĩnh lại, hãy đi tìm ai đó,
Đỡ mất mạng, mà cũng rồi đỡ khổ!"

Anh kia nghe, khẽ đáp, nén thở dài:
"Làm sao tôi còn có thể yêu ai,

Khi đã trót đem lòng yêu cô ấy,
Dù bị mắng, bị đuổi đi cũng vậy.

Nếu một khi phải chết bởi tay nàng,
Đó là niềm hạnh phúc, tôi sẵn sàng.

Nàng, với tôi, là tình yêu, hy vọng,
Và thiếu nàng, tôi không còn muốn sống."

Một tháng sau, người ta thấy anh này
Tự treo mình thắt cổ chết trên cây:

Cô Ấn Độ lấy chồng, về Ấn Độ.
Anh thì nghèo, không thể sang bên đó.

Câu chuyện này chỉ đơn giản thế thôi,
Chuyện thường tình, và kết cục, than ôi,

Thêm một người, vì tình yêu, lại chết.
Anh hạnh phúc hay không, tôi chẳng biết.

Bản thân tôi còn đang sống, tuy nhiên,
Trong tình yêu cũng lãnh đủ ưu phiền.

Tôi, Saađi, xin được khuyên các bạn:
Cứ yêu đi, yêu hết mình, đừng nản!



Chương Bốn

VỀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG

Từ mây đen, một giọt nước bình thường
Khẽ rùng mình rơi xuống mặt đại dưong.

"Là giọt nước, ta quá ư bé nhỏ,
Chẳng là gì giữa mênh mông sóng vỗ".

Giọt nước kêu như thế, bỗng bất ngờ
Chui vào miệng một con trai gần bờ

Sau trở thành viên ngọc trai lấp lánh
Trên vương miện một ông vua hùng mạnh.

Vốn cho mình là bé nhỏ, đáng thương,
Giọt nước nay thành nổi tiếng khác thường.

Vâng, khiêm tốn làm con người danh giá,
Như cành cây uốn cong vì trĩu quả.



* * *
Một sáng nọ, theo người xưa kể lại,
Baiazid, một triết gia thông thái

Vừa bước ra từ nhà tắm, bỗng nhiên,
Vô ý thôi, ai đó ở tầng trên

Hắt một rổ tro than đen lẫn rác
Lên đầu ông đã lâm râm tóc bạc.

Ai cũng nghĩ, cũng lo sợ rằng ông
Sẽ tức giận, sẽ quát tháo. Nhưng không,

Ông bình tĩnh sửa chiếc khăn đang đội,
Cũng bình tĩnh, ông vừa cười vừa nói:

"Tâm hồn ta luôn bốc lửa, thì nay,
Đầu dính tro có thể lại càng hay."

Rồi ông quay vào nhà trong, tắm lại,
Thản nhiên đúng như một nhà thông thái.

Thường vẫn thế, những người tốt, thông minh,
Luôn độ lượng khi ai xúc phạm mình,

Và cũng chẳng quan tâm nhiều việc đó.
Vì thông thái, lại hiểu đời, nên họ

Không háo danh như những kẻ tầm thường,
Cao hơn chúng ở sự biết khiêm nhường.

Sự khiêm nhường làm con người hạnh phúc,
Vượt lên trên những mưu mô thế tục.

Họ không muốn, không cần kiếm công danh,
Cũng không cần nổi hơn người xung quanh.

Còn người dốt, kẻ đê hèn, ngược lại,
Cứ nhất thiết muốn mình thành vĩ đại.


TRUYỆN

Lucman da đen, gầy, nhỏ bé,
Nên bị nhầm là một tên nô lệ.

Và rồi ông, một hiền sư tài ba,
Bị lính trói, bắt đem đi xây nhà.

Trong một năm đòn roi ông nếm đủ,
Nhưng đã xây xong ngôi nhà cho chủ.

Còn chủ ông, một ngày nọ vô tình
Nhận ra ông, vội hốt hoảng giật mình

Quì xuống lạy, khóc, van nài tha tội.
Lucman chỉ mỉm cười và nói:

"Cái tham lam, cái tàn ác của ngươi
Và cái nhục của ta, ta nhớ đời.

Nhưng không sao, ta sẽ tha, đừng khóc.
Chính nhờ ngươi ta có thêm bài học:

Ta cũng nuôi một nô lệ trong nhà.
Trước ta từng tàn nhẫn với anh ta.

Nay do biết thế nào là nô lệ,
Ta đối xử với anh ta tử tế."

Ai suốt đời chỉ sung sướng vui chơi,
Sẽ không hiểu cái buồn đau sự đời.

Anh bị vua trách oan, xin hãy nhớ
Để đừng trách người dưới quyền vô cớ.



Chương Năm

VỀ SỰ CAM CHỊU SỐ PHẬN

Đêm khó ngủ, tôi khêu đèn suy nghĩ,
Rồi cao hứng đọc thành thơ, thành ý.

Có anh chàng nghe thấy, đến khen tôi,
Tuy anh ta về thơ phú rất tồi.

Trong mỗi câu, mỗi lời anh ta nói
Đầy ác ý, đầy ghen tuông, giả dối.

"Chao, Saađi, ý tưởng của Saađi,
Như người xưa, thật cao đẹp, thần kỳ!

Chỉ tiếc ông không viết về trận mạc
Như nhà thơ Firđôu
si lỗi lạc".

Anh ta quên rằng xưa nay bao giờ
Tôi cũng yêu hòa bình, yêu thơ.

Trời bắt thế, cái số tôi nó thế,
Nên làm khác, tất nhiên tôi chẳng thể.

Ngay từ bé, tôi dút dát, hiền lành,
Lại ốm yếu nên rất ngại chiếc tranh.

Nhưng nếu cần, để giết thù, như kiếm,
Lưỡi của tôi cũng vô cùng nguy hiểm.


* * *
Ta có thể khôn ngoan hơn người,
Nhưng không thể khôn ngoan hơn trời.

Nếu thượng đế đã đem lòng ghen ghét
Thì không gì cứu được ta thoát chết.

Ai được trời cho sống đến trăm năm,
Thì đừng lo bị chém, cứ yên tâm.

Ta bất lực trước bàn tay số phận.
Hãy đi theo con đường trời định sẵn.



Chương Sáu

VỀ VIỆC BIẾT HÀI LÒNG
VỚI NHỮNG GÌ BÉ NHỎ


TRUYỆN

Có một người yêu thơ tôi, ông ta
Đem tặng tôi chiếc lược quí bằng ngà.

Nhưng một hôm, do bực mình đâu đó,
Chính ông ta đã gọi tôi là chó.

Tôi vội vàng đem lược đến, nói ngay:
"Đây, trả ông chiếc lược khốn kiếp này!"

Tôi nghiêm khắc với bản thân, không thể
Cho phép ai xúc phạm mình như thế.


* * *
Ai tham lam lo làm giàu, người đó
Không tin trời, sẽ bị trời ghét bỏ.

Tốt là ai chăm cuộc sống tinh thần.
Xấu là người chỉ sống để mà ăn.

Mang cái tham trong lòng như đá nặng,
Chim làm sao bay nhanh, cao và thẳng?

Để làm người, điều trước tiên là anh
Phải giết chết chất thú vật trong mình.

Chính vì tham mà chim muông, thú vật
Chui vào bẫy để chờ người đến bắt.

Ai suốt đời luôn yến tiệc no say,
Tâm hồn đói như những người ăn mày.

Sống mà ăn hay ta ăn mà sống?
Bụng căng đầy, trong khi đầu trống rỗng?

Người tham ăn sẽ to béo, nặng nề.
Cái bụng đầy làm đầu óc u mê.

Ở đời này sao chỉ tìm khoái lạc,
Cứ như thể không còn gì hơn, khác.

Tất nhiên ta ai sống chẳng cần ăn,
Nhưng cần hơn là giá trị tinh thần.


TRUYỆN

Có người nọ không hiểu gặp gì oan,
Mà một lần đến gõ cửa nhà quan.

Ông ta lạy như lạy trời, đến nỗi
Anh con trai thấy ngượng ngùng, bèn nói:

"Đức chí tôn ở phía này, sao cha
Phải lạy quan như lạy thánh Alla?"

Chuyện chỉ thế, nhưng qua đây ta thấy
Rằng không phải việc gì, ai cũng lạy.

Một khi anh không tôn trọng chính mình,
Thì làm sao tránh khỏi bị người khinh?

Người bản lĩnh với tâm hồn mạnh mẽ
Sẽ không tự hạ mình làm nô lệ.

Điều thấp hèn anh tránh được hôm nay
Nghĩa là tránh được tai họa sau này.

Giờ hăm hở một vài bông anh nhặt,
Mà không tiếc cả vụ mùa anh mất.



Chương Bảy

VỀ SỰ TU THÂN

Giờ tôi nói về điều khôn, lẽ sống,
Không phải về ngựa đua hay chó giống.

Kẻ thù anh ở ngay trong người anh,
Đừng uổng công lo tìm kiếm xung quanh.

Ai thắng nổi bản thân mình, người ấy
Hơm cả Sham và Rustam lừng lẫy.

Hãy kìm anh bằng cách biết khiêm nhường.
Hãy luôn luôn để lý trí dẫn đường.

Vì tội lỗi, tính tham, lòng ghen tị
Sẽ suốt đời bám theo anh không nghỉ.

Những điều trên tai ác nếu cùng nhau
Tấn công anh thì anh khó đương đầu.

Khi lý trí có bàn tay vững mạnh,
Mọi cái xấu sẽ tìm đường lẩn tránh.

Như lính canh không ngủ, biết canh phòng,
Thì cuối cùng tên trộm phải về không.

Vua bất lực trước những người có tội,
Thì nước vua, vua không cai trị nổi.

Nhưng mà thôi, tất cả những điều này
Không ít người đã nói tới xưa nay.

Tốt hơn hết, ngồi xếp chân lặng lẽ,
Anh sẽ nhận được lời khen thượng đế.


* * *
Hãy cân nhắc mỗi câu từ, đừng vội.
Đừng lên tiếng khi có người đang nói.

Ai lặng im khi người khác lắm lời
Mới thực sự thông minh hơn mọi người.

Trăm mũi tên bắn ra ngoài vô ích,
Không bằng bắn một mũi tên trúng đích.

Đừng bao giờ đơm đặt hại ngầm ai,
Vì nghe đồn: Tường đá cũng có tai!

Trái tim anh như ngôi nhà, hãy nhớ
Đóng chặt cửa, nếu không cần, chớ mở.


TRUYỆN

Vua Takash trong một lần vui vẻ,
Khi trò chuyện với đám người nô lệ,

Ngài vô tình đã buột miệng nói ra
Một đôi điều bí mật của hoàng gia.

Và sau đó, những điều này bí mật
Đã lan truyền khắp nơi trong nháy mắt.

Vua vô cùng tức giận quát: "Lính đâu,
Đem mấy tên nô lệ ấy chém đầu!"

Nhưng một tên liền khóc to thảm thiết
"Không, xin vua hãy tha cho, đừng giết.

Vì chính vua đã nói lộ ra ngoài
Điều không cần phải thổ lộ với ai.

Một khi vua phá vỡ đê như vậy,
Thì làm sao ngăn không cho nước chảy?"

Người coi kho lo canh trộm đêm ngày.
Bí mật anh, anh đừng lộ ai hay.

Hãy im lặng, vì nói thừa, sau đó
Anh sẽ bị miệng người đời làm khổ.

Vì lời anh, như quỉ nhốt trong chai,
Bắt làm sao khi đã thoát ra ngoài?


TRUYỆN

Vua Azad có một người con trai
Không hiểu sao lắm bệnh, ốm kéo dài.

Một người khuyên phóng thích chim, hy vọng
Chim mang lại điều lành cho người sống.

Azat nghe, sai mở hết các lồng,
Chim từng đàn được thả, vút lên không.

Vua chỉ giữ chim họa mi không thả
Vì chim hót nhiều và hay hơn cả.

Sáng hôm sau con vua khỏi, nhìn ra
Thấy họa mi vẫn bị nhốt trong nhà.

"Thật tội nghiệp, hóa ra vì hay hót
Và hót hay mà chính ngươi bị nhốt!"


* * *
Ý nghĩ anh, để nó chín trong đầu.
Nói ra ngoài thường chẳng tốt gì đâu.

Khi tranh luận phải đưa ra chứng cớ.
Gì không biết, hỏi người ta, đừng sợ.

Không thì xin cứ bắt chước Saađi,
Ngồi lắng nghe người khác, chẳng nói gì.

Đừng nghe lời kẻ dèm pha, giả dối,
Và tất nhiên, phải lánh xa tội lỗi.

Trước khi chê những người xung quanh,
Hãy nghiêm khắc ngẫm lại chính mình.



TRUYỆN

Một ông già kể tôi nghe gần đây
Một câu chuyện rất lý thú thế này.

(Những người già thông minh, hiền, khắc khổ.
Tôi sẵn sàng suốt đời nghe chuyện họ).

"Một lần kia, ở Ấn Độ, bỗng nhiên
Tôi đã gặp một thằng mọi da đen.

Hắn cao lớn, da rất đen, xấu xí.
Thật không ngoa khi đem so với quỉ.

Tay hắn ôm một cô gái, và rồi
Cả hai người môi áp chặt vào môi.

Tôi thấy thế, lòng vô cùng tức giận,
Quyết định cứu cô nàng kia khỏi hắn.

Tôi kêu to: "Tên nô lệ đê hèn!"
Rồi vội vàng đánh tên mọi da đen.

Hắn liền chạy, lo thoát thân, tôi nghĩ:
"Ta đã cứu một người từ tay quỉ!"

Nhưng lạ thay, người tôi cứu vừa rồi
Lại bất ngờ túm chặt cánh tay tôi

Và la lớn: "Mày là tên giả dối,
Bán sự thật để mua điều tội lỗi.

Ta đang yêu con người ấy, can gì
Mà mày dùng gậy gộc đánh, xua đi?"

Cô ta khóc, kêu ầm lên, như thể
Tôi, thằng già, giở trò không tử tế.

"Làng nước ôi, bắt lấy hộ. Ông ta
Dám cho tay vào chỗ kín đàn bà!"

Cứ như vậy, cô ta vừa tru tréo
Vừa túm chặt áo quần tôi mà kéo.

Cho tới khi tôi nghĩ: "Đến nước này
Phải bỏ quần mà trốn khỏi nơi đây".

Thế là tôi đành trần truồng tháo chạy.
Quần và áo trong tay cô gái ấy.

Một năm sau, tôi gặp lại cô ta:
Cô đây ư, không còn nhớ tôi à?

Sau lần đó tôi đã thề cương quyết
Không nhúng mũi vào nơi không cần thiết".

Hỡi những người từng trải, tốt, thông minh,
Hãy chăm lo làm việc tốt của mình.

Hãy im lặng. Nếu không im lặng nổi,
Thì hãy nói như Saađi nói.


* * *
Anh gặp ai, dù người tốt hay tồi,
Đừng bao giờ nói xấu, hãy nghe tôi -

Với người ngay, đó là điều tội lỗi,
Còn người gian sẽ thành gian gấp bội.

Một khi anh nói xấu láng giềng mình,
Thì dù đúng, vẫn là điều đáng khinh.

Có một anh nói xấu người đã chết,
Bị ngắt lời bởi một nhà hiền triết:

"Anh im đi, đừng vu cáo người lành.
Đừng bắt tôi phải nghĩ xấu về anh."

Một anh bạn bảo tôi: "Người nói xấu
Còn xấu hơn bọn cướp đường, thảo khấu."

Tôi không hiểu, hỏi vì sao. Anh này
Đáp: "Cướp đường phải cướp đường xưa nay

Vì chúng đói. Còn bọn kia độc ác,
Chỉ ngứa mồm mà vu oan người khác!"


* * *
Hồi còn học ở Nizam, thực tình,
Tôi rất chăm, học đến mức quên mình.

Học ngày đêm, đạt được nhiều tiến bộ.
Tôi còn nhớ, tại cuộc vui nào đó,

Tôi buột mồm: "Anh hàng xóm, than ôi,
Không hiểu sao, đã bắt đầu ghen tôi.

Nghe tôi nói về những điều thông thái,
Anh ta ghen, mặt sưng xì, thật hãi!"

Ông thầy tôi, đúng lúc ấy ngồi bên,
Hỏi: "Làm sao cậu biết người ta ghen,

Khi người ta không nói gì? Sao cậu
Chưa biết chắc đã bắt đầu nói xấu?

Anh ta ghen, trời sẽ phạt anh ta.
Cái thói ấy, cậu hãy nên tránh xa."


* * *
Ở đời này, ba loại người đáng ghét,
Nếu muốn tránh, mọi người cần phải biết.

Đó là vua mà áp bức dân lành,
Vì tham tiền, gây nên họa chiến tranh.

Vua loại đó, tham lam và độc ác,
Sớm hoặc muộn sẽ bị thay vua khác.

Bọn thầy tế là loại xấu thứ hai,
Xấu bên trong mà vờ tốt bên ngoài,

Còn thản nhiên dạy người đời việc đạo.
Phải vạch mặt lũ người này trâng tráo.

Loại thứ ba là trộm cướp, Saađi
Không cần nói cũng biết chúng là gì.


* * *
Anh chồng nghèo có thể sướng như tiên
Nếu cô vợ biết lo, tốt và hiền.

Ai cuộc sống gia đình không lục đục
Và có vợ ít lời là hạnh phúc.

Vợ thông minh, xinh đẹp, lại biết điều
Thì chồng nào ngu ngốc mới không yêu?

Vợ nhân hậu, luôn nói năng lễ phép
Thì vẫn đẹp dù bề ngoài không đẹp.

Ai không may có vợ chẳng ra gì
Thì liệu hồn mà sớm bỏ ra đi.

Thà ngồi tù với hai tay mang xích,
Hơn thấy vợ trong nhà như thù địch.

Ở nhà ai vợ nhăn nhó suốt ngày -
Chẳng bao giờ có hạnh phúc, điều hay.

Vợ anh hư mà anh đành chịu vậy,
Thì anh hãy tô môi son, mặc váy.

Còn một khi ngay cả trước mặt chồng,
Vợ anh cười lơi lả với đàn ông

Và bắt đầu âm mưu điều tội lỗi,
Thì quả tôi không còn gì để nói.

Nhưng Saađi, gặp ai cảnh gia đình
Lắm đau buôn, ngươi cũng hãy làm thinh,

Vì chính ngươi không ít phen khổ sở
Vì tình yêu, và tất nhiên vì vợ.


* * *
Có anh chồng một hôm kêu với bạn:
"Tôi lấy vợ, có gia đình, thật chán.

Phải làm lụng, phải chịu đựng suốt ngày
Như nửa dưới cối xay mì quay tay!"

Một ông già đứng bên nghe, nói khẽ:
"Chỉ có thế thôi ư, anh bạn trẻ?

Làm nửa dưới thật buồn, nhưng anh quên,
Rằng tối đến, anh được làm nửa trên.

Đời là vậy, mà rồi tình cũng vậy,
Sướng và khổ đi kèm nhau, thế đấy.

Anh lấy vợ khổ một tí, chết ai.
Anh tìm đâu hoa hồng không có gai?"


* * *
Một lần kia, đang giữa lúc vui cười,
Tôi nhớ tôi có nhận xét một người

Rằng anh ta có chiếc răng bị gãy.
Một ông già ngồi bên tôi lúc ấy

Đã nhìn tôi nghiêm khắc, nói thế này:
"Anh vừa rồi có nhận xét không hay.

Bao cái đẹp người ta anh chẳng thấy,
Mà đã kịp nhìn ra răng bị gãy".

Khi thấy người vấp ngã giữa đường đi,
Cũng không nên chê trách lắm làm gì

Nếu người ấy, tuy có sai, dại dột,
Nhưng nói chung là thông minh và tốt.

Biết làm sao, không lẽ hái hoa hồng,
Thấy gai nhiều ta lại bỏ? Ồ không.

Người độc ác không thấy công là đẹp,
Mà chỉ thấy chân quá gầy, ngực lép.

Da anh đen cứ lấy phấn mà bôi,
Nhưng gương mờ, gương không sạch đừng soi.

Cứ lặng lẽ tự trách mình, chớ vội
Nhìn người khác để bới tìm tội lỗi.

Tôi ra sao, là người tốt hay tồi,
Chỉ một mình thượng đế biết mà thôi.

Tôi khuyên anh không quan tâm điều đó.
Tự mình tôi gánh chịu điều thua lỗ.

Khi thằng ngu bắt gặp tập thơ này
Và hững hờ lần giở nó trên tay,

Thì tất cả các điều hay, triết lý
Hắn mù tịt, cũng chẳng thèm suy nghĩ,

Hắn chúi đầu tìm bắt lỗi hành văn
Để reo lên đầy thích thú mỗi lần.

Trời sinh ta, những người trần khiêm tốn,
Dở và hay, tốt và tồi lẫn lộn.



Chương Tám

VỀ SỰ BIẾT ƠN

Nói về lòng biết ơn ư? Thiết nghĩ
Không một ai có đủ từ, đủ ý.

Ơn thượng đế, nơi vũ trụ bao la,
Từ hư vô đã sáng tạo nên ta.

Ngài dìu dắt chúng ta đi từ bé,
Cho đôi mắt, cho tâm hồn, sức khỏe.

Anh sinh ra vốn sạch, vậy làm sao
Đừng sơ ý để bụi bẩn bám vào.

Cuộc đời anh như tấm gương bé nhỏ,
Nhớ lau chùi để gương không bị ố.

Anh, hạt cát giữa sa mạc cuộc đời.
Nhờ thượng để anh mới trở thành người.

Anh khổ luyện, thành thông minh, danh giá.
Anh tưởng đấy là do công anh cả?

Không, chúa trời trong mỗi bước ta đi.
Vâng, cả anh, và cả tôi, Saađi.


TRUYỆN

Một hoàng tử trong cuộc đua lần nọ
Vì ngã ngựa, không may thành sái cổ.

Ngã làm sao đến không thể ngoái đầu.
Cổ cứng đờ, xương và thịt đều đau.

Các thầy thuốc đành bó tay, phải đợi
Đến Hy Lạp mời một thầy thuốc tới.

Ông thầy này liền đắp thuốc, nắn xương,
Chẳng bao lâu hoàng tử lại bình thường.

Nhưng hoàng tử, chẳng bao lâu sau đó
Quên người mới giúp mình thôi sái cổ.

Ông định xin hoàng tử một điều gì,
Nhưng phớt lờ, hoàng tử đã quay đi.

Ông xấu hổ, đành cúi đầu bối rối.
Trước khi bỏ đi xa, ông tự hỏi:

"Không được ta cứu chữa, hỏi bây giờ
Hắn dễ dàng dám quay mặt giả làm ngơ?"

Rồi ông gửi cho người vô ân đó
Một gói thuốc, gọi "thuốc tiên, đại bổ".

Hoàng tử tin, uống hết, bỗng bất ngờ
Xương lại đau, và cổ lại cứng đờ.

Hắn sợ hãi, vội tìm ông chữa chạy,
Nhưng tìm mãi mà không sao tìm thấy.



         Chương Chín

VỀ SỰ HỐI LỖI VÀ
CON ĐƯỜNG CHÍNH ĐẠI
                         

* * *
Anh đã sống bảy mươi năm rồi nhỉ?
Cuộc đời anh, phải chăng anh để phí?

Bảy mươi năm anh cóp nhặt từng đồng,
Sao bây giờ vẫn túi rỗng, tay không?

Người như anh, ngày Cuối cùng Phán xét,
Sẽ gay đấy, vì chết chưa là hết.

Ai cho nhiều sẽ nhận nhiều sau này.
Ai keo kiệt rồi cuối cùng trắng tay.

Giờ anh mất chỉ năm đồng xu nhỏ,
Mà thấy tiếc, ngủ không ngon, đau khổ.

Anh đã sống bảy mươi năm - khá nhiều!
Nhưng những ngày còn lại được bao nhiêu?

Đừng để phí cuộc đời anh, chắc chắn
Không còn nhiều thời gian mà hối hận.


TRUYỆN

Khi còn trẻ, cứ hàng ngày sáng dậy,
Hẹn hò nhau, chúng tôi vui đâu đấy.

Chiều chúng tôi nghịch ngợm đủ các trò,
Hát rồi cười, rồi ăn uống vô lo.

Trong khi đó, một người đầu bạc trắng
Ngồi cạnh cửa nhà bên, buồn, im lặng.

Trong chúng tôi, một người nói: "Thế nào,
Ông suốt đời định buồn thế hay sao?

Thôi, đứng dậy, hãy quên đi buồn bực,
Hãy nhập bọn chúng tôi, vui thả sức".

Ông già nghe, liền nghiêm nghị chau mày:,
Một lúc sau đã đáp lại thế này:

Hãy nhìn kia, gió xuân đang thổi nhẹ,
Làm chồi non đung đưa, đùa vui vẻ.

Nhưng tiếc thay, cùng một lúc, lá vàng
Rụng trong vườn, nằm dưới đất ngổn ngang.

Ta cũng vậy, nay yếu già sắp chết,
Nhưng có thời trẻ trung, không biết mệt.

Làm sao ta khi tóc bạc thế này
Có thể cùng đám trẻ uống và say?

Lá đã rụng trong vườn ta lạnh lẽo.
Đã đến lúc hoa vườn ta phải héo.

Giờ, than ôi, chỉ cái gậy người già
Là ít nhiều còn chống đỡ đời ta.

Trẻ ăn chơi may còn tha thứ nổi.
Chứ người già ăn chơi là tội lỗi.


* * *
Ta, trần tuc, không người nào sống mãi.
Cả người ác, người công tâm, nhân ái.

Thật đau buồn khi nghĩ: chẳng bao lâu
Ta cũng chết, xác nằm dưới đất sâu.

Tôi còn nhớ một lần đang đào hố
Thì chợt nghe có tiếng ai nói nhỏ:

"Xin anh bạn hãy làm ơn nhẹ tay,
Vì xác tôi đang chôn ở nơi này".


TRUYỆN

Có hai người vốn xích mích từ lâu,
Lớn đến mức đang định ngầm giết nhau,

Thì thần chết bắt một người phải chết,
Làm người kia, tất nhiên, mừng khôn xiết.

Mấy năm sau, một tối nọ, anh ta
Lén thăm mồ đối thủ mé rừng xa.

Anh ta bước vào mồ, chưa hết giận:
"Trời có mắt, thế là ta thoát hắn!

Để ta xem bây giờ ai hơn ai?"
Rồi anh ta hăm hở cậy quan tài.

Nhưng đối thủ mà anh ta nhìn thấy
Nay chỉ còn là nắm xương mục gẫy.

Con người to, mới khỏe mạnh ngày nào
Giờ làm mồi cho giun dế, buồn sao.

Răng bị gãy, miệng há to đầy đất,
Và dòi bọ bám quanh hai hố mắt.

Anh chàng kia đứng lặng, ngẫm về đời,
Bỗng thấy buồn, thậm chí nước mắt rơi.

Rồi sai dựng cho kẻ thù ngôi mộ
Với dòng chữ anh ta đề trên đó:

"Kẻ thù chết, xin chớ vội mừng ngay,
Vì chính anh cũng sẽ chết thế này".

Một hiền triết đang sống gần, nghe thế
Liền quì lạy mà rằng: "Thưa thượng đế,

Với người ấy, ân người thật bao la,
Vì kẻ thù cũng thương xót anh ta"



Chương Mười

LỜI CẦU NGUYỆN, VÀ CŨNG LÀ    ĐOẠN KẾT CUỐN SÁCH NÀY


Ôi thượng đế, không xin ngài xá tội,
Con chỉ xin được ngài cho cải hối.

Lỗi lầm con quá lớn, chẳng bao giờ
Mong được ngài tha thứ hoặc làm ngơ.

Người già yếu khi ngã nằm đâu đấy,
Không có người nâng lên, không thể dậy.

Cũng như con, rất già yếu lúc này,
Con cần ngài giúp đỡ, hãy chìa tay.

Con không muốn chức quyền, con mềm yếu,
Con chỉ mong được ngài tha, được hiểu.

Mặc những người không biết, cứ khen con,
Dù trong con nhiều cái xấu đang còn.

Không một ai trên đời này có thể
Che giấu nổi đôi mắt thần thượng đế.

Con thành công khi được hưởng ân ngài.
Nếu bất ngờ ngài bỏ, biết theo ai?

Đây, cuốn sách về quãng đời con sống,
Chắc không ít các điều sai, hư hỏng,

Và tất nhiên, nếu ngài chẳng đỡ đầu,
Thì sách này con phải bỏ từ lâu.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét