TỰ KIỂM ĐIỂM
Lo, cũng đáng lo thật.
Buồn, cũng nhiều cái buồn.
Nhưng suy đi nghĩ lại,
Thấy vui nhiều hơn buồn.
Vì nói gì thì nói,
Kinh tế vẫn tăng đều.
Lạm phát không cao lắm.
Việc làm cũng có nhiều.
Vui nhất thấy đất nước
Đã đổi thịt thay da.
Dân - tôi và các bác
Có đồng vào đồng ra.
Vui thấy bác thủ tướng
Quyết liệt và rõ ràng.
Nhất là giúp doanh nghiệp
Được làm ăn dễ dàng.
Hơn thế, có bác phó,
Người nghệ An quê tôi,
Được khen là có học,
Có dấu ấn không tồi.
Vui nữa, thấy bác Trọng,
Bác Quang và Bác Ngân
Lo mua sắm vũ khí
Để đánh Tàu, nếu cần.
Chuyện bác Ngân nhỡ miệng,
Trót hỏi một câu sai.
Thì thôi, tha cho bác.
Phật dạy không thù dai.
Ta có nhiều cái dở,
Nhưng cũng lắm cái hay.
Có điều, do bức xúc,
Thường quên những cái này.
Biết quên thì phải nhớ,
Không nhìn đời màu đen.
Cố mà tìm cái tốt,
Giảm chê và tăng khen.
*
Trưa nay Cụ Bà trách:
Bà Tuyết nói rằng anh
Hay chê đảng, nhà nước.
Như thế là bạc tình.
Đừng quên thời bom đạn
Anh không ra chiến trường.
Về còn có cái chữ,
Không chết, không bị thương.
Tôi không dám cãi lại.
Chỉ ngồi im, đăm chiêu.
Nhưng những lời Cụ nói
Làm tôi suy nghĩ nhiều.
FUKUZAWA
Xưa nay can đảm nhất
Là người dám phê bình
Các thói hư tật xấu
Của chính dân tộc mình.
Lúc đầu họ sẽ bị
Nhiều người khác chê cười.
Tiếp đến là chửi rủa
Rồi vinh danh suốt đời.
TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC
Tương lai của đất nước
Không nằm ở số đông
Hèn nhát và mù quáng,
Bầy đàn và lên đồng.
Số đông tưởng là đúng,
Nhưng số đông thường sai.
Nhiệt tình mà ngu dốt
Thì tai họa gấp hai.
Tương lai của đất nước
Hiện đang ở những người,
Tạm thời còn số ít,
Nhưng day dứt vì đời.
Họ, những người trẻ tuổi,
Trăn trở với nước nhà.
Biểu tình bảo vệ biển,
Phản đối Formosa.
Đốm lửa nhiệt tình ấy
Sẽ có lúc cháy bùng,
Vực lại một dân tộc
Từng vinh quang, anh hùng.
Xin cảm ơn các bạn.
Cảm ơn những tấm lòng.
Tương lai là các bạn,
Chứ không phải đám đông.
ĐẲNG CẤP
Làm một cô gái trẻ,
Phải nhí nhảnh, thông minh.
Làm một người phụ nữ,
Phải chín chắn, nặng tình.
Qua được hai nấc ấy,
Để lên nấc thứ ba,
Thì cần có đẳng cấp.
Đẳng cấp một quí bà.
*
Đàn ông thích nhậu nhẹt,
Lại còn thói lòng thòng,
Thì thuộc loại đẳng cấp
Bằng không hoặc dưới không.
Ai học tập Bill Gates,
Hàng ngày đeo tạp dề
Lặng lẽ rửa bát đĩa,
Vợ ngồi uống cà phê,
Thì người ấy chắc chắn
Thuộc hàng siêu đàn ông.
Trong con mắt bà vợ
Là đẳng cấp siêu chồng.
*
Rất khác về đẳng cấp
Giữa nghe nhạc Mozart
Và nghe nhạc vớ vẩn
Của các “sao” nước ta.
Lại càng có đẳng cấp
Giữa đọc các truyện tranh
Và đọc cuốn tiểu thuyết
Bằng nguyên bản tiếng Anh.
*
Lên Phây chửi loạn xạ
Như một lũ người điên.
Không nói cũng biết chúng
Thuộc đẳng cấp thấp hèn.
Còn cái bọn mất dạy
Phá môi trường nước nhà
Thuộc đẳng cấp gì nhỉ?
Nghĩ mãi mà chưa ra.
NỮ QUYỀN
Tôi là người nhỏ bé,
Đòi hỏi cũng không nhiều.
Nhưng tôi có quyền sống
Và quyền được thương yêu.
Xinh đẹp hay xấu xí
Trong con mắt đàn ông,
Tôi được tạo hóa tặng
Quyền có con, có chồng.
Vì vậy, tôi lên tiếng
Đòi quyền ấy, nữ quyền.
Quyền được chồng chăm sóc,
Cả chuyện nhà, chuyện tiền.
Cả cái quyền ấy nữa,
Quyền có người làm tình.
Tức quyền có ai đó
Đêm, trèo lên bụng mình.
QUYỀN CỦA KIẾN
Chậu hoa cảnh tiền tỉ
Anh mua, đặt giữa nhà.
Nhưng nở hay không nở
Lại là quyền của hoa.
Anh có nghìn tờ báo,
Mấy trăm đài phát thanh.
Nhưng quyền của người khác -
Tin hay không tin anh.
Anh có thể dùng súng
Bắn một người vỡ đầu.
Nhưng không biết người ấy
Đang nghĩ gì trong đầu.
Anh có thể đàn áp
Hay bỏ tù, nếu cần.
Nhưng sợ hay không sợ
Lại là quyền của dân.
Chim cậy lớn, ăn kiến.
Đó là quyền của chim.
Kiến có quyền của kiến,
Kể cả quyền ăn chim.
MỆT VÀ BUỒN
Mệt lắm các bác ạ.
Mệt và buồn tê người,
Vì nhìn đâu cũng thấy
Bao oan trái sự đời.
Mệt đến không buồn viết.
Vì càng viết càng buồn.
Người viết buồn một nhẽ.
Người đọc chắc cũng buồn.
Hay thôi không viết nữa,
Cứ mũ ni che tai?
Cứ giả câm, giả điếc,
Đành nuốt giận thở dài?
Cõng cái già đã nặng.
Giờ cái buồn sự đời
Làm đôi chân muốn khuỵu,
Đi mà cứ khom người.
Người trẻ nếu đau một,
Người già đau gấp đôi.
Có muốn cũng không hiểu
Cái đau của chúng tôi.
Thôi nhé, ta thôi nhé.
Viết nữa chỉ thêm buồn.
Chỉ mong ngày thanh thản
Viết thơ vui trẻ con.
TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH
Hơn bốn năm về trước,
Ở Tiên Lãng, Hải Phòng,
Đoàn Văn Vươn nổ súng
Bảo vệ khu ao đồng.
Đối tượng ông nhắm bắn
Là đại diện chính quyền.
Là công an đủ loại,
Trang bị súng tiểu liên.
Hai mươi tháng sau đó
Ở thành phố Thái Bình,
Nông dân Đặng Ngọc Viết,
Do oan ức, bất bình
Vì đất đai tranh chấp,
Giải tỏa và bồi thường,
Cầm súng vào công sở,
Bắn bốn người trọng thương.
Đó là một thực tế
Đau lòng ở nước ta.
Không ai mong muốn nó,
Nhưng nó đang xẩy ra.
Vậy vì sao nên nỗi?
Vì sao hai dân thường
Chống chính quyền bằng súng,
Nhận kết quả đau thương?
Vì họ, rất đơn giản,
Quá uất ức, tủi hờn,
Không còn tin công lý.
Không biết làm gì hơn.
Vì chịu nhiều oan trái,
Vì họ, người dân thường,
Bị chặn hết cửa sống
Và dồn vào chân tường.
Giờ thì vụ Yên Bái.
Một vụ quan bắn nhau,
Mà bắn quan đầu tỉnh,
Trực diện, dí sát đầu.
Tức là cũng một dạng
Thể hiện cái bất bình
Vì chức tước, tiền bạc,
Vì gian dối, bất minh.
Tức là quan, thậm chí,
Cả quan chức rất cao,
Không tin cái công lý
Giờ trở nên tầm phào.
*
Đất nước đang gặp khó.
Niềm tin đã không còn.
Không còn cả công lý,
Đe dọa sự trường tồn.
Vụ thảm sát Yên Bái
Là bài học xót xa
Và tiếng chuông cảnh tỉnh
Để lãnh đạo nước ta
Suy ngẫm về công lý,
Về nỗi khổ dân tình,
Để cứu dân, cứu nước
Và cũng tự cứu mình.
THE REPUBLIC
Platông từng viết
The Republic, Cộng Hòa.
Về cấu trúc dân số
Chia xã hội thành ba.
Tầng lớp đông đúc nhất
Gồm các thợ thủ công.
Chuyên sản xuất của cải
Để nuôi sống cộng đồng.
Tiếp đến là binh sĩ
Để bảo vệ quốc gia.
Bảo vệ các giá trị
Của một nền Cộng Hòa.
Tầng lớp ưu tú nhất,
Dù không chiếm số đông,
Là những người có học,
Để quản lý việc công.
Họ phải nghĩ ra luật,
Xây trường học, nhà tù
Để bộ máy nhà nước
Được vận hành trơn tru.
Họ còn có trách nhiệm
Giáo dục cho cộng đồng,
Khai trí và hướng thiện.
Nhất là thợ thủ công.
Mô hình Cộng Hòa ấy
Về cơ bản ngày nay
Được áp dụng hiệu quả
Ở các nước phương Tây.
*
Ta, xã hội chủ nghĩa,
Cũng mang tiếng Cộng Hòa,
Mà làm thì ngược lại.
Xã hội cũng chia ba,
Nhưng lãnh đạo, rất tiếc,
Lại là bác công nông.
Hám lợi và ít học,
Còn thêm thói bốc đồng.
KHAI TRÍ
Cần phải có ai đó,
Những trí thức tinh hoa,
Nặng nghĩa với dân tộc,
Chấn hưng lại nước nhà.
Họ tập hợp nhau lại
Dịch sách của Tây Phương
Về dân quyền, chính trị,
Kinh tế và thị trường.
Việc làm ấy cần thiết
Để khai trí cho dân.
Dân trí được khai sáng,
Xã hội sẽ tốt dần.
Đó là cách mà nhóm
Của Fukuzawa
Thực thi thời Minh Trị
Nhằm chấn hưng nước nhà.
Chính nhờ biết tỉnh ngộ,
Mở cửa với Phương Tây,
Mà nước Nhật lạc hậu
Hùng mạnh như ngày nay.
Đành rằng ta, nói thật,
Người dân ta bây giờ
Quen cách sống khôn lỏi.
Với chính trị - hững hờ.
Thay cho việc đọc sách,
Người Việt thích bia hơi,
Thích ngắm gái, tư lợi,
Bảo thủ và lắm lời…
Thực tế là như vậy
Ở nước ta, Việt Nam.
Việc khai trí không dễ,
Nhưng làm vẫn phải làm.
Nếu không, sẽ có tội
Với Tổ Quốc, tiền nhân.
Với thế hệ con cháu
Và với cả nhân dân.
Vận mệnh của đất nước
Sẽ thế nào sau này
Phụ thuộc vào những việc
Chúng ta làm hôm nay.
Thế giới đang thay đổi.
Cả nhân loại đi lên.
Chỉ riêng ta tụt lại,
Nhất là về nhân quyền.
Hãy tiếp tục công việc
Của Cụ Phan Chu Trinh,
Lấy nền tảng dân trí
Xây xã hội văn minh.
Trách nhiệm này to lớn
Đè lên vai chúng ta,
Mỗi con dân Đại Việt.
Trách nhiệm với nước nhà.
MONG LẮM
Tự nhiên mong, mong lắm,
Mong đất nước của ta
Nhờ Thần Phật phù trợ,
Được như Myanmar.
Nhưng mà nghĩ cũng khó.
Myanmar xưa nay
Theo Phật và mộ Phật
Nên đức nặng phước dày.
Nhờ phước dày, nước họ
Đã thay đổi ngon lành.
Độc tài thành dân chủ,
Không bạo lực, chiến tranh.
Phước ta hình như mỏng.
Ta đập phá chùa chiền.
Cộng thêm món thịt chó,
Nên chiến tranh liên miên…
Mà cái Luật Nhân Quả
Vốn công bằng xưa nay
Với cả người, cả nước.
Lo là lo điều này.
Nhưng dẫu sao vẫn muốn
Và mong đất nước ta
Nhờ Thần Phật phù trợ,
Được như Myanmar.
HOA HẬU VIỆT NAM
Hoa hậu là biểu tượng
Cái đẹp của Việt Nam.
Đẹp không chỉ khuôn mặt,
Mà quan trọng - việc làm.
Không phải ở uống rượu
Và thuốc lá phì phèo.
Mà ở chỗ đồng cảm,
Thương xót những người nghèo.
Ở chỗ dám lên tiếng
Phản đối Formosa.
Dám biểu tình đòi lại
Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoa hậu mà chỉ biết
Suốt ngày đứng trước gương,
Thì thậm chí thua kém
Cả những người bình thường.
Nhân đây tôi đề nghị
Dẹp bỏ cái trò này.
Trò hoa khôi, hoa hậu
Nhiều tai tiếng lâu nay.
Hoặc nếu thi, nhất thiết
Hoa hậu phải chống Tàu,
Dám về sống, làm việc
Ở vùng xa, vùng sâu.
Chứ như tôi được biết,
Phần lớn ở nước ta,
Người ta thành hoa hậu
Chỉ để chài đại gia.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 1
Cuộc đời đầy nghịch lý.
Thu nhập thì đi lên,
Đạo đức lại đi xuống,
Tỉ lệ nghịch với tiền.
Nhà xây ngày càng lớn,
Lại càng bé gia đình.
Tiện nghi toàn hiện đại,
Cư xử kém văn minh.
Con người tìm hạnh phúc
Trong mua sắm, chi tiêu.
Nên sử dụng thì ít,
Mà đồ đạc thì nhiều.
Suốt ngày bố câu cá,
Cùng bạn nhậu lai rai.
Về nhà lại kêu bận,
Không giúp con học bài.
Thay cho việc ngồi kể
Một câu chuyện thần tiên,
Mẹ đua với hàng xóm,
Mua đồ chơi đắt tiền.
Nói thì nhiều, nghe ít.
Lại thích chạy long rong.
Ai cũng lo kiếm sống.
Học cách sống thì không.
Con người cố làm sạch
Không khí và môi sinh,
Thế mà đang tự nguyện
Làm bẩn tâm hồn mình.
Con người vượt tỉ dặm
Thăm hỏi các vì sao.
Trở về, gặp hàng xóm,
Không nói nổi tiếng “Chào!”.
Cuộc đời là thế đấy.
Xã hội càng văn minh,
Ta càng tiến hóa ngược
Rồi để mất chính mình.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 2
Cha mẹ với con cái
Cho, không bao giờ đòi.
Con cái thì thích đòi
Mà không bao giờ trả.
*
Về nhà, thấy cha mẹ,
Không một lời hỏi han.
Vừa bước vào cơ quan
Đã cúi chào thủ trưởng.
*
Ngồi chơi cùng thiên hạ,
Ba hoa trăm điều hay.
Mẹ ốm, nằm bảy ngày,
Không một lời thăm hỏi.
*
Vào quán nhậu với bạn,
Tiêu tiền coi như không.
Anh em góp làm giỗ
Lại so đo từng đồng.
Tương tự, khi lễ Phật
Thì cỗ dày, mâm cao.
Ăn chung với bố mẹ
Không chịu góp đồng nào.
*
Giỗ tổ tiên coi nhẹ,
Nuôi cha mẹ thì không.
Nhưng cả vợ cả chồng
Đua nhau làm từ thiện.
*
Gửi tiền nuôi bố mẹ
Đã ít, lại hay quên.
Khi chết, xây lăng mộ
Tốn kém cả núi tiền.
*
Đáng lẽ tu thân trước,
Rồi mới đến tề gia,
Trị quốc, bình thiên hạ.
Nhưng các quan nước ta
Thì luôn làm ngược lại -
“Trị quốc” để kiếm ăn.
Rồi vào tù, sám hối
Mới nghĩ chuyện tu thân.
*
Thoải mái ngồi trong quán
Với bạn nhậu hàng giờ.
Vậy mà không thể chờ
Chỉ mấy giây đèn đỏ.
*
Người ta vượt đèn đỏ
Để tiết kiệm mấy giây.
Về nhà ôm điện thoại
Buôn chuyện đến nửa ngày.
*
Nhạc Tây, nhạc Hàn Quốc
Thuộc cứ gọi làu làu.
Ca dao và tục ngữ
Không nhớ nổi vài câu.
*
Cả hàng chục nghìn người
Chờ cầu may, cầu lộc.
Như thể may và lộc
Có thể cho và xin.
Họ không biết hoặc quên
Phật dạy: May và lộc
Không phải cho và xin,
Mà là do Nhân Quả.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 3
Để “an cư lạc nghiệp”,
Ai cũng mong có nhà.
Rồi làm việc cật lực,
Bớt ăn, bớt tiêu pha.
Rồi tích góp, vay mượn,
Chịu bao nỗi hy sinh,
Cuối cùng ta mua được
Một chỗ ở cho mình.
Ta vui, tưởng suýt ngất.
Vui vì đã có nhà.
Thế mà rồi, thật lạ,
Vui thì vui, nhưng ta
Suốt ngày rông ngoài phố,
Quán nhậu, quán bia hơi,
Quên ngôi nhà ta có
Nhờ tích góp cả đời.
Đáng ra là tổ ấm
Mà lạnh lẽo, trống không.
Người Việt ta thế đấy.
Ngẫm mà buồn trong lòng.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 4
Ta, cháu con hiểu thảo,
Trưởng thành rồi đi xa.
Khi lương tâm cắn dứt,
Ta vội gửi về nhà
Quần áo, đồ đạc cũ
Muốn vứt bỏ lâu nay.
Các cụ nhận, xúc động,
Biết ơn ta điều này.
Và rồi các cụ gửi
Các món quà nông thôn.
Toàn những cái tốt nhất,
Cho chúng ta, cháu con.
Nghịch lý này phổ biến,
Gần như thành đương nhiên.
Ta, cháu con hiếu thảo,
Quên hoặc cố tình quên.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 5
Khi có nhiều lựa chọn,
Sẽ càng ít đam mê.
Thức ăn thành nhạt nhẽo
Khi mâm cỗ ê hề.
Đạo đức thường đi xuống
Khi vật chất đi lên.
Không có tỉ lệ thuận
Giữa đạo đức và tiền.
Xưa sách xấu và hiếm
Người đọc sách lại nhiều.
Nay ít người đọc sách
Dù sách đẹp và nhiều.
Xưa đói nghèo, khổ sở
Ít người kêu khó khăn.
Nay nhiều người kêu khổ
Dù thừa mứa thức ăn.
Tóm lại là sướng quá
Lại hóa rồ, không vui.
Tưởng tiến lên phía trước,
Hóa ra lại tiến lùi.
NGHỊCH CẢNH SỰ ĐỜI - 6
Vợ chồng nào cũng muốn
Có được một mụn con.
Ai vô sinh, hiếm muộn
Thì lo lắng, bồn chồn.
Rồi lên chùa cầu tự,
Rồi chạy ngược chạy xuôi.
Rồi sinh sản ống nghiệm,
Rồi định xin con nuôi…
Thế mà rồi khi có
Đứa con ta chờ mong,
Ta giao việc nuôi nó
Cho giúp việc, lao công.
Tức là giao hạnh phúc
Được nuôi dưỡng con mình
Cho những người xa lạ
Hờ hững và vô tình.
Rồi con ta, khi lớn,
Được giao cho nhà trường,
Tức tước đi của chúng
Tình mẫu tử yêu thương.
Thay cho việc đọc sách
Cho con nghe ban đêm,
Ta để chúng nghịch mạng,
Chơi Ipad, chơi game.
Thay cho việc dạy dỗ
Làm phong phú tâm hồn,
Ta chỉ mua áo đẹp
Và đồ chơi cho con…
Đây cũng là nghịch cảnh
Khá phổ biến ngày nay.
Mong các bố mẹ trẻ
Luôn lưu ý điều này.
SÂU VÀ NÔNG
Xưa nay cái thực sự
Làm nên người đàn bà
Không phải sự mạnh mẽ
Mà là lòng vị tha.
Là đức tính chịu đựng
Để trong ấm ngoài êm
Và gia đình hạnh phúc,
Dù khóc thầm ban đêm.
Ca dao xưa cứ nói
Đàn ông nông mà sâu.
Còn phụ nữ sâu sắc
Như chiếc cơi đựng trầu.
Thực ra không phải thế.
Người đàn bà của anh
Chưa bao giờ nông cạn.
Nhưng vấn đề là anh
Liệu có đủ sâu sắc
Để cảm nhận, yêu thương
Cái thầm ý của vợ
Trong cuộc sống đời thường.
Liệu có đủ tinh tế
Thấy vợ anh hôm nay
Diện chiếc áo xanh nhạt
Rất khác với mọi ngày.
Chắc anh quên không nhớ
Rằng một hôm, đã lâu
Anh vu vơ khen nó
Hợp người và hợp màu.
Tinh ý thêm chút nữa,
Anh sẽ hiểu vì sao
Vợ anh nói “Em ổn”
Dù chẳng ổn chút nào.
Anh tự cho mình mạnh,
Đeo đuổi đường công danh,
Không nhận thấy bên cạnh
Người đàn bà của anh
Đang tự co mình lại,
Chấp nhận mọi hy sinh,
Phải nói dối “Em ổn”,
Vì chồng và gia đình.
Khi anh đi công tác,
Nhẹ nhàng như đi chơi,
Để vợ anh chịu đựng
Trăm mối lo sự đời.
Nhưng vợ anh không khóc,
Không một lời kêu ca.
Đó không phải mạnh mẽ,
Mà là lòng vị tha.
Nếu tinh tế, sâu sắc,
Anh sẽ hiểu vợ anh
Vì sao, dù bận rộn,
Vẫn chăm chỉ tập tành.
Thậm chí chịu đau đớn
Làm thẩm mỹ eo hông,
Khuôn mặt và vòng ngực -
Tất cả chỉ vì chồng.
Như bao đàn ông khác,
Anh kêu vợ nói nhiều.
Sao sâu, anh không hiểu
Còn nói là còn yêu.
Còn nói là còn muốn
Được chia sẻ với chồng.
Và quan trọng hơn cả,
Muốn tìm người cảm thông.
Không cần sâu sắc lắm,
Anh cũng hiểu một điều,
Rằng phụ nữ tồn tại
Để yêu và được yêu.
Thế đấy, vâng thế đấy,
Sự sâu và sự nông
Chỉ có thể nhận biết
Trong quan hệ vợ chồng.
NÓI NGỌNG
Suy cho cùng, nói ngọng
Chẳng có gì đáng chê.
Nhưng đôi khi nói ngọng
Gây hậu quả nặng nề.
Ăn nói phải cẩn thận,
Có lý và có tình.
Xin kể một câu chuyện
Để bác ngẫm về mình.
*
Một bác nông dân nọ
Do làm việc quá nhiều,
Mắc chứng nôn ra máu,
Chướng bụng và khó tiêu.
Vợ đưa ra trạm xá.
Trưởng trạm hỏi: “Đau gì?”
“Khổ quá, lôn ra máu.
Bác chữa giùm cháu đi!”
“Lôn ra máu. Băng huyết.
Chắc sắp sinh. Nhanh lên”.
Rồi ghi “lôn ra máu”
Và chuyển lên tuyến trên.
Tuyến trên, bệnh viện huyện.
Khi đọc xong hồ sơ,
Ông trưởng khoa nhíu mặt:
“Bác sĩ trẻ bây giờ
Viết lách cẩu thả quá.
Không tôn trọng cấp trên.
Có mỗi một chữ ấy
Mà quên đánh dấu huyền”.
Rồi ông quay điện thoại,
Bảo y tá đưa ngay
Bệnh nhân vào phòng đẻ.
Không chậm trễ một giây.
Tới nơi, cô y tá
Đưa tay sờ bệnh nhân.
Mà lại sờ chỗ kín,
Dưới những hai lớp chăn.
Bất chợt, cô kêu thét:
“Đẻ ngược rồi! Mổ ngay!
Trời ơi, tôi túm được
Chân đứa bé đây này!”
BIẾT MÀ ĐỀ PHÒNG
Có gã ăn mày nọ
Đến gõ cửa một nhà,
Lại đúng nhà giàu có.
Và rồi chàng thiếu gia
Hào phóng đưa cho gã
Một lúc mười đồng tiền.
Gã ăn mày cầm lấy,
Coi như việc hiển nhiên.
Hôm sau gã lại đến.
Thương tình, chàng thiếu gia
Lại cho mười đồng nữa.
Rồi sang ngày thứ ba,
Thứ tư, năm và sáu -
Vẫn được mười đồng tiền.
Gã ăn mày thích lắm,
Coi như việc hiển nhiên.
Nhưng sang ngày thứ bảy,
Gã rất không hài lòng
Khi chàng thiếu gia nọ
Chỉ cho gã năm đồng.
“Tôi sắp sửa lấy vợ.
Mặc dù rất thương anh…”
Gã ăn mày nghe thế,
Liền nổi cơn tam bành:
“Làm sao anh có thể
Bớt của tôi năm đồng
Nuôi con mụ nào đó?
Thế thì thật bất công!”
Gã ăn mày sau đó
Còn đánh chàng thiếu gia.
May gia nhân tới kịp,
Tống cổ hắn khỏi nhà.
*
Câu chuyện trên cho thấy
Một sự thật đắng cay,
Rằng ta giúp ai đó
Hào phóng và nhiều ngày,
Thì người được ta giúp
Coi như chuyện đương nhiên
Rằng ta phải giúp họ.
Không giúp sẽ rất phiền.
Và rằng trăm lần giúp
Nhưng một lần trót không,
Họ sổ toẹt tất cả.
Vậy biết mà đề phòng.
ĐỤC VÀ TRONG
Một giọt nước vẩn đục
Sẽ làm ly nước trong
Cũng vẩn đục như nó,
Dù có muốn hay không.
Nhưng một ly nước đục
Thêm một giọt nước trong
Thì ly nước vẫn đục.
Có mà cũng như không.
Một người biết suy nghĩ
Sống giữa những người điên,
Phải vật lộn ghê gớm
Để mình không bị điên.
Con người tỉnh táo ấy,
Giống như giọt nước trong,
Không thể nào đánh thức
Một xã hội lên đồng.
CUỘC ĐỜI SÒNG PHẲNG
Kẻ nô lệ thần tượng
Mù quáng và nực cười,
Không tìm hiểu sự thật,
Không suy nghĩ vì lười,
Kể thương thì thương thật,
Nhưng cũng đành bó tay.
Không ai cứu được họ,
Khi họ chọn cách này.
Họ đáng bị áp bức,
Bị chà đạp nhân quyền.
Bị lừa dối, ăn cướp.
Bị xô xuống buồn đen.
Tự nguyện làm nô lệ
Thì tự nguyện chịu đòn.
Cuộc đời sòng phẳng lắm.
Ngu mà cứ tưởng khôn.
KHI TA…
Khi thích nhạc cổ điển,
Mozart, Beethoven
Ta sẽ thấy thanh thản,
Tâm thức tự hướng thiền.
Khi ta thích các báo
Như Le Monde hoặc Time,
Tự ta không muốn đọc
Báo lá cải Việt Nam.
Khi ta được tiếp xúc
Với các bậc thâm sâu,
Tự ta sẽ xa lánh
Mấy cái đứa trẻ trâu.
Khi ta hiểu chánh pháp
Của Đức Phật Thích Ca,
Tự ta sẽ chán ghét
Việc đua đòi phù hoa.
Khi ta có ý thức
Tôn trọng bản thân mình,
Tự ta không cho phép
Trò trăng hoa ngoại tình.
Khi ta hiểu ý nghĩa
Của cuộc sống làm người,
Tự ta không muốn đến
Các quán nhậu bia hơi.
Khi ta được du lịch
Đến các nước văn minh,
Tự ta sẽ hiểu rõ
Vấn đề của nước mình.
*
Luôn luôn là như vậy.
Không thể nào đúng hơn.
Nhưng nhiều người, thật tiếc,
Không muốn sống tốt hơn.
Không muốn học cái mới
Để hoàn thiện chính mình.
Tự nguyện sống buông thả,
Bỏ bê chuyện gia đình.
Tự nguyện không đọc sách,
Chỉ nhậu nhẹt, ăn chơi.
Tự nguyện làm điều ác
Để rước họa vào người.
Tự nguyện sống thấp kém,
Cố tình hoặc vô tình
Phạm Năm Giới của Phật,
Sống trong vòng vô minh.
FUKUZAWA
Người dân của một nước
Thờ ơ với nước mình
Là ăn nhờ ở đậu
Trên chính cuộc đời mình.
Và quốc gia, với họ,
Chỉ là quán trọ tồi
Để họ dừng lại nghỉ
Một vài ngày mà thôi.
LẠI CHUYỆN ÔNG CHỦ VÀ ĐẦY TỚ
Báo Thanh Niên cho biết,
Các bác có tin không?
Chỉ riêng ở các bộ,
Thừa bảy nghìn xe công.
Mặc dù thừa như vậy,
Nhưng các bộ đã mua
Hơn sáu trăm xe mới.
Chuyện thật mà như đùa.
Các bác tính thì biết
Lãng phí bao nhiêu tiền,
Xe cũ và xe mới.
Đúng bọn này thật điên.
Đầy tớ của dân đấy.
Dân khổ sở trăm điều.
Bám biển, nay biển chết,
Được hỗ trợ bao nhiêu?
Chính dân, không phải chúng,
Cứu vớt các phi công.
Dân làm ra của cải,
Còn đầy tớ thì không.
Nếu tôi là thủ tướng,
Việc đầu tiên tôi làm
Là ký lệnh bắt buộc
Các đầy tớ Việt Nam
Phải tự túc phương tiện
Đến công sở hàng ngày.
Đứa nào không chịu được
Thì mời về đi cày.
GHI NHẬN
Các bác thử tưởng tượng,
Nếu đảng ta trước đây
Không mở cửa, đổi mới,
Sẽ thế nào hôm nay?
Hôm nay ta chắc chắn
Như dân Bắc Triều Tiên.
Không được nói, được chửi,
Không cơm ăn, không tiền.
Không có internet,
Không được đi nước ngoài,
Không có chiếc xe đạp,
Không có cả chiếc đài.
Không được mặc quần xoọc,
Cắt tóc theo ý mình.
Không khách sạn, nhà nghĩ,
Không có cả ngoại tình…
Chắc chắn là như thế.
Các bác cứ tin đi.
Nếu đảng không đổi mới,
Hỏi ta biết làm gì?
Định vùng lên lật đổ
Rồi thoát khỏi thằng Tàu?
Đừng đùa với cộng sản.
Không có chuyện ấy đâu.
Cho nên chửi cứ chửi,
Nhưng cũng phải phân minh.
Biết lượng sức mà tiến,
Biết người và biết mình.
Đảng có gì không đúng
Thì nói, ta, người dân
Việc mình làm thật tốt
Để mọi cái tốt dần.
BÁC TRỌNG
Nghe nói con bác Trọng
Là cán bộ bình thường.
Đi xe máy khiêm tốn.
Khiêm tốn cả đồng lương.
Hai người con của bác,
Một gái và một trai,
Sinh hoạt rất giản dị,
Giản dị cách tiêu xài.
Gả chồng cho con gái,
Bác chỉ làm tiệc trà.
Ngoài mấy bạn học cũ
Còn lại là người nhà.
Cũng khiêm tốn không kém -
Hỏi vợ cho con trai,
Trừ người thân hai họ,
Bác không hề mời ai.
Chỉ gửi Thiếp Báo Hỷ
Cho đồng nghiệp, bạn bè.
Lịch sự và trang trọng,
Không có gì đáng chê.
*
Ấy là nghe nói thế.
Chả biết đúng hay không.
Vậy mà tôi tin bác,
Liêm khiết và chí công.
Thông minh hay lú lẫn,
Ấy là việc của trời.
Còn đạo đức tốt xấu
Mới là việc của người.
Ciệc bác Trọng thân Mỹ
Hay là thân thằng Tàu
Thì lại là chuyện khác.
Chuyện dài, ta để sau.
*
Tôi ngày xưa lấy vợ
Không cưới, không mời ai.
Vì nghèo, tội Mụ Vợ,
Không có cả áo dài.
Không có nhà để sống,
Phải nằm bàn khá lâu.
Có con, chuyên gia nhịn,
Vợ chồng luân phiên nhau.
Giả sử tôi lúc ấy
Có chức và có quyền,
Biết đâu tôi có thể
Lợi dụng để kiếm tiền.
Vì nói gì thì nói,
Tôi vẫn chỉ là người.
Mà người, các bác ạ,
Thường rất tham của đời.
Nên tôi quí bác Trọng,
Chí ít về chuyện này.
Chuyện liêm khiết tiền bạc,
Một sự hiếm ngày nay.
May vì tôi viết lách,
Chưa sa ngã lần nào.
Thật thà, tôi nghĩ thế.
Còn các bác thì sao?
PARK CHUNG HEE
“Tôi sẽ đem bắn bỏ
Bất kỳ một kẻ nào
Ăn cắp của nhà nước
Dù một đồng, một hào”.
Tháng Bảy năm Sáu Mốt,
Tống thống Nam Triều Tiên
Đã tuyên bố như vậy
Trước hai vạn sinh viên.
*
“Trong vòng năm năm tới
Toàn dân phải chung lòng,
Cắn răng mà làm việc
Và tiết kiệm từng đồng.
Để mười năm, Hàn Quốc
Sẽ vươn lên đứng đầu
Ở khu vực Đông Á.
Và hai mươi năm sau
Là cường quốc thế giới
Về dân chủ, tự do
Về phát triển kinh tế,
Và xuất khẩu ô-tô…”
*
Nay thì ta đã biết
Hàn Quốc là thế nào.
Nhờ ông dám bắn bỏ
Dù tham nhũng một hào.
THƯỢNG LƯU
Thượng lưu theo nghĩa gốc
Là những gì đầu nguồn.
Đầu nguồn là cội rễ
Để dòng nước trào tuôn.
Vì đầu nguồn, cao ráo,
Nên nước ở thượng ngàn
Ngọt và luôn tinh khiết,
Bất biến cùng thời gian.
Sự ngọt, tinh khiết ấy
Lặng lẽ chảy về xuôi.
Rửa sạch và tưới mát
Cho đất và cho người.
Xưa nay trong lịch sử
Bất kỳ xã hội nào
Cũng có một tầng lớp
Ở đầu nguồn, chỗ cao.
Họ, tầng lớp trí thức,
Biết sáng tạo, nhân văn,
Có đạo đức, tư cách
Để lãnh đạo toàn dân.
Họ là người cầm lái,
Lúc biển lặng gió yên,
Lúc phong ba bão táp,
Đưa dân tộc đi lên.
Họ là người lưu giữ,
Phát huy và bảo tồn
Các giá trị văn hóa
Cho thế hệ cháu con.
Trong bộ phim nổi tiếng
“The Star Wars” tuyệt vời,
Khi Vuncan hấp hối,
Chết gần sáu tỉ người,
Thuyền trưởng tàu Trái Đất,
Tàu Mỹ, Capital,
Cố cứu nhóm trưởng lão,
Để họ được an toàn.
Vì nhóm này đang giữ
Gốc văn hóa của mình.
Cứu được họ thoát chết
Là cứu cả hành tinh.
LẠI MỘT BÁC ĐẾN KÊU KHỔ
1
Ở đời này, mọi cái
Tương đối và nhất thời.
Có ngày mưa, ngày nắng,
Ngày xấu, ngày đẹp trời.
Không thể có ánh sáng
Mà không có bóng đen.
Có lúc ví dày cộm,
Có lúc lại thiếu tiền.
Bây giờ anh gặp khó.
Gặp khó thì đã sao?
Có khi phải tụt xuống,
Nếu muốn vươn lên cao.
2
Anh có tốt đến mấy,
Cái gì cũng hơn người,
Luôn nghĩ đúng, làm đúng -
Có kẻ vẫn chê cười.
Thế mà thật trái khoáy -
Không ít kẻ vô duyên.
Nghĩ dở, làm cũng dở
Mà vẫn có người khen.
Tức là đời vớ vẩn.
Vớ vẩn cái khen chê.
Thì thôi, không để ý.
Không suy nghĩ nặng nề.
Khi người ta nhăn nhó
Thì mình hãy mỉm cười.
Dìm nhau ư? Mặc kệ.
Bảo họ: không rỗi hơi.
Cứ làm việc mình muốn.
Quan tâm làm đếch gì.
Việc chó, chó cứ sủa.
Việc người, người cứ đi.
3
Anh buồn và thất vọng.
Thì buồn, có sao đâu.
Ai đã từng khôn lớn
Mà không gặp buồn đau?
Khi một cánh cửa đóng,
Thì chắc chắn không xa
Nhiều cửa khác đang mở.
Vậy cố mà tìm ra.
Thích thì cứ lo lắng.
Thích nữa cứ gào lên.
Nhưng điều ấy không giảm,
Mà làm tăng buồn phiền.
Này nhé, đời đáng sống
Là nhờ vui hàng ngày.
Đời này sống được mấy
Mà thụng mặt suốt ngày?
ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ
Nói thật với các bác,
Rằng tôi cũng có tiền.
Có nhiều nữa là khác.
Tiền chính đáng, tất nhiên.
Nhưng xuất thân nghèo khổ,
Con một bác đi cày.
Cũng nếm mùi bom đạn
Và không ít đắng cay.
Nên tự tôi quyết định,
Mà quyết định từ lâu,
Sống khiêm tốn, giản dị,
Cả khi nếu tôi giàu.
Ăn - có gì ăn ấy,
Chủ yếu chỉ dưa cà.
Mặc - may sẵn, giá rẻ.
Nói chung là xuề xòa.
Thừa sức mua xe khủng,
Nhưng ô tô của tôi
Là chiếc Huyndai nhỏ,
Ít tiền nhưng không tồi.
Nhà - đang ở căn hộ
Khu chung cư Cầu Bươu,
Loại rẻ nhất Hà Nội,
Dù nhà tôi có nhiều.
Vì sao? Vì Phật dạy
Mọi đau khổ con người
Là do chiều thân xác
Và đua đòi với đời.
Hơn thế, tôi luôn nghĩ
Mình từng là người nghèo,
Thì không nên nổi trội
So với người đang nghèo.
*
Con cháu tôi thường nói:
Ông chính trực, công minh,
Trời cho sướng thì sướng.
Sao cứ làm khổ mình?
Đáp: Ông đâu có khổ.
Càng không bao giờ ki.
Như thế đã là sướng.
Sướng hơn nữa làm gì?
*
Tôi sống như thế đấy,
Chẳng biết đúng hay sai.
Ở đời chúng ta sống
Quả không ai giống ai.
Người già lắm “tâm sự”.
Luôn vẫn thế xưa nay.
Thêm chút “tâm sự” nữa -
Nhắc các bác thế này:
Một - làm nên hạnh phúc
Chủ yếu là tinh thần,
Chứ không phải nhà ở,
Xe cộ và miếng ăn.
Hai - Ăn quá béo bổ
Không hay ho gì đâu.
Cũng không hay ho nốt
Là thói thích khoe giàu.
Ba - Muốn thì hưởng thụ,
Nhưng nhậu nhẹt vừa thôi.
Xe, không mua Rolls-Royce.
Mua Huyndai như tôi.
Bốn - Tiền tiêu không hết
Thì dành cho cháu con.
Cháu con không chịu nhận
Thì mua Bộ Châm Ngôn.
Năm - Nói thì cứ nói.
Tôi già, chấp làm gì.
Các bác có điều kiện,
Sướng được thì sướng đi.
TỈ PHÚ CHUCK FEENEY
Bề ngoài trông giản dị,
Như một ông già nghèo,
Có vẻ còn keo kiệt.
Da xạm và nhăn nheo.
Nhưng ông, ông già ấy,
Tỉ phú Chuck Feeney,
Được Bill Gates, Buffett
Thành kính tôn làm thầy.
Ông là siêu tỉ phú,
Nhưng không có ô tô.
Đi làm bằng xe buýt.
Chiếc túi bằng vải thô.
Bảy sáu tuổi vẫn sống
Trong căn hộ hai phòng,
Loại cho thuê giá rẻ.
Đồ đạc gần như không.
Thức ăn - bánh sandwich,
Sữa hâm nóng, cà chua
Và các loại rau quả,
Tùy giá và tùy mùa.
Ông già “nghèo khổ” ấy,
Tỉ phú Chuck Feeney,
Suốt cả đời lặng lẽ
Làm từ thiện hàng ngày.
Ông lặng lẽ hiến tặng
Ba trăm triệu đô-la
Cho đại học Stanford
Và California.
Năm trăm tám tám triệu
Cho đại học Cornell.
Gần một tỉ xây mới
Bảy trường, New Ireland.
Ông lập quỹ từ thiện
Làm phẫu thuật nụ cười
Giúp trẻ em nghèo khổ
Thấy niềm vui cuộc đời.
Ngoài ra, ông quyên được
Hơn bốn tỉ đô-la.
Dự định còn quyên nữa,
Gấp đôi hoặc gấp ba.
*
Lặng lẽ làm từ thiện
Suốt mấy chục năm nay.
Vì sao? - có người hỏi.
Ông đáp lại thế này:
“Tôi không hề hà tiện
Trong ăn uống, chi tiêu.
Với tôi, thế là đủ.
Con người không cần nhiều.
Mà rồi, chỗ Thượng Đế
Không có khái niệm giàu.
Ta sinh ra trần trụi,
Chết trần trụi như nhau.
Đấy là chưa nói chuyện,
Cũng là việc hiển nhiên,
Xưa nay tấm vải liệm
Không có túi đựng tiền”.
MỘT NGƯỜI
Ở đời có những chuyện
Chỉ liên quan đến ta.
Có những cửa ải khó
Chỉ một mình vượt qua.
Có những lúc tuyệt vọng
Không ai để chuyện trò.
Có những giọt nước mắt
Tự mình phải lau khô…
Ở đời thường vẫn thế.
Luôn vẫn thế ở đời.
Mà ta thì khao khát
Một người, chỉ một người.
KHỈ VÀ RỪNG
Vợ chồng cô cháu đến
Háo hức khoe: Thằng Hành
Vừa rồi cho đi học
Một lớp xịn tiếng Anh.
Càng háo hức khi nói:
Học đã mấy tháng nay.
Bốn trăm nghìn một buổi.
Mỗi tuần học bốn ngày.
Ông Béo nghe, im lặng,
Thương hại nhìn thằng Hành.
Mới năm tuổi, thằng bé
Gầy đét, da tái xanh.
Thậm chí không muốn hỏi
Xem học hành ra sao.
Vì không hỏi cũng biết
Trình độ nó thế nào.
*
Người Việt ta, thật tởm,
Cứ đua nhau làm giàu.
Làm giàu bằng mọi cách
Cốt chỉ khoe với nhau.
Cứ như ta ghê lắm.
Thử hỏi ta là ai?
Ta là quê một cục,
Tầm tầm cái đức tài.
Cái quê một cục ấy
Còn khoe việc thằng Hành
Đi học bơi, vui lắm,
Ở bể bơi Nhà Xanh.
Học bơi thì đồng ý.
Nhưng tiền học thì không.
Mỗi buổi hai tiếng học,
Tức sáu trăm nghìn dồng.
Trời ơi, sao nhiều thế?
Chúng chặt chém chúng mày.
Dạ thưa, ai cũng vậy.
Ai cũng trả giá này.
Chúng cháu là nhất định
Cứ phải cho thằng Hành,
Không được thua chúng bạn,
Học thật giỏi tiếng Anh.
*
Nếu muốn, ta có thể
Đưa khỉ ra khỏi rừng,
Nhưng không đưa được rừng
Ra khỏi đầu con khỉ.
Một ông bác tốt bụng
Có thể khuyên cháu mình,
Nhưng không thể bảo đảm
Chúng sẽ thành thông minh.
HUY CHƯƠNG
Bố tôi, chín tám tuổi,
Tháng trước được huy chương
Vì có công thồ gạo
Nhiều lần ra chiến trường.
Cụ kể thồ hai tạ
Từ Vinh ra Điện Biên
Ăn mất hơn một tạ,
Vì đi mấy tháng liền.
Sang Lào còn hơn thế
Do đường núi và xa.
Mấy lần suýt mất mạng
Vì máy bay “bà già”.
Được huy chương, vui lắm.
Cụ kể rất tự hào.
Cụ bà, chín bảy tuổi,
Nghe, không nói lời nào.
Cụ cũng vui, hẳn thế -
Huy chương kèm theo tiền.
Nhưng chắc cụ ghen tị
Vì cụ thời thanh niên
Cũng dân quân kháng chiến,
Luyện tập chẳng thua ai,
Súng gỗ, quần móng lợn,
Cũng lăn lê bò toài.
Thế mà không được thưởng.
Chỉ hàng tháng đều đều
Nhận trợ cấp già yếu.
Mấy trăm, cũng là nhiều.
Hai cụ ơn đảng lắm.
Ơn chế độ, chính quyền.
Giờ con đàn, cháu đống,
Có nhà và có tiền.
Vừa đấm lưng cho cụ,
Tôi, cũng một ông già,
Nghe mà lòng xúc động.
Tự nhiên mắt lệ nhòa.
Tự nhiên thấy xấu hổ
Vì thói thích phê bình.
Như thể con bất hiếu
Với cha mẹ của mình.
May hai cụ chưa biết
Rằng ông con, rỗi hơi,
Viết bài chê nhà nước,
Không ít khi nặng lời.
GIẬT MÌNH
Giật mình, thấy điểm chuẩn
Trường Công An ở ta
Thuộc vào hàng cao nhất.
Hơn cả Y, Bách Khoa.
Lạ thật, sao thế nhỉ?
Nhất là khi công an
Đang chịu nhiều tai tiếng.
Nguy hiểm, cũng không nhàn.
Gần như là mơ ước
Của thanh niên ngày nay,
Là bất chấp tất cả,
Được vào làm nghề này.
Đúng là rất khó hiểu,
Nhưng chắc không ngẫu nhiên.
Chỉ có thể giải thích -
Ở đây có mùi tiền.
Hoặc - đạo đức xuống cấp,
Trật tự đã không còn,
Người ta chọn bạo lực
Như một cách sinh tồn.
PS
Có cái gì nguy hiểm,
Không ổn trong việc này.
Nó cho thấy thực chất
Của thanh niên ngày nay.
Các bác đọc và cho nhận xét Để nhận xet, trước hết bấm vào tiêu đề phía trái bên trên. Thì dụ bài này là Tâm Tư.
Trả lờiXóa