Gia Phả Dòng Họ Thái Bá
KIÊM
QUẬN CÔNG THÁI BÁ KỲ
Truyện Ngắn
Năm Đinh Sửu (1567) tướng nhà Mạc là Hữu quận công Nguyễn Thiện đem quân vào cướp
châu Hoan. Vua Lê Quang Hưng sai Chân quận công Thái Bá Du cùng hai tướng khác
là Nguyễn Cảnh Hoan và Lai quận công Phan Công Tích (con rể Thái Bá Du) xuất
binh đánh dẹp. Với sự giúp đỡ của tám người con trai, tất cả đều là dũng tướng,
đặc biệt có con cả Kiêm Quận công Thái Bá Kỳ cầm quân đi tiên phong, đô đốc
Thái Bá Du trong một trận đã giết hơn nghìn quân Mạc, được vua Lê phong thưởng
hai phiến bài vàng, ba con voi và mười ngựa chiến. Sau khi quân Nguyễn Quyện bị
đánh bại phải lui về Thanh Hóa tập hợp lực lượng, vua còn ban chiếu chỉ khen “Chân quận công Thái Bá Du giúp rập nước
nhà, công nghiệp lớn lao thật không phụ trách nhiệm”, và thưởng thêm ba nén vàng, ba phiến bài
vàng, cấp bổng lộc hai huyện và trấn phong tước vị Thiếu bảo Chân Quận công.
Tiếp đến, vào năm Cảnh Hưng thứ 15,
vua Lê lại sai Thái Bá Du cùng các con và Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên theo
Bình An vương Trịnh Tùng dẫn đại binh đánh Mạc Mậu Hợp nhằm chiếm lại Đông Đô.
Trong trận quyết định ở Cầu Giền phía nam Hà Nội, với thế áp đảo về quân số,
quân vua Lê giành thắng lợi lớn, bắt
sống vua Mạc cuối cùng là Mạc Mậu Hợp.
Đóng góp không nhỏ cho chiến thắng này là đạo quân của Thái Bá Du và các
con trai Thái Bá Kỳ, Thái Bá Phiên, Thái Bá Tỉnh, Thái Bá Chiến, Thái Bá Hộ,
Thái Bá Phúc, Thái Bá Vinh và Thái Bá Đức.
Liên quan đến trận đánh này, dòng họ
Thái Bá ở Nghệ An có lưu truyền một câu chuyện như sau về người con cả của Thái
Bá Du là Phò mã Kiêm quận công Thái Bá
Kỳ, được vua ban sáu chữ vàng “Trí dũng
trung đẳng đại vương” và gả con gái cho là Lê Thị công chúa, hiệu Đoan Trang Trinh Thục Tôn Linh,
nay còn đền thờ chính ở xã Kim Lai, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
Câu
chuyện này không thấy ghi trong gia phả dòng họ hoặc chính sử, nhưng được cháu
con truyền tụng hết đời này sang đời khác, lâu dần thành việc ai cũng tin có
thật.
Đó là chuyện lần ấy, trong trận Cầu
Giền lịch sử, Kiêm Quận công Thái Bá Kỳ được thân phụ sai dẫn mấy nghìn tinh
binh thọc sâu vào trận địa quân Mạc, với ý định làm rối đội hình đối phương rồi
đánh bật lại, hỗ trợ cho đại binh sẽ kéo đến sau. Ngài cưỡi con ngựa chiến màu
huyết dụ tuyệt vời mới được vua ban, giáp trụ sáng ngời với thanh đại đao mà
người bình thường khó cầm vững trong tay chứ chưa nói vung lên hạ xuống làm đầu
giặc rụng như sung. Ngài luôn đi trước xông pha mở đường làm gương cho các phó
tướng và binh sĩ. Ngài đi đến đâu, quân Mạc tan tác đến đấy. Tuy nhiên vì ham
đánh, không biết tự lúc nào, ngài chợt thấy mình đang đứng trước chân thành
Đông Đô. Ngoái lại thì thấy giặc đã bao vây bốn phía. Một lính của ngài phải chống
trả bốn năm lính địch, còn ngài thì tả xung hữu đột luôn tay chém giết, quyết
mở đường máu quay về với đại binh của thân phụ ngài.
Lúc ấy đã ngả về chiều. Trời âm u, lại
lác đác mưa. Xung quanh la liệt xác chết và những ngọn khói hiệu phía xa xa. Đang
lúc ngài mải giao chiến với hai tướng nhà Mạc trước mặt thì một tên thứ ba lén
phi ngựa đến từ phía sau rồi giơ cao thanh đao sáng loáng của hắn. Em trai ngài
là Thái Bá Chiên, Phò mã Phụ mạ Hoành Quận công (Vợ là Trịnh Thị công chúa,
hiệu Từ Huệ Trinh Thục Tôn Linh, đền thờ hai người ở xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Lộc,
Thanh Hóa. Thái Bá Chiến sau này được ban phong “Dũng Lược Trung Đẳng Đại Vương”) luôn ở bên cạnh. Hoành Quận công
Thái Bá Chiến chưa kịp kêu to báo điều nguy hiểm cho huynh trưởng thì đầu của
chủ tướng Thái Bá Kỳ đã bị chém lăn xuống đất. Quân Mạc reo hò vang dậy, tưởng
nắm chắc phần thắng trong tay. Tuy nhiên, vị tướng nhà Lê vẫn ngồi yên trên
ngựa, không đầu, không thấy máu chảy. Ngài quay lại, chém một nhát xẻ đôi người
tên kia. Quân giặc thấy thế cả kinh, chỉ biết há mồm, trợn mắt đứng yên như
trời trồng. Thừa thế, quân Lê lại lao vào chém giết. Một người cúi nhặt chiếc
đầu bị chém, giơ hai tay đưa lên cho ngài. Ngài bình thản đặt lên cổ mình, tiếp
tục giao chiến. Chốc chốc, để hù dọa, ngài nhấc đầu mình lên cầm trên một tay,
tay kia giơ cao ngọn đại đao sáng loáng. Quân tướng nhà Mạc sợ quá, bỏ chạy tán
loạn, không đánh đã tan. Tối hôm ấy trở lại bản doanh, chỉ khi quỳ xuống cúi
chào thân phụ và bẩm báo kết quả trận đánh, đầu ngài mới rơi xuống đất, trước
sự ngạc nhiên của đô đốc Thái Bá Du và quân tướng trong trại...
*
Một
truyền thuyết đẹp đượm màu huyền thoại. Theo gia phả họ Thái Bá, thì Phò mã
Kiêm Quận công Thái Bá Kỳ thuộc hàng đại thọ, giặc tan, sống hạnh phúc với Lê
Thị công chúa và một đàn cháu con thành đạt. Có lẽ câu chuyện trên chỉ được
thêu dệt để tôn vinh khí phách, lòng dũng cảm của ngài và binh sĩ dưới quyền
ngài. Điều này có thể hiểu được và dễ châm chước. Vả lại nó là chuyện của thời
xa xưa không ai kiểm chứng và có lẽ cũng không cần kiểm chứng.
Nhưng
chuyện dưới đây thì hoàn toàn có thật, ít ra theo lời kể của ông trưởng họ
trông coi nhà thờ dòng họ Thái Bá ở Đô lương, Nghệ An. Chuyện rằng vào năm 1953
và cả mấy lần sau này nữa, khi ở Nghệ An quê tôi rộ lên cái việc đáng hổ thẹn
là đập phá đền chùa thì chính ngài, Kiêm Quận công Thái Bá Kỳ, đã làm người ta
phải chùn tay, do vậy nhà thờ tổ họ Thái mới giữ được đến ngày nay dù bị mất
mát khá nhiều. Số là trong nhà thờ có tượng ngài bằng gỗ sơn son thếp vàng, và
như các “cán bộ đập phá” thời ấy kể lại thì cái đầu của ngài đã xoay đúng một
vòng quanh cổ để trợn mắt dướn mày nhìn hết lượt những người đang đứng xung
quanh với dao búa trong tay. Thấy thế, họ hoảng sợ bỏ chạy, không dám làm gì.
Tuy nhiên, ông trưởng họ bị một phen long đong về tội “xúi thần linh cản trở
cách mạng xóa bỏ mê tín dị đoan và xây dựng nếp sống văn hóa mới”. Cũng nhờ sự
kiện này mà nhiều đền chùa miếu mạo trong vùng được nương tay hơn.
Nhà
thờ họ Thái Bá chúng tôi ở Đô Lương thờ cụ tổ Thái Bá Du, năm 1993 được nhà
nước cấp bằng công nhận “Di tích Lịch sử,
Văn hóa” để ghi nhận công lao các công thần danh tướng họ Thái Bá đối với
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước các triều vua trước đây. Kèm theo bằng là
các ghi chép cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp những người danh tiếng trong dòng
họ. Nổi bật nhất là vị tổ thứ bảy Thái Bá Du (1521 - 1582), người sau này được
phong chức Thái Phó, chức quan thứ hai trong hàng Tam Công của triều đình nhà
Lê. Cụ có tám người con trai đều nối dõi binh nghiệp của cha, hai người là phò
mã được phong tước Quận công, sáu người còn lại mang tước hầu, có đền thờ rải
rác khắp nước. Sáu con gái của cụ thì một lấy vua Lê Thần Tông (Thái Ngọc
Thụy), một lấy vua Lê Triết Vương (Thái Ngọc Bản), người nữa lấy Chúa Trịnh
(Thái Ngọc Quỳnh). Ba người còn lại là vợ các Quận công danh tiếng trong triều.
Hàng cháu chắt cụ cũng nhiều người làm nên công sự lớn, trong đó có cụ tổ chi
Diễn Châu của tôi là Thái Bá Đậu, sau này được vua Nguyễn phong là “Mậu Quốc công, Trụ quốc Trung trật”, coi
như rường cột triều đình.
Vậy là dòng họ Thái Bá trải qua bao đời vua
chủ yếu nổi tiếng nhờ các quan võ. Quan văn đến nay mới chỉ biết đến một người
là Thái Thuận (còn gọi là Sái Thuận - chữ Hán, Thái và Sái đọc như nhau), cố
của Thái Bá Du. Cụ Thái Thuận sinh 1441 (năm mất không rõ), đậu tiến sĩ khoa Ất
Mùi năm 1475, làm việc ở quán các dưới triều vua Lê Thánh Tông hơn hai mươi
năm, một thời gian còn kiêm chức Tham Chính tỉnh Hải Dương. Cụ làm thơ hầu như
suốt cả đời mình, có tới hàng nghìn bài nhưng chỉ lưu được tập “Lã Đường Di Cảo Thi Tập” hơn hai trăm
bài, người đời hết lời ca ngợi (được cố nhà thơ Quách Tấn dịch năm 1972 ở miền
Nam và Bùi Duy Tân, Đào Phương Bình dịch in lần nữa năm 1979 ở miền Bắc). Trong
tập “Truyền Kỳ Mạn Lục”, Nguyễn Dữ
dành hẳn một truyện viết về cụ, là truyện “Kim
Hoa Thi Thoại Ký”. Vua Lê Thánh Tông phục tài thơ Thái Thuận mà đặc phong
cụ làm “Tao Đàn phó nguyên súy”, chỉ
sau vua là chánh. Cụ mất và được an táng tại làng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại,
nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi còn lưu được chiếc miếu nhỏ thờ
cụ. Một trường trung học ở thị xã Bắc Giang hiện mang tên Thái Thuận. Ông nội
cụ là Thái Bá Tâm, một người nổi tiếng đời Trần, từng theo Trần Tùng Quang đánh
quân nhà Minh, giữ chức Tư lệnh Quân vụ.
*
Tôi
nay đã thuộc lớp người già, mà người già thì hay có những trò bị coi là lẩm
cẩm. Thi thoảng tôi giấu gia đình vào Quốc Tử Giám, ngồi tựa lưng vào tấm bia
tiến sĩ có khắc tên cụ tổ để được gần cụ, được hưởng chút hơi hướng văn thơ của
cụ, hoặc đơn giản được sung sướng nghĩ rằng tôi là người có gốc có rễ, gốc rễ
bám rất sâu vào lịch sử dân tộc.
Cách đây không lâu, tôi đưa vợ về quê, dẫn
ra nghĩa trang chi Thái Bá ở Diễn Châu, trên một ngọn đồi gần làng. Trước bàn
thờ là lăng cụ tổ Thái Bá Khiếu với tấm bia đá ghi rõ công trạng cụ. Phía dưới
là mấy dãy mộ các đại gia đình trong họ, ngắn dài tùy theo số lượng người đã
chết. Tôi chỉ vào phần đang dành sẵn cho tôi và nói: “Tôi và bà sau này sẽ nằm
đây!” Vợ tôi, một người Hà Nội gốc, lại còn trẻ, chỉ cười không nói gì. Thế mà
tôi buồn mất mấy ngày. Tất nhiên cả điều này cũng bị vợ coi là lẩm cẩm. Hôm sau
chúng tôi đi xe đò lên Đô Lương viếng nhà thờ gốc của dòng họ Thái Bá thờ cụ tổ
mà cháu con rất đỗi tự hào là Tả Tư mã, Thái phó Thái Bá Du.
Trong
nhà thờ có nhiều tượng lớn nhỏ mà thú thực tôi chẳng biết rõ tượng nào là của
ai, trừ tượng cụ tổ. Tôi thơ thẩn hồi lâu, cố tìm một điều và cuối cùng đã tìm
thấy nó. Một vết cắt rất mảnh quanh cổ pho tượng ngay bên phải dưới tượng cụ
tổ. Chắc đây là tượng cụ Thái Bá Kỳ, Phò mã Thái Bảo Kiêm Quận công, “Trí dũng trung đẳng đại vương”, kỵ sĩ
không đầu trong trận Cầu Giền oanh liệt đại thắng quân Mạc năm Quang Hưng thứ
mười lăm. Tối hôm ấy (thêm một trò lẩm cẩm nữa của người già), tôi xin phép ông
trưởng họ được ngồi lại một mình trong nhà thờ, lúc nào muốn thì về nhà ông
ngủ.
Tôi
ngồi yên rất lâu trong sự im lặng gần như tuyệt đối, dưới ánh đèn điện màu hồng
hình nến cao trên bệ thờ, giữa bao nhiêu là tượng, bài vị, gươm giáo và cả một
đôi ngựa gỗ. Trong đầu tôi chẳng có ý định gì cụ thể. Từ lâu đã qua cái tuổi sợ
và tin những điều vẩn vơ, nhưng lúc ấy tôi rất muốn và cố tình chờ ai đấy trong
số các bức tượng, cụ Thái Bá Kỳ chẳng hạn, sẽ từ từ bước ra thành người thật
như trong các truyện ma tôi viết gần đây. Có thể các cụ sẽ cho biết thêm đôi
điều về về lịch sử dòng họ chăng? Có thể
các cụ sẽ trách mắng tôi và lũ hậu duệ hèn nhát, bất tài chăng? Quả thật tôi
chẳng biết và chẳng nghĩ tới điều đó. Đơn giản tôi muốn được nhìn thấy ai đấy
trong số các cụ. Thậm chí tôi gần như tin điều kỳ diệu này nhất định sẽ xẩy ra.
Thì đã gọi là người già hay lẩm cẩm.
Tôi
tin và kiên nhẫn ngồi chờ trong trạng thái lâng lâng mê muội. Mấy lần tôi nghe
có tiếng sột soạt, tiếng gì rất lạ và bí ẩn. Tôi nhắm mắt, hy vọng khi mở ra sẽ
thấy điều kỳ diệu. Cuối cùng, lúc ấy đã quá nửa đêm, tôi chợt nghe có tiếng
động và tiếng bước chân rất nhẹ, những âm thanh có thật và mỗi lúc một rõ hơn.
Tôi nín thở chờ đợi. Tiếng bước chân đã rất gần, hình như ngay bên cạnh, và tôi
từ từ mở mắt.
“Ông
lẩm cẩm vừa thôi. Khuya rồi không về ngủ, còn ở đây làm gì?”
Trước
mặt tôi không phải cụ Thái Bá Kỳ oai phong lẫm liệt, mà là bà vợ cau có được
ông trưởng họ dẫn đi tìm chồng. Tôi miễn cưỡng đứng dậy, lần nữa buồn bã nhìn
ông tượng có đường cắt rất mảnh quanh cổ. Vì lý do nào đó, ngài đã không hiện
lên với tôi, nhưng tôi thấy ngài hình như đang nheo một mắt tinh nghịch và mỉm
cười. Là người viết truyện ma, tôi có thể dễ dàng phịa ra đủ chuyện, nhưng đây
là chuyện nghiêm túc liên quan đến tổ tiên, dòng họ, tôi phải trung thành với
sự thật. Cái sự thật đó là lúc ấy có một trong những cụ tổ của dòng họ Thái Bá
đã nhìn tôi với nụ cười bao dung, thông cảm.
Hà Nội, 30.5.2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét