Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Cỏ Học Tinh Hoa


TẢN MẠN VỀ SỰ HOÀN MỸ

Thế giới không hoàn mỹ.
Không hoàn mỹ cuộc đời.
Vậy đòi hỏi hoàn mỹ
Chỉ là chuyện nực cười.

Platông từng nói,
Hai nghìn năm trước đây:
Muốn ai đó lụn bại,
Thì hãy để người này

Chạy theo sự hoàn mỹ.
Vớ vẩn và uổng công.
Hơn thế, trái quy luật.
Kết quả là số không.

Chính nhờ không hoàn mỹ,
Thế giới của chúng ta
Mới tồn tại, phát triển,
Cân đối và hài hòa.

Không có kẻ ngu dốt,
Sẽ không có thiên tài.
Cuộc sống sẽ buồn tẻ
Nếu ai cũng như ai.

*
Tình yêu không hoàn mỹ.
Dẫu chân thành yêu thương,
Đã vợ chồng, khó tránh
Chuyện cãi vã bình thường.

Tiền bạc không hoàn mỹ.
Có nhiều càng muốn nhiều.
Tiền bạc không vun đắp,
Mà thường giết tình yêu.

Gia đình không hoàn mỹ.
Con do bố mẹ sinh.
Trời tạo nên tính nết.
Khó trọn vẹn gia đình.

Lòng người không hoàn mỹ.
Vì đơn giản là người,
Nên có sai, có đúng,
Có chăm chỉ, có lười.

Cơ thể không hoàn mỹ.
Có người cao, người gù.
Có người xấu, người đẹp,
Thậm chí cả đui mù...

*
Cuộc đời là như vậy
Không hoàn mỹ bao giờ.
Chúng ta, người, cũng vậy.
Không hoàn mỹ bao giờ.

Sự không hoàn mỹ ấy,
Nhưng cân xứng, hài hòa,
Làm nên sự hoàn mỹ
Thế giới của chúng ta.

Sự hoàn mỹ, nếu có,
Đấy chính là tình người,
Sự bao dung để sống
Với nhau trên cõi đời.

*
Vạn vật trong vũ trụ
Cân đối đến lạ thường.
Có nóng và có lạnh.
Có âm và có dương.

Có lửa và có nước.
Có ngày và có đêm,
Có xấu và có tốt.
Có cứng và có mềm.

Có ai đó lừa bạn,
Nhưng có người lại tin.
Ai đó xô bạn ngã,
Ai đó đỡ bạn lên.

Ai đó thích quát mắng.
Ai đó chịu lắng nghe.
Ai đó ruồng rẫy bạn.
Ai đó đến vỗ về.

Cuộc đời là thế đấy.
Bạn nhận và bạn cho.
Có những ngày vui sướng.
Có những ngày buồn lo.

Vậy vững tin mà sống.
Thế giới này hài hòa.
Nếu ta sống tử tế,
Hạnh phúc không quên ta.


TẢN MẠN VỀ TÍNH KHÍ

Số mệnh tốt hay xấu,
Gia cảnh nhục hay vinh,
Phần lớn sẽ phụ thuộc
Vào tính khí của mình.

Các cụ xưa đã dạy:
Thắng nhờ biết ôn hòa.
Thua là vì nóng giận.
Tất cả đều do ta.

Con người khi nóng giận,
Tức lý trí không còn,
Dễ làm điều ngu ngốc,
Phải hối hận, đau buồn.

Người có tính khí mát,
Làm chủ bản thân mình
Là người có đại phước,
Hạnh phúc và yên bình.

Người tính khí nóng nảy
Khó thành thân, thành danh.
Có giàu đến ức triệu
Vẫn khó bén duyên lành.

Lâu dài và gian khổ
Là sự học làm người.
Để luyện tính khí tốt
Thì phải học suốt đời.

*
Học để biết nhận lỗi.
Xưa nay kẻ ngu đần
Luôn đổ lỗi người khác.
Cũng thế bọn tiểu nhân.

Kẻ chính danh quân tử
Thấy sai thì nhận sai.
Đức tính tốt đẹp ấy
Biến họ thành hiền tài.

*
Học để giữ hòa khí.
Biết chín bỏ làm mười.
Người thực sự cao quý
Là người biết nhịn người.

Dĩ hòa thì vi quý.
Thắng thua mà làm gì.
Quan trọng là biết sống
Hỷ Xả và Từ Bi.

*
Học để biết buông bỏ.
Đời người là chuyến đi.
Mang nhiều phải gánh nặng.
Vậy mang nhiều làm gì?

Lắm thương lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.

*
Học để biết trò chuyện.
Lời không mất tiền mua.
Phải lựa lời mà nói.
Không tìm cách thắng thua.

Cứ có gì nói ấy,
Nhỏ nhẹ và chân thành.
Không tìm cách áp đặt,
Nói, chỉ nói điều lành.

*
Học để biết sự nhẫn.
Lùi để thấy trời cao.
Nóng vội không thấy biển,
Giỏi lắm chỉ thấy ao.

Nhẫn để lo việc lớn.
Vội vã mà làm gì.
Đấng trượng phu không chấp
Mấy cái lời thị phi.

*
Học để biết thông cảm.
Ai cũng cần cảm thông.
Hãy lắng nghe người khác
Để người nói vợi lòng.

Bao dung là biết chứa
Cả thiên hạ trong tâm.
Cúi xuống nghe người khác
Là anh tự nâng tầm.

*
Đời là một sự học
Gian khó và lâu dài.
Tính khí tốt hay xấu
Cho biết anh là ai.


TẢN MẠN VỀ PHÚC, HỌA

1
Xưa nay nhiều người nghĩ
Rằng gặp Phúc là khi
Họ nhận được gì đó.
Còn Họa là mất đi.

Thực ra không phải thế.
Phúc Họa đều do mình.
Phúc vốn tự mình phát.
Họa cũng tự mình sinh.

Vì cái được mất ấy,
Nhỏ bé và nhất thời,
Người ta sướng hoặc khổ,
Luẩn quẩn một kiếp người.

2
Đạo Đức Kinh Lão Tử,
Chương Năm Tám, có câu:
Phúc Họa tự gắn kết
Và tương hỗ với nhau.

Trong Phúc luôn có Họa.
Họa có Phúc, và thường
Không thể nào đoán trước.
Chẳng biết đâu mà lường.

Hãy bình tĩnh đón nhận
Phúc và Họa ở đời.
Trời cho gì lấy ấy.
Hãy luôn tin có Trời.

3
Trong cuốn Hoài Nam Truyện
Rất nổi tiếng xưa nay,
Có truyện người mất ngựa
Minh họa cho điều này.

TÁI ÔNG MẤT NGỰA

Một bác nông dân nọ
Có con ngựa cái non.
Thế mà nó chạy mất,
Khiến cả nhà rất buồn.

Hay tin, nhiều hàng xóm
Đến chia buồn với ông.
Ông nói: “Ừ, rủi thật.
Cũng có thể là không.”

Hôm sau, con ngựa cái
Tự nhiên chạy về nhà,
Kéo theo một con đực.
Ối chà chà, ối chà!

Hàng xóm lại kéo đến
Chia vui, uống say mèm.
Chủ nhà vẫn tỉnh táo:
“Ừ, còn để rồi xem.”

Được hai ngày, bất cẩn,
Thằng con cả của ông
Tập cưỡi con ngựa mới,
Ngã gãy chân, vẹo hông.

Hàng xóm đến an ủi:
Ôi tiếc sao, buồn sao.
Ông bố tư lự nói:
“Để còn xem thế nào.”

Bỗng xẩy ra chiến sự.
Lính vua đến đầy nhà
Để bắt lính, cậu cả
Chân què, nên được tha.

Hàng xóm lại kéo đến,
Lại mừng, uống suốt đêm.
Ông chủ nhà không uống,
Lẩm bẩm: “Để rồi xem.”

4
Ở đời có nhiều chuyện
Dường như đã yên bài.
Phúc và Họa không giống
Như biểu hiện bề ngoài.

Không có gì tuyệt đối.
Phúc Họa vốn tại Thiên.
Nó không phải hai mặt
Sấp ngửa một đồng tiền.

Chính xác hơn, hai nửa
Của một viên bi tròn.
Luân phiên Phúc và Họa,
Như bình minh, hoàng hôn.

5
Nhiều người mong Phúc Phước,
Sắm lễ cầu Thần Linh.
Quên, hoặc do không biết
Phúc Họa là do mình.

Nguồn gốc mọi Phúc Họa
Đều xuất phát từ ta,
Sống thiện sẽ được Phúc.
Gặp Họa - sống gian tà.

Hãy dũng cảm đón nhận
Phúc và Họa ở đời.
Ngước lên, không kêu Phật.
Nhìn xuống, không trách người.

Nếu phải trách ai đó
Thì hãy trách chính mình.
Vì Phúc tự mình phát
Và Họa tự mình sinh.


TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

Ông Leonardo Boff,
Người Brazilia,
Kể lại một câu chuyện
Về Đạt Lai Lạt Ma.

Tại một cuộc hội thảo
Về Tôn giáo, Tự Do,
Tôi hỏi Ngài lúc nghỉ,
Tinh nghịch và tò mò:

“Thưa, xin Ngài cho biết
Tôn giáo nào tốt hơn?”
Tôi đoán Ngài sẽ nói:
Đạo Tây Tạng tốt hơn.

Hoặc chí ít, Đạo Phật
Gần ba nghìn năm nay.
Tức là đã có trước
Các tôn giáo Phương Tây.

Ngài trầm ngâm một lát,
Đáp: “Tôn giáo tốt hơn
Là tôn giáo làm bạn
Thành con người tốt hơn”.

“Thưa, cái tốt hơn ấy
Cụ thể là cái gì?”
“Là những cái giúp bạn
Bỏ được Tham Sân Si.

Biết tuân theo lẽ phải,
Yêu thương và cảm thông.
Biết buông bỏ thù hận,
Có trách nhiệm, có lòng...”

Tôi lặng yên giây lát,
Thán phục câu trả lời
Rất khôn ngoan, chí lý
Và thấm đẫm tình người.

Lát sau, Ngài nói tiếp:
“Tôi không cần biết ông
Theo đạo nào, thậm chí
Có ngoan đạo hay không.

Với tôi, điều quan trọng -
Ông đối xử thế nào
Với gia đình bè bạn
Và quốc dân, đồng bào.

Xin hãy nhớ, vũ trụ,
Dẫu ở xa, rất xa,
Luôn dội lại hành động
Và tư tưởng chúng ta.

Gieo gió sẽ gặt bão.
Ở lành sẽ gặp hiền.
Hạnh phúc là lựa chọn,
Không mua được bằng tiền...”

Nhấp chén trà, im lặng
Ngài tư lự, và rồi
Như nói với ai đấy,
Không hẳn với mình tôi:

“Hãy suy nghĩ cẩn thận.
Suy nghĩ sẽ thành lời.
Lời nói thành hành động,
Với mình và với người.

Hành động càng cẩn thận,
Vì sẽ thành thói quen.
Thói quen thành nhân cách,
Cao sang hay thấp hèn...

Không hề có khái niệm
Tôn giáo thấp hay cao.
Đứng cao hơn sự thật,
Không có tôn giáo nào”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét