CAO BÁ QUÁT
(1809 - 1855)
Sau Khi Nguyễn Ánh mất,
Các vua khác lên thay.
Triều chính không ổn định,
Dân cơ cực thường ngày.
Bệnh dịch và nạn đói
Làm chết hàng nghìn người.
Có nhiều cuộc khởi nghĩa
Đã nổ ra nhiều nơi.
Đó là cuộc khởi nghĩa
Của ông Phan Bá Vành,
Năm Một Tám Hai Một,
Ở Nam Định, Thái Bình.
Tiếp đến là khởi nghĩa
Nông Văn Vân, tri châu,
Ở Cao Bằng trùng điệp,
Dẫu kéo dài không lâu.
Có cuộc khởi nghĩa lớn
Năm Một Tám Ba Ba.
Lê Văn Khởi lãnh đạo,
Ở miền Nam nước ta.
Ông này chiếm Gia Định,
Giết chết Bạch Xuân Nguyên,
Một tên quan gian ác,
Tham lam và lộng quyền.
Chỉ mấy tháng sau đó
Cả Lục Tỉnh đầu hàng.
Tiếc là ông bệnh, chết,
Con đường đi dở giang.
Năm Ba Lăm, tháng Bảy,
Quân vua từ Phú Xuân
Được điều đến đàn áp,
Cuộc khởi nghĩa tan dần.
Một cuộc khởi nghĩa nữa,
Khoảng hai mươi năm sau,
Chu Thần Cao Bá Quát,
Một nhà thơ, cầm đầu.
*
Một hiện tượng kỳ lạ
Trên thi đàn nước ta.
Đó là Cao Bá Quát,
Một nhà thơ tài ba,
Một ông quan chính trực,
Đèo bòng nợ văn chương
Rồi sau thành “tướng giặc”,
Bị giết ở chiến trường.
Ông sinh ở Phú Thị,
Huyện Gia Lâm bây giờ
Bố ông và ông nội
Là thầy thuốc yêu thơ.
Ngày bé ông nghèo khổ
Nhưng nổi tiếng thông minh,
Văn hay và chữ tốt,
Thần đồng tỉnh Bắc Ninh.
Thế mà thi luôn trượt.
Mãi sau ông thi Hương,
Đỗ Á Nguyên Hà Nội,
Nhưng thật tiếc, quan trường
Xếp ông vào cuối bảng
Trong số hai mươi người
Đỗ cử nhân lần ấy.
Bất công và buồn cười.
Sau đó ông vào Huế
Thi Hội, khá nhiều lần,
Nhưng lần nào cũng trượt.
Dù rất giỏi thơ văn.
Năm Một Tám Bốn Một,
Được quan tỉnh Bắc Ninh
Tiến cử làm công chức,
Ông khăn gói vào kinh,
Rồi làm chức quan nhỏ
Trong bộ Lễ, thường niên
Ông được làm sơ khảo
Trường thi tỉnh Thừa Thiên.
Một lần chấm, ông tiếc,
Thấy một số bài thi
Viết hay và súc tích
Nhưng vô tình phạm qui.
Thế là cùng Phan Nhạ,
Một người chấm như ông,
Cao Bá Quát chữa lại
Bằng mực pha son hồng.
Việc lộ, ông bị bắt,
Đáng lẽ xử tử hình,
Sau vua xét, hạ xuống
Thành “giảo giam hậu trình”.
Tức tạm giam đợi lệnh.
Ba năm sau, được tha
Để “dương trình hiệu lực”,
Tức chuộc tội, đi xa.
Ông theo Đào Trí Phú,
Lên tàu lớn Phấn Bằng
Sang Nam Dương “hiệu lực”,
Kéo dài gần một năm.
Rồi sau được phục chức
Ở bộ Lễ, nhưng ông
Lần nữa bị sa thải,
Lại quay về Thăng Long.
Năm Một Tám Bốn Bảy,
Bỗng có giấy mời ông
Quay lại Huế làm việc,
Một công việc văn phòng,
Là chỉnh lý thơ phú
Cũng có khi sưu tầm,
Nói chung là nhàn nhã
Ngay trong Viện Hàn lâm.
Do bản chất công việc,
Ông làm quen ở đây
Với Miên Trinh, Miên Thẩm.
Hai vị hoàng thân này
Đã mời ông gia nhập
Và đàm đạo đôi khi
Với nhóm thơ của họ,
Gọi là Mạc Vân Thi.
Nhưng ba năm sau đó,
Do mất lòng quan thầy,
Ông bị đổi ra Bắc
Làm giáo thụ Sơn Tây.
Sau đó ông buồn chán,
Treo áo mũ, về nhà,
Mượn cớ cha vừa mất,
Phải phụng dưỡng mẹ già.
Năm Một Tám Năm Bốn,
Trời nắng hạn lâu ngày,
Lại gặp nạn châu chấu,
Dân đói, nhiều ăn mày.
Ông bí mật vận động
Một số người có tiền
Và sĩ phu yêu nước
Khởi nghĩa chống chính quyền.
Từ Quốc Oai, Vĩnh Phúc
Đến Lạng Sơn, Cao Bằng
Có nhiều người hưởng ứng,
Tinh thần cũng rất hăng.
Lại thêm Đinh Công Mỹ,
Bạch Công Trân Sơn Tây,
Các thổ mục giàu có,
Rất ủng hộ việc này.
Việc tụ nghĩa cứ vậy,
Được tiến hành từ từ.
Lê Duy Cự - minh chủ.
Cao Bá Quát - quốc sư.
Thành trì quân khởi nghĩa
Là vùng núi Mỹ Lương,
Kiểu thay trời hành đạo,
Chống áp bức, bạo cường.
Rất tiếc, việc bại lộ
Khi chuẩn bị chưa xong,
Thì cuối năm Năm Bốn,
Ông buộc phải tấn công.
Lúc đầu nghĩa quân thắng
Ở Tam Dương, Thanh Oai,
Sau quân vua đánh rát,
Phải thua chạy dài dài.
Năm Giáp Dần, tháng Chạp,
Được người Thái, người Mường
Bổ sung vào lực lượng
Ở cứ điểm Mỹ Lương,
Ông chủ động đánh chiếm
Thành Yên Sơn lần hai,
Ngày nay huyện lỵ ấy
Là thị trấn Quốc Oai.
Phó lãnh binh Lê Thuận
Đem quân dàn hàng ngang,
Hai bên đang huyết chiến,
Tên đội Đinh Thế Quang
Cho lính bắn tới tấp
Vào hàng ngũ nghĩa quân.
Cao Bá Quát trúng đạn,
Ngã xuống chết bất thần.
Rồi tướng Nguyễn Văn Thực
Và tướng Nguyễn Kim Thanh
Cũng lần lượt bị bắt,
Chém, đầu bêu ngoài thành.
Hơn trăm quân khởi nghĩa
Đã bỏ mạng lần này
Cùng tám mươi người khác
Bị bắt và đi đày.
Vua Tự Đức từ Huế
Xuống chiếu thưởng, khao quân,
Ra lệnh cắt cắt thủ cấp
Cao Bá Quát nghịch thần
Rồi cho xe bêu riếu
Khắp các tỉnh Bắc Kỳ,
Xong, đưa vào cối giã,
Để nước sông cuốn đi.
*
Quốc sư Cao Bá Quát
Còn là một nhà thơ,
Một nhà thơ rất lớn,
Nổi tiếng cả bây giờ.
Khi khởi nghĩa thất bại,
Triều đình đốt sách ông.
May mắn còn giữ được
Trong các thư viện công
Tổng cộng, không kể truyện,
Gần nghìn rưởi bài thơ
Chủ yếu thơ chữ Hán,
Ý hay và bất ngờ.
Thơ ông là khí phách
Của một bậc túc nho,
Một tấm lòng yêu nước
Khao khát dựng cơ đồ.
GIAI THOẠI VỀ CAO BÁ QUÁT
Cao Bá Quát từ nhỏ
Đã nổi tiếng thần đồng,
Ăn nói giỏi, chí lớn,
Kinh và sử thuộc lòng.
Lớn lên càng khí phách,
Không khuất phục người nào,
Nhất là bọn ngu dốt
Loại lý trường, cường hào.
Lần nọ, nhân lý trưởng
Đắp đôi voi ngoài đình,
Quát làm bài thơ nhỏ,
Còn ký cả tên mình:
“Đôi voi đắp đẹp đấy,
Đủ cả đuôi, cả vòi.
Sao không thấy “cái ấy”,
Hay ông lý ăn rồi?”
Lão lý trưởng tức lắm,
Nhưng không dám làm gì.
Dính vào bọn con nít,
Người lớn sẽ xầm xì.
*
Lần nọ, vua Minh Mạng
Kinh lý ra Thăng Long.
Dân đi xem đông đúc,
Quát cũng muốn thấy ông.
Hôm ấy trời oi bức,
Quát xuống tắm Hồ Tây
Đúng lúc Minh Mạng đến,
Dừng kiệu ngắm hồ này.
Cậu giả đò sợ hãi,
Tồng ngồng leo lên bờ.
Vua cho là hỗn láo,
Sai lính trói, bắt chờ.
Cậu khóc, xin tha tội,
Xưng mình học trò nghèo.
Vua nói tội này láo,
Phải đánh đúng mười hèo.
Học trò chắc giỏi chữ,
Vậy câu đối vua ra,
Nếu đối được, đối đúng,
Vua chiếu cố, sẽ tha.
“Dưới hồ, cá đớp cá.”
Vua nói rồi mỉm cười.
Quát lập tức đáp lại:
“Trên bờ, người trói người.”
Minh Mạng biết mình hớ
Để thằng nhóc con này
Đặt mình ngang với hắn,
Nhưng hứa rồi, tiếc thay.
*
Cao Bá Quát học giỏi,
Nhưng thi trượt đều đều.
Người Thăng Long thời ấy
Gọi Thánh Quát, Thần Siêu.
Số là bọn quan lại,
Ghét, tìm cách dìm ông.
Năm Một Tám Ba Một,
Đi thi Ở Thăng Long,
Bài ông làm rất tốt,
Nên được đậu cử nhân,
Thế mà khi thi Hội,
Quan ngửi thấy giọng văn
Đúng của Cao Bá Quát,
Bèn đánh trượt tức thì.
Nhưng ông vẫn không nản
Và tiếp tục đi thi.
Tiếp tục thi, lại trượt,
Vì khẩu khí của ông
Quan đọc qua là biết.
Cuối cùng ông nản lòng,
Bỏ về quê nằm khểnh,
Suốt ngay chỉ rong chơi,
Làm thơ hay đọc sách
Và lặng lẽ chờ thời.
*
Ở Thăng Long lúc ấy
Có thầy Nguyễn Văn Siêu,
Nổi tiếng là hay chữ,
Học trò theo rất nhiều.
Một lần Cao Bá Quát
Tò mò đến xem sao.
Tới nơi, đứng tựa cửa
Chốc chốc ghé nhìn vào.
Nguyễn Văn Siêu thấy lạ,
Bèn cho hỏi là ai.
Đáp: Học trò, nhân tiện
Đến ghé thăm thầy tài.
Thế thì hãy đối lại
Vế đối này bây giờ:
“Thầy, chõng tre cót két.”
“Trò, sân gạch thẩn thơ.”
Quát đáp ngay tắp lự,
Vừa chuẩn lại vừa hay.
Siêu phục tài, giữ lại
Rồi đàm đạo suốt ngày.
Từ đó họ thành bạn
Dù tuổi tác chênh nhau,
Thành “Thần Siêu”, “Thánh Quát”,
Rất ý hợp tâm đầu.
*
Quát tuy còn ít tuổi,
Nhưng kiêu căng, khinh người,
Nói: Xưa này chỉ có
Bốn bồ chữ trên đời.
Hai bồ là của Quát.
Một - của Nguyễn Văn Siêu.
Cả thiên hạ chỉ một,
Mà thế cũng là nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét