Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Cỏ Tích




Cổ Tích Việt Nam, Tập Một
SỰ TÍCH HOA HUỆ

1
Xưa, có chàng trai nọ
Phải đi chinh chiến xa,
Để lại vợ chưa cưới
Phải một mình ở nhà.

Chàng mở tung lồng ngực,
Giờ chia tay lên đường,
Lấy trái tim nóng hổi
Trao cho người yêu thương.

“Nay anh đã là lính.
Lính không cần trái tim.
Anh trao nó em giữ,
Để anh luôn bên em.”

Cô giữ trái tim ấy
Trong chiếc tráp bạc con,
Và bắt đầu chờ đợi,
Chờ đợi trong héo mòn.

Tháng năm trôi chậm chạp,
Chậm chạp tháng năm trôi.   
Năm năm nàng chờ đợi,
Rồi con số gấp đôi.

Bố mẹ muốn có cháu,
Bảo nàng đi lấy chồng.
Em gái nói chàng chết.
Nàng lắc đầu bảo không.

Rồi thêm mười năm nữa,
Người yêu vẫn chưa về.
Tóc bắt đầu điểm bạc,
Dáng đi đã nặng nề.

Chỉ trái tim vẫn thế,
Vẫn tràn đầy thương yêu.
Bà vẫn chờ trước ngõ
Hàng ngày, vào buổi chiều.

Một hôm, bà bỗng gặp
Một người bạn của chàng.
Người này nghe kể chuyện,
Mắt rơm rớm, ngỡ ngàng. 

Sau một hồi do dự,
Ông nói người yêu bà
Đã chiến đấu dũng cảm,
Ngã xuống chiến trường xa.

Ông bỏ đi như chạy,
   Luôn cúi mặt xuống đường
Vì đang tâm nói dối
Người đàn bà đáng thương.   

Thực ra hắn chưa chết,
Mà còn sống vùng này.
Hắn là tên thủ lĩnh
Một băng cướp gần đây.

Số là khi đi lính,
Hắn để tim ở nhà,
Thành người vô tri giác,
Luôn xa lánh đàn bà.

Hắn chỉ thích chém giết,
Nên khi hết chiến tranh
Lập một băng cướp lớn
Ẩn náu chốn rừng xanh.

Ông, dẫu căm ghét hắn,
Thương bà, lòng xót xa,
Nên buộc phải nói dối,
Cả việc hắn yêu bà.

Người đàn bà tội nghiệp
Một hôm vội lên đường,
Ôm theo chiếc tráp bạc,
Tìm mộ người yêu thương.

Khi qua khu rừng rậm,
Một toán cướp nhảy ra.
Mặc nạn nhân than khóc,
Kể về người yêu bà,

Bọn cướp hung dữ ấy,
Lấy chiếc tráp mang đi,
Về đưa cho thủ lĩnh.
Tên này mở, tức thì

Nhận ra tim của hắn,
Trái tim vẫn còn tươi.
Bỗng trái tim lên tiếng
Bằng giọng nói con người:

“Hãy vì tình nghĩa cũ,
Đừng làm bà đau lòng,
Để bà tiếp tục nghĩ
Mày là thằng đàn ông!”

Tên cướp nghe, ra lệnh
Trả chiếc tráp cho bà,
Còn sai chúng dẫn đến
Một chiếc mộ giả vờ.          

Bà ngồi bên ngôi mộ,
Ôm chiếc tráp, khóc thầm,
Thương người chồng chưa cưới
Bà chờ đợi nhiều năm.

Rồi bà chết, sau đó,
Từ đất ngôi mộ này
Mọc lên loài hoa mới,
Gọi là hoa huệ tây.

Đó là hoa chung thủy,
Cao thượng và trắng trong,
Hoa của những người vợ
Không ngừng thôi chờ chồng.



SỰ TÍCH HOA SEN

1
Xưa, có ông vua trẻ
Rất yêu cảnh thiên nhiên,
Giành thời gian, công sức
Đi thăm thú các miền.   

Ngày nọ, ngài dừng lại
Ở một nơi nhiều hồ,
Những hồ nước thơ mộng,
Chấp chới những cánh cò.

Nước hồ xanh, trong vắt,
Buổi sáng, nắng xiên ngang,
Nắng đùa trên sóng nước,
Những chấm đỏ, chấm vàng.

Bất chợt, ngài đứng lặng
Nghe tiếng hát xa xa,
Tiếng một người con gái
Giữa mặt hồ ngân nga.

Ngài vội vã chạy lại.
Cô gái sợ, lên bờ,
Rồi bỏ đi mất hút.
Vua nhìn theo, sững sờ.

Một cô gái tuyệt đẹp,
Tóc như mây, bập bồng,
Con đường cỏ sương ướt
Còn in gót chân hồng.

Hôm sau ngài cho kiệu
Đến đỗ trước nhà nàng,
Một túp lều lợp rạ
Đứng tách phía sau làng.

Thế là nàng thôn nữ
Phải theo vua về cung,
Bộ áo gai giản dị
Được thay bằng lụa nhung.

Đôi chân xưa đi đất
Nay đi hài, đi giày.
Mái tóc đầy trâm ngọc,
Không bồng bềnh như mây.

Nghĩa là nàng xinh đẹp,
Cái đẹp của búp bê,
Tiếc nay không còn nữa
Cái đẹp chất đồng quê.

Và rồi nàng, thật lạ,
Mặc cho vua van nài,
Suốt ngày buồn lặng lẽ,
Không chuyện trò với ai.

Nàng cũng không còn hát. 
Thờ thẫn từ phòng mình
Nhìn xuống hồ nước nhỏ
In mặt trời lung linh.

Và rồi một buổi sáng,
Vua không thấy nàng đâu.
Không thấy nàng tư lự
Nhìn xuống hồ dưới lầu.

Bất chợt, vua nhìn thấy
Có cây gì giữa hồ,
Hoa rất thơm, hồng dịu,
Lá tròn tròn và to.

Giờ thì vua chợt hiểu
Rằng cung điện dát vàng,
Nhung lụa và trâm ngọc
Đã không giữ được nàng.

Rằng nàng chọn cái chết
Để trở lại thiên nhiên,
Là nơi nàng được sống
Lộng lẫy như bông sen.

Sen là hoa của Phật,
Hoa của sự trắng trong.
Mỗi màu một ý nghĩa:
Trắng, đỏ, thẫm, xanh hồng.

Sen là hồn dân tộc,
Là âm dương hài hòa,
Là cái đẹp, vì thế
Được chọn là quốc hoa.



SỰ TÍCH HOA QUỲNH         

1
Vua Tùy, Tùy Dạng Đế,
Là một vị hôn quân,
Sống vô đạo, tác tráng.
Trong giấc mơ, một lần

Hắn mơ thấy hoa đẹp,
Một bông hoa khác thường,
Chưa bao giờ từng thấy,
Lại thơm nức mùi hương.

Cũng đúng vào lúc ấy,
Ở tận Lạc Dương thành,
Có một ngôi chùa cổ,
Giữa um tùm cây xanh.

Bất chợt, một tối nọ,
Khi trống điểm canh ba,
Có cái gì rực sáng
Như muôn nghìn sao sa.

Mọi người liền vội vã
Ra xem có chuyện gì,
Thì thấy bên giếng nước
Có bông hoa lạ kỳ.

Bông hoa vừa mới nở,
Mười tám cánh phía trên,
Hăm tư cánh phía dưới,
Đúng là hoa thần tiên.

Hương của nó thơm ngát,
Dìu dịu và thanh bình.
Ai cũng lấy làm lạ,
Gọi nó là hoa quỳnh.          

Tin về loại hoa hiếm
Chỉ nở vào ban đêm
Đến tai vua, vua muốn
Phải tự mình đến xem.

Thế là ngay lập tức
Hàng triệu người nạo sông
Cho đủ sâu, đủ rộng
Để vua cưỡi thuyền rồng.

Hai bên dòng sông ấy
Phải được trồng liễu xanh,
Cứ mười mét một bụi,
Đến tận Lạc Dương thành.

Cuối cùng, vua xuất phát.
Chuyến đi chín mươi ngày,
Với hàng trăm cung nữ,
Tốn kém nhất xưa nay.

Tháp tùng vua lần ấy,
Trong số các đại thần,
Có một người còn trẻ,
Tên là Lý Thế Dân.

Khi đoàn thuyền cập bến,
Ông và các bạn ông
Đêm, lén xem hoa trước,
Sợ sáng mai người đông.

Không ngờ bông hoa lạ
           Vừa thấy Lý Thế Dân,
Liền cung kính cúi thấp,
Chào ông đúng ba lần.

Chắc bông hoa thấy rõ
Ông có tướng vương công.
Lý Thế Dân quả thật
Sau là Đường Thái Tông.

Hoa chào xong, bất chợt
Trời đổ trận mưa rào.
Mưa làm hoa héo rụng,
Không còn lại cánh nào.    

Hôm sau, Tùy Dạng Đế
Chẳng còn thấy hoa đâu,
Liền ra lệnh nhổ sạch
Rồi cho thuyền quay đầu.

Từ đấy loài hoa lạ
Chỉ nở vào ban đêm,
Đặc biệt khi trăng sáng,
Để mọi người đến xem.

Sau chuyến đi lần ấy,
Bạo loạn nổ khắp nơi.
Tùy Dạng Đế bị giết,
Và nhà Đường ra đời.



SỰ TÍCH CÂY VÚ SỮA

Ngày xưa có cậu bé
Ham chơi làm mẹ buồn.
Một lần cậu bị mắng,
Thế là bỏ đi luôn.

Không có gì đáng trách
Bằng con bỏ nhà đi.
Làm bố mẹ lo lắng:
Con ở đâu, làm gì?

Cậu bé ấy lếu láo
Bỏ nhà đi khá lâu.
Làm gì không ai biết.
Không ai biết ở đâu.
Rồi một hôm, đói khát,
Còn bị đánh sầy da,
Không biết đi đâu nữa,
Cậu lại mò về nhà.

Ở nhà, vẫn như cũ,
Nhưng không thấy mẹ đâu.
Mà cậu thì đang đói,
Khóc, hai tay ôm đầu.

Cậu khóc to gọi mẹ:
Mẹ ơi, mẹ về đi!
Thật tội nghiệp cậu bé,
Muốn ăn, chẳng có gì.  

Cậu vừa mệt, vừa đói
Vì nhịn ăn suốt ngày,
Bèn ra ngồi trước ngõ,
Tựa lưng vào gốc cây.

Một phép màu xuất hiện:
Cái cây ấy nở hoa,
Rồi nhanh chóng thành trái,
Rơi vào lòng cậu ta.
Những trái cây rất lạ,    
Da mềm và màu xanh,
Có nước ngọt màu trắng
Như sữa mẹ ngon lành.

Trên quả có đôi chỗ
Màu đo đỏ, tròn tròn,
Thoáng nhìn trông thật giống
Đôi mắt mẹ chờ con.

Về sau loại cây ấy
Được đem trồng khắp nơi.
Người ta gọi vú sữa,
Để con cái nhớ đời.        



SỰ TÍCH HOA CÚC

Xưa có một cô gái
Sống với bà mẹ già.
Cô gái tên là Cúc,
Bà mẹ tên là Hoa.

Nhà nghèo nhưng hạnh phúc.
Họ rất yêu thương nhau.
Cô con ngoan, chí hiếu,
Mẹ mưa nắng dãi dầu.

Bỗng mẹ cô ốm nặng.
Cô chạy chữa đủ đường
Mà bệnh vẫn không khỏi.
Đầy tuyệt vọng, đau thương,

Cuối cùng cô quyết định
Một mình rời quê nhà
Tìm thầy thuốc cho mẹ,
Không quản ngại đường xa.

Cô đi mãi, đi mãi,
Qua nhiều núi, nhiều sông,
Chưa tìm được thầy giỏi,
Nhưng vẫn không nản lòng.

Một hôm, đến chùa nọ,
Ngôi chùa con bên hồ,
Cô khấn lạy Đức Phật
Chữa lành cho mẹ cô.

Cô thành khẩn đến mức
Đức Phật động lòng thương
Hóa thành nhà sư trẻ
Ngẫu nhiên gặp trên đường.

Ngài đưa cho cô gái
Một bông hoa màu vàng,
Vẻn vẹn chỉ năm cánh,
Năm ngón tay xòe ngang.

“Hãy mang về cho mẹ
Bông hoa sự sống này.
Nó giúp bà khỏi bệnh,
Nhưng phải nhớ, từ nay,

Mỗi năm hoa sẽ rụng,
Một cánh hoa, và bà,
Giảm đi một tuổi thọ.
Hoa năm cánh, thành ra

Bà mẹ cô chỉ sống
Năm năm nữa mà thôi.”
Cô nghe, lòng đau xót,
Cảm ơn sư, và rồi

Về nhà cô lặng lẽ
Xé nhỏ năm cánh hoa
Thành một trăm cánh nhỏ
Để cứu mẹ, và bà

Sống thêm trăm tuổi nữa.  
Đức Phật biết chuyện này
Nhưng Ngài im, không trách,
Còn thầm khen là hay.

Về sau loài hoa ấy
Được nhiều người dân làng
Trồng trong vườn của họ,
Gọi là hoa cúc vàng.

Hoa biểu tượng sự sống,
Hoa ước mơ trường tồn,
Mong ước chữa lành bệnh,
Hoa của tình mẹ con.

Trong tâm linh người Việt,
Cúc thanh cao, là loài
Được mọi người yêu mến,
Thành “Tùng Trúc Cúc Mai.”

Biểu tượng của thanh bạch,
Với thi sĩ, trung thần,
Cúc là bạn tri kỷ
Trong nỗi niềm thơ văn.



SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN

1
Xưa, có một bà mẹ
Sinh được mười con trai,
Đẹp, thông minh, khỏe mạnh,
Dũng cảm và có tài.

Rồi giặc xâm lược đến.
Chúng chiếm làng của bà.
Mười người con dũng cảm
Trốn lên ngọn núi xa.

Họ tập hợp lực lượng
Chống lại giặc ngoại bang.
Đêm thường cho quân xuống
Quấy phá giặc trong làng.

Chúng vô cùng tức giận,
Đánh mấy lần không xong,
Bèn bắt mẹ của họ
Cho ra đứng giữa đồng.

Tên tướng giặc ra lệnh:
“Hãy bảo con hàng ngay.
Nếu không, ta sẽ giết,
Thiêu trụi cả làng này!”

Bà mẹ ngẩng đầu đáp:
“Mẹ ngươi có thực tình
Khuyên ngươi hãy phản bội
Mảnh đất sinh ra mình?

Ta là mẹ, cũng thế,
Ta không dạy con ta
Quì gối trước lũ giăc,
Phản bội lại quê nhà!”        

Chúng liền trói chặt mẹ
Đổ dầu ăn lên người
Bắt đầu châm lửa đốt,
Thành ngọn đuốc sáng ngời.

Nhưng trước khi chết cháy,
Mẹ ra lệnh các con
Hãy giải phóng đất nước,
Quyết một trận sống còn.  

Lời bà mẹ ra lệnh
Là lời của non sông.
Các con bà nhất loạt
Đem quân đánh xuống đồng. 

Cuối cùng, họ chiến thắng,
Đất nước được bình yên.
Các con đến tìm mẹ,
Thấy trái tim còn nguyên.

Trái tim của người mẹ
Nóng đỏ như mặt trời,
Cả khi chôn xuống đất
Vẫn rực rỡ sáng ngời.

Xuân đến, từ ngôi mộ
Mọc loài cây xanh rờn
Có hoa đỏ như máu,
Gọi là hoa mẫu đơn.

Hoa của một bà mẹ
Người sẵn sàng hy sinh
Để khích lệ con cháu
Bảo vệ quê hương mình.



SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ

1
Xưa, có anh đồ tể
Sống cạnh ngôi chùa làng.
Hàng ngày cứ mờ sáng,
Khi chuông chùa ngân vang

Là anh ta tỉnh dậy
Sửa soạn bộ đồ nghề
Rồi bắt đầu mổ lợn,
Tiếng lợn kêu thật ghê.

Mỗi người một nghề sống,
Nên dân làng bực mình
Cũng chẳng làm gì được,
Đành bấm bụng làm thinh.

Một tối nọ, sư cụ
Mơ thấy có một bà
Dắt năm đứa con nhỏ
Nhờ cứu mạng bà ta.

“Bằng cách nào? - sư hỏi. -
Bà hãy nói tôi hay.”
“Xin ngài thỉnh chuông sáng,
Muồn muộn hơn mọi ngày.”            

Sư cụ thỉnh chuông muộn.
Anh đồ tể ngủ quên,
Nên không kịp giết lợn,
Bèn sang trách chùa bên.                 

Anh ta được sư cụ
Kể giấc mơ của mình,                       
Về nhà, vào chuồng lợn,                   
Thì thấy lợn vừa sinh

Đúng năm con rất đẹp.
Anh đồ tể lặng người,
Nhẩm đếm mình đã giết
Bao sinh mạng trên đời.                    

Rồi anh ta quyết định
Từ nay sẽ bỏ nghề,
Không bao giờ giết lợn,
Cầm con dao anh thề.

Rồi cắm con dao ấy
Giữa sân chùa, sau này,
Qua một đêm sấm chớp,
Nó hóa thành bụi cây.

          Lá nó như dao nhọn,
Hoa đỏ như máu tươi.
Mọi người gọi huyết dụ,
Tức là hoa máu người.



SỰ TÍCH CÂY THÌ LÀ                    

Ngày xưa, khi sự sống
Vừa mới chỉ bắt đầu,                        
Trong rừng, các cây cỏ
Chưa có tên gọi nhau.

Và rồi một ngày nọ,
Trời ban cho các loài,
Mỗi người một tên gọi
Và không ai giống ai.

Có một cây cao thẳng
Được Trời gọi là Thông.
Một loài hoa đỏ tía
Trời đặt tên là Hồng.

Một loài nấm gỗ mục
Được gọi là Linh Chi,
Một sinh vật bé tí
Cũng có tên Địa Y.

Hoa soi mình bóng nước
Trời gọi là Thủy Tiên,
Rồi, Tía Tô, Húng, Quế..                  
Ai cũng được đặt tên.

Cuối cùng, Trời thấy mệt,
Định ngủ thì bỗng nhiên
Có một cây rau nhỏ
Vội chạy đến xin tên.

Nó bảo nó đến muộn
Vì bà ốm lâu ngày,
Phải thuốc thang, cơm nước,
Nên giờ mới đến đây.

Trời mệt, nhìn nó hỏi:
“Con chưa có tên à?
Ừ, đặt tên gì nhỉ?
Ừ, thì là... thì là...”

Nó reo lên vui sướng:
“Tôi đã có tên rồi.
Tôi có tên rồi nhé.
Thì Là là tên tôi.”



TRUYỀN THUYẾT VỀ CỦ MÀI
1
Sách sử có chép lại
Một câu chuyện như sau,
Rằng xưa có hai nước
Lớn và nhỏ đánh nhau.

Đội quân của nước nhỏ
Bị dồn ép, cuối cùng
Bị quân của nước lớn
Bao vây trong khu rừng.

Khu rừng ấy hiểm trở,
Không dễ tấn công vào.
Thủ lĩnh quân nước lớn:
“Không đánh cũng chẳng sao.

Trong ấy thiếu lương thực.
Sớm muộn, khi đói ăn,
Hoặc chấp nhận thất bại,
Hoặc chúng sẽ chết dần.”

Rồi ông ta cắm trại,
Cho bao vây bốn bề,
Chờ giặc ra nộp mạng,
Đắc thắng và hả hê.

Thế mà suốt mấy tháng,
Không thấy chúng ra hàng.
Đánh vào, bị đánh trả.
Ông bắt đầu hoang mang.

Và rồi một tối nọ,
Khi quân lính ngủ say.
Quân nước nhỏ trên núi,
Đánh xuống, phá vòng vây.

Do chủ quan khinh địch,
Do mỏi mệt, quân ông
Bị đánh thua, tan tác,
Xác ngổn ngang giữa đồng.

Thế là quân nước lớn
Phải rút về nước mình.
Quân nước nhỏ chiến thắng,
Khôi phục lại hòa bình.

Suốt mấy tháng trên núi,
Mặc dù thiếu quân lương,
Họ không chỉ không đói
Mà khỏe mạnh khác thường.

Đơn giản vì bất chợt
Họ thấy một loài cây
Củ rất to và ngọt,
Lá xanh rậm và dày.                         

Hơn thế, loài cây ấy
Có rất nhiều khắp nơi.
Ngựa thoải mái ăn lá,
Củ thì dành cho người.

Sau chiến tranh, dân chúng
Vào rừng đào về ăn,
Thay cho ngô, cho gạo,
Sức khỏe khá hơn dần.

Cây củ quí giá ấy
Có tên là củ mài,
Họ Củ nâu, thực chất
Cũng là một giống khoai.



SỰ TÍCH HOA ANH TÚC

Người ta kể, vùng nọ,
Không rõ là vùng nào,
Có một người phụ nữ,
Số phận phũ phàng sao.

Nàng bị mụ phù thủy,
Thù độc và thù dai,
Biến thành bông anh túc
Giữa đồng hoa cùng loài.

Từ đấy nàng phải sống
Ban ngày giữa đồng hoa,
Chỉ chờ khi đêm đến
Nàng mới được về nhà.                     

Một hôm, nàng cho biết,
Muốn quay lại với chồng,
Chàng phải nhận ra vợ
Giữa rừng hoa triệu bông.                

Anh chồng nghe, lặng lẽ
Ra đồng sáng hôm sau.
Một biển anh túc đỏ,
Bông nào cũng giống nhau.

Thế mà chàng tinh ý
Vẫn nhận ra vợ mình -
Chỉ một bông anh túc
Không có sương lung linh.

Đó là nàng, bởi lẽ
Nàng cùng chồng ở nhà,
Không hề phơi sương gió
Suốt cả đêm hôm qua.

Lời nguyền mụ phù thủy
Thế là hết nhiệm màu.
Hai vợ chồng từ đó
Hạnh phúc sống cùng nhau.



CHÚ CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA

Vào những đêm trăng sáng,
Khi ta ngước nhìn lên
Mặt trăng vàng, ta thấy
Có hình người đen đen.

Hình người đen đen ấy,
Lúc rõ, lúc nhạt nhòa
Ta thường gọi Chú Cuội
Đang ngồi gốc cây đa.

Chú là người có thật,
Sống từ thời xa xưa.
Sáng vào rừng đốn củi,
Ra về vào buổi trưa. 

Một hôm, chú bỗng gặp
Bốn con hổ mới sinh.
Chú dùng rìu đập chết
Mà chẳng chút rùng mình.

Nhưng cũng liền sau đó
Chú bỗng nghe tiếng gào
Của hổ mẹ đang tới,
Liền leo lên cây cao.  

Thương đàn con đã chết,
Hổ mẹ gầm rồi rên.
Sau đó nó lẳng lặng
Ra con suối kề bên.

Nó đến một bụi rậm,
Cắn một nhúm lá non,
Rồi mang về, nhai lá,
Mớm cho bầy hổ con.

Bầy hổ con sống lại,
Như không hề hấn gì.
Rồi nhìn quanh một lượt,
Hổ mẹ dẫn con đi.

Chú Cuội liền tụt xuống,
Đi tìm cây thuốc thần,
Nghĩ có lúc cần đến,
Nên đem trồng trước sân.  

Thực ra cây thuốc ấy
Chỉ là một cây đa.
Cây còn non, mơn mởn,
Lớn nhanh, lá xùm xòa.

Chú quí cây này lắm,
Chăm tưới nước hàng ngày,
Dặn đi dặn lại vợ
Không được tè lên cây.

Bị nhắc nhiều, khó chịu,
Nhân hôm chồng vắng nhà,
Cô nàng đã vén váy
Tè vào gốc cây đa.

Bỗng như có phép lạ,
Cây đa non xanh tươi
Vươn lên cao, bật rễ,
Từ từ bay lên trời.

Đúng lúc ấy chú Cuội
Vừa đi đâu về nhà,
Thấy thế liền nhanh chóng
Định níu giữ cây đa.

Chú ngoắc rìu vào nó.
Nó bay lên phăng phăng,
Và chỉ chịu dừng lại
Khi lên đến mặt trăng.  

Và thế là chú Cuội
Kẹt không về được nhà.
Đêm nhìn trăng ta thấy
Chú ngồi gốc cây đa.          



TỪ THỨC GẶP TIÊN

1
Đời Trần, thời Quang Thái,
Có một chàng thư sinh
Làm Tiên Du tri huyện,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Chàng tên là Từ Thức,
Người ở đất Hóa Châu,
Rất hào hoa, phong nhã,
Kinh sử thuộc làu làu.   

Có một ngôi chùa cổ
Cách không xa huyện đường.
Chùa nhiều mẫu đơn quí
Đẹp và thơm khác thường.

Mỗi năm, khi hoa nở,
Khách gần và khách xa,
Các nam thanh nữ tú
Đều đổ về ngắm hoa.

Tháng Hai, năm Bính Tỵ
Người ta thấy một nàng,
Tuổi mười lăm, mười sáu,
Mặc gấm đỏ, lụa vàng.

Có vẻ từ xa tới,
Nàng xinh đẹp tuyệt trần,
Đến mức ai nhìn thấy
Cũng đứng lại, bần thần.   

Do muốn nhìn thật kỹ,
Nàng vin một cành hoa,.
Không ngờ cành dòn gãy,
Ai thấy cũng xót xa.

Người trông hoa chạy đến,
Bắt nàng trói vào cây,
Mặc cho nàng khóc lóc,
Xin tha thứ điều này.

Từ Thức thấy, cám cảnh,
Bèn cởi chiếc áo choàng
Gán cho chủ cây cảnh
Để giải thoát cho nàng.

Cô gái kia cúi thấp
Cảm ơn chàng chân thành,
Lẫn trong đám du khách
Rồi mất hút rất nhanh.

2
Là quan hiền, Từ Thức
Vốn ham mê văn chương,
Thích túi thơ, bầu rượu
Hơn gò bó công đường.

Nên dẫu được trọng dụng,
Chàng treo ấn từ quan,
Để chu du hồ hải,
Sống cuộc sống an nhàn.

Một hôm chàng du ngoạn
Tới cửa biển Thần Phù,
Bỗng thấy một núi đá
Ẩn hiện trong sương mù.

Nhìn kỹ - mây năm sắc
Kết thành hình hoa sen,
Như Bồng Lai tiên cảnh.
Chàng liền bảo dừng thuyền.

Chàng leo lên ngọn núi,
Núi như hiện, như mờ.
Đứng trước vách núi đá,
Chàng viết một bài thơ.

Bất chợt, vách đá mở.
Một hang động rất cao
Liền hiện lên trước mặt.
Chàng vén áo bước vào.

Vừa đi được mấy bước
Thì cửa hang bỗng nhiên
Lại từ từ khép chặt.
Bốn bề là bóng đen.

Chàng dò dẫm đi tiếp,
Nước nhỏ giọt xuống đầu.
Càng đi hang càng rộng,
Và rồi, một lúc sau

Chàng dụi mắt, chợt thấy
Một bầu trời bao la,
Đầy ánh nắng rực rỡ,
Nhiều cung điện chói lòa.

Một vườn hoa muôn sắc,
Lạ và đẹp khác thường.
Trên trời chim bay lượn,
Không khí ngát mùi hương.    

Chàng còn đang ngơ ngác
Không biết mình ở đâu,
Thì chợt nghe ai đó
Đang nói cười phía sau.

Đó là hai cô gái
Mặc áo xanh, nơ hồng,
Cúi thấp mời Từ Thức
Theo họ vào bên trong.

Trong cung điện lộng lẫy,
Một bà tiên đang ngồi,
Bà bảo chàng ngồi cạnh,
Với nụ cười trên môi:

“Đây là hang thứ sáu,
Băm sáu động Phù Lai,
Bốn bề nước bao bọc,
Cấm cửa với người ngoài.

Vì thấy chàng có đức
Nên ta mời đến đây.”
Nói đoạn, bà ra hiệu.
Người hầu dẫn ra ngay

Một tiểu thư xinh đẹp
Mà chỉ mới nhìn qua
Chàng biết là cô gái       
Gặp nạn lúc xem hoa.

“Giáng Hương, con ta đấy.
Hôm ngắm hoa mẫu đơn
Nó được chàng cứu mạng,
Nay ta muốn đền ơn,

Bằng cách gả con gái,
Mời chàng sống nơi này.”
Rồi bà cho tổ chức
Lễ cưới ngay trong ngày.

Chư tiên khắp vũ trụ
Được mời đến vui chung.
Tiệc kéo dài bất tận,
Rượu rót mãi khôn cùng.

Rồi tiếng đàn, tiếng hát
Vang khắp chín phương trời.
Cô dâu và chú rể
Đến chuốc rượu từng người.

3
Vậy là chàng Từ Thức
Lấy vợ tiên, xa nhà
Tưởng hôm trước, ấy vậy
Một năm đã trôi qua.

Một hôm, thấy sen nở,
Chàng bỗng ngồi bần thần,
Chạnh nhớ làng quê cũ,
Muốn thăm lại cõi trần.

Giáng  Hương nghe chồng nói,
Hai mắt lệ ngấn trào:
“Ý chàng đã như vậy,
Thiếp còn biết làm sao?”

Chàng nói chàng chỉ muốn
Về thăm quê mấy ngày,
Rồi quay lại cùng sống
Mãi mãi ở nơi này.

Biết không thể ngăn được,
Giáng Hương nhờ mẹ nàng
Chuẩn bị sẵn xe ngựa
Và thuyền mây tiễn chàng.

4
Từ Thức xuống hạ giới,
Không nhận ra làng mình.
Mọi cái đã thay đổi,
Thậm chí cả ngôi đình.

Chỉ có hòn đá lớn
Như xưa, không đổi thay.
Không còn ai quen cũ,
Xa lạ cả hàng cây.

Khi hỏi về Từ Thức,
Mọi người đều lắc đầu.
Một cụ già thì nói:
“Lâu rồi, đã rất lâu,

Cụ cố tôi, Từ Thức,
Cách đây một trăm năm,
Một hôm dạo trên núi,
Lạc đường, rồi biệt tăm.”

Chàng chạnh lòng nuối tiếc,
Muốn về với Giáng Hương,
Nhưng đường xa vời vợi,
Không xe, không biết đường.

Một hôm, mặc áo lá,
Tay gậy, đầu nón tre,
Chàng một mình lên núi,
Rồi không ai thấy về.



VIÊN NGỌC ƯỚC

Xưa có chàng người ở
Chăn trâu cho phú ông.
Từ sáng đến chiều tối,
Suốt ngày ở ngoài đồng.

Một hôm do sơ ý,
Chàng để lạc mất trâu,
Bị đền mười nén bạc,
Chàng nghèo, biết lấy đâu?

Thế là chàng nằm khóc,
Khóc ngoài đồng, ngủ quên.
Một con quạ thấy thế,
Sà xuống, đậu kề bên.

Nó tưởng chàng đã chết,
Định ngồi rỉa thịt ăn.
Chàng hé mắt, nhìn thấy
Liền tóm chặt hai chân.

Nó van nài tha chết
Vì đàn con ở nhà.
Chàng động lòng trắc ẩn
Nên cuối cùng cũng tha.

Để đền ơn, con quạ
Cho chàng viên ngọc đen.
Đó là viên ngọc ước,
Ước gì có nấy liền.

Chàng cảm ơn con quạ,
Rồi ước có con trâu,
Liền có ngay trâu béo
Đền cho ông nhà giàu.       

Sau đó chàng lại ước
Có nhà, có vườn cây,
Ước thêm cô vợ đẹp -
Tức thì nàng đến ngay.

Đó là một cô gái
Nổi tiếng đẹp nhất vùng.
Tự nhiên cô tìm đến
Xin chàng cho ở cùng.

Nhờ có viên ngọc ước,
Họ chẳng thiếu thứ gì.
Cô vợ tham nẩy ý
Lấy ngọc rồi trốn đi.

Thế là một ngày nọ,
Chàng đi xa trở về,
Thấy mất vợ, mất ngọc,
Lại khóc, buồn ủ ê.

Bụt hiện lên, hỏi chuyện.
Chàng kể hết sự tình.
          Ngài nghe xong, liền nói:
“Con đừng buồn, hại mình.”

Rồi Bụt lấy trong túi
Hai bông hoa tuyệt vời,
Một màu trắng, một đỏ,
Cả hai còn rất tươi.

“Con hãy trồng hoa trắng
Trước nhà bố vợ con.
Vợ con trốn trong đấy.
Nhớ trồng sau hoàng hôn.

Còn bông đỏ cứ giữ.
Khi người ta đến đây
Cầu xin con giúp đỡ
Mới dùng đến bông này.”

Chàng làm đúng lời Bụt.    
Bông hoa có phép thần,
Tỏa hương thơm kỳ diệu,
Ai cũng muốn đến gần.

Thế là họ nhà vợ
Chạy ra xem rất đông,
Chen nhau ngửi hoa đẹp,
Nước mũi chảy dòng dòng.

Sáng hôm sau, thật lạ,
Khi nhìn vào gương soi,
Ai cũng thấy chiếc mũi
Trông hệt như vòi voi.

Nó vừa dài vừa xấu,
Nhăn nheo, thật buồn cười.
Làm thế nào được nhỉ?
Chỉ còn biết kêu trời.

Đúng lúc ấy chàng đến,
Bảo mũi dài thế này
Là do ngửi hoa lạ.
Rằng chàng mang theo đây

Một bông hoa thần khác.
Chỉ cần hít một hơi
Là mũi sẽ ngắn lại,
Bình thường như mũi người.

Nhưng với một điều kiện,
Là phải đem trả chàng
Viên ngọc và cô vợ.
Họ buộc phải đầu hàng.

Phải khen anh chồng tốt.
Vợ hư, trốn khỏi nhà,
Còn ăn cắp viên ngọc,
Mà không hề kêu ca.

Nghe người ta kể lại,
Thì sau đó hai người
Con cháu có một đống
Và hạnh phúc suốt đời.



CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI

Con cóc tuy bé nhỏ,
Da khô và xù xì,
Nhưng xưa nay nổi tiếng
Là đệ nhất gan lì.

Ngày xưa, một năm nọ,
Trời hạn hán lâu ngày,
Ruộng đồng khô, nứt nẻ
Nắng thiêu đốt vườn cây.

Muông thú nằm chờ chết,
Trơ đáy hồ và ao.
Ai cũng muốn mưa xuống,
Nhưng không biết cách nào.

Cuối cùng cóc đề nghị
Phải đi lên kiện trời
Sao không cho mưa xuống
Cứu loài vật và người.

Thế là cóc đi trước,
Hăng hái dẫn theo mình
Một đoàn dài muông thú
Đi lên tận thiên đình.

Đến nơi, cóc bố trí
Con nào vào chỗ nào,
Rồi gióng ba hồi trống,
Làm rung cả thiên tào.

Ngọc Hoàng đang nằm ngủ.
Hóa ra ngài ngủ say,
Quên không cho mưa xuống
Đã hơn bốn năm nay.

Bị đánh thức, ngài giận,
Sai Thiên Lôi ra xem.
Thiên Lôi ra chỉ thấy
Một con cóc đen nhèm.

Lưỡi tầm sét thì lớn,
Mà cóc bé tí ti.
Đánh chưa chắc đã trúng,
Lại hỏng trống thì nguy.

Nên Thiên Lôi quay lại.
Gà trời được phái ra.
Cóc nghiến răng làm hiệu.
Cáo cắn đứt đầu gà.

Rồi cóc lại gióng trống,
Lần này to gấp hai
Một con chó gớm ghiếc
Liền nhe nanh ra oai.

Cóc nghiến răng làm hiệu.
Gấu chờ sẵn, tức thì,
Tát một cái, chó chết,
Máu chảy ra đen xì.

Thấy có vẻ nghiêm trọng,
Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi
Phải đích thân xung trận.
Thiên Lôi ra, và rồi

Ong từng đàn bay đến
Bu kín mặt, kín đầu.
Thiên Lôi liền vội vã
Nhảy xuống hồ nước sâu.

Cua đang chờ ở đấy,
Dùng càng cắn vào tai.
Thiên Lôi đau, sợ quá
Liền bỏ chạy ngoài.

Rồi cóc lại gióng trống,
Lần này to gấp ba.
Thấy không thể thắng nổi,
Ngọc Hoàng xin giảng hòa.

Ngài liền cho tiên nữ
Mời cóc và bạn mình
Vào hỏi chuyện, mở tiệc
Chiêu đãi rất linh đình.

Ngài hỏi, sao vất vả
Phải lên tận nơi này.
Cóc đáp nơi hạ giới
Hạn hán bốn năm nay.

Những tưởng ngài bận việc,
Hóa ra chỉ vì lười
Mà bỏ bê chức sự,
Gây khổ cho mọi người.

Cóc còn dọa lần tới
Mà lặp lại thế này,
Thì đội quân muôn thú
Sẽ lại kéo lên đây.

Ngọc Hoàng sợ, xin lỗi,
Xin được làm người nhà.
Trước các thần, ngài nói:
“Ông cóc là cậu ta!”

Rồi ngài sai thần gió
Và thần mưa từ nay
Phải mưa gió đều đặn
Để Cậu khỏi lên đây.     

Từ đấy, như ta biết,
Cóc thành cậu Ngọc Hoàng.
Mỗi lần cần mưa xuống
Cóc chỉ cần nghiến răng.

Còn bọn trẻ thì hát:
Cóc là cậu ông trời.
Hễ ai mà đánh nó
Thì coi như toi đời.



NGƯU LANG, CHỨC NỮ

Xưa, một chàng trai nọ
Có tên là Ngưu Lang,
Nhà nghèo, chưa chưa vợ,
Không bố mẹ, họ hàng. 

Chàng vui vẻ, hạnh phúc
Dù làm lụng hàng ngày,
Sống nhờ sự giúp đỡ
Của con trâu, chiếc cày.

Khá yên bình, giản dị,
Cuộc sống cứ trôi qua.
Sáng chàng đi cày mướn,
Tối về lo việc nhà.

Nhưng rồi một ngày nọ,
Chàng trở về, bất ngờ
Thấy nhà cửa gọn ghẽ,
Cơm dọn sẵn đang chờ.

Mấy hôm sau cũng vậy.
Chắc phải có người nào
Đến và làm việc ấy.
Ai, bao giờ, vì sao?

Một sáng, như thường lệ,
Chàng lùa trâu đi ra,
Rồi quay về đứng nấp
Trong bụi cây trước nhà.

Một lát sau thì thấy
Có cô gái rất xinh
Bước vào nhà, lặng lẽ
Làm các việc gia đình.

Chàng chạy từ chỗ nấp
Đến nắm chặt tay nàng:
“Nàng là ai, xin hỏi,
Đến giúp tôi, Ngưu Lang?”

“Thiếp tên là Chức Nữ,
Thấy chàng sống xưa nay
Hiền lành nhưng nghèo đói,
Nên tự nguyện đến đây.

Ngưu Lang mừng rỡ nói:
“Vậy thì nàng ở luôn,
Giúp đỡ nhau cùng sống.
Hai người ắt không buồn.”

Nàng cúi đầu đồng ý.
Họ trở thành vợ chồng.
Nàng ở nhà dệt vải,
Chàng cày mướn ngoài đồng.

Họ sinh con, thật tuyệt,
Một gái và một trai.
Sống hòa thuận, hạnh phúc,
Cũng chẳng thua kém ai.

Một hôm trời đang sáng
Bỗng sấm chớp đùng đoàng.
Có hai vị thiên tướng
Bay xuống nhà Ngưu Lang.

Họ nói: Nàng Chức Nữ
Trước bỏ nhà đi chơi,
Là cháu của Thiên Đế,
Nay đến bắt về trời.

Họ túm chặt Chức Nữ
Rồi bay vọt lên cao.
Ngưu Lang ôm con nhỏ
Nhìn theo, lệ ứa trào.              

Chàng muốn lên thiên giới
Đòi lại vợ, tiếc thay,
Đường chắc xa và khó.
Thật không dễ điều này.

Con trâu già đứng cạnh
Nói: “Muốn bay lên trời,
Hãy giết tôi, anh chủ,
Lấy da khoác lên người.”

Chàng chần chừ, không nỡ
Giết người bạn trâu già.
Nhưng con trâu năn nỉ.
Chàng giết nó, thế là,

Đặt lên vai chiếc gánh,
Hai đầu hai đứa con,
Chàng bay lên thiên giới,
Hy vọng vẫn đang còn.

Nhưng đến nơi, thật tiếc,
Một dòng sông bao la
Đứng chắn ngang trước mặt,
Đó là sông Ngân Hà.

Ba bố con dừng lại,
Nước mắt chảy ròng ròng.
Vợ của chàng, Chức Nữ
Ở bên bờ kia sông.         

Chàng đứng thế, khóc mãi.
Cuối cùng thì Ngọc Hoàng
Động lòng thương, cho phép
Một năm vợ chồng chàng

Được gặp nhau một tối,
Đúng vào ngày Trùng Dương,
Tức mồng chín tháng Chín,
Thường mưa và nhiều sương.

Hàng năm, vào tối ấy,
Để hai người gặp nhau,
Một đàn quạ bay đến
Chụm đầu nhau thành cầu.



NÚI BÀ ĐEN

Núi Bà Đen nổi tiếng
Ở vùng đất Tây Ninh
Xưa gọi là Núi Một,
Linh thiêng và hữu tình.

Có một bức tương Phật
Ẩn trong tán lá cây.
Các phật tử đến cúng
Rất đông và hàng ngày.

Một người con gái nọ,
Tên là Lý Thiên Hương,
Văn hay và võ giỏi,
Lại xinh đẹp khác thường.

Nàng thường đến lễ Phật.
Có chàng trai trong làng,
Tên là Lê Sĩ Triệt
Đem lòng thương yêu nàng.    

Một hôm, viên quan nọ,
Giữa đường, thấy nàng xinh,
Sai lính bắt lên kiệu,
Về làm lẽ cho mình.

Sĩ Triệt xông vào đánh,
May giải cứu được nàng.
Về sau hai bố mẹ
Hứa sẽ gả cho chàng.

Vào thời ấy Võ Tánh
Chiêu binh giúp Gia Long.
Lê Sĩ Triệt lập tức
Gia nhập đội quân ông.

Một hôm, đang lễ Phật,
Bất ngờ Lý Thiên Hương
Bị bọn cướp vây bắt,
Nàng chống lại ngoan cường.

Nàng thoát, chạy lên núi,
Nhưng không thấy về nhà.
Từ đấy bặt tin tức,
Mọi người đều xót xa.

Sang đời vua Minh Mạng,
Một nhà sư đang thiền
Thì bỗng có cô gái
Xinh đẹp nhưng mặt đen

Đến trước ngài và nói:
“Ta là Lý Thiên Hương,
Trước sẩy chân mà chết,
Nay đắc quả Phật thường.

Ngươi hãy xuống khe núi
Tìm xác ta chôn giùm.”
Nhà sư nhặt hài cốt
Rồi chôn trong chiếc chum.

Câu chuyện ấy kỳ lạ
Được người dân lưu truyền,
Và ngọn núi, Núi Một,
Trở thành núi Bà Đen.

Quốc công Lê Văn Duyệt
Liền xe ngựa vội vàng
Đến viếng, hứa dâng sớ
Xin phong thần cho nàng.

Ông nói, nếu có thể
Xin được nàng hiển linh.
Qua miệng một bé gái,
Nàng kể chuyện đời mình.

Rằng nàng yêu Sĩ Triệt,
Không may phải chết oan,
Nhờ chân tu, đức độ
Nàng được lên Niết Bàn.

Rồi nhân tiện nàng nói
Rằng linh hồn Quốc công
Sẽ đời đời vinh hiển,
Nhưng “chúng hành xác ông”.

Nghe người ta kể lại,
Khi Võ Tánh tự thiêu
Vì Bình Định thất thủ,
Thì chàng trai nàng yêu

Nhưng chưa cưới, Sĩ Triệt,
Một vị tướng tài ba,
Được chỉ huy hai tỉnh -
Bình Thuận và Khánh Hòa.

Về sau, nàng họ Lý
Được tôn thành thánh hiền,
Là Linh Sơn Thánh Mẫu,
Ngự trên núi Bà Đen.



ĂN MÀY XIN VÀNG

Xưa, một phú ông nọ,
Giàu vào loại cực kỳ.
Nhưng ông rất hà tiện,
Chẳng cho ai cái gì.

Thế mà một buổi sáng
Có một lão ăn mày
Đến chìa tay trước cửa,
Rồi đứng thế suốt ngày.

Mà lão ăn mày ấy
Không phải xin cơm rang,
Xin tiền hay gì đấy.
Lão xin một nén vàng.

Cho cơm không chịu nhận,
Người ta đuổi không đi.
Lão ăn mày đứng thế.
Đúng là thật chây lỳ.

Suốt một năm như thế,
Còn biết làm gì đây?
Cuối cùng ông hà tiện
Lấy vàng cho lão này.

Ông lén sai người ở
Lặng lẽ theo ông già.
Lão này đến, nằm ngủ
Gần một bãi tha ma.

Nhân khi lão đang ngủ,
Anh đầy tớ lại gần
Lấy thỏi vàng của lão,
Về trả cho chủ nhân.

Lão ăn mày sáng dậy,
Lại đến nhà phú ông,
Hỏi xin vàng như trước.
Thế có bực mình không.         

Phú ông ra, liền quát:
“Ông quá đáng vừa thôi.
Vừa cho vàng hôm trước,
Sao còn đến xin tôi?”

Lão ăn mày bình thản
Vừa đáp vừa vuốt râu:
“Vì tôi mới nhắm mắt,
Vàng đã biến đi đâu.”

Người phú ông đêm ấy
Cứ băn khoăn, bồn chồn:
Ừ nhỉ, hễ nhắm mắt
Là vàng đã không còn.       

Rồi dần dần ông hiểu
Vàng bạc chỉ nhất thời,
Và điều quan trọng nhất
Là sống có tình người.

Ông hà tiện sau đó
Đem hết bạc và vàng
Cúng chùa, làm việc thiện,
Giúp đỡ người trong làng. 

Các vị cao niên nói
Rằng ông lão ăn mày
Chính là Phật, ngài đến
Dạy ông bài học này.



ĐỒNG TIỀN MÌNH KIẾM RA       

Xưa, có vợ chồng nọ
Sinh được người con trai,
Chiều chuộng và yêu lắm,
Mong sau này thành tài.

Nhưng nhà giàu, chiều quá
Nên cậu chàng rất lười.
Lớn lên, chẳng chịu học,
Mà chỉ thích ăn chơi.

Ông bố trước khi chết
Nói với vợ: “Thằng con
Là thằng vô tích sự,
Tôi quả rất đau buồn.

Vậy sau khi tôi chết,
Bao của cải trong nhà
Đem cho ai cũng được,
Miễn đừng cho hắn ta.”     

“Ấy, ông đừng nói thế.
Mình giàu nên nó lười.
Khi cần, nó có thể
Kiếm tiền như mọi người.”

“Thì bà hãy bảo nó
Kiếm một đồng xem nào.
Kiếm được, tôi cho nó
Cả gia tài chẳng sao.”

Chồng bà tính nghiêm khắc,   
Và bà rất sợ ông.
Sợ cả việc ông chết,
Con trai bà tay không.

Bà đưa tiền cho cậu,
Dặn tối đến về nhà,
Bảo làm thuê mà có,
Rồi đưa tiền cho cha.    

Xem đồng tiền tối ấy,
Ông bố liền vung tay
Vứt ngang qua cửa sổ:
“Không phải tiền của mày!”

Anh con nhìn, không đáp,
Lẳng lặng ra khỏi nhà.
Sáng hôm sau, bà mẹ
Đưa tiền cho anh ta:

“Lần này con phải nhớ
Chạy nhiều trước khi về,
Sao cho quần áo ướt,
Mặt mồ hôi dầm dề.”

Tối đến, anh con nói
Phải làm việc suốt ngày
Kiếm được đồng tiền ấy,
Nên áo ướt thế này.

Ông bố xem, nhíu mặt,
Lại lần nữa vung tay
Vứt tiền qua cửa sổ:
“Đây không phải tiền mày!”             

Anh con, cả lần ấy,
Cũng chẳng nói năng gì.
Không ra vườn nhặt lại.                                                  
Khinh khỉnh cười, bỏ đi.

Giờ thì bà mẹ hiểu
Con cứ lười thế này
Thì sau khi bố chết
Nhất định sẽ trắng tay.

Nên bà bảo cu cậu:
“Kiểu này khó lừa ai.
Con chịu khó lao động
Mới được nhận gia tài.”

Anh con nghe, sau đó
Liên tục suốt bảy ngày
Đi làm thuê vất vả,
Đến sưng rộp hai tay.

Cuối cùng cũng kiếm được
Một đồng bạc, về nhà,
Áo quần bẩn, nhem nhuốc,
Anh đưa nó cho cha.

Ông bố nhìn, im lặng,
Rồi lần nữa vung tay
Ném tiền vào bếp lửa:
“Nó không phải của mày!”

Anh con ngay lập tức
Chạy đến bếp tìm tiền,
Bất chấp tro đang nóng,
Dùng hai tay moi lên.

Ông bố liền bảo vợ,
Giờ tôi tin con bà
Kiếm ra đồng tiền ấy.
Thật là phúc cho ta.

Rồi ông làm di chúc
Toàn bộ gia tài mình
Cho con, trước lười biếng,
Nay chăm làm, thông minh.    



TRUYỆN TÚ UYÊN, GIÁNG KIỀU

1
Xưa, vào thời Hồng Đức,
Có anh học trò nghèo,
Bố và mẹ chết sớm,
Nên vất vả đủ điều.        

Tỉnh xa về trọ học
Ở Bích Câu, Thăng Long,
Chàng thông minh, hay chữ,
Nhưng thi cử long đong.

Chưa một lần thi đậu,
Ở lâu, mọi người quen,
Gọi chàng là anh Tú,
Có người gọi Tú Uyên.

Một ngày nọ, anh Tú
Đi xem hội Vô Gia.
Nhiều thiện nam tín nữ
Cũng đổ về ngắm hoa.

Đi nhiều nên chân mỏi,
Chàng ngồi dưới gốc bàng.
Bỗng nhiên một chiếc lá
Rơi ngay trước mặt chàng.

Nhặt lên, thấy chiếc lá
Chép một bài thơ đùa.
Chắc của người nào đấy
Cũng đang ở trong chùa.

Chàng nhìn quanh, bất chợt              
Thấy đôi mắt thật xinh
Của một cô gái trẻ
Đang chăm chú nhìn mình.  

Chàng lại gần, bắt chuyện.
Nàng vui vẻ chuyện trò.
Rồi hai người đi dạo,
Nhưng đến một chiếc hồ

Bỗng nhiên nàng biến mất.
Chàng đứng lặng, ngẩn ngơ,
Tối mới về nhà trọ,
Bâng khuâng và thẫn thờ.

Từ đấy chàng mơ tưởng,
Nhớ người đẹp hôm nào,
Rồi đến đền Bạch Mã
Xin một quẻ xem sao.

Nửa đêm, thần báo mộng,
Bảo mai đến cầu Đông,
Ắt sẽ được như ý.
Chàng khấp khởi trong lòng.

Ở đấy chàng chỉ thấy
Một ông lão bán tranh,
Loại Đông Hồ mộc bản,
Treo rất nhiều xung quanh.

Thấy chàng đứng thơ thẩn,
Người bán tranh mời chàng
Mua một bức Tố Nữ.
Chàng nhìn, chợt ngỡ ngàng

Thấy nàng Tố Nữ ấy
Giống người chàng nhớ thương.
Chàng mua bức tranh đó,
Treo ngay ở đầu giường.         

Hàng ngày chàng ngắm nó,
Ngắm người đẹp trong tranh.
Không chịu rời một bước,
Bỏ bê chuyện học hành.

Đến bữa ăn, chàng đặt
Hai chiếc bát, ân cần
Như với người có thật,
Mời nàng xuống cùng ăn.

Chàng ngạc nhiên rất đỗi
Khi thấy người trong tranh
Bỗng nhiên má ửng đỏ
Mắt âu yếm nhìn mình.

Chàng Tú một ngày nọ
Đi học về, bất ngờ
Thấy nhà cửa sạch sẽ,
Bữa cơm ngon đang chờ.

Mấy hôm sau cũng thế.
Vì tò mò, một ngày
Chàng nấp, rình để biết
Ai đã làm điều này.

Chàng ngạc nhiên khi thấy
Tố Nữ từ trong tranh
Bước xuống rồi dọn dẹp,
Nấu nướng trong nhà mình.

Chàng vội vàng chạy tới,
Xé bức tranh, và rồi
Nói: “Mời nàng ở lại
Trong nhà này với tôi.”

Nàng trách chàng nóng vội,
Nhưng rồi cũng gật đầu.
Người đẹp và anh Tú
Từ đấy sống cùng nhau.

Nàng vốn là tiên nữ,
Giáng Kiều là tên nàng.
Do tiền duyên định sẵn
Nên xuống đây với chàng.

Giáng Kiều rút trâm ngọc,
Hóa phép biến ngôi nhà
Thành cung điện lộng lẫy,
Đèn và nến sáng lòa.

Hai người làm lễ cưới.
Tiên đến dự rất đông.
Ăn uống và múa hát
Cho tới rạng hừng đông.

2
Kể từ ngày chàng Tú
Có vợ đẹp mê hồn,
Chàng quên hết sách vở,
Thích uống rượu, ăn ngon.

Giáng Kiều khuyên can mãi
Nhưng chàng vẫn không nghe,
Suốt ngày ăn rồi uống,
Uống say lại nói nhè.

Có hôm uống say quá,
Chàng mắng cả Giáng Kiều.
Miệng sùi bọt, lảm nhảm,
Chân nam đá chân chiêu.

Giáng Kiều giận, không nói,
Dìu chồng vào nghỉ ngơi,
Rồi nàng đành gạt lệ
Lẳng lẽ bay lên trời.

Còn Tú Uyên, tỉnh dậy,
Không thấy Giáng Kiều đâu.
Chợt hiểu hết sự việc,    
Chàng khóc, tay ôm đầu.


SỰ TÍCH CHIM TU HÚ

1
Xưa, có một người nọ,
Tính ngay thẳng, hiền lành,
Nhưng phải cái nóng nảy,
Làm người ta bực mình.

Cũng chỉ vì nóng nảy
Mà mọi người, mọi nơi
Gọi ông là Bất Nhẫn -
Không kiên nhẫn ở đời.

Để chữa cái thói ấy        
Và để thành người thiền,   
Bất Nhẫn bèn quyết định
Đi tu ở chùa bên.

Cùng lúc ấy còn có
Một người nữa đi tu,
Tức là ông Năng Nhẫn -
Kiên nhẫn và cần cù.

Hai người cùng xuống tóc,
Cùng lên chùa một ngày,
Cùng chuyên tâm tu luyện,
Thế mà rồi sau này

Chỉ mình ông Năng Nhẫn
Được Đức Phật trải lòng
Cho độ thành chính quả.
Còn Bất Nhẫn thì không.

Ông quỳ trước tượng Phật,
Hỏi nguyên cớ vì sao,
Và để tu đắc đạo,
Ông phải làm thế nào?

Ngài nói: “Tâm con sạch,
Nhưng tính tình chưa nhuần.
Phải kiên nhẫn hơn nữa,
Rồi con sẽ ngộ dần.”

Bất Nhẫn nghe lời Phật,
Ngồi thiền dưới bóng cây,
Theo lối thiền trường định,
Hết ngày lại đến ngày.

Ông ngồi yên bất động,
Mặc kiến cắn rất đau,
Mưa gió hắt vào mặt,
Chim chóc ỉa trên đầu.

Ông chú tâm niệm Phật,
Thời gian cứ trôi qua.
Một năm, hai năm hết,
Rồi sang năm thứ ba.

Và rồi cả năm ấy,
Năm cuối cùng định thiền,
Cũng dần dần sắp hết.
Một ngày nọ, bỗng nhiên

Có một đôi chim én
Đến làm tổ trên đầu,
Rồi đẻ trứng, trứng nở,
Rồi suốt ngày cãi nhau.           

Bất Nhẫn vẫn bình thản
Như không gì xẩy ra.
Ý nghĩ hướng đến Phật,
Tâm và thức yên hòa.

Một lần, trời sắp tối,
Chim mẹ ăn hoa sen,
Mải ăn, cánh sen khép,
Kẹt, không thể bay lên.

Đến sáng, hoa nở lại,
Nó thoát, bay trở về.
Chim chồng ghen, chửi mắng.
Ngủ qua đêm, thật ghê!

Mặc chim vợ thề thốt,
Kêu khóc oan lắm thay,
Con chim chồng không chịu,
Cứ ầm ĩ suốt ngày.

Rồi chim vợ nổi cáu,
Rồi bắt đầu đánh nhau,
Không con nào chịu nhún,
Thật đinh tai, nhức đầu.

Cuối cùng, không chịu nổi,
Nhẫn Nhục giật tổ chim
Rồi ném mạnh xuống đất:
“Chúng mày im, im, im!”

Thế là công tu luyện
Trong suốt ba năm ròng
Coi như vứt xuống giếng,
Không lại vẫn hoàn không.

2        
Bất Nhẫn không nản chí.
Trước Đức Phật anh linh,
Lần nữa hứa khắc phục
Cái bất nhẫn của mình.

Lần này ông tự nguyện
Làm lái đò không công
Chở đúng một nghìn khách
Muốn nhờ đưa sang sông.

Trong hai năm liên tục
Ông chở đò giúp người
Ngày mưa cũng như nắng,
Không kêu ca một lời.

Cuối cùng, một sáng nọ,
Sau một đêm mưa rào,
Từ thượng nguồn chảy xuống,
Nước xiết và dâng cao.

Có một phu nhân trẻ,
Đôi má đánh phấn hồng,
Cùng đứa con còn nhỏ,
Lúc ấy muốn sang sông.

Vừa xuống thuyền, cô ả
Đã quát mắng bắt đi.
Chắc là vợ quan huyện,
Chẳng coi ai ra gì.

Bất Nhẫn nghe, không đáp,
Chỉ lặng lẽ chèo đò.
Thuyền vừa mới cập bến,
Cô ả lại kêu to:

“Anh cho đò quay lại.
Gói hành lý tôi quên
Còn trên bờ bên ấy.
Quay thuyền đi, nhanh lên.”

Lúc ấy nước đang xiết,
Gió lại nổi rất to,
Mất hai giờ qua lại.
Ông lẳng lặng quay đò.

Khi nhận gói hành lý,
Người đàn bà lại kêu:
“Anh quay đò lần nữa.
Vẫn sót đôi giày thêu.”

Bất Nhẫn không chịu nổi,
Liền văng tục tức thì:
“Tao không là thằng ở,
Mẹ con mày cút đi!”

Thực chất cô ả ấy
Chính là Phật Quan Âm,
Đến để thử Bất Nhẫn
Về cái nhẫn, cái tâm.

Ngài nói: “Ngươi vẫn vậy.
Tu thế thì còn lâu,
Họa chăng là tu hú.” 
Ông xấu hổ, cúi đầu.

Bất Nhẫn sau khi chết
Thành loài chim ít bay,
Có tên là Tu Hú,
Trốn trong bụi suốt ngày.


SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ

Hà Nội có tứ trấn,
Tức là bốn ngôi đền:
Đền Quan Thánh phía Bắc.
Phía Nam - Đền Kim Liên.

Phía Tây - Đền Voi Phục,
Đền Bạch Mã phía Đông.
Cả bốn ngôi đền ấy
Trấn giữ thành Thăng Long.   

Đại Nam Nhất Thống Chí,
Chép ở quyển mười ba
Rằng Cao Biền thời ấy
Cho đắp thành Đại La.

Cao Biền Tiết độ sứ
Do nhà Đường cử sang,
Rất giỏi về pháp thuật,
Tính khí cũng ngang tàng.

Một hôm ông đi dạo
Ra tận ngoài Cửa Đông,
Bỗng thấy trong mây bụi
Có bóng ai cưỡi rồng.

Người ấy cưỡi rồng đỏ,
Thẻ bài vàng cầm tay,
Mặc áo quần sặc sỡ,
Luôn ẩn hiện trong mây.   

Tiết độ sứ cả sợ,
Định yểm bùa đề phòng.
Đêm ấy, khi gần sáng,
Thần báo mộng với ông:

“Tên ta là Long Đỗ,
Biết ông xây thành này,
Nên đến cốt hội ngộ.
Vậy bùa yểm gì đây?”

Cao Biền lấy làm lạ,
Bèn lấy vàng và đồng
Chôn xuống để trấn yểm.
Chẳng dè, đêm mưa giông,

Sáng dậy thì chợt thấy
Tất cả đồng và vàng
Đã biến thành tro bụi,
Nên ông liền vội vàng

Cho xây ngay chỗ ấy
Một đền thờ rất to
Để thờ thần Long Đỗ,
Người biến vàng thành tro.

Đại Nam Nhất Thống Chí
Nói đền được xây xong
Năm tám trăm sáu sáu
Thờ Long Đỗ - Rốn Rồng.

Khi vua Lý Thái Tổ
Dời đô về Đại La,
Ngài cho xây thành lũy,
Thế mà như có ma,

Cứ xây xong lại đổ,
Chẳng ai hiểu thế nào.
Vua đến chùa Long Đỗ
Lập đàn cầu xem sao.

Cầu vừa xong, lập tức
Sấm nổ, chớp chói lòa,
Rồi một con ngựa trắng
Từ trong chùa đi ra.

Nó thong thả dạo bước,
Đi một vòng quanh thành,
Để lại trên đất ướt
Những dấu chân của mình.

Vua bèn sai binh lính
Cứ theo đó mà xây.
Quả nhiên không đổ nữa.
Thật linh thiêng điều này.

Chùa đổi tên từ đấy
Thành Bạch Mã Linh Từ,
Tức đền thiêng ngựa trắng,
Phố Hàng Buồm bây giờ.

Vua còn phong Long Đỗ,
Tức là thần Rốn Rồng,
Giúp xây thành vững chắc,
Thành thành hoàng Thăng Long.

Dù nằm chỗ đông đúc
Và hỏa hoạn thường xuyên,
Nhờ linh thiêng, Bạch Mã
Bao đời vẫn còn nguyên.

Vào tháng Hai âm lịch,
Ngày mười hai, mười ba,
Đền luôn mở lễ hội,
Thu hút khách gần xa.


GÁI NGOAN DẠY CHỒNG

1
Xưa, có ông giàu nọ,
Vợ chết sớm, mà ông
Chỉ có một quí tử,
Thích cờ bạc, lông bông.

Ông nghĩ khi ông chết,
Thằng con cờ bạc này,
Loại “phá gia chi tử”,
Chẳng mấy mà trắng tay.

Nên ông lo tìm trước
Người vợ cho con trai,
Loại khôn ngoan, giúp hắn
Giữ một phần gia tài.

Ông tìm kiếm lâu lắm,
Cuối cùng được một người
Vừa thương chồng, hiền thảo,
Lại khôn ngoan, hiểu đời.

Mặc cho bố và vợ
Khuyên can rất nhiều lần,
Anh con ham cờ bạc,
Nên của cải vơi dần.

Ông bố đành bất lực,
Lúc chết bảo con dâu:
“Bố cho con hũ bạc
Chôn ở bên gốc cau.

Thằng chồng con hư đốn,
Coi như đồ vứt đi.
Nay con ở với nó
Hay con về thì tùy.”

Anh con khi bố chết
Càng thả sức bê tha,
Đánh bạc rồi uống rượu,
Rồi đuổi vợ khỏi nhà.

Quả như ông dự đoán,
Bố chết chưa đầy năm,
Nhà cửa và ruộng đất
Đều biến đâu mất tăm.

Khi tiền hết, bạn hết,
Mà phải ăn hàng ngày,
Chẳng biết làm gì khác,
Anh chàng đi ăn mày.

2
Lại nói cô vợ trẻ,
Bị đuổi, nén đau buồn,
Với hũ bạc sẵn có,
Cô mở cửa hàng buôn.

Nhờ làm ăn chăm chỉ,
Buôn có lãi, có lời,
Chẳng bao lâu sau đó
Cô giàu có hơn người.

Dù bị đối xử bạc
Nhưng cô vẫn thương chồng,
Cho người tìm, không thấy,
Vẫn ngày ngày chờ mong.

Một ngày nọ, bất chợt
Có một gã ăn mày,
Tóc rối xù, rách rưới,
Đứng trước nhà, chìa tay.

Cô nhìn kỹ thì thấy
Đó chính là người chồng
Cô vẫn hằng mong đợi,
Nhưng vẫn vờ như không.

Anh chàng kia ngược lại,
Không nhận ra vợ mình
Một bà chủ giàu có,
Nghiêm nghị và rất xinh.

Anh chàng rất sung sướng
Khi bất ngờ được bà
Đề nghị làm người ở
Giúp việc vặt trong nhà.

Suốt một năm sau đó
Anh làm việc chuyên cần,
Ăn chung với đầy tớ,
Ngủ cùng bọn gia nhân.

Một hôm, nhân ngày Tết,  
Bà chủ thưởng mỗi người
Năm mươi quan tiền mới,
Để đánh bạc cho vui.

Mọi người đi chơi bạc.
Anh chàng này ở nhà
Làm phần việc của họ.
Hỏi thì đáp: “Thưa bà,

Trước tôi vốn giàu có,
Nhưng vì ham trò này
Mà mất nhà, mất vợ
Rồi thành thằng ăn mày.

Tôi đã thề tu chí,
Lánh xa trò đỏ đen.
Phải lao động vất vả
Để biết giá đồng tiền.”

Sau đó anh chàng kể
Câu chuyện buồn của mình,
Cả chuyện đuổi người vợ
Chung thủy và rất xinh.

Bất ngờ bà chủ hỏi:
“Anh còn yêu vợ không?”
“Dạ có, còn yêu lắm,
Nhưng xấu hổ trong lòng.”

3
Thấy hắn đã thành thật
Biết lỗi lầm của mình,
Bà chủ mới òa khóc,
Kể rõ hết sự tình.

Rồi bà đem tiền bạc
Chuộc ruộng đất nhà chồng.
Số tiền thừa còn lại
Cúng hết vào việc công.

Từ đấy họ chung sống
Hạnh phúc đến tận già.
Có điều anh chồng ấy
Cứ tranh làm việc nhà.


SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG

1
Xưa, có một người nọ,
Tên họ là Dã Tràng.
Một hôm ông chợt thấy
Có đôi rắn hổ mang.

Con rắn vợ lột xác,
Con chồng đi kiếm ăn.
Một lúc sau quay lại
Miệng ngậm con thằn lằn.

Nó mớm cho con vợ
Rồi vội vàng bò đi.
Con kia vừa lột xác,
Yếu, không thể làm gì.

Nửa tháng sau, đến lượt
Con rắn đực thay da.
Rắn cái đi đâu đấy,
Lát sau quay về nhà.

Nhưng, tiếc thay, rắn cái,
Thay vì mang thức ăn,
Nó dẫn một con đực      
Lớn gần bằng con trăn.

Đến cửa hang, đôi rắn
Cứ quấn chặt lấy nhau.
Chúng làm tình lặng lẽ,
Dữ dội và rất lâu.

Cuối cùng cũng kết thúc,
Con rắn đực hổ mang
Thở phì phì, giận dữ
Chuẩn bị bò vào hang.

Dã Tràng nhìn thấy thế
Biết nó định làm gì.
Ông giận con rắn cái
Phản chồng lúc gian nguy.

Ông đánh con rắn đực
Bằng chiếc sào hái cau,
Không ngờ trúng con cái,
Làm nó chết, dập đầu.       

Rồi bực mình, chán nản,
Ông bỏ đi vào nhà,
Quên chuyện cái hang rắn
Cùng “mối tình tay ba”.

Một hôm, nằm cạnh vợ,
Không ngủ được, Dã Tràng
Bèn kể lại câu chuyện
Ba con rắn hổ mang.

Kể vừa xong, bất chợt,
Họ ngước nhìn lên trần,
Thấy một con rắn lớn
Tụt xuống, bò lại gần.

Nó nói: “Tôi phục sẵn,
Định giết ông đêm nay
Để báo thù cho vợ,
Không ngờ chuyện thế này.

Hóa ra ông, ngược lại,
Với tôi là ân nhân.
Tôi xin biếu viên ngọc,
Sẽ có lúc ông cần.

Nó giúp ông hiểu được
Tiếng nói của muôn loài.
Hãy giữ nó cẩn thận,
Đừng hé lộ cho ai.”

Hôm sau, bầy quạ nói
Trong rừng có con dê
Bị hổ vồ, đến đấy
Lấy thịt mà mang về.

Nhưng ông chỉ lấy thịt,
Chừa chúng tôi bộ lòng.”
Dã Tràng đến lấy thịt.
Thịt còn thừa, và ông

Bảo người làng đến lấy.
Họ lấy cả bộ lòng,
Nên lũ quạ tức giận,
Đậu trước nhà, chửi ông.

Suốt ngày chúng cứ chửi,
Không kiêng nể chút gì.
Ông lấy cung ra bắn,
Cốt để chúng bay đi.

Bầy quả thì lại nghĩ
Ông lấy oán báo ân,
Nên giữ mũi tên ấy
Để báo thù khi cần.

Chẳng bao lâu chúng thấy
Một xác chết trên sông.
Chúng cắm lên xác chết
Mũi tên ghi tên ông.

Lập tức ông bị bắt
Rồi bị giải lên quan,
Bị tống giam vào ngục,
Mặc cho ông kêu oan.

Một hôm, nghe chim sẻ
Nói vua nước Trung Hoa
Cho quân đến biên giới
Sắp sửa đánh nước ta,

Đáng lẽ chúng đã đánh,
Nhưng còn chờ viện binh,
Dã Tràng báo tin ấy,
Nhờ nói với triều đình.

Vua cho quân do thám,
Thấy quả đúng tin này,
Liền sai người đến ngục,
Thưởng và thả ông ngay.

2
Sau khi ra khỏi ngục,
Ông vội vã về nhà.
Trời vừa chạng vạng tối,
Thì đến đất Hồng Hoa.

Ông tìm đến người bạn
Có tên là Trần Anh.
Hai người vui gặp lại,
Nhắc chuyện xưa học hành.

Vợ chồng người bạn ấy
Thấy khách quí đến chơi
Định làm thịt con ngỗng,
Ngỗng lại hiểu tiếng người,

Nên ngoài sân đôi ngỗng,
Ngỗng vợ và ngỗng chồng,
Cứ dành nhau được chết.
Dã Tràng nghe, mủi lòng.

Ông bảo vợ chồng bạn
Đừng giết ngỗng làm gì,
Và rằng nếu cứ giết,
Ông sẽ bỏ ra đi.

Thế là ngỗng thoát chết.
Sáng hôm sau ra về,
Dã Tràng nhìn, đã thấy
Đàn ngỗng chờ ngoài đê.

Chúng tạ ơn cứu mạng,
Còn tặng viên ngọc hồng,
Viên ngọc có phép lạ,
Từ nay sẽ giúp ông

Đi lại trên mặt nước
Như đi giữa mặt đường.
Đem khuấy ở sông, suối,
Rung động tới đại dương.

Đến một con sông nọ,
Ông bước xuống, và rồi
Đi như trên mặt đất,
Không chìm, cũng không trôi.

Để thử, ông lấy ngọc
Khuấy dưới nước xem sao.
Biển, đại dương lập tức
Rung động, sóng dâng trào.

Dưới thủy cung lúc ấy
Có yến tiệc linh đình.
Long vương lấy làm lạ,
Cho dò la tình hình.

Quân của ngài vội vã
Rẽ nước ngoi lên sông,
Thấy Dã Tràng cầm ngọc
Đang khuấy mạnh giữa dòng.

Mà mỗi lần ông khuấy,
Sông dậy sóng, lung lay.
Họ sợ quá, sụp lạy,
Xin ông tạm dừng tay.   

Dã Tràng còn được họ
Mời xuống thăm thủy cung.
Long Vương ra tận cửa,
Đón, thân mật vô cùng.

Ông thật thà kể lại
Chuyện ngỗng cho ngọc hồng,
Chuyện đi trên mặt nước
Và thử khuấy dòng sông.

Long Vương nghe, chỉ sợ
Ông mà khuấy nhiều hơn,
Thì thủy cung sụp đổ,
Mạng ngài cũng không còn,

Bèn tặng nhiều vàng bạc
Để lấy lòng Dã Tràng,
Còn đề nghị kết nghĩa
Làm anh em, họ hàng.

3
Sau một thời gian vắng,
Dã Tràng trở về nhà,
Giàu có và đáng kính,
Nổi tiếng khắp gần xa.

Hai viên ngọc quí ấy
Ông luôn giữ trong người
Đựng trong chiếc túi vải,
Một phút cũng không rời.

Thế mà một ngày nọ,
Đi ăn cỗ làng bên,
Tới nơi ông sực nhớ
Chiếc túi bị bỏ quên.

Mặc mọi người cố giữ,
Ông liền bỏ về nhà,
Cố tìm túi đựng ngọc,
Nhưng tìm mãi không ra.

Cuối cùng ông nhìn thấy
Bức thư của vợ ông,
Nói bà lấy chiếc túi,
Đừng tìm nữa mất công,

Rằng Long Vương đã hứa,
Nếu có ngọc cho ngài,
Ngài sẽ lấy làm vợ,
Sẽ được ngồi chung ngai.

Đọc xong bức thư ấy,
Dã Tràng đau nhói lòng,
Không ngờ vợ bội bạc
Và Long Vương lừa ông.

Nhưng là người nghị lực,
Ông quyết định cuối cùng
Phải lấy lại ngọc quí,
Tự mình xuống thủy cung.

Không còn ngọc rẽ nước,
Vậy thì ông làm đường
Bằng cách xe cát đổ,
Đổ dần xuống đại dương.

Mặc những lời ngăn cản,
Lời cười diễu chua cay.
Dã Tràng cứ xe cát,
Cứ lấp biển hàng ngày.

Có thể đấy là việc
Chẳng “nên công cán gì”,
Nhưng đó là khát vọng,
Hơn bất lực, ngồi ỳ.

Cuối cùng ông đã chết,
Biến thành con dã tràng.
Nhưng chết chưa phải hết,
Sóng biển vẫn mênh mang,

Và hàng ngày vẫn thế,
Như vẫn thế bao đời,
Dã tràng vẫn xe cát,
Dã tràng - con, và người.


SỰ TÍCH CON THẠCH SÙNG

1
Xưa, vợ chồng anh nọ
Có tên là Thạch Sùng,
Vừa nghèo vừa hà tiện,
Đến mức gọi điên khùng.

Họ sống trong hang đá
Để đỡ tiền làm nhà.
Con vợ đi mót lúa,
Mót từng củ khoai hà.

Thằng chồng thì đốn mạt,
Giả què để ăn mày.
Tối hết cân lại đếm
Cái kiếm được trong ngày.

Chúng mặc toàn giẻ rách,
Ăn toàn củ với rau,
Luôn bóp mồm bóp miệng,
Để ki cóp làm giàu.

Kiểu tích mây thành bão,
Chúng có khá nhiều tiền,
Dù luôn mồm rên rỉ,
Giả nghèo và giả hèn.

Một hôm có thầy bói
Mơ thấy hai con trâu
Húc nhau dưới hồ nước
Đến sứt trán, vêu đầu.

Rồi hai con trâu ấy
Nối đuôi bay lên trời.
“Đó là điềm rất xấu, -
Lão nói với mọi người. -

Sắp tới trời mưa lớn,
Nước ngập hết ruộng đồng,
Dân tình sẽ chết đói,
Vậy biết mà đề phòng.”

Tin vào lời thầy bói,
Thạch Sùng liền vội vàng
Đem tiền mua lương thực
Về chất đầy trong hang.

Và rồi trời mưa thật,
Nước ngập lụt nhiều ngày,
Lúa, hoa màu chết hết,
Ai cũng thành ăn mày.

Thạch Sùng chờ lúc ấy
Đem thóc bán cho người.
Tất nhiên giá cắt cổ,
Mua một, hắn bán mười.

Thành ra sau vụ ấy
Hắn trở thành rất giàu,
Giàu hơn cả quan huyện,
Thậm chí hơn quan châu.

Rồi hắn đốt áo rách,
Thôi không ở trong hang,
Mà xây lâu đài lớn,
Ăn diện như ông hoàng.

Bao nhiêu năm khổ sở,
Chuyên hầu hạ người ta,
Giờ ăn sung mặc sướng,
Người ở đứng đầy nhà.

Hơn thế, hắn tàn nhẫn
Đuổi con vợ ra đường
Để lấy nàng công chúa
Vừa trẻ vừa dễ thương.

2
Một hôm, trong buổi lễ
Mừng phong tước quận công
Mà hắn mua, không rẻ,
Quan khách đến rất đông. 

Cao hứng và tự đắc,
Hắn bèn thách mọi người
Có ai giàu bằng hắn,
Nhưng mọi người chỉ cười.

Thế mà có một vị,
Một quan to rất giàu,
Nhận lời thách của hắn.
Hai người hẹn hôm sau

Mời đích thân quan phủ
Và một số hiền tài
Làm chứng và phán quyết
Ai thực giàu hơn ai.

Luân phiên, hai người hỏi:
“Ông có cái này không?”
Nếu người kia không có,
Cuộc thi coi như xong.

Sau đó người thua cuộc
Đem hết gia tài mình
Trao cho người thắng cuộc,
Công bằng và phân minh.

Thạch Sùng tin mình thắng,
Nhưng hễ khoe cái gì,
Là ông kia đều có
Và đưa ra tức thì.

Nhưng hắn cũng giàu thật:
Nào chén ngọc, nồi đồng,
Nào bạc vàng, đá quí,
Không có gì là không.

Cuối cùng ông quan lớn
Cho người nhà bê ra
Một chiếc bát sành mẻ.
Thạch Sùng vội vào nhà

Tìm, tìm mãi không thấy
Một chiếc bát thế này.
Trước trong hang nhiều lắm,
Nhưng đập hết, tiếc thay.

Vậy là đành thua cuộc.
Từ một anh rất giàu,
Giờ trở thành tay trắng.
Ôi đau thật là đau.

Ông quan kia thắng cuộc
Đem gia tài Thạch Sùng
Phần phát cho dân chúng,
Phần góp làm của chung.

Thạch Sùng thì tiếc của,
Ngã xuống đất, chết ngay,
Biến thành con bò sát
Kêu “tiếc, tiếc” suốt ngày.


SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

Ngày xưa, không ai biết
Cách nào và bao giờ,
Quỉ chiếm hết ruộng đất,
Chỉ cho Người ở nhờ.

Quỉ đương nhiên chủ đất,
Người quanh năm làm thuê,
Luôn chịu cảnh đói rét
Vì sưu thuế nặng nề.

Quỉ đặt ra cái lệ:
Cây trồng được, chia đôi
Quỉ sẽ lấy phần ngọn,
Còn phần gốc cho Người.

Thành ra, Người trồng lúa,
Vất vả bao nhiêu ngày,
Mà chỉ được gốc rạ,
Cuối cùng đành trắng tay.

Phật thấy thế, định bụng
Sẽ giúp Người, và ngài
Bảo hãy thôi trồng lúa,
Mà mùa sau trồng khoai.

Vụ ấy, Quỉ rốt cục
Nhận toàn dây khoai lang,
Còn người thì phấn khởi
Gánh khoai củ về làng.

Quỉ bèn thay đổi lệ:
Quỉ lấy gốc, còn Người  
Từ nay nhận phần ngọn.
Quỉ vui mừng, thầm cười,

Vì chúng nghĩ, chắc chắn
Người phải thua lần này.
Nhưng Người lại trồng lúa,
Nên Quỉ thành trắng tay.

Quỉ tức giận bèn quát:
“Lần sau thì chúng tao
Lấy cả gốc lẫn ngọn.
Chúng mày liệu cách nào?”

Phật giúp Người lần nữa,
Bằng cách cho giống ngô.
Thu hoạch, Người ăn bắp,
Quỉ được xác cây khô.

Cuối cùng Quỉ quyết định
Giữ đất không cho thuê:
Thà để đất cỏ mọc
Hơn bị lừa thế kia.

Phật bảo Người thương lượng:
Đất không thuê thì mua,
Chỉ nhỏ bằng chiếc áo
Các sư mặc trong chùa.

Quỉ lúc đầu từ chối,
Nhưng sau thấy giá hời,
Miếng đất lại bé xíu,
Nên cuối cùng nhận lời.

Nghĩa là Người cắm cọc,
Treo chiếc áo lên cao,
Đất nằm trong bóng áo,
Cũng chẳng lớn là bao.      

Hai bên lập cam kết:
Trong bóng là đất Người.
Ngoài bóng là đất Quỉ,
Cứ thế mãi suốt đời.

Phật làm phép: Chiếc bóng
Cứ cao mãi lên không.
Cái bóng đen chiếc áo
Xua quỉ ra Biển Đông.

Bao nhiêu đất màu mỡ
Từ nay thuộc về Người.
Quỉ chỉ có hòn đảo
Xa tít ngoài biển khơi.

Quỉ đem quân lên đánh,
Gồm hổ, rồng, trâu bò...
Người được Phật giúp đỡ -
Cuộc chiến cứ dằng co.

Chúng cho người tìm hiểu
Phật sợ gì nhất đời.
Phật nói Ngài sợ nhất
Là oản, chuối và xôi.

Ngài dò hỏi, cũng biết
Quỉ sợ những thứ này:
Lá dứa khô, máu chó,
Vôi bột, tỏi, ớt cay.

Rồi một cuộc đại chiến
Giữa hai bên bắt đầu.
Quỉ tấn công bằng cách
Các binh lính tranh nhau

Ném vào Phật những cái
Đang rất cần cho Người.
Ngài làm gió rắc xuống      
Cái chúng sợ nhất đời.

Thế là Quỉ đại bại,
Chạy về phía Biển Đông.
Phật bắt chúng lần nữa
Sống giữa biển mênh mông.

Chúng rập đầu van lạy
Xin được vào đất liền
Vài ngày vào dịp Tết
Để thờ cúng tổ tiên.       

Phật đồng ý, vì thế,
Những ngày Tết, người ta
Dựng cây nêu trước ngõ,
Không cho Quỉ vào nhà.

Trên nêu có chiếc khánh
Bằng đất nung, khánh kêu
Làm Quỉ phải hoảng sợ
Mà không dám làm liều.

Người ta còn vứt tỏi,
Vẽ hình những mũi tên
Đang chỉ về hướng biển,
Nhắc chúng rời đất liền.


VUA LỢN  

Xưa, có anh chàng nọ,
Nhà nghèo, không mẹ cha,
Phải đi ở từ bé
Cho ông quan huyện già.   

Vì làm lụng vất vả,
Vì ở bẩn thành quen,
Anh chàng bẩn như lợn.
Và Lợn cũng là tên.    

Một hôm, đang kỳ cọ
Chân quan huyện bên bồn,
Hắn thấy mu chân chủ
Có ba nốt ruồi son.

Buột miệng thôi, Lợn nói
Hắn cũng có sau lưng
Chín nốt ruồi như thế.
Quan nghe, bảo hắn dừng,

Cởi áo, quan xem kỹ.
Quả có chín nốt ruồi.
Xếp thành hàng thật đẹp,
Nốt nào cũng hồng tươi.

Không nghi ngờ gì nữa.
Đây là tướng làm vua.
Thằng Lợn thành vua Lợn?
Đây không phải chuyện đùa.

Quan quyết định giết hắn,
Bèn gọi con nô tỳ,
Bảo như thế, như thế,
Như thế cứ làm đi.         

Nô tỳ tên là Gái,
Thầm yêu Lợn lâu nay,
Bèn báo cho Lợn biết,
Bảo phải trốn đi ngay.

Lợn sợ, đi xa lắm,
Theo dòng sông ngược lên,
Cuối cùng hắn được nhận
Giúp việc trong ngôi đền.

Đền có tượng hộ pháp
To lớn và phương phi.
Lợn lau, với không tới,
Bèn nói: “Ngồi xuống đi.”

Thật lạ, ông hộ pháp
Nghe nói thế liền ngồi.
Lau xong, lại đứng dậy,
Còn mỉm cười, nhếch môi.

Ban đêm Lợn bảo tượng
Ra tập võ cho mình.
Có hôm tập hăng quá
Đến tận rạng bình minh.

Ông chủ đền thấy lạ,
Bèn hỏi rõ đầu đuôi.
Lợn thật thà kể hết,
Kê cả chuyện nốt ruồi.

Ông già báo quan huyện.
Quan đến bắt Lợn đi
Vì ngài vẫn muốn giết
Cái thằng này lạ kỳ.

Bất chợt một toán cướp
Từ trong rừng nhảy ra,
Đánh quân lính tan tác
Rồi khênh Lợn về nhà.

Ở đấy, chúng sụp lạy
Trước Lợn rồi kính thưa:
Đêm qua thần báo mộng
Hôm nay sẽ gặp vua.

Lợn vui vẻ đồng ý
Làm thủ lĩnh nghĩa quân,
Được tắm rửa sạch sẽ
Và thay mới áo quần.

Nhưng tên Lợn vẫn giữ.
Thủ lĩnh Lợn oai phong.
Các anh hùng hào kiệt
Đến tụ nghĩa rất đông.            

Rồi khởi nghĩa thắng lợi,
Lợn được tôn làm vua.
Một vị vua rất oách,
Vua thật chứ chẳng đùa.

Một lần ngài kinh lý,
Thấy cô Gái năm nào.
Gái nói: “Vua oai nhỉ?”
Ngài đáp: “Ừ, thì sao?

Có muốn làm hoàng hậu
Thì lên xe đi cùng.”
Gái gật đầu: “Cũng được.”
Rồi hai người về cung.


MƯỜI VOI KHÔNG ĐƯỢC BÁT NƯỚC XÁO

Xưa, có ba cô gái,
Đến tuổi, đi lấy chồng.
Thành ra nhà ba rể.
Ba ắt tốt hơn không.

Hai anh đầu giàu có,          
Nghiêm chỉnh và đàng hoàng.
Anh thứ ba nghèo khổ,
Lại còn thói huênh hoang.

Một hôm, bố vợ chết,
Hai anh mang lợn, xôi.
Anh thứ ba tay trắng,
Còn khinh khỉnh bĩu môi:

“Lợn hai bác bé quá.
Để bây giờ em đi
Mua mười voi làm cỗ
Chừng ấy thấm tháp gì.”

Rồi anh ta đi thật.
Đi đâu không ai hay,
Bắt người ta chờ mãi,
Cho đến khi tối ngày

Anh ta mới quay lại,
Tay không vẫn tay không,
Rồi làm bộ giận dữ:
“Thật đúng là mất công.

Cái nhà kia thật láo,
Tôi định mua mười voi,
Mà hắn chỉ có tám,
Thế là chờ công toi.”

Rồi anh ta ngồi xuống,
Thản nhiên chén ngon lành,   
Lại chê con lợn bé,
Không có mỡ trong canh.

Từ đấy mới có chuyện
Nói khoác những mười voi,
Không được bát nước xáo.
Một anh rể không tồi.



TRỨNG NGÓT                  

Có một cô gái nọ
Lấy chồng, về làm dâu.
Một hôm mẹ chồng bảo
Xuống bếp luộc nồi rau.

Cô luộc xong, thật lạ,
Trước cả một nồi đầy,
Giờ chỉ còn một nửa.
Ôi, biết làm sao đây?

Cô sợ quá, ngồi khóc.
Mẹ chồng hỏi vì sao?
Cô nói hết sự thật.
Mẹ chồng cười: “Ôi dào,   

Rau luộc nó phải ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”
Cô gái nghe, mừng lắm,
Bây giờ mới hiểu ra.

Mấy hôm sau, luộc trứng,
Luộc mười quả trong nồi.
Cô lấy ăn một nửa,
Vẫn thòm thèm, và rồi

Khi bà mẹ chồng hỏi:
“Còn năm quả thôi à?”
Cô đáp: “Trứng nó ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”


ÔNG QUAN BỘ HÌNH     

Xưa, có ông quan nọ,
Làm việc ở bộ Hình,
Xét xử rất nghiêm khắc,
Dẫu hiền lành tính tình.

Trong khi đó, bà vợ
Nhu mì và thương người,
Rất yêu chuộng lẽ phải
Và công bằng ở đời.

Hàng ngày bà để ý,
Đi làm về, nhiều khi
Chồng có vàng, quà biếu,
Bà ngờ ngợ, sinh nghi.

Rồi bà quyết định thử.
Bà đặt lên bàn ăn
Một đĩa mười miếng chả,
Và giả bộ cằn nhằn:

“Tôi rán mười ba chiếc,
Còn mười là thế nào?
Hay con hầu ăn vụng.
Ông tra nó xem sao.”

Ông chồng liền tra hỏi.
Chắc bị đánh rất đau,
Con bé nhận ăn vụng,
Đứng xin tha, cúi đầu.        

Lúc ấy, bà vợ nói:
“Con bé này nói điêu.
Bị ông đánh và ép
Nên nó phải nhận liều.

Tôi thử vì muốn biết
Ông là người thế nào.
Nó không hề ăn vụng.
Giờ tôi hiểu vì sao

Ông có vàng, quà biếu.
Xin ông chốn công đường
Không ép cung, đánh đập
Hay làm điều bất lương.”

Nghe bà vợ nói thế,
Ông chồng, quan bộ Hình,
Thấy nhiều điều chí lý,
Mới hoảng sợ giật mình.

Nghe nói sau lần ấy,
Ông xuống tóc nhập thiền,
Của cải cúng công đức,
Hưởng cuộc sống bình yên.


HAI CHÚ GẤU CON

Xưa, ở trong rừng nọ,
Có hai con gấu con,
Thật xinh và ngộ nghĩnh,
Luôn chạy nhảy lon ton.

Lớn lên, chúng được mẹ
Dạy phải thương yêu nhau,
Phải nhường nhịn, chia sẻ,
Đặt tình thương làm đầu.

Ngày nọ cả hai chú
Đi vào rừng kiếm mồi.
Săn mãi mà chẳng được,
Bụng đói bắt đầu sôi.

Bỗng hai chú may mắn
Thấy chiếc bánh đa vừng
Người đi săn sơ ý
Bỏ sót lại trong rừng.

Rồi hai chú háo hức
Chia chiếc bánh làm hai,
Rồi tỵ nhau hơn thiệt,
Không ai chịu nhường ai.

Cuối cùng chúng buộc phải
Nhờ một lão cáo già
Thật công tâm, chính xác
Chia giùm chiếc bánh đa.

Cáo vui mừng đồng ý,
Và thế là bắt đầu
Chia làm hai chiếc bánh
Cố tình không bằng nhau.

“Không bằng nhau? Tiếc quá.
Để tôi chữa lại cho.”
Nó cắn một miếng lớn
Vào nửa bánh phần to.

Nhưng giờ nửa bánh ấy
Lại trở thành bé hơn.
Nó lại cắn, rốt cục
Còn hai mẩu tí hon.

Hai mẩu tí hon ấy
Giờ bằng nhau, chân thành
Chúng cảm ơn lão cáo
Và rồi ăn ngon lành.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét